(Duy bậc biện thông, văn chương tài giỏi, nêu ra ví dụ, nói điều cát hung. Mọi chuyện lựa chữ, không hề sai lầm, có thể một lòng, lời lẽ rất công. Thê thiếp học theo, sẽ được người đời ngâm đọc)
TỀ QUẢN THIẾP TĨNH
Thiếp Tĩnh là tiểu thiếp của Tể tướng nước Tề, tên Quản Trọng. Ninh Thúc muốn gặp Tề Hoàn Công nhưng không tìm ra cách bèn xin làm người hầu cho người ta, theo xe nghỉ ở ngoài cửa đông thành của nước Tề. Tề Hoàn Công có việc ra ngoài thành, Ninh Thúc gõ sừng trâu hát bài ca điệu Thương, vô cùng bi ai. Tề Hoàn Công cảm thấy kỳ lạ bèn sai Quản Trọng đi xem việc gì, Ninh Thúc nói: “Hạo hạo hô bạch thủy!”. Quản Trọng nghe xong, không biết là ý gì, liên tiếp năm ngày không thượng triều, mặt có nét lo buồn, người tiểu thiếp bèn nói: “Nay thấy Tiên sinh năm ngày không thượng triều, dám hỏi là việc quốc gia hay là Tiên sinh có việc gì?”. Quản Trọng nói: “Là việc nàng không thể biết được”. Thiếp Tĩnh nói: “Thiếp nghe nói, chớ cho rằng người già rồi thì vô dụng, chớ có cho rằng người hèn mọn thì không có kiến thức, chớ cho rằng người còn trẻ thì không biết gì, chớ cho rằng người yếu đuối thì cái gì cũng không biết”. Quản Trọng nói: “Ý của nàng là sao?”. Thiếp Tĩnh nói: “Ngày xưa Thái Công Vọng tuổi đã 70 mà còn mổ trâu giữa chợ ở Triều Ca, khi 80 tuổi trở thành quân sư của Thiên tử, 90 tuổi được gia phong ở đất Tề. Do đó mà thấy, già chẳng nhẽ vô dụng sao? Y Doãn là người hầu đi theo công chúa Hữu Sằn khi xuất giá, Vua Thang cho ông làm Tam công. Thiên hạ dưới sự cai trị của ông mà được thái bình. Do đó mà thấy người hèn mọn thật sự là hèn mọn ư? Con trai của Cao Dao là Bá Ích khi năm tuổi đã biết khen ngợi Đại Vũ. Do đó mà thấy tuổi nhỏ thì nhất định là không biết gì sao? Tuấn mã Quyết Đề sinh ra bảy ngày đã chạy nhanh hơn ngựa mẹ, do đó mà thấy kẻ yếu đuối nhất định là không làm được việc gì ư?”.
Thế là Quản Trọng rời chỗ ngồi mà cảm tạ rằng: “Ta bằng lòng đem nguyên nhân sự việc nói cho nàng nghe. Mấy ngày trước Tề Công sai ta đón tiếp Ninh Thúc, Ninh Thúc nói: “Hạo hạo hô bạch thủy”. Ta không biết Ninh Thúc muốn nói gì, bởi vậy cảm thấy lo buồn”. Thiếp Tĩnh nghe xong cười nói: “Người ta đã nói rõ ràng cho Tiên sinh rồi. Chẳng nhẽ tiên sinh không biết sao! Cổ xưa có bài thơ Bạch Thủy, trong thơ chẳng phải nói: “Hạo hạo bạch thủy, du du chi ngư, quân lai chiêu ngã, ngã tương an cư, quốc gia vi định, tung ngã yên như” (nước trắng mênh mông, cá bơi tung tăng, Vua đến mời ta, ta chưa an cư, quốc gia chưa yên, lòng ta sao đành). Đây là Ninh Thúc muốn ra làm quan cai quản đất nước”. Quản Trọng nghe xong vô cùng vui mừng, đem tình hình báo cho Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công cho sửa lại phủ quan, trai giới năm ngày rồi đi gặp Ninh Thúc, mời Ninh Thúc làm phụ tá cho mình. Nước Tề do đó mà được ổn định.
Bậc quân tử nói Thiếp Tĩnh là người có thể cùng bàn đại sự.
Kinh Thi có câu: “Tiên dân hữu ngôn, tuân vu sô nhiêu” (Người xưa có câu này xin kể, Hữu sự còn hỏi kế tiều phu) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Hoàn ngộ Ninh Thúc, mệnh Quản nghênh chi, Ninh Thúc Bạch Thủy, Quản Trọng ưu nghi, thiếp tiến vấn yên, vi thuyết kỳ thi, Quản gia báo Công, Tề đắc dĩ trị.
(Tạm Dịch: Hoàn Công gặp Ninh Thúc, sai Quản Trọng đón tiếp. Ninh Thúc nói bài thơ Bạch Thủy, Quản Trọng lo buồn ưu sầu, tiểu thiếp hỏi nguyên nhân, còn giải mã bài thơ. Quản Trọng vui mừng báo cho Tề Công, nước Tề có được Ninh Thúc nên đất nước ổn định).
SỞ GIANG ẤT MẪU
Sở Giang Ất mẫu là mẹ của Giang Ất, quan Đại phu nước Sở. Thời Vua Cung Vương, Giang Ất làm quan Đại phu ở Dĩnh Đô (kinh đô nước Sở). Có người lẻn vào Hoàng cung ăn trộm, do đó Lệnh doãn bắt tội Giang Ất, thỉnh cầu Sở Vương bãi truất Giang Ất. Khi Giang Ất về nhà không được bao lâu, mẹ Giang Ất bị mất tám tầm vải (thời xưa đơn vị đo chiều dài, một tầm bằng tám thước), thế là đến gặp Sở Vương nói: “Ban đêm thiếp bị mất tám tầm vải, là Lệnh doãn ăn trộm”. Sở Vương đang nghỉ ở Khúc Đài, Lệnh doãn hầu hạ bên cạnh. Sở Vương hỏi người mẹ: “Nếu như thật sự là Lệnh doãn ăn trộm, Quả nhân sẽ không vì địa vị của Lệnh doãn mà không thi hành theo pháp luật của nhà nước. Nếu như không phải Lệnh doãn ăn trộm mà bà vu cáo thì nước Sở cũng có pháp luật nghiêm minh”. Mẹ của Giang Ất nói: “Không phải Lệnh doãn đích thân ăn trộm mà sai người đi ăn trộm”. Sở Vương nói: “Lệnh doãn sao lại sai người đi ăn trộm?”. Mẹ của Giang Ất trả lời rằng: “Ngày xưa Tôn Thúc Ngao làm Lệnh doãn, trên đường không có người nhặt đồ đánh rơi, cửa nhà không cần đóng cũng không có trộm cướp xuất hiện. Lệnh doãn hiện nay cai quản đất nước, tai mắt không tinh, trộm cướp ngang nhiên hoành hành, cho nên mới để cho trộm cắp lấy trộm vải của thiếp. Như vậy có khác nào sai người đi trộm cắp?”. Sở Vương nói: “Lệnh doãn ở trong triều, trộm cắp ở dân gian, không biết Lệnh doãn có tội gì?”. Mẹ Giang Ất nói: “Sao Đại Vương có thể nói những lời như vậy! Ngày xưa con trai thiếp làm quan Đại phu ở Dĩnh Đô, có kẻ ăn trộm trong cung, do đó con trai của thiếp bị bãi truất. Chẳng nhẽ con trai của thiếp biết việc này sao! Nhưng cuối cùng con trai thiếp do đó mà bị bắt tội. Lệnh doãn là người như thế nào mà có thể không thấy đây là hành vi quá đáng? Ngày xưa Chu Vũ Vương từng nói: “Nhân dân có lỗi, đều do một mình trẫm”. Trên không sáng suốt thì dưới không thể cai trị, Tể tướng không hiền minh thì đất nước không thể yên ổn. Người ta nói rằng đất nước không có người, thực sự không phải là không có người, mà là không có ai có thể cai trị đất nước. Đại Vương hãy cân nhắc kỹ việc này”. Sở Vương nói: “Bà nói rất hay. Bà không chỉ chê cười Lệnh doãn, cũng là đang chê cười Quả nhân”. Thế là ra lệnh cho quan lại bồi thường vải cho mẹ của Giang Ất, còn ban thưởng cho hai trăm lạng vàng. Mẹ Giang Ất không nhận vải và vàng mà nói: “Thiếp nào phải tham lam tài sản mà mạo phạm Đại Vương, chỉ là oán trách cách làm của Lệnh doãn”, nói rồi bèn bỏ đi, không nhận đồ được ban tặng.
Sở Vương nói: “Người mẹ này có trí tuệ như vậy. Con trai của bà nhất định không ngu dốt”, thế rồi gọi Giang Ất đến và dùng lại Giang Ất.
Bậc quân tử nói mẹ Giang Ất giỏi việc dùng lời nhẹ nhàng để khuyên bảo.
Kinh Thi có câu: “Do chi vị viễn, thị dụng đại gián” (Há lại chưa lâu dài mưu kế, mới dùng lời nầy để khuyên can) có nói điều này.
