Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 39) | Thầy Thái Lễ Húc

 

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 39: Chánh kỷ rồi mới có thể hóa nhân, không được đảo lộn trật tự.

Ngày 30 tháng 10 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Mấy tiết học này, chúng ta học tập câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”. Sự hiếu đễ và sự trung thành có thể nói là căn bản lớn của việc làm người. Thánh hiền Nho Đạo Thích của chúng ta giáo huấn chúng ta, sự giáo dục về luân lý đạo đức đều là bắt đầu dạy từ việc làm người.

Cho nên Khổng Tử dạy học có bốn môn khoa mục là “Đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học”. “Đức hạnh” luôn phải đặt ở chỗ quan trong trọng nhất, rồi mới có thể nói tới những học vấn khác. Còn “ngôn ngữ” là sự tu dưỡng ngôn ngữ. “Chính sự”, thời xưa đi học xong phải ra ngoài phục vụ xã hội, chăm sóc bá tánh, chính sự này là chỉ về những trí huệ của người làm quan. Nhưng thời đại này bây giờ, mọi người đều có đi học, cho nên cái “chính sự” này mở rộng ra là chỉ sự thành thạo một nghề. Chúng ta ở trong một lĩnh vực nào, ở trong một vị trí nào, đều có thể không ngừng nâng cao khả năng làm việc và năng lực chuyên ngành của chính mình, cái này tức là “chính sự”. Kể cả công việc bây giờ của bản thân chúng ta, bất luận là ở bộ phận nào, chúng ta đã tốt còn muốn tốt hơn để năng lực chuyên ngành có thể phục vụ đại chúng không ngừng tiếp tục được nâng cao, thậm chí là trong những thời gian khác, còn học thêm một ít. Tới lúc những đồng đạo trong đoàn thể này có việc thì chúng ta còn có thể giúp được họ. Nhất là trong cùng một bộ phận, nếu có thể thành thạo công việc một chút, khi trong nhà ai đó đột nhiên có chuyện vui hay là phải bận việc gì, không tới được thì công việc vẫn có thể tiếp tục được. Cho nên có một thái độ rất quan trọng, gọi là “phân công không phân nhà”. Mỗi người có công việc thuộc bổn phận của họ nhưng vẫn phải trợ giúp lẫn nhau, đến lúc những đồng đạo xung quanh có việc bận thì chúng ta đều có thể trợ giúp được. Nếu không thì việc phân công sẽ biến thành mình là trung tâm, chỉ nghĩ tới bản thân, chỉ biết làm công việc của chính mình, trong việc tu học, có thể là tâm địa sẽ càng ngày càng nhỏ, thậm chí bảo chúng ta giúp một chút thì chúng ta không nhẫn nại. Cho nên sự “không phân nhà” này tức là luôn luôn lấy đại cục làm trọng, dù phải đảm đương nhiều, gánh vác nhiều hơn thì cũng là những việc mà mình hoan hỉ. Tiếp theo là môn “văn học”, là để nâng cao đời sống tinh thần của con người, thậm chí là khi đức hạnh của mình thành tựu rồi, có thể đem những kinh nghiệm trí huệ quý báu này để lại cho người sau tham khảo. Cho nên “quân tử trọng cái gốc, gốc lập thì đạo sanh”, chúng ta đời này muốn làm lợi ích cho gia tộc, cho xã hội, dân tộc, thậm chí cho chánh pháp, đều phải lấy đức làm gốc.

