Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 4A) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

5/3/2012 -23/1/2013

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

TẬP 4A

Kính chào các vị trưởng bối, chào các bạn, chào mọi người!

Lần trước chúng ta nói tới, tiên sinh Liễu Phàm hỏi thiền sư Vân Cốc, số mệnh có phải thật sự vượt qua được không, vận mệnh có phải sửa đổi được không. Thiền sư Vân Cốc quả thật là 1 người thầy giỏi, tuần tự dẫn dắt, trích dẫn căn cứ, Nho Thích Đạo những giáo huấn này đều lấy ra dẫn dắt ông, nhắc nhở ông.

Mọi người có khi nào đang khuyên con cái hoặc khuyên bạn bè, muốn nói đạo lý này câu kinh kia lại nhớ không ra, có kinh nghiệm này không? Có khi nào cần dùng tới sách lại không đủ? Sau đó còn nói với con cái hay bạn mình rằng “Anh đợi 1 chút tôi đi lật sách coi”, có thể từ trường đó sẽ không nối tiếp được. Thường huân tập, đem những đạo lý này lĩnh nạp trong tâm, lúc nào cũng có thể lợi ích người bên cạnh, khơi gợi chánh niệm của họ, khơi gợi trí huệ của họ.

Thiền sư Vân Cốc nói rằng, ngươi coi đạo lý trong “Thi kinh”, “Thư kinh” đều nói rằng “Mệnh do mình tạo, phước do mình cầu”. “Thi”, “Thư” đã nói, đúng lời minh huấn”, kinh điển dạy như vậy.

Trên thực tế những văn tự và thành ngữ này của chúng ta đều đem trí huệ nhân sinh hiển lộ hoàn toàn, vận mệnh phải dựa vào chính mình mà cải tạo. Chúng ta nhớ lại những thành ngữ tương quan với “tự” trong tự mình, “tự cầu đa phước”, “tự lực tự cường” đều là có thể dựa vào chính mình. Còn có thành ngữ nào nữa? Bây giờ tôi gặp cảnh cần dùng tới thành ngữ thì không đủ. Cho nên muốn cải tạo vận mệnh đều là trong tay của chính mình, trong những thành ngữ này đều có thể cảm nhận được. Nếu như tự mình tạo nghiệp, tự mình từ bỏ, thì vận mệnh sẽ càng ngày càng thảm. Ví dụ “Tự đào mồ chôn”, “tự chuốc khổ vào thân”, “tự làm tự chịu”, còn gì nữa? “Tự mình từ bỏ”. Từ trong thành ngữ đã chỉ ra vận mệnh trong đời này nắm giữ ở đâu? Nắm giữ trong tay chính mình. Quả thật trí huệ cao độ của văn hóa Trung Hoa 5000 năm chúng ta phải nên quý trọng.

Sau đó còn kể ra kinh điển của nhà Phật. Và Nho Thích Đạo đều là giáo dục, cho nên gọi là Nho gia, Đạo gia, Phật gia. Xưng Lão Tử, xưng Khổng Tử, xưng Thích Ca Mâu Ni Phật đều là thầy, không phải tôn giáo. Tôn giáo là quan hệ chủ tớ, là quan hệ giữa người và thượng đế. Còn giáo dục là quan hệ thầy trò, phán đoán căn bản này chúng ta phải có. Cho nên ở đây chúng ta cũng có thể cảm nhận được, người tri thức trước đây, kinh điển Nho Thích Đạo tam giáo đều có thâm nhập.