Có thơ khen rằng: Giang Ất thất vị, Ất mẫu động tâm, ký quy gia xứ, vong bố bát tầm, chỉ trách lệnh doãn, từ thậm hữu độ, vương phục dùng Ất, tứ mẫu kim bố.
(Tạm dịch: Giang Ất mất chức, mẹ Ất động tâm. Khi Ất về nhà, mất tám tầm vải, chỉ trích Lệnh doãn, lời lẽ lễ độ, Vua dùng lại Ất, ban vải và vàng cho mẹ của Ất).
TẤN CUNG CÔNG THÊ
Tấn cung công thê là con gái của Phồn Nhân. Vào thời Vua Tấn Bình Công, sai chồng của nàng đi làm cung tên, ba năm mới làm xong. Tấn Bình Công kéo cung bắn tên không thể xuyên thủng một tấm gỗ. Tấn Bình Công vô cùng tức giận, định giết người làm cung. Vợ của người làm xin yết kiến nói: “Thiếp là con gái của Phồn Nhân, là vợ của người làm cung, có việc đến xin yết kiến Quốc Vương”. Tấn Bình Công tiếp kiến nàng. Vợ của người làm cung nói: “Đại Vương đã nghe chuyện về Công Lưu ngày trước chưa ạ? Trâu dê dẫm đạp lau sậy mà động lòng trắc ẩn, cảm thấy đau xót thay cho nhân dân. Ân nghĩa có thể liên quan đến cây cỏ. Sao có thể giết người vô tội! Tần Mục Công, có người trộm rồi giết thịt tuấn mã, không những không trừng phạt, ngược lại còn ban rượu để uống. Sở Trang Vương, có vị quan nhỏ kéo áo của phu nhân, thế là ra lệnh cho mọi người vứt bỏ tua mũ rồi vẫn cùng mọi người uống rượu vui đùa. Ba vị Vua này nhân nghĩa hiển lộ khắp thiên hạ, cuối cùng cũng được báo đáp, tiếng thơm lưu đến tận ngày nay. Ngày xưa Vua Nghiêu khi xây dựng thì chủ trương tiết kiệm, không trang hoàng xa hoa, sống nơi nhà tranh vách đất. Hơn nữa, cho rằng người xây nhà thì vất vả cực nhọc, người sống trong nhà thì an nhàn thoải mái. Hiện nay chồng của thiếp chế tạo cái cung này cũng vô cùng vất vả. Thân cây cung lấy ở núi Thái Sơn, phải tìm rất nhiều ngày, lại thêm sừng trâu đất Yến, lấy gân nai để buộc, quét keo bong bóng cá, bốn loại nguyên liệu này đều là nguyên liệu thượng hảo trong thiên hạ, nhưng Đại Vương dùng cây cung này không bắn xuyên qua một tấm gỗ, là do Đại Vương không biết bắn cung, không ngờ lại chuẩn bị giết chồng của thiếp. Đây không phải là vô cùng hồ đồ sao! Thiếp nghe nói phương pháp bắn cung, tay trái như đẩy hòn đá lớn, tay phải như dính chặt mũi tên mà kéo về phía sau, tay phải buông tên, tay trái không chút lay động, đây là phương pháp bắn tên”. Tấn Bình Công theo lời của nàng mà bắn cung, một phát xuyên bảy tấm gỗ. Chồng của nàng lập tức được thả, còn ban cho 60 lạng vàng.
Bậc quân tử nói vợ của người làm cung có thể giải quyết nguy nan.
Kinh Thi có câu: “Điêu cung ký kiên, xả thỉ ký quân” (Cây cung chạm vẽ mạnh thay, Tên buông ra đều cùng trúng cả) là nói việc này, bắn tên phải có phương pháp.
Có thơ khen rằng: Tấn Bình tác cung, tam niên nãi thành. Công nộ cung công, tương gia dĩ hình, thê vãng thuyết công, trần kỳ cán tài, liệt kỳ lao khổ, công toại thích chi.
(Tạm dịch: Tấn Bình Công sai người làm cung, ba năm mới thành. Bình Công giận người làm cung, chuẩn bị xử phạt. Vợ người làm cung đến kể lể, liệt kê vật liệu làm cung, liệt kê sự vất vả khi chế tạo cung, cuối cùng Bình Công tha tội).
TỀ THƯƠNG HÒE NỮ
Tề Thương Hòe nữ tên là Tĩnh, là con gái của Diễn, người làm tổn thương cây hòe. Tề Cảnh Công có cây hòe rất quý, chuyên sai người trông coi, còn cắm biển đề rằng: “Người nào mạo phạm cây hòe sẽ bị xử phạt. Ai làm tổn thương cây hòe sẽ xử tội chết”. Lúc này, Diễn uống rượu say rồi thì tổn thương cây hòe. Sau khi Cảnh Công biết được bèn nói: “Đây là xúc phạm mệnh lệnh của Quả Nhân”, bèn sai người đi bắt giữ Diễn chờ xử tội. Sau khi Tĩnh biết được sự việc thì vô cùng sợ hãi, bèn tìm cách đến gặp Tể tướng Án Anh, đến trước cửa nhà Án Anh nói: “Tiện thiếp kiềm chế không được lòng ham muốn, hy vọng có thể bổ sung nhân số trong Phủ Tể tướng”. Án Anh nghe xong cười nói: “Án Anh ta có ý dâm loạn hay sao! Sao thường gặp phải người bỏ nhà theo ta? Chắc có người nói ta háo sắc lắm đây”. Sau khi Tĩnh vào nhà, Án Tử nhìn thấy nàng bèn nghĩ: “Kỳ lạ! Xem ra nàng ta có vẻ rất lo âu!”, bèn hỏi nàng đã xảy ra chuyện gì. Tĩnh đáp: “Cha của thiếp là Diễn, may mắn được làm thần dân trong thành, thấy âm dương không hài hòa, gió mưa bất thường, ngũ cốc không thể sinh trưởng nên đã đến những ngọn núi nổi tiếng, những dòng sông linh thiêng để cầu nguyện, kết quả không thắng được sức mạnh của rượu, mạo phạm lệnh cấm của Vua, say đến mức như vậy, tội đáng chết. Nhưng thiếp nghe nói Vua anh minh dựng nước, không giảm bổng lộc của các quan, không tùy tiện tăng nặng hình phạt, cũng sẽ không do giận việc tư mà phương hại đến lệnh chung, không do lục súc mà làm tổn thương bá tính, không do cỏ dại mà làm tổn hại mạ giống. Ngày xưa, thời Tống Cảnh Công, trời hạn hán, ba năm không mưa, cho vời quan Thái Bốc đến gieo quẻ. Quan Thái Bốc nói rằng phải dùng người đế hiến tế trời đất. Tống Cảnh Công ra khỏi điện rồi mặt hướng về phía Bắc khấu đầu nói: “Nguyên nhân mà Quả Nhân cầu mưa là vì nhân dân, nay nếu như phải dùng người để hiến tế trời đất, vậy thì Quả Nhân nguyện xin dùng thân mình để hiến tế”. Chưa dứt lời thì trời mưa to, tưới đều nghìn dặm xung quanh. Tại sao như vậy? Là bởi vì Ngài là Vua một nước có thể thuận theo đạo trời yêu thương nhân dân. Nay Vua của chúng ta trồng cây hòe rồi hạ lệnh ai mạo phạm sẽ xử tội chết. Nay chuẩn bị vì cây hòe mà giết cha thiếp, để thiếp bơ vơ một mình, thiếp sợ như vậy sẽ làm hại đến luật pháp, từ đó mà phương hại đến danh tiếng nhân nghĩa của Vua. Để cho người của nước láng giềng biết được việc này thì sẽ đều nói là Vua nước Tề yêu cây mà coi thường con người. Sao có thể như vậy được!”. Án Anh nghe xong liền cảm ngộ.
Ngày hôm sau thượng triều nói với Tề Cảnh Công rằng: “Thần nghe nói rằng làm khánh kiệt tài lực của nhân dân là tàn bạo, đam mê đồ chơi yêu thích mà ban nghiêm lệnh là nghịch với đạo trời, bắt tội, xử phạt không chính xác là đạo tặc. Ba điều này là đại họa cho việc trị vì đất nước. Nay Đại Vương làm khánh kiệt tài lực của nhân dân, dụng cụ ăn uống yêu cầu phải đẹp đẽ tinh xảo, dụng cụ âm nhạc như chiêng trống yêu cầu phải đa dạng, cung điện yêu cầu phải hùng vĩ tráng lệ. Đây là chính sách tàn bạo nhất. Đam mê đồ chơi yêu thích mà ban nghiêm lệnh, đây rõ ràng là làm ngược với lòng dân. Mạo phạm cây hòe liền bị xử phạt, làm tổn thương cây hòe bị xử tội chết, hành hình không thích đáng, đây chính là hành động sát hại bách tính độc ác nhất”. Tề Cảnh Công nói: “Quả Nhân kính cẩn tiếp nhận ý kiến của khanh”. Sau khi Án Anh lui ra, Cảnh Công lập tức ra lệnh không cho người trông coi cây hòe nữa, nhổ bỏ biển cấm cạnh cây hòe, hủy bỏ lệnh làm tổn thương cây hòe, phóng thích người bị giam giữ vì mạo phạm cây hòe.
