TẠI SAO CON NGƯỜI PHẢI TUÂN THỦ NGŨ LUÂN ĐẠI ĐẠO

Trân trọng kính mời Quý vị đọc cuốn sách quý:

 

TẠI SAO CON NGƯỜI PHẢI TUÂN THỦ NGŨ LUÂN ĐẠI ĐẠO

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Thời gian giảng: 21/07/2009

Kính chào các vị lãnh đạo, các thầy cô giáo, các vị khách quý, các vị bằng hữu trong giới doanh nghiệp! Chúc mọi người buổi sáng tốt lành!

“Bất học lễ, vô dĩ lập” (không học lễ thì không nên người được), lễ phép là rất quan trọng. Mặc dù vừa rồi người chủ trì chưa giới thiệu xong nhưng tôi đã đi lên trên bục. Cho nên thực sự là đến già chúng ta vẫn còn phải học, đến già học cũng chưa hết. Mặc dù chúng tôi giao lưu phát triển Văn Hoá Truyền Thống với mọi người ở khắp các nơi nhưng đó chỉ là lời nói, quan trọng hơn vẫn là phải làm cho thật tốt. Bản thân tôi thực sự là “tung gạch nhử ngọc“. Diễn đàn lần này có rất nhiều người đến từ các nơi trên toàn quốc. Mọi người đã thực sự thực hành quan hệ ngũ luân, thực hành Văn Hoá Truyền Thống trong gia đình, trong doanh nghiệp. Thậm chí trong xã hội, trong rất nhiều đoàn thể nhà nước, họ cũng đều xung phong đi đầu để thực hiện. Thực sự họ thực hiện vô cùng chăm chỉ, làm được rồi thì họ chắc chắn có thể nói được. Cho nên mới nói: “Tình cảm chân thực là áng văn hay“.

Hội nghị lần này vô cùng hiếm có. Duyên phận của con người cũng không phải ngẫu nhiên. Cho nên có câu nói: “Không phải người một nhà thì sẽ không bước vào cửa gia đình đó”. Chúng ta có cùng chung sứ mệnh là: “Vị vãng Thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình” (vì những bậc Thánh hiền, hiền nhân ngày xưa mà kế thừa và duy trì học vấn bị đứt quãng, vì hậu thế mà xây dựng cơ nghiệp thái bình, thịnh vượng muôn đời). Cho nên mọi người cùng quy tụ về một nơi với đề mục giao lưu ngày hôm nay là: “Tại Sao Con Người Phải Tuân Thủ Quan Hệ Ngũ Luân”.

Có rất nhiều đạo lý về nhân sinh chỉ cần chúng ta có thể tĩnh tâm để cảm nhận thì có thể lĩnh hội được những đạo lý này thực sự là chân thực, không giả dối. Ví dụ trong quan hệ Ngũ Luân có nhắc đến “quân nhân, thần trung(vua hiền, tôi trung). Chủ tịch nước của chúng ta coi trọng sự phục hưng Văn Hóa Truyền Thống. Đó là ông đã biết nghĩ cho nhân dân chúng ta muôn đời sau. Nói về quan hệ của chúng ta với Chủ tịch nước thì ông là người lãnh đạo đất nước, là “quân”, còn chúng ta là “thần”. Ông là nhà lãnh đạo có tấm lòng nhân từ, không chỉ biết nghĩ cho chúng ta mà còn biết nghĩ cho con cháu đời sau. Cho nên chúng ta cảm phục tấm lòng nhân từ này của Chủ tịch. Chúng ta với tư cách là những người dân, cho dù làm ở vị trí công việc nào nếu chúng ta đều có tấm lòng trung thành để thực hiện, để hoằng dương thì “quân nhân, thần trung” sẽ được thể hiện trong thời đại này của chúng ta.

Cũng bởi vì chúng ta có lòng trung thành đối với đất nước và dân tộc của chúng ta, cho nên chúng ta quy tụ về một nơi, đến Đường Sơn, Lạc Nam. Trong Hội nghị lần này, nếu chỉ tính người làm công tác từ thiện ở nơi khác thì đã có hơn hai trăm người, cộng với người làm công tác từ thiện tại Đường Sơn chúng ta thì có lẽ phải hơn năm trăm người. Ở đây tuy khoá giảng chưa được bắt đầu, nhưng tôi tin rằng qua các báo cáo đến thời điểm hiện tại thì chúng ta đã cảm nhận được thế nào là Văn Hóa Truyền Thống, thế nào là sự cống hiến vô tư từ những người làm công tác từ thiện này. Qua đây, nhờ vào tràng pháo tay của mọi người, chúng ta xin cảm ơn những người làm công tác từ thiện đến từ các nơi.

