Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 24) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 24: Đọc sách Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần sẽ hiểu rõ được rất nhiều vấn đề.

Ngày 12 tháng 10 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!

Chúng ta giảng tiếp câu kinh văn “Tích đức lũy công”, đoạn này dạy chúng ta làm sao đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Cả đoạn thứ ba đều nói cụ thể nên làm như thế nào, hành thiện ra sao. Phía sau đoạn này có nói rằng: “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện; dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện” (Muốn cầu thành thiên tiên, hãy nên lập một ngàn ba trăm điều thiện. Muốn cầu thành địa tiên, hãy nên lập ba trăm điều thiện). Vậy nếu như chúng ta mỗi ngày đều làm một việc thiện, một năm là làm xong ba trăm việc thiện, một ngàn ba trăm việc thiện thì khoảng bốn năm là làm xong. Về mặt lý, mỗi ngày làm một việc thiện, thì có thể đạt được mục tiêu này, vấn đề là có thể kiên trì mỗi ngày đều làm được không? Cho nên phát tâm thì dễ, giữ tâm khó, muốn làm việc thiện trong một ngày không khó, duy trì một tháng làm việc thiện, thậm chí là ba năm, năm năm thì phải rất có kiên nhẫn.

Chúng ta xem tiên sinh Liễu Phàm, ba ngàn việc thiện của ông trong mười năm mới làm xong được. Trong quá trình này còn có sự đoạn ác, sửa lỗi rất quan trọng. Không sửa tập khí, mỗi ngày tham sân si mạn vẫn khởi lên, công tội sẽ bù trừ lẫn nhau. Muốn hành thiện, muốn chuyển đổi vận mệnh thì nhất định phải bắt đầu từ việc sửa tập khí. Chúng ta phải tự biết tập khí nghiêm trọng nhất của chúng ta ở đâu? Phải bắt tay từ chỗ này, đó mới là làm thật.

Câu kinh văn này thật ra đã nói với chúng ta, một người muốn thành tựu đạo đức thì phải dựa vào sự nâng cao và thực hành góp nhặt từng ngày, phải tích phải lũy. Chúng ta nói “sùng đức”, một người đức hạnh hết sức cao thượng, họ cũng là từ “tích” mà có; công rất lớn, cũng là từ “lũy” mà có. Chúng ta xem, “tích” là từ ít ra nhiều, “lũy” cũng là từ thấp thành cao, đều là nước chảy đá mòn, gọi là công phu tích nhiều dùng ít.

Nhà Phật có một câu nói là thiện căn duy nhất trong sự tu hành của Bồ-tát là tinh tấn. Họ đã phát tâm rồi, nhưng có thể nâng cao nhanh, tiến bộ nhanh được không thì phải xem mức độ tinh tấn của bản thân họ. Chúng ta ngày nay phát nguyện muốn tích đức lũy công, nhất định phải có tâm dũng mãnh tinh tấn, hơn nữa còn phải có tâm “kiên cửu”. “Kiên” tức là bất kì cảnh giới nào cũng không thoái thác, “dù cho thân này trong khổ nạn, nguyện tâm này mãi không thoái lui”, kiên định nhất quyết không thoái thác, trốn tránh, dũng cảm đối mặt với sự khiêu chiến của cảnh giới, đây là “kiên”. Còn “cửu” tức là lâu dài, duy trì không gián đoạn.

Có một người tên là Cát Phồn, ông là một Thái thú ở Trấn Giang đời Tống, đức hạnh của ông rất được tôn sùng. Người ta thỉnh giáo ông tại sao ông có được đức hạnh cao như vậy? Ông nói ông liên tục hành thiện trong bốn mươi năm, trước giờ chưa từng gián đoạn. Đây chính là kiên cửu. Người ta hỏi ông hành thiện gì, ông nói rằng, ví dụ tấm thảm bị lệch, nó có thể sẽ vướng đường đi của người khác, người ta đi có thể sẽ đá trúng, tôi liền mau đặt nó lại vị trí ban đầu, đặt ngay lại; người ta khát nước, tôi vừa nhìn thấy liền hiểu ra, mau mau rót một ly nước cho họ uống. Cho nên điều quan trọng của việc hành thiện là luôn luôn nghĩ cho người khác thì mỗi ngày chúng ta đều có rất nhiều việc thiện để làm.

