Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 13B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 13B

Cho nên bản thân chúng ta phải biết bói số cho mình, chúng ta bây giờ phải đi về phương hướng ông trời khai mở trí huệ, phước báo cho chúng ta.

Thần minh, người có trí huệ, chúng ta không gạt được họ, hà tất làm những việc này? Thậm chí sau còn che đậy không được, sự việc bại lộ, “không đáng 1 xu”. Cho nên tại sao người xưa nói “Cẩn thận là gốc để giữ nhà”, cẩn thận mới có thể giữ được thanh danh 1 đời, danh tiết 1 đời của quý vị. Hễ không cẩn thận, 1 lần sảy chân để hận thiên cổ. Không chỉ chính mình hận thiên cổ, quý vị vốn dĩ rất có địa vị, rất có danh vọng trong xã hội, kết quả làm những việc trái nghịch với lương tri, cả nhà đều tủi nhục. Thậm chí là gì? Ví dụ nói, chúng ta trong ngành giáo dục làm ra những việc trái nghịch với lương tri người thầy, sau cùng cả ngành giáo dục bị chúng ta lôi xuống nước, cả người nhà chúng ta cũng không dám ra ngoài gặp ai. Bây giờ những việc như vậy không phải số ít, giáo viên rất có danh vọng, hiệu trưởng hoặc bác sĩ, những ngành nghề thông thường rất được tôn nhân dân tôn sùng này, sau cùng làm ra những chuyện nghiêm trọng trái nghịch đạo đức, “không đáng 1 xu”.

Cho nên danh tiết của chúng ta không chỉ thuộc về chúng ta, còn thuộc về tất cả những người thương chúng ta, còn thuộc về ngành nghề này của chúng ta, còn thuộc về dân tộc Trung Hoa, phải không? Cho nên nói mọi người nghe, tích lũy công đức dễ nhất là người Hoa, quý vị làm tốt, người ta nói: “Ồ, con cháu dân tộc Trung Hoa thật tốt”, 1 tỉ mấy người được thơm lây, sự tích lũy công đức này dễ dàng. Quý vị sao hình như không hoan hỉ lắm hả? Tôi thấy rất vui mừng, bản thân mình làm tốt, 1 tỉ mấy người thơm lây, việc này rất kinh tế, đúng chưa? Nhìn ngược lại, bản thân mình làm không tốt, 1 tỉ mấy người bị chúng ta lôi xuống nước. Người ta vừa thấy Chinese, người Hoa, người Trung Quốc, sao ở sân bay nói chuyện lớn tiếng vậy, không có tu dưỡng vậy? Sao ở khách sạn mà coi như nhà của mình vậy, nói chuyện ồn ào vậy? Cho nên tích lũy công đức, người Hoa dễ dàng; tạo tác tội nghiệp, người Hoa cũng dễ dàng. Không sao, chúng ta quyết đánh tới cùng, đời này làm gương tốt cho dân tộc, không làm ô nhục cả dân tộc Trung Hoa là đúng rồi.

Tiếp theo chúng ta coi, còn nói tới tại sao phải dùng tâm kính sợ?

“Bất duy thị dã”.

“Bất duy thị dã” là không chỉ như vậy.

“Còn 1 hơi thở”.

1 người vẫn còn 1 hơi thở.

“Tội ác ngập trời, có thể hối cải”.

Đại tội ngập trời này, quý vị 1 hơi thở còn chưa đứt, thật sự biết rõ sai lầm của chính mình, vẫn có thể sửa đổi được. Tục ngữ nói rằng: “Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật”. Người như vậy đều thế nào? Cả đời chưa gặp được thiện duyên tốt, giúp họ hiểu rõ đạo lý làm người, sau cùng trước lúc tắt thở thật sự hiểu ra, vẫn có thể sửa đổi được.

“Người xưa 1 đời làm ác, sắp chết hối ngộ, phát 1 thiện niệm, cũng được thiện chung”.

1 đời họ không hiểu sự lý, tạo tác đủ loại tội ác, tới khi lâm chung thì sám hối, sửa sai, phát tâm sám hối chí thành và thiện niệm chí thành. Kết quả “cũng được thiện chung”, sau cùng khi tắt thở cũng được ra đi an tường. Ví dụ này có, chúng ta trong kinh điển nhà Phật, trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” có đọc được. Vua A Xà Thế sát hại cha, hại mẹ, đây là tội thập ác, đây cũng là tội ác ngập trời. Sau cùng lúc lâm chung, Đức Phật khuyên bảo ông, ông sanh tâm đại sám hối, sau cùng thượng phẩm trung sanh, vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc. Đây là vãng sanh làm Phật rồi, đây là 1 tấm gương “cũng được thiện chung”.