Bậc quân tử nói Thương Hòe nữ đã dùng lời nói để cho cha được miễn tội.
Kinh Thi có câu: “Thị cứu thị đồ, đán kỳ nhiên hô” (Xét suy lẽ ấy sâu xa, để tin chắc chắn có là đúng không?) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Cảnh Công ái hòe, dân túy chiết thương, Cảnh Công tương sát, kỳ nữ nạo hoàng, bôn cáo Án tử, xưng thuyết tiên vương, Án tử vi ngôn, toại miễn phụ ương.
(Tạm dịch: Cảnh Công thích cây hòe, có người say rượu làm tổn thương cây hòe. Cảnh Công định giết chết người này. Con gái người này lo lắng liền đến kể lể với Án Anh, khen ngợi Tiên Vương. Án Anh khuyên gián, cha nàng được tha tội).
SỞ DÃ BIỆN NỮ
Sở dã biện nữ là vợ của người họ Chiêu. Trịnh Giản Công sai đại phu đất Kinh đi mời người hiền tài nhưng khi đi qua đoạn đường hẹp thì va chạm với xe của một người phụ nữ làm gãy trục xe của đại phu. Đại phu bực tức, định bắt và dùng roi đánh người phụ nữ. Người phụ nữ nói: “Thiếp nghe nói bậc quân tử không trút giận sang người khác, một lỗi không phạm hai lần. Nay trên đường hẹp, thiếp đã cố tránh nhưng người hầu của Ngài không chịu đánh xe tránh sang bên một chút, cho nên làm hỏng xe của Ngài. Nay Ngài lại đòi bắt thiếp, chẳng nhẽ chẳng phải là trút giận sang người khác sao! Ngài không những không trách mắng người hầu của Ngài mà lại tức giận oán trách thiếp, chẳng nhẽ không phải một lỗi mà phạm hai lần sao! Trong Chu Thư có câu: Vô hối quan quả, nhi úy cao minh (không được coi thường người cô đơn không chỗ dựa mà sợ kẻ cao quý thông minh). Nay ngài không làm gương sáng, trút giận sang người khác lại một lỗi phạm hai lần, tha cho người hầu mà xem thường người yếu thế, chẳng nhẽ không phải là coi thường người cô đơn không chỗ dựa hay sao! Ngài đánh thiếp thì cứ đánh đi, nhưng đáng tiếc là Ngài sẽ đánh mất tấm lòng lương thiện”. Đại phu nghe xong vô cùng hổ thẹn, không nói được lời nào, bèn tha cho người phụ nữ, hỏi nàng là người ở đâu. Người phụ nữ đáp: “Thiếp chẳng qua là người phụ nữ tầm thường ở chốn quê mùa của nước Sở”. Đại phu nói: “Sao không theo ta đến nước Trịnh?”. Người phụ nữ đáp: “Thiếp đã có chồng họ Chiêu”, thế rồi rời đi.
Bậc quân tử nói Biện nữ có thể dùng lời nói mà tránh được tai họa.
Kinh Thi có câu: “Duy hào tư ngôn, hữu luân hữu tích” (Nên mình chỉ biết kêu gào, thật là hợp lý xiết bao mấy lời) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Biện nữ độc thừa, ngộ Trịnh sứ giả, Trịnh sứ chiết trục, chấp nữ phẫn nộ, nữ trần kỳ oan, diệc hữu kỳ tự, Trịnh sứ tàm khứ, bất cảm đàm ngữ.
(Tạm dịch: Biện nữ đánh xe, trên đường gặp Trịnh sứ giả, sứ giả bị hỏng xe, tức giận bắt biện nữ. Biện nữ kể lể oan tình, có lý có trình tự, sứ giả hổ thẹn mà bỏ đi, không dám nói gì).
A CỐC XỬ NỮ
A Cốc xử nữ là cô gái giặt áo ở ven đường núi A Cốc. Khổng Tử và đệ tử ngao du về phía Nam, trên đường đi qua đường núi A Cốc, thấy một cô gái đeo ngọc đang giặt áo. Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Có thể nói chuyện với người con gái đang giặt áo kia không?”, rồi lấy chiếc chén đưa cho Tử Cống nói: “Nói chuyện với nàng ta, xem chí hướng của nàng ta”. Tử Cống tiến lại gần nói: “Tôi là kẻ thô kệch ở phương Bắc, từ phương Bắc xuống phía Nam, muốn đến nước Sở, đúng lúc trời nắng to, trong lòng rất khát, mong có một chén nước để uống, giảm bớt cảm giác nóng bức”. Người con gái nói: “Đường núi A Cốc là nơi quanh co tĩnh mịch, dòng nước ở đây, một bên trong, một bên đục, đều chảy ra biển lớn. Ngài muốn uống thì uống, hà tất phải hỏi thiếp?”. Nhưng vẫn cầm lấy chiếc chén của Tử Cống, hướng về phía ngược dòng nước để múc nước, rồi lại đổ đi, sau đó xuôi theo dòng nước để múc nước, nước đầy muốn tràn ra ngoài chiếc chén. Cô gái quỳ xuống để chiếc chén trên mặt cát rồi nói: “Theo yêu cầu của lễ nghĩa, thiếp không thể tận tay giao chiếc chén cho Ngài”. Tử Cống quay về, đem lời nói của cô gái kể cho Khổng Tử. Khổng Tử nói: “Ta đã biết”.
Khổng Tử lấy đàn ra, rút cái trục vặn dây đàn rồi giao cho Tử Cống nói: “Lại đi nói chuyện với nàng ta”. Tử Cống đi đến chỗ cô gái nói: “Vừa nãy nghe nàng nói như gặp làn gió mát, rõ ràng rất hài hòa dịu dàng, làm cho lòng ta được bình yên. Nay ta có cây đàn, nhưng bị mất trục vặn dây đàn, mong nàng có thể chỉnh âm giúp”. Cô gái nói: “Thiếp là người quê mùa, từ nhỏ kiến thức nông cạn, không biết âm nhạc. Sao có thể chỉnh đàn?”. Tử Cống quay về, đem lời của cô gái kể cho Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Ta đã biết rồi, gặp Thánh Hiền nàng sẽ tỏ lòng tôn kính”.
Khổng Tử lại lấy năm lạng vải đay giao cho Tử Cống nói: “Tiếp tục đi nói chuyện với nàng ta”. Tử Cống đi đến chỗ cô gái nói: “Tôi là người thô kệch ở phương Bắc, từ Bắc đến phương Nam, muốn đến nước Sở. Nay có năm lạng vải đay, không dám dùng để so sánh với giá trị con người của nàng, mong được ở bên cạnh nàng”. Cô gái nói: “Người qua đường, sao có thể nói là vĩnh cửu, phí tổn đồ vật, vứt nơi quê mùa. Thiếp tuy còn nhỏ tuổi, sao dám nhận đồ vật của Ngài? Nay Ngài chưa thành thân, nhưng thiếp đã biết tên chồng của mình”. Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử nói: “Ta đã biết rồi, người con gái này thông tình đạt lý, lại hiểu rõ lễ nghĩa”.
Kinh Thi có câu: “Nam hữu kiều mộc, Bất khả hưu tức” (Núi nam có cây trụi cao, Mọi người chẳng thể tựa vào nghỉ ngơi) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Khổng Tử xuất du, A Cốc chi nam, dị kỳ xử nữ, dục quan kỳ phong, Tử Cống tam phản, nữ từ biện thâm, Tử viết đạt tình, tri lễ bất dâm.
(Tạm dịch: Khổng Tử du ngoạn, đến phía nam A Cốc, gặp người con gái cảm thấy kinh ngạc, muốn xem dân tình nơi đây, nên để Tử Cống ba lần đi lại. Ngôn từ của xử nữ có ý sâu xa, Khổng Tử nói nàng thông tình đạt lý, biết lễ nghĩa lại không dâm loạn).