Hôm qua chúng ta nhắc tới “hữu đễ”, huynh trưởng, trưởng bối phải thân ái với hậu bối. Làm hậu bối, vãn bối phải kính yêu huynh trưởng. Có thể khi đang nói tới đoạn này, có vài đồng đạo sẽ cảm nhận không được sâu. Ví dụ những người là con một, đối với tình cảm giữa anh chị em của người xưa mà hôm qua tôi nói tới có thể cảm nhận không được sâu. Mọi người cảm thấy việc cảm nhận không sâu này có bình thường không? Tôi chỉ có một người anh chị em thôi, cho nên cảm nhận không sâu là bình thường. Xin hỏi mọi người, chúng ta có anh chị em họ không? Quý vị nói: “Tôi cũng không có anh chị em họ”. Vậy phải làm sao? Quý vị có bạn học không? Có không? Có đồng nghiệp không? Người ta sao có thể tách rời quần thể chứ? Nếu như hôm qua chúng ta nói về tấm gương hữu đễ của những cổ thánh tiên hiền mà chúng ta cảm nhận không được thì điều này cho thấy tâm đạo nghĩa của chúng ta khi sống chung với bạn học, với những người cùng trang lứa là rất yếu.

Tôi cũng không có anh em trai, tôi là con trai một, nhưng tôi cảm thấy trong quá trình mình đi học, bạn học thật sự thân như tay chân, chưa bao giờ so đo, có việc gì cần tới, đều vỗ ngực bảo rằng: “Nào, chúng ta cùng nhau đi làm”. Mặc dù cũng đã từng cùng nhau làm qua việc xấu, đó là lỗi do chưa đọc sách. Chánh nghĩa, “nghĩa” phải đi chung với “chánh”. Có thể khởi lên được thái độ, tình nghĩa không phân chia ta và người. Cho nên, đừng đẩy trách nhiệm ra ngoài, đẩy cho hoàn cảnh: “Tôi không có anh chị em”. Vẫn là bởi vì tấm lòng đạo nghĩa của chúng ta không sâu sắc. Chúng ta lại quay về đầu nguồn, tình nghĩa, đạo nghĩa của một người từ đâu sanh ra? Trăm thiện hiếu đứng đầu. Người đối với cha mẹ mà luôn luôn không quên ân đức này thì chắc chắn là người có tình nghĩa, đạo nghĩa. Có hiếu thuận thì chắc chắn sẽ thân ái với anh chị em, “anh em hòa, tức là hiếu”. Các anh chị em nghe những câu chuyện này của cổ thánh tiên hiền mà vẫn chưa có cảm giác thì phải phản tỉnh cho tốt. Nghĩa là chúng ta đối với các anh chị em ở xung quanh mình không có ý niệm quan tâm chăm sóc, cũng là bởi vì không thể thường thường khởi lên sự thấu hiểu đối với cha mẹ. Có ai làm cha mẹ mà không thương con mình chứ? Hiếu tử nhất định có thể cảm nhận được tâm của cha mẹ, nhất định sẽ dụng tâm chăm sóc anh chị em, khiến cha mẹ bớt lo lắng một chút. Cho nên đạo đễ và đạo hiếu không thể phân chia.

Tại sao không thể điều phục được tập khí (thói xấu) khi tu hành, luôn luôn đều là do tâm “hiếu” có vấn đề. Chung sống với người mà có điều không vui, có đối lập, vẫn là vấn đề ở hiếu đạo. Chúng ta vừa mới đọc tụng Tịnh Nghiệp Tam Phước, điều thứ nhất là cơ sở quan trọng nhất của việc làm người, thậm chí là cơ sở của việc làm Phật, đó chính là nền tảng hiếu thân tôn sư. Một người nếu như không biết hiếu thân tôn sư thì gọi là phản nghịch, trái nghịch với nhân tính. Cho dù họ làm nhiều việc thiện tới đâu thì vẫn là hư ngụy, không thể nào thành tựu đạo đức của họ. Tại sao vậy? Vì hiếu thân tôn sư là căn bản, cũng giống như cây mà hư mất cái gốc, dù bề ngoài đẹp tới đâu cũng sẽ khô héo. Cũng như hoa cắm trong bình không có gốc, qua mấy ngày sẽ tàn, nó sẽ không có sức sống. Người tu hành điều đáng quý nhất chính là chịu bắt tay từ căn bản, gốc lập thì đạo sanh, tức là chịu đối mặt với sự thiếu sót của mình, không gạt mình, phải “phá vỡ cửa ải gạt mình thì mới nói tiếp được”, mới có thể nói tới tu hành. Bản thân bất hiếu mà vẫn không thừa nhận, trong tâm mình có tâm trạng oán hận cha mẹ anh chị em thì cái gốc này hỏng rồi, tâm hỏng rồi, rất khó tu. Cho dù mỗi ngày đọc Đệ Tử Quy thì những kinh văn đó cũng không vô được. “Cha mẹ ghét, vẫn hiếu kính”, “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi”, “dùng khóc khuyên, đánh không giận”.