Nhưng điểm này rất quan trọng, là sau cùng ông mới hiểu lý. Chúng ta bây giờ đã hiểu lý rồi, thì không thể tạo ác thêm nữa, quý vị nói, vậy thì tới giây phút cuối khi lâm chung hối cải là được, ý niệm đó là không thỏa đáng. Cho nên tu không sợ sớm, càng sớm tu càng tốt, đã hiểu rõ rồi, thì đừng tái phạm sai lầm này nữa, hiểu rõ đạo lý còn tái phạm, đó là “biết rõ cố phạm, tội càng nặng thêm”. Nói mọi người nghe, chúng ta không có đường rút lui nữa đâu, chỉ có thể dũng mãnh tiến lên. Cho nên quyết chiến tới cùng. Chúng ta tại sao đời đời kiếp kiếp đều không thành tựu huệ mạng của mình, thành tựu đạo đức của mình? Tức là do trước đây luôn có đường để rút lui, nên chùn chân. Đời này không còn đường rút lui nữa, dũng mãnh tiến lên, nhất định có thể thành tựu.

Tu thiện không sợ sớm, hối lỗi không sợ trễ. Chịu hối lỗi rồi, quý vị nói, nhưng trước đây tôi làm nhiều điều ác như vậy, sự sám hối của quý vị là chân tâm, những con đường vòng quý vị đi trước đây, sẽ trở thành tư lương sau này quý vị khuyên bảo người khác quay đầu. Tại sao? Quý vị thật tâm hối cải rồi, quý vị đi khuyên răn những người phạm lỗi giống quý vị, ngôn ngữ của quý vị hết sức khẩn thiết, quý vị có thể cảm động họ. Tại sao nói “con hư quay đầu vàng không đổi”? Không chỉ cuộc đời họ chuyển đổi, hành vi của họ, ngôn ngữ của họ sẽ cảm động càng nhiều người lầm lỗi như họ, cũng có thể quay đầu lại không bước vào cuộc đời sai lầm nữa.

Tiếp theo nói rằng, tại sao “phát 1 thiện niệm, cũng được thiện chung”, bởi vì:

“Chỉ 1 niệm dũng mãnh”.

Thiện niệm này hết sức dũng mãnh.

“Đủ để tẩy được trăm năm tội ác”.

Đủ để có thể tẩy trừ, tẩy hết tội nghiệp họ đã tạo trong trăm năm.

“Ví dụ hang tối ngàn năm, 1 đèn mới chiếu, thì bóng tối ngàn năm tiêu trừ”.

Lại lấy 1 so sánh, giống như 1 hang núi tăm tối ngàn năm, đốt 1 ngọn đèn, “1 đèn mới chiếu”, bóng tối ngàn năm nay toàn bộ đều không còn nữa, bóng tối ngàn năm bị tiêu trừ.

“Nên bất luận tội xưa gần, chỉ sửa đổi là đáng quý”.

Sai lầm trước đây chúng ta phạm phải, bất luận là gần hay là sâu xa trước đây, quan trọng nhất là hiện tại phải sửa đổi lại, “chỉ sửa đổi là đáng quý”.

“Nhưng trần thế vô thường, nhục thân dễ hoại, hơi thở hắt ra, muốn sửa cũng chẳng kịp”.

Trần thế, thế gian này rất là vô thường. “Nhục thân dễ hoại”, thân thể con người rất dễ… sau khi vô thường tới, cái mạng này cũng kết thúc.

Có 1 câu nói, “đường đến suối vàng không già trẻ”, nhất là mọi người coi bây giờ thiên tai nhân họa hết sức nhiều. Như Thổ Nhĩ Kì, có 1 lần mưa lớn, trong vòng mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi, phố cổ Istanbul đã bị nhấn chìm, hơn nữa trận lụt lúc đó dâng cao tới nỗi xe hơi cũng bị cuốn đi, mấy tiếng đồng hồ, 1 phố cổ ngàn năm bị cuốn đi. “Trần thế vô thường, nhục thân dễ hoại”, và mọi người phải hiểu, nếu như họ sửa sai trước, hành thiện trước, họ gặp tai nạn lớn tới đâu cũng sẽ ra sao? Gặp hung hóa cát. Quý vị coi tai nạn lớn như vậy, rất nhiều người vị cuốn đi, cũng có người may mắn được cứu lên, thế gian này không có việc gì là ngẫu nhiên. Cho nên có 2 việc không thể đợi, 1 là hành hiếu, 1 việc nữa là gì? Hành thiện, tích lũy công đức.