TRIỆU TÂN NỮ QUYÊN
Triệu Tân Nữ Quyên là con gái vị quan nhỏ ở bến đò qua sông nước Triệu, là phu nhân của Triệu Giản Tử. Lúc đầu, Triệu Giản Tử xuống phía Nam công đánh nước Sở, ước định thời gian với vị quan nhỏ. Khi Giản Tử đến bến đò thì vị quan nhỏ uống rượu say, không thể chở người qua sông. Giản Tử giận dữ chuẩn bị giết viên quan, con gái của vị quan này cảm thấy sợ hãi, vội cầm mái chèo chạy lên phía trước. Triệu Giản Tử nói: “Cô gái chạy đến đây làm gì?”. Nàng đáp: “Thiếp là con gái của vị quan nhỏ ở bến đò. Cha của thiếp nói Chúa Thượng đến, chuẩn bị qua sông, nhưng khó đoán được sông nước lành dữ, sợ nổi sóng gió, kinh động Thủy Thần, cho nên cầu khấn cúng bái Thủy Thần sông nước, cung phụng lễ vật vô cùng chu đáo, mong các vị thần chấp nhận và ban phúc, không ngờ lúc cúng bái, đã uống rượu còn thừa, do rượu mà ra nông nỗi này. Nay Chúa Thượng chuẩn bị giết cha thiếp, thiếp nguyện dùng tính mệnh của thiếp để đổi lấy tội chết của cha thiếp”. Triệu Giản Tử nói: “Đây không phải là tội của nàng”. Nữ Quyên đáp: “Chúa thượng muốn giết cha thiếp trong lúc say rượu, thiếp e là cha thiếp cũng không biết đau, lại không biết tội của mình. Nếu như không biết tội mà giết cha thiếp là đang giết người vô tội, mong hãy để cha thiếp tỉnh rượu rồi hãy giết, để cha thiếp biết tội của mình”. Triệu Giản Tử nói: “Được”. Thế là thả vị quan nhỏ ra, không giết nữa. Triệu Giản Tử chuẩn bị qua sông nhưng thiếu một người chèo thuyền. Nữ Quyên xắn tay áo lên, cầm mái chèo thỉnh cầu rằng: “Nguyện thay cha chèo thuyền”. Giản Tử nói: “Trước khi Quả Nhân xuất binh, đã tuyển chọn kỹ sĩ đại phu, trai giới tắm rửa sạch sẽ, không thể cùng với đàn bà con gái đi chung thuyền qua sông”. Nữ Quyên đáp: “Thiếp nghe nói ngày xưa khi Vua Thang thảo phạt Hạ Kiệt, bên trái chiến xa là ngựa cái màu đen tuyền, bên phải chiến xa là ngựa cái màu vàng, cuối cùng công phá và lưu đầy Hạ Kiệt. Khi Chu Vũ Vương thảo phạt Ân Thương, bên trái chiến xa là tuấn mã cái, bên phải chiến xa cũng là tuấn mã cái, cuối cùng ở phía Nam núi Hoa Sơn, chiến thắng Trụ Vương nhà Thương. Nếu như Chúa Thượng không muốn qua sông thì thôi, nếu như muốn qua sông, cùng thiếp chung thuyền thì liên quan gì?”. Triệu Giản Tử nghe xong vô cùng vui mừng, bèn cùng nàng qua sông. Khi đến giữa sông, nàng cất tiếng hát bài Hà Kích ca: Thăng bỉ a hĩ diện quán thanh, thủy dương ba hĩ diểu minh minh, đảo cầu phúc hĩ túy bất tỉnh, tru tương gia hĩ thiếp tâm kinh, phát ký thích hĩ độc nãi thanh, thiếp trì tiếp hĩ thao kỳ duy, giao long trợ hĩ chủ tướng quy, hô lai trạc hĩ hành vật nghi (Bước lên thuyền trước mắt một mầu xanh, sóng dâng mịt mù, cầu phúc nên cha rượu say không tỉnh, sắp bị giết nên thiếp kinh sợ, được tha tội chết nước cũng trong xanh, thiếp bơi mái chèo thuyền lướt trôi, Giao Long trợ sức Chúa Thượng thắng lợi trở về, để thiếp cầm chèo thẳng tiến về phía trước chớ hoài nghi).
Giản Tử vô cùng cao hứng nói: “Trước đây Quả Nhân nằm mơ lấy được người vợ. Chẳng nhẽ là người con gái này sao?”, thế rồi sai người cúng bái Thần linh, lập Nữ Quyên làm phu nhân. Quyên hành hai lần lễ mà khước từ rằng: “Lễ nghĩa của vợ chồng, không có người mai mối thì không xuất giá. Thiếp có cha mẹ ở nhà, không dám nghe theo”, thế rồi cáo từ mà đi. Sau khi Giản Tử quay về liền đem sính lễ đến hỏi cưới Nữ Quyên, rồi lập làm phu nhân.
Bậc quân tử nói Nữ Quyên tinh thông điển cố lại biết ăn nói.
Kinh Thi có câu: “Lai du lai ca, dĩ thỉ kỳ âm” (Đến ngoạn du ca vịnh nơi nầy, để cho lời được tỏ bày) là chỉ việc này.
Có thơ khen rằng: Triệu Giản độ hà, tân lại túy hoang, tương dục gia tru, Nữ Quyên khủng hoàng, thao tiếp tiến thuyết, phụ đắc bất táng, duy cửu nan tế, chung toại phát dương.
(Tạm dịch: Triệu Giản qua sông, vị quan quản lý việc qua sông say rượu. Triệu Giản định xử tội chết. Con gái tên Quyên lo sợ, cầm chèo đến trước biện luận, cha mới thoát chết. Nữ đức khó lu mờ, cuối cùng được nêu cao).
TRIỆU PHẬT HẬT MẪU
Triệu Phật Hật mẫu là mẹ của Huyện Lệnh huyện Trung Mâu, tên Phật Hật làm phản ở Trung Mâu. Theo luật pháp nước Triệu, xúi giục làm phản bị xử tử, tịch thu toàn bộ gia sản. Khi mẹ của Phật Hật bị luận tội, bà nói: “Thiếp không đáng bị xử tội chết”. Viên quan xử án hỏi tại sao, bà nói: “Hãy thông báo cho Chúa Thượng giùm thiếp. Thiếp sẽ nói, nếu như nói không thông thì có chết cũng đành”. Viên quan xử án báo lại cho Triệu Tương Tử, Tương Tử ra hỏi tại sao, mẹ Phật Hật nói: “Không gặp được Chúa Thượng thì thiếp không nói”. Thế là Tương Tử tiếp kiến và hỏi bà: “Sao bà không đáng bị xử tội chết?”. Mẹ của Phật Hật nói: “Sao thiếp lại đáng tội chết?”. Tương Tử bảo: “Con trai bà làm phản”. Mẹ Phật Hật nói: “Con trai làm phản. Sao mẹ lại bị xử tội chết?”. Tương Tử nói: “Mẹ không giáo dục tốt con cái, cho nên con trai mới làm phản. Tại sao người mẹ không đáng bị xử tội chết?”. Mẹ Phật Hật nói: “Chúa thượng muốn giết thiếp mới cố ý nói thiếp không dạy bảo con trai. Thiếp đã tận hết trách nhiệm. Con trai thiếp làm phản là do Chúa Thượng. Thiếp nghe nói khi nhỏ con ngạo mạn vô lễ là tội của mẹ. Sau khi lớn lên không đem hết sức ra phục vụ đất nước là tội của cha. Con của thiếp nhỏ thì không ngạo mạn, khi lớn đã dốc sức phục vụ đất nước, thiếp có trách nhiệm gì! Thiếp nghe nói con còn nhỏ là con, sau khi trưởng thành là bạn bè. Nếu như chồng chết thì người mẹ phải theo con. Con trai là do thiếp sinh ra, do thiếp nuôi dưỡng, nhưng làm quan là do Chúa Thượng chọn lựa, do Chúa Thượng sắp xếp. Theo lý mà nói, con trai của thiếp là bề tôi của Chúa Thượng chứ không phải là con trai của thiếp. Chỉ có thể nói Chúa Thượng có bề tôi làm phản chứ thiếp không có con làm phản. Như vậy xem ra thiếp không có tội gì!”. Triệu Tương Tử nói: “Bà nói rất hay, xem ra Phật Hật làm phản là tội của Quả Nhân”, thế là tha cho mẹ của Phật Hật.
Bậc quân tử nói một lời nói của mẹ Phật Hật đã gợi ý cho Triệu Tương Tử cái đức là không vì hành vi của con trai mà trút giận sang người mẹ, do đó mà mình được miễn tội”.
Kinh Thi có câu: “Ký kiến quân tử, ngã tâm tả hề” (Quân tử nay đã gặp rồi, Làu làu chẳng bợn thảnh thơi tấc lòng) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Phật Hật ký bạn, kỳ mẫu nhiệm lý, tương tựu ư luận, tự ngôn Tương Tử, trần liệt mẫu chức, tử trưởng tại quân, Tương Tử thuyết chi, toại thích bất luận.
(Tạm dịch: Phật Hật làm loạn. Mẹ theo tình lý, lý luận với Vua, liệt kê trách nhiệm người làm mẹ, sau khi con lớn trách nhiệm do Vua. Tương Tử nghe xong cảm thấy có lý, bèn tha cho không luận tội nữa).
