Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 42) | Thầy Thái Lễ Húc

 

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 42: Giữ tâm đạo nghĩa, tùy phần tùy sức mà giúp đỡ những người cần được giúp đỡ.

Ngày 03 tháng 11 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta hôm nay tiếp tục xem câu kinh văn sau: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (thương xót con côi, cứu giúp quả phụ, kính già, thương trẻ).

Điều câu kinh văn này nói tới là sự quan tâm đối với những người yếu thế, chính là sự nghiệp phúc lợi xã hội hiện nay. Chính phủ dẫn đầu làm, người dân tùy khả năng tùy sức mà làm. Còn đạo của Khổng Tử chỉ là “trung thứ mà thôi”. “Trung” là tận tâm tận lực, “thứ” là từ mình suy ra người, đồng cảm thấu hiểu. Chúng ta luôn luôn có thể giữ đạo “trung thứ” thì mới có thể khế nhập tấm lòng từ bi, nhân ái. Đạo “thứ” này là từ mình suy ra người, chúng ta có thể “thấy người mất mát, như mình mất mát”. Bởi vì “cô”, “quả” đều là những nỗi bất hạnh rất lớn trong đời, còn “lão”, “ấu” là điều mà cuộc đời mỗi người đều bắt buộc phải trải qua.

Chúng ta thấy từ “căng” là thương xót, quan tâm; từ “tuất” cũng là thấu hiểu, quan tâm; “kính” là cung kính, tôn trọng; “hoài” trong “hoài ấu” có một ý nghĩa là bảo vệ. Bởi vì thân thể của các em nhỏ muốn trưởng thành, nhân cách các em muốn lành mạnh, đều cần có sự dụng tâm bảo vệ, cũng giống như khi ẵm bồng các em trong lòng mình vậy. Cho nên “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” thật ra là tình thương, lương tâm tự nhiên khởi phát của con người, đây là điều mỗi người đều có. Trừ phi họ là người cực ác trong thiên hạ, nếu không thì chỉ cần lương tâm chưa bị đánh mất, tâm “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” luôn có thể khởi lên được.

Văn vương là nhân quân (vị vua nhân từ), điều quan trọng trong cách cai trị của ngài là “ai thử quỳnh độc”, tức là thương xót những người yếu thế, đó là người già, người cô độc, quả phụ, cô nhi. Nếu như phong khí xã hội đều có thể khởi lên những tấm lòng “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” như thế này thì con người sẽ rất có tình người, rất có tâm nhân từ. Chí hướng của Khổng Tử là “người già được an vui, bạn bè tin tưởng nhau, trẻ nhỏ được chăm sóc”. Và câu “kính lão hoài ấu” này chính là phong khí “thận chung truy viễn” trong xã hội. Kính trọng người già, vì các cụ đã vì gia đình, vì xã hội mà cống hiến một đời, chúng ta tôn trọng hiếu kính các cụ thì đó là tri ân báo ân; không hiếu kính đối với các cụ thì chúng ta là vong ân phụ nghĩa, xã hội này sẽ trở nên tuyệt tình khắc nghiệt, sẽ không có phước báo. Hơn nữa, những việc trong vũ trụ này, chỉ cần hai chữ là có thể nói thấu suốt, đó là “nhân quả báo ứng”, chính là là hai chữ “nhân quả”. Chúng ta kính yêu các cụ, đến khi chúng ta già rồi, sẽ chiêu cảm được người khác kính yêu. Chúng ta bây giờ không tôn trọng các cụ thì khi chúng ta già rồi cũng không ai tôn trọng. Chúng ta bây giờ tận tâm tận lực giúp đỡ những người đáng thương, sau này chúng ta có nhu cầu thì người ta sẽ giúp đỡ, tự nhiên sẽ chiêu cảm đến nhân duyên này.

