Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc – Tập 22/40

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC – TẬP 22/40

Chủ giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: Tháng 2 năm 2005

Dáng vẻ bề ngoài của một con người mà đoan trang thì rất là quan trọng. Khi các vị biết coi trọng dáng vẻ bề ngoài của các vị, thì sẽ làm cho người khác kính trọng các vị. Bởi nếu như dáng vẻ bề ngoài của chúng ta mà kỳ cục lạ thường, như vậy chúng ta không những sẽ bị người khác khinh thường mà còn có thể tạo thành nếp sống không lành mạnh cho xã hội. Cho nên sự ăn mặc của những người thuộc người của công chúng rất là quan trọng. Nếu như họ mặc quần áo hở hang, vậy thì sẽ dẫn đầu nếp sống không lành mạnh trong xã hội. Cho nên người của công chúng thì phải cẩn thận nghĩ đến sự ảnh hưởng của mình đối với xã hội, và cần phải cẩn thận với hành động của bản thân mới đúng.

Cha mẹ chúng ta ăn mặc quần áo cũng là tấm gương để cho chúng ta noi theo. Nếu như người mẹ ăn mặc hở hang, thì đứa con có thể từ nhỏ đã “nghe quen tai, nhìn quen mắt” mà bị ảnh hưởng theo. Và sau này con cái ăn mặc có khi còn hở hang hơn. Như vậy rất là không tốt đối với con cái, sẽ làm cho rất nhiều người khinh thường đối với họ, thậm chí có thể bị nguy hiểm. Cho nên ăn mặc quần áo không thể không cẩn thận.

Cách ăn mặc quần áo của một người chân thật sẽ ảnh hưởng đến trạng thái nội tâm của họ. Ví dụ như ở nước ngoài, thậm chí là ở những nơi quan trọng của nước ta cũng đều quy định phải ăn mặc lịch sự thì mới được vào những nơi có tính chất quốc tế. Và có một số chương trình biểu diễn quan trọng cũng yêu cầu như vậy. Ví dụ khi chúng ta đến Trung tâm Văn hóa, nếu ăn mặc nghiêm chỉnh thì khi xem những tiết mục này chúng ta cũng sẽ được chuyên chú hơn. Nếu như các vị lại đi dép lê, mặc quần đùi đi đến nơi này, như vậy là không thích hợp. Cho nên khi chúng ta ăn mặc chỉnh tề thì trong lòng tự nhiên cũng cảm thấy có lòng cung kính. Giống như khi chúng ta đi leo núi, nếu ăn mặc như chúng ta đang mặc hiện giờ thì cũng không thích hợp bởi vì khi leo núi thì phải thoải mái, lúc đó cũng phải mặc những quần áo thích hợp để đi.

Trong giới buôn bán có một cao thủ bán hàng tên là Kiều Kỳ La Đức. Ông rất giỏi bán xe ô tô. Một hôm ông đang ngủ ở nhà, chợt tỉnh giấc liền vội vàng chạy đến trước tấm gương và bắt đầu mặc áo vest, thắt cà là vạt. Sau khi mặc quần áo xong xuôi ông mới bắt đầu cung kính nhấc điện thoại lên để gọi cho khách hàng của mình. Sau khi nói chuyện xong với khách hàng thì ông cúp điện thoại, rồi cởi quần áo vest ra và lại chui vào trong chăn ngủ tiếp. Vợ của ông thấy vậy liền nói: “Anh bị điên à!”. Kiều Kỳ La Đức liền nói với vợ: “Tuy khách hàng không nhìn thấy bộ dạng của anh, nhưng nếu anh ăn mặc tùy tiện thì trong lời nói của anh cũng sẽ tùy tiện và họ sẽ cảm nhận được. Nếu như anh rất là thận trọng, ăn mặc quần áo vest ngay ngắn, thái độ như vậy cũng có thể trong ngôn ngữ truyền đạt cho họ biết”. Cho nên sự ăn mặc cũng ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của một người. Đương nhiên khi ông đã có thói quen này thì mỗi khi gặp mặt khách hàng ông lại còn cung kính hơn, bởi ngay cả khi khách hàng không nhìn thấy mà ông cũng đã cung kính như vậy. Đây được gọi là: “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Có rất nhiều sinh viên đại học đi xin việc thường là không được tuyển dụng. Cô giáo Dương cũng từng gặp rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học với thành tích rất khá, thậm chí nghiên cứu sinh cũng không kiếm được việc làm. Sau đó cô hướng dẫn cho họ cách ăn mặc, và rồi sau đó thì họ đã được tuyển dụng. Bởi vậy cho dù rất giỏi giang nhưng nếu như khi đi xin việc mà ăn mặc không thích hợp thì có khả năng là bạn đã làm mất cơ hội này rồi.

13.2. Trí quan phục, hữu định vị. Vật loạn đốn, trí ô uế (Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn).

Quần áo, mũ mão, thậm chí là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều phải để vào vị trí cố định, không được để bừa bãi, “vật loạn đốn, trí ô uế” (chớ để bừa, tránh dơ bẩn). Nếu không những đồ vật này sẽ bị bẩn. Các vị không yêu quý nó thì tuổi thọ của những đồ vật này sẽ ngắn đi. Cho nên trong vạn vật, tuy những đồ vật này không có sinh mạng, nhưng các vị đối xử tốt với chúng thì cũng có thể sử dụng chúng được lâu dài. Yêu thương người khác thì được người khác yêu thương lại, yêu thương đồ vật thì đồ vật cũng yêu thương lại. Nếu như các vị hàng ngày đều ăn uống quá độ thì dạ dày của các vị có thể chỉ ba, bốn mươi năm là nó đã đình công rồi. Nếu như các vị rất tôn trọng nó, ngày ăn ba bữa cố định đúng giờ, không ăn nhiều quá và cũng không để cho nó bị đói, thì cái dạ dày này cũng sẽ báo đáp các vị một cách rất tốt.

Cho nên chúng ta cũng phải biết yêu quý mọi thứ đồ vật. Khi mọi đồ vật đều có vị trí cố định thì sẽ có ảnh hưởng gì đến sự sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta? Mọi thứ đều được ngăn nắp, gọn gàng. Chúng ta hãy quan sát trẻ nhỏ thời nay xem, thậm chí không cần nói đến trẻ nhỏ, giống như tôi và còn có những bạn học của tôi, các anh chị em cũng đều có tình trạng này. Ví dụ khi cần tìm một quyển vở bài tập mà tìm không thấy thì bọn trẻ bắt đầu lục tung cả nhà lên, tìm cho đến khi bản thân nổi trận lôi đình. Mà bực tức với ai chứ? Bực tức với chính bản thân mình. Sự bực tức này làm cho không khí cả nhà cũng không vui vẻ.

Cho nên chỉ một sự không chú ý nho nhỏ cũng có thể làm cho chúng ta phải tổn hao biết bao nhiêu tinh thần và thời gian thì thật là không đáng. Khi chúng ta chưa có thói quen tốt này mà đã vội ra xã hội để làm việc và công tác thì kết quả sẽ không tốt. Ví dụ công ty có một hợp đồng rất quan trọng giao cho các vị, bởi sẵn có thói quen vô ý nên các vị tiện tay cất nó đi, ba ngày sau thì quên mất. Rất có thể đến khi cần dùng, các vị lại tìm không thấy thì cái vị trí công việc này các vị cũng giữ không nổi. Cho nên những thói quen trong sinh hoạt chân thật ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một con người.

Có một đứa bé thường xuyên không quét nhà, một vị trưởng bối đến nhà nó thấy vậy liền nói với nó: “Nền nhà bẩn như vậy tại sao cháu không quét sạch đi?”. Đứa bé liền nói: “Cánh tay này của cháu là để quét thiên hạ”. Khẩu khí có lớn không? Các vị thấy đó, có rất nhiều đứa bé cũng nói rằng sau này lớn lên nó phải làm quan to, phải làm lãnh đạo công ty. Nhưng kết quả trong phòng của chúng thì rất là bừa bộn. Người trưởng bối này liền nói với nó: “Nhà mà còn không quét được thì nói gì đến chuyện quét thiên hạ!”. Cũng giống như vậy, ngay cả nhà ở còn không dọn dẹp cho gọn gàng thì nói gì đến chuyện làm lãnh đạo công ty? Có thể như vậy không? Không thể như vậy được.

Cho nên “Đệ Tử Quy” cũng là quản lý học, là cơ bản của quản lý học. Thói quen ngăn nắp, gọn gàng này phải bắt đầu từ khi còn nhỏ. Trong đầu các vị đừng nghĩ rằng sau này chỉ cần cho chúng đi học quản trị kinh doanh là chúng sẽ biết, mà ngay bây giờ phải dạy cho chúng có nền tảng. Cho nên khi một thạc sỹ quản trị kinh doanh đến xin việc mà nhà cửa anh ấy lại rất là bừa bộn, người như vậy các vị có dám nhận vào làm không? Có dám không? Những học vấn về quản trị kinh doanh đó đều là lý luận suông. Chú Lô từng nói với tôi rằng khi ông đi kiểm tra các chi nhánh ở công ty thì nhất định phải đi xem bàn làm việc của người quản lý công ty có ngay ngắn, gọn gàng không, giấy tờ tài liệu của họ có xếp vào vị trí gọn gàng không. Nếu như ngay những việc nhỏ như vậy mà họ làm còn không được gọn gàng, ngăn nắp, thì một số công việc của công ty họ cũng rất khó có thể đúng nề nếp. Đó chính là học vấn lớn ở nơi nhỏ bé. Chúng ta đều có thể từ phương diện nhỏ bé để đi xem cái tâm của một người là yên định không rối loạn hay là rất rối loạn, rất nóng vội, đều có thể nhìn thấy được từ những việc nhỏ nhặt này.

Cho nên, chúng ta nhất định phải đào tạo những năng lực làm người, làm việc căn bản này cho con cái từ khi chúng còn nhỏ. Bởi những nhà lãnh đạo công ty thành công đều là những người có con mắt tinh đời, nhìn một cái là biết được năng lực làm người, làm việc của con cái các vị đến trình độ nào, không thể lừa gạt được họ. Nhưng có rất nhiều người lại cho rằng: “Tôi dùng bằng đại học, bằng thạc sỹ thì có thể tìm được công việc tốt”. Nếu như họ làm người, làm việc mà không tốt, thì nhất định sẽ không được những nhà lãnh đạo công ty ưu tú tuyển dụng. Nếu như được tuyển dụng thì cũng chỉ là những lãnh đạo công ty không có năng lực họ mới tuyển dụng. Và những công ty này cũng phát triển không được lâu dài. Cho nên muốn con cái sau này có thể vào được những công ty có tiền đồ thì ngay từ bây giờ chúng ta phải cho chúng có căn bản vững chắc.

Tại sao tôi lại có được sự cảm nhận sâu xa như vậy? Bởi khi tôi ở Úc, chúng tôi được sắp xếp rửa bát trong mấy tuần lễ. Chúng tôi phải rửa bát của bảy mươi, tám mươi người ăn, và còn phải rửa một số dụng cụ nấu ăn, ví dụ cái thùng thì cũng rất to và rất rộng, bởi vì gần một trăm người ăn cho nên phải dùng cái thùng to như vậy. Cả đời tôi đến khi đó mới chân thật biết thế nào là rửa bát. Khi tôi ở đó mà rửa bát đĩa thì chợt lĩnh ngộ được trí lý của cuộc đời. Đó là những việc mà các vị phải làm thì dù có muốn tránh cũng tránh không được.

Cho nên, những việc phải làm thì chúng ta nên làm vào lúc nào? Sao không cố gắng hoàn thiện mình khi cơ thể còn khỏe mạnh, nhân lúc mình còn trẻ khỏe thì làm đi. Tuổi trẻ lao động nhiều, bỏ ra nhiều, đến khi về già chúng ta sẽ có phước báo hiện tiền, vậy mới có hạnh phúc. Nếu như lúc trẻ chúng ta không chăm chỉ lao động, thường xuyên tiêu pha phung phí thì đến khi về già nhất định sẽ rất thê thảm. Cho nên những việc phải làm thì không thể nào tránh khỏi, chúng ta nhân lúc còn trẻ khỏe thì hãy làm cho tốt. Bởi vậy, tôi ở đó rửa bát với tinh thần rất vui vẻ.

Có một hôm chú Lô vào trong bếp, đáng lẽ chú chỉ đi ngang qua nhưng chú chợt dừng lại nói với tôi: “Xem cháu rửa bát là biết cháu tốt số”. Các vị xem, chú chỉ nhìn động tác rửa bát của tôi là đã biết nội tình của tôi ra làm sao. Đúng vậy, bởi vì chú nhìn thấy chân tay tôi lóng ngóng. Cho nên, ngay lúc đó tôi chợt hiểu được rằng người trưởng bối thực sự có trí tuệ thì các vị không thể qua mắt họ được. Cho nên khi con cái của các vị cung kính đối với người khác, làm việc lại chăm chỉ thì các vị chớ lo lắng rằng sau này chúng không có người đề bạt. Các vị có thể yên tâm.

Khi sinh hoạt của một người có thể ngăn nắp, gọn gàng thì trong “định” sẽ sinh ra “trí tuệ”. Bởi vì “định” thì giống như mặt hồ phẳng lặng, không một gợn sóng thì nó có thể soi rõ những cảnh vật xung quanh. Trong thời gian ở Úc, có một lần tôi vào phòng của chú Lô, đúng lúc chú Lô lấy quần áo. Bởi cái giường của chú trống ở giữa cho nên bên trong có thể để quần áo. Khi chú kéo cái giường ra, tôi chợt nhìn thấy quần áo bên trong xếp giống như của Giordano, gấp ngay ngắn, gọn gàng như trong cửa hàng bán quần áo vậy. Nếu tất cả đồ đạc đều sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp như vậy, đều đúng vị trí thì khi chúng ta muốn dùng đồ gì là có thể lấy được ngay. Vậy thì trong lòng lúc nào cũng bình lặng, luôn luôn không bị rối loạn, xử lý công việc cũng sẽ ngăn nắp, gọn gàng. Cho nên thói quen này rất quan trọng, nhất định phải thực hiện từ chính bản thân mình. Sau đó, chúng ta tiến thêm một bước là chỉ dạy con cái cũng có thói quen tốt như vậy.

  1. Y QUÝ KHIẾT, BẤT QUÝ HOA. THƯỢNG TUẦN PHẦN, HẠ XƯNG GIA. ĐỐI ẨM THỰC, VẬT GIẢN TRẠCH. THỰC THÍCH KHẢ, VẬT QUÁ TẮC. NIÊN PHƯƠNG THIẾU, VẬT ẨM TỬU. ẨM TỬU TÚY, TỐI VI XÚ.

Áo quí sạch, không quí đắt

Hợp thân phận, hợp gia đình.

Với ăn uống, chớ kén chọn

Ăn vừa đủ, chớ quá no.

Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu

Uống say rồi, rất là xấu.

  ************

14.1. Y quý khiết, bất quý hoa. Thượng tuân phần, hạ xưng gia (Áo quý sạch, không quý đắt. Hợp thân phận, hợp gia đình)

Tôi từng nghe một vị trưởng bối nói rằng, khi chưa kết hôn thì ông cảm thấy nuôi một người vợ rất dễ dàng. Sau này khi lấy vợ rồi thì ông mới cảm thấy rất khó khăn bởi vì đồ vật, thức ăn thì rất rẻ, nhưng quần áo lại rất đắt. Cho nên ông nói, khi ông với vợ ông đi mua quần áo, vợ ông khi thấy bộ quần áo ưng ý thì liền nói: “Mua đi! Mua đi!”. Và ông đứng bên cạnh mà: “Múa đi! Múa đi!”. Cho nên sau này ông mới hiểu được một sự thật là trong tủ quần áo của phụ nữ thì không bao giờ thiếu bộ quần áo nào. Thực ra mục đích quan trọng nhất của quần áo là giữ ấm, là che chỗ xấu, tuyệt đối không phải mang ra để khoe khoang, để lấy hư vinh.

Con người luôn luôn quên mất bản chất thực có của một sự vật. Ví dụ như có một vị giáo sư mang theo mấy chục cái ly. Lúc đó đến tiết thứ hai, ông biết học sinh nhất định sẽ khát nước, ông liền mang mấy cái ly ra rồi nói: “Các em học sinh! Các em đã khát nước rồi, vậy thì các em uống nước đi”. Cho nên mục đích quan trọng là uống nước. Có đúng vậy không? Kết quả khi chúng đi đến thì cứ chần chừ ở đó mà không đi múc nước. Chúng ở đó để chọn xem cái ly nào đẹp hơn, đều lãng phí thời gian ở việc chọn ly. Cũng giống như mục đích của mặc quần áo là giữ ấm, là che đi chỗ xấu, nhưng khi chúng ta mua quần áo thì lại quên mất mục đích thực sự của nó, lại bị dính vào thói quen hư vinh.

Tôi cũng từng nghe nói có một đám phụ nữ rất giàu có và họ cùng nhau xem tiết mục thời trang Paris trên ti vi. Sau khi xem xong thì cảm thấy rất muốn mua món đồ đó, thế là ngày hôm sau họ đi máy bay sang Pháp để mua. Nếu như con người tiêu tiền như vậy thì tiền sẽ hết, cho dù có núi vàng, núi bạc cũng không đủ để cho cô ấy tiêu. Cô ấy làm như vậy thì ai là người sẽ học theo cô ấy? Con cái nhất định sẽ học theo một cách triệt để. Bởi vậy giàu có nhất định sẽ không được mấy đời? Hiện giờ các vị phán đoán rất chính xác: “Giàu có không qua được một đời”. Cho nên chúng ta ăn mặc quần áo thì cũng phải: “Thượng tuân phần, hạ xưng gia”, (Hợp thân phận, hợp gia đình), căn cứ tình trạng kinh tế của chúng ta mà đi mua quần áo. Tuyệt đối không nên: “Phùng má để giả làm người béo”. Như vậy là không tốt.

************

14.2. Đối ẩm thực, vật giản trạch. Thực thích khả, vật quá tắc (Với ăn uống, chớ kén chọn. Ăn vừa đủ, chớ quá no)

Đối với ăn uống yêu cầu phải cân bằng, tuyệt đối không nên kén ăn. Đương nhiên là trong quá trình ăn uống thì chúng ta cũng chỉ ăn no đến tám – chín phần là đủ, không nên ăn no quá, như vậy sẽ làm tổn hại dạ dày. Cho nên trong ăn uống chúng ta cũng phải điều độ, không được thái quá cũng không nên bất cập. “Bệnh từ khẩu nhập”, chúng ta ăn uống cũng phải có sự phán đoán, phải ăn thứ có dinh dưỡng, không ăn những thứ có độc tố. Có rất nhiều người ăn uống đều là đánh lừa cái dạ dày, chỉ cần ăn no là được. Có rất nhiều đồ ăn có độc tố, có chất gây ung thư nhưng chúng ta có thể đều không biết đến. Cho nên chúng ta thường xuyên nghe đến cụm từ “thức ăn rác rưởi”.

Các vị đã bao giờ ăn “thức ăn rác rưởi” chưa? Hiện nay đã thống kê ra mười loại “thức ăn rác rưởi”. Là mười loại nào? Chúng ta hãy xem xem, nhưng các vị cũng phải chuẩn bị tâm lý nhé! Nếu không, khi tôi vừa nói xong thì các vị sẽ nói: “Tôi không sống được mất, đều là những thứ tôi thích ăn”.

Loại thứ nhất là món chiên rán

Hiện nay bệnh viện khó cứu chữa bệnh về tim mạch. Ăn nhiều đồ chiên rán thì rất dễ bị tắc mạch máu, trúng phong, sơ cứng động mạch. Cho nên phải ăn ít món chiên rán đi. Nếu như các vị bảo không ăn thì sẽ có rất nhiều áp lực.

Loại thứ hai là món tẩm ướp

Muối mặn quá có thể sẽ gây ra bệnh ung thư cổ họng, hoặc là bị lở loét. Cho nên những món này cũng nên ăn ít đi. Có một số món tẩm ướp theo cách tự nhiên thì không vấn đề gì. Cho nên các vị cũng cần phải tìm hiểu quá trình tẩm ướp của món ăn.

Loại thứ ba là món thịt chế biến

Thịt tươi để ngoài không khí khoảng ba tiếng đồng hồ thì sẽ bị thiu. Nhưng những món ăn chế biến từ thịt này có món để được ba năm, có món được năm năm. Đó là sức mạnh gì tạo ra như vậy? Là do có quá nhiều chất bảo quản. Cho nên nghe nói hiện giờ muốn ướp xác cũng không cần phải cho chất bảo quản. Có rất nhiều người sau khi chết vẫn không bị thối rữa, đó là do ăn quá nhiều chất bảo quản. Trong thịt muối có chất Nitrit, đây là một trong ba thứ gây ra ung thư. Hiện nay chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao tỷ lệ ung thư lại cao như thế nào? Một phần tư. Có con số mới nhất không? Đang tiến đến tỷ lệ một phần ba. Đúng vậy. Bệnh ung thư có phải là do bốc thăm không? Có phải vậy không? “Thật là xui xẻo, tôi bị bệnh ung thư rồi!”. Có kết quả thì tất nhiên phải có nguyên nhân.

Cho nên khi ăn uống các vị phải rất là chú ý. Sau đó phải giữ tâm tình cho vui vẻ, luôn luôn đọc “Đệ Tử Quy”, không soi mói khuyết điểm của người khác mà hãy xem lại chính bản thân mình. Như vậy thì tâm tình sẽ không đến nỗi không tốt. Khi nhìn thấy khuyết điểm của mình thì phải cố gắng sửa chữa, vậy thì các vị sẽ có được sự vui vẻ. Bởi vì nguyên nhân của bệnh ung thư, ngoài ăn uống ra thì có một thứ còn nguy hiểm hơn cả ăn uống, đó là tâm tư, tình cảm. Cho nên chúng ta phải quản lý cho tốt tâm tư, tình cảm của mình. Tâm tư tốt, ăn uống cũng chú ý thì đảm bảo rằng các vị sẽ không dính dáng gì đến căn bệnh ung thư. Cho nên, các vị có lòng tin rằng các vị sẽ không bị bệnh ung thư không? “Có!”. Xin hãy vỗ tay tán thưởng.

Loại thứ tư là bánh quy

Hiện nay có rất nhiều loại bánh quy đều chiều theo khẩu vị của người tiêu dùng. Bên ngoài bánh quy lại kẹp kem, trong đó có rất nhiều tinh đường, có rất nhiều ca-lo-ri. Những thứ đường này sẽ chuyển hóa thành mỡ, cho nên người thời nay mới càng ngày càng béo phì. Thói quen ăn ngọt được truyền đến từ những nước Âu Mỹ rất hay ăn đồ ngọt. Cho nên các vị thấy người béo ở nước ta so với họ thì không bằng. Khi họ đi máy bay thì phải ngồi liền mấy cái ghế. Như vậy rất là đáng sợ.

Cho nên con người chân thật không nên chú trọng vào ham muốn, như vậy là làm khổ bản thân mà có thể làm liên lụy đến cả người thân nữa. Nếu như có người đàn ông vào tuổi trung niên bị trúng phong và mất thì đó lại là một sự bất hạnh của nhân gian. Cho nên bạn phải khuyên nhủ ông xã nên chú ý hạn chế trong việc ăn uống. Điều này rất là quan trọng. Đương nhiên khi khuyên nhủ ông xã, các vị cũng phải khéo léo, phải lấy bản lĩnh của người phụ nữ ra, đó là sự dịu dàng. Các vị có thể nói với ông xã: “Ông xã! Có anh thì đời em như gấm, như hoa. Không có anh thì đời em là một màu đen tối. Anh xem con cái chúng ta đáng yêu như vậy, cho nên sức khỏe của anh là hạnh phúc của cả nhà”. Ông xã của các vị càng nghe thì càng cảm thấy hạnh phúc. Các vị cứ từ từ khuyên nhủ ông xã bỏ dần những món ăn không tốt cho sức khoẻ.

Loại thứ năm là nước ngọt có ga như cocacola

Đồ uống này tôi có ấn tượng rất sâu sắc bởi tôi cũng là người bị hại. Các vị có thấy không? Người gầy thì tỳ vị không được khỏe. Trước đây tôi có đi ăn cưới, đám cưới của người thân. Khi thức ăn chưa mang lên thì tôi đã no rồi. Có ghê không? Hơn nữa lại còn bị nấc. Cho nên cái cần ăn thì không ăn, những thứ không nên ăn uống thì lại uống rất nhiều. Bởi nước ngọt có ga có tính kích thích, có tính a xít cho nên nó có thể mài mỏng thành dạ dày. Khi tôi học cấp hai thì bị viêm dạ dày. Trong ký ức còn rất sâu đậm, ông bà nội phải nấu cháo loãng cho tôi ăn. Cho nên các vị xem, một người không khỏe mạnh thì chân thật rất có lỗi với người nhà. Tôi đã nhận được bài học thê thảm này thì mong rằng con cái chúng ta không nên phạm phải nữa. Các vị xem, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thải hết khí ga ra ngoài. Nó vẫn còn đọng trong dạ dày. Cho nên quan niệm ăn uống đúng đắn của cha mẹ sẽ là hạnh phúc cả đời của con cái.

Về nước ngọt có ga tôi xin bổ sung thêm một chút: Những loại nước ngọt vị cam, vị chanh mà các vị uống đều được chế biến từ dầu mỏ, tuyệt đối không phải từ táo hay từ cam gì hết, mà đều là một loại phenol tinh luyện từ dầu mỏ, mùi vị đó rất giống như mùi cam, mùi táo. Tôi cũng đã từng mua những thứ này và ở trước mặt học sinh làm thành nước ngọt có ga cho học sinh xem. Học sinh xem tôi lấy từng chai, từng chai hóa chất làm thành những chai nước ngọt có mùi cam thơm phức. Cho nên mới nói, mắt phải thấy, tai phải nghe, phải cho học sinh nhìn thấy thì chúng mới có được sự cảnh giác.

Loại thứ sáu là mỳ ăn liền

Ca lo ri của mỳ ăn liền rất cao. Hơn nữa mỳ ăn liền lại có rất nhiều chất bảo quản cho nên không tốt cho sức khoẻ.

Loại thứ bẩy là thực phẩm đồ hộp

Những thực phẩm này cũng có rất nhiều chất bảo quản.

Loại thứ tám là ô mai, mứt hoa quả

Có rất nhiều bài báo nói môi trường nơi làm ô mai, mứt hoa quả rất bẩn. Nếu không cẩn thận, chúng ta còn thấy chân cẳng của ruồi, gián ở đó. Cho nên khi làm ra ô mai, mứt hoa quả thì ngay cả côn trùng cũng không dám ăn. Các vị xem, sự phán đoán của chúng so với con người còn có phần tốt hơn. Bởi chúng chỉ cần ăn một miếng là đã chết thẳng cẳng. Các vị ăn những một trăm miếng thì làm sao mà không chết thẳng cẳng cho được. Côn trùng tự nhiên cảm nhận được những thứ thực phẩm này có rất nhiều độc tố cho nên chúng không ăn.

Loại thứ chín là thực phẩm lạnh

Cơ thể người là một cỗ máy, ví dụ giả thiết là một cái mô tơ đang chạy, các vị lấy một chậu nước lạnh hắt vào. Sau đó nó nóng trở lại, các vị lại dùng chậu nước lạnh hắt tiếp vào. Xin hỏi: Cái mô tơ đó có dùng được lâu không? Đáng lẽ có thể dùng được mười năm, nhưng dùng chỉ được ba năm thì đã báo hỏng rồi.

Cơ thể của người cũng như một cái máy, nó thường ở khoảng ba mươi bảy độ (37o C). Mỗi lần các vị uống nước đá lạnh vào thì có nghe thấy gì không? Uống những thứ nước đá này vào thì nó sẽ làm tổn hao rất nhiều năng lượng trong cơ thể của các vị, thể chất của các vị sẽ từ từ xuống dốc. Cho nên đây cũng là sự đau xót của tôi, vì trước đây tôi đi học cũng không có thầy giáo nào chỉ dạy, mà lẽ ra tôi phải được học mới phải. Cho đến khi học đại học thì tôi mới bắt đầu học được những tri thức này, và cũng từ đó tôi không động chạm vào những đồ này nữa. Cái này được gọi là: “Mất bò mới lo làm chuồng”, có lo lắng thì đã muộn rồi.

Thời nay chị em phụ nữ có rất nhiều bệnh phụ khoa là có liên quan đến thói quen ăn uống đồ lạnh. Hơn nữa trong thời kỳ sinh lý của chị em phụ nữ, mấy ngày đó là những ngày thải độc tố, có rất nhiều độc tố cần phải thải ra ngoài. Kết quả lúc đó các vị lại đi ăn những đồ lạnh. Nóng thì nở ra, lạnh thì co lại, khi các vị ăn uống quá nhiều đồ lạnh vào cơ thể thì tử cung sẽ tự động co lại. Cho nên những độc tố cần thải ra thì không thải ra được. Sau khi bị nhốt lại thì nó nói: “Hai mươi tám ngày sau mới được mở lại”. Cho nên những độc tố không được thải ra ngoài này phải ở trong cơ thể các vị trong bao lâu? Nếu như thuận lợi thì là hai mươi tám ngày. Những độc tố này tuần hoàn trong cơ thể của các vị, cho nên mới có nhiều chị em phụ nữ bị bệnh đến vậy. Các vị nữ giới! Đừng có nhìn tôi nặng nề như vậy! Các vị hãy nên chọn lựa cho cuộc sống sau này của các vị.

Loại thứ mười là những món rán nướng

Món ăn rán nướng, độc tố của một cái đùi gà nướng tương đương với sáu mươi điếu thuốc lá. Con số này cũng là được thống kê ra. Hơn nữa, thành phần trong đó bao gồm có độc tố đứng đầu trong ba độc tố gây ung thư. Cho nên ăn những đồ này thì chân thật sẽ gây tổn hại cho cơ thể.

Cuộc sống của chúng ta cũng đã lĩnh hội được rằng có rất nhiều việc cần phải làm. Để cho cuộc sống có giá trị thì đầu tiên cần phải có được một cơ thể khỏe mạnh làm nền tảng. Cho nên, khi các vị chân thật là chịu không nổi mà phải ăn những đồ này thì nhất định phải nhớ đến câu nói của Văn Thiên Tường là: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Từ xưa đến nay có ai là không chết, để lại lòng này chiếu sử xanh). Ta còn có rất nhiều việc phải làm, cho nên không thể làm suy yếu cơ thể. Như vậy các vị mới có thể tránh xa và không ăn những loại “thức ăn rác rưởi” này.

************

14.3. Niên phương thiếu, vật ẩm tửu. Âm tửu tuý, tối vi sửu (Tuổi còn nhỏ, chớ uống rượu. Uống say rồi, rất là xấu)

Rượu đối với chúng ta mà nói là thuốc độc xuyên tâm. Cho nên ngay từ bé, trẻ nhỏ đã không được có thói quen uống rượu. Hơn nữa uống rượu không chỉ làm tổn thương thân thể mình mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người khác. Cho nên đã có rất nhiều tai nạn giao thông có liên quan đến uống rượu. Rượu làm rối loạn tính cách. Rượu gây ra những hậu quả không thể thu dọn được. Cho nên chúng ta từ bé đã không được uống rượu. Đương nhiên cũng có lúc rượu được sử dụng như là thuốc, như vậy thì không vấn đề gì. Ở một số nơi rất lạnh, họ phải uống một chút rượu để thúc đẩy sự tuần hoàn của máu. Đương nhiên chúng ta ở Đài Loan thì không cần phải thúc đẩy sự tuần hoàn của máu. Vì Đài Loan của chúng ta là đảo báu, bốn mùa đều là mùa xuân cho nên cũng không đến nỗi lạnh lẽo.

Ngoài rượu ra, có một số thực phẩm không tốt cũng nên tránh xa. Ví dụ như không được hút thuốc lá, vừa tổn hại cho cơ thể, hơn nữa không chỉ tổn hại cho cơ thể của mình mà còn nguy hại đến sức khỏe của người khác. Cho nên các vị thấy đó, người hút thuốc không bị lao phổi thì vợ con anh ấy cũng bị lao phổi. Có như vậy không? Có! Bởi họ hút vào rồi lại nhả ra, nhưng những người thân của họ hít vào thì không nhả ra được. Chúng ta chân thật là sinh hoạt quần thể thì hành vi của một người nhất định sẽ gây ảnh hưởng đến người khác. Vậy thì chúng ta muốn ảnh hưởng tốt hay muốn ảnh hưởng xấu đối với mọi người? Đương nhiên làm người thì phải có chí khí. Nhất định là phải muốn có ảnh hưởng tốt rồi.

Có một lần tôi đi xe buýt ở Hải Khẩu thì thấy trên xe có một người đang hút thuốc lá. Phải làm sao đây? “Quốc gia hưng vong”, tuy tôi một thân một mình ở nơi đất khách quê người nhưng cũng phải có lòng chính nghĩa. Cho nên tôi liền đi lại để bảo anh ấy không hút thuốc nữa. Thực ra anh ấy chưa học câu: “Hữu tâm phi, danh vi ác(Lỗi cố ý, gọi là tội) trong “Đệ Tử Quy”. Rõ ràng trên xe buýt có ghi rõ: “Cấm hút thuốc!”. Nhưng nếu như tôi đi lại và nói với anh ấy rằng: “Anh kia! Anh không biết chữ à?”, như vậy thì có lẽ tôi sẽ bị nguy hiểm. Cho nên tôi đi lại và nói với anh ấy: “Anh à! Thật là xin lỗi! Tôi bị hen xuyễn, anh có thể không hút thuốc được không?”. Có lẽ anh ấy chưa gặp phải trường hợp như thế này cho nên cũng không biết phải làm sao mới được, muốn bực mình với tôi nhưng lại không bực mình được, sau đó cũng phải lằng nhằng một lúc. Thấy anh ấy có vẻ tức giận, nhưng tôi vẫn hòa nhã với anh ấy. Tôi từ từ quay mặt lại và ngồi xuống ghế. Nhưng tôi tin rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Cho nên tôi bắt đầu dùng tấm lòng chân thành của mình cầu nguyện cho anh ấy, để cho anh ấy có được thiện căn mà không hút thuốc nữa, để bắt đầu đánh thức lòng giác ngộ của anh ấy. Kết quả một lúc sau, tôi hít một hơi thì không thấy có mùi thuốc nữa và thấy anh ấy không hút nữa. Khi xuống xe, hai người đi cùng xe nói với tôi rằng người hút thuốc đó nhìn tôi hai lần, nhìn trộm tôi như vậy. Khi thấy tôi rất ung dung, tự tại, có lẽ anh ấy cảm thấy hổ thẹn. Sau khi nhìn tôi xong anh ấy liền dập tắt điếu thuốc. Cho nên nếp sống của xã hội là do con người tạo dựng nên.

Những vị thầy giáo ở trung tâm chúng tôi sau khi nghe xong thì họ đều có cảm nhận là phải có sứ mệnh khuyên bảo mọi người không hút thuốc. Và kết quả có một vị thầy giáo một hôm khi đi xe buýt, thấy có một người hút thuốc thì liền lập tức tiến lại và nói: “Anh à! Tôi bị hen xuyễn”. Đây là cách thức khéo léo để bảo anh ấy không hút thuốc. Thế là anh ấy dập tắt thuốc. Và khi người thầy giáo vừa ngồi xuống thì lại có người thứ hai hút thuốc. Vị thầy giáo lại đi đến khuyên anh ấy và người này cũng dập tắt thuốc. Khi đã ngồi xuống thì chợt có mấy người lên xe, người thứ ba lại bắt đầu hút thuốc. Trong lòng vị thầy giáo này nghĩ: “Chắc là ông trời đang thử xem mình có thật sự quyết tâm không đây!”. Vị thầy giáo lại đi đến để nói người kia không hút thuốc nữa. Nhưng kết quả người thứ tư lại hút thuốc. Thế là người thứ nhất liền nói: “Thôi không hút thuốc nữa!”. Chỉ có tấm lòng kiên định của chúng ta mới có thể làm tỉnh thức đạo đức xã hội của mỗi một con người. Bởi vậy không nên xem thường năng lực của bản thân.

  1. BỘ TÙNG DUNG, LẬP ĐOAN CHÁNH. ẤP THÂM VIÊN, BÁI CUNG KÍNH. VẬT TIỄN VỰC, VẬT BẢ Ỷ. VẬT KY CỨ, VẬT DIÊU BỆ

Đi thong thả, đứng ngay thẳng

Chào cúi sâu, lại cung kính.

Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng

Chớ ngồi dang, không rung đùi.

************

15.1. Bộ tùng dung, lập đoan chánh (Đi thong thả, đứng ngay thẳng)

Câu Kinh văn này chủ yếu là hướng dẫn tư thế đứng, tư thế ngồi của một người. Tổ tiên chúng ta có một ví dụ rất hay, cho chúng ta một sự nhắc nhở rất hay đó là: “Lập như tùng, ngọa như cung, hành như phong, tọa như chung(Đứng như cây tùng, nằm cong như cánh cung, đi như gió, ngồi vững như cái chung). Thực ra những thói quen này rất là tự nhiên, rất tốt đối với sức khoẻ. Bởi vì “lập như tùng” (đứng như cây tùng) cho nên lưng của các vị mới thẳng, mới không bị cong sống lưng. Thời nay có rất nhiều người bị gai đôi. Tại sao vậy? Các vị có cơ hội xin hãy đi ra bến xe thì biết liền. Một dãy người đứng ở đó chuẩn bị đón xe, tư thế đứng của mỗi người đều không giống nhau, đa số đều đứng nghiêng người sang một bên.

Cho nên chúng ta thấy có rất nhiều thanh niên thời nay hình như là bị mềm xương thì phải, nhìn thấy bất cứ cái gì cũng phải dựa người vào một cái, trong một thời gian dài như vậy cho nên xương mới bị cong. Thời trước của chúng ta, khi  con cái mà đứng không cẩn thận cũng bị trừng mắt, cầm đũa không cẩn thận là bị ăn gõ. Cho nên những thói quen này phải được rèn luyện ngay từ nhỏ thì lớn lên sẽ thành tự nhiên. Một người từ nhỏ không có được thói quen đó thì sau này sẽ rất vất vả. Các vị có nhìn thấy sự vất vả của tôi không? Bởi vì tôi không làm tốt câu “lập như tùng” (đứng như cây tùng), cho nên, sau này nếu các vị thấy lưng tôi gù thì các vị cũng đừng có khách sáo, cứ lấy Như Lai thần chưởng của các vị ra để nhắc nhở tôi. Bởi có chăm sóc tốt cho bản thân thì chúng ta mới xứng đáng với cha mẹ, xứng đáng với những người ủng hộ chúng ta, những người yêu thương chúng ta.

Lập như tùng” (đứng như cây tùng)

Đứng như thế nào là đúng tiêu chuẩn? Là tốt? Hôm nay tôi sẽ làm mẫu, các vị đừng để bụng nhé. Đứng như thế này: Nam giới đứng giữa đám đông thì hai chân rộng bằng hai vai, sau đó ngực phải ưỡn thẳng. Khí thế này gọi là: “Đầu đội trời chân đạp đất”. Nếu như các vị đứng với tư thế này để đàm phán với người ta, đi thương lượng buôn bán với người ta, khi người ta thấy khí thế của các vị phi phàm như vậy thì sẽ có phần tin tưởng hơn. Nếu như hôm nay các vị đi đàm phán mà lưng cong xuống, hôm nay cho dù chúng ta có đi thương lượng một vụ làm ăn buôn bán lớn thì họ cũng sẽ không mấy hứng thú. Cho nên sự uy nghi này của các vị sẽ làm cho người ta tin tưởng. Các vị phải đứng rộng ngang vai, đầu không được ngẩng quá vì sẽ không tốt cho mạch máu phía sau đầu, phải nhìn thẳng về phía trước. Trước khi các vị đàm phán với người ta thì phải đứng cho ngay thẳng. Hãy tưởng tượng trước mặt là đại dương mênh mông, lòng ta cũng giống như vậy. Đó là tư thế đứng của nam giới.

Vậy còn nữ giới thì sao? Nữ giới đứng với tư thế một chân đằng trước một chân đằng sau, có thể đứng với tư thế đó. Tay thì phải để làm sao cho người khác nhìn vào thì cảm thấy rằng có thể hỏi thăm, hoặc là đứng bằng như thế này cũng được. Cho nên các vị xem khi người ta thi hoa hậu, thí sinh thi hoa hậu đứng được đoan chính cũng là rất quan trọng. Đây là tư thế đứng “lập như tùng”.

Ngọa như cung” (nằm cong như cánh cung)

Khi nằm các vị cũng nên nằm nghiêng bên phải. Bởi nếu như nằm nghiêng phía bên trái thì sẽ đè vào tim và dạ dày của các vị, các vị nằm sẽ không thấy thoải mái. Cho nên phải nằm nghiêng bên phải, thật ra nằm như vậy là tốt nhất đối với cơ thể. Đó là “ngọa như cung”.

Hành như phong” (đi như gió)

Chữ “phong” ở đây ý muốn nói tốc độ rất nhanh nhưng không gây ra tiếng động lớn. Cho nên chúng ta thường xuyên phải bước đi nhẹ nhàng. Vào lúc rất muộn rồi mà chúng ta nghe thấy tiếng người hàng xóm đi lên cầu thang, tiếng bước đi chân thật kêu rất lớn, thì chúng ta cũng nên thông cảm cho họ, vì cảm thấy đời người rất ngắn ngủi, khó nhọc. Các vị phải mau chóng mang “Đệ Tử Quy” giới thiệu với họ thì họ mới biết được rằng nuôi con cái cũng không đến nỗi vất vả, khó khăn như vậy. Cho nên chúng ta cũng phải luôn luôn quán chiếu xem hành vi, động tác của mình có gây ảnh hưởng đến người khác hay không. Đây là “hành như phong” (đi như gió). Khi đi, nam giới bước theo hai bên của một đường thẳng, còn nữ giới thì bước trên một đường thẳng. Như vậy sẽ biểu hiện sự tao nhã. Nam giới khi đi hai vai không được chao đảo. Nếu đi như vậy người khác nhìn vào sẽ bị hoa mắt.

Tọa như chung” (ngồi vững vàng như cái chung)

Chúng ta hãy làm mẫu xem nên ngồi như thế nào? Tôi làm mẫu cách mà nữ giới nên ngồi trước. Khi ngồi, nữ giới phải khép hai chân lại với nhau, tay phải đặt trên tay trái, sau đó đặt nhẹ lên chân trái của các vị. Các vị xem, nữ giới như vậy có thể tìm được một tấm chồng tốt không? Có một vị thầy giáo mở trường dạy đàn tranh cổ. Ông cũng huấn luyện lễ nghi cho nhân viên của mình và ông mở một cuộc tọa đàm với các phụ huynh học sinh. Có rất nhiều phụ huynh học sinh cùng đến họp. Các giáo viên của họ ngồi một dãy theo tư thế này. Kết quả là sau khi họp xong, những người phụ huynh đều đi lại nói: “Thầy Lý à! Nhân viên của thầy tuyển ở đâu vậy? Sao lại có thể đoan trang như thế!”. Trong quá trình hội họp, thực ra ngay từ lúc bắt đầu đã có rất nhiều bà mẹ ngồi một cách tùy tiện, tư thế nào cũng có, ở đây tôi không tiện làm mẫu. Nhưng khi nhìn thấy tất cả các giáo viên đều ngồi đoan trang như vậy, thì những vị phụ huynh đáng lẽ là đều nằm bò ở phía sau cũng từ từ bắt đầu tiến về phía trước. Cho nên tình huống này chân thật đã ảnh hưởng, đã thay đổi họ mà ít ai nhận ra.

Chúng ta ngồi phải ra dáng ngồi thì nếp sống gia đình nhà các vị mới có thể ngồi ra dáng ngồi được. Nếu như các vị là cha mà ngồi gác chân lên bàn, vậy thì con cái của các vị có thể sẽ học theo thói xấu đó. Những người phụ huynh lại nói: “Để con cái chúng tôi được theo học các vị thì chúng tôi rất lấy làm yên tâm”. Cho nên các vị xem, lời nói hành vi của chúng ta, dáng vẻ bề ngoài của chúng ta cũng làm tăng thêm niềm tin của người khác đối với chúng ta.

HẾT TẬP 22. XIN XEM TIẾP TẬP 23!