QUYỂN IV: TRINH THUẬN TRUYỆN

(Duy bậc Trinh thuận, theo đạo tiến lên, tránh sự hiềm nghi, chắc đúng mới nói, trọn đời một lòng, là sự tốt đẹp trong thiên hạ, chăm chỉ trong sạch, chuyên tâm cẩn thận. Các tỳ thiếp xem vào, lấy đó làm khuôn mẫu)

CHIÊU NAM THÂN NỮ

Chiêu Nam Thân Nữ là con gái của họ Thân, đã hứa gả cho nhà họ Phong. Tuy nhiên, nhà chồng lễ nghĩa không chu đáo mà đến đón dâu. Thân Nữ nói với người đến đón dâu rằng: “Trở thành vợ chồng là nguồn gốc của luân lý làm người, không thể không hợp lẽ. Tương truyền rằng: Nguồn gốc giữ cho có nề nếp không lệch lạc thì vạn vật mới có nguyên tắc, nếu bắt đầu sai một li, sau này có thể sẽ đi một dặm, cho nên mới nói dựng nên căn bản thì mới có quy củ, đầu nguồn được xử lý thì dòng nước mới trong. Việc cưới gả vốn là việc lớn dùng để nối dõi, kế thừa tổ tiên, là việc vô cùng quan trọng của tông miếu. Nhà chồng xem thường lễ nghĩa, làm trái quy định, ta không thể như vậy mà xuất giá”. Thế là không chịu về nhà chồng. Nhà chồng thưa kiện, đem bắt giam vào ngục. Nhưng cuối cùng Thân Nữ vẫn kiên quyết rằng chỉ cần một chút lễ vật chưa đầy đủ, một chút lễ nghĩa chưa hợp lý thì có chết cũng không về nhà chồng và còn làm thơ rằng: “Tuy tốc ngã ngục, thất gia bất túc” (Kiện thưa em được đã đành, lễ nghi lúc trước thi hành đủ đâu) để nói nhà chồng không chuẩn bị đầy đủ theo lễ nghi.

Bậc quân tử cho rằng Thân Nữ hiểu rõ lễ nghĩa, đạo làm vợ, cho nên bình chọn và khen ngợi, truyền bá sự tích của Thân Nữ để mọi người noi theo, từ đó ngăn chặn hành vi không lễ nghi xảy ra, phòng ngừa hành vi dâm dục tràn lan.

Lại có câu: “Tuy tốc ngã tụng, diệc bất nhữ tùng” (Kiện thưa em được đã đành, Rốt cùng về ở với anh chẳng thèm) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Chiêu Nam Thân Nữ, trinh nhất tu dung, phu lễ bất bị, chung bất khẳng tùng, yếu dĩ tất tử, toại chí ngục tụng, tác thi minh ý, hậu thế xưng tụng.

(Tạm dịch: Chiêu Nam Thân Nữ, trinh tiết chuyên nhất, nghi lễ nhà chồng không chu đáo thì không chịu về nhà chồng, cho dù có chết cũng kiên quyết đến cùng, bị nhốt trong ngục, làm thơ nói rõ chí hướng, được đời sau ca tụng).

TỐNG CUNG BÁ CƠ

Bá Cơ là con gái của Lỗ Tuyên Công, là em gái của Thành Công. Khi mẹ của Bá Cơ là Mục Khương đem Bá Cơ gả cho Tống Cung Công, Cung Công không đích thân đến đón dâu, cha mẹ Bá Cơ thúc ép nên đành về nhà chồng. Khi đến nước Tống, ba tháng sau cử hành nghi thức ở tông miếu, do Cung Công không đích thân đón dâu nên Bá Cơ không chịu nghe theo sự sắp xếp. Người Tống đem chuyện này nói với nước Lỗ. Nước Lỗ sai Đại phu Quý Văn Tử đến nước Tống truyền đạt ý chỉ của nước Lỗ. Sau khi trở về, Lỗ Công khoản đãi Quý Văn Tử, Mục Khương từ trong phòng đi ra hai lần hành lễ rồi nói: “Đại phu không từ gian khổ đường xa, đưa con gái ta đi lấy chồng, không quên Tiên Vương và con cháu của ta. Nếu ở dưới đất mà biết được, Tiên Vương nhất định sẽ thấy được là Đại phu không phụ lòng kỳ vọng của Tiên Vương. Một lần nữa cảm tạ đại phu, đại phu vất vả rồi”.

Bá Cơ gả cho Tống Cung Công được mười năm sau thì Cung Công chết, Bá Cơ ở góa. Đến đời Cảnh Công, ban đêm nơi Bá Cơ ở xảy ra hỏa hoạn, người tùy tùng nói: “Phu nhân hãy ra ngoài để tránh hỏa hoạn!”. Bá Cơ nói: “Theo phép tắc của người phụ nữ, khi không có bảo mẫu, phó mẫu thì ban đêm không được ra ngoài, đợi họ đến hẵng hay”. Khi bảo mẫu đến, phó mẫu chưa đến, người tùy tùng lại nói: “Phu nhân hãy ra ngoài tránh hỏa hoạn!”. Bá Cơ nói: “Theo phép tắc của người phụ nữ, khi không có phó mẫu thì ban đêm không được ra ngoài, vượt qua lễ nghĩa để được sống, không bằng giữ vững lễ nghĩa mà chết” và cuối cùng bị chết cháy.

Kinh Xuân Thu có ghi chép tường tận chuyện này để ca ngợi Bá Cơ, cho rằng người phụ nữ lấy sự trinh tiết để hành động. Bá Cơ có thể nói là hoàn toàn giữ vững chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ. Vào thời đó, các nước chư hầu biết được chuyện này không ai là không đau đớn tưởng niệm Bá Cơ, đồng thời cho rằng người chết rồi thì không thể sống lại, nhưng tiền tài thì có thể có lại được. Cho nên các nước chư hầu cùng tụ tập ở Thiền Uyên, trả lại cho nước Tống những gì nước Tống mất.

