QUYỂN V: TIẾT NGHĨA TRUYỆN

(Duy bậc Tiết nghĩa, không tránh né cái chết, thích điều lành mộ khí tiết, trọn đời không phụ nghĩa, thành tín dũng cảm, nếu có điều nguy hiểm nhưng đúng điều nghĩa thì không hề ngần ngại. Những người làm vợ học theo, lấy đó làm nền tảng)

LỖ HIẾU NGHĨA BẢO

Hiếu Nghĩa Bảo là bảo mẫu của Lỗ Hiếu Công, là quả phụ của gia tộc họ Tang. Trước đây, cha của Lỗ Hiếu Công là Vũ Công cùng với hai người con trưởng là Quát và con thứ là Huy cùng sang triều kiến Chu Tuyên Vương, Chu Tuyên Vương lập Huy, làm Thái tử nước Lỗ. Sau khi Vũ Công chết, Huy lên ngôi, là Lỗ Ý Công. Hiếu Công lúc đó được mọi người gọi là công tử Xứng, là con út của Vũ Công. Nghĩa Bảo đem con của bà vào trong cung, nuôi cùng công tử Xứng. Con trai của Quát là Bá Ngự với những người ủng hộ Bá Ngự ở nước Lỗ làm loạn, tấn công vào cung, giết Lỗ Ý lên làm Vua, thế rồi tìm giết công tử Xứng để trừ hậu họa. Nghĩa Bảo biết được Bá Ngự muốn giết công tử Xứng bèn để cho con trai mình mặc quần áo của công tử Xứng và ngủ ở chỗ của công tử Xứng. Bá Ngự giết chết con trai của Nghĩa Bảo. Nghĩa Bảo bế công tử Xứng chạy trốn, trên đường thì gặp cậu của công tử Xứng. Người cậu hỏi có phải Xứng đã bị giết chết, Nghĩa Bảo đáp: “Chưa chết, đang ở đây”. Người cậu hỏi: “Sao tránh được đại nạn mà trốn ra được?”. Nghĩa Bảo đáp: “Dùng con của tôi thay thế mới trốn thoát được”. Thế là Nghĩa Bảo đem công tử Xứng trốn ra ngoài.

Mười một năm sau, đại phu nước Lỗ biết được công tử Xứng sống ở chỗ của Nghĩa Bảo bèn thỉnh cầu Thiên tử nhà Chu giết Bá Ngự và lập công tử Xứng lên làm Vua, và công tử Xứng trở thành Lỗ Hiếu Công. Người nước Lỗ vô cùng tôn kính Nghĩa Bảo.

Luận Ngữ có nói: “Khả dĩ thác lục xích chi cô” (Có thể giao phó một Hoàng tử mồ côi cao sáu thước), Nghĩa Bảo là người như vậy.

Có thơ khen rằng: Bá Ngự tác loạn, do Lỗ cung khởi, Hiếu Công nhũ mẫu, Tang thị chi mẫu, đào nặc Hiếu Công, dịch dĩ kỳ tử, bảo mẫu nhược tư, diệc thành túc thị.

(Tạm dịch: Bá Ngự làm loạn, tấn công cung điện. Nhũ mẫu của Hiếu Công, mẹ của họ Tang dùng con trai mình thay thế Hiếu Công, đem Hiếu Công trốn chạy. Bảo mẫu như vậy thật đáng nương tựa).

SỞ THÀNH TRỊNH MẬU

Trịnh Mậu là nàng hầu đi theo con gái họ Trịnh khi xuất giá, là phu nhân của Sở Thành Vương. Lúc đầu, khi Sở Thành Vương lên trên đài cao ở hậu cung, người trong cung đều nghiêng đầu nhìn, chỉ có Trịnh Mậu đi thẳng không quay đầu lại, bước đi chậm rãi không biến đổi. Sở Vương nói: “Người đi phía trước quay đầu lại đây”. Trịnh Mậu không quay đầu lại. Sở Vương lại nói: “Quay đầu lại ta sẽ cho nàng làm phu nhân”. Trịnh Mậu vẫn không quay đầu lại. Sở Vương nói: “Quay lại nhìn ta sẽ cho nàng ngàn vàng và phong tước cho cha và anh em trai của nàng”. Trịnh Mậu vẫn đi đường của mình mà không quay đầu lại. Sở Thành Vương đi xuống đài rồi hỏi nàng: “Phu nhân là vị trí tôn quý, phong tước là bổng cao lộc hậu, chỉ cần nàng quay đầu lại là có thể được những thứ này mà nàng lại không quay đầu lại, là tại vì sao?”. Trịnh Mậu đáp: “Thiếp nghe nói dáng vẻ của người phụ nữ là phải đoan chính lại hòa nhã. Hiện nay, Đại Vương ở trên đài cao quay đầu nhìn thiếp đã là hành vi không phù hợp với lễ nghĩa. Thiếp không quay đầu lại, Đại Vương lại bảo cho làm phu nhân, gia phong tước vị. Nếu như quay đầu lại thì thiếp tham lam phú quý, tham lợi mà quên nghĩa. Nếu đã quên nghĩa thì sao có thể hầu hạ Đại Vương?”. Sở Vương nói: “Hay!” thế là lập nàng làm phu nhân.

Sau một năm sống với nhau, Sở Vương muốn lập Công tử Thương Thần làm Thái tử. Sở Vương hỏi lệnh doãn là Tử Thượng. Tử Thượng nói: “Đại Vương còn trẻ, lại có nhiều con trai được sủng ái, một khi lập Thái tử rồi lại phế truất nhất định sẽ sinh đại loạn. Huống hồ Thương Thần mắt như ong, tiếng nói như sài lang, nhất định là người tàn nhẫn, không thể lập làm Thái tử”. Sau khi Sở Vương bãi triều, hỏi phu nhân Trịnh Mậu, phu nhân nói: “Lời của lệnh doãn thật chính xác, có thể nghe theo ý kiến của lệnh doãn”. Sở Vương không nghe, thế là lập Thương Thần làm Thái tử. Sau đó, Thương Thần lấy việc Tử Thượng cứu Thái làm lý do, dâng tấu nói lời gièm pha để giết hại Tử Thượng. Trịnh Mậu nói với bảo mẫu rằng: “Ta biết đạo của người phụ nữ chỉ là những việc hầu hạ, cung phụng thực phẩm mà thôi. Cho dù là như vậy, có những việc phát hiện được thì không thể cất giữ trong lòng, lúc đầu Tử Thượng nói không thể lập Thái tử, Thái tử oán hận Tử Thượng nên dùng lời gièm pha để giết Tử Thượng. Đại Vương không điều tra cẩn thận để cho người vô tội bị tội, đây là điên đảo trắng đen, trên dưới rối loạn. Đại Vương có nhiều con trai được sủng ái, họ đều muốn có được đất nước. Thái tử tham lam tàn nhẫn, rất sợ bị mất vị trí Thái tử. Đại Vương lại không hiểu được điểm này, không có cách gì để cho Đại Vương hiểu được. Con trưởng con thứ tranh chấp lẫn nhau, nhất định sẽ xảy ra họa hoạn”.

Sau đó, quả nhiên Sở Vương lại muốn lập công tử Chức. Trịnh Mậu nói với bảo mẫu rằng: “Ta nghe nói nếu như đã tín nhiệm thì không hoài nghi. Hiện nay, Đại Vương lại muốn thay Chức làm Thái tử. Ta sợ là sẽ xảy ra tai họa. Nhưng ta nói chuyện này với Đại Vương thì Đại Vương không trả lời ta. Xem ra Đại Vương cho rằng Thái tử không phải là con của ta, hoài nghi ta bịa đặt dựng chuyện, không có ý tốt. Một khi bị hoài nghi sẽ sinh ác ý, mọi người ai biết được là không phải như vậy. Sống mà không giữ vững chính nghĩa thì chi bằng dùng cái chết để chứng minh điều này. Đại Vương biết được ta dùng cái chết để chứng minh là không tình riêng, nhất định sẽ hiểu được là không thể phế truất Thái tử”. Nói rồi bèn tự vẫn. Bảo mẫu đem lời nói của Trịnh Mậu bẩm báo lại với Sở Vương. Lúc này Thái tử đã biết được Sở Vương muốn phế truất mình bèn dấy binh làm loạn, bao vây cung điện. Sở Vương xin đợi ăn nốt món chân gấu rồi chết, nhưng Thương Thần không cho. Sở Vương bị buộc phải tự vẫn.

Bậc quân tử nói không phải là người vô cùng nhân đức, ai lại có thể lấy cái chết để khuyên can.

Kinh Thi có câu: “Xá mệnh bất du” (Ở theo số mệnh chẳng thay đổi lòng) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Trịnh Mậu tiên thức, chấp tiết hữu thường, hưng ư bất cố, tuất phối Thành Vương, tri Thương Thần loạn, ngôn chi thậm cường, tự hiềm phi tử, dĩ sát thân minh.

(Tạm dịch: Trịnh Mậu biết trước, thường giữ lễ nghĩa, do không quay đầu, trở thành phu nhân của Thành Vương, biết Thương Thần làm loạn, tận lực can gián, biết Thành Vương hiềm nghi không phải con mình, nên tự vẫn để chứng minh không có tình riêng).

TẤN NGỮ HOÀI DOANH

Hoài Doanh là con gái của Tần Mục Công, là Phi tử của Thái tử Cơ Ngữ. Khi Ngữ sang làm con tin ở nước Tần. Tần Mục Công đem con gái là Hoài Doanh gả cho Ngữ. Sáu năm sau, Ngữ chuẩn bị trốn về nước Tấn, nói với Hoài Doanh rằng: “Ta xa nước Tấn đã mấy năm rồi, tuy cha con đã quên việc tiếp ứng, nhưng quan hệ giữa Tần và Tấn cũng không mật thiết hơn. Chim bay quá xa sẽ quay về, chồn cáo khi chết cũng quay về hang ổ của mình, cho dù ta có chết, cũng phải ở nước Tấn. Nàng có thể đi cùng ta không?”. Hoài Doanh đáp: “Chàng là Thái tử nước Tấn, ở nước Tần chịu nhục, chàng muốn rời đi, đương nhiên là việc hợp tình lý! Cho dù là như vậy, nhưng Vua của thiếp để cho thiếp đến hầu hạ chàng ý là muốn chàng ở lại nước Tần. Hiện nay thiếp không giữ được chàng là thiếp bất tài, theo chàng về nước Tấn là vứt bỏ Vua của thiếp. Nói ra ý nghĩ của chàng là thiếp phụ nghĩa. Ba điều này không điều khả thi cho dù thiếp không trốn theo chàng, thì chàng cũng có thể trốn đi, thiếp không dám tiết lộ ý nghĩ của chàng, nhưng cũng không dám theo chàng trốn đi”. Thế là Ngữ bỏ trốn về nước Tấn.

Bậc quân tử nói Hoài Doanh giỏi việc xử lý những vấn đề nan giải giữa vợ chồng.

Có thơ khen rằng: Tấn Ngự chất Tần, phối dĩ Hoài Doanh, Ngự tương dữ đào, Doanh bất khẳng thính, diệc bất tiết ngôn, tháo tâm thậm bình, bất cáo sở túng, vô sở a khuynh.

(Tạm dịch: Ngự sang làm con tin ở Tần, được gả Hoài Doanh cho, Ngự muốn cùng Doanh bỏ trốn, Doanh không chịu nghe theo, nhưng cũng không tiết lộ tin tức, tâm tư vô cùng cân bằng, không nói mình theo bên nào, cũng không nghiêng về bên nào).

SỞ CHIÊU VIỆT CƠ

Sở Chiêu Việt Cơ là con gái của Việt Vương Câu Tiễn, là Phi tử của Sở Chiêu Vương. Có một lần, Sở Chiêu Vương du ngoạn, Thái Cơ bên trái, Việt Cơ bên phải. Sở Vương đích thân đánh xe tứ mã chạy băng băng, sau đó lên trên đài cúng tế thần thổ địa, nhìn ra xa về phía vườn Vân Mộng, ngắm nhìn các sĩ đại phu săn bắn. Lúc vô cùng cao hứng, Chiêu Vương quay đầu lại nói với hai Phi tử rằng: “Có vui không?”. Thái Cơ đáp: “Rất vui!”. Sở Vương nói: “Quả nhân nguyện cùng nàng khi sống thì như thế này, sau khi chết cũng có thể vui như thế này”. Thái Cơ nói: “Ngày xưa Vua của nước thiếp vốn là thông qua việc sai khiến lê dân mở rộng vườn săn để cho ngựa của Đại Vương mặc sức chạy, cho nên coi thiếp là lễ vật dâng tặng cho Đại Vương. Hiện nay, thiếp với các Phi tần kề vai sát cánh, vốn mong sống cùng nhau vui vẻ, chết cũng được cùng nhau”. Sở Vương quay đầu lại bảo sử quan ghi chép lại: “Thái Cơ bằng lòng chết theo ta”.

Sau đó lại hỏi Việt Cơ, Việt Cơ đáp rằng: “Ngày xưa, Vua Trang Vương nước thiếp trụy lạc ba năm, không nghĩ đến việc quản lý chính sự quốc gia, cuối cùng cũng có thể sửa chữa, thế là xưng bá thiên hạ. Thiếp cho rằng Đại Vương cũng có thể học Vua nước thiếp, sửa đổi việc vui chơi hưởng lạc thành chăm chỉ trong việc cai quản chính sự quốc gia. Hiện nay lại không như vậy, Đại Vương muốn thiếp cùng Đại Vương hưởng lạc mà đồng sinh đồng tử, như vậy sao có được! Đại Vương dùng vải vóc, xe ngựa làm lễ vật để lấy thiếp làm vợ. Vua nước thiếp ở Thái miếu nhận lễ vật của Đại Vương, lúc đó không có hẹn ước cùng chết theo Đại Vương. Thiếp nghe các vị trưởng lão nói, người phụ nữ dùng cái chết để thể hiện lòng nhân từ của quốc Vương, để lấy được sự sủng ái của Đại Vương, nhưng chưa nghe nói là phải chết theo một cách tùy tiện, lấy cái chết hồ đồ mà cảm thấy vinh hạnh. Thiếp không dám đồng ý với cách nghĩ của Đại Vương”. Thế là Sở Vương tỉnh ngộ, nghe xong Việt Cơ nói thì vô cùng tôn kính nàng, nhưng vẫn thân cận với Thái Cơ.

Hai mươi lăm năm sau, Sở Vương đi cứu nước Trần, hai người Phi tử cùng đi theo. Sở Vương trên đường hành quân thì bị bệnh. Lúc đó có mây đỏ vây quanh mặt trời, giống như chim bay qua bầu trời. Sở Vương hỏi Chu sử quan, sử quan nói: “Điều này có hại đến Đại Vương, nhưng có thể chuyển dịch sang cho các tướng lĩnh”. Các tướng lĩnh sau khi nghe xong đều thỉnh cầu là xin thần linh chuyển tai họa sang cho mình. Sở Vương nói: “Các tướng lĩnh đối với quả nhân mà nói thì giống tay với chân, hiện nay chuyển tai họa sang cho họ, chẳng nhẽ để cho quả nhân xa lìa thân thể của quả nhân hay sao?”. Sở Vương kiên quyết không đồng ý làm như vậy. Việt Cơ nói: “Đức độ của Đại Vương thật là vĩ đại! Do vậy, thiếp nguyện ý theo Đại Vương. Trước đây khi đi du ngoạn thiếp không hứa cùng chết theo Đại Vương. Đến khi Đại Vương có thể lấy lễ để đối đãi với người khác thì người trong nước đều sẽ chết theo Đại Vương, huống hồ là thiếp! Xin để thiếp được đi trước xuống địa phủ dẹp hết đám hồ ly rồi tiếp đón Đại Vương”. Sở Vương nói: “Lúc trước khi du ngoạn chẳng qua quả nhân nói đùa mà thôi, nàng nhất định muốn chết theo thì đây là biểu hiện quả nhân không có đạo đức”. Việt Cơ nói: “Ngày xưa miệng thiếp không nói ra, nhưng lòng thì đã hứa rồi. Thiếp nghe nói, người giữ chữ tín sẽ không thay lòng đổi dạ, người có nghĩa khí sẽ không bày đặt sự việc. Thiếp nguyện chết vì Đại Vương giữ nghĩa khí, không nguyện chết vì Đại Vương ham chơi trụy lạc”. Thế là bèn tự sát. Sở Vương bệnh càng ngày càng nặng, muốn đem ngôi Vua truyền cho ba người em, ba người em đều không đồng ý. Cuối cùng Sở Vương chết trong quân. Thái Cơ lại không thể chết cùng. Ba người em trai của Sở Chiêu Vương là Tử Lư, Tử Tây, Tử Kỳ thương lượng với nhau nói: “Mẹ có thể giữ chữ tín thì con trai nhất định sẽ là người có lòng nhân nghĩa”, thế là bèn ra lệnh cho quân đội dừng lại, phong tỏa tin tức rồi đón con trai của Việt Cơ là Hùng Chương đến lập thành Sở Huệ Vương, sau đó mới thu binh trở về an táng Chiêu Vương.

Bậc quân tử nói Việt Cơ có thể giữ chữ tín, vì nghĩa mà chết.

Kinh Thi có câu: “Đức âm mạc vi, Cập nhĩ đồng tử” (Tiếng thơm chẳng dám trái nào, với chàng cùng chết theo nhau một lòng). Việt Cơ là người như vậy.

Có thơ khen rằng: Sở Chiêu du lạc, yếu Cơ tùng tử, Thái Cơ hứa Vương, Việt Cơ chấp lễ, chung độc tử tiết, quần thần gia mỹ, duy tư lưỡng Cơ, kỳ đức bất tỷ.

(Tạm dịch: Chiêu Vương du ngoạn, yêu cầu hai nàng Phi tử chết cùng mình. Thái Cơ đồng ý với Chiêu Vương, Việt Cơ theo lễ nghĩa, cuối cùng vì nghĩa mà chết. Quần thần khen ngợi, chỉ là hai người phụ nữ, nhưng đạo đức không thể so sánh).

CÁI TƯỚNG CHI THÊ

Cái Tướng chi thê là vợ của Khâu Tử, phó tướng của nước Cái. Người Nhung thảo phạt nước Cái, giết Vua nước Cái, ra lệnh cho quần thần nước Cái rằng: “Người nào dám tự sát thì vợ con sẽ bị giết sạch”. Khâu Tử tự sát, có người cứu sống nên không chết. Sau khi về nhà, vợ của Khâu Tử nói: “Thiếp nghe nói tướng lĩnh có khí tiết dũng cảm không cầu được sống, cho nên binh sĩ mới tận hết sức mà không sợ chết, do đó chiến đấu có thể chiến thắng, công đánh mà có thể chiếm được, đất nước mới có thể sinh tồn, Vua mới được yên ổn. Chiến đấu không dũng cảm là bất hiếu, Vua chết mà mình không chết là bất trung. Hiện nay đánh thua trận, Vua chết mà sao chàng vẫn còn sống? Chàng quên trung hiếu rồi sao lại nhẫn tâm trở về?”. Khâu Tử đáp: “Nước Cái yếu mà kẻ địch là nước Nhung lớn mạnh, ta đã tận hết toàn lực, Vua không may mà chết, ta vốn đã tự sát, nhưng có người cứu mới không chết”. Người vợ hỏi: “Lúc đó là có người cứu chàng. Bây giờ thì sao?”. Khâu Tử nói: “Không phải là ta yêu quý bản thân, người Nhung có lệnh rằng người nào mà tự sát nhất định sẽ giết hết vợ con của họ, cho nên ta mới không tự sát nữa. Hơn nữa, hiện nay chết thì có ích gì cho Vua của chúng ta?”. Người vợ nói: “Thiếp nghe nói Vua lo lắng là sự sỉ nhục của bề tôi. Vua bị nhục thì bề tôi sẽ lấy cái chết để chống chọi. Hiện nay, Vua đã chết, chàng lại không chết, có thể nói là nghĩa ư? Rất nhiều binh sĩ bị giết, không thể cứu đất nước, bản thân lại sống, có thể nói là nhân ư? Lo lắng cho vợ con mà quên đi nhân nghĩa, phản bội Vua của mình mà thân cận với kẻ cướp, có thể nói là trung ư! Người không có đạo nghĩa của bày tôi trung thành, không có hành vi nhân nghĩa thì có thể nói là hiền tài sao! Trong Chu Thư có nói: Vua trước thần dân sau, cha mẹ trước anh em sau, anh em trước bạn bè sau, bạn bè trước vợ sau. Vợ là tình riêng tư, phụng sự cho Vua là nghĩa chung. Hiện nay chàng vì nguyên nhân vợ con mà vứt bỏ khí tiết của kẻ làm bề tôi, không quan tâm đến lễ nghĩa phụng sự Vua, vứt bỏ đạo làm bề tôi mà mưu cầu tình riêng vợ con, tham sống sợ chết, ngay như thiếp là người phụ nữ cũng cảm thấy là một sự sỉ nhục, huống hồ là chàng! Thiếp sẽ không cùng chàng sống mà chịu nhục”, thế là tự vẫn.

Vua nước Nhung thấy nàng là người hiền đức bèn bày lễ Thái Lao cúng tế nàng rất long trọng, còn lấy lễ tướng quân để an táng nàng, ban cho em trai nàng nghìn lượng vàng, còn cho em trai nàng làm quan, cử em trai nàng cai trị nước Cái.

Bậc quân tử nói vợ của các tướng lĩnh nước Cái trong sáng lại có tinh thần nghĩa khí.

Kinh Thi có câu: “Thục nhân quân tử, kỳ đức bất hồi” (Quân tử hiền tài vinh hoa, Đức thì quyết chẳng vạy tà) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Cái tướng chi thê, cứ tiết duệ tinh, Nhung ký diệt Cái, Khâu Tử độc sinh, thê sỉ bất tử, trần thiết ngũ vinh, vi phu tiên tử, tuất di hiển danh.

(Tạm dịch: Vợ của Tướng nước Cái, nghĩa khí chuyên nhất. Nhung diệt nước Cái nhưng Khâu tử còn sống. Vợ vì Khâu tử không tuẫn tiết mà cảm thấy sỉ nhục, kể ra năm loại vinh dự là trung, hiếu, nhân, nghĩa, hiền, nguyện không chịu nhục mà chết trước chồng, sau cùng để lại tiếng thơm).