TỀ UY NGU CƠ
Ngu Cơ tên là Quyên Chi, là người thiếp xinh đẹp của Tề Uy Vương. Uy Vương sau khi lên ngôi, chín năm không màng việc triều chính, giao hết việc cho các Đại thần. Các nước chư hầu thường sang xâm phạm. Khi đó gian thần Chu Phá Hồ chuyên quyền, đố kị người hiền tài. Tức Mặc đại phu là hiền thần, nhưng Chu Phá Hồ hàng ngày đều gièm pha. A đại phu là kẻ chẳng ra gì, Chu Phá Hồ lại thường xuyên khen ngợi. Ngu Cơ nói với Tề Uy Vương rằng: “Phá Hồ là kẻ tiểu nhân giỏi gièm pha và a dua, không thể không phế truất. Nước Tề có Bắc Quách tiên sinh, là người thông thái sáng suốt, có đạo đức, có thể bố trí ở bên mình”. Sau khi Chu Phá Hồ biết được liền đặt điều rằng: “Khi xưa Ngu Cơ còn nhỏ ở quê từng tư thông với Bắc Quách tiên sinh”. Tề Vương hoài nghi nàng, bèn nhốt Ngu Cơ vào tháp chín tầng, còn sai người điều tra truy cứu đến cùng. Phá Hồ hối lộ người điều tra để làm cho Ngu Cơ trở thành có tội. Người điều tra bèn thêu dệt ra lời khai không có lợi cho Ngu Cơ rồi trình cho Tề Uy Vương. Nhưng Tề Vương xem lời khai thấy có chỗ không hợp lý bèn đích thân cho gọi Ngu Cơ đến để hỏi. Ngu Cơ nói với Tề Uy Vương rằng: “Thần thiếp Quyên Chi may mắn được cha mẹ sinh ra, được sống trong trời đất, xa rời nhà tranh vách đất đến hầu hạ bên cạnh Đại Vương, trải giường gấp chăn, quét nhà lau bụi, những công việc sinh hoạt hàng ngày đều hầu hạ chu đáo. Thần thiếp một tấm lòng chân thành, chỉ muốn nói sự thật cho Đại Vương, nào ngờ bị gian thần đặt điều. Tâm ý của thần thiếp bị chôn vùi, không ngờ hôm nay Đại Vương vẫn đích thân triệu kiến thần thiếp. Thần thiếp nghe nói ngọc thạch cho dù rơi vào bùn cũng không lấm bùn. Liễu Hạ Huệ lo cho cô gái sẽ chết vì lạnh nên cho ngồi trong lòng mà không ai cho rằng ông dâm loạn, có thể thấy có được hình tượng cao thượng là kết quả của sự tích góp hàng ngày, do đó không bị người khác hoài nghi. Cho nên qua ruộng dưa chớ cúi xuống buộc lại dây giầy, qua vườn mận không đưa tay lên chỉnh sửa lại mũ, nhưng thần thiếp không tránh để khỏi bị hiềm nghi, đây là tội thứ nhất của thần thiếp. Sau thần thiếp bị vu cáo hãm hại, người điều tra nhận hối lộ nghe theo lời của gian thần, thần thiếp bị hãm hại mà bản thân không thể biện bạch rõ ràng. Thần thiếp nghe nói quả phụ khóc lóc thảm thiết dưới chân thành, tường thành cũng vì vậy mà sụp đổ. Kẻ sĩ vong quốc than thở giữa chợ làm cho ai cũng cảm động, do đó mà ngừng kinh doanh. Mà nỗi oan của thần thiếp sự thật rõ như ban ngày, nhưng cho dù một mình trên tháp cao chín tầng khóc lóc cũng không có ai đến cứu giúp, đây là tội thứ ai của thần thiếp. Thần thiếp đã mang tiếng xấu, cộng thêm hai tội này, theo lý mà nói thì không thể tiếp tục sống trên cõi đời này. Cho nên thần thiếp vẫn còn sống là bởi vì thần thiếp muốn rửa sạch tiếng xấu. Hơn nữa, bị oan thì từ xưa tới nay đều có, ngày xưa Bá Kỳ bị lưu đày, Thân Sinh bị ép tự sát, hai người này đều là người hiếu thuận có tiếng, nhưng lại bị làm hại. Thần thiếp đã bị xử tội chết, nên không nhắc lại những việc này nữa, nhưng vẫn muốn khuyên Đại Vương rằng trong đám quần thần, Chu Phá Hồ là kẻ gian nịnh nhất. Nếu như Đại Vương vẫn không muốn đích thân chấp chính thì nước Tề sẽ hết sức nguy ngập”.
Lời nói xuất phát từ đáy lòng của Ngu Cơ làm cho Tề Uy Vương hoàn toàn tỉnh ngộ. Thế là thả Ngu Cơ và công bố việc này trong triều và bên ngoài, phong cho Tức Mặc đại phu làm vạn hộ hầu, đem nấu A đại phu và Chu Phá Hồ, sau đó khởi binh thu phục đất đai trước đây bị xâm chiếm. Lòng người nước Tề đều chấn động, mọi người đều biết việc nấu A đại phu nên không dám giấu diếm sự thật, đều tận hết phạm vi trách nhiệm của mình. Nước Tề được ổn định.
Bậc quân tử nói Ngu Cơ giàu lòng nhân từ.
Kinh Thi có câu: “Ký kiến quân tử, ngã tâm tắc giáng” (Đã gặp bậc quân tử rồi, thì lòng lắng dịu xiết bao!) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Tề quốc đọa chính, bất trị cửu niên, Ngu Cơ cơ thích, phản hại kỳ thân, Cơ liệt kỳ sự, thượng chỉ hoàng thiên, Uy Vương giác ngộ, tuất cự cường Tần.
(Tạm dịch: Nước Tề chính sự biếng nhác, chín năm không được quản lý. Ngu Cơ khuyên gián, trái lại bị họa vào thân. Ngu Cơ liệt kê sự thật, xin trời chứng giám, Uy Vương tỉnh ngộ, cuối cùng đánh đuổi được nước Tần hùng mạnh).
TỀ CHUNG LY XUÂN
Chung Ly Xuân, người ấp Vô Diêm nước Tề, là Vương Hậu của Tề Tuyên Vương. Bà sinh ra trán cao, mắt sâu, bụng dài, chân thô, mũi hếch, xương cổ lòi ra, cổ to, tóc thưa, bụng phệ, lưng gù, da đen đúa. Người xấu xí như vậy, đến 40 tuổi vẫn không gả được, công khai thỉnh cầu được xuất giá nhưng không ai đáp ứng, thế là mặc áo cộc bằng vải thô rồi tự tiến cử lên Tuyên Vương, nói với người canh cửa rằng: “Thiếp là người phụ nữ không tìm được chồng của nước Tề, nghe nói Đại Vương có đức anh minh, mong được quét nhà lau bụi ở hậu cung của Đại Vương, nay ở ngoài cổng hành lễ đợi chờ, mong Tề Vương chuẩn y việc này”. Người canh cửa đem việc này báo cho Tề Tuyên Vương. Tề Tuyên Vương đang bày yến tiệc, người xung quanh sau khi nghe xong đều bịt miệng cười nói: “Đây đúng là người con gái không biết xấu hổ nhất thiên hạ. Sao không làm cho người ta cảm thấy kỳ lạ!”. Thế là Tề Tuyên Vương triệu kiến bà và nói với bà rằng: “Trước đây, Tiên Vương đã lấy vợ cho ta, đến nay các vị trí đã đủ. Nàng không được dân thường lấy làm vợ, lại muốn gả cho bậc Đế Vương. Nàng có bản lĩnh kỳ lạ nào không?”. Chung Ly Xuân đáp: “Không có, chẳng qua là thần ngưỡng mộ cái tên đẹp và nhân nghĩa của Đại Vương mà thôi”. Tuyên Vương nói: “Cho dù là như vậy, nàng có bản lĩnh gì?”. Một lúc lâu bà mới trả lời: “Theo ý riêng của thiếp thì thiếp giỏi về thuật tàng hình”. Tuyên Vương nói: “Ta vốn cũng muốn xem thuật tàng hình. Nàng thử xem sao”. Nói chưa dứt lời, đột nhiên không thấy đâu nữa, Tuyên vương kinh ngạc, lập tức lấy toàn bộ sách nói về thuật tàng hình để đọc, sau khi bãi triều lại tiếp tục làm theo phương pháp trong sách, nhưng không thành công.
Ngày hôm sau lại gọi bà đến hỏi, bà không nói đến việc tàng hình, chỉ nhe răng trừng mắt, tay vỗ đầu gối nói: “Nguy rồi! Nguy rồi!”. Chung Ly Xuân lặp đi lặp lại động tác và lời nói này bốn lần. Tề Tuyên Vương nói: “Xin nàng hãy nói rõ!”. Chung Ly Xuân đáp: “Hiện nay đất nước của Đại Vương, phía Tây có loạn Tần bạo ngược, phía Nam lại có thù với Sở hùng mạnh. Bên ngoài có hai nước thù địch, trong nước gian thần tụ tập, mọi người không đoàn kết. Nay Đại Vương đã 40 tuổi, không lập người thừa kế mình, không dạy dỗ các con, cả ngày đắm chìm trong đám phụ nữ. Một ngày Đại Vương có mệnh hệ gì thì nước Tề sẽ đại loạn, đây là cái nguy thứ nhất. Xây dựng lầu tháp cao năm tầng, trang hoàng vàng bạc ngọc ngà, gấm vóc, do đó mà bách tính mệt mỏi cùng cực, đây là cái nguy thứ hai. Người hiền tài đều ẩn cư nơi rừng núi, kẻ a dua nịnh bợ ở bên cạnh, kẻ gian tà giả dối chiếm cứ triều đình, người can gián không thể qua lại, đây là cái nguy thứ ba. Đại Vương đam mê uống rượu, hết ngày lại đêm, cùng với ca nữ vui chơi ca hát. Bên ngoài thì không lấy lễ để kết giao với chư hầu, bên trong không chăm lo cai trị đất nước, đây là cái nguy thứ tư. Cho nên thiếp mới nói là nguy rồi, nguy rồi”.
Tề Tuyên Vương bùi ngùi than thở rằng: “Lời của Nàng thật là sâu sắc, nay ta mới hiểu được hết điều này”. Thế rồi cho tháo dỡ lầu tháp, hủy bỏ ca nữ, phế truất kẻ a dua nịnh bợ, bỏ bớt những nơi chạm trổ thái quá, tuyển chọn binh mã, bổ sung quốc khố, mở rộng cửa chào đón người ăn nói thẳng thắn, mở rộng đến nơi xa xôi hẻo lánh. Giao quẻ chọn ngày lành tháng tốt để lập Thái Tử, lấy Chung Ly Xuân làm Vương Hậu. Nước Tề được yên ổn là công lao của người phụ nữ xấu xí Chung Ly Xuân.
Bậc quân tử nói Chung Ly Xuân là người chính trực lại khéo ăn nói.
Kinh Thi có câu: “Ký kiến quân tử, ngã tâm tắc hỉ” (Khách người quân tử gặp xong, thì ta mừng rỡ trong lòng xiết bao) là chỉ điều này.
Có thơ khen rằng: Vô Diêm chi nữ, can thyết Tề Tuyên, phân biệt tứ đãi, xưng quốc loạn phiền, Tuyên vương tùng chi, tứ tịch công môn, toại lập thái tử, bái vô diêm quân.
(Tạm dịch: Cô gái ấp Vô Diêm, khuyên nhủ Tuyên Vương, liệt kê bốn cái nguy, đất nước sẽ đại loạn. Tuyên Vương nghe theo, mở cửa chiêu hiền, lập lên Thái Tử, cưới Chung Ly làm Vương Hậu).
TRAI TÚC LỰU NỮ
Túc Lựu nữ là cô gái hái dâu ở Đông Quách nước Tề, là Vương Hậu của Tề Mẫn Vương, trên cổ mọc khối u nên gọi nàng là Túc Lựu. Một lần, khi Tề Mẫn Vương đi tuần, đến Đông Quách, bách tính đều ra xem, Túc Lựu nữ vẫn hái dâu như thường mà không quay đầu lại nhìn, Tề vương cảm thấy kỳ lạ bèn gọi nàng đến hỏi: “Quả nhân đi tuần, ngựa xe đông đảo, bách tính bất luận là lớn bé đều buông hết công việc còn đang dang dở để ra xem. Nàng hái dâu bên đường, mà đến quay đầu lại nhìn cũng không buồn nhìn, là vì cớ gì?”. Túc Lựu nữ đáp: “Thiếp vâng lời cha mẹ đến hái dâu, cha mẹ không bảo thiếp xem Đại Vương”. Tề Vương nói: “Đây đúng là một cô gái đặc biệt, đáng tiếc trên cổ có mọc khối u to”. Túc Lựu nữ đáp: “Trách nhiệm của thiếp là chăm chỉ hái dâu không được phân tâm, chỉ cần thiếp không quên việc của mình cần làm là gì là được rồi, trên cổ mọc khối u thì có hề gì!”. Tề Vương nghe xong vô cùng vui mừng, nói: “Đây quả là cô gái thông minh sáng suốt”, thế là lệnh cho xe sau cho nàng lên xe. Túc Lựu nữ nói: “Dựa vào thế lực của Đại Vương có thể làm như thế, nhưng thiếp trên còn có cha mẹ, chưa được cha mẹ đồng ý mà tùy tiện theo Đại Vương thì khác nào bỏ nhà theo trai. Đại Vương muốn người như vậy làm gì?”. Tề Vương nghe xong vô cùng hổ thẹn nói: “Đây là sơ suất của Quả Nhân”. Túc Lựu nữ lại nói: “Người con gái tiết hạnh, cho dù lễ nghĩa có một chút không phù hợp với quy củ thì có chết cũng không nghe theo”. Tề Vương bèn để nàng về nhà và sai sứ giả mang hai ngàn lạng vàng đến nhà nàng làm sính lễ, sau đó rước dâu. Cha mẹ của Túc Lựu nữ vô cùng hoảng sợ, muốn nàng tắm gội thay đồ, trang điểm. Nàng kiên quyết phản đối, cho rằng làm vậy là thay đổi dung nhan vốn có của mình, nên vẫn ăn vận như thường ngày và theo sứ giả vào cung.
Sau khi Văn Vương về cung, gặp các vị phu nhân bèn nói với họ rằng: “Hôm nay đi tuần, gặp một vị Thánh nữ, nay đã vào cung, nàng ấy sẽ răn dạy các khanh”. Các vị phu nhân đều cảm thấy kỳ lạ, bèn trang điểm lộng lẫy để nghênh đón Túc Lựu nữ, đợi rất lâu Túc Lựu nữ mới tới. Túc Lựu nữ làm cho các vị phu nhân đều cảm thấy kinh ngạc. Mọi người không nhịn được đều bịt miệng cười. Tề Mẫn Vương vô cùng khó xử nói: “Không được cười! Chỉ là nàng ấy không trang điểm, trang điểm hay không khác xa nhau mười phần, trăm phần!”. Túc Lựu nữ nói: “Trang điểm hay không, khác xa nhau cả nghìn vạn lần còn không hết. Sao lại chỉ có trăm lần, mười lần?”. Tề Vương nói: “Sao lại nói như vậy?”. Túc Lựu nữ đáp: “Bản tính con người khá giống nhau, nhưng trải qua sự học hỏi khác nhau mà khác xa nhau. Xưa Vua Nghiêu, Vua Thuấn, Vua Kiệt, Vua Trụ đều là Thiên Tử. Vua Nghiêu, Vua Thuấn dùng nhân nghĩa để trang điểm cho mình, tuy là thiên tử nhưng tiết kiệm cầu yên ổn, cung điện xây dựng đều dùng vật liệu thô, không trang hoàng. Người ở hậu cung đều không mặc trang phục hoa mỹ, bữa cơm không có hai món có thịt đến nay đã hàng nghìn năm người trong thiên hạ vẫn noi gương. Vua Kiệt, Vua Trụ nhân nghĩa chẳng màng, xa xỉ vô độ, xây dựng lầu cao hào sâu, hậu cung dưới chân đều là gấm vóc, đồ chơi của người trong cung đều là châu báu, ngọc ngà, mà không lúc nào thấy thỏa mãn cuối cùng thân vong quốc diệt, bị thiên hạ cười chê, đến nay đã hơn nghìn năm, người thiên hạ đều cho rằng họ là những kẻ làm điều ác. Do đó có thể thấy trang điểm hay không khác xa nhau cả nghìn vạn lần còn chưa hết, sao lại chỉ trăm lần, mười lần!”. Nghe đến đây, các vị phu nhân đều cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Tề Mẫn Vương vô cùng cảm kích Túc Lựu nữ, bèn lập nàng thành Vương Hậu, hạ lệnh cắt giảm quy mô trong cung, cho san lấp đầm ao, giảm bớt tiêu chuẩn ăn uống trong cung, thu hẹp quy mô hoạt động vui chơi hưởng lạc, người ở hậu cung không được mặc quần áo lộng lẫy. Trong một tháng, nếp sống tiết kiệm ảnh hưởng đến các nước lân cận. Các nước chư hầu đến triều bái tấp nập, sau công đánh tam Tấn (ba nước Hàn, Triệu, Ngụy), làm nước Tần, nước Sở kinh sợ, rồi xưng Đế hiệu. Tề Mẫn Vương đạt được như vậy là do công lao to lớn của Túc Lựu nữ. Sau khi Túc Lựu nữ mất, nước Yến công đánh nước Tề, Mẫn Vương lưu vong ra ngoài rồi bị giết chết.
Bậc quân tử nói Túc Lựu nữ thông suốt lại biết lễ nghĩa.
Kinh Thi có câu: “Tinh tinh giả nga, tại bỉ trung a, ký kiến quân tử, lạc thả hữu nghĩ” (cỏ nga đã mọc rậm đầy, ở trong gò lớn găm đầy khắp nơi, Khách gặp quân tử gặp rồi, ta cùng nghi lễ vui tươi trong lòng) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Tề nữ Túc Lựu, Đông Quách thái tang, Mẫn Vương xuất du, bất vi biến thường, vương chiêu dữ ngữ, gián từ thậm minh, tuất thăng hậu vị, danh thanh quang vinh.
(Tạm dịch: Nước Tề có người con gái có khối u ở cổ, hái dâu ở Đông Quách. Mẫn vương đi tuần, không thay đổi thái độ hàng ngày của mình. Tề vương gọi đến hỏi, trả lời vô cùng thông minh, sau thành Vương Hậu, để lại tiếng thơm).
TỀ CÔ TRỤC NỮ
Cô Trục nữ là cô gái ở đất Tức Mặc nước Tề, là vợ của Tể tướng nước Tề. Cô Trục nữ mồ côi không cha mẹ, dung mạo rất xấu, ba lần bị đuổi khỏi làng, năm lần bị đuổi ra khỏi xóm ngõ, quá tuổi mà không có ai lấy nên không có chốn dung thân. Vợ Tể tướng nước Tề qua đời, Cô Trục nữ bèn đến trước cổng cung điện của Tương Vương xin yết kiến, nói với người canh cổng rằng: “Thiếp ba lần bị đuổi khỏi làng, năm lần bị đuổi khỏi xóm ngõ, cô đơn không cha mẹ, nay bị vứt bỏ nơi hoang dã, không chốn dung thân, mong được ở trước mặt Đại Vương nói lời ngu muội nhưng từ tận đáy lòng của thiếp”. Người tùy tùng báo lại với Tề Vương. Tề Vương lập tức buông đồ ăn xuống, phun cơm trong miệng ra, vội vàng đứng dậy. Người xung quanh nói: “Người mà ba lần bị đuổi khỏi làng xem ra là bởi vì bất trung. Năm lần bị đuổi khỏi xóm ngõ xem ra là không hiểu lễ nghĩa. Người bất trung, ít lễ nghĩa thì Đại Vương sao phải vội gặp nàng ta làm gì?”. Tề Vương nói: “Các khanh không biết đó chứ, bò rống mà ngựa không đáp lại, không phải là không nghe thấy tiếng của con bò, mà nguyên nhân bởi vì không phải là đồng loại. Người này nhất định có chỗ khác người”, thế là tiếp kiến nàng, cùng nàng đàm đạo trọn ba ngày.
Ngày thứ nhất, Cô Trục nữ nói: “Đại Vương biết trụ cột của quốc gia không?”. Đại Vương nói: “Không biết!”. Cô Trục nữ nói: “Trụ cột là Tể tướng của đất nước. Trụ cột không thẳng thì xà nhà sẽ không an toàn. Xà nhà không an toàn thì mái hiên sẽ rơi xuống, ngôi nhà này sẽ bị đổ. Đại Vương giống xà nhà, nhân dân giống mái hiên, đất nước giống ngôi nhà. Ngôi nhà có kiên cố hay không là do trụ cột. Đất nước yên ổn hay không đều do Tể tướng. Nay Đại Vương đã biết điều này thì Tể tướng của đất nước không thể không xem xét kỹ lưỡng”. Tề Vương nói: “Hay!”.
Ngày thứ hai, Tề Vương nói: “Nàng cảm thấy Tể tướng của ta thế nào?”. Cô Trục nữ đáp: “Tể tướng của Đại Vương nên giống như cái thờn bơn, bên ngoài cũng có đôi, trong nhà cũng có đôi, sau đó mới có thể thành đại nghiệp”. Tề Vương nói: “Vậy là ý gì?”. Cô Trục nữ đáp: “Để cho tùy tùng của Tể tướng đều trở thành người hiểu biết, để cho vợ của Tể tướng trở thành người hiền đức”.
Ngày thứ ba, Tề Vương nói: “Tể tướng của Quả Nhân có thể thay không?”. Cô Trục nữ đáp: “Tể tướng hiện nay chẳng qua là một người có tài năng bậc trung, nhưng muốn tìm được người như này cũng không phải là dễ mà tìm được. Đương nhiên, nếu có người giỏi hơn tại sao không thể thay thế chứ? Nhưng vấn đề là hiện nay không có. Thiếp nghe nói Vua anh minh dùng người, tiến cử một người thì dùng cho tốt. Cho nên nước Sở dùng Ngu Khâu Tử thì lại được thêm Tôn Thúc Ngao. Nước Yến dùng Quách Ngỗi mà được thêm Nhạc Nghị. Nếu quả thật Đại Vương có thể khích lệ Tể tướng thì người này có thể dùng được”. Tề vương nói: “Quả Nhân phải dùng Tể tướng như thế nào?”. Cô Trục nữ đáp: “Ngày xưa Tề Hoàn Công tôn trọng người hiền tài nên những kẻ sĩ có đạo đều đến quy phục. Việt Vương kính trọng người chỉ có sức của chấu chấu nhưng vẫn muốn đá xe, nên dũng sĩ trong thiên hạ vì Việt Vương mà liều mình. Diệp Công thích rồng và rồng thực sự xuất hiện. Những việc này có thể làm chứng, vốn không phải do dự”. Tề Vương nói: “Hay!”, thế là tôn trọng Tể tướng, cung kính đối đãi với Tể tướng và gả Cô Trục nữ cho Tể tướng. Mấy ngày sau, có rất nhiều kẻ sĩ bốn phương về quy phục nước Tề. Do đó nước Tề được yên ổn.
Kinh Thi có câu: “Ký kiến quân tử, tịnh tọa cổ sắt” (Đến khi gặp được Vua rồi, Du dương đàn sắt đều ngồi gẩy chung) là có ý này.
Có thơ khen rằng: Tề trục cô nữ, tạo Tương Vương môn, nữ tuy ngũ trục, vương do kiến yên, đàm quốc chi chính, diệc thậm hữu văn, dữ ngữ tam nhật, toại phối tướng quân.
(Tạm dịch: Cô gái cô đơn bị đuổi đi của nước Tề, xin yết kiến Tề Tương Vương, Cô gái tuy bị đuổi đi năm lần nhưng Tề Vương vẫn tiếp kiến nàng, đàm đạo quốc gia đại sự, thấy vô cùng có lý, bèn đàm đạo với nàng ba ngày liền, sau gả nàng cho Tể tướng).
SỞ XỨ TRANG ĐIỆT
Sở Xứ Trang Điệt là phu nhân của Sở Khoảnh Tương Vương, là cô gái ở ấp huyện. Sở Khoảnh Tương Vương thích xây dựng đền đài lầu gác, khi xây xong thì đi lại bất định. Tuổi đã 40 mà chưa lập Thái tử, chặn những người can gián ở ngoài cổng cung điện, Khuất Nguyên bị lưu đày, đất nước vô cùng nguy hiểm. Nước Tần muốn tấn công nước Sở bèn sai Trương Nghi sang nước Sở ly gián, để cho người bên cạnh của Sở Vương tấu với Sở Vương rằng: “Đại Vương có thể du ngoạn về phía Nam đến đất Đường, trong vòng năm trăm dặm sẽ có nơi vui chơi”. Sở Vương chuẩn bị xuất phát. Lúc này Trang Điệt 12 tuổi, nói với mẹ của mình rằng: “Đại Vương thích trụy lạc, đi về bất định, đã tới tuổi tráng niên mà chưa lập Thái tử. Nay nước Tần lại sai người dùng số vàng lớn hối lộ cho đại thần bên cạnh Đại Vương, mê hoặc Đại Vương của chúng ta, xúi giục Đại Vương ngao du trong vòng năm trăm dặm để tiện quan sát sự thay đổi của tình thế. Đại Vương đã xuất phát, gian thần nhất định sẽ dựa vào nước thù địch để phát động âm mưu. Như vậy thì Đại Vương nhất định sẽ không thể trở về nước nữa. Con nguyện lên phía trước để can gián”. Mẹ của nàng nói: “Con là một đứa trẻ nhỏ. Sao có thể biết được cách can gián?”, không cho nàng đi. Thế là nàng trốn đi, lấy cây tre màu đỏ làm cờ, tay nàng cầm cờ chờ ở ven đường bên ngoài phía Nam. Sau khi xe của Sở Vương đi qua, nàng bèn dương cao cờ. Sở Vương nhìn thấy bèn dừng lại, sai người đến hỏi nàng, sứ giả trở về bẩm báo rằng: “Có một bé gái đứng dưới lá cờ, mong được yết kiến Đại Vương”. Sở Vương nói: “Để cô bé qua đây”. Sau khi Trang Điệt đến, Sở Vương hỏi: “Nàng làm gì vậy?”. Trang Điệt đáp: “Thiếp là cô gái ở ấp huyện, có chuyện cơ mật muốn nói với Đại Vương, sợ bị ngăn chặn ở ngoài cổng thành mà không gặp được Đại Vương để nói rõ sự tình, nay nhân cơ hội Đại Vương đi du ngoạn mà yết kiến Đại Vương”. Sở Vương nói: “Nàng có chuyện gì muốn nói với Quả Nhân?”. Trang Điệt nói: “Cá dời khỏi nước, có rồng không đuôi, tường thành sụp đổ từ bên trong mà Đại Vương không nhìn thấy”. Sở Vương nói: “Quả nhân không hiểu nàng nói gì?”. Trang Điệt đáp: “Cá dời khỏi nước là nói Đại Vương rời đất nước mà ngao du năm trăm dặm, chỉ nghĩ đến cái vui trước mắt, mà không nghĩ đến cái nguy ở sau lưng. Có rồng không đuôi là nói Đại Vương đã 40 tuổi rồi mà đất nước chưa có Thái tử. Đất nước không có người phò tá lớn mạnh, nhất định sẽ đối mặt với nguy hiểm. Tường thành sẽ sụp đổ từ bên trong mà Đại Vương không nhìn thấy. Họa hoạn sắp xảy ra mà Đại Vương không biết mà sửa sai”. Sở Vương nói: “Tại sao lại nói như vậy?”. Trang Điệt nói: “Đại Vương thích xây dựng đền đài lầu gác, không thương nhân dân, đi về bất định, tai không rõ mà mắt không sáng. Tuổi đã 40 mà chưa lập Thái Tử, đất nước không có người phò tá lớn mạnh, trong ngoài đều đã sụp đổ. Nước Tần hùng mạnh sai người đến nước Sở ly gián người bên cạnh Đại Vương. Nếu như Đại Vương không sửa đổi thì ngày càng nghiêm trọng hơn. Nay tai họa sắp hình thành, Đại Vương lại muốn đi ngao du ngoài năm trăm dặm. Nếu nhất định muốn đi thì đất nước sẽ không còn là đất nước của Đại Vương nữa”. Sở Vương nói: “Tại sao?”. Trang Điệt nói: “Đại Vương gây ra ba nguy nan là bởi vì có năm loại tai họa ngầm”. Sở Vương nói: “Năm loại tai họa ngầm là những loại gì?”. Trang Điệt nói: “Cung thất nhiều, thành quách rộng rãi là tai họa ngầm thứ nhất. Người trong cung mặc gấm vóc, nhân dân thì không có áo cộc để mặc là tai họa ngầm thứ hai. Xa xỉ không có mức độ, tài lực của đất nước sắp trống rỗng hết sạch là tai họa ngầm thứ ba. Nhân dân đói khổ mà ngựa của Đại Vương có thừa lương thực là tai họa ngầm thứ tư. Gian thần ở bên cạnh Đại Vương, người hiền tài không thể tiến thân là tai họa ngầm thứ năm. Đại Vương có năm loại tai họa ngầm này, cho nên mới dẫn đến ba nguy nan”. Sở Vương nói: “Hay!”, rồi ra lệnh cho xe phía sau chở Trang Điệt, lập tức quay về nước. Nhưng cổng thành đã đóng, phản loạn đã thành định cục. Sở Vương ra lệnh cho quân đội thành Yên, thành Dĩnh công đánh quân phản loạn, cuối cùng giành được thắng lợi, và lập Trang Điệt làm phu nhân. Trang Điệt lại trình bày việc tiết kiệm, thương dân, nước Sở trở nên hùng mạnh.
Bậc quân tử nói tuy Trang Điệt làm trái với lễ nghi, nhưng cuối cùng giữ được chính nghĩa.
Kinh Thi có câu: “Bắc phong kỳ giai, Vũ tuyết phi phi. Huệ nhi hiếu ngã, Huề thủ đồng quy” (Gió bấc thổi mấy luồng vi vút, Mưa tuyết vừa bay trút tơi bời. Cùng ta thân ái những người, Dắt tay về hẳn mau rời khỏi đây) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Sở Xứ Trang Điệt, tuy vi nữ đồng, dĩ xí kiến vương, trần quốc họa hung thiết vương tam nạn, ngũ hoạn lũy trọng, vương tải dĩ quy, chung tuất hữu công.
(Tạm dịch: Sở Xứ Trang Điệt, tuy còn trẻ con, dùng cờ gặp Vua, kể ra tai họa của đất nước, Sở Vương có ba tai nạn, năm loại họa hoạn. Sở Vương chở nàng cùng về, cuối cùng có công lao).
TỀ NỮ TỪ NGÔ
Tề nữ Từ Ngô là một phụ nữ nghèo khổ ở Đông Hải nước Tề. Nàng cùng với Lý Ngô và mấy người hàng xóm dùng chung đèn cầy để dệt vải vào buổi tối. Nhà Từ Ngô nghèo nhất, do vậy nàng thường không có đèn cầy để góp với hàng xóm. Lý Ngô nói với người khác rằng: “Từ Ngô thường không có đèn cầy để góp chung, mong rằng đừng để cho cô ta tham gia”. Từ Ngô nói: “Nói vậy là có ý gì? Do tôi nghèo thường không có đèn cầy cho nên mới thường xuyên dậy sớm, nghỉ muộn, gánh nước, quét nhà, dải chiếu đợi mọi người đến. Bản thân tôi ngồi ở chiếc chiếu manh rách nát nhất, cũng ngồi xa đèn cầy nhất, đây cũng là do tôi nghèo không đủ đèn cầy. Hơn nữa, ở căn phòng này, thêm một người thì ánh sáng của đèn cũng không tối đi, giảm bớt một người ánh sáng của đèn cũng không sáng thêm. Tại sao phải tiếc rẻ ánh sáng dư thừa ở xung quanh, không để cho người nghèo như tôi nhận được sự cảm thông và ân huệ? Sao không để cho tôi được mưu sinh lâu dài? Nếu như các vị có thể ban ơn cho tôi, chẳng nhẽ không được sao!”. Lý Ngô nghe xong không nói gì, thế là lại cùng nàng dệt vải vào buổi tối, cũng không buông lời oán trách nữa.
Bậc quân tử nói người phụ nữ này do lời nói mà không bị hàng xóm xa lánh, xem ra lời nói thích hợp có thể nhận được hiệu quả tốt.
Kinh Thi có câu: “Từ chi tập hĩ, dân chi hạp hĩ” (Những lời hòa nhã thì dân đều hợp ý) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Tề nữ Từ Ngô, hội tích độc bần, dạ thác chúc minh, Lý Ngô tuyệt yên, Từ Ngô tự liệt, từ ngữ thậm phân, tuất đắc dung nhân, chung một hậu ngôn.
(Tạm dịch: Tề nữ Từ Ngô, cùng mọi người dệt vải nhưng do mình nghèo nhất nên đêm phải nhờ ánh sáng của mọi người. Lý Ngô từ chối không cho nàng tham gia. Từ Ngô phân trần bản thân, nói lời thích hợp thỏa đáng, cuối cùng được tiếp nhận, từ đó mọi người không ghét bỏ).
TỀ THÁI THƯƠNG NỮ
Tề Thái Thương nữ là con gái út của quan Thái Thương lệnh Thuần Vu Ý. Thuần Vu Ý không có con trai chỉ có năm người con gái. Vào thời Hiếu Văn Hoàng Đế, Thuần Vu Ý bị tội phải chịu hình phạt. Lúc này hình phạt được bảo lưu rồi giải đi Trường An thụ hình. Lúc bị bắt Thuần Vu Ý mắng con gái của mình rằng: “Sinh con không sinh con trai có việc gấp chẳng có ích gì”. Đề Oanh thương khóc theo cha đến kinh thành, đồng thời dâng thư lên Hoàng Đế rằng: “Cha thiếp làm quan lại trong nước Tề đều khen ông ấy liêm khiết, công bằng, nay phạm tội phải chịu hình phạt. Thiếp thương cha không thể sống lại, người chịu hình phạt thì cơ thể chân tay không thể chắp nối lại, dù muốn sửa đổi lỗi lầm từ con đường mới, cũng không có cách nào. Thiếp xin chịu vào làm nô tì nhà quan, chuộc tội phải chịu hình phạt của cha, để cha có cơ hội được sửa đổi từ con đường mới”. Sau khi dâng tấu thư lên, Hoàng Đế cảm động với tình cảm của nàng nên ban chiếu thư rằng: “Nghe nói vào thời Hữu Ngu, chỉ bôi viết lên quần áo của người phạm tội để cho người phạm tội mặc quần áo có đánh dấu, do đó để cho họ cảm thấy hổ thẹn, từ đó mà nhân dân không phạm pháp, đất nước được cai trị tốt như vậy! Nay pháp luật có năm loại nhục hình, nhưng kẻ gian tà vẫn không bớt. Vấn đề này là do đâu? Chẳng nhẽ không phải là do lòng nhân đức của Trẫm quá mỏng? Thưởng phạt và giáo hóa không rõ ràng hay sao? Trẫm cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Xem ra giáo hóa không thuần túy, nhân dân sẽ dễ đi vào con đường phạm tội”.
Kinh Thi có câu: “Khải đễ quân tử, dân chi phụ mẫu” (Người quân tử bình dị dễ gần, mới đáng làm cha mẹ của dân). “Nay có người phạm lỗi, chưa giáo hóa mà đã dùng đến nhục hình, có lẽ những người muốn sửa lỗi quay về đường thiện cũng không có cách nào để sửa lỗi. Trẫm vô cùng thương tiếc cho họ. Nhục hình làm đứt chân tay, rách nát da thịt, làm cho người ta cả đời tàn tật, nhiều đau khổ là không đạo đức. Như vậy sao hợp với ý của cha mẹ của dân chứ? Nhất định phải hủy bỏ nhục hình”. Từ đó về sau hình phạt đục đầu thay đổi thành cạo đầu, rút gân đổi thành đánh bằng roi, chặt chân đổi thành vòng sắt kẹp cổ. Thế là Thuần Vu Ý được miễn tội.
Bậc quân tử nói một lời nói của Đề Oanh làm cảm động tâm ý của Hoàng Thượng, có thể nói việc làm vô cùng thích hợp.
Kinh Thi có câu: “Từ chi dịch hĩ, dân chi mạc hĩ” (Những lời vui đẹp thì dân đều yên lòng) là nói điều này.
Có thơ khen rằng: Đề Oanh tụng phụ, diệc khổng hữu thức, thôi thành thượng thư, văn nhã thậm bị, tiểu nữ chi ngôn, nãi cảm thánh ý, chung trừ nhục hình, dĩ miễn phụ sự.
(Tạm dịch: Đề Oanh biện giải cho cha, rất có dũng khí và kiến thức, thành tâm dâng tấu thư, ngôn từ nhã nhặn hoàn chỉnh, lời của cô con gái út, làm cảm động Hoàng Thượng, cuối cùng loại bỏ nhục hình, miễn tội cho cha).