QUYỂN I: MẪU NGHI TRUYỆN

(Duy bậc Mẫu nghi, có trí Thánh hiền, hành vi mẫu mực, ngôn hạnh trung nghĩa, thai dưỡng con cháu, dần dần giáo hóa, thành toàn đức độ, công trạng rạng ngời. Hàng nữ lưu đọc tới, không thể không noi theo)

HỮU NGU NHỊ PHI

(NGA HOÀNG, NỮ ANH)

 

Hai người vợ của Vua Thuấn là con gái của Vua Nghiêu. Con gái lớn tên là Nga Hoàng, con gái thứ tên là Nữ Anh. Cha thì cố chấp, mẹ kế lại điêu ngoa. Cha tên là Cổ Tẩu, em trai tên là Tượng, là kẻ chơi bời lêu lổng, nhưng Thuấn có thể sống chung hòa thuận với họ, và rất hiếu thuận với cha. Mẹ kế căm ghét Thuấn mà yêu thương Tượng. Thuấn vẫn có thể xử lý quan hệ của họ rất tốt và không biểu hiện bất cứ sự bất mãn nào. Vì vậy, mọi người ở khắp nơi đều tiến cử Thuấn với Vua Nghiêu. Vua Nghiêu bèn gả hai con gái của mình cho Thuấn để trị gia. Nga Hoàng và Nữ Anh sau khi được gả cho Thuấn thì cùng với Thuấn ra đồng làm việc, chứ không cậy mình là con gái của Vua mà ăn trên ngồi trước, rất khiêm nhường tiết kiệm, một lòng một dạ làm tròn đạo làm vợ.

Cổ Tẩu và Tượng muốn sát hại Thuấn nên để Thuấn đi sửa kho lương thực. Sau khi Thuấn biết việc bèn về nói với Nga Hoàng và Nữ Anh rằng: “Cha mẹ bảo ta đi sửa kho lương thực. Ta nên đi hay không đi?”. Nga Hoàng và Nữ Anh nói: “Vậy thì nhất định phải đi!”. Trong quá trình Thuấn sửa kho lương thực, cha và em trai giấu thang đi, cha phóng hỏa đốt kho lương thực, Thuấn mạng lớn, từ bên trên nhảy xuống thoát chết. Tượng lại bàn với cha mẹ để Thuấn đi khơi giếng. Thuấn lại bảo với hai người vợ, hai người nói: “Nhất định phải đi!”. Trong khi Thuấn khơi giếng, cha, mẹ kế và em trai chặn lối và lấy đất lấp giếng, nhưng Thuấn vẫn thoát ra được. Mấy lần đều không giết được Thuấn. Cổ Tẩu lại bảo Thuấn uống rượu, muốn nhân lúc Thuấn uống say sẽ giết Thuấn. Thuấn bảo với hai người vợ, hai người vợ bèn cho Thuấn uống thuốc giải rồi cùng đi nên Thuấn uống cả ngày cũng không say. May mà em gái Thuấn (em gái cùng cha khác mẹ) thương yêu anh trai, mối quan hệ với hai chị dâu rất tốt. Tuy cha và mẹ kế muốn giết Thuấn nhưng Thuấn vẫn không oán hận. Mặc dù vậy, cha và mẹ kế vẫn không ngừng căm phẫn đối với Thuấn. Thuấn chỉ biết ra đồng kêu khóc, kêu trời, gọi cha mẹ. Tuy cha và mẹ kế không ngừng muốn hại Thuấn nhưng Thuấn vẫn vô cùng nhớ nghĩ đến họ, cũng không oán hận em trai, vẫn trung hậu như xưa, không bao giờ thờ ơ.

Sau đó, Vua Nghiêu thử thách Thuấn trên mọi phương diện. Mỗi một việc Thuấn đều bàn với hai vợ. Sau này, Thuấn tiếp nhận ngôi vị của Vua Nghiêu lên làm Vua. Nga Hoàng trở thành Hoàng Hậu, Nữ Anh thành Thứ Phi. Thuấn phong đất cho em trai ở Hữu Tỉ, phụng dưỡng Cổ Tẩu như xưa. Người trong thiên hạ khen ngợi hai người vợ của Vua Thuấn thông minh, trung trinh, nhân hậu.

Sau này khi Thuấn tuần du bên ngoài đã mất ở Thương Ngô, được đặt tên hiệu là Trọng Hoa. Hai người vợ mất ở sông Tương Thủy, người đời sau gọi họ là Tương Quân.

Kinh Thi có câu: Bất hiển duy đức, bách tích kỳ hình chi (Chỉ có đức không lộ ra, trăm Vua chư hầu đều tuân theo phép thường) là nói điều này.

Có thơ ca ngợi: Nguyên thủy nhị phi, Đế Nghiêu chi nữ, tần liệt Hữu Ngu, thừa Thuấn ư hạ, dĩ tôn sự ti, chung năng lao khổ, Cổ Tẩu hòa ninh, tuất hưởng phúc hỗ. (Tạm dịch: Hai vợ Vua Thuấn là con Vua Nghiêu, cùng chung một chồng, nâng khăn sửa túi, không chê thấp hèn, chịu khó khổ cực, hiếu thảo Cổ Tẩu, sau hưởng phúc lành).

 

KHÍ MẪU KHƯƠNG NGUYÊN

Khương Nguyên, mẹ của Khí (Hậu Tắc) là con gái của Thai Hầu. Vào đời Vua Nghiêu, khi bà đi đường thấy một vết chân người khổng lồ, do hiếu kỳ nên ướm chân vào thử. Về nhà phát hiện mình đã mang thai, một thời gian sau đứa con càng ngày càng lớn lên, trong lòng cảm thấy kỳ lạ, hơn nữa còn chán ghét việc này. Thông qua bói toán lại cầu khấn thần Phật, mong rằng không có mang thai, nhưng cuối cùng vẫn sinh ra đứa bé. Bà nghĩ rằng đứa con này sau này lớn lên sẽ gây tai vạ bèn đem vứt ở ngõ hẹp. Nhưng khi trâu bò nhìn thấy nó thì tránh đường mà không giẫm lên nó. Bà lại đem nó bỏ trong rừng nhưng người đốn củi đã kê đệm, đắp chăn cho nó. Sau đó, bà lại bỏ nó trên băng lạnh nhưng chim muông thấy vậy bèn lấy lông của mình che chở cho nó.

Lúc này, Khương Nguyên cảm thấy vô cùng kỳ lạ, thế là bế nó về nhà và đặt tên cho nó là Khí. Tính tình của Khương Nguyên thanh tịnh lại chuyên nhất, thích trồng trọt. Đến khi Khí lớn bèn dạy nó trồng trọt và trồng dâu nuôi tằm. Khí vô cùng thông minh lại nhân nghĩa, cũng rất thích việc đồng áng, học là biết ngay, thế rồi dần dần có danh tiếng.

Vua Nghiêu cho Khí giữ chức Tắc Quan (quan trông coi việc đồng áng), lấy đất Thai làm nước, và lấy đất Thai gia phong cho Khí, hiệu gọi là Hậu Tắc. Sau khi Vua Nghiêu mất, Vua Thuấn lên ngôi, lệnh cho Khí rằng: “Khí! Lê dân đói rét, khanh là Tắc Quan, phải gieo trồng ngũ cốc đúng vụ”. Sau này, con cháu đời đời của Hậu Tắc đều làm quan trông coi đồng áng. Đến thời Chu Văn Vương, Chu Võ Vương thì hưng thịnh, mà trở thành Thiên Tử.

Hậu Tắc dạy mọi người trồng trọt, trong mắt của người đời thì đều do công lao của Khương Nguyên. Trong “Thi Kinh” có ghi chép việc này cho rằng do Khương Nguyên có đức, nuôi dưỡng Hậu Tắc. Hậu Tắc dạy mọi người trồng trọt mới làm cho lê dân trong thiên hạ có cái vốn để sinh tồn.

Có thơ ca ngợi: Khí mẫu Khương Nguyên, thanh tịnh chuyên nhất, lý tích nhi dựng, cụ Khí ư dã, điểu thú phúc dịch, nãi phục thu tuất, tuất vi đế tá, mẫu đạo ký tất.

