Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 17) | Thầy Thái Lễ Húc

 

Tập 17: Sanh mạng trong hơi thở, chết rồi rất là nguy hiểm!

Ngày 29 tháng 09 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, chúc mọi người buổi sáng tốt lành!

Chúng ta hôm qua nói tới “toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tỵ chi”, tiếp theo là “ác tinh tai chi”. Đoạn kinh văn này đều là nói con người sau khi tạo nghiệp đã chiêu cảm đến những quả báo không tốt. Tất cả các cuộc gặp gỡ của người thế gian, thật ra đều là tâm của chính mình chiêu cảm tới. Hễ người ta hiểu rõ đạo lý này thì họ sẽ không thoái thác trách nhiệm, sẽ không oán trời trách người. Cho nên, người đời này nếu không muốn tạo nghiệp thì trước hết phải hiểu lý lẽ. Không hiểu lý lẽ thì muốn không oán trách trời đất, oán trách người thật sự không hề dễ.

Tai họa là do tâm của chính mình chiêu cảm tới, nhân duyên thù thắng trong cuộc đời cũng là do tâm của chính mình chiêu cảm tới. Cho nên làm việc thiện hay làm ác thì bước đi trong cuộc đời là tuyệt đối không giống nhau. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói rằng: có thể “Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp luôn luôn tăng trưởng, không để tơ hào bất thiện xen tạp”, có thể dụng công như vậy, “ắt có thể khiến điều ác mãi đoạn, thiện pháp viên mãn”, hơn nữa lại thường có thể “thân cận chư Phật Bồ-tát và các Thánh chúng”. Mọi người có muốn thường xuyên thân cận chư Phật Bồ-tát không? Nói cụ thể hơn một chút, tức là thân cận Quan Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát. Phải làm sao? Thực hành mười thiện nghiệp sẽ phù hợp tiêu chuẩn thiện nam tử thiện nữ nhân, quả báo đời này của họ sẽ thù thắng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.

“Thường niệm” là tâm thiện, “tư duy” là tư tưởng thiện, “quan sát” là hành vi thiện. Đọc Kinh Vô Lượng Thọ tức là quan sát, noi gương hành trì của A-di-đà Phật. Mười thiện nghiệp là sanh về cõi trời, là cơ sở chung quan trọng nhất để trở thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, thậm chí là Vô thượng Bồ-đề. Cho nên người hành thiện mà không cầu phước báo, luôn luôn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định vãng sanh. Chúng ta học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì cũng phải từ một góc độ khác để mong đợi vào bản thân mình: Không những không được chiêu cảm những ác báo mà phải làm sao cầu được quả báo viên mãn nhất, thù thắng nhất đời này, đây là chỗ chúng ta phải thường xuyên hạ công phu.

Đoạn này phía sau có nói rằng “ác tinh tai chi”. “Ác tinh” này là hung thần ác sát mà tục ngữ thường nói. Họ xem thấy người làm việc ác, họ ghét ác như kẻ thù nên sẽ giáng tai họa xuống những người ác này. Mọi người phải hiểu rằng những quỷ thần này giáng họa là họ đang thực thi, họ giáng họa xuống thân mình, tại sao không giáng họa xuống thân người khác? Có phải do họ quyết định không? Họ chỉ là người thực thi. Cũng giống như cảnh sát bắt người, cảnh sát có thể bắt người bừa bãi không? Không được, đó là người phạm tội rồi mới bị bắt.

Chúng ta đọc tới đoạn này trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì có thể hiểu được việc giám sát, theo dõi người làm ác, cho đến thực thi hình phạt, quả báo, đây là quyền hạn của thần minh. Nhưng tại sao lại chiêu cảm những ác báo này? Đó là do bản thân người ta tự làm tự chịu, là do nghiệp lực của mình quyết định. Chúng ta không tạo những điều ác đó thì những tai họa này không thể nào giáng xuống đầu chúng ta. Điều căn bản này, chúng ta phải hiểu thật rõ.

Sư phụ trong lúc giảng kinh đã từng nhắc tới, năm đầu Dân quốc, lão tiên sinh Chương Thái Viêm, đó là đại sư quốc học, quan viên cõi âm tìm ông nhờ giúp đỡ, cho nên buổi tối ông vẫn phải làm việc. Ông là đệ tử Phật, ông cảm thấy hình phạt ở địa ngục hết sức tàn nhẫn, có hình phạt bào cách, ôm lấy trụ sắt đã nung nóng. Ông cảm thấy như vậy quá tàn nhẫn, liền kiến nghị với viên quan này, có thể hủy bỏ những hình phạt như vậy không? Viên quan đó nói: “Ngài hãy xem trước”. Cũng không trực tiếp nói là được hay không mà để tự ông đi xem. Tiểu quỷ đưa ông tới hiện trường hình phạt, ông không nhìn thấy gì. Bỗng nhiên ông tỉnh ngộ, thì ra quả báo ba đường ác, địa ngục là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra, đều là tự làm tự chịu. Cho nên phải chịu ác báo mà biết sám hối sửa lỗi thì sẽ nhanh chóng chuyển họa thành phước, việc này phải xem lại ý niệm của chính mình.

Ở Cử Thành, Sơn Đông có một vị Trưởng Sử họ Mã, Trưởng Sử có lẽ là một chức quan. Ông là người cậy tài khinh người, lại rất buông thả dục vọng, quyền lực của bản thân, điều này đã tích lũy rất nhiều nghiệp ác. Kết quả là có một viên thiên thạch rớt xuống, vừa hay rơi vào trong nhà của ông. Bắt đầu từ lúc đó, nhà ông bị kiện cáo không ngừng, có người phải vào lao ngục, trong nhà thị phi, tranh chấp rất nhiều, lại có người bị bệnh, một xâu chuỗi tai họa kéo tới. Sau đó bản thân ông trong vòng khoảng một năm thì qua đời, nhà tan cửa nát. Cho nên điều này đều có điềm báo, “ác tinh tai chi”.

Người tu học chúng ta phải rất nhạy bén, phải phòng ngay lúc ban đầu, không thể đợi đến lúc “đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tỵ chi, ác tinh tai chi” mới chịu hối lỗi, sửa lỗi. Lúc này cũng hơi bị muộn rồi, phải biết quan sát tình hình của bản thân (đã không tốt rồi). Đó cũng là nói, người đang tu hành, thiện nghiệp, phước đức, trí huệ của bản thân đều đang được nâng cao, nhưng vẫn phải biết quan sát, quán chiếu càng thêm tỉ mỉ.

