CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 15: Việc quan trọng nhất của việc tu phước tu huệ là tu tốt cái tâm này.
Ngày 27 tháng 09 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng ta học đến Thái Thượng Cảm Ứng Thiên câu “Thị dĩ thiên địa hữu ti quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán”. Câu kinh văn này nói trời đất có “ti quá chi thần”, trên thực tế đây cũng là sự từ bi của ông trời. Bởi vì có những thần minh giám sát lỗi lầm này, chúng ta khởi tâm động niệm mới biết cảnh giác từng lời nói, việc làm, không dám phóng túng.
Cho nên chúng ta phải nên cảm ơn sự hộ niệm của những thần này trong trời đất, chứ không phải cảm thấy không thoải mái, “tại sao lại quản tôi chứ?”. Đó là các ngài muốn thành tựu cho chúng ta, là muốn hộ niệm chúng ta, giống như trong quá trình trưởng thành của chúng ta, cha mẹ là người thương yêu chúng ta nhất. Cho nên người ta điên đảo chỗ nào? Đối với người thương yêu chúng ta nhất, lại còn oán hận họ, còn thấy họ gây phiền phức. Điên đảo chính tại những chỗ này, chúng ta phải quán chiếu thấy. Từ trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, chúng ta có thể cảm nhận được câu“hướng bối quai nghi” (hành xử không thích đáng), người đối tốt với chúng ta, chúng ta lại tránh xa họ; người sẽ hại chúng ta, những bè đảng xấu ác, bạn bè rượu thịt này, chúng ta đối với họ lại thích thú vô cùng. Cho nên nói tới “thiên địa hữu ti quá chi thần”, chúng ta phải nên sanh khởi tâm cảm ơn các ngài.
Bởi vì sự giám sát của các thần trong trời đất là hết sức nghiêm mật, chúng ta hiểu rằng “nhân gian tư ngữ” (những lời nói riêng tư của người nhân gian) giữa người và người nói chuyện rất nhỏ tiếng, trời cao nghe giống như “thiên văn nhược lôi”, nghe rõ ràng như sấm vậy. “Ám thất khuy tâm”, chúng ta cảm thấy ở trong phòng tối không có ai nhìn thấy, làm những chuyện trái nghịch lương tâm, “ám thất khuy tâm, thần mục như điện” (khởi tà tâm trong phòng tối, mắt thần sáng như điện), những thần minh này đều nhìn thấy hết sức rõ ràng. Từ những chân tướng này, tâm kính sợ của con người chúng ta liền có thể khởi lên được. Và các ngài đang giám sát, “y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán”, người phạm tội nhẹ, tội khá là nhỏ, thì “đoạt nhân toán”, “toán” là chỉ thọ mạng 100 ngày, “kỉ” là 12 năm. Lỗi nhỏ, có thể thọ mạng sẽ bị hao tổn 100 ngày; phạm tội lớn, thọ mạng có thể sẽ giảm bớt 12 năm. Quý vị đồng nhân có muốn bị đoạt toán không? Không muốn.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một câu nói hết sức quan trọng: “Người chưa thể vô tâm sẽ bị âm dương xoay chuyển, làm sao không có số mạng?”. Làm sao có thể không bị quỷ thần giám sát được, không bị đoạt kỉ toán được? Người tạo nghiệp từ đâu mà ra? Từ ngã tham, ngã sân, ngã si, ngã mạn, từ cái “tôi” (ngã) này mà ra. Người thật sự vô ngã rồi thì trời đất quỷ thần sẽ không quản họ được nữa, bởi vì họ không phạm lỗi nữa. Người vô ngã luôn hy sinh phụng hiến, không chỉ quỷ thần không quản họ mà quỷ thần hộ niệm họ, sùng kính họ, khâm phục họ. Cho nên tu học trước hết phải phá ngã chấp, phải buông bỏ tự tư tự lợi.