Giống như thịnh thế triều Thanh, Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, thịnh thế của 3 vị hoàng đế này dài tới hơn 130 năm, rất không đơn giản. Ung Chính giáo dục ra Càn Long, Càn Long tại vị 60 năm. Ung Chính hơn 10 năm lao lực thành bệnh, quá là vất vả, hoàng đế Ung Chính đối với Nho Thích Đạo hết sức thâm nhập, ông chiếu cáo thiên hạ, nói rằng “Tam giáo chi giác dân ư hải nội”, giáo dục của Nho Thích Đạo tam giáo, giác ngộ, giáo hóa bá tánh thần châu đại địa đã có thời gian mấy ngàn năm rồi. “Lý đồng xuất ư nhất nguyên, đạo tịnh hành như bất bội”, giáo huấn của họ đều là dạy con người đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, đều là tương ứng nhau, tương thông nhau. Ở đây lấy giáo huấn của nhà Phật, đối với 1 thư sinh Nho gia mà nói, những đạo lý này họ đều rất quen thuộc. Nói rằng:

“Cầu phú quý được phú quý. Cầu nam nữ được nam nữ. Cầu trường thọ được trường thọ”

Khi mọi người đọc tới câu này, mắt có phát sáng không? Quý vị đã tới mức tâm như nước lặng, không gì để cầu. Cầu, chỉ cần cầu cho chúng sanh, cầu cho gia đình của mình, cầu cho quốc gia xã hội của mình, đó là 1 lòng trách nhiệm. Nếu như cái tìm cầu này vì sự hưởng lạc của chính mình, thì phương hướng đó sai rồi. Cuộc đời hưởng lạc rất trống trải, hơn nữa sự hưởng lạc này tức là truy cầu dục vọng. Lão tổ tiên có 1 câu thành ngữ nhắc nhở chúng ta “dục như hố sâu”, cái đó là không có đáy.

Nếu như có 1 người rất thích uống rượu, hoặc là họ có 1 sở thích nào đó, 1 dục vọng nào đó, sau đó họ càng sống càng vui vẻ, có không? Mọi người lấy ví dụ cho tôi nghe 1 chút, đều không có hả? Đều không có. Làm sao cả thiên hạ đa số mọi người đều đang truy cầu dục vọng? Sau khi truy cầu thì không ai được vui vẻ, tại sao đa số mọi người đều đi hướng đó? Thế hệ sau của chúng ta bây giờ cảm thấy niềm vui cuộc đời nằm ở đâu? Mua điện thoại đắt tiền, mua áo quần hàng hiệu, có không? Việc này nghiêm trọng rồi, vì sao cả thế hệ sau đều bị lầm lạc rồi, đều giống thiêu thân lao vào lửa, con thiêu thân đó lao vào trong lửa, nó sẽ ra sao? Nó sẽ chết. Nhưng nó còn dùng tốc độ nhanh nhất để lao qua, vì nó không hiểu lý, nó không biết đó là cái động không đáy.

Cho nên thân làm cha mẹ, trưởng bối, nhất định phải dẫn đúng đường cho cuộc đời con cái, phải dùng quan niệm tư tưởng đúng đắn để xây dựng nhân cách của chúng. Tiếp theo nói rằng:

“Vọng ngữ là đại giới của Thích Ca”

1 trong 5 giới luật quan trọng mà Bổn Sư Thích Ca đã nhấn mạnh, 5 cái nào? “Bất sát”, bất sát tức là không não hại người khác, là “bất sát”. Cái này là dịch theo ý, không chỉ nói trên bề mặt không sát hại người, chỉ cần khiến người ta đau khổ đều coi là phạm giới “bất sát”. Các bạn, cả ngày nay quý vị có nói 1 câu nào khiến người ta khóc không, hoặc là khiến người ta rất tức giận, có không? Nếu có thì hôm nay phạm giới rồi, đã tạo nghiệp rồi. Người học thánh giáo phải nên đi tới đâu cũng khiến người ta như tắm gió xuân, nhìn thấy chúng ta liền hoan hỉ, vậy mới là học đúng. “Bất sát”.

“Bất đạo”, từ “đạo” này ngoài việc lấy trộm đồ người ta ra, còn khởi ý niệm hám lợi của người ta. Quý vị muốn hám lợi của người ta, cái đó là tài vật bất nghĩa, đó tức là phạm vào đạo giới, “bất đạo”. “Bất tà dâm” con người sao có thể làm hành vi của súc sinh? Đó căn bản là chà đạp nhân cách của chính mình. “Bất vọng ngữ” luôn nói lời thật, không nói lời hư vọng, không nói lời gạt người, thậm chí càng không thể nói lời chia rẽ ly gián. “Không uống rượu”, đây là 5 giới.

Trong đó giới thứ 5, uống rượu vốn dĩ không phải là tội, mà là sau khi uống rượu sẽ dâm loạn, sẽ khống chế không được chính mình có thể đi làm những việc sát, đạo, dâm, vọng, đi tạo nghiệp. Nhìn từ 5 giới này, thì có thể hiểu được Phật môn phòng ngừa khi bắt đầu. Phòng ngừa rất quan trọng, không thể đợi việc xảy ra rồi, mới tới thu dọn thì đã muộn rồi.

Tất nhiên Nho gia cũng đều là nhấn mạnh phải biết tiết chế dục vọng, không thể phóng túng. Trong kinh điển Nho gia “Lễ kí” mở đầu là “Khúc lễ”, đã nói rằng “dục bất khả túng”, dục vọng không thể nào phóng túng. Phật gia nói “ngũ giới”, Nho gia nói gì? “Ngũ thường” – nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ngũ thường tức là thường đạo làm người, không làm người như vậy gọi là người không bình thường. Mọi người bình tâm nhìn lại, chúng ta bây giờ dạy thế hệ sau có tinh thần ngũ thường không? “Nhân” biết suy nghĩ cho người khác; “nghĩa”, làm việc gì cũng rất có tình nghĩa, rất có đạo nghĩa, làm việc hợp tình, hợp lý, hợp pháp; “lễ”, đối với người cung kính không ngạo mạn, có điều tiết không lãng phí, đây đều là lễ; “trí”, có trí huệ, nhìn sự việc phải nhìn sâu xa. Tôi nhớ bản thân tôi khi học cấp 2, cấp 3 không có chút trí huệ gì hết, chỉ biết nhìn thấy ngày mai được nghỉ thì phải đi đâu happy 1 chút. Điều này rất là đáng thương, chà đạp rất nhiều thời gian cuộc đời. “Tín”, thành tín, thủ tín, không lừa gạt người. Thật ra trước khi người gạt người, trước tiên là gạt ai? Chính mình, chà đạp bản tánh của chính mình.

Chúng ta coi lại cái “nhân” này tức là nhân từ, không làm hại người khác, giống với ngũ giới của Phật môn, tương ứng, “bất sát”. “Nghĩa” không lấy tài vật bất nghĩa, cho nên “bất đạo”. “Lễ”, giữ quy củ luân thường, không làm bừa, không làm hành vi của súc sanh, “bất tà dâm”. “Trí”, chúng ta vừa mới nói không uống rượu là phòng ngừa khi chưa xảy ra, đừng làm những việc khiến mình hối hận, không uống rượu mới kiểm soát được chính mình mà không làm những việc phi lễ, đây là có trí huệ, “không uống rượu”. “Tín”, “bất vọng ngữ”, những lời nói ra đều là chân thật không hư vọng. Ngũ thường hoàn toàn tương ứng với ngũ giới.

Xin hỏi mọi người Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng gặp mặt chưa? 2 người bọn họ có phải talk talk thương lượng trước 1 chút không? Không có. Ấn chứng điều gì? Cái thấy của anh hùng đa phần giống nhau. Vì cái thấy của họ không phải ý của chính họ, mà là chân lý giữa đất trời. Khổng Tử nói ngài không nói gì hết, ngài nói những gì ngài nói chỉ là những chân lý cổ thánh tiên vương đời đời truyền lại, cho nên ngài nói ngài “thuật nhi bất tác”. Cho nên người thật sự khế nhập cảnh giới thánh hiền đều biết những đạo lý này, tức là chân tướng của thiên địa vũ trụ. Họ tuyệt đối không đi đòi bản quyền, “cái này do tôi phát minh ra”, không có nhé, họ thuật nhi bất tác.

Nếu như 1 người nói ra rất nhiều đạo lý, cứ nói “Đây là phát minh của tôi, đây là bản quyền của tôi”. Vậy sách của họ quý vị xem xét lại, không nhất định phải coi. Những điều đã truyền mấy ngàn năm không có bản quyền nhất định phải coi. Xin hỏi mọi người “Lão Tử” có bản quyền không? Không có. Tứ thư ngũ kinh có bản quyền không? Không có. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng nói ngài không có thuyết pháp, chỉ là chân lý do cổ Phật đời đời truyền lại. Điểm này là chúng ta nói về chỗ hoàn toàn tương ứng của “Ngũ thường” và “Ngũ giới” hơn nữa 2 vị thánh nhân căn bản chưa từng gặp nhau, có thể lý giải được.

Trong kinh điển của Nho gia, “Tả truyện” nói rằng “khế thường tắc yêu hưng”. Con người sau khi khế bỏ thường đạo, tất cả hiện tượng hỗn loạn trong xã hội đều xuất hiện. Mọi người nghĩ thử coi, bây giờ quan hệ ngũ luân có loạn không? Rất loạn, tỉ lệ ly hôn cao như vậy, cha con xung đột. Nhìn thấy rất nhiều. Như Australia có 1 vị Hoa kiều, là sinh viên xuất sắc của học viện Âm nhạc. Quý vị không biết chuyện này sao? Quý vị hết sức nghe lời, không coi tivi. Tôi cũng không coi, vừa hay khi tôi tra tài liệu thì nhìn thấy, 1 sinh viên âm nhạc xuất sắc đã sát hại mẹ mình. Đây đều là những tin tức đáng sợ. Hơn nữa phải tới Australia di dân, du học. Cha mẹ nó đã tốn bao nhiêu tâm huyết cho bản thân nó. Vậy mà sau cùng lại kết quả này, quả thật rất đáng để cả dân tộc quốc gia chúng ta, thậm chí là người làm cha mẹ phải suy ngẫm lại, nhất là người làm thầy. Đứa trẻ này nếu như tiểu học, cấp 2, cấp 3 có thầy cô nào đem hiếu đạo dạy cho nó, bi kịch này đã không thể xảy ra.

Trong bản tin cũng có nhắc tới, mẹ nó đối với thành tích của nó yêu cầu hết sức nghiêm khắc, có nghĩa là đứa trẻ này bị ép tới sau cùng thì phản nghịch, thậm chí thù hận cha mẹ. Từ việc mẹ nó ép nó căng thẳng như vậy, chúng ta cũng phải bình tâm, tại sao lại ép căng như vậy? Thứ cha mẹ muốn là gì? Các vị làm cha làm mẹ? What do you want? Quý vị rốt cuộc là muốn cái gì?

Tôi đã từng nói chuyện với cha tôi, tôi có thể cảm nhận được cha tôi đối với tôi không yêu cầu gì hết. Ông chỉ hy vọng đời này tôi có thể hạnh phúc vui vẻ. Tôi cảm thấy tình thương cha mẹ đối với chúng tôi thật sự không yêu cầu gì hết. Cho nên chúng tôi học được thương người cũng không có điều kiện, cuộc đời như vậy hết sức tự tại. Con người chỉ cần vừa cống hiến đã ở đó muốn người khác báo đáp, mỗi ngày đều rất đau khổ, đau khổ do cầu không được. Thật ra 1 người vừa cống hiến đã nhìn đối phương mong họ báo đáp, cái đó không phải thương, đó là dục, đó là trao đổi lợi ích, đúng chưa? Đó không gọi là thương nữa.

Trong sự truy cầu danh lợi của cả xã hội, tâm hư vinh của con người có thể sẽ càng ngày càng mạnh, mà không tự biết. Cái tâm hư vinh này, rất có thể sẽ đè lên 1 nửa bên cạnh và con cái của mình đến nỗi không thở được. Luôn lấy chồng con ra so sánh với người ta: Người ta kiếm bao nhiêu tiền, anh mới kiếm được bao nhiêu tiền; người ta thi mấy điểm, con mới thi mấy điềm, cứ ở đó so sánh. Mặc dù ráng chống chọi để thi cho tốt, trên thực tế họ đã rất đau khổ. Chúng ta luôn không cảm nhận được nội tâm của người thân, chúng ta cũng là bị dục vọng chướng ngại rất lợi hại.

Xin hỏi mọi người, con cái quý vị bây giờ có vui không? Hello, câu này tôi không cách nào giúp quý vị trả lời được. 1 nửa kia của quý vị có vui không? Có ai nói là: “Tôi kết hôn là muốn tìm đau khổ không?”, có ai nói là “Tôi sanh con ra là muốn dày vò nó, khiến nó cười không nổi không?”, có người như vậy đi lập gia đình không? Không có. Đều hy vọng thành tựu cuộc đời hạnh phúc cho nhau, đều hy vọng cho con cái 1 cuộc đời vui vẻ, vậy mới đúng.

Trong cuộc đời này điều quan trọng nhất là có thể khôi phục tánh đức của chính mình, nhất là có thể thời thời thấu hiểu cảm giác của người bên cạnh, có thể có trái tim nhân ái này, chứ không phải trôi theo những vật dục này, khiến mình rất mệt mỏi, cũng khiến người xung quanh rất đau khổ.

Bản thân tôi thi đại học không thi tốt, tâm được mất của tôi rất nặng, không thi tốt liền khóc. Tôi coi mọi người như người trong nhà, những việc này quý vị ra ngoài đừng giúp tôi tuyên truyền nhé. Khóc rất là thảm thiết. Kết quả cha tôi biết được, liền lên phòng tôi: “Ôi trời, thi không tốt sang năm thi lại lần nữa là được, không sao không sao, đừng khóc nữa”. Cha tôi nói rất nhẹ nhàng, khiến tôi cũng khóc không nổi, tôi tiếp tục khóc thì giống như vô cớ sanh sự vậy. Cho nên thái độ nhân sinh của cha mẹ đối với con cái có ảnh hưởng rất lớn. Cha mẹ tôi chưa từng so sánh với người ta. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học, cùng 1 trường với tôi. Thông thường các đồng nghiệp cùng trường đều sẽ so sánh: Con trai cô thi đứng thứ mấy, con trai cô mấy điểm. Những đứa nhỏ này áp lực rất lớn, tôi chưa từng bị áp lực như vậy. Càng quan trọng hơn là, bản thân cha mẹ tôi biểu diễn ra sự hiếu học, họ có thân giáo, bao gồm trong cả gia đình quý vị hiếu học, không khí đọc sách sẽ được xây dựng lên, như vậy là đúng rồi.

Người bây giờ đều gấp gáp cầu thành, nên phải ép, tiếng Mân Nam nói là ăn nhanh sẽ làm bể chén, quý vị phải gấp gấp gấp, gấp tới sau cùng ngay cả ăn cơm cũng ở đó gấp, ngay cả chén cũng bể luôn.

Có 1 hiệu trưởng, ông làm hiệu trưởng, con ông thành tích không nổi trội lắm, nhưng ông không sốt ruột chút nào. Ông đã nói 1 ví dụ, tôi cảm thấy hết sức hay, đáng để những người làm cha mẹ thể hội thử coi. Ông nói rằng, nếu như đem 1 quả trứng để trong nước muối, xin hỏi sẽ biến thành cái gì? Trứng muối. Nhất định sẽ thành, đúng không? Bởi vì nó ở trong môi trường đó. Đem nó bỏ trong nước ngọt thì sao? Lâu rồi sẽ biến thành trứng ngọt, phải không? Chúng ta bây giờ đều rất gấp, giống như nấu cơm vậy, cơm chưa chín đã mở nắp nồi mấy lần, sau cùng nấu không chín được. Quá gấp gáp, gấp gáp cầu thành, dục tốc bất đạt.

Nhà chúng tôi là không cần ép. Chị tôi cấp 3 về trước thành tích đều không tốt, đại học hình như là tốt nghiệp hạng nhất, sau cùng mở huyệt rồi. Cho nên quý vị phải tin là con cái đều có tiềm lực, chỉ cần quý vị cứ làm tấm gương tốt, sớm muộn gì nó cũng mở huyệt. Quý vị phải nên dùng ánh mắt tin tưởng hồi ứng tôi, phải tin tưởng con cái chính mình. Vừa nãy nói những lời này, tất cả mọi người đều có tiềm lực, đây đều là điều trong kinh điển nói.

“Chư Phật Bồ tát, há cuồng ngữ lừa người”

Thánh hiền Phật Bồ tát tuyệt đối không lừa chúng ta.

Tiếp theo, tiên sinh Liễu Phàm hỏi thêm 1 bước, vì nghi hoặc của ông vẫn còn, ông nói rằng:

“Mạnh Tử nói, những gì cầu được, là cầu ở chính mình, đạo đức nhân nghĩa, có thể cố cầu. Công danh phú quý, làm sao cầu được”.

Nói rằng, Mạnh Tử nói những thứ cầu được, là do những thứ mình cầu đó vốn dĩ mình đều có. Đạo đức nhân nghĩa là có đầy đủ trong bản tánh bổn thiện của mình, có thể cố cầu, có thể dụng tâm mà y giáo phụng hành, khôi phục tánh đức của chính mình. Cái này thì cầu được. Nhưng công danh phú quý làm sao mà cầu?

Mọi người chú ý “những gì cầu được, là cầu ở chính mình”. Đây là lời của Mạnh Tử không sai. Câu bên dưới là tự mình nghĩ, tự mình nghĩ rồi không tìm người xác nhận, sau đó làm trễ nải bản thân bao lâu? 20 năm. Cho nên “Đệ tử quy” nói “Có nghi hoặc, phải ghi chú, gặp người hỏi, cầu giải thích” rất quan trọng! Tư tưởng quan niệm rất quan trọng mà không làm rõ ràng, có thể sẽ lầm lỡ cuộc đời mấy chục năm của mình. Bởi vì tiên sinh Liễu Phàm hồi đó 35 tuổi, ông tin vận mệnh không thể thay đổi là vào lúc 15 tuổi, 20 năm trôi qua rồi.

Cho nên chúng ta ngày nay đang học kinh điển, khi học thì có rất nhiều suy nghĩ của riêng mình không? “Cái này không thể nào, làm không được đâu”, rất nhiều ý niệm của chính mình cứ thêm vô đó. Thật ra chúng ta ngày nay đang học “Liễu Phàm tứ huấn”, chúng ta ngày nay đang học “Luận ngữ”, đang học “Đệ tử quy”, thêm vào trong đó rất nhiều ý niệm của mình, xin hỏi chúng ta học với ai? Học với chính mình, không phải học với thánh hiền nhân nữa. Học với thánh hiền nhân thì phải tin tưởng 100%, giống như Khổng Tử vậy, “thuật nhi bất tác, tín nhi hảo cổ”, từ “tín” này tức là không có nghi ngờ. Tất nhiên, có chỗ làm không rõ nhất định phải thỉnh giáo những người thông đạt đạo lý này, phải giải trừ những nghi hoặc này của chính mình.

Thật ra tôi đọc tới đây, liền nghĩ tới 1 câu nói của Mạnh Tử, ông nhất định đã đọc rồi, nhưng ông chưa đọc thông cho nên học vấn trọng ở chỗ lý giải toàn diện, không phải đọc rất nhiều là có ích, đọc tới sau cùng thì mâu thuẫn với nhau, thì phiền phức. Câu nói nào vậy? Mạnh Tử nói: “Nhân nghĩa trung tín, lạc thiện bất quyện, thử thiên tước dã”, 1 người đối nhân xử thế luôn giữ lòng nhân nghĩa, luôn hành đạo nhân nghĩa, tận trung giữ chức, tận tâm tận lực, thành thật uy tín. Hơn nữa tận tâm tận lực, chỉ cần bản thân có thể dốc 1 phần sức, tuyệt đối sẽ giúp đỡ người khác không ngần ngại, “lạc thiện bất quyện”. Ông trời sẽ luôn giáng phước, giáng tước vị cho họ. Lời này của Mạnh Tử, xin hỏi mọi người, công danh phú quý có cầu được không? Cầu được nhé. Đúng rồi, đây là Mạnh Tử nói. Kì lạ, con người khi muốn chấp trước thì lấy 1 câu nói rồi chấp trước vào đó. Thật ra Mạnh Tử vốn dĩ đã chỉ ra rồi, “thiên tước”.

Trong “Trung dung” Khổng Tử có 1 câu nói: “Thuấn kì đại hiếu dã dữ!”, đạo đức của Thuấn đạt tới cực điểm, đại hiếu, tánh đức đều hiển lộ ra. “Đức vi thánh nhân, tôn vi thiên tử”, vốn dĩ là nông dân, trở thành gì? Thiên tử, người có phước báo nhất thiên hạ, “phước hữu tứ hải chi nội”. Hơn nữa nói phước bào này của ngài lớn tới mức độ nào? “Tử tôn bảo chi”, con cháu mấy ngàn năm sau còn được ngài gia hộ, phước lớn như vậy đấy. Ngài là 1 nông dân, sao biến thành phước lớn như vậy? Vì ngài luôn thực hành những đạo đức này, cho nên cả trí huệ phước báo của ngài đều hiện tiền. Cho nên từ cuộc đời của Đại Thuấn chúng ta cảm nhận được, “mệnh do mình tạo, phước do mình cầu”, không chỉ thay đổi vận mệnh của bản thân, còn thay đổi vận mệnh của ai? Gia hộ con cháu, vận mệnh con cháu đời sau cũng thay đổi.

“Dịch kinh” nói với chúng ta “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”. Câu này dụng tâm mà đọc, quý vị hôm nay sẽ trưởng thành. Nói thế nào? “Nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”, tôi phải cảm kích cha mẹ tôi, cảm kích tổ tiên tôi, có trưởng thành không? Hiểu chuyện rồi. Vừa hay tết thanh minh tới rồi, tôi hết sức cảm động, bạn bè Đại Mã chúng ta, rất nhiều người đều quay về tảo mộ, hơn nữa là cả gia tộc tụ hội lại, truy niệm tổ tiên, hết sức hiếm có. “Nhà tích điều thiện ắt có niềm vui”, cảm ơn tổ tiên. Đồng thời chúng ta phải hiểu chúng ta cũng sẽ là tổ tiên của con cháu, có không? Đúng rồi. “Nhà tích điều thiện ắt có niềm vui”, vậy chúng ta bây giờ phải dùng tấm gương tốt truyền thừa cho chúng, phải tích đức dày gia hộ cho chúng. Như vậy là cha mẹ và tổ tiên có chí khí, đúng chưa? Đây là có chí khí. Mỗi 1 câu kinh đều dụng tâm cảm nhận, tâm cảnh chúng ta sẽ khác.

Thật ra từ đoạn này, có thể hiểu được tiên sinh Liễu Phàm nhìn sự việc chỉ nhìn trên bề mặt. Ông cảm thấy công danh phú quý là vật ngoài thân, phải do người ta cho ông, ông mới có, cho nên chúng cầu không được. Trên thực tế trong số quý vị có phước báo đó, nhân duyên chín muồi rồi, phước báo sẽ tự nhiên nước chảy thành mương, đến với cuộc đời chúng ta. Nhưng cái đó vẫn do bản thân mình tu mà có, những câu tiếp theo nói thấu triệt những lý này:

“Vân Cốc đáp: Lời của Mạnh Tử không sai”

Mạnh Tử không nói sai.

“Tự ngươi hiểu sai thôi”

Bản thân ngươi hiểu nó sai mất.

“Ngươi không thấy Lục tổ nói, tất cả phước điền, không rời gang tấc, từ tâm mà tìm, không gì không thông”

Trước đây người tri thức đối với 2 quyển sách của nhà Phật đều rất thông thuộc, 1 quyển là “Kinh Kim Cang”, 1 quyển là “Lục tổ đàn kinh”, cho nên ở đây dẫn ra 1 câu nói của Lục tổ. “Tất cả phước điền”, phước báo của 1 người đều không xa rời gang tấc, tức là tâm của họ, tục ngữ nói rằng “phước điền tâm canh”. Có 1 câu đối nói như thế này “Thiện là ngọc quý cả đời dùng, tâm là ruộng tốt trăm đời cày”. Cho nên phước vẫn do chân tâm của mình canh tác mà ra. Phước điền chia thành 3 phần lớn: Ân điền, kính điền, bi điền.

“Ân”, ân cha mẹ, ân tổ tiên, ân quốc gia, đây đều là những ân rất quan trọng trong cuộc đời, kể cả ân sư trưởng.

Tiếp theo “kính”, trước tiên cung kính thánh nhân, cung kính thầy, cung kính kinh điển, kể cả cung kính tất cả mọi người, sự vật, đây là kính điền. Ví dụ quý vị là người rất quý phước, chắc chắn sẽ có phước báo. Có 1 câu thành ngữ nói là “lộc tận nhân vong”, 1 người phước báo trong đời họ hưởng hết rồi, họ sẽ mất mạng. Nếu như họ vốn dĩ có thể sống 80 tuổi, nhưng họ hết sức xa xỉ, tới khi 50 tuổi phước báo của họ đã dùng hết sạch, họ sẽ tổn thọ 30 năm. Ví dụ họ chỉ có thọ mạng 60 tuổi, nhưng họ hết sức tiết kiệm, tới khi 60 tuổi phước báo của họ vẫn chưa dùng hết, họ có thể sống thêm 20 năm.

Bà nội của tôi từ 40 tuổi sức khỏe đã không tốt, nhưng bà cụ sống được hơn 80 tuổi. Bốn mươi mấy tuổi đã bắt đầu uống thuốc rồi, sức khỏe khá là không tốt, nhưng vẫn rất trường thọ, vì bà nội tôi rất tiết kiệm, sau đó khi tôi hiểu rõ những đạo lý này, “Ồ, thì ra là bà nội mình hết sức tiết kiệm”, 1 miếng giấy vệ sinh dùng ba bốn lần, hồi đó tôi nhìn thấy đều cảm thấy sao mà tiết kiệm tới mức độ này, có chút chau mày rồi. Nhưng tiết kiệm dù gì cũng là mỹ đức. Sau khi tôi lớn lên, kiếm được đồng tiền lương đầu tiên cầm trên tay, tôi nói nếu như tôi dùng tiền lương này để học đại học thì chắc học không nổi, liền rất cảm kích sự khổ cực của cha mẹ, nên không nỡ dùng tiền. Sau đó cha mẹ tôi nói: “3 chị em các con cũng tiết kiệm quá rồi? Còn tiết kiệm hơn cả cha mẹ”. Tôi nói đùa với mẹ tôi, tôi nói quản gia nhà chúng ta là bà nội, cho nên chúng con tiếp nhận từ bên bà nội đó.

Tôi cũng quen đi tới đâu không cần dùng đèn điện thì chắc chắn sẽ tắt nó đi. Tôi phát hiện 1 chi tiết nhỏ, tức là ổ điện của Malaysia chúng ta đều có công tắc, khi quý vị không dùng thì tắt đi sẽ rất tiết kiệm điện. Có 1 số đồ điện mặc dù quý vị cắm đó mà không dùng, nhưng quý vị khi cắm vào thì có tiếp điện, sẽ tốn 1 chút điện. Cái công tắc đó quý vị “cạch” 1 cái đóng lại, số điện này được tiết kiệm bớt. Cho nên từ những điều nhỏ nhặt này, có thể nhìn thấy 1 vùng có phước báo hay không. Tiết kiệm, tiết kiệm năng lượng. Cho nên ngày nay quý vị thật sự thương yêu con cái mình, quý vị nhất định giúp chúng tập thành thái độ nhân sinh tiết kiệm, nếu không tức là sẽ hại chúng.

Thứ ba là “bi điền”, từ bi, thương yêu người khác, lượng lớn phước lớn. Chia thành 3 ruộng lớn này.

Hơn nữa “từ tâm mà tìm, không gì không thông”, dùng chân tâm để canh trồng, để truy cầu phước báo, nhất định sẽ cầu được, tâm này là chân tâm.