Nói tới chỗ này, chúng ta nhớ tới Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn, đặc biệt có thể khiến chúng ta quan sát được sự tu học của bản thân là đang nâng cao hay đang xuống dốc. Tiên sinh Liễu Phàm nói rằng: “Hoặc tâm thần bế tắc, chớp mắt liền quên”. Điều này là tướng của tội nghiệp, ác nghiệp khá nặng mới có những triệu chứng như vậy. “Hoặc vô sự mà thường phiền não”, chúng ta bây giờ phải “hoặc vô sự mà thường niệm Phật”, tuyệt đối không thể khởi vọng tưởng, lãng phí thời gian mà còn tạo nghiệp. “Hoặc thấy quân tử mà ngượng ngùng mất tinh thần”, xem thấy người ta có đức hạnh thì rất là ái ngại. Thấy ái ngại còn được, là có thiện căn. Nếu như “hoặc thấy quân tử mà sanh tâm đố kị”, đó là tội càng thêm nặng. “Hoặc nghe chánh luận mà không vui”. Ví dụ buổi sáng phải làm thời khóa sáng, “lại phải đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nữa, chán chết được!”, nghĩ vậy là phiền phức rồi. “Hoặc làm ơn mà người lại oán”, quý vị đối tốt với người, người ta còn mắng quý vị. Nếu như quý vị thấy rất ấm ức thì đó là tướng đang tạo nghiệp, nghiệp lực quá nặng nên chiêu cảm những hiện tượng này. “Hoặc đêm mộng điên đảo”, nằm mơ đều là những chuyện kì quặc lạ thường, còn bị giật mình tỉnh giấc, cái này đều là điềm báo. Hoặc “vọng ngôn thất chí”, gặp phải một số việc, động một chút là không muốn làm nữa, “Không làm nữa”, “Không xong rồi”. Đây đều là tướng của tạo nghiệp. Chúng ta xét lại mình, không phải đợi đến nghiệp báo hiện tiền mới xét lại mình, khi có chút điềm báo thì phải mau mau thúc giục bản thân có bước đột phá, sửa lỗi.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư có một đoạn khai thị có rất nhiều gợi mở đối với chúng ta. “Thiên tứ chi phước”, ông trời muốn ban phước cho người nào thì “tiên khai kì huệ” (đầu tiên mở mang trí tuệ cho họ). “Thiên giáng chi phạt”, ông trời muốn giáng tội cho người nào thì “tiên đoạt kì phách”, người này có tình trạng như hồn vía trên mây, điều này là có thể nhìn thấy được.

Thế nào là “tiên đoạt kì phách”? “Du hốt”, chữ “du” này tức là hằng ngày chơi bời lêu lỏng, không biết phải nên làm gì, tìm Đông mò Tây, thời gian trôi qua mất. Chữ “hốt” này là làm việc rất không chuyên chú, quên cái này, quên cái kia, sơ suất cái này, lơ là cái kia, hốt hoảng lơ mơ, là “du hốt”. “Hôn nọa”, thường bị hôn trầm, giải đãi, lười biếng. Thật ra mà nói, người chúng ta bây giờ rảnh quá cũng không được, vẫn phải làm thêm một chút việc, tu thêm một chút phước, phục vụ thay chúng sanh. Trong khi phục vụ thì đem cái “tôi” buông nhẹ, buông bỏ đi. Cho nên nói du hốt, hôn nọa. “Tự khi”, rất nhiều việc đều không muốn thừa nhận, đối mặt. “Sức phi”, làm sai rồi còn muốn che đậy. Những tình hình này đều là “tiên đoạt kì phách”.

Thế nào là “thiên tứ chi phước”, thế nào là “tiên khai kì huệ”? “Tàm quý”, thường xuyên biết xét lại chính mình, như lời Đại Sư Ấn Quang nói: “Lúc tĩnh tọa thường nghĩ lỗi mình, khi nhàn rỗi không bàn lỗi người”, đây là “tàm quý”. Tiếp đến “phấn phát”, càng khó càng dũng mãnh, kiên cường bất khuất gọi là “phấn phát”. Còn có “cải quá”, có lỗi phải sửa, hơn nữa phải sửa tận gốc, đối trị từ khởi tâm động niệm. Người luôn luôn khởi lên tâm “tàm quý, phấn phát, cải quá” thì đây chính là điềm báo ông trời muốn khai mở trí huệ của họ, muốn ban phước cho họ.

