Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 22B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 22B

Cho nên vị phương trượng này “vô dục tắc cương”, ngài không đi lấy lòng bất kì thí chủ nào, ngài thật sự có đạo. Cho nên ngày nắm lấy cơ hội này, hy vọng có thể lợi ích cô gái. Ngài nhìn thấy cô gái lần này tới đây thái độ không giống lần trước, đã có chút ngạo mạn rồi, khí phách của vương phi xuất hiện rồi. Cho nên bảo đồ đệ của ngài đi giúp cô hồi hướng, tạo một duyên phận cho cô gái này thỉnh giáo.

Kết quả ngài trả lời rằng: “Cô lần trước mặc dù chỉ có 2 đồng tiền, đây là tài vật rất ít, nhưng lúc đó tâm bố thí của cô hết sức chân thành, thí tâm chân thiết. Cho nên không phải lão tăng này đích thân sám hối cho cô, không đủ báo đáp công đức bố thí của cô, chân tâm đó là viên mãn. Còn ngày nay cô bố thí mấy ngàn lượng bạc, tài vật nhiều như vậy.

“Vật tuy dày, nhưng thí tâm không tha thiết như lúc trước”.

Nhưng tâm bố thí đó của cô, không chân thiết như lần trước, cho nên bảo đồ đệ ta giúp cô sám hối hồi hướng là đủ rồi”.

Cho nên đoạn này đã chỉ ra: Ngàn lượng là vơi, 2 đồng lại là đầy. Cho nên thật sự là bán thiện hay mãn thiện là do tâm này quyết định. Toàn tâm toàn ý chân thành là mãn, tâm chân thành này còn xen tạp sự ngạo mạn là bán.

Vậy chúng ta nghĩ coi, chúng ta có trí huệ như lão tăng đó không, lão tăng vô dục tắc cương như vậy? Đây là chỗ cho chúng ta học. Mọi người bình tâm nhìn lại, trong một gia tộc ai dễ mắc chứng ngạo nghễ nhất? Đó là người kiếm tiền nhiều nhất, phải không? Mẹ làm đại thọ họ không quay về, mọi người còn phải nói: “Anh ấy hơi bị bận, cho nên không có về”. Hình như đều rất hợp lý. Thái độ những người thân này hình như đều là họ kiếm tiền nhiều nhất, họ đem tiền về nhiều nhất, đều phải kính họ 3 phần, dần dần họ sẽ ngày càng cao ngạo. Thật ra thái độ chúng ta đã hại họ rồi, tại vì sao? Họ tặng cho mình không ít đồ, cũng không dễ nói họ, “lấy của người mềm tay, ăn của người mềm miệng”, câu này ở Đại Mã không có hả? Quý vị ở đây rất có khí tiết, không có câu này. Cho nên chúng ta bình tâm nghĩ lại, người thân xung quanh chúng ta họ rất ngạo mạn, rất sai lầm, quý vị dám chỉ ra không? Quý vị dám nhắc nhở họ không? Tại sao không dám? Trong tâm chúng ta có e ngại gì, đây chính là nguyên nhân chúng ta không cách này chính trực được. Chúng ta có cầu người ta, có dục vọng, thì không cách nào chính trực được, cho nên cổ nhân nói, “tường cao ngàn nhẫn, vô dục tắc cương”. Điều này đáng để chúng ta noi gương, học tập.