Khi bình tâm lại, chúng ta có thể cảm nhận được Luân Thường Đại Đạo ở ngay bên cạnh chúng ta. Tại sao con người phải tuân thủ quan hệ Ngũ Luân? Bởi vì Ngũ Luân“Đạo”. Nòng cốt của Văn Hóa Truyền Thống là hai chữ “Đạo Đức”. Đạo là đạo của Ngũ Luân. Trời đất vạn vật đều có quỹ đạo vận hành của nó. Con người có đạo của con người, trời có đạo của trời. Thậm chí sông ngòi cũng có đường nước chảy của nó. Giả sử sông ngòi không chảy theo dòng thì có thể nó sẽ làm vỡ đê, sẽ chảy tràn ra ngoài. Cũng giống vậy, những thiên thể vận hành trên trời chắc chắn có quỹ đạo của nó. Nếu không theo quỹ đạo thì chắc chắn thiên thể này sẽ va chạm với thiên thể kia. Văn Hóa Truyền Thống là trời và người hợp nhất, cho nên phải noi theo đạo trời với quỹ đạo, quy tắc, quy luật của nó.

Lão Tử có nói: “Tri thường viết minh, bất tri thường, vọng tác, hung”. Biết được luân thường đạo lý của cách làm người, không vượt quá giới hạn thực hiện những đức hạnh này thì người này là người hiểu biết, đó là “tri thường viết minh”. “Bất tri thường” là không biết những luân thường đạo lý của cách làm người thì sẽ xuất hiện rất nhiều việc không may trong cuộc sống. Những việc không may này không chỉ sẽ hại bản thân mình mà thậm chí còn hại cả đời sau.

 

Thực ra, luân thường đạo lý cũng không cách chúng ta xa. Ngũ Thường là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Mọi nơi mọi chỗ đều biết nghĩ cho người khác, có tấm lòng nhân ái. Có một bà lão thường xuyên đun một nồi nước rồi đặt ở lề đường để cho những người đi đường mồ hôi đầm đìa có được ly nước để uống. Bà lão đã quan tâm đến những người không quen biết. Bà rất có lòng nhân ái. Sau khi thấy bà lão khiêng nước ra thì những người cháu của bà lão rất tò mò không biết liệu có người uống hay không. Những người cháu này đều trốn sau gốc cây đợi để xem có người nào đến uống nước hay không. Khi người đi đường thứ nhất đi ngang qua và uống một ly nước cam lồ này, và trên khuôn mặt đã lộ ra nụ cười rất vui vẻ vì người này vốn rất khát, thì những người cháu này hết sức phấn khởi lao vội vào trong nhà la lớn: “Bà nội! Bà nội! Có người uống rồi! Có người uống rồi”.

Chúng ta thử tưởng tượng một chút, khi những đứa trẻ này nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của người đi đường thì chúng có thể cảm thấy niềm vui khi lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui. Chúng ta nghĩ xem tấm lòng lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui này có thể từ sự giáo dục bằng hành động gương mẫu của bà lão lưu truyền vào trong lòng của những người cháu của bà. Những người cháu của bà hiện nay cũng đã bốn, năm mươi tuổi rồi. Những người cháu này bởi vì từ bé đã được ảnh hưởng bởi sự quan tâm đến mọi người mọi nơi mọi lúc của bà nội nên sự nghiệp của mỗi người đều phát triển vô cùng tốt bởi vì ruộng phúc phải dùng tâm để cày cấy. Đây là sự truyền thừa của lòng nhân ái, đời sau của bà lão đều thịnh vượng.

