Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 36) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 36: Hiếu là thiên tánh, giáo dục là để quay trở về với thiên tánh.

Ngày 27 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, nói tới “trung hiếu hữu đễ”, nói tới đức hạnh “hiếu”. Hiếu là thiên tánh của con người, thánh nhân giáo hóa nhân dân đều là thuận theo thiên tánh mà giáo dục, cho nên Tam Tự Kinh mở đầu đã nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Giáo dục tức là quay về bổn thiện của con người, mà để quay về bổn thiện thì điều rất quan trọng chính là phải dạy “hiếu”. Chữ “hiếu” này cũng là thiên tánh của con người, “phụ tử hữu thân”, là sự hiển lộ rất tự nhiên. Vậy làm sao để giữ gìn nó, làm sao để nó càng phát huy rạng tỡ, hãy đem hiếu tâm này, ái tâm này, có thể mở rộng tới cả gia tộc, mở rộng tới xã hội đại chúng. Đây chính là công năng rất quan trọng của giáo dục hậu thiên.

“Hiếu” là thiên tánh, chúng ta quan sát em bé một hai tuổi khi ở chung với cha mẹ. Khi em nhìn thấy cha mẹ thì sự vui sướng, cảm giác an toàn của em hiển lộ trên gương mặt của em. Thậm chí khi em phạm lỗi, cha mẹ trách phạt em, em cứ chui vào lòng của cha mẹ, đây là thiên tánh. Quý vị xem em bé đó, thấy cha mẹ mình về nhà, liền giang hai tay ra chạy đến ôm lấy cha mẹ của mình. Quý vị nói việc này ai dạy em? Quý vị có từng thấy một người cha một người mẹ nào dạy con của họ là: “Này, khi mẹ bước vô nhà, con phải ôm mẹ thế này nhé!”? Không có dạy như vậy.

Mọi người có nhìn thấy có người nào đã sáu bảy chục tuổi vừa mở cửa liền kêu lên: “Cha! Mẹ!” không? Có. Quý vị xem, đạo diễn Trác Tuấn Kiệt, kể cả tiên sinh Cao Xương Lễ nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp ở Đại Lục. Bộ trưởng Cao đã hơn 70 tuổi rồi, mẹ của ông chín mươi bảy tuổi rồi. Ông vừa nói tới mẹ của mình, mặt mày rạng rỡ, ông nói, tôi còn có người có thể thương tôi! Sau đó ông nói, tôi làm cán bộ trong đơn vị của tỉnh, là cán bộ cấp tỉnh, đã là người năm sáu chục tuổi rồi, ông nói lúc ông sắp ra ngoài, cha của ông nói: “Nào, lại đây”. Ông nói ông đã ngoan ngoãn đứng lại chỗ đó, cha ông sờ sờ cái mũ của ông, chỉnh một chút: “Được, ổn rồi, con đi đi”. Sau đó ông liền “Dạ!”. Chúng ta có thể thấy tình cảnh đó, bộ trưởng Cao cả đời giữ gìn được sự cung kính và thân ái đối với cha mẹ. Chả trách ông cụ đã bảy mươi mấy tuổi rồi, bây giờ gặp được sự hoằng dương văn hóa truyền thống, tấm lòng son sắt đó được biểu hiện ra thành hiếu tâm đối với nền văn hóa của mình, ở sự tận tâm tận lực. Ở đâu có nhu cầu, ông lớn tuổi như vậy vẫn đi giảng dạy cho mọi người, cho mọi người tín tâm. Cho nên người trong đời này có hạnh phúc không, điều thứ nhất là có thể giữ gìn hiếu tâm và tiếp tục phát huy tâm hiếu, người này chính là người hạnh phúc vui vẻ nhất. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, Đại Thuấn mà chúng ta quen thuộc đã cả đời giữ gìn được hiếu tâm này. Hơn nữa không phải nói cha mẹ đối tốt với ngài thì ngài giữ gìn, cha mẹ đối với ngài không tốt ngài vẫn giữ gìn, “cha mẹ ghét, vẫn hiếu kính”, trong tâm chỉ có cha mẹ. Thường xuyên nghĩ tới, làm sao giúp cha mẹ tốt hơn, làm sao giúp cha mẹ hoan hỉ, tuyệt đối không thấy lỗi của cha mẹ.

Trong thời đại này, xã hội phát triển hết sức nhanh, người của hai ba thế hệ đối mặt với xã hội biến đổi nhanh chóng như vậy vẫn chưa nghĩ rõ ràng phải nên đi như thế nào là đúng, đi như thế nào là không đúng, cuộc đời không biết đã trải qua bao nhiêu năm tháng rồi. Rất nhiều phụ huynh khi tiếp xúc với Đệ Tử Quy, với văn hóa truyền thống, họ đều hết sức tự trách mình, hồi đó mình không hiểu, khi con cái còn nhỏ đều không biết, phải nên dạy các con như vậy mới đúng. Những người làm cha mẹ, họ đã dùng rất nhiều tâm huyết, công lao để chăm sóc gia đình, nhưng bởi vì ít tiếp xúc với văn hóa truyền thống, thậm chí không có, cho nên “người không học”, thì “sẽ không biết”. Họ không biết đạo của người làm cha, của người làm mẹ, nhưng họ lại rất muốn làm tốt, thật ra họ rất là khổ. Chúng ta xem bây giờ, nhất là việc mưu sinh trong các thành phố lớn không hề dễ dàng. Cả hai vợ chồng đều phải kiếm tiền mới nuôi nổi gia đình. Gánh vác về mặt thể lực cũng khá lớn rồi, về tới nhà còn có nhiều vấn đề nhân sự như vậy, còn phải giáo dục tốt con cái, người của hai ba thế hệ này thật sự đều là thân tâm khốn đốn mà đối mặt với gia đình, đối mặt với cuộc sống. Chúng ta bây giờ đã học văn hóa truyền thống, không được dùng những đạo lý văn hóa truyền thống này để yêu cầu cha mẹ của mình, điều này là quá hà khắc. Thời đại trước họ chưa được học, nhưng họ rất muốn làm cho tốt. Chúng ta thấu hiểu cái khó và sự khổ cực của cha mẹ, sau khi chúng ta học rồi thì càng khiến cho gia đình hòa hợp hơn. Cảm ơn sự cống hiến của cha mẹ trong mấy chục năm nay, cha mẹ có chỗ nào không thỏa đáng, chúng ta phải hoàn toàn bao dung. Thật ra, cha mẹ cảm thấy chính mình làm không thỏa đáng, họ còn buồn lòng hơn chúng ta! Chúng ta có thể thấu hiểu cái khó này của cha mẹ thì cục đá treo trong tâm cha mẹ sẽ được lấy xuống. “Người không biết, không có tội”, do không hiểu, nên họ làm không đúng, không nên chỉ trích họ nữa. Còn chúng ta học rồi, không chỉ không thấy lỗi của cha mẹ mà còn phải kì vọng chính mình: Mình đã học rồi, sau này bắt đầu từ mình, phải đem văn hóa truyền thống dân tộc truyền thừa lại, mình phải làm một người con tốt, sau này mình phải làm một người phụ huynh tốt. Đây mới là có chí khí, mới là tâm trạng đúng đắn, không thể đem sự oán trách, khiến mình có lỗi với người bên trên, cũng có lỗi đối với người bên dưới, đây là ngu si. Phải dùng lý trí để bao dung, phải dùng lý trí để gánh vác, đây mới chính là thái độ nhân sinh đáng quý. Và sự hành hiếu này, thật ra chỉ cần hiếu tâm thật sự phát lộ ra thì hành hiếu không khó. Chúng ta có thể từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà nhìn thấy cha mẹ không hề dễ dàng, nhìn thấy tình thương của cha mẹ đối với chúng ta, thấu hiểu được, cha mẹ thà hy sinh tính mạng cho con cái cũng không hề nuối tiếc. Tôi tin là trong quá trình trưởng thành của chúng ta, những lúc chúng ta bị bệnh, bệnh đến nỗi ngủ không được, đau khổ khôn nguôi, chúng ta tưởng tượng xem, cha mẹ còn đau lòng hơn chúng ta. Cha mẹ có thể đã từng ở trước giường bệnh chúng ta, cầu nguyện cùng ông trời: Xin ông trời đừng để con tôi khổ như thế này nữa, ông trời mau mau đem bệnh tật chuyển qua trên thân thể tôi. Cho nên, bản thân tôi cũng thường nhớ lại, tình thương của cha mẹ thật sự đều ở nhất cử nhất động trong cuộc sống này.

Chúng ta lớn khôn rồi, ở trong xã hội nỗ lực phấn đấu, có dễ dàng không? Không hề dễ. Cứ như vậy hơn hai mươi năm nay, cha ta ở trước mặt chúng ta, chưa bao giờ nói qua sự vất vả của công việc mưu sinh, có nghĩa là một người đàn ông như cha đã gánh vác toàn bộ gánh nặng về kinh tế của cả một gia đình, chưa từng chau mày một lần, cũng chưa từng oán than, cho chúng ta một môi trường hoàn toàn an toàn để trưởng thành. Kể cả nộp học phí, ba anh chị em nhà chúng tôi tuổi đều ngang ngang nhau, ba người học đại học cùng một lúc, việc đó là gánh nặng kinh tế rất là lớn đối với một gia đình, nhà chúng tôi không phải làm kinh doanh, là công nhân viên chức, tiền lương chỉ dùng để cung cấp cho cuộc sống gia đình đã không dễ dàng rồi. Mặc dù người nam thì khá là cương nghị, nhưng có những lúc tôi bị bệnh, luôn luôn trong cơn ngủ mê, đều luôn cảm nhận được hình bóng của cha tôi, cha tôi vào lúc nửa đêm khuya khoắt còn đến sờ thăm trán tôi, xem thử tôi đã bớt sốt chưa. Khi tôi thi không tốt lắm, gặp một số trắc trở, cha tôi cười vỗ vỗ tôi và nói, cố lên, cố lên, không được nản chí. Đây đều là hiển lộ của tình thương chân thật. Còn mẹ tôi, chúng tôi buổi sáng vừa thức dậy, mẹ tôi đã sớm ở đó chuẩn bị bữa sáng rồi, buổi tối sắp phải đi ngủ, tôi nhớ có rất nhiều lần đã chạy xuống lầu một, mẹ tôi vẫn còn ở đó giặt quần áo, tôi nói: “Mẹ, chúng ta đi ngủ thôi”, không biết mẹ tôi thức dậy từ bao giờ, cũng không biết được mẹ tôi lúc nào mới đi ngủ.

Tình thương của cha mẹ đối với chúng ta đều hiển lộ trong những hành động sinh hoạt này chứ không phải trong những hành động oanh liệt dữ dội, tại sao vậy? Bởi vì cha mẹ cảm thấy yêu thương con cái là điều rất tự nhiên. Từ cái ngày chúng ta đến với gia đình này, cha mẹ đã một lòng một dạ hy vọng chúng ta trưởng thành, hy vọng chúng ta hạnh phúc, thật sự là không có tơ hào gì đòi hỏi chúng ta, tình thương không có điều kiện. Cho nên tôi rất cảm kích tình thương của cha mẹ đối với chúng tôi, giúp chúng tôi về sau khi yêu thương người khác cũng không có bất kì điều kiện gì. Cho nên nếu thật sự cảm nhận được những khó khăn mà cha mẹ đã trải qua thì sẽ không muốn khiến cha mẹ lo lắng, buồn phiền nữa về chúng ta, trong tâm chúng ta sẽ thường xuyên luôn có cha mẹ một cách rất tự nhiên.

Hiếu Kinh nói với chúng ta: “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn hại, khởi nguồn của hiếu”. Một người sẽ rất tự nhiên mà quan tâm tới sức khỏe của bản thân mình, không chà đạp sức khỏe của mình, càng không thể tập thành những thói quen xấu, sát hại thân thể. Tại vì sao? Bởi vì họ nghĩ tới cha mẹ, không thể để cha mẹ lo lắng thêm, chúng ta sanh bệnh rồi, cha mẹ còn lo lắng hơn chúng ta. Cho nên nếu như chúng ta trong cuộc sống này, nên mặc thêm quần áo mà không mặc thêm quần áo, nên chú ý thời khóa sinh hoạt mà vẫn thường xuyên thức khuya, hơn nữa thức khuya còn làm những việc không có gì quan trọng thì cái này chính là bất hiếu, không đặt cha mẹ vào trong tâm mình. Sự thực hành hiếu đạo chỉ ở trong những chi tiết cuộc sống này mà thôi.

Phù hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân” (hành hiếu bắt đầu từ việc phụng thờ cha mẹ, trung thành với lãnh đạo). Chúng ta vào xã hội làm việc, phục vụ ở trong đoàn thể, nếu như không thể tận trung giữ chức thì cha mẹ đau lòng; không thể chung sống hòa hợp với đồng nghiệp thì cha mẹ lo lắng, hiếu tử tuyệt đối sẽ không như vậy. “Chung ư lập thân” (sau cùng là lập thân hành đạo), “lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu”. Chúng ta phải thành tựu đức hạnh, cha mẹ sẽ cảm thấy đời này nuôi dưỡng được đứa con này là hết sức vinh hạnh. Nếu chúng ta làm ra những việc không tốt trái nghịch đức hạnh, đó là dùng thân làm ô nhục cha mẹ của mình. Dân tộc chúng ta là hiếu đạo truyền gia, có thái độ nhân sinh vinh hiển tổ tiên, cho nên hành vi xử sự đều phải hết sức cẩn thận.

Và chúng ta xem những hiếu tử ở trong Câu Chuyện Đức Dục, thật sự có thể vì cha mẹ cống hiến sinh mạng, quyết không từ chối. Chúng ta xem “Kiềm Lâu nếm phân”. Cha của ông Dữu Kiềm Lâu sanh bệnh, làm sao ông biết được? Ông vừa nhậm chức quan thì toàn thân không thoải mái, ông liền cảm thấy chắc chắn cha mẹ mình có chuyện rồi, lập tức liền từ bỏ chức quan đó, chắc chắn ông không vì tham chấp công danh lợi lộc thế gian này mà không hiếu thuận với cha mẹ. Cho nên hiếu tử trước đây, rất nhiều người có cơ hội làm quan lớn mà không làm, đợi phụng dưỡng xong cha mẹ, họ cảm thấy lương tâm an rồi, mới đi phụng hiến cho quốc gia xã hội, tâm trạng này là người có tâm tánh chân thật, đâu vì mưu cầu công danh lợi lộc của bản thân mà gác qua một bên việc phụng dưỡng cha mẹ? Cái này là trong tâm tánh có vấn đề.

Sau khi ông quay về nhà, quả nhiên không sai, cha của ông đang bị bệnh nặng. Vì muốn mau chóng tìm hiểu bệnh tình của cha, bác sĩ đó nói, ông hãy nếm phân của cha ông, nếu như mà thấy nó bị đắng thì còn có thể sẽ cứu chữa được, nếu như ngọt thì khó cứu rồi. Lời vừa mới nói xong, Kiềm Lâu không có bất kì suy nghĩ gì, lập tức liền đi nếm phân của cha mình. Đây là trong tâm chỉ có sự an nguy của cha mẹ. Kết quả đó là vị ngọt, ông liền hết sức lo lắng, tối hôm đó ông quỳ xuống khẩn cầu ông trời giảm thọ của ông để cha ông tiếp tục được sống. Kể cả sự tận hiếu của người nữ, như trong truyện “Dương Hương vật cọp”, cha của cô bị cọp dùng miệng cắp đi, Dương Hương không sợ sống chết, lập tức xông qua đó cứu cha của mình. Chúng ta nhìn thấy những tấm gương này liền sanh tâm hổ thẹn, đây là thánh hiền của thế gian. Chúng ta là người học Phật, muốn thành tựu sự nghiệp xuất thế gian, nếu không có nền tảng đức hạnh của người thế gian này thì không nói tới sự nghiệp xuất thế gian được. Kể cả Đại Thuấn cũng vậy, Mẫn Tử Khiên cũng vậy, hoàn toàn không thấy lỗi của cha mẹ, đây là điều chúng ta phải học theo.

Thiên hạ không có cha mẹ không đúng”, trong tâm chúng ta nếu còn có điều gì không vui về cha mẹ, có chỗ nào oán trách thì tâm này đã bị tập khí của mình làm ô nhiễm rồi, đã không chân thành rồi. Quý vị xem Mẫn Tử Khiên, mẹ kế không tốt với ông, ông luôn luôn muốn tốt cho mẹ kế, muốn tốt cho gia đình, cho nên ông mới có thể hiển lộ chân tình, chí thành cảm thông, nói ra câu danh ngôn thiên cổ: “Mẹ còn chỉ mình con lạnh, mẹ đi rồi ba đứa rét sương”.

Trong tâm chúng ta luôn có thể nhớ tới cha mẹ, chúng ta phụng dưỡng cha mẹ, dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ. Chúng ta xem dưỡng thân của cha mẹ, “Thái Thuận nhặt dâu”, có đồ ăn gì ngon, ông nghĩ tới cha mẹ trước. Thời kì Xuân Thu chiến quốc, Dĩnh Khảo Thúc là hiếu tử, quốc quân ban cho ông thức ăn ngon, ông gói lại không ăn. Trịnh Trang Công hỏi ông, thức ăn ngon như vậy, tại sao ngươi không ăn? Ông nói: “Bất kì đồ gì ngon, tôi nhất định phải để mẹ tôi ăn trước rồi tôi mới ăn”. Hiếu tâm này đã cảm động đến Trịnh Trang Công, nhà vua đã cho rước mẹ của mình về mà phụng dưỡng (Trước đó nhà vua đã không nhìn mẹ của mình). Điều này không chỉ giải tỏa sự hiểu lầm của Trịnh Trang Công đối với mẹ ông, mà còn khơi dậy hiếu đạo của cả một quốc gia. Cho nên làm một hiếu tử sẽ có cống hiến vô cùng lớn cho quốc gia xã hội. Chúng ta xem “Trần tình biểu” của Lý Mật triều Tấn, Lý Mật hiếu thuận với bà nội mình. Những tấm gương này, hoàng đế biết được đã tuyên dương ông, cho nên hiếu tử của triều Hán và triều Tấn là nhiều nhất. Tại sao vậy? Vì họ có tấm gương. Triều Hán có Hán Văn Đế làm gương, “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước, ngày đêm hầu, không rời giường”, đây là dưỡng thân cha mẹ. “Bệnh tắc trí kì ưu”, cha mẹ bị bệnh, chúng ta đồng cảm thấu hiểu, dốc sức chăm sóc, dốc sức tìm bác sĩ giỏi để trị bệnh cho cha mẹ. Vì triều Hán có người lãnh đạo làm gương tốt thì trong dân gian có Đông Hán Hoàng Hương quạt nồng ấp lạnh mà hiếu dưỡng cha mình, đây là dưỡng thân của cha mẹ. Hơn nữa, những khi chúng ta phụng dưỡng cha mẹ, tuổi tác cha mẹ đã khá cao, cho nên chăm sóc các cụ phải tỉ mỉ giống như chăm sóc em bé vậy. Ông trời cũng rất là thú vị, rất có trí huệ, khiến người ta có một vòng tuần hoàn, biết uống nước nhớ nguồn, tri ân báo ân.

Hồi còn nhỏ, nhờ có cha mẹ chúng ta mới có thể lớn khôn thành người, cha mẹ giờ đã già thì chúng ta phải báo cái ân này, chăm sóc cha mẹ của mình cũng giống như chăm sóc một em bé vậy. Cho nên phải vô cùng thấu hiểu tầm quan trọng của việc dưỡng thân cha mẹ.

Tiếp theo phải dưỡng tâm của cha mẹ, thường xuyên có thể thấu hiểu tâm ý của cha mẹ, đừng cô phụ ý tốt của cha mẹ. Kể cả, đừng làm cha mẹ lo lắng, đừng làm cha mẹ phiền não, để tâm trạng cha mẹ được vui vẻ. Chúng ta phụng dưỡng cha mẹ phải biết thuận theo, phải biết nhu hòa. Những việc cha mẹ lo lắng, chúng ta mau mau làm tốt bản thân mình, khiến cha mẹ không phải lo lắng nữa; những người cha mẹ nhớ mong, chúng ta dốc sức chăm sóc tốt, khiến cha mẹ an lòng; anh chị em yêu thương lẫn nhau, “anh em hòa, là hiếu kính”; con cái của các anh chị em, cha mẹ cũng thương mong, chúng ta cũng chăm sóc những vãn bối này cho tốt, giáo dục các cháu cho tốt, đây đều là tận hiếu.

Triều Tấn có một vị thư sinh tên là Lưu Ân, mới lên bảy tuổi đã mất cha, đến năm chín tuổi phải phụng dưỡng bà nội của mình, không đơn giản, bảy tuổi đã chăm sóc bà nội của mình. Khi bà nội của em rất muốn ăn rau cẩn, rau cẩn có lẽ là chỉ rau cần, cần khô. Em quan sát thấy bà nội của mình mười ngày nay không ăn cơm được nhiều cho lắm, em liền chủ động hỏi, bà nội, có phải bà ăn không thấy ngon miệng phải không? Quý vị xem một em bé chín tuổi mà rất tinh tế, nhận ra nét mặt bà nội khác khác, liền mau mau chủ động quan tâm. Bà nội nói, mấy ngày nay bà rất muốn ăn râu cần. Mà lúc đó lại là mùa đông, không có rau cần. Em bé chín tuổi đi đến bên bờ ruộng nước khóc òa lên nức nở, khẩn cầu ông trời có thể nào cho bà nội em một chút rau cần để ăn không. Khóc cả nửa ngày, bên mặt nước đó liền mọc lên rau cần. Chí thành cảm thông, vạn vật đều là có tình cảm. Hơn nữa khi em cắt về cho bà nội mình ăn, cây rau đó lại mọc rất rốt, mỗi ngày em cắt ăn không hết. Đến khi mùa rau cần tới thì nó không mọc nữa, bởi vì đã có người bán rau cần rồi. Về sau, em nằm mơ thấy có người nói với em là ở bên dưới hàng rào phía Tây nhà em có chôn một trăm thạch ngũ cốc tạp lương. Em đi đào, thấy thật như vậy, bên trên còn viết là muốn tặng cho em. Chí thành cảm thông, phước báo hiện tiền. Hơn nữa còn có viết, cho em ăn bảy năm, em thật sự ăn được bảy năm. Hơn nữa, Lưu Ân về sau còn sanh được bảy người con trai. Phước báo này hiện tiền. Cho nên không chỉ dưỡng thân của cha mẹ, còn thân của ông bà nội cũng vô cùng thấu hiểu. Cho nên chúng ta hôm qua cũng đã nhắc tới “cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Việc học của chúng ta, cha mẹ lo lắng; vợ chồng, gia đình chúng ta, cha mẹ lo lắng; sự nghiệp của chúng ta, cha mẹ lo lắng, chúng ta đều phải nên tận lực làm cho tốt để dưỡng tâm của cha mẹ.

Tiếp theo, dưỡng chí của cha mẹ. Tất nhiên, việc dưỡng chí của cha mẹ phải tùy thuận Phật tánh của cha mẹ, không tùy thuận tình chấp của cha mẹ; tùy thuận trí huệ của cha mẹ, không tùy thuận phiền não của cha mẹ. Đối với các bậc lớn tuổi thì “giới chi tại đắc”, người đã lớn tuổi rồi, thường hay suy tính thiệt hơn. Chúng ta là người làm con có thể phương tiện thiện xảo, mượn những sự việc xảy ra trong cuộc sống mà dẫn dắt cha mẹ rằng “mọi thứ đều không mang theo được, chỉ nghiệp theo thân mà thôi”, cuộc đời đừng có chấp trước vào những thứ này nữa, tử sanh là việc lớn, phải nâng cao linh tánh của bản thân, đời này phải có giá trị cao hơn, hơn nữa sau khi sanh mạng kết thúc, còn có nơi rất tốt là thế giới Tây phương Cực Lạc để đi về. Đây là dưỡng chí của cha mẹ. Kể cả cha mẹ có sứ mệnh với dân tộc, với quốc gia xã hội, đời này họ đã tận lực rồi, nhưng vẫn còn có phần nuối tiếc, chúng ta là người làm con có thể thấu hiểu, có thể kế thừa sứ mệnh này của cha mẹ đối với quốc gia dân tộc, chúng ta làm còn tốt hơn, đây cũng là dưỡng chí của cha mẹ.

Được rồi. Hôm nay chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người.