Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 37) | Thầy Thái Lễ Húc

 

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 37: Hiếu thảo có thể gặp dữ hóa lành, bất hiếu sẽ bị trời giáng tai ương.

Ngày 28 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới thực hành “hiếu thuận” cụ thể trong những việc dưỡng thân cha mẹ, dưỡng tâm cha mẹ, dưỡng chí cha mẹ. Rất có thể, đến lúc chúng ta muốn hiếu thuận thì cha mẹ không còn nữa. Cho nên những người đọc sách trong lịch sử, những người làm con trong lịch sử đều có một sự nuối tiếc rất lớn đó là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn dưỡng nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”. Cho nên cuộc đời có hai việc không thể đợi: Hành hiếu phải kịp thời, hành thiện phải kịp thời.

Khi đã tạo thành sự tiếc nuối này rồi, chúng ta tu học phải luôn luôn có lý trí, bởi vì nuối tiếc cũng là phiền não, ở đó áo não, đối với bản thân, đối với cha mẹ đều không có ích lợi. Chúng ta học Phật phải biết “một người đắc đạo, cửu tổ sanh thiên”, phải nên dùng đức hạnh của mình để có thể khiến cha mẹ được lợi ích, đây gọi là đạo lý siêu độ. Dùng công đức gì để siêu độ cha mẹ? Điều rất quan trọng là mỗi lời nói, mỗi hành vi, khởi tâm động niệm của chính mình phải tương ứng với giáo huấn của Phật Bồ-tát. Mỗi ngày đối nhân xử thế tiếp vật đều có công đức thì năng lượng của công đức này rất lớn. Thế nào là công đức? Dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi mà làm thì mỗi công việc đều có công đức. Nếu trái nghịch với năm tâm này thì cho dù làm việc thiện lớn tới đâu cũng chỉ là phước đức, không phải công đức.

Trong lịch sử, Lương Vũ Đế tu phước báo lớn nhất. Ngài kiến tạo 480 ngôi Phật tự, người xuất gia tu hành ở trong đó có thể có tới mười mấy vạn người. Phước mà ngài tu được đó, trong lịch sử không tìm được mấy người vượt qua Lương Vũ Đế. Nhưng mà, trong tâm ngài cảm thấy mình có công đức, cái này đã rớt vào tâm danh lợi rồi, thậm chí còn cảm thấy bản thân mình ghê gớm, đây là phước đức, không phải công đức. Cho nên phải dùng sự tu hành chân thật để siêu độ cha mẹ, khiến cha mẹ được lợi ích.

Sư trưởng trong lúc giảng kinh có nhắc tới Ảnh Trần Hồi Ức Lục có một ví dụ, có một vị cư sĩ Lưu, ông đọc Kinh Lăng-nghiêm đã tám năm rồi, có lẽ đã thành tựu định huệ tương đối rồi. Định huệ này là công đức, cho nên ông có công đức có thể siêu độ thân nhân quyến thuộc của mình rồi. Cho nên vợ con quá cố của ông tìm tới ông nhờ giúp đỡ, ông nhận lời, họ liền đứng trên vai ông mà được sanh thiên. Ngay cả oan gia trái chủ, hai người đã từng kiện tụng với ông mà bị thua sau cùng đã tự sát, cũng tới tìm ông siêu độ.

Quý vị đồng đạo xem xong ví dụ này có khai mở được gì không? Chúng ta nghe sư phụ giảng kinh, phải dụng tâm dũng mãnh, dụng tâm hổ thẹn mà nghe. Tâm hổ thẹn là người ta có thể làm được, bản thân chúng ta cũng phải gắng sức làm cho được, “đời người trọng nhất là chữ sỉ”. Dùng tâm dũng mãnh thì sẽ tinh tấn dụng công. Cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời của chúng ta bây giờ đang ở trong ác đạo có lẽ là rất nhiều nhiều. Kì lạ thay, tại sao họ không tới tìm chúng ta? Mọi người có từng nghĩ qua chưa? Bởi vì chúng ta không có năng lực để siêu độ họ nên họ tiếp tục chịu khổ. Nếu chúng ta thật sự có công phu này rồi thì cái duyên này sẽ có thể kết. Cho nên phải dũng mãnh tinh tấn độ tất cả chúng sanh thoát khỏi biển sanh tử. Chúng ta không nhất thiết phải đọc Kinh Lăng-nghiêm mới có thể khế nhập định huệ như vậy, chúng ta đã gặp được pháp môn niệm Phật rồi, một câu vạn đức hồng danh, “bất giả phương tiện”, ôi chao! Tuần sau thi rồi mà bây giờ quý vị vẫn không đọc tiếp được câu này sao? Vậy quý vị là nước tới chân mới nhảy rồi. “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”. Khi quý vị đọc câu này đã không theo lời kinh mà quán chiếu, đọc câu “tịnh niệm tương kế”, hình như quý vị bị ép đọc thuộc câu này, ai ép quý vị vậy? Người đó đã bị phạm vào giới sát rồi, vì đã não hại chúng sanh.