Chúng ta đi trên con đường tu đạo, thiện căn, thiện tâm nhiều đời của mọi người đã được thức tỉnh, khi nghe sư phụ giảng Phật pháp Đại thừa, trong tâm mới ngập tràn hoan hỉ, hy vọng có thể noi gương học tập. Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, tôi tin là trong quá trình chúng ta tu học, mọi người đều từng bị cảm động bởi những hành trì này của Phật Bồ-tát mà phát khởi tấm lòng như vậy. Đức Phật giáo huấn chúng ta, mặc dù phát nguyện rồi, tiếp theo phải “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, muốn làm lợi ích cho người khác, trước hết phải có nền tảng đức hạnh, phải trừ bỏ tập khí (thói xấu) của bản thân. Đức hạnh gồm “hiếu đễ trung tín”, đức hạnh tức là “trung hiếu hữu đễ”. Tiếp theo phải “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” mới được, hơn nữa còn phải “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Tất nhiên pháp môn vô lượng này, trước tiên “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, “học chi đạo, quý dĩ chuyên”, cũng là từ việc thâm nhập một pháp môn, thông rồi mới học những pháp môn khác, thứ tự này rất quan trọng. Bồ-tát Long Thọ sau khi tu học nhất môn thâm nhập và khai ngộ xong, lúc đó tất cả kinh điển của Đức Phật, hình như ngài mấy tháng đã học xong toàn bộ. Trước hết việc khai mở căn bản trí rất là quan trọng, quý vị không nhất môn thâm nhập, trường kì huân tu thì không mở được căn bản trí. Đùng một cái học rất nhiều thứ, học tới cả mấy pháp môn thì sẽ thành Phật học, thành Nho học, thành nghiên cứu học thuật rồi, cái đó là tri thức, không phải trí huệ.

Kinh văn trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tiếp theo là: “Chánh kỷ hóa nhân”. “Hóa nhân” là làm lợi ích cho người, “chánh kỷ” tức là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Có cơ sở này rồi mới có thể “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, mới có thể làm lợi ích cho chúng sanh. Chữ “chánh” này trong phần chú giải của Cảm Ứng Thiên Vựng Biên nói rằng: “Chánh giả, xác bất khả dịch”, tức là thật sự không thể nào thay đổi, mới là “chánh”, tức là chân lý vĩnh hằng bất biến, mới là “chánh”. Chữ “chánh” này nhắc nhở chúng ta, trước hết chúng ta phải hiểu rõ lý, đúng sai, thiện ác, tà chánh, lợi hại, giác mê, chúng ta phải rõ ràng, rõ ràng rồi mới có thể dùng tiêu chuẩn này mà cải chánh bản thân, mà đối trị tập khí của bản thân.

Cho nên tu học trong thời kì đầu, thời gian huân tập không thể thiếu, phải luôn hiểu rõ ràng đạo lý. Có “giải” rồi mới biết được làm sao để hành, làm sao để đối trị, làm sao để buông bỏ tập khí. Và “huân văn thành chủng” (huân tập nhiều thành chủng tử), không ngừng huân tập, biến thành chủng tử kim cang. Chủng tử này rất vững chắc, nó sẽ nảy mầm, nó sẽ lớn mạnh, tức là huân tập rồi, gặp phải cảnh giới thì có thể ngay lập tức khởi tâm quán chiếu, khởi lên chánh niệm, cái này mới là huân tập đầy đủ. Nếu như mỗi lần gặp phải cảnh giới đều luôn nổi cơn tham sân si mạn xong rồi mới hối hận, đó tức là huân tập còn chưa đủ. Những lúc này phải nên chân thật đối mặt với chính mình, thời gian huân tập không thể thiếu! Có thể ngủ ít một chút, bớt lãng phí thời gian, hãy tranh thủ huân tập.

Tất nhiên sau khi huân tập, tâm trạng huân tập cũng rất quan trọng, tức là bản thân là người đương cơ (người đúng căn cơ, người trong cuộc), đạo lý này là nói cho bản thân mình nghe. Hơn nữa giống như một đoạn khai thị của Ấn Tổ: “Chỉ lo việc nhà mình, không quản việc nhà người; chỉ nhìn cái tốt, không nhìn cái xấu”, những lời này đều là lời của người từng trải. Nếu như chúng ta chưa hình thành được tâm trạng này thì càng nghe nhiều càng thành ra nhìn lỗi của người, thậm chí còn trở nên “thích làm thầy người”. Có thể ở trong nhà mình, chính mình học trước rồi, nghe một số đạo lý rồi, sau đó quay về giáo huấn cha mẹ, quay về nói anh chị em cái này không đúng, cái kia không đúng; hoặc là khi làm quản lý thì biến thành giáo huấn người ta. Điều này rất có thể người ta không chịu được. Cho nên những lời này của Ấn Tổ rất là quan trọng, phải thật sự luôn luôn nhắc nhở chính mình, phải có tâm trạng này.

Xem mọi người đều là Bồ-tát, chỉ có mình ta là kẻ phàm phu”, thật sự là như vậy. Chúng ta không nhìn lỗi người nữa, hãy luôn nhìn ưu điểm của người khác, hãy luôn cảm ơn sự cống hiến của người khác thì mỗi người nếu không là Bồ-tát thì là cái gì? Họ đều đang làm lợi ích cho chúng ta, đều đang thành tựu việc tu học của chúng ta. Thật sự là xem mọi người là Bồ-tát, không phải cố xem họ là Bồ-tát mà là thật sự cảm kích mọi người.

Nho gia nói “thành ý, chánh tâm”, điều này là nhắc nhở chúng ta, “chánh kỷ” phải từ nền tảng của việc khởi tâm động niệm trong tâm mình mà bắt đầu điều chỉnh. Nếu tâm có điều ưa thích thì tâm không chánh; tâm có điều phẫn nộ thì tâm không chánh; tâm có điều sợ hãi, lo lắng thì tâm ấy không chánh. Có câu “tư tưởng lớn gặp nhau”, ưa thích là tham, phẫn nộ là sân, một người có điều lo lắng, sợ hãi là không hiểu lý, gặp phải một số cảnh giới liền khởi tâm trạng, lo sợ. “Lý đắc tâm an”, người hiểu rõ đạo lý thì tâm liền an, họ sẽ không có lo lắng, sẽ không có sợ hãi. Chúng ta có lo lắng, sợ hãi thì nhất định là tư tưởng của chúng ta không tương ứng với kinh điển. Không chỉ nhà Phật là như vậy mà Nho gia cũng là như thế, “trên không oán trời, dưới không trách người”, “quân tử an thuận theo mệnh trời”, “quân tử cảnh ngộ nào cũng được an vui”. Quân tử phải nên là ở trong bất cứ cảnh giới nào cũng đều có thể tự tại hoan hỉ. Nếu như chúng ta thường hay sanh phiền não, sanh phiền muộn thì chúng ta cần phải phán đoán tâm tư của mình bị lệch lạc rồi, hễ không thuận theo ý mình thì liền sanh phiền não.

Khổng Tử tuyệt lương ở nước Trần nước Thái, bảy ngày không có cơm ăn, thông thường người thế gian nhìn vào thì đây là trắc trở và ách nạn rất lớn. Mọi người có kinh nghiệm bảy ngày không có cơm ăn chưa? Chưa có. Tôi kiến nghị mọi người bảy ngày không ăn cơm thử coi sao, nếu không sẽ cảm nhận không sâu sắc lắm (Cười). Thật vậy, việc lĩnh hội trong học tập rất quan trọng. Bảy ngày không có cơm ăn mà không oán trời không trách người, vẫn ngồi gảy đàn cổ, tâm tình vẫn rất là vui vẻ. Nhưng học trò của ngài thì không có cảnh giới tốt như của Phu Tử. Tử Lộ có tính cách khá là cương nghị, đã hỏi rằng: “Phu Tử, chẳng phải ngài đã nói làm thiện trời sẽ ban phước cho, làm bất thiện trời sẽ giáng tai ương, chúng ta đều luôn làm việc tốt, tại sao gặp cảnh bảy ngày không có cơm ăn vậy?”

Nói mọi người nghe, chúng ta coi như tốt số lắm, phước báo đều rất là rốt. Thời đó Khổng Tử hoằng pháp đâu có nhẹ nhàng như chúng ta thế này? Chu du liệt quốc 14 năm. Cho nên so sánh với Phu Tử, với thánh hiền, chúng ta bây giờ gặp phải những khảo nghiệm này, nhỏ không thấm vào đâu. Thế mà chúng ta mới bị chút xíu đã lo lắng, sợ hãi. Mọi người chú ý một điểm, xin hỏi Phu Tử hoằng pháp trong thời đại đó khó khăn, hay là bây giờ hoằng pháp khó khăn? Độ khó có lẽ là bây giờ, bởi vì nền tảng đạo đức luân lý của người bây giờ càng ngày càng kém. Cho nên sức nhẫn nhịn sự trắc trở của chúng ta ít nhất cũng không thể nhỏ hơn Phu Tử, phải không? Logic này mọi người có thể chấp nhận được không? Mọi người cứ coi mà làm, chúng ta bây giờ phải điều chỉnh trình độ của mình tới đâu, trong tâm của mình phải biết rõ. Cho nên sư trưởng đã tiêm cho chúng ta một vắc-xin: “Trong thời đại này chúng ta phải quỳ xuống mà đem Phật pháp tặng cho người”. Mọi người đừng làm điên đảo, không phải người khác quỳ xuống tặng cho chúng ta, mà người hoằng pháp, hộ pháp phải quỳ xuống mà tặng cho họ! Cho nên nói “điên đảo”, “người đáng thương xót” không phải là nói những người không hiểu mà là nói hiểu rồi mà còn điên đảo, gọi là người đáng thương xót.

Phu Tử trả lời Tử Lộ: “Chi lan sanh ư thâm lâm, bất dĩ vô nhân nhi bất phương; quân tử tu đạo lập đức, bất vi cùng khốn nhi cải tiết”. Phu Tử rất biết ví dụ, chi lan một loài hoa thơm như vậy, nó ở trong rừng sâu, không vì không có người mà không thơm nữa. Một người quân tử tu đạo lập đức, tuyệt đối sẽ không vì không có người khẳng định, gặp phải một số trắc trở, họ liền thoái lui, liền không hành đạo nữa, họ tuyệt đối không phải như vậy. Phu Tử rất hiểu Tử Lộ, một câu nói chánh khí vừa phát ra, Tử Lộ lập tức liền tràn đầy năng lượng: “Đúng đúng, quân tử phải nên là như vậy mới đúng”. Tất nhiên Phu Tử cũng đem đạo lý này nói với ông: “Vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận hình”. Không phải vừa làm thiện thì phước báo lập tức liền sẽ hiện tiền; cũng không phải vừa làm ác thì tai họa lập tức liền sẽ giáng xuống, nhân quả xuyên suốt ba đời, không được nghi ngờ chân lý. Vẫn phải lý đắc tâm an, chỉ làm việc tốt, không hỏi tiền đồ, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, tuyệt đối không uổng phí công phu, không nên nghi ngờ chân lý này.

Tiếp theo Tử Cống nói rằng: “Phu Tử, tiêu chuẩn đó của ngài có thể nào hạ thấp một chút không? Người thế gian sẽ dễ dàng tiếp thu hơn”. Xin hỏi mọi người, có thể nào hạ thấp một chút không? Thời này chúng ta hạ thấp một chút, mang dép lê, xin hỏi 30 năm sau, thấp xuống nữa sẽ mang cái gì? Sẽ không mang dép nữa. Không thể nào tùy tiện hạ tiêu chuẩn xuống. Chúng ta chỉ nhìn 30 năm nay là biết, tiêu chuẩn đó vừa hạ thì hoàn toàn đổi khác, người cũng không giống người nữa. Cho nên phải giữ vững đạo thống, giữ vững tiêu chuẩn của ngũ luân bát đức. Khổng Tử đã không trực tiếp trả lời vấn đề này, ngài hỏi Nhan Hồi, “Nhan Hồi, ông cảm thấy tiêu chuẩn có nên hạ thấp xuống không?” Nhan Hồi nói rằng: “Chúng ta ngày nay tận tâm tận lực để truyền thừa đạo thống, như vậy chúng ta xứng đáng với người trong thiên hạ, không thẹn với lòng. Người thiên hạ không thể lý giải, đó là vấn đề phước báo của họ, đó là họ không quý trọng giáo huấn này của Phu Tử, còn chúng ta không có lỗi gì với đại chúng”. Đây là người rất sáng suốt, thật sự làm tròn bổn phận của mình, tuyệt đối không oán trách bất kì ai. Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử nói: “Nhan Hồi, sau này ông phát triển rất tốt, thăng quan tiến chức rồi, ta tới nhà của ông làm quản gia cho ông”. Đây là sự tâm đầu ý hợp, tình cảm chí đồng đạo hợp đó giữa thầy và trò.

Bảy ngày sau đó họ được giải vây, Tử Cống đánh xe ngựa chở theo Phu Tử. Tử Cống nói: “Ôi chao! Nguy nan lớn như thế này, đây là thời khắc đáng thương nhất của chúng ta trong kiếp sống này, hy vọng sau này đừng gặp phải những việc như vậy nữa”. Phu Tử nói ngay: “Ta không cho là như vậy, ta cảm thấy tất cả đệ tử trải qua cảnh Trần Thái tuyệt lương là sự việc hạnh phúc nhất trong đời họ. Tại sao? Không có hoạn nạn như vậy thì chí khí của họ không kích phát ra được, họ không biết được bản lĩnh công phu của mình đã tới mức độ nào”. Phu Tử lại nói: “Sau này những người có thành tựu, có thể đều là những đệ tử đã trải qua lần Trần Thái tuyệt lương này”. Cho nên thánh nhân xử thế khác với tâm trạng của người thông thường, “trong thuận nghịch cảnh, không sanh tâm ưa thích hay chán ghét”, Phu Tử đã biểu diễn cho chúng ta xem.

Cho nên “chánh kỷ” phải bắt đầu từ việc điều chỉnh cái tâm của mình, bắt đầu từ cách vật, bắt đầu hạ thủ từ không tham, không sân, không si, không mạn. Và chữ “hóa” trong từ “hóa nhân” này là tự nhiên như vậy, là cảm hóa, không phải là sự cố ý, không phải tạo tác, không phải thích làm thầy người, cũng không phải có những ý niệm khống chế, đó là sự giáo dục tốt đẹp.

Được rồi, hôm nay xin chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!