Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 33) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 33: Hiếu thuận, trung thuận, thuận theo tánh đức, không thuận theo tập khí.

Ngày 23 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nhắc tới chữ “trung” dùng trong cuộc sống, công việc, trong sự đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta, nhất là ở trong đoàn thể, trước hết, “phục tùng là cái gốc của trách nhiệm”. Ở trong gia tộc, trong gia đình, phải nghe lời của cha mẹ, nghe lời của tôn trưởng. Nếu mỗi người trong gia tộc đều có ý kiến của mình thì sẽ biến thành xe ngựa nhiều đầu. Đối mặt với quyết định quan trọng của gia tộc, vẫn phải nghe lời tôn trưởng. Từ gia đình cho tới xã hội đoàn thể cũng là như vậy, phải có trật tự lớn nhỏ thì đoàn thể này mới không bị loạn. Tất nhiên, biết phục tùng thì mới có thể từ trong đó lĩnh hội đạo quân thần, mới có thể diễn tốt vai trò của mình, làm tròn bổn phận của mình.

Văn hóa truyền thống là hết sức viên dung, chúng ta biết phục tùng, nhưng không có nghĩa là khi lãnh đạo sai sót, chúng ta vẫn cứ thuận tùng. “Hiếu thuận” và “trung thuận” đều là thuận theo tánh đức của cha mẹ, không phải thuận theo tập khí của cha mẹ, cũng không phải thuận theo tập khí của lãnh đạo. Cho nên “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi, mặt ta vui, lời ta dịu”. Chúng ta phụng hành câu giáo huấn này trong Đệ Tử Quy, nhìn thấy cha mẹ, nhìn thấy lãnh đạo có lỗi lầm, chúng ta khuyên bảo họ, giúp họ sửa lỗi. Cho nên muốn tốt cho họ thì hãy suy nghĩ cho họ, thật sự muốn họ có thể tiếp thu mà sửa lỗi. Nếu như chúng ta nóng giận, chúng ta đối lập thì không sao giúp được họ, thậm chí sự việc càng làm càng bế tắc, vậy thì trái nghịch với cái tâm ban đầu chúng ta muốn tốt cho họ. Cho nên người làm bất kì việc gì, đầu óc phải giữ gìn lý trí, tỉnh táo, mục đích của mình làm việc này là cái gì? Thường thì là làm mãi làm mãi, sẽ xa rời mục đích này, bị tập tính của chúng ta kéo đi mất. Bị kéo đi thì bất trung, tâm bị lệch lạc. Nếu muốn người khác tiếp thu thì hãy để ý đến tình người, “mặt ta vui, lời ta dịu”, đừng hung dữ quá thì người ta mới dễ dàng tiếp thu. Cho nên “quân tử chi sự thân hiếu, cố trung khả di ư quân” (quân tử hiếu thuận cha mẹ thì mới có thể đem tâm hiếu ấy chuyển sang trung với lãnh đạo). Sự nhu thuận, tận tâm đối với cha mẹ đã được nội hóa rồi, khi họ ở trong đoàn thể làm thần tử của người khác thì họ sẽ có thái độ chuyển hiếu thành trung.

Chúng ta đang phục vụ cho quốc gia, xã hội. Ở trong đoàn thể, nếu như có đối lập xung đột với lãnh đạo, rất có thể chúng ta cần phải nghĩ lại, hiếu đạo của chúng ta còn phải tu sửa lại, nâng cao lên. Chúng ta nhìn thấy lỗi của lãnh đạo, có thể bản thân chúng ta cũng sẽ nhìn thấy lỗi của cha mẹ. Chuyển hiếu thành trung, khi trung có điều thiếu sót thì căn nguyên là nằm ở gốc hiếu đạo. Chúng tôi cũng thường nói với các đồng đạo rằng, tu hành không đắc lực, tập khí chế phục không được là do cái gốc hiếu đạo không đủ. Hiếu Kinh nói: “Kẻ thương cha mẹ, không dám ác với người”. Nếu vẫn còn ghét bỏ người, vẫn còn chán ghét người, thậm chí vẫn còn tổn hại người thì tâm yêu thương này vẫn chưa thật sự triệt để phát lộ ra. Chúng ta xem, hiếu tử làm quan thương dân như con, tánh đức của họ, hiếu đạo đã hoàn toàn phát lộ ra ngoài. “Người kính cha mẹ sẽ không dám ngạo mạn với người”, đối với cha mẹ hoàn toàn kính yêu thì họ đối với người khác sẽ không ghét bỏ và ngạo mạn. Cho nên điều phục tập khí phải bắt tay từ hiếu đạo. Lần này sư trưởng tới trung tâm chúng ta giảng Đại Kinh Giải, có một vị hội trưởng của Tịnh Tông Học Hội chúng ta mời sư phụ khai thị, nói là tập khí rất khó đối trị, phải làm sao? Sư phụ trả lời, phải bắt đầu từ hiếu đạo triệt để. Giáo huấn này đối với sự tu đạo của chúng ta vô cùng quan trọng.