Mỗi câu kinh văn, hãy đọc một cách nghiêm túc, có thể theo lời kinh mà quán chiếu. “Tịnh niệm tương kế”, thật sự dụng công niệm Phật tám năm thì chắc chắn sẽ có năng lực như vậy. Chúng ta thấy tứ chúng đệ tử có thành tựu trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, số người tại gia không ít, niệm Phật ba năm, năm năm đều có thành tựu rất cao. Cư sĩ Hoàng Trung Xương cách chúng ta gần nhất, anh còn rất trẻ, còn trẻ tuổi hơn tôi nữa, anh niệm hai năm mười tháng, không bệnh tật gì đã vãng sanh rồi, xá-lợi tử hiện nay được cúng trong Phật đường ở Thâm Quyến. Nói tới đây thì tôi cảm thấy không chỗ dung thân, theo sư phụ học Phật nhiều năm như vậy rồi mà công phu của mình còn kém xa những đồng tu này. Sự dũng mãnh tinh tấn này đối với chúng ta rất quan trọng, Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đây là động lực căn bản. Hãy đem nỗi khổ của cha mẹ, của quyến thuộc nhiều đời đặt trong tâm mình, mau mau nâng cao bản thân để trợ giúp họ.

Nhà Phật giáo huấn chúng ta phải bắt đầu từ việc hiếu thân tôn sư, tấm lòng hiếu kính này cũng từ việc đối với cha mẹ, có thể mở rộng ra đối với tất cả chúng sanh. Một cái thật thì tất cả đều thật (nhất chân nhất thiết chân), đây mới là chân tâm. Chúng ta xem, chúng ta sống chung với tất cả chúng sanh, chúng ta phụng hành hạnh Phổ Hiền, lễ kính chư Phật, quảng tu cúng dường, đó là dùng tâm cung kính cúng dường cha mẹ mà đối nhân xử thế. Chúng ta cùng bạn bè, người thân có duyên cũng phải quan tâm tới cuộc sống của họ, “dưỡng thân của cha mẹ”, tức là phải hết lòng quan tâm, giúp đỡ họ. Chúng ta có tâm trạng như vậy đối với mỗi người không? Quý vị quan tâm đến họ, thương yêu họ, cái duyên này sẽ càng ngày càng tốt. Tất nhiên, tiếp một bước nữa là chúng ta phải giúp đỡ họ, phải dẫn dắt họ thâm nhập giáo huấn của thánh hiền, đây là việc quan trọng nhất trong cuộc đời này. Việc chân thật nhất trong đời này là nâng cao linh tánh của chính mình, nâng cao trí huệ của chính mình. Đây là việc chân thật duy nhất trong cuộc đời này, tất cả những thứ khác đều là mộng huyễn bọt ảnh, mây khói phù du. Nhưng chúng ta muốn khuyên họ thì phải thấu hiểu tâm của người ta, không thể nào khi khuyên bảo khiến người ta rất khó chấp nhận. Cho nên việc “dưỡng tâm cha mẹ”, ngoài những việc chăm sóc trong cuộc sống ra, còn phải thấu hiểu tâm tình của cha mẹ, thấu hiểu tâm tình của người khác, điều chỉnh cảm xúc khiến họ có thể tiếp thu sự khuyến cáo của chúng ta.

Tiếp theo mới là “dưỡng chí của cha mẹ”. Họ có thể tiếp thu lời khuyên của chúng ta, chúng ta mới có thể đem những trí huệ, những giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, của Phật Bồ-tát giới thiệu cho họ, cúng dường cho họ. Cho nên muốn giúp đỡ người thì phải cống hiến, phải quan tâm, còn phải thấu hiểu, còn phải có phương tiện thiện xảo, từ đó mới có thể thể hiện cái tâm này của chúng ta là chân thành, có sự nhẫn nại. Chúng ta muốn giúp đỡ người khác mà người ta không tiếp thu thì phải quay đầu lại mà phản tỉnh chính mình, tâm địa ta không đủ tha thiết, phương pháp không đủ thiện xảo. Không thể nào muốn giúp người khác nhưng sau cùng lại là chỉ trích người khác, oán trách người khác, như vậy càng tu sẽ càng điên đảo.