Tiếp theo, vị vương phi này cũng nhắc nhở cuộc đời chúng ta, mặc dù cô trở nên phú quý rồi, nhưng tâm tính cô đang đọa lạc. Cho nên một người đời này điều đáng thương nhất là gì? Bị chính mình bán đứng mình, linh tánh của mình bị hủy hoại, cho dù quý vị có cả thiên hạ cũng là cuộc đời thất bại. Cho nên đời này phải hiểu rõ, đời này điều đáng quý nhất là linh tánh không ngừng nâng cao, trí huệ không ngừng nâng cao, tại sao? Đó là thứ đời này chúng ta đem đi được. Nhưng những đạo lý này người ta chưa làm rõ, cuộc đời phần lớn thời gian đều dùng để truy cầu những thứ đem đi không được, sau đó sẽ ngày càng tham chấp những hưởng thủ vật dục thế gian này. Tâm tham ngày càng tăng trưởng, tất nhiên linh tánh sẽ ngày càng xuống dốc. Cho nên khoa học gia nói rằng, một người một hai tuổi bình quân một ngày cười 180 lần, sau khi thành niên một ngày cười 7 lần. Mọi người hôm nay cười 7 lần chưa? Vậy hôm nay có cống hiến, kéo mức bình quân lên cao. Tại sao càng sống càng cười không nổi? Thật ra 3 chữ là nói ra hết, là “cầu không được”. Tham ngày càng nhiều, cầu không được ngày càng nhiều sẽ cười không nổi. Vậy mấy đứa trẻ tại sao một ngày có thể cười 180 lần? Thậm chí khi nằm ngủ ở đó cũng cười lén cả mấy lần. Quý vị có thấy em bé nằm đó ngủ mà cười chưa? Bản thân chúng ta có khi nào ngủ mà cười lên không? Đều là khóc lên, hoặc là thấy ác mộng mà giật mình dậy. Cho nên cuộc đời muốn mở trí huệ, phải hiểu rõ làm sao xây dựng cuộc đời mới có ý nghĩa.

Tôi đã từng nghe một vị trưởng bối nói rằng, ông nói nếu như người ta có thể nhìn thấy bước đi sau cùng trong đời, có thể xây dựng cuộc đời của mình sẽ khác đi. Được, tôi xin hỏi mọi người bước sau cùng trong đời là tình cảnh gì? Mọi người đã đi qua chưa? Vẫn chưa, nhưng nhất định đã thấy rồi. Tôi nhớ trước đây coi ti vi, nhìn thấy có người sắp đi hết hành trình sau cùng trong đời họ, đều là cùng một động tác, động tác nào? Há miệng thở dốc, phải không? Đều là như vậy, sau cùng một hơi thở không nối tiếp, tắt thở, hai tay hai chân buông xuôi là ra đi. Quý vị nhìn cảnh này, quý vị sẽ khai ngộ. Tôi xin hỏi mọi người, người này có đem theo quần áo hàng hiệu, giày hàng hiệu, kể cả nhà cửa, xe cộ của họ, có đem theo được không? Tất cả không đem được. Nhưng cuộc đời họ có thể tất cả nỗ lực đều vì những thứ đem theo không được này, sau đó còn so đo với người ta, người so với người tức chết người, cho nên chả trách cười không nổi.

Cho nên nhìn thấy rõ rồi sẽ biết những thứ đem theo không được là sự nâng cao linh tánh. Tôi muốn coi mọi người có chú ý nghe không, lúc này không thể vỗ tay, quý vị phải biết phán đoán, tôi cái này là “nếu che giấu, càng thêm tội”, rõ ràng mình nói sai rồi còn kiếm cớ. Quý vị như vậy không đúng, tôi nói sai rồi quý vị phải biết phán đoán. Thứ đem đi được là trí huệ, là sự nâng cao linh tánh. Còn có gì đem đi được? Tất cả những thiện hành quý vị tích lũy được đem đi được. Tại sao có một số người vừa sanh ra đã rất có phước báo, đó cũng không phải ngẫu nhiên, cũng không phải họ đi bốc thăm chỗ vua Diêm La, bốc được số tốt thì số họ tốt, đâu có chuyện này. Người thế gian không có chuyện gì là ngẫu nhiên, đều là có tiên nhân mới có kết quả này, cho nên tích lũy công đức đem đi được. Tất nhiên tạo tác ác nghiệp, “thiện ác báo ứng, như hình với bóng”, ác nghiệp đó của quý vị cũng đi theo quý vị, người hiểu rõ thì sẽ tích thiện đoạn ác.

Cho nên cô gái này nhắc nhở chúng ta: Con người tuyệt đối không thể vì có được cái gì mà tâm tính đọa lạc. Ví dụ có tiền rồi, tài lớn sẽ ra sao? Khí thô. Cho nên chúng ta từ bần cùng tới khi có tiền tài, thái độ chúng ta đối với người có thay đổi không? Có biến thành coi thường người khác mà ngạo mạn không? Hễ có tiền, có quên mất những người đã từng giúp đỡ chúng ta không? Quý vị phải cảm ân họ. Cho nên tài phú sẽ khiến chúng ta đọa lạc.