Sự thấu hiểu này của chúng ta, ví dụ đối với cô nhi, bởi vì cha mẹ của các em mất sớm, hoặc có thể là mẹ mất rồi, cha lấy vợ khác; hoặc là cha mất rồi, mẹ lại đi tái giá; thậm chí là cha mẹ đều mất hết, cảnh ngộ cuộc đời như vậy thì khá là bất hạnh. Ngay cả người đi đường nhìn thấy những cô nhi như vậy cũng rất tự nhiên mà sanh khởi lòng thương xót, huống hồ là họ hàng, thân quyến của các em thì càng không thể nào nhắm mắt làmngơ. Nếu như nói họ hàng thân quyến của chúng ta có trẻ mồ côi, chúng ta cũng không quan tâm, mà chúng ta lại là đệ tử Phật thì thật là danh không hợp với thực, thì tâm từ bi đó căn bản là không xuất phát từ trong tâm. Cho nên hãy làm tròn bổn phận, chăm sóc tốt gia đình và bà con dòng họ của chính mình, đây đều là bổn phận mọi người phải nên làm tròn. Nếu như con cái của họ hàng chúng ta là cô nhi thì chúng ta phải nên tận lực dưỡng dục các em, còn phải giáo dục các em, khiến các em có chỗ nương tựa, sự trưởng thành của các em, tâm lý các em mới được lành mạnh.

Chúng tôi đã gặp một số trưởng bối, họ là nhờ các chú các bác nuôi dưỡng. Nếu như các chú các bác không dưỡng dục họ, thậm chí còn vứt bỏ họ, thì nhân cách của họ chắc chắn có vấn đề, họ sẽ cảm thấy thế gian này không có chân tình chân nghĩa nữa. Nhưng nếu được những người chú người bác người thân nuôi khôn lớn, những đứa trẻ như vậy sẽ có tiền đồ, bởi vì họ cảm thấy các chú các bác đều vô cùng có đạo nghĩa, họ cảm ơn ân đức của chú bác, sẽ tự lực tự cường, không muốn khiến những người thân như các chú các bác thất vọng.

Tại sao dân tộc Trung Hoa chúng ta có thể kéo dài mấy ngàn năm? Đó là vì có sức mạnh của gia tộc, có sự chăm sóc lẫn nhau, không phân ta người, chỉ cần là hậu thế của anh chị em thì đều tận tâm tận lực chăm sóc. Cho nên sức mạnh đoàn kết này rất lớn, khiến xã hội an định, con người có cảm giác an toàn. Cho dù người thân của chúng ta gặp phải bất hạnh trong cuộc đời, ví dụ cha mẹ qua đời, chồng qua đời, vẫn đều có thể nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cả gia tộc thì xã hội mới an định được. Cho nên người làm trưởng bối phải tận tâm tận lực dưỡng dục, giáo dục những cô nhi này, cái này là trồng hậu đức (đức sâu dày) trong nhân gian, hơn nữa còn an ủi linh hồn của cha mẹ họ trên trời. Đức hạnh như vậy sẽ chiêu cảm được phước báo vô cùng lớn.

Sách Vựng Biên có kể về mấy câu chuyện như thế này. Vào thời Tống có một người học trò tên là Trương Hiếu Cơ, ông được một nhà giàu có ở trong quận gọi đi ở rể, làm con rể của họ. Người nhà giàu này có một người con trai không có tiền đồ gì lắm, là con bất hiếu, người cha vợ này đã đuổi con trai của mình ra khỏi nhà. Về sau người giàu có này sanh bệnh, vào lúc lâm chung, đã đem tất cả gia sản phó thác cho người con rể Trương Hiếu Cơ. Về sau, con trai của phú ông này ra ngoài thì rất sa sút, sau cùng còn đi làm ăn mày. Trương Hiếu Cơ rất thương xót con trai của phú ông, hơn nữa ông rất khéo léo, ông phát hiện người con trai này, vẫn xem là em trai của vợ ông. Có từ bi, còn phải có phương tiện trí huệ, quý vị xem hiện nay anh ta làm ăn mày, cũng không hiểu rõ đức hạnh của anh ta thế nào, quý vị đùng một cái đem tài sản trả cho anh ta, có thể sau cùng toàn bộ tài sản đều mất sạch. Cho nên người học trò này rất bình tĩnh, ông đã rất thiện xảo mà hỏi trước anh ta, bởi vì anh ấy đã không nhận ra ông nữa rồi, có thể anh ta đã bị đuổi ra ngoài hồi còn rất nhỏ. Ông hỏi anh rằng: “Anh có biết tưới tiêu cày bừa không?” Anh ta nói biết, sau đó ông đã cho anh ta cày một số ruộng đất.

