Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 18A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 18A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

Tiết trước chúng ta từ “Phương pháp sửa lỗi” bước vào “Phương pháp tích thiện”, tất nhiên chúng ta học thánh giáo, học văn hóa truyền thống không phải như học tri thức, hình như học cho nhiều thì sẽ có năng lực, thì sẽ có học vấn, không phải khái niệm này. Quan trọng là sau khi học xong nhất định phải đi thực hành, phải đi thực tiễn. Cho nên chúng ta học xong “Phương pháp sửa sai”, thì không thể nói “cuối cùng học xong rồi, hết chuyện rồi”. Phải thật sự phát sỉ tâm, phát úy tâm, phát dũng tâm, hơn nữa phải từ tâm địa mình mà sửa lỗi. Gọi là sửa lỗi là cơ sở của lập mệnh, vận mệnh muốn thay đổi, không sửa lỗi thì không cách nào thật sự cải tạo vận mệnh được. Tại sao? Lỗi không sửa, mỗi ngày lại đang tạo tác tội nghiệp, số mạng không xấu đi đã là khá lắm rồi, nhưng không thể sửa đổi vận mệnh ngày càng tốt.

Bây giờ đã gần cuối năm, sắp sửa lại đi chúc tết, 1 năm mới lại tới rồi, lỗi lầm năm ngoái năm nay đã sửa chưa? Chúng ta đều cùng nhau chúc phúc “chư ác mạc tác, tuế tuế bình an; chúng thiện phụng hành, niên niên như ý”. Lời chúc phúc này rất có trí huệ, câu này đã nói chuyện nhân quả rất thấu triệt, “chư ác mạc tác” là nhân, “tuế tuế bình an” là quả. Quý vị không tiếp xúc với những người, sự, vật không tốt, ác duyên này bỏ đi thì tất nhiên bình an; người khởi ác tâm, tiếp xúc ác duyên, sau cùng tai họa sẽ tới. Cho nên người chịu sửa sai sẽ tránh xa những người, sự, vật bất thiện, tuế tuế bình an.

Các vị trưởng bối, các vị phụ huynh, quý vị có tin tưởng con cái quý vị sau này sẽ tuế tuế bình an, thiên tường vân tập không? Có lòng tin này không? Xã hội bây giờ có 1 số tình hình không tốt. Tất cả cơ ngộ trong đời đều là tâm người chiêu cảm tới, con cái chánh tâm chánh hành, thuần tịnh thuần thiện, cuộc đời chúng sẽ chiêu cảm nhân duyên tốt, cho nên đừng lo bò trắng răng, phải từ việc trồng nhân, phải từ căn bản bồi dưỡng thái độ nhân sinh tốt đẹp của con cái, chúng sẽ chiêu cảm cơ ngộ cuộc đời tốt đẹp, điều này rất quan trọng.

“Chúng thiện phụng hành”, hạt giống quý vị trồng đều là hạt giống tốt, cuộc đời tất nhiên không ngừng có kết quả tốt để thu hoạch, cho nên “chúng thiện phụng hành niên niên như ý”. Chúng ta bây giờ đã kết thúc học vấn “tuế tuế bình an” rồi, vậy tiếp theo chúng ta tiến 1 bước tới tu “niên niên như ý”, tôi nói vui mừng như vậy, quý vị sao không có chút phản ứng gì, quý vị nhập định rồi sao? Thật ra tôi có thể hiểu, quý vị vừa đánh trận xong, ngày nay từ khi mở mắt ra bận rộn cả ngày, ngồi xuống thì hồn này chưa quay về. Cho nên sống trong thời đại lớn này, thời đại lớn tu thân tề gia, quả thật không có chút phân lượng, thì thật không lên được Lương Sơn. Người thời đại này quý vị không có trí huệ chân thật, đời này muốn hạnh phúc vui vẻ, gia đình mỹ mãn không phải việc dễ dàng như vậy.

Cho nên gia đình hòa lạc là điều chúng ta mong cầu, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Phương pháp tích thiện phải rất tích cực đi làm, nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui, ngày ngày làm, thời thời làm. Ví dụ khi ngượng ngùng thì kể chuyện cười, cho mọi người đều hoan hỉ, họ cười lớn 3 tiếng thì thọ thêm 1 năm. Chỉ cần có tâm lợi người, quý vị lúc nào cũng có thể tích lũy công đức.