Đức Phật có 1 lần hỏi học sinh của ngài, “sanh mạng dài bao nhiêu?”, học sinh thứ nhất nói, “sanh mạng chỉ trong mấy ngày”, học sinh thứ hai nói “sanh mạng chỉ trong bữa ăn”, ăn 1 bữa cơm rất có thể sanh mạng này sẽ sản sanh biến hóa; học sinh thứ ba nói “sanh mạng ở trong hơi thở”. Chúng ta 1 hơi thở này thở ra, không hít trở lại thì say goodbye, nói tạm biệt rồi, phải không? Người ta thường nghĩ, thông thường mà tính là 80 tuổi, 90 tuổi, không phải tính như vậy.

Con người thật sự hiểu rõ nhân sự vô thường, vô thường cấp tốc, sanh mạng ở giữa hơi thở, thì sẽ thương tiếc thời gian, thì sẽ nghĩ rằng, nếu như việc nào đó mình chưa làm, sẽ thành sự nuối tiếc đời này của mình, liền mau mau đi làm ngay. Tôi nghe bạn bè nói, anh đã từng rất vô lễ với mẹ mình, nhưng không cất sĩ diện đi mà thành tâm sám hối, xin lỗi mẹ mình được, kết quả mẹ anh qua đời, khiến anh nuối tiếc cả đời.

“Một hơi thở ra”, hơi thở này không thuộc về chúng ta nữa, sanh mạng này cũng kết thúc, muốn sửa cũng không còn cơ hội. “Muốn sửa cũng chẳng kịp”, hết cách, không kịp nữa. Họ đã tắt thở:

“Dương thế trăm ngàn năm gánh chịu tiếng ác, dù con hiếu cháu hiền, không thể tẩy rửa”.

“Dương thế” nghĩa là sanh mạng chúng ta kết thúc rồi, tiếng xấu trong thế gian này trăm ngàn năm cũng không thể tiêu trừ. Giống như chúng ta hễ nhớ tới Lý Lâm Phủ thời Đường, Tần Cối hại Nhạc Phi thời Tống, tiếng xấu trăm ngàn năm. Bây giờ tới miếu Nhạc vương ở Hàng Châu, tượng của Tần Cối còn quỳ ở đó, đây là gánh chịu tiếng xấu trăm ngàn năm, cho dù có con hiếu cháu hiền cũng không thể tẩy rửa chúng được.

Hồi đó hãm hại Nhạc Phi, trong đó có 1 đại thần tên La Nhữ Tiếp, ông ta xu nịnh Tần Cối, cùng Tần Cối hãm hại Nhạc Phi, kết quả sau đó không lâu ông liền sanh bệnh qua đời. Quả báo này cũng rất nhanh, do ông hãm hại đại trung thần. Con trai ông là La Nguyện, cũng biết cha mình làm sai, rất thích đọc sách xưa, cũng rất dụng công. Sau đó tới Ngạc Châu làm quan, cũng rất dụng tâm cai trị vùng này, cũng có nhiều công tích. Trong lòng ông nghĩ, mình đã làm nhiều việc thiện rồi, vốn dĩ trước đây ông không dám bước vô miếu Nhạc vương, đã làm việc thiện nhiều năm như vậy rồi, ông mới dám bước vô miếu Nhạc vương, khấu đầu trước Nhạc Phi. Kết quả ông vừa khấu đầu xuống, lúc khấu đầu xuống đó cũng liền tắt thở. Chuyện này trong sách sử có ghi lại, “nhà tích bất thiện ắt gặp tai ương”. Con trai ông coi như đã hành thiện rồi, nhưng cha tạo nghiệp quá nặng, hại chết cứu tinh của dân tộc. Cho nên không chỉ con cháu không thể tẩy rửa, ngay cả con cháu cũng gặp đại nạn, đây là dương thế.

“Cõi âm thì trăm ngàn kiếp trầm luân ngục báo”.

Tội ác đời này gây ra, chiêu cảm quả báo ác, sẽ tới tam ác đạo thọ báo, vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà thọ báo.

“Tuy thánh hiền Phật Bồ tát, không thể dẫn độ, không sợ được sao”.

Cho dù thánh hiền Phật Bồ tát cũng không cách nào cứu độ họ, nghĩ tới đây làm sao có thể không kính sợ, không dè dặt chứ? Không mau chóng sửa sai, đoạn ác tu thiện chứ?

