Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 25) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 25: Hành thiện cần phải biết thế nào là thiện. Phân biệt chân thiện từ tám góc độ khác nhau.

Ngày 13 tháng 10 năm 2010

Xin chào mọi người!

Tiết học trước chúng ta đã nói tới “tích đức lũy công”. Thật ra ý nghĩa của cuộc đời nằm ở chỗ, một là, nâng cao cảnh giới của mình, đời này có thể làm Phật, làm Bồ-tát, cuộc đời rất có ý nghĩa; hai là, tận tâm tận lực làm lợi ích cho chúng sanh có duyên. “Tích công lũy đức” tức là tận lực làm lợi ích cho đại chúng. Chúng ta muốn làm lợi ích cho đại chúng, trước hết phải hiểu rõ đạo lý, nếu không sẽ hành thiện không có trí huệ, có thể sẽ dẫn đến rất nhiều tệ nạn. “Làm thiện mà không rõ lý”, tự mình cảm thấy mình đã làm rất tốt nhưng không chừng có thể là đang tạo nghiệt, uổng phí sự khổ tâm. Cho nên cần phải thâm nhập lý giải đạo lý, lý giải kinh giáo thì chúng ta mới có thể y giáo phụng hành, mới có thể tự lợi lợi tha.

Hôm qua chúng ta đã nói tới làm sao để phán đoán thiện ác, thiện có thật giả, có cong và thẳng. Tiếp theo, thiện “có âm có dương”. “Âm thiện” tức là người ta không biết, “dương thiện” tức là người ta biết chúng ta đang làm thiện. “Dương thiện thì hưởng thế danh”, còn “âm đức thì được ông trời báo đáp”. Một người khi hành thiện, nếu như nóng lòng muốn được người ta biết thì sự hành thiện này là dùng tâm danh lợi để hành thiện, cho nên dù đang hành thiện, thật ra họ đã trồng xuống tâm tham danh tham lợi rồi, “chỗ thiện này chính là gốc ác”. “Làm ác mà sợ người biết”, một người tạo ác rồi rất sợ người ta biết, tức là họ còn có tâm hổ thẹn, đây là “trong ác vẫn có con đường thiện”, cho nên họ làm ác, họ biết đi sám hối, Phật môn gọi là sám hối nghiệp chướng thì cái ác của họ có thể được tiêu trừ. Nếu còn che giấu ác, không để người ta biết, cũng không biết phải đi sám hối sửa lỗi thì cái này là “âm ác”, có thể càng ngày tích càng dày.

Cho nên phải làm nhiều việc, nhưng không được khoe khoang. Bởi vì người hành thiện trong tâm họ sẽ cảm thấy đây là việc mình nên làm, tự nhiên họ sẽ làm một cách tâm an lý đắc, không khoe khoang. Người khoe khoang có thể còn mang tâm danh lợi. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói rằng: “Người thế gian hưởng thịnh danh mà không hợp với thực, thường gặp kì họa”, họ hưởng thịnh danh, danh cũng là phước báo, trên thực tế họ không tốt như vậy, lại hưởng thịnh danh rất cao thì phước sẽ bị tổn thất, phước dùng hết rồi thì họa sẽ tới. Cho nên danh hợp với thực mới không bị tiêu phước. Như cá nhân tôi, chính là “danh quá kì thực” rất nghiêm trọng, cho nên tôi đi trên đường đều phải nhìn xem có xe nào chạy tới không, thường có kì họa, tự mình rất rõ ràng, phải nỗ lực mau mau nâng cao bản thân cho tốt.

Người không tội lỗi gì”, họ không làm sai việc gì, “mà vẫn chịu mang tiếng xấu, thì con cháu sẽ phát đạt”. Mọi người có hy vọng con cháu mình phát đạt không? Quý vị những người làm cha mẹ, làm trưởng bối đều không có phản ứng gì sao? Ngay cả con cái của mình cũng không nghĩ tới thì còn tu hành gì nữa, thế hệ sau thân nhất của mình mà không tận tâm tận lực mà hộ niệm các em, còn nói hộ niệm chúng sanh, điều này là không có cơ sở, không bình thường. Cho nên biết nghĩ cho con cháu, chịu oan uổng lớn tới đâu cũng không sao, cái đó đều là tiêu nghiệp chướng, còn tích phước phần, con cháu sẽ luôn phát đạt. Mọi người thật sự hiểu rõ đạo lý này rồi, sau này bị người ta mắng, bị người ta hiểu lầm, quý vị sẽ rất vui mừng. Người nếu không cười nổi, cảm thấy buồn phiền, tức là không hiểu lý. Hễ hiểu rõ sự lý thì thế gian này không có việc xấu nữa. Có việc nào là việc xấu? Hoặc là đang tu phước, hoặc là đang tiêu nghiệp chướng thì có việc nào là xấu đâu? Cho nên lý đắc tâm an, thấu hiểu đạo lý này rồi thì mỗi ngày đều cười toe giống Phật Di-lặc vậy.

Tất cả mọi người đều đang thành tựu chúng ta, bất luận là thiện duyên hay là ác duyên. Ác duyên giúp chúng ta tiêu nghiệp chướng, quý vị phải cảm ơn họ thì có thể sống trong thế giới biết ơn. Cho nên người học Phật còn giận ai nữa, nếu còn thấy có ai chướng mắt thì càng tu càng thụt lùi, điều này tự mình phải quán chiếu cho được. Con người đáng thương ở chỗ nào? Đáng thương không phải vì bị người khác gạt, cái đó không đáng thương, đáng thương nhất là bị chính mình gạt, bị chính mình bán đứng mà vẫn không biết. Vừa bán không được giá tiền tốt, lại bán vô chỗ nào? Vô ba đường ác rồi. Không gạt mình thì đời này có thể thành Phật thành Tổ, đáng lắm. Cắn chặt răng lại, đối trị tập khí, chứng vô lượng thọ, đây là người có chí khí.

Tiếp theo Liễu Phàm Tứ Huấn nhắc tới, thiện “có đúng có sai”, cái đúng sai này là giống với thánh hiền, với quỷ thần vậy, không giống với cái nhìn của thế gian. Cái nhìn của thế gian đổi đi đổi lại, thậm chí trong mấy chục năm trở lại đây là càng ngày càng lệch lạc. Ví dụ, chúng tôi đã từng nghe người ta nói chuyện, “công việc chỉ cần kiếm được tiền là tốt rồi, làm cái gì cũng không sao”. Có đạo lý không? Điều này đều không tương ứng với đạo lý. “Quân tử thích tiền, nhưng kiếm tiền đúng cách”, gia tộc thật sự có gia giáo, điểm này họ sẽ làm thật sự triệt để, đây là sự quan sát của tôi.

Tôi tiếp xúc với mấy vị hậu thế của Phạm Công (Phạm Trọng Yêm), tôi nhìn thấy một nửa trong số họ làm nghề dạy học, còn có người làm quan, xây cầu đắp đường, đều làm những việc thực tế cho nhân dân, làm lợi ích cho đại chúng, họ có chọn ngành nghề cả đấy. Hậu thế của Phạm Công, tôi chưa thấy có ai đi sát sanh, đi làm ngành nghề phi pháp, một người chúng tôi cũng không nhìn thấy, đây là gia giáo.

Nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui”, trong “niềm vui” điều quan trọng nhất là tư tưởng quan niệm đúng đắn. “Đúng sai” phải đối chiếu dựa trên kinh điển, không phải ai nói sao nghe vậy. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có lấy ví dụ: Tử Cống có tiền, chuộc người nước Lỗ về, nhưng ông không lấy tiền chuộc. Khổng Tử nhắc nhở ông, phê bình ông, ngươi làm như vậy, sau này người ta sẽ có chướng ngại. “Tử Cống thanh cao như vậy, đã không lấy tiền chuộc, còn mình mà lấy hình như không thanh cao lắm”, khi họ hành thiện sẽ có sự ngần ngại, vô hình trung có thể sẽ làm chướng ngại đến người hành thiện. Tử Lộ nhìn thấy một người sắp chết đuối liền nhảy xuống cứu ông ấy lên. Người đó vui mừng khôn xiết, báo đáp ơn cứu mạng của ông, đem con trâu tặng cho ông. Tử Lộ liền dắt con trâu này về. Khổng Tử vui lòng: “Việc này ngươi đã làm tiên phong, sau này nước Lỗ sẽ có rất nhiều người cứu người lúc sanh tử nguy cấp”.

“Đúng sai” điều quan trọng nhất là xem sự ảnh hưởng tốt đối với đại cục, đây là “việc thiện đúng”; nếu có ảnh hưởng không tốt cho đại cục về sau, tức là “việc thiện sai”. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Không luận hiện hành, chỉ luận tệ nạn; không luận nhất thời, chỉ luận lâu dài; không luận một thân, chỉ luận thiên hạ”. Hơn nữa, mỗi người chúng ta, nhất là chúng ta lại đang học tập văn hóa truyền thống, lại đang hoằng dương văn hóa truyền thống, mỗi việc chúng ta đã làm, đối với phong khí cả xã hội là thiện hay là ác? Là ảnh hưởng tốt hay là ảnh hưởng không tốt? Phải có tâm trạng như vậy, cái này mới là học văn hóa truyền thống. Không có tâm trạng như vậy thì chỉ để lại ấn tượng, kết được thiện duyên mà thôi, không khế nhập được cảnh giới.

Sách Trung Dung nói với chúng ta: “Hành động cho thiên hạ noi theo, cư xử làm khuôn phép cho thiên hạ, ngôn ngữ là chuẩn tắc của thiên hạ”, đây là tác phong mô phạm của quân tử. Chúng ta cũng đã từng một thời gian đọc Hiếu Kinh rồi, “ngôn tư khả đạo, hành tư khả lạc”. “Ngôn tư khả đạo”, mỗi câu chúng ta nói ra đều là tư tưởng đúng đắn mà người ta có thể y theo thì ngôn ngữ của chúng ta chắc chắn không có “lời gian xảo, từ bẩn thỉu”, không khinh suất, không tùy tiện, cũng không nói những thứ vô nghĩa. “Bất hân thế ngữ, lạc tại chánh luận”, lời nói ra chắc chắn là lời có thể lợi ích người khác, có thể an ủi người khác, không nói lời vô bổ. Nhất là người niệm Phật nếu còn nói lời vô bổ thì không thể vãng sanh. Tại sao vậy? Còn nhiều vọng tưởng như vậy, công lực niệm Phật nâng cao sợ còn chưa đủ mà còn nói nhiều lời vô bổ vậy. Cho nên Tổ sư từ bi nói với chúng ta: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết được vọng niệm, pháp thân ta hiện tiền”. Người ta khi không niệm Phật căn bản là đều đang mê, niệm Phật là giác, không niệm là mê, bởi vì chúng ta không niệm thì sẽ vọng tưởng, mọi người không tin thì có thể quán chiếu mà xem. Cho nên rất nhiều đạo lý phải dựa vào chính mình mà dụng tâm lĩnh hội, sau khi lĩnh hội được sâu sắc rồi thì chân thật lão thật theo đó mà làm. Tất nhiên, khi người khác cần câu thông với quý vị, tới thỉnh giáo quý vị, quý vị không thể nhìn họ rồi nói: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật”, thế này là học cứng nhắc. Từ bi là gốc, học Phật thì từ bi là gốc, niệm một câu Phật hiệu này cũng là từ bi; khi nhân duyên với người chín muồi rồi, cho người khác lời khuyên chân thành cũng là từ bi. Niệm câu Phật hiệu này, luôn luôn hồi hướng hóa giải tai họa, không rời tâm từ bi.

Tiếp theo lại nói rằng, thiện “có lệch có chánh”, trong đó kể đến ông Lã Văn Ý, ông rất nhân từ. Có một kẻ say rượu vô lễ tới chặn đường ông. Ông là Tể tướng về hưu, có uy vọng như vậy, có một người còn dám vô lễ với ông như thế, thật ra tâm tánh người này đã lệch lạc hơi nghiêm trọng rồi. Lúc này phải nên cảnh cáo anh ta để anh ta không dám hung hăng càn quấy nữa. Cho nên trong Kinh Dịch có nói, “tiểu trừng nhi đại giới” (phạt lỗi nhỏ để ngăn lỗi lớn). Lã Công lúc đó quá nhân từ, không so đo với anh ta, đã khiến anh ta năm sau phạm tội tử hình. Cho nên nhà Phật có một câu nói: “Từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu”. Từ bi phải tương ứng với trí huệ, gọi là bi trí song vận thì sự từ bi này mới không gây ra họa hại, tệ nạn. Sự từ bi của chúng ta không thể biến thành sự nhân nhượng, làm phóng túng người khác, vậy là không tốt.

Tiếp theo, thiện “có vơi có đầy”. “Thiện không tích, không đủ để thành danh; ác không tích, không đủ để diệt thân”. Sự vơi đầy này, thật ra mà nói, điều căn bản nhất vẫn là từ trong tâm. Ví dụ nói bố thí tiền tài, thế nào là vơi? Thế nào là đầy? Ví dụ này đã kể ra hết sức triệt để. Một cô gái quyên góp hai đồng tiền, mười đồng là một xu, mười xu là một hào, mười hào là một tệ, hai đồng tiền này là rất ít. Nhưng cô đã dùng tâm chí thành, cho nên phương trượng đã ra giúp cô cầu phước hồi hướng. Về sau cô vào cung được phú quý, đem cả ngàn vàng đến cúng, thầy trụ trì chỉ cho một người xuất gia bình thường tới giúp cô hồi hướng. Nhưng cô rất hiếm có, cô biết thỉnh giáo, “kì lạ, lần này mình đem tới nhiều như vậy, tại sao phương trượng không giúp mình cầu phước?” Có nghi hoặc, biết thỉnh giáo với thiện tri thức là điều rất quan trọng, nếu không thì nghi hoặc này sẽ làm chướng ngại tâm thanh tịnh của mình, làm chướng ngại cửa ngộ của mình. Mỗi ngày có nghi hoặc, đều ghi lại. Rất nhiều đồng tu, khi chúng tôi cùng đi tản bộ, họ nói, tôi có những tình trạng nào. Tôi đều hỏi họ một câu, tôi hỏi tình trạng này của anh bao lâu rồi? Họ nói nửa năm rồi. Tôi nói: “Anh có thật nhiều thời gian, có vấn đề nghĩ không thông, lại để trong đầu xoay vòng nửa năm cũng không hỏi”. “Tâm có nghi, ghi chép lại”, chúng ta đọc Đệ Tử Quy đã được bao nhiêu lần rồi? Có thể ít nhất cũng trăm lần rồi, mỗi câu đã in trong tâm biến thành thói quen tốt của chúng ta chưa?

Cho nên sự “vơi đầy” này phải nhìn ở chỗ thành tâm, chân thành thì sẽ viên mãn, không chân thành thì cho dù là tiền ức vạn cũng “chỉ là thiện vơi mà thôi”. Từ chỗ này chúng ta quan sát, người phú quý sẽ không mãi mãi phú quý, người bần cùng sẽ không mãi mãi bần cùng. Bởi vì khi người ta bần cùng, họ khá là khiêm tốn, cung kính, họ sẽ không khoa trương lắm. Tuy bần cùng, nhưng nếu vừa khắc khổ vừa khiêm nhường, tâm trạng này của họ sẽ dần dần tích phước, có thể đời sau họ sẽ phú quý, thậm chí nửa đời sau cũng được phú quý. Nhưng người ta khi vừa được phú quý, nếu như không tu hành cho tốt, có thể họ sẽ rất ngạo mạn, “nhiều tiền làm phách”, có thể nửa đời sau sẽ không còn phước nữa, hoặc là đời sau sẽ không còn phước nữa. Cho nên người có tiền tài, có năng lực, hễ họ kiêu ngạo sẽ bị tổn phước, sẽ không nhận được công đức viên mãn.

Chúng ta khâm phục những người phú quý ở trong thuận cảnh không tham chấp, lại có thể tận tâm tận lực phục vụ chúng sanh, người như vậy không đơn giản. Trong nghịch cảnh, người ta dễ dàng phát giác hơn, nhưng không dễ tu trong thuận cảnh. Thiện Tài đồng tử, ngài là ở trong nhà phú quý, ngài vẫn không tham chấp, còn có thể một đời thành tựu. Chúng ta xem, rất nhiều nhà doanh nghiệp đang học tập văn hóa truyền thống, họ đều là người có phước lớn, sau khi học xong thì họ một lòng một dạ vì chúng sanh, chính là thiện căn của họ không hề đơn giản.

Tiếp đó còn kể về ví dụ của Lã Động Tân. Chung Ly là sư phụ của ông, dạy ông công phu điểm sắt thành vàng, ông lập tức có ý niệm nghĩ tới chúng sanh năm trăm năm sau, cục vàng mà họ lấy được này có bị biến lại thành sắt không? Chung Ly nói: “Có”. Ông nói: “Vậy tôi không học nữa, như vậy tôi sẽ làm hại đến người năm trăm năm sau”. Ông không chỉ suy nghĩ cho người bây giờ, ông còn biết suy nghĩ cho người năm trăm năm sau. Quý vị đồng tu, câu chuyện này có khai mở cho việc chúng ta hoằng dương văn hóa không? Chúng ta đang đối mặt với một thời đại lớn, văn hóa truyền thống rớt xuống tận đáy vực. Từ đáy vực phải leo lên lại, lúc này người dẫn đầu, đoàn thể dẫn đầu, họ sẽ khơi dậy một phong khí, nếu họ làm rất tốt, rất triệt để, thật sự “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy” thì phong khí mà họ khơi dậy có thể lâu dài. Nếu như phong khí mà họ khơi dậy là bằng mặt không bằng lòng, điều này sẽ gây rất nhiều chướng ngại cho người học sau này, họ không có tấm gương tốt để noi theo. Cho nên trong cách ngôn có nói: “Dùng hành vi thận trọng lập thân thì đạo phong bền vững”.

Chúng ta hiện nay gặp được thời tiết nhân duyên này, chúng ta đang hoằng dương văn hóa truyền thống, phía sau có rất nhiều người đang nhìn vào chúng ta, học phong, đạo phong của chúng ta đang khơi dậy một phong khí. Nếu như chúng ta không làm thật thì có thể không lâu sau, phong khí học tập văn hóa truyền thống này sẽ bị chúng ta làm ảnh hưởng tiêu cực. Phải nghĩ tới tương lai, những người học tập văn hóa truyền thống sau này có thể có tác phong mô phạm tốt để theo, để noi gương không? Giống như một người cha người mẹ phải nghĩ rằng hành vi của mình có thể mở ra gia phong trăm đời không suy không? Đây là cha mẹ có lòng từ ái. Khổng Tử, Phạm Trọng Yêm là tấm gương, các ngài đều đã mở ra gia phong tốt ngàn năm nay rồi. Chúng ta cũng phải kì vọng chính mình mở ra gia phong văn hóa truyền thống cho tốt. Tất cả những người học tập văn hóa truyền thống, hoằng dương văn hóa truyền thống là một gia đình lớn.

Sư phụ nói rằng: “Cảnh tùy tâm chuyển”, tâm của chúng ta chân thành, thanh tịnh, từ bi, không chấp tướng, không cầu danh, không cầu quả báo, luôn luôn nghĩ cho hư không pháp giới, tâm lượng này rộng lớn, công đức sẽ được viên mãn, đây là “thiện đầy”. Nếu như chúng ta không từ bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm lượng nhỏ hẹp thì dù có bố thí ức vạn tiền tài cũng không sao đột phá được giới hạn của tâm, những phước báo tu được đều không viên mãn, chỉ có thể là “thiện vơi” mà thôi. Chư Phật Bồ-tát, bất luận các ngài bố thí tài, bố thí pháp hay là bố thí vô úy , bởi vì tâm lượng của các ngài là tâm bao thái hư, nên các ngài là luôn luôn thành tựu đại viên mãn, đây là điều chúng ta phải học tập.

Tiếp theo, thiện “có lớn có nhỏ”, vẫn là tâm lượng. Ví dụ về tiên sinh Vệ Trọng Đạt, bởi vì tấm lòng của ông “đã dành cho vạn người dân”, cho nên cái thiện đó của ông là đại thiện.

Thiện còn “có khó có dễ”. Có thể từ tập khí nghiêm trọng nhất của mình mà đối trị, đây chính là làm việc khó làm. Trong đó cũng nhắc tới mấy ví dụ. Ông họ Thư ở Giang Tây, ông đã dạy học hai năm rồi, gặp một phụ nữ nợ mười ba lượng tiền, quan phủ muốn đòi tiền, chồng cô muốn đem cô đi bán, cô còn một đứa con nhỏ dại, có thể không nuôi được đứa bé. Ông liền đem số tiền tích lũy trong hai năm đưa cho cô, để vợ chồng cô bên nhau như lúc đầu. Ông đều cho cô hết, trên đường về nhà ông phải chịu đói. Về tới nhà đói không chịu được nữa, ông liền gọi vợ mình: “Nàng mau mau giúp ta nấu chút đồ ăn”. Vợ ông nói: “Gạo đâu?”. Ông dạy học hai năm trở về chắc đã mua một ít gạo rồi. Ông nói không có tiền, đã đem tình hình này kể cho vợ mình nghe.

Khi tôi đang xem câu chuyện đức dục này thì cảm thấy những thánh hiền nhân này không đơn giản, vợ của ông càng không đơn giản! Cái này gọi là “giúp chồng thành đức”. Cho nên người vợ có kiến thức mới có thể thành tựu người chồng thánh hiền, hậu thế thánh hiền. Quý vị xem, chồng bà vừa nói không có tiền, bà cũng tùy hỉ, không sao, không có gạo mình vẫn có cách, cũng sẽ được ăn rất no. Bà liền lên núi tìm một ít rau rừng, đào một ít thứ có thể ăn no bụng, ăn được rất no. Buổi tối, bên ngoài cửa sổ có tiếng nói rằng: “Tối nay ăn rau đắng, sang năm sanh trạng nguyên”. Người thời xưa đều biết có trời đất quỷ thần, cửa sổ vọng vào câu nói này, họ liền bái tạ trời đất, quả nhiên, sang năm sanh được người con trai tên Phân, về sau đã thi đậu trạng nguyên. Đây gọi là làm việc khó làm.

Còn một ví dụ nữa, nhẫn việc khó nhẫn. Như ông Cận ở Trấn Giang, năm mươi tuổi rồi vẫn chưa có con, vợ của ông đã đem đồ trang sức bán đi, mua về một người thiếp còn trẻ, sắp đặt cho chồng của mình. Sau đó sợ chồng mình thấy ái ngại, bà còn khóa cửa lại, còn bà thì ra ngoài trước. Bà chưa đi được mấy bước, đột nhiên nghe thấy tiếng động, chồng bà từ cửa sổ nhảy ra ngoài. “Nàng làm cái gì vậy?”, chồng bà nói với bà. Tôi cảm thấy ngôn ngữ của người chồng thật sự là có tác phong mô phạm quân tử, từ trong ngôn ngữ chúng ta cũng có thể lãnh hội ý tốt của người khác. Chồng của bà nói: “Phu nhân à, nàng làm như vậy, liệt tổ liệt tông của ta đều cảm ơn nàng!”. Ông khẳng định sự dụng công lương khổ của người vợ. “Nhưng mà, cô gái này từ nhỏ ta đã ẵm bồng cô ấy bao nhiêu lần, trong tâm đều xem như con gái của chính mình, ta hy vọng sau này cô ấy hạnh phúc. Bây giờ ta lại nhiều bệnh, tuổi tác cũng lớn rồi, ta thật sự không đành lòng”. Ông đem cô ấy trả về nhà, thật hiếm có. Kết quả vợ ông sang năm đã sanh được một người con trai, mười bảy tuổi đã thi đậu, về sau con cháu của ông tất cả liên tục đăng khoa. Ông trời báo đáp họ cũng rất hậu hĩnh.

Từ tám góc độ này, chúng ta có thể phân biện một cách đúng đắn đạo lý về thiện, tiếp đó y chiếu những giáo huấn này mà phụng hành. Hành thiện ra sao? Tùy duyên, tận tâm tận lực. Tiên sinh Liễu Phàm đem thiện quy nạp thành tám bộ phận, tám bộ phận này, chúng tôi ngày mai sẽ cùng mọi người trao đổi một chút. Hôm nay xin chia sẻ tới đây trước. Cảm ơn mọi người.