Sự giám sát của trời đất quỷ thần là hết sức rành mạch, con người chúng ta có lúc còn chưa chắc nhìn được chuẩn xác. Vào thời Minh, có một thư sinh tên là Vương Dụng Dư, ông phụng sự Văn Xương Đế Quân hết sức cung kính. Trong vùng của ông có hai thư sinh đặc biệt được tôn sùng, một người là Du Lân, một người là Úc Tùng Chu. Du Lân là hiếu tử nổi tiếng, thậm chí còn có những người học trò từ các vùng khác đem cặp sách đến thân cận ông, đến học tập ông. Ngoài ra một vị là Úc Tùng Chu, khẩu tài (tài ăn nói) hết sức lưu loát, biện tài vô ngại, hạ bút như thần, đặt bút xuống là viết ra ngay bài văn mấy ngàn chữ, láng giềng phụ lão trong vùng nhìn vào đều cảm thấy bái phục sát đất. Hai thư sinh này đặc biệt được người trong vùng tôn sùng. Có một hôm, Vương Dụng Dư đến miếu của Văn Xương Đế Quân, bởi vì hôm sau có lễ mừng, ông qua đó trước một hôm để chuẩn bị. Tối hôm đó ông nằm mơ thấy mình đi đến hành cung của Văn Xương Đế Quân. Vừa hay hôm đó, Thành hoàng, quỷ thần khắp các nơi đều hội tụ đến thảo luận về bảng công danh hội thi hương năm nay. Thi hương là kì thi trong cả tỉnh; thi đình là kì thi trong cả quốc gia. Chúng ta nói “cử nhân” là người thi đậu kì thi trong cả tỉnh, “tiến sĩ” là người thi đậu kì thi trong cả nước. Thi đậu cử nhân mới có thể thi tiến sĩ. Lần này là kì thi trong tỉnh họ.
Có rất nhiều quỷ thần tụ hội về, trong đó có một vị đội mũ mão, mặc áo dài màu đỏ, vị đó là người hội tập tất cả danh sách thí sinh thi đậu, sau đó báo cáo lên Văn Xương Đế Quân. Khi vị đó báo cáo, Văn Xương Đế Quân do dự rất lâu trước rất nhiều họ tên, sau đó mới khoanh chọn. Vốn dĩ người này là có tên, nhưng mấy năm gần đây đức hạnh khiếm khuyết nên bị gạch bỏ. Vương Dụng Dư thấy rất hiếu kì, liền hỏi vị quỷ thần mặc áo dài đỏ đang đứng ở đó rằng: “Vùng đó của chúng tôi, hai vị thư sinh này có thi đậu không?”, và ông cũng hỏi luôn: “Tôi có thi đậu không?”. Kết quả ngài nói, ba người đều không thi đậu. Ông liền rất kinh ngạc.
Sau khi quỷ thần áo dài đỏ này lui ra, Văn Xương Đế Quân liền gọi tên của Vương Dụng Dư, mời ông lên điện. Ông sợ hãi vô cùng, cúi bò vào điện. Tại sao lại gọi ông? Văn Xương Đế Quân liền nói, ngươi phụng sự ta hết sức cẩn thận cung kính, cho nên ngày nay nhân cơ hội này, đem một số đạo lý nói cho ngươi. Ngài nói, cha và ông nội của ngươi làm người đều rất tốt, rất có đức hạnh, cho nên lẽ ra lần trước ngươi đã thi đậu rồi. Nhưng bởi vì mỗi lần khi ngươi cầu nguyện, đều là cầu cho mình mau mau thi đậu, đều là cầu cho vợ mình mau mau lành bệnh, sau đó có thể cùng vợ mình đầu bạc răng long. Còn mẹ ngươi nuôi dưỡng ngươi không dễ dàng, lại ở góa từ rất sớm, ngậm đắng nuốt cay như vậy, ngươi lại chưa bao giờ một lần cầu phước cho mẹ của ngươi, cho nên phước báo của ngươi bị tổn hại, phải lần sau ngươi mới thi đậu được, trễ đường công danh mất hai khóa.
Ngài nói tới đây, ông rất hổ thẹn, tiếp đó ông liền thỉnh giáo, vậy Du Lân là hiếu tử, tại sao ông ấy không thi đậu? Văn Xương Đế Quân nói rằng, mặc dù ông ấy nhìn có vẻ là hiếu tử, nhưng khi ông ta phụng dưỡng cha mẹ, trong tâm luôn hết sức không cung kính, không nhẫn nại, thái độ này là oán thầm trong bụng. Đối với người thật ra cũng không chân thành từ tận đáy lòng. Đối với cha mẹ còn không chân thành, đối với người cũng không thể nào chân thành được. Cho nên âm đức của ông ta bị tổn hại, ông ta không thi đậu, hơn nữa sẽ dần dần dần khốn khó lao đao cả đời. “Trăm thiện hiếu đứng đầu”, cho nên bất hiếu là sự tổn phước lớn nhất.
Ông lại thỉnh giáo, Úc Tùng Chu có học thức giỏi như vậy, tại sao không thi đậu? Tiếp đó Đế Quân nói, vận mệnh của Úc Tùng Chu, vốn dĩ 17 tuổi đã có thể thi đậu tú tài, nhưng sau khi ông ta thi đậu tú tài thì quá ngạo mạn, cậy tài khinh người. Vốn dĩ 26 tuổi có thể thi đậu tiến sĩ, 30 tuổi làm Tuần Phủ, 45 tuổi làm Đại Tư Không, Đại Tư Không giống như Thượng Thư bộ Công, còn kiêm thêm quan ấn Tư Khấu, Tư Nông, làm quan hết sức lớn. Đến 54 tuổi làm Thiếu Bảo tức thầy dạy học của thái tử, 69 tuổi nhẹ nhàng ra đi, đây là số mệnh vốn có của ông ta. Nhưng sau năm 17 tuổi ông ta đã bắt đầu ngạo mạn. Khổng Tử nói: “Nếu có tài năng như Chu Công mà kiêu ngạo keo kiệt thì những điều khác đều không đáng nhìn”. Lời này của Phu Tử rất có trọng lượng, một người đã ngạo mạn, cuộc đời họ sau này sẽ không làm được gì lớn lao, thậm chí sẽ vì ngạo mạn mà khiến cuộc đời họ trở nên rất thường gặp tai họa. Cho nên Đế Quân nói rằng, vì khẩu tài của ông ta hết sức tốt, những lúc nghị luận, người ta đều tán thán, sau cùng ngôn ngữ dần dần khắc nghiệt. Cõi âm ghi lại, ông ta từng tạo hơn 2470 lỗi nói năng, nên công danh của ông đều bị tiêu trừ hết. Nếu ông vẫn không sửa sai, lỗi nói năng của ông ta sẽ vượt hơn 3000 điều thì mạng sống sẽ không còn, sau đó con cháu của ông ta cũng bị ghi tên vào trong sổ ăn mày. “Nhà tích điều bất thiện, tất gặp tai ương”, ương họa cho hậu thế.
Ông hỏi xong hai người này, liền chuẩn bị lui ra. Đột nhiên Đế Quân lại dặn dò ông, giải nguyên đứng đầu kì thi lần này của các ngươi, là một vị thư sinh trong vùng tên là Chu Cát. Bản thân Chu Cát được coi là khá cẩn thận, người bình thường nhìn vào thấy hơi yếu đuối. Ông rất kinh ngạc, văn chương, học thức của ông ấy đều rất bình thường! Nhưng cha và ông nội ông ấy đức hạnh rất tốt, chưa bao giờ dẫn người khác đi lên pháp đình (thưa kiện), chưa bao giờ phi lễ với con gái nhà người ta. Ông cố của ông ấy còn viết “Bách Nhẫn Thuyết” khuyên người thế gian, rất nhiều người được lợi ích. Cho nên đã tích phước rất dày. Ông ấy thi đậu giải nguyên, đây chỉ là sự khởi đầu của phước báo trong nhà ông, hơn nữa có thể hưng thịnh ba đời. Còn Du Lân và Úc Tùng Chu đức hạnh của họ không tốt. Nhất là Úc Tùng Chu, ông có lỗi nói năng. Người ta đối với sát sanh, đối với tà dâm có sự nhạy cảm khá cao, người biết thương mình, họ sẽ hết sức tránh né [những việc này]. Còn những lỗi lầm về ngôn ngữ này dễ bị lơ là, rồi trở nên khinh mạn, khắc nghiệt, nói chuyện phải quấy của người khác, đó là vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, đều tạo tác mà không hay không biết, đặc biệt không dễ giữ gìn tránh phạm phải. Cho nên Đế Quân dặn dò Vương Dụng Dư, sau khi ngươi quay về, đem những lời ta nói với ngươi ghi chép lại kĩ càng, nói với người trong thiên hạ phải cẩn thận. Kết quả hôm sau ông liền mau chóng ghi lại. Không lâu sau, yết bảng quả nhiên là Chu Cát đậu thủ khoa, ông mới đem sự việc này chiêu cáo thiên hạ. Chúng ta phải cảm ơn Vương Dụng Dư, chúng ta ngày này nghe được câu chuyện này là nhờ ông ghi lại.
Từ đây chúng ta cảm thấy Văn Xương Đế Quân nhân từ, luôn luôn hộ niệm người thế gian, phải biết thương mình mà giữ gìn bản thân, phải hướng thiện sửa lỗi, thành tựu đức hạnh đời này của mình. Nhất là chúng ta là người niệm Phật, có cơ hội đời này thành tựu, càng phải nên phù hợp với tiêu chuẩn thiện nam tử, thiện nữ nhân thì mới có thể thành tựu cơ duyên hiếm có khó gặp. Chúng ta thật sự niệm Phật thì trời đất quỷ thần, chư Phật Bồ-tát đều sẽ hộ niệm. Chúng ta tiếp tục coi câu sau:
“Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tỵ chi, ác tinh tai chi”. (Giảm thọ thì thường bị nghèo túng, hao tổn, gặp nhiều nỗi ưu tư, hoạn nạn, ai nấy đều ghét bỏ).
Câu này nói về “toán giảm”, thọ mạng, phước báo của chúng ta sẽ giảm tổn ở những chỗ nào vậy? Nhà Phật tổng hợp lại thành ba nghiệp thân khẩu ý, từ ba góc độ này, chúng ta thường quán chiếu chính mình. Thân: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Chúng ta tu học Phật pháp Đại thừa, trong Phật pháp Đại thừa, không những từ trong hành vi chúng ta không được phạm mà còn yêu cầu từ trong tâm cũng không được phạm. Cho nên nghiệp sát, từ trong tâm là không não hại chúng sanh. Chúng ta cùng chung sống với người khác, vì hành vi của mình mà khiến họ rất buồn phiền, rất đau khổ, điều này chúng ta đã phạm giới sát rồi.
Tuy nhiên, quý vị khuyên họ hướng thiện nhưng họ rất đau khổ, như vậy có coi là phạm giới sát không? Tùy tình hình. Ví dụ khi quý vị khuyên họ mà trong tâm quý vị có ý niệm khống chế họ, thì việc này vẫn là đã phạm giới sát, vẫn là não hại chúng sanh. Nếu họ có đủ lòng tin đối với quý vị, quý vị rất thành khẩn khuyên họ, có thể lúc đó họ có phần không dễ chịu, nhưng khi họ bình tĩnh lại, họ sẽ cảm ơn quý vị, họ sẽ nghĩ rằng hồi đó người bạn đó đã nói với mình rồi, là đúng vậy. Có một đồng nhân nói rằng: “Mỗi lần tôi khuyên người khác, hình như cảm thấy lúc khuyên bảo đó hơi gấp một chút, có thể không để ý đến việc nên khuyên về lỗi của người khác ở trong phòng riêng”.
Trước hết chúng ta phải suy nghĩ một điểm, khi chúng ta muốn khuyên người khác thì khả năng phán đoán thị phi tà chánh của chúng ta đã chính xác chưa? Chúng ta vừa học “cùng khuyên thiện, cùng lập đức”, mình phải cố gắng đi khuyên người khác. Trên thực tế, “thấy chưa thật, chớ nói bừa”, chúng ta nhìn sự việc này, có thể nếu đứng ở góc độ của chúng ta thì cảm thấy như vậy là không thỏa đáng, nhưng người ta có thể đã suy nghĩ từ một góc độ khác mà chúng ta chưa nhìn thấy. Cho nên trước khi khuyên người, trước hết phải coi kiến giải của chúng ta đã đúng chưa.
Thứ hai, đừng có tâm trạng thích làm thầy người khác. Thật ra chúng ta bình tâm nhìn lại, nếu như chúng ta ngay chính mình mà còn quản không được thì chúng ta nhìn sự vật sẽ rất chuẩn sao? Rất khó đảm bảo. Cho nên tốt nhất phải quản tốt chính mình, thói quen sinh hoạt của mình còn không tốt, tôi thấy chúng ta đi khuyên người thì trong tâm người ta sẽ không tiếp thu, “Thói quen sinh hoạt của anh cũng không tốt hơn tôi, anh còn khuyên tôi cái gì?”. Mình làm đúng rồi mới giáo hóa người được. Nếu như chính mình còn chưa làm ra một hình ảnh tu hành tốt mà thường muốn khuyên người ta thì tỉ lệ thích làm thầy người khá nặng, tại sao? Người thật tu đạo ngay cả thời gian cắt móng tay cũng không có. Thời gian dùng vào sự dụng công, dùng vào việc đối trị tập khí, còn cảm thấy một ngày 24 tiếng không đủ dùng, làm sao còn thời gian nhìn lỗi lầm người khác, bàn tán thị phi (chuyện phải quấy) của người? Không có thời gian. Người thật sự dụng công sẽ cảm nhận được thật sự không có thời gian để cắt móng tay. Tất nhiên vẫn phải cắt móng tay, chỉ là trong trạng thái đó chúng ta sẽ cảm thấy thật sự đối trị tập khí không hề dễ, phải thật sự hạ công phu. Quý vị muốn chế phục vọng niệm mà không đọc kinh, không niệm Phật thì không thể nào chế phục được, vọng tưởng có thể càng ngày càng nhiều.
Bản thân làm tốt rồi, phán đoán cũng đúng đắn rồi, lại biết đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương mà nhìn sự việc, dùng tâm đồng cảm để thấu hiểu họ, muốn tốt cho họ mà khuyên, người ta dễ dàng tiếp thu. Tất nhiên phương thức phải là “mặt ta vui, lời ta dịu”, phải khuyên điều sai ở trong phòng riêng. Cho nên khuyên người, nếu như người ta không thể tiếp thu, nhất định vẫn phải ghi nhớ giáo huấn của lão tổ tiên, “làm việc không thành, xét lại chính mình” (hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỉ), đây là thân nghiệp. Chúng ta nói không sát sanh tức là không não hại chúng sanh. Luôn luôn suy nghĩ cho người, như vậy ngã chấp mới nhẹ bớt.
Không trộm cướp tức là tùy tiện lấy những thứ của người khác mà không được người ta đồng ý, tuyệt tối không thể đi lấy. Có lúc quen thuộc rồi sẽ dễ dàng tùy tiện, người chưa đồng ý mà mình đã lấy, đây là tâm trộm cướp. Còn nữa, không chiếm tiện nghi của người khác, chiếm tiện nghi của người cũng là tâm trộm cướp. Ví dụ như lãnh đạo phân công công việc, vừa thấy sắp phân công việc rồi, mau mau đi toilet tí đã, công việc phân phát cho những người khác, còn mình rất vui mừng, trốn được rồi. Thật ra, làm được là phước, có cơ hội phục vụ đại chúng, tu phước lại tu huệ. Tại sao là tu huệ? Quên mất chính mình, buông bỏ chính mình thì phiền não sẽ nhẹ, trí huệ sẽ tăng. Cho nên cho chúng ta phục vụ là cơ hội tốt để phước huệ song tu. Hơn nữa, ngày nay chúng ta phục vụ trong thế gian, ví dụ quý vị bán rau củ, bán quần áo là phục vụ những người có duyên với quý vị. Hơn nữa, đó chỉ là trong cuộc sống đi phục vụ nhu cầu nhất thời của họ. Nhưng chúng ta bây giờ đang hoằng dương giáo huấn của Nho Thích Đạo, hơn nữa những việc chúng ta làm, ví dụ những pháp bảo mà phòng thông tin chúng ta làm ra, nó có thể kết pháp duyên với đại chúng trên toàn thế giới. Những người trong các ngành các nghề thông thường có tu được phước này không? Phước lớn như vậy mà chúng ta không tu sao? Nói mọi người nghe, cúng dường pháp một câu kệ còn vượt hơn bố thí thất bảo của tam thiên đại thiên, đây là Kinh Kim Cang đã nói. Một câu chánh pháp có thể khiến một người giác ngộ, cả đời họ được lợi ích, đời đời kiếp kiếp được lợi ích. Cơ hội tu phước tu huệ tốt như vậy, chúng ta chạy tới đây còn lười biếng, còn làm ảnh hưởng không tốt tới người khác, còn tạo nghiệp, quý vị xem trong một niệm này họa phước có sai biệt bao nhiêu? Người khác muốn tu phước này còn chưa chắc đã có cơ hội.
Tôi nhớ vào cuối năm 2005, kì huấn luyện đầu tiên cho các đồng nhân ở Thang Trì của chúng ta, tôi đã nói với họ một câu tiếng Mân Nam: “Đây là phước khí”. Có thể làm việc này, tôi cảm thấy là phước khí lớn nhất đời tôi rồi, nửa đêm đang ngủ cũng lén lén cười. Hơn nữa không phải phước khí của tôi mà thôi, mà là phước khí của tổ tiên tôi, cũng là phước khí của hậu thế tôi. Quý vị nói, thầy Thái không kết hôn, sao lại có hậu thế được. Tâm thái quý vị đừng nhỏ quá, tất cả đồng nhân chúng ta đều là người nhà của tôi, những em nhỏ tới đây học đều là thế hệ sau của tôi. Chúng ta là đại gia đình dân tộc Trung Hoa, nhất là đội ngũ hoằng dương văn hóa truyền thống dân tộc, chúng ta thật sự có phước có trí huệ rồi thì có thể làm lợi ích cho họ. “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, nếu không bảo hộ tốt cho các em, chúng ta cũng là vô hậu.
Cho nên thân khẩu ý đều phải tu trì từ trong tâm mình. Không tà dâm, tức là không phóng túng, không nghĩ điều tà. Không vọng ngữ, vọng ngữ là lừa gạt người, thật ra là gạt mình. Lưỡng thiệt, không chia rẽ thị phi, không có tâm hại người, tâm tạo ra sự xung đột. Không ỷ ngữ, không nói lời đường mật, không nói những lời khiến lòng người nghĩ đến chuyện tà ác. Không ác khẩu, không khởi tâm sân hận. Có lúc không có ác khẩu, nhưng trong tâm lại thường thấy người ta trái mắt, đó vẫn là trong tâm đang tạo nghiệp, ngoài miệng chưa mắng ra nhưng trong tâm đã mắng mấy lần rồi, trong tâm cũng là ác khẩu. Sau cùng không tham, không sân, không si. Cho nên người tu hành điều quan trọng nhất là giữ ý nghiệp, giữ tâm này, ý niệm thường xuyên câu thông với miệng, với thân thể, đừng tạo những ác hạnh này.
Buổi sáng hôm nay xin trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!