Có một hôm, tôi nghe một nhà doanh nghiệp nói rằng từ bé mẹ của bà đã dạy bà đối xử với người khác phải tốt hơn so với việc đối xử với chính bản thân mình, phải nghĩ đến người khác trước rồi mới nghĩ đến mình. Mẹ của bà thực sự đã thực hiện điều này vô cùng triệt để. Lúc đó, lương thực do mẹ của bà trồng được đầu tiên chắc chắn mẹ bà phải biếu cho cha mẹ, tiếp đến là cho anh chị em, cuối cùng mới là của mình. Sau này bà theo nghề giáo dục và khi thấy học sinh không chịu được cảnh đói rét thì bà đã đem phần lương thực của mình cho học sinh ăn. Do ăn không đủ dinh dưỡng nên chân của bà cũng bị sưng đau. Sau đó nhà doanh nghiệp này ra ngoài lập nghiệp. Lúc đầu bà không hiểu mẹ nên nói: “Mẹ dạy con đều phải biết nghĩ cho người khác trước, không được tranh giành với người ta. Kết quả cơ hội tốt đều bị người ta cướp mất. Con cũng không còn cơ hội nữa”.

Khi xem những đạo lý làm người này, chúng ta không thể chỉ nhìn trước mắt mà phải nhìn xa trông rộng. Lúc đó bà mới ra xã hội nên thực sự không thể hiểu được mẹ nhiều, cảm thấy hình như bản thân bị tổn thất rất lớn. Có một lần đi xe buýt, bà nhìn thấy một bà lão lên xe. Bởi vì từ bé bà đã được dạy như vậy nên bà rất tự nhiên nhường chỗ cho bà lão ngồi. Bà lão thấy người thanh niên này chân thành như vậy nên bắt đầu trò chuyện với bà. Kết quả là bà lão này đang phụ trách một công trình nên công việc này đã nhường lại cho bà làm. Đây là sự nghiệp đầu tiên của bà. Sau sự nghiệp này, bà đã thuận buồm xuôi gió. Sự nghiệp hiện nay của bà rất tốt. Bà nói đó là nhờ sự giáo dục của mẹ bà nên đã để cho bà kết được thiện duyên. Hơn nữa, khi sự nghiệp của bà rất tốt như hiện nay thì bà mới hiểu được là mẹ của bà đã tích được rất nhiều phúc đức nên mới có thể tạo phước cho bà có được sự nghiệp phát triển tốt như vậy.

Cho nên “Kinh Dịch” dạy chúng ta rằng: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh” (Nhà nào tích lũy điều thiện tất có thừa phúc để đến đời sau). Tổ tiên, cha mẹ làm nhiều việc tốt thì con cháu đời sau được phúc ấm. Nhà doanh nghiệp này cũng nói rằng khi đó nền kinh tế phát triển nhanh chóng, những người không quan tâm đến người khác, chỉ biết có bản thân mình, tuy cướp được nhiều cơ hội trước mắt, nhưng sau đó thì đã nhanh chóng lụn bại.

Cho nên chúng ta nhận thấy rằng rất nhiều nhà doanh nghiệp hiện nay nếu không dựa vào đạo đức để kinh doanh sự nghiệp, khi kiếm được những đồng tiền bất nghĩa thì sự nghiệp của họ cũng sẽ nhanh chóng lụn bại. Đây được gọi là “Tướng bất thiện”. Thống kê mấy năm trước cho thấy tuổi thọ bình quân của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 2,9 năm và doanh nghiệp lớn là 7,8 năm. Từ điều này chúng ta có thể thấy được rằng: Không dựa theo luân thường đạo lý mà chỉ vì cái lợi trước mắt thì không thể lâu dài được.

Chúng ta thấy Đồng Nhân Đường đã có hơn ba trăm năm lịch sử. Họ thực sự biết nghĩ đến sự đau khổ vì bệnh tật của mọi người. Tấm lòng như vậy của họ cũng nằm trong luân thường đạo lý. Cho nên họ có thể duy trì hơn ba trăm năm. Sự nghiệp hiện nay của họ vẫn rất tốt. Đây là tuân theo luân thường đạo lý trong doanh nghiệp.