Trên thực tế, người đời sẽ phát triển theo hướng nào, bản thân họ phải là người biết rõ nhất, “mệnh do mình tạo, phước tự mình cầu”. Đối mặt với những cuộc gặp gỡ trong đời, thật ra mà nói, “cảnh duyên không tốt xấu”, chúng ta ở trong cảnh duyên mà biết xét lại mình, biết sửa lỗi thì họa đều sẽ chuyển thành phước báo. Ngày nay tình hình cả xã hội, thế giới mà chúng ta đang đối mặt, thiên tai khá là nhiều. Sư phụ thường nói, chúng ta gặp phải thời đại này là bất hạnh mà cũng là may mắn. Bất hạnh là vì tai họa vô cùng nhiều. Nhưng tại sao chúng ta lại đầu thai đến thế gian này vậy? Việc này cũng là do nghiệp lực của bản thân chúng ta chiêu cảm tới. Quý vị đồng đạo, có ai bị đẩy xuống đây không? Việc đó đều là do chính mình tự chọn lựa, “nghiệp bất trọng bất sanh Ta-bà” (nghiệp không nặng thì không sanh cõi Ta-bà). Cho nên đầu thai đến cõi Ta-bà, chúng ta phải rút kinh nghiệm xương máu, không thể tiếp tục trầm luân mãi được. Hơn nữa mượn sự khổ nạn trong thời đại này để đánh thức tâm từ bi của chính mình. Thông qua việc bản thân đoạn ác tu thiện mà làm tấm gương tốt cho người thế gian, khiến người thế gian nhìn vào đều thấy cảm động, noi gương, cũng có thể đoạn ác tu thiện.

Nếu như chúng ta có thể mong đợi chính mình tận tâm tận lực đem pháp môn niệm Phật giới thiệu cho người có duyên thì đây chính là công đức vô thượng, là “thọ trì quảng độ sanh tử lưu, Phật thuyết thử nhân chân thiện hữu” (thọ trì rộng độ dòng sanh tử, Phật bảo người ấy chân thiện hữu). Tại sao là chân thiện hữu? Họ khuyên một người hiểu rõ rồi, người này đời này sẽ được làm Phật. Bản nguyện của Phật Bồ-tát độ chúng sanh đều là hy vọng giúp đỡ chúng sanh sau cùng được thành Phật. Chúng ta luôn giới thiệu cho người khác pháp môn đời này thành Phật, đó là tương ứng với bổn nguyện của chư Phật. Cho nên tại sao tụng Kinh Vô Lượng Thọ thì chư Phật Bồ-tát đều gia trì? Vì tâm, nguyện, giải, hành đều tương ứng.

Tất nhiên, muốn khuyên người khác thì là “vì người mà diễn thuyết”, bản thân phải làm cho tốt mới có thể khuyên người, chúng ta phải là tấm gương tốt trong việc niệm Phật. Dạo này sư phụ thường nhắc tới, cư sĩ Lưu Tố Vân là tấm gương tốt của người niệm Phật chúng ta. Người ta (cư sĩ Lưu Tố Vân) bị bệnh Lupus ban đỏ cũng do niệm Phật mà khỏi, bây giờ hơn 60 tuổi, tinh thần đều hết sức tốt. Sư phụ cũng thường mong đợi người niệm Phật chúng ta phải cố gắng tinh tấn nâng cao bản thân, đến lúc lâm chung có thể biểu diễn một chút, mở một đại hội vãng sanh. Sao mà hình như là quý vị chưa từng nghĩ như vậy, phải không? Nói mọi người nghe, thời đại hiện nay, nếu không chứng chuyển, không biểu diễn thì người bình thường rất khó tin theo.

Có một người bạn, niệm Phật rất tinh tấn, thật sự rất dụng công, nhưng anh nói anh vẫn không tin tưởng lắm là có thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không. Tôi cảm thấy rất đáng quý, anh rất chân thật, anh không giả vờ tin tưởng. Anh rất thẳng thắn, ngay thẳng là đạo tràng, “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết”, anh cũng thừa nhận. Gần đây anh có tới núi Kê Túc, vừa hay vào mấy tháng trước có một lão Bồ-tát vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, điềm lành hiếm có, hơn nữa còn biết trước giờ ra đi. Cả quá trình đều được quay lại, cho nên điềm lành đó, cả những ánh sáng cát tường thảy đều được ghi hình lại. Việc này tôi cũng có biết. Tại sao ư? Vừa hay lúc đó tôi đi Thâm Quyến, lúc đó ở đó có mở lớp, chúng tôi qua đó một chút. Viện trưởng Hướng phụ trách đạo tràng núi Kê Túc, họ và chúng tôi cùng ở Thâm Quyến đợi mấy ngày. Kết quả lão Bồ-tát đó đã gọi điện thoại đến Thâm Quyến nói “Tôi sắp vãng sanh rồi”, gọi viện trưởng Hướng mau mau quay lại giúp cụ lo liệu hậu sự. Cho nên tôi vừa hay cũng biết được sự việc này. Thật vậy, khi vừa quay về, cụ lập tức biết trước thời gian đã đến, liền vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Từ sự việc này tôi cảm nhận sâu sắc rằng, ở thời đại này, quý vị không biểu diễn ra mà muốn người khác khởi tín tâm là không hề dễ. Lại suy ngẫm sâu thêm một chút, bản thân chúng ta có tin là có thế giới Tây Phương Cực Lạc không? Việc này cũng không được lừa gạt chính mình.