Người em vợ này đã sa sút nhiều năm như vậy, nhận được sự quan tâm của một người, anh rất cảm kích, làm việc rất chăm chỉ. Qua một thời gian sau, ông hỏi anh, anh có biết quản lý kho không? Người em vợ này đã nói: “Tôi có thể tưới tiêu, có cơm ăn, tôi cảm thấy rất may mắn rồi, lại còn cho tôi cơ hội rèn luyện việc quản lý cái kho này, tôi thật sự là quá may mắn”. Lại cho anh quản lý kho, bồi dưỡng đủ thứ năng lực cho anh, nâng cao năng lực của anh. Ông còn tỉ mỉ quan sát cả nhân phẩm của anh ta như thế nào. Sau cùng năng lực, đức hạnh của anh dần dần thật sự vững mạnh rồi, ông liền đem toàn bộ tài sản trả hết cho anh.

Điều rất hiếm có của Trương Hiếu Cơ chính là ông hoàn toàn không có tham chấp. Một phú ông có nhiều tài sản như vậy giao tài sản lại cho ông, ông không có bất kì tham niệm gì, hơn nữa còn thường nhớ tới ân đức của cha vợ đối với mình. Người xưa đáng quý là ở chỗ này. Người có ơn với ông đã ra đi rồi, ông đem tâm báo ơn này ra chuyển một cách rất tự nhiên đến người thân của ông ấy, đến thế hệ sau của ông ấy. Sư phụ khi giảng kinh thường nói, người học trò trước đây khi có thành tựu rồi, chắc chắn sẽ tận lực chăm sóc người thân của sư phụ họ, thậm chí cũng phụng dưỡng cha mẹ của sư phụ, và chăm sóc cả thế hệ sau của họ, đối đãi với thế hệ sau của họ như anh em của chính mình vậy, người xưa rất trọng tình nghĩa.

Sau khi Trương Hiếu Cơ chết, một người bạn tốt của ông đến Tung Sơn du lịch. Tung Sơn mọi người có biết nằm ở đâu không? Quý vị xem phim kiếm hiệp, Tung Sơn Thiếu Lâm Tự ở khu vực Đăng Phong – Hà Nam đó. Tôi cũng chưa đi qua, nhưng trước đây tôi xem phim kiếm hiệp cũng không ít, như bộ phim Thập Bát Đồng Nhân. Tất nhiên, đối với người luyện võ, điều quan trọng nhất là luyện sự tu dưỡng của bản thân, chữ võ là do chữ “chỉ” và chữ “qua” kết hợp (ý nghĩa là chấm dứt chiến tranh), người thật sự có võ nghệ cao cường sẽ không dễ động sát khí. Bạn của ông đi đến Tung Sơn, đang đi trên đường, nhìn thấy hình như có quan lớn đang đi tuần sát, có rất nhiều cờ quạt, ông liền nhìn xem vị quan lớn đó là ai. Vừa nhìn thấy Trương Hiếu Cơ, ông rất kinh ngạc, sau đó liền hành lễ với ông, nói: “Ôi chao, tại sao ông lại ở đây?” Trương Hiếu Cơ nói với ông: “Thượng đế vì thấy tôi trả tài sản, không bắt nạt cô nhi, cho nên ra lệnh tôi chủ quản ngọn núi này.” Nói xong không thấy người đâu nữa. Cho nên phước báo “căng cô” này của ông rất là lớn, Tung Sơn do ông quản, ông trở thành sơn thần, phước báo rất lớn. Quý vị có cơ hội hãy đi xem thử bây giờ tiên sinh Trương Hiếu Cơ có còn làm sơn thần nữa không. Phước báo của ông rất lớn, thọ mạng cũng rất lớn, để xem quý vị và ông có duyên phận không.