 

(Tạm dịch: Khí mẫu Khương Nguyên, thanh tịnh chuyên nhất, ướm chân mang thai, đem Khí đi bỏ, chim muông che chở, lại đem về nuôi, sau phò tá Vua, trọn đạo làm mẹ).

 

KHẾ MẪU GIẢN ĐỊCH

Giản Địch, mẹ của Khế, là con gái trưởng của bộ tộc Hữu Nhung. Vào đời Vua Nghiêu, bà cùng chị em tắm ở Huyền Khâu, có con chim huyền điểu ngậm trứng bay qua thì rớt xuống. Quả trứng ngũ sắc đẹp vô cùng, Giản Địch và chị em tranh nhau nhặt trứng. Sau khi Giản Địch nhặt được liền ngậm trong mồm, trong lúc cấp bách đã lỡ nuốt quả trứng, do vậy mà sinh ra Khế. Giản Địch giỏi việc quản lý con người, trên thông thiên văn, lại thích làm việc thiện. Sau khi Khế trưởng thành bèn dạy nó cách quản lý con người, biết cách làm thế nào để xử lý thuận lợi trật tự trong xã hội.

Khế vô cùng thông minh lại nhân nghĩa, theo sự dạy dỗ của mẹ mà học được cách xử lý các việc, do đó dần dần có tiếng tăm. Vua Nghiêu cho giữ chức Tư Đồ, phong cho đất Bạc. Sau khi Vua Nghiêu mất, Vua Thuấn lên ngôi, bèn lệnh cho Khế: “Khế! Trăm họ không hòa thuận, luân thường không hài hòa, khanh giữ chức Tư Đồ, phải dạy dỗ nhân dân, lấy nhân hậu làm gốc, tuân thủ luân thường đạo đức”. Con cháu của Khế sau này đời đời ở đất Bạc, đến đời Thương Thang thì thịnh vượng, lên ngôi Thiên tử. Cho nên, Bậc quân tử cho rằng đây là do Giản Địch nhân hậu lại có lễ nghĩa.

Kinh thi có câu: “Hữu Nhung phương tướng, lập tử sinh duệ” (Bộ tộc Hữu Nhung, truyền đến con cháu). Lại nói: “Thiên mệnh huyền điểu, giáng sinh nhà Thương”.

Có thơ ca ngợi: Khế Mẫu Giản Địch, đôn nhân lệ dực, thôn noãn sinh tử, toại tự tu sức, giáo dĩ sự lý, thôi ân hữu đức, Khế vi đế phụ, cái mẫu hữu lực

 

(Tạm dịch: Giản Địch mẹ Khế, nhân hậu thiện tâm, nuốt trứng sinh trai, tự mình tu dưỡng, dạy bảo lý lẽ, thi ân có đức, phò tá cho Vua, là công của mẹ).

 

KHẢI MẪU ĐỒ SƠN

Mẹ của Khải là con gái của bộ tộc Đồ Sơn. Hạ Vũ lấy bà làm Thứ Phi. Sau khi sinh Khải mới được ba ngày, Khải còn đang khóc oe oe thì Vua Vũ phải xa nhà đi trị thủy. Vua Vũ chuyên tâm trù tính quy hoạch, ra sức xử lý. Tuy nhiều lần đi ngang qua nhà nhưng không về nhà. Đồ Sơn một mình gánh vác trọng trách nuôi dạy Khải, để Khải hiểu được nghĩa lý của việc giáo hóa. Sau khi trưởng thành, thấm nhuần đạo đức của mẹ mà nghe theo lời dạy của mẹ, Khải trở nên có tiếng tăm. Hạ Vũ lên ngôi Thiên tử, Khải trở thành người thừa kế, có thể thừa kế sự nghiệp của Hạ Vũ. Cho nên Bậc quân tử mới nói Đồ Sơn giỏi việc dạy con.

 

Có thơ ca ngợi: Khải Mẫu Đồ Sơn, duy phối đế Vũ, tân nhân quý giáp, Vũ vãng phu thổ, Khải oa oa khấp, mẫu độc luận tự, giáo huấn dĩ thiện, tuất kế kỳ phụ

 

(Tạm dịch: Đồ Sơn mẹ Khải, làm vợ vua Vũ, Khải sinh ba ngày, Vũ đi trị thủy, Khải khóc oe oe, mình mẹ nuôi dưỡng, dạy bảo điều thiện, sau kế nghiệp cha).

 

THANG PHI HỮU SẰN

Vợ Thành Thang là con gái của bộ tộc Hữu Sằn, Thành Thang lấy làm vợ, sinh được ba con trai là Thái Đinh, Ngoại Bính, Trọng Nhâm. Bà dốc lòng dạy bảo con cái, tận hết công sức. Khi bà làm vợ Thành Thang đã quản lý các Phi Tần trong cung có trật tự, quy củ, không ai ganh ghét đố kỵ, làm điều trái đạo lý, sau hỗ trợ Thành Thang thành đại nghiệp.

Bậc quân tử nói bà là người minh bạch và có trước sau.

Kinh Thi có câu: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Ý nói đến người con gái của bộ tộc Hữu Sằn hiền đức, giúp Thành Thang quản lý các Phi Tần trong cung có trật tự, quy củ.

Có thơ ca ngợi: Thang phi Hữu Sằn, chất hạnh thông minh, dắng tùng Y Doãn, tự Hạ thích Ân, cần xác trị trung, cửu tần hữu hạnh, hóa huấn nội ngoại, diệc vô khiên ương.

 

(Tạm dịch: Hữu Sằn vợ Thang, Tư chất thông minh, Y Doãn theo hầu, từ Hạ sang Ân, cẩn trọng cai trị, Phi tần hữu hạnh, khuyên răn trong ngoài, đều không họa hại).

 

CHU THẤT TAM MẪU

 

Ba người mẹ của nhà Chu là chỉ Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự.

Thái Khương là mẹ của Cơ Quý Lịch, là con gái bộ tộc Thai Thị. Chu Thái Vương lấy bà làm vợ, sinh được Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Bà là người trung trinh, thẳng thắn, dốc lòng dạy bảo con cái, không một chút sai sót. Khi Thái Vương tính đưa bộ tộc chuyển đi nơi khác, bà đều tích cực tham gia. Cho nên Bậc quân tử nhận định rằng bà là người có thể kiên trì lấy đức để giáo hóa và có thể phát huy truyền thống.

Thái Nhậm là mẹ của Chu Văn Vương, là con gái của bộ tộc Chí Nhậm. Cơ Quý Lịch lấy bà làm vợ. Tính tình Thái Nhậm đoan trang, chuyên nhất, thành thật, làm việc theo đạo lý, đức hạnh. Sau khi bà mang thai, mắt không xem việc ác, tai không nghe việc tà dâm, miệng không nói lời ngạo mạn để tiến hành thai giáo đối với đứa con trong bụng. Khi bà đi tiểu ở chuồng lợn thì sinh Chu Văn Vương. Sau khi ra đời, Văn Vương rất thông minh lại anh minh. Khi bà dạy bảo Văn Vương, Văn Vương học một biết mười, sau này lập nên Vương triều nhà Chu. Cho nên Bậc quân tử thấy rằng Thái Nhậm giỏi việc thai giáo.

Người xưa cho rằng khi mang thai, phụ nữ ngủ không được nằm nghiêng, ngồi phải ngay thẳng, đứng không chắn lối, không ăn món kỳ lạ, thức ăn không chính thống không ăn, ghế không ngay ngắn không ngồi, mắt không xem tà sắc, tai không nghe tiếng dâm loạn, đêm nghe kẻ mù tụng đọc thơ ca, nói điều đứng đắn. Như vậy mới sinh được con có mặt mũi đoan trang, tài đức hơn người. Cho nên khi mang thai cảm nhận sự vật phải nhất định cẩn thận, cảm nhận điều thiện thì đứa con sẽ lương thiện, cảm nhận điều ác thì đứa con sẽ hung ác. Hình tượng và âm thanh của con người và vạn vật có rất nhiều chỗ giống nhau, đại đa số đều là kết quả của người mẹ cảm nhận, cho nên hình dung và âm thanh của đứa con sẽ giống với vạn vật. Thái Nhâm, mẹ của Văn Vương, có thể nói là hiểu được cái đạo lý lấy vạn vật để giáo hóa.

Thái Tự là mẹ của Chu Vũ Vương, là con gái của bộ tộc Hữu Sằn. Bà là người nhân hậu mà lại hiểu biết lý lẽ. Bà được Văn Vương khen ngợi, đích thân đến sông Vị Thủy nghênh đón, đóng thuyền làm cầu. Sau khi xuất giá và học hỏi Thái Khương, Thái Nhậm, bà cần cù làm việc cả ngày, tận tụy với đạo làm vợ. Thái Tự hiệu là Văn Mẫu. Văn Vương quản lý bên ngoài còn Văn Mẫu quản lý bên trong. Thái Tự tổng cộng sinh được mười người con trai. Con trai trưởng là Bá Ấp Khảo. Chín người con còn lại là: Chu Vũ Vương Cơ Phát, Chu Công Đán, Quản Thúc Tiên, Sài Thúc Độ, Thúc Chấn Đạc, Thành Thúc Vũ, Hoắc Thúc Xử, Khang Thúc Phong, Đam Thúc Tái. Thái Tự dạy bảo mười người con trai từ bé tới lớn chưa từng có việc gian tà. Đến khi các con lớn, Văn Vương tiếp nhận việc giáo dục các con, sau này đã tác thành đức hạnh của Vũ Vương và Chu Công. Cho nên quân tử nhận xét rằng Thái Tự rất nhân nghĩa, thông minh có đức hạnh.

Có thơ ca ngợi: Chu thất tam mẫu, Thái Khương Nhâm Tự, văn vũ chi hưng, cái do tư khởi, Thái Tự tối hiền, hiệu viết Văn Mẫu, tam cô chi đức, diệc thậm đại hĩ!

 

(Tạm dịch: Chu thất tam mẫu, Thái Khương Nhậm Tự, Văn Vũ hưng thịnh, do họ mà ra. Thái Tự hiền nhất, hiệu là Văn Mẫu. Đức của ba bà, vô cùng to lớn).

VỆ GIA ĐỊNH KHƯƠNG

Vệ Gia Định Khương là phu nhân của Vệ Định Công, là mẹ của Vệ công tử. Vệ công tử sau khi lấy vợ thì mất, vợ không có con cái. Sau khi chịu tang ba năm, Định Khương để cho vợ của công tử về nhà ngoại và tự mình tiễn tận ngoại ô. Khi chia tay quyến luyến không muốn rời, buồn thương cảm thán, đứng đằng xa trông theo, nước mắt như mưa bèn làm thơ rằng: “Chim én trên trời, dang cánh bay lượn, con đi lấy chồng, tiễn tận ngoại ô, đằng xa trông theo, nước mắt như mưa”. Tiễn con dâu xong về khóc mà trông theo, lại làm thơ rằng: “Thường nhớ tiên quân, khuyến khích bản thân”. Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương là người mẹ chồng hiền từ, phúc hậu.

Vệ Định Công không thích đại thần Tôn Lâm Phụ (Văn Tử), Tôn Lâm Phụ trốn sang nước Tấn. Tấn Hầu sai Khích Sưu đến thỉnh cầu Vệ Định Công để cho Tôn Lâm Phụ trở về nước Vệ. Vệ Định Công không muốn chấp nhận lời thỉnh cầu của nước Tấn. Định Khương nói: “Không thể khước từ, Tôn Lâm Phụ là con cháu đại thần của tiên phụ, hiện nay nước lớn thỉnh cầu cho hắn, nếu không chấp thuận thì đất nước sẽ bị diệt vong. Tuy không thích hắn, nhưng so với họa vong quốc còn tốt hơn nhiều. Đại Vương nên khoan nhượng. Để yên lòng dân, lợi cho đất nước, chẳng nhẽ không được sao!”. Vệ Định Công nghe xong, bèn đồng ý lời thỉnh cầu của nước Tấn. Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương có thể giải trừ tai họa cho đất nước. Có thơ: “Dung mạo cử chỉ đoan trang, gương sáng cho bốn phương các nước” là nói về việc này.

Sau khi Vệ Định Công mất, lập con trai của Kính Tự là Vệ Khản làm Vua nước Vệ, sau này là Vệ Hiến Công. Hiến Công trong lúc chịu tang cha, vô cùng khinh mạn. Định Khương trong lúc nghỉ ngơi sau lúc khóc lóc đã phát hiện Hiến Công không đau buồn, trong lòng buồn rầu không ăn cơm, cảm thán rằng: “Xem ra nó sẽ làm bại hoại nước Vệ, nhất định sẽ làm hại người lương thiện. Đây là trời gieo tai họa cho nước Vệ! Thực là hối hận ta đã không thể để Cơ Chuyên làm chủ xã tắc”. Các đại thần nghe xong đều sợ hãi. Từ đó Tôn Văn Tử (Lâm Phụ) cũng không dám từ bỏ quyền lực ở nước Vệ. Cơ Chuyên tức là Tử Tiên, em trai của Hiến Công là người rất có tài năng. Định Khương muốn lập Tử Tiên lên ngôi Vua mà không thành công.

Sau đó, Vệ Hiến Công vô cùng bạo ngược, rất không tôn trọng Định Khương, cuối cùng bị đuổi khỏi nước Vệ. Trong lúc chạy trốn đến biên giới thì lệnh cho thầy tế cầu xin có thể trốn được, lại cầu khấn với Tổ tiên rằng mình không có tội. Định Khương nói: “Không được cầu khấn như vậy, cho dù không có thần linh, cũng không được vu khống. Có tội sao lại cầu khấn nói là không có tội. Vả lại, ngươi trốn chạy, bỏ trung thần mà mưu kế với kẻ tiểu nhân, đó là tội thứ nhất. Tiên vương có đại thần nước Vệ bảo vệ mà ngươi khinh thường họ, đó là tội thứ hai. Ta lấy đạo làm vợ hầu hạ Tiên Vương, mà lại để kẻ tiểu thiếp hung bạo sai khiến, đó là tội thứ ba. Cầu khấn chỉ được cầu xin trốn được chứ không thể cầu khấn vô tội”. Sau này, nhờ vào công sức của Tử Tiên mà Hiến Công lại được quay lại nước Vệ.

Cho nên Bậc quân tử nói rằng Định Khương giỏi việc dùng lời nói để giáo huấn dạy bảo. Có câu: “Ngã ngôn duy phục” (Lời ta đáng phục) là để chỉ việc này.

Hoàng Nhĩ nước Trịnh đem quân xâm chiếm nước Vệ, Tôn Văn Tử (Lâm Phụ) xem bói xem có nên truy kích tiêu diệt hay không, đem điềm bói được nói với Định Khương rằng: “Xem điềm như có núi rừng, xuất chinh sẽ tổn thất binh lính”. Định Khương nói: “Xuất chinh tổn thất binh lính để chống cự với giặc ngoại xâm là điều tốt, mọi người cần phải vạch kế hoạch cho tốt”. Do vậy, người nước Vệ truy kích quân giặc ở Khuyển Khâu phục kích bắt được Hoàng Nhĩ. Bậc quân tử nói rằng Định Khương thông tình đạt lý. Có câu: “Tả chi ta chi, quân tử nghi chi” (bên trái có người đến phò tá, quân tử ứng phó nên thích nghi) là chỉ việc này.

Có thơ ca ngợi: Vệ gia Định Khương, tống phụ tác thi, ân ái từ huệ, khấp nhi vọng chi, số gián Hiến Công, đắc kỳ tội vưu, thông minh viễn thức, lệ ư văn từ.

 

(Tạm dịch: Vệ gia Định Khương, tiễn dâu làm thơ, từ bi bác ái, khóc mà trông theo. Nhiều lần khuyên Hiến Công, chỉ ra sai sót, nhìn xa trông rộng, khéo ăn khéo nói).

TỀ NỮ PHÓ MẪU

 

Tề nữ Phó mẫu là bảo mẫu của Công chúa nước Tề. Công chúa nước Tề là phu nhân của Vệ Trang Công, mọi người gọi là Trang Khương. Nước Tề và nước Vệ kết giao với nhau nên đem Trang Khương gả cho Vệ Trang Công. Khi mới đến nước Vệ, Trang Khương đức hạnh lười biếng, thường trang điểm diêm dúa lẳng lơ, có tâm phóng túng. Phó mẫu thấy Trang Khương không giữ gìn chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ bèn nói với Trang Khương rằng: “Gia tộc của con đời đời tôn quý và tự hào. Vì vậy, hành vi của con phải là tấm gương cho nhân dân noi theo. Tư chất của con thông minh lại thông hiểu lý lẽ phải làm gương sáng cho mọi người noi theo, không thể không chú ý giọng điệu và dáng vẻ bề ngoài của mình. Quá chú trọng đến trang phục lộng lẫy, quá xem trọng xe cộ xa hoa là không xem trọng hành vi đạo đức vậy” và làm thơ rằng: “Thạc nhân kỳ kỳ,Ý cẩm kỉnh y, Tề hầu chi tử, Vệ hầu chi thê, Đông cung chi muội, Hình hầu chi di, Đàm công duy tư” (Người đẹp đẽ trưởng thành (chỉ Trang Khương). Mặc áo gấm có vân hoa loè loẹt, lại phủ thêm lớp áo mỏng ngoài cho bớt rực rỡ. Nàng là con gái của Vua nước Tề (Tề hầu), là vợ chính của Vua nước Vệ (Vệ hầu), là em gái của Đông cung Thái tử nước Tề, là em vợ của Vua nước Hình (Hình hầu). Còn Vua nước Đàm (Đàm công) là anh rể của nàng), dùng để rèn giũa tâm chí của Trang Khương, mong rằng Trang Khương nâng cao tiết tháo của mình, cho rằng là con của Vua Tề, là vợ của Vua Vệ thì càng không thể có những hành vi tà mỵ. Trang Khương do vậy mà tỉnh ngộ và tăng cường tu dưỡng đức hạnh của mình.

Cho nên bậc quân tử nói rằng Phó mẫu giỏi việc đề phòng những việc chưa xảy ra. Trang Khương là em gái Đông cung Thái tử nước Tề, không có con nên nhận nuôi con trai của Đới Quy (tên là Cơ Hoàn), tức là Vệ Hoàn Công sau này.

Công tử Châu Dụ là con trai người thiếp mà Vệ Trang Công yêu thích, được sự sủng ái của Trang Công nên kiêu căng lại thích việc binh, Trang Công cũng không ngăn cản. Sau này quả nhiên Châu Dụ giết Vệ Hoàn Công. Kinh Thi có câu: “Vô giáo nao thăng mộc (không dạy khỉ leo cây)” là để chỉ việc này.

Có thơ ca ngợi: Tề nữ Phó mẫu, phòng nữ vị nhiên, xưng liệt tiên tổ, mạc bất tôn vinh, tác thi minh chỉ, sứ vô nhục tiên, Trang Khương mẫu muội, tuất năng tu thân.

 

(Tạm dịch: Tề nữ Phó mẫu, phòng việc khi chưa xảy ra, tán tụng Tiên tổ, không ai là không tôn quý, làm thơ chỉ rõ, không được bôi nhọ Tiên tổ, Trang Khương tỉnh ngộ, dốc lòng tu sửa).

 

LỖ QUÝ KÍNH KHƯƠNG

Lỗ Quý Kính Khương là con gái nước Cử, hiệu là Đới Kỷ, vợ của đại phu nước Lỗ Công Phụ Mục Bá, mẹ của Công Văn Bá, là vợ ông họ của Quý Khang Tử. Bà hiểu nhiều biết rộng, tinh thông lễ nghĩa. Mục Bá mất sớm. Bà ở vậy nuôi con thủ tiết thờ chồng. Một lần, Văn Bá đi học về, Kính Khương liếc mắt nhìn, thấy bạn bè theo Văn Bá đi vào nhà, rồi từ bậc thềm đi giật lùi, tay cầm kiếm đứng thẳng, hầu hạ Văn Bá giống như đối với cha và anh vậy. Văn Bá tự cho rằng mình đã trưởng thành. Kính Khương gọi Văn Bá lại mắng rằng: “Ngày xưa khi Chu Vũ Vương bãi triều, dây buộc tất trên chân bị đứt, nhìn xung quanh không thấy ai có thể sai khiến được bèn tự mình cúi xuống buộc lại, do đó có thể thành tựu Vương đạo. Tề Hoàn Công có ba người bạn có thể tranh biện với mình, có năm vị hạ thần có thể khuyên can mình, có 30 người hàng ngày vạch trần sự sai lầm của mình, do vậy mà có thể xây dựng bá nghiệp. Khi Chu Công Đán ăn cơm đã ba lần dừng lại, khi gội đầu dở cũng ba lần vén tóc để tiếp đãi người hiền, còn đem lễ vật đến hang cùng ngõ hẻm để viếng thăm hơn 70 người, do vậy mà có thể duy trì sự thống trị của Vương thất nhà Chu. Hai Thánh một hiền ba người họ đều là những vị Vua có tài năng bá Vương mà chịu hạ mình trước người khác. Người mà họ giao du cũng đều giỏi hơn mình, cho nên bất giác họ cũng giỏi lên. Hiện nay con còn nhỏ, chức vị thấp. Người mà con giao lưu đều là người phục vụ con, rõ ràng là cứ như thế này thì con sẽ không có tiền đồ phát triển gì”.  

Văn Bá nhận sai, từ đó trở đi đều chọn thầy giỏi bạn hiền để phụng dưỡng, chọn những người tuổi cao đức trọng để giao du. Đối với họ, Văn Bá đều chỉnh trang mũ áo, đích thân biếu tặng đồ ăn. Kính Khương bảo: “Văn Khương đã khôn lớn thành người rồi”. Bậc quân tử khen ngợi Kính Khương là người chú ý giáo dục cảm hóa toàn diện. Kinh Thi có câu: “Tể tể đa sỹ, văn vương dĩ ninh” (Nhân sỹ hiền tài đông đúc, Văn Vương dựa vào họ khiến quốc gia yên định) là để chỉ việc này.

Sau này, Văn Bá làm Tướng quốc nước Lỗ, Kính Khương bảo con trai rằng: “Ta bảo con rằng yếu lĩnh trị quốc giống như sợi dọc của vải dệt. Khổ dùng để điều chỉnh đúng sai nên không thể không cứng cỏi. Cho nên người giống như Khổ có thể làm tướng lĩnh. Họa dùng để làm cho đồng đều, làm cho phục tùng, người giống như Họa có thể làm chính quan. Vật dùng để xử lý các việc rườm rà và rộng hẹp dài ngắn, người như Vật có thể làm Đô đại phu. Qua lại dẫn lối, đi về không ngừng, đó là Khổn, người giống Khổn có thể là đại hành nhân (quan ngoại giao). Có thể đưa đi dẫn lại là Tông, người như Tông có thể làm thầy giáo. Có thể làm chủ số lượng nhiều ít là Quân, người như Quân có thể làm nội sử. Có thể kiên cố chính trực, gánh nặng đường xa là Trục, người như Trục có thể làm Tể tướng. Co dãn tùy ý vô cùng tận là Trích, người như Trích chức vị có thể làm đến Tam Công”. Văn Bá nghiêm túc nghe mẹ dạy bảo.

Sau khi bãi triều, Văn Bá về nhà, đi gặp mẹ. Kính Khương đang dệt vải. Văn Bá nói: “Nhà chúng ta như vậy mà mẹ lại phải dệt vải, e là làm cho tổ tiên khiển trách, cho rằng con không phụng dưỡng được mẹ!”. Kính Khương nghe xong bèn than rằng: “Chẳng nhẽ nước Lỗ không còn hy vọng rồi sao! Để con trẻ làm quan mà lại không dạy cho rõ đạo lý làm quan. Nào! Để mẹ bảo cho mà nghe! Ngày xưa các bậc Vua anh minh trị vì nhân dân, chọn nơi đất đai cằn cỗi để cho nhân dân cư trú sinh sống là để cho nhân dân chăm chỉ lao động, như vậy mới cai quản thiên hạ lâu dài được. Bởi vì nhân dân chăm chỉ lao động mới có thể suy nghĩ, vì suy nghĩ mới có thể nảy sinh thiện tâm. Sống trong an nhàn thì sẽ chìm đắm hưởng lạc quá độ, vì quá độ chìm đắm hưởng lạc sẽ quên đi lòng lương thiện, tâm sẽ sinh ác niệm. Đa số người sống ở nơi đất đai phì nhiêu đều không thành tài, là bởi vì quá độ chìm đắm hưởng lạc. Người sống nơi đất đai cằn cỗi thì nhiều nhân nghĩa vì họ có thể chịu khó lao động. Cho nên, thiên tử hàng ngày long trọng nghênh đón ánh mặt trời, cùng với tam công cửu khanh học tập đức hạnh của đất mẹ. Buổi trưa hàng ngày điều tra khảo cứu chính sự, cùng với bá quan xử lý chính sự quốc gia để cho các cấp quan viên xử lý những việc nhân gian. Đến chập tối lại cùng quan Thái sử, Tư tải (quan khảo sát thiên văn) nghiên cứu thiên văn lịch pháp. Sau khi mặt trời lặn phải đôn đốc nữ quan Phi tần chuẩn bị đồ lễ để cúng tế, sau đó mới được đi ngủ.

 

Chư hầu sáng sớm hàng ngày tu tập theo lệnh của Vua, ban ngày phải chăm chỉ điều tra khảo cứu quốc chính, chập tối kiểm tra việc chấp hành hình pháp, buổi tối phải nhắc nhở các thợ bách nghệ để cho họ không sa đắm lười biếng, sau đó mới có thể yên tâm đi nghỉ.

 

Khanh đại phu sáng sớm hàng ngày cân nhắc trách nhiệm công việc của mình, ban ngày phải hoàn thành các việc chính sự, chập tối phải kiểm tra lại những việc đã làm, buổi tối mới xử lý việc nhà, sau đó mới được yên tâm nghỉ ngơi.

 

Kẻ sĩ sáng sớm hàng ngày phải suy nghĩ đến học vấn, ban ngày chăm chỉ học hành, chập tối ôn tập lại những gì đã học, buổi tối suy xét cả ngày có lỗi lầm không, không có điều hối tiếc thì sau đó mới yên tâm ngủ nghỉ.

 

Dân thường thì trời sáng dậy đi làm, trời tối thì nghỉ ngơi, hàng ngày lao động không lười biếng.

 

Vương Hậu tự bện chùm tua rủ hai bên mũ, phu nhân của công hầu thì thêm tua quai mũ, vợ của khanh đại phu làm đai lớn, mệnh phụ làm lễ phục, vợ của kẻ sĩ thì làm thêm triều phục, từ bình dân bách tính trở xuống đều không ngừng cố gắng để cho chồng có quần áo để mặc. Thờ cúng vào mùa xuân, mùa đông thì mọi người đều có việc, trai gái mỗi người có nhiệm vụ của mình, không thể hoàn thành thì sẽ bị trách phạt, đây là chế độ từ xưa đã có. Người đời lao tâm khổ chí, người bình thường bỏ sức, đây là lời giáo huấn của Tiên đế. Từ trên xuống dưới, không có người nào dám thích hưởng thụ an nhàn mà không bỏ sức lực.

 

Hiện nay, mẹ chỉ là một người đàn bà góa chồng, còn địa vị của con cũng không cao. Cho nên hàng ngày mẹ làm việc không quản ngày đêm mà còn sợ sẽ quên đi sự nghiệp của Tổ tiên, nếu như lười biếng thì không biết sẽ bị trừng phạt như thế nào! Mẹ mong con hàng ngày có thể gắng sức, nhắc con rằng nhất định không được phụ lòng kỳ vọng của Tổ tiên, mà con hỏi mẹ tại sao không an nhàn hưởng phúc. Con lấy cái tâm này mà ham muốn làm quan thì mẹ e là nhà Mục Bá phải tuyệt hậu rồi!”.

Sau khi Khổng Tử biết được việc này bèn nói: “Các đệ tử hãy ghi nhớ, vợ của Công Phụ Mục Bá không ham muốn hưởng thụ an nhàn!”. Kinh Thi có câu: “Phụ vô công sự, hưu kỳ tàm chức” là nói người phụ nữ lấy việc dệt vải là việc chính. Phụ nữ không có việc gì để làm, không dệt vải là hành vi không hợp lễ phép.

Văn Bá mời Nam Cung Kính Thúc uống rượu, Lộ Đổ Phụ là khách quý, bưng cho Đổ Phụ con ba ba rất bé. Đổ Phụ sau khi nhìn thấy vô cùng tức giận, mọi người mời ăn ba ba, Đổ Phụ khước từ rằng: “Đợi sau khi ba ba lớn ta sẽ ăn!”, thế rồi phẩy tay áo bỏ đi. Sau khi Kính Khương biết được thì vô cùng tức giận nói: “Ta nghe ông nội của con từng nói, cúng tế là để cúng dường người được cúng dường, mời khách là để cúng dường khách quý. Ba ba đối với người mà nói thì có đáng gì. Sao có thể vì việc này để khách quý không vui”, thế là đuổi Văn Bá ra khỏi nhà. Năm ngày sau, các đại phu nước Lỗ cầu xin cho Văn Bá, cuối cùng mới được về nhà. Cho nên bậc quân tử nói Kính Khương vô cùng cẩn thận ngay cả với những việc nhỏ nhặt. Kinh Thi có câu: “Ngã hữu chỉ tửu, gia tân thức yến dĩ lạc” (Ta có rượu ngọt, khách uống cùng vui), đây là nói phải tôn trọng khách.

Sau khi Văn Bá mất, Kính Khương khuyên bảo thê thiếp của Văn Bá rằng: “Ta nghe nói rằng người con trai mà lo việc trong nhà sẽ vì thê thiếp mà chết, lo việc bên ngoài sẽ vì kẻ sĩ mà chết. Hiện nay, con ta đã mất, ta không vui khi người đời nói rằng con ta vì thê thiếp mà mất. Điều này cũng là nỗi nhục của các con. Khi cúng tế không để lộ bộ dạng tiều tụy, không được rơi nước mắt, không đươc đấm ngực kêu khóc, không được lo buồn, chỉ được giảm bớt các yêu cầu về tang chế, không được nâng cao yêu cầu về tang chế, căn cứ theo lễ nghi mà nên yên lặng nghiêm trang, như vậy mới thực sự kính trọng con ta”.

Sau khi Khổng Tử biết được bèn nói: “Hiểu được người phụ nữ không ai bằng phụ nữ, hiểu được người đàn ông không ai bằng người đàn ông. Vợ Mục Bá đều hiểu hết. Việc này thể hiện cái đức tề gia của bà”

Kinh Thi có câu: “Quân tử hữu cốc, di quyết tôn tử” (phúc đức của người quân tử để lại cho con cháu) là để nói về việc này.

Kính Khương chịu tang, sáng khóc Mục Bá, chiều khóc Văn Bá. Khổng Tử biết được bèn nói: “Vợ Mục Bá thực sự là biết lễ nghĩa, đều yêu thương chồng con, nhưng không thiên vị ai, trên dưới có quy củ phép tắc”.

Cháu trai Kính Khương là Quý Khang Tử làm quan chấp chính trong triều, lại là tộc trưởng. Khi lên triều, Khang Tử có nói chuyện với Kính Khương, Kính Khương không trả lời. Khang tử đi theo bà đến tận cửa phòng, lại hỏi bà lần nữa, Kính Khương không trả lời mà bước vào phòng. Sau khi Khang Tử bái triều về liền đi gặp Kính Khương nói rằng: “Cháu không thấy bà căn dặn gì? Có phải có chỗ đắc tội với bà không ạ?”. Kính Khương nói: “Cháu không nghe nói sao! Khi Vua với chư hầu nghị sự là ở triều nội. Các quan từ khanh đại phu trở xuống là ở ngoài triều. Khi nói truyện nhà là ở phòng trong, mà sau cửa phòng ngủ mới là nơi người phụ nữ quản lý. Ngoài triều cháu là quan, nội triều cháu là tộc trưởng chủ trì gia tộc Quý thị, đều là nhưng nơi mà ta dám nói chuyện”.

Khang Tử đến chỗ Kính Khương, đều ở ngoài cửa nói chuyện với bà, không bao giờ vượt quá giới hạn. Khi cúng tế truy điệu con, Khang Tử tham gia, Kính Khương không đích thân nhận rượu đáp lễ của Khang Tử, cúng xong không cùng Khang Tử ăn uống, khi không có mặt của chủ tế thì không cùng Khang Tử cúng tế, cúng xong, ăn uống chưa xong Kính Khương đã dời đi. Khổng Tử nói rằng Kính Khương có thể phân biệt lễ nghĩa nam nữ. Kinh Thi có câu: “Nữ dã bất sảng” (người nữ không có gì sai trái) là nói điều này.

Có thơ ca ngợi: Văn Bá chi mẫu, hiệu viết Kính Khương, thông đạt tri lễ, đức hạnh quang minh, khuông tử quá thất, giáo dĩ pháp lý, Trọng Ni hiền yên, liệt vi từ mẫu.

 

(Tạm dịch: Mẹ của Văn Bá, hiệu là Kính Khương, thông đạt lễ nghĩa, đức hạnh quang minh, dạy con sửa sai, dạy cho phép tắc, Khổng Tử khen ngợi, xếp hàng từ mẫu).

SỞ TỬ PHÁT MẪU

Sở Tử Phát mẫu là mẹ của Sở Tương Tử Phát. Khi Tử Phát công đánh nước Tần bị thiếu lương thực, cử người thỉnh cầu với Vua nước Sở, nhân tiện cũng cho sứ giả đến nhà hỏi thăm mẹ. Mẹ Tử Phát hỏi sứ giả rằng: “Binh lính không có việc gì chứ?”. Sứ giả đáp: “Đã không còn lương thực, binh lính đành chia nhau hạt đậu để ăn”. Mẹ Tử Phát lại hỏi: “Vậy Tướng quân của các người thì sao?”. Sứ giả đáp: “Tướng quân sớm tối đều có đủ lương thực và thịt”.

Cuối cùng Tử Phát cũng đánh bại quân Tần. Khi trở về, mẹ Tử Phát đóng cửa không cho vào nhà, cử người trách cứ rằng: “Con chưa nghe Việt Vương Câu Tiễn đánh Ngô ư? Có người khách dâng một vò rượu ngon, Việt Vương sai người mang rượu đổ xuống đầu nguồn dòng sông để cho binh sĩ ở hạ lưu cùng uống, đương nhiên mùi vị của rượu sẽ không được ngon, nhưng khi binh sĩ đánh giặc thì một người bằng năm người. Có một hôm, có người dâng một túi lương khô, Việt Vương lại đem chút lương khô này ban cho binh sĩ để cho mọi người cùng ăn. Tất nhiên mỗi người được rất ít, có lẽ mọi người không nếm được ra là mùi vị gì, nhưng khi đánh giặc, một người bằng mười người. Hiện nay, con làm Tướng quân, binh lính phải chia đậu để ăn, chỉ mình con sớm tối có thịt, có lương thực để ăn. Tại sao lại như vậy? Không phải là Kinh Thi có nói: “Háo lạc vô hoang, lương sĩ hưu hưu” (thích vui chơi nhưng không thái quá, đây là điều mà người có lương tâm nên cảnh giác), ý nói làm gì cũng phải đúng mực. Để người khác ra vào nơi sống chết, mà mình lại ở trên hưởng vui thú một mình. Tuy may mà chiến thắng, nhưng không phải do con có bản lĩnh. Con không phải là con của ta, đừng bước vào nhà ta”. Tử Phát vội vàng tạ tội với mẹ, sau đó mẹ mới để Tử Phát về nhà. Cho nên bậc quân tử nói mẹ của Tử Phát giỏi việc giáo huấn. Kinh Thi có câu: “Giáo hối nhĩ tử, thức cốc tự chi” (dùng điều thiện để dạy bảo con cái) là để nói việc này.

Có thơ khen rằng: Tử Phát chi mẫu, thích tử kiêu thái, tướng quân đạo lương, sĩ tốt thúc lạp, trách dĩ vô lễ, bất đắc nhân lực, quân tử gia yên, biên ư mẫu đức.

(Tạm dịch: Mẹ của Tử Phát, răn con kiêu ngạo, tướng quân ăn no, binh lính chịu đói, trách con vô lễ, không được lòng người, người đời biết chuyện, viết chuyện mẫu đức).

TRÂU MẠNH KHA MẪU

Mẹ của Mạnh Tử nước Trâu, tên hiệu là Mạnh Mẫu. Nhà bà ở gần một khu nghĩa địa. Lúc Mạnh Tử còn nhỏ, rất thích chơi trong nghĩa địa, lấy việc đào mộ và chôn cất làm trò chơi. Sau khi Mạnh Mẫu nhìn thấy bèn nói: “Nơi này không phải là nơi mà ta và con ta ở được” bèn chuyển đến sống ở cạnh một khu chợ. Sau khi Mạnh Tử tới đây, khi bày trò chơi thường bắt chước người bán hàng giao hàng khắp phố. Sau khi Mạnh Mẫu nhìn thấy bèn nói: “Nơi này không thích hợp để ta và con ta cư trú”, thế là lại dẫn con chuyển nhà đến ở cạnh trường học. Sau khi Mạnh Tử đến đây, khi bày trò chơi thường tập luyện lễ nghi cúi chào, nhường nhịn, lùi bước. Sau khi Mạnh Mẫu nhìn thấy bèn nói: “Đây mới là nơi ta và con ta ở được”. Thế là sinh sống ở nơi này. Đến khi Mạnh Tử trưởng thành, Mạnh Tử học tập lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp), số (toán pháp) sáu môn kỹ thuật thiết yếu, sau trở thành học giả nổi tiếng.

Cho nên bậc quân tử nói rằng Mạnh Mẫu giỏi việc giáo dục để có được sự thay đổi âm thầm bất ngờ. Trong Kinh Thi có câu: “Bỉ thù giả tử, hà dĩ dư chi” (người đẹp kia ơi! Ta lấy gì tặng người đây!) là để nói chuyện này.

Mạnh Tử thời niên thiếu, có lần đi học không lâu bèn về nhà. Khi đó Mạnh Mẫu đang ngồi dệt vải, hỏi Mạnh Tử rằng: “Việc học của con thế nào rồi?”. Mạnh Tử đáp: “Vẫn như trước đây ạ!”. Mạnh Mẫu nghe xong liền dùng dao chặt đứt mảnh vải trên khung cửi. Mạnh Tử kinh ngạc với hành động của mẹ, hỏi mẹ sao lại làm vậy. Mạnh Mẫu bảo rằng: “Con bỏ bê việc học tập cũng giống như mẹ cắt tấm vải. Người quân tử chân chính thông qua việc học để có tri thức, thông qua việc nêu câu hỏi để mở mang trí tuệ, tĩnh thì được yên ổn, động thì tránh xa tai họa. Hiện nay con bỏ bê việc học tập thì sau này không tránh được việc trở thành nô lệ cho người khác, mà không thể tránh khỏi tai họa. Giống như mẹ phải dệt vải mới có cơm ăn, nếu như bỏ bê giữa chừng không làm việc thì nhà ta sao có quần áo, nhà ta sao có lương thực để ăn! Người phụ nữ bỏ bê thì sẽ không có cơm ăn, người đàn ông bỏ bê thì sẽ sa ngã mà không có đạo đức. Như vậy, nếu không thành kẻ cướp thì cũng thành kẻ bị người khác sai khiến”.

Sau khi nghe xong Mạnh Tử vô cùng kinh sợ, từ đó trở đi hàng ngày từ sáng đến tối đều chăm chỉ học hành không ngừng. Manh Tử lạy Tử Tư làm thầy, trải qua việc cố gắng không mệt mỏi cuối cùng trở thành một nhà nho lớn trong thiên hạ. Cho nên bậc quân tử nói rằng Mạnh Mẫu biết đạo lý của người làm mẹ. Trong Kinh Thi có câu: “Bỉ thù giả tử, hà dĩ cáo chi” (Người đẹp kia ơi! Ta lấy gì báo cáo người đây) ý là để nói việc này.

Sau khi Mạnh Tử lấy vợ, có một lần, khi ông vào phòng ngủ, thấy vợ ông lõa thể trong phòng. Mạnh Tử không vui bèn bỏ đi không vào phòng nữa. Vợ Mạnh Tử cáo từ với Mạnh Mẫu yêu cầu rời khỏi nhà họ Mạnh rằng: “Con nghe nói đạo vợ chồng không đem phòng ngủ bao gồm bên trong. Hiện nay con một mình trong phòng ngủ có chút buông thả, chồng con nhìn thấy lại rất không vui, như vậy là coi con như khách. Nhìn từ phương diện lễ nghĩa của người vợ, làm người vợ ở nhà thì không câu thúc như đối với khách. Cho nên, xin hãy để con về nhà mẹ đẻ”. Thế là Mạnh Mẫu gọi Mạnh Tử đến, nói với Mạnh Tử rằng: “Theo quy tắc lễ nghĩa, khi sắp vào cổng phải hỏi ai có nhà. Đây là để chào hỏi người trong nhà. Khi sắp vào phòng khách, nhất định lớn tiếng chào hỏi, ý là thông báo cho người trong nhà. Khi sắp vào phòng trong thì mắt nhất định phải nhìn xuống dưới, là tránh nhìn thấy những điều sơ suất của người ta. Hiện nay con không nghiêm túc thể nghiệm lễ nghĩa, lại dùng lễ nghĩa để trách cứ người khác, đây không phải là xa lánh lễ nghĩa sao?”. Mạnh Tử nghe mẹ nói xong vội vàng tạ tội, thế là giữ vợ lại. Bậc quân tử cho rằng Mạnh Mẫu thực sự biết lễ nghĩa lại hiểu rõ đạo lý mẹ chồng nàng dâu.

Khi Mạnh Tử ở nước Tề, trên mặt có nỗi lo âu. Mạnh Mẫu thấy vậy bèn hỏi: “Hình như con có nỗi lo âu là vì sao vậy?”. Mạnh Tử đáp: “Cũng không có gì ạ”. Hôm khác khi nhàn rỗi, Mạnh Tử ôm cột nhà mà than thở. Mạnh Mẫu sau khi thấy vậy liền nói: “Trước đây thấy sắc mặt con lo lắng, con nói là không có gì. Nay con ôm cột nhà than thở là bởi cớ làm sao?”. Mạnh Tử trả lời mẹ rằng: “Con nghe nói, người quân tử dựa vào tài năng của mình mà chọn lựa vị trí thích hợp, sẽ không sống tạm mà nhận sự ban thưởng, không tham luyến vinh hoa và bổng lộc. Khi Chư hầu không nghe kiến nghị thì sẽ không truyền đạt lời kiến nghị, và khi nghe lời kiến nghị mà không dùng thì triều đình sẽ không thực hiện. Hiện nay nước Tề không thu nạp đạo nghĩa nên con muốn đi xa một chuyến. Tuy nhiên, mẹ tuổi đã cao nên con mới cảm thấy lo âu”. Mạnh Mẫu nói: “Lễ nghĩa của người phụ nữ chẳng qua là nấu nướng cơm nước cho gia đình, nấu rượu cúng tế, phụng dưỡng cha mẹ chồng, may vá quần áo mà thôi. Cho nên chỉ là những việc chốn khuê phòng chứ không có chí hướng nào khác. Kinh Dịch có nói: “Tại trung quĩ, vô du toại” (ý nói người phụ nữ ở nhà việc chủ yếu là bếp núc, cơm nước nước cho gia đình). Kinh Thi có câu: “Vô phi vô nghi, duy tửu thực thị nghị” (người phụ nữ không có tư tưởng tự ý quyết định, chỉ tuân theo tam tòng tứ đức). Cho nên mới nói người phụ nữ chưa lấy chồng thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Đây là lễ nghi của người phụ nữ. Hiện nay con đã trưởng thành mà ta thì đã già. Con làm theo lễ nghi của con. Ta làm theo lễ nghi của ta”.

Bậc quân tử nói rằng Mạnh Mẫu hiểu nhất là đạo lý của người phụ nữ. Kinh Thi có câu: “Tải sắc tải tiếu, phỉ nộ phỉ giáo” (giáo dục bằng tình yêu, không giáo dục bằng đòn roi) là để nói mẹ của Mạnh Tử.

Có thơ khen rằng: Mạnh Tử chi mẫu, giáo hóa liệt phân, xứ tử trạch nghệ, sứ tùng đại luân, tử học bất tiến, đoạn cơ thị yên, tử toại thành đức, vi đương thế quán.

 

(Tạm dịch: Mẹ của Mạnh Tử không ngừng dạy bảo, chọn nhà cho con, để con hiểu đạo. Con học không thông, chặt vải cảnh tỉnh, sau con thành danh, đệ nhất đương thời).

LỖ CHI MẪU SƯ

 

Mẫu Sư là quả phụ có chín người con trai ở nước Lỗ. Vào tiết Lạp Bát (ngày 8 tháng 12 âm lịch) sau khi làm xong việc nhà, hoàn thành việc cúng tế, bà bèn gọi các con đến rồi bảo: “Đạo của người phụ nữ là không có việc quan trọng thì không được ra khỏi nhà chồng. Nhưng nhà mẹ đẻ của ta con cháu còn nhỏ, các nghi lễ cuối năm vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ, ta phải cùng các con về giúp chúng”. Các con bà đều gật đầu đồng ý. Bà lại gọi các con dâu lại bảo rằng: “Người phụ nữ có đạo tam tòng, không được làm theo ý mình. Khi chưa lấy chồng thì theo cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Hiện nay các con ta đều đồng ý cho ta về nhà mẹ đẻ. Việc này tuy đã vượt quá phép tắc nhưng ta muốn con trai út cùng đi, như vậy mới hợp với phép tắc đi về của người phụ nữ. Các con phải cẩn thận trông coi nhà cửa của mình, đến chập tối ta sẽ trở về”. Thế là bà cùng người con trai út cùng về nhà mẹ đẻ giải quyết việc nhà. Do trời âm u, khi quay về trời vẫn còn sớm, chưa đến chập tối. Vì thế, khi bà đến ngoài thôn thì dừng lại, đợi đến khi chập tối mới về nhà.

Đại phu nước Lỗ đứng trên đài cao nhìn thấy việc này, cho là kỳ lạ bèn sai người hầu không làm phiền bà mà chỉ theo dõi tình hình của nhà bà. Người hầu thấy khi bà ở nhà thì vô cùng chú trọng lễ tiết, việc trong nhà đều đâu vào đấy. Người hầu sau khi quay về đem những điều thấy được báo cáo lại đúng sự thật. Vì thế, đại phu cho gọi bà đến, hỏi bà rằng: “Có một hôm bà từ hướng bắc về nhà. Đến ngoài thôn thì dừng lại ở đó một lúc lâu cho đến khi trời tối mới về nhà. Ta không biết là nguyên cớ làm sao, cảm thấy rất kỳ lạ, do vậy ta muốn biết tại sao”. Mẫu sư đáp: “Thiếp bất hạnh, chồng mất sớm, sống với chín đứa con. Tiết Lạp bát, làm xong việc nhà theo lễ nghi rồi cùng con trai về nhà mẹ đẻ trợ giúp. Khi đi có bảo với các con dâu là trời chập tối sẽ về nhà. Thiếp sợ lúc tụ họp ăn uống no say sẽ có điều thất thố. Đây là việc thường tình của con người. Nhưng khi trở về thời gian còn sớm nên lúc đó không dám về nhà, cho nên dừng ở ngoài thôn, đợi đến giờ hẹn mới dám về nhà”.

Sau khi nghe xong đại phu vô cùng cảm động, bèn đem việc này kể cho Mục Công. Mục Công ban phong cho bà danh hiệu “Mẫu sư”, để bà vào triều yết kiến phu nhân của mình, phu nhân và các cung nữ đều lạy bà làm thầy. Bậc quân tử nói rằng Mẫu sư giỏi việc giáo dục người khác bằng hành động gương mẫu. Lễ nghĩa phép tắc, phụ nữ chưa chồng thì coi cha mẹ là trời, lấy chồng thì coi trồng là trời, nếu cha mẹ đã mất thì hiếu phục giảm một cấp, ý nghĩa là không còn hai trời. Cho nên Kinh thi có nói: “Xuất túc ư di, ẩm tiễn ư di, nữ tử hữu hạnh, viễn phụ mẫu huynh đệ” (ý đại lược là: Người phụ nữ đi lấy chồng, xa lìa cha mẹ anh em).

Có thơ khen rằng: cửu tử chi mẫu, thành tri lễ kinh, yết quy hoàn phản, bất yểm nhân tình, đức hạnh ký bị, tuất mông kỳ vinh, Lỗ quân hiền chi, hiệu dĩ tôn danh.

(Tạm dịch: Mẹ của chín con, thành tín lễ nghĩa, giữ lễ việc nhỏ, đức hạnh song toàn, có đức có hạnh, sau được vinh hạnh, vua Lỗ khen ngợi, phong cho danh hiệu).

NGỤY MANG TỪ MẪU

Ngụy Mang từ mẫu là con gái của Mạnh Dương thị nước Ngụy, là vợ kế của Mang Mão. Bà có ba người con, vợ trước có năm người con, đều không yêu mến bà. Tuy từ mẫu đối xử với chúng rất tốt, nhưng chúng vẫn không yêu mến bà. Thế là Từ mẫu để cho con đẻ của mình ăn mặc khác với năm người con của vợ trước, cuộc sống sinh hoạt kém xa với con của người vợ trước, nhưng con của người vợ trước vẫn không yêu mến bà. Sau này, một người con của người vợ trước vi phạm pháp luật của Vua Ngụy bị xử tội chết. Từ mẫu vô cùng lo âu, do vậy gầy rộc người đi, vòng eo giảm hơn thước, hàng ngày bận rộn bôn ba khắp nơi để cứu đứa con phạm tội. Có người nói với Từ mẫu: “Con người ta vốn không quý mến bà. Sao bà lại vì chuyện của nó mà bận tâm lo lắng đến mức này?”. Từ mẫu nói: “Nếu như là con đẻ của ta, cho dù không yêu quý ta, ta cũng phải cứu nó, giúp nó tránh khỏi tai họa. Đối với con của vợ trước lại không làm như vậy thì có khác gì với những người vợ kế bình thường! Cha của chúng do chúng mất mẹ trở thành mồ côi nên mới lấy ta làm mẹ kế của chúng. Mẹ kế cũng là mẹ. Người làm mẹ mà không yêu con. Vậy có được coi là từ ái không! Chỉ yêu thương con đẻ của mình, không yêu thương con vợ trước của chồng. Vậy có được coi là nhân không! Không từ ái lại không nhân nghĩa, sao có thể đứng trong thế gian. Tuy chúng không yêu quý ta, nhưng ta sao có thể quên hết nhân nghĩa được!”. Thế là vẫn bôn ba khắp nơi để cứu con chồng.

Ngụy An Ly Vương biết được việc này, thấy bà là người cao thượng lại có tình nghĩa, bèn nói: “Có người mẹ hiền như này, sao có thể không cứu con của bà!”, thế rồi tha người con phạm tội, thả nó về nhà. Từ đó về sau, năm người con của vợ trước thân cận, nương tựa vào Từ mẫu, cả nhà vui vẻ hòa thuận. Từ mẫu thường dùng lễ nghĩa tận tâm dạy bảo tám người con. Sau này họ đều trở thành các quan đại phu, khanh sĩ của nước Ngụy. Mỗi người đều tự lấy lễ nghĩa để lập thân, có được thành tựu.

Bậc quân tử nói Từ mẫu có thể dùng một tấm lòng để nuôi dưỡng các con. Kinh Thi có nói: Thi cưu tại tang, kỳ tử thất hề. Thục nhân quân tử, kỳ nghi nhất hề, kỳ nghi nhất hề, tâm như kết hề (Chim cú nó đậu cành dâu, thêm đàn cu nhỏ đếm đầu bảy con. Thục nhân quân tử sắt son, trước sau như một há mòn mỏi vay, trước sau một dạ chẳng thay, như gắn như bó, lòng này thủy chung). Ý nói nhân tâm đồng nhất, chim cu dùng cái tâm như nhau để nuôi bảy con. Người quân tử dùng lễ nghĩa như nhau để dưỡng dục vạn vật. Một lòng có thể phụng sự trăm Vua, mà trăm tấm lòng (trăm tư tưởng) không thể phụng sự một Vua là có ý nói điều này.

Có thơ khen rằng: Mang Mão chi thê, ngũ tử hậu mẫu, từ huệ nhân nghĩa, phù dưỡng giả tử, tuy bất ngô ái, quyền quyền nhược thân, kế mẫu nhược tư, diệc thành khả tôn.

 

(Tạm dịch: Vợ của Mang Mão, mẹ kế năm con, hiền từ nhân nghĩa, nuôi dưỡng con chồng, tuy không yêu mình, vẫn coi như con đẻ, mẹ kế như vậy, đáng được tôn kính).

TỀ ĐIỀN TẮC MẪU

 

Tề Điền Tắc mẫu là mẹ của Điền Tắc nước Tề. Khi Điền Tắc làm Tể tướng nước Tề thì nhận hối lộ của thuộc hạ hai ngàn lượng vàng. Ông đem vàng về dâng cho mẹ. Mẹ nói: “Con làm Tể tướng ba năm rồi, bổng lộc chưa bao giờ nhiều như thế. Chẳng nhẽ là nhận vàng của thuộc hạ! Số vàng này rốt cuộc là từ đâu mà có?” Điền Tắc trả lời mẹ: “Như lời mẹ nói, là nhận của thuộc hạ”.

Mẹ ông nói: “Mẹ nghe nói người trí thức luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, tự trọng và giữ mình trong sạch, không tùy tiện lấy những thứ của cải của người khác. Họ trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không bao giờ nghĩ tới những việc bất nghĩa, trong nhà không bao giờ có những thứ của cải bất nhân bất nghĩa. Lời nói và việc làm phải như nhau, trong lòng với bề ngoài phải tương đồng. Nay Vua đã cho con làm quan, ban cho nhiều bổng lộc. Lời nói và việc làm phải như nhau thì mới có thể báo đáp sự tín nhiệm của Vua. Kẻ làm bề tôi phải phụng sự Vua của họ, giống như con cái phụng sự cha mẹ, phải tận tâm tận sức, chú trọng sự trung thành, không dối trá, phải tận trung với Vua, cho dù chết cũng phải làm theo lệnh Vua, phải liêm khiết công minh chính trực mới không có tai họa. Hiện nay con lại làm điều ngược lại, làm như vậy là xa lánh với trung thành. Làm bề tôi mà không thể tận trung thì giống như làm con mà bất hiếu. Thứ tài sản bất nghĩa này không phải là thứ ta cần, đứa con bất hiếu, cũng không phải là con ta, con hãy đi đi”.

Điền Tắc nghe xong thì vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng ấy, còn lập tức đến triều đình tự thú nhận lỗi lầm, thỉnh cầu nhà Vua xử phạt. Tề Tuyên Vương nghe xong, hết sức tán thưởng nghĩa khí và đạo đức của mẹ Điền Tắc. Vì vậy xá tội cho Điền Tắc, vẫn cho làm Tể tướng và ban thưởng cho mẹ của Điền Tắc.

Bậc quân tử nói mẹ của Điền Tắc liêm khiết lại giỏi việc giáo dục. Kinh Thi có câu: “Bỉ quân tử hề, bất tố tôn hề” (Người quân tử kia, không thể ngồi không mà ăn), ý nói đến việc không công lao mà nhận bổng lộc, thì người quân tử sẽ không làm, huống chi là việc nhận tiền của người khác hối lộ.

Có thơ khen rằng: Điền Tắc chi mẫu, liêm khiết chính trực, trách tử thụ kim, dĩ vi bất đức, trung hiếu chi sự, tận tài kiệt lực, quân tử thụ lộc, chung bất tố thực.

 

(Tạm dịch: Mẹ của Điền Tắc, liêm khiết chính trực, trách con nhận vàng, cho là bất đức, những việc trung hiếu, tận tâm tận sức, quân tử nhận lộc, không thể ăn không).