Kinh Xuân Thu khen ngợi sự việc này. Bậc quân tử nói: Lễ nghĩa có nói: “Người phụ nữ khi không có phó mẫu ở bên cạnh thì ban đêm không được ra ngoài, khi ra ngoài phải đốt đèn chiếu sáng”.

Kinh Thi có câu: “Thục thận nhĩ chỉ, bất khiên vu nghi” (Dung mạo cử chỉ thì kính cẩn, uy nghi không lầm lẫn mảy may) có thể nói là Bá Cơ không đánh mất lễ nghi.

 

Có thơ khen rằng: Bá Cơ tâm chuyên, thủ lễ nhất ý, cung dạ thất hỏa, bảo phó bất bị, đãi hỏa nhi tử, quyết tâm mị hối, Xuân Thu hiền chi, tường lục kỳ sự.

(Tạm dịch: Bá Cơ chuyên tâm, một lòng giữ lễ. Khi cung điện bị cháy trong đêm, bảo mẫu, phó mẫu không có mặt, Bá Cơ bị chết cháy nhưng lòng không hối hận. Kinh Xuân Thu ca ngợi, ghi chép tường tận sự việc này).

VỆ QUẢ PHU NHÂN

Vệ Quả Phu Nhân là con gái của Vua nước Tề, bà được gả cho nước Vệ. Khi đến cổng thành nước Vệ thì Vua nước Vệ qua đời. Bảo mẫu nói: “Theo tình hình hiện nay thì chúng ta có thể quay về”. Con gái Vua nước Tề không nghe theo, thế là đến nước Vệ và kiên trì chịu tang Vua nước Vệ ba năm. Hết thời gian chịu tang, em trai của Vua nước Vệ lên ngôi, thỉnh cầu rằng: “Nước Vệ là nước nhỏ, không thể có hai bếp, mong rằng chúng ta có thể ở cùng nhau”. Phu nhân nói: “Chỉ có vợ chồng mới có thể ở cùng nhau”. Trước sau cũng không chấp thuận lời thỉnh cầu. Vì thế, Vua nước Vệ sai người đem việc này báo cho anh em của phu nhân. Anh em của phu nhân đều mong phu nhân có thể lấy vị Vua sau này của nước Vệ, nên sai người đến nói rõ ý muốn này, nhưng rốt cuộc phu nhân không nghe theo ý muốn của anh em và làm thơ rằng: “Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã. Ngã tâm phỉ tịch, bất khả quyển dã” (Lòng ta chẳng phải đá xanh, cho nên chẳng thể đổi quanh chuyển dời. Lòng ta chẳng phải chiếu ngồi, cho nên chẳng thể xếp rồi cuốn quanh). Khốn khổ mà không nhận sự thương hại, vất vả mà không bừa bãi, sau đó mới có thể đạt được lý tưởng của mình, ý nói không đánh mất chữ tín, sau mới có thể qua được cửa ải khó khăn.

Kinh Thi có câu: “Uy nghi đệ đệ, bất khả tuyển dã” (Uy nghi thuần thục rành rành, nhưng không được chọn phải đành thế thôi). Ý nói bên cạnh không có hiền thần mà chỉ có người thuận theo ý của Vua.

Bậc quân tử ca ngợi phu nhân là người trinh tiết chuyên nhất, cho nên đem tích này biên vào Kinh Thi.

Có thơ khen rằng: Tề nữ giá Vệ, quyết chí thành môn, công hoăng bất phản, toại nhập tam niên, hậu quân dục đồng, nữ chung bất hỗn, tác thi cơ thích, tuất thủ tử quân.

(Tạm dịch: Con gái Vua nước Tề được gả cho Vua nước vệ. Khi đến cổng thành thì vua Vệ qua đời nhưng không về mà ở lại chịu tang ba năm. Vua kế nhiệm muốn cùng sống chung, phu nhân không chấp nhận, làm thơ châm biếm, cả đời thủ tiết).

THÁI NHÂN CHI THÊ

Vợ người họ Thái là con gái của người họ Tống, được gả cho người họ Thái, nhưng chồng bị bệnh khó chữa, mẹ nàng muốn nàng tái giá. Nàng nói: “Chồng con bất hạnh cũng là sự bất hạnh của con. Sao con có thể bỏ chàng? Đường đường chính chính lấy chồng, một khi cử hành nghi thức thì cả đời không được tái giá. Nay chồng con bất hạnh mà thân mang bệnh khó chữa, con càng không nên thay đổi tâm ý. Vả lại hái cỏ phù dĩ, cho dù có mùi hôi nhưng vẫn hái, để trong vạt áo, ôm ấp trong lòng mà trở nên thân thiết, huống hồ là đạo vợ chồng? Chàng không có vấn đề gì to lớn, lại không muốn bỏ con. Sao có thể bỏ chàng được?”. Rốt cuộc cũng không nghe theo lời của mẹ. Thế là làm bài thơ Phù Dĩ.

Bậc quân tử nói: “Chí hướng của người con gái họ Tống vô cùng trinh tiết và chung thủy”.

Có thơ khen rằng: Tống nữ chuyên tịnh, trì tâm bất khuynh, phu hữu ác tật, ý do nhất tinh, mẫu khuyên khứ quy, tác thi bất thính, Thái nhân mỹ chi, dĩ vi thuận trinh.

(Tạm dịch: Người con gái họ Tống chuyên tâm yên tịnh, giữ vững đạo làm vợ không thay lòng. Chồng có bệnh khó chữa, chí hướng của vợ vẫn chuyên nhất không thay đổi. Mẹ khuyên bỏ chồng mà về nhưng người con gái họ Tống làm thơ không nghe theo. Gia tộc họ Thái ca ngợi, khen nàng là người trinh tiết).