Trong gia đình, chúng ta cũng phải tuân thủ theo luân thường đạo lý. “Đạo” nằm ở đâu? Thực ra “Đạo” ở trong từng li từng tí trong cuộc sống. Ví dụ ăn cơm cũng là “Đạo”. Tôi còn nhớ hồi nhỏ ăn cơm thì đều là những con cháu như chúng tôi đi mời ông bà nội ăn cơm. Hơn nữa, trong ký ức thì tôi với ông nội có sự hiểu ngầm. Tôi đều biết được thứ Hai thì ông nội sẽ chơi cờ ở đâu, thứ Ba ông nội sẽ trò chuyện với bạn bè ở đâu. Cho nên khi tìm thấy ông nội thì tôi thường từ đằng xa đã gọi: “Ông nội ơi! Ông về ăn cơm ạ!”. Khi âm thanh này truyền đến tai ông nội thì ông nội rất vui vẻ đứng dậy mà nói: “Cháu tôi gọi tôi về ăn cơm rồi”. Thực ra, những người hàng xóm ngồi bên cạnh nghe được người cháu gọi ông nội về ăn cơm thì cũng sẽ rất tự nhiên mà lộ ra vẻ mặt tươi cười. Bởi vì họ cũng đều cảm nhận được niềm vui gia đình sum vầy. Ông nội tôi dắt tay tôi và hai ông cháu đi về ăn cơm. Hơn nữa, khi ăn cơm thì ông nội luôn ngồi vào bàn trước. Chúng tôi xới cơm cho ông nội. Đây được gọi là “thực hành đạo hiếu”. Trong “Đệ Tử Quy” có nhắc đến “Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu, trưởng giả tiên, ấu giả hậu” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau), nhất định là ông bà nội, cha mẹ đi trước, cha mẹ ăn trước. Cái đạo này luôn luôn được truyền thừa trong thứ tự trước sau trong cuộc sống. Nếu thứ tự trước sau này bị đảo lộn thì đạo này không được lưu truyền nữa rồi.

Đây là khoảng ba mươi năm trước chúng ta đã làm như vậy. Nhưng hiện nay, hai, ba mươi năm sau này không phải là cháu đi mời ông bà ăn cơm. Tình trạng hiện nay là ông bà đi mời cháu ăn cơm. Hơn nữa, ông bà còn năm lần bảy lượt mời gọi và đặt điều kiện với chúng, rất khó nhọc mới đưa được chúng về nhà ăn cơm. Khi đưa về nhà rồi thì cháu ăn cơm trước. Hiện nay, những đứa trẻ lớn một chút thì khi cha mẹ, ông bà chưa ăn cơm chúng đã ngồi vào bàn, ăn hết những món bản thân chúng thích ăn. Chúng có nghĩ đến cha mẹ, ông bà không? Vấn đề này là rất nghiêm trọng! Khi một đứa trẻ từ nhỏ không biết nghĩ đến cha mẹ, vậy sau này chúng còn biết nghĩ đến ai nữa? Khi sau này chúng không còn biết nghĩ đến ai mà chỉ nghĩ đến bản thân mình, vậy xin hỏi rằng khi chúng theo đuổi sự nghiệp nào đó thì chúng có thành công không?

Bởi vì mỗi ngành nghề đều là phục vụ cho nhân dân nên muốn phục vụ tốt thì đầu tiên phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, biết nghĩ cho nhân dân, biết nghĩ cho khách hàng. Trạng thái tâm lý này phải được vun trồng từ khi còn nhỏ. Cho nên tại sao lại nói: “Trung thần xuất ư hiếu tử chi môn” (Bậc trung thần xuất phát từ con người có hiếu). Đó là bởi vì tấm lòng luôn luôn biết nghĩ cho người khác, đồng tình với người khác của họ đã được hình thành từ trong gia đình, từ việc đối xử với cha mẹ. Tuyệt đối không phải là khi học đại học họ mới học cách biết nghĩ cho người khác. Nếu trong hơn hai mươi năm qua họ chỉ biết nghĩ cho bản thân, thì không thể có việc chỉ mất thời gian có mười tiếng đồng hồ theo một khoá học là họ bắt đầu biết nghĩ cho người khác. Điều này là không thể có được.

Trung thần xuất ư hiếu tử chi môn(Bậc trung thần xuất phát từ con người có hiếu). Lời nói này của Tổ Tiên cũng đã được ấn chứng mấy nghìn năm lịch sử. Lòng hiếu thảo, lòng yêu thương của con người đều từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống mà được hình thành, ảnh hưởng ngấm ngầm một cách tự nhiên.