Lần trước chúng ta lấy 1 ví dụ, ví dụ này cũng nhắc nhở chúng ta, ông là 1 người lái đò, thông thường trong xã hội ông không có thân phận cao quý lắm, bá tánh bình dân, thu nhập cũng không nhiều. Chúng ta thông thường đều cảm thấy muốn làm việc thiện phải có rất nhiều tiền, thật ra tri nhận này là sai lầm. Ông lái đò mưu sinh làm gì có tiền, nhưng trong cơn lũ lụt ông đi cứu người, trong cơn lũ lụt không nhẫn tâm để thi thể này trôi mất, khiến cho cả nhà họ cả đời đau thương, ông không đi vớt tài vật, hoàn toàn đều là cứu người, đem những người chết này mau mau vớt họ lên, kết quả hậu thế của ông làm tới chức thầy giáo của hoàng đế. Thậm chí ông cố và ông nội của tiên sinh Dương Vinh này sau cùng đều được truy phong có cùng quan vị như ông. Cho nên người thật sự hành thiện ắt có thiện báo, cho dù đã rời khỏi thế gian này, vẫn có phước báo như vậy.

Tiếp theo chúng ta coi ví dụ thứ hai. Tiên sinh Liễu Phàm dụng tâm lương khổ lấy những ví dụ này giúp chúng ta tăng trưởng lòng tin, về việc thiện giả thiện báo không chút nghi ngờ, đã có lòng tin này mới chịu đi hành thiện tích đức. Thứ hai là:

“Dương Tự Trừng huyện Ngân”.

Huyện Ngân là thuộc vùng Ninh Ba Triết Giang.

“Trước làm huyện sử”.

Khi ông còn khá trẻ, làm 1 quan viên trong huyện.

“Tấm lòng nhân hậu”.

Tâm địa trung hậu chân thật, từ “nhân” này, nhìn thấy chữ này là biết có 2 người, nghĩ tới mình liền nghĩ tới người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh người. Tấm lòng của ông nhân hậu ra sao, tiếp theo sẽ thể hiện ra trong câu chuyện này.

Trong sự xử sự của chúng ta thường nghe trưởng bối nói, học làm người phải học chịu thiệt, học hậu đạo trước. Hậu đạo thể hiện ở đâu? Dùng 3 chữ “không trách được” để đối nhân, dùng 3 chữ “học chịu thiệt” tự kiểm soát. Chính mình bị tổn thất, “không sao, chịu thiệt là phước”, người khác làm sai rồi, “ôi chao, không trách được, họ chưa học những thứ này nên đừng trách họ”, đó tức là khoan dung người khác, nhân hậu.

“Thủ pháp công bằng”.

Quan viên này hết sức công bằng chính trực, tuyệt không tư lợi. Mọi người nghĩ coi, 1 người làm quan, lão bá tánh làm sao mới phục họ? Công bằng. Đây là làm quan viên. Làm giáo viên thì sao? Cũng vậy, thầy cô thiên vị, học sinh bên dưới sẽ kháng nghị, sẽ treo lá cờ trắng, đúng chưa? Trên đầu sẽ ghi chữ “kháng nghị”. Người làm cha mẹ cũng phải công bằng, nếu không giữa các con quý vị sẽ bất hòa, khi không có quý vị thì anh sẽ hành hạ em, “cuối cùng mình cũng có cơ hội”, điều này rất dễ bị cha mẹ bỏ qua. Cha mẹ sẽ cảm thấy nó là anh, nó là chị, có lẽ nó hiểu được, thể hội được. Nó mới 2 tuổi nó hiểu cái gì? Người lớn chúng ta đều rất dễ dùng tri nhận của chúng ta đi yêu cầu con trẻ, vậy là không khách quan, cũng không có tình người, nó mới mấy tuổi.

