QUYỂN III: NHÂN TRÍ TRUYỆN

(Duy bậc nhân trí, đoán được tai họa, theo đúng đạo trời, đổi họa thành phúc, làm điều nghĩa ở chỗ yên, nguy hiểm là tránh, trong lòng nơm nớp, luôn luôn cẩn thận. Các bậc phu nhân học theo, sẽ được hiển vinh)

MẬT KHANG CÔNG MẪU

Mẹ của Mật Khang Công họ Ngỗi. Khi Chu Cung Vương đi tuần du miền Kinh Thủy, có Mật Khang Công đi theo. Có ba người con gái đẹp tự mình đến cậy nhờ Mật Khang Công. Mẹ của Mật Khang Công nói: “Nhất định phải đem họ dâng cho Cung Vương. Ba con thú gọi là bầy đàn, ba người gọi là đám đông, ba người con gái đẹp gọi là xán lạn tươi sáng. Vua đi săn không bắn giết cả bầy, chư hầu đi tuần du ở trước mặt đám đông người phải khiêm cung, Phi tần của Đại Vương cũng không lấy ba người cùng một dòng tộc. Hiện nay ba người mỹ nữ đều dồn về mình con. Con có đức hạnh gì mà có thể thừa hưởng tặng vật như thế? Đại Vương còn không thể thừa hưởng được huống hồ người bình thường như con!”. Khang Công không nghe, không bằng lòng dâng ba người con gái đẹp cho Chu Cung Vương. Sau này Chu Cung Vương diệt nước Mật.

Bậc quân tử nói mẹ của Mật Khang Công có thể từ việc nhỏ nhìn thấy được sự hưng suy. Kinh Thi có câu: Vô dĩ thái khang, chức tư kỳ cư (Cuộc vui chơi xin đừng thái quá, cốt nghĩ lo việc đã đảm đương là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Mật Khang chi mẫu, tiên thức thịnh suy, phi thích Khang Công, thụ sán bất quy, công hành hạ chúng, vật mãn tắc, tỉ hiến bất thính, Mật quả diệt vẫn.

(Tạm dịch: Mẹ của Mật Khang, biết trước thịnh suy, châm biếm Khang Công, được mỹ nhân mà không dâng tặng, chu hầu tuần du phải hạ mình trước đám đông, trăng tròn sẽ khuyết, khuyên dâng tặng mà không nghe, quả nhiên nước Mật bị diệt vong).

SỞ VŨ ĐẶNG MẠN

 

Đặng Mạn là phu nhân của Sở Vũ Vương. Sở Vương lệnh cho Khuất Hà làm tướng quân đi thảo phạt nước La. Khuất Hà tên hiệu là Mạc Ngao, xuất lĩnh các tướng lĩnh cùng toàn bộ quân đội nước Sở xuất phát. Đấu Bá Tỷ nói với người phu xe rằng: “Khuất Hà nhất định sẽ chiến bại, ông ấy biểu hiện ra ngoài sự nghênh ngang cao ngạo, trong lòng nhất định là không ổn định”. Đấu Bá Tỷ tham kiến Sở Vương mà rằng: “Nhất định phải điều viện binh giúp đỡ Khuất Hà”. Sở Vương đem chuyện này kể cho phu nhân là Đặng Mạn. Đặng Mạn nói: “Ý của Đấu Bá Tỷ không phải là binh lính càng nhiều càng tốt, mà bổn ý là muốn Đại Vương lấy thái độ thành tín vỗ về bách tính trăm họ, phải lấy đức hạnh răn dạy các cấp quan viên, lấy hình luật để ràng buộc Khuất Hà. Khuất Hà do chiến thắng chiến dịch Bồ Sao cho nên luôn cho mình là đúng, nhất định sẽ khinh thường nước La. Nếu Đại Vương không lập uy đốc thúc Khuất Hà thì Khuất Hà sẽ khinh suất tiến quân mà không phòng bị”. Thế là Sở Vương sai người đuổi theo nhưng đuổi không kịp.

Khuất Hà ở giữa ba quân hạ lệnh rằng: “Không ai được khuyên ngăn ta dừng hành quân! Người nào không nghe lệnh mà khuyên ngăn nhất định bị phạt nặng”. Quân đội đi đến Yên Thủy, khi vượt sông rất rối loạn. Đến nước La thì quân đội nước La và quân đội nước Lư dốc toàn lực phản công, quân đội nước Sở đại bại. Khuất Hà thắt cổ tự vẫn ở Hoang cốc, còn bại binh tự nhốt ở núi Dã Phụ chờ xử phạt. Sở Vương tự nhận lỗi, nên tha cho bại binh.

Bậc quân tử nói rằng Đặng Man là người hiểu lòng người. Trong Kinh Thi có câu: “Tằng thị mạc thính, đại mệnh dĩ khuynh” (Thường vua chẳng gằng chuyên nghe lấy, mệnh nhà ân to phải đổ nghiêng) là để nói điều này.

Sở Vương muốn thảo phạt nước Tùy, khi sắp xuất binh có nói với Đặng Man rằng: “Trong lòng quả nhân cảm thấy không yên bình. Tại sao lại như vậy?”. Đặng Man đáp: “Đại Vương đức bạc mà bổng lộc nhiều, cho đi thì ít nhận vào thì nhiều, vật thịnh rồi sẽ suy, mặt trời quá ngọ sẽ xế bóng. Đầy quá ắt sẽ tràn ra ngoài. Đây là đạo trời. Lần này xuất chinh, nếu quân đội không bị tổn thất, Đại Vương qua đời trong lần chinh chiến này thì sẽ là đại phúc của đất nước”. Thế là Sở Vương xuất phát, quả nhiên chết trên đường đi.

Bậc quân tử nói rằng Đặng Man biết được mệnh trời. Dịch Kinh có câu: “Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc khuy, thiên địa doanh hư, dư thời tiêu tức” (Mặt trời đến giữa trưa sẽ xế tà, trăng tròn sẽ khuyết, sự đầy vơi của trời đất đều có thời gian của nó) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Sở Vũ Đặng Mạn, kiến sự sở hưng, vị Hà quân bại, tri vương tương hoăng, thức bỉ thiên đạo, thịnh nhi tất suy, chung như kỳ ngôn, quân tử dương xưng.

(Tạm dịch: Vợ của Vua Sở, nhìn việc hưng binh, nói Khuất Hà sẽ bại trận, biết Vua sẽ chết, biết được mệnh trời, thịnh rồi sẽ suy, đúng như lời nói, quân tử ca ngợi).

HỨA MỤC PHU NHÂN

Hứa Mục phu nhân là con gái của Vệ Ý Công, là vợ của Hứa Mục Công. Lúc đầu, nước Hứa cầu hôn nước Vệ, đồng thời nước Tề cũng cầu hôn nước Vệ, Ý Công đồng ý gả cho nước Hứa. Con gái nói với người bảo mẫu rằng: “Từ xưa đến nay con gái của nước chư hầu sở dĩ được coi như tặng vật để mong nhận được sự viện trợ của nước lớn. Hiện nay, nước Hứa nhỏ mà lại xa, nước Tề lớn mà lại gần. Thời thế hiện nay, kẻ mạnh xưng hùng. Giả sử biên giới có chiến sự, để duy trì bốn phương yên bình phải cầu cứu nước lớn, nếu như có con ở đó thì không phải là rất dễ cầu cứu hay sao! Hiện nay bỏ gần mà gả đi nơi xa, xa lánh nước lớn mà dựa vào nước nhỏ, một khi có tai họa kẻ địch vào xâm chiếm, ai có thể nghĩ đến sự an nguy của đất nước?”.

Vệ Ý Công không nghe, cuối cùng đem con gả cho nước Hứa. Sau đó, rợ Địch công đánh nước Vệ, phá vỡ thành lũy nước Vệ, mà nước Hứa không thể cứu viện. Vệ Ý Công bỏ trốn qua sông, chạy xuống phía nam cuối cùng đến Sở Khâu. Tề Hoàn Công đến cứu viện, cuối cùng mới giữ được nước Vệ. Thế là nước Vệ bèn lấy Sở Khâu làm kinh thành, mới coi như được yên ổn. Khi bị đánh bại, Vệ Ý Công mới hối hận không nghe con gái là phu nhân của Hứa Mục Công. Khi nước Vệ thua trận, Hứa phu nhân đích thân đánh xe đến chia buồn với Vệ Ý Công, bởi vậy mà đau đớn tột cùng, làm bài thơ “Tái Trì”: “Tái trì tái khu, quy ngạn Vệ hầu. Khu mã du du, ngôn chí u Tào. Đại phu bạt thiệp, ngã tâm tắc ưu. Ký bất ngã gia, bất năng tuyền phản. Thị nhĩ bất tang, ngã tư bất viễn” (Xe đánh gấp cho ta rong ruổi, để trở về thăm hỏi Vệ hầu. Đi xa đánh ngựa chạy mau, nói rằng đi đến ấp Tào cố hương. Quan đại phu vội vàng chạy đến, khiến lòng ta nặng nỗi ưu sầu. Chẳng cho ta là nên là phải, ta cũng không quay lại nữa đây. Trông ngươi chẳng nhận là hay, nỗi niềm lo nghĩ lòng này chẳng quên).

Bậc quân tử khen ngợi bà hiền lành thông minh lại nhìn xa trông rộng.

Có thơ khen rằng: Vệ nữ vi giá, mưu Hứa dữ Tề, nữ phúng mẫu viết, Tề đại khả y, Vệ quân bất tính, hậu quả độn đào, Hứa bất năng cứu, nữ tác Tài Trì.

(Tạm dịch: Khi công chúa nước Vệ chưa gả chồng, nước Hứa và nước Tề đến cầu hôn, Công chúa nói với bảo mẫu, nước Tề lớn có thể nhờ cậy, Vua Vệ không nghe, sau quả nhiên phải bỏ trốn, nước Hứa không thể cứu viện, công chúa làm bài thơ Tái Trì).

TÀO HY THỊ THÊ

Tào Hy Thị thê là vợ của Hy Phụ Cơ, quan đại phu nước Tào. Khi Tấn công tử Trùng Nhĩ lưu vong qua nước Tào, Tào Cung Vương không những không lấy lễ để đối đãi mà nghe nói trên mình của Trùng Nhĩ có tật bèn đến chỗ Trùng Nhĩ ở, đợi Trùng Nhĩ chuẩn bị đi tắm thì lại gần nhìn trộm. Vợ của Phụ Cơ nói với chồng mình rằng: “Thiếp quan sát Tấn công tử Trùng Nhĩ, ba người tùy tùng của công tử đều là người có tướng làm Tể tướng. Dựa vào ba người giỏi việc phò tá này, Trùng Nhĩ nhất định sẽ trở về nước Tấn. Nếu Trùng Nhĩ có thể trở về nước Tấn, nhất định sẽ xưng bá chư hầu, cũng nhất định thảo phạt người nào vô lễ với công tử, mà nước Tào có thể là một trong những nước công tử sẽ thảo phạt. Nếu như nước Tào gặp nạn, chắc chắn là chàng không tránh khỏi liên quan. Sao chàng không sớm dự tính hướng khác? Thiếp từng nghe nói, không biết con thì hãy xem cha của nó, không biết Vua thì có thể xem tùy tùng. Hiện nay người tùy tùng của Trùng Nhĩ đều là người có tướng làm khanh tướng, vậy chủ của họ nhất định sẽ là người xưng vương xưng bá. Bây giờ nếu lấy lễ để đối đãi công tử, sau này cũng sẽ nhận được sự báo đáp của công tử. Nếu như đối đãi vô lễ, sau này công tử nhất định sẽ diệt trừ. Nếu như chàng không sớm dự tính, đại họa không lâu sẽ ập đến!”. Thế là Phụ Cơ lấy hũ đựng thức ăn, để trên ngọc bích mà dâng tặng cho Trùng Nhĩ, Trùng Nhĩ nhận lấy thức ăn rồi đem trả lại ngọc bích. Sau này Tấn công tử Trùng Nhĩ trở về nước Tấn, khi thảo phạt nước Tào đã treo biển trước cửa nhà Phụ Cơ, lệnh cho quân lính không được vào nhà. Khi đó thường dân nước Tào đều đến trước cửa nhà Phụ Cơ để lánh nạn, ngoài cửa nhà Phụ Cơ đông như chợ.

Bậc quân tử nói vợ của Hy Phụ Cơ nhìn xa trông rộng. Kinh Thi có câu: “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân” (thật ngài thấu đáo sáng soi, vẫn theo đạo nghĩa mà noi giữ mình) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Hy thị chi thê, quyết trí khổng bạch, kiến Tấn công tử, tri kỳ hưng tác, sứ phu quỹ xan, thả dĩ tự thác, Văn phạt Tào quốc, tuất độc kiến thích.

(Tạm dịch: Vợ của Phụ Cơ, thông minh hiểu biết, nhìn Tấn công tử, biết sẽ hưng vượng, bảo chồng tặng đồ ăn, lấy đó ủy thác, Văn Công phạt Tào, Hy tộc vô sự).

TÔN THÚC NGAO MẪU

Tôn Thúc Ngao Mẫu là mẹ của lệnh doãn nước Sở Tôn Thúc Ngao. Khi Tôn Thúc Ngao còn bé, một lần đi chơi gặp một con rắn hai đầu liền giết chết rắn rồi đem chôn. Về nhà nhìn thấy mẹ liền khóc lóc. Mẹ hỏi nguyên cớ thì đáp rằng: “Con nghe nói người nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay lúc con đi chơi thì nhìn thấy”. Người mẹ hỏi: “Hiện nay con rắn ở đâu?”. Ông trả lời rằng: “Con sợ người khác cũng nhìn thấy nên đã giết chết và đem chôn rồi”. Người mẹ nói: “Con sẽ không chết, những người mà tích nhiều phúc đức thì sống ở dương thế nhất định sẽ được báo đáp. Giữ vững đạo đức có thể chiến thắng điềm không may, giữ vững nhân nghĩa có thể tránh được các tai họa. Ông trời tuy ở trên cao, nhưng có thể nghe được tiếng lòng ở nơi dưới đất. Chẳng phải trong Thượng Thư có nói: “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ” (trời xanh không thiên vị ai, ai có đức thì giúp đỡ người đó). Con chớ lo lắng, con nhất định có thành tựu ở nước Sở”. Sau này khi Tôn Thúc Ngao trưởng thành, làm Lệnh doãn nước Sở.

Bậc quân tử nói rằng mẹ của Tôn Thúc Ngao biết được ngôi thứ của đức. Kinh Thi có câu: “Mẫu thị thánh hiền” (mẹ thì sáng suốt hiền lành) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Thúc Ngao chi mẫu, thâm tri thiên đạo, Thúc Ngao kiến xà, lưỡng đầu kỳ thủ, sát nhi mai chi, khấp khổng bất cập, mẫu viết âm đức, bất tử tất thọ.

(Tạm dịch: Mẹ của Thúc Ngao biết rõ đạo trời, Tôn Thúc gặp rắn, một thân hai đầu, giết rồi đem chôn, khóc sợ gặp họa, mẹ nói tích đức, không chết mà thọ).

TẤN BÁ TÔNG THÊ

Tấn Bá Tông thê là vợ của đại phu nước Tấn Bá Tông. Bá Tông là một người hiền tài, nhưng thích nói thẳng biện luận lại còn lên mặt nạt người. Mỗi lần lên triều, vợ ông thường khuyên bảo rằng: “Kẻ trộm căm ghét ông chủ, dân thường yêu quý Vua anh minh, có người thích người tốt thì nhất định là sẽ có kẻ căm ghét đố kỵ. Chàng thích nói thẳng không kiêng dè, người bị oan uổng chắc chắn sẽ vô cùng căm ghét chàng. Cứ như vậy, chàng nhất định sẽ gặp họa”. Bá Tông không nghe lời khuyên của vợ. Có một lần sau khi bãi triều trở về, mặt Bá Tông có nét vui, vợ hỏi: “Thấy mặt chàng có nét vui. Tại sao vậy?”. Bá Tông đáp: “Khi lên triều, ta nêu ý kiến thì các đại phu đều nói cơ trí của ta giống với Dương Tử. Người vợ nói: “Hạt thóc mẩy thì không rực rỡ, lời chân thực thì không chải chuốt. Lời của Dương Tử đẹp đẽ mà không thực, nói mà không sâu xa, bởi vậy mới gặp họa. Sao chàng có thể vui chứ!”. Bá Tông nói: “Ta chuẩn bị cùng các vị đại phu uống rượu, sau đó sẽ cùng họ đàm đạo, nàng thử nghe xem”. Người vợ đáp: “Được thôi!”, thế là tụ họp mọi người, cùng các đại phu uống rượu. Uống rượu xong, Bá Tông hỏi vợ: “Nàng thấy thế nào?”. Người vợ đáp: “Quả thực là các đại phu theo không kịp chàng, nhưng nhân dân không ủng hộ Vua đã lâu rồi, nếu như có tai họa thì nhất định sẽ liên lụy đến chàng. Tính cách của chàng thì đã không thể thay đổi, huống hồ hiện nay đất nước có nhiều người hai lòng, nguy cơ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Sao chàng không sớm kết giao với những đại phu hiền tài, từ đó mà con trai của chúng ta là Châu Lê có nơi nương tựa”. Bá Tông đáp rằng: “Được thôi!”, thế là giao hảo với Tất Dương. Đến khi gặp nạn Loan Bất Kị, gia tộc họ Khước cùng mưu hại Bá Tông, nói lời gièm pha mà giết Bá Tông. Tất Dương bèn đưa con trai của Bá Tông là Bá Châu Lê đến đất Kinh mới tránh được đại họa.

Bậc quân tử nói rằng vợ của Bá Tông biết được đạo trời. Kinh Thi có câu: “Đa tương hạo hạo, bất khả cứu dược” (Lắm việc buồn đến hồi bừng cháy, thì không còn chữa chạy kịp đâu) là để nói Bá Tông.

Có thơ khen rằng: Bá Tông lăng nhân, thê tri thả vong, số gián Bá Tông, hậu hứa Tất Dương, thuộc dĩ Châu Lê dĩ miễn cữu ương, Bá Tông ngộ họa, Châu Lê bôn Kinh.

(Tạm dịch: Bá Tông xúc phạm người khác, vợ biết sẽ chết, nhiều lần can gián, trọng hậu Tất Dương, đem con ủy thác, để tránh tai họa, Bá Tông gặp nạn, Châu Lê chạy trốn đến đất Kinh).

VỆ LINH PHU NHÂN

Vệ Linh phu nhân là vợ của Vệ Linh Công. Ban đêm khi Vệ Linh Công cùng phu nhân đang ngồi không thì đột nhiên nghe thấy có tiếng xe ngựa, đến cửa ngoài cung điện thì dừng, qua cửa cung lại nghe có tiếng xe. Vệ Linh Công hỏi phu nhân: “Nàng có biết đây là ai không?”. Phu nhân đáp: “Người này nhất định là Cừ Bá Ngọc”. Vệ Linh Công hỏi: “Nàng dựa vào đâu mà biết được?”. Phu nhân đáp: “Thiếp nghe nói theo phép tắc khi qua cửa công nhất định phải xuống xe mà qua, đây là tỏ lòng kính trọng. Chỉ có trung thần và hiếu tử mới không vì lúc có người mà nói lời trung tín, tiết tháo, lúc không có người lại có hành vi trụy lạc. Cừ Bá Ngọc là đại phu hiền tài của nước Vệ, nhân nghĩa lại có trí tuệ, cung kính phụng sự Vua, cũng không vì không có người biết mà bỏ qua phép tắc. Do đó mà thiếp biết là Cừ Bá Ngọc”. Vệ Linh Công sai người đi xem rốt cuộc là ai thì quả nhiên là Cừ Bá Ngọc. Sau khi Vệ Linh Công quay lại nói đùa với phu nhân rằng: “Không phải là Cừ Bá Ngọc!”. Phu nhân lập tức lại rót rượu, sau khi thi lễ hai lần rồi chúc mừng Vệ Linh Công. Vệ Linh Công nói: “Tại sao nàng lại chúc mừng ta?”. Phu nhân đáp: “Trước đây thiếp cho rằng nước Vệ có một mình Cừ Bá Ngọc, hiện nay lại xuất hiện người giống như Cừ Bá Ngọc. Điều này chứng minh là Đại Vương có hai người hiền thần. Đất nước có thêm hiền thần là cái phúc của đất nước, do vậy thiếp đương nhiên phải chúc mừng”. Sau khi Vệ Linh Công nghe xong, giật mình mà nói: “Lành thay!”, thế là nói sự thực với phu nhân.

Bậc quân tử nói Vệ phu nhân biết nhìn người. Tuy có thể lừa gạt nhưng không thể giấu kín, đây chẳng phải là sáng suốt ư! Kinh Thi có câu: “Ngã vấn kỳ thanh, bất kiến kỳ thân” (Tiếng ngươi liền bị nhận ra, Nhưng nào được thấy rõ là thân người) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Vệ Linh dạ tọa, phu nhân dữ tồn, hữu xa lân lân, trung chỉ khuyết môn, phu nhân tri chi, tất Bá Ngọc yên, duy tri thức hiền, vấn chi tín nhiên.

(Tạm thời: Vệ Linh ngồi không trong đêm, phu nhân cùng ngồi, có tiếng xe ngựa, dừng ở cửa cung, phu nhân biết rõ, nhất định là Cừ Bá Ngọc, sáng suốt biết nhìn người, hỏi đến quả nhiên là vậy).

TỀ LINH TRỌNG TỬ

Tề Linh Trọng Tử là con gái của Tống hầu, là phu nhân của Tề Linh Công. Ban đầu Tề Linh Công lấy Thanh Cơ nước Lỗ sinh ra Quang công tử và lập làm Thái tử. Phu nhân của Tề Linh Công là Trọng Tử và em gái là Nhung Tử đều được Tề Linh Công sủng ái. Trọng Tử cũng sinh được con trai là Nha. Nhung Tử cầu xin với Tề Linh Công lập Nha làm Thái tử thay Quang. Tề Linh Công hứa việc này. Trọng Tử nói với Tề Linh Công rằng: “Không thể như vậy! Xóa bỏ lệ thường là điềm chẳng lành, nghe chư hầu gặp nạn mà tùy ý quyết định là thất sách. Năm đó lập Quang làm Thái tử, tên đã liệt vào danh sách chư hầu. Hiện nay vô cớ phế trừ sẽ đắc tội với chư hầu, đây là điềm chẳng lành. Đại Vương nhất định sẽ hối hận”. Tề Linh Công nói: “Việc này ta đã quyết định rồi”. Trọng Tử nói: “Không phải thiếp khiêm nhượng, bởi vì điều này thực sự là mầm mống của tai họa”. Trọng Tử lấy cái chết để phản đối. Cuối cùng Tề Linh Công cũng không nghe theo ý kiến của Trọng Tử, và lưu đày Thái tử Quang, lập Nha làm Thái tử, sai Cao Hậu làm thầy của Nha. Sau khi Tề Linh Công bị bệnh, Cao Hậu bèn âm thầm ủng hộ Quang. Sau khi Tề Linh Công chết, Thôi Trữ lập Quang làm Thế tử rồi giết Cao Hậu. Do không nghe lời của Trọng Tử, cuối cùng mới gặp phải tai họa như vậy.

Bậc quân tử nói Trọng Tử hiểu rõ lí lẽ. Kinh Thi có câu: “Thính dụng ngã mưu Thứ vô đại hối” (Mưu ta nếu nghe lời tường tận, may ra không hối hận lớn lao) là nói Trọng Tử.

Có thơ khen rằng: Tề Linh Trọng Tử, nhân trí hiển minh, Linh Công lập Nha, phế Cơ Tử Quang, Trọng Tử cưỡng gián, khứ thích bất tường, công ký bất thính, quả hữu họa ương.

(Tạm dịch: Tề Linh Trọng Tử nhân nghĩa sáng suốt. Tề công lập Nha, phế bỏ Thái tử Quang, Trọng Tử hết sức can gián, cho rằng phế rồi lại lập là điềm chẳng lành, Tề công không nghe, quả nhiên gặp họa).

LỖ TANG TÔN MẪU

 

Tang Tôn mẫu là mẹ của đại phu nước Lỗ Tang Văn Trọng. Văn Trọng sắp đi sứ nước Tề, khi mẹ tiễn chân có nói rằng: “Con thường ngày hà khắc mà ít ban ân huệ, làm việc thích cố hết sức mình, thường dùng uy thế làm người ta khó xử. Hiện nay, nước Lỗ không thể nhẫn nhịn con nên mới phái con đi sứ nước Tề. Hễ xảy ra việc gian trá thì nhất định sẽ có động tĩnh. Người hại con chẳng nhẽ lại không nhân đó mà kiếm chuyện ư! Con nhất định phải chuẩn bị sẵn tâm lý. Nước Lỗ với nước Tề nằm cạnh nhau, là nước láng giềng của nhau. Trong đám đại thần được sủng tín có rất nhiều người oán hận con, lại còn có giao tình với quan đại thần nước Tề là Cao Hề, Quốc Tử. Làm như vậy nhất định là để nước Tề mưu đồ nước Lỗ. Do vậy sẽ bắt giam con, xem ra là khó mà tránh khỏi. Con nhất định phải ban ân đức, sau tìm cách để có được sự trợ giúp, sau mới đi sứ nước Tề”. Thế là Văn Trọng thăm viếng Lỗ tam gia (Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quý Tôn), được sự ủng hộ và tín nhiệm của họ, lại hậu đãi rất nhiều quan đại phu, sau đó đi sứ nước Tề. Quả nhiên nước Tề giam giữ Tang Văn Trọng, lại dấy binh đánh lén nước Lỗ. Văn Trọng âm thầm sai người đưa thư cho Vua nước Lỗ, lại sợ thư rơi vào tay người khác nên cố ý viết những từ ngữ hoang đường: “Liễm tiểu khí, đầu chư đài, thực lạp khuyển, tổ dương cầu. Cầm chi hợp, thậm tư chi, dương hữu mẫu, thực ngã dĩ đồng ngư. Quan anh bất túc, đới hữu dư”.

Sau khi thư đến tay Vua nước Lỗ, Vua nước Lỗ cùng các quan đại phụ xem thư rồi thảo luận, không ai biết ý nghĩa của bức thư. Có người nói: “Mẹ của Văn Trọng cũng là con nhà thế gia. Sao Đại vương không thử gọi đến hỏi xem sao?”. Thế là bèn gọi mẹ của Văn Trọng đến, nói với bà rằng: “Quả nhân sai Văn Trọng đi sứ nước Tề. Hiện nay, Văn Trọng gửi thư về. Bà hãy xem Văn Trọng nói gì?”. Sau khi mẹ Văn Trọng xem thư xong, khóc ướt vai áo, đáp rằng: “Con ta bị đóng gông, bị giam giữ rồi”. Vua nước Lỗ hỏi: “Sao bà biết được?”. Mẹ của Văn Trọng đáp: “Ý của câu “liễm tiểu khí đầu chư đài” là nói đem cái mầm mới lớn từ ngoài thành bỏ vào trong thành. “Thực lạp khuyển tổ dương cầu” là nói mau chóng tập hợp khao lao tướng sĩ, sửa sang quân bị. “Cầm chi hợp thậm tư chi” là nói Văn Trọng vô cùng nhớ vợ. “Tang ngã dương dương hữu mẫu” có ý bảo vợ phải phụng dưỡng mẹ cho tốt. “Thực ngã dĩ đồng ngư câu”, câu chữ này không thuận, không thuận là sai, chữ “ngư” đồng âm với “cư” (cái cưa). Cái cưa là dùng để cưa gông cùm, câu này là nói Văn Trọng bị đóng gông rồi nhốt vào trong ngục. “Quan anh bất túc đới hữu dư” là nói Văn Trọng đầu tóc bị rối mà không được chải, đói mà không có thức ăn. Cho nên ta mới biết con trai ta bị bắt giam, hơn nữa còn bị đóng gông”. Thế là Vua nước Lỗ theo lời của mẹ Văn Trọng, đưa binh lính ra biên giới để phòng thủ. Nước Tề xuất binh chuẩn bị đánh lén nước Lỗ, nhưng biết được quân nước Lỗ phòng thủ ở biên giới bèn thả Văn Trọng về, không thảo phạt nước Lỗ nữa.

Bậc quân tử nói mẹ của Văn Trọng nhìn xa trông rộng. Kinh Thi có câu: “Trắc bỉ khỉ hề! Chiêm vọng mẫu hề” (Lên núi khỉ là nơi rậm cỏ, nhớ mẹ nên đứng lặng ngó nhìn) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Tang Tôn chi mẫu, thích tử háo uy, tất thả ngộ hai, sứ viện sở y. Ký hậu tam gia, quả câu ư Tề. Mẫu thuyết kỳ thư, tử toại đắc quy.

(Tạm dịch: Mẹ của Văn Trọng chỉ trích con thích uy thế, nhất định sẽ bị hại, bảo con ban ân để có chỗ dựa. Văn Trọng hậu đãi tam gia, sau quả nhiên bị nước Tề giam giữ. Mẹ đọc hiểu thư con, con mới được thả về).

TẤN DƯƠNG THÚC CƠ

 

Thúc Cơ là vợ của Dương Thiệt Tử, mẹ của Thúc Hướng, Thúc Ngư, họ Dương. Thúc Hướng tên là Hất, Thúc Ngư tên là Phụ. Dương Thiệt Tử thích sự chính trực, không được nước Tấn dung nạp, thế là bỏ Tấn mà đến Tam Thất Chi Ấp. Tam Thất Chi Ấp có người ăn trộm dê của người khác đem biếu Dương Thiệt Tử, Dương Thiệt Tử không nhận, Thúc Cơ nói: “Chàng sống ở nước Tấn không được dung nạp, sau khi bỏ đến Tam Thất Chi Ấp, lại không được Tam Thất Chi Ấp dung nạp. Đây là chàng không bằng lòng để được dung nạp, chi bằng cứ nhận lấy”. Thế là Dương Thiệt Tử nhận lấy và nói: “Để cho Hất và Phụ ăn!”. Thúc Cơ nói: “Không được! Phía nam có một giống chim gọi là Càn Cát, thường ăn cả thịt con, làm cho con non không thể lớn. Nay Hất và Phụ còn nhỏ, sẽ thay đổi theo sự giáo dục của chàng, không thể ăn thịt bất nghĩa. Chi bằng hãy đem chôn để chứng tỏ là không tham gia vào việc trộm cắp”. Thế là cho thịt dê vào trong hũ rồi đem chôn. Hai năm sau việc trộm dê bị phát hiện. Sai nha tìm đến cửa, Dương Thiệt Tử nói: “Tuy ta có nhận nhưng không dám ăn”. Thế là đào lên cho sai nha xem, nhìn thấy xương dê vẫn còn. Sai nha nói: “Dương Thiệt Tử là người chính nhân quân tử! Không tham dự vào việc trộm dê”.

Bậc quân tử nói Thúc Cơ có thể dự phòng tai họa, tránh bị tình nghi. Kinh Thi có câu: “Vô viết bất hiển, mạc dư vân cầu” (Chớ nói chỗ tối tăm không rõ ràng, không có ai trông thấy ta) là nói điều này.

Thúc Hướng muốn lấy con gái của Thân Công Vu Thần là Hạ Cơ. Con gái của họ đẹp lại quyến rũ, Thúc Cơ không đồng ý, hy vọng con trai lấy con gái gia tộc của mình. Thúc Hướng nói: “Gia tộc của mẹ phú quý mà người lại không nhiều, không nhẽ để con liên lụy đến gia tộc của cậu sao!”. Thúc Cơ nói: “Vợ (Hạ Cơ) của Tử Linh (Thân Công Vu Thần) giết ba người chồng, một vị Vua, một người con, diệt vong hai khanh tướng của một nước. Con không sợ bị họ liên lụy lại sợ liên lụy gia tộc chúng ta. Tại sao vậy? Huống hồ ta nghe nói người có phúc lớn nhất định sẽ có họa lớn, người quá đẹp ắt có tật xấu. Hiện nay con gái của Phi tần của Trịnh Mục công thiết phi Diêu Tử (tức Hạ Cơ), em gái của Trịnh Linh Công, Linh Công chết sớm mà không có con cháu nối dõi, mà ông trời yêu quý, để cho nàng ta xinh đẹp như vậy, sau này ắt sẽ do vậy mà sẽ có thất bại thảm hại. Trước đây có người con gái họ Nhưng, tóc đen mượt mà lại vô cùng xinh đẹp tên là Huyền Thê. Lạc Chính Quỳ lấy nàng làm vợ, sinh được Bá Phong. Bá Phong phóng túng lại vô cùng tham lam, ngang ngược vô lý, mọi người gọi là Phong Thỉ. Hậu Nghệ của bộ tộc Hữu Cùng tiêu diệt Bá Phong, do vậy từ đó không có ai thờ cúng. Hơn nữa, sự diệt vong của ba triều đại nhà Hạ, Thương, Chu, công tử Thân Sinh bị phế truất đều do sắc đẹp này. Con lấy người như vậy làm gì? Đặc biệt, người đẹp có thể làm thay đổi con người, nếu như không phù hợp với đạo đức, nhân nghĩa ắt sẽ gây tai họa”. Thúc Hướng nghe xong sợ không dám lấy con gái của Thân Công Vu Thần nữa.

Tấn Bình Công ép Thúc Hướng phải lấy con gái Hạ Cơ, sinh được một người con trai là Dương Thực Ngã, tên hiệu là Bá Thạc. Khi sinh Bá Thạc, người hầu vào gặp Thúc Cơ nói: “Dâu trưởng sinh được một bé trai”. Thúc Cơ đến xem đứa bé, vừa đến đại sảnh nghe thấy tiếng đứa bé khóc liền quay về mà nói: “Đây là âm thanh của lang sói, lòng lang dạ sói, sau này người diệt họ Dương Thiệt ắt là đứa bé này”. Thế là không chịu gặp đứa bé. Đến khi Bá Thạc trưởng thành, cùng với Kỳ Thắng làm loạn. Người Tấn giết Bá Thạc, họ Dương Thiệt do đó mà bị diệt vong.

Bậc quân tử nói Thúc Cơ giỏi việc suy luận loại suy. Kinh Thi có câu: “Như bỉ tuyền lưu, vô luân tư dĩ bại” (Như dòng suối chảy đi mất, chớ cho chìm đắm đọa đày) là nói điều này.

Khi Thúc Cơ vừa mới sinh Thúc Ngư bèn nói: “Đứa bé này mắt hổ, miệng heo, vai diều hâu, bụng trâu, mặt có nét tham lam không biết thế nào cho đủ, sau này sẽ do nhận hối lộ mà chết”. Thế là từ đó trở đi không gặp Thúc Ngư nữa. Đến khi Thúc Ngư trưởng thành, làm quan tán lý (đại diện tư pháp). Hình Hầu và Ung Tử tranh chấp ruộng đất. Ung Tử dâng con gái mình để cầu Thúc Ngư giúp đỡ. Hình Hầu giết Thúc Ngư và Ung Tử ngay tại chỗ. Hàn Tuyên Tử không biết phải xử lý thế nào. Thúc Hướng nói: “Ba kẻ gian ác tội trạng giống nhau, xin hãy giết kẻ sống, bêu riếu kẻ chết”. Thế là giết hết gia tộc Hình Hầu, còn Thúc Ngư và Ung Tử bị bêu xác ngoài chợ. Thúc Ngư cuối cùng do lòng tham mà chết. Có thể nói là Thúc Cơ có trí tuệ.

Kinh Thi có câu: Tham nhân bại loại (kẻ tham hư hỏng xấu xa vô cùng) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Thúc Hướng chi mẫu, sát ư tính tình, suy nhân chi sinh, dĩ cùng kỳ mệnh, Thúc Ngư Thực Ngã, giai tham bất chính, tất dĩ hóa tử, quả tuất phân tranh.

(Tạm dịch: Mẹ của Thúc Hướng giỏi việc quan sát tính tình con người, để dự đoán vận mệnh đời người. Thúc Ngư và Thực Ngã đều là kẻ tham lam bất chính, nhất định sẽ vì tiền tài mà chết, sau này quả nhiên chết vì tranh chấp).

TẤN PHẠM THỊ MẪU

Tấn Phạm Thị mẫu là vợ của Phạm Hiến Tử. Ba người con trai của bà giao du với Triệu thị. Triệu Giản Tử cưỡi ngựa trong vườn, trong vườn rất nhiều cây cối chắn đường đi của ngựa. Triệu Giản Tử hỏi ba người con của Phạm thị rằng: “Phải làm sao?”. Người con cả nói: “Vị Vua sáng suốt hiền từ chưa thảo luận vấn đề thì sẽ không làm. Hôn quân thì chưa thảo luận vấn đề mà việc gì cũng dám làm”. Người con thứ hai bảo: “Quá yêu quý ngựa sẽ không yêu quý nhân dân, yêu quý nhân dân thì sẽ không yêu quý ngựa nhiều”. Người con út nói: “Có thể cho nhân dân ba cái lợi, giả sử chặt cây trên núi là có thể nuôi ngựa ở đây, sau đó lại mở rộng vườn, lúc này núi xa mà vườn gần, đây có thể làm cho nhân dân vui lần thứ nhất. Sau đó tiếp tục xan phẳng núi cao hiểm trở, chặt cây ở bình nguyên, nhân dân sẽ vui lần thứ hai. Sau khi chặt xong sẽ bán rẻ cho nhân dân thì họ sẽ vui lần thứ ba”. Triệu Giản Tử nghe theo lời khuyên này, quả nhiên là cho nhân dân vui ba lần. Người con út vì mưu kế của mình mà cảm thấy cao hứng, về nhà đem chuyện này kể cho mẹ.

Người mẹ nghe xong vô cùng cảm thán mà nói: “Sau này người diệt gia tộc Phạm thị nhất định là đứa con này. Thích việc lớn hám công to mà để cho nhân dân cực khổ thì ắt sẽ không thực thi nhân nghĩa, dựa vào giả dối mà thích lừa gạt ắt sẽ không lâu dài”. Sau này quả nhiên Trí Bá thị tiêu diệt Phạm thị.

Bậc quân tử nói Phạm thị mẫu biết được nguồn gốc của tai họa. Kinh Thi có câu: “Vô thiểm nhĩ tổ, thức cứu nhĩ hậu” (Tu thân khỏi nhục tổ tiên, cháu con cứu được sống yên đời đời) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Phạm thị chi mẫu, quý đức thượng tín, tam tử tam đức, dĩ trá dữ dân, tri kỳ tất diệt, tiên năng hữu nhân, hậu quả phùng họa, thân tử quốc phân.

(Tạm dịch: Mẹ của Phạm thị xem trọng tín nghĩa, con trai út nói ba điều lợi để lừa gạt nhân dân, biết con ắt bị diệt vong, không giữ nhân nghĩa, sau quả nhiên gặp nạn, người chết nước bị diệt vong).

LỖ CÔNG THỪA TỰ

Lỗ Công Thừa tự là chị gái của Lỗ Công Thừa Tử Bì. Trong họ có người chết, người chị khóc vô cùng thương tâm. Tử Bì khuyên chị gái rằng: “Chị hãy nín đi! Em chuẩn bị gả chồng cho chị”. Sau một thời gian dài, Tử Bì không nhắc đến việc này nữa. Vua nước Lỗ chuẩn bị cho Tử Bì làm Tể tướng, Tử Bì hỏi chị gái rằng: “Vua nước Lỗ muốn em làm Tể tướng. Em có nên nhận lời không?”. Người chị nói: “Không nên nhận lời làm Tể tướng!”. Tử Bì hỏi: “Tại sao?”. Người chị trả lời: “Gặp khi có tang sự lại nói đến việc cưới gả, đây là không hiểu lễ nghĩa, sau đó lại không nhắc đến nữa, đây là không biết phải trái. Trong không hiểu lễ nghĩa, ngoài không biết phải trái, sao có thể làm Tể tướng”. Tử Bì nói: “Chị muốn lấy chồng, sao không nói sớm?”. Người chị đáp: “Việc của phụ nữ, có khởi xướng thì mới phụ họa theo. Sao chị có thể vì nguyên nhân muốn lấy chồng mà kể lể với em! Em thực sự là không hiểu lễ nghĩa, không biết phải trái. Như vậy mà làm Tể tướng, ở trên cao nhìn xuống mọi người thì dựa vào gì để cai quản! Đây giống như là bịt mắt để phân biệt trắng đen. Bịt mắt để phân biệt trắng đen còn chưa đến nỗi có tai họa gì, nhưng không biết phải trái mà làm Tể tướng, nếu như không bị trời trừng phạt thì cũng sẽ bị người mang tai họa đến. Em nhất định không được làm Tể tướng”. Tử Bì không nghe, sau nhận lời Vua nước Lỗ làm Tể tướng. Làm Tể tướng chưa được một năm, quả nhiên bị giết mà chết.

Bậc quân tử nói chị của Công Thừa Tử Bì nhìn sự việc mà biết em trai ắt sẽ gặp tai họa, có thể nói là người có trí tuệ. Đợi hợp lễ nghĩa mới hành động, không làm trái lẽ phải, đó là kiên trinh. Kinh Thi có câu: “Thác hề! Thác hề! Phong kỳ xuy nhữ. Thúc hề! Bá hề! Xướng dư hoạ nhữ (Cây kia khi nó khô cả lá, gió nó lay, lay đã chưa thôi. Đôi bên chú bác ai ơi, xướng lên ta sẽ họa lời hát theo), lại có câu: “Bách nhĩ sở tư, bất như ngã sở chi” (Ngươi suy phương kế hàng trăm, chẳng bằng sự hoàn mỹ của ta) thật đúng trong tình huống này.

Có thơ khen rằng: Tử Bì chi tỉ, duyên sự phân lý, Tử Bì tướng Lỗ, tri kỳ họa khởi, tỉ gián Tử Bì, đãi bất như chỉ, Tử Bì bất thính, tuất vi tông sỉ.

 

(Tạm dịch: Chị của Tử Bì, theo việc suy diễn, Tử Bì làm Tể Tướng, biết em gặp nạn, khuyên em đừng làm, Tử Bì không nghe, cuối cùng mang lại sự sỉ nhục cho gia tộc).

LỖ TẤT THẤT NỮ

 

Tất Thất nữ là con gái của ấp Tất Thất nước Lỗ, lỡ thời mà chưa lấy chồng. Lúc ấy, Lỗ Mục Công tuổi đã già mà Thái tử còn nhỏ tuổi.

Có một ngày, cô gái chưa chồng của ấp Tất Thất đứng dựa vào cột nhà buồn bã thở dài, người bên ngoài nghe thấy không ai là không thương cảm. Một vị phu nhân nhà hàng xóm đi ngang qua trước cửa liền hỏi rằng: “Cô vì sao mà bi ai như vậy? Có phải là muốn lấy chồng rồi không? Để tôi tìm cho cô một đức lang quân nhé!”.

Cô gái nói: “Tôi vẫn tưởng bà là người có kiến thức. Hôm nay sao lại thiếu hiểu biết như vậy! Tôi đâu phải vì bản thân không lấy được chồng mà khổ não. Tôi ưu sầu vì Lỗ Công già rồi mà Thái tử thì lại còn quá nhỏ!”.

Phu nhân nhà hàng xóm nghe xong không khỏi bật cười, nói: “Đây là việc đáng buồn của quan đại phu nước Lỗ, chứ có liên quan gì đến cô đâu!”.

Cô gái nói: “Bà nói sai rồi. Trước kia, một vị khách người nước Tấn đến ở tại nhà của tôi, ông ta buộc ngựa ở trong vườn rau nhà tôi. Không ngờ con ngựa giằng dây cương chạy loạn, dẫm đạp vườn rau xanh của nhà tôi, khiến cho tôi cả năm không có rau quỳ để ăn”.

“Con gái nhà hàng xóm bỏ trốn cùng người khác, họ lại kéo anh trai của tôi đuổi theo, không ngờ mấy ngày liền mưa dầm, nước sông tăng nhanh, anh trai trượt chân chết đuối, từ đó tôi đã mất đi anh trai”. (Dựa theo lễ xưa, con gái xuất giá, cha mẹ còn thì nghe theo cha mẹ, cha mẹ mất thì nghe theo anh em. Cô gái Tất Thất đã mất đi anh trai, khiến nàng đã đến tuổi hôn phối cũng không thể gả đi được). Tôi nghe nói nước sông có thể ngấm ướt nơi xa chín dặm, có thể từ từ làm ẩm ba trăm bước. Hiện nay, Lỗ Công đã già lại hồ đồ, nhưng Thái tử lại còn rất nhỏ. Trong nước ngu muội, quan viên dối trá sẽ dần dần nhiều lên, nước Lỗ sẽ có nạn, quân thần phụ tử đều sẽ phải chịu nhục nhã, mối họa rồi cũng sẽ đổ vào người dân vô tội. Phu nhân liệu có tránh khỏi? Cho nên tôi mới buồn bã không thôi. Phu nhân sao có thể nói điều này không có quan hệ gì với mình được?”.

Phu nhân nhà hàng xóm nghe cô gái nói như vậy, thì cúi đầu tạ lỗi: “Cô suy nghĩ chu toàn như vậy, tôi lại không hiểu mà đã thất lễ với cô”.

Ba năm sau, Lỗ quốc quả nhiên đại loạn. Hai nước Tề, Sở thừa cơ đánh vào nước Lỗ, khiến đất nước này mấy năm liền không yên ổn. Đàn ông ra tiền phương tác chiến, đàn bà ở hậu phương phụ trách cung ứng và vận chuyển vật tư, không ai có thời gian mà đi làm những công việc hàng ngày nữa, khiến việc nhà không chăm nom, nữ công không làm, ruộng thiếu người trồng trọt. Toàn bộ Lỗ quốc hiện ra cảnh tượng tiêu điều.

Bậc quân tử nói: Người con gái Tất Thất có suy nghĩ sâu xa. Kinh Thi có câu: “Tri ngã giả, vị ngã tâm ưu. Bất tri ngã giả, vị ngã hà cầu” (Hiểu lòng ta những ai đó hỡi! Ắt nói ta nghĩ ngợi sầu bi. Còn người chẳng hiểu tí chi, nói ta đang kiếm vật gì thế thôi) thật đúng trong tình huống này.

Có thơ khen rằng: Tất Thất chi nữ, kế lự thậm diệu, duy Lỗ thả loạn, ỷ trụ nhi tiếu, quân lão tự ấu, ngu bội gian sinh, Lỗ quả ưu loạn, Tề phạt kỳ thành.

(Tạm dịch: cô gái Tất Thất, suy nghĩ sâu xa, sợ nước Lỗ sắp đại loạn, dựa cột thở dài, vua già con nhỏ, ngu dốt sinh gian tà, quả nhiên nước Lỗ đại loạn, nước Tề công đánh thành của nước Lỗ).

NGỤY KHÚC ỐC PHỤ

Khúc Ốc Phụ là mẹ của quan đại phu nước Ngụy Như Nhĩ. Nước Tần lập Ngụy công tử Chính là Thái tử nước Ngụy. Phi tần mà Ngụy Ai Vương sai sứ giả đi tuyển chọn cho Thái tử vô cùng xinh đẹp. Ngụy Ai Vương bèn muốn lấy làm Phi tần của mình. Khúc Ốc Phụ nói với con trai của mình là Như Nhĩ rằng: “Ngụy Vương hôn loạn không phân biết phải trái. Tại sao con không can gián Vua? Hiện nay các nước mạnh xưng hùng, đúng là lúc biểu hiện đạo nghĩa. Hiện nay, nước Ngụy không thể lớn mạnh, Vua lại không nhân nghĩa, sao có thể giữ nước! Vua Ngụy là một người tầm thường, không biết làm như vậy sẽ có tai họa. Con mà không can gián thì nước Ngụy ắt sẽ xảy ra tai họa. Nước Ngụy có tai họa ắt sẽ gây họa đến nhà ta. Con hãy mau dâng tấu để tận lòng trung, dùng lòng trung thành để trừ bỏ tai họa, đừng để lỡ thời cơ”. Như Nhĩ chưa có thời gian để nói chuyện này thì lại phải đi sứ nước Tề. Thế là Khúc Ốc Phụ tìm đến của nhà Ngụy Vương dâng sớ tấu trình rằng: “Thiếp là Khúc ỐC, trong lòng có rất nhiều suy nghĩ, mong nói cho Đại Vương được biết”. Ngụy Vương gọi bà vào trong cung. Khúc Ốc Phụ nói: “Thiếp nghe nói nam nữ hữu biệt là lễ nghĩa lớn của quốc gia. Chí hướng của người phụ nữ mỏng manh, nội tâm kém cỏi, không được dùng tà tâm để dẫn dụ. Cho nên mới quy định 15 tuổi thì cập kê, 20 tuổi gả chồng. Một khi đã gả chồng thì danh phận cũng đã định. Có sính lễ thì tự nhiên được thân phận là vợ cả, không có sính lễ thì danh phận là vợ bé. Có quy định như vậy để phòng trừ dâm loạn. Có sính lễ, có danh phận thì có thể xuất giá, sau đó theo chồng, đây là lễ tiết của người trinh nữ. Nay Đại Vương tìm vợ cho Thái tử rồi lại chiếm làm của mình, làm như vậy là hủy hoại cái lễ tiết của người trinh nữ, làm loạn lễ tiết nam nữ hữu biệt. Các vị Vua từ xưa đến nay đều có vợ cả và các Phi tần, lấy đúng người thì sẽ hưng vượng, lấy không đúng người thì sẽ sinh loạn. Triều nhà Hạ có thể hưng vượng là vì có Đồ Sơn thị, bị diệt vong là vì có Muội Hỉ. Triều nhà Ân hưng vượng là có Hữu Sằn, diệt vong là vì có Đát Kỷ. Triều nhà Chu hưng vượng là vì có Thái Tự, diệt vong là vì có Bao Tự. Phu nhân của Chu Khang Vương do Khang Vương lên triều muộn mà làm bài Quan Thư để dự báo, làm cho Vua tỉnh ngộ, người thục nữ sánh đôi với quân tử. Chim thư cưu là một giống chim chung thủy một chồng một vợ, chưa từng sống chung với con khác. Sự kết hợp giữa nam và nữ phải tuân theo lễ nghĩa. Cha con do đó mà xuất hiện, vua tôi do đó mà thành tựu. Cho nên nói đây là sự bắt đầu của vạn vật. Vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, ba mối quan hệ này là kỷ cương lớn nhất của thiên hạ. Quản lý tốt ba mối quan hệ này thì thiên hạ có thể cai quản được. Ba mối quan hệ này mà loạn thì thiên hạ sẽ loạn. Hiện nay Đại Vương bắt đầu từ việc loạn đạo làm người, vứt bỏ kỷ cương. Hiện nay nước thù địch với chúng ta có năm sáu nước, phía nam có nước Sở hợp tung (liên minh theo chiều dọc), phía tây có nước Tần liên hoành (liên kết chiều ngang), mà nước Ngụy ở giữa có thể nói là miễn cưỡng tồn tại. Đại Vương không vì vậy mà lo lắng, lại đi loạn đạo làm người, không phân biệt nam nữ hữu biệt, cha con cùng lấy một người tiểu thiếp, e là đất nước của Đại Vương gặp nguy”. Ngụy Vương nói: “Thì ra là vậy! Quả nhân không biết!” thế là trả lại Phi tần cho Thái tử, ban cho Khúc Ốc Phụ ba mươi chung lương thực, sau khi Như Nhĩ trở về được thăng tước vị. Từ đó Ngụy Vương siêng năng tự tu dưỡng, vất vả vì đất nước. Các nước Tề, Sở và nước Tần lớn mạnh nhiều năm không dám ức hiếp nước Ngụy.

Bậc quân tử nói Ngụy Ốc Phụ hiểu lễ nghĩa.

Kinh Thi có câu: “Kính chi, kính chi, thiên duy hiển tư” (đáng kính thay, đáng kính thay, Đạo trời rất tỏ rạng) thật là đúng trong trường hợp này.

Có thơ khen rằng: Ngụy Phụ thông đạt, phi thích Ai Vương, Vương tử nạp phi, lễ biệt bất minh, Phụ khoản vương môn, trần liệt kỷ cương, Vương cải tự tu, tuất vô địch binh.

 

(Tạm dịch: Khúc Ốc thông minh, chế nhạo Ngụy Vương, Vương tử lấy vợ, lễ nghĩa không phân, Ngụy Phụ tìm gặp, kể lể cương thường, Ngụy Vương sửa chữa, đất nước trong thời gian dài không bị xâm lược).

TRIỆU TƯỚNG QUÁT MẪU

Triệu tướng Quát mẫu là vợ của danh tướng nước Triệu Mã Phục Quân Triệu Xa, là mẹ của Triệu Quát. Nước Tần công đánh nước Triệu, Triệu Hiếu Thành Vương sai Triệu Quát thay Liêm Pha làm Tướng quân. Khi sắp sửa ra quân, mẹ Triệu Quát dâng thư lên Triệu Vương, nói rằng Triệu Quát không thể làm Tướng. Triệu Vương hỏi vì sao thì mẹ Triệu Quát nói: “Xưa kia thiếp thờ cha nó. Trong thời gian cha nó làm Tướng, hạng người ông ta thân hành bưng cơm nước, cho ăn có đến hàng chục, hạng ông xem là bạn có đến hàng trăm. Đại Vương và Tôn Thất thưởng cho cái gì thì đưa tất cả cho các quân lính và sĩ phu. Ngày nhận được mệnh lệnh thì không hỏi đến việc nhà. Nay nó mới làm Tướng mà ngồi ngoảnh mặt về phía đông để đối đãi quân lính, quân lại không ai dám ngẩng lên nhìn, vàng lụa nhà Vua cho đều đem về cất ở nhà, hàng ngày xem có nhà cửa ruộng vườn gì có thể mua để kiếm lời là mua. Nhà Vua xem nó có bằng cha nó không? Cha con bụng dạ khác nhau. Xin nhà Vua chớ sai đi!”. Triệu Vương nói: “Bà không phải nói gì nữa. Quả nhân đã quyết định rồi”. Mẹ của Triệu Quát nói: “Đại Vương khăng khăng không nghe, nếu xảy ra chuyện gì thì sẽ không liên lụy đến thiếp ư?”. Triệu vương đáp: “Không liên lụy!”. Quát xuất chinh thay cho lão Tướng Liêm Pha. Hơn 30 ngày sau, quả nhiên binh lính nước Triệu bại trận, Triệu Quát bị giết, toàn quân bị tiêu diệt. Do mẹ Triệu Quát đã có lời từ trước nên Triệu Vương không giết gia tộc của Triệu Quát.

Bậc quân tử nói mẹ Triệu Quát là người nhân nghĩa lại có trí tuệ.

Kinh Thi có câu: “Lão phu quán quán, tiểu tử kiều kiều, phỉ ngã ngôn mạo, nhĩ dụng ưu hước” (Ta thành khẩn đem lời ra bảo, trẻ không tin kiêu ngạo thờ ơ, lão không tuổi tác hồ đồ, chớ đem ưu lự làm trò đùa chơi) thật là đúng trong trường hợp này

Có thơ khen rằng: “Hiếu Thành dụng Quát, đại Pha cự Tần, Quát mẫu hiến thư, tri kỳ phúc quân, nguyện chỉ bất đắc, thỉnh tội chỉ thân, Quát tử Trường Bình, thê tử đắc tồn”.

 

(Tạm dịch: Vua Hiếu Thành dùng Quát thay Liêm Pha chống quân Tần. Mẹ Quát dâng thư, biết Quát sẽ thua, mong không cho Quát làm Tướng, cuối cùng không được, lại xin được không liên can, Quát chết ở Trường Bình, vợ không bị liên lụy).