(Duy bậc Hiền minh, liêm chính đúng cách, hành động có mực, nói là thành văn chương, hiểu rõ sự lý, biết giềng mối trên đời, cư xử theo pháp độ, trọn đời không gặp tai họa. Bậc hậu phi mà học theo ắt sẽ được tên tuổi rõ ràng)
CHU TUYÊN KHƯƠNG HẬU
Khương Hậu, vợ Vua Chu Tuyên Vương là con gái của Tề hầu, bà hiền lành đức hạnh. Bà không nói những việc không hợp lễ nghĩa, không làm những hành vi không hợp lễ nghĩa. Chu Tuyên Vương từng ngủ sớm dậy muộn, phu nhân thức dậy đã lâu mà chưa ra khỏi phòng, bỏ bê việc triều chính. Khương Hậu cởi bỏ trâm cài đầu và khuyên tai rồi đến cung Vĩnh Hạng đợi phạt, và sai Phó mẫu (nữ gia sư) thông báo với Chu Tuyên Vương rằng: “Thiếp bất tài, cái tâm dâm loạn quá độ của thiếp đã biểu hiện ra ngoài, cho nên mới để Đại Vương mất hết lễ nghi mà bỏ bê việc triều chính, từ đó mà để cho người ta thấy rằng Đại Vương do say đắm sắc đẹp mà quên đi đức hạnh. Nếu thích sắc đẹp thì nhất định sẽ thích xa hoa, từ đó đầy rẫy dục vọng, đây là nguyên nhân dẫn đến tai họa. Suy cứu nguồn cơn của tai họa là từ thiếp mà ra, mong Đại Vương hãy trị tội của thiếp”. Chu Tuyên Vương nghe xong bèn nói: “Quả nhân không có đức hạnh, nguyên nhân thực sự là do bản thân trẫm, không phải lỗi của phu nhân”. Thế rồi sai tùy tùng đưa Khương Hậu về hậu cung, và từ đó siêng năng việc triều chính. Hàng ngày sáng sớm thượng triều, tối muộn mới bãi triều, cuối cùng trở thành vị Vua trung hưng nhà Chu.
Bậc quân tử nói rằng Khương Hậu có uy nghi lại có đức hạnh. Căn cứ theo lễ nghĩa, hậu phi hầu hạ Vua, phải lấy ánh sáng của ngọn nến dẫn đường. Khi đến nơi Vua ở, tắt nến vào phòng, cởi bỏ triều phục, thay quần áo lót, sau đó tiến vào hầu hạ Vua. Sau khi gà gáy, nhạc sư đánh trống báo trời sáng, gà gáy sáng thì hậu phi dậy mặc lại trang phục và rời đi.
Kinh Thi có câu: “Uy nghi ức ức, đức âm trật trật” (uy nghi nghiêm cẩn, tăm tiếng bền lâu), lại có câu: “Thấp tang hữu a, Kỳ diệp hữu u. Ký kiến quân tử, Đức âm khổng giao” (Cây dâu ở chỗ thấp xinh. Lá thì đen mướt dầy cành tốt tươi. Gặp trang quân tử ấy rồi. Được nghe tăm tiếng của người bền lâu). Người phụ nữ dùng sắc đẹp bày tỏ sự thân mật, dùng đạo đức để củng cố giang sơn. Đức hạnh của Khương thị có thể nói là vô cùng vững chắc.
Có thơ khen rằng: Gia từ Khương Hậu, quyết đức khổng hiền, do lễ động tác, khuông phối Chu Tuyên, dẫn quá thôi nhượng, Tuyên vương ngộ yên, túc dạ sùng đạo, vi trung hưng quân.
(Tạm dịch: Khen cho Khương hậu, đức hạnh hiền thục, hành động theo lễ, làm vợ Chu Tuyên, tự mình nhận tội, làm Vua tỉnh ngộ, ngày đêm sùng đạo, thành Vua trung hưng).
TỀ HOÀN VỆ CƠ
Vệ Cơ là con gái của Vệ hầu, là phu nhân của Tề Hoàn Công. Hoàn Công tính tình phong lưu, yêu thích âm nhạc của hai nước Trịnh, Vệ, thích mỹ nữ của hai nước Trịnh, Vệ, cho rằng phụ nữ của hai nước cũng giống với âm nhạc của họ, đều dùng để hưởng lạc. Để sửa đổi thành kiến của Tề Hoàn Công, Vệ Cơ kiên quyết tỏ ý không nghe âm nhạc của quê hương, không lấy sắc đẹp và tài múa để lấy lòng Vua. Tề Hoàn Công cũng không trách phạt, ngược lại bị sự khác người của bà hấp dẫn. Hoàn Công trọng dụng Quản Trọng, Ninh Thúc, giúp cho nước Tề càng ngày càng phát triển. Cho nên chư hầu đều đến triều kiến, nhưng chỉ có nước Vệ không đến. Hoàn Công không vui bèn cùng Quản Trọng thương lượng việc thảo phạt nước Vệ. Sau khi Tề Hoàn Công bãi triều lui về hậu cung, Vệ Cơ quan sát sắc mặt của Hoàn Công liền tháo trâm cài đầu và khuyên tai, tháo bỏ đồ trang sức đi đến sảnh lớn lạy hai lạy mà nói: “Thiếp nguyện xin được tạ tội thay cho nước Vệ”. Tề Hoàn Công nói: “Trẫm với nước Vệ không có gì. Sao ái khanh lại phải tạ tội cho nước Vệ?”. Vệ Cơ đáp: “Thiếp nghe nói: Vua có ba sắc mặt, sắc mặt vui vẻ biểu lộ sự cao hứng, đây là sắc mặt rượu tiệc. Sắc mặc im lặng âm u kìm nén, khẳng định là sắc mặt tai họa chết chóc. Đầy rẫy sự tức giận, tay chân múa may, đây là sắc mặt của người muốn đi đánh chiếm. Hôm nay, thiếp thấy Hoàng Thượng dơ tay múa chân, sắc mặt nghiêm nghị, tiếng nói cao vút, xem ra ý tại nước Vệ. Do vậy, thiếp mới xin thỉnh tội”. Hoàn Công nghe xong bèn hứa không công đánh nước Vệ nữa.
Ngày hôm sau thượng triều, Quản Trọng bước lên nói: “Thần thấy hôm nay Hoàng Thượng lâm triều lại khiêm cung mà hơi thở ôn hòa, lời nói cũng ổn định, xem ra không có ý thảo phạt, chắc là muốn bỏ qua cho nước Vệ rồi”. Hoàn Công đáp: “Khanh nói rất đúng!”.
Thế là lập Vệ Cơ làm phu nhân, gọi Quản Trọng làm Trọng phụ, còn nói: “Phu nhân quản lý bên trong, Quản Trọng quản lý bên ngoài, cho dù trẫm có ngu đần, cũng đủ để đứng vững trong thiên hạ”.
Bậc quân tử nói Vệ Cơ giữ chữ tín lại có đức hạnh. Kinh Thi có câu: “Triển như chi nhân hề, bang chi ái dã” (ở đây là dùng để ca ngợi Vệ Cơ, khen bà là người phụ nữ xinh đẹp)
Có thơ khen rằng: Tề Hoàn Vệ Cơ, trung khoản thành tín, Công háo dâm nhạc, Cơ vi tu thân, vọng sắc thỉnh tội, Hoàn Công gia yên, quyết sứ trị nội, lập vi phu nhân.
(Tạm dịch: Tề Hoàn Vệ Cơ, trung thành tín nghĩa, Công mê âm nhạc, Cơ vốn tu thân, nhìn mặt thỉnh tội, Hoàn Công tín nhiệm, cho quản nội chính, lập thành phu nhân).
TẤN VĂN TỀ KHƯƠNG
Tề Khương là tôn nữ của Tề Hoàn Công, là phu nhân của Tấn Văn Công. Lúc đầu cha của Văn Công là Hiến Công lấy Ly Cơ. Ly Cơ dùng lời gièm pha giết hại Thái tử Thân Sinh. Văn Công là công tử đương thời, tên gọi Trùng Nhĩ, cùng với Cữu Phạm bỏ trốn sang nước Địch. Sau này khi đến nước Tề, Tề Hoàn Công đã gả tôn nữ cho Trùng Nhĩ, đối xử vô cùng trọng hậu, còn ban cho hai mươi cỗ xe ngựa. Trùng Nhĩ có được cuộc sống như này bèn quyết tâm ở lại nước Tề. Trùng Nhĩ nói: “Đời người chẳng qua là ham muốn an nhàn mà thôi, ai còn có thể nghĩ đến việc khác”. Tử Phạm (tức Cữu Phạm, là cậu của Trùng Nhĩ) biết Trùng Nhĩ muốn ở lại nước Tề, muốn Trùng Nhĩ lên đường nhưng lại sợ Trùng Nhĩ không nghe nên cùng với tùy tùng bàn bạc chuyện rời đi ở vườn dâu. Khi đó người tiểu thiếp nuôi tằm của Trùng Nhĩ ở đó, người tiểu thiếp đem chuyện này báo cho Tề Khương. Tề Khương lập tức giết chết người tiểu thiếp rồi nói với Trùng Nhĩ rằng: “Những người tùy tùng của chàng bàn việc để chàng rời nước Tề. Thiếp đã diệt trừ người biết việc này. Chàng nhất định phải nghe theo lời của họ, không thể chần chừ do dự, nếu chần chừ do dự sẽ không giữ được tính mạng của mình. Từ khi chàng rời khỏi nước Tấn thì nước Tấn không có ngày nào được bình yên. Xem ra trời không muốn diệt nước Tấn, mà người có được nước Tấn, chẳng phải chàng thì là ai, chàng phải cố gắng lên! Ông trời đang dõi theo chàng, nếu chàng chần chừ do dự thì nhất định sẽ có sơ suất”. Trùng Nhĩ nói: “Ta sẽ không nghe lời họ mà rời xa nước Tề. Ta đã hạ quyết tâm ở lại nước Tề”.
Tề Khương nói: “Không thể như vậy! Chu thi có câu: “Tân tân chinh phu, mỗi hoài mị cập” (hàng ngày có rất nhiều người đang cố gắng mà còn sợ không đạt được mục đích). Cho dù hàng ngày viễn chinh còn e là khó đạt được mục đích, huống hồ ham muốn an nhàn. Sao có thể thực hiện lý tưởng! Người mà không theo đuổi lý tưởng, sao có thể đạt được lý tưởng! Họa hoạn sẽ không kéo dài, chàng nhất định sẽ có được nước Tấn”. Trùng Nhĩ không nghe, thế là Tề Khương âm thầm bàn bạc với Cữu Phạm, chuốc rượu cho Trùng Nhĩ thật say rồi vực lên xe, âm thầm đi khỏi nước Tề. Khi Trùng Nhĩ tỉnh rượu bèn cầm giáo đuổi theo Cửu Phạm mà rằng: “Nếu như việc thành thì thôi, còn nếu không thành thì ta có ăn thịt của ngươi cũng không hết giận!”. Thế rồi lên đường, đi qua các nước Tào, Tống, Trịnh, Sở, cuối cùng đến nước Tần. Tần Mục Công xuất binh giúp Trùng Nhĩ trở về nước Tấn. Người nước Tấn giết chết Hoài Công rồi lập Trùng Nhĩ, Trùng Nhĩ trở thành Tấn Văn Công. Sau khi trở về nước Tấn, Văn Công nghênh đón Tề Khương đến nước Tấn và lập thành phu nhân. Thế rồi Văn Công xưng bá thiên hạ, trở thành minh chủ của các nước chư hầu.
Bậc quân tử nói Tề Khương thuần khiết mà không khinh nhờn, có thể lấy điều thiện để bồi dưỡng người quân tử. Kinh Thi có câu: “Bỉ mỹ mạnh khương, khả dữ ngụ ngôn” (người con gái xinh đẹp kia, có thể bàn việc đại sự với người) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Tề Khương công chính, ngôn hạnh bất đãi, khuyến miễn Tấn Văn, phản quốc vô nghi, Công tử bất thính, Khương dữ Phạm mưu, túy nhi tải chi, tuất thành bá cơ.
(Tạm dịch: Tề Khương công chính, ngôn hạnh không sơ suất, khuyến khích Văn Công, về nước không sai, Văn Công không nghe, chuốc say chở đi, sau thành bá nghiệp).
TẦN MỤC CÔNG CƠ
Mục Cơ là phu nhân của Tần Mục Công, là con gái của Tấn Hiến Công, là chị gái ruột của Thái tử Thân Sinh, là chị em cùng cha khác mẹ với Tấn Huệ Công. Mục Cơ hiền lành lại nhân nghĩa. Sau khi Tấn Hiến Công giết chết Thái tử Thân Sinh, lại trục xuất các công tử, Huệ Công là công tử Di Ngô, khi đó chạy trốn sang nước Lương, sau khi Hiến Công chết, được nước Tần lập lên làm Vua. Vừa mới lên ngôi, Mục Cơ bảo tiếp nhận những công tử bị trục xuất mà rằng: “Gia tộc của Đại Vương là gốc rễ của quốc gia”. Huệ Công tuyệt nhiên không nghe theo, sau lại ngấm ngầm nhận tặng vật của nước Tần. Nước Tấn bị mất mùa bèn vay lương thực của nước Tần, nước Tần liền cho nước Tấn. Đến khi nước Tần bị mất mùa đi vay lương thực của nước Tấn nhưng nước Tấn không cho. Thế là nước Tần khởi binh đánh Tấn, sau bắt được Vua nước Tấn mà khải hoàn. Tần Mục Công nói: “Hãy quét dọn tông miếu của Tổ tiên! Trẫm sẽ để cho Tổ tiên gặp Vua nước Tấn”. Mục Cơ biết chuyện bèn cùng với Thái Tử Oánh, công tử Hoằng và con gái Giản Bích mặc tang phục, dưới chân để củi khô mà nghênh đón và nói với Mục Công rằng: “Trời xanh giáng họa để cho Vua hai nước không chung sống hòa thuận mà dấy binh thảo phạt. Thiếp được gả đến nước Tần xa xôi làm tỳ nữ, mà lại không thể để cho Vua hai nước hiểu nhau, do đó làm nhục sứ mệnh của Vua hai nước. Nếu như buổi sáng Vua nước Tấn đến thì buổi chiều thiếp sẽ chết, mong bệ hạ suy xét việc này”.
Tần Mục Công cảm thấy rất bất an, thế là tạm dừng chân ở Linh Đài. Các quan đại phu thỉnh cầu cùng đưa Vua Tấn về, Tần Mục Công nói: “Bắt được Vua nước Tấn, vốn là trở về trong chiến thắng, mà hiện nay có lẽ là về trong đám tang. Làm như vậy có ích gì!”. Thế là đối đãi với Tấn như khách, lấy lễ trọng hậu để ban tặng rồi thả Vua nước Tấn về.
Sau khi Mục Cơ mất, em trai của bà là Trùng Nhĩ đến nước Tần. Nước Tần đưa Trùng Nhĩ về nước Tấn, sau này trở thành Tấn Văn Công. Thái Tử Oánh nghĩ đến ân tình của mẹ, khi tiễn người cậu có làm thơ rằng: “Ngã tống cữu thị, Viết chí Vị Dương, Hà dĩ tặng chi? Lộ xa thặng hoàng” (Cậu đi quyến luyến ta đưa, tiễn đưa mãi đến bên bờ Vị Dương. Lấy chi làm chút lễ thường, cỗ xe với bốn ngựa vàng xin dâng).
Bậc quân tử nói rằng: “Đúng là mẹ hiền sinh con hiếu”. Kinh Thi có câu: “Kính thận uy nghi, duy dân chi tắc” (cung kính cẩn thận có uy nghi là phép tắc để trị dân), Mục Cơ là như vậy.
Có thơ khen rằng: Tần Mục phu nhân, Tấn Huệ chi tỉ. Tần chấp Tấn quân, phu nhân lưu thế, thống bất năng cứu, nãi tương phó tử, Mục Công nghĩa chi, toại thích kỳ đệ.
(Tạm dịch: Phu nhân Tần Mục, chị gái Tấn Huệ, Tần bắt Vua Tấn, phu nhân rơi lệ, xót không cứu được, đành tìm cái chết, Mục Công cảm động, thả em Mục Cơ).
SỞ TRANG PHÀN CƠ
Phàn Cơ là phu nhân của Sở Trang Vương. Sau khi Sở Trang Vương lên ngôi, thích săn bắn. Phàn Cơ nhiều lần can gián không được, bèn quyết không ăn thịt cầm thú, từ đấy Vương sửa đổi, chuyên việc chính sự hơn. Vương thường vì việc triều đình mà bỏ bê ăn uống, Phàn Cơ tự đến điện hỏi: “Vì sao Đại Vương bỏ bê ăn uống? Chẳng nhẽ không đói, không mệt ạ?”. Sở Vương nói: “Cùng người hiền nói chuyện thì không biết đói, không biết mệt”. Phàn Cơ nói: “Người hiền mà Đại Vương nói là ai vậy?”. Sở Vương lại đáp: “Là Ngu Khâu Tử”. Phàn Cơ nghe xong bịt miệng mà cười. Sở Vương hỏi: “Vì sao lại cười?”. Phàn Cơ bèn đáp: “Ngu Khâu Tử hiền thì có hiền, nhưng trung thì chưa chắc”.
Sở Vương hỏi: “Sao lại vậy?”. Phàn Cơ bèn đáp: “Thiếp hầu hạ Quân Vương, ngót cũng 11 năm, đã từng sai người đến khắp các nước Trịnh, nước Vệ, cũng là để kiếm hiền nữ hầu hạ Quân Vương. Nay người hiền hơn thiếp có hai người, ngang thiếp có bảy người. Chẳng nhẽ thiếp không muốn được Quân Vương sủng ái một mình thiếp sao! Thiếp thường nghe nói: “Đường thượng kiêm nữ, sở dĩ quan nhân năng dã” (Sảnh lớn nhiều người nữ, có thể quan sát được ai là người hiền), thiếp không thể lấy chuyện tư át chuyện công, luôn muốn để cho Quân Vương trong đám đông Phi tần này biết được người nào là người hiền đức. Ngu Khâu Tử làm Tể Tướng đã hơn 10 năm, tiến cử không phải đệ tử thì cũng anh em trong gia tộc. Chưa từng nghe nói tiến cử người hiền tài, cũng chưa từng thấy truất phế kẻ bất tài. Có lẽ đây là che dấu Quân Vương ngăn chặn đường tiến của người hiền tài. Biết nhân tài mà không tiến cử là bất trung; không biết ai hiền mà tiến cử là không sáng suốt. Cho nên sau khi nghe Quân Vương nói thiếp thấy buồn cười. Không phải là chuyện bình thường sao!”. Sở Vương nghe xong rất vui.
Ngày hôm sau, Sở Vương nói lại lời của Cơ với Khâu Ngu Tử. Khâu Ngu Tử hốt hoảng mà không đáp lại được. Sau khi về nhà, liền tiến cử Tôn Thúc Ngao và Sở Vương cho làm Lệnh doãn (Tể Tướng). Sau ba năm nước Sở dưới sự quản lý của Tôn Thúc Ngao, Sở Trang Vương trở thành bá chủ thiên hạ. Sách sử Sở có viết: “Trang Vương xưng bá, ấy là có công của Phàn Cơ”.
Kinh Thi có câu: “Đại phu túc thối, vô sử quân lao” (Quan đại phu hãy sớm lui về để khỏi khiến Vua phải lao nhọc về chính sự), chữ quân ở đây là chỉ nữ quân. Lại nói: “Ôn cung triều tịch, chấp sự hữu khác” (sớm tối ôn hòa lại cung kính, cẩn thận hành sự) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Phàn Cơ khiêm nhượng, mĩ hữu tật đố, tiến tiến mỹ nhân, dữ kỷ đồng xử, phi thứ Ngu Khâu, tế hiền chi lộ, Sở Trang dụng yên, công nghiệp toại bá.
(Tạm dịch: Phàn Cơ khiêm nhượng, không chút đố kỵ, tiến cử mỹ nữ, cùng mình vui sống, châm biếm Ngu Khâu, Sở Trang nghe theo, lấy được bá nghiệp).
CHU NAM CHI THÊ
Chu Nam Chi Thê là vợ của Chu Nam đại phu. Chồng của bà phụng mệnh đi cải tạo đất, quá thời hạn mà chưa thể về. Người vợ sợ chồng buông lỏng việc nước, bèn kể với hàng xóm những lời trước đây đã nói với chồng: “Đất nước nhiều gian khó, nhất định phải tận tâm tận sức làm việc vì đất nước, đừng oán trách gì, để cho cha mẹ cảm thấy lo lắng. Ngày xưa vua Thuấn cầy cấy ở núi Lịch Sơn, đánh cá ở Lôi Trạch, làm gốm ở Hà Tân, đều không phải là những việc của Vua Thuấn, mà vua Thuấn vẫn bằng lòng làm những việc này là để nuôi sống cha mẹ. Trong tình trạng nhà nghèo, cha mẹ già cả thì không thể chọn lựa quan chức mà ra làm quan, nghèo đến mức phải tự mình đi gánh nước giã gạo thì không thể chọn vợ đẹp để cưới. Cho nên mới nói khi cha mẹ còn sống thì việc nhỏ có thể đồng hành với thời thế, nhưng không thể thẹn với nghĩa lớn, nguyên nhân làm như vậy là để không gặp phải tai họa mà thôi. Chim phượng hoàng không sa lưới, kỳ lân không sa bẫy, giao long không đến nơi đầm cạn là lấy cái trí lực, cái biết của muông thú để tránh tai họa, huống hồ là con người? Sinh ra trong thời loạn, không thể làm theo chính đạo, đạt lẽ thường, dưới sự áp bức của bạo ngược, thậm chí không thể làm điều nhân nghĩa mà lại ra làm quan, nguyên nhân là bởi vì cha mẹ còn sống”. Thế là làm thơ rằng: “Phường ngư sanh vĩ, Vương thất như hủy, tuy tắc như hủy, phụ mẫu khổng nhĩ” (Cá mè đuôi đỏ thương ôi, việc Vua lửa cháy dầu sôi khác gì, dầu sôi lửa cháy thôi thì, gần cha gần mẹ lo gì mà lo), đây là bởi vì bất đắc dĩ. Do vậy bậc quân tử biết vợ của Chu Nam giỏi việc chỉnh sửa chồng.
Có thơ khen rằng: Chu đại phu thê, phu xuất trị thổ, duy giới vô đãi, miễn vi phụ mẫu, phàm sự viễn lự, vi thân chi tại, tác thơ phường ngư, dĩ sắc quân tử.
(Tạm dịch: Vợ của Chu đại phu, chồng đi cải tạo đất, duy chỉ dặn dò không chểnh mảng công việc, gắng sức vì cha mẹ, việc gì cũng phải nhìn xa, vì cha mẹ còn sống, làm bài thơ cá mè, để căn dặn người quân tử).
TỐNG BÀO NỮ TÔNG
Nữ Tông là vợ của Bào Tô nước Tống. Bà hầu hạ mẹ chồng vô cùng chu đáo, Bào Tô làm quan ở nước Vệ ba năm, ở bên ngoài lại lấy thêm một người vợ. Sau khi Nữ Tông biết được thì hầu hạ mẹ chồng càng cung kính hơn. Có người thường qua lại nước Vệ, Nữ Tông bèn hỏi thăm tin tức của chồng lại còn tặng lễ vật vô cùng trọng hậu cho người vợ ở bên ngoài của chồng. Chị của Nữ Tông nói với bà: “Em có thể rời khỏi cái nhà này rồi”. Nữ tông hỏi: “Tại sao vậy ạ?”. Người chị nói: “Chồng em ở bên ngoài thích người khác. Tại sao em phải tiếp tục ở lại đây?”. Nữ Tông nói: “Người phụ nữ một khi đã xuất giá thì không thể thay đổi, cho dù chồng chết cũng không thể tái giá, phải mặc tang phục, kéo tơ tằm, dệt vải may áo để phụng dưỡng bên nhà chồng, chuẩn bị rượu ngọt, chuẩn bị cơm canh để phụng dưỡng cha mẹ chồng. Người phụ nữ lấy sự chung thủy làm trinh tiết, lấy việc giỏi phục tùng làm hòa thuận. Sao có thể chỉ giỏi việc hưởng thụ sự sủng ái của chồng được! Nếu như lấy lòng ham muốn mà hạn chế sở thích của chồng, em không biết điều này tốt ở điểm nào. Theo lễ nghi: Thiên tử có thể có thê thiếp 12 người, chư hầu có thể có 9 người, khanh đại phu có thể có 3 người, kẻ sĩ có thể có 2 người. Hiện nay chồng em là một kẻ sĩ, có hai người thê thiếp chẳng phải là hợp lý sao! Hơn nữa, người phụ nữ có bảy điều cấm kỵ khi phạm phải thì sẽ bị đuổi khỏi nhà chồng, mà nam giới lại không có điều cấm kỵ nào để bị đuổi đi. Bảy loại phép tắc bị đuổi ra khỏi nhà thì ghen tuông xếp thứ nhất, những thứ như dâm loạn, trộm cắp, lắm điều, ngạo mạn, không con, có ác tật đều đứng sau ghen tuông. Chị không dạy em lễ nghi vợ chồng chung sống với nhau lại muốn em làm những hành vi bị đuổi khỏi nhà chồng. Sao em có thể làm như vậy?”. Thế là không nghe lời chị gái mà hầu hạ mẹ chồng càng cung kính.
Vua nước Tống sau khi biết việc này đã biểu dương bà trong làng xóm, ban cho bà danh hiệu Nữ Tông. Bậc quân tử thấy rằng Nữ Tông khiêm tốn lại biết lễ nghĩa. Kinh Thi có câu: “Lệnh nghi lệnh sắc, tiểu tâm dực dực, cổ huấn thị thức, uy nghi thị lực” (Ý nói mặt mày tươi tắn, cẩn thận dè dặt, tuân thủ lễ nghĩa) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Tống Bào Nữ Tông, hiếu lễ tri lý. Phu hữu ngoại thê, bất vi biến kỷ. Xưng dẫn phụ đạo, bất thính kỳ tự, Tống công hiền chi, biểu kỳ lư lí.
(Tạm dịch: Tống Bào Nữ Tông, hiếu lễ hiểu biết, chồng có vợ bên ngoài, cũng không đổi thay, viện dẫn đạo làm vợ, không nghe lời chị. Tống công khen ngợi, biểu dương làng xóm).
TẤN TRIỆU THÔI THÊ
Vợ Triệu Thôi nước Tấn là con gái của Tấn Văn Công, tên hiệu là Triệu Cơ. Khi xưa, lúc Tấn Văn Công còn là công tử, cùng với Triệu Thôi chạy trốn sang nước Địch. Người nước Địch tặng hai người con gái là Thúc Ngỗi và Quý Ngỗi cho công tử. Văn Công để cho Thúc Ngỗi làm vợ Triệu Thôi và sinh được Triệu Thuẫn. Sau này khi trở về nước Tấn, Tấn Văn Công lại đem con gái của mình gả cho Triệu Thôi, sinh được Triệu Nguyên, Triệu Đồng, Triệu Bình, Triệu Quát, Triệu Lâu, Triệu Anh. Triệu Cơ khuyên Triệu Thôi đón Triệu Thuẫn và mẹ về cùng sống chung. Triệu Thôi kiên quyết từ chối nói rằng không dám làm như vậy. Triệu Cơ nói: “Như vậy không được! Nếu như được sự ân sủng mới mà quên người cũ thì là bỏ nghĩa. Thích người mới mà xem thường người cũ là vô ơn. Trong lúc khó khăn cùng người ta chịu khổ cực, sau khi phú quý lại không nhớ đến là vô lễ. Hiện nay chàng bỏ hết ba thứ này thì sao có thể sai khiến được người khác! Cho dù là thiếp cũng không thể theo hầu. Kinh Thi không phải có nói: Thái phong thái phĩ, vô dĩ hạ thể, đức âm mạc vi, cập nhĩ đồng tử (Đi hái rau phong, rau phĩ, không nên câu nệ vì cái rễ (chẳng vì cái rễ dở mà bỏ đi cái cọng ngon). Tiếng tốt không bao giờ trái nghịch, để ở với chàng cho đến lúc cùng chết một lượt). Cùng người ta trải qua gian khổ, cho dù có chút lỗi lầm, còn cùng sống cùng chết không xa lìa, huống hồ là yên vui bên người mới mà lại quên đi người cũ! Kinh Thi lại có câu: Yến nhĩ tân hôn, bất ngã tiết dĩ (chàng vui duyên mới mặn mà, cho em chẳng sạch để xa nhau đành) đây là lời lẽ đau thương nói thay cho người cũ. Chàng đi đón họ, không nên có mới nới cũ”. Triệu Thôi bèn đồng ý, thế là đón Triệu Thuẫn và Thúc Ngỗi về. Triệu Cơ thấy trong mấy đứa con thì Triệu Thuẫn có tài năng nhất bèn cầu xin lập Triệu Thuẫn làm con đích tử, còn ba đứa con trai của bà ở dưới Triệu Thuẫn, còn nhường ngôi chính thê cho Thúc Ngỗi, đặt mình đứng dưới Thúc Ngỗi. Sau này khi Triệu Thuẫn trở thành chính khanh, đều ghi nhớ ân tình Triệu Cơ khiêm nhượng, cầu xin Tấn Thành Công cho hai con của Triệu Cơ làm Công tộc đại phu, còn nói: “Đại Vương là ái tử của Cơ thị, không có Cơ thị thì thần chăng qua là một người nước địch. Sao có được địa vị như ngày nay!”. Tấn Thành Công chuẩn y lời thỉnh cầu của Triệu Thuẫn, thế là Triệu Bình, Triệu Quát trở thành Công tộc đại phu.
Bậc quân tử nói Triệu Cơ khiêm cung lại biết khiêm nhượng. Kinh Thi có câu: Ôn ôn cung nhân, duy đức chi cơ (người ôn hòa cung kính, là nền tảng của đức hạnh), là để nói Triệu Cơ.
Có thơ khen rằng: Triệu Thôi Cơ thị, chế hạnh phân minh, thân tuy tôn quý, bất đố thiên phòng, cung sự Thúc Ngỗi, tử Thuấn vi tự, quân tử mỹ chi, quyết hành khổng bị.
(Tạm dịch: Vợ của Triệu Thôi, quy chế phân minh, thân tuy tôn quý, không ghen vợ lẽ, hầu hạ Thúc Ngỗi, lập Thuẫn nối dõi, quân tử khen ngợi, hành vi hoàn mỹ).
ĐÀO ĐÁP TỬ THÊ
Đào Đáp Tử thê là vợ của đại phu Đào Đáp Tử. Đáp Tử cai quản nước Đào ba năm, danh dự không tốt mấy, nhưng nhà thì giàu lên rất nhiều. Vợ nhiều lần khuyên can nhưng Đáp Tử không nghe. Ở nước Đào được năm năm thì nghỉ phép về nhà, tùy tùng ngựa xe có trăm cỗ. Người trong gia tộc đều chúc mừng, riêng vợ ôm con mà khóc. Mẹ chồng thấy vậy vô cùng tức giận nói: “Sao lại không thức thời như vậy!”. Người vợ nói: “Năng lực của chồng con không nhiều mà lại giữ chức quan lớn, như vậy sẽ gây tai họa. Không có công lao gì mà gia tộc hưng vượng, đây là tích lũy tai ương vậy. Ngày xưa lệnh doãn nước Sở là Tử Văn trị quốc, nhà nghèo mà nước giàu, Quốc Vương kính trọng, bách tính yêu mến, cho nên để lại cái phúc cho con cháu, danh tiếng của ông truyền lại đời sau. Hiện nay chồng của con lại không như vậy, ham muốn phú quý, mưu cầu làm quan to, bất chấp sau này có gây ra tai họa hay không. Con nghe nói núi Nam Sơn có con báo đen, khi trời mưa mù thì bảy ngày không ăn. Tại sao phải như vậy? Trong mưa mù làm mượt bộ lông để nó càng đẹp hơn, cho nên có thể ẩn nấp mà tránh xa tai họa. Chó, lợn không chọn thức ăn, chỉ nghĩ cách vỗ béo bản thân, đây chẳng qua là ngồi đợi chết mà thôi. Hiện nay chồng con cai trị nước Đào, nhà thì giàu có rồi, nhưng đất nước vẫn rất nghèo, Quốc Vương không kính trọng, trăm họ không yêu mến, điềm báo bại vong ở ngay trước mắt. Hiện nay con cầu xin cùng với con nhỏ đi khỏi nhà”. Mẹ chồng nghe xong vô cùng tức giận, thế là đuổi ra khỏi nhà.
Một năm sau, gia tộc Đáp Tử quả nhiên bị quy tội giặc cướp mà bị giết. Chỉ còn mẹ của Đáp Tử do đã già nên được miễn tội chết. Vợ của Đáp Tử liền đem con trở về phụng dưỡng mẹ chồng đến khi mẹ chồng hưởng hết tuổi trời.
Bậc quân tử nói vợ của Đáp Tử trọng nghĩa khinh tài, tuy làm trái với lễ phép thỉnh cầu đi khỏi nhà chồng, nhưng cuối cùng cũng được toàn thân để thành toàn lễ nghĩa, có thể nói là có kiến thức nhìn xa trông rộng.
Kinh Thi có câu: Bách nhĩ sở tư, bất như ngã sở chi (Ngươi suy phương kế hàng trăm, chẳng bằng ta được tận tâm đi về) ý nói là như vậy.
Có thơ khen rằng: Đáp Tử trị Đào, gia phú tam bội, thê gián bất thính, tri kỳ bất cải, độc khấp cô nộ, tống quyết mẫu gia, Đáp Tử phùng họa, phức quy dưỡng cô.
(Tạm dịch: Đáp Tử cai trị nước Đào, nhà càng giàu có mâm cao cỗ đầy, vợ khuyên cũng mặc không hay, biết chồng không sửa tính này được đâu, khóc thầm để mẹ la rầy, xin về đằng ngoại tình này chia ly, đến khi Đáp Tử họa tai, quay lại phụng dưỡng mẹ chồng vì ai).
LIỄU HẠ HUỆ THÊ
Liễu Hạ Huệ thê là vợ của quan đại phu nước Lỗ Liễu Hạ Huệ. Liễu Hạ Huệ làm quan ở nước Lỗ. Mặc dù ba lần bị bãi chức nhưng ông không bỏ đi mà vẫn lo lắng cho người dân, còn tích cực giải trừ tai họa. Vợ ông nói: “Đây không phải là có sự mạo phạm sao! Người quân tử có hai nỗi nhục, quốc gia vô đạo mà mình lại tôn quý là một nỗi nhục. Quốc gia có đạo mà mình lại thấp hèn là một nỗi nhục. Hiện nay sống trong thời loạn, chàng ba lần bị bãi chức mà không bỏ đi, có lẽ nỗi nhục cũng rất gần”. Liễu Hạ Huệ nói: “Rất nhiều dân chúng sắp gặp tai họa, ta có thể ngồi trơ bỏ mặc sao! Vả lại, họ là họ, ta là ta. Cho dù họ là những kẻ trần trụi, sao có thể có thể vấy bẩn được ta!”. Về sau, Liễu Hạ Huệ vẫn ở nước Lỗ thản nhiên chung sống với mọi người và thế đạo, giữ một chức quan nhỏ. Sau khi Liễu Hạ Huệ chết, môn nhân định viết văn tế ông, vợ ông nói: “Các ngài định thuật lại đức hạnh của chồng tôi ư! Vậy thì, các ngài không hiểu rõ bằng tôi”. Thế là bà bèn viết văn tế rằng: “Phu tử chưa hề khoe khoang, lòng cứu dân của phu tử chưa hề khô cạn, phu tử thành tín mà không mưu hại ai, khuất phục dịu hiền thuận theo thế tục, không cố chấp lại có thể xét kỹ, chịu nỗi nhục để cứu dân chúng, đạo đức vô cùng to lớn, cho dù ba lần bị bãi chức, cuối cùng không bị che lấp. Chàng là người quân tử vui vẻ ôn hòa, mãi mãi khích lệ mọi người, buồn thương quá, đáng tiếc quá! Tuy chàng đã khuất bóng, trời xanh không cho tuổi thọ, nay đã đi rồi, ô hô thương thay, thần hồn rời khỏi, tên thụy của chàng, thích hợp nhất là chữ Huệ”. Những môn nhân muốn viết văn tế cho ông sau khi xem xong văn tế của vợ ông thì thấy không thể thêm hoặc bớt chữ nào.
Bậc quân tử nói vợ Liễu Hạ Huệ làm rạng rỡ mỹ đức của chồng mình. Kinh Thi có câu: “Nhân chi kỳ nhất, mạc tri kỳ tha” (người ta chỉ hiểu tinh một việc, lẽ khác thì chẳng biết đến đâu) là nói việc này.
Có thơ khen rằng: Hạ Huệ chi thê, hiền minh hữu văn, Liễu Hạ ký tử, môn nhân tất tồn, tương lụy Hạ Huệ, thê vi chi từ, trần liệt kỳ văn, mạc năng dịch chi.
(Tạm dịch: Vợ của Hạ Huệ hiền minh giỏi văn chương. Hạ Huệ khuất bóng, môn nhân tưởng niệm, viết văn tế công đức. Vợ viết văn tế, văn chương xuất chúng, không ai sửa được).
LỖ KIỀM LÂU THÊ
Lỗ Kiềm Lâu thê là vợ của tiên sinh Kiềm Lâu nước Lỗ. Sau khi tiên sinh mất, Tăng Tử và môn nhân đến phúng viếng. Người vợ ra tiếp đón. Tăng Tử tiến lên cúng vái, thấy thi thể của tiên sinh dưới song cửa, đầu gối trên hòn gạch chưa nung, nằm trên cỏ rơm, áo vải gai xộc xệch, trên mình phủ cái chăn vải thô, không che kín đầu và chân. Nếu như che đầu thì chân thò ra, còn nếu che chân thì đầu lại lộ ra. Tăng tử nói: “Để lệch cái chăn thì có thể che được hết”. Người vợ bảo: “Lệch mà có thừa không bằng ngay mà không đủ. Lúc sinh thời tiên sinh chỉ vì tính ngay thẳng mới đến nước này, khi sống không lệch, khi chết lại đắp chăn lệch thì chắc không hợp ý tiên sinh”.
Tăng Tử nghe xong không nói gì được nữa. Sau chỉ hỏi dùng chữ gì để đặt tên thụy cho tiên sinh. Người vợ đáp: “Lấy chữ Khang để đặt tên thụy”. Tăng Tử nói: “Lúc tiên sinh còn sống, ăn không đủ no, áo không che hết mình, sau khi chết tay chân cũng che không hết, bên cạnh không có rượu thịt để cúng. Khi sống không được hưởng thụ, khi chết không được vinh dự. Sao có thể vì đặt tên thụy là Khang mà cảm thấy vui!”. Người vợ đáp: “Ngày xưa Vua chuẩn bị cho tiên sinh làm chính sự, để tiên sinh giữ chức Tể tướng, nhưng tiên sinh cáo từ không làm. Đây có thể nói là tiên sinh có thừa cái quý. Vua từng ban cho tiên sinh lương thực 30 chung, tiên sinh cũng khước từ không nhận. Đây có thể nói là có thừa cái phú. Tiên sinh lấy mùi vị tầm thường của thiên hạ làm ngon ngọt, lấy địa vị thấp hèn để an thân, không bởi nghèo hèn mà buồn rầu, cũng không vì phú quý mà vui mừng. Cầu nhân được nhân, cầu nghĩa được nghĩa. Đặt tên thụy cho tiên sinh là Khang, chẳng phải vô cùng thích hợp sao!”. Tăng Tử khen rằng: “Chỉ có người chồng như thế mới có được người vợ như thế”.
Bậc quân tử nói vợ của Kiềm Lâu có thể sống thanh bần đạo hạnh. Kinh Thi có câu: “Bỉ mỹ thục cơ, khả dĩ ngộ ngôn” (Kìa người thục nữ đẹp tài, cùng nàng nói chuyện hiểu ngay tấc lòng) là để nói ý này.
Có thơ khen rằng: Kiềm Lâu ký tử, thê độc chủ tang, Tăng Tử điếu yên, bố y cát khâm, an tiện cam đạm, bất cầu phong mỹ, thi bất yểm tế, do thụy viết Khang.
(Tạm dịch: Khi Kiềm Lâu mất, vợ chủ trì tang sự, Tăng Tử phúng viếng, nhìn thấy áo gai chăn thô, vui đời nghèo khổ, không ham giàu có, tuy chăn che không hết thân, vẫn đặt tên thụy là Khang).
TỀ TƯƠNG NGỰ THÊ
Tề Tương Ngự thê là vợ người phu xe cho Tể tướng nước Tề. Một lần Yến Tử ngồi xe ra ngoài, vợ người phu xe nhìn qua khe cửa thấy chồng đánh xe cho Tể tướng, ngồi ở dưới chiếc ô lớn, quất roi vào bốn con ngựa, diễu võ dương oai, vô cùng tự đắc. Khi người chồng về nhà, người vợ nói rằng: “Chàng thân ở nơi thấp hèn thực ra là vô cùng thích hợp”. Người chồng hỏi: “Tại sao lại nói vậy?”. Người vợ đáp: “Yến Tử thân không cao quá ba thước nhưng lại làm Tể tướng của nước Tề, dương danh chư hầu. Hôm nay, thiếp từ khe cửa quan sát khí sắc, chí hướng của ông ấy thì thấy ông ấy vô cùng khiêm tốn, nhưng có thể thấy những điều ông ấy nghĩ vô cùng sâu xa. Hiện nay chàng thân cao tám thước, chẳng qua chỉ là người hầu cho ông ấy mà thôi, nhưng chàng dương dương tự đắc, vô cùng thỏa mãn. Do đó, thiếp không muốn ở cùng chàng nữa”. Người chồng tạ tội nói: “Ta sẽ thay đổi. Nàng thấy thế nào?”. Người vợ nói: “Nếu lòng có được trí tuệ của Yến Tử, lại thêm thân cao tám thước. Nếu như có thể tự mình làm việc nhân nghĩa, hầu hạ minh chủ thì nhất định sẽ dương danh thiên hạ. Huống hồ thiếp nghe nói thà rằng lấy việc giữ vững nhân nghĩa làm vinh dự, cho dù thân ở nơi nghèo hèn, cũng không do sự kiêu ngạo giả dối mà tham cầu sự tôn quý”. Thế là người chồng tự trách mình, cố gắng học đạo, biểu hiện vô cùng khiêm tốn, thường xuyên cảm thấy mình làm như vậy là chưa đủ. Yến Tử cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi tại sao lại thay đổi như vậy. Người phu xe bèn kể lại cho Yến Tử nghe. Yến tử thấy người phu xe có thể tiếp thu lời khuyên mà sửa lỗi, cho rằng là người hiền tài bèn tiến cử với Cảnh Công để cho làm quan, để khen ngợi vợ người phu xe, gia phong cho vợ người phu xe là Mệnh phụ.
Bậc quân tử cho rằng Mệnh phụ biết được thế nào là điều thiện. Cho nên mới nói, có thể trở thành người hiền tài thì có rất nhiều con đường, không cứ chỉ có sự rèn giũa chỉ bảo của thầy dạy và bạn bè mà vợ cũng có rất nhiều.
Kinh Thi có câu: “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” (Núi cao để được ngưỡng trông, đường to thì để người dùng bước đi) ý nói là phải thường xuyên một lòng hướng thiện.
Có thơ khen rằng: Tề tương ngự thê, khuông phu dĩ đạo, minh ngôn kiêu cung, tuân tuân tự hiệu, phu cải dịch hành, học vấn mị dĩ, Yến Tử thăng chi, liệt ư quân tử.
(Tạm dịch: Vợ người phu xe, lấy đạo răn chồng, phân rõ kiêu ngạo và cung kính, cần phải sửa đổi, người chồng thay đổi, học vấn không ngừng, Yến tử đề bạt, liệt hàng quân tử).
SỞ TIẾP DƯ THÊ
Sở Tiếp Dư thê là vợ của kẻ cuồng nước Sở Tiếp Dư. Tiếp Dư tự mình cày cấy để nuôi thân. Vua nước Sở sai sứ giả mang hai ngàn lượng vàng, hai cỗ xe bốn ngựa kéo đến để mời Tiếp Dư ra làm quan, nói với Tiếp Dư rằng: “Đại Vương mời tiên sinh cai quản Hoài Nam”. Tiếp Dư cười mà không chấp thuận. Cuối cùng sứ giả không nói năng với Tiếp Dư mà bỏ về. Vợ Tiếp Dư đi chợ về hỏi: “Cả đời chàng giữ gìn nhân nghĩa, chẳng nhẽ về già lại đánh mất sao! Nếu không, vết xe ngoài cửa sao lại sâu như vậy?”. Tiếp Dư nói: “Đại Vương không biết là ta bất tài, muốn để ta cai trị Hoài Nam, sai sứ giả mang tiền tài ngựa xe đến mời ta”. Vợ hỏi: “Chàng bằng lòng rồi sao?”. Tiếp Dư nói: “Phú quý là điều mà người nào cũng muốn có được, chẳng nhẽ nàng lại chán ghét. Ta đã đồng ý rồi”. Người vợ nói: “Người nhân nghĩa thì việc không hợp lễ nghĩa sẽ không làm, cũng sẽ không vì thân ở nơi thấp hèn mà thay đổi phẩm hạnh của mình. Thiếp hầu hạ chàng, tự mình cầy cấy đảm bảo có lương thực để ăn, tự mình dệt vải đảm bảo có quần áo để mặc. Có thể ăn no mặc ấm, làm theo điều nhân nghĩa, niềm vui đó đủ để cho chúng ta thỏa mãn. Nếu như nhận bổng lộc trọng hậu của người ta, đi xe chắc, ngựa tốt của người ta, ăn món tươi ngon của người ta, vậy thì điều chờ đón chàng sẽ là gì!”. Tiếp Dư nói: “Vậy thì ta không chấp thuận”. Người vợ nói: “Nếu như chàng không nghe theo thì là bất trung; nếu chàng nghe theo lại là điều không hợp nhân nghĩa, chi bằng rời khỏi nơi này”. Thế là Tiếp Dư cầm nồi niêu, vợ mang theo khung cửi, thay tên đổi họ dọn đi nơi xa, không ai biết họ đi đâu.
Bậc quân tử nói rằng vợ Tiếp Dư vì vui sống đời sống thanh bần mà rời xa tai họa, có thể sống nghèo khổ mà giữ vững đạo nghĩa không buông, chỉ có người đức lớn mới làm được vậy.
Kinh Thi có câu: Túc túc thố tư, Trác chi tranh tranh (Có người lưới thỏ hiên ngang, tranh tranh đóng cọc nghe vang một vùng) ý nói kiên trì đạo lớn không buông lơi.
Có thơ khen rằng: Tiếp Dữ chi thê, diệc an bần tiện, tuy dục tiến sĩ, kiến thời bạo loạn, Sở sinh Tiếp Dư, thê thỉnh tị quán, đới nhâm dịch tính, chung bất tao nạn.
(Tạm dịch: Vợ của Tiếp Dư sống vui nghèo khổ, tuy muốn làm quan, gặp thời loạn lạc, Sở mời Tiếp Dư, vợ muốn tránh xa, mang theo nồi niêu với khung cửi, thay tên đổi họ, sau cùng không gặp nạn).
SỞ LÃO LAI THÊ
Sở Lão Lai thê là vợ của Lão Lai Tử nước Sở. Lai Tử chạy trốn thế gian, đến cày cấy ở phía nam núi Mông sơn, lấy lau sậy làm vách, cỏ bồng làm buồng, giường gỗ chiếu cói, mặc quần áo vải thô, ăn đậu trồng ở ruộng, khai khẩn núi hoang để cày cấy. Có người nói với Sở Vương rằng: “Lão Lai là người hiền tài”. Sở Vương muốn dùng ngọc bích và vải vóc để mời Lão Lai ra làm quan, sợ Lão Lai không đến, Sở Vương đích thân đánh xe đến trước cửa nhà Lão Lai. Lúc này Lão Lai đang đan sọt. Sở Vương nói với Lão Lai rằng: “Quả nhân ngu dốt, kiến thức nông cạn, một mình coi giữ tông miếu của Tổ tiên, mong tiên sinh có thể đến giúp quả nhân”. Lão Lai nói: “Thảo dân chẳng qua là một kẻ sống nơi sơn dã, không thể xử lý chính sự”. Sở Vương nói: “Quản lý đất nước giúp quả nhân, mong thay đổi chí hướng của tiên sinh”. Lão Lai nói: “Thảo dân đồng ý”.
Sau khi Sở Vương rời khỏi, vợ của Lão Lai đầu đội mũ rơm, lưng vác củi trở về và nói: “Tại sao lại có nhiều vết bánh xe vậy?”. Lão Lai đáp: “Sở Vương muốn để ta xử lý chính sự của đất nước”. Người vợ nói: “Chàng đồng ý chưa?”. Lão Lai đáp: “Ta đã đồng ý rồi”. Người vợ nói: “Thiếp nghe nói người mà ăn uống rượu thịt dễ dàng thì cũng thường bị người ta đánh đập tùy ý, có thể ban cho chàng quan cao lộc hậu thì cũng có thể dễ dàng lấy cái đầu của chàng. Bây giờ chàng ăn uống rượu thịt của người ta, nhận quan cao lộc hậu của người ta, như vậy nhất định sẽ bị người ta điều khiển, chẳng nhẽ có thể tránh được tai họa sao! Thiếp không mong mình bị người khác điều khiển”. Thế là vứt mũ cỏ rồi bỏ đi. Lão Lai thấy vậy bèn nói: “Nàng hãy quay lại. Ta vì nàng mà thay đổi suy nghĩ”. Thế là cùng với vợ bỏ đi đến Giang Nam mới dừng lại rồi nói: “Lông của muông thú có thể dệt thành quần áo, nhặt lương thực rơi vãi trên mặt đất cũng đủ để ăn”. Lão Lai cùng với vợ định cư ở đây, nhân dân cũng theo họ đến đây an cư lập nghiệp, một năm còn thưa thớt, ba năm thì tụ tập thành thôn xóm.
Bậc quân tử nói vợ của Lão Lai tuân theo điều thiện vô cùng.
Kinh Thi có câu: Hoành môn chi hạ, Khả dĩ tê (thê) trì. Bí chi dương dương, Khả dĩ lạc cơ (Dưới cổng thô sơ và bỉ lậu, để an nhàn đi dạo nghỉ ngơi. Suối kia dòng nước cuốn trôi, cũng thành quên đói vui chơi tháng ngày) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Lão Lai dữ thê, đào thế sơn dương, bồng hao vi thất, hoàn gia vi cái, Sở vương sính chi, Lão Lai tương hành, thê viết thế loạn, nãi toại đào vong.
(Tạm dịch: Lão Lai và vợ, ở ẩn núi nam, cỏ bồng làm buồng, cỏ rơm làm chăn, Sở Vương mời ra làm quan, Lão Lai đồng ý, vợ nói thời loạn, bèn trốn đi nơi khác).
SỞ VU LĂNG THÊ
Sở Ư Lăng thê là vợ của Vu Lăng Tử Chung nước Sở. Sở Vương nghe nói Vu Lăng Tử Chung là một người hiền tài bèn muốn để ông làm Tể tướng nước Sở. Vì vậy đã sai sứ giả mang hai ngàn lượng vàng đến mời ông. Vu Lăng Tử Chung nói với sứ giả rằng: “Ở nhà tôi còn có vợ, để tôi bàn bạc với vợ đã”. Sau đó vào nhà nói với vợ rằng: “Sở Vương muốn để ta làm Tể tướng, sai sứ giả mang vàng đến. Nếu như hôm nay làm Tể tướng, ngày mai sẽ có nhiều ngựa xe, tùy tùng, món ngon trước mặt ăn không hết. Nàng nói có nên đồng ý không?”. Người vợ nói: “Chàng kiếm lương thực bằng nghề bện giầy cỏ, chứ không phải là không thể kiếm được vật chất. Hơn nữa, bên trái có đàn làm bạn, bên phải có sách để đọc, phải nói là tìm được niềm vui trong đó. Cho dù có nhiều ngựa xe, tùy tùng, nhưng thực ra chẳng qua là chỉ cần một cái buồng hẹp để dung thân. Cho dù trước mặt bày đầy món ngon, nhưng để người ta cảm thấy sự ngon ngọt chẳng qua chỉ cần một miếng thịt. Hiện nay, chỉ vì một cái phòng hẹp, một miếng thịt mà phải lo lắng thay cho nước Sở. Có đáng không! Sống trong thời loạn, tự nhiên có nhiều tai họa, thiếp e là tính mạng của chàng khó bảo toàn”. Thế là Tử Chung đi ra khước từ sứ giả, không chấp thuận lời thỉnh cầu của họ. Sau đó cùng với vợ bỏ trốn, làm người trông coi chăm sóc vườn tược cho người ta.
Bậc quân tử nói vợ của Vu Lăng là người có đức hạnh. Kinh Thi có câu: Yêm yêm lương nhân, Trật trật đức âm (Tính yên lặng thường ngày nàng giữ, nàng nói năng trật tự đàng hoàng) là nói vợ Vu Lăng.
Có thơ khen rằng: Vu Lăng xứ Sở, vương sứ sính yên, nhập dữ thê mưu, cụ thế loạn phiền, tiến vãng ngộ hại, bất nhược thân an, tả cầm hữu thư, vi nhân quán viên
(Tạm dịch: Vu Lăng xứ Sở, Vua mời ra làm quan, vào bàn với vợ, sợ loạn thế phiền, làm quan gặp hại, chi bằng yên thân, bên trái là đàn bên phải là sách, thành người trông vườn).