Điểm này tôi rất cảm kích cha mẹ, tôi có 2 chị gái, tôi là con trai 1 trong nhà, hơn nữa tôi là cháu trưởng, lại là chắt trưởng. Quý vị coi trong gia tộc có địa vị rất cao, chia tài sản cũng được chia, nói đùa đấy. Thật vậy, khi chia tài sản tôi rất khâm phục cha tôi, ông tôi cảm thấy hình như để lại cho con cái 1 chút gì, trong lòng mình cũng hoan hỉ, con cái thật ra đều không thiếu tiền, chỉ thuận theo cha. Lúc đó cha tôi có 5 anh chị em, kết quả ông nội tôi chia thành 6 phần, tại sao? Cháu trưởng cũng giống như con trai út, cho nên để 1 phần cho tôi. Kết quả cha tôi khi xử lý, cha tôi nói: “Cái này Lễ Húc không cần, nó là thế hệ sau nên không cần tới, phần của nó chia cho anh chị em”. Đem phần của tôi ra chia. Nhưng khi tôi biết tin này, thật sự khâm phục cha tôi từ sâu trong lòng, ông là anh cả, ông là con trưởng, ông khinh tài, cả gia tộc sẽ trọng nghĩa. Cho nên trong nhà chúng tôi chưa từng cãi nhau, chưa từng thấy cha tôi cãi nhau, đấu khẩu với các anh chị em của ông, chưa từng thấy. Cho nên thế hệ trước ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ sau.

Đối với tôi mà nói, ông bà nội, cha mẹ có lẽ sẽ khá thương đứa con trai 1 lại là cháu trưởng, nhưng tôi thấy rất may mắn, ông tôi, cha mẹ tôi họ không làm như vậy, khi tôi nghịch ngợm đều do ông tôi la lên đầu tiên: “Đánh, không đánh thì ông đánh”. Thật vậy, cưng quá sanh hư thì phiền phức, ông tôi mặc dù bình thường rất thân thiết, khi phải nghiêm khắc thì rất nghiêm khắc. Cho nên anh em cha tôi được dạy rất tốt, không tách khỏi liên hệ với sự giáo dục của ông nội tôi.

Mặc dù tôi có 2 chị gái, nhưng cha mẹ đối với 3 chị em chúng tôi rất công bằng, cho nên tôi từ nhỏ tới lớn tôi không bị bầm tím gì nhiều, do chị tôi không có véo tôi, đều rất chăm sóc tôi. Do cha mẹ công bằng, cho nên nhân cách chúng tôi rất lành mạnh, cũng không đi đố kị, cũng không ngạo mạn, cưng quá sanh hư, tương thân tương ái. Cho nên người phía trên không được thiên vị, nếu không phía dưới sẽ có vấn đề.

Cho nên để nhân dân khâm phục, quan trọng nhất là công bằng; để cán bộ của quý vị khâm phục, còn 1 điểm rất quan trọng, tức là liêm khiết. Quý vị không tham ô, quý vị không mưu cầu tư lợi, cấp dưới, quan viên bên dưới quý vị sẽ kính cẩn tôn trọng quý vị. Quý vị ở trên luôn nhận hối lộ, quan vị lớn tới đâu, người bên dưới cũng coi thường quý vị.

Tiếp theo nói rằng:

“Quan huyện nghiêm khắc”.

“Quan huyện” tức là chỉ huyện thái gia, tri huyện, đứng đầu 1 huyện. Vừa hay gặp án phải xử, ông hết sức nghiêm khắc, chánh trực, rất nghiêm túc, khi thẩm án, hơn nữa phạm nhân này có thể phạm tội không nhẹ, cho nên ông xử phạt họ.

“Ngẫu nhiên xử phạt, máu chảy đầy đất, cơn giận chưa nguôi”.

Ông xử phạt tội nhân này, đánh tội nhân này tới nỗi máu chảy đầy đất, nhưng cơn phẫn nộ của ông vẫn chưa nguôi ngoai, nhìn thấy tình hình này nếu đánh tiếp có thể sẽ mất mạng. Tiên sinh Dương Tự Trừng nhìn thấy tình hình này, liền:

“Dương quỳ mà xin khoan dung”.

Ông liền quỳ xuống thỉnh cầu giúp phạm nhân này, mọi người thấy lúc đó làm ra hành động này, đó là hiển lộ chân thành nhất. Vì 1 phạm nhân, người phạm tội nặng, người không có quan hệ huyết thống với ông, ông có thể quỳ xuống thỉnh cầu cho họ, có thể thấy được sự nhân hậu của ông, thỉnh cầu đại nhân tha cho phạm nhân này, kết quả quan huyện nói:

“Quan nói: Người này trái nghịch pháp lý, ta không giận sao được”.

Nhưng phạm nhân này, phạm tội nghiêm trọng như vậy, vi phạm pháp luật, khiến người ta nhìn vào thật sự không nén giận được.

“Tự Trừng khấu đầu nói”.