Có thể chúng ta đọc tới đây, thánh hiền Phật Bồ tát chẳng phải rất từ bi sao, sao không cứu họ? Chúng ta đọc tới đây thì có nghi vấn này không?

Chương Thái Viêm những năm đầu Dân quốc, là đại sư quốc học, học vấn của ông hết sức tốt, Nho Thích Đạo đều thông đạt. Ông vừa hay có cơ duyên, đại đế Đông ngục Thái Sơn Sơn Đông cai quản chuyện cát hung họa phước của con người, quản lý khoảng 5 tỉnh, mời đại sư Chương Thái Viêm đến làm phán quan, cũng giống như thư kí trưởng bây giờ. Đại sư Chương Thái Viêm rất bận rộn, ban ngày phải làm việc thế gian, ban đêm phải giúp đại đế Đông ngục làm phán quan. Ông rất từ bi, ông biết được trong địa ngục có 1 cực hình là “ôm trụ đồng lửa”, tức là thiêu nóng 1 trụ đồng, sau đó phạm nhân ôm vào, rất là thảm khốc. Ông nói “Cái này thê thảm quá, có thể xóa bỏ hình phạt này đi không?”. Đại đế Đông ngục liền nói: “Tôi cho người đưa ngài tới hiện trường xem, ngài tìm hiểu rồi nói tiếp”. Hai nha dịch liền đưa Chương Thái Viên qua đó. Tới pháp trường, đại sư Chương Thái Viêm không nhìn thấy gì hết. Ông đột nhiên ngộ ra, vạn pháp do tâm sanh. Cả vũ trụ từ đâu mà tới? Tâm mình biến hiện ra. Tâm quý vị không tạo những tội nghiệp này, quý vị không hiện ra được tướng địa ngục, địa ngục ở trước mặt quý vị cũng không nhìn thấy. Ông đột nhiên hiểu ra được vạn pháp do tâm sanh, tự làm tự chịu, đều do mình biến hiện ra ác báo địa ngục. Lúc này tự làm tự chịu, Phật Bồ tát cũng không giúp được, trừ phi chính mình thật sự chuyển đổi ác niệm của mình, chuyển thành thiện niệm mới có thể thoát ly những khổ nạn này.

Cho nên cái này là nghĩ tới sau khi tắt thở, “Dương thế trăm ngàn năm gánh chịu tiếng ác, dù con hiếu cháu hiền, không thể tẩy rửa. Cõi âm thì trăm ngàn kiếp trầm luân ngục báo”, hiểu rõ những đạo lý này, tâm kính sợ sẽ khởi lên.

A la hán là thánh giả đã thoát ly lục đạo luân hồi, họ có thể nhìn thấy 500 tiền kiếp của mình. Tự mình nhớ lại sự đau khổ của tội báo trước đây chịu trong địa ngục, chảy mồ hôi máu. Mọi người chảy mồ hôi máu chưa? Tôi có chảy mồ hôi lạnh, mọi người phải biết mồ hôi lạnh đã rất khủng khiếp rồi, mô hôi máu càng khủng khiếp hơn. Từ sự thật này sẽ biết được, địa ngục quá thảm. Nhưng nói mọi người nghe, địa ngục bây giờ ở đâu nhìn thấy được? Nhân gian bây giờ địa ngục rất nhiều. Quý vị vào bệnh viện, bây giờ cắt mất tay, cắt mất chân, bây giờ càng ngày càng nhiều, tức là con người chúng ta quá túng dục, thân thể hư hoại, hoặc là tạo tác tội nghiệp quá nhiều, đời này những tội nghiệp này liền hiện tiền. Con người thật sự “họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu”, phải mau chóng đoạn ác tu thiện.

Tiếp theo chúng ta coi, phải phát tâm thứ ba “dũng tâm”.

“Người không sửa lỗi, đa số vì phóng túng thoái lui”.

Sự “phóng túng” này là qua ngày nào hay ngày đó, “thoái lui” là tránh né, không dũng mãnh tiến lên. Và sự “phóng túng thoái lui” này còn có 1 trọng điểm, tức là nghi ngờ chính mình, không tin tưởng chính mình. Tin tưởng chính mình rất quan trọng, phải tự giúp trước rồi trời mới giúp, tự cứu trước rồi trời cứu. Từ bỏ, tự mình từ bỏ chính mình, ông trời, người khác cũng giúp chúng ta không được. 1 người thật sự tự lực tự cường, thật sự hạ quyết tâm phải thành thánh thành hiền, nhất định chiêu cảm sự gia hộ của rất nhiều tổ tiên thánh hiền. Người phải phát tâm dũng mãnh, sẽ chiêu cảm được rất nhiều thiện duyên.