Bọn trẻ hiện nay ăn cơm chỉ biết nghĩ đến bản thân. Có một người lái xe tắc xi chở một người khách Đài Loan đi ngang qua sông Hoàng Hà. Khi người khách Đài Loan này nhìn thấy sông Hoàng Hà thì ông đặc biệt xúc động vì đây là sông mẹ của dân tộc nên đã yêu cầu người lái xe dừng xe lại. Người khách muốn nằm bên bờ đê của sông Hoàng Hà để nghe tiếng nước chảy của sông mẹ. Kết quả, hai người đàn ông nằm bên bờ đê. Không bao lâu thì người lái xe tắc xi khóc lớn. Người khách Đài Loan giật mình nói: “Anh sao vậy?”. Người lái xe nói: “Tôi vất vả làm ăn là muốn giáo dục tốt đời sau, hy vọng con cái khỏe mạnh. Cho nên tôi đã bớt ăn, bớt mặc để hàng ngày con cái có chiếc đùi gà ăn. Việc làm này của tôi đã diễn ra một khoảng thời gian rất lâu rồi. Hôm qua tôi bị cảm lạnh. Vợ của tôi cảm thấy tôi cần được bổ sung một ít dinh dưỡng. Cho nên vợ tôi đã đem chiếc đùi gà ngày hôm qua đến trước mặt tôi một cách tự nhiên và nói: “Chồng à! Anh cảm lạnh rồi, thân thể suy nhược nên phải tẩm bổ một chút”. Khi vợ tôi đem chiếc đùi gà đến trước mặt của tôi thì con trai của tôi đột nhiên tát mẹ nó một cái, sau đó nói với mẹ nó rằng: “Chiếc đùi gà đó là của con!”. Khi thứ tự ăn uống không đúng thì con cái đều cảm thấy rằng: “Đây là của mình, lẽ đương nhiên là cho mình”.

Cho nên, chúng ta cố gắng thì sẽ có kết quả, nhưng không nhất định sẽ là kết quả tốt. Điều này là vấn đề rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Chúng ta hãy bình tĩnh để xem, năm nghìn năm nay vô số gia đình lưu truyền lại, và năm nghìn năm nay vô số cha mẹ giáo dục con cái đời sau của họ, nhưng xin hỏi mọi người là năm nghìn năm nay thì cha mẹ của thời đại nào phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhất để giáo dục con cái? Thời nào hiệu quả giáo dục kém nhất? “Đó là vào thời của chúng ta”. Đấy là do các vị nói nhé, không phải là tôi nói. Điều này có đáng để chúng ta bình tâm lại mà suy ngẫm không?

Các nhà doanh nghiệp chú trọng nhất là hiệu quả, lợi ích và đánh giá chất lượng (làm xong phải đánh giá rõ ràng). Tại sao họ bỏ ra nhiều thời gian, sức lực mà ngược lại hiệu quả lại kém? Điều này đáng để chúng ta suy ngẫm. Có câu thành ngữ : Lẫn lộn đầu đuôi”. Giáo dục mà chỉ chú trọng đến phần ngọn thì sẽ tổn sức, nhưng nếu chú trọng đến phần gốc thì sẽ tiết kiệm được sức lực. Những phương hướng giáo dục này đều được vạch ra đầy đủ, chắc chắn trong cuộc sống. Hiện nay, ông bà, cha mẹ đi gọi bọn trẻ về ăn cơm là làm trái với luân thường đạo lý. Thậm chí, ông bà, cha mẹ còn phải đút cơm cho bọn trẻ, đút được một miếng cơm thì phải chạy theo chúng ba mươi đến năm mươi mét. Cho nên, hiện nay cần phải mở một lớp huấn luyện gọi là: “Lớp huấn luyện ông bà nội chạy Ma-ra-tông”. Ông bà nội muốn đút cơm cho bọn trẻ thì phải tập luyện thể lực cho tốt mới được.

Ví dụ như khi chúng ta đang ăn cơm mà ông bà, cha mẹ và bọn trẻ đều có mặt, thì miếng đầu tiên chúng ta sẽ gắp cho ai? Theo ngày xưa thì chắc chắn chúng ta phải gắp cho cha mẹ trước (tức là gắp cho ông bà). Ngày xưa, khi vẫn có sự truyền thừa văn hóa, nếu chúng ta có món ngon lại gắp cho con cái trước mà không gắp cho cha mẹ của mình thì sẽ bị người ta cười vỡ bụng và cảm thấy người cha mẹ này không biết dạy bảo con cái, không có kiến thức.

Để tâm cảm nhận trạng thái, tâm hồn của bọn trẻ là điều rất quan trọng vì giáo dục tuyệt đối không phải chỉ là sự phát triển cơ thể của bọn trẻ. Không phải chúng cao lớn rồi là chúng ta đã hoàn tất sự dạy bảo đối với chúng. Cũng không phải là thành tích học tập của bọn trẻ có tiến bộ là chúng ta đã hoàn tất sự dạy bảo đối với chúng. Cũng không phải là khi bọn trẻ cầm được bằng tốt nghiệp đã là hạnh phúc nhân sinh. Điều này chúng ta cần phải nhìn sâu rộng hơn một chút.

Trong Kinh điển truyền thống “Lễ Ký” của chúng ta có một bài gọi là “Học Ký” nói về giáo dục: “Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kỳ thất” (Giáo dục chính là cách làm cho con người phát huy được ưu điểm và sửa chữa được sai lầm). Đây là hai trục chính của giáo dục. Phát huy được thiện tâm là điều vô cùng quan trọng. Những động tác chúng ta làm ra có ảnh hưởng như thế nào đối với tâm hồn của bọn trẻ? Khi miếng đầu tiên chúng ta đều gắp cho chúng ăn trước và tích góp từng ngày thì chúng sẽ cảm thấy rằng khi trong nhà ăn cơm thì điều đầu tiên là phải nghĩ đến chúng. Cha mẹ gắp thức ăn cho chúng, ông bà nội cũng gắp thức ăn cho chúng. Địa vị trên bàn ăn cũng đã rất rõ ràng rồi! Ai là người có địa vị cao nhất? Địa vị của bọn trẻ cao nhất. Cho nên khi gắp thức ăn như vậy thì chúng ta đã gắp ra những tiểu Hoàng Đế, tiểu Hoàng Thái Hậu. Khi những tình trạng này tiếp tục được duy trì thì bọn trẻ sẽ hình thành một thái độ là những việc mà người trong nhà làm cho mình là lẽ tất nhiên phải làm. Như vậy thì thật là rắc rối.

Chúng ta hãy quan sát một số hiện tượng của xã hội. Tôi còn nhớ có một năm vào ngày lễ tình nhân Valentine, có một bài báo nói rằng vào ngày lễ tình nhân có rất nhiều người đi tiệm ăn bữa ăn tình nhân. Thực ra, khi chúng ta nghe đến chữ “tình” của ngày lễ tình nhân thì phải là người có tình nghĩa. Trên thực tế, tình nghĩa đều có ngọn nguồn của nó. Họ biết yêu thương cha mẹ thì họ mới có thể yêu thương người khác. Nếu ngay như cha mẹ cũng không yêu thương thì chúng ta thử nghĩ xem người này có tình nghĩa hay không? Điều này rất đáng để bàn bạc. Cho nên vào ngày lễ tình nhân, điều đầu tiên là phải nghĩ đến ân tình của cha mẹ mới đúng. Ngày lễ tình nhân là ngày lễ của phương Tây. “Đạo hiếu” là cội nguồn của dân tộc chúng ta. Bài báo viết rằng trong số những người đi ăn bữa ăn tình nhân thì hơn một nửa là học sinh còn đang đi học. Chúng ta hãy bình tĩnh mà nghĩ xem, học sinh đến tiệm ăn trong thành phố lớn để ăn một bữa sẽ mất mấy trăm đồng. Hơn nữa, những đứa trẻ này đại đa số đến từ nông thôn. Thu nhập của cha mẹ chúng ở nông thôn cũng có hạn. Rất có thể là sau khi chúng ăn bữa đó thì công sức lao động vất vả trong một tháng của cha mẹ chúng đã bị mất đi. Nhưng vấn đề là bọn trẻ không thấy đau xót miễn chúng vui là được rồi, chúng muốn làm như thế nào là làm như thế ấy. Trong lòng của chúng không bao giờ nghĩ đến cha mẹ, bởi vì chúng ta không dạy chúng để chúng có lòng hiếu thảo.

Có rất nhiều bậc cha mẹ mua những loại hoa quả rất ngon, những loại hoa quả đầu mùa rất đắt. Nhưng họ thường nhân lúc ông bà nội lên trên gác thì vội vàng gọi con cái vào trong buồng: “Loại này một lạng bao nhiêu tiền đấy, mẹ đặc biệt mua để cho con ăn đấy”. Đứa con ăn rất vui vẻ. Hơn nữa, người mẹ còn đứng ở cửa để canh gác vì sợ đột nhiên ông bà nội đi xuống thì không hay. Sau đó, người mẹ còn đứng ở cửa mà nói: “Con cứ ăn từ từ! Đừng để bị nghẹn!”. Những tình huống như vậy là chúng ta đang dạy cho con cái điều gì? Chúng sẽ học rất triệt để! Xin hỏi: Sau này khi chúng có món ngon thì chúng sẽ cho ai ăn?  Điều chúng học được là tình riêng: “Tôi thích ai thì tôi cho người đó. Tôi không thích anh ta thì cho dù anh ta đối với tôi có ân đức to bằng trời tôi cũng mặc kệ anh ta”. Đây là truyền thừa lòng ích kỷ, tình riêng. Khi còn nhỏ, chúng ta luôn luôn dạy bảo con cái như vậy thì khi chúng trưởng thành, chúng đương nhiên sẽ để lại món ngon cho con cái của chúng ăn, thậm chí để lại cho bạn trai, bạn gái của chúng ăn. Đây là điều mà chúng ta không nhìn thấy sự phát triển về tâm hồn của bọn trẻ.

Chúng ta nghe nói hiện nay có học sinh tiểu học khi nhập học đã tự sát, bởi vì chúng cảm thấy bị áp lực học hành quá nặng nề. Tôi thấy trên báo đăng ở Thượng Hải có hai học sinh tiểu học khi nhập học đã tự sát. Một đứa trẻ ngay đến việc đi học tiểu học đã thấy đau khổ như vậy, cho dù mỗi kỳ thi nó đều đứng thứ nhất. Vậy cuộc sống của nó có hạnh phúc không?

Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh thực sự để tâm giáo dục con cái, hy vọng chúng có thành tích tốt. Họ rất vất vả để đôn đốc chúng. Thế hệ trước, cha mẹ không phải vất vả như vậy. Thế hệ trước, một gia đình có thể sinh năm người con, tám người con nhưng khi đi học con cái đều rất chủ động. Tại sao vậy? Bởi vì con cái thấy cha mẹ đã quá vất vả và nhận thấy là mình phải học hành cho tốt, sớm thành đạt để cho cha mẹ hưởng phúc, không phải vất vả nữa. Thế hệ trước trong lòng luôn có sự truyền thừa của lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo trở thành động lực cả đời của họ. Cho nên giáo dục dạy về sự hiếu thảo là vô cùng quan trọng. Khổng Lão Phu Tử nói: “Phù hiếu, đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã”. “Hiếu” là căn bản của đạo đức, giáo dục nhất định phải từ chữ “hiếu” mà dạy.