Dương Tự Trừng liền “khấu đầu”, dập đầu, tiếp đó nói, mọi người coi những hành vi này, đều xuất phát từ tâm chí thành, trước hết ông khấu đầu hành lễ với lãnh đạo của mình, rồi mới khuyên răn. Ông khấu đầu rồi mới khuyên răn, lãnh đạo ông biết ông vẫn tôn trọng mình, đây đều là 1 sự hiển lộ cung kính rất quan trọng. Chúng ta có lúc muốn khuyên lãnh đạo rất vô lễ, ngữ khí lại có chút xúc phạm, như vậy là không tốt. Quý vị coi khi ông muốn khuyên lãnh đạo thì lễ độ như vậy, khấu đầu rồi nói chuyện, đây đều là chỗ chúng ta nên học. Quý vị rất chân thành khuyên răn lãnh đạo của mình, trước hết cúi mình trước họ “Tôi có chỗ nào nói không đúng, xin ông lượng thứ cho”, họ sẽ cảm nhận được thiện ý chân thành của quý vị.

“Người trên thất đạo, dân tán loạn từ lâu. Hiểu rõ tình hình, thương xót không vui. Vui còn chẳng nên, huống hồ giận dữ. Quan nghe xong nguôi giận”.

Câu này trong “Luận ngữ” Tăng Tử nói rằng “người trên thất đạo”, từ “trên” này là chỉ người ở trên, người làm chính sự, quan phụ mẫu hoặc là lãnh đạo quốc gia đều là cái “trên” này. Lại mở rộng ra, người làm cha mẹ cũng là ở trên, con cái trong gia đình thất giáo, quý vị không thể trách phạt chúng mà thôi, càng phải phản tỉnh chính mình, có phải mình không giáo dục chúng, khi nên dạy chúng thì mình không dạy, bây giờ đã tập thành thói quen xấu rồi, mình cứ trách phạt chúng, vậy căn nguyên vẫn nằm ở bản thân mình, không nằm ở bản thân con cái. Kể cả người làm thầy không thể luôn mắng học sinh, điều chúng nên hiểu mình đã dạy chưa? Mình dạy rồi, vậy dạy là dùng miệng dạy, mình có lấy thân làm mẫu chưa?

Cho nên lão tổ tiên giáo huấn chúng ta “làm việc không thông, phản cầu chính mình”, đây là chân lý vĩnh hằng bất biến. Ngày nay giống như 1 cái cây trong thế giới tự nhiên, quả của nó bị chua, quý vị không thể đi trách quả đó, căn nguyên ở đâu? Cái gốc của nó có vấn đề, đất đai có vấn đề, quý vị phải tìm hiểu từ căn bản. Vậy lão bá tánh hành vi không tốt, người bên trên không dạy cho tốt mới gây ra kết quả này.

“Tam tự kinh” nói với chúng ta: “Nuôi không dạy, lỗi của cha; dạy không nghiêm, lỗi của thầy”, điều này đối với cuộc đời chúng ta diễn tốt những vai trò này, đều là nhắc nhở hết sức quan trọng. Không có những nhắc nhở này, chúng ta đều làm việc theo cảm tính, càng nổi nóng mọi sự càng tồi tệ, con cái càng không thể chấp nhận chúng ta, càng không thể quay đầu. Cho nên do người bên trên thi hành sai lầm, nhất là không coi trọng giáo dục, vậy là phiền phức. Cho nên “dựng nước an dân, dạy học làm đầu”. Mọi người có thấy quốc gia nào đem giáo dục đặt lên hàng đầu chưa? Xin hỏi mọi người bây giờ đặt cái gì lên hàng đầu? Tiền. Đem tiền đặt lên hàng đầu, lão bá tánh cả nước đều nhìn vô tiền, xã hội này sẽ ra sao? Thấy lợi quên nghĩa.

Nhìn từ tâm địa, bây giờ những kết quả này đều không phải ngẫu nhiên. Vợ chồng tại sao tỉ lệ ly hôn cao như vậy? Thấy lợi quên nghĩa. Tại sao cha con có thể tranh tài sản? Thấy lợi quên nghĩa. Tại sao bạn bè có thể vì 1 số lợi ích, giao tình bao nhiêu năm đều trở mặt như vậy? Phải không. Tại sao bây giờ nhiều cấp dưới cuỗm tiền trốn đi như vậy? Ông chủ đều ngồi đó ngẩn ngơ, sự nỗ lực 1 đời, hai ba chục năm tin tưởng người này, cứ vậy mà bị hủy hoại, sao chịu cho thấu. Cho nên “người trên thất đạo” không có nghĩa là người bên trên không nỗ lực, mà là gốc ngọn đảo ngược.