“Chúng ta cần phải hăng hái”.

Phải quyết chí tự cường, phải làm đại anh hùng. Cái gì là đại anh hùng? Không làm nô lệ của tập khí, của thói quen xấu nữa. Phải sửa đổi chúng.

“Không được nghi ngại”.

Không được nghi ngờ giáo huấn của những kinh điển này, cũng không được nghi ngờ chính mình.

“Không chờ đợi”.

Lập tức sửa, không được đợi. Không thể nói, ngày mai nói tiếp, sau này sửa tiếp. “Ngày mai lại ngày mai, ngày mai đâu nhiều vậy, tôi cứ đợi ngày mai, vạn sự thành dang dở”. Sửa thế nào? Biết mình có tập khí này, làm sao viết phương pháp ra, theo đó mà sửa, viết phương pháp ra, mỗi ngày nhìn vào.

Ví dụ chúng ta cầu trí huệ, nhờ định mới có thể khai huệ, tâm này không định lại, sẽ không mở được trí huệ. Tâm tại sao không định lại được? Rất gấp gáp, rất dễ hành động vội vàng, căng thẳng hoang mang, lục thần vô chủ, không thể nào có định. Cho nên người xưa nói với chúng ta, công phu thứ nhất của việc học, phải điều phục khí lăng xăng, định lại.

Ladies anh gentlemen, các bạn, chúng ta đã sửa tập khí lăng xăng chưa? Chúng ta phát giác mình lăng xăng, phát giác khi nào? Long time ago, cách đây rất lâu, có phải không? Khi nào sửa? Sửa ra sao? Biết sai rồi, còn phải hối lỗi, còn phải kế đó cụ thể sửa ra sao, quý vị phải viết ra. Chúng ta mỗi ngày đều phải quán chiếu 1 ngày của mình, những lúc nào rất vội, rất căng thẳng, rất lao xao. Nói mọi người nghe, con người hễ căng thẳng, tính khí sẽ khống chế không được, khí nóng sẽ bốc lên, sẽ mắng người, 1 xâu chuỗi tạo nghiệp liền tới. Cho nên cái này phải định lại khí nóng của mình.

Con người tại sao lao xao? Tâm được mất quá nặng, tâm cưỡng cầu quá nhiều, phan duyên quá nghiêm trọng. Hoặc là yêu cầu người khác, khống chế người khác, tâm đó dễ sanh sự lao xao. Thời thời quán chiếu được bản thân mình lao xao rồi, nóng vội rồi, sẽ mau chóng điều phục tâm này, liền điều chỉnh nó định lại. 1 phương pháp rất tốt, mọi người chỉ cần cảm thấy mình nóng vội, mau mau hít thở sâu. Phương pháp thầy giáo Trần Chân dạy mọi người phải dùng, hít thở sâu trước.

Kế đó, mọi người có cảm thấy cuộc sống người bây giờ bắt đầu từ sáng đã nhanh, nhanh, nhanh… nhanh tới, nhanh nhanh nhanh thức dậy, nhanh nhanh nhanh rửa mặt, nhanh nhanh nhanh ăn cơm, nhanh nhanh nhanh mang giày, nhanh nhanh nhanh ra khỏi nhà… sau cùng còn nhanh nhanh nhanh đi ngủ. Cho nên tôi cảm thấy, người ta nói người bây giờ rất có phước báo, cuộc sống rất tốt, đều tốt hơn người trước đây, tôi không cho là vậy. Người bây giờ từ khi mở mắt ra đã cứ nhanh nhanh, nhanh tới khi nhắm mắt ngủ ngay cả nằm mơ cũng… mẹ tôi nói bà đã ba bốn chục tuổi rồi, còn thường mơ thấy mình chạy đi ngồi xe lửa đi học.

Quý vị coi người trước đây tình thơ ý họa, cầm cái quạt ngâm thơ ca đối, như vậy mới có hương vị cuộc sống chứ. Phương thức sinh hoạt bây giờ không có hương vị, phải không? Cho nên những bài hát bây giờ đều hết sức sầu muộn, “Cho tôi 1 ly nước quên tình”. Quý vị coi người xưa người ta hát là: “Ôi, muốn nhìn khắp ngàn dặm…”, xin lỗi lúc nãy đã dùng tiếng Mân Nam để hát. Cho nên người trước đây không bị trầm cảm, nhạc họ hát đều là thiện nhạc, hát 1 cái tâm tình cũng thoải mái. “Ôi chao, thiên hạ vốn vô sự, thôi kệ thôi kệ, đừng so đo nữa”. Người bây giờ chứng trầm cảm rất nhiều, tức là hát nhạc thiện quá ít, ác những bài lả lướt u sầu quá nhiều. Tôi thấy em bé gái sáu bảy tuổi đi tham gia cuộc thi bắt chước, hát mấy bài tình ca, cả khuôn mặt đều cau lại. Quý vị nói những người lớn này còn cảm thấy rất dễ thương, những người lớn này thật sự là tàn hại mầm non của dân tộc.

Tôi nói quá khích động rồi, lúc nào cũng phải điều tâm, phải khéo quán tâm mình, tâm vẫn không được khích động, “học vấn sâu thì ý khí bình”.

Từ mặt sinh lý, quý vị có thể thông qua hít thở sâu để điều chỉnh, kể cả nhắc nhở chính mình, nhất cử nhất động đều phải an tường, đều phải vững vàng, không được gấp. “Khi kéo màn, không tiếng động, đi trong phòng, phải chú ý”, cử chỉ của quý vị đều rất vững vàng, rất an tường, quý vị sẽ không nóng vội.

Trẻ con trước đây từ nhỏ nhất cử nhất động đều luôn định, hễ thấy là giống ông cụ non, chúng ta bây giờ người lớn cũng không có định lực bằng chúng. Mấy ngày trước sư trưởng lấy 1 bài văn luận thuyết của học sinh tiểu học năm 11 Dân quốc viết, đều viết bằng văn ngôn văn. Tôi đọc mấy lần, rất muốn đào 1 cái lỗ chui xuống. Tôi là người 40 tuổi rồi, còn không bằng học sinh tiểu học. Tôi thấy cái lỗ đó cũng khỏi đào nữa, phải phát tâm hổ thẹn, phải phát dũng tâm. Cho nên phải hạ quyết tâm dũng mãnh, ít nhất 1 tuần lễ phải thuộc 1 bài cổ văn mới. Cái này đã nói ra rồi, không thuộc không được. “Giữa trời đất có tư quá chi thần”, “thiên địa ở trên, quỷ thần khó gạt”. Có lúc phát nguyện rất tốt, khiến bản thân mình không còn đường lui, sẽ đi về phía trước.

Kể cả người nóng vội, có 1 số phương pháp rất hay, phải dậy sớm. Quý vị không dậy sớm, từ khi bắt đầu đã luôn vội vàng. Kế đó, có hẹn với người ta, phải tới sớm, quý vị đừng có “Ôi chao, còn 2 phút, suýt nữa tới trễ”. Thật ra mấy phút đó đều đang gấp gáp. Cho nên con người tại sao vào những lúc quan trọng tâm luôn phải định lại? Bởi vì lúc bình thường đều là đang gấp, kể cả từng bước quý vị đi, “đi thong thả, đứng đoan nghiêm”, quý vị mỗi 1 bước tâm đều luôn định, đều không gấp gáp. Thậm chí quý vị viết 1 chữ cũng phải định, đừng vội vàng. Muốn điều phục sự nóng vội, từ trong nhất ngôn nhất hành. “Lúc nói năng, chỗ chủ yếu, đừng nói nhanh, phải rõ ràng”, đừng có mở miệng ra nói là giống súng liên thanh, cứ nói miết, người ta nghe cũng không hiểu, đều chau mày hết rồi, quý vị vẫn cứ nói. Và khi ăn cơm cũng phải chậm, nhai kĩ nuốt chậm, người bây giờ bệnh dạ dày hết sức nhiều, do họ ăn quá nhanh. Cho nên có 1 ngày dạ dày đòi bãi công, không làm nữa, bị họ ngược đãi mấy chục năm liền bãi công. Nó cũng không có quyền cột 1 miếng vải trắng đòi kháng nghị, sau cùng cũng phải bãi công thôi.

Tôi vừa nói những phương pháp này, chỉ là for example, lấy ví dụ. Mọi người tự mình phải quán chiếu tâm mình, sẽ tìm được sự nóng vội của quý vị từ đâu mà ra, tâm thái nào gây ra, thói quen sinh hoạt nào gây ra, sau đó phải mau chóng sửa. Đem chúng viết ra, mỗi ngày nhìn vào, tính cảnh giác của quý vị sẽ ngày càng cao.

“Lỗi nhỏ như gai đâm vào thịt”.

Khuyết điểm, sai lầm nhỏ giống như cái gai đâm vào thịt, rất không thoải mái.

“Mau chóng rút bỏ”.

Mau chóng nhổ nó ra.

“Lỗi lớn như rắn độc cắn tay”.

Lỗi lầm lớn này có thể sẽ hủy cả đời chúng ta, hủy gia đình chúng ta, giống như rắn độc cắn đầu ngón tay, nếu hơi chậm trễ, chất độc này sẽ vào tim, mạng cũng không còn.

“Mau chóng chặt bỏ”.

Không được chậm trễ, do dự tơ hào.

“Phong lôi này sở dĩ là quẻ ích”.

Cái “ích” này là 1 quẻ trong 64 quẻ, nó là quẻ phong lôi. Phong và lôi này chúng sẽ trợ thế, hỗ trợ cho nhau, cho nên cái tướng phong lôi này trong “Kinh dịch” có mở rộng ra sự tu dưỡng của 1 quân tử là gì? “Quân tử dĩ kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải”. Họ không chần chừ, sấm rền gió cuốn. Có thành ngữ là lấy từ những quẻ dịch này, “quân tử dĩ kiến thiện tắc thiên”, nhìn thấy thiện hành liền noi gương, nhìn thấy giáo huấn tốt liền phụng hành. Kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải. Thật ra Nghiêu Thuấn sở dĩ có thể trở thành thánh nhân, đều không rời việc thấy thiện liền bắt chước, có lỗi liền sửa đổi, đây là cơ sở tu thân quan trọng nhất. Chúng ta tiếp theo coi kinh văn có nói:

“Có đủ 3 tâm”.

Thật sự đã có đủ tâm hổ thẹn, tâm kính sợ, và cả tâm dũng mãnh sửa sai.

“Thì có lỗi liền sửa”.

Lúc đó không có tơ hào nghi ngại mà liền sửa đổi.

“Như băng xuân gặp mặt trời, lo gì chẳng tiêu tan”.

Băng tuyết mùa xuân là băng mỏng, gặp phải ánh sáng mặt trời chiếu vào, miếng băng đó sẽ bị tan chảy, tức là cái lỗi này có thể tiêu trừ, tiêu biến mất. Còn trong quá trình sửa đổi phải nhẫn nại, “Tôi rất muốn sửa, nhưng lại vậy nữa”, không sao, càng khó càng phấn đấu, kiên cường bất khuất, phải có kiên nhẫn, có tâm lâu dài, nhất định có thể sửa được.

Đây là cơ sở sửa sai, tức là phát 3 tâm này. Tôi thấy vầng tráng mọi người đều phát sáng, tâm này có phát ra rồi, tướng do tâm sanh. Tiếp theo là phương pháp sửa sai:

“Tuy nhiên lỗi của người”.

Lỗi của người làm sao sửa đây?

“Có thể sửa từ sự tướng”.

Từ trong sự tướng mà hạ công phu đối trị.

“Có thể sửa từ lý”.

Từ việc hiểu rõ đạo lý, dùng lý trí để chuyển biến tâm thái của mình, “có thể sửa từ lý”.

“Có thể sửa từ tâm”.

Trực tiếp chuyển tâm niệm của mình.

“Công phu bất đồng”.

3 phương pháp này công phu sâu cạn bất đồng.

“Hiệu quả cũng khác”.

Kết quả, hiệu quả chúng làm ra được cũng bất đồng. Tiếp đó nói về sửa từ sự tướng:

“Như ngày trước sát sanh, nay giới bất sát”.

Ngày trước sát hại sanh mạng, ngày nay cáo giới bản thân không được sát sanh.

“Ngày trước nóng giận mắng chửi, nay không giận”.

Ngày trước nổi nóng, mắng người, ngày nay nhắc nhở bản thân không được nổi nóng bừa bãi.

“Những việc như vậy là sửa theo sự vậy”.

Đây là đối với sự tướng mà đối trị.

“Cưỡng chế bên ngoài”.

Tức là họ cố gắng khắc phục từ trong hành vi, bề ngoài mặc dù chưa phạm, có thể trong tâm còn có 1 vài ý niệm không tốt.

“Thật khó trăm phần”.

Đè nén, có lúc đè không được, vẫn phạm phải.

Giống như chúng ta ngày nay nhổ cỏ, nhỏ phần phía trên, gốc không chịu nhổ đi, nhổ cỏ không nhổ gốc, gió xuân thổi tới lại sanh, cho nên gốc bệnh vẫn còn.

“Đông diệt Tây sanh”.

Hình như phía Đông hết rồi, phía Tây lại mọc ra, hình như ngày nay đè xuống được rồi, ngày mai lại phạm, sau này lại phạm, “Đông diệt Tây sanh”.

“Không phải đường lối cứu cánh hoàn toàn”.

Không phải phương pháp, đạo lý sửa sai cứu cánh viên mãn.

“Người khéo sửa lỗi, chưa phạm cấm giới, đã hiểu rõ lý”.

Người khéo sửa lỗi mình, khi sự tình vẫn chưa xảy ra, đã hiểu rõ, hiểu được những đạo lý bên trong của chúng ta. Ví dụ nói:

“Như lỗi ở sát sanh”.

Sát sanh là tội lỗi.

“Thì nghĩ rằng”

Họ bắt đầu suy nghĩ.

“Thượng đế hiếu sanh, vật đều tiếc mạng”.

Ông trời có đức hiếu sanh, chúng ta phải noi theo tấm lòng của ông trời, mới là thiên địa nhân tam tài. Tất cả động vật đều có linh tri, đều có cảm giác, chúng đều thương sanh mạng, cho dù là 1 con kiến chúng cũng thương sanh mạng của mình.

“Giết chúng nuôi mình, sao an ổn được”.

Giết hại chúng để nuôi dưỡng mình, việc này trong lương tâm sẽ bất an, tại sao? Bụng ta ra bụng người.

Các bạn, bây giờ có người muốn ăn quý vị, quý vị có muốn cho họ ăn không? Có muốn không? Quý vị nói: “Ai ăn tôi”, vậy có 1 ngày người ngoài hành tinh vũ khí của họ lợi hại hơn chúng ta, khống chế quý vị, ăn quý vị, quý vị cho họ ăn không? Quý vị có vui vẻ cho họ ăn không? Quý vị có nói là “Tôi sanh ra là để người ngoài hành tinh ăn”, quý vị có nói như vậy không? Nhưng chúng ta tại sao nói động vật sanh ra là để cho mình ăn? Quý vị coi, điều mình không muốn, không làm cho tất cả sanh mạng.

Quý vị nói, chúng bẩm sanh là sanh ra để cho mình ăn. Bẩm sanh, mọi người chú ý coi, động vật ăn thịt đều bộ dạng ra sao? Cái răng đó đều là thế này, chúng xé thịt, soạt… mới xé được. Con cọp, báo, quý vị coi cái răng đó đều là như vậy, răng quý vị có như vậy không? Quý vị răng cối, dùng để nghiền thức ăn, quý vị bẩm sinh không phải ăn thịt. Từ răng có thể nhìn ra được, quý vị bẩm sinh không phải ăn thịt. Kế đó, quý vị ngày nay tới 1 nông trường, nông trường này trồng rất nhiều táo, cà chua, nước rất ngọt ngon, nhìn vào là biết. Dưới mấy cây ăn quả này nuôi mấy con gà mái. Xin hỏi, khi quý vị đi vào khu vườn này quý vị sẽ đi hái táo ăn, hay là đi bắt con gà mái đó để ăn? Có phải không? Quý vị chẳng phải nói tự nhiên sao? Cái này chính là phản ứng tự nhiên mà.

Hơn nữa nói mọi người nghe, bây giờ chúng ta không đối tốt với những sanh mạng này, đều dùng hóc môn, thuốc kháng sinh để thúc chúng mau lớn. Con người sao thông minh được? Quý vị đem những thứ không tốt đó cho chúng ăn, sau cùng ai ăn? “Cho gì nhận nấy, nhân nào quả nấy”, loài người đối đãi sanh mạng ra sao, sau cùng vẫn quay lại bản thân ai? Bản thân chính mình. Loài người đối đãi trái đất thế nào, quý vị phun nhiều thuốc sâu như vậy, sau cùng thuốc sâu ai ăn nhiều nhất? Nhiều năm trước tôi đọc báo cáo, 1 báo cáo của Đài Loan, nói mỗi 1 người, bình quân 1 năm ăn vào 2.7 kg thuốc sâu. Nếu như ăn 1 lần thì liền chết toi, chúng ta bây giờ là trúng độc mãn tính. Con người phải tốt với trái đất, tốt với tất cả sanh mạng, tốt với vạn vật mới đúng. Hiểu rõ những đạo lý này, tâm thái chúng ta sẽ chuyển được, đây là sửa từ lý.

Được, hôm nay trao đổi với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người.