Kế đó, học lực khá cao có bị đọa lạc không? Có đấy, ngay cả cha mẹ cũng coi thường. “Mẹ, mẹ thật ngốc, ngay cả cái này cũng không biết”, cho nên mọi người phải bình tĩnh, tâm ngạo mạn của con người, chỉ cần không phát giác rất có thể sẽ tăng trưởng. Học tập văn hóa truyền thống thời gian lâu rồi có ngạo mạn không? Gặp một người vừa mới học “tôi đã học 5 năm rồi”, quý vị coi ngạo mạn rồi.

Kể cả một đứa nhỏ không dễ gì ngạo mạn, một người sáu bảy chục tuổi rồi, có dễ ngạo mạn không? Cho nên có câu thành ngữ là “cậy mình nhiều tuổi”, “ôi chao, nhớ hồi đó, cây cầu ta đi qua còn nhiều hơn đường cháu đi nữa”. Người ta theo sự gia tăng tuổi tác, không hay không biết chỉ cần không phát giác thì rất dễ ngạo mạn.

Kể cả từ không có danh tiếng tới có danh tiếng, đều sẽ ngạo mạn, cái này tôi đặc biết có kinh nghiệm. Trước đây ở Đài Loan đi trên đường ai quen biết tôi? Không ai quen biết tôi. Bây giờ ngồi tàu cao tốc cũng có thể người ta sẽ “Xin chào, hình như là ai đó”, do vừa hay ở Đài Loan, truyền hình từ năm 2005 có chiếu “Giảng tọa hạnh phúc nhân sinh”, cho nên tôi ở Đài Loan hơi có chút danh tiếng, nhưng tôi đã bắt đầu đọa lạc rồi. Ví dụ người ta nói, “Tôi giới thiệu cho anh một chút, đây là ai ai đó”, họ giới thiệu tôi cho người ta làm quen, kết quả đối phương không quen tôi, sau đó người bạn giới thiệu tôi sẽ nói: “Anh không quen anh ấy sao?”, trong lòng tôi nghĩ: “Đúng rồi, ngay cả tôi cũng không quen”. Ồ, xong rồi. Cho nên người muốn không nhiễm chấp, không cảnh giác cao độ là không làm được. Cho nên thường nhớ tới đại sư Lục tổ Huệ Năng nói: “Xưa nay chẳng một vật, chỗ nào nhiễm trần ai”. Mọi người phải hiểu “người sợ nổi tiếng, lợn sợ béo”, điều này rất có lý. Người hễ nổi tiếng là bắt đầu nhiễm danh, sẽ bị đọa lạc, không phải chuyện tốt. Hơn nữa hễ nổi danh, người ta vừa tán thán quý vị, phước báo này sẽ báo mất. Chúng ta trước đó có học rằng “dương thiện hưởng thế danh, âm đức trời báo cho”.

Cho nên không nổi danh, muốn tu phước tu huệ khá là dễ, nổi danh rồi thì hơi bị khó. Hơn nữa sau khi nổi danh sẽ bị tổn phước, tổn phước gì? “Dương thế hưởng thịnh danh”, họ có danh rất tốt, nhưng đức hạnh còn kém rất xa, “mà thực không tương xứng, gặp nhiều kì họa”. Do danh quá mức, họ đã xài hết phước báo, danh không đúng thực. Phước báo xài hết, họa sẽ tới, họ không có phước. Cho nên khi tôi đi đường đều hết sức cẩn thận, có xe chạy tới không. Do tôi hưởng thịnh thế không đúng thực. Cái này không phải tôi nói lời khách sáo với mọi người, tại sao? “Lý có đốn ngộ, sự phải tiệm tu”, những đạo lý này mình nói ra được, nhưng làm không được, còn phải không ngừng đối trị tập khí của mình. Chỉ là cái ngạo mạn này, không chỉ chưa đối trị, còn tăng trưởng. Do sau khi có danh lại tăng trưởng rồi, muốn đối trị phải khá là hạ công phu.