Có 1 quan viên chức vị rất cao, sau đó ông lui xuống, về già đau khổ bật khóc, tại sao? Ông nói khi ông tại vị, coi việc phát triển kinh tế là quan trọng nhất, coi nhẹ giáo dục, kết quả 20 năm sau xã hội rất hỗn loạn, tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội rất cao, ông cảm thấy hổ thẹn với lão bá tánh. Khi ông tại vị đã không coi trọng giáo dục, bây giờ ác quả hiện tiền. Cho nên bây giờ những cha mẹ biết đặt giáo dục lên vị trí đầu tiên, gia đình họ có phước, con cái họ có phước. Quý vị là chủ doanh nghiệp, quý vị là lãnh đạo đoàn thể, quý vị đặt giáo dục lên vị trí đầu tiên, người trong đoàn thể quý vị, cuộc đời họ chắc chắn sẽ khác. Họ sẽ hiểu rõ đạo lý, họ sẽ không trôi theo dòng đời, vậy quý vị làm lãnh đạo sẽ công đức vô lượng.

Cho nên “dân tán loạn từ lâu”, người bên trên không lấy thân làm mẫu, người bên trên không dùng luân lý đạo đức giáo hóa lão bá tánh, nếu vẫn dùng công lợi, lòng người tất nhiên sẽ tán loạn, lòng người tất nhiên sẽ gấp gáp công lợi, không biết đạo đức pháp luật. Bây giờ thực phẩm đen nhiều như vậy, tức là không coi trọng đạo đức pháp luật. Hình như Malaysia rất ít nghe thấy thực phẩm đen, mọi người rất coi trọng luân lý đạo đức của lão tổ tiên, có thể thấy được. Đủ các hiện tượng xã hội, thật ra mà nói đều là vấn đề đạo đức, vấn đề nhân tâm.

“Hiểu rõ tình hình, thương xót không vui”. Nếu như đem những vụ án phạm nhân phạm tội này hoàn toàn thẩm tra rất rõ ràng, phá án rồi, “hiểu rõ tình hình”. Phá án rồi không thể vui mừng, “thương xót không vui”, tại sao? Họ phạm sai lầm lớn như vậy có gì mà vui chứ, đó là con dân của chúng ta, làm quan là quan phụ mẫu, con dân phạm lỗi sao có thể vui mừng? Cho nên phải thương xót người này, hơn nữa 1 người phạm tội, họ có sát hại người khác không? Có thể cũng đã sát hại người khác. Cho nên chỉ cần phạm tội, người bị hại và người phạm tội cuộc đời họ đều rất bi ai.

Cho nên Khổng Tử có câu nói là nguyên tắc chỉ đạo quan trọng nhất trong việc giáo hóa, cũng là tâm thái quan trọng nhất của người chấp pháp, Phu Tử nói: “Thính tụng, ngô do nhân dã, tất dã sử vô tụng hồ!”. Phu Tử làm quan, Phu Tử cũng từng làm đại tư khấu, đó là bộ trưởng tư pháp, ngài phải thẩm phán án kiện, ngài luôn y theo pháp luật mà phán án, công bằng, cũng giống như người bình thường. Nhưng trong lòng Phu Tử điều quan trọng nhất là gì? Hy vọng thiên hạ không có bất kì án kiện tố tụng gì, hễ tố tụng, người bị hại và người phạm tội tất cả đều bi ai. Sao có thể khiến người ta không phạm tội? Giáo hóa. Thời Chu “Thành Khang chi trị”, dùng Chu lễ để giáo hóa lão bá tánh, 40 năm trong giám ngục không có 1 người. Kết quả cán bộ trong giám ngục xin thỉnh điều gì? Mua đồ tra tấn, do dụng cụ đều đã gỉ sét hết, không dùng được, đây là tình hình xã hội lý tưởng nhất. Và chữ “tất” này cũng có nghĩa là Phu Tử sẽ dùng cả đời mình nỗ lực giáo hóa nhân dân, khiến xã hội nhân tâm càng lương thiện, xã hội càng an định. Cho nên “thương xót không vui”.

Ở Đài Loan, Đài Loan bây giờ vùng đó đã biến thành thành phố Tân Bắc, vốn dĩ huyện Đài Bắc đổi thành thành phố Tân Bắc. 2 cô giáo Canh Tâm Liên Uyển hồi đó dạy các em ở Tam Trùng, đều là những em khá thấp kém, cha mẹ đều là tầng lớp lao động, các em hễ tan học là không có chỗ nào để đi, ở đó chơi đùa, rất có thể sẽ bị ô nhiễm. Cô đem những em này tụ họp lại cho các em đọc kinh, dạy các em làm bài. Tam Trùng vốn dĩ là nơi sanh ra rất nhiều lưu manh, 2 cô phát nguyện biến vùng đất sanh lưu manh của Đài Loan thành vùng đất sanh thánh hiền, họ đã dùng 14 năm, khu vực đó của họ đã trở thành mô phạm trường học khu phố cả Đài Loan. Khu phố giáo hóa ra sao đều tới khu vực này của họ mà học, tới coi. Thậm chí nước Mỹ, rất nhiều giáo sư làm các ngành như “công ích xã hội” của quốc gia đều đem học trò tới khu phố của họ học tập, những điều họ làm Phu Tử hết sức hoan hỉ. Họ cũng là thúc tu, họ không nói học 1 tiếng phải nộp bao nhiêu tiền, ai chịu tới học họ đều nhận. Kế đó tức là giáo hóa chân thật, khiến vùng đó chuyển ác thành thiện, từ vùng sanh lưu manh chuyển thành vùng sanh thánh hiền, đây là 1 nguyện lớn.

Phải thương xót, không được vui mừng, vui mừng còn không được, sao có thể nóng giận. Cho nên khi chúng ta gặp những chuyện nghe xong khiến chúng ta rất bất bình, chúng ta nên đối mặt như thế nào, điều chỉnh tâm thái của mình ra sao? Thứ nhất, “người đáng ghét ắt có chỗ đáng thương”. Họ làm ra những hành vi đáng ghét như vậy đều do họ không được dạy. Thân là con cái Trung Hoa, trí huệ cao độ 5000 năm không học được, bây giờ lại đọa lạc thành như vậy, cho nên đáng để xót thương, đừng nóng giận với những người như vậy, đây là từ bi. Trí huệ ở đâu? Lý trí ở đâu? Đừng mắng, tự mình làm gương, đúng chưa? Chúng ta ở đó tức muốn chết, “hành vi người này không tốt như vậy!”, chúng ta đã làm gương chưa? Để dành thời gian nóng giận lại, làm tốt chính mình trở thành tấm gương, mọi người nhìn vào làm thức tỉnh tâm bổn thiện của họ, chẳng phải càng có ý nghĩa sao? Ở đó nổi nóng, tức chết mình cũng không ai thay thế, quý vị tổn hại thân tâm của chính mình.

Kế đó, quý vị ở đó nóng giận, những người nghe lời quý vị tất thảy nóng giận theo quý vị, tất thảy chỉ trích theo quý vị, tất thảy đọa lạc theo quý vị. Nếu như quý vị lúc đó, “chúng ta đừng tức nữa, xã hội bây giờ thiếu tấm gương, chúng ta làm gương cảm động họ”. Tất cả mọi người liền sanh tâm từ bi, sanh trí huệ, khác biệt rất lớn. Đúng chưa. Cho nên giữa 1 niệm, khác biệt trời vực, là tạo khẩu nghiệp hay tích lũy công đức hoàn toàn khác nhau.

Mọi người coi, tiên sinh Dương Tự Trừng dám nói những lời như vậy, chúng ta thấy nhân cách của ông còn có 1 đặc trưng, có dũng khí. Cấp trên tức giận như vậy ông dám nói thẳng, không có dũng khí dám nói không? Xin hỏi mọi người, cấp trên quý vị rất tức giận, giận không đúng, quý vị dám thẳng thắn khuyên răn họ mời giơ tay? Không hề dễ, ở đây khiến chúng ta nhớ tới 1 câu nói “Kẻ nhân ắt sẽ dũng, kẻ dũng ắt sẽ nhân”, 1 người thật sự nhân từ, họ chắc chắn có dũng khí, khi nên gánh vác họ sẽ không sợ, họ dám gánh vác; khi nên cứu người, họ sẽ bất chấp thân mình, “kể nhân ắt sẽ dũng”.

Ở đây cũng cho chúng ta hiểu được, 1 người cấp trên trước hết phải làm tròn bổn phận của mình. Cho nên Khổng Tử nói “không dạy mà giết là bạo ngược”, tôi đọc mấy câu này quý vị hình như đều là nghe lần đầu, chúng ta lần thứ hai học “Liễu Phàm tứ huấn”, những lời này có lẽ trước đây đều có giảng qua rồi chứ? Có, tôi chắc chắn. Nhưng chưa đủ 21 lần, khoa học gia nói 21 lần mới nhớ được. “Không dạy mà giết”, chúng ta coi, thánh nhân thông đạt nhân tình như vậy. Quý vị căn bản chưa dạy họ đã giết họ, đã trừng phạt họ, đây là bạo ngược, vô đạo. Cho nên ngày nay chúng ta muốn trừng phạt con cái, xin hỏi quý vị đã dạy chúng chưa? Đạo lý này quý vị đã hiểu chưa? Chúng ta luôn có những lúc gặp chuyện rồi bốc hỏa trước đã, căn bản không suy nghĩ những vấn đề này.

Cho nên điều quan trọng nhất của 1 quốc gia là ở việc giáo hóa, chứ không phải hình phạt, quý vị luôn xử phạt, sau cùng trên dưới đều khắc nghiệt thì phiền phức. Mọi người bình tâm nhìn lại, bây giờ pháp luật quốc gia nào nghiêm khắc nhất, nhân tâm vùng đó cũng là khắc nghiệt nhất. Lão Tử có nói rằng “Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu”, pháp luật của quý vị hết sức hà khắc, tỉ lệ phạm tội sẽ không giảm xuống, do tâm quý vị đã bị lệch rồi, sao có thể dạy tốt người bên dưới được? Quý vị đã không tin tưởng nhân bổn thiện, không giáo hóa họ, sao họ có thể trở nên tốt được? Chúng ta thấy người cấp trên coi trọng giáo hóa, chữ “giáo” này là kí hiệu trí huệ, nói với chúng ta điều gì? Nếu không có thể người làm cha mẹ, người làm thầy chúng ta lại nghĩ: Có chứ, tôi vẫn đang dạy! Dạy ra sao? Cái miệng. Điều này rất then chốt, chúng ta đang làm quen 1 số đạo lý, nếu như từ trong thái độ, từ ý nghĩa căn bản đã tri nhận sai lầm, sẽ bị lệch lạc. Sự giáo hóa này không phải dùng cái miệng, từ “giáo” này phía trên 1 dấu chéo, quân thân sư vẽ ra; phía dưới 1 dấu chéo, con cái, cấp dưới vẽ theo, trên làm dưới theo, cho nên đây là thân giáo. Tay bên phải cầm cái gậy, tận tình chỉ dẫn phải kiên nhẫn, thành tựu đạo đức học vấn 1 đứa nhỏ ít nhất phải cần 15 năm trở lên, thậm chí lâu hơn. Đâu phải chúng ta dạy 1 lần là phải dựng sào thấy bóng, cái đó là gấp gáp công lợi, thậm chí kéo lúa cho mau lớn, mau mau lớn cho ta, kết quả kéo chúng hư hết cũng có.

Trong “Luận ngữ” đại phu nước Lỗ, ông là người cầm quyền. Trong nước người trộm cắp rất nhiều, những vụ án trộm cắp này hết sức nhiều, sau đó đã hỏi Khổng Tử nên làm sao, làm sao giảm bớt những việc trộm cắp này. Khổng Tử nói với ông thế nào, bản thân ông đừng thích vàng bạc tài bảo, người bên dưới sẽ không lấy trộm nữa. Người bên trên đều rất tham lam, trên làm dưới theo. Cho nên câu nói này chỉ ra, giáo hóa quan trọng nhất là gì? Lấy thân làm mẫu. Nếu không bản thân quý vị rất tham, còn chế ra 1 đống pháp luật đi yêu cầu nhân dân, không đạt được hiệu quả.

Đây là tâm từ bi của 1 nhân viên hình ngục. Tiếp theo chúng ta coi sự hành trì của ông, lại nói rằng:

“Nhà rất nghèo”.

Trong nhà ông rất nghèo túng.

