Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 13/40)

 

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 13/40

Chào các vị bằng hữu, buổi chiều tốt lành!

Hôm qua chúng ta đã bàn đến một luân trong ngũ luân là “phu phụ”. Luân về “phu phụ” này vào thời xưa rất được xem trọng. Chúng ta từ lễ nghĩa của ngày xưa mà xem, nghiêm túc, trang trọng nhất, long trọng nhất không gì hơn lễ nghĩa của việc kết hôn. Bởi vì nó vô cùng long trọng cho nên nó đại biểu cho sự việc quan trọng nhất của đời người. Hôn nhân có thể hạnh phúc, gia tộc hòa thuận thì việc giáo dục thế hệ sau cũng có thể được thành tựu, vì vậy mối quan hệ vợ chồng vô cùng quan trọng.

Vào thời xưa, ba ngày trước ngày lễ con cái kết hôn, cha mẹ hai bên đều không tắt đèn. Ba ngày đó ân cần tận tâm dạy bảo con cái của chính mình về sau làm thế nào để làm một người chồng tốt, về sau làm người cha tốt như thế nào, về sau làm như thế nào để gánh vác trách nhiệm của gia đình. Đối diện với con gái mình cũng khuyên bảo nhắc nhở con gái làm thế nào để làm tốt vai trò một người vợ, làm thế nào để làm tốt vai trò một nàng dâu, làm một người mẹ tốt thì như thế nào. Cho nên, ngày xưa đều có ba ngày không tắt đèn, chúng ta có thể nhìn ra được tầm quan trọng của hôn nhân. Tin rằng tuyệt đối không phải ba ngày đó làm việc theo kiểu nước đến chân rồi mới nhảy. Quan trọng nhất, nhất định từ nhỏ đến lớn cha mẹ phải biểu diễn việc vợ chồng hòa thuận cho con cái xem. Vả lại, ở trong rất nhiều cơ hội, cha mẹ phải tận dụng để dạy bảo con cái nên đối đãi như thế nào với người bạn đời, đối đãi như thế nào với người khác phái. Bởi vì mưa dầm thấm lâu, lại thêm việc ân cần dặn dò trước khi kết hôn, cho nên con cái đối với việc làm một người chồng, làm một người vợ, những chức trách và những bổn phận này sẽ vô cùng rõ ràng, không đến nỗi lờ mờ lẫn lộn. Hiện tại, thanh niên nam nữ chúng ta có thể đều chưa chuẩn bị tốt cho việc làm một người vợ tốt như thế nào hay là một người chồng tốt như thế nào, cũng không nghĩ đến việc phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Kết quả là thế nào? Có thể khi bước vào giai đoạn đó rồi, trong khi tâm lý lại chưa được chuẩn bị tốt, không những chưa có chuẩn bị tốt mà bản thân lại còn có rất nhiều cách nghĩ không đúng. Vào lúc này thì những bậc trưởng bối có khuyên bảo họ hay không? Có kịp thời đến dạy bảo họ hay không?

Hiện nay có rất nhiều bậc trưởng bối sau khi con của mình kết hôn rồi có một số tình huống không mấy tốt cho lắm, nhưng họ cũng không để tâm đến, lại còn nói: “Ôi, thanh niên bây giờ có cách nghĩ của riêng chúng”. Tôi mỗi lần nghe thấy câu nói này đều rất lo. “Nuôi không dạy, lỗi của cha”. Không chỉ không có dạy con cái cho tốt, mà hiện tại đối với hôn nhân của chúng cũng bỏ mặc không lo. Như vậy có thể không chỉ là không dạy tốt con cái mà ngay cả cháu, ngay cả những đời sau nữa cũng không dạy cho tốt.

Những việc chung sống với người khác này, những thái độ đối với người khác phái này rất quan trọng với cuộc đời của chúng. Chúng ta là bậc làm cha mẹ, thầy cô có thể trước khi chúng được hai mươi tuổi đã không dạy bảo chúng về các phương diện này.

Ngày xưa, kỳ thực đã đem việc làm chồng như thế nào, làm vợ như thế nào dung hòa vào trong hai chữ “phu phụ” này. Cho nên người xưa bất luận là văn tự hay là nghệ thuật hoặc là những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống đều dung hợp ý nghĩa giáo hóa vào bên trong đó.

Làm Chồng Phải Như Thế Nào?

Chúng ta xem trong chữ “phu” này có chứa ý nghĩa một chữ “phù”, nghĩa là nâng đỡ, cho nên làm chồng thì phải phù trợ cho sinh kế của một gia đình. Làm chồng người ta thì phải có ân nghĩa, tình nghĩa, và cả đạo nghĩa. Người làm chồng phải hiếu thuận cha mẹ, cho nên phải tận hết ân nghĩa. Có câu nói: “Phu nghĩa phụ đức”. Làm chồng người ta, duy trì một gia đình thì trước phải báo ơn, biểu diễn ra một tấm gương tốt, biễu diễn hiếu đạo để cho con cái đời sau xem thấy, là tận một phần ân nghĩa. Còn đối với người vợ, phải có thể khiến cho cuộc sống của vợ được an định, để cho cuộc sống của người vợ được ổn định yên ổn. Cho nên có tình nghĩa, làm chồng của người khác cũng phải có đạo nghĩa. Đạo nghĩa gì vậy? Đó là dạy dỗ cho tốt thế hệ con cái, như vậy thì mới không có lỗi với cha mẹ tổ tiên của chính mình, như vậy mới có thể không có lỗi với người vợ, như vậy mới không có lỗi với xã hội. Cho nên người làm chồng phải biết đảm đương trách nhiệm, phải có thể tận báo ân nghĩa, có thể tận báo tình nghĩa, tận báo đạo nghĩa.

Làm Vợ Thì Như Thế Nào?

Chữ “phụ” hàm chứa ý nghĩa phụ trách ở bên trong, vì vậy chức trách quan trọng nhất của người làm vợ là giúp chồng dạy con để duy trì một cuộc sống gia đình an ổn. Phần trách nhiệm này người vợ phải tận tâm tận lực làm cho được. Mà người chồng trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp khó tránh khỏi có lúc thăng trầm, vào lúc này người vợ mà có đức hạnh có thể kịp thời đưa ra lời khuyên cho họ, đưa ra khuyến cáo với họ, họ có thể sẽ không phạm phải những lỗi lầm không gì bù đắp nổi. Cho nên vợ phải tương trợ với chồng. Sau lại đến dạy con, phải dạy dỗ cho tốt con cái. Cho nên vợ chồng phải làm tấm gương tốt, biểu diễn hiếu đạo, biểu diễn ra việc vợ chồng hòa hợp chung sống cho con cái xem. Đây là dạy con.