LÊ TRANG PHU NHÂN

Lê Trang phu nhân là con gái của Vua nước Vệ, là vợ của Lê Trang Công. Sau khi được gả cho Lê Trang Công thì họ không có cùng chung cách nghĩ, chí hướng cũng khác nhau, cho nên cảm thấy vô cùng không như ý. Phó mẫu xót thương bà là người hiền tài nhưng Lê Trang Công lại không chấp nhận bà, thương bà không được như ý, lại sợ do đó sẽ bị đuổi đi mà không kịp thời quay về nhà nên nói với bà rằng: “Đạo vợ chồng, có nghĩa thì ở với nhau, không có nghĩa thì rời xa. Hiện nay phu nhân vô cùng không như ý. Tại sao không bỏ đi?” và làm thơ rằng: “Thức vi! Thức vi! Hồ bất quy?” (Suy vi rày đã suy vi! Trở về sao chẳng chịu đi cho rồi?). Bà đáp rằng: “Đạo làm vợ là chỉ thờ một chồng. Tuy chồng ta đối xử với ta không tốt, không chấp nhận ta. Ta sao có thể bỏ qua đạo làm vợ!” và làm thơ rằng: “Vi quân chỉ cố, hồ vi hồ trung lộ? (Nếu không vì nghĩa Vua – tôi, sao cam chịu ướt lắm hồi móc sương?), cuối cùng vẫn kiên quyết thủ tiết chung thủy không đổi thay, không làm trái với đạo làm vợ, hầu hạ chồng.

Bậc quân tử làm thơ kể về câu chuyện này.

 

Có thơ khen rằng: Lê Trang phu nhân, chấp hành bất suy. Trang Công bất ngộ, hạnh tiết phản quai, phó mẫu khuyên khứ, tác thi thức vi, phu nhân thủ nhất, chung bất khẳng quy.

(Tạm dịch: Lê Trang phu nhân giữ vững đạo làm vợ. Trang Công không chấp nhận phu nhân, thì hành vi của phu nhân lại càng hòa thuận. Phó mẫu khuyên bà bỏ đi, bà làm bài thơ Thức Vi, kiên quyết chỉ thờ một chồng, rốt cuộc cũng không chịu bỏ đi).

TỀ HIẾU MẠNH CƠ

Mạnh Cơ là con gái lớn của người họ Hoa, là vợ của Tề Hiếu Công. Bà là người thích lễ nghĩa, trinh tiết chung thủy, đã quá tuổi mà chưa lấy chồng. Nước Tề có người cầu hôn nhưng lễ không đầy đủ chu đáo, cho nên cuối cùng bà không chấp thuận. Chỉ cần có mặt nam giới là bà không bao giờ nói chuyện bên ngoài. Bà xa lánh nam giới để tránh hiềm nghi, thị phi. Người nước Tề hầu như không có ai đầy đủ lễ để cầu hôn với bà. Người nước Tề ca ngợi bà trinh tiết hiếu thuận. Sau khi Tề Hiếu Công biết được bèn theo lễ nghi mà chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đích thân đến nhà họ Hoa để đón dâu. Cha mẹ tiễn con đi lấy chồng không ra khỏi cửa, mẹ ở phòng lễ, chỉnh sửa quần áo và giầy dép cho bà rồi dặn dò bà rằng: “Nhất định phải cung kính, cẩn thận, không được làm trái những việc trong cung”. Cha đứng ở bậc thềm phía đông dặn dò bà rằng: “Nhất định phải cần cù làm việc sớm tối, không được làm trái lệnh trời. Nếu như xảy ra tình trạng làm trở ngại lệnh Vua, nhất định không được trái với lễ nghĩa mà phải thuận theo”. Các bậc bề trên đứng hai bên bậc thềm dặn dò bà rằng: “Cho dù là sớm tối cũng không được có lỗi lầm, không được quên lời cha mẹ dặn dò”.

Hiếu Công đích thân đến đón bà, Mạnh Cơ nhiều lần quay đầu lại nhìn cha mẹ, sau đó mới ra khỏi nhà. Hiếu Công đưa dây nắm để lên xe cho Mạnh Cơ, tự mình đánh xe chạy quanh ba vòng, sau khi quay đầu nhìn Mạnh Cơ mới đánh xe ra về, và đón bà vào cung, ba tháng sau diện kiến ở tông miếu, cúng bái tổ tiên, sau đó tiến hành đạo vợ chồng.

Sau khi sống với nhau một thời gian dài, Tề Hiếu Công đi du ngoạn ở Lang Nha, Hoa Mạnh Cơ đi theo, xe chạy nhanh khiến Mạnh Cơ ngã xuống, xe hỏng. Hiếu Công sai xe bốn ngựa kéo chở Mạnh Cơ về. Mạnh Cơ bảo người đánh xe hạ màn che xuống, lại bảo phó mẫu nói với sứ giả rằng: “Vương phi ra ngoài nhất định phải ngồi xe An Xa (một loại xe ngựa ngồi được dành cho các quan cao cấp cao tuổi và các quý bà), lên xe ra ngoài nhất định phải có phó mẫu, bảo mẫu đi theo, phải đeo vòng ngọc, ngọc bội phát ra tiếng kêu. Khi ở trong nhà thì trang phục nghiêm chỉnh, ở bên ngoài nơi hoang dã nhất định phải có màn che, dùng những thứ này để tâm tư được chuyên chính mà ý chí chuyên nhất, làm tâm tư bớt phóng túng mà kiểm soát ý chí. Hiện nay xe ngựa đứng không có màn che, điều này ta không dám chấp nhận. Ở nơi hoang dã mà không có người tùy tùng, đây là nơi không thể ở lâu. Hai điều này thật sự là quá thất lễ rồi. Nếu như không có lễ nghĩa mà tìm sự sống chi bằng chết sớm cho rồi”. Sứ giả nghe xong vội cấp báo với Tề Hiếu Công và lập tức đổi xe An Xa cho bà. Đến khi quay lại thì Mạnh Cơ đã treo cổ tự vẫn nhưng may mắn được phó mẫu cấp cứu mới không chết. Phó mẫu nói: “Sứ giả đã đến, xe có màn che đã chuẩn bị xong”. Sau khi Mạnh Cơ tỉnh lại mới lên xe trở về.

Bậc quân tử nói Mạnh Cơ tuân thủ lễ nghi. Yêu cầu của lễ nghi: Phụ nữ ra khỏi nhà nhất định phải ngồi xe có màn che, quần áo mặc nghiêm chỉnh. Đã lấy chồng, khi về nhà thăm bố mẹ chỉ được hỏi thăm chị em gái, không được hỏi thăm anh em trai. Như vậy dùng để thể hiện nam nữ hữu biệt.

Kinh Thi có câu: “Bỉ quân tử nữ, trù trực như phát” (Con gái nhà tiếng tăm sang trọng, mái tóc đen trơn bóng xinh tươi) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Mạnh Cơ hiếu lễ, chấp tiết thậm công, tị hiềm viễn biệt, chung bất dã dung, tải bất bính thừa, phi lễ bất tòng, quân tử gia yên, tự cổ quả đồng.

(Tạm dịch: Mạnh Cơ thích lễ nghĩa, giữ lễ phép vô cùng công chính, kiên quyết tránh hiềm nghi, trước sau không làm điều diêm dúa lẳng lơ, ra ngoài không đi cùng xe, những việc không hợp lễ nghi thì kiên quyết không nghe theo. Bậc quân tử khen ngợi, xưa nay ít người sánh bằng).

TỨC QUÂN PHU NHÂN

Phu nhân, là vợ của Tức Quân. Nước Sở thảo phạt nước Tức. Sau khi đánh được, bèn bắt Tức Quân, sai giữ cổng thành và phu nhân bị nạp vào cung nước Sở. Nhân khi Sở Vương xuất cung du ngoạn, phu nhân lén đến gặp Tức Quân, nói: “Cả đời chỉ có một lần chết, hà cớ tự đày đọa mình! Thiếp không cầu an bình mà phải quên đi Ngài, càng không muốn cái tiếng một đời thờ hai chồng. Khi sinh ra là tách khỏi đất trời, há chẳng phải chết đi sẽ toại ý quay về sao!”, sau lại viết một bài thơ: “Cốc tắc dị thất, tử tắc đồng huyệt. Vị dư bất tín, hữu như kiểu nhật” (Sống thì chẳng đặng một nhà, thác mong một huyệt để mà gần nhau. Anh rằng: “Anh chẳng tin đâu!”. Em thề: “Trong trắng khác nào thái dương”).

Tức Quân cản lại, phu nhân không nghe mà tự sát, rồi Tức Quân cũng tự sát theo. Sở Vương về, cảm khái phu nhân thủ tiết hữu nghĩa, lấy lễ chư hầu mà hợp táng.

Bậc quân tử nói phu nhân vui với việc hành thiện, cho nên đã đem sự tích ghi vào trong Kinh Thi. Nhân nghĩa có thể cảm động bậc quân tử, lợi ích có thể kích động kẻ tiểu nhân. Tức Quân phu nhân không vì lợi mà bị kích động.

Kinh Thi có câu: “Đức âm mạc vi, cập nhĩ đồng tử” (Tiếng thơm chẳng dám trái nào, với chàng cùng chết theo nhau một lòng), chính là ý đó vậy.

Có thơ khen rằng: Sở lỗ Tức Quân, nạp kỳ thích phi, phu nhân trì cố, di cửu bất suy, tác thi đồng huyệt, tư cố vong tân, toại tử bất cố, liệt ư trinh hiền.

(Tạm dịch: Sở bắt Tức Quân, chuẩn bị chiếm vợ, phu nhân kiên quyết, bền lâu không đổi, làm thơ chứng minh, cùng chết với chồng, chung với tình cũ, có chết cũng cam, liệt vào sử sách).

TỀ KỶ LƯƠNG THÊ

Tề Kỷ Lương thê là vợ của Kỷ Lương Thực nước Tề. Khi Tề Trang Công đánh lén nước Cử, Kỷ Lương Thực đánh trận mà chết. Khi Trang Công quay về, gặp vợ của Kỷ Lương bèn sai sứ giả phúng điếu giữa đường. Vợ Kỷ Lương nói: “Nếu như Thực có tội thì sao lại để Vua chịu nhục đến phúng điếu. Còn nếu như Thực không có tội thì nhà tôi có căn nhà nhỏ rách nát của Tổ tiên, tôi không thể cùng mọi người phúng điếu ở nơi hoang dã này”. Thế là Trang Công bèn quay xe đích thân đến nhà của bà, sau khi phúng điếu theo nghi lễ mới rời đi. Vợ của Kỷ Lương không có con cái, trong ngoài không có họ hàng thân thích. Bà đã không còn nhà để về. Sau khi nhận thi thể của chồng xong, bà bèn khóc lớn dưới chân thành. Tiếng khóc phát ra từ sự chân thành trong lòng làm cảm động lòng người. Người qua đường không ai là không vì tiếng khóc của bà mà nhỏ lệ. Sau khi bà khóc mười ngày thì tường thành vì đó mà đổ sụp. Đến khi an táng, vợ Kỷ Lương nói: “Từ nay về sau ta đi về đâu? Người phụ nữ nhất định phải có chỗ dựa, khi cha còn thì dựa vào cha, chồng còn thì dựa vào chồng, con còn thì dựa vào con. Hiện nay ta trên không còn cha, giữa không còn chồng, dưới thì không có con. Trong không có người thân để nương tựa, để thấy sự chân thành của ta, bên ngoài không có chỗ nương tựa để lập cái chí của ta. Ta nào dám thay đổi mà có hai lòng nên chỉ có cái chết mà thôi”, thế là nhảy xuống sông Truy Thủy tự vẫn.

Bậc quân tử nói vợ Kỷ Lương trinh tiết mà biết lễ nghĩa.

Kinh Thi có câu: “Ngã tâm thương bi, liêu dữ tử đồng quy” (Lòng ta cứ mãi ưu sầu, nguyện cùng về để đưa nhau) chính là ý đó vậy.

Có thơ khen rằng: Kỷ Lương chiến tử, kỳ thê thu táng, Tề Trang đạo điếu, tị bất cảm đương, khốc phu ư thành, thành vi chi băng, tự dĩ vô thân, phó Truy nhi hoăng.

(Tạm dịch: Kỷ Lương chết trận, vợ lo mai táng. Trang Công phúng điếu giữa đường, vợ tránh không nhận, khóc chồng dưới thành, thành cũng sụp đổ, tứ cố vô thân, trầm mình sông Truy).

SỞ BÌNH BÁ DOANH

Bá Doanh là con gái của Tần Mục Công, là vợ của Sở Bình Vương, mẹ của Sở Chiêu Vương. Vào thời Chiêu Vương, nước Sở và nước Ngô đánh nhau ở đất Cử. Nước Ngô chiến thắng nước Sở, tiến vào Dĩnh Đô của nước Sở, Chiêu Vương phải lưu vong. Ngô Vương Hạp Lư muốn toàn bộ Phi tần ở hậu cung nước Sở thành Phi tần của mình. Khi đến lượt Bá Doanh thì Bá Doanh tay cầm dao sắc nói: “Thiếp nghe nói: Thiên tử là tấm gương sáng của thiên hạ, công hầu là biểu tượng của đất nước. Thiên tử mất đi tiết chế thì thiên hạ sẽ đại loạn, chư hầu mất đi tiết chế thì đất nước nguy cơ. Đạo vợ chồng vốn là sự khởi đầu của nhân luân, sự mở đầu của Vương giáo. Do đó, để xác định chế độ của Tiên Vương, để nam nữ thụ thụ bất thân, ngồi không cùng một chiếu, ăn không cùng mâm, cho dù là hình cụ cũng không giống nhau, khăn lược cũng không giống nhau, do đó mà soạn ra những quy định này. Nếu chư hầu ở bên ngoài dâm loạn thì sẽ để cho họ tuyệt tự, khanh đại phu dâm loạn thì sẽ bị lưu đày, thứ dân dâm loạn ở bên ngoài thì hình phạt là bị thiến.

 

Cho nên như vậy, bởi vì mất Nhân có thể lấy Nghĩa để bổ cứu, mất Nghĩa có thể lấy Lễ để bổ cứu. Cái lễ giữa nam nữ bị mất thì nhất định sẽ xảy ra cái họa vong loạn. Người tạo ra loạn lạc nếu là Công hầu thì sẽ bị tuyệt tự, sẽ bị Thiên tử diệt trừ. Hiện nay, Đại Vương có hành vi vứt bỏ biểu tượng của đất nước, phóng túng sẽ xảy ra loạn lạc, làm ra cái việc bị diệt trừ mà tuyệt tự, sao có thể ban bố sắc lệnh để khuyên răn nhân dân. Huống hồ thiếp nghe nói sống mà bị nhục không bằng chết mà vinh quang. Nếu như Đại Vương vứt bỏ cái trách nhiệm làm biểu tượng cho đất nước thì Đại Vương dựa vào cái gì để đối mặt với đất nước của mình. Nếu như thiếp có mầm mống dâm loạn thì không thể sống trên đời này. Cho nên, hành động này của Đại Vương sẽ xảy ra hai loại sỉ nhục. Thiếp nhất định sẽ lấy cái chết để thủ tiết, quyết sẽ không nghe theo sự sắp xếp của Đại Vương. Vả lại, người muốn dâm loạn với thiếp, chẳng qua chỉ vì muốn vui vẻ, nên chỉ cần Đại Vương gần đến thiếp là thiếp sẽ tự vẫn. Thiếp chết rồi thì Đại Vương được vui vẻ nỗi gì? Nếu như giết chết thiếp trước thì điều này cũng có ích gì đối với Đại Vương?”. Nghe đến đây, Ngô Vương cảm thấy hổ thẹn, thế là lùi ra. Bá Doanh và bảo mẫu đóng chặt cửa cung Vĩnh Hạng. Ba mươi ngày sau, cứu binh của nước Tần đến, Chiêu Vương lại trở về nước Sở.

Bậc quân tử nói Bá Doanh dũng cảm lại chung thủy.

Kinh Thi có câu: “Mạc mạc cát lũy, dị vu điều mai, khải đễ quân tử, cầu phúc bất hồi” (Dây sắn dây bìm dầy đặc, quấn thân cành cây khắc khắc nơi, Vua thì dễ dãi vui tươi, chẳng hề tà vạy phúc trời cầu mong) chính là ý đó vậy.

Có thơ khen rằng: Hạp Lư thắng Sở, nhập quyết cung thất, tận thê hậu cung, mạc bất chiến lật, Bá Doanh tự thủ, kiên cố chuyên nhất, quân tử mỹ chi, dĩ vi hữu tiết.

(Tạm dịch: Hạp Lư thắng Sở, tiến vào trong cung, chiếm hết hậu cung, ai cũng sợ hãi. Bá Doanh giữ tiết, kiên quyết thủy chung, người đời ca ngợi, khen có chí khí).

 

SỞ CHIÊU TRINH KHƯƠNG

 

Trinh Khương là con gái của Tề Hầu, là phu nhân của Sở Chiêu Vương. Sở Vương ra ngoài du ngoạn, để phu nhân ở lại cái đài trên sông mà đi. Khi Sở Vương nghe nói nước sông dâng cao, bèn sai sứ giả đi đón phu nhân, nhưng sứ giả quên mang phù tiết (vật làm tin). Sau khi sứ giả tới, mời phu nhân đi, phu nhân đáp: “Đại Vương có giao ước là khi hạ lệnh đối với người trong cung, khi gọi người trong cung thì nhất định phải có phù tiết. Hiện nay sứ giả đến mà không có phù tiết, ta không dám tùy tiện theo sứ giả”. Sứ giả nói: “Hiện nay nước sông dâng cao, nếu quay về lấy phù tiết thì e là không kịp”. Phu nhân đáp: “Ta nghe nói cái nghĩa của người con gái trinh tiết là không vi phạm giao ước, người dũng cảm thì không sợ chết, đó là vì giữ gìn sự chung thủy mà thôi. Ta biết là nếu theo sứ giả thì sẽ được sống, ở lại đây thì sẽ bị chết chìm. Nhưng vứt bỏ giao ước mà vượt qua lễ nghĩa mà được sống chẳng thà ở lại mà bị chết”. Thế là sứ giả đành phải quay về lấy phù tiết. Sau khi quay lại thì nước sông dâng cao, cái đài trên sông bị nước xô đổ, phu nhân bị chết đuối. Sở Vương nói: “Giữ vững nhân nghĩa, vì tiết tháo mà chết, không cẩu thả mà cầu được sống, kiên quyết giữ giao ước mà giữ chữ tín, để làm trọn trinh tiết”. Thế là ban cho tên là Trinh Khương.

Bậc quân tử nói Trinh Khương có tiết khí của người phụ nữ.

Kinh Thi có câu: “Thục nhân quân tử, kỳ nghi bất thắc” (Hiền nhân quân tử những người, uy nghi đứng đắn đời đời chẳng sai) là nói về điều này.

Có thơ khen rằng: Sở Chiêu xuất du, lưu Khương tiệm đài, giang thủy đại chí, vô phù bất lai, phu nhân thủ thiết, lưu tử bất nghi, quân tử tự yên, thượng phối Bá Cơ.

(Tạm dịch: Sở Vương du ngoạn, để Trinh Khương ở tiệm đài. Nước sông dâng cao, không tín vật không đi, phu nhân giữ tiết, chết đuối cũng không sợ. Bậc quân tử liệt vào cùng hàng với Bá Cơ).

SỞ BẠCH TRINH CƠ

Trinh Cơ là vợ của Sở Bạch Công Thắng. Sau khi Bạch Công Thắng chết, vợ ở nhà dệt vải mà không tái giá. Ngô Vương nghe nói nàng đẹp lại đức hạnh bèn sai đại phu dùng hai ngàn lượng vàng và một đôi ngọc trắng làm sính lễ, dùng ba mươi cỗ xe để đón nàng, muốn cưới nàng làm phu nhân. Đại phu đưa sính lễ, vợ của Bạch Công Thắng từ tạ mà nói: “Khi Bạch Công còn sống, thiếp may mắn được sống trong hậu cung của chàng để quét nhà, quản lý quần áo, lau chùi giường ghế cho chàng, trở thành vợ của chàng. Bạch Công không may qua đời, thiếp nguyện sống cạnh mộ chàng đến hết đời. Hiện nay, Đại Vương lấy vàng ngọc làm sính lễ. Vị trí phu nhân tôn quý không phải là vị trí của kẻ ngu muội như thiếp. Hơn nữa, vứt bỏ Nghĩa mà thuận theo dục vọng là một hành vi ô nhục; thấy lợi quên nghĩa là hành vi tham lam. Một người tham lam ô nhục, Đại Vương sẽ xem như thế nào! Thiếp từng nghe nói: Trung thần không mượn sức của người khác, trinh nữ không đem sắc đẹp để quyến rũ người khác, không chỉ hầu hạ người sống như vậy, người chết rồi cũng phải như vậy. Thiếp đã không nhân nghĩa, không thể chết theo Bạch Công, hiện nay lại đi lấy người khác, chẳng phải là quá đáng lắm sao!”. Thế là từ chối không nhận sính lễ. Ngô Vương do nàng thủ tiết có nghĩa, nhận thấy rằng nàng là người hiền tài, nên ban cho nàng tên là Sở Trinh Cơ.

Bậc quân tử nói Trinh Cơ liêm khiết lại thành tín. Như vậy xem ra, gánh nặng đường xa, lấy việc giữ nhân nghĩa làm trách nhiệm của mình. Chẳng phải là vô cùng quan trọng sao! Quyết làm đến cùng, chẳng phải là suy nghĩ sâu xa sao!

Kinh Thi có câu: “Bỉ mỹ Mạnh Khương Đức âm bất vong” (Mạnh Khương đẹp đẽ xiết bao! Lời nàng đức hạnh, ta nào lại quên) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Bạch Công chi thê, thủ quả phưởng tích, Ngô Vương mỹ chi, sính dĩ kim bích, thê tháo cố hạnh, tuy tử bất dịch, quân tử đại chi, mỹ kỳ gia tích.

(Tạm dịch: Vợ của Bạch công, ở góa dệt vải, Ngô Vương biết tiếng, sính lễ vàng ngọc, thủ tiết thờ chồng, chết không thay đổi, người đời kính trọng, ca ngợi đức hạnh).

VỆ TÔNG NHỊ THUẬN

Hai người vợ sống hòa thuận của Vệ Tông Thất Linh Vương là phu nhân và người thiếp họ Phó. Tần diệt nước Vệ, phong cho Vệ Linh Vương làm thế gia, để cúng bái tổ tiên nước Vệ. Sau khi Linh Vương mất, phu nhân không có con, ở góa. Người thiếp họ Phó có một người con trai nối dõi tông đường. Người thiếp họ Phó hầu hạ phu nhân tám năm không mảy may thay đổi, cung phụng vô cùng chăm chỉ nghiêm túc. Phu nhân nói với người thiếp họ Phó rằng: “Em hầu hạ ta vô cùng chăm chỉ, con trai thì đảm trách việc thờ cúng mà em thì hầu hạ ta, ta không có gì để chiếu cố em và con. Huống hồ ta nghe nói mẹ của chủ nhân không nên lấy thân phận thê thiếp để hầu hạ người khác. Hiện nay ta không có con trai, theo Lễ mà nói, xem như là người bị khiển trách phế truất, mà lại được ở lại để thủ tiết thờ chồng, là sự may mắn lớn của ta. Hiện nay lại phiền em hầu hạ ta như trước không thay đổi, trong lòng ta vô cùng hổ thẹn, ta nguyện ra bên ngoài ở, định kỳ gặp mặt một lần, như vậy ta cũng yên lòng”.

Người thiếp họ Phó khóc lóc mà đáp rằng: “Phu nhân muốn cả nhà Vệ Linh gặp ba điều bất hạnh hay sao? Linh Vương không may mất sớm là bất hạnh thứ nhất; Phu nhân không có con trai mà thê thiếp có con trai là điều bất hạnh thứ hai; Hiện nay phu nhân muốn ra ngoài ở, để em vào trong ở, chẳng phải là điều bất hạnh thứ ba sao? Em nghe nói người trung lương hầu hạ Vua, không có lúc buông lơi mệt mỏi. Hiếu tử phụng dưỡng người thân thì thường lo lắng ngày không còn dài. Em thân là tiểu thiếp sao dám dùng sự cao quý của con trai để thay đổi tiết tháo của mình? Hầu hạ vốn là trách nhiệm của em. Phu nhân sao lại mất công suy nghĩ?”.

Phu nhân nói: “Người không có con trai lại làm cho mẹ của chủ nhân chịu nhục, tuy em nghĩ như vậy, người khác sẽ nói ta không biết lễ nghĩa. Rốt cuộc ta vẫn quyết định ra ngoài ở”. Người thiếp họ Phó lùi ra rồi nói với con trai mình rằng: “Mẹ nghe nói bậc quân tử thuận theo, cung kính gìn giữ lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tu dưỡng phép tắc của tiên tổ, đây là thuận theo đạo. Hiện nay, phu nhân làm khó cho mẹ, muốn ở bên ngoài để cho mẹ ở bên trong, như vậy là hành vi ngược với phép tắc, sống ngược không bằng giữ phép tắc mà chết” thế là muốn tự tử. Người con trai khóc lóc không cho mẹ tự tử. Phu nhân biết được việc này thì cảm thấy sợ hãi. Thế là đồng ý cho người thiếp họ Phó ở bên ngoài. Sau này, người thiếp họ Phó tận tụy hầu hạ quanh năm mà không suy giảm.

Bậc quân tử nói hai người phụ nữ nhường nhau, như bậc quân tử thành thật, có thể nói là đức hạnh hình thành ở bên trong, mà tên tuổi lưu lại hậu thế.

Kinh Thi có câu: “Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã” (Lòng ta chẳng phải đá xanh, cho nên chẳng thể đổi quanh chuyển dời) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Vệ Tông Nhị Thuận, chấp hành hàm cố, thiếp tử tuy đại, cung dưỡng như cố, chủ phụ tàm nhượng, thỉnh cầu xuất xá, chung bất khẳng thính, lễ thậm nhàn hạ.

(Tạm dịch: Vệ Tông Nhị Thuận, đều giữ lễ nghĩa, tuy con trai người thiếp thay thế vị trí, nhưng người thiếp vẫn hầu hạ như xưa. Phu nhân hổ thẹn, xin ra ở bên ngoài, người thiếp không nghe, hầu hạ theo lễ).

LỖ QUẢ ĐÀO ANH

Đào Anh là con gái của Đào môn nước Lỗ. Khi còn rất trẻ đã là quả phụ, nuôi nấng đứa con thơ mồ côi cha, không có anh em trai quán xuyến việc gia đình, lấy dệt vải làm nghề nuôi thân. Người nước Lỗ nghe danh nàng là người có nghĩa bèn cầu hôn với nàng. Đào Anh nghe xong sợ không tránh khỏi phiền phức bèn làm thơ thể hiện rằng mình sẽ không thay đổi ý chí. Trong thơ nàng có nói: “Bi hoàng hộc chi tảo quả hề, thất niên bất song, uyển cảnh độc túc hề, bất dữ chúng đồng, dạ bán bi minh hề, tưởng kỳ cố hùng, thiên mệnh tảo quả hề, độc túc hà thương. Quả phụ niệm thử hề, khấp hạ số hàng. Ô hô bi hề, tử giả bất khả vong. Phi điểu thượng nhiên hề, huống ư trinh lương. Tuy hữu hiền hùng hề, chung bất trùng hành” (Chim hoàng hộc sớm ở góa đau thương biết bao, bảy năm không cùng chim trống sánh đôi, thui thủi sống một mình, không muốn tụ tập với những con hoàng hộc khác. Ban đêm kêu lên những tiếng bi thương, để thương nhớ con chim trống đã chết. Trời xanh định trước số mệnh đơn côi, cho dù có sống một mình thì có gì đáng buồn. Mỗi lần quả phụ nghĩ đến điều này, lệ thành dòng hai hàng tuôn rơi. Than ôi sao mà đau thương, người đã mất rồi sao mà không quên được, chim muông còn như vậy, huống hồ là người trinh tiết hiền lương. Cho dù có người con trai tài giỏi đến cầu thân, rốt cuộc cũng không thể đồng hành).

Sau khi Người nước Lỗ biết được bèn nói: “Không thể có được người phụ nữ này” thế là không dám thỉnh cầu với nàng nữa. Đào Anh ở vậy suốt đời.

Bậc quân tử nói Đào Anh trinh tiết chung thủy lại có thể không quên người xưa.

Kinh Thi có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao” (Nỗi lòng sầu não xót xa, ta cùng chung hát, lại ca một mình) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Đào Anh thiếu quả, phưởng tích dưỡng tử, hoặc dục thủ yên, nãi tự tu lý, tác ca tự minh, cầu giả nãi chỉ, quân tử xưng dương, dĩ vi nữ kỷ.

(Tạm dịch: Đào Anh sớm ở góa, dệt vải nuôi con, có người cầu hôn, xét lại lòng mình, làm thơ tỏ rõ lòng mình, người cầu hôn không cưỡng cầu nữa, người đời khen ngợi, chép lại sự tích).

LƯƠNG QUẢ CAO HẠNH

Cao Hạnh là quả phụ nước Lương. Người phụ nữ này không những xinh đẹp lại có đức hạnh. Chồng chết sớm, nàng ở vậy không tái giá. Quý tộc nước Lương có nhiều người theo đuổi nàng nhưng đều không được. Lương Huệ Vương biết tiếng cũng sai Tể tướng mang sính lễ đến cầu hôn. Cao Hạnh nói: “Chồng thiếp không may mất sớm, thiếp vốn phải chết theo chồng, nhưng thiếp phải nuôi con thơ mồ côi nên không thể theo chân chồng, khó khăn lắm mới tránh được các quý tộc đến cầu hôn, nay Đại Vương lại đến cầu hôn. Thiếp nghe nói đạo nghĩa của người phụ nữ là phải thủ tiết thờ chồng, quyết không tái giá, để bảo toàn trinh tiết, tín nghĩa. Nay trốn cái chết để sống là bất tín, thấy sang quý mà quên bần hàn là bất trinh, vứt bỏ tín nghĩa thì sao có thể làm người sống trong trời đất”. Nàng bèn soi gương và cầm dao cắt mũi của mình rồi nói với sứ giả rằng: “Thiếp đã tự xử phạt mình, sở dĩ chưa chấm dứt mạng sống của mình là bởi vì không nhẫn tâm vứt bỏ đứa con côi cút yếu đuối, để nó không ai chăm sóc. Lương Huệ Vương cầu hôn thiếp, chẳng qua là vì sắc đẹp của thiếp. Hiện nay, thiếp đã trở thành người xấu xí thì chung quy có thể tha cho thiếp rồi”. Tể tướng quay về bẩm báo, Lương Huệ Vương biểu dương nghĩa khí đức hạnh của nàng, ban cho nàng danh hiệu Cao Hạnh.

Bậc quân tử nói Cao Hạnh trinh tiết mà giữ lễ nghĩa.

Kinh Thi có câu: “Vị dư bất tín, hữu như hạo nhật” (Anh rằng: “Anh chẳng tin đâu!” Em thề: “Trong trắng khác nào thái dương”).

Có thơ khen rằng: Cao Hạnh xứ Lương, trinh chuyên tinh thuần, bất tham hành quý, vụ tại nhất tín, bất thụ Lương sính, nhị tị hình thân, quân tử cao chi, hiển thị hậu nhân.

(Tạm dịch: Cao Hạnh đất Lương, trinh chuyên khéo léo, không tham phú quý, mong giữ chữ tín, không nhận sính lễ, tự mình cắt mũi, người đời ca ngợi, nêu gương đời sau).

TRẦN QUẢ HIẾU PHỤ

Hiếu Phụ là quả phụ trẻ tuổi ở đất Trần. Nàng 16 tuổi lấy chồng, chưa có con. Chồng của nàng theo quy định phải đi lính, khi người chồng sắp xuất phát có dặn dò Hiếu Phụ rằng: “Ta đi không biết sống chết ra sao, nhưng ta còn có mẹ già, lại không có anh em. Giả sử ta thật sự không trở về, nàng có bằng lòng phụng dưỡng mẹ ta không?”. Hiếu Phụ đáp: “Thiếp nhất định sẽ phụng dưỡng mẹ”. Người chồng quả nhiên không trở về. Hiếu Phụ phụng dưỡng mẹ chồng không những không suy giảm mà yêu thương nhiều thêm. Nàng lấy dệt vải làm nghề mưu sinh, trước sau không có ý tái giá. Sau khi để tang ba năm. Do nàng còn trẻ lại chưa có con, lại sớm trở thành góa phụ nên cha mẹ nàng rất đau lòng và muốn nàng đi lấy người khác. Hiếu Phụ nói: “Con nghe nói giữ chữ tín là điều quan trọng nhất mà con người theo đuổi, giữ nhân nghĩa là hành vi tiết tháo của con người. Con may mắn rời xa cha mẹ, theo nghiêm lệnh của cha mẹ mà hầu hạ chồng. Chồng con trước khi đi, từng dặn dò con chăm sóc mẹ chồng, con đã đồng ý rồi. Nhận sự ủy thác của người khác, sao có thể dễ dàng vứt bỏ! Vứt bỏ ủy thác quan trọng của chồng là không giữ chữ tín, phản bội người đã mất là không nhân nghĩa, không thể như vậy được”. Mẹ nàng nói: “Mẹ thương cho con sớm đã trở thành quả phụ”. Hiếu Phụ nói: “Con nghe nói thà rằng chết vì nghĩa chứ không mong vứt bỏ nhân nghĩa mà được sống. Huống hồ đã đồng ý phụng dưỡng mẹ chồng mà không thể phụng dưỡng đến già, hứa với chồng mà không giữ chữ tín thì dựa vào cái gì để đứng giữa nhân gian! Hơn nữa làm con dâu của người ta, vốn phải phụng dưỡng cho mẹ chồng. Chồng con bất hạnh mất sớm, không thể tận lễ nghĩa của người con. Hiện nay lại bắt con rời xa, không phụng dưỡng mẹ chồng nữa là biểu hiện phẩm hạnh không tốt của chồng con và sự không hiếu thuận của con. Nếu như không hiếu thuận, không giữ chữ tín, không có nhân nghĩa thì dựa vào cái gì để sống giữa nhân gian!”. Vì lí do này mà nàng muốn tự sát, cha mẹ nàng sợ mà không dám khuyên nàng tái giá nữa. Thế là để nàng phụng dưỡng mẹ chồng 28 năm. Mẹ chồng sống đến 84 tuổi, sống hết tuổi trời mới mất. Nàng bán nhà cửa ruộng vườn, an táng cho mẹ chồng, cả đời thủ tiết thờ cúng.

Thái Thú Hoài Dương đem việc này báo lên trên, Hán Văn Đế nhận thấy rằng nàng là người nghĩa tiết cao thượng, giữ chữ tín rất đáng quý, hành vi đáng được ca ngợi bèn sai sứ giả ban cho 40 cân vàng, phục hồi lại cuộc sống trước đây của nàng, ban cho nàng danh hiệu Hiếu Phụ.

Bậc quân tử nói phương diện chuẩn mực đạo đức của Hiếu Phụ vô cùng chu đáo.

Kinh Thi có câu: “Phỉ trực dã nhân, Bỉnh tâm đắc uyên” (Không chỉ thế thật đâu người ấy, đã thâm trầm giữ lấy đức tin) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Hiếu Phụ xứ Trần, phu tử vô tử, tỷ tương giá chi, chung bất thính mẫu, chuyên tâm dưỡng cô, nhất tiếu bất cải, Thánh Vương gia chi, hiệu viết Hiếu Phụ.

(Tạm dịch: Hiếu Phụ xứ Trần, chồng chết không con, mẹ bắt tái giá, không nghe lời mẹ, một lòng nuôi mẹ chồng, quyết không tái giá, Thánh Vương ca ngợi, ban tên Hiếu Phụ).