Cho nên “tôn kính Đức Phật, đó là đại thiện”, có thể cung kính tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ-tát, đây là người có đại thiện căn. “Thật tâm niệm Phật, đoạn tuyệt nghi ngờ”, không được có nghi ngờ, Phật là chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả (Phật là người nói lời chân thật, nói lời đúng như vậy, không nói lời lừa gạt, không nói lời khác biệt). Hơn nữa, tâm chí thành niệm một câu Phật hiệu có thể tiêu trừ tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử. Cho nên chúng ta đừng sợ nghiệp nặng đã tạo trong đời quá khứ, đời này có thể thọ trì vạn đức hồng danh thì tội chướng đều có thể được tiêu trừ.

Đại sư Ấn Quang có một câu nói rất quan trọng: “Niệm Phật mới hòng tiêu túc nghiệp, chí thành sẽ tự chuyển phàm tâm”, tâm chí thành thọ trì Phật hiệu, đời này sẽ có thể chuyển phàm thành thánh. Chúng ta là người có đại phước báo nên mới có cơ hội thọ trì Phật hiệu của A-di-đà Phật. Chỉ cần y giáo phụng hành, tự lợi lợi tha, bản thân chúng ta tự hóa giải những tội nghiệp, đồng thời trong thời đại khổ nạn này, niệm Phật, từng niệm hồi hướng hóa giải tai họa thế gian. Cho nên mọi người khi đang niệm Phật phải đem chúng sanh đặt trong tâm mình, mình niệm thêm câu Phật hiệu thì tai họa sẽ có thể giảm nhẹ, đây chính là lợi ích của thời đại này đối với chúng ta, có thể luôn luôn thức tỉnh tâm từ bi của chúng ta. Và thần minh tuyệt đối không giáng họa cho người sám hối sửa sai. Cho nên chỉ cần chịu quay đầu thì phước sẽ tới, tục ngữ có câu “quay đầu là bờ”. Chúng ta coi tiếp câu kinh văn tiếp theo:

Toán tận tắc tử”.

Những điềm báo tai họa nói trên, nếu như ta vẫn không cảnh giác, vẫn không sửa lỗi thì thọ mạng có thể sẽ không còn. Cho nên chúng ta thấy chữ “tử” này thì phải rất cảnh giác, đường đến suối vàng không phân già trẻ, tổn hết phước báo là xong, thọ mạng đã đến phút cuối. Đức Phật đã từng hỏi đệ tử, sanh mạng dài bao nhiêu? Đệ tử thứ nhất nói, trong vòng mấy ngày; đệ tử thứ hai nói, trong vòng một bữa ăn. Đức Phật đều lắc đầu. Đệ tử thứ ba nói, trong vòng hơi thở. Đức Phật mới gật đầu. Thật ra mạng sống con người, một hơi thở không tới nữa thì liền mất mạng. Giống như tôi đã nói với mọi người là tôi ngủ gật trên đường cao tốc, nếu như không có Phật Bồ-tát gia hộ thì có thể đã đi báo danh bên chỗ vua Diêm Vương rồi, điều đó không cần biết quý vị bao nhiêu tuổi. Có một cụ già đã qua đời, đến chỗ vua Diêm Vương kháng nghị, tại sao ngài không báo trước cho tôi một chút? Vua Diêm Vương nói, ta đã báo trước cho ngươi rất nhiều lần rồi, ví dụ như răng của ngươi cứ bị rụng, ví dụ tóc ngươi cứ bị bạc, đều là ta đang báo cho ngươi đấy. Tiếp theo đó là một người thanh niên, răng tôi còn chưa rụng, tóc tôi cũng chưa bạc, vậy vua Diêm Vương ngài không thông báo cho tôi. Vua Diêm Vương nói, một gia đình phía bên Đông nhà ngươi chẳng phải có người ba bốn chục tuổi đã chết rồi sao? Hàng xóm bên Tây nhà ngươi chẳng phải hai mươi mấy tuổi đã chết rồi sao? Ngươi cũng đã từng gặp mấy em bé vừa sanh ra đã chết rồi, sao ta lại chưa thông báo cho ngươi?

Cho nên “nhớ đến vô thường, xin đừng phóng dật”, không thể nào giải đãi thêm nữa. Hành thiện không thể đợi, làm việc hiếu không thể đợi. Chúng ta xem thấy chữ “tử” này thì phải cảnh giác điều gì? Sư phụ thường nói, chết rồi là nguy hiểm lắm. Người thế gian nói chết là xong hết mọi việc. Điều đó là tuyệt đối sai lầm. Sau khi chết rồi thì theo nghiệp lưu chuyển, vậy thì chúng ta phải rất cảnh giác, chúng ta sẽ đi về cõi nào? Nghĩ thử coi, mỗi ngày ác niệm nhiều hay thiện niệm nhiều? Ác niệm nhiều thì đọa ba đường ác. Sư phụ thường nhắc nhở chúng ta, ba đường thiện là tham quan du lịch, ba đường ác là quê hương. Hễ không cẩn thận liền trở về quê hương, liền bị đọa lạc. Đây là một vấn đề rất nghiêm túc, mỗi ngày thiện niệm nhiều hay ác niệm nhiều?

Hôm qua nói với mọi người một câu kệ của thầy giáo Lý Bỉnh Nam, chúng ta phải tiếp thu, phải làm cho tốt. “Vọng niệm vừa khởi niệm liền mười câu Phật, vọng niệm chẳng nhiều bằng câu Phật. Nếu không sát-na khởi vọng niệm, sao được Phật hiệu như thoi đưa?”. Chỉ cần khởi một vọng niệm thì liền cảnh giác bằng cách niệm 10 tiếng Phật hiệu. Mỗi một vọng niệm vừa khởi, liền mau niệm tiếp 10 tiếng thì đảm bảo Phật hiệu nhiều hơn vọng niệm, đây là phương pháp tốt. Chư vị đồng tu bây giờ rất hiếm có, nghe được phương pháp tốt liền làm theo, đây gọi là “kiến thiện như bất cập”, nghe được đạo lý hay, chỉ sợ không mau chóng làm theo được.

Chúng ta dạo này có thảo luận rằng, nên tìm một thói xấu nghiêm trọng nhất của bản thân rồi đối trị cho thật tốt. Tôi nghe thấy rất nhiều đồng đạo đã bắt đầu tìm rồi, có người tìm “mũ quần áo, để cố định”, có người tìm “lời nhường nhịn, oán giận mất”. Bản thân tôi là tìm “phàm nói ra, tín trước tiên”, tôi có lúc nhận quá nhiều công việc, thất hứa với người khác là không tốt, phải mau mau ghi chép lại. Đối trị vấn đề nghiêm trọng nhất của chính mình, làm thật, thật sự hạ công phu thì sẽ cảm được sự gia hộ của quỷ thần, Phật Bồ-tát.

Hôm nay nói với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!