Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 31) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 31: Trung Hiếu chính là tận tâm tận lực hoàn thành bổn phận của chính mình.

Ngày 21 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng tu, xin chào mọi người.

Chúng ta nói tới phần “trung hiếu hữu đễ” trong kinh văn, chữ “trung” này, lão tổ tiên chúng ta sáng tạo chữ, đã đem trí huệ, triết lý nhân sinh hàm nhiếp vào trong chữ này. Phía trên chữ trung là chữ “trung” trong từ trung gian, phía dưới là chữ “tâm”, cho nên tâm phải đi trong trung đạo, phải trung dung, không được lệch lạc, thiên vị, thiên lệch, tâm hễ lệch thì không phải trung. Ví dụ, chúng ta bây giờ đang học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, có phải trung không? Phải tận tâm học là trung, không nghiêm túc học, giải đãi, ứng phó thì không phải trung. Chúng ta nếu như giải đãi, không dụng tâm, không tận tâm là bất trung đối với ai? Trước hết là bất trung đối với chính mình, chà đạp thân người khó được, cơ duyên khó được nghe Phật pháp của mình. Cho nên tinh tấn, dũng mãnh là lòng trung đối với chính mình, để thành tựu chính mình.

Đã là tận tâm tận lực, cái gì nên thuộc lòng thì phải thuộc lòng. Tuần lễ này chúng ta có kiểm tra, tuần sau có cần kiểm tra một chút không? Quý vị đồng tu, có cần không? Cần. Quý vị đã biết dùng trung rồi đấy, phải không? Thật ra trong tâm rất muốn nói không cần, quý vị bị áp lực. Nhưng chúng ta phải nghĩ một chút, nếu như không có áp lực như vậy, chúng ta có dễ bị giải đãi, dây dưa, lãng phí thời gian không? Cho nên quý vị đừng trách tôi. Tuần lễ sau, chúng ta tìm một ngày để thi, tìm một ngày vui vẻ nào đó để làm bài thi. Thi cái gì? Đề thi của tuần sau là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện, năm cương lĩnh phải học thuộc lòng hết. Quý vị đều cười rất vui vẻ, ít quá mà, phải không? (Cười). Được. Quý vị bây giờ có thể cười rất vui vẻ, nghĩa là biết trung với chính mình thì hoan hỉ, tương ứng với tự tánh liền vui vẻ.

Sư phụ hết sức phương tiện thiện xảo, sợ chúng ta đối với chân tâm, lòng trung lĩnh hội không sâu sắc, nên đã đem chân tâm này, dùng năm góc độ để khiến chúng ta càng thêm lĩnh hội chân tâm. Sư phụ nói, phát Bồ-đề tâm là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Chúng ta hãy cảm nhận một chút: Một người không chân thành thì họ sẽ không trung. Họ ứng phó, họ hư ngụy thì chắc chắn không trung. Cho nên “trung” là “trong không gạt mình”, không lừa gạt chính mình, “ngoài không gạt người, trên không gạt trời”. Chúng ta nói khởi tâm động niệm không có ai biết, đó là gạt mình, gạt người, lại gạt trời, tuyệt đối không thể hư ngụy, ứng phó, đây là trung. “Thanh tịnh”, hễ bị nhiễm chấp rồi thì tâm đã bị lệch, cũng là không trung. Ngược lại với “bình đẳng” là ngạo mạn, chúng ta hễ ngạo mạn thì tâm liền lệch rồi, đối với người sẽ không cung kính, không trung. “Chánh giác” tức là không mê, người mê rồi, ngu si rồi sẽ chà đạp chính mình, vậy đối với chính mình cũng bất trung. “Từ bi”, từ bi là chân tâm, người mà tánh đức hiển lộ thì nhất định từ bi đối với người khác, nếu như tự tư tự lợi thì không khởi được tâm từ bi, cái tâm này cũng bị lệch lạc, bị dục vọng làm chướng ngại. Sư phụ thường nói, phải buông bỏ mười sáu chữ này, bị mười sáu chữ này làm chướng ngại tức là không dùng lòng trung, chân tâm. Sư phụ dùng năm tâm này khiến chúng ta dễ dàng nhắc nhở chính mình, có đang ở trong chân tâm, trong lòng trung không.

Giáo huấn của cổ thánh tiên hiền luôn dạy chúng ta dùng trung, dùng chân tâm, không được để cho lệch lạc. Những lúc nào không thể lệch lạc? Những lúc tu hành phải giải hành tương ưng, không thể lệch sang giải, cũng không thể lệch sang hành. Lệch sang giải thì đó là “chỉ bề ngoài, thành người gì”; còn lệch sang hành thì đó là “theo ý mình, mù lẽ phải”. Người khéo học, những lúc đang nghe kinh, đang thâm nhập kinh nghĩa thì lập tức khởi quán chiếu về sự đối nhân xử thế tiếp vật trong cuộc sống, cái này chính là trong “giải” họ đã có “hành”. Thậm chí là những lúc lý giải, đang nghe kinh, đang đọc kinh, lập tức có thể chuyển biến tâm của chính mình, đó là trong “giải” đã có “hành”. Vào thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử nghe kinh nghe được một nửa đã khai ngộ, nghĩa là họ “hành” rồi, họ nghe hiểu rồi lập tức buông bỏ phân biệt, chấp trước thì giải hành của họ lập tức tương ưng, họ liền chứng quả. Chúng ta trên con đường tu học, cảm thấy không thể nâng cao cảnh giới được, điều này có thể có liên quan tới giải hành không tương ưng, bị lệch mất rồi, không đi trong trung đạo. Trong “hành” có “giải”: Một người khi đang làm việc, đang xử sự, luôn luôn có một tính cảnh giác rất tự nhiên, “Những điều mình đang nói, đang làm có tương ứng với kinh điển hay không?”, khéo quán sát tâm mình, cái này cũng là trong “hành” có “giải”.

Cho nên trung thì sẽ không lệch lạc, giống như chim có đôi cánh thì giữ được cân bằng, xe thì có hai bánh xe mới dễ đi. Kể cả Phật môn nói “bi trí song vận”, quý vị lệch sang từ bi, từ bi nhiều sinh ra họa hại; quý vị lệch sang trí huệ, không biết điều hòa tình cảm thì có thể sẽ trở nên hà khắc. Quá dùng đạo lý để yêu cầu người khác, nhìn có vẻ rất sáng suốt, nhưng trên thực tế sẽ không giữ được “nhân hòa”, cho nên phải cùng vận dụng cả bi và trí. Nhất là, cái “bi” khi khởi tác dụng thì đi làm việc tốt, nhưng làm việc tốt có lúc năng lực quán chiếu không đủ, đây là không đủ trí. Sẽ biến thành gì? Làm việc tốt mà cưỡng thế. “Dù sao việc mình làm đều là việc tốt”, không quan tâm tới cảm nhận của người khác. Vậy ngay cả việc tốt này cũng khởi tham sân si, không màng tới cảm nhận của người khác, vậy cách làm việc cưỡng thế này sẽ sanh ngạo mạn, sẽ sanh tâm sân hận trong đó. Ví dụ, chúng ta ngày nay muốn đi bố thí là việc tốt, nhưng chưa có thông báo với một nửa kia (chồng hoặc vợ), thậm chí khi một nửa kia hỏi tới, thái độ của mình còn rất ngạo mạn, “Làm việc tốt còn phải thông báo anh sao?”, đây là không đủ tôn trọng. Cho nên làm việc tốt dễ bị cưỡng thế, đây đều là không có bi trí song vận. Chủ tịch Diệp của Cư Mỹ Hinh Nam Kinh chúng ta, sau khi ông tham gia khóa học, hiểu rõ về văn hóa truyền thống rồi, ông dự định mở một trung tâm giáo dục trong công ty của mình, đây là việc lớn. Sau khi ông quyết định như vậy, ý nghĩ đầu tiên là tìm vợ mình bàn luận trước, đây là điều vô cùng đúng đắn. Sau đó còn tìm cha mẹ của mình bàn bạc. Người trong nhà đều có thể chấp nhận, duyên này chín muồi rồi mới làm.

Ví dụ, ngày nay mọi người rất từ bi, nhìn thấy con rùa vãng sanh rồi, rất nhiều người đi giúp nó trợ niệm, muốn đem nó đi chôn. Đây là tâm từ bi khởi tác dụng rồi, là việc tốt. Nhưng có cần dùng trí huệ quán chiếu không? Quán chiếu điều gì? Xin hỏi miếng đất đó có phải của chúng ta không? Quý vị đào lỗ lớn như vậy, nếu nhân viên quản lý họ có ý kiến thì đó chẳng phải là có lỗi với người ta sao? Quý vị nói, họ sẽ không so đo đâu. Sẽ không so đo, trước hết phải báo với họ một tiếng đã. Đây là tôn trọng.

Cho nên sau này, khi chúng ta đang làm việc tốt, người ta nêu ý kiến với chúng ta, trước hết hãy khoan không vui, xem thử lời người ta nhắc nhở đó có phải cũng đáng để suy nghĩ không, như vậy sau này làm việc tốt mới có thể càng viên dung. Mọi người xem, có phải có những lúc chúng ta đang làm việc tốt, chúng ta giống như là đi vào cảnh giới không người hay không? Đối với người bên cạnh hoặc bây giờ thân của chúng ta đang ở đâu cũng không quản. Điều này rất đáng quý, trí huệ lại được nâng cao thì càng hiếm có, chắc chắn là đại Bồ-tát. Chúng ta thấy khi Tử Lộ làm quan, ở vùng đó bị lụt lội, ông liền nhanh chóng tổ chức lão bá tánh đi phòng ngừa. Lúc làm việc, thấy lão bá tánh không có cơm ăn, họ rất đói, ông đều cho họ cơm, ông đều nấu cháo cho họ ăn. Khổng Tử biết được liền phái Tử Cống đến xô ngã cái nồi cháo đó đi. Tử Lộ nghĩ, điều mà Phu Tử dạy tôi nhiều nhất là phải có tâm nhân từ, bây giờ tôi luôn luôn vì lão bá tánh, tại sao ngài không cho tôi làm? Nhưng điều đáng quý của ông ở chỗ nào? Ông biết đi hỏi rõ ràng. Có những lúc giữa người và người, đối phương có thể có ý tốt nhưng sự lý giải của chúng ta lại là đối phương hình như bất mãn với chúng ta. Những lúc này chúng ta lại không đi kiểm chứng, vốn dĩ đối phương muốn tốt cho chúng ta, sau cùng chúng ta biến thành đối lập với đối phương, thậm chí oán hận đối phương. Cho nên phải nói rõ ràng, hỏi rõ ràng. Sau đó ông đã đi hỏi Phu Tử. Phu Tử nói với ông: “Ngươi thí ân đức cho lão bá tánh như vậy là không sai, nhưng nếu ngươi tiếp tục làm như vậy, có phải là nói với lão bá tánh rằng ngươi có ân đức nhất, vua của ngươi không có ân đức bằng ngươi? Lão bá tánh không có cái ăn, ngươi làm quan tại sao không nói với vua của ngươi mau mau mở kho chẩn tế? Chỉ ngươi có tâm nhân từ, còn vua của ngươi không có tâm nhân từ sao?”. Ồ! Tử Lộ có từ bi, nhưng trí huệ của ông không quán chiếu được nhân tình thế sự. Cho nên hãy nhường danh lên trên, nhường công lên trên, nhường công cho đại chúng, việc này đều là “nhân tình luyện đạt giai văn chương” (biết cách xử lý sự việc thỏa đáng thì những kinh nghiệm từng trải đều trở thành văn chương).

Cho nên sự dùng trung này cần giải hành tương ứng, bi trí song vận, giữa có và không đều không chấp trước, quý vị lệch rồi thì sẽ thành chấp trước. Thật sự phải khế nhập trung đạo, “ưng vô sở trụ” là không chấp trước có; “nhi sanh kì tâm” là không chấp trước không. Người mà luôn chấp trước không, cái gì cũng không làm, cái gì cũng là giả nên đều không cần, ngay cả bổn phận cũng không làm tròn, vậy là đọa ba đường ác rồi. “Nhi sanh kì tâm” là không chấp trước không; “ưng vô sở trụ” là không tham chấp. Người hễ tham chấp thì muốn đi khống chế, chiếm hữu, liền tạo nghiệp. Sư phụ thường nói, dụng tâm giống như tấm gương, như vậy chính là trung. Tấm gương thanh tịnh, bất kì người sự vật gì tới nó đều soi chiếu rõ ràng sáng tỏ. Cảnh giới này rất tốt, đây là mục tiêu của chúng ta. Làm sao đạt được “ưng vô sở trụ, nhi sanh kì tâm”, việc này có dễ không? Biết nghe lời thì sẽ không khó, đó gọi là lão thật niệm Phật. “Ưng vô sở trụ”, không có phân biệt, không có chấp trước. “Nhi sanh kì tâm”, một câu Phật hiệu này câu chữ phân minh. “Ưng vô sở trụ”, thật sự không có phân biệt chấp trước, bởi vì đều đang niệm Phật. A-di-đà Phật là vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng giác. Cho nên một câu Phật hiệu, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, tự nhiên khế nhập vào trung đạo, là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Bất luận chúng ta có nghe hiểu hay không, hãy mau mau niệm Phật, đó gọi là “chỉ có lão thật mà niệm”. Pháp môn này đặc biệt ở chỗ nào? Pháp môn thông thường quý vị phải lý giải, quý vị mới biết nên làm ra sao. Pháp môn này, quý vị chưa lý giải, quý vị cứ chân thật niệm liền đắc lực. Pháp môn này quá hy hữu, gọi là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu”, thượng, trung, hạ căn thảy đều có thể tu học. Rất nhiều pháp môn, căn tánh của chúng ta học không được. Thật ra mà nói, nếu không có pháp môn niệm Phật này, với căn tánh của chúng ta, căn bản không thể nào xuất ly lục đạo luân hồi. Cho nên, A-di-đà Phật đối với chúng ta là tận tâm tận lực, đây là lòng trung chân thật đối với chúng ta, luôn luôn vì thành tựu chúng ta thoát ly nỗi khổ sanh tử luân hồi.

Cho nên ngài phát 48 nguyện, chỉ cần “chí tâm tín nhạo”, chỉ cần mong muốn cầu sanh thì không có việc ngài không hộ niệm không gia trì. “Đạo thù thắng vô cực, dễ mà chẳng ai theo”, đó là đạo không khó, chỉ cần tâm của chúng ta niệm A-di-đà Phật giống như tâm nhớ cha mẹ vậy thì sẽ bắt được sóng của cái kênh này. “Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không hề xa cách”. Quý vị đều không có phản ứng, bài tập của tuần lễ sau nữa sẽ là Đại Thế Chí Bồ-tát Niệm Phật Viên Thông Chương. Nói mọi người nghe, bài này còn ngắn hơn Tâm Kinh, quý vị đừng căng thẳng quá. Tôi rất nhân từ, tôi ra bài tập đều rất có chừng mực, quý vị phải tin tưởng tôi, được chứ? (Cười). Những lý này nếu không hiểu rõ thì đọc một câu đó không toát ra sự bi thiết, khẩn thiết, không đọc ra được sự tin sâu nguyện thiết. Nếu thật sự biết rằng chỉ có một ngọn cỏ cứu mạng này, thật sự biết được tâm đại từ đại bi của đức Di-đà đối với chúng ta thì chúng ta luôn luôn dùng tâm báo ân để niệm.

Tất cả kinh giáo đều là giúp chúng ta khế nhập trung đạo, không chấp trước vào hai bên có và không. Tại sao là vạn đức hồng danh? Bất kì một pháp môn nào, đạo lý của tám vạn bốn ngàn pháp môn đều có thể dùng một câu Phật hiệu để thực hành. Ví dụ, mọi người đã đọc Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có một câu giáo huấn tinh tủy nhất đó là: “Ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp luôn luôn tăng trưởng, không để tơ hào bất thiện xen tạp”, tức là dùng tâm như vậy để trì mười nghiệp thiện. Mười nghiệp thiện là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không tham, không sân, không si, không nói dối, không hai lời, không thêu dệt, không nói hung ác. Làm sao thật sự có thể thường niệm, tư duy, quan sát mà không bị gián đoạn? Pháp môn niệm Phật, dùng một câu Phật hiệu thì đã thực hành được câu giáo huấn này. Niệm niệm đều là A-di-đà Phật, chẳng phải đó là thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp sao, chẳng phải sẽ không xen tạp sao?

Cả bộ Kinh Kim Cang dạy chúng ta “làm sao an trụ? Làm sao hàng phục tâm đó?”, phải không? Chính là muốn giúp chúng ta khế nhập cảnh giới này. Vậy mọi ngưởi nghĩ thử xem, “làm sao an trụ?”, niệm câu A-di-đà Phật. “làm sao hàng phục tâm đó”, niệm câu A-di-đà Phật. Nếu như quý vị lão thật niệm Phật, đọc Kinh Kim Cang tới câu này thì có thể khơi dậy được. Tại sao vậy? Quý vị chân thật niệm rồi, điều này tức là có thể thực hành cụ thể. Cả bộ kinh chính là giúp quý vị hiểu lý, quý vị chịu y giáo phụng hành thì có thể khế nhập cảnh giới. Cho nên tại sao nói “vạn đức hồng danh”? Quý vị càng thâm nhập thì càng có phước khí, đây là diệu pháp, diệu pháp vô thượng. Cho nên ai có phước khí nhất? Người chân thật niệm Phật có phước khí nhất!

Quý vị đồng tu, tôi nhìn thấy mọi người dạo này niệm Phật khá là tinh tấn, quý vị có cảm thấy phiền não ít đi rồi không? Quý vị đều rất khiêm tốn. Thật vậy, chân thật niệm là đúng rồi. Kinh A-di-đà, khi chúng ta cùng nhau học, đều có niệm qua. Người niệm Phật thì mười phương chư Phật đều gia trì, đều hộ niệm, điều này là tương ứng với bi nguyện của Di-đà. Bi nguyện của Đức Di-đà nói rằng, ta thành tựu thế giới Tây phương Cực Lạc thì mười phương chư Phật đều giúp ta tuyển sinh, đều giúp ta tuyên truyền. Phải đẹp tới cực điểm, trang nghiêm tới cực điểm thì người ta mới muốn tuyên truyền. Đây thật sự là có khí khái, đã thành tựu đến mức tất cả chư Phật đều hộ niệm người niệm Phật, đều khuyên người niệm Phật vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ quan trọng nhất là học A-di-đà Phật, tận tâm tận lực học A-di-đà Phật, đây cũng là dùng trung. Chúng ta thấy chữ “trung” thường đi cùng với chữ “thành” như là: Trung thành, trung nghĩa, trung tín. Người không thành thì không trung, không có nghĩa thì không trung, không uy tín thì không trung. “Một niệm không sanh gọi là thành”, cho nên người trung thành, không có ý niệm nghĩ cho mình, luôn luôn suy nghĩ cho người khác. Có nghĩa thì không có ý niệm tự tư tự lợi, đây là người đạo nghĩa.

Mạnh Tử đã từng nói rằng: “Hành nhất bất nghĩa, sát nhất bất cô”, làm một việc không có đạo nghĩa, nghĩa là trái nghịch với lợi, chỉ cần có sự tự tư tự lợi xen tạp vào trong những việc mà mình đã làm tức là đã bất nghĩa. “Hành nhất bất nghĩa”, làm một chút xíu việc bất nghĩa, “sát nhất bất cô”, sát hại hoặc làm tổn hại một người vô tội nào đó, “nhi đắc thiên hạ” (mà có được thiên hạ), quý vị chỉ làm một chút việc bất nghĩa, hoặc là chỉ làm hại một người thôi thì cho quý vị cả thiên hạ, sau khi cho quý vị rồi, quý vị có thể đi làm việc tốt lớn, có muốn không? Rất nhiều logic như vậy sẽ kéo chúng ta vào sự bất nghĩa. “Dù sao anh chỉ là có lỗi với ông ấy mà thôi, sau này anh làm những việc tốt khác hồi hướng cho ông ấy”. “Nhân không ngay thì quả sẽ cong quẹo”, những khi chúng ta đang trù tính sau này làm việc tốt mà bây giờ lại có tâm bất nghĩa thì bản thân chúng ta chính là người hồ đồ. Cho nên, điều này phải tương ứng với nghĩa. “Trung” là một tâm một ý, như chúng ta thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, làm sao dùng một tâm một ý? Kinh văn nói: “Như thị nhất tâm cầu Tịnh phương, quyết định vãng sanh Cực Lạc quốc” (nhất tâm như vậy cầu cõi tịnh, nhất định vãng sanh cõi Cực Lạc), cái này là trung. Nếu như lúc chúng ta khởi phiền não còn nhiều hơn lúc niệm Phật thì tức là không trung, không trung với mục tiêu của chính mình, không trung với tánh đức của chính mình. Đối với bản thân phải một lòng một dạ, tất cả những việc tốt đã làm hết thảy đều không cầu quả báo, toàn bộ hồi hướng vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, cái này là dùng một lòng trung, một phương hướng một mục tiêu.

Tiếp theo, đối với một nửa của mình cũng phải trung. Ngày nay vì lợi dục mà phản bội một nửa kia thì tức là không trung. Bây giờ vì tiền, vì chơi bời mà phản bội một nửa kia thì điều này là bất trung bất nghĩa. Nhưng hiện nay tình hình này không hề ít, tại sao? “Người không học, thì không biết”. Chúng tôi đã từng tiếp xúc một số người, họ nghe xong mấy ngày về tiết học văn hóa truyền thống, đều nói với chúng tôi, lúc tới đây tôi đã hẹn xong thời gian để đi ly hôn rồi, sau khi nghe xong mới biết lầm lỗi của mình quá là nghiêm trọng, liền mau cứu vãn quan hệ của hai bên, phải làm trọn đạo nghĩa. Cho nên người thế gian tại sao không có trung nghĩa? Vẫn là bởi vì không đọc kinh, bởi vì không có học tập. Cho nên thời đại này, đối mặt lầm lỗi của người, hãy nên “thương người làm ác”, tội nghiệp họ, đừng trách móc họ thêm nữa. Đây là khoan thứ, dùng bao dung để hóa giải xung đột, hóa giải vấn đề của hai bên. Kể cả phải tận trung với quốc gia. Quý vị không tận trung với quốc gia thì đó là làm quốc tặc, không được bán đứng quốc gia của mình, không được sỉ nhục quốc gia của mình. Chúng ta ngày nay đưa con cái ra nước ngoài du lịch, ở trong sân bay ồn ào lớn tiếng, người ta nhìn vào, liền nói cái gì? Chinese (là người Trung Quốc). Điều này tức là bất trung với dân tộc của mình, dùng hành vi của mình làm ô nhục dân tộc của mình. Cũng giống vậy, chúng ta là đệ tử Phật, người ta biết chúng ta học Phật, nếu như lại làm ra những chuyện trái nghịch đạo đức, tội nghiệt tạo ra sẽ rất nặng, là bất trung với tăng đoàn của hư không pháp giới. Cho nên đối với đoàn thể, nhất là đoàn thể hoằng pháp, chúng ta phải trung với Đức Phật, trung với cổ thánh tiên hiền.

Tiếp đó, phải trung với đạo sư của chúng ta. Sư phụ có trí huệ chân thật, có phước đức gia hộ chúng ta, chúng ta mới có cơ hội học tập thăng tiến, mới có cơ hội rộng kết thiện duyên này, không thể nào qua cầu rút ván, bị chút danh văn lợi dưỡng lôi cuốn thì tình nghĩa này liền quên mất, đây là không có trung. Chúng ta bình tâm nhìn lại, cái gốc của lòng trung của con người không vững thì không cự nổi sự cám dỗ của danh lợi dục vọng. Cho nên tại sao cần giáo dục nhân quả? Nếu không có giáo dục nhân quả thì khi cám dỗ lớn hiện tiền, luân lý đạo đức chưa chắc đã phục được. Chúng ta nhìn thấy, cái gốc đức hạnh của người thế gian không vững, hễ có lợi dục là không nghĩ tới cha mẹ, không nghĩ tới anh chị em, thậm chí từ bỏ một nửa kia. Để khai mở được chân tâm thì nền tảng lớn đó là tuyệt đối phải phụng hành hiếu thân tôn sư. Chúng ta tôn sư quan trọng ở việc y giáo phụng hành, quan trọng ở sự nỗ lực vì chánh pháp cửu trụ thì lòng trung này mới là có trí huệ. Không phải nói tôi và đồng tu nào đó quan hệ khá là tốt, tôi phải trung với anh ấy, anh ấy muốn làm gì tôi sẽ làm với anh ấy, đây là ngu trung. Đồng tu này họ có hiếu thân tôn sư không? Họ có y giáo phụng hành không? Điều này cần phải bình tâm. Hoằng pháp lợi sinh phải dùng lý trí, phải sáng suốt.

Quý vị đồng tu, nếu như sau này tôi làm những việc không giống với lão hòa thượng, quý vị cũng phải biết phân biện, nhất định phải y theo sư phụ mà làm, không thể y theo tôi mà làm, đây là lòng trung đối với sư phụ, lòng trung đối với chánh pháp, cũng là lòng trung thật sự đối với tôi! “Trung” là tận tâm tận lực, quý vị làm đúng rồi mới có thể khuyên tôi quay lại. Quý vị theo tôi cùng nhau làm sai thì đó chẳng phải ngu si sao? Nếu như tôi và sư phụ không giống nhau, quý vị phải đi mua một cái búa làm bằng nhựa nhé, để biểu pháp, phải gõ cho tôi tỉnh lại. Tại sao vậy? Nếu như người không tôn sư thì quả báo là ở địa ngục A-tỳ. Quý vị gõ búa là kéo tôi từ địa ngục A-tỳ ra lại, đây là công đức vô lượng. Chúng ta cùng nhau học tập với sư phụ, là đồng tham đạo hữu thì hãy “cùng khuyên thiện, cùng lập đức”.

Hôm nay tôi trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!