 

LỖ NGHĨA CÔ TỈ

Lỗ nghĩa cô tỉ là người phụ nữ sống ở nơi thôn quê nước Lỗ. Khi nước Tề đánh đến vùng thôn quê của nước Lỗ thì thấy có một người phụ nữ bế một đứa bé, tay dẫn một đứa bé khác. Khi quân đội sắp đuổi đến nơi thì người phụ nữ bỏ đứa bé đang bế trên tay xuống rồi bế đứa bé đang dắt lên rồi chạy lên trên núi. Đứa bé bị bỏ lại chạy theo sau kêu khóc. Người phụ nữ cứ chạy thẳng mà không quay lại. Vị Tướng nước Tề hỏi đứa bé: “Người chạy phía trước có phải là mẹ của cháu không?”. Đứa bé đáp: “Đúng vậy!”. Lại hỏi đứa bé rằng: “Người mà mẹ cháu bế là ai?”. Đứa bé đáp: “Cháu không biết ạ”. Thế là vị Tướng nước Tề đuổi theo người phụ nữ, binh lính có người chuẩn bị bắn cung tên giết người phụ nữ, nên lớn tiếng hô to: “Dừng lại! Nếu không dừng lại sẽ bị bắn”. Người phụ nữ quay lại. Vị tướng nước Tề hỏi đứa bé mà người phụ nữ bế là ai, đứa bỏ lại là ai. Người phụ nữ đáp: “Đứa bé được bế là con của anh trai tôi, đứa bé bị bỏ lại là con của tôi. Khi thấy binh lính đến, sức của tôi không thể cùng bảo vệ cho hai đứa bé, cho nên mới bỏ đứa con của tôi”. Vị Tướng nước Tề hỏi: “Con cái mà nói là người thân nhất của mình, là người mà trong lòng yêu thương nhất. Hiện nay, cô vứt bỏ con mình mà bế con của anh trai để chạy trốn. Vì sao lại như vậy?”. Người phụ nữ đáp: “Yêu quý con trai của mình là tình riêng, yêu quý con của anh trai là nghĩa chung. Vứt bỏ nghĩa chung mà thiên lệch tình riêng, để cho con trai của anh chết, con trai của mình sống, tốt thì có tốt nhưng như vậy Vua nước Lỗ sẽ không tiếp nhận tôi, các quan sẽ không bằng lòng cung cấp nuôi dưỡng tôi, nhân dân cũng sẽ không giao tiếp với tôi. Giả sử như vậy thì tôi không có nơi dung thân, không có nơi để dừng chân. Mất đi con trai mình, tất nhiên là làm tôi đau lòng, nhưng so với chính nghĩa thì điều này có là gì? Cho nên tôi mới nhẫn tâm bỏ lại con trai mình mà giữ lấy chính nghĩa, không để cho người khác thấy nước Lỗ chúng tôi không có chính nghĩa”.

Sau khi nghe người phụ nữ nói xong, vị Tướng nước Tề bèn án binh bất động, dừng lại và sai người báo với Vua Tề rằng: “Không thể công đánh nước Lỗ, chúng thần vừa vào đến biên giới nước Lỗ, phụ nữ nơi rừng núi đều biết giữ tiết tháo, thực thi chính nghĩa, không lấy tình riêng mà hại đến chính nghĩa, huống hồ là các sĩ đại phu! Nay thần thỉnh cầu được lui binh”. Vua Tề chấp thuận. Vua nước Lỗ biết được việc này bèn ban cho nàng trăm súc vải vóc và gọi nàng là Nghĩa Cô Tỉ. Công chính mà thành tín, quả đoán mà chính nghĩa. Giữ vững chính nghĩa là việc vô cùng quan trọng, cho dù là một người phụ nữ ở dân gian, đất nước còn có thể nương tựa, huống hồ có thể dùng lễ nghĩa để quản trị đất nước!

Kinh Thi có câu: “Hữu giác đức hạnh, tứ quốc thuận chi” (Hễ có đức sáng soi thẳng thắn, nước bốn phương đều hẳn thuận theo) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Tề quân công Lỗ, Nghĩa Cô hữu tiết, kiến quân tẩu sơn, khí tử bão điệt, Tề tướng vấn chi, hiền kỳ suy lý, nhất phụ vi nghĩa, Tề binh toại chỉ.

(Tạm dịch: Quân Tề đánh Lỗ, Nghĩa Cô giữ nghĩa, nhìn thấy binh lính, bèn chạy lên núi, bỏ con bế cháu. Tướng Tề hỏi đến, suy theo lý lẽ biết là người hiền, vì một người phụ nữ có nghĩa mà nước Tề lui binh).

 

ĐẠI TRIỆU PHU NHÂN

Đại Triệu phu nhân là con gái của Triệu Giản Tử, là chị của Tương Tử, là phu nhân của Vua nước Đại. Triệu Giản Tử qua đời, Triệu Tương Tử còn chưa cởi áo tang đã tới Hạ Ốc Sơn mời Vua Đại dự tiệc, sai đầu bếp cầm cái đấu mời Vua Đại và tùy tùng ăn uống, nhân cơ hội rót rượu đã ra ám hiệu cho đầu bếp giết Vua nước Đại và tùy tùng, rồi nhân đó dấy binh dẹp yên nước Đại, xong đón chị gái là Triệu phu nhân. Phu nhân nói: “Ta nhận lệnh của Tiên Vương đến hầu hạ Vua nước Đại, đến nay đã hơn mười năm. Hiện nay, nước Đại không có lỗi gì lớn mà em lại tàn sát Vua nước Đại. Bây giờ nước Đại đã bị diệt vong. Ta sẽ đến nơi nào? Huống hồ ta nghe nói, người phụ nữ theo lễ nghĩa không thể lấy hai chồng. Ta sao có thể lấy người chồng thứ hai! Em muốn đón ta đến nơi đâu? Bởi vì em trai mà sơ suất với chồng là bất nghĩa, bởi vì chồng mà oán trách em trai là bất nhân. Ta không dám oán trách, nhưng cũng không dám theo em về”, thế là than khóc, kêu trời rồi tự sát ở đất Mi Kê. Người nước Đại đều tưởng nhớ đến bà.

Bậc quân tử nói Triệu phu nhân trong hoàn cảnh khó khăn mà khéo việc xử lý tình nghĩa vợ chồng.

Kinh Thi có câu: “Bất tiếm bất tặc, tiển bất vi tắc” (Không điều hại, không điều sai, để làm phép tắc ít ai chẳng dùng) là nói điều này.

Có thơ khen rằng: Duy Triệu Tương Tử, Đại phu nhân đệ, tập diệt Đại vương, nghênh thủ kỳ tỉ, tỉ dẫn nghĩa lý, xưng dẫn tiết lễ, bất quy bất oán, toại lưu dã tử.

(Tạm dịch: Triệu Tương Tử, em trai của Đại phu nhân, đánh lén diệt Vua nước Đại, rồi đón chị gái. Chị gái suy diễn nghĩa lý, theo lễ nghĩa, không trở về và cũng không oán hận, rồi tự vẫn ở nơi hoang vắng).