Con người ngày xưa đặc biệt xem trọng đức hạnh người phụ nữ, gọi là: “Phụ nữ tứ đức”. Đây là chỉ “công – dung – ngôn – hạnh”, là chỉ bốn đức tính của phụ nữ.

Thứ nhất, “đức hạnh”. Người phụ nữ có đặc tính riêng là hiền lành đức hạnh, trong lòng rất đôn hậu. Đây chính là đức hạnh của người phụ nữ. Cái đức hạnh này trong vô hình trung sẽ âm thầm ảnh hưởng đến thế hệ sau của bạn.

Khi còn rất nhỏ, tôi đã thấy mẹ tôi có một đức tính đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn.

Hôm đó, tôi với mẹ và cả chị cùng nhau đi về nhà ngoại. Trong quá trình trở về đó, người tài xế lái xe có lẽ kỹ thuật lái chưa tốt nên khi lái xe đã để cho một bánh xe lọt xuống cống nước. Sau đó, đã tốn rất nhiều công sức mới có thể kéo lên được. Kết quả, do va đập lúc kẹt bánh xe cho nên đã khiến cho ống hơi bị lung lay, thế là đoạn đường sau đó khi xe chạy thì ống hơi phía sau bắt đầu rung lắc, cứ kêu lên lọc cọc, và cứ thế mà chạy đến nơi. Khi xuống xe, mẹ tôi trả tiền xe cho bác tài xế. Sau khi trả tiền xe xong, mẹ lấy thêm một số tiền nữa (vào lúc đó thì tôi khoảng năm – sáu tuổi, mẹ đã lấy thêm một khoản tiền là 100 đồng) để đưa cho bác tài xế. Khi mẹ tôi thực hiện động tác đó xong thì trong mắt tôi liền hiện lên mấy dòng chữ. Những dòng chữ đó là bởi vì mẹ cảm thấy người lao động vô cùng vất vả, kiếm tiền thật không dễ dàng. Hôm nay người tài xế còn phải tốn thêm tiền sửa chữa, có thể là tiền sinh hoạt phí tháng này sẽ bị ảnh hưởng, vợ con của ông có thể sẽ bị ảnh hưởng. Bởi vì lúc đó gia đình tôi cũng có thể xem là có dư dả, mẹ tôi đã đưa thêm một món tiền cho bác tài xế. Lái xe không tốt là không phải là trách nhiệm của chúng tôi, nhưng mà mẹ tôi đã nghĩ đến những khó khăn đó của bác tài xế nên đã đưa thêm cho bác, như việc phụ giúp chi phí sửa chữa. Vì tôi đã cảm nhận được cái tâm này của mẹ tôi, cho nên trong lòng tôi rất cảm động, đã trưởng dưỡng được tâm nhân hậu cho chúng tôi. Mẹ tôi cũng thường hay nói: “Chị em các con thật là người quá tốt, đều là người rất tốt, việc gì cũng nghĩ thay cho người khác”. Tôi thì nói với mẹ của tôi: “Kỳ thực mẹ cũng là một người quá tốt!”.

Mấy năm nay tôi theo đuổi sự nghiệp giáo dục đều là từ gia đình có ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi. Cho nên khi tôi và mẹ tôi nói đến việc này, hỏi mẹ có nhớ lúc tôi còn nhỏ xảy ra sự việc tài xế để cho bánh xe lọt xuống cống hay không? Mẹ tôi có còn nhớ hay không vậy? Cơ bản là không nhớ gì cả. Cho nên việc làm cha mẹ của người khác, chỉ sơ suất một câu nói, một động tác thì đều ảnh hưởng đến bản thân của con cái. Khi người mẹ thật sự có đức hạnh thì mỗi bước đi, hành động, nói năng đều sinh ra sự ảnh hưởng đến việc giáo hóa con cái. Vì vậy, đức hạnh người phụ nữ đặc biệt quan trọng.

Thứ hai, “ngôn”. Ngôn ngữ của một người mẹ giả như thường xuyên ăn nói rất lớn tiếng, thường hay xảy ra xung đột với người khác, thường cãi vã với người khác, con cái của họ từ nhỏ đã nhìn thấy người mẹ đanh đá chua ngoa như vậy thì sẽ như thế nào? Sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ cảm thấy không muốn đi cùng với mẹ ra ngoài, cảm thấy rất mất mặt. Đương nhiên lời nói của người mẹ nếu như có quá nhiều lời lẽ không hay, khẩu khí quá kém thì có thể đứa trẻ này từ khi còn trong bụng mẹ thì đã nhận được sự thai giáo không tốt. Sau khi sinh ra, lại nhận được sự ảnh hưởng từ ngôn ngữ của mẹ. Bởi vì con người với nhau trao đổi nhiều nhất là cái gì? Là trao đổi ngôn ngữ. Cho nên chúng tôi cũng thường hay nhìn thấy, khi đến nhà một người nào đó mà các thành viên trong gia đình nói chuyện đều to tiếng, cứ như hét lên, không biết các vị bằng hữu có ai đã gặp qua những gia đình như vậy chưa? Quả thực, trong một gia đình thì sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Người mẹ nói chuyện lớn tiếng thì con cái nói chuyện cũng lớn tiếng, người mẹ nói chuyện không nể mặt người khác thì có thể con cái đều đang học theo từng chút một. Vì thế làm mẹ mà lời nói vô cùng nhu hòa, lời nói vô cùng khoan dung, thì con cái sẽ cảm nhiễm được cái khí chất ấy. Vì thế, chúng ta hay nói là gia phong. Gia phong của một gia đình thì người phụ nữ đã chiếm hơn một nửa, cho nên nhân tố an định của một gia đình thì người nữ vượt hơn người nam. Cho nên, phụ nữ phải có đức hạnh, phụ nữ phải có lời nói tốt đẹp.

