Học Tập Chia Sẻ “Liễu Phàm Tứ Huấn” (Tập 7B) | Thầy Thái Lễ Húc

HỌC TẬP CHIA SẺ “LIỄU PHÀM TỨ HUẤN”

Thầy Thái Lễ Húc chủ giảng

Trung tâm giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia

Luận về lập mệnh

Phương pháp sửa lỗi

Phương pháp tích thiện

Lợi ích khiêm cung

Tập 7B

Kết quả hồi đó có 1 đại quan tên Khấu Chuẩn. Chúng ta có thể tìm thời gian lúc nào đó mọi người giao lưu một chút về lịch sử Trung Quốc, thời Đường rồi tới Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đây là mấy vương triều gần nhất. Trong đó thời Tống văn nhân rất nhiều, Triệu Khuông Dận – Tống Thái Tổ khai quốc của họ đều là người thích đọc sách, thường khi cỡi ngựa cũng không bỏ qua cơ hội đọc sách, lại tôn trọng người trí thức, nên có hết sức nhiều người trí thức vì quốc gia họ mà phấn đấu, tận trung giữ chức. Chúng ta thấy những năm cuối Nam Tống, Văn Thiên Tường “đời người xưa nay ai không chết, để lại danh gì với núi sông”. Ông có nhiều trung thần như vậy, thật ra cũng là bởi vì triều đại này tôn trọng người trí thức, đây cũng là chiêu cảm mà tới.

Còn Vương Đán làm tể tướng, Khấu Chuẩn đã nói xấu ông, thường hay nói, kết quả hoàng đế nghe lâu rồi, có 1 hôm nói với Vương Đán: “Khấu Chuẩn thường mách lẻo về khanh, nói xấu khanh”. Các bạn, chúng ta vừa nói phải biết coi phim, cũng phải biết nghe kể chuyện, đúng chưa? Được, quý vị bây giờ là ai? Quý vị bây giờ là Vương Đán, quý vị sẽ làm sao? Nếu như là tôi, có thể tôi sẽ: “Làm ơn, tôi đã làm mệt muốn chết rồi, ông còn ở đó viết 1 đống”. Cho nên tôi không làm được tể tướng, hơn nữa còn ốm thế này, người ta có sự độ lượng của tể tướng đều là tướng phước đức. Tiên sinh Liễu Phàm nói, “tại hạ phước bạc”, bản thân ông sáng suốt tự biết mình, tướng mạo không giống người có phước báo lớn.

Còn tể tướng Vương Đán thì hết sức vất vả, nhưng khi ông nghe thấy hoàng đế nói Khấu Chuẩn phê bình ông, ông liền nói với hoàng đế: “Hoàng thượng, thần làm tể tướng lâu như vậy, chắc chắn có rất nhiều chỗ làm chưa tốt, Khấu Chuẩn phê bình, ông ta là yêu nước, ông ta hy vọng làm được tốt hơn”. Mọi người học được chưa? Đại khái vậy! Mọi người cảm nhận 1 chút, Vương Đán nói như vậy, lời này truyền ra ngoài, cả triều đình khâm phục sự độ lượng của ông, Khấu Chuẩn nghe xong sẽ thấy ái ngại. Nhưng nếu như Vương Đán không độ lượng lắm, vừa phê bình như vậy, “Được, Khấu Chuẩn ông nhớ cho tôi, tôi sẽ tìm cơ hội nắm cái thóp của ông”, sau cùng biến thành gì? Biến thành 2 người ở đó tranh, sau cùng thành tranh đảng cũng có thể. Cho nên người có vị trí càng cao, sự độ lượng của họ rất quan trọng.

Mọi người có thấy 1 gia tộc anh em bất hòa, sau cùng đánh thành 2 phe, không qua lại với nhau, sau cùng trong gia tộc rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm, tại sao? Sự oán hận đó cứ ở đó, tới sau cùng sẽ sanh bệnh. Còn có người càng ngốc hơn là gì? Ân oán thế hệ trước tất thảy đều giáng xuống cuộc đời thế hệ sau, khiến chúng từ nhỏ đã oán hận những người thân này, đây là cha mẹ không có trí huệ nhất, quý vị hủy hoại nhân cách lành mạnh 1 đời của con cái! Cho nên con người phải độ lượng, mới có trí huệ. Oan oan tương báo không bao giờ hết, lượng lớn phước lớn, biết bao dung, đem sự khoan hồng độ lượng truyền cho thế hệ sau của quý vị, đây mới là thật sự có trí huệ.

Vương Đán tu dưỡng tốt tới mức độ nào? Không nói cái xấu của người ta, kết quả người trong nhà họ có 1 hôm khảo nghiệm ông, đem 1 ít bột, bột màu đen, rắc vào trong canh của ông, coi ông có tức giận không, độ lượng tới mức độ nào. Kết quả ông cứ mãi ăn cơm, người trong nhà hỏi ông: “Sao ông không ăn canh?”. “Bữa nay không muốn ăn”. Lại có 1 hôm, đem cát bụi vãi vào trong cơm, coi ông có ăn không. Ông nói “Tôi hôm nay không muốn ăn cơm, đem cháo cho tôi”. Ông hậu đạo tới mức không muốn nói cái không tốt của người ta.

Kết qua lại có 1 hôm, con trai ông chạy tới nói với ông: “Cha, người làm dưới bếp của nhà chúng ta, nhà chúng ta vốn dĩ mua 1 cân thịt, nửa cân đã bị ông ta ăn mất, cha coi làm sao xử phạt ông ta?” Kết quả Vương Đán nói rằng: “Ông ta chỉ ăn mất nửa cân, nếu không rốt cuộc các con muốn ăn bao nhiêu?”. “Bọn con nhất định phải 1 cân mới đủ”, “Bắt đầu từ ngày mai cha mua cho các con 1 cân rưỡi, nửa cân cho ông ta ăn không sao”. Mọi người nghĩ coi, việc này hễ truyền tới tai người làm đó, làm sao không cảm động chảy nước mắt và sửa đổi sai lầm được? Cho nên con người trước tiên phải học chịu thiệt, đừng đi nói cái xấu của người ta, phải độ lượng.

Vương Đán làm tới tể tướng, cũng là sự gia hộ của cha ông Vương Hựu, “nhà tích điều thiện, ắt có niềm vui”. Vương Hựu những năm đầu thời Tống, Thái Tổ nghe thấy có người cáo Phù Ngạn Khanh. Bây giờ tôi đọc những chuyện này đều có ghi chép trong lịch sử, không phải chuyện tôi bịa ra, đều là chuyện có thật. Phù Ngạn Khanh là 1 quan lớn trấn thủ ở vùng Đại Danh này, sau đó người ta nói ông có tội lỗi nghiêm trọng, cho nên hoàng đế nghi ngờ ông, sợ ông làm bậy, sau đó phái Vương Hựu, cha của Vương Đán đi điều tra. Xin hỏi các bạn quý vị nào họ Vương mời giơ tay! Chú ý nghe, đây là câu chuyện của tổ tiên quý vị, không được quên gốc.

Kết quả sau khi Vương Hựu đi điều tra, tìm hiểu được thật ra Phù Ngạn Khanh không hề có những tội trạng đó, chỉ là 2 bộc nhân của ông cậy thế hiếp người mà thôi. Và khi ông phải đi điều tra, hoàng đế nói với Vương Hựu: “Khanh điều tra cho kĩ, nếu như tra được rồi, việc này làm thỏa đáng, quay về ta phong khanh làm tể tướng”. Kết quả ông đi điều tra xong, nói ông ấy căn bản không phạm những tội này, quay về nói với hoàng thượng rằng: “Hoàng thượng, Phù đại nhân không có những tội trạng đó, thần lấy tánh mạng trăm người trong nhà thần ra đảm bảo”. Đạo nghĩa ngút trời như vậy, không muốn 1 người trung lương bị hại, đem cả nhà mình ra đảm bảo, thật có đạo nghĩa. Người như vậy, quý vị cả đời này kết giao 1 người bạn như vậy, đủ vốn rồi! Sau đó trả lại sự thanh bạch cho Phù đại nhân, Vương Hựu còn nói tiếp với hoàng đế: “Hoàng thượng, mấy đời hoàng đế trước đây chưa làm bao lâu, vương triều này đã diệt mất rồi, tại sao? Bởi vì tâm hồ nghi, tâm nghi ngờ của họ quá nặng, hễ nghi ngờ liền giết mất rất nhiều trung thần, cho nên quốc vận của họ đều không thể lâu dài, cho nên bệ hạ, hoàng thượng phải lấy đó làm giới, không được lạm sát người vô tội”. Thật sự chính trực, hoàn toàn không nghĩ tới mũ quan của chính mình, luôn nói lời ngay thật.

Kết quả nói xong, Thái Tổ rất tức giận “Khanh nói năng cũng đủ ngay thật rồi đó, không nể mặt ta như vậy”, liền giáng ông xuông đi làm quan xứ Hoa Châu, giáng chức xuống. Nếu như quý vị là Vương Hựu, bị giáng chức, có buồn không? Nếu như quý vị buồn, giới thiệu 1 bài văn cho quý vị coi, bài “Nhạc Dương lâu kí” của Phạm Trọng Yêm, ông “không vui vì vật, không buồn vì mình”. Con người nếu như gặp phải việc gì, tâm trạng luôn thấp thỏm buồn lo, thì cả đời quý vị sẽ rất khó được vui vẻ. Gặp phải việc gì cũng có thể gặp sao yên vậy, chỉ cần xứng đáng với lương tâm là được, quý vị lúc nào nơi đâu cũng đều vui vẻ, chứ không phải kiếm cho nhiều tiền, làm chức quan gì, làm tới tổng giám đốc mới vui. Nói mọi người nghe, lập nên mục tiêu như vậy, mãi mãi không có 1 ngày vui, bởi vì đó là dục vọng. Đợi quý vị đạt được mục tiêu đó rồi, quý vị sẽ hướng tới mục tiêu tiếp theo, lại vì danh vì lợi lăn lộn mấy chục năm.

Cho nên ông nói xong liền bị giáng chức, bạn bè người thân tới đưa tiễn ông, “Chúng tôi vốn dĩ muốn nói, sau khi ông về sẽ có thể lên làm tể tướng, không ngờ còn bị giáng xuống làm tư mã ở Hoa Châu”. Kết quả Vương Hựu cười mà nói, quý vị coi người xưa rất tự tại, bị giáng chức còn cười mà nói, “Mặc dù tôi chưa làm tể tướng, con trai tôi nhất định sẽ làm tể tướng”. Quý vị coi ông có định, chắc chắn tin tưởng chân lý này, sau đó quả nhiên Vương Đán lên làm tể tướng. Hơn nữa Vương Hựu trong sân đình nhà mình có trồng 3 cây hòe, cây hòe là cây tốt, hơn nữa 3 cây hòe này bóng râm rất lớn, con cháu đời sau đều ở đó hóng mát, thật sự là gia hộ đời sau. Hơn nữa ông trồng 3 cây hòe này là nói, “Trong số con cháu của ta nhất định có đứa làm tới tam công”, tam công tức là thầy của hoàng đế, 3 cây hòe có nghĩa là con cháu đời sau của ông có thể làm tới tam công. Cho nên người đời sau gọi hậu thế của họ Vương là Tam Hòe Vương Thị, 3 cây hòe, Tam Hòe Vương Thị, đường hiệu của họ là Tam Hòe Đường. Cái này là nhà tích điều thiện ắt có niềm vui.

Và nhà tích bất thiện ắt gặp tai ương. Vào thời Tần có 1 tể tướng, làm tới tể tướng cũng lớn vậy rồi, nhưng vì ông hại nước hại dân, Lý Tư thời Tần, còn giết sư đệ của chính mình, do trí huệ năng lực của sư đệ ông tốt hơn ông, ông sợ bị cướp mất địa vị, liền giết chết sư đệ của mình. Sau cùng không lâu sau, ông và hậu thế của ông đều bị chém lưng tại chợ Đông. Chém ngang lưng, từ lưng cắt ngang qua, đoạn tử tuyệt tôn.

“Người vô hậu không con nối dõi, vì phước chí bạc”. “Chí” tức là cực, cực bạc không có phước. Trong lịch sử, chúng ta đều rất quen thuộc với Nhạc Phi tận trung báo quốc thời Nam Tống, cha mẹ ông khắc 4 chữ này sau lưng ông. Nhạc Phi, trung thần đấy, những nơi quân đội của ông đã tới thật sự là trăm trận trăm thắng, đánh đâu thắng đó, do tâm của lão bá tánh hoàn toàn thuận theo ông, đối với ông 100% tin tưởng, chỉ cần biết là Nhạc Phi, hoàn toàn theo ông thu phục thất sĩ của quốc gia, đối với ông tin tưởng như vậy. Hơn nữa Nhạc Phi trị quân “lạnh chết không chiếm nhà”, binh sĩ cho dù bị lạnh chết, tuyệt đối không cưỡng chiếm 1 căn nhà của lão bá tánh; đói chết không làm giặc, cho dù bản thân họ chết đói, cũng không thể đi lấy 1 chút đồ của lão bá tánh. Ông trị quân hết sức nghiêm khắc, cho nên đánh cho kim binh tả tơi hoa lá. Kết quả sau đó bị Tần Cối hãm hại, tất nhiên việc hãm hại đó không phải 1 người, có mấy người liên kết hãm hại Nhạc Phi. Và điều khiến chúng ta cảm phục nhất là gì? Khi Nhạc Phi bị điều trở về, ông cũng biết rõ là bị hãm hại, có thể sẽ mất mạng, nhưng ông vẫn sắp đặt cho những lão bá tánh vẫn theo ông có cuộc sống ổn định, sau đó quay về. Bản thân mình gặp nguy hiểm về tính mạng, lúc này còn niệm niệm nghĩ tới việc sắp đặt cho những bá tánh theo ông lâu ngày, giúp họ có thể sống những ngày an định.

Kết quả sau khi quay về, Nhạc Phi bị hãm hại. Hơn nữa trong đó còn có 1 người là La Nhữ Tiếp, người này dựa theo Tần Cối, Tần Cối liền tiến cử ông lên làm ngự sử, sau đó đã hãm hại Nhạc Phi, sau cùng Nhạc Phi bị chết. Người lúc đó hết sức cảm niệm Nhạc Phi, đã xây miếu Nhạc Phi. Còn La Nhữ Tiếp này quả báo của ông cũng tới rất nhanh, ông hại chết Nhạc Phi không lâu sau, cha mẹ ông qua đời. Thời xưa trọng hiếu đạo, quan to tới đâu, cũng phải về phục tang 3 năm, nhưng trong kì tang 3 năm của cha mẹ ông, ông đã chết khi đang phục tang, cũng bị đoản mạng. Con trai ông tên La Nguyện, rất thích đọc sách xưa, cũng rất có học vấn, hơn nữa làm quan ở vùng Ngạc Châu này, cai trị rất có thành tích. Cha ông là đại gian thần, nhưng trong lòng ông lương tâm cũng không an, cũng là thấy có chuộc tội được không, nhưng cha ông hãm hại Nhạc Phi, ông mãi không dám bước vào miếu Nhạc Phi. Sau đó có 1 hôm ông nghĩ là thành tích của mình cũng khá lắm, ông liền thận trọng dè dặt bước vào miếu Nhạc Phi để chiêm lễ, để lễ bái Nhạc Phi. Thật ra con người vẫn có lương tâm, cũng biết cha mình làm việc quá không đúng. Kết quả La Nguyện đi lễ bái Nhạc Phi, vừa bái xuống, đột nhiên đã chết ngay trước tượng thần Nhạc Phi. Cho nên người hồi đó đều cảm thấy “nhà tích bất thiện ắt gặp tai ương”. Cho nên thật sự thương yêu con cháu đời sau, nhất định phải tích đức cho chúng, “không phải không báo, thời cơ chưa tới”.

Đài Loan có 1 hôm trên báo có đăng 1 tin tức, có 1 người trẻ mười mấy tuổi, làm 1 chuyện thật sự không có tính người, kết quả cả mấy năm không bắt được anh ta. Vừa hay 1 hôm anh ta đi ngang miếu Quan Công, vô tình đi ngang miếu Quan Công, đột nhiên đi tới cửa miếu Quan Công, miệng sùi bọt mép, sau đó nằm ngay dưới đất không động đậy được. Sau cùng bị bắt về điều tra, thì ra đã làm chuyện hết sức nhẫn tâm, liền bị bắt lại. Cho nên “lưới trời lồng lộng, thưa mà không sót”. Hơn nữa người này mộ tổ của anh ta vào ngày sau khi anh ta làm chuyện nhẫn tâm đó, thì mộ tổ anh ta đột nhiên bị thủng lỗ. Những điều này đều có cảm ứng, tại sao? Anh ta dùng thân thể chính mình ô nhục liệt tổ liệt tông của mình, làm những chuyện kinh thiên động địa như vậy, tổ tiên đều hổ thẹn. Đây đều là những tin tức có thật bây giờ đã đưa tin trên báo, cho nên “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, đây là chân lý vĩnh hằng bất biến, sẽ không thay đổi theo thời gian không gian.

Tiên sinh Tăng Quốc Phan là 1 vị đại quan triều Thanh, trải nghiệm cuộc đời ông rất phong phú, ông có nhắc tới, 1 gia tộc có thể hưng thịnh được ba bốn đời, nhất định phải cần kiệm giữ nhà. Chỉ cần không cần kiệm, một hai đời sẽ bại vong, cần lao, tiết kiệm. 1 đứa trẻ không cần lao, nó sẽ suy nghĩ lung tung, nó sẽ kiêu xa dâm dật. Muốn truyền thừa hưng thịnh năm sáu đời, phải giản dị, cẩn thận. Giản dị, không phải ưa thích hư vinh, sau đó cứ đi khoe khoang tài phú của mình, không phải như vậy. Họ rất giản dị, truyền năm sáu đời nhất định phải có đặc chất này; cần kiệm mới có thể hưng thịnh ba bốn đời; muốn tới 8 đời 10 đời, nhất định phải hiếu đễ truyền gia, mới có thể. Những giáo huấn này đối với những người làm cha mẹ, trưởng bối 1 nhà như chúng ta, đều là nhắc nhở rất quan trọng.

Tiếp theo chúng ta coi kinh văn, thiền sư Vân Cốc phân tích xong, tất cả những vận mệnh cá nhân và phước báo gia đình ông, đều liên quan tới việc tích lũy công đức của mình.

“Nay ngươi đã biết lỗi”.

Bây giờ người đã biết mình có những khuyết điểm và sai sót gì.

“Thì những nguyên nhân không đậu khoa đệ, không sanh con nối dõi”.

Những hành vi không tốt trước đây của ngươi, khiến ngươi không thể đậu khoa đệ, những hành vi sai lầm không thể có con cháu tốt.

“Tận tình sửa đổi”.

“Tận tình” tức là phải thật sự hạ công phu, đối với tập khí của mình phải mau chóng sát tuyệt, không thể nào mềm tay, phải hạ công phu lớn để sửa. Sự sửa sai này, các bạn thấy dễ không? Chúng ta nghĩ 1 chút, tập khí nghiêm trọng nhất đời này của chúng ta là gì? Rất có thể hồi nhỏ đã có, có không? Bây giờ đã hai ba chục năm trôi qua rồi, có còn không? Còn, chả trách vận mệnh hình như không thay đổi gì. Không thể oán người, chúng ta chỉ nghĩ thử là được, tập khí hồi nhỏ, sửa được cái nào rồi? Cuộc đời như vậy không được, phải sửa hết lỗi cũ! Cuộc đời của tôi trôi theo dòng đời, tập khí càng ngày càng nặng. Có thể nghĩ tới đây, tâm hổ thẹn sẽ khởi lên. Hễ có tâm hổ thẹn, sẽ có dũng khí sửa đổi lỗi của mình. Hơn nữa sự “tận tình sửa sai” này, tức là bắt đầu sửa từ tập khí nghiêm trọng nhất của mình, đây là làm thật, thật sự muốn sửa, thật sự hạ công phu, sửa từ chỗ khó sửa nhất.

Các bạn, lát nữa sau khi tan học về nhà, lấy ra 1 tờ giấy, đem tập khí nào khó sửa nhất viết lớn 1 chút, sau khi viết xong, dùng phương pháp gì để sửa, cũng viết nó ra, viết cụ thể ra, mỗi ngày nhìn vào, mỗi ngày nhìn vào, nhắc nhở chính mình, tính cảnh giác sẽ ngày càng cao, dần dần sẽ sửa lại nó. Nói mọi người nghe, thói quen xấu nghiêm trọng nhất của quý vị hễ sửa được, cả nhà quý vị nhìn quý vị bằng cặp mắt khác, sau đó họ sẽ thấy “Liễu Phàm tứ huấn” rất hay, “Đệ tử quy” rất tốt, do quý vị đã biểu diễn cho họ, họ sẽ muốn học. Nếu như chúng ta cứ bảo họ học, tự mình không sửa, họ nói “Học cũng vô ích, hơn nữa càng học càng nghiêm trọng, về nhà cứ nói người ta mà không nói mình”, đó là phản tác dụng, hoàn toàn ngược lại.

“Cần phải tích đức”

Nhắc nhở ông, vốn dĩ ngươi đức bạc, tất nhiên ngươi phải tích đức.

“Cần phải bao dung”.

Phải biết bao dung khuyết điểm, thiếu sót của người khác, đây là đối trị điều gì? “Không nhẫn phiền toái”, rất không có kiên nhẫn, rất không thể bao dung người khác.

“Cần phải hòa ái”.

Hòa khí, thương yêu người khác. Tập khí của ông là hay phẫn nộ, cả đời giận dữ người xung quanh đều sợ hãi, thậm chí còn giật mình. Ông hay phẫn nộ, lại còn tàn nhẫn, những tập khí này đều phải sửa.

“Cần phải quý tinh thần”.

Ông thích tĩnh tọa cả đêm, cái này là tổn hại tinh khí thần của mình, đây cũng là nguyên nhân không có con nối dõi. Chúng ta cũng thấy thiền sư Vân Cốc hết sức dụng tâm lương khổ, dẫn dắt ra giúp ông tất cả những vấn đề trên bản thân, lại nhắc nhở cảnh tỉnh ông, dùng những phương pháp gì để chuyển biến chúng. Cho nên người tàn nhẫn, phải thường xuyên khởi tâm nhân từ, người gặp việc dễ bị thoái lui, phải thời thời chuyển nó thành dũng khí, thái độ dũng cảm tiến lên. Người bây gờ cũng rất sợ gánh vác, chuyện gì cũng “Không được, không thể, tìm người khác”, dũng cảm gánh vác quý vị sẽ có thể đột phá. Quý vị nói “Có 1 số điều tôi không hiểu”, quý vị chỉ cần chịu gánh vác, hiếu học, dần dần đều có thể khắc phục. Kể cả kiêu ngạo, phải biết khiêm nhường; lười biếng, phải khởi lên thái độ cần mẫn; khích động, dễ nổi nóng, phải nhắc nhờ mình có thái độ hòa bình bình hòa; khá là bồng bột, phải chuyển nó thành thái độ vững chãi; hơi bị keo kiệt, tham lam, phải biết chuyển nó thành bố thí. Chuyển đổi tập tính xấu này. Được, những tập khí nghiêm trọng này tìm được rồi.

“Những điều trước đây, coi như hôm qua đã chết. Những việc sau này, coi như ngày nay mới sanh”.

Các bạn, câu nói này có in vào tâm quý vị không? “Những điều trước đây, coi như hôm qua đã chết”, hôm nay là sinh nhật của tôi, ngày tôi tái sanh; “những việc sau này, coi như ngày nay mới sanh”, từ nay về sau, mình phải khiến tất cả bạn bè người thân nhìn với cặp mắt khác, khiến họ ngồi trên ghế mà té xuống. Mọi người có chí hướng này không? Phải chí khí.

“Đó là nghĩa lý của thân tái sanh”.

Do từ nay về sau thay đổi tập khí, phụng hành thái độ nhân sinh đạo đức nhân nghĩa, chỉ cần giữ tâm đạo đức nhân nghĩa, đó cũng là người tích thiện, tất nhiên số mệnh sẽ không khống chế được họ. Chúng ta ôn tập lại lời Mạnh Tử nói “Nhân nghĩa trung tín, lạc thiện bất quyện, thử thiên tước dã”, ông trời cho quý vị phước báo. Ông trời cho quý vị, ai cũng không lấy được. “Nhân nghĩa trung tín, lạc thiện bất quyện”, làm thiện cảm thấy mình rất vui vẻ, càng làm càng hoan hỉ không thấy mệt, lạc thiện bất quyện. “Thử thiên tước dã”, ông trời cho quý vị tước vị, phước báo.

Trong “Tam tự kinh” có 1 câu chuyện, đã chứng minh về thân nghĩa lý tái sanh, cả vận mệnh cuộc đời đã chuyển đổi 180 độ. Câu nói nào? “Đậu Yến Sơn, có nghĩa phép, dạy 5 con, đều danh tiếng”, trọng điểm ở chữ “nghĩa” này, ông là thân nghĩa lý tái sanh. Đậu Yến Sơn, Yến Sơn là nơi ông ra đời, do sau đó ông quá được tôn sùng, người ta không kêu tự của ông, không kêu tên của ông, trực tiếp dùng nơi ông sanh ra để xưng hô ông, là Đậu Yến Sơn.

Ông từ nhỏ mất cha, kết quả khi ông 30 tuổi vẫn chưa có con trai. 1 hôm nằm mơ thấy ông nội đã quá cố của ông đến nói, ông nội ông nói rằng “Số ngươi không có con trai, hơn nữa thọ mạng rất ngắn, phải nên mau mau hành thiện cho sớm”. Các bạn, 2 việc nào không thể đợi? Hành hiếu và hành thiện. Tổ tiên thương yêu con cháu, ở trong mơ nhắc nhở ông. Kết quả sau hôm đó, ông niệm niệm luôn nhớ phải làm nhiều việc thiện.

Ông có 1 bộc nhân trộm của ông 200 ngàn đồng tiền, 200 ngàn tiền không ít, kết quả trong tâm bộc nhân này rất lo sợ, liền viết 1 khế ước, để lại con gái của ông ta, nói là tôi bán đứa con gái này để trả số tiền tôi lấy đi, treo trên tay đứa con gái, sau đó cao chạy xa bay. Nhưng Đậu Yến Sơn không nổi giận, cũng không trút giận lên đứa nhỏ này. Ông đốt khế ước đi, nuôi dưỡng nó khôn lớn, lại giúp nó tìm 1 người chồng tốt. Dùng đức báo oán, hiếm có. Tôi tin là bộc nhân này sau cùng biết được, cũng sẽ cảm động mà sám hối bản thân. Đây là lấy 1 ví dụ.

Kể cả việc hôn lễ tang tóc trong cả gia tộc, người ta nếu như không có tiền, ông đều đi giúp đỡ những người trong tộc này; hơn nữa điều rất quan trọng là ông mở trường học, cho thế hệ sau của người thân, và những đứa nhỏ không có tiền đi học, cho dù không có quan hệ thân thích với ông, ông đều cho chúng tới học, xây dựng mười mấy thư viện. Người tạo phước, cho tới thời gian rất dài, có thể có mấy đời người đều nhận được phước ấm của ông, sau đó ông còn mua về mấy ngàn quyển sách thánh hiền.

Kết quả ông không ngừng tích đức hành thiện như vậy, sau đó có 1 ngày lại nằm mơ thấy ông nội mình, ông nội nói với ông “Ông trời vì thấy ngươi tích được đức rất dày, cho nên kéo dài tuổi thọ ngươi 3 kỉ”, 1 kỉ là 12 năm, tăng tuổi thọ 36 năm, “sau đó ban cho ngươi 5 đứa con trai, đứa nào cũng đều phú quý hiển vinh, hơn nữa ngươi chắc chắn sẽ được thiện chung”. Sau đó 5 đứa con của ông tất cả đều rất có thành tựu, ông sống tới 82 tuổi, thọ thêm 36 năm, vốn dĩ chỉ có 46 tuổi thọ mạng mà thôi. Kết quả ông 82 tuổi trước khi lâm chung còn tắm rửa, sau đó hoan hoan hỉ hỉ cáo biệt bạn bè người thân, rồi nói cười vui vẻ, sau cùng nhắm mắt liền ra đi, sau khi say goodbye thì ra đi. Tốt không? Ngũ phước lâm môn, sau cùng chết mà không đau khổ, xin hỏi mọi người bây giờ quý vị trong 100 người tìm được mấy người chết tự tại như vậy? “Tôi đi đây, bye bye”, liền đi mất. Đó là công phu, đó là tạo hóa! Bây giờ 100 người 90 người ra đi ở đâu? Mọi người phải nỗ lực. Về già ở bệnh viện, mặc người xâu xé, họ mổ xẻ quý vị, cắm vô 1 cái ống, quý vị lúc đó ngay cả quyền nói NO có thể cũng chưa chắc có, phải không? Người muốn ngũ phước lâm môn, Đậu Yến Sơn là tấm gương tốt, có thể học hỏi ông.

Cho nên Mạnh Tử cũng kì vọng chúng ta phải dưỡng khí hạo nhiên của trời đất, cuộc đời từ đây chỉ là tình nghĩa, vợ chồng phải có tình nghĩa, giữa bạn bè phải có tình nghĩa; ân nghĩa, không quên cha mẹ, không quên tất cả những người có ân với chúng ta; cuộc đời đạo nghĩa, đối với thế hệ sau giáo dục chúng cho tốt, tâm lượng phải rộng rãi, đối với thế hệ sau của cả dân tộc thế giới, chúng ta có thể làm bao nhiêu, tận lực làm bấy nhiêu. Tiếp theo kinh văn nói:

“Thân huyết nhục chúng ta, tất nhiên có số”

Thân thể máu thịt của chúng ta tất nhiên là có số định.

“Thân nghĩa lý”.

Từ đây luôn là cuộc đời đạo nghĩa, luôn là giá trị quan phụng hiến lợi người.

“Há chẳng thể cách thiên”.

“Cách” là cảm động, chỉ cần làm người như vậy, nhất định có thể “chí thành cảm thông, đá vàng cũng mở”, cảm động trời xanh.

Đoạn này thật ra cũng là thiên sư Vân Cốc khích lệ tiên sinh Liễu Phàm, ngươi nhất định phải có lòng tin, nhất định có thể thay đổi vận mệnh. Cái này cũng là chúng ta học cách nói năng, mọi người có nhìn thấy không? Trong “Lễ kì- Học kí” có nói, 1 người thầy rất tốt, họ dẫn dắt người khác ra sao? Các bạn, quý vị có phải thầy không? Quý vị là thầy của con cái quý vị, người thầy đầu tiên, sao không phải thầy được? Quý vị có phải thầy không? Hình như quý vị không muốn thừa nhận lắm.

Thiền sư Vân Cốc là người thầy hết sức cao minh, cả quá trình dẫn dắt của ngài, khiến tiên sinh Liễu Phàm như tắm gió xuân, chí khí, lòng tin của 1 người đều được ngài khơi dậy. Gọi là “đạo nhi phất khiên”, dẫn dắt ông, chứ không phải xỏ mũi ông mà kéo đi, “đạo nhi phất khiên”, “cưỡng nhi phất ức”, “cưỡng” là khích lệ ông, “thân huyết nhục, tất nhiên có số; thân nghĩa lý, há chẳng thể cách thiên”, “cưỡng nhi phất ức”, khích lệ ông, không đả kích ông, “khai nhi phất đạt”.

Quý vị coi khi mở đầu đã nhắc cho ông, trong những kinh điển như “Thi kinh” có nói, kể cả Lục tổ đại sư ông quen thuộc cũng nói “tất cả phước điền không rời gang tấc”, dùng những câu kinh ông quen thuộc để giúp ông cảm thấy đúng, rất có lý. Tất nhiên lại khích lệ ông, tiếp đó “khai” là gợi mở ông, chứ không phải như 1 đống tri thức đổ vào trong đầu ông, phải để bản thân ông tự suy nghĩ, ngộ tính của ông sẽ tới, gọi là “khai nhi phất đạt”. Cái này rất quan trọng! Nhất là con cái quý vị đã biết suy nghĩ rồi, quý vị đừng có bla bla bla miệng cứ nói mãi nói miết, nói một hai tiếng đồng hồ không ngưng nghỉ, người nghe nhất định sẽ đầu óc quay cuồng.

Mọi người coi, thiền sư Vân Cốc hỏi tiên sinh Liễu Phàm, “Ngươi tự xét có thể đậu khoa đệ không? Có thể sanh con không?”, đúng chưa? Vừa hỏi như vậy, gợi mở ông, không phải nói đem 1 đống đạo lý nhét cho ông, “khai nhi phất đạt”. Điều này dùng trong việc dẫn dắt con cái, giáo dục con cái là hết sức tốt. Người bây giờ hình như luôn phải dùng rất nhiều đạo lý để thuyết phục người khác, thậm chí ép người khác, nhưng chưa chắc có hiệu quả tốt. Quý vị phải dẫn dắt họ suy nghĩ, hơn nữa trong cả quá trình dẫn dắt của quý vị, trên thực tế không phải đem theo mục đích của quý vị, mà là niệm niệm suy nghĩ cho họ, họ có thể cảm nhận được sự chân thành và từ bi của quý vị.

Tiếp đó nói rằng:

“Thái Giáp nói”.

Thái Giáp là 1 đoạn kinh văn trong “Thư kinh”.

“Thiên tác nghiệt, vẫn tránh được. Tự tác nghiệt, không sống được”.

“Thiên tác nghiệt” tức là vận mệnh cuộc đời vốn dĩ tự mình chiêu cảm, là có thể thay đổi được, có thể gặp hung hóa cát, “vẫn tránh được” ở đây nghĩa là có thể thay đổi. Tất nhiên cả bộ “Liễu Phàm tứ huấn” tức là tiên sinh Liễu Phàm thật sự thay đổi vận mệnh của ông, chúng ta sau nay cũng có thể chứng minh. “Tự tác nghiệt, không sống được”, nếu như tự mình còn tiếp tục tạo tác ác nghiệp, đó là “không sống được” tức là rất khó thay đổi vận mệnh, thậm chí rất khó sanh tồn. Tại sao? Làm quá nhiều việc ác, giống như trong “Tả truyện” có nói “Thường làm bất nghĩa tâm tự chết”, phước báo của quý vị sẽ tổn hết, có thể sẽ mất mạng. Cho nên bây giờ tai họa ngoài ý muốn hết sức nhiều, cái này đều có liên quan tới việc con người xa lệch luân lý đạo đức, cái này đều thuộc về không hiểu đạo lý, đều đang tự tạo nghiệt, sẽ giáng xuống những tai họa này. Chỉ cần biết mau mau đoạn ác tu thiện, “thiên tác nghiệt” đều có thể thay đổi được.

Hôm nay trao đổi với mọi người tới đây, chúc mọi người hôm nay đêm mơ cát tường! Tại sao đêm mơ cát tường? Bởi vì hôm nay quay về đem tập khí nghiêm trọng nhất của mình viết ra, sau đó phương pháp đối trị cũng phải tìm ra, rồi sẽ rất an tâm, 3 phút là ngủ được, là lý đắc tâm an, rất dễ ngủ. Được, cảm ơn mọi người!