Cho nên phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước cũng là cái căn bản lớn quan trọng nhất, đó là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta thật sự đặt sư trưởng ở trong tâm, luôn luôn nhớ về, phải thực hành giáo huấn của sư trưởng, thực hành giáo huấn của Đức Phật; luôn luôn nhớ về, không thể để sư trưởng mất mặt. Thường xuyên giữ gìn tâm này, tuyệt đối không có ác ngôn ác ngữ, cẩn thận cảnh giác, không dám phóng túng tập khí. Cho nên một người có hiếu kính đối với cha mẹ, đối với sư trưởng thì đạo nghiệp chắc chắn sẽ “tăng đức hạnh, ít lỗi lầm”.

Chúng ta vừa nói tới sự tận trung biết phục tùng đoàn thể, nhưng khi lãnh đạo có điều không đúng, chúng ta cũng phải thiện xảo mà khuyên can. Trong Luận Ngữ nói: “Trung yên, năng vật hối hồ?” (trung với vua mà không khuyên can vua làm cho đúng ư?), đã muốn tận trung thì làm sao có thể không khuyên gián không nhắc nhở lãnh đạo, hoặc là nhắc nhở đồng tham đạo hữu, đồng đạo của mình? Tận trung với lãnh đạo, với cấp dưới cũng phải tận tâm tận lực bồi dưỡng họ; đối với đồng tu cũng là phải tận thiện, “cùng khuyên thiện, cùng lập đức, lỗi không ngăn, đôi bên sai”, như vậy sẽ tổn khuyết sự trung nghĩa. Đạo nghĩa phải hết lòng, phải tận tâm tận lực tức là trung. Sự khuyên gián này, điều quan trọng là giúp đối phương khởi lên chánh niệm. Thật ra, người ta rất khó bị thuyết phục, chúng ta phải dùng phương pháp thiện xảo khiến họ khởi lên niệm thiện, khởi lên chánh khí thì vấn đề sẽ được hóa giải. Nếu như tâm trạng của chúng ta là, “bữa nay anh nhất định phải nghe tôi” thì đó là khống chế, đối phương có thể sẽ không tiếp thu được.

Chúng ta xem thấy thời xưa, như nước Tề trong thời đại Xuân Thu, Tề Cảnh Công đã dùng một trung thần là Yến Tử. Mọi người có lẽ khá là quen thuộc Yến Tử này, ông có một bộ quần áo đã mặc ba mươi năm. Ông là Tể tướng, một Tể tướng mặc một bộ quần áo suốt ba mươi năm, là quan viên mà lão bá tánh sùng kính nhất, lão bá tánh trong cả nước rất nhiều người đều noi gương ông, đồng thời ông đã giáo dục nhân dân cả nước. Đây là đức hạnh rất đáng quý, đây là thật sự trung thành với lão bá tánh. Tại sao vậy? Lòng trung của những đại thần này biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ở sự giáo dục tốt nhân dân, khiến cuộc đời của nhân dân hạnh phúc, đây là sự thể hiện quan trọng nhất của lòng trung của họ. Họ đối với lãnh đạo rất tốt, còn đối với nhân dân thì không quan tâm, đó là xu nịnh, không phải tận trung. Cho nên Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đặc biệt nhấn mạnh, không thể “ngược hạ thủ công” (ngược đãi kẻ dưới để lập công), quý vị phải thông cảm với nhân dân, thông cảm cấp dưới. Không thể “siểm thượng hy chỉ” (nịnh bợ cấp trên để cầu lợi), a dua xu nịnh. Thật ra danh văn lợi dưỡng là mộng huyễn bọt ảnh, nhiễm vào danh lợi sẽ quên mất chức trách chăm sóc nhân dân, đó là tạo tội nghiệp rất lớn.

Chúng ta nghĩ: “Dù gì mình cũng không làm quan, việc này không liên quan tới mình”. Việc chúng ta đang làm là hoằng dương văn hóa truyền thống, chúng ta muốn giúp càng nhiều người có thể học được văn hóa truyền thống, muốn hộ niệm tốt nhân duyên học tập văn hóa truyền thống của họ, chúng ta cũng phải có tấm lòng như vậy. Mục đích của chúng ta là phải làm lợi ích cho đại chúng thâm nhập văn hóa truyền thống mà bản thân chúng ta đang làm danh văn lợi dưỡng, làm nhân sự thị phi, kết quả, người ta vừa tiếp xúc với chúng ta liền có nhận xét, thì ra học văn hóa truyền thống đều biến thành như vậy. Vậy chúng ta đã đoạn mất huệ mạng của người ta, khiến người ta đánh mất lòng tin đối với văn hóa truyền thống, tội đó còn nặng hơn làm tổn hại người.

Sư trưởng thường nói, tội đoạn huệ mạng tuyệt đối nặng hơn tội đoạn sanh mạng của người ta. Bởi vì huệ mạng là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được. Sanh mạng họ kết thúc rồi, họ không tạo nghiệp, hai mươi năm sau họ lại là một trang hảo hán. Nhưng huệ mạng bị đoạn rồi thì không biết phải bao lâu nữa mới có cơ duyên. Chúng ta hiểu rõ những đạo lý này rồi, khi đối mặt với mỗi nhân duyên đều sẽ hết sức cẩn thận. Giống như trong sách Đại Học có nói “như giữ con thơ”, quý vị bảo vệ duyên phận của mỗi người giống như bế bồng một em bé một hai tháng tuổi vậy, sợ em bị rớt xuống. Mọi người có kinh nghiệm ẵm một em bé một hai tháng tuổi chưa? Cái tâm đó là hết sức tinh tế. Có tâm tinh tế như vậy thì sẽ không dùng tâm trạng mà nói chuyện với đại chúng mà phải thấu hiểu tâm tình của họ.

Nhất cử nhất động của Yến Tử trên thực tế đều đã giáo hóa lão bá tánh. Cho nên một người địa vị càng cao thì trách nhiệm của họ càng nặng. Trong quan hệ bạn bè, họ tán thán Yến Tử: “Yến Bình Trọng thiện dữ nhân giao, cửu nhi kính chi”, Yến Tử rất biết giao thiệp với người khác, hơn nữa những bạn bè qua lại với ông càng lâu thì ông đối với họ càng cung kính. Trong tình cảm con người, thường là giao tình càng lâu, quan hệ càng thân thiết thì càng tùy tiện. Nhưng Yến Tử thì không phải như vậy, càng cung kính, hơn nữa càng cảm ơn sự cống hiến, sự chiếu cố của những người bạn này dành cho ông. Tâm ông luôn nhớ tới cái tốt của người, luôn nhớ tới ân và cống hiến của người, không nhớ lỗi lầm của người. Hễ nhớ lỗi lầm thì tâm cung kính sẽ bắt đầu bị thoái lui.

Cho nên Đệ Tử Quy đã nói: “Ân phải báo, oán phải quên”, điều này trong sự xử thế của ngũ luân quá là quan trọng. Chỉ có như vậy thì quan hệ mới càng ngày càng tốt; ghi nhớ khuyết điểm, nhớ oán hận, nhớ điều bất mãn thì quan hệ này sẽ bắt đầu xấu đi.

Yến Tử hết sức cơ trí mà hộ niệm quân vương của mình, thật sự là tận trung tới mức bất kì cơ hội nào cũng đều khiến quốc quân của ông không ngừng nâng cao đức hạnh. Ví dụ, Tề Cảnh Công một hôm ra ngoài, ông đi lên núi nhìn thấy một con cọp, tới bên bờ sông thì nhìn thấy một con giao long. Tề Cảnh Công sau khi quay về thì không thoải mái, hôm nay sao mà nhìn thấy những thứ này vậy, có phải không cát tường không? Ông liền hỏi Yến Tử. Yến Tử nói với quân vương: “Quân vương, đó không có gì là không cát tường cả, ngài đi lên núi nhìn thấy con cọp, bởi vì nó vốn dĩ là sống trên núi, Ngài tới bờ sông gặp phải giao long, nó vốn dĩ sống ở đó, cho nên đây không có gì là không cát tường”. “Điều thật sự không cát tường là có người hiền đức mà mình không biết, đây là điều không cát tường thứ nhất; biết rồi nhưng không dùng họ, là điều không cát tường thứ hai; dùng rồi nhưng không dùng họ ở vị trí thích đáng, đây là điều không cát tường thứ ba”. Quý vị xem, thật cao minh! Trước một câu hỏi của quân vương, ông đã có thể đem điểm quan trọng nhất trong sự trị quốc nhắc nhở quân vương của mình một lần nữa. Xin hỏi quân vương của ông có cảm thấy ông nói nhiều không? Không đâu. Nhìn thấy từ những chỗ nào? Từ những cuộc đối thoại này, từ mỗi cơ hội trong cuộc sống, ông đều thành tựu quân vương của ông. Thành tựu quân vương của ông, quân vương của ông sẽ có thể thương yêu vạn dân, sẽ đem lão bá tánh đặt trong tâm mình. Có lúc quân vương sắp làm việc sai lầm, ngàn cân treo sợi tóc, làm sao khuyên? Có một lần Tề Cảnh Công nổi trận lôi đình với một người, muốn cắt hắn ra thành tám khúc, ai dám ngăn thì tội cũng giống như hắn. Quân vương một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi, ai khuyên thì sẽ bị cắt thành tám khúc. Yến Anh lập tức nói: “Không cần bệ hạ động thủ, để thần”. Liền cầm dao đi tới trước mặt người đó nói, ngươi thật sự tội đáng vạn lần chết, khiến hoàng thượng tức giận đến thế này. Để ta xem khi cổ thánh tiên vương muốn cắt một người thành tám khúc thì nên bắt đầu cắt từ chỗ nào? Tề Cảnh Công làm quân vương, trước đây đã có đọc sách cổ, vừa nghe thấy cổ thánh tiên vương, các ngài đều là thương dân như con, đâu có ai cắt người thành tám khúc, lại còn bắt đầu từ khúc nào. Yến Tử nói tới đây, Tề Cảnh Công nói, thả hắn ta đi. Thật ra Yến Tử đã khiến quân vương khởi lên chánh niệm, lúc này nếu ông không bình tĩnh, tôi thấy rất khó làm được.

Lại có một lần, con ngựa mà Tề Cảnh Công thương yêu nhất bị thuộc hạ của mình không biết chăm sóc thế nào mà để chết mất, đó là con ngựa mà ông thương yêu nhất. Logic này giống như người lãnh đạo bây giờ, quý vị đem xe BMW của họ đụng hư mất. Hơn cả triệu Đài tệ bị mất tiêu. Ông liền trị tội của mã phu này, phán anh ta tội chết. Yến Tử cũng là mượn cơ hội này mà nói: “Ngươi thật là đáng chết, bữa nay ta nói ngươi nghe, ngươi đã phạm phải ba tội đáng chết: Thứ nhất, ngươi dám làm chết con ngựa yêu quý nhất của hoàng thượng. Tội thứ hai là hoàng thượng xử ngươi tội chết, khiến nhân dân trong cả nước đều mắng hoàng thượng là thương ngựa không thương người. Tội lớn thứ ba là khiến người trong thiên hạ đều cười hoàng thượng của nước Tề ta thương ngựa không thương người. Cảnh Công vừa nghe nói xong, nói: “Thả hắn ra đi”.

Những tác phong mô phạm của thánh hiền này, trong sự cơ trí đó chất chứa tấm lòng trung thành, tấm lòng hộ niệm quốc quân của họ, nhà Phật chúng ta thường nói là phương tiện thiện xảo. Cho nên, khuyên người xung quanh cũng là tận trung. “Dạy người điều thiện gọi là trung”, Mạnh Tử giáo huấn chúng ta như vậy. Làm cho bạn bè quyến thuộc xung quanh ngày càng tốt hơn, đây là bổn phận của chúng ta. Ví dụ, khuyên chồng của mình không được quá nóng nảy thì phải thiện xảo. Có một người nữ, cô khuyên chồng mình cai thuốc. Nếu như quý vị khuyên thẳng thừng: “Đừng hút nữa, hút vô sẽ ung thư phổi, anh có biết không vậy?” Quý vị xem khuyên như vậy có hiệu quả không? “Tôi cứ muốn ung thư phổi đấy, ai cần cô quản!”. Cô không phải khuyên như vậy, cô cũng không nói tới việc hút thuốc, cô chỉ nói với chồng mình: “Ôi chao! Chúng ta có hai đứa con gái bảo bối, sau này các con sẽ tìm được người chồng rất tốt, sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Trong hôn lễ của các con, nếu như thiếu mất người cha thì đó sẽ là sự nuối tiếc lớn nhất trong đời con gái.” Về sau chồng cô đã cai thuốc được rồi.

Quý vị dùng phương thức mà họ có thể chấp nhận, điều họ canh cánh nhất trong lòng chính là con gái của mình, họ thương con gái của mình nhất, quý vị hãy từ đây mà khởi lên chánh niệm của họ. Muốn khuyên người, trước hết quý vị phải hiểu họ, quý vị mới dựa theo tư tưởng quan niệm của họ mà dẫn dắt họ. Cho nên giúp người thì phải vất vả dụng tâm, chứ không phải thích làm thầy người. Cho nên sự khuyên can này đều cần phải quyền biến, phải biết khuyên can vào những lúc người khác không đúng.

Kế tiếp, biểu hiện cụ thể của sự tận trung này là tận tâm tận lực. Những lúc nào nên tận tâm tận lực? Từ việc chúng ta tận trung với cha mẹ, chúng ta xem thấy những câu chuyện về những hiếu tử, họ đều tận tâm tận lực chăm sóc cha mẹ của mình, “đông phải ấm, hạ phải mát”, “cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước, đêm ngày hầu, không rời giường”. Họ đi học thì tận tâm với việc học, cung kính với thầy cô; chung sống với bạn bè trong xã hội họ cũng biết tận trung, tận tâm. Chúng ta bây giờ theo đuổi việc hoằng dương văn hóa truyền thống thì chúng ta cũng phải tận tâm, tận trung đối với công việc này.

Trong các tấm gương trong lịch sử, Gia Cát Khổng Minh thật sự đã làm được “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Khi Khổng Minh đang làm Thừa tướng, ngài đối với lão bá tánh hết sức yêu thương, tận tâm chăm lo cuộc sống của họ. Về sau cũng do vất vả mà sanh bệnh, thọ mạng không được dài lắm. Sự tận trung của người xưa thậm chí trong lúc nguy nan, đều có thể “sát thân thành nhân”, tận tâm xả thân vì nghĩa.

Trước khi triều Hán được thành lập, thì Sở Hán tương tranh. Lưu Bang thường bị bại trận, Hạng Vũ là tướng quân thường thắng trận. Có một lần, Lưu Bang đã bị bao vây vòng trong vòng ngoài, tình thế đã gần như bắt rùa trong chậu rồi. Lưu Bang có một vị thần tử tên là Kỷ Tín, ông nhìn thấy chủ nhân của mình đứng trước giây phút sống chết, cái khó ló cái khôn, liền ngồi lên xe của Lưu Bang còn cắm cả cây cờ lớn trên đó, mặc vào y phục của Lưu Bang, sau đó từ cửa Đông của thành xông ra ngoài. Rất nhiều người nước Sở liền lao theo đó mà đuổi bắt. Trong thời cơ này, Lưu Bang từ cửa Tây chạy thoát. Việc này là cứu quân vương của mình trong lúc nguy nan. Hành động này của ông là “tam đạt đức” đều đầy đủ: Thứ nhất, ông có trí huệ giải khốn nguy nan. Thứ hai, tại sao ông lại tận lực bảo vệ quân vương của mình? Vì quân vương của ông là người nhân từ, sau này lão bá tánh sẽ có phước. Hạng Vũ khá là ngạo mạn hiếu sát, sau này sẽ bất lợi cho lão bá tánh. Đây là nhân. Còn dũng, ông dũng cảm tới mức độ nào? Ngay cả chết cũng không sợ, “trung dũng là gốc của lòng yêu nước”.

Thời bây giờ, không cần u đầu mẻ trán, cũng không cần phải đổ máu, không nguy hiểm tới tánh mạng, thế mà chúng ta vẫn không thể tận tâm tận lực, so với những trung thần này, chúng ta thua họ quá xa. Họ là thánh hiền thế gian, còn thứ chúng ta cầu là con đường xuất thế gian của Phật Bồ-tát, càng phải noi gương họ. Làm một cách cụ thể, phải tiến cử nhân tài cho quốc gia. Có nhân tài rồi có thể làm càng nhiều việc, làm được những việc quan trọng hơn, thường xuyên nhớ phải đề bạt người xung quanh, phát hiện nhân tài làm tốt công tác hoằng pháp lợi sanh.

Vào thời Tống, có một Tể tướng tên là Vương Đán. Tôi thấy tướng mạo của Tể tướng này qua tranh vẽ. Danh tướng thì khuôn mặt đều rất lớn, bụng cũng rất là lớn, gọi là có thể chèo thuyền trong bụng Tể tướng, đó là tướng phước báo, phước rất lớn, lượng lớn phước lớn. “Quán đức ư nhẫn”, muốn biết đức hạnh của một người có cao hay không thì hãy xem công phu nhẫn nhục, nhẫn nại của họ. “Quán phước ư lượng”, muốn biết một người có phước hay không thì hãy xem tâm lượng của họ. Ví dụ quý vị đang tán thán một người, sau đó có người nói, anh ta không tốt như vậy đâu. Người này vậy là tâm lượng không đủ lớn, nghe thấy người ta tốt thì trong lòng không thoải mái, đây là tâm đố kị.

Trên đường tu Bồ-tát đạo có ba chướng ngại rất lớn, đó là tham dục, đố kị và ngạo mạn. Sự tham dục chủ yếu là tham danh văn lợi dưỡng, muốn được người tôn trọng, muốn được người tán thán, muốn người khen ngợi. Hễ tham thì dễ bị sân, dễ kiêu mạn, không chịu được người khác tốt, tâm sân hận, tâm ngạo mạn liền xuất hiện. Cho nên tham dục là chướng ngại lớn thứ nhất. Kế tiếp, đố kị là chướng ngại lớn thứ hai. Khi tâm đố kị nặng, nếu làm chướng ngại, hủy báng một nhân tài hoằng pháp hộ pháp được đại chúng hết sức hoan nghênh, khiến người trong một khu vực không nhận được lợi ích của chánh pháp thì sẽ phải đọa địa ngục A-tỳ. Chướng ngại lớn thứ ba là ngạo mạn, cống cao ngã mạn, điều này là chướng ngại rất lớn trong sự tu học.

Vương Đán rất có lòng độ lượng, ông thường nói tốt về Khấu Chuẩn nhưng Khấu Chuẩn lại thường hay nói xấu về ông. Về sau hoàng đế không nhịn nổi nữa, nói với Vương Đán: “Khấu Chuẩn cứ nói xấu khanh, sao khanh luôn nói tốt cho ông ta?”. Vương Đán nói: “Thần làm Tể tướng lâu như vậy, chắc chắn có rất nhiều sai sót, cho nên Khẩu Chuẩn chính trực, đã chỉ ra cho thần”. Ông còn tán thán Khấu Chuẩn chính trực. Về sau, Khấu Chuẩn có lẽ là hơi sốt ruột, đi nói với Vương Đán: “Ông tiến cử tôi làm Tể tướng đi”. Vương Đán nói với ông: “Vị trí Tể tướng này không lẽ cứ muốn là được sao?”. Khấu Chuẩn rất thất vọng mà ra về, trong tâm thấy khó chịu. Về sau khi Vương Đán qua đời, Khấu Chuẩn được thăng chức lên làm Tiết Độ Sứ kiêm Tể tướng. Ông nói rằng: “Tạ ơn hoàng thượng, đã cho thần cơ hội này, cảm tạ long ân, tạ chủ long ân”. Hoàng đế nói với ông: “Khanh đừng cảm ơn ta, là Vương Đán tiến cử khanh làm Tể tướng đó”. Lúc đó Khấu Chuẩn khâm phục năm vóc sát đất đối với sự tu dưỡng của Vương Đán.

Người trong nhà cảm thấy Vương Đán trước giờ chưa từng nổi nóng, liền muốn thăm dò ông. Có một hôm ăn cơm, Vương Đán ăn một chén canh, người trong nhà liền đem một ít tro bụi rắc lên trên chén canh đó. Kết quả hôm đó ông chỉ ăn cơm, không ăn canh. Hôm sau, họ đem tro bụi rắc lên trên cơm, Vương Đán đẩy chén cơm ra nói, hôm nay không muốn ăn cơm, cho ta một ít cháo. Vương Đán rất là độ lượng, không muốn chỉ trích người, cho nên người xung quanh ông đều rất khâm phục ông.

Dân tộc chúng ta rất may mắn, nhiều đại thánh đại hiền như vậy đã làm gương cho chúng ta, chúng ta phải nên “đức tiến dần, lỗi ngày giảm”, xứng đáng với sự thị hiện, biểu diễn của họ.

Sáng nay tôi xin chia sẻ tới đây, cảm ơn mọi người!