Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 25B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 25B

Mục “giúp người thành tựu” này, trong “Luận ngữ” Khổng Tử nói rằng, “quân tử giúp người thành tựu, không giúp người thành ác”. Chúng ta học tập giáo huấn của Khổng Tử, điều này nhất định phải làm được, như vậy chúng ta mới đi về con đường của quân tử. Và sự “giúp người thành tựu” này, thành tựu đức hạnh của một người, thành tựu tâm nguyện thiện của một người, đều bao gồm trong “giúp người thành tựu”. Thậm chí thành tựu một nhân tài, do nhân tài là tài sản quan trọng nhất của quốc gia xã hội, một đoàn thể có nhân tài, nó có thể hưng thịnh lên, nhưng nhân tài cần được bồi dưỡng, họ cần được từ từ trưởng thành, việc đó cần rất nhiều người vun trồng, khích lệ, thương yêu.

Cho nên ở đây so sánh với mỹ ngọc, “ngọc ở trong đá, ném đi như ngói vỡ”, nói cái bảo thạch này, quý vị không mài giũa nó, giống như “Tam tự kinh” có nói “ngọc không mài, không thành khí”, quý vị không mài giũa nó, quý vị coi nó giống như không có giá trị gì, đem vứt nó đi, thì nó so với sành ngói đất đá cũng không khác biệt gì. Nhân tài không được phát hiện, không được bồi dưỡng, thì cũng giống như người thế tục thông thường. “Mài giũa thành khuê chương”, sự mài giũa này tức là biết điêu khắc nó, thì có thể thành “khuê chương”, tức là ngọc khí rất tốt, tức là biến thành bảo vật.

Cho nên “phàm thấy người làm một việc thiện”, nhìn thấy người này động cơ của họ rất tốt, họ nhìn thấy những việc rất cần cho xã hội, họ chủ động dẫn đầu. “Hoặc chí hướng tư chất có thể tiến thủ”, tức là quý vị quan sát thấy người này rất có chí hướng, hoài bão lớn lao, rất có tâm lợi ích đoàn thể, lợi ích xã hội, có đặc chất này. “Có thể khả tiến”, khi họ có đặc trưng nhân cách này, từ “khả tiến” này là phải giúp đỡ họ, nâng cao họ. Cách làm cụ thể, “đều nên khuyến dụ và thành tựu họ”. Bất luận là việc thiện, hay là một người rất có tiềm lực, chúng ta đều có thể dẫn dắt, sau đó nâng đỡ họ. Việc tốt, phát động mọi người cùng làm; nhân tài tốt, âm thầm khích lệ họ, ủng hộ họ. Bất luận là ủng hộ họ về vật chất hay về kinh tế, “và thành tựu họ”, thành tựu nhân duyên của họ, thành tựu họ trở thành nhân tài.

“Hoặc tưởng tá họ”, từ “tưởng” này là khen thưởng họ, từ “tá” là khẳng định, tán thán họ, do con người trong quá trình trưởng thành họ sẽ có sự lên xuống, cũng sẽ gặp phải trắc trở. Lúc này phải khẳng định họ đúng lúc, họ sẽ được cổ vũ. “Hoặc giữ gìn họ”, sự “giữ gìn” này là giúp đỡ họ, “Hoặc biện bạch chia sẻ điều phỉ báng với họ”, người thiện này có lúc bị người khác đố kị, khi bị người khác oan uổng, phỉ báng, chúng ta có thể làm rõ oan khuất của họ, kế đó chia sẻ sự hủy báng họ phải chịu, khiến họ có thể không vì thế mà nản chí, khiến sự việc không tới nỗi tan hoang. “Cốt sao giúp họ thành công mà thôi”, cốt sao có thể hộ niệm, giúp đỡ họ. “Thành công” tức là họ thật sự thành tài, những việc lợi ích đại chúng cũng làm được. Cho nên tục ngữ nói đây là tâm thái người tốt làm tới cùng.