Thứ ba, “dung”. Đây là chỉ dung mạo của người phụ nữ. Dung mạo ở đây không phải ý nói dáng vẻ có xinh đẹp hay không, mà quan trọng nhất ở đây là dáng vẻ bên ngoài có đoan trang hay không, khiến người khác khi nhìn thấy thì cảm thấy rất hiền thục nết na. Giả như khi ở nhà thì chúng ta đều rất lôi thôi, tóc tai cứ rối bù, rất có thể khi chồng bước vào nhà còn giật cả mình, mau mau chạy ra khỏi nhà, cứ tưởng rằng mình vào nhầm nhà. Cho nên, khi một người phụ nữ không chú trọng vẻ bề ngoài, không chú trọng diện mạo hình thức bề ngoài, có thể người chồng sau một thời gian nhìn thấy như vậy thì họ liền cảm thấy không muốn trở về nhà.

Dung mạo ở đây không phải nói việc ở trong nhà mà phải trang điểm thành má hồng môi đỏ, mà chính là khiến người khác nhìn vào cảm thấy dễ chịu, càng nhìn càng hoan hỷ. Việc này rất quan trọng. Vả lại, không chỉ tạo cho người chồng một sự ấn tượng mà quan trọng hơn là cho con cái một tấm gương tốt, chúng lúc nào cũng nhìn thấy người mẹ của mình đoan trang đến như vậy, đều có lễ mạo như vậy. Những đứa trẻ này từ nhỏ nhìn thấy người mẹ nhiều nhất, bản thân chúng cũng vô cùng xem trọng dáng vẻ của mình, sẽ không đến nỗi lôi thôi, không đến nỗi khiến cho người khác phải xem thường vì cách ăn mặc của chúng. Cho nên, “dung” của người phụ nữ đặc biệt quan trọng.

Thứ tư, “công”. Chữ “công” này vào thời xưa là chỉ những kỹ năng của người phụ nữ trong gia đình. Ví dụ như việc may vá thêu thùa, thậm chí là những khả năng về việc nấu nướng trong gia đình, đây là “công” của người phụ nữ. Hiện tại thì người phụ nữ có cần thiết đến những năng lực này hay không? Đương nhiên xã hội đã thay đổi, bây giờ mà bạn còn ngồi đó thêu thùa may vá có lẽ cũng không cần thiết lắm, bởi vì hiện tại quần áo cũng rất rẻ, rất dễ mua. Nhưng người phụ nữ vẫn còn cần có một số năng lực khiến cho cả gia đình này thay đổi bầu không khí. Ví dụ như người phụ nữ này không biết nấu cơm, mỗi một bữa ăn đều đi ra ngoài ăn, như vậy có được hay không? Đảm bảo là bọn trẻ mới lớp ba – lớp bốn thì thân hình đã như thế nào? Có lẽ phải tham gia vào lớp tập giảm cân, bởi vì việc ăn uống ở bên ngoài bảo đảm không cân bằng. Đồ ăn bên ngoài đa số đều là quá mặn, quá nhiều dầu. Cho nên, nếu người phụ nữ có những năng lực đó thì có thể đảm bảo được sức khỏe cho con cái, tiếp đến còn đảm bảo được sức khỏe cho người chồng.

Chúng tôi có một người bạn, anh có sức khỏe rất cường tráng, trông thấy tràn đầy tinh thần, mặc dù anh đã năm mươi tuổi. Anh hay nói sức khỏe của anh là nằm trong bàn tay của vợ anh. Anh nói, trong mười mấy năm nay vợ anh mỗi ngày đều chuẩn bị bữa sáng cho anh rất phong phú. Chúng ta nói việc ăn uống thì bữa sáng phải ăn như một hoàng đế, bữa trưa ăn như một người bình thường, bữa tối ăn như một người ăn mày. Quả thực đạo lý này đúng.

Vì sao nói bữa tối phải ăn như một người ăn mày vậy? Bởi vì nếu bữa tối chúng ta ăn quá nhiều, thậm chí người hiện nay còn có bữa ăn khuya (ăn vào những thứ như thịt, dầu mỡ), sau khi  ăn vào một – hai tiếng đồng hồ họ liền đi ngủ. Các vị bằng hữu, khi bạn ngủ rồi thì cơ quan nào trong cơ thể của bạn còn hoạt động vậy? Chỉ có hai cơ quan còn hoạt động là cơ quan hô hấp, tức là phổi của bạn và tim của bạn. Đây là cơ quan thuộc về thần kinh tự khống chế. Còn đường ruột thì sẽ nói với bạn: “Xin lỗi nhé, chúng tôi đóng cửa rồi, ngày mai quay lại”. Nhưng khi bạn ăn thức ăn vào mới hơn một tiếng đồng hồ, có lẽ còn đang nằm trong axit dạ dày, sau đó lại không được tiêu hóa nữa. Chúng ta bình thường lấy một miếng thịt cầm trên tay chỉ hơn một tiếng đồng hồ thì nó sẽ bắt đầu có mùi. Bây giờ chúng ta đem thịt pha vào trong dung dịch axit, vả lại phải sáu – bảy tiếng đồng hồ sau thì mới bắt đầu tiêu hóa. Vì vậy, sáu – bảy tiếng đồng hồ này thì thịt ở trong dạ dày của bạn sẽ bắt đầu hôi thối, biến chất. Mà những độc tố sinh ra này nó sẽ ngấm vào máu và tuần hoàn khắp cơ thể của bạn, vì thế mà rất nhiều người hiện nay hơi thở có mùi rất nặng. Vì sao vậy? Thường ăn uống buổi tối thì những độc tố này dần dần tích giữ lại và phát tán ra cả cơ thể. Cho nên thói quen ăn uống ban đêm đích thực sẽ khiến cho sức khỏe của bạn ngày một xấu đi. Vì vậy, nếu người vợ hiểu được những đạo lý về sức khỏe này, người vợ cũng biết được cách điều chỉnh thức ăn như thế nào để cho vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, như vậy thì sức khỏe của chồng, sức khỏe của con cái mới có thể đảm bảo được.

Chúng ta thường nói sức khỏe là nền tảng của hạnh phúc, không có sức khỏe thì đời người cũng không có hạnh phúc nào có thể nói. Khi sức khỏe của người trong gia đình mất đi rồi, cho dù chúng ta có địa vị cao hơn, giàu có hơn, có lẽ đều sẽ cảm thấy cuộc đời khó mà viên mãn được.

Chúng ta vừa mới nói đến đạo làm chồng phải có nghĩa, đạo làm vợ phải có đức. Kỳ thực, người chồng cũng phải có đức, mà đức và nghĩa là tương dung, tương hợp với nhau. Vậy chúng ta nghĩ thử xem, người chồng có cần phải có “đức hạnh” hay không? Đương nhiên là cần. Người chồng có cần “ngôn” hay không? Lời nói của người chồng vẫn là tấm gương cho con trẻ. Dung mạo người chồng cũng cần phải đoan chánh, là tấm gương cho trẻ. Bạn không thể làm một người cha mà ở trong nhà lúc nào cũng lôi thôi. Tiếp đến, “công” của người chồng. Cái gọi là “công” này của người đàn ông chính là nói trong gia đình có rất nhiều công việc cần nhiều sức lực thì những người đàn ông phải có thể làm được. Cũng như việc phải leo lên cao để sửa bóng đèn, những việc này cũng phải học tập, cũng phải có những năng lực như vậy. Không lẽ bất kỳ việc nhỏ nhặt nào như vậy trong nhà mà cũng phải đi thuê người đến để xử lý? Không chỉ là tốn tiền bạc, mà hiện nay thuê gọi người có dễ hay không? Cũng không dễ. Cho nên bản thân người làm chồng chúng ta cũng phải ra sức học hỏi những khả năng công việc như vậy trong cuộc sống để tự nâng cao.

Vợ chồng có phối hợp với nhau như vậy thì có thể làm được tốt rất nhiều công việc quan trọng ở trong gia đình. Cho nên chúng ta từ những định nghĩa, những giáo huấn đối của người xưa với người làm vợ làm chồng thì có thể cảm nhận được ông bà ngày xưa rất xem trọng đối với đạo nghĩa vợ chồng.

Ngày hôm trước, chúng ta đã nói đến trong gia đình thì một sự việc quan trọng nhất chính là giáo dục con cái, gọi là phải có người nối dõi. Sự nhận thức này chính là nhận thức chung của gia đình. Cho nên, để duy trì một gia đình thì phải xây dựng trên nhận thức chung, gọi là “kiến hòa đồng giải”.

Hôm trước, chúng ta cũng đã nhắc đến hai công việc trong gia đình. Một việc là kinh tế duy trì gia đình. Một gia đình nhất định phải có thu nhập kinh tế thì mới có thể duy trì cuộc sống và vấn đề giáo dục cho con cái. Một việc còn lại chính là giáo dục dạy dỗ con cái. Cho nên nói: “Phu phụ hữu biệt”, khác biệt ở chức trách bổn phận của họ. Chức trách bổn phận rõ ràng rồi thì có thể tận lực hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành bổn phận, như vậy người chồng cũng sẽ cảm nhận được sự vất vả của người vợ ở nhà, cho nên cũng sẽ có ân nghĩa với người vợ hơn.

Chúng tôi thường nói người chồng phải xem người vợ như là ân nhân. Ân nhân việc gì vậy? Là ân nhân của việc giúp gia đình dòng tộc được tiếp nối về sau. Bởi vì việc sinh thành nuôi dưỡng để duy trì tiếp nối cho đời sau này rất vất vả, cho nên người chồng phải thường xuyên xem người vợ như là ân nhân, tưởng nhớ đến ân nghĩa của người vợ. Còn người vợ thì cũng biết ơn người chồng đã ra sức để duy trì đời sống kinh tế cho cả gia đình. Cho nên giữa vợ chồng đôi bên đều có thể cảm ơn lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau, thì không khí gia đình sẽ rất tốt.

Hôm qua chúng ta cũng đã nói đến “nam chủ ngoại, nữ chủ nội”. Nhưng hiện tại có rất nhiều phụ nữ đều đi làm, thậm chí việc chăm lo cho gia đình cũng không có thời gian. Tôi nghe nói ở Hồng Kông nữ nhiều hơn nam, thậm chí người chủ quản là nữ cũng nhiều hơn nam. Chúng ta suy nghĩ thử xem, thật sự là người phụ nữ mạnh mẽ giả như đem cả cuộc đời dùng vào việc mưu cầu danh lợi thì cuộc đời của họ có cảm thấy đầy đủ hay chưa? Việc này đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Cuộc đời mấy mươi năm đi tới như vậy rồi mới bắt đầu suy nghĩ xem là có đáng hay không. Tục ngữ nói: “Xưa nay phú quý đều là mộng”, theo đuổi mưu cầu danh lợi trên thực tế đều là hư huyễn, mà việc giáo dục con cái thì không thể đợi được. Khi trong xã hội chúng ta bắt đầu có danh có lợi rồi, mà con cái lại không được dạy dỗ tốt thì trong tâm của người phụ nữ mạnh mẽ sẽ như thế nào? Vẫn là sẽ có sự nuối tiếc rất lớn. Rất nhiều phụ nữ sẽ nói: “Vậy tôi có năng lực tốt như vậy mà lại bỏ cho uổng phí hay sao?”. Kỳ thực, nếu chúng ta có năng lực tốt như vậy thì không nên tiêu phí vào việc mưu cầu danh lợi, chúng ta dùng năng lực đó để dạy dỗ cho tốt con cái đời sau của chúng ta.

Các vị bằng hữu, vì sao mà xã hội ngày nay loạn như vậy? Loạn ở chỗ nào? Loạn ở chỗ không có người hiền đức xuất hiện, loạn ở chỗ xã hội không có tấm gương tốt để đánh thức sự thiện lương ở trong tâm của mỗi một con người. Mọi người đều cảm thấy “Quạ nào mà quạ chẳng đen”, cho nên lòng người càng ngày càng đi xuống. Giả sử lúc này xuất hiện được một Phạm Trọng Yêm, hoặc giả lúc này xuất hiện một Mạnh Tử thì không biết sẽ đánh thức lương tri của biết bao nhiêu người.

Vì sao lại xuất hiện Mạnh Tử, vì sao lại có những Thánh Hiền nhân như vậy vào thời xưa? Nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở đâu? Họ có được người mẹ tốt. Người mẹ đã dùng tài năng trí huệ của mình để truyền lại cho con cái, chỉ dẫn dạy bảo cho chúng những điều nhỏ nhặt nhất. Cho nên, những công việc này không phải là hư huyễn. Theo đuổi danh lợi là phù vân, còn giáo dục con cái là vô lượng công đức. Bạn dạy dỗ tốt đứa con, nó sẽ làm ra tấm gương tốt cho xã hội, sẽ tạo phước cho người, thậm chí khí phách này còn được truyền lại cho con cháu đời sau của chúng, còn ảnh hưởng đến nhân loại đời sau. Cho nên: “Giang sơn đại hữu hiền nhân xuất”, mà hiền nhân quan trọng nhất là phải có người mẹ tốt. Việc dạy dỗ con cái tốt đích thực là một sự nghiệp lớn nhất, là sứ mệnh có giá trị nhất. Trong gia đình đều biết cách phân phối công việc cho tốt, thì sự trưởng thành của con cái và sự ổn định của gia đình mới có được sự đảm bảo.

Đương nhiên không thể có những chuyện giấu giếm. Có một số người vợ có năng lực công việc đặc biệt nổi trội, mà đúng lúc người chồng lại đặc biệt thích làm công việc nhà, thích nấu nướng, có hay không vậy? Có, nhưng tỉ lệ không nhiều. Khi chúng tôi dạy học cho rất nhiều trẻ nhỏ, khi bảo những đứa trẻ năm – sáu tuổi làm việc nhà, chúng tôi đều phát giác rõ ràng con trai dường như làm rất hăng say những công việc nặng nhọc, con gái thì thích xếp quần áo, thích rửa chén, cho nên âm dương đều có khác nhau. Nhưng nếu như người chồng của bạn xào được một đĩa rau, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đến một hạt bụi cũng không có, lại có tính nhẫn nại nuôi dạy con cái trưởng thành, vậy các vị có thể thay đổi vai trò cho nhau, nhưng vẫn không thể bỏ đi một nguyên tắc, đó là phân chia bổn phận chức trách. Như vậy thì việc giáo dục dạy dỗ con cái và duy trì kinh tế gia đình đều có thể đạt được ổn định.

Trong việc giáo dục con cái, chúng ta vẫn còn phải chú ý một trọng điểm, đó là vợ chồng và cả người lớn trong gia đình đối với nguyên tắc của việc giáo dục con cái phải nhất trí, không thể ba thì dạy thế này mẹ thì dạy thế kia, thậm chí là ông nội lại một đằng khác, vậy thì đứa con không biết nghe ai. Đến lúc đó thì nó không biết phải nghe theo ai. Vả lại, chúng không chỉ không biết phải theo ai mà chúng từ từ nắm được việc khi chúng phạm phải lỗi lầm thì nên trốn sau lưng của ai để mà thoát tội. Chúng ta thường hay thấy trẻ con ngày nay rất thông minh, nhưng mà sự thông minh đó của chúng lại dùng vào việc gì vậy? Dùng vào việc làm thế nào để có được thứ chúng muốn. Nói cho dễ nghe một chút, để cho ông bà mua đồ cho chúng, khiến cho ba mẹ mua đồ cho chúng, dùng vào những lúc chúng phạm lỗi lầm. Chúng sẽ biết rất rõ là trốn vào lưng của ai thì sẽ khỏi chuyện. Hiện tượng như vậy có nhiều hay không? Nhiều. Nếu khi đứa trẻ phạm lỗi mà nó sẽ nghĩ nó sẽ trốn tránh bằng cách nào, vậy thì cuộc đời này của nó sẽ phiền phức rồi. Cuộc đời của nó sẽ hình thành thói quen lẩn trốn trách nhiệm, nó sẽ không đối diện với trách nhiệm để sửa đổi lỗi lầm. Cho nên khi trẻ con có lỗi lầm thì tất cả người lớn trong gia đình phải có chung một nguyên tắc, tuyệt đối không thể châm chước, không thể thiên vị. Việc này rất quan trọng.

Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ, lúc tôi phạm lỗi thì mắt của tôi sẽ tìm kiếm ông nội hay là bà nội của tôi. Bởi vì tôi là cháu đích tôn nên sẽ đặc biệt được thương yêu. Có điều là lúc này dù ánh mắt tôi có đáng thương đến mấy thì cũng không có tác dụng gì. Ông nội thì nói với tôi: “Con đã phạm phải lỗi lầm, con bị phạt là đúng rồi”, rồi ông và bà cùng nhau đi lên lầu. Lúc đó thì tôi không hiểu gì cả, cảm thấy ông bà sao mà vô tình quá vậy. Hiện nay làm giáo dục thì hiểu được. Tuy rằng ông bà không đọc sách, không biết chữ, nhưng mà họ hiểu cách giáo dục. Không khó hiểu khi họ nuôi dạy được bốn người con đều tốt nghiệp đại học, trong đó còn có một người tốt nghiệp tiến sĩ, cho nên đây không phải là việc ngẫu nhiên. Vì thế, giáo dục con cái không hẳn phải dựa vào học lực của bạn. Giáo dục con cái là dựa vào kinh nghiệm và trí huệ giáo dục của bạn.

Lúc trước, có một bài báo điều tra trên cả nước trong nhiều năm về những người thi cử có thành tích đứng đầu bảng, kết quả sau khi điều tra thấy không có một người nào mà có mẹ làm giáo sư. Rất thú vị, không có một vị thủ khoa nào có mẹ làm giáo sư. Vả lại, rất nhiều thủ khoa trong gia đình đều là nông dân, cha mẹ đều làm việc rất vất vả. Những thủ khoa này từ nhỏ đều có cuộc sống khốn khó, và cũng rất cần cù, giúp đỡ cha mẹ, lại rất hiếu thảo. Cho nên sau khi chúng ta xem bài báo này cũng có thể suy luận ra những thủ khoa này khi học hành thì có bị thúc ép hay không? Động lực của họ ở đâu? Là ở tâm hiếu của họ, ở tâm báo ân của họ. Động lực của họ tuyệt đối không phải một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, động lực của họ cũng không phải một chiếc máy vi tính cao cấp. Cho nên giáo dục cho con cái thật sự phải giáo dục cho đúng, không phải là học lực của bạn, cũng không phải là tiền bạc của bạn có thể làm được. Cho nên nguyên tắc của giáo dục là phải nắm cho đúng, phải thống nhất.

Mỗi lần cha của tôi trách phạt tôi thì mẹ tôi dù ở bên cạnh cũng không hề nói xen vào một câu nào. Việc này rất quan trọng. Hiện nay trong khi rất nhiều người chồng đang trách phạt con cái thì người vợ như thế nào? Liền nhúng tay vào. Có thể khi đó vẫn còn chưa xử phạt đứa trẻ thì vợ chồng đã cãi vã nhau. Vậy rốt cuộc thì đã làm ra tấm gương gì cho con cái? Cho nên chúng ta giáo dục con cái thì phải thật nhạy bén, phải có lý trí. Vào lúc đó thì mẹ của tôi ở bên cạnh lắng nghe, sau đó thì đầu cứ cúi xuống không ngẩng lên, bởi vì mẹ sợ điều gì? Sợ tôi nhìn sang mẹ, mẹ sợ lại cầm lòng không đặng, cho nên mẹ cứ lẳng lặng mà nghe. Khi tôi lớn lên, tôi liền đem những sự việc này thảo luận với mẹ, bởi vì mẹ cũng là một giáo viên. Tôi liền đem những giáo dục mà khi tôi còn nhỏ đã thể hội được này chia sẻ với mẹ. Mẹ của tôi đã nói với tôi, lúc còn nhỏ khi ba dạy dỗ tôi thì bà đều nghĩ tôi còn nhỏ như vậy thì làm sao mà có thể nghe hiểu được những đạo lý to lớn như vậy chứ. Nhưng mà tôi nói với mẹ là tôi đích thực nghe và hiểu được.

Các vị phụ huynh, các vị đừng xem thường bọn trẻ, cho dù rất nhiều lời của cha chúng ta không hiểu hết hoàn toàn, nhưng có thể sâu sắc hiểu được khổ tâm muốn con thành tài của cha. Thật sự không phải là thích mắng bạn, từ ngôn ngữ, từ ánh mắt có thể cảm thấy được cái tâm thương yêu đó của cha đối với chúng ta. Cha tôi thường hay nói nhất một câu: “Con phải biết tự ái một chút”, “phải biết tự ái một chút”. Mẹ tôi hỏi tôi có hiểu câu này hay không? Thật sự là hiểu. Thường trong quá trình trưởng thành của tôi thì câu nói này ngày càng nâng lên, luôn theo cùng tôi đột phá rất nhiều nghịch cảnh, thậm chí là đột phá rất nhiều sự dụ hoặc.

Vì thế, nguyên tắc giáo dục của hai vợ chồng phải nhất trí. Khi người vợ cảm thấy người chồng dạy dỗ như vậy là chưa thỏa đáng, ngay lúc đó không thể nói. Khi nào thì mới nói? Sau khi đã xong chuyện và vào lúc riêng tư. Khi xem thấy tâm trạng của người chồng đã ổn rồi thì mới nói chuyện đó với chồng. Bởi vì cuối cùng thì hai vợ chồng đều có chung một nhận thức, đều là vì muốn tốt cho con. Vì vậy, việc này cũng không thể vội, “dục tốc thì bất đạt”. Chỉ cần bạn có tính nhẫn nại, có cái tâm thành đó, từ từ đều vì có nhận thức chung này mà có được những cách làm tốt cùng nhau. Vì thế, vẫn là phải dựa vào cái tâm này của chúng ta để giải quyết vấn đề.

Tiếp đến, trong quá trình vợ chồng dạy bảo con cái cũng phải phối hợp mật thiết. Chúng ta nói trong một gia đình, phải có một người đóng vai tốt, một người đóng vai xấu. Giả sử trong nhà đều đóng vai tốt thì trẻ con sẽ như thế nào? Mỗi một người đều yêu chiều hết mực đối với chúng, đảm bảo là chúng sẽ cưỡi lên đầu. Giả sử mỗi một người đều đóng vai xấu với chúng, hung dữ nóng nảy thì chúng như thế nào? Chúng từ nhỏ đã không có lòng tự tin, thậm chí là tình cảm giữa con cái và cha mẹ sẽ tương đối xa cách, bởi vì chúng quá sợ bạn. Cho nên người xưa đã nhấn mạnh: “Trung dung chi đạo”.

Ở trong gia đình cũng cần phải có thưởng, có phạt. “Ân” chính là đóng vai tốt, “uy” chính là đóng vai xấu, phải biết vừa đánh vừa xoa, như vậy thì việc giáo dục cho con cái mới có được ảnh hưởng tốt. Bạn có uy nghiêm thì chúng mới giữ quy củ, mới không khinh suất; bạn có ban ơn cho chúng thì tình cảm của chúng với bạn sẽ tốt hơn.

Vậy chúng ta xem ai thích hợp đóng vai ác, ai thích hợp đóng vai tốt? Hiện tại, tôi dựa vào ví dụ của chính bản thân tôi. Anh rể của tôi công việc rất bận rộn, chị của tôi thường hay đưa cháu của tôi về nhà tôi chơi, vào lúc đó thì tôi đổi thành đóng vai phản diện, chị lại đóng vai người tốt. Tôi và đứa cháu này cũng rất lạ, từ nhỏ đến bây giờ tôi đều không hề cười đối với nó. Các vị chắc sẽ khó tưởng tượng được. Bởi vì năm đầu tiên tôi đi dạy học, lần đầu tiên thể hiện việc trừng mắt nổi giận với học trò. Sau khi giáo huấn với chúng xong tôi đi xuống lầu, các đồng nghiệp trong trường đều nhìn tôi, họ hỏi tôi: “Còn biết nổi giận sao?”. Họ đều không tin. Có cần nổi giận hay không? Cần. Bạn mà không nổi giận thì có lỗi với học trò, khi bạn cần giáo huấn chúng mà bạn không giáo huấn thì bạn đã không làm tròn bổn phận rồi. Nhưng mà người làm giáo viên phải nên luyện tập những khi nổi giận thì bề ngoài nổi giận, bên trong thì không. Vào những lúc tôi giáo huấn học trò của mình, mắng đến nỗi tôi còn rơi cả nước mắt. Không phải giận đến ứa nước mắt, mà cảm thấy tiết khí chính trực lẫm liệt đối với ngôn từ của mình, tự mình bị chính mình làm cảm động rơi nước mắt. Vì thế, đích thực khi chúng ta trách phạt bọn trẻ, khi giáo huấn chúng, thì trong nội tâm vẫn là yêu thương chúng, chứ không phải là đang nổi trận lôi đình.

Đứa cháu sau khi sinh ra đến ngày hôm sau về nhà chúng tôi ở, thế là khi tôi đến xem cháu, thấy đôi mắt của nó cứ nhìn tới nhìn lui. Tôi xem thấy một đứa trẻ mới hai ngày tuổi mà mắt đã ngó tới ngó lui thì đứa trẻ này bẩm sinh rất thông minh. Người quá thông minh thì “Thông minh quá dễ bị thông minh hại”, chỉ cần không có ai trị được nó thì về sau nó sẽ là người ngang ngược nhất đời. Cho nên tôi vừa nhìn thấy đôi mắt của cháu ngó tới ngó lui thì gương mặt tôi liền nghiêm túc trở lại, từ đó về sau thì không có tươi cười với cháu nữa. Tôi còn nhớ khi cháu được một – hai tuổi, thường xuyên có rất nhiều người thân bạn bè đến thăm cháu. Người lớn vừa nhìn thấy cháu thì bắt đầu đùa giỡn với cháu. Trong lúc đùa giỡn như vậy, đùa một hồi thì không đùa nữa. Họ thường hay nói một câu, rốt cuộc là tôi đang chơi với cháu hay là cháu đang chơi với tôi vậy. Bạn xem, đứa trẻ này thông minh chừng nào! Mà người thông minh thì tính khí cũng rất xấu, vì sao vậy? Bởi vì họ cảm thấy sự việc dễ dàng như vậy mà bạn cũng không biết làm, dễ dàng nhìn thấy người khác không vừa ý, cho nên tính khí đặc biệt không tốt. Tính khí xấu đến mức độ nào vậy? Có một lần phạm lỗi la khóc quấy phá tôi, tôi cũng mặc kệ cháu, liền bế cháu bỏ lên chiếc xe nôi. Lúc đó cháu khoảng chừng hai tuổi. Bỏ lên xe nôi cháu vẫn cứ quấy khóc, tay chân vùng vẫy, kết quả là chiếc xe nôi lật ngã, đầu của cháu cắm xuống đất. Bế cháu lên thì bị trầy một lằn ngang môi, máu chảy ra. Tính khí có xấu hay không? Xấu. Tính khí xấu là cháu sai. Vào lúc này bạn có thể mềm lòng hay không? Nuôi dạy con cái thì phải có lý trí. Chị của tôi không thay đổi sắc mặt, chỉ là lấy đồ để cầm máu cho cháu.

Khi chị tôi đang cầm máu thì tôi đột nhiên nghĩ đến việc lúc giết heo thì heo rất đau đớn, bởi vì tiếng khóc của đứa cháu tôi không khác gì tiếng gào thét của con heo. Nó gào khóc đinh tai nhức óc, hét rất to. Bởi vì ngày xưa gần nhà tôi có một cái lò heo, mỗi lần người ta giết mổ heo thì âm thanh thật khủng khiếp, rất thê thảm. Tiếng la khóc của cháu tôi cũng không khác gì. Cho nên khi tính khí nổi cáu như vậy thì phải làm thế nào? Đối diện với tính giận dỗi của con cái như vậy thì bạn nhất định phải cho chúng thấy được thái độ hết sức quan trọng, chính là nói với chúng việc giận dỗi đó tuyệt đối không giải quyết được vấn đề gì. Người lớn tuyệt đối không chấp nhận sự uy hiếp đó của chúng, nhất định phải cho chúng cảm nhận được sự vô cùng kiên định này.

Có một lần chúng tôi cùng nhau ăn cơm, lúc đó là ngày mùng một tết. Khi ăn cơm thì cháu cầm lấy đầu của chiếc đũa. Cầm lấy đầu đũa thì chiếc đũa đó sẽ bị dơ. Tôi nắm lấy tay của nó kéo ra nói: “A Vĩ à, đũa phải cầm như thế này thì mới sạch được, nếu không vi khuẩn từ trên tay của con sẽ dính vào đầu đũa”. Nó nhìn tôi làm. Tôi chuyển tay nó xuống dưới, nó lại cầm lên lại, sau đó lại nhìn tôi. Nó đang khiêu chiến với tôi. Thế là tôi lại từ từ chậm rãi nói với nó: “Phải cầm lên trên nếu không đũa sẽ bị dơ, con phải nghe lời, cậu đang dạy con mà”. Nó lại vẫn làm như vậy, những ba lần. Vào lúc này thì tôi làm như thế nào? Không thể nói “thôi đi thôi đi, tùy ý nó đi”, vậy được hay sao? Vào lúc đó thì tôi không nói một câu nào, liền bế bổng nó lên đi về phòng của tôi. Chị của tôi thì vẫn cứ điềm nhiên, tiếp tục việc ăn cơm của mình. Mẹ tôi thì chịu không được. Bạn xem, người làm bà ngoại bà nội thì không kìm lòng được, mẹ tôi nói: “Hôm nay là mùng một tết, đừng có đánh cháu!”. Có cần phải đánh hay không? Có cần xử phạt hay không? Mùng một tết thì không được xử phạt à? Lý nào như vậy chứ. Bạn vì là mùng một tết không xử phạt thì chúng sẽ biết được vào lúc nào đó mà phạm lỗi thì chúng sẽ tránh được bị phạt. Vì thế, khi vừa bế vào trong phòng thì cháu liền bắt đầu khóc to lên. Nó dùng tiếng khóc đó để làm gì? Để cầu cứu viện binh. Nhưng tôi đã lập tức khiến cho tất cả viện binh của cháu đều không đuổi kịp. Đưa đến phòng của tôi là hay nhất, khóa cửa lại rồi, có kêu trời trời cũng không nghe, kêu đất đất cũng không biết. Thế mà cháu vẫn cứ khóc. Tôi cảm thấy trẻ con quả thật “không thấy quan tài thì không có đổ lệ”, thật sự là tính khí quá xấu. Chúng ta nói một người khi phẫn nộ thì thật sự sẽ mất đi hết lý trí, cho nên trong tiếng Trung Quốc chúng ta nhìn thấy chữ “nộ” này viết như thế nào? Phía trên của chữ là chữ “nô” của nô lệ, phía dưới là chữ “tâm”. Người nổi cáu, tính khí không tốt thì tâm của người đó thành nô lệ của tính khí xấu đó. Tính khí xấu bảo họ đi đến đông thì họ nhất định sẽ đi đến đông, tính khí bảo họ đi đến tây thì họ liền đi đến tây, hoàn toàn không thể tự làm chủ được chính mình. Cho nên bạn xem, người có tính khí nóng nảy thì thường hay làm ra những sự việc mà bản thân sẽ vô cùng hối hận.

Đứa cháu vẫn tiếp tục khóc. Tôi nói: “Con mà khóc càng to tiếng thì cậu xử phạt sẽ càng nặng hơn”. Tiếp đến ánh mắt của bạn nhìn nó, không chỉ là phải đánh, mà mắt còn phải nhìn thẳng nó, đương nhiên vẫn còn cái gì đó không làm tổn thương đến nó, chỉ là dùng cái khí thế đó để mà nhiếp giữ lấy cơn giận dữ của nó. Dường như là đánh hai – ba cái thì cháu biết việc đó là khó nên liền từ bỏ, từ từ không còn dám khóc nữa, biết được tôi đang rất nghiêm túc với cháu. Kết quả, sau khi tôi xử phạt cháu thì cháu cũng dần dần không còn hung hăng, càng quấy nữa. Cháu không càng quấy nữa và tôi lại không phải là người thích trừng phạt con nít, rồi dần dần tôi cũng không còn làm dữ với cháu. Không khí bắt đầu dịu trở lại, bắt đầu giáo huấn đối với cháu, bắt đầu nói với cháu. Kết quả bởi vì lúc ban đầu rất căng thẳng, việc nói chuyện chỉ là sau đó, khi bắt đầu từ từ nói với cháu thì bắt đầu buông lỏng. Mà khi buông lỏng như vậy thì cháu cũng tiểu luôn ra quần, ướt cả quần. Bởi vì lúc đầu rất căng thẳng, sau đó thì tôi mới từ từ mà nói chuyện với cháu, cháu mới buông lỏng người, thế là tiểu ra quần luôn. Tôi đánh cháu được ba lần thì hai lần tiểu ra quần, vả lại còn tiểu ngay trên giường của tôi. Đúng là “Ác có ác báo”.

Sau khi dạy bảo cháu như vậy xong thì cháu liền biết được không thể dùng cáu giận càng quấy để uy hiếp người lớn. Khi tôi trừng phạt cháu xong tôi bước ra ngoài. Sau khi tôi bước ra thì chị của tôi liền bước vào. Vì vậy, vở kịch dạy dỗ con cái này cần phải có sự phối hợp tốt thì mới có được hiệu quả. Chị của tôi lập tức cầm lấy cây roi bước vào. Trẻ con bởi vì vừa mới bị xử phạt xong nên bắt đầu làm nũng, liền đòi chị tôi bế. Chị của tôi thì đẩy cháu ra, “con vừa mới phạm lỗi ở chỗ nào tự nói nghe xem”. Sau đó thì đứa cháu này lại nhào người tới. Chị của tôi rất kiên trì, đều giữ nó trở lại: “Vừa rồi con sai ở chỗ nào, tự nói mẹ nghe đi”. Nhất định phải để cho con biết là nó sai ở chỗ nào, chứ tình hình không phải chỉ dừng ở chỗ xử phạt mà thôi, phải khiến cho đứa bé thật sự nhìn thấy được chính mình sai ở chỗ nào, vì sao làm ra việc như vậy. Sau khi nó nói xong vẫn chưa xong, còn phải đi ra xin lỗi cậu nữa. Phải kết thúc công việc một cách tốt đẹp thì cả một quá trình dạy dỗ như vậy mới gọi là viên mãn. Cho nên, cháu còn phải đi đến trước mặt tôi để xin lỗi.

Sau khi xử phạt vào ngày mùng một tết, ngày mùng hai tết thì tôi sắp xếp đưa cha mẹ tôi và cả cháu đi leo núi. Kết quả, trong quá trình leo núi đó, tôi thì đi phía trước, đứa cháu của tôi chạy đến nắm lấy tay tôi. Tôi còn chưa hết giận thì nó đã coi như không có chuyện gì rồi. Cho nên trẻ con không để hận ở trong lòng, chúng rất rõ ràng việc chính mình sai, chúng chẳng qua chỉ là không khống chế được tính khí gàn bướng của mình mà thôi. Cho nên khi chúng không đúng, bạn xử phạt chúng thì chúng sẽ tôn kính bạn từ trong đáy lòng. Cho nên nó sợ tôi nhất. Cho nên về sau chỉ cần có mặt tôi thì nó rất có quy củ, sau khi ăn xong còn cho tôi kiểm tra, “cậu ơi con ăn xong rồi”. Vì thế, trong gia đình nhất định phải có một góc độ để cho chúng kính nể, chính là đóng vai xấu, con cái sẽ hiểu được phải giữ quy củ. Cho nên nghĩ lại vào lúc chúng tôi còn nhỏ, cha tôi mà mắng chúng tôi chuyện gì; khi hành vi cử chỉ của chúng tôi không được quy củ cho lắm thì cha tôi chỉ cần nhìn qua thôi thì chúng tôi liền biết được phải thúc liễm trở lại. Vì vậy, giữa vai xấu và vai tốt trong nhà cần phải phối hợp cho tốt.

Hiện nay, người nam đều không đóng vai xấu, đều thích đóng vai tốt, vì sao vậy? Chúng ta truy cứu xem nguyên nhân ở đâu? Bởi vì hiện nay rất nhiều người cha quá bận rộn, sau khi trở nên bận rộn quá thì tâm không bình tĩnh trở lại để chăm sóc con cái, thế là cảm thấy có chút gì đó áy náy, vì vậy mỗi khi đi đâu về thường mua đồ chơi cho chúng. Đứa trẻ mới đầu thì nói: “Cảm ơn ba nhiều”, lấy đồ chơi mà chơi. Dần dần về sau thì cũng chạy ra, miệng vẫn nói cảm ơn ba nhưng mắt thì không còn nhìn người cha nữa, chỉ nhìn vào đồ chơi. Vì thế, người cha ở trong mắt đứa con chính là “có cầu tất ứng”, không có sự uy nghiêm của cha nữa, vậy là vai xấu cũng không đóng. Vì thế mà trẻ con hiện nay không thể kiểm soát được chúng. Hiện nay ai đóng vai xấu vậy? Người vợ phải đóng. Người vợ vừa đóng vai xấu vừa phải đóng vai tốt. Bởi vì người mẹ vốn thương yêu con, đây là thiên tính, cho nên thường hay tỉ mỉ quan tâm con cái. Cho nên có lúc lại rất là dữ, có lúc lại đột nhiên rất quan tâm chúng, bỗng chốc thành vai xấu, bỗng chốc lại thành vai tốt. Hiện nay người nữ có một căn bệnh rất nghiêm trọng, gọi là mất cân bằng nội tiết tố. Bởi vì thường hay như vậy, họ thật sự mệt chết đi được, áp lực rất lớn. Bởi vậy chúng ta là chồng phải nhìn thấy được những mong mỏi của người vợ, về khía cạnh dạy dỗ con cái cũng nên phối hợp cho tốt. Khi cần phải hung dữ với bọn trẻ, khi cần phải dạy cho bọn trẻ những quy phạm thì người làm cha như chúng ta phải là người đi trước.

Được rồi, tiết học này chỉ đến đây! cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 13/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh