Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 20) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 20: Khai thị làm thế nào thay đổi vận mạng trong Du Tịnh Ý gặp Táo Thần.

Ngày 02 tháng 10 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới đoạn kinh văn: “Nguyệt hối chi nhật, Táo thần diệc nhiên”, “Táo thần” giám sát những việc thiện ác trong một gia đình, vào ngày sau cùng trong mỗi tháng sẽ lên thiên đình báo cáo.

Vào thời Minh, có một người học trò tên là Du Đô đã từng có một cơ duyên, Táo quân thị hiện cho ông, khai mở cuộc đời ông, đây là một ví dụ về sửa đổi vận mệnh. Hôm qua chúng ta vừa nói tới, cuộc đời của Du Tịnh Ý Công rất không thuận lợi, mặc dù cùng bạn học kết Văn Xương Xã rất nhiều năm rồi, xem ra đã làm không ít việc thiện. Hàng xóm láng giềng cũng cảm thấy họ là người lương thiện, nhưng hơn 40 tuổi rồi mà chưa thi đậu. Hơn nữa, con cái của ông, năm người con trai chết mất bốn người, một người mất tích; bốn người con gái, sau cùng chỉ còn lại một người. Đã mấy năm liền ông viết sớ văn cho Táo quân, hy vọng ngài có thể lên trời bẩm báo, ông đã làm rất nhiều việc thiện, tại sao cuộc đời lại thê thảm như vậy?

Vào đêm giao thừa, ông cùng với vợ và con gái ở trong nhà, thật sự là rất thê lương, chúng ta thường nói nhà chỉ có bốn bức tường để tả cảnh túng quẫn như vậy. Bỗng có người tới gọi cửa, vừa mở cửa, là một ông lão râu tóc đã bạc gần hết, mặc bộ đồ màu đen, trên đầu còn quấn khăn, người ấy bước vào. Sau đó người ấy nói với ông rằng vừa nghe thấy trong nhà ông bà có rất nhiều tiếng than thở, đau buồn, nên đến an ủi. Tiên sinh Du Dô đã đem những tai họa gặp phải nói hết với vị tiên sinh này.

Sau khi nói xong thì vị tiên sinh này tự giới thiệu. Ông nói ông họ Trương, rồi nói rằng: “Ông ý ác quá nặng, chỉ cầu hư danh, viết sớ đầy oán hận, xem thường Thượng đế”. Mười sáu chữ này là vấn đề lớn nhất của ông. Mười sáu chữ này thật ra không chỉ là vấn đề của Du Đô, trên con đường tu học, nếu như chúng ta không có tâm cố gắng soi xét chính mình, cũng rất có thể sẽ xuất hiện vấn đề như vậy. “Ý ác quá nặng”, tức là những ý niệm tham sân si mạn quá nhiều. Hơn nữa, “chỉ cầu hư danh”, tức là chỉ làm cho người khác xem, thật ra trong tâm không thống nhất với lời nói, hành động của chính mình. Sau đó còn cầu quả báo tốt, cầu không được thì oán trời trách người, cả trang giấy viết ra đều là lời oán trách. “Xem thường Thượng đế”, trong quá trình oán trách này, thật ra đã không cung kính trời đất quỷ thần, trách móc họ, tại sao cuộc đời tôi lại bi thảm như vậy, sao còn chưa mau mau ban phước cho tôi! Tiên sinh Du Đô nghe thấy những lời tiên sinh Trương này nói liền lập tức nói: “Tôi đã nhiều năm nay luôn phụng hành Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, đã làm nhiều việc thiện như vậy, sao có thể nói đều là hư danh?”

Từ điều này chúng ta cảm nhận được rằng, khi người khác chỉ ra khuyết điểm của chúng ta, chúng ta biết lập tức nhận lỗi, đây cũng là sự tu dưỡng không đơn giản. Như Đệ Tử Quy có nói: “Nghe khen sợ, nghe chê vui; người hiền lương, dần gần gũi”. Thông thường người ta chỉ ra vấn đề của chúng ta, có thể chúng ta sẽ bất giác, giống như một động tác phản xạ vậy, trước tiên là biện bạch, giải thích. Cho nên tu hành tức là đem những phản ứng quen thuộc nhất như là biện bạch, viện cớ, tự tư tự lợi chuyển thành xa lạ, đem thái độ vốn dĩ xa lạ là luôn luôn nghĩ cho người khác, hoặc là thái độ tự xét lấy mình, dần dần biến thành lúc nào cũng khởi lên được, đây chính là then chốt của sự tu hành, “chỗ lạ thành quen, chỗ quen thành lạ”. Đã là một quá trình thì không thể gấp gáp cầu mong thành tựu, muốn phải nhanh chóng có được thành tựu thì ý niệm đó chính là nôn nóng, chính là tham cầu, sẽ là dục tốc bất đạt. Cho nên nhìn ra được vấn đề thì mới sửa được, sư phụ thường nói: “Phát hiện lỗi lầm của mình là khai ngộ”, có lẽ là một việc tốt. Người ta nói với chúng ta vấn đề của chúng ta, khi chúng ta hiểu ra thì ngày hôm đó đã khai ngộ, sẽ không bị uổng phí. Đó cũng là người khác giúp đỡ tác thành sự hiểu biết lý lẽ của chúng ta, tìm được vấn đề của chính mình, chúng ta phải cảm ơn đối phương.

Nhưng nếu như đối phương nói không đúng, chúng ta không biện giải, đó mới là công phu. Người ta hiểu lầm chúng ta, hủy báng chúng ta, chúng ta đều có thể chịu được, đó mới là công phu tu nhẫn nhục. Không chịu được một chút hiểu lầm, một chút oan uổng thì lòng dạ không đủ rộng. Nóng vội muốn giải thích sẽ khiến người ta cảm thấy là “đừng nói với họ nữa, họ sẽ không tiếp thu đâu!”. Cơ duyên được bạn hiền khuyên bảo có thể sẽ bị đứt đoạn mất chỉ vì chúng ta nóng vội biện giải, viện cớ, những duyên lành này sẽ bị đứt đoạn. Cho nên người tu đạo có phúc hay không thì phải xem có thể tiếp thu lời khuyên hay không. Một người nghe kinh, lúc họ nghe đều cảm thấy câu nào cũng là đang nói tới mình, mình chính là người trong cuộc, Đức Phật, thánh hiền đang nói cho mình nghe, có thái độ này thì câu nào cũng được thọ dụng lớn.

Phản ứng của Du Đô, liền nói: “Tôi làm nhiều như vậy, tại sao đều là hư danh chứ?” Nhìn từ phản ứng này thì những việc thiện đã làm đều để ở trong lòng, để ở trong lòng tức là muốn cầu quả báo tốt. Cho nên hành thiện phải không màng danh văn lợi dưỡng, phải không cầu quả báo, phải dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành mà hành thiện mới tốt. Nếu có tâm cầu quả báo mà quả báo cầu được không như điều mình muốn thì sẽ sanh phiền não. Cho nên trong quá trình hành thiện phải thật sự thanh tịnh, là phải “không cầu có công, chỉ mong không tội”. “Không cầu có công” thì sẽ không cầu báo đáp, “chỉ mong không tội” thì sẽ hết sức cẩn thận quán chiếu khởi tâm động niệm của bản thân, sẽ quán chiếu làm xong sự việc này thì có vấn đề tệ nạn gì không.

Tiên sinh Du Đô đã giải thích và tiên sinh Trương cũng lấy ví dụ nói rõ cho ông rằng: “Ông nói ông phụng hành giáo huấn của Văn Xương Đế Quân, ví dụ như quý trọng giấy viết, giữ khẩu nghiệp, cấm nữ sắc, cấm sát sanh, (đã phân tích từng điều một cho ông nghe). Ông nói ông quý trọng giấy có chữ viết, xem ra các ông thường đem giấy đi hóa (đốt) để thể hiện sự cung kính đối với những văn chương này. Nhưng ông và bạn bè, và cả học sinh của ông, (tiên sinh Du Đô này có dạy học, có thu nhận những học sinh tư thục), những lúc ông ở chung với họ, vẫn thường hay lấy giấy đi lau bàn, còn mang đi dán cửa sổ. Ông nhìn thấy họ làm những việc này mà chưa bao giờ khuyên bảo họ, sau khi lau xong mới nói: “Ôi chao! Đừng để những giấy này bị người ta giẫm đạp, bị người ta vứt bừa bãi. Nào, ta đem chúng đốt đi”. Sau đó nhặt được giấy liền đem đi đốt. Đây đều là làm cho người khác xem, bản thân mình chưa từng khuyên bảo những hành vi sai lầm này.

Chúng ta nghĩ thử xem, khi nhìn thấy những bạn bè của mình đem giấy có chữ đi lau bàn, tại sao không khuyên? Trong tâm còn e dè: “Sau khi mình khuyên rồi họ sẽ không vui, mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, sau này mình nhờ họ làm việc gì sẽ không tiện nữa”. Kiêng nể sợ mất lòng thì lòng dạ sẽ không được ngay thẳng nữa, giữa những người có học với nhau được gọi là bạn cùng chung chí hướng, nên thẳng thắn mới là đạo tràng, phải “khuyên hướng thiện, hành đạo đức”. Tất nhiên khi khuyên răn thì thái độ phải tốt, nếu không sẽ biến thành tâm trạng hóa. Lúc khuyên bảo, khuyên hướng thiện, phải “mặt ta vui, lời ta dịu” mà khuyên. Cho nên người không có ham muốn cá nhân thì mới có thể thẳng thắn, mới có thể chính trực, vô dục tắc cương (không có ham muốn cá nhân thì giữ được chính trực). Nếu như muốn lấy lòng ai, lúc này trong tâm liền có tham chấp, nói lời không chính trực, những lúc nên nói thì không nói, ngược lại chỉ nói những lời khách sáo.

Tiếp theo tiên sinh Trương lại nhắc tới, ví dụ nói hộ sanh, phóng sanh, thật ra đều là có người đề xướng rồi, sau đó ông mới làm theo. Nếu như không có người đề xướng thì ông cũng chưa có một lần chủ động đi phóng sanh, cho nên tâm của ông vẫn chưa phát ra tâm từ bi chân thật. Cũng tức là nói, ông luôn làm một số hoạt động khiến người ta cảm thấy đây là người tốt thì vẫn là cầu hư danh. Hơn nữa tiên sinh Trương còn chỉ ra rằng, trong bếp của nhà ông bà thường hay nấu những loài như cua ghẹ, tôm tép… thì sao lại nói ông đã tận lực hộ sanh, không sát sanh được chứ? Còn về nữ sắc thì Táo Quân đã chỉ ra rằng thật ra là vì chưa có những tà duyên xảy ra, bình thường lúc nhìn thấy những người xinh đẹp, trong lòng ông cũng đã không kiềm chế được, đã sanh ra tà niệm. Nếu như có tà duyên xuất hiện, ông có đảm bảo chính ông cũng có bản lĩnh như Liễu Hạ Huệ của nước Lỗ không?

Liễu Hạ Huệ là một công án, hôm đó ông muốn vào thành nhưng bị trễ, cổng thành đã đóng mất, mà lúc đó thời tiết vô cùng giá lạnh, Liễu Hạ Huệ liền đợi ở ngoài cổng thành. Tối hôm đó có một người phụ nữ, cũng đã đến cổng thành này, cũng vào không được. Lạnh như vậy, rất có thể sẽ chết cóng, cho nên Liễu Hạ Huệ đã ôm lấy người phụ nữ này cho ngồi ở trong lòng mà tâm không loạn, như vậy mới có thể giúp cô sưởi ấm. Trải qua một đêm, cổng thành mở rồi mới đi vào. Cái đó được gọi là công phu bản lĩnh “có phụ nữ ngồi trong lòng mà tâm không loạn”.

Ngoài ra, trong Khổng Tử Gia Ngữ có một công án kể rằng có một cô gái, đêm hôm đó cuồng phong bão táp nổi lên làm căn nhà của cô bị sập. Cô gái này liền chạy qua nhà bên cạnh, có một người đàn ông cũng đang sống một mình, liền gõ cửa nhà anh và nói, anh mau mau cho tôi vào với, nhà của tôi bị sập rồi, không có chỗ trú mưa. Người đàn ông này cũng là một thư sinh, anh đã không chịu mở cửa. Anh nói, nam nữ thọ thọ bất thân, tôi không thể mở cửa được. Cô gái này liền nói, anh chưa nghe qua câu chuyện của Liễu Hạ Huệ sao? (Đó cũng là người sống cùng thời với họ). Anh nên noi gương ông ấy. Người thư sinh này nói, không được, bản thân tôi chắc chắn không thể kiềm chế được. Cho nên cả đêm đó anh đã không mở cửa. Câu chuyện này truyền tới chỗ Khổng Tử, Khổng Tử nói, người này đã học theo Liễu Hạ Huệ giống nhất. Từ hành vi bên ngoài nhìn có vẻ hoàn toàn không giống nhau, nhưng từ tư tưởng ý định mà nói thì lại là học theo giống nhất. Tại sao? Từng ý niệm một đều biết nghĩ cho đối phương. Liễu Hạ Huệ vì sợ người con gái chết cóng nên giúp cô sưởi ấm. Còn người đàn ông này hiểu bản thân mình rất rõ, sợ không kiềm chế được, như vậy sẽ hủy hoại danh tiết của cô gái kia, cho nên anh không chịu mở cửa. Từ trong tâm mà nói đều là suy nghĩ cho đối phương. Cho nên hành thiện, nhất định phải lượng sức mà làm. Tiên sinh Trương đã nói với Du Đô: “Hãy đặt tay lên ngực mà hỏi, ông có bản lĩnh của Liễu Hạ Huệ không?”

Tiếp đó lại chỉ tới vấn đề khẩu nghiệp, nói cụ thể là tài ăn nói của ông vô cùng giỏi, những lúc thường cùng bạn bè đàm luận, những người này đều rất khâm phục tài ăn nói của ông, sùng bái ông. Nhưng nói nhiều rồi thì bắt đầu khắc nghiệt, châm biếm, những lời nói ra đã chọc giận quỷ thần. Bản thân ông mặc dù trong tâm cảm thấy lời nói của mình không được phúc hậu nhưng vẫn không kiềm chế được cái miệng, vẫn cứ tạo ra không ít khẩu nghiệp.

Thượng đế thường hay nhận được sớ văn do ông viết nên đã phái những quỷ thần đến điều tra. Nhưng mấy năm nay điều tra được là ông không có một việc thiện nào. Và mỗi lần đến điều tra lại phát hiện ra “tham niệm, dâm niệm, tật đố niệm, biển cấp niệm” của ông, chữ “biển” này là tâm địa hẹp hòi, “cấp” là vô cùng nóng nảy, cộc cằn; lại còn “cao kỉ ti nhân niệm”, tức là ngạo mạn, mình thì cao, người khác thì kém; “ức vãng kì lai niệm”, tức là thường hay mong cầu tương lai có được như vậy không, có thể càng tốt hơn không, lo lắng tương lai, muộn phiền quá khứ. Thật ra đều luôn khởi vọng tưởng, đây là trong tâm có điều sợ hãi, có điều lo âu, không được chân chánh. Người tu đạo phải an trú nơi hiện tại, không được lo Đông lo Tây. Lại còn “ân thù báo phục niệm”, tức là thường hay ghi nhớ những người nào mình nhìn thấy chướng mắt, những người nào có lỗi với mình, mình phải tìm cơ hội báo thù. Quy nạp lại vẫn là tham sân si mạn nghi. Những ý niệm này ghim gút trong tâm trí ông, phiền não bộc phát. Tình trạng này của ông là tạo nghiệp, đã càng tích càng nhiều, lánh nạn cũng không kịp nữa rồi, lại còn thường yêu cầu quả báo tốt sao?

Tiên sinh Trương nói tới đây, tiên sinh Du Đô nghe xong cảm thấy ông ấy đã nhìn thấu con người của mình, liền vội quỳ xuống khẩn cầu: “Ngài chắc chắn là thần linh, mau mau giúp tôi chỉ ra một con đường sáng”. Sau đó tất nhiên Du Đô nhận lỗi rồi, tiên sinh Trương nói năng cũng rất nhu hòa, liền nói với ông rằng: “Thật ra ông nghe được những lời giáo huấn tốt, nhìn thấy những hành động tốt, ông cũng vô cùng muốn noi gương, (vẫn khẳng định ông ấy có thiện căn), nhưng lòng tin không đủ kiên định, không thể kiên trì, cho nên làm một số việc thiện lấp liếm cho qua, đều không thể dài lâu. Cho nên ông nhất định phải phát tâm lâu dài mà làm, phải kiên nhẫn mà làm. Tất cả ác niệm đừng để ý tới chúng, hết thảy đều chuyên chú ở bên thiện. Sau đó đừng cầu hư danh, đừng cầu báo đáp, toàn tâm toàn ý mà làm, tận tâm tận lực mà làm. Cho dù làm không thành, trong tâm cũng phải luôn hoan hỷ, cũng phải luôn biết tùy hỉ”.

Sau khi tiên sinh Trương nói với ông xong, đi vào trong bếp rồi không thấy nữa. Lúc đó tiên sinh Du Đô biết rằng vị này chính là thần bếp đến khai thị cho ông. Từ đó ông hết sức nỗ lực đoạn ác tu thiện nhưng cảm thấy vọng tưởng vẫn còn nhiều. Cho nên muốn bỏ ác tu thiện thì phải hạ tâm rất dũng mãnh mới được. Ông làm được một thời gian vẫn cảm thấy ác nhiều thiện ít, ông liền ở trước Quán Thế Âm Bồ-tát khấu đầu đến chảy cả máu, sau đó phát nguyện rằng: “Nguyện thiện niệm vĩnh tồn”, ý niệm thiện luôn được duy trì, thiện lực tinh tấn, nếu vẫn còn tơ hào tự mình khoan thứ, tự mình thoái thác sẽ vĩnh viễn đọa địa ngục, “thảng hữu tơ hào tự khoan, vĩnh đọa địa ngục!”, ông đã ở trước Quán Thế Âm Bồ-tát mà phát ra lời thề này, đã hạ quyết tâm.

Sau đó trong quá trình hành đạo, ông cảm thấy hình như luôn luôn có quỷ thần ở bên cạnh giám sát ông, tính cảnh giác càng ngày càng cao. Ông dụng công phu như vậy quả thật đã phá vỡ được tập khí, không gạt mình nữa, không giải đãi nữa, không tự mình khoan thứ nữa. Cũng do sự không gạt mình này nên đã đột phá được “sự sai bảo của tập khí, khiến hoàn toàn vô tri”, không còn vô tri vô giác nữa. Đối với khởi tâm động niệm của mình không dám tơ hào phóng túng mới có thể đột phá việc không gạt mình. Sau khi ông dụng công ba năm như vậy, đã đạt đến “động tức vạn thiện tương tùy”, hễ có ý niệm, hễ có lời nói, hành động đều là một lòng một dạ muốn tốt cho chúng sanh, muốn tốt cho người khác; “tĩnh tắc nhất niệm bất khởi”, những lúc không có việc gì, tâm trí vô cùng thanh tịnh.

Ba năm đoạn ác tu thiện, vận mệnh của ông đã thay đổi. Ông đã gặp được Tể tướng đương thời là Trương Cư Chính mời ông đi làm thầy giáo tư thục. Hai năm sau đó, ông đã thi đậu tiến sĩ. Sau khi thi đậu tiến sĩ, ông đã gặp một vị thái giám đương thời, vị thái giám đó có thu nhận vài người con nuôi, trong đó có một người con nuôi mà tiên sinh Du Đô cảm thấy rất giống người con trai đã thất lạc của mình, liền hỏi cậu ấy là người ở đâu? Kết quả hỏi xong thì chính là người ở quê ông. Sau đó ông đã hết sức xúc động nói, cậu có thể đưa chân của cậu ra cho tôi xem không? Bởi vì bên dưới chân trái con trai của ông có hai nốt ruồi. Hồi tám tuổi bị thất lạc, lúc này đã mười lăm mười sáu tuổi rồi. Kết quả dưới chân có hai nốt ruồi, chính là con trai ông. Lúc đó vị thái giám nhìn thấy cũng vô cùng kinh ngạc, vội vàng đem con trai trả lại cho ông. Tiên sinh Du Đô đem con trai trở về quê hương của mình, ông không muốn làm quan nữa, quay về quê hương ra sức tuyên truyền những câu chuyện đạo lý nhân quả báo ứng, bỏ ác tu thiện. Dẫn con trai quay về rồi, con trai nhìn thấy mẹ mình vì mất đi đứa con mà đã khóc mù mắt, cậu đã dùng lưỡi liếm đôi mắt của mẹ, sau cùng mắt của mẹ cậu đã được sáng trở lại. Về sau người con trai của tiên sinh Du Đô, sau khi kết hôn sanh được bảy con trai, bản thân ông cũng sống tới 88 tuổi.

Ông dụng công ba năm đã khiến vận mệnh của mình và của cả gia đình đều được thay đổi. Tiên sinh Du Đô, về sau hiệu của ông là “Du Tịnh Ý”, tức là bắt tay làm từ đâu? Bắt tay từ việc làm thanh tịnh ý nghiệp của chính mình. Câu chuyện này khơi gợi cho chúng ta rất nhiều, sư phụ cũng thường nói tới, tu hành phải tu từ căn bản, tu từ chỗ khởi tâm động niệm. “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, chỉ cần có bất kì vọng niệm, tà niệm nào khởi lên, liền mau chóng khởi lên vạn đức hồng danh. Như vậy sẽ có thể đem ý nghiệp chuyển thành thiện niệm, chuyển thành tịnh niệm, kế đó có thể thật sự thay đổi vận mệnh đời này của mình. Càng quan trọng hơn nữa là chí tâm tin ưa niệm Phật, luôn luôn hồi hướng vãng sanh Tây phương, cầu sanh Tịnh độ, vậy đời này chính là một cuộc đời viên mãn nhất.

Hôm nay trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!