TỀ NGHĨA KẾ MẪU

 

Tề nghĩa kế mẫu là mẹ của hai người con nước Tề. Thời Vua Tuyên Vương, có người chết ở ngoài đường, qua điều tra phát hiện có vết tích bị đâm chết. Lúc đó có hai anh em đứng ở bên cạnh người chết. Viên quan điều tra hỏi họ, người anh nói: “Là tôi giết”. Người em nói: “Không phải do anh trai, là do tôi giết”. Đã qua một năm mà viên quan điều tra không xử được bèn đem việc này bẩm báo lại với Tể Tướng. Tể Tướng cũng không quyết định được nên báo lại với Vua. Vua nói: “Bây giờ nếu như thả cả hai người họ là tha cho kẻ có tội, giết hết cả hai người là giết người vô tội. Quả nhân nghĩ mẹ của họ có thể biết được con trai mình tốt hay xấu, chi bằng thử hỏi mẹ của họ xem sao, nghe theo ý kiến của người mẹ xem ai chết ai sống”. Tể tướng cho gọi người mẹ đến và hỏi bà rằng: “Con của bà giết người. Hai anh em đều cùng cầu xin chết thay cho nhau. Người xử án không thể xử được nên đem việc này trình lên Đại Vương. Đại Vương nhân đức cho nên mới hỏi bà quyết định xem ai chết, ai được sống. Người mẹ khóc lóc mà rằng: “Giết người con bé”. Tể tướng chấp thuận với ý kiến của bà, nhân tiện hỏi bà rằng: “Người con bé là người con được yêu thương nhất. Bây giờ bà muốn lại giết là vì cớ làm sao?”. Người mẹ nói: “Người con bé là con của tôi. Người con lớn là con của người vợ trước. Lúc cha của chúng bị bệnh và sắp chết có dặn dò tôi rằng: Nhất định phải chăm sóc cho nó thật tốt, tôi cũng đồng ý rồi. Bây giờ đã nhận lời ủy thác của chồng, đã hứa với chồng tôi rồi sao có thể quên được sự ủy thác mà không giữ lời hứa! Hơn nữa, giết anh trai mà để em trai sống, đây là lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung, phản bội lời hứa của mình quên đi chữ tín là lừa gạt người đã mất. Nếu như không ràng buộc lời nói của mình, đã hứa mà không chịu gánh vác thì dựa vào cái gì để sống ở trên đời này! Mất đi con trai tuy rất đau khổ, nhưng so với đức hạnh thì có là gì!”. Nói xong khóc như mưa, ướt hết vai áo.

Tể tướng vào trầu đem việc này bẩm báo lại với Vua. Vua khen ngợi nghĩa khí của bà, thấy bà có hành vi cao thượng, thế là tha cho cả hai người con, và rất tôn trọng mẹ của họ, ban cho danh hiệu Nghĩa Mẫu.

Bậc quân tử nói Nghĩa Mẫu giữ chứ tín lại nghĩa khí, trong sạch lại khiêm nhượng.

Kinh Thi có câu: “Khải đễ quân tử, tứ phương vi tắc” (Bậc quân tử vui tươi mà tính dễ dàng, để làm phép tắc cho bốn phương) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Nghĩa kế tín thành, công chính tri lễ, thân giả hữu tội, tương nhượng bất dĩ, lại bất năng quyết, vương dĩ vấn mẫu, cứ tín hành nghĩa, tuất miễn nhị tử.

(Tạm dịch: Mẹ kế có nghĩa lại lòng thành, công chính biết lễ nghĩa, con ruột và con của người vợ trước có tội, cùng tranh nhận tội, không thể xét xử. Vua hỏi người mẹ, người mẹ giữ chữ tín làm điều nhân nghĩa, sau hai con đều được tha).

 

LỖ THU KHIẾT PHỤ

Khiết phụ là vợ của Thu Hồ Tử nước Lỗ. Khiết phụ về nhà chồng được năm ngày thì chồng là Thu Hồ Tử rời nhà đến đất Trần làm quan năm năm sau mới trở về. Chưa về tới nhà, Thu Hồ Tử thấy một người phụ nữ ở bên đường đang hái dâu bèn động lòng xuống xe nói rằng: “Nàng ở phơi nắng hái dâu, ta đi một quãng đường dài, muốn được ăn uống dưới bóng của cây dâu, nên xuống đây tặng đồ cho nàng và nghỉ ngơi”. Người phụ nữ vẫn tiếp tục hái dâu, không dừng lại. Thu Hồ Tử nói với người phụ nữ rằng: “Ra sức cấy cầy không bằng gặp được bội thu, ra sức hái dâu không bằng gặp được người làm quan. Ta có tiền tài, vui lòng tặng cho phu nhân”. Người phụ nữ nói: “Hái dâu là dựa vào sức lực để lao động, dệt vải quay tơ là để mình có cái ăn cái mặc, hầu hạ song thân, nuôi sống chồng con. Tôi không bằng lòng nhận tiền của ngài, cũng mong ngài đừng có ý chiếm thứ không phải của mình. Tôi cũng không có ý lẳng lơ mà nhận tiền tài của ngài tặng cho”. Thế là Thu Hồ Tử bỏ đi, sau khi về đến nhà đem tiền đưa cho mẹ, rồi sai người đi gọi vợ. Khi người vợ đến thì lại là người phụ nữ hái dâu ban nãy. Thu Hồ Tử cảm thấy hổ thẹn. Người vợ nói: “Chàng cáo biệt người thân, ra ngoài làm quan năm năm mới trở về, vốn phải ra roi thúc ngựa để mau mau chóng chóng về nhà. Mà hiện nay chàng động lòng khi gặp người phụ nữ bên đường, dùng bổng lộc của chàng để dụ dỗ, muốn đem tiền bạc để cho người ta. Đây là quên đi việc nhà có mẹ già, quên mẹ là bất hiếu, háo sắc dâm loạn là hành vi hạ lưu, đây là bất nghĩa. Phụng sự người thân không hiếu thuận thì phụng sự Vua sẽ không trung thành. Xử lý việc nhà không có nghĩa thì quản lý việc chính sự sẽ không có trật tự. Hiếu và nghĩa cùng mất thì nhất định sẽ không có kết quả tốt. Thiếp không muốn thấy chàng nữa. Chàng hãy lấy người khác đi! Thiếp cũng sẽ không tái giá nữa”. Thế là bỏ nhà đi về phía Đông rồi nhảy xuống sông mà tự vẫn.

Bậc quân tử nói Khiết phụ trong sạch, một lòng hướng thiện. Bất hiếu không có việc gì là lớn hơn việc không thương yêu cha mẹ, người như vậy tự nhiên cũng sẽ không yêu thương người khác. Thu Hồ Tử là người như vậy.

Bậc quân tử nói thấy việc thiện thì chỉ sợ mình không sánh bằng, thấy hành vi bất thiện thì giống như tay nhúng vào nước sôi mà vội rút tay ra. Vợ của Thu Hồ Tử là người như vậy.

Kinh Thi có câu: “Duy thị biển tâm, Thị dĩ vi thích” (Chỉ riêng lòng dạ lại sao hẹp hòi. Là điều châm biếm mà thôi) là chỉ điều này.

Có thơ khen rằng: Thu Hồ tây sĩ, ngũ niên nãi quy, ngộ thê bất thức, tâm hữu dâm tư, thê chấp vô nhị, quy nhi tương tri, sỉ phu vô nghĩa, toại đông phó hà.

 

(Tạm dịch: Thu Hồ ra ngoài làm quan, năm năm sau mới về nhà, trên đường gặp vợ mà không biết, trong lòng có ý tưởng dâm loạn. Vợ vốn không hai lòng, sau khi về nhà mới biết sự thật. Người vợ vì chồng bất nghĩa mà cảm thấy sỉ nhục, bỏ nhà đi về hướng Đông rồi nhảy xuống sông tự vẫn).

CHU CHỦ TRUNG THIẾP

Chu Chủ trung thiếp là người thiếp theo hầu của vợ Chu đại phu. Chu đại phu tên hiệu là Chủ Phụ, từ nước Vệ đến nước Chu làm quan. Hai năm sau trở về, người vợ dâm loạn với người hàng xóm, sợ Chủ Phụ phát hiện, người hàng xóm vô cùng lo lắng. Vợ của Chủ Phụ nói: “Không phải lo! Thiếp đã chuẩn bị rượu độc, đã niêm phong kín, đợi hắn về”. Ba ngày sau Chủ Phụ trở về. Người vợ nói với Chủ Phụ rằng: “Vì sự vất vả của chàng mà thiếp đã mở bình rượu để đón tiếp chàng”, bèn sai người thiếp theo hầu mang rượu cho Chủ Phụ. Người thiếp theo hầu biết đây là rượu độc thì trong lòng nghĩ nếu mang ra thì sẽ đầu độc chết Chủ Phụ, làm như vậy là bất nghĩa, nếu nói ra sự thật thì lại giết chết phu nhân là chủ của mình thì là bất trung. Trong lúc do dự, người thiếp cố ý đánh đổ rượu. Chủ Phụ nổi giận, dùng roi đánh nàng. Sau việc này, người vợ sợ người thiếp nói ra chân tướng sự việc nên lấy những lỗi khác để phạt roi, sai khiến nàng. Người thiếp biết mình sẽ bị đánh chết, nhưng cuối cùng cũng không đem sự thật nói cho Chủ Phụ. Người em trai biết được sự thật bèn đem toàn bộ sự việc kể cho Chủ Phụ. Chủ Phụ vô cùng kinh hãi, thế là tha cho người thiếp, đánh chết người vợ rồi sai người âm thầm hỏi người thiếp: “Nàng biết việc sao không nói, trái lại vì việc này mà suýt chút nữa là chết!”. Người thiếp đáp: “Giết chủ nhân để mình được sống, lại làm nhục thanh danh của chủ nhân, thiếp có chết thì chết, sao lại có thể nói ra việc này được!”. Chủ Phụ thấy nàng là một người cao thượng, thấy cách nghĩa của nàng rất đáng quý, muốn lấy nàng làm phu nhân. Người thiếp từ tạ mà rằng: “Chủ nhân chết trong sự sỉ nhục, mà thiếp vẫn còn sống đã là điều vô lễ, lại còn thay vị trí của chủ nhân là việc làm trái với lẽ thường. Vô lễ và làm trái lẽ thường chỉ cần có một trong hai việc này đã là không tốt rồi, huống hồ bây giờ lại có cả hai, điều này làm cho thiếp khó có thể sống được”, thế là muốn tự sát. Sau khi Chủ Phụ biết được bèn cho nàng nhiều tiều của và để cho nàng đi lấy chồng. Láng giềng xung quanh ai cũng tranh nhau muốn lấy nàng.

Bậc quân tử nói: Trung thiếp nhân nghĩa, phúc hậu. Xem ra sự việc có bé nhỏ đến đâu thì mọi người cũng đều biết đến, hành vi có ẩn giấu đến mấy cũng bị lộ ra.

Kinh Thi có câu: Vô ngôn bất thù, vô đức bất báo (Không lời nào chẳng đáp liền, không ơn gì chẳng báo đền xong xuôi) là có ý này.

Có thơ khen rằng Chu Chủ trung thiếp, từ huệ hữu tự, chủ thê dâm tịch, dược tửu độc chủ, sứ thiếp phụng tiến, cương dĩ trừ tặc, trung toàn kỳ chủ, trung mông kỳ phúc.

(Tạm dịch: Tiểu thiếp trung nghĩa của Chủ Phụ, nhân từ mà biết trước sau. Vợ chủ nhân dâm loạn, dùng rượu độc giết chủ nhân, để tiểu thiếp đem rượu lên. Tiểu thiếp cố ý làm đổ rượu để trừ khử tai họa, lòng trung không đổi bảo toàn cho chủ nhân, cuối cùng được phúc báo).

NGỤY TIẾT NHŨ MẪU

Ngụy Tiết nhũ mẫu là nhũ mẫu của Ngụy công tử. Nước Tần công phá nước Ngụy, giết Ngụy Vương Hà, giết hại các công tử nước Ngụy, nhưng không bắt được ai. Quân Tần ra lệnh ở nước Ngụy rằng: “Người bắt được công tử sẽ thưởng cho hai ngàn lạng vàng. Người che giấu công tử sẽ bị giết toàn gia tộc”. Tiết nhũ mẫu với công tử cùng chạy trốn. Có vị cựu thần của nước Ngụy thấy nhũ mẫu của công tử và nhận ra bà bèn hỏi: “Nhũ mẫu khỏe chứ?”. Nhũ mẫu đáp: “Ôi! Tôi không biết công tử ra làm sao?”. Vị cựu thần nói: “Bây giờ công tử ở đâu? Ta nghe quân Tần hạ lệnh rằng người bắt được công tử sẽ thưởng cho hai ngàn lạng vàng, người che giấu công tử sẽ bị giết toàn gia tộc. Bà chỉ cần nói ra nơi ở của công tử thì sẽ được ngàn vàng, còn biết mà không nói thì anh em gia tộc của bà sẽ không sống được”. Nhũ mẫu nói: “Vậy à! Tôi không biết công tử ở đâu”. Vị cựu thần nói: “Ta nghe nói công tử cùng bà chạy trốn”. Nhũ mẫu nói: “Cho dù tôi biết thì cũng không nói”. Vị cựu thần nói: “Hiện nay nước Ngụy đã bị diệt vong chết cả tộc. Bà giấu công tử là vì ai vậy?”. Nhũ mẫu thở dài mà đáp: “Người thấy lợi mà phản lại chủ của mình là phản nghịch. Sợ chết mà vứt bỏ nghĩa khí là làm bại hoại cương thường. Hiện nay vừa phản nghịch lại bại hoại cương thường, tôi không làm được việc như vậy. Hơn nữa, người nuôi dưỡng con cái cho người ta là muốn cho chúng sống tốt hơn chứ không phải là giết hại chúng. Sao có thể vì có lợi và sợ bị giết rồi vứt bỏ chính nghĩa mà làm trái với lễ nghĩa, làm phản! Tôi tuyệt đối không để cho mình sống mà để cho công tử bị bắt”. Thế là bế công tử nhảy vào trong đầm sâu.

Vị cựu thần đem việc này báo cho quân Tần. Sau khi quân Tần đuổi theo và nhìn thấy bèn tranh nhau dùng cung bắn bà. Nhũ mẫu dùng thân mình che cho công tử, thân mình bị trúng mấy chục mũi tên, cuối cùng cùng chết với công tử. Sau khi Vua Tần biết được việc này, thấy bà hết sức trung thành, vì nghĩa mà chết, vô cùng đáng quý, thế là lấy lễ khanh sĩ để mai táng cho bà, còn lấy lễ Thái Lao để cúng tế bà, sủng ái anh trai của bà, còn gia phong làm ngũ đại phu, ban cho ngàn lạng vàng.

Bậc quân tử nói Tiết nhũ mẫu hiền từ lại nhân hậu, trọng nghĩa khinh tài. Lễ nghi có quy định rằng trẻ nhỏ trong cung, khi chọn chư mẫu hoặc bảo mẫu cho chúng, nhất định phải chọn người rộng lượng hiền hậu, ôn hòa cung kính, cẩn thận mà ít nói để làm thầy dạy cho chúng. Thứ đến là làm từ mẫu, tiếp theo là làm bảo mẫu, cùng ở chung với bọn trẻ, chăm lo toàn diện cho chúng. Những người khác không có việc gì thì không được vào. Chỉ có người có lòng nhân ái mới có được tình yêu thương chân thực. Chó con dám đọ sức với mãnh hổ, gà con dám đọ sức với chồn cáo đều do lòng nhân nghĩa phát ra từ trong lòng.

Kinh Thi có câu: “Hành hữu tử nhân, Thượng hoặc cận chi” (Có thây chết ở bên đàng, được người chôn cất đàng hoàng lo xong) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Tần ký diệt Ngụy, cấu kỳ tử tôn, công tử nhũ mẫu, dữ câu độn đào, thủ tiết chấp sự, bất vi lợi vi, toại tử bất cố, danh hiệu hiển di.

(Tạm dịch: Tần diệt nước Ngụy, treo thưởng bắt con cháu nước Ngụy. Nhũ mẫu của công tử cùng công tử trốn chạy, giữ vững trung nghĩa, không vì lợi mà bội nghĩa, dù chết không màng, cuối cùng tiếng thơm lưu truyền).

LƯƠNG TIẾT CÔ TỈ

Lương tiết cô tỉ là người phụ nữ nước Lương. Do nhà bị hỏa hoạn, con trai của người anh và con trai của mình đều ở trong nhà. Nàng muốn cứu con trai người anh trước, nhưng sau khi cứu ra nhìn lại thì người mà được cứu là con trai của mình, không cứu được con trai người anh. Thế lửa vô cùng lớn, không thể vào trong nhà được nữa. Nàng lại chuẩn bị xông vào đám lửa, người bên cạnh ngăn cản nàng nói: “Nàng vốn muốn cứu con trai người anh, trong lúc hoảng hốt hỗn loạn lại cứu con trai của mình ra trước. Như vậy là đã có lòng. Bây giờ hà tất nàng lại phải xông vào đám cháy?”. Người phụ nữ nói: “Sao có thể đi nói cho mọi người nước Lương biết được là đã xảy ra việc gì? Một khi bị mang tiếng bất nghĩa thì sao có mặt mũi nào để đối diện với anh em và người trong nước! Tôi muốn bế con mình vào lại trong nhà thì trái với tình yêu của người mẹ, trong tình thế này, tôi không thể sống một mình”. Thế là lại xông vào trong đám cháy, cuối cùng bị chết cháy.

Bậc quân tử nói: “Tiết cô tỉ trong sáng không vẩn đục”.

Kinh Thi có câu: “Bỉ ký chi tử, Xá mệnh bất du” (Kìa người mặc chiếc áo này, ở theo số mệnh chẳng thay đổi lòng) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Lương tiết cô tỉ, cứ nghĩa chấp lý, tử điệt đồng nội, hỏa đại phát khởi, dục xuất kỳ điệt, triếp đắc quyết tử, hỏa thịnh tự đầu, minh bất tư kỷ.

(Tạm dịch: Lương tiết cô tỉ, giữ vững đạo nghĩa, có tình có lý, con và cháu trong nhà, lửa bùng cháy lớn, vốn muốn cứu cháu, lại cứu con mình, thế lửa cháy mạnh, vẫn xông vào đám cháy, chứng minh không chỉ nghĩ đến mình.)

CHÂU NHAI NHỊ NGHĨA

 

Nhị nghĩa là hai nhân vật chính trong câu chuyện này, một là người vợ kế của huyện lệnh Châu Nhai, một là cô con gái của người vợ trước tên là Sơ, 13 tuổi. Khi huyện lệnh Châu Nhai qua đời thì để lại người mẹ và con gái không cùng huyết thống, cùng cậu con trai 9 tuổi của người vợ kế. Ba mẹ con đưa linh cữu của ông về quê.

Châu Nhai là nơi sản xuất ra những viên ngọc trân châu. Bà mẹ thường ngày hay đeo một chuỗi vòng có 10 viên ngọc lớn như một thứ đồ trang sức. Nhưng theo luật pháp thời đó, không được mang trân châu lớn qua cổng thành, những người vi phạm sẽ bị định tội chết. Vì muốn đưa linh cữu về quê, vợ kế của lệnh Châu Nhai bèn vứt bỏ món đồ trang sức đeo tay này, nhằm tránh sinh chuyện đa đoan.

Phải rất vất vả ba mẹ con mới tiến được đến cổng thành, nhưng đúng vào lúc này, quan trông coi cổng thành lại tìm được một viên trân châu lớn từ trong hộp đồ nữ trang của người mẹ.

Mọi người kinh ngạc thất sắc, bởi tội mang ngọc vào thành là tội chết. Quan trông thành hỏi việc này ai làm, và chuẩn bị truy cứu trách nhiệm. Sơ, con gái người vợ trước đột nhiên tranh lên phía trước mà trả lời rằng: “Chuyện này là tôi nên chịu trách nhiệm”. Vị quan hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra?”. Sơ đáp rằng: “Tôi nhìn thấy phu nhân vứt vòng ngọc đi, trong tâm thấy nuối tiếc, bèn để chuỗi ngọc vào hộp nữ trang của phu nhân, mà phu nhân không hề hay biết”. Kỳ thực Sơ lo lắng nếu mẹ kế thực sự làm chuyện này thì e rằng bà sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng, nên dứt khoát đứng ra nhận tội thay.

Mẹ kế thấy tình hình như vậy cũng vội vàng tiến về phía trước hỏi han con. Sơ trả lời mẹ kế rằng: “Phu nhân đã vứt vòng ngọc đi, con lại để lại vào trong hộp nữ trang là con nên bị trách phạt”. Mẹ kế không nghi ngờ có chuyện như vậy, nhưng lại cảm thấy con gái đáng thương, bèn nói với quan coi thành rằng: “Xin ngài thư thư hãy định tội. Viên ngọc lớn này là tôi buộc trên cánh tay. Khi chồng tôi chẳng may qua đời, tôi bèn để viên ngọc lớn này vào trong hộp nữ trang. Sau này bận rộn với việc tang sự, nên quên không lấy viên ngọc ấy ra, là tôi nên chịu phạt mới phải”.

Nhìn thấy mẹ kế nói như vậy, Sơ lại nói với quan rằng: “Viên ngọc ấy quả thực là do tôi lấy”. Mẹ kế nhìn tình cảnh này thì nước mắt giàn giụa, nói: “Đó là do con gái đang muốn bao che cho tôi, kỳ thực là do tôi để vào”. Nhưng Sơ vẫn không nhường nhịn, lại nói: “Phu nhân thương Sơ là cô nhi, nên mới miễn cưỡng để Sơ tiếp tục sống. Kỳ thực phu nhân quả thực hoàn toàn không hay biết sự tình”. Nói tới đây, hai mẹ con không thể kìm nén mà ôm đầu bật khóc thảm thiết. Mọi người chứng kiến việc này cũng cảm thấy sống mũi cay cay.

Theo lý mà nói, mang ngọc vào thành ắt phải có một người gánh tội. Quan coi thành chấp bút chuẩn bị viết tội trạng, nhưng nhìn thấy hai mẹ con không cùng huyết thống lại đại nghĩa nhẫn nhịn như vậy thì vô cùng cảm động. Mặc dù quan sớm đã nhấc bút, nhưng mãi vẫn không thể đặt bút viết. Quan Hầu phụ trách phán quyết việc này cũng rơi nước mắt, trầm ngâm rất lâu vẫn không thể phán quyết.

Sau này quan Hầu nói rằng: “Hai mẹ con đại nghĩa như vậy. Sao ta có thể nhẫn tâm định tội được đây! Hai mẹ con đều không nỡ để người kia phải chịu khổ mà nhường nhịn nhau. Ta sao có thể biết được ai đúng ai sai?”. Nói rồi quan Hầu ném thẳng viên ngọc xuống đất, khiến nó vỡ tan và để hai mẹ con rời đi. Mãi sau khi họ đã rời đi mọi người mới phát hiện ra, người để viên ngọc vào trong hộp nữ trang, không phải người mẹ, cũng không phải con gái, mà là cậu con trai nhỏ của người mẹ kế.

Bậc quân tử nói nhị nghĩa mẹ thì nhân hậu, con gái thì hiếu thuận.

Luận Ngữ có nói: “Phụ vi tử ẩn, tử vi phụ ẩn, trực tại kỳ trung hĩ” (Cha giấu tội cho con, con giấu tội cho cha, sự ngay thẳng ở trong đó). Đây là mẹ kế với con gái người vợ trước tranh nhau để được chết thay. Hành động của họ đã cảm động người ngoài. Thật sự có thể nói là chính trực.

Có thơ khen rằng: Châu Nhai phu nhân, thậm hữu mẫu ân, giả kế tương nhượng, duy nữ diệc hiền, nạp châu ư quan, các tự phục khiên, nhị nghĩa như thử, vi thế sở truyền.

(Tạm dịch: Châu Nhai phu nhân, có ân nghĩa của người mẹ. Mẹ kế con kế cùng tranh nhận tội. Con gái cũng là người lương thiện, vô ý đem trân châu qua cổng thành, ai cũng bằng lòng gánh trách nhiệm. Hai người nhân nghĩa như vậy được đời sau lưu truyền).

CÁP DƯƠNG HỮU ĐỆ

Hữu đệ, tên tự là Quý Nhi, là vợ của Nhâm Diện Thọ ở ấp Cáp Dương, có ba người con. Anh trai của Quý nhi là Quý Tông và người chồng của mình là Diên Thọ xảy ra tranh chấp do việc mai táng cho cha. Diên Thọ cùng với bạn của mình là Điền Kiến âm thầm giết hại Quý Tông. Điền Kiến bị xử tội chết, Diên Thọ được đại xá tha cho về, sau đó đem sự thật nói với vợ mình là Quý Nhi. Quý Nhi nói: “Ôi! Sao bây giờ chàng mới nói cho thiếp biết!”. thế là lập tức muốn rũ áo ra đi. Quý Nhi hỏi chồng rằng: “Người cùng chàng giết anh trai thiếp là ai?”. Diên Thọ đáp: “Là Điền Kiến, nhưng Điền Kiến đã chết rồi. Ta vốn cũng phải bị trị tội, bây giờ nàng hãy giết ta đi”. Quý Nhi nói: “Giết chồng là bất nghĩa, hầu hạ kẻ thù của anh trai cũng là bất nghĩa”. Diên Thọ nói: “Ta không dám giữ nàng lại, nguyện đem ngựa xe và toàn bộ tài sản trong nhà cho nàng, tùy nàng đi hay ở”. Quý Nhi nói: “Thiếp phải đi đâu đây? Anh trai chết rồi mà thù thì không thể báo. Cùng chăn cùng gối với chàng, nhưng chàng đã giết chết anh trai của thiếp. Trong không thể sống hòa thuận với nhà chồng, lại dung túng cho kẻ thù của anh trai, thiếp còn mặt mũi nào sống trên trời đất này nữa!”. Diên Thọ hổ thẹn mà bỏ đi, không dám nhìn Quý Nhi. Quý Nhi nói với con gái lớn của mình rằng: “Cha của con giết anh trai ta, theo nghĩa thì không thể ở lại, mà cả đời cũng không thể lấy người khác nữa. Ta phải dời xa các con để đến chỗ chết, con hãy chăm sóc tốt cho hai em trai”, thế rồi treo cổ tự vẫn. Phùng Lạp Vương Nhượng sau khi biết chuyện này, thấy nàng là người có đại nghĩa, ra lệnh huyện lệnh bảo vệ ba người con của nàng và biểu dương nàng tại mộ của nàng.

Bậc quân tử nói Hữu đệ giỏi việc báo thù cho anh trai.

Kinh Thi có câu: “Bất tiếm bất tặc, tiển bất vi tắc” (Không điều hại, không điều sai, để làm phép tắc ít ai chẳng dùng), có thể nói Quý Nhi là kiểu mẫu.

Có thơ khen rằng: Quý Nhi thụ nghĩa, phu sát kỳ huynh, dục phục huynh thù, nghĩa bất khả hành, bất lưu bất khứ, toại dĩ tự ương, Phùng Lạp biểu mộ, gia kỳ nghĩa minh.

(Tạm dịch: Quý Nhi lập đại nghĩa. Chồng giết anh trai, muốn báo thù cho anh, lại giữ nhân nghĩa nên không thể báo thù, không thể ở lại cũng không thể bỏ đi, cuối cùng đành tự vẫn. Phùng Lạp Vương biểu dương nàng ở mộ nàng, khen nàng hiểu rõ nghĩa lớn).

KINH SƯ TIẾT NỮ

Kinh sư Tiết Nữ là vợ của người ở đất Đại Xương, Trường An. Chồng nàng có kẻ thù, muốn tìm chồng nàng báo thù nhưng chưa nghĩ ra cách gì, nghe nói người vợ nhân nghĩa hiếu thuận mà có nghĩa liền bắt lấy cha của người vợ, ép người vợ cùng mình hại chồng. Người cha cho gọi con gái đến và đem sự việc nói cho nàng biết. Tiết Nữ trong lòng nghĩ nếu không nghe lời đối phương thì kẻ thù sẽ giết chết cha, đối với nàng mà nói thì là không hiếu thuận. Nếu nghe lời kẻ thù thì kẻ thù sẽ giết chết chồng. Đây là hành vi bất nghĩa, cho dù có sống cũng không thể đứng trong nhân gian. Nàng bèn quyết định dùng tính mạng của mình để cứu cha và chồng nên đã đồng ý yêu cầu của kẻ thù, nàng nói: “Sáng sớm ngày mai, tôi tắm rửa trên lầu. Phòng ngủ phía Đông là phòng của chồng tôi. Tôi mở cửa chờ sẵn”. Sau khi về nhà, nàng bảo chồng để cho chồng ngủ ở nơi của nàng, còn mình tắm rửa trên lầu, mở cửa phòng phía Đông rồi ngủ ở phòng của chồng. Nửa đêm quả nhiên kẻ thù đến cắt đầu của nàng rồi mang đi, đến khi trời sáng nhìn lại thì ra là đầu của nàng. Kẻ thù cảm thấy đau buồn, thấy nàng là người có nghĩa nên không giết chồng nàng nữa.

Bậc quân tử nói Tiết Nữ nhân nghĩa hiếu thuận, ân nghĩa nồng nàn. Xem trọng nhân nghĩa mà coi nhẹ cái chết, là hành vi của người cao thượng.

Luận ngữ có câu: “Quân tử sát thân nhi thành nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân” (Bậc quân tử dám hy sinh thân mình để thi hành đạo nhân, không cầu được sống mà hại người khác) là có ý này.

Có thơ khen rằng: Kinh sư tiết nữ, phu thù kiếp phụ, yếu nữ gián chi, bất cảm bất hứa, kỳ xứ ký thành, nãi dịch kỳ sở, sát thân thành nhân, nghĩa quán thiên hạ.

(Tạm dịch: Kinh sư Tiết Nữ, kẻ thù của chồng bắt cha, uy hiếp làm nội gián. Tiết Nữ không dám không nghe theo, đến ngày hẹn ước, đổi phòng cho chồng, hy sinh thân mình để thi hành đạo nhân. Nghĩa khí của nàng đệ nhất thiên hạ).