Được, cho nên những cái này đều đáng cho chúng ta quán chiếu khi khởi tâm động niệm, mới có thể phát giác được. Thật ra người ta chỉ cần tự mình cảm thấy mình có gì đó, sự ngạo mạn này sẽ bắt đầu tăng trưởng, phải không? Ví dụ tôi có mắt hai mí, mắt tôi rất lớn, nhìn thấy người nhỏ hơn mình sẽ ngạo mạn; tôi có mái tóc đen mượt, tôi đã 50 tuổi rồi cũng không có tóc bạc, có ngạo mạn không? Đúng rồi, quý vị chỉ cần cảm thấy mình cao người khác thấp sẽ ngạo mạn. Cho nên sự ngạo mạn này là phiền não căn bản, hễ không phát giác nó liền tăng trưởng. Cho nên người ta làm sao đối trị? Chỉ cần điều kiện trên thân mình, không có gì để ngạo mạn hết, đó là mẹ mình sanh cho mình, cũng không phải mình tự có, nên không thể ngạo mạn. Kế đó tất cả đạo đức học vấn, chúng ta nghĩ coi, Khổng Tử còn không ngạo mạn, chúng ta đâu có tư cách ngạo mạn? Nghĩ tới đây sẽ hổ thẹn, sẽ không tăng trưởng ngạo mạn nữa. Hơn nữa chúng ta trong học vấn đạo đức, thời thời đều lấy thánh hiền nhân làm mục tiêu, là “đức so với trên thì hổ thẹn”, thời thời khởi tâm hổ thẹn, xấu hổ, sẽ không ngạo mạn.

Ví dụ tiếp theo nói rằng:

“Chung Ly dạy đơn cho Lã tổ, điểm sắt thành vàng, có thể cứu đời”.

Chung Ly thời Hán, ông tu hành khế nhập cảnh giới, ông đã tu thành tiên. Sau đó muốn truyền công phu cho Lã tổ thời Đường, tên Nham, hiệu Động Tân, bình thường nói Lã Động Tân mọi người khá là quen thuộc. Lại có một câu thành ngữ mọi người có lẽ đều nghe nhiều nên quen, là “chó cắn Lã Động Tân, không biết tâm người tốt”. Phương pháp ông ấy dạy cho ông là chỉ vào sắt liền có thể biến thành vàng, vậy giá trị của nó sẽ tăng lên quá nhiều lần, sau đó có thể đem vàng đi cứu tế người nghèo khổ, có thể cứu đời. Kết quả Lã tổ thỉnh giáo rằng:

“Sau biến chất không?”.

Sắt này biến thành vàng, sau cùng nó có biến lại thành sắt không?

“Rằng: 500 năm sau quay về bản chất”.

Pháp thuật này 500 năm sau sẽ mất hiệu nghiệm, nó lại biến thành sắt.

“Lã nói: Như vậy sẽ hại người 500 năm sau. Tôi không muốn làm”.

Nếu như là vậy, tôi chẳng phải đã hại người 500 năm sau sao? Vàng của họ đột nhiên biến thành sắt, họ chẳng phải rất đau khổ, rất buồn sao? Vậy tôi có lỗi với người 500 năm sau, như vậy tôi không muốn làm thế, tôi không học đâu.

Từ đây chúng ta nhìn thấy, Lã tổ có thể nghĩ cho người phía sau bao lâu? 500 năm, huống hồ là người bây giờ? Cho nên thiện niệm, tấm lòng này của ông không chỉ nghĩ tới trước mắt, còn có người hậu thế. Chung Ly nói rằng:

“Rằng: Tu tiên phải tích 3000 công hạnh. Ngươi một lời này, 3000 công hạnh đã mãn. Đây lại một thuyết nữa”.

Một người tu thành tiên, trước tiên phải tích lũy 3000 công hạnh, còn ngươi ngày nay nói câu nói này, tấm lòng này của ngươi, 3000 công hạnh đã tròn rồi. Tấm lòng này của ông chính là mãn thiện, có thể nghĩ cho người 500 năm sau.

