QUYỂN VII: NGHIỆT BẾ TRUYỆN

(Duy kẻ Bế nghiệt, thì rất đáng ghét, dâm tà đố kỵ, phụ nghĩa bỏ tiết, chỉ làm điều sai, cuối cùng chịu họa)

HẠ KIỆT MUỘI HỈ

Muội Hỉ là Phi tử của Hạ Kiệt, dung mạo vô cùng xinh đẹp, nhưng thiếu đức hạnh dâm loạn tà ác mà vô đạo. Tuy là phụ nữ nhưng hành vi tính tình như con trai, bên mình thường đeo bảo kiếm, đầu đội mũ. Hạ Kiệt vứt bỏ lễ nghĩa, thích dâm loạn với phụ nữ, những mỹ nữ tìm được đều cho vào hậu cung, chiêu nạp người diễn kịch, người lùn bé và người thích diễn kịch cợt nhả, và thu thập những người có bản lĩnh kỳ dị về phương diện diễn xuất về bên cạnh mình, chế ra âm nhạc động loạn, ngày đêm cùng Muội Hỉ với các mỹ nữ ở hậu cung uống rượu vui chơi không ngừng nghỉ. Hạ Kiệt thường để Muội Hỉ ngồi trên đùi của mình, nghe theo lời nàng thủ thỉ bên tai, hỗn loạn vô đạo, làm những việc kiêu xa buông thả, xây dựng tửu trì rộng đến mức có thể đi thuyền ra ngắm cảnh. Trên đài cao đặt mấy chiếc trống lệnh. Hạ Kiệt xuống lệnh, tiếng trống vang trời, 3000 người theo tiếng trống lệnh, nhoài người ra, chổng mông lên trời, thò cổ chúc đầu xuống tửu trì uống rượu như kiểu trâu uống nước, thường có dây thừng buộc ở cổ của họ để họ uống rượu ở tửu trì, cho nên thường xuyên có người uống say rượu mà rơi xuống chết đuối, Muội Hỉ lấy đó làm vui.

Đại thần Long Phùng can gián rằng: “Vua vô đạo nhất định sẽ bị diệt vong!”. Vua Kiệt nói: “Mặt trời có thể diệt vong sao! Mặt trời bị diệt vong thì Trẫm mới bị diệt vong!”. Vua Kiệt không nghe theo lời can gián, cho rằng đây là nói lời xằng bậy mê hoặc quần chúng nên đã giết Long Phùng. Vua lại xây Quỳnh thất và Dao đài, cao ngất trời, hao phí rất nhiều tài nguyên vật lực mà không thỏa mãn, và gọi Thành Thang đến và nhốt ở Hạ Đài, sau lại thả Thành Thang ra. Chư hầu đại loạn và Thành Thang nhận thiên mệnh mà thảo phạt Hạ Kiệt. Ở trận chiến Minh Điều, quân đội của Hạ Kiệt không có ai đến ứng chiến, thế là Thành Thang lưu đày Hạ Kiệt và Muội Hỉ. Hạ Kiệt và Muội Hỉ ngồi chung một thuyền trôi dạt ra biển lớn, cuối cùng chết ở Nam Sào.

Kinh Thi có câu: “Ý quyết triết phụ, vi kiêu vi xi” (Đàn bà trí diễm kiều đầy đủ, chỉ là loài vọ cú mà thôi) là nói điều này.

Có thơ rằng: Muội Hỉ phối Kiệt duy loạn kiêu dương, Kiệt ký vô đạo, hựu trọng kỳ hoang, gian quỹ thị dụng, bất tuất pháp thường, Hạ hậu chi quốc, toại phản vi Thương.

(Tạm dịch: Muội Hỉ lấy Kiệt, kiêu xa làm loạn. Hạ Kiệt vô đạo, lại hay hoang dâm, một mực gian tà, không giữ phép tắc. Nước Kiệt sau này trở thành nhà Thương).

ÂN TRỤ ĐÁT KỶ

Đát Kỷ là Phi tử của Trụ Vương, được Trụ Vương sủng ái. Trụ Vương thân thể cao lớn, sức lực hơn người, có thể tay không vật nhau với mãnh thú. Trụ Vương vô cùng thông minh nhưng dùng sự thông minh để ngăn cản những lời can gián, rất có tài ăn nói nhưng dùng để che giấu lỗi lầm, cho rằng bản thân có bản lĩnh nên thường xuyên khoe khoang với quần thần, không ngừng dùng lời nói để nâng cao danh tiếng của mình, cho rằng người trong thiên hạ đều ở dưới mình, thích uống rượu làm vui, thường không rời xa Đát Kỷ, chỉ cần Đát Kỷ khen ngợi là liền coi trọng, chỉ cần Đát Kỷ chán ghét là sẽ trừng phạt. Trụ Vương cho chế ra những loại âm nhạc dâm đãng, thích điệu múa thô tục, âm thanh ma mị, thu gom châu báu vào hậu cung, chiêu nạp những kẻ gian thần a dua và các mỹ nữ để thỏa mãn dục vọng của mình, các vò rượu xếp thành núi, đổ rượu vào đầy hồ gọi là tửu trì, đem treo thịt thành rừng. Trụ Vương để cho nam nữ trần truồng ở trong cung đuổi bắt nhau, cả đêm uống rượu làm vui, Đát Kỷ rất thích việc này.

Nhân dân đều vô cùng oán hận, chư hầu không ngừng có người làm phản. Vì thế, Trụ Vương đặt ra hình phạt “bào lạc”, bôi mỡ trên cột đồng rồi nung nóng để cho người phạm tội trèo lên, mỗi lần Đát Kỷ thấy vậy đều cười lớn. Tỷ Can can gián rằng: “Không học tập theo điển lễ của Tiên vương mà nghe theo lời của người đàn bà, không lâu sẽ gặp đại họa”. Trụ Vương nghe xong rất giận dữ, cho rằng là lời nói xằng bậy. Đát Kỷ nói: “Thiếp nghe nói trái tim của Thánh nhân có bảy ngăn”, thế là Trụ Vương hạ lệnh moi tim của Tỷ Can để xem. Trụ Vương bắt giam Vũ Vương, sau Vũ Vương chốn thoát rồi nhận thiên mệnh dấy binh thảo phạt Trụ Vương. Trong trận đại chiến Mục Dã, quân đội của Trụ Vương trở giáo chống lại Trụ Vương. Trụ Vương vội lên Lộc Đài, mặc trang phục có đính đá quý rồi tự sát. Vũ Vương bố cáo với thiên hạ chỉ ý thảo phạt Ân Trụ, chặt đầu của Đát Kỷ treo trên ngọn cờ trắng nhỏ để tỏ ý rằng nguyên nhân Trụ Vương bị diệt vong là do người đàn bà này.

Trong sách Thượng Thư có nói: “Tẫn kê vô thần tân kê chi thần, duy gia chi sách” (Gà mái không gáy sớm. Gà mái mà gáy sớm thì vận nhà sẽ suy).

Kinh Thi có câu: “Quân tử tín đạo, loạn thị dụng bạo, phỉ kỳ chỉ cung, duy vương chi cùng” (Vua tin theo đứa tiểu nhân thì biến loạn càng hung bạo. Chúng chẳng làm tròn chức vụ của chúng mà chúng chỉ gây tai hại cho Vua) là chỉ điều này.

Có thơ rằng: Đát Kỷ phối Trụ, hoặc loạn thị tu, Trụ ký vô đạo hựu trọng tương mậu, chỉ tiếu bào chích, gián sĩ khô tù, toại bại Mục Dã, phản Thương vi Chu.

(Tạm dịch: Đát Kỷ lấy Trụ Vương chỉ là mê hoặc. Trụ Vương vô đạo, càng ngày càn quấy, vui cười bào lạc, moi tim trung thần, bại ở Mục Dã, nhà Thương thành nhà Chu).

CHU U BAO TỰ

 

Bao Tự là con gái của một người tiểu tì, là Vương Hậu của Chu U Vương. Thời Hạ Hậu thị (nhà Hạ) suy vi, có hai con rồng thần vào sân đình của Vua tự xưng là Vua nước Bao. Triều đình bèn tế lễ, rồng thần nhả lại dãi và được lưu vào hộp gỗ. Từ đời nhà Hạ qua đời nhà Thương không ai dám mở hộp dãi rồng. Đến thời Chu Lệ Vương mở hộp ra xem, nước dãi biến thành con thằn lằn đen chạy vào hậu cung, làm một cung nữ mới 12 tuổi mang thai. Sau 38 năm, người cung nữ đó sinh ra một bé gái đẹp như thiên thần, sợ là vật tai dị nên vứt đứa trẻ xuống sông Thanh Thủy.

Thời Chu Tuyên Vương có câu đồng dao: “Gỗ dâu làm cung, gỗ cơ làm bao, bao đựng tên sẽ diệt nhà Chu”. Một đôi vợ chồng không biết có lệnh cấm bán gỗ dâu và gỗ cơ, mang ra chợ bán liền bị triều đình truy bắt. Họ chạy trốn giữa đường thì gặp đứa trẻ bị thả trôi sông, bèn ôm mang theo đến Bao quốc. Khi người nước Bao có tội, bèn lấy một cô gái dâng hiến cho Chu U Vương chuộc tội. Cô bé lớn lên chính là Bao Tự. Sau này Bao Tự sinh được một người con trai tên là Bá Phục. Chu U Vương bèn phế bỏ Vương Hậu Thân Khương mà lập Bao Tự thành Vương Hậu, lại phế Thái Tử Nghi Cữu để lập Bá Phục làm Thái Tử.

Chu U Vương bị Bao Tự mê hoặc, không màng đến chuyện chính sự quốc gia, thường xuyên tùy ý ra ngoài săn bắn để làm thỏa mãn Bao Tự, để Bao Tự được vui. Chu U Vương đam mê trong thú vui uống rượu, để cho cung nữ múa hát vui chơi, ngày cũng như đêm. Bao Tự rất ít khi cười, Chu U Vương tìm mọi cách để làm Bao Tự cười nhưng đều không thành. Quanh đất nhà Chu cai trị vốn xây nhiều tháp dầu để khi có giặc kéo đến thì đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Chu U vương sai đốt lửa cho chư hầu mang quân đến để cho Bao Tự cười. Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc bèn hớt hải mang quân đến cứu. Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc giã gì cả. Các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự ở trên đài trông thấy bật tiếng cười lớn. U Vương vô cùng hoan hỉ vì làm được cho Bao Tự cười. Xong U Vương lệnh cho các chư hầu rút quân về vì không có giặc. Từ lần Bao Tự cười, U Vương rất mừng, lại sai đốt lửa phong đài lần nữa và các chư hầu lại bị lừa. Từ đó các chư hầu mất lòng tin vào Thiên tử nhà Chu.

Sau này do các chư hầu không tin nữa nên khi nhìn thấy đốt lửa ở phong đài thì cũng không đến nữa. Có người trung thần can gián không được làm như vậy thì bị giết chết. Chu U Vương chỉ nghe theo lời của Bao Tự. Triều đình trên dưới lừa dối nhau, lòng dân ly tán. Thân hầu cha liên hợp với nước Tằng, Tây Di, Khuyển Nhung cùng công đánh Chu U Vương. Chu U Vương vội cho đốt lửa phong đài để hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu đã từng bị lừa nên tưởng Vua đùa, không mang quân tới nữa. Thế rồi Chu U Vương bị giết ở núi Ly Sơn, Bao Tự bị bắt đi, tài sản nhà Chu đều bị lấy hết. Chư hầu theo ý nguyện của Thân hầu, lập con trưởng của Chu U Vương là Cơ Nghi Cữu lên ngôi, tức là Chu Bình Vương. Từ đó về sau trên thực tế nhà Chu không khác gì một nước chư hầu.

Kinh Thi có câu: “Hách hách tông Chu, Bao Tự diệt chi” (Kinh đô nhà Chu thì rạng rỡ, vì nàng Bao Tự điêu tàn) là chỉ điều này.

Có thơ rằng: Bao thần long biến, thực sinh Bao Tự, hưng phối U Vương, phế Hậu, Thái Tử, cử phong trí binh, tiếu khấu bất chí, Thân hầu phạt Chu, quả diệt kỳ tự.

(Tạm dịch: Thần linh nước Bao hóa rồng, thực tế sinh nàng Bao Tự. Bao Tự lấy Chu U Vương, U Vương phế Hoàng Hậu và Thái Tử, đốt lửa phong đài hiệu triệu chư hầu, Bao Tự cười lớn vì không có giặc đến. Thân hầu thảo phạt nhà Chu, quả nhiên giết chết U Vương).

VỆ TUYÊN CÔNG KHƯƠNG

 

Tuyên Khương là con gái của Tề hầu, là phu nhân của Vệ Tuyên Công. Lúc đầu, phu nhân Di Khương của Tuyên Công sinh Cấp Tử, được lập làm Thái Tử. Sau Tuyên Công lại lấy Tuyên Khương ở nước Tề sinh được Thọ và Sóc. Sau khi Di Khương chết, Tuyên Khương muốn lập con trai của mình là Thọ nên cùng với Thọ và em trai là Sóc lập mưu để hại Cấp Tử. Vệ Tuyên Công sai Cấp Tử đi sứ nước Tề, Tuyên Khương ngầm sai kẻ cướp đón đường giết Cấp Tử. Tuyên Khương nói với người được sai đi rằng: “Phát hiện người đi xe bốn ngựa kéo và trên xe cắm cờ tin trắng thì nhất định phải giết chết”. Thọ biết được việc này thì đã báo cho Cấp Tử biết và bảo: “Thái Tử phải tránh đi”. Cấp Tử nói: “Không được như vậy! Vứt bỏ mệnh lệnh của cha sao có thể được coi là con!”. Thọ đoán là Cấp Tử nhất định sẽ đi nên đã chuốc rượu cho Cấp Tử say, rồi cắm cờ lên xe của mình đi trước cho kẻ cướp giết để chết thay cho Cấp Tử.

Cấp Tử tỉnh không thấy cờ tin nên vội vàng đuổi theo, nhưng Thọ đã bị giết chết. Cấp Tử vô cùng đau khổ, bèn nói với kẻ cướp rằng: “Người các ngươi muốn giết thực ra là ta, người này có tội gì. Muốn giết thì hãy giết ta”. Kẻ cướp lại giết Cấp Tử. Thọ và Cấp Tử đều bị giết chết. Sóc được lập làm Thái Tử. Sau khi Tuyên Công qua đời, Sóc lên nối ngôi, tức là Vệ Huệ Công, nhưng cuối cùng không có người nối dõi, nước Vệ bị loạn lạc những năm đời, mãi đến đời Vệ Đái Công mới được yên ổn.

Kinh Thi có câu: “Nãi như chi nhân, đức âm vô lương” (Sao lại có người như này, lời thì đẹp đẽ mà không hiền lành) là nói điều này.

Có thơ rằng: Vệ chi Tuyên Khương, mưu nguy Thái Tử, dục lập tử Thọ, âm thiết lực sĩ, Thọ nãi câu tử, Vệ quả nguy đãi, ngũ thế bất ninh, loạn do Khương khởi.

(Tạm dịch: Tuyên Khương nước Vệ mưu hại Thái Tử, muốn lập con mình là Thọ, ngầm sai kẻ cướp. Thọ cũng bị giết, nước Vệ nguy khốn, năm đời không yên, loạn do Tuyên Khương).

LỖ HOÀN VĂN KHƯƠNG

Văn Khương là con gái của Tề hầu, là phu nhân của Lỗ Hoàn Công. Lỗ Hoàn Công cùng vợ sang thăm nước Tề, dù có lời can ngăn nhưng ông không nghe theo. Phu nhân Văn Khương trước khi lấy ông đã thông dâm với Tề Tương Công, dù hai người là anh em ruột. Hai Vua gặp nhau ở đất Lạc. Tề Tương Công gặp lại em gái, hai người lại lén tư thông. Lỗ Hoàn Công biết chuyện rất giận, trách mắng Văn Khương và nói rằng Thế Tử Đồng không phải con mình mà là con Vua Tề.

Văn Khương nói lại với Tề Tương Công. Vua Tề xấu hổ, tính chuyện giết Lỗ Hoàn Công, bèn mời ông đến dự tiệc, chuốc cho ông uống say. Sau đó Tương Công sai lực sĩ Bành Sinh đưa Lỗ Hoàn Công ra xe và dặn giết Hoàn Công. Bành Sinh bế ông lên xe, nhân đó bóp gãy xương sườn giết chết ông.

Khi xe Lỗ Hoàn Công về đến nước, mọi người thấy Vua Lỗ đã chết. Người nước Lỗ rất tức giận trước tội ác của Tương Công, nên trách nước Tề. Tề Tương Công bèn quy tội cho Bành Sinh, ra lệnh giết Bành Sinh để xin lỗi nước Lỗ.

Kinh Thi có câu: Loạn phỉ giáng tự thiên, sinh tự phụ nhân (Loạn lạc không phải tự trời gieo xuống, loạn lạc sinh ra từ người đàn bà) là chỉ điều này.

Có thơ rằng: Văn Khương dâm loạn, phối Lỗ Hoàn Công, dữ câu quy Tề, Tề Tương dâm thông, tỷ quyết Bành Sinh, thôi can lạp hung, duy nữ vi loạn, tuất thành họa hung.

(Tạm dịch: Văn Khương dâm loạn, lấy Lỗ Hoàn Công, cùng chồng về Tề. Tề Tương thông dâm, sai phái Bành Sinh, bóp gãy xương sườn, phụ nữ làm loạn, sau thành tai họa).

LỖ TRANG AI KHƯƠNG

 

Ai Khương là con gái của Tề hầu, là phu nhân của Lỗ Trang Công. Khi Ai Khương chưa được gả sang nước Lỗ, Lỗ Trang Công nhiều lần sang nước Tề nên đã tư thông với Ai Khương. Sau khi được gả sang nước Lỗ, Ai Khương và em gái là Thúc Khương đều được gả cho Lỗ Trang Công. Lỗ Trang Công sai phu nhân đại phu cùng họ dùng ngọc và tơ lụa để làm lễ ra mắt Ai Khương, đại phu Hạ Phủ không ngại nói: “Quà cho phụ nữ chẳng qua là đồ ăn dùng để bày tỏ thành ý. Quà cho đàn ông chẳng qua là ngọc ngà, tơ lụa, muông thú dùng để bày tỏ đẳng cấp sang hèn. Nay quà cho phụ nữ lại dùng ngọc và tơ lụa, đây là nam nữ không có sự phân biệt. Nam nữ hữu biệt là đại cương của đất nước. Làm như vậy e là không được.”. Lỗ Trang Công không nghe, lại sai người dùng sơn đỏ sơn lên trụ cột trong cung miếu thờ cha của mình là Lỗ Hoàn Công, chạm trổ xà nhà khoe khoang với Ai Khương. Ai Khương là người kiêu xa, thích dâm loạn. Ai Khương thông dâm với hai người em của Lỗ Trang Công là Công tử Khánh Phụ và Công tử Nha.

Ai Khương muốn lập Khánh Phụ làm Vua. Sau khi Lỗ Trang Công qua đời, Tử Ban được kế vị. Khánh Phụ và Ai Khương hợp mưu giết Tử Ban tại nhà mẹ đẻ là Đảng Thị, lập con trai của em gái Thúc Khương làm Vua, tức là Lỗ Mẫn Công. Sau khi Mẫn Công lên làm Vua, Khánh Phụ và Ai Khương dâm loạn càng phóng túng, lại cùng Khánh Phụ lập mưu giết chết Mẫn Công để lập Khánh Phụ làm Vua nên sai Bốc Kỳ mang quân tập kích giết chết Mẫn Công tại cửa cung rồi tự mình lên làm Vua. Người nước Lỗ bàn cách đối phó, Khánh Phụ sợ hãi nên bỏ chạy sang nước Cử, Ai Khương bỏ chạy sang nước Chu. Tề Hoàn Công ủng hộ lập Hi Công lên làm Vua, nghe tin Ai Khương đồng mưu với Khánh Phụ làm loạn nước Lỗ bèn gọi Ai Khương về nước Tề và dùng rượu độc giết chết. Người nước Lỗ cũng giết chết Khánh Phụ.

Kinh Thi có câu: “Truyền kỳ khấp hĩ. Hà ta cập hĩ?” (Rưng rưng giọt lệ ướt đầm. Ôi thôi há biết sẽ làm ra sao?) là nói điều này.

Có thơ rằng: Ai Khương háo tà, dâm ư Lỗ Trang, diên cập nhị thúc, kiêu đố tung hoành, Khánh Phụ thị y, quốc thích dĩ vong, Tề Hoàn chinh phạt, chậm sát Ai Khương.

(Tạm dịch: Ai Khương gian tà, dâm loạn với Lỗ Trang Công, lại liên quan đến hai người em của Lỗ Trang Công, kiêu xa ngang bướng, một lòng ỷ vào Khánh Phụ, nước Lỗ sắp bị diệt vong, Tề Hoàn Công chinh phạt, dùng rượu độc giết Ai Khương).

TẤN HIẾN LY CƠ

 

Ly Cơ là con gái của bộ tộc Ly Nhung, là phu nhân của Tấn Hiến Công. Ban đầu Hiến Công lấy người con gái nước Tề, sinh được phu nhân của Tần Mục Công và Thái Tử Thân Sinh, lại lấy hai người con gái đất Nhung, sinh được Công tử Trùng Nhĩ và Di Ngô. Khi Hiến Công thảo phạt Ly Nhung giành được thắng lợi và được nàng Ly Cơ. Sau khi mang về nước, Ly Cơ sinh được Hề Tề và Trác Tử. Ly Cơ được Hiến Công sủng ái. Tề Khương lại mất sớm, Hiến Công bèn lập Ly Cơ làm phu nhân. Ly Cơ muốn lập con của mình là Hề Tề làm Thái Tử bèn bàn bạc với em gái của mình rằng: “Ngày đó không thượng triều, có thể nhân cơ hội động thủ, trục xuất Thái Tử và hai vị Công Tử thì sẽ có nhiều cơ hội”. Ly Cơ nói với Hiến Công rằng: “Khúc Ốc là đất Tổ tiên của Đại Vương, đất Bồ và Nhị Khuất là biên cương của Đại Vương, nhưng nơi này đều không thể không có chủ nhân. Đất của Tổ tiên không có chủ nhân thì nhân dân không có lòng kính nể. Biên cương không có chủ nhân thì giặc bên ngoài sẽ có lòng muốn xâm chiếm. Nếu như giặc bên ngoài sinh lòng muốn xâm chiếm, nhân dân lại coi thường pháp luật của đất nước, đây là tai họa của đất nước. Nếu như Thái Tử đến cai quản Khúc Ốc, hai vị Công Tử đi cai quản đất Bồ và Nhị Khuất thì có thể làm cho nhân dân sinh lòng kính nể, giặc bên ngoài cũng không dám đến xâm chiếm”. Thế là Hiến Công sai Thái Tử đến ở Khúc Ốc, Trùng Nhĩ ở đất Bồ, Di Ngô ở đất Nhị Khuất.

Ly Cơ để cho Thái Tử rời xa kinh đô, thế rồi vào một đêm ngồi khóc lóc, Hiến Công hỏi tại sao lại khóc, Ly Cơ đáp: “Thiếp nghe nói Thân Sinh là người vô cùng thích nhân nghĩa mà thế lực rất lớn mạnh, vô cùng khoan dung ân huệ, đối với nhân dân vô cùng nhân từ. Nay có người nói Đại Vương bị thiếp mê hoặc, như vậy đất nước nhất định sẽ đại loạn. Vì lợi ích của đất nước và nhân dân, e là Thái Tử sẽ làm phản, Đại Vương không đáng chết lại phải chết. Đại Vương phải làm sao đây? Tại sao không giết chết thiếp, đừng vì một người tiểu thiếp như thiếp mà để nhân dân gặp họa”. Hiến Công nói: “Thái Tử nhân từ đối với nhân dân, chẳng nhẽ lại không nhân từ với người làm cha như Quả Nhân hay sao?”. Ly Cơ nói: “Đối với nhân dân và đối với cha thì khác nhau, nếu như giết Đại Vương mà có lợi cho nhân dân thì nhân dân ai mà không yêu mến! Nếu như giết cha mà được lợi, loại bỏ tai họa mà có thể để mọi người vui sướng, ai mà không muốn làm như vậy? Cho dù yêu mến Đại Vương, nhưng cũng khó chiến thắng được dục vọng. Nếu như Trụ có được người con trai giỏi giang thì đã giết chết Vua Trụ trước, không để Vua Trụ làm những chuyện ác thì Vua Trụ cũng sẽ chết, không cần phải đợi lực lượng của Vũ Vương đến thảo phạt để nhà Ân Thương phải tuyệt hậu. Từ việc Tổ tiên của chúng ta là Tấn Vũ Công sát nhập đất Dực đến việc Sở Mậu Vương giết chết Thành Vương. Đây đều là vì nhân dân mà không quan tâm đến tình thân, nếu Đại Vương không chuẩn bị sớm thì tai họa sẽ xảy đến”. Hiến Công cảm thấy sợ hãi mà nói: “Làm thế nào mới ngăn được việc này xảy ra?”. Ly Cơ nói: “Sao Đại Vương không thoái vị, đem ngai vàng giao lại cho Thái Tử. Thái Tử nhận được quyền lực mà đích thân cai trị đất nước thì ắt sẽ tha cho Đại Vương!”. Hiến Công nói: “Không thể như vậy! Quả Nhân phải tìm kế để giải quyết việc này”.

Từ đó Hiến Công nghi ngờ Thái Tử. Ly Cơ sai người nói với Thân Sinh rằng Hiến Công mộng thấy mẹ Thân Sinh là Tề Khương và giục Thân Sinh cúng lễ cho mẹ. Thân Sinh bèn ở Khúc Ốc làm lễ cúng mẹ mình rồi dâng thịt cúng cho Hiến Công. Lúc thịt dâng đến, Hiến Công đang đi săn, Ly Cơ bèn bỏ thuốc độc vào. Khi Hiến Công trở về định ăn thì Ly Cơ khuyên rằng: “Đồ ăn từ bên ngoài tới, không thể không thử trước”. Ly Cơ đem rượu đổ trên mặt đất thì mặt đất sủi bọt, Ly Cơ đem thịt cho chó ăn thì chó chết, lại cho một viên quan lại uống rượu thì cũng chết. Ly Cơ ngẩng đầu lên trời, tay đấm ngực khóc lóc, nhìn Thân Sinh mà than rằng: “Đất nước sắp là đất nước của Thái Tử, sớm muộn Thái Tử cũng sẽ làm Vua. Ân tình của Vua cha như thế sao Thái Tử lại nhẫn tâm! Như vậy sao có thể đối đãi với người trong nước, giết cha để cầu được lợi, ai có thể cùng chung lợi ích với Thái Tử đây?”. Hiến Công sai người nói với Thái Tử rằng: “Tự mình xét lại bản thân”. Thái phó Lý Khắc nói: “Thái Tử hãy đích thân đi nói rõ việc này thì có thể sẽ không chết, nếu như không đích thân đi nói rõ thì không thể sống nổi”. Thái Tử nói: “Vua cha tuổi đã cao. Nếu như ta đích thân đi nói rõ thì Ly Cơ nhất định sẽ chết. Vua của chúng ta sẽ do đó mà bất an”, thế rồi tự sát ở miếu Tân Thành.

Tấn Hiến Công giết chết thiếu phó Đỗ Nguyên Khoản, sai Yêm Sở giết Trùng Nhĩ, Trùng Nhĩ chạy trốn sang nước Địch, sai Giả Hoa giết Di Ngô, Di Ngô chạy trốn sang nước Lương, lại đuổi hết các công tử ra khỏi nước rồi lập Hề Tề làm Thái Tử. Sau khi Hiến Công qua đời, Hề Tề lên ngôi làm Vua. Lý Khắc giết chết Hề Tề rồi lập Trác Tử làm Vua, rồi lại giết chết Trác Tử, thế rồi xỉ nhục Ly Cơ, dùng roi đánh chết Ly Cơ. Sau này dưới sự ủng hộ của nước Tần, Di Ngô được lên ngôi Vua, tức là Tấn Huệ Công. Sau khi Huệ Công qua đời đã lập con trai là Thái Tử Ngữ lên làm Vua, tức là Tấn Hoài Công. Người nước Tấn giết Hoài Công ở đất Cao Lương, lập Trùng Nhĩ làm vua, tức là Tấn Văn Công danh tiếng lẫy lừng. Họa hoạn của nước Tấn liên tiếp năm đời mới được yên ổn trở lại.

Kinh Thi có câu: “Phụ hữu trường thiệt, Duy lệ chi giai” (Đàn bà bàn nói lắm lời, Tạo nên thang nấc đến nơi ly loàn). Lại nói: “Triết phụ khuynh thành” (Đàn bà có trí thì nghiêng thành đổ nước) là nói điều này.

Có thơ rằng: Ly Cơ kế mẫu, hoặc loạn Tấn Hiến, mưu tiếm Thái Tử, độc tửu vi quyền, quả thí Thân Sinh, Công Tử xuất bôn, thân hựu phục cô, ngũ thế loạn hôn.

(Tạm dịch: Kế mẫu Ly Cơ mê hoặc Hiến Công, mưu hại Thái Tử, quyền biến dùng rượu độc, quả nhiên giết được Thân Sinh. Các Công Tử phải chạy trốn, cuối cùng Ly Cơ cũng bị giết, nhưng nước Tấn loạn lạc năm đời).

LỖ TUYÊN MỤC KHƯƠNG

 

Mục Khương là con gái của Tề hầu, là phu nhân của Lỗ Tuyên Công, là mẹ của Lỗ Thành Công. Mục Khương thông minh nhưng có hành vi dâm loạn, cho nên tên thụy mới đặt là Mục. Lúc đầu, khi Thành Công còn nhỏ tuổi, Mục Khương tư thông với Thúc Tôn Tuyên Bá. Thúc Tôn Tuyên Bá tên là Kiều Như. Kiều Như cùng với Mục Khương âm mưu loại bỏ họ Quý Tôn, họ Mạnh Tôn mà chuyên quyền nước Lỗ. Khi nước Tấn và nước Sở đánh nhau ở Yên Lăng, Lỗ Tuyên Công xuất binh giúp nước Tấn. Lúc lên đường, Mục Khương dặn dò Lỗ Tuyên Công nhất định phải trục xuất họ Quý Tôn và họ Mạnh Tôn, bởi vì họ phản bội nhà Vua. Lỗ Tuyên Công lấy cớ là nước Tấn có nạn để từ chối, nói sau khi trở về sẽ bàn tiếp chuyện này. Mục Khương lại hối lộ các quan đại phu nước Tấn, để họ giữ Quý Tôn Hàng Phủ không cho trở về, hứa là giết chết Trọng Tôn Miệt thì sẽ đồng ý cho nước Lỗ thần phục nước Tấn. Nhưng người nước Lỗ không thuận theo Kiều Như nên liên kết lại để trục xuất Kiều Như. Kiều như trốn chạy sang nước Tề. Người nước Lỗ bắt giam Mục Khương ở Đông cung.

Trước khi bị giam ở Đông cung, Mục Khương có cho bói một quẻ thì bói được quẻ “Tùy”, quan Bốc sử nói: “Đây là quẻ Tùy, ý của quẻ Tùy là ra ngoài, phu nhân sẽ nhanh chóng được ra khỏi nơi đó”. Mục Khương nói: “Không phải như vậy! Đây là Tượng quẻ. Chu dịch nói: Tùy: nguyên, hanh, lợi, trinh, vô cữu. “Nguyên” là cảnh giới tối cao của điều thiện. “Hanh” là chủ khách gặp nhau trong lễ cưới. “Lợi” là tổng số của nhân nghĩa. “Trinh” là bản thể của sự vật. Nói tóm lại là làm việc gì cũng không được lừa dối thì gặp được quẻ “Tùy” mới không có hoạn nạn. Nay ta là phụ nữ mà lại tham dự vào việc phản loạn, vốn địa vị thấp mà lại không nhân đức, không thể nói là “Nguyên”. Làm cho đất nước không yên ổn, không thể nói là “Hanh”. Làm việc không ổn thỏa mà hại chính mình, không thể nói là “Lợi”. Không chú ý đến địa vị của mình mà cố hết sức chải chuốt đánh bóng, không thể nói là “Trinh”. Có bốn đức hạnh thì gặp quẻ “Tùy” mới không gặp tai họa, nhưng ta đều không có, cho dù được quẻ “Tùy” thì cũng làm gì! Tự bản thân ta đi vào con đường tà ác, có thể không gặp tai họa sao! Ta nhất định sẽ phải chết ở đây, không thể ra ngoài được nữa”. Cuối cùng Mục Khương qua đời ở Đông Cung.

Bậc quân tử nói: “Đáng tiếc cho Mục Khương, tuy có tư chất vô cùng thông minh nhưng không thể che giấu được tội dâm loạn của mình”.

Kinh Thi có câu: “Sĩ chi đam hề! Do khả thuế dã. Nữ chi đam hề! Bất khả thuế dã” (Trai mà quá đáng cũng còn giải thoát được. Gái mà quá đáng thì không còn lối thoát) là nói điều này.

Có thơ rằng: Mục Khương dâm dật, Tuyên Bá thị trở, mưu trục Quý Mạnh, dục sứ chuyên Lỗ, ký phế kiến thấn, tâm ý thôi hạ, hậu tuy thiện ngôn, chung bất năng bổ.

(Tạm dịch: Mục Khương dâm đãng, Tuyên Bá ngang ngược, mưu đuổi họ Quý Tôn, Mạnh Tôn, muốn chuyên quyền nước Lỗ, sau bị giam giữ, trong lòng bi thương, tuy sau có lời thiện, nhưng cuối cùng không bổ cứu được).

 

TRẦN NỮ HẠ CƠ

 

Trần nữ Hạ Cơ là mẹ của đại phu nước Trần, tên Hạ Trưng Thư, là vợ của Hạ Ngự Thúc. Dung mạo của Hạ Cơ vô cùng sinh đẹp, tài nghệ xuất chúng, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Hạ Cơ ba lần làm Vương Hậu, bẩy lần làm phu nhân. Các công hầu đều tranh nhau để giành được Hạ Cơ, không ai là không bị Hạ Cơ mê hoặc mà mất đi ý trí. Trưng Thư con trai của Hạ Cơ là đại phu. Khổng Ninh, Nghi Hàng Phủ và Trần Linh Công đều tư thông với Hạ Cơ, có lúc họ mặc quần áo của Hạ Cơ mà trêu đùa trong triều. Tiết Trị thấy vậy bèn nói: “Vua có hành vi bất thiện thì hai vị phải che giấu cho Vua. Nay hai vị dẫn dụ Vua làm việc như vậy, cũng không đợi đến khi trời tối hoặc lúc nhàn rỗi mà lại ngay trong triều đình, trêu đùa trước mặt mọi người. Đây rốt cuộc là muốn làm gì?”. Khổng Ninh và Hành Phủ đem việc này thuật lại với Trần Linh Công. Linh Công nói: “Mọi người biết Quả Nhân không tốt cũng không phương hại gì. Tiết Trị biết được thì ta cảm thấy bị xỉ nhục”, thế là sai người ám sát Tiết Trị.

Một lần Linh Công và Khổng Ninh, Nghi Hàng Phủ ở nhà Hạ thị cùng uống rượu rồi gọi Trưng Thư lại gần. Linh Công nói đùa với Khổng Ninh, Nghi Hàng Phủ rằng: “Trưng Thư giống khanh”. Khổng Ninh, Nghi Hàng Phủ nói: “Trưng Thư giống Đại Vương hơn”. Trưng Thư căm tức ba người nói như vậy. Linh Công uống rượu xong đi về, Trưng Thư thủ sẵn cung tên, nấp trong chuồng ngựa chờ Linh Công đi ra thì bắn chết Linh Công. Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ hoảng sợ bèn chạy trốn sang nước Sở. Thái Tử Ngọ con của Linh Công cũng chạy trốn sang nước Tấn.

Năm thứ hai, Sở Trang Vương đem binh thảo phạt và giết chết Trưng Thư, nước Trần được yên ổn trở lại, lập Thái Tử Ngọ là Vua nước Trần, tức là Trần Thành Công. Sở Trang Vương thấy Hạ Cơ vô cùng xinh đẹp, chuẩn bị thu nạp thì Thân Công Vu Thần can gián rằng: “Không được! Đại Vương đến thảo phạt người có tội, nếu như thu nạp Hạ Cơ là tham luyến sắc đẹp, tham luyến sắc đẹp là dâm loạn, mà dâm loạn thì sẽ bị phạt nặng, mong Đại Vương cân nhắc việc này”. Sở Trang Vương nghe theo lời can gián, nhưng sai người phá đổ bức tường phía sau để Hạ Cơ chạy trốn. Tướng quân Tử Phản thấy Hạ Cơ xinh đẹp nên muốn thu nạp thì Vu Thần can gián rằng: “Đây là người đem lại điều không may mắn, do Hạ Cơ mà Trưng Thư bị giết, Linh Công bị bắn chết, Hạ Nam bị chém chết. Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ phải bỏ trốn, nước Trần gần bị diệt vong. Mỹ nữ trong thiên hạ rất nhiều, sao lại phải lấy người phụ nữ này!”. Tử Phản e dè nên cũng đành thôi. Sở Trang Vương gả Hạ Cơ cho Liên Doãn Tương Lão. Tương Lão chết trận ở đất Bật, không tìm được thi thể. Con trai của Tương Lão lại tư thông với Hạ Cơ.

Vu Thần âm thầm gặp Hạ Cơ và nói với Hạ Cơ rằng: “Nàng hãy về nhà mẹ đẻ, ta sẽ mang sính lễ đến cưới nàng”. Đến khi Trần Cung Vương lên ngôi, Vu Thần ở nước Tề mang sính lễ cầu hôn Hạ Cơ, mang toàn bộ gia sản và gia thất đến nước Trịnh, sai người gọi Hạ Cơ đến và nói rằng: “Có thể tìm thấy thi thể của Tương Lão”. Hạ Cơ đi theo Vu Thần, Vu thần sai người đem lễ vật nước Tề tặng cho nước Sở, còn mình với Hạ Cơ chạy trốn sang nước Tấn. Tướng quân Tử Phản vô cùng oán hận việc này, thế là cùng với Tử Trọng tiêu diệt gia tộc của Vu Thần rồi chia nhau tài sản và gia thất của họ.

Kinh Thi có câu: “Nãi như chi nhân dã, hoài hôn nhân dã. Đại vô tín dã. Bất tri mệnh dã” (Lại như kẻ dâm bôn thế ấy, cứ nhớ mong ân ái dục tình, đã làm mất trọn đức tin, lẽ trời chính đáng nào rành hiểu đâu) là nói việc sủng ái nữ sắc dễ mất mạng.

Có thơ rằng: Hạ Cơ hảo mỹ, diệt quốc phá Trần, tẩu nhị đại phu, sát tử chi thân, đãi ngộ Sở Trang, bại loạn Vu Thần, Tử Phản hối cụ, Thân Công tộc phân.

(Tạm dịch: Hạ Cơ xinh đẹp, diệt vong nước Trần, làm hai quan đại phu phải chạy trốn, con cũng bị giết, suýt chút nữa hủy hoại Sở Trang Vương, Tử Phản hối hận và lo sợ, gia tộc của Vu Thần bị phân chia).

TỀ LINH THANH CƠ

 

Thanh Cơ là con gái của Lỗ hầu, là phu nhân của Tề Linh Công, là mẹ của Thái Tử Quang, hiệu là Mạnh Tử. Thanh Cơ tư thông dâm loạn với đại phu Khánh Khắc. Thanh Cơ để Khánh Khắc mặc trang phục của nữ giới che mặt rồi ngồi trên xe của mình. Khi đi vào cổng thành trong cung, Bào Khiêm nhìn thấy bèn đem việc này báo với Quốc Tá. Quốc Tá gọi Khánh Khắc đến muốn hỏi việc này. Khánh Khắc trốn trong nhà một thời gian dài, còn nói với Thanh Cơ rằng: “Quốc Tá trách mắng ta”. Thanh Cơ nghe xong vô cùng tức giận. Lúc đó Quốc Tá là Tể Tướng của Linh Công, ở Kha Lăng hội kiến với chư hầu. Cao tử, Bao tử trấn giữ cổng thành, đến khi Linh Công quay về, khi sắp về đến nơi thì họ đóng cổng thành để kiểm tra. Thanh Cơ mượn cớ nói rằng: “Cao tử, Bao tử không cho Vua vào thành, chuẩn bị lập Công Tử Giác làm Vua, Quốc Tá biết việc này”. Linh Công nổi cơn thịnh nộ, chặt đứt chân của Bào Khiêm, đuổi Cao tử và Quốc Tá.

Cao tử và Quốc Tá chạy trốn sang nước Cử. Linh Công cho Thôi Trữ làm đại phu, để Khánh Khắc phò tá Thôi Trữ rồi xuất quân vây đánh nước Cử, kết quả không giành được thắng lợi. Quốc Tá sai người giết chết Khánh Khắc. Linh Công cùng Quốc Tá thề nguyền, khôi phục lại chức vụ cho Quốc Tá. Thanh Cơ lại không ngừng gièm pha, cuối cùng Quốc Tá cũng bị giết hại. Sau khi Linh Công qua đời, Cao tử, Bao tử cũng đều được khôi phục lại chức cũ, rồi cùng nhau giết chết Thanh Cơ. Loạn của nước Tề lúc này mới được yên.

Kinh Thi có câu: “Phỉ giáo phỉ hối, thì duy phụ thị” (Lời đàn bà chẳng dạy ai, Đàn bà quan hoạn phải hay răn mình) là nói điều này.

Có thơ rằng: Tề Linh Thanh Cơ, quyết hạnh loạn thất, dâm ư Khánh Khắc, Bào Khiêm thị tật, tiếm sách Cao Bào, toại dĩ bôn vong, háo họa dụng vong, diệc dĩ sự tang.

(Tạm dịch: Tề Linh Thanh Cơ, hành vi bất chính, tư thông Khánh Khắc, liên lụy Bào Khiêm, hãm hại Cao, Bào phải trốn ra nước khác. Thanh Cơ thích hại người khác, cuối cùng vong mệnh).

TỀ ĐÔNG QUÁCH KHƯƠNG

 

Tề Đông Quách Khương là vợ của Đường Công, chị của người phu xe cho Tề Thôi Trữ là Đông Quách Yển. Đông Quách Khương xinh đẹp vô cùng. Sau khi Đường Công qua đời, Thôi Trữ đến phúng viếng thấy Đông Quách Khương xinh đẹp nên đã thương lượng với Đông Quách Yển để lấy Đông Quách Khương. Sau khi Đông Quách Khương đến nhà họ Thôi, nhà họ Thôi ở cạnh cung thất của Trang Công, Trang Công thấy Đông Quách Khương xinh đẹp nên thường lén lút đến tư thông. Thôi Trữ cũng biết việc này. Có một hôm, Trang Công đem mũ của Thôi Trữ thưởng cho thị vệ bên cạnh mình. Thôi Trữ vô cùng tức giận, cáo bệnh xin nghỉ, từ đó không ra khỏi nhà. Trang Công lên đài cao gần nhà của Thôi Trữ, từ trên đài cao tán tỉnh Đông Quách Khương. Trang Công xuống đài đến gặp Đông Quách Khương. Đông Quách Khương chạy vào nhà đóng cửa lại không cho Trang Công vào. Trang Công đẩy cửa nói: “Mở cửa, là ta”. Đông Quách Khương nói: “Chồng thiếp đang ở trong nhà, còn chưa chải đầu”. Trang Công nói: “Ta đến thăm bệnh của Thôi Trữ, còn không mở cửa?”. Thôi Trữ và Đông Quách Khương từ cửa phụ đi ra đóng cửa rồi tập hợp người nhà, khua chiêng gõ trống. Trang Công sợ hãi, ôm cây cột mà hát. Trang Công hướng về Thôi Trữ thỉnh tội rằng: “Ta biết tội rồi, xin hãy để cho ta sửa chữa, nếu không tin, ta có thể thề”. Thôi Trữ nói: “Ta không dám nghe theo lệnh của Ngài”, thế rồi tránh đi chỗ khác. Trang Công lại hướng về tôi tớ của Thôi Trữ thỉnh cầu rằng: “Xin hãy để cho ta chết ở trong miếu của Tổ tiên”. Tôi tớ của Thôi Trữ nói: “Tôi là tôi tớ của Thôi Trữ. Thôi Trữ đang bệnh không có mặt ở đây. Kẻ làm tôi tớ không dám nghe theo lệnh của Ngài”. Trang Công trèo tường muốn trốn ra ngoài, Thôi Trữ bắn tên trúng bắp chân của Trang Công, Trang Công rơi xuống, Thôi Trữ liền giết Trang Công.

Trước đây, Đông Quách Khương cùng với con trai của chồng trước là Đường Vô Cữu đến nhà họ Thôi. Thôi Trữ rất thích Đường Vô Cữu nên để cho quản lý việc nhà. Vợ trước của Thôi Trữ có hai người con trai, con lớn tên là Thôi Thành, con nhỏ tên là Thôi Cường. Sau khi Đông Quách Khương về nhà họ Thôi, lại sinh được hai người con trai là Thôi Minh và Thôi Thành. Thôi Thành bị bệnh, Thôi Trữ phế Thôi Thành, lập Thôi Minh làm người thừa kế. Thôi Thành nhờ người cầu xin với Thôi Trữ cho Thôi Thành thôn ấp của nhà họ Thôi để dưỡng lão. Thôi Trữ thương cảm nên đồng ý. Đường Vô Cữu và Đông Quách Yển ra sức tranh giành, không muốn đem thôn ấp của nhà họ Thôi cho Thôi Thành. Thôi Thành và Thôi Cường vô cùng tức giận, muốn giết Đường Vô Cữu bèn đem việc này nói với Khánh Phong. Khánh Phong là đại phu của nước Tề, đang âm thầm tranh giành quyền lực với Thôi Trữ, hai bên đều muốn tiêu diệt đối phương. Khánh Phong nói với hai người rằng: “Hãy giết hắn!”, thế là hai người sau khi quay về đã giết chết Đường Vô Cữu với Đông Quách Yển. Thôi Trữ vô cùng tức giận, nói với Khánh Phong rằng: “Ta bất tài, có con mà không dạy nổi, mới thành ra như này. Tôi đối với ông rất tốt. Người trong nước đều biết, mong ông có thể sai người đến giải quyết thì mới ngăn được bọn chúng”. Khánh Phong bèn sai Lư Bồ Miết dẫn đầu đám người đến đốt chuồng ngựa và kho của nhà họ Thôi, giết Thôi Thành và Đông Quách Khương. Vợ của Thôi Trữ nói: “Sống mà như thế này chi bằng chết cho xong”, thế là treo cổ tự vẫn. Thôi Trữ trở về thấy kho và chuồng ngựa bị thiêu hủy, vợ và con đều chết hết thì cũng treo cổ tự tử.

Người quân tử nói: “Đông Quách Khương giết một Vua, làm cho ba nhà bị diệt vong, lại làm hại bản thân, có thể nói là một người chẳng lành”.

Kinh Thi có câu: “Chi diệp vị hữu hại, Bổn thực tiên bạt” (Lá cành chưa tổn thương gì, Gốc đà bật trước, thân thì ngã sau) là nói điều này.

Có thơ rằng: Tề Đông Quách Khương, Thôi Trữ chi thê, hoặc loạn Trang Công, Vô Cữu thị y, họa cập Minh Thành, Tranh ấp tương sát, phụ mẫu vô liêu, Thôi thị toại diệt.

(Tạm dịch: Tề Đông Quách Khương, vợ của Thôi Trữ mê hoặc Trang Công, tin theo Vô Cữu, họa lây Thôi Minh, Thôi Thành, tranh chấp thôn ấp của họ Thôi mà tàn sát lẫn nhau, cha mẹ không làm gì được, nhà họ Thôi bị diệt vong).

VỆ NHỊ LOẠN NỮ

 

Vệ nhị loạn nữ là Nam Tử và Vệ Bá Cơ. Nam Tử là người con gái nước Tống, là phu nhân của Vệ Linh Công. Nam Tử tư thông với Tống Tử Triều. Thái Tử Khoái Hội biết được việc này nên vô cùng chán ghét. Nam Tử liền ở trước mặt Vệ Linh Công bôi nhọ Thái Tử rằng: “Thái Tử muốn giết thiếp”. Linh Công rất giận Khoái Hội, Khoái Hội chạy trốn sang nước Tống. Sau khi Linh Công mất, con của Khoái Hội là Cơ Triếp được lập làm Vua, tức là Vệ Xuất Công.

Vệ Bá Cơ là chị của Khoái Hội, là vợ của Khổng Văn Tử, mẹ của Khổng Khôi. Khổng Khôi là Tể tướng của Vệ Xuất Công. Sau khi Văn Tử mất, Bá Cơ tư thông dâm loạn với người hầu của nhà họ Khổng là Hồn Lương Phu. Bá Cơ cho Lương Phu đến gặp Khoái Hội. Khoái Hội nói: “Nếu có thể để ta về nước thì ta có thể để cho ngươi ngồi trên xe, lại còn miễn ba tội chết cho ngươi”, rồi cùng Lương Phu thề nguyền, đồng ý để Lương Phu và Bá Cơ trở thành vợ chồng. Lương Phu rất vui, nói cho Bá Cơ biết, Bá Cơ cũng vô cùng vui mừng. Lương Phu với Khoái Hội vào ở trong vườn nhà họ Khổng. Khi trời sắp tối hai người cải trang rồi đi xe ngựa đến nơi ở của Bá Cơ. Sau khi dùng xong cơm tối, Bá Cơ tay cầm vũ khí đi đằng trước, Thái Tử cùng năm người binh sĩ mặc áo giáp dồn Khổng Khôi vào góc tường, ép phải thề nguyền kết thành đồng minh. Xuất Công chạy trốn sang nước Lỗ, Tử Lộ cũng do đó mà chết. Khoái Hội lên làm Vua, tức là Vệ Trang Công. Thế rồi Vệ Trang Công giết chết phu nhân Nam Tử, lại giết chết Hồn Lương Phu. Sau đó, Trang Công vì loạn Nhung Châu mà phải chạy trốn, 4 năm sau Xuất Công quay về. Khi sắp quay về thì quan đại phu giết chết mẹ của Khổng Khôi rồi nghênh đón Xuất Công. Hai người phụ nữ này làm loạn suốt năm đời, mãi đến đời Vệ Điệu Công mới yên ổn.

Kinh Thi có câu: “Tướng thử hữu bì, nhân chi vô nghi? Nhân chi vô nghi, bất tử hà vi?” (Xem con chuột có da kia đó, thì người sao chẳng có lễ nghi? Người mà chẳng có lễ nghi, tại sao mà chẳng chết đi cho rồi?) là nói điều này.

Có thơ rằng: Nam Tử hoặc dâm, Tống triều thị thân, tiếm bỉ Khoái Hội, sứ chi xuất bôn, Khôi mẫu diệc bế, xuất nhập lưỡng quân, nhị loạn giao thố, hàm dĩ diệt thân.

(Tạm dịch: Nam Tử dâm đãng, tư thông Tống Triều, bôi nhọ Khoái Hội. Khoái Hội phải bỏ trốn. Mẹ của Khổng Khôi cũng có tư tình, tham gia vào việc lập phế của hai Vua. Hai người cùng tạo ra họa hoạn, cuối cùng đều bị giết).

TRIỆU LINH NGÔ NỮ

Triệu Linh Ngô nữ hiệu là Mạnh Dao, là con gái của Ngô Quảng, là Vương Hậu của Triệu Vũ Linh Vương. Lúc đầu, Triệu Vũ Linh Vương lấy con gái của Hàn Vương làm phu nhân, sinh được một người con trai tên là Chương, lập con gái của Hàn Vương làm Vương Hậu, Chương làm Thái Tử. Triệu Vũ Linh Vương nằm mơ thấy một người con gái rất xinh đẹp gảy đàn và hát rằng: “Người đẹp mặt mày rạng rỡ, dung nhan như hoa lăng tiêu. Số mệnh ơi số mệnh, lúc gặp thời mới sinh ra, hận là không ai biết tên của ta”. Một hôm, khi Triệu Vũ Linh Vương uống rượu đến lúc cao hứng thì nhiều lần kể lại việc mình nằm mơ, mong rằng mình có thể gặp được người trong mộng. Sau khi Ngô Quảng nghe xong liền dựa vào mối quan hệ với Vương Hậu để cho con gái của mình là Mạnh Dao vào cung. Mạnh Dao vô cùng xinh đẹp, Triệu Vũ Linh Vương rất thích và sủng ái Mạnh Dao, hầu như không dời Mạnh Dao nửa bước. Mấy năm sau Mạnh Dao sinh được một người con trai tên là Hà. Mạnh Dao nhiều lần nói bóng gió rằng Vương Hậu có hành vi dâm loạn, Thái Tử không có hành vi nhân từ, hiếu thảo. Triệu Vũ Linh Vương bèn phế Vương Hậu và Thái Tử, lập Mạnh Dao làm Huệ hậu, lập Hà làm Vương, tức là Huệ Văn Vương.

Vũ Linh Vương tự xưng là Chủ Phụ, phong cho Chương làm An Dương quân cai trị đất Đại. Bốn năm sau, Huệ Văn Vương triều kiến quần thần. An Dương quân cũng đến triều kiến, Chủ Phụ ở bên cạnh ngầm quan sát. Các quần thần thuộc dòng dõi Hoàng tộc thấy Chương buồn bã cúi đầu, phải làm lễ lạy phục trước người em thì có ý thương. Lúc này Huệ hậu mất đã lâu, ân tình cũng suy giảm, Triệu Vũ Linh Vương định chia nước Triệu thành hai và cho Chương xưng Vương ở đất Đại. Nhưng việc chưa quyết định thì Chủ Phụ đi chơi Sa Khâu Cung, Chương dẫn quân làm loạn, Lý Đoái điều động quân của bốn ấp đánh trả Chương, Chương chạy trốn đến chỗ của Chủ Phụ, Chủ Phụ cho đóng cửa thành, che giấu Chương. Do đó, Lý Đoài bao vây cung của Chủ Phụ rồi giết chết Chương, sau đó bàn với nhau rằng: “Do Chương mà bao vây cung của Chủ Phụ, cho dù bây giờ có hạ vũ khí thì chúng ta cũng bị diệt tộc”, thế là bao vây Chủ Phụ cung. Chủ Phụ không thể thoát ra ngoài, cũng không có thức ăn, đành bắt chim non để ăn, ba tháng sau thì Chủ Phụ chết đói ở Sa Khâu Cung.

Kinh Thi có câu: “Lưu ngôn dĩ đối, khấu nhương thức nội” (Dùng lời đồn ứng đối nhau, nên quân trộm cướp đầy trào hỡi ôi!) ý nói việc xấu thường phát sinh từ bên trong.

Có thơ rằng: Ngô nữ diêu nhan, thần ngụ Triệu Linh, ký kiến bế cận, hoặc tâm nãi sinh, phế hậu hưng nhung, Tử Hà thị thành, Chủ bế Sa Khâu, quốc dĩ loạn khuynh.

(Tạm dịch: Mạnh Dao xinh đẹp, thần kỳ để cho Triệu Vũ Linh Vương mơ thấy mình, rồi được gần gũi và sủng ái, sinh lòng mê hoặc, phế Vương Hậu gây ra nội chiến. Con trai Hà trở thành Triệu Vương, Chủ Phụ bị nhốt ở Sa Khâu Cung, đất nước do đó mà bất ổn).

SỞ KHẢO LÝ HẬU

Sở Khảo Lý hậu là em gái của Lý Viên người nước Triệu, là Vương Hậu của Sở Khảo Liệt Vương. Lúc đầu, Sở Khảo Liệt Vương không có con trai. Xuân Thân quân vì việc này mà lo âu. Lý Viên là môn khách của Xuân Thân quân. Lý Viên đem em gái của mình tặng cho Xuân Thân quân. Biết được mình đã mang thai, em gái của Lý Viên tìm cơ hội nói với Xuân Thân quân rằng: “Bởi vì được Sở Vương sủng ái nên Ngài mới vô cùng tôn quý, cho dù anh em của Sở Vương cũng không có quan hệ mật thiết như Ngài. Nay Ngài làm Tể tướng của nước Sở đã hơn 30 năm, mà Sở Vương không có con trai, nếu như Sở Vương qua đời, tự nhiên sẽ lập anh em của Sở Vương. Sau khi nước Sở thay Vua, họ cũng sẽ xem trọng người thân tín của mình. Ngài sao có thể được sủng ai lâu dài? Không những thế, Ngài cầm quyền trong một thời gian dài, đối với anh em của Sở Vương có nhiều chỗ mạo phạm. Nếu thực sự anh em của Sở Vương lên ngôi trở thành Vua thì đại họa lập tức sẽ đến. Ngài sao có thể giữ được ấn soái của Tể tướng và đất được phong ở Giang Đông! Nay thiếp biết mình có thai, người khác không biết. Hơn nữa, thời gian Ngài sủng ái thiếp không lâu, nếu như dựa vào địa vị quan trọng của Ngài đối với đất nước, đem thiếp hiến dâng cho Sở Vương thì Sở Vương nhất định sẽ để cho thiếp làm tiểu thiếp. Thiếp có con thì con của Ngài sẽ trở thành Vua của nước Sở. Toàn bộ nước Sở đều có được thì sao lại phải đối mặt với tai họa bất trắc!”.

Xuân Thân quân cảm thấy em gái của Lý Viên nói rất đúng, thế là để cho em gái của Lý Viên ra sống ở ngoài dịch quán rồi giới thiệu với Sở Khảo Liệt Vương. Sở Khảo Liệt Vương triệu kiến em gái của Lý Viên, và rồi em gái của Lý Viên được sủng ái vô cùng. Em gái của Lý Viên sinh được người con trai tên Điếu, lập điếu làm Thái Tử, em gái của Lý Viên làm Vương Hậu. Từ đó Lý Viên được hiển vinh và lên cầm quyền, nuôi dưỡng võ sĩ, muốn giết Xuân Thân quân để diệt khẩu. Sau khi Sở Khảo Liệt Vương mất, Lý Viên liền giết chết Xuân Thân quân, diệt cả gia tộc của Xuân Thân quân. Điếu được lập làm Vua, tức là Sở U Vương. Sau này người con được sinh ra khi Sở Khảo Liệt Vương đã mất lại được lập làm Vua, tức là Sở Ai Vương. Người hầu của Công tử Phụ Sô, em trai Sở Khảo Liệt Vương nghe nói U Vương không phải là con của Sở Khảo Liệt Vương, cũng nghi ngờ Sở Ai Vương nên đã giết chết Sở Ai Vương và Thái Hậu, giết sạch gia tộc của Lý Viên, sau đó lập Phụ Sô làm Sở Vương. Năm năm sau, nước Tần diệt nước Sở.

Kinh Thi có câu: “Đạo ngôn khổng cam, loạn thị dụng đàm” (Lời gian ngon ngọt vô cùng, thì cơn biến loạn lại đồng tiến cao) là nói điều này.

Có thơ rằng: Lý Viên nữ đệ, phát tích Xuân Thân, Khảo Liệt vô tử, quả đắc nạp thân, tri trọng nhi nhập, toại đắc vi tự, ký lập bạn bản, tông tộc diệt thí.

(Tạm dịch: Em gái Lý Viên, phát tích từ nơi Xuân Thân quân. Sở Khảo Liệt Vương không có con trai, quả nhiên được gọi vào cung, biết mang thai mà vào cung, con trai được lên làm Vua. Tuy làm Vua nhưng thực tế là thay đổi nguồn gốc, thế là dòng tộc bị diệt vong).

 

TRIỆU ĐIỆU XƯỚNG HẬU

Xướng Hậu là một ca kỹ ở Hàm Đan, là Vương Hậu của Triệu Điệu Tương Vương. Lần đầu xuất giá đã làm rối loạn một dòng tộc, cuối cùng trở thành quả phụ. Triệu Điệu Tương Vương thấy Xướng Hậu xinh đẹp nên tìm cách đưa mỹ nhân này tiến cung. Lý Mục hết sức can gián: “Đại Vương không nên làm thế. Người đàn bà này lòng dạ không đoan chính. Đại Vương triệu tiến cung thì thiên hạ sẽ đảo ngược, đất nước bất an. Chính ả ta đã gieo họa cho cả một dòng tộc mà lẽ nào Đại Vương không lo sợ?”. Triệu Điệu Tương Vương không nghe theo mà còn nói: “Loạn hay không là do Quả Nhân chấp chính”, thế rồi vẫn triệu Xướng Hậu vào cung. Lúc đầu, Vương Hậu của Triệu Điệu Tương Vương sinh được một người con trai tên là Gia và được lập làm Thái Tử. Sau khi Xướng Hậu vào cung và phong làm Xướng Cơ, sinh được một người con trai tên là Thiên. Sau khi Xướng Hậu được sủng ái thì đã không ngừng trước mặt Triệu Điệu Tương Vương nói xấu Vương Hậu và Thái Tử, lại sai người mạo phạm Thái Tử rồi vu oan hãm hại.

Triệu Điệu Tương Vương phế truất Thái Tử Gia, lập Thiên làm Thái Tử, phế truất Vương Hậu rồi lập Xướng Cơ thành Vương Hậu. Sau khi Triệu Điệu Tương Vương mất, Thiên được lập làm Vua, tức là Triệu U Mẫn Vương. Xướng Hậu dâm loạn mà không đoan chính, đã tư thông với Xuân Bình quân, nhận rất nhiều hối lộ của nước Tần để xúi bẩy Triệu U Mẫn Vương giết chết danh tướng lẫy lừng Vũ An quân Lý Mục. Sau đó, quân Tần trực tiếp tiến vào nước Triệu, nước Triệu không thể phản kháng cũng không kịp di chuyển nên đã bị quân Tần bắt làm tù binh. Nước Triệu bị diệt vong.

Các quan đại phu oán hận Xướng Hậu gièm pha Thái Tử lại giết chết Lý Mục nên đã giết chết Xướng Hậu, diệt cả nhà của Xướng Hậu rồi ở đất Đại lập Gia lên làm Vua. Bảy năm sau, không thể chiến thắng nước Tần, thế là nước Triệu bị diệt vong và trở thành một quận của nước Tần.

Kinh Thi có câu: “Nhân nhi vô lễ, bất tử hồ sĩ?” (Người mà chẳng có lễ nghi, đợi chờ gì nữa mà không chết liền) là nói điều này.

Có thơ rằng: Triệu Điệu Xướng Hậu, tham thao vô túc, huy phế hậu thích, chấp trá bất khác, dâm loạn Xuân Bình, cùng ý sở dục, thụ lộ vong Triệu, thân tử diệt quốc.

(Tạm dịch: Triệu Điệu Xướng Hậu lòng tham không đáy, hãm hại Vương Hậu và Thái Tử, ngôn hành dối trá, dâm loạn với Xuân Bình, tham dục không ngừng, nhận hối lộ nên làm nước Triệu bị diệt vong, nước mất còn bản thân bị giết chết).