Tiếp theo kinh văn lại phân tích rằng, tại sao người thiện lại gặp một số thử thách và hoạn nạn? Bởi vì:

“Đại để người ta không ưa kẻ khác mình, thông thường người thiện thì ít, bất thiện thì nhiều. Người thiện trong đời, khó mà tự lập. Hơn nữa hào kiệt leng keng, không trọng bề ngoài, thường bị chỉ trích. Nên việc thiện thường dễ bại, và người thiện thường bị báng. Chỉ trưởng bối nhân hậu, khuông trực mà phò tá, công đức đó lớn nhất”.

Câu “Đại để người ta không ưa kẻ khác mình”, tức là người bình thường thông thường, họ đối với những người không giống mình sẽ có một sự bài xích. Cho nên “người tụ theo loài, vật nhóm theo bầy”, người tư tưởng quan niệm gần với họ thì sống với nhau. Ví dụ người ưa thích chơi bời thì ở với nhau, họ thấy người ta rất dụng công đọc sách, họ lại cười nhạo người khác, sau đó có thể còn phá rối. Họ thấy người ta dụng công, họ không hoan hỉ, “không ưa kẻ khác mình”.

Thật ra tình hình này, nhớ lại trong cả quá trình trưởng thành của chúng ta, ví dụ hồi học tiểu học, bạn học mới chuyển tới lớp mình, có mấy bạn ưa bắt nạt người, đối với bạn mới kia trêu chọc trăm trò, bắt nạt bạn. Thậm chí bạn đó có ưu điểm gì, còn phê bình, không tán thán. Chúng ta hồi đó nhìn thấy, biết thông cảm với bạn mới này, giúp bạn biện bạch, thương yêu bạn, chăm sóc bạn, lúc đó đối với bạn ấy hết sức quan trọng. Kể cả bạn mới tới đoàn thể của chúng ta. Nếu như người ta khá ích kỉ, bắt nạt người mới tới, rất nhiều công việc đều giao cho họ, còn mình thì không làm, vậy người mới tới này áp lực rất lớn. Lúc này quý vị có thể ở bên cạnh thông cảm họ, giúp đỡ họ, họ sẽ cảm nhận được sự ấm áp, người ta cho họ rất nhiều công việc, quý vị chia sẻ một chút. Người ta “không ưa kẻ khác mình”, chúng ta hiểu được do tâm đố kị không chế phục được, nhìn thấy đối phương tốt hơn mình, không vui, phê bình. Hoặc là nhóm người này của chúng ta, họ có được lợi ích, gặp phải người chính trực, gặp phải người cầu phước cho đoàn thể, sẽ chướng ngại ảnh hưởng tới sự mưu cầu tự tư tự lợi của họ, lúc này họ sẽ tới hủy báng tập thể, tới chướng ngại người thiện này.

Việc này trong lịch sử thường nhìn thấy, thấy quốc gia nguy nan, rất nhiều người công bằng chính trực, đứng lên cải cách phong khí cả triều đình, lúc này những người hủ bại trục lợi sẽ nghĩ trăm cách làm khó người công chính này. Cho nên kinh văn bên dưới có nói, thông thường đại chúng xã hội nhân dân “thông thường người thiện thì ít, bất thiện thì nhiều”, thật sự người niệm niệm nghĩ cho người khác, nghĩ cho đoàn thể khá là ít. Cho nên “người thiện trong đời”, họ trong xã hội hiện thực bây giờ, “khó mà tự lập”, dễ bị người khác bài xích, có lúc rất khó đứng vững. Ví dụ quý vị nói họ tới một đoàn thể, mọi người đều không quý trọng của công, họ hết sức quý trọng của công, người ta đều thấy họ không thuận mắt. Rất nhiều người đang tham ô, họ hết sức liêm khiết, họ chắc chắn bị người ta bài xích. “Hơn nữa hào kiệt leng keng, không trọng bề ngoài, thường bị chỉ trích”, những anh hùng hào kiệt này, “leng keng” tức là họ rất chính trực, không thỏa hiệp với tà ác, với lợi ích. Hành vi của họ, họ không muốn đi lấy lòng người khác, họ không dùng những mưu kế đó. Có lúc ngôn hành của họ dù gì cũng chưa đạt tới cảnh giới thánh nhân, có lúc ngôn ngữ có phần sơ suất, hoặc là nét mặt có thể đang suy nghĩ một số vấn đề, sự lễ độ có lúc cũng lơ là một số chi tiết, lúc này người có tâm sẽ bắt lấy những chỗ nhỏ này để mượn cớ chỉ trích. Không đi khẳng định sự vô tư của họ, khẳng định tinh thần phụng hiến của họ, lại dùng những thứ chi li này để công kích họ, là “thường bị chỉ trích”.

Cho nên “việc thiện thường dễ bại”, tất nhiên nếu như người lãnh đạo đoàn thể, họ không biết nhìn người lắm , không biết phân biệt sự tình ngay khuất, họ có thể sau khi nghe nhiều rồi, sẽ sanh ra phán đoán sai lầm, khiến cho “việc thiện thường dễ bại”, việc tốt không được ủng hộ. “Và người thiện thường bị báng”, hễ họ nghe vào rồi, người thiện này không được trọng dụng, thậm chí còn bị bãi miễn chức quan, việc này trong lịch sử đều nhìn thấy được.

Cho nên “chỉ trưởng bối nhân hậu, khuông trực mà phò tá, công đức đó lớn nhất”, chỉ có người nhân từ, chỉ có trưởng bối hết sức có kinh nghiệm và kiến thức xã hội, họ có thể nhìn rõ ràng, kế đó tích cực sửa đổi kiến giải sai lầm, cách nhìn sai lầm của thế tục, làm rõ những lời hủy báng này. Và “phò tá”, sự phò tá này tức là bảo vệ họ, ủng hộ họ. Sau đó giúp người thiện việc thiện có thể được thành tựu, công đức như vậy là to lớn nhất, đáng quý nhất.

Từ đoạn này chúng ta có thể tìm hiểu được, muốn bồi dưỡng một nhân tài không hề dễ, phải hết sức dụng tâm, phải cổ vũ họ trong những thời cơ rất thích hợp, trong những điểm then chốt rất quan trọng phải đứng ra nói rõ sự thị phi tà chánh. Nếu không cả đoàn thể sẽ thị phi bất phân. Cho nên thời đại này, muốn làm việc chân chính, muốn thật sự dốc sức cho đoàn thể, không thể không nói lời công chánh, không thể sợ đắc tội người, phải đặt lợi ích của đoàn thể lên phía trước, chứ không phải nể tình ai, chứ không phải sợ ai không vui, rất nhiều sự thị phi đều lẫn lộn. Trên thực tế, nếu như thật sự “trưởng bối nhân hậu”, người làm sai việc, nếu như chúng ta không thể đem sự thị phi ngay khuất này nói rõ ràng, thật ra nhìn có vẻ hình như họ được thế, họ hủy báng người khác, họ chiếm thượng phong, trên thực tế họ là người đáng thương. Người thật sự hiểu rõ đạo lý, quý vị ngăn chặn sai lầm của họ là từ bi với họ, do họ tiếp tục tạo ác, hơn nữa họ có quyền lực, họ ảnh hưởng quá lớn, tội nghiệp của họ sẽ càng lớn. Cho nên “trưởng bối nhân hậu” này không chỉ thương yêu người chính trực, đồng thời đối với những người hủy báng người khác, người có quyền lực mà làm việc sai, ngăn chặn họ tiếp tục phạm lỗi, đó là thật sự nhân từ, tất nhiên không đối lập với họ. Kế đó lại thông qua phương tiện thiện xảo, khởi lên thiện tâm chánh niệm của họ, điều này rất quan trọng.

Tiếp theo chúng ta coi cương lĩnh thứ tư, “Khuyên người làm thiện”, chúng ta đọc kinh văn một chút:

“Thế nào là khuyên người làm thiện. Sanh làm loài người, há không lương tâm, đường đời lao xao, rất dễ đắm chìm. Phàm sống chung với người, thì phương tiện nâng đỡ, khai mở mê hoặc, cảnh tỉnh đêm dài lắm mộng. Và khiến họ giác tỉnh. Như lâu ngày chìm trong phiền não, mà thoát khỏi thanh lương. Ân huệ rộng nhất”.

Thế nào là “khuyên người làm thiện”? Kinh văn này nói rằng “sanh làm loài người’, họ sanh ra giữa trời đất này, mà giữa trời đất con người rất là tôn quý. “Tam tự kinh” nói rằng “tam tài giả, thiên địa nhân”. Người có sự giáo dục tốt, có thể khế nhập vào đức hạnh vô tư của trời đất. Cho nên chỉ cần sanh làm người, “há không lương tâm”? Ai không có lương tâm trời đất? Mà “đường đời lao xao, rất dễ đắm chìm”, sự lao xao này là bận rộn hối hả. Mọi người cảm nhận, con người bận rộn tối ngày, họ sẽ không thể bình tâm lại để suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời, sau cùng trôi theo dòng đời. Dễ bị “đắm chìm”, tức là đọa lạc, trầm luân. Cho nên con người đi đoạn đường đời này, bận rộn hối hả không biết đang bận việc gì, hình như không dừng chân lại được, lúc này điều quan trọng nhất, nhận được sự dẫn dắt trí huệ của người khác, họ mới có thể suy ngẫm về đời mình, nếu không thật sự là, trong người có những tập khí tham sân si mạn này, cám dỗ bên ngoài lại lớn mạnh nhất xưa nay, bây giờ cả xã hội, tài, sắc, danh, thực, cám dỗ của những dục vọng này quá lớn, họ không có người tốt dẫn dắt, họ không cách nào phán đoán. Hễ họ đắm chìm rồi, có thể sẽ bị lợi dục huân tâm, không thể dứt ra.

Cho nên kinh văn nói rằng “phàm sống chung với người, thì phương tiện cứu vớt, khai mở mê hoặc”. Sống với người nhà chúng ta, với bạn bè người thân chúng ta, đời này có duyên, đều phải nên làm tròn đạo nghĩa. “Đệ tử quy” nói rằng “khuyên hướng thiện, hành đạo đức, nếu không khuyên, đều sai lầm”. Bao gồm trong kinh điển, Mạnh Tử nói rằng, “dùng thiện dạy người gọi là trung”, sự trung thành với bạn bè người thân của mình thể hiện ở đâu? Quý vị dẫn dắt họ hướng thiện, không để họ đọa lạc, đây là trung thành với họ. Kể cả “Luận ngữ” có nói “trung yên, năng vật hối hồ?”, trung nghĩa đối với một người, sao có thể không nhắc nhở giáo huấn họ chứ? Và khi sống chung với người, phải khuyên họ khi hành thiện, còn phải biết thiện xảo phương tiện để “nâng đỡ”, từ “nâng đỡ” này là có thể tăng trưởng khơi dậy thiện tâm lương tri của họ, dẫn dắt tư tưởng đúng đắn của họ, buông bỏ tư tưởng sai lầm.

Ví dụ trong gia đình, trong đoàn thể, phải dạy hiếu, phải dạy tình thương, chứ không phải dạy cạnh tranh. Bây giờ trường mẫu giáo đã bắt đầu dạy cạnh tranh, “đường đời lao xao, rất dễ đắm chìm”. Các em từ nhỏ đã cạnh tranh, từ từ sẽ đấu tranh, chiến tranh, con đường này là một con đường chết. Mau mau kéo các em ra khỏi tư tưởng quan niệm sai lầm này. “Khai mở mê hoặc”, khai mở kiến giải sai lầm của họ về cuộc đời, sau đó khai hóa mê hoặc của họ. Như vậy giống như một người từ trong “đêm dài lắm mộng” “khiến họ giác tỉnh”. Tức là họ trong một cơn ác mộng, quý vị thức tỉnh họ, không để họ tiếp tục chịu khổ, do người ta hễ tư tưởng quan niệm mê hoặc, họ sẽ tạo tác tội nghiệp, sau cùng cuộc đời họ chắc chắn là kết quả đau khổ.

“Như lâu ngày chìm trong phiền não, mà thoát khỏi thanh lương”, ví như họ chìm đắm trong phiền não, người ta có lúc ý niệm chuyển không được, một tuần lễ mà có thể khiến mình mọc rất nhiều tóc bạc, rất khổ não, thậm chí có thể còn muốn tìm cái chết. Có thể cho họ sự dẫn dắt đúng đắn, giống như họ trong cơn đau khổ thân tâm mỏi mệt, quý vị mau kéo họ dậy, khiến họ trở nên mát mẻ, khiến họ có thể thoát khổ được vui. Đây là “ân huệ rộng nhất”, cũng thật sự con người có lúc một niệm chuyển không được, giống như trong địa ngục, một niệm chuyển được thì ngộ ra, giống như lên thiên đàng. Cho nên khuyên người làm thiện như vậy, điều người đương sự nhận được là lợi ích thực tế, “rộng nhất” tức là rất rộng lớn, nếu không họ gần như không thể hít thở, thậm chí còn chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển nguy cơ thành thời cơ, chuyển bi phẫn thành sức mạnh, điều này phải dựa vào việc khuyên họ, dẫn dắt họ.

Tiếp theo kinh văn nói rằng:

“Hàn Dũ nói: Nhất thời khuyên người bằng miệng. Trăm đời khuyên người bằng sách. Như khuyên người làm thiện, tuy có hình tích, nhưng tùy bệnh cho thuốc, cũng có kì hiệu, không thể bỏ được. Thất ngôn thất nhân, phản tỉnh trí mình”.

Chúng ta vừa đọc kinh văn so sánh với “đêm dài lắm mộng”, “khiến họ tỉnh giác”, “chìm trong phiền não, mà thoát khỏi thanh lương”, ân huệ như vậy là lớn nhất.

Chúng ta lấy ví dụ thực tế. Như chủ tịch Hồ Tiểu Lâm, khi ông chưa gặp được sư trưởng, chưa gặp được thánh giáo, ông mắc chứng trầm cảm lại muốn tự sát. Nhưng ông hiểu ra giáo huấn thành hiền, nhất là sau khi học “Liễu Phàm tứ huấn”, ông nói nên là phước báo của mình thì là của mình, tại sao mình phiền não như vậy? Đau khổ như vậy làm gì? Ông thật sự “thoát khỏi thanh lương”, ý niệm vừa chuyển, bệnh liền khỏi. Hơn nữa sự nghiệp càng làm càng tốt, cái này thật sự là “ân huệ rộng nhất”. Hơn nữa ông lại đem những kinh nghiệm cuộc đời quý báu như vậy nói với người khác, mọi người đều noi gương học tập ông, không chỉ ông nhận được lợi ích rất lớn, những người nghe ông chia sẻ học tập, vận mệnh đều được cải biến. Cho nên công đức khuyên người làm thiện hết sức lớn.

Và đoạn này Hàn Dũ nói tới, vừa hay người này gặp khó khăn rất lớn, quý vị kịp thời khuyên bảo họ, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. “Trăm đời khuyên người bằng sách”, giống như quyển “Liễu Phàm tứ huấn” này, kinh điển thời Minh, trải qua mấy trăm năm, chúng ta vẫn được thọ ích, vẫn còn đông đảo quần chúng nhờ quyển sách này mà thay đổi vận mệnh. Và đoạn này của Hàn Dũ, tiếp đó tác giả phân tích rằng “như khuyên người làm thiện” tức là dùng ngôn ngữ khuyên người, dùng sách khuyên người, ví dụ cùng người làm thiện, phía trước nhắc tới Đại Thuấn, ngài cũng là khuyên, ngài dùng thân giáo ảnh hưởng bá tánh một vùng này. Hoặc là có thể dùng ngôn ngữ khuyên bảo người khác. Cái này về cách làm, có thể so với “khuyên người bằng sách” có hơi khác. Nhưng “tuy có hình tích” tức là cách làm của họ chưa chắc giống nhau, nhưng tâm lợi người là giống nhau. Hơn nữa mỗi một tình cảnh, mỗi một nhân duyên đều có khác biệt. Chúng ta áp dụng theo thời, lại biết nắm lấy thời cơ, khế lý khế cơ là tốt. Cho nên “tùy bệnh cho thuốc, cũng có kì hiệu, không thể bỏ được”, hễ có thời gian nắm lấy một cơ hội, có thể thật sự khiến người ta chuyển mê thành ngộ, điều này hết sức tốt, công đức này là viên mãn. Tất nhiên có thể viết một quyển sách như “Liễu Phàm tứ huấn”, lợi ích người trăm đời, công đức này cũng là viên mãn. Mặc dù nhất thời dùng miệng khuyên người, nhất thời cùng người làm thiện, hình như sự tình đã trôi qua rồi, nhưng phong phạm này vẫn còn đó, vẫn ảnh hưởng tới hậu thế. Cho nên phong phạm đức hạnh của Thuấn vương, còn ảnh hưởng tới chúng ta hơn 4000 năm sau. Do ngài dùng chân tâm làm ra, ghi chép lại trong sách sử, trong điển tích, vẫn có thể lợi ích lâu dài.

Nhất là “Câu chuyện đức dục”, 786 vị thánh triết nhân, họ cũng đã làm ra tấm gương, cũng rất nhiều vị khuyên người làm thiện, cùng người làm thiện. Tới bây giờ mọi người chúng ta còn nhận sự chiêu cảm của tấm gương bọn họ. Và “thất ngôn thất nhân, trái với trí ta”, ở đây nhắc tới khi chúng ta khuyên người làm thiện, nếu như đối phương không thể tiếp thu, cái này là “thất ngôn”, “không thể dùng lời mà vẫn dùng lời”, câu này trong “Luận ngữ” có nói tới, thời cơ nói với họ còn chưa đủ, tại sao? Tín nhiệm không đủ, hoàn cảnh không đúng, chúng ta lúc này nói chuyện là sai rồi. Có rất nhiều người bên cạnh, quý vị khuyên khuyết điểm của họ, sĩ diện họ chịu không được, đây là “thất ngôn”. Tín nhiệm không đủ phải làm sao? Giữ im lặng, nhưng điều rất quan trọng là tự mình làm gương, lòng tin của đối phương với mình nâng cao, tự nhiên thời cơ khuyên họ dần dần có thể chín muồi. Còn “thất nhân” tức là nên nói với họ “nên dùng lời mà không dùng lời”, họ tin quý vị, quý vị thật sự có thể khuyên họ, nhưng chúng ta cảm thấy lo ngại quá nhiều, bỏ lỡ mất thời cơ khuyên họ, vậy là lỡ mất đạo nghĩa này, sẽ cảm thấy hơi có lỗi với họ. Cho nên ngày nay nếu như bạn bè người thân chúng ta, họ thật sự rất chân thành khiêm tốn, hy vọng chúng ta có thể khuyên bảo họ, nhắc nhở họ một số thiếu sót, họ đã đạt đến thái độ này rồi, chúng ta không nói với họ, điều này cũng là “thất nhân”. “Phản tỉnh trí mình”, khuyên người nhưng không tiếp thu, không thể trách đối phương, phải phản tỉnh có phải trí huệ thiện xảo của mình chưa đủ không.

Tiếp theo chúng ta coi một cương lĩnh kế tiếp:

“Thế nào là cứu người nguy cấp. Hoạn nạn tai ương, người ai cũng có, ngẫu nhiên ta gặp, coi như chính mình bị mụt lở, mau mau giải cứu. Hoặc dùng lời nói làm nhẹ oan ức, hoặc dùng mọi cách cứu nỗi hỗn loạn. Thôi Tử nói: Ân không cần lớn, cứu người nguy cấp là được. Là lời của nhân giả vậy”.

Ở đây nói rằng, khi người gặp nguy hiểm khẩn cấp thì giúp đỡ họ, bất luận là nguy cơ về vật chất, hay nguy cơ về tinh thần, con người một đời hoạn nạn tai ương, ai ai cũng có. Trên đường đời không thể thuận buồm xuôi gió mãi, sẽ gặp một số cấp nạn, gặp một số việc bất hạnh. Chúng ta nhìn thấy người khác hoạn nạn tai ương, dùng tâm tình gì để đối đãi? “Ngẫu nhiên ta gặp”, chúng ta gặp phải người như vậy, “coi như chính mình bị mụt lở, mau mau giải cứu”, tức là giống như trên thân mình bị mụt lở, tức là thân thể lở loét, rồi nỗi đau này cứ ở đó tương tục không gián đoạn, ngay cả ngủ cũng ngủ không được. Mình hiểu được tình hình này, nếu như cái mụt của mình bị lở loét, thì phải mau mau bôi thuốc, mau mau coi có bác sĩ nào chữa trị được không, một giây cũng không thể chần chừ, do nó quá khó chịu đựng. Nếu như chúng ta dùng tâm cảnh như vậy để thông cảm người khác trong cơn hoạn nạn, sẽ liền đưa tay cứu giúp, tức là “người đói mình đói, người yếu mình yếu”, cho nên “mau mau giải cứu”.

Về phương pháp, ví dụ họ bị người khác sỉ nhục, họ có oan khuất, “hoặc dùng lời nói làm nhẹ oan ức”, lúc này nói lời công chánh, giúp họ minh oan, hóa giải oan khuất của họ. “Hoặc dùng mọi cách cứu nỗi hỗn loạn”, hoặc nghĩ mọi cách, dùng mọi biện pháp, hoặc tích tụ rất nhiều sức lực khắp nơi, để giúp họ vượt qua cơn bất hạnh này, “hoặc dùng mọi cách cứu nỗi hỗn loạn”. Như Phạm công đối với mấy trăm hộ trong cả gia tộc, bao gồm đối với một số người trí thức khổ nạn ông gặp được trong xã hội, người cần giúp đỡ, ông đều hết lòng giúp đỡ họ, đây là làm được sự “cứu nỗi hỗn loạn”.

Cuộc sống tinh thần của người bây giờ hết sức nghèo nàn, rất nhiều tư tưởng quan niệm sai lầm, sống trong đau khổ. Có thể đem giáo dục thánh hiền đưa tới tay họ, đưa tới gia đình họ, đây thật sự đối với họ cũng là “cứu người nguy cấp”. Ví dụ có vài người chưa được tiếp xúc với luân lý đạo đức, tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, họ túng quá hóa liều sắp phạm pháp. Đột nhiên trước đó, khi chưa làm, nghe hiểu đạo lý, họ không làm chuyện tàn nhẫn vô nhân đạo nữa, đây là cứu họ nguy cấp, nếu không đời này họ bị hủy hoại. Có một số vợ chồng sắp ly hôn, nghe xong những đạo lý tốt này, không ly hôn nữa, đây cũng là rất nguy nan, tại sao? Cuộc đời con cái họ sẽ gặp bất hạnh lớn nhất, chúng không thể có gia đình hoàn chỉnh để trưởng thành.

Thời đại này, nguy cơ về tinh thần rất phổ biến. Bây giờ chứng trầm cảm, tỉ lệ tự sát cao như vậy, đều thể hiện nguy cơ về tinh thần. Chúng tôi quen một trưởng bối, ông coi xong “Giáo dục thánh hiền, cải tạo vận mệnh”, ông rất cảm động, ông thấy trong đó rất nhiều cuộc đời của nhân vật chính biết quay đầu trong sự lầm lỗi, con hư quay đầu, là do họ nghe được giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, ông liền dọc đường phân phát “Giáo dục thánh hiền, cải tạo vận mệnh”, sau đó mỗi một trường học ông đều vào đó phát, nói chuyện với hiệu trưởng, với thầy cô của các em, hy vọng những người trong ngành giáo dục đều có thể coi trước, coi trọng giáo dục luân lý đạo đức. Tinh thần này khiến chúng ta cũng rất cảm động, ông hy vọng trường học có những sự giáo dục tốt này, sau này những đứa trẻ đó sẽ không đi tiếp con đường sai lầm.

“Thôi Tử nói: Ân không cần lớn, cứu người nguy cấp là được. Là lời của nhân giả vậy”. Thôi Tử là một người rất có học vấn vào thời Minh, cho nên từ đây chúng ta có thể cảm nhận được, người ta sau cùng sẽ chết, nhưng tinh thần của họ có thể trường tồn, giáo huấn tốt đẹp của họ có thể lưu lại thế gian này, cuộc đời mấy chục năm này, đã làm nên giá trị vĩnh hằng. Cho nên ân không cần lớn, có thể kịp thời giải quyết nguy nan của người ta, là điều đáng quý nhất. Đây đều là lời của người rất nhân từ nói ra.

Và chúng ta coi “cứu người nguy cấp”, bây giờ trong những quốc gia khá phát triển, nguy cơ về vật chất khá ít, rất ít nghe nói ai bị chết đói, tất nhiên châu Phi rất nhiều. Nguy cơ cứu người ở châu Phi, nhu cầu về vật chất rất khẩn cấp, chúng ta có thể tiếp kiệm để giúp đỡ những người sắp bị chết đói này. Còn ở trong đô thị, nguy cơ tinh thần hết sức nghiêm trọng, nhìn từ việc lớn, bây giờ thiên tai liên tiếp, đây là kết quả. Nguyên nhân “làm bất thiện giáng trăm điều tai ương”, bây giờ một tai họa ập tới, mấy chục người, mấy trăm người, thậm chí mấy ngàn người đều mất mạng. Nhưng nếu như những người này sớm một khắc trước khi tai họa tới chuyển ác thành thiện, họ có thể hóa giải được tai nạn này. Thật sự nguy cấp! Hành hiếu không thể đợi, và cả hành thiện không thể đợi. Phải giúp lòng người tin tưởng giáo dục luân lý đạo đức, kế đó họ tiếp thu, sau đó đi phụng hành.

Còn một cơ sở quan trọng nữa, tức là họ phải nhìn thấy tấm gương, nếu không họ cảm thấy đây là thứ lỗi thời, đây là lý tưởng. Không có gương mẫu xuất hiện, lòng tin họ xây dựng không được, kinh điển trí huệ tốt tới đâu, không ai muốn học, những nguy nan này giải quyết không được. Việc nguy nan nhất là nguy cơ về lòng tin. Chúng ta có thể cảm nhận bây giờ nguy cơ lớn nhất là nguy cơ về lòng tin, người học tập văn hóa truyền thống như chúng ta, đều phải có một sứ mệnh. Bản thân mình phải làm gương trong mỗi thân phận, người làm vợ, người làm chồng, người làm cha, người làm mẹ đều phải làm gương. Trong các ngành các nghề sau khi thực hành trở thành tấm gương, điều này hóa giải được nhiều nhất nguy cơ đạo đức bây giờ. Chủ tịch Hồ Tiểu Lâm, chủ tịch Hoắc Thiết Long trong giới doanh nghiệp, họ là tấm gương rất tốt. Bao gồm giáo sư Lưu Dư Lệ trong giới học thuật cũng là tấm gương tốt. Viên chức là cô Lưu Tố Vân là tấm gương rất tốt, kể cả trưởng ban Trương trong giới tư pháp, ngành ngân hàng, đều có rất nhiều tấm gương thực hành hết sức tốt, trưởng ngành Triệu cũng là tấm gương rất tốt. Ngành ngân hàng cám dỗ khá nhiều, họ có thể xây dựng gương mẫu, đều cho chúng ta lòng tin, kể cả hiệu trưởng Lữ Kiệt trong ngành giáo dục cũng là gương mẫu.

“Thuấn là ai? Ta là ai? Người có thành tựu đều như vậy”. Chúng ta phát nguyện làm gương mẫu, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

Tiết học hôm nay trao đổi với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!