Ví dụ nhìn thấy đồng tu này hôm nay khóe miệng vểnh lên rất cao, tâm trạng rất không tốt, chúng ta có thể nói mấy câu khích lệ, nói mấy câu nhắc nhở, khiến họ chuyển đổi ý niệm thì gánh nặng tâm trạng này sẽ được bỏ xuống. Cho nên người hành thiện miệng thường nở đóa hoa sen thì rất dễ hành thiện, cho người tín tâm, cho người sự động viên khích lệ, cho người hy vọng, nhắc nhở người khác đều là hành thiện. Nhưng cái miệng này cũng là “họa phước chi môn” (cánh cửa của họa phước), nó tạo ác cũng nhiều, vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, hễ nhẫn không được thì liền tạo ác.

Cho nên Đệ Tử Quy nói về sự tu dưỡng trong ngôn ngữ, đã nói bao nhiêu? Nhìn một chút đã gần một phần ba rồi. Mọi người chú ý trong chương “tín”, “phàm nói ra, tín trước tiên”, chiếm một phần bảy. Trong chương “phiếm ái chúng” có bao nhiêu sự tu dưỡng về ngôn ngữ? “Người không rảnh, chớ não phiền; người không yên, đừng quấy nhiễu. Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền. Khen người thiện, tức là tốt, người biết được, càng tốt hơn. Khen người ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai họa đến”, đây có phải là tu dưỡng về ngôn ngữ không? “Cùng khuyên thiện, cùng lập đức, lỗi không ngăn, đôi bên sai”.

Cho nên tại sao Kinh Vô Lượng Thọ nói tới tu dưỡng ba nghiệp thân khẩu ý đã đem khẩu nghiệp đặt ở vị trí đầu. “Giữ gìn khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Ngôn ngữ phát ra đều là sự phản xạ của tâm, nếu không tu dưỡng ngôn ngữ cho tốt thì không thể đạt được tâm thanh tịnh. Thường xuyên quán chiếu tâm địa đằng sau ngôn ngữ của mình thì có thể biết được tâm lệch lạc chỗ nào. Khi mở miệng ra, nhất định là dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, suy nghĩ cho người mà nói.

Chúng ta vừa mới nói đến tinh tấn rất quan trọng, dũng mãnh tinh tấn cần có tâm kiên cửu (kiên định lâu dài) và cả tín tâm. Có lúc người hành thiện gặp phải một số cảnh giới cũng không được nghi ngờ chân lý, không được nghi ngờ năng lực của chính mình, nếu không, đó đều là sự “bỏ cuộc giữa đường” trong khi hành thiện. Trong Vựng Biên có nói rằng, người dũng mãnh tinh tấn thì phải nên “không sợ khó”, bất kì cảnh giới nào cũng không sợ; “không xem thường”, “đừng vì thiện nhỏ mà không làm”. Thật ra thiện lớn hay nhỏ, đều nhìn từ trong tâm, hết thảy đều xuất phát từ tâm hiếu, tâm cung kính, tâm thiện. Nếu như một việc thiện nhỏ không đi làm thì thiện tâm đó đã không tương ứng với sự việc rồi, tâm của chính mình đã sanh phân biệt rồi. “Việc lớn tôi mới làm, việc nhỏ không làm”, đó là tham công. Nếu thật có thiện tâm thì cái thiện dù rất vi tế, họ đều sẽ làm rất tự nhiên.

Không biết đã nhắc tới với mọi người chưa, chúng tôi vào năm 2004 tới Australia chia sẻ Đệ Tử Quy cùng mọi người, trong khóa học mười ngày này sư phụ đều tham gia, nên chúng tôi mỗi ngày đều cùng sư phụ ngồi xe đi tham gia khóa học. Có một hôm trở về, tôi ngồi ở ghế trước, trong tâm tôi nghĩ hễ mình mở cửa xe, sư phụ muốn xuống xe, cửa xe mình chắc chắn sẽ làm vướng ngài. Cho nên tôi nghĩ, đợi sư trưởng đi qua rồi tôi mới xuống xe. Khi sư trưởng đi qua rồi, nhìn thấy tôi vẫn chưa xuống xe, ngài liền giúp tôi mở cửa xe, làm tôi giật cả mình. Sự tự nhiên đó của sư phụ đã khiến đệ tử chúng tôi rất cảm động, cũng nhận được sự giáo dục. Quý vị xem sư phụ uy vọng cao như vậy, rất tự nhiên khi ngài nhìn thấy bất kì ai có nhu cầu liền mau đi giúp đỡ, “đừng vì thiện nhỏ mà không làm”.

Khi danh tiếng của chúng ta lớn rồi, địa vị cao rồi, chúng ta có còn giữ được thái độ thường xuyên luôn thấu hiểu người khác không? Nếu như sự nhạy cảm đối với việc thiện nhỏ này thấp thì chúng ta đã bị những danh tướng, những thân phận bên ngoài làm ô nhiễm rồi. Cho nên tu tâm thanh tịnh thì phải quán chiếu rất nhiều tâm trạng vi tế này thì mới nhìn thấy bản thân mình đang tiến bộ hay thoái lui. Tâm bình đẳng, tâm chân thành của chúng ta đối với người đều không thể vì sự gia tăng của những điều kiện bên ngoài mà đọa lạc.

Hơn nữa sự dũng mãnh tinh tấn này không thể trước mặt người thì rất tích cực, khi không có ai nhìn thấy thì thoái lui, đây chính là dùng tâm đối phó, hư ngụy để tu hành. Hành thiện phải có thủy có chung, không thể đầu voi đuôi chuột, lúc nãy nói tới là bằng mặt không bằng lòng, bây giờ còn phải đề phòng trường hợp đầu voi đuôi chuột. Lấy ví dụ, hôm nay chúng ta đã nghe đạo lý này rồi, vô cùng tích cực, đã làm hai tuần lễ rồi, dần dần lại thoái lui, đây chính là không “có thủy có chung”. Cho nên dụng công không được gián đoạn, không chỉ không gián đoạn còn phải không ngừng nâng cao mới đúng, mới gọi là tinh tấn. “Tấn” tức là nâng cao lên, cho nên tâm kiên cửu này quan trọng.

Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn đặc biệt nhắc nhở chúng ta đừng chà đạp nhân duyên thù thắng đời này. Tiên sinh Liễu Phàm nói: “Trong thiên hạ người thông minh tuấn tú không ít, thế nhưng người có đức không chịu tu thêm chỉ vì hai chữ dây dưa mà dang dở một đời”, dây dưa qua ngày thì sẽ thoái lui về sau. Kể cả trong quá trình đang làm việc, đừng keo kiệt tiền tài mà dừng lại. Trong nhà Phật, bố thí đứng đầu vạn hạnh, phải trừ bỏ tâm tham này đi. Cũng đừng vì người ta chê cười quý vị, châm biếm quý vị mà bị ảnh hưởng; cũng đừng vì người ta oán quý vị, mắng quý vị, mà quý vị không làm nữa. Không sợ bị cười, không được sợ người ta chê cười quý vị, không tránh sự hiềm nghi, không tránh lời oán trách. Thật ra mà nói, thời đại hiện nay, nền tảng làm người của mọi người đều không vững, cho nên làm việc mà được tất cả mọi người tán đồng không hề đơn giản. Quý vị muốn thật sự làm việc tốt, làm việc quan trọng, muốn nhận được sự thấu hiểu của mọi người cũng không đơn giản. Cho nên người muốn làm tròn việc, không gây chuyện, không làm tăng thêm thị phi nhân ngã, nhưng cũng phải không sợ việc, dũng cảm gánh vác, cho dù phải đối mặt với rất nhiều sự hủy báng, ô nhục, chỉ cần chúng sanh được lợi ích, thử thách lớn tới đâu cũng không sợ. Cho dù người trên toàn thế giới đều mắng quý vị, quý vị cũng phải biết chấp nhận, chỉ cần chúng sanh thật sự có được lợi ích là được. Những danh văn lợi dưỡng của chúng ta chính là vì ưa sĩ diện, hãy thật sự có thể hoàn toàn buông xuống. Cho nên tại sao gọi là nhẫn nhục gánh vác? Nếu không nhẫn được thì rất nhiều việc quan trọng không thể làm tốt được. Cũng đừng ở trong phước mà hưởng phước, dần dần sẽ không còn quyết chí tự cường. Cho nên thuận cảnh đào thải người, nghịch cảnh tôi luyện người.

Chúng ta hiện nay đều đang hưởng phước báo của Đức Phật, hưởng phước báo của sư phụ, khi hưởng phước phải biết tiếc phước, tạo phước, không thể đọa lạc. Cũng đừng vì liên quan tới tư dục mà làm việc không quyết đoán, không dùng tình người làm Phật sự, phải chí công vô tư mà hành thiện, không được cầu quả báo, không được cầu hư danh, một lòng một dạ mà làm, kể cả không được lấp liếm, không được mơ mộng viễn vông, không chân thật tu hành, đều phải hạ công phu từ bổn phận trước mắt, từ khởi tâm động niệm, từ ngôn ngữ tạo tác trước mắt. Việc này nếu chỉ dùng lời hay mà không thật sự thực hành thì danh sẽ không hợp với thực. Những điều tôi vừa nhắc đến đều có thể là tình trạng rất dễ xuất hiện trong khi chúng ta tích đức lũy công, chúng ta phải khắc phục. Đối mặt với những giáo huấn này, chúng ta đều biết hoan hỉ mà thọ trì, sau đó hãy nhẫn nhịn mà thành tựu những thiện hành này.

Trước khi chúng ta muốn tích đức lũy công, điều rất quan trọng là trong nhà Phật nói “giải hành tương ứng”. Thế nào là công đức chân chính, chúng ta phải nhận thức rõ ràng. Nhận thức rõ ràng rồi thì sẽ biết được làm thế nào thực hành trong sự đối nhân xử thế tiếp vật. Gọi là tín, giải, hành, chứng. Chúng ta tin tưởng làm việc thiện sẽ có thiện báo, hành thiện có thể thay đổi vận mệnh, hành thiện phù hợp với tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân, có thể vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Chúng ta tin rồi, chúng ta tìm hiểu thế nào mới là chân thiện, như vậy mới có thể hành cho triệt để. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm lại nói rằng: “Làm thiện mà không rõ lý”, không hiểu rõ đạo lý phán đoán nằm ở đâu, tự mình cảm thấy mình tu rất là khá, là “tưởng mình hành trì”, “ngờ đâu tạo nghiệt, uổng phí khổ tâm vô ích vậy”.

Chúng ta bình tâm nhìn lại, trong số những người tu học, có bao nhiêu người đã thật sự thay đổi vận mệnh? Việc này mọi người có thể nhìn một cách khách quan, người thay đổi vận mệnh thật sự không nhiều. Điều này có nguyên nhân, một là, không thật sự hiểu rõ đạo lý; tiếp đó, mức độ làm thật không đủ. Ở đại lục, chủ tịch Hồ Tiểu Lâm, chuyện thay đổi vận mệnh của ông hết sức rõ ràng. Mọi người xem chủ tịch Hồ khi hiếu thuận với cha mẹ, ông thấu hiểu cha mẹ rất tỉ mỉ. Ngay cả báo chí, ông nhận thấy mắt cha mình không còn tốt nữa, ông đã đặt tờ báo đó với cỡ chữ lớn hơn. Đều luôn trong những chỗ vi tế nhất mà hiển lộ hiếu tâm, thành tâm của ông. Bây giờ pháp bảo trong cả đại lục, pháp bảo do chủ tịch Hồ làm được lưu thông với số lượng rất lớn, là mấy trăm vạn tệ, thậm chí nếu có thể gom tính lại được thì có đến cả ngàn vạn tệ pháp bảo đang được phát tặng. Hãy tận tâm tận lực mà làm, như vậy sẽ có thể thay đổi vận mệnh.

Chúng ta trong khi hành thiện còn thường hay nhớ tới mình, sau đó sẽ không làm nữa. Cái này chính là còn chưa buông bỏ tập khí, muốn thay đổi vận mệnh sẽ không hề dễ. Như sư phụ tán thán cô Lưu Tố Vân, trước khi cô biết đến pháp niệm Phật, cô thật sự là chưa từng nghĩ cho chính mình. Chúng ta nhìn thấy, hồi xưa cuộc sống của cô rất khó khăn, cô còn nhận nuôi năm sinh viên đại học nghèo khó. Tôi nghĩ, tiền để dành của cô có lẽ không còn nữa, có tiền liền đi bố thí, chưa bao giờ để dành tiền cho mình và cho gia đình của mình. Cô là quan chức, cũng không dùng quan hệ của cô để giúp con cái cô tìm việc làm. Từ những chỗ này chúng ta nhìn thấy cô hoàn toàn không có tư lợi, đây là chỗ cho chúng ta học tập.

Cho nên trước tiên tìm hiểu thế nào là chân thiện, tiếp đó phải làm thật thì chúng ta chắc chắn có thể tích lũy công đức rất lớn, đời này sẽ không uổng phí. Thời đại này là thời đại bùng nổ tri thức, rất nhiều quan niệm đang được truyền bá, rất nhiều hiện tượng sai lâu hóa đúng đã xuất hiện, nếu như chúng ta không biết phán đoán thì có thể trong rất nhiều tình huống sẽ không biết nên làm thế nào. Mọi người trong quá trình tu học có gặp phải một số sự việc khó khăn không? “Rốt cuộc nên làm sao đây?”, quý vị đều không có à? Không có là không bình thường. Không làm mới không có, nếu có làm thì chắc chắn sẽ gặp phải những tình huống không biết nên làm như thế nào. Mọi người nếu như có gặp rồi, chúng ta cùng nhau thảo luận một chút, lúc này mà cùng nhau thảo luận “thế nào là sai lâu hóa đúng” thì càng cụ thể hơn.

Tại sao sư phụ bảo chúng ta phải đọc Liễu Phàm Tứ Huấn ba trăm lần? Là giúp chúng ta thật sự hiểu rõ rất nhiều đạo lý. Nhưng hai năm đã trôi qua, ba năm đã trôi qua, ba trăm lần đâu không thấy? Cho nên hai từ “dây dưa”, thời gian này đã bị dang dở. Nếu thật sự đã đọc ba trăm lần thì rất nhiều vấn đề đã được làm rõ. Cho nên tu học điều quan trọng nhất là chân thật, nghe lời. Giáo huấn của sư phụ đều là sự khuyến cáo hộ niệm của người từng trải, chúng ta làm thật rồi sẽ thật có thọ dụng. Khi chúng ta còn chưa hiểu rõ làm như vậy sẽ được lợi ích gì thì hãy cứ làm là được. Cũng giống như ông thợ vá nồi, ông không biết niệm A-di-đà Phật có thể đi về đâu, ông cũng không hỏi. Lão Pháp sư Đế Nhàn bảo ông, ông cứ niệm một câu A-di-đà Phật là được, ông liền niệm theo. Trong tâm của ông không có bất kì ý niệm lợi hại gì. Niệm rồi có lợi ích gì? Ông không hỏi, ông chỉ biết là sư phụ sẽ không hại mình, liền chân thật mà niệm. Ngay cả một bộ kinh ông cũng chưa từng nghe, ông chỉ nghe lời, niệm được ba năm thì đứng đó vãng sanh, ngay cả hậu sự cũng không phiền người khác, trong tay có cầm mấy đồng bạc trắng. Cho nên sư phụ bảo chúng ta đọc ba trăm lần là vì muốn giúp chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý, mới không “tưởng mình hành trì, ngờ đâu tạo nghiệt”.

Nói tới việc tu thiện tích đức, Liễu Phàm Tứ Huấn đã thảo luận chữ thiện từ tám góc độ, chúng ta hãy ôn tập một chút: Thiện có thật có giả; có ngay có khuất; có âm có dương; có đúng có sai; có lệch có chánh; có lớn có nhỏ; có khó có dễ; có vơi có đầy.

Chúng ta từ tám góc độ này, trong đầu mọi người có hiện lên hình ảnh của thánh hiền nhân không? Vừa nói tới “thiện có thật có giả”, có nghĩ tới thiền sư Trung Phong không? Có một số người hỏi ngài, lễ kính người, tán thán người là thiện; đánh người, mắng người là ác. Trung Phong thiền sư nói: “Chưa chắc như vậy, phàm tình chưa gột rửa, chánh nhãn chưa khai mở thì sự phán đoán sai lầm này là rất bình thường”. Thiền sư Trung Phong đã chỉ ra rằng, “Lợi người là công, công tức là chân; lợi mình là tư, tư tức là giả; chân tâm là thật, hời hợt là giả”. Từ trong tâm địa mà làm thì là thật, còn làm trên bề mặt thì đó là giả. “Không làm mà làm là thật”, như nước chảy thành sông, đây là tùy duyên, không phan duyên, đây là thật. “Có làm mà làm là giả”, vì quá tạo tác, quá phan duyên, quá cố ý, vậy là không được viên mãn lắm. Đây là thiện thật, thiện giả.

Tiếp đó, “có ngay có khuất”. Trong đó có một đoạn chúng ta ấn tượng khá sâu sắc: “Thuần chỉ một lòng dạ cứu đời, là ngay thẳng”; “có tơ hào tâm mị thế…”, quý vị một lòng một dạ vì xã hội này, đó là ngay thẳng; nếu như trong quá trình này, còn vì danh văn lợi dưỡng, còn có xu nịnh, cái này là khuất khúc. “Thuần chỉ một tâm thương người thì là ngay thẳng; có tơ hào tâm phẫn thế…”. Một người khi khởi lên tâm trạng phẫn nộ, là tâm “phẫn thế”, tâm của họ thương ghét rất mãnh liệt. Từ “ái” này không phải tình thương mà là tham ái: Việc họ thích, họ sẽ thích làm không chịu được; việc họ không thích, sẽ bài xích, sẽ phê bình; người họ thích, họ sẽ tốt không chịu được; người họ không thích, họ sẽ đối lập với người, xung đột với người. Thế thì họ làm việc tốt sớm muộn gì cũng có vấn đề. Tại sao? “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, “thuần chỉ một tâm thương người” tức là bình đẳng thương yêu tất cả mọi người. Họ phẫn thế rồi thì không có tâm nhân từ thật sự, họ sẽ rơi vào trong tình chấp, trong sự thương ghét của họ. Thương ghét rồi thì thích người này, không thích người kia, sẽ khiến đoàn thể bị chia rẽ, xào xáo tới nỗi có thể rơi vào những điều thị phi. Nhân hòa từ đâu mà tới? “Tu thân rồi mới tề gia”, thật sự buông bỏ tham sân si mạn mới có thể hội tụ được nhân tâm, mới có thể đoàn kết gia đình. Cho nên “tâm thương người” là ngay, “tâm phẫn thế” là khuất khúc, phải buông bỏ tâm sân hận, tâm đố kị, tâm nhìn người thấy chướng mắt cũng phải buông bỏ. Cho nên thật sự tích công lũy đức, trên thực tế tức là công phu buông bỏ tập khí, công phu buông bỏ phiền não.

Thuần là tâm tôn kính người là ngay thẳng, có tơ hào tâm bỡn cợt khinh khi là khuất khúc”. Thái độ cung kính, chân thành. “Tâm bỡn cợt khinh khi” này tức là rất khoa trương ngạo mạn, cho dù họ đã làm việc tốt, họ sẽ đem thành tích đó đi ép người, đi khoe khoang, sau cùng tệ nạn sẽ xuất hiện. Cho nên “từ thiên tử cho tới thứ dân”, quý vị trong các ngành các nghề muốn phục vụ đại chúng, “đều phải lấy việc tu thân làm gốc”. Quân tử trọng cái gốc, gốc lập thì đạo sanh.

Cho nên thiện là thật, là giả, là ngay, là khuất, căn nguyên vẫn là ở chỗ tâm địa này của chúng ta là giác hay là mê hoặc.

Sáng nay trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!