Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 14/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 14/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Nếu như không đủ tin tưởng mà các vị lại đi khuyên nhủ, họ có thể sẽ hiểu nhầm là có phải các vị nhìn họ thấy chướng mắt không, có phải các vị đang phỉ báng họ. Cho nên đầu tiên phải được tin tưởng. Nhưng làm sao để được bạn bè và người thân tin tưởng? Sự tin tưởng này tuyệt đối không phải bỗng nhiên mà có, phải thông qua sự quan tâm chân thành của chúng ta thì mới xây dựng được niềm tin.

Cũng có một số người rất nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Nhưng nhiều người khi nhìn thấy họ lại tránh xa, cảm thấy họ rất phiền phức, rất lắm lời, sau đó nói với họ: “Làm ơn đi! Anh đừng để ý đến tôi nữa!”. Có người như vậy không? Có! Làm rất vất vả mà lại bị người khác ghét bỏ. Có những người như vậy, bởi sự quan tâm của họ không nhằm vào nhu cầu của người khác. Cho nên trước tiên chúng ta phải biết quan sát nhu cầu của người chúng ta định khuyên, sau đó mới bỏ công sức đi quan tâm thì tự nhiên sẽ dành được sự tin tưởng. Rồi vào thời cơ thích hợp, tự nhiên họ sẽ có thể tiếp thu lời nói của chúng ta.

Chúng ta hãy xem xét như trong quan hệ cha con, khi cha của các vị rất tin tưởng các vị. Có thể cha các vị có mấy người con, nhưng khi ông đặc biệt tin tưởng người con nào đó thì có lẽ người con này phải làm cho ông yên tâm nhất, hiếu thuận với ông nhất, cho nên đã dành được sự tin tưởng của cha. Bởi vì thường vào lúc cha cần, anh ấy đều tận tâm, tận lực đi hoàn thành bổn phận của người làm con.

Vào thời đầu nhà Đường, lúc đó còn chưa được tính là sáng lập nhà Đường, vào giữa thời Tùy Đường, cha của Đường Thái Tông (tức Lý Thế Dân) là Lý Uyên đem quân đi chinh Nam, phạt Bắc. Đương nhiên Lý Thế Dân cũng đi theo bên cạnh. Có một lần Lý Uyên quyết định dẫn quân đi theo con đường này, Đường Thái Tông nhìn một cái thì liền nghĩ con đường này có thể bị quân địch mai phục và sẽ mất hết toàn quân. Lý Thế Dân đã nhất mực khuyên cha không nên đi vào con đường đó nhưng cha ông không nghe. Kết quả là buổi sáng hôm đó khi vừa xuất phát, đột nhiên thấy ngoài trướng có tiếng người than khóc. Lý Uyên cảm thấy rất kỳ lạ: “Sao lại có tiếng khóc của một người đàn ông?”. Lý Uyên liền ra xem thì nhìn thấy Lý Thế Dân ngồi dưới đất mà khóc lớn. Nhìn thấy cha, Lý Thế Dân liền nói: “Cha à! Lần này đi chắc chắn toàn quân sẽ bị tiêu diệt”, ông càng nói thì càng khóc to hơn. “Đệ Tử Quy” của chúng ta có nói “hiệu khấp tùy, thát vô oán” (dùng khóc khuyên, đánh không giận), Đường Thái Tông đã thực hiện được câu “hiệu khấp tùy” (dùng khóc khuyên) này. Cha ông nhìn thấy vậy thì cảm thấy đứa con này thật hiếm có, kiên quyết khuyên can cha. Sau đó người cha quyết định  thay đổi tuyến đường và do vậy quân đội không gặp phải nguy hiểm.

Cho nên, tấm lòng hiếu thảo của một người con cứu vãn được một đoàn quân. Nếu như đoàn quân này không được cứu vãn, vậy thì lịch sử của dân tộc chúng ta sẽ ra sao? Quý vị có cảm thấy rằng cuộc sống thì chân thật cần phải cẩn thận, bởi sai một li có thể đi một dặm. Đúng vậy! Nếu không tin, các vị thử hồi tưởng lại xem, mấy mươi năm nay, nếu như các vị chọn lựa sai lầm ở một mấu chốt nào đó thì hiện nay các vị đã không có phúc phần là có thể ngồi ở đây nghe giảng về giáo huấn của Thánh Hiền và không phải lo lắng gì về gia đình. Cho nên làm người thì phải luôn luôn cẩn thận.

Còn nữa, chúng ta phải luôn luôn có lòng biết ơn, bởi vì trong quá trình này cũng có rất nhiều bạn bè, người thân cho chúng ta những lời khuyên, những chỉ dẫn nhắc nhở rất quan trọng. Đây là con cái khuyên cha.

Đương nhiên cũng có lúc cha khuyên con, thường đa số cha khuyên con là lúc con cái đã trưởng thành, không tiện quát tháo. Khi con cái còn nhỏ, chúng ta có thể nghiêm nghị giáo huấn chúng. Nhưng khi con cái lớn rồi thì cần giữ thể diện, nếu chúng ta mắng chúng ở trước mặt người khác thì chúng không những không tiếp thu mà còn oán hận ở trong lòng.

Có một thiếu niên mười sáu tuổi chở người cha đến một khu vui chơi và để ông ở đó, sau đó hẹn ông bốn giờ chiều sẽ quay lại. Người thiếu niên này chạy xe đến cây xăng để đổ xăng. Trên đường đến cây xăng, người thiếu niên này cảm thấy thời gian còn những mấy tiếng nữa, cho nên muốn đến rạp chiếu phim ở gần đó để xem phim, sau đó sẽ đi đổ xăng rồi quay lại đón cha. Kết quả khi đã xem phim rồi thì quên mất thời gian, khi anh ta tỉnh ra thì đã muộn hơn một tiếng đồng hồ. Anh ta nhanh chóng đi đổ xăng rồi vội vàng chạy đến nơi đã hẹn với cha. Trong lòng anh ta nghĩ thế nào cũng bị cha mắng, cho nên đã nghĩ ra một lý do để nói với cha rằng xe bị hỏng phải đi sửa.

Chúng ta không thể trách anh ấy, bởi anh ấy chưa được học “Đệ Tử Quy” nên không biết: “Nếu che dấu, lỗi chồng thêm”, “không có lòng làm điều xấu, nhưng bị tiếng xấu”. Nhưng anh ấy đã “có lòng làm việc xấu, tội danh đáng có” rồi. Anh ấy lại cho rằng mình thông minh, cho nên vừa gặp cha, anh ấy liền nói: “Cha à! Xe bị hỏng nên con mới đến muộn như vậy”. Người cha nói: “Tại sao con lại lừa dối cha?”. Anh ấy vẫn cố tình bao biện: “Cha à! Con nói thật đó!”. Người cha liền nói: “Cha đã gọi điện thoại đến cây xăng đó rồi, họ nói với cha rằng xe của con để suốt ở đấy”. Kết quả là lời nói dối của anh đã bị lộ tẩy, rất là hổ thẹn. Người cha lại nói tiếp: “Cha rất buồn, không phải buồn con mà buồn chính bản thân cha”. Ông nói: “Cha đã nuôi dạy con trai mười sáu năm trời. Thế mà chỉ vì sợ bị mắng mà con đã nói dối cha. Đây là do cha không biết cách dạy dỗ con cái, cho nên cha phải kiểm điểm lại mình. Đoạn đường này cha phải tự mình đi về”.

Đoạn đường này cách nhà ông mười tám dặm Anh, mà một tiếng đồng hồ chỉ đi được khoảng bốn, năm dặm Anh. Người cha đi bộ từng bước, từng bước về nhà. Còn người con thì chạy xe theo sau người cha. Người con này nói đây là đoạn đường anh ấy bị dằn vặt nhất trong cuộc đời của anh, nhưng đây cũng là bài học quí giá nhất trong cuộc đời của anh. Người con đó nói rằng, từ ngày đó cho đến tận bây giờ, anh không dám nói dối một lần nào nữa. Cho nên người cha này dùng đức hạnh của ông, dùng lòng hổ thẹn của ông để đánh thức lòng hổ thẹn của người con. Đây cũng là cha khuyên con cái. Cho nên khi chúng ta khuyên nhủ người khác, ngoài tấm lòng chân thành, tấm lòng thiện tâm, ý đồ tốt ra thì còn phải có phương pháp khéo léo.

Tiếp đến, quan hệ vua tôi, cấp trên cần điều gì, cần chúng ta giúp họ gách vác một số công việc, chúng ta đều có thể lặng lẽ đi làm, và mỗi lần làm đều khiến cho cấp trên hài lòng. Cho nên phải nhằm vào nhu cầu của họ để bỏ công sức ra làm thì họ sẽ rất tin tưởng chúng ta.

Làm người cấp dưới chúng ta cũng phải có trách nhiệm đi can gián cấp trên của mình. Nhắc tới can gián chúng ta nhất định sẽ nhớ đến vị đại thần Ngụy Trưng vào đời nhà Đường. Ngụy Trưng là một người mà tôi cảm thấy rất khả ái. Khi ông bắt đầu phò tá cho Đường Thái Tông, ông đã nói trước, nói thẳng và nói rất có nghệ thuật. Ông nói với Đường Thái Tông rằng: “Tâu Hoàng Thượng! Thần không cần làm trung thần. Thần chỉ muốn làm một lương thần”. Đường Thái Tông nghe xong thì lấy làm buồn bực lắm: “Tại sao ngươi không muốn làm trung thần mà lại muốn làm một lương thần vậy?”. Ngụy Trưng liền nói: “Bởi vì làm trung thần rất dễ bị mất đầu, còn làm lương thần sẽ không bị mất mạng”. Đường Thái Tông nghe vậy thì cười lớn. Thật ra Đường Thái Tông là vị vua rất thông minh, trong lúc cười lớn ông liền nghĩ: “Trung thần đều bị ai giết? Bị bạo chúa giết. Nếu như ta giết ông ta, vậy ta sẽ biến thành cái gì? Biến thành bạo chúa trong lịch sử!”. Cho nên lời nói ấy của Ngụy Trưng đã bảo đảm được tính mạng của ông.

Khi Đường Thái Tông có sai lầm thì Ngụy Trưng khuyên gián thẳng thừng không húy kị. Ông thường xuyên nhắc nhở Đường Thái Tông rằng: “Nước có thể đẩy thuyền đi nhưng cũng có thể làm lật thuyền”. Nhân dân có thể ủng hộ vua, thành tựu sự nghiệp của vua, nhưng khi vua không biết yêu quí nhân dân thì nhân dân cũng có thể lật đổ vua. Cho nên Đường Thái Tông cũng luôn luôn thận trọng trong việc cai trị đất nước. Có một lần Ngụy Trưng can gián rất kịch liệt, làm cho Đường Thái Tông tức muốn chết. Sau đó Đường Thái Tông liền nổi giận đùng đùng đi về tẩm cung, vừa đi vừa hét: “Bực muốn chết đi được, ta nhất định phải giết hắn”, và giận dữ như vậy đi về tẩm cung. Hoàng Hậu nhìn thấy ông giận dữ như vậy thì trong lòng đã biết chỉ có Ngụy Trưng mới làm được như thế. Hoàng Hậu lập tức đi thay đổi xiêm y rất là chỉnh tề, nghiêm chỉnh, thay đồ xong liền đến trước mặt Đường Thái Tông quỳ xuống và nói: “Xin chúc mừng Hoàng Thượng! Chúc mừng Hoàng Thượng!”. Đường Thái Tông đang giận dữ muốn chết lại thấy Hoàng Hậu có cử chỉ như vậy thì chẳng hiểu ra làm sao. Hoàng Hậu lại nói tiếp: “Tâu Hoàng Thượng, nhất định là có minh chủ xuất hiện, bởi vì có minh chủ xuất hiện thì mới có vị thần tử dám nói thẳng không húy kị như vậy”. Kết quả, Đường Thái Tông nghe xong liền đổi giận làm vui: “Vậy thì ta là minh chủ rồi!”. Cho nên, một người vợ có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với chồng. Nếu như lúc đó Hoàng Hậu vào và nói mấy câu gièm pha Ngụy Trưng thì tôi nghĩ “Trinh Quán Chi Trị” có lẽ đã phải sửa lại.

Cho nên sự hưng thịnh của một gia đình, sự hưng thịnh của một triều đình phải là công sức của rất nhiều người bỏ ra, rất nhiều người tham gia vào mới có thể làm được. Chúng ta luôn phải hiểu một điều là sự thành tựu một số việc trong đời người thường là công lao của rất nhiều người, nhất định phải là một số đông người cùng chí hướng mới có thể thành công. Cho nên Đường Thái Tông không chỉ có mỗi một mình Ngụy Trưng mà còn có người vợ hiền đức là Hoàng Hậu ở bên cạnh phò trợ.

Sau đó khi Ngụy Trưng mất, Đường Thái Tông rất đỗi đau lòng. Ông nói: “Ta có ba tấm gương”:

  • Lấy đồng làm gương có thể chỉnh sửa quần áo khi mặc, có thể chỉnh quần áo mũ mão cho chỉnh tề (người ngày xưa đều dùng gương đồng).
  • Lấy lịch sử làm gương soi, dùng lịch sử để quán chiếu việc cầm quyền trị nước của mình, có thể biết được sự hưng thịnh. Ông có thể dùng lịch sử để quán chiếu được làm thế nào để triều đình được hưng thịnh và làm thế nào thì triều đình sẽ suy vong.
  • Lấy người khác làm gương soi, dùng một vị đại thần hiền lương để can gián ông thì có thể hiểu được cái được và cái mất trong chính sách của ông để mà đi sửa chữa.

Đường Thái Tông nói rằng ông có ba tấm gương mà bây giờ đã mất đi một tấm, đó là chỉ Ngụy Trưng đã mất đi. Từ việc này chúng ta có thể thấy được, một vị minh chủ nhất định phải là người rất quí trọng, yêu mến nhân tài. Như vậy ông mới được sự tín nhiệm của các vị đại thần này. Trị vì đất nước là như vậy.

Thời nay quản lý công ty cũng như vậy. Cho nên, giới doanh nghiệp thời nay rất chú trọng vào học vấn về cách quản lý. Thật ra trong “Tứ Thư” cũng có học vấn về quản lý. Hơn nữa lại là những học vấn rất tinh túy về quản lý, toàn là mấu chốt của vấn đề. Chúng ta nghĩ xem, trong “Trung Dung” có nhắc đến: “Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh. Đó là: Tu thân dã, tôn hiền dã, thân thân dã, kính đại thần dã, thể quần thần dã, tử thứ dân dã, lai bách công dã, nhu viễn nhân dã, hoài chư hầu dã”. Chín phương pháp này thực ra dùng vào thời hiện nay tuyệt đối sẽ làm cho công ty của các vị phát triển một cách mạnh mẽ. Cầu học vấn thì phải chủ động, cho nên tôi chỉ nói ba điều mà thôi, còn những điều khác các vị hãy tự mở sách “Trung Dung” ra xem.

Điều thứ nhất:Tu thân dã

Mình thật sự có “đức hạnh” thì mới có những người tốt làm việc chung với mình. Chỉ cần có người thì không sợ làm không được việc. Cho nên trong “Đại Học” có nhắc nhở chúng ta: “Hữu đức thử hữu nhân”, có rất nhiều tiền chưa chắc đã tìm được nhân tài. Hiện nay có rất nhiều nhà giàu mới nổi, nhưng họ tuyển người đều tuyển không được những người ưu tú. Mà chỉ cần chúng ta có đức hạnh thì đức hạnh của chúng ta sẽ tự nhiên thu hút được những người có chí hướng đến với mình, cho nên mới nói: “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân”. Bởi vậy trên căn bản là phải tu thân.

Điều thứ hai:Tôn hiền dã

Tôn trọng những người hiền lành, tài giỏi, tự nhiên sẽ càng có nhiều người hiền đến đầu quân. Bởi vì những người hiền tài thì chân thật không thể dùng tiền tài mà tuyển được họ. Phải dùng cái gì mới tuyển được? Có phải dùng tiền tài mà mời được Khổng Minh không? “Ba lần lui tới nhà tranh để mời” là nguyên nhân làm sao? Là lòng chân thành. Là cái gì nữa? Lòng cung kính. Chúng ta cung kính đối đãi người hiền tài thì họ sẽ bằng lòng đi theo. Ngoài lòng chân thành, lòng cung kính ra thì còn có một điều nữa, đó là phải có lòng phục vụ nhân dân thì mới mời được những người này đi theo.

Vừa rồi có nói đến Đường Thái Tông quý trọng Ngụy Trưng như vậy, thì chắc chắn sẽ càng có nhiều người trí thức bằng lòng tận trung với ông. Đây là quý trọng người hiền. Nếu như thời nay ông chủ không tôn trọng người hiền tài mà lại đi đố kỵ với những người cấp dưới rất có năng lực, thậm chí ông chủ này lại rất háo sắc, thì cho dù hiện tại ông ta đang vào thời kỳ cực kỳ hưng thịnh, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ suy bại. Cho nên một người có lòng tôn trọng người hiền tài thì có thể bỏ qua lời gièm pha, tránh xa nữ sắc, “khứ sàm viễn sắc”.

Điều thứ ba:Thân thân dã

Chữ “thân” ở đây là chỉ cha mẹ, chỉ người thân. Khi một người làm lãnh đạo mà đầu tiên là thực hiện được hiếu đạo thì họ có thể sẽ lấy “đức” để cảm hóa được nhân viên của họ, cảm hóa nhân dân của họ. Ở Trung Quốc có một công ty lúc đầu lỗ vốn bẩy tám trăm triệu nhân dân tệ. Có rất nhiều công ty lỗ nhiều như vậy đều đã bị phá sản, nhưng công ty này vẫn cứ kiên trì cố gắng. Trong quá trình này, gia phong của công ty họ rất tốt. Mỗi khi vào dịp lễ Tết quan trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị luôn luôn dẫn con cái và cháu cùng đi thăm mẹ của ông. Gia đình này rất có nền nếp, hiếu thảo. Ông cũng rất để tâm huấn luyện nhân viên, coi nhân viên như người thân. Ông dùng “Đệ Tử Quy” để huấn luyện nhân viên.

Dùng “Đệ Tử Quy” để huấn luyện nhân viên là điều rất hiếm thấy. Đa số các công ty, xí nghiệp huấn luyện nhân viên đều huấn luyện nhân viên làm thế nào để bán được sản phẩm. Có đúng vậy không? Nhưng ông lại dùng “Đệ Tử Quy” để huấn luyện nhân viên. Đó là thể hiện luôn mong muốn nhân viên từ nơi công ty của ông có thể trưởng thành, có thể chân thật học được cách làm người, làm việc. Cho dù sau này họ không làm ở đây nữa, thì ông cũng cảm thấy không có lỗi với những người nhân viên này. Ông có lòng hiếu thảo như vậy, có lòng quan tâm, có ý bồi dưỡng cho nhân viên dưới quyền như vậy, cho nên hiện nay ông từ chỗ bị lỗ vốn bẩy tám trăm triệu nhân dân tệ đã trở thành công ty phát triển nhanh chóng và cũng rất thành công. Cho nên lời nói của Tổ tiên chúng ta chân thật tuyệt đối không vì thời gian mà có sự thay đổi. Có rất nhiều công ty tại sao không thể duy trì lâu dài được? Bởi họ không quay lại với thái độ căn bản làm người. Cho nên có rất nhiều người bị vấp ngã nhưng không biết tại sao mình lại vấp ngã.

Chúng ta đã thấy Đường Thái Tông biết cách tiếp thu lời can gián của thần dân đối với ông, thể hiện rằng ông tôn trọng người hiền tài. Chúng ta từ lời nói, hành vi, cử chỉ của một vị thánh chủ mà có thể hiểu được rằng tại sao ông lại thành công như vậy. Khi chúng ta đã hiểu thì những thái độ đối nhân, xử thế này phải làm sao? Nghe xong câu chuyện Đường Thái Tông, câu chuyện Ngụy Trưng thì phải làm sao? Vở tuồng cuộc đời của chúng ta ai là vai chính? Là chính chúng ta! Cho nên trong quá trình chúng ta nghe chuyện Đường Thái Tông thì ai là Đường Thái Tông? Chính chúng ta là Đường Thái Tông. Chúng ta phải có thái độ học tập ưu điểm của ông. Nếu không, sau khi nghe giảng xong, Mẫn Tử Khiên vẫn là Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ vẫn là Tử Lộ thì có phải chúng ta đã uổng công đi nghe giảng rồi không?

Có một vị thầy giáo hiểu thấu sự việc đặc biệt nhanh. Có một hôm ông nói với một vị thầy giáo khác: “Tôi cảm thấy trong quá trình thầy Thái giảng, câu nào cũng đều là mắng tôi”. Các vị xem, tôi giảng thế này có giống như là mắng người khác không? Nhưng ông nói ra câu này thì đã chỉ ra được rằng tại sao ông lại tiến bộ đặc biệt nhanh như vậy. Bởi vì ông nhìn thấy việc tốt thì luôn luôn nhắc nhở mình noi theo, nghe thấy việc xấu thì lập tức cảm thấy mỗi câu cũng là để nói mình vậy. “Kiến nhân ác, tức nội tỉnh(Thấy người tốt, nên sửa mình), đây được gọi là thiện học. Cho nên người ngồi nghe giảng nhiều như vậy nhưng mỗi người học được lại không giống nhau, và thiện về học tập thì rất quan trọng.

Vào thời Hán Vũ Đế, thời Vũ Đế cũng là một triều đại chính trị và quân sự rất hưng thịnh. Nhưng đến cuối đời Vũ Đế phát sinh ra một việc rất bất hạnh, đó là “vụ án trùng độc”. Có người vu cáo Thái Tử và Hoàng Hậu làm phép thuật chôn người gỗ dưới đất để hại người. Thật ra họ muốn hãm hại Hoàng Hậu và Thái Tử. Cuối cùng Thái Tử thấy tình hình không khả quan cho nên dấy binh giết chết những kẻ vu cáo này, giết chết những tên thuật sĩ đã lừa dối Hoàng Đế này. Nhưng cũng do hành động này, Hán Vũ Đế lại cho rằng Thái Tử tạo phản, cho nên liền ra lệnh bắt Thái Tử và tất cả người thân của Thái Tử nhốt lại, làm cho cả gia tộc nhà Hán bị một phen rối loạn. Kết quả trong lúc giận dữ, Hán Vũ Đế đã ra lệnh giết tất cả những người ở trong ngục, giết hết người thân của mình.

Có một đứa bé vừa sinh ra đời, là chắt trai của Hán Vũ Đế, sau này chính là Hán Tuyên Đế. Khi ấy có một vị đại thần tên là Bỉnh Cát, ông phụ trách việc xét xử vụ án cổ độc này nhưng ông không muốn giao Tuyên Đế ra. Hán Vũ Đế đã cử cận thần đến đòi người, Bỉnh Cát tuy biết Hán Vũ Đế đang rất tức giận nhưng ông vẫn rất hiên ngang trả lời rằng: “Chúng ta không thể giết người vô tội, hơn nữa đây còn là người thân của Hoàng Thượng”. Kết quả khi viên cận thần trở về bẩm báo lại với Hán Vũ Đế thì Hán Vũ Đế chợt tỉnh ra, lúc đó mới đại xá cho những người chưa bị giết. Cho nên Bỉnh Cát đã lấy tính mạng của mình để khuyên gián. Bởi trong lúc Hoàng Đế đang rất tức giận như vậy thì rất có thể sẽ bị vạ lây, bị mất mạng như chơi. Nhưng ông dám lấy cái mạng của mình để can gián thì mới làm cho Hán Vũ Đế thức tỉnh.

Sau này khi Hán Tuyên Đế đã kế vị, Bỉnh Cát cũng không bao giờ nhắc đến chuyện này. Bởi người trí thức ngày xưa đều cảm thấy mình làm như vậy, ví dụ như “xả thân vì nghĩa lớn, hy sinh vì nghĩa”, tuyệt đối không phải là mưu cầu sau này sẽ được lợi ích gì, mà xem mình có làm theo giáo huấn của Thánh Hiền hay không, có thể luôn luôn vì nhân dân, vì đất nước, và còn vì không hổ thẹn với lương tâm của chính họ. Ở đây chúng ta đã thấy những đại thần của triều nhà Đường, triều nhà Hán khuyên gián Hoàng Đế của họ như thế nào.

Vào đời nhà Chu có một vị Quân vương tên là Trịnh Trang Công. Ông có mối xung đột với em trai. Bởi vì mẹ ông yêu quý em trai hơn ông, thậm chí còn ủng hộ em trai ông rất nhiều lực lượng, làm cho em trai có ý muốn đối địch với ông. Trịnh Trang Công rất tức giận mẹ. Trong lúc tức giận ông đã nói một câu: “Ta với mẹ không xuống hoàng tuyền thì không gặp mặt”. Câu này có ý gì vậy? Cả cuộc đời này đến chết cũng không gặp mặt mẹ. Sau khi Trịnh Trang Công nói xong câu nói này thì làm sao? Các vị cảm thấy ông sẽ như thế nào? Có cảm thấy vui vẻ không? Thật ra khi người ta nói trong lúc tức giận, nói xong sẽ rất hối hận, bởi vì lời đã nói ra thì không lấy lại được. Hơn nữa ông lại là vua một nước, vua một nước thì một lời nói ra như “nhất ngôn cửu đỉnh”. Kết quả là ông đã chân thật không gặp mặt mẹ nữa.

Chúng ta phải nhớ kỹ, giữa người với người, những tình thân giữa con người này phải trân trọng, “vật dĩ tiểu hiềm sơ chí thân, vật dĩ tân oán vong cựu ân”. Chúng ta làm như vậy sẽ tổn phúc của bản thân mình. Thật ra làm vậy là tự hại mình và cũng làm tổn thương người khác. Làm người đừng có dại dột như vậy! Chúng ta không nên làm những việc hại người mà cũng không có lợi gì cho chính bản thân mình. Vì thật ra tổn thương người khác thì không bao giờ có lợi cho bản thân. Đây là chân lý.

Một vị hạ thần thấy tình trạng này của Trịnh Trang Công, vị hạ thần này là một người con hiếu thảo tên gọi là Dĩnh Khảo Thúc. Một người con hiếu thảo khi nhìn thấy vua của mình đối xử với mẹ như vậy sẽ làm gì? Một người con hiếu thảo thì nhất định sẽ hiểu được sự vất vả, khổ sở của người làm mẹ. Khi mẹ của người khác không được con cái phụng dưỡng, trong lòng ông cũng rất khó chịu. Ông cũng có thể cảm nhận được như chính bản thân ông đang phải chịu đựng vậy. Trong “Hiếu Kinh” có nhắc tới: “Giáo dĩ hiếu, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã”. Hơn nữa tôi nghĩ Dĩnh Khảo Thúc không chỉ nghĩ cho mẹ của Trịnh Trang Công, ông còn nghĩ tới một sự ảnh hưởng rất sâu xa, đó là người làm vua một nước mà không hiếu thảo với mẹ thì sẽ gây ra sự việc nghiêm trọng là toàn dân trong nước họ sẽ nói: “Vua còn không hiếu thảo với mẹ huống chi là mình!”. Vậy là nếp sống của cả một nước trong nháy mắt sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu. Cho nên người làm hạ thần như ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm, phải nhanh chóng đi khuyên gián. Nhưng phải khuyên làm sao để Trịnh Trang Công tâm phục, khẩu phục.

Cho nên một hôm, Dĩnh Khảo Thúc mang lễ vật rất quí giá đến tặng cho Trịnh Trang Công. Bởi nghi lễ thời bấy giờ là khi kẻ hạ thần tặng lễ vật cho vua thì vua nhất định phải hoàn lễ, nhất định phải mời ông ấy ăn uống. Trong lúc ăn uống, Dĩnh Khảo Thúc ngồi ở đó và mang rất nhiều thức ăn để sang một bên. Trịnh Trang Công thấy thế thì rất lấy làm lạ, liền hỏi: “Trẫm ban cho khanh đồ ăn, sao khanh lại không ăn?”. Bấy giờ Dĩnh Khảo Thúc mới nói: “Thần từ nhỏ tới lớn, khi có những món ăn ngon đều nhất định để cho mẹ ăn trước rồi thần mới ăn. Hơn nữa từ trước tới giờ, mẹ thần chưa bao giờ được ăn những món ăn do vua ban. Cho nên thần phải gói lại đem về, khi nào mẹ thần ăn xong còn thừa thì thần mới ăn”. Tấm lòng hiếu thảo của ông như vậy làm cho Trịnh Trang Công rất cảm động, vua nói: “Ôi! Khanh còn có mẹ để mà hiếu thảo, quả nhân bây giờ không còn mẹ để mà hiếu kính nữa rồi”.

Mấy câu nói của Dĩnh Khảo Thúc làm thức tỉnh lòng hiếu thảo của Trịnh Trang Công. Dĩnh Khảo Thúc liền nói: “Bệ hạ ngay bây giờ có thể hiếu kính được với mẹ, bởi vì thần đã tìm được một nơi, nơi đó có một sơn động thông xuống lòng đất, có tên là “Hoàng Tuyền”. Chỉ cần Hoàng Thượng hẹn gặp mẹ ở đó, sau đó Hoàng Thượng đến để đón mẹ về nước, vậy là tất cả đều được viên mãn”. Cho nên Trịnh Trang Công đã hẹn gặp mẹ ở động “Hoàng Tuyền” này, rồi dùng lễ rất long trọng để rước mẹ về nước. Chúng ta có thể tưởng tượng khi mẹ ông đi trên con đường lớn để về cung, nhân dân nhìn thấy đều hân hoan, vui vẻ. Các vị xem, sự ảnh hưởng của một lời khuyên, lời khuyên của Dĩnh Khảo Thúc có ảnh hưởng to lớn như vậy. Đây là chúng ta nói đến quan hệ vua tôi.

Tiếp đến là quan hệ vợ chồng. Ví dụ người vợ ở nhà chăm lo việc nhà chu đáo, dạy dỗ con cái rất tốt để chồng không phải bận tâm lo lắng về gia đình. Cho nên tự nhiên người chồng rất tin tưởng vợ, thì lời nói của người vợ đó sẽ rất có trọng lượng.

Khi về nhà chồng, đến khi nào con dâu mới có thể khuyên nhủ chồng, thậm chí khuyên nhủ người thân bên chồng? Có phải ngày đầu tiên về nhà chồng là nàng dâu có thể khuyên can rằng cái này không được, cái kia không được không? Có thể như vậy không? Nếu như mới về nhà chồng mà cô ấy đã chỉ cái này, trỏ cái kia, cái này cần phải sửa, cái kia cần phải sửa thì cô ấy nhất định sẽ bị người nhà chồng ghét bỏ bởi vì cô ấy mới về nhà chồng nên chưa xây dựng được lòng tin tưởng. Cho nên chúng ta phải thuận theo tình người, phải biết được cảm nhận của người khác.

Chú Lô đã từng nói với tôi, khi đến một hoàn cảnh mới thì phải quan sát thật nhiều. Quan sát xem nhu cầu của người ta ở đâu để mình bỏ sức ra cống hiến. Phải nghe nhiều, nghe hiểu nhu cầu của người khác, có khi lại nghe được một số điều kiêng kị, người khác không muốn nhắc tới thì chúng ta phải tránh xa. Phải nghe được  nhu cầu, nghe được điều kiêng kị. Phải xem nhiều, nghe nhiều nhưng nói ít, ít phát biểu ý kiến. Vậy khi chúng ta đến làm ở một công ty mới, có nên xem nhiều, nghe nhiều mà nói ít không? Đương nhiên khi các vị làm nhiều nói ít, cấp trên của các vị sẽ rất tin tưởng các vị. Đến lúc đó thì họ sẽ rất xem trọng ý kiến của các vị.

Cho nên đạo lý là như nhau, đều thích hợp. Chúng ta là con dâu thì phải quan sát được lúc nào thì phải diễn vai nào. Điều này tôi học được từ mẹ của tôi. Khi mẹ tôi lấy chồng thì em gái, em trai chồng còn đang đi học. Lúc mẹ lấy cha tôi, ông ngoại tôi cực lực phản đối. Ông ngoại tôi rất lợi hại. Ông phân tích cho mẹ tôi nghe, ông nói: “Con xem, con lấy chồng làm trưởng, em trai, em gái của anh ấy vẫn còn đang đi học. Hơn nữa, bố chồng con là ngư dân nên thu nhập không ổn định, cho nên con lấy anh ấy thì nhất định sẽ rất vất vả”. Mẹ tôi nói: “Con vẫn muốn lấy anh ấy”. Tại sao vậy? Bởi vì mẹ tôi cảm thấy cha tôi rất hiếu thảo. Người hiếu thảo mới có tình nghĩa, mới có đạo nghĩa. Cho nên mẹ tôi xem mặt rất nhiều người có tiền của đều không muốn, lại chỉ muốn lấy anh chàng nghèo khổ. Kết quả khi lấy cha tôi thì đúng là vất vả thật.

Sau khi về nhà chồng, tiền lương dạy học của mẹ tôi đều tiêu vào việc nhà, lại còn chi phí cho em gái, em trai chồng đi học. Nếu như các vị là nữ giới, hoàn cảnh như vậy các vị có lấy không? Cho nên một là phải có nhãn quan, phải nhìn xa, trông rộng, biết được người con hiếu thảo, gia đình có hiếu đạo truyền thống thì sau này sẽ hưng thịnh. Hơn nữa người xưa có câu: “Chịu thiệt thòi là phúc”. Khi các vị chịu được thiệt thòi thì sẽ dành được sự tôn trọng, sự khâm phục của người khác đối với các vị. Nhà mẹ tôi xem ra cũng rất giàu có. Nhưng khi đi lấy chồng, mẹ tôi lại biết hy sinh như vậy cho nên em trai, em gái chồng rất khâm phục mẹ tôi. Mấy người chú của tôi đối xử với mẹ tôi rất tốt. Và hoàn cảnh gia đình cũng từ từ được cải thiện, bởi vì người có lòng hiếu thảo thì nhất định sẽ có trách nhiệm đối với gia đình. Mẹ tôi lấy chồng được hơn hai mươi năm thì mới bắt đầu mở lời. Khi niềm tin đạt đến một mức độ thì khi mở lời sẽ rất có trọng lượng.

Cho nên chúng ta phải làm nhiều, nói ít, không nên nóng vội, bởi nóng vội sẽ có lúc “dục tốc bất đạt”. Hơn nữa khi góp ý cho họ, chúng ta cũng không nên: Đã không góp ý thì thôi, đến khi góp ý thì nói liền tù tì năm sáu ý kiến. Như vậy cũng không tốt. Chúng ta thỉnh thoảng đưa ra một ý kiến, kết quả có thể họ sẽ không làm theo, nhưng sau cùng lại giống như lời các vị nói: “Anh nói đúng quá!”. Thế là từ từ sự tín nhiệm sẽ càng ngày càng cao.

Lúc trước chúng ta có nhắc tới Hoàng Hậu của Đường Thái Tông cũng rất là khéo léo khuyên can Đường Thái Tông. Có một người vợ cũng muốn khuyên can chồng bỏ thuốc lá. Vào lúc chồng cô ăn cơm với một số bạn bè, một người bạn đưa cho chồng cô một điếu thuốc, cô ấy liền cướp lấy điếu thuốc. Làm như vậy có thành công hay không? Chắc chắn sẽ thành phản tác dụng.

Cho nên khi chúng ta khuyên can thì phải xác định mục đích, chứ không phải khống chế, ép buộc: “Anh phải nghe lời em!”. Làm như vậy sẽ phản tác dụng. Ý đồ là muốn lợi ích cho đối phương. Tiếp đến là nắm đúng thời cơ. Cô ấy cướp như vậy thì  người chồng sẽ không còn thể diện. Cho nên phải xem xét thái độ, xem xét phương pháp.

Một người khác cũng khuyên chồng bỏ thuốc nhưng không khuyên theo cách như vậy. Cô nói với chồng: “Anh xem con chúng ta còn nhỏ, chúng đều đáng yêu như vậy, sức khỏe của anh là chỗ dựa cả cuộc đời của con cái”. Không phải chỉ nam giới nói lời ngon ngọt mới có kết quả, nữ giới nói cũng rất có kết quả. Người chồng cảm thấy mình rất quan trọng. Cho nên cô dùng lời nói nhẹ nhàng để khuyên nhủ chồng bỏ thuốc. Cô không chỉ khuyên chồng bỏ thuốc mà còn hướng dẫn chồng cách bỏ thuốc. Cô mua thật nhiều hạt dưa về và nói với chồng rằng: “Khi nào anh thèm hút thuốc thì hãy cắn hạt dưa”, phải hướng dẫn chồng phương pháp cai thuốc. Sau đó, khi cắn hạt dưa một thời gian, gặp phải một số hoàn cảnh cho nên anh hút thuốc trở lại. Lần thứ nhất không thành công. Lần thứ hai cô cũng không tiếc tiền, đổi thành mua sô cô la. Khi nào anh thèm hút thuốc thì ăn sô cô la. Kết quả lần thứ hai cũng duy trì được một thời gian rất có công hiệu.

Đột nhiên có một người bạn đến tìm chồng cô, khi ngồi xuống nói chuyện người bạn này lại đưa cho chồng cô một điếu thuốc. Lúc này nếu như các vị là người vợ thì phải làm sao? Trong tình huống cấp bách như vậy, người vợ đi đến và cũng “di ngô sắc, nhu ngô thanh” (mặt ta vui, lời ta dịu) cô nói với bạn của chồng rằng: “Xin anh hãy thông cảm cho tôi! Tôi đã để cho chồng tôi cai thuốc. Lần thứ nhất mua hạt dưa cho anh ấy cắn, được một thời gian thì thất bại. Tôi lại phải mua rất nhiều sô cô la cho anh ấy. Tôi đã tiêu tốn bao nhiêu tiền như vậy. Nếu lần này cũng không cai được thì tôi không biết còn phải tốn bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tinh thần nữa. Cho nên xin làm ơn, làm ơn đi!”.

Nếu như các vị là người bạn của chồng cô thì liệu các vị còn đưa thuốc cho anh ấy không. Cho nên cô dùng lời nói nhẹ nhàng để khuyên nhủ người ta, vậy thể diện của chồng cô có sao không? Vẫn giữ được thể diện. Cho nên đích thực là ngoài tấm lòng ra, chúng ta còn phải xử sự sao cho thông tình, đạt lý, dùng những phương pháp tốt để khuyên nhủ. Khi người ta không nghe, chúng ta cũng không thể có thái độ thẹn quá hóa giận, làm việc bằng tình cảm. Như vậy thì cuộc sống càng ngày sẽ càng có nhiều nỗi ân hận và nỗi oán hận. Cho nên khuyên người khác cũng cần chúng ta quan sát thời cơ, quan sát phương pháp.

Cho nên quan hệ cha con, quan hệ vua tôi, quan hệ vợ chồng đều cần xây dựng sự tín nhiệm trong quá trình mình bỏ công sức ra.

Bạn bè là quan hệ không cùng huyết thống, đây cũng là trải qua quá trình sống với nhau lâu năm. Cho nên mới nói: “Ở lâu mới biết lòng người có nhân”, bạn mới có thể chân thật dành được sự tin tưởng của bạn bè, và họ sẽ xem trọng lời khuyên của chúng ta đối với họ.

Tổ tông của chúng ta có rất nhiều Thánh Hiền đều biết thực hiện rất tốt. Các vị suy xét xem vị nào đi khuyên người khác mà tỷ lệ thành công hơn năm mươi phần trăm (50%) thì giơ tay. Không nhiều! Các vị có cảm thấy người thời nay rất khó khuyên nhủ không? Đúng! “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, một là bởi người ta chưa tiếp xúc với giáo huấn của Thánh Hiền. Ngoài ra còn một góc độ nữa là lòng dạ của người thời đại này như chúng ta đều thấy rất nóng nảy, cho nên khi khuyên nhủ người khác có lúc cũng không nắm chắc được phương pháp và thái độ.

Tôi đã từng cùng với chú Lô đi thăm một người bạn của chú. Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, hình như có rất nhiều việc hay ho tôi đều gặp phải. Tôi và chú Lô đi gặp một người bạn của chú. Người bạn này và chú đã tương giao mười bẩy năm trời. Lần đó chú còn mang theo rất nhiều Kinh điển Thánh Hiền, có quyển để cho con của người bạn đó xem, có quyển là tặng cho người bạn của chú, còn nữa là cho vợ của người bạn chú xem. Trên đường đi, chú đã kể tôi nghe rằng chú quen người bạn này đã mười bẩy năm rồi. Buổi đầu thấy ông ấy như mặt trời giữa trưa, công việc làm ăn rất phát đạt, có rất nhiều tài sản. Nhưng lúc đó chú đã nhìn ra, ông ấy có thể sau này sẽ không giữ được của cải. Bởi khi người ta có tiền thường sẽ nhiễm phải thói quen xa hoa, phung phí, thì dù có nhiều tiền đến mấy cuối cùng cũng sẽ suy bại. Hơn nữa, người ta không chỉ nhiễm phải thói quen phung phí mà có khả năng lại kiêu ngạo nữa, thói quen xấu đó được tạo thành trong quá trình ăn chơi, xa hoa này. Khi một người có tính kiêu căng thì người đó thường hay khinh suất, rất có thể sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, thì dù có nhiều tiền đến thế nào đi nữa cũng sẽ mất hết. Quả nhiên sau này sự nghiệp của ông bị sa sút, và còn phải nợ một số tiền.

Khi ông lâm vào cảnh nợ nần thì tất cả bạn bè đều không thấy đâu cả. Thật là “họa vô đơn chí”. Khi tiền của không còn thì ông rút ra bài học là: “Một người bạn chân chính thì không phải dùng tiền mà mua được”. Vào giai đoạn ông xuống dốc nhất, hàng tuần chú Lô đều ngồi xe mấy tiếng đồng hồ đến để giải quyết vấn đề tài chính của ông. Không những chú không lấy tiền mà còn bỏ tiền túi của mình ra để đi đi, lại lại giúp ông ấy xử lý rất nhiều việc. Trong quá trình này, chú Lô đã xây dựng được niềm tin và một tình bạn sâu sắc. Cho nên phải đợi đến mười bẩy năm sau, khi nhân duyên đã chín muồi.

Một người chân thật muốn hoàn thiện cuộc đời mình thì tuyệt đối không phải là có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu quyền lực, mà là có bao nhiêu trí tuệ mới được. Tôi đã đi trên chuyến xe ấy, và mới hiểu được chú Lô có thể dùng mười bẩy năm trời để giúp đỡ một người bạn. Cho nên “vật tự bạo, vật tự khí” (chớ tự chê, đừng tự bỏ), tôi phải noi gương chú. Sau này khi tôi khuyên can người khác, giúp đỡ người khác mà cảm thấy mình không thể kiên nhẫn được thì chợt lại nhớ đến con số “mười bẩy năm trời”. Sau đó tôi lại thấy rất hổ thẹn, lại nhắc đến đạo nghĩa đối với bạn bè, và rồi lại tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ.

Ngoài ra, lúc ở bên Úc, tôi thấy chú Lô cũng rất khéo léo khi khuyên bảo những người bên cạnh. Chúng tôi sang Úc có khoảng tám – chín người. Tám – chín người đàn ông cùng ở chung một phòng thì sẽ xảy ra chuyện là trên bàn sẽ có rất nhiều rác, tỏ ra lộn xộn một chút. Tôi thấy chú không nói một câu nào. Hàng ngày sau khi gặp tôi và nói chuyện xong, nếu trong phòng ngủ, nhà tắm, hoặc trên bồn rửa tay có rác thì chú đều lặng lẽ nhặt hết lên, rồi lau chùi sạch sẽ bệ rửa không còn một vệt nước nào, lau rất sạch sẽ, sau đó mới đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, chú đều làm như vậy, làm được khoảng bốn năm. Một hôm chợt có một vị bạn hữu đứng ra nói: “Các vị còn vứt rác lung tung như vậy, các vị không thấy người ta ngày nào cũng dọn dẹp sạch sẽ như vậy mà không cảm thấy quá đáng sao!”. Tất cả mọi người đều cảm thấy hổ thẹn, đều cúi gằm đầu xuống. Từ đó về sau thì sạch sẽ lên rất nhiều! Cho nên chú không dùng lời nói để chỉ bảo mà dùng hành động để dạy bảo, để cho tất cả mọi người đều cảm thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sạch đẹp. Chân thật là trong thế giới của người trưởng thành thì quan trọng nhất là tự mình làm gương tốt trước, tự nhiên sẽ cảm hóa được người khác.

Năm tôi khoảng hai mươi lăm tuổi thì bắt đầu tiếp xúc với học thuyết Thánh Hiền. Trước đó tôi học chỉ vì cái chủ nghĩa muốn lên lớp. Chủ nghĩa muốn lên lớp đã mang lại cho nội tâm của chúng ta sự tranh đấu. Nhìn thấy điểm thành tích của người khác rất cao, tự mình cảm thấy khó chịu, mắt nở mắt dẹt. Cho nên các vị cũng thấy mắt tôi tại sao lại không được to. Nhưng khi được học giáo huấn của Thánh Hiền thì trong nội tâm rất cảm động.

Tôi còn nhớ khi học cấp ba, thành tích ngữ văn, quốc văn của tôi đều rất kém. Kém đến trình độ nào vậy? Nhất định là kém hơn các vị đây! Bởi vì lúc tôi học cấp hai, khi thi lên cấp ba, tổng cộng thi bẩy môn thì bị trừ mất tám mươi tám (88) điểm, trừ tám mươi tám điểm nhưng riêng môn quốc văn lại bị trừ mất bốn mươi bốn  (44) điểm, bằng với tổng số điểm của sáu môn kia cộng lại. Tôi còn nhớ hồi cấp hai có một đề thi gọi là “Lão Khí”, một là Hoành Xuân, hai là Hoành Hạ, ba là Hoành Thu, bốn là Hoành Đông, đó là xuân hạ thu đông. Tôi cảm thấy đề thi này đang sỉ nhục tôi, nhưng chân thật là tôi không biết viết. Tôi còn ở đó mà hát một bài hát, hát một câu chấm một cái, để xem cuối cùng chấm đến đâu, nhưng cuối cùng vẫn chấm sai. “Lão Khí” là gì? Là Hoành Thu. Các vị sao có câu trả lời nhanh như vậy? Đối với tôi, đây quả là một sự tổn thương.

Lên cấp ba vẫn không thoát khỏi vận đen, chân thật là tôi vẫn không lấy lại được tinh thần. Cho nên khi ở trên lớp, có một lần thầy giáo ngữ văn gọi tôi đứng lên, ông nói: “Thái Lễ Húc! Trong giờ học ngữ văn của thầy, nếu như em còn ngủ nữa, còn tiếp tục ngủ gật nữa thì thầy sẽ coi như em nghỉ tự do”. Cho nên môn ngữ văn của tôi khi thi đại học đã không đậu. Nhưng trong cả quá trình học cấp ba, trong đầu tôi cũng có hai lần hình như rất sáng suốt, đó là khi học tới hai bài văn. Bài thứ nhất là bài “Xuất Sư Biểu” của Gia Cát Lượng, bên trong có nhắc tới: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”. Đáng lẽ đang còn ngủ gật thì đột nhiên tôi cảm thấy câu này sao mà rung động vậy! Nhưng cũng chỉ sáng suốt được có mỗi năm giây, sau đó lại là mây đen kéo kín. Câu thứ hai là trong “Nhạc Dương Lầu Ký” của Phạm Trọng Yêm, trong đó có nhắc tới: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc(Lo trước mối lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Kỳ thật lúc đó tôi cũng không hiểu mấy, nhưng lại có cảm giác rất cảm động không thể nào hiểu nổi. Sau này khi bắt đầu tiếp xúc với giáo huấn của Thánh Hiền, thường xuyên xem “Những câu chuyện giáo dục đạo đức” thì tôi đều cảm động đến nỗi không kìm chế được bản thân, thật vô cùng cảm động khi hiểu được chủ tâm của Thánh Hiền rất là từ bi, rất là bao dung. Khi cảm nhận được, chúng ta nhất định phải noi gương.

Cho nên khi tôi đi học ở trường sư phạm, trường học cũng hơi xa nhà, buổi sáng rất sớm tôi đã phải đi xe lửa. Khi đến nơi vẫn chưa có một bạn học nào đến, chỉ có một mình tôi đến trước. Lúc đó vừa mới nghỉ hè xong, khi bước chân vào lớp thì nhìn thấy tất cả bàn ghế đều phủ kín toàn là bụi. Quý vị thân mến! Các vị sẽ làm gì? Chợt trong đầu tôi nghĩ: “Nếu các bạn học nữ bước vào mà nhìn thấy bụi bẩn như thế này thì không biết các bạn ấy sẽ phản ứng ra sao?”. Họ sẽ nói: “Sao mà bẩn thế này!”. Chúng ta có thể đoán được rằng họ nhất định sẽ rất khó chịu. Cho nên tôi mới chạy ra sân trường, vào nhà vệ sinh lấy khăn lau và lau từ đầu đến cuối, lau rất là nhanh. Tại sao vậy? Vì sợ người khác nhìn thấy, làm như thế này cảm thấy hơi có một chút làm bộ, cho nên tôi nhanh chóng lau cho xong. Sau khi lau xong tự mình cảm thấy hôm nay thật không uổng phí một chút nào, có thể phục vụ người khác. Sau đó khi các bạn học vào lớp thì đều ngồi yên ổn.

Khi các vị có ý nghĩ vì người khác, xin hỏi: Các vị có giao lưu với người ta không? Chúng ta có một thói quen, hình như là phải mặt đối mặt nói chuyện thì mới được gọi là giao lưu. Kỳ thật không phải như vậy! Chỉ cần bạn có một ý nghĩ khởi lên là các vị đã giao lưu với người bên cạnh rồi. Cho nên năm học đó, lớp của tôi người nào cũng rất tốt đối với tôi. Khi tôi đi giảng vào buổi tối, cũng có bạn học từ thời học ở trường sư phạm đến nghe tôi giảng. Tôi rất vui, bởi vì chúng ta có lòng đi phục vụ người khác thì tự nhiên sẽ cảm ứng được người khác đối xử thân thiện với chúng ta.

Bởi vì tôi hay đến sớm cho nên hàng ngày tôi đều chủ động đem rác ở cuối phòng học đi vứt. Kết quả đem rác đi vứt không bao lâu thì có một lần, khi tôi vừa đem rác đi thì có một người bạn học chạy đến nói với tôi: “Đừng làm một mình, cho mình làm với!”. Cho nên chân thật là đối với bạn bè, chúng ta nhất định phải bỏ công sức của mình ra trước. Tấm lòng này của chúng ta sẽ làm thức tỉnh lòng hướng thiện, lòng thông cảm của mỗi con người.

Anh chị em cũng vậy, các vị càng chăm sóc anh chị em thì anh chị em càng tín nhiệm các vị. Tuy nhiên, độ khó khăn khi khuyên nhủ anh chị em là rất cao. Bởi vì tuổi tác của anh chị em xấp xỉ như nhau, rất khó để có được sự kính trọng sâu sắc của họ đối với các vị, trừ phi các vị có được đức hạnh để họ phải khâm phục. Nếu không các vị mới khuyên được một nửa thì họ đã đáp trả: “Chó chê mèo lắm lông, anh cũng như thế cả, anh có tư cách gì để nói tôi!”. Nếu như anh chị em của các vị nói vậy, chúng ta phải làm sao? Lúc đó thì phải thực hiện câu: “Lúc này không nói còn tốt hơn nói”. Đôi lúc phải trầm mặc, trầm mặc sẽ như trăm vạn tiếng sấm. Khi các vị trầm mặc, anh ấy càng nói những lời khắc bạc thì lại càng chột dạ, bởi vì suy cho cùng cũng là các vị có lòng tốt mới khuyên bảo họ.

Vào thời nhà Minh có một người học trò tên là Trần Thế Ân. Em trai ông sống du thủ, du thực, thường xuyên đến nửa đêm mới về nhà. Anh trai của Trần Thế Ân thấy vậy rất bực mình, mỗi lần thấy em trai là mắng mỏ, thậm chí còn trách phạt nữa. Em trai cũng đã lớn như vậy rồi, mắng như vậy có tác dụng không? Người anh càng mắng thì người em càng không về nhà, thành ra phản tác dụng. Cho nên làm việc gì chúng ta cũng phải xem đến kết quả, nếu như không có tác dụng thì phải thay đổi ngay phương pháp và thái độ. Trần Thế Ân liền nói với anh trai: “Anh à! Anh để em thử xem!”. Từ hôm đó trở đi, ngày nào Trần Thế Ân cũng đứng ở cửa để đợi em trai về. Mười giờ trôi qua, rồi mười một giờ cũng trôi qua, thời gian này rất quan trọng. Chúng ta phải kiên nhẫn. Nếu như các vị không kiên nhẫn: “Sao muộn thế mà vẫn chưa về?”. Có khi vừa nhìn thấy em trai về thì sẽ bốc hỏa lên. Cho nên chúng ta vừa mới nhắc tới rằng khuyên người còn phải cần tính kiên nhẫn.

Đợi đến mười một giờ đêm, rồi mười hai giờ đêm, cuối cùng thì cũng thấy em trai về. Không đợi cho em trai đi gần đến cửa, ông lập tức chạy ra nắm lấy tay em trai nói: “Ngoài trời rất lạnh, em không thấy lạnh sao?”. Rồi dắt em vào nhà, ông vừa đi vừa nói: “Chắc là em đói bụng rồi, anh bảo chị dâu nấu mỳ cho em ăn”. Ông dắt tay em vào nhà rồi lại tự tay đóng cửa. Ông đã kiên nhẫn như vậy mấy hôm liền, sau đó thì em trai ông mỗi ngày về nhà một sớm hơn. Đương nhiên khi em trai đã sinh hoạt trở lại bình thường, lúc này người làm anh phải tiến thêm một bước, đem những lời giáo huấn của Thánh Hiền ra để dạy bảo người em. Bởi vì người làm em cũng cần phải có nhân sinh quan đúng đắn thì mới sống một cuộc sống tốt đẹp được. Điều quan trọng muốn nói ở đây là Trần Thế Ân đã dùng tấm lòng chân thành của ông, dùng sự quan tâm của ông. Ông không cần dạy bảo em bằng lời nói mà dùng thân để dạy bảo. Ông đã dành lại được tình anh em của người em. Cho nên đây là sự khuyên bảo giữa anh chị em.

Vào thời nhà Hán có một học trò tên là Trịnh Quân. Anh trai ông làm huyện lệnh. Ông nhìn thấy anh trai hay nhận của đút lót của người ta, trong lòng ông rất bất an. Nếu anh trai ông cứ tiếp tục như vậy thì sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra chuyện. Vậy phải khuyên làm sao đây? Ông ấy lại là anh của mình. Chúng ta thử nghĩ xem phương pháp của chúng ta có giống của Trịnh Quân không nhé.

HẾT TẬP 14. XIN XEM TIẾP TẬP 15!