Trong Vựng Biên có nhắc tới nguyên nhân của sự bất hiếu. Chúng ta tìm ra được nguyên nhân rồi mới có thể dùng phương pháp tốt để giáo dục thế hệ sau, phương pháp tốt để phản tỉnh chính mình mà hành hiếu. Tam Tự Kinh nói rằng: “Người không học, không biết nghĩa”, “nuôi không dạy, lỗi của cha; dạy không nghiêm, lỗi của thầy”. Mỗi người muốn biểu diễn tốt bổn phận, vai trò của chính mình thì phải học tập những đạo nghĩa, đạo lý trong bổn phận này.

Vựng Biên nhắc tới tiểu bất hiếu có mấy nguyên nhân sau. Cái thứ nhất, từ nhỏ được nuông chiều. Thật ra tất cả các vấn đề đều do tâm bị lệch lạc, “tâm có sự yêu thích, sẽ không được ngay thẳng”. Giáo dục con trẻ ưa thích cái này, ghét bỏ cái kia, có tâm thiên vị thì sẽ có vấn đề. Tâm của chính mình lệch lạc rồi thì tâm của con trẻ sẽ lệch lạc theo tâm chúng ta. Cho nên giáo dục con trẻ thì an tường cung kính là pháp thứ nhất. Từ nhỏ phải khiến các em không được lao xao, hơn nữa nhất cử nhất động phải vững chãi, phải cẩn trọng, còn phải cung kính với người sự vật, đây là pháp thứ nhất dạy con trẻ.

“Công chính nghiêm minh”, công bằng, chính trực, uy nghiêm, giữ đạo lý, hiểu lý, “là pháp thứ nhất để làm phụ huynh”. Những cách ngôn này đều chỉ ra hết sức thấu triệt. Nuông chiều sanh kiêu ngạo thì sẽ không công chính, nghiêm minh, cho nên phải có lý trí mới có thể giáo dục tốt con trẻ. Cái thứ hai, là lơ là việc dạy con trẻ tập thành thói quen tốt. Con trẻ từ nhỏ nhiễm phải thói quen xấu sẽ thành bất hiếu, rất có thể sẽ phóng túng dục vọng. Nhiễm phải những thói quen xấu này, về sau muốn sửa sẽ rất khó khăn. Cho nên vì sao chúng ta tuổi thành niên tu đạo phải trì giới năm năm? Trước tiên phải trừ bỏ đi những tập tính xấu đã nhiễm phải trong đời này. Trừ bỏ phiền não rồi thì trí huệ mới tăng trưởng. Để tập thành thói quen này, cha mẹ phải ở bên cạnh mà dạy dỗ. Cái tiểu bất hiếu thứ ba là không biết đủ, phóng túng dục vọng. Dục không thể phóng túng, điều này rất quan trọng. Bởi vì nếu các em tham dục rất nặng thì cuộc đời các em sẽ biến thành nô lệ của dục vọng, các em sẽ không thể nào có cuộc đời hạnh phúc. Cái thứ tư là “quên ơn nhớ oán”, trong tâm chỉ chất chứa những chuyện không vui, oán trách cha mẹ, đây là nhân tố thứ tư của tiểu bất hiếu.

Đại bất hiếu có bốn điều, điều thứ nhất là tham tài. Đối với tài vật, anh em đấu đá nhau, cha mẹ sẽ đau đớn tuyệt vọng, thậm chí bây giờ nghiêm trọng tới nỗi con cái kiện cha mẹ ra tòa, đây là đại bất hiếu. Điều thứ hai là “quyến luyến vợ con”, tức là trong tâm chỉ có vợ và con của mình, hoàn toàn không quan tâm cha mẹ. Điều thứ ba là “dâm đãng”, đã hoàn toàn không khống chế được thói xấu này, háo sắc, sau đó chơi bời lêu lổng, mỗi ngày đều suy nghĩ bậy bạ, có thể sẽ phạm tội. Điều thứ tư là “tranh đố”, tức là cùng với anh em, cùng với người nhà đố kị tranh sự sủng ái, đây là nguyên nhân thứ tư của sự đại bất hiếu.

Con trẻ từ nhỏ phải được nuôi dưỡng thiện tâm, hiếu tâm, không được nuôi dưỡng những tập tính xấu này. “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã”, từ nhỏ đã cắm gốc đức hạnh cho con trẻ, đây là công việc thần thánh. Cho nên tại sao lão tổ tiên chúng ta đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của người mẹ? Người mẹ gọi là “thái thái”, “thái thái” đại diện cho sự then chốt của sự bồi dưỡng ra thánh nhân là ở sự giáo dục của người mẹ, đức hạnh của người mẹ. Trước đây chúng ta đã nhắc tới hai điều đạo đức “trung hiếu” này. “Gặp hung hóa cát, gặp dữ hóa lành”, người như thế nào có thể có được điềm lành như vậy? Người trung hiếu đều có được điềm lành như vậy. Trong Câu Chuyện Đức Dục có truyện “Lý Trung tỵ chấn”, Lý Trung là hiếu tử, khu vực ông sống bị động đất lớn, tất cả nhà cửa đều bị sụp hết, chỉ có nhà của ông không bị sụp. Cơn động đất đó tới nhà của ông, chia thành hai đường, khi đi qua nhà của ông mới hợp lại. Cho nên nhà Phật nói, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, và những ví dụ như vậy có rất nhiều trong lịch sử.

Thời Tống có một hiếu tử tên là Chu Thái, thường phải đi đoạn đường rất xa, mua thức ăn mà cha mẹ mình thích. Ông làm nghề đốn củi để mưu sinh, thật ra kiếm tiền không dễ, nhưng chỉ cần cha mẹ vui lòng thì dầu có cực khổ tới đâu đi nữa, ông cũng cảm thấy rất vui sướng, giống như Tử Lộ gánh gạo trăm dặm. Quán chiếu bản thân chúng ta, bây giờ cha mẹ muốn chúng ta làm một số việc gì, ta làm một chút đã không kiên nhẫn rồi, khoảng cách rất là lớn. Một buổi sáng nọ, ông thức dậy rất sớm rồi đi vào trong núi. Lúc đang nghỉ ngơi dưới chân núi ông gặp phải một con cọp, nó liền vồ bắt lấy ông. Sức lực của con cọp đó quá lớn, ông bị đánh ngất xỉu, đến khi con cọp đó tha ông đi được hơn một trăm bước, ông mới từ từ tỉnh lại được đôi chút. Ông liền lớn tiếng nói rằng: “Hôm nay bị ngươi bắt rồi, điều khiến ta nuối tiếc nhất chính là không thể phụng dưỡng mẹ của ta được nữa”. Ông vừa nói xong, con cọp đó liền thả ông xuống rồi vội vàng chạy đi, giống như con cọp đó bị người đuổi đi vậy.

Quý vị đồng nhân, có người nào đuổi nó không? Có thể có, chúng ta không nhìn thấy nhưng có thể là thiên binh thiên tướng đã xuống rồi, “Nghiệt chướng nhà ngươi, ngay cả hiếu tử như vậy ngươi cũng bắt nạt”, có thể nó đã bị dọa chạy mất. Đây cũng là cảm ứng. Tất nhiên, nếu như tôi vãng sanh Tây phương thì tôi sẽ điều tra rõ ràng sự việc này (Cười). Những sự vật mà con người có thể lý giải được là có hạn. Kết quả ông đã bị thương rất nghiêm trọng, không cách nào đi được, ông cứ như vậy mà lết về nhà. Sau khi ông về nhà, người trong làng biết được sự việc này, cảm thấy hiếu tử này có thể hóa giải được tai họa lớn như vậy nên đã đặt cho ông một cái tên khác là Chu Hổ Tàn. Vốn dĩ ông tên là Chu Thái, người đời sau gọi ông là Chu Hổ Tàn, tức là người có thể sống sót trở về từ trong miệng cọp.

Hành hiếu có thể gặp hung hóa cát, còn bất hiếu rất có thể tai họa sẽ hiện tiền. Tại sao vậy? Người bất hiếu không còn tư cách làm người nữa rồi. Không còn tư cách làm người thì ông trời sẽ phải thu hồi họ trở về. Mấy năm nay rất có thể là thời gian mà ông trời đang tính sổ đấy. Người có thể hiểu lý, họ biết quay đầu, quay đầu là bờ, họ mới có thể thoát khỏi tai họa này. Nếu như không hiểu lý, vẫn tiếp tục tạo tác, thì sẽ ở trong kiếp nạn. Cho nên tại sao mở lớp dạy học rất quan trọng? Bởi vì đại chúng ở trong những khóa học này có thể thức tỉnh thiện căn của họ. Cho nên Khổng Tử dạy học, Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, điều quan trọng nhất là tạo nhân duyên cho chúng sanh có thể được nghe chánh pháp. Cuộc đời chỉ tại gặp duyên bất đồng, nhất là việc giới thiệu kinh sách cho người khác rất quan trọng.

Tôi có quen một nhà doanh nghiệp, ông đã rất cảm thán mà nói với tôi, ông đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên một lần thì nổi gai ốc, bởi vì ông không có một câu nào mà không phạm. Tôi rất khâm phục phước báo của ông, không có một câu nào mà ông không phạm, vậy mà ông vẫn còn sống, có thể thấy phước báo của ông lớn tới mức độ nào rồi. Nhưng nếu như ông không đọc kinh, không được nghe chánh pháp, cứ tiếp tục như vậy, đến khi ông xài hết phước rồi thì chắc chắn là đọa địa ngục A-tỳ. Người giác ngộ, người từ bi tại sao thị hiện cho chúng ta xem một đời họ theo đuổi sự nghiệp dạy học vậy? Vì họ cảm nhận được chúng sanh quá cần đến giáo huấn của thánh hiền. Cho nên những người đọc sách đều nói rằng: “Trời không sanh Trọng Ni (tức Khổng Tử), vạn cổ như đêm dài”. Người không hiểu những đạo lý này, đời này có được thân người, lại đi làm rất nhiều chuyện của ba đường ác.

Ở khu vực Long Du, có hai anh em họ Từ, chữ “Từ” có hai chữ “nhân”. Hai anh em nhà họ luân phiên nhau chăm sóc mẹ mình, hơn nữa là năm ngày đổi một lần. Nhà người em thì khá giả hơn một chút, người anh thì hơi túng thiếu. Luân phiên tới lúc còn lại hai ngày, anh trai đã không còn thức ăn nữa, liền nói với mẹ mình rằng: “Mẹ đến nhà em trai nhé, thương lượng với em một chút, tới nhà em ăn cơm trước, sau này con sẽ bù lại hai ngày này”. Người mẹ đi đến nhà người em trai, em trai bước ra cửa, cửa còn chưa mở, chỉ đứng trong nhà nói chuyện với mẹ mình. Người mẹ kể về tình hình của người anh, người em không mở cửa mà nói: “Còn hai ngày nữa, việc này con không quản, dù sao thời gian vẫn chưa tới, không liên quan tới con”. Người mẹ này ngửi thấy mùi thơm của cơm đã nấu chín, bà nói: “Bây giờ mẹ rất là đói bụng, cơm nhà con cũng nấu chín rồi, vậy con cho mẹ vào ăn trước một bữa rồi nói tiếp”. Người em này vẫn không mở cửa, còn gọi vợ của mình: “Em bưng cơm canh đó vô trong phòng đi, rồi dùng mền bông trùm lại, đừng để cho mẹ ngửi”. Vợ anh ta liền làm theo như vậy, đem cơm đó trùm mền lại.

Người mẹ này rất là đau lòng, cũng hết cách, đành bỏ về. Vừa mới đi được đoạn đường khoảng một cây số thôi, trên trời bỗng nổi sấm, thần thiên lôi phẫn nộ, sấm sét đánh ngay vào trong nhà người em trai bất hiếu này. Vợ của anh ta chết ngay tức khắc trước cửa nhà, còn người chồng thì chết trong phòng khách. Hàng xóm thấy sấm sét lớn như vậy, liền ra ngoài đi đến nhà họ coi một chút, hai vợ chồng đều chết hết. Tại sao nói đại bất hiếu sẽ bị sét đánh? Chuyện này không chỉ trong xã hội của chúng ta mới có. Ở Ba Lan, có một người con trai, vì vấn đề tiền bạc, muốn xin tiền của mẹ mình, sau cùng đã sát hại cả mẹ ruột của chính mình. Kết quả ra ngoài chưa bao lâu, cũng bị sét đánh chết. Cho nên đại hiếu thì gặp hung hóa cát; đại bất hiếu thì tai họa sẽ giáng xuống. Hàng xóm vào nhà coi thử, mở cái mền bông đó ra, cơm canh vẫn còn nóng hổi.

Lão tổ tiên giáo huấn chúng ta: “Quân tử trọng cái gốc, gốc lập thì đạo sanh”. Đạo nghiệp của chúng ta, gia nghiệp, sự nghiệp của chúng ta muốn có được sự phát triển tốt thì phải được xây dựng trên đức hạnh, xây dựng trên nền tảng của sự trung hiếu. Có cái căn bản này rồi, chắc chắn sẽ có thành tựu tốt.

Buổi sáng hôm nay xin chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!