“Không nhận 1 chút tặng vật”.

Nhìn thấy sự liêm khiết và khí tiết của 1 người, trong nhà ông mặc dù rất nghèo khổ, có người nhớ ơn ông muốn tặng quà cho ông, ông tơ hào cũng không lấy.

“Gặp tù nhân thiếu ăn, thường tìm cách giúp đỡ”.

Gặp phải những tù nhân không có đồ ăn, ông thường tìm cách, tức là tận tâm tận lực nghĩ rất nhiều phương cách, đi thỉnh cầu người khác chi viện.

“Một hôm, có tù nhân mới thiếu ăn, nhà lại thiếu gạo, cho tù nhân thì nhà thiếu ăn. Nhà ăn thì tù nhân quá xót”.

Vừa hay có 1 hôm, phạm nhân mới tới, mới tới có thể mấy ngày đã không được ăn rồi, “thiếu ăn” nhao nhao đòi ăn, nhao nhao đòi ăn là chỉ em bé, tức là họ đã đói không chịu được nữa. Nhưng trong nhà ông lại sắp hết gạo rồi, nếu cho tù nhân ăn, người trong nhà phải chịu đói, nhưng để nhà ăn, nhìn thấy những tù nhân này lại rất không nhẫn tâm, “quá xót” tức là họ đã đói không chịu nỗi rồi.

“Bèn thương lượng với vợ”.

Phía sau câu này đều có thái độ nhân sinh quý báu, tôn trọng vợ. Không phải nói mình cảm thấy đúng liền đem đi làm, vợ ở bên cạnh không lý giải sẽ sanh phiền não, đây là không đúng, tôn trọng vợ ông, “bèn thương lượng với vợ”. Mọi người sau này có việc gì cũng phải thương lượng với vợ chồng mình trước, đừng làm xong rồi mới cưỡng chế, sau đó đối phương không vui, còn nói: “Em thật không có thiện căn, em không biết xã hội bây giờ loạn thế nào sao”. Còn nói 1 đống đạo lý cho người ta nghe, vậy là không đúng. Chúng tôi lúc đó ở trung tâm giáo dục Cư Mỹ Hinh Nam Kinh, chủ tịch Diệp muốn đem 1 mảnh đất của công ty ông ra xây trung tâm, dùng để giáo hóa, dạy văn hóa truyền thống, ông khởi ý niệm này, liền đi hỏi vợ mình, tôi nghe xong rất cảm động, ông tôn trọng vợ mình.

“Vợ đáp”.

Vợ ông nói.

“Tù nhân từ đâu tới. Đáp: Từ Hàng Châu”.

Vợ ông hỏi ông tù nhân từ đâu tới, ông nói từ Hàng Châu tới, đường sá xa xôi.

“Dọc đường chịu đói”.

Đường sá xa xôi phải chịu đói khát.

“Sắc mặt xanh xao”.

Quý vị nhìn vào, họ đã mặt mày xanh xao vàng vọt, giống như đưa cho quý vị coi, nhìn vào là biết cảnh cùng quẫn của họ, cảm thấy họ rất đáng thương. Tiếp đó:

“Lấy bớt gạo trong nhà, nấu cháo cho tù nhân”.

Vợ ông tán thành ông, đem chút gạo sót lại trong nhà nấu cháo cho tù nhân ăn. Người vợ này không đơn giản, biết xả thân vì người, vợ chồng cùng nhau hành thiện, cái này là “dẫn vợ thành đạo, giúp chồng thành đức”, đáng quý.

“Sau sanh 2 con”.

Về sau vợ ông sanh được 2 người con.

“Trưởng tên Thủ Trần. Thứ tên Thủ Chỉ. Làm Nam Bắc lại bộ thị lang”.

“Lại bộ” này là người quản quan lại, “thị lang” là chỉ phó bộ trưởng, cái này giống như chức vị phó bộ trưởng.

“Cháu trưởng là hình bộ thị lang”.

Quản về mặt tư pháp, pháp vụ.

“Cháu thứ là liêm hiến Tứ Xuyên”.

“Liêm hiến” là chỉ chức vụ khâm sai đại nhân.

“Tất cả đều là danh thần”.

Con cháu của ông, thậm chí hậu thế tất thảy đều là danh thần có đức hạnh, nghĩa là đời đời đều sanh ra nhân tài trụ cột cho đất nước.