Chúng ta từng nghe nói về một đứa trẻ người Sơn Đông. Mẹ của nó bị bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Sau đó cha của nó đã vứt bỏ vợ con mà ra đi. Mẹ của nó thứ nhất là do bệnh tật đau đớn, thứ hai là chồng bỏ đi nên tinh thần sụp đổ mà tự sát. Vì tâm tư của mẹ và con có sự liên kết với nhau nên đứa con rất mau chóng phát hiện được tình trạng của người mẹ. Đứa con đã vội đưa mẹ đi bệnh viện và đã cứu được người mẹ. Đứa trẻ này đã quỳ trước giường bệnh của người mẹ nói rằng: “Chỉ cần mẹ sống là hạnh phúc lớn nhất của con, mẹ tuyệt đối không được tự tìm cái chết nữa. Con nhất định sẽ học hành chăm chỉ, sau này chữa khỏi bệnh cho mẹ”. Người mẹ cảm nhận được tâm hiếu thảo chí thành của đứa con nên đã gật đầu đồng ý với đứa con. Đứa trẻ này lúc đó hình như đang học lớp sáu. Sau đó nó đã phải gánh vác trọng trách của một gia đình, lại còn phải chịu trách nhiệm chăm lo cho sức khỏe của người mẹ.  Mặc dù đứa trẻ này có ít thời gian để ôn tập bài học hơn những bạn học khác, nhưng thành tích của đứa trẻ này không chỉ đứng đầu lớp mà còn đại diện cho thành phố để đi thi học sinh giỏi và cũng có thành tích rất tốt. Hàng ngày nó sống rất vui vẻ, bởi vì chỉ cần mẹ sống thì đó là niềm an ủi lớn nhất của nó. Đây là lòng hiếu thảo của nó. Sau đó đứa trẻ này thi đỗ vào đại học.  Đứa trẻ còn phải cõng theo mẹ để đi học. Khi hiểu được tình cảnh của anh ấy là phải vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền nuôi mẹ thì cả trường đã cảm động. Lãnh đạo và các bạn học trong trường quyên góp cho anh ấy một khoản tiền và đã chữa khỏi bệnh nhiễm trùng đường tiểu cho mẹ của anh ấy. Anh ấy đã không lấy số tiền còn thừa mà đem số tiền còn thừa lập thành một cái quỹ. Anh ấy nói rằng: “Còn có những gia đình khác, bạn học khác còn cần số tiền này hơn tôi”. Chúng ta có thể nhìn thấy là một người con hiếu thảo thì chắc chắn sẽ có lòng nhân ái để quan tâm người khác một cách rất tự nhiên. Cho nên, với động lực của lòng hiếu thảo, anh ấy không cần phải để người khác thúc giục, không cần người khác thúc đẩy anh ấy mới đạt được thành tích.

Hiện nay, con cái của chúng ta không có lòng hiếu thảo như vậy cho nên chúng luôn luôn phải để cho cha mẹ, thầy cô thúc giục đi học chứ chúng sẽ không chủ động. Vậy hiện nay động lực nào thúc giục con cái học hành? Rất có thể con cái sẽ yêu cầu rằng: “Cha mẹ muốn con thi được 100 điểm thì phải cho con 50 đồng, 100 đồng”. Động lực của chúng là lợi ích. Có lẽ sau khi chúng lên thêm một lớp thì chúng sẽ đeo khăn vải trắng viết chữ phản đối: “Bạn học của con bây giờ thi được 100 điểm là được 200 đồng. Con cũng phải được tăng thêm”. Như vậy sự ham muốn của chúng sẽ càng ngày càng cao, rất khó để thỏa mãn chúng.

Hơn nữa, nếu bọn trẻ đi học mà người nhà phải luôn luôn thúc giục thì xin hỏi: Chúng ta thúc giục chúng đến bao giờ? Chúng ta thúc giục đến khi chúng thi đỗ đại học, thúc giục mười mấy năm trời. Nhưng khi chúng đi học mà không có lòng hiếu thảo, không có trách nhiệm thì khi bước vào đại học, rất có thể đại học sẽ là nơi để cho chúng bị sa ngã. Hiện nay, chúng ta thấy có rất nhiều đứa trẻ khi vào đại học thì đã không học nữa. Vậy thì mười mấy năm thúc giục trước đó có đáng không? Chúng ta phải từ cái gốc để giải quyết vấn đề mới được.

Tôi đã từng thấy trên ti vi cảnh sau khi thi liên thông đại học xong thì học sinh đã ném cặp sách từ tầng 3, tầng 4 xuống. Chúng ta là những người làm công tác giáo dục nên khi nhìn thấy cảnh này thì rất đau lòng. Bọn trẻ học mười mấy năm trời mà đối với việc học lại chán ghét như vậy. Sau này khi không có người quản lý chúng thì chúng hoàn toàn sẽ không học nữa. Hiện nay bên ngoài trường đại học có rất nhiều nhà nghỉ, rất nhiều quán internet. Bọn trẻ có thể bị tiêm nhiễm những ham muốn này. Có lúc chúng ta muốn kéo chúng cũng không kéo nổi. Lòng hiếu thảo, đức hạnh phải được vun trồng trước thì khi đối mặt với những cám dỗ này, chúng mới có thể không bị động lòng.

Cho nên giáo dục trẻ con phải hướng đến cả cuộc đời của chúng chứ không thể chỉ quan tâm đến điểm số trước mắt của chúng. Một khi chúng thực sự có lòng hiếu thảo, có lòng thiện tâm, có trách nhiệm thì cha mẹ, thