LỜI TỰA

 

Kính thưa Quý vị!

Trải qua gần một nghìn năm lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được coi là biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục và truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, hàng triệu người con Việt Nam và bạn bè quốc tế đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tỏ lòng thành kính và tri ân đối với các bậc Thánh Hiền như Khổng Tử, Chu Văn An và những vị đã có đóng góp vô cùng to lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đối với quá trình phát triển văn hóa, giáo dục của Việt Nam và của toàn nhân loại.

Những tinh hoa văn hóa mà các bậc Thánh Hiền để lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với toàn thế giới, có giá trị siêu việt không gian và thời gian. Chính vì thế, trải qua mấy nghìn năm, những lời dạy năm xưa của Khổng Lão Phu Tử, một nhà giáo dục vĩ đại – “vạn thế sư biểu” (bậc thầy của muôn đời), vẫn rất gần gũi và mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống, trong công việc và trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta hiện nay. Những lời dạy ấy chỉ cho chúng ta từng bước đi trên “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc”.

Không thể phủ nhận rằng tri thức rất cần cho sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, trong xu hướng xã hội phát triển ngày càng hiện đại với nhiều luồng văn hóa đa dạng như hiện nay, nếu chúng ta chỉ tập trung bồi dưỡng tri thức mà không chú trọng và đẩy mạnh giáo dục luân lý đạo đức thì trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, lòng người trở nên bất an, trống rỗng và đạo đức con người sẽ ngày càng xuống cấp. Nếu chúng ta muốn giáo dục trẻ nhỏ mà không lấy chính mình để làm gương, không chuyển đổi phương pháp giáo dục đạo đức từ lý thuyết đến thực hành hoặc không có chuẩn mực cụ thể đối với từng hành vi, lời nói và ý thức thì sản phẩm mà chúng ta đào tạo ra cũng sẽ không có chuẩn mực. Đó là một trong những nguyên nhân khiến việc giáo dục các thế hệ trẻ ngày nay trở thành vấn đề vô cùng khó khăn không chỉ của ngành giáo dục, của các bậc làm cha, làm mẹ, mà còn của toàn thể cộng đồng xã hội.

Để cứu vãn thực trạng này, đồng thời để khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, những giá trị đạo đức căn bản đang rất cần được chúng ta tôn vinh và khôi phục mạnh mẽ. Trong môi trường xã hội phức tạp ấy, chúng ta hãy “gạn đục khơi trong”, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa và cách nhìn đúng đắn trong vấn đề giáo dục trẻ nhỏ mà Thánh nhân đã để lại. Đây là liều vắc-xin cực mạnh giúp cho con em chúng ta có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, đảm bảo hạnh phúc cho chính chúng ta và cho những thế hệ mai sau.

Theo lời giáo huấn của Khổng Tử, giáo dục nhân cách đạo đức, nguyên tắc làm việc, làm người là những bài học đầu tiên cần được dạy cho trẻ nhỏ và phải được trẻ nhỏ thực hành mỗi ngày. Một người không được dạy dỗ nghiêm khắc và không được tiếp nhận giáo dục đạo đức theo định hướng và phương pháp đúng đắn ngay từ nhỏ thì khi trưởng thành sẽ không thể trở thành một người con hiếu thuận, sẽ không biết nghe lời, không kính trọng mọi người và sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống.

Bốn quyển “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc” (tên gọi khác “Giảng giải Đệ Tử Quy – Phép Tắc Người Con”) không chỉ nêu ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc để dạy dỗ trẻ nhỏ theo tư tưởng của Thánh Hiền mà còn chỉ ra cho chúng ta các biện pháp cụ thể để giúp con em mình hiểu đạo làm con, biết làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, biết tránh xa những tư tưởng và hành vi sai lệch, biết hiếu thuận cha mẹ và tôn kính sư trưởng, biết yêu thương anh chị em, biết học hỏi điều hay lẽ phải, biết cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, biết giữ chữ tín, nuôi dưỡng lòng chân thành và xây dựng một nền gia phong trung hậu.

“Đệ Tử Quy” là chân lý giáo dục, là thước đo giá trị phẩm hạnh và đạo đức của một con người. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở việc giáo dục trẻ nhỏ, hơn thế nữa, bộ sách này còn cung cấp cho chúng ta những kiến thức quý giá và thiết thực, giúp chúng ta tự hoàn thiện chính bản thân mình trong cuộc tu dưỡng trường kỳ của đời người.

Lịch sử Việt Nam đã ghi lại tên tuổi của nhiều bậc tài đức, những người đã tiếp nhận và kế thừa tư tưởng giáo dục của Khổng Tử như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Đó là tư tưởng dùng trí tuệ, đạo đức, “Đạo Trung Dung” và tám chữ “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ” để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chúng ta hãy tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp mà những bậc tiền bối vĩ đại đã để lại, trước là để cải thiện nhân sinh quan của cá nhân mỗi chúng ta, sau là để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định, thế giới hài hòa.

Với học thức uyên bác, lý lẽ thấu triệt, kinh nghiệm dày dặn và với một trái tim tràn đầy tình yêu thương, thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc đã chuyển tải đạo lý Thánh Hiền hết sức sinh động, tỉ mỉ thông qua nhiều câu chuyện cảm động đến tận đáy lòng. Chúng tôi tin tưởng rằng bộ sách này là cuốn cẩm nang giáo dục vô cùng quý báu đối với tất cả những ai mong muốn được đi trên con đường hạnh phúc chân thật và mỹ mãn.

Quá trình biên tập không tránh khỏi những sai lầm và thiếu sót, kính mong nhận được sự lượng thứ của Quý vị.

Ban biên tập kính bút