Triều Chu, nước Lỗ có một người phụ nữ, khi quân đội nước Tề xâm lược nước Lỗ, người phụ nữ này một tay bồng một em bé một tay dắt một đứa bé khác vội vã chạy nạn. Nhìn thấy binh lính sắp đuổi tới nơi, người phụ nữ này trong tình thế nguy cấp liền đem em bé đang bồng trong lòng đặt xuống đất, rồi bồng em bé đang dắt tay kia lên tiếp tục chạy. Binh lính cảm thấy rất kì lạ, nhưng dù sao cũng là phụ nữ, vẫn bị đuổi theo kịp. Họ liền hỏi cô, em bé lúc nãy cô vứt bỏ lại là ai vậy? Cô nói: “Là con trai của tôi”. Vậy đứa cô đang bồng là con của ai đó? Cô nói: “Là con của anh tôi”. Những sĩ binh này liền nói, tại sao cô lại từ bỏ con trai của chính mình mà đi bồng con của anh trai cô? Người phụ nữ này nói, con trai đối với mẹ mà nói là tình cảm riêng, cháu trai đối với cô mà nói là công nghĩa, là đạo nghĩa, nếu như tôi bội bạc công nghĩa mà hướng về tình riêng thì sẽ làm đoạn tuyệt hậu thế của anh tôi, anh trai tôi chỉ còn lại đứa con trai này, bản thân tiểu nữ không muốn làm những việc như thế này.

Quân Tề sau khi nghe xong liền nói, biên giới của nước Lỗ có một người phụ nữ không hề biết chữ lại có thể giữ gìn được tiết nghĩa như vậy, huống hồ quốc gia của cô ấy, vua của cô ấy? Cho nên không thể xâm phạm đất nước như vậy được. Quân đội liền rút về nước. Vua nước Lỗ nghe thấy câu chuyện như vậy, hết sức cảm động, liền tặng cho người phụ nữ này một số tài vật, sau đó phong hiệu là “Nghĩa Cô” (người cô có nghĩa), người đời sau tán thán cô là “Lỗ Nghĩa Cô” (người cô có nghĩa ở nước Lỗ). Một người nữ có đạo nghĩa như vậy, sau cùng được ban cho tên “Lỗ Nghĩa Cô”, cô đại diện cho một hình tượng của quốc gia mình. Cho nên hành vi như vậy, đức hạnh như vậy của Lỗ Nghĩa Cô đã giữ gìn được đất nước của cô không bị nước khác xâm lược. Ngày nay nam tử chúng ta nghe thấy câu chuyện này thì sanh khởi tâm hổ thẹn, họ “không thua gì đàn ông”, phụ nữ người ta làm được rồi, đàn ông chúng ta lại không làm được, đó là không đáng làm nam tử hán đại trượng phu rồi. Phải không? Nếu như đọc xong câu chuyện này rồi, chúng ta bình thường đối nhân xử thế còn hay trái nghịch đạo nghĩa, thường hay tự tư tự lợi, đó thật sự là xem xong câu chuyện này rồi phải đào một cái lỗ trốn trong đó. Đây đều là những hành vi tiêu biểu của sự “căng cô”.

Còn sự “tuất quả” này, chúng ta thường hay nói đến đạo “trung thứ” của Phu Tử, “Thứ” đạo chính là chúng ta có thể thấu hiểu nỗi đau khổ của quả phụ. Quả phụ có thể là vẫn đang còn trẻ, chồng của cô đột nhiên qua đời. Cô rất cô đơn, hơn nữa, cô còn có con thơ cần phải nuôi dưỡng, cho nên đây là bi kịch tương đối lớn, nỗi khốn cùng tương đối lớn trong đời người. Cho nên Mạnh Tử nói “cùng nhi vô cáo giả”, tức là một người lâm vào cảnh hết sức khốn đốn, lại không có người để họ có thể thổ lộ, họ nói với ai đây? Vào những lúc này, nếu như người thân hoặc bạn bè có thể “tuất quả”, chữ “tuất” này tức là có thể trợ giúp họ, có thể chu cấp cho họ, chăm sóc gia đình của họ, sau đó có thể thành tựu trinh tiết của họ, để họ có thể thủ tiết, có một tấm lòng như vậy thì rất là nhân hậu. Quả phụ này nếu như còn rất trẻ thì dễ bị người ta bắt nạt, khinh bạc; nếu như quả phụ này rất giàu có, có thể trong họ hàng có người sẽ khởi lên ý niệm không tốt; nếu như quả phụ này lớn tuổi rồi thì càng cần có người chăm sóc; và nếu như quả phụ này nghèo khó, ngay cả ăn mặc cũng rất khó khăn; thậm chí là quả phụ lại không có con trai, lập chí thủ tiết, đối với người phụ nữ như vậy thì bạn bè thân quyến như chúng ta càng phải nên chăm sóc họ cho tốt. Người ta nếu biết thương xót, chăm sóc quả phụ, “đủ để cảm động thượng đế ở chín trời, cảm động quỷ thần ở ba cõi”. Hành vi như vậy, thiên thần quỷ thần đều sẽ bảo hộ, hộ niệm, điều này là thay trời hành hóa, thay trời cao chăm sóc những người đáng thương nhất.

Chúng ta nhìn thấy những câu chuyện này mới thấy rằng người xưa thật sự trọng đạo nghĩa! Chúng ta đặt tay lên trán nghĩ lại, hình như trong cả mấy chục năm trưởng thành, trong đầu óc này thứ mà chúng ta nghĩ ngợi nhiều nhất chính là bản thân mình, người xưa thật sự là ngay thẳng cương trực, giữ tâm đạo nghĩa. Phải không thẹn với lương tâm, nhìn thấy những người thân bên cạnh mình đáng thương cần sự giúp đỡ, cho dù chính mình bị đói cũng không nhẫn tâm nhìn họ chịu đói chịu rét. Không chỉ là đối với người thân, rất nhiều người trí thức đối với nhân dân, đối với người không quen biết cũng có tấm lòng như vậy.

Kim Lăng vào thời triều Minh tức là khu vực Nam Kinh hiện nay, có một người tên là Đỗ Hoàn, cha của ông có giao tình rất tốt với Thường Doãn Cung. Thường Doãn Cung qua đời, mẹ của ông thì già cả, con trai đã ra đi, không có người chăm sóc. Mẹ của Thường Doãn Cung đối với Đỗ Hoàn mà nói là vai vế ông bà, tuy không có quan hệ huyết thống, chỉ là mẹ của bạn cha ông mà thôi. Có một hôm, mẹ của Thường Doãn Cung đội trời mưa tới tìm Đỗ Hoàn. Lúc đó cha của ông đã qua đời rồi, bà cụ này bước vào nhà, Đỗ Hoàn hỏi rõ cảnh ngộ của bà cụ này, bà cụ cứ thút thít khóc mãi, neo đơn khốn khổ, vừa nói vừa khóc. Đỗ Hoàn cũng cảm thấy cầm lòng không được mà cùng chảy nước mắt với bà cụ. Sau khi bà cụ nói xong, ông hiểu được tình hình của cụ, mời bà cụ lên ngồi, lúc đó ông đã lễ bái bà cụ, đối đãi với bà cụ giống như bà nội của mình vậy, hơn nữa ông cũng nói với tất cả người trong nhà của mình, đây chính là bà nội của nhà chúng ta.

Bà cụ này tính khí cũng không dễ chịu lắm, hơi có gì không như ý liền mắng người, thế nhưng Đỗ Hoàn đều luôn hết sức thuận theo, nhẫn được những sự nóng nảy của bà cụ, ông bao dung, hơn nữa còn phụng sự cụ càng ngày càng cẩn thận, cung kính. Điều này quá hiếm có. Hơn nữa ông còn có tấm lòng tình nghĩa, tấm lòng xem “bạn bè của cha tức là chú của mình, mẹ của chú ấy tức là bà nội của mình”, người xưa chính là có được thái độ nhân sinh như vậy. Về sau bà cụ này sanh bệnh, ông luôn đích thân dâng lên thuốc thang. Khi bà cụ sắp lâm chung, nói rằng, ta nhiều năm qua đã làm liên lụy cháu Đỗ quân rồi, ta mong con cháu của Đỗ quân, đều giống Đỗ quân có đức hạnh lại có phước báo như vậy. Sau khi bà qua đời, ông làm hậu sự hết sức long trọng, tận lễ, hơn nữa mỗi năm khi có những dịp lễ tết quan trọng, ông đều đi tế tự cho bà cụ, thật sự xem như bà nội của chính mình vậy. Những người thời đó đều hết sức khâm phục nghĩa khí của ông, tiết tháo của ông.

Ngoài ra ở trong Câu Chuyện Đức Dục cũng có nhắc tới chuyện của hai người học trò là Chu Huy và Trương Kham. Chu Huy và Trương Kham đều đến học ở Thái học, vốn dĩ hai người không hề quen biết nhau, đều là người ở trong cùng một huyện. Mọi người nghĩ thử xem, chúng ta đi học ở đại học, gặp được người ở cùng huyện với mình, mặc dù trước đây không quen biết, nhưng vô hình trung cũng cảm thấy thân thiết, tha hương gặp được đồng hương, người tuy không quen nhưng đất thì có quen. Lúc đó, Trương Kham đã làm quan rồi, hơn nữa thành tích của ông rất là khá, người đời rất khẳng định sự cống hiến của Trương Kham đối với quốc gia. Có một hôm, Trương Kham đã nắm tay của Chu Huy, rất tín nhiệm mà nói với ông rằng, khi tôi qua đời rồi, tôi hy vọng sẽ đem vợ con tôi phó thác cho ông. Họ không có giao tình, có thể Trương Kham này đã quan sát Chu Huy được một thời gian rồi, cảm thấy ông là chánh nhân quân tử, cho nên đã đem những lời tri tâm này nói với ông ấy. Chu Huy cũng chưa nhận lời, bởi vì cảm thấy ông ấy có đức hạnh, thành tích lại rất tốt, tại sao lại cần mình chăm sóc? Nên ông chưa có tiếp lời.

Về sau, sau khi rời khỏi Thái học, hai người cũng không gặp mặt lại nữa. Bởi vì vốn dĩ cũng không quen biết, chỉ là vừa hay lúc đó có cơ duyên như vậy, Trương Kham đã nói với ông những lời này. Một quãng thời gian sau đó, Trương Kham qua đời, Chu Huy nghe thấy tin tức này liền vội tìm đến nhà họ để tìm hiểu tình hình vợ con của ông, thật sự họ rất nghèo khó, ông liền mau chóng giúp đỡ bà ấy. Kết quả con trai của Chu Huy liền cảm thấy rất khó hiểu: “Cha, cha cũng không có giao tình gì sâu sắc với đại nhân Trương Kham này, tại sao lại đột nhiên quan tâm đến chuyện trong nhà ông ấy như vậy?” Chu Huy nói: “Trương Kham đã từng nói với cha những lời tri kỉ, những lời hoàn toàn tin tưởng cha như vậy, cho nên sau khi cha nghe xong những lời của ông ấy, trong tâm cha đã xem ông ấy là bạn mình rồi, mặc dù chưa có qua lại gì với nhau”.

Tâm của người xưa đáng quý chỗ nào? Tâm của họ đã khởi lên ý niệm rồi, họ không muốn làm trái với cái tâm này của mình. Trong rất nhiều Câu Chuyện Đức Dục, điều đáng để chúng ta học tập ở người xưa luôn luôn đều là hành vi này, tâm trạng này. Trong truyện “Quý Trát treo kiếm”, việc Quý Trát treo kiếm trên mộ vua nước Từ cũng là không muốn trái nghịch với tâm niệm của mình. Về sau Chu Huy đến Lâm Hoài làm quan cũng có thành tích rất tốt, hơn nữa nhân dân còn viết ca từ để ca tụng ông, ông quan làm đến Thượng Thư Bộc Xạ. Cho nên người có thể “căng cô tuất quả” thì phước báo sẽ rất lớn, đều tích được âm đức rất dày.

Ngày nay những cô nhi quả phụ không nơi nương tựa ở trong xã hội cũng có, chúng ta có thể nào giống như những thánh hiền nhân vừa nói tới lúc nãy không, chúng ta có thể tùy phần tùy sức mà chăm sóc tốt những người này được không? Phong khí của cả xã hội đều là dựa vào tấm lòng của mỗi người chúng ta mà được khơi dậy lên. Tất nhiên bây giờ rất nhiều đoàn thể từ thiện cũng đã làm được rất tốt, hơn nữa họ cũng nghĩ tới rất nhiều phương pháp rất tốt, phát động đại chúng quyên góp, sau đó rất có chế độ, rất có quy phạm, rất có hệ thống mà đi chăm sóc những cô nhi quả phụ này, thậm chí là những người già yếu bệnh tật. Chúng ta cũng tùy hỉ công đức của những đoàn thể từ thiện này, tùy phần tùy sức mà hỗ trợ, làm cho tận lực thì chúng ta sẽ không hổ thẹn với lương tâm, làm tận lực rồi, công đức cũng sẽ được viên mãn.

Sáng nay xin chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!