Chúng ta nghe câu chuyện này rồi nhớ lại, quay đầu lại nhìn người bây giờ, bây giờ những việc người thời đại này chúng ta làm ra, xin hỏi có nghĩ cho người xung quanh không? Ví dụ nói, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy, ví dụ tôi ở đây mở công ty, có nghĩ cho người xung quanh không? Vậy càng không thể nói là nghĩ cho người hậu thế rồi. Chúng ta bây giờ trồng trọt phun thuốc sâu, phân hóa học, đó là chỉ nghĩ cho mình, tự mình muốn có đồ ăn là được rồi, thế hệ sau ra sao không phải nhân tố họ suy nghĩ, vậy nghiêm trọng không? Cho nên bây giờ ngày càng nhiều đất đai không cách nào trồng trọt, đều đã bị thuốc sâu phân hóa học làm hại. Người bây giờ tiếp tục không chuyển biến quan niệm, nghĩ cho thế hệ sau, thế hệ sau thật sự không còn môi trường và không gian sinh tồn nữa. Từ đây chúng ta nhìn thấy được, Lã tổ có được công hạnh, đạo hạnh cao như vậy, còn người bây giờ lại chiêu cảm nhiều tai họa như vậy, đây không phải không có nguyên nhân. Cho nên tất cả những tai nạn này là do tâm người tự tư tự lợi, bất thiện mà chiêu cảm.

Hơn nữa nói tới đây, 5000 năm nay tại sao văn hóa chúng ta có thể đời đời truyền thừa? Là do cha mẹ, trưởng bối chúng ta mỗi thời đại đều nghĩ cho hậu thế. Cho nên không phá hoại môi trường, cho nên đem thứ quý báu nhất truyền lại. Nhưng trong thời đại chúng ta lại xảy ra chuyện văn hóa có thể đứt đoạn, có thể môi trường của thế hệ sau sẽ không sống được nữa. Sự khác biệt lớn như vậy, trong thời đại này chúng ta, đều đáng để chúng ta phản tỉnh. Thật ra mà nói, tình hình này không cải thiện chúng ta có lỗi với tổ tiên, cũng có lỗi với con cháu đời sau. Cho nên đã từng nhìn thấy một bức thư pháp bên trên viết rằng: “Hà xuyên nhược đoạn lưu, ngã bỗi hà dĩ đối tử tôn?”, sông suối đều ngưng chảy, do môi trường bị phá hoại, hậu thế không có nguồn nước trong sạch, vậy chúng ta làm sao đối với con cháu? “Văn hóa nhược thất truyền, ngã bối hà dĩ kiến tổ tông?”, đạo thống 5000 năm vừa hay đến thời đại chúng ta bị đoạn mất, chúng ta không mặt mũi nào đi gặp tổ tiên 5000 năm của mình.

Cho nên trong “Trung dung” có câu nói là “biết hổ gần với dũng”. Chúng ta suy ngẫm thiếu sót của mình, suy ngẫm sai lầm của mình, hạ công phu và quyết tâm rất lớn, nghiêm túc chuyển biến tâm thái chúng ta, tư tưởng quan niệm chúng ta, thật sự kì vọng chính mình có thể truyền thừa văn hóa, sau đó vì con cháu hậu thế mưu phước trạch, như vậy mới là cha mẹ và trưởng bối có trách nhiệm.

Vậy cách làm cụ thể, bản thân chúng ta có thể hoằng đạo, chúng ta y chiếu ngũ luân bát đức để làm gương cho con cháu, làm ra được. Trong việc thương yêu môi trường, coi trọng bảo vệ môi trường, không chà đạp tài nguyên, xin thường mua thực phẩm hữu cơ, tôi không có bán thực phẩm hữu cơ. Do quý vị ủng hộ, sẽ có càng nhiều nông dân có năng lực ủng hộ khôi phục nông canh truyền thống. Chúng ta thường cảm thấy như vậy là quan niệm đúng, nhưng bắt buộc phải có hành động thực chất mới có thể cải thiện nó, không phải chỉ nghĩ thôi, phải làm ra sự ủng hộ cụ thể. Kế đó kinh văn lại nói:

“Lại làm thiện mà tâm không chấp thiện, thì tùy đó thành tựu, đều được viên mãn”.

Bản thân mình trong quá trình hành thiện, trong tâm không chấp trước mình đang hành thiện, liền làm rất tự nhiên, không phải rất cố ý, hơn nữa đều thấy là việc nên làm. Vậy tùy theo những nhân duyên này tận tâm tận lực đi làm, cái thiện này đều sẽ viên mãn, do đã dùng chân tâm của mình mà làm.

“Tâm chấp ở thiện, tuy cả đời chăm làm, cũng dừng ở bán thiện mà thôi”.

Nhưng tâm hành thiện này của chúng ta nếu như xen tạp mình đang làm việc tốt, mình giúp đỡ họ rất nhiều, luôn có những ý niệm này, những chấp trước này, tâm hễ có xen tạp, thiện công này sẽ không thuần. Vậy không thuần tức là bán thiện, không phải cái thiện viên mãn. Tiếp đó lấy ví dụ:

“Ví dụ dùng tiền cứu người”.

Chúng ta dùng tiền tài cứu tế người khác.

“Trong không thấy mình”.

Họ không có một cái “tôi” đang giúp người, không có cái tôi này.

“Ngoài không thấy người”.

Trong tâm họ không có dấu vết, mình đã giúp người nào đó.

“Giữa không thấy vật đã bố thí”.

Trong tâm họ cũng không ghi lại, lần trước mình tặng người đó thứ gì, rất đắt tiền, rất quý giá; lần trước mình tặng người đó thứ đó đã cứu mạng nhà họ, đều không để lại những ấn tượng này, sau khi làm rồi trong tâm không để lại vết tích.

Nói tới đây, mọi người thấy có dễ không? Không hề dễ, cho nên tiêu chuẩn này là nói sau cùng. Tiêu chuẩn phía trước chúng ta làm được khá dễ, nhưng nói đoạn này rất hay là sao? Mục tiêu càng cao, chúng ta sẽ không làm xong liền thỏa mãn, còn phải nâng hướng về mục tiêu càng cao này mà nâng cao, sẽ không biết chút ít liền thỏa mãn.

Mọi người nghĩ coi, việc này rất khó làm được, vẫn là vấn đề tâm thái của chúng ta. Ví dụ, người làm mẹ, xin hỏi quý vị đã từng giúp con mình nấu cơm mấy lần? Không nhớ. Đã từng đưa nó đi bác sĩ mấy lần có nhớ không? Đều không nhớ. Công phu quý vị cũng khá lắm, đều không để trong tâm. Quý vị cho bạn mình mượn tiền có nhớ không? Nhớ. Cho nên quý vị cảm thấy rất tự nhiên, việc nên làm, quý vị sẽ không để trong tâm, nhưng nếu như có phân chia ta người, phân chia rất rõ ràng, thì sẽ để trong tâm.

Lấy thêm một so sánh, tay phải bị thương, tay trái giúp nó bôi thuốc, xin hỏi tay trái này có nhớ đã bôi thuốc mấy lần không? Không nhớ được, phải không? Đây là không có điều kiện, giúp đỡ nó rất tự nhiên. Quý vị có thấy người nào tay trái nói với tay phải: Muốn tôi bôi thuốc, cho tôi 10 đồng Mã Lai tôi mới giúp anh bôi, người đó sẽ bị không bình thường, tại sao? Họ là một thể, không phân chia, sau khi làm rồi hoàn toàn không để trong tâm. Cho nên nếu như chúng ta muốn khế nhập tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn này gọi là gì?

“Gọi là tam luân thể không. Gọi là nhất tâm thanh tịnh”.

Nhất tâm tức là chân tâm, trong chân tâm không có tự tư tự lợi, trong chân tâm không có phân biệt tôi người, tất cả là một thể, tấm lòng như vậy, giống như hư không dung chứa vạn vật. Tấm lòng như vậy, cho dù làm một chút việc thiện, năng lượng thiện của họ cũng hết sức lớn. Cho nên tiếp đó lấy so sánh rằng:

“Như đấu thóc có thể trồng vô biên phước đức”.

Một chút thóc gạo có thể trồng được vô biên phước báo, do tâm họ không có biên giới, làm bằng chân tâm, rộng lớn như hư không vậy, tục ngữ lại nói, lượng lớn phước tất nhiên sẽ lớn.

“Một xu có thể tiêu tội chướng ngàn kiếp”.

Cho dù họ bố thí một xu tiền cũng có thể tiêu trừ tội nghiệp ngàn kiếp.

“Nếu tâm này chưa quên”.

Chúng ta trong quá trình giúp đỡ người khác này, cái tự ngã này chưa buông bỏ, còn có cái tôi – những điểm chấp trước này, những ý niệm này đang giúp họ:

“Tuy vàng vạn dật”.

Mặc dù bố thí vạn dật vàng, một dật là 20 lạng, vạn dật tức là 20 vạn lượng vàng.

“Phước không viên mãn”.

Cho dù bố thí tài phú nhiều như vậy, do tâm địa còn phân ta người, không giống như tâm lượng hư không, vậy cái này vẫn là phước báo hữu lậu, cũng là bán thiện mà thôi, không phải mãn thiện.

“Đây lại là một thuyết”.

Tiếp đó chúng ta coi:

“Thế nào là đại tiểu”.

Cái gì là đại thiện? Cái gì là tiểu thiện? Ở đây lấy ví dụ:

“Xưa Vệ Trọng Đạt làm quan”.

Trước đây có người trí thức Vệ Trọng Đạt, ông làm quan trong viện Hàn lâm.

“Bị nhiếp tới minh ti”.

Vừa hay có nhân duyên linh hồn của ông bị đưa xuống âm tào địa phủ. Mọi người đọc tới đây có cảm thấy hơi kinh sợ không? Tôi đọc cảm thấy ông rất có phước khí, tại sao? Do cơ duyên lần này giúp ông học được trí huệ hết sức quan trọng, cả đời thọ dụng.

“Chủ giả sai quan trình 2 sổ thiện ác”.

Vua Diêm la ra lệnh thuộc hạ đem 2 quyển sổ thiện ác của ông ra.

“So sánh”.

Sau khi lấy ra, phát hiện điều gì?

“Sổ ác đầy đình”.

Quyển sổ ghi chép tội ác của ông quá là nhiều, cả đình viện đều sắp bị chất đầy.

“Thiện chỉ ghi một quyển, mỏng như đũa mà thôi”.

Nhưng ghi chép thiện hành của ông, quyển sổ đó mỏng như que đũa vậy, chút xíu đó mà thôi.

“Lấy cân ra cân”.

Lấy cân ra cân coi thiện nặng hơn hay ác nặng hơn.

“Thì cái đầy đình lại nhẹ. Còn như que đũa lại nặng”.

Ngược lại sổ ghi tội đầy đình viện thì nhẹ, còn sổ ghi thiện chỉ có một quyển thì nặng. Vệ Trọng Đạt nhìn thấy tình cảnh đó liền hỏi, ông nói: “Tôi mới chưa đầy 40 tuổi, sao có thể tạo nhiều tội ác như vậy chứ?”.

“Sao tội ác lại nhiều như vậy”.

Vua Diêm la nói với ông:

“Một niệm bất chính cũng là. Không đợi phạm phải”.

một ý niệm bất chính cũng là tội, không phải biến thành ngôn hạnh mới là ác, ý niệm không đúng tức là ác, ở âm dương đã có ghi lại tội lỗi ác niệm này. Đã từng nói qua với mọi người, có người trí thức vốn dĩ có thể thi đậu tiến sĩ, kết quả chủ nhà trọ đó nói với anh, nằm mơ thấy năm nay anh nhất định có thể thi đậu. Anh liền rất vui mừng, năm nay mình có thể thi đậu rồi. Tối hôm đó nằm suy nghĩ, sau khi mình thi đậu có thể làm quan lớn, phải nên đổi vợ mình đi, đã khởi ý niệm như vậy. Năm đó anh liền thi không đậu, chỉ một niệm đó đã tổn hại công danh lớn như vậy của anh ta, cho nên “một niệm bất chính cũng là, không đợi phạm phải”.

“Lại hỏi việc trong sổ nhỏ là gì”.

Ông liền thỉnh giáo: Việc thiện nhỏ như vậy, rốt cuộc trong đó đã ghi lại việc nào của tôi?

“Rằng: Triều đình tính khởi đại công”.

Triều đình đã từng muốn đại khởi thổ mục.

“Xây cầu đá Tam Sơn”.

“Tam Sơn” này là ở phủ Phước Châu, Phước Châu của Phước Kiến, ở đó có Cửu Tiên sơn, Dân sơn, Nhạc Vương sơn, cho nên gọi Phước Châu là Tam Sơn. Muốn ở phủ Phước Châu xây cầu đá, công trình rất lớn, mệt dân tổn tài, thậm chí khiến rất nhiều gia đình vợ con ly tán cũng có thể.

“Ngươi trình sớ can gián”.

Ngươi viết tấu sớ khuyên hoàng thượng.

“Là tấu sớ này”.

Đây chính là ghi chép về tấu sớ của ngươi.

“Trọng Đạt nói: Tôi tuy nói, triều đình không nghe, việc này vô ích”.

Tôi mặc dù đã nói, triều đình không y theo kiến nghị của tôi mà làm, đối với sự việc cũng không ích gì.

“Mà có được năng lượng như vậy”.

Sao có được năng lượng lớn như vậy? Vua Diêm la nói rằng:

“Rằng: Triều đình tuy không nghe, niệm này của ngươi, đã vì vạn dân”.

một thiện niệm này của ngươi là suy nghĩ cho vạn dân thiên hạ, cho nên một niệm này là đại thiện.

“Nếu triều đình nghe theo, thiện lực càng lớn”.

Nếu như triều đình, hoàng thượng nghe theo kiến nghị của ngươi, thì cái thiện của ngươi càng lớn.

“Vì chí tại quốc gia thiên hạ, nên thiện tuy nhỏ mà lớn. Nếu tại một thân, tuy nhiều mà ít”.

Nếu như chí hướng của một người là tạo phước cho thiên hạ quốc gia, cho dù họ khởi một ý niệm này cũng là cái thiện rất lớn. Động cơ mỗi một việc họ làm, mỗi lời họ nói đều suy nghĩ cho quốc gia thiên hạ, cho đoàn thể, tấm lòng, hành trì như vậy, “nên thiện tuy nhỏ mà lớn”. Việc thiện họ làm cho dù không nhiều, nhưng thiện lực đó hết sức lớn, tiên sinh Vệ Trọng Đạt chính là một ví dụ. “Nếu tại một thân, tuy nhiều mà ít”, nếu như chúng ta làm thiện rất nhiều, nhưng đều vì chính mình, vì con cháu mình cầu phước mà thôi, làm rất nhiều, công đức việc thiện này cũng là ít. Cho nên đây là phán đoán về lớn nhỏ, vẫn liên quan với tâm mình.

Còn chúng ta đối mặt với thời đại lớn này, nếu như chúng ta có thể thời thời nghĩ tới việc truyền thừa văn hóa Trung Hoa, do văn hóa Trung Hoa đối với dân tộc, đối với thế giới có được tương lai hạnh phúc hay không đó là điều then chốt. Cho nên giáo sư Toynbee nói rằng: Giải quyết vấn đề xã hội thế kỉ 21, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại thừa. Cho nên nếu như tâm chúng ta hy vọng chính mình, hy vọng hậu thế có thể truyền thừa văn hóa, bây giờ liền thực hành kinh điển, trở thành tấm gương tốt của văn hóa truyền thống, bản thân mình là tấm gương tốt, đoàn thể của mình, gia đình của mình là tấm gương tốt, vậy đây là chí tại thiên hạ quốc gia, “thiện tuy nhỏ mà lớn”. Hơn nữa như bây giờ thiên tai rất nhiều, sức mạnh niệm lực của con người đều rất lớn, cho nên chúng ta bây giờ có thể thời thời giữ niệm thiện, hành việc thiện, đọc tụng những kinh điển thiện này, rồi đem công đức này hồi hướng cho người thiên hạ, hóa giải tai họa của thế gian, vậy một tâm niệm này là đại thiện. Và một niệm tâm này mỗi người đều có thể làm được, chỉ cần chính mình chịu phát thiện nguyện này, đều có thể tu đại phước, đều có thể tu thiện báo viên mãn.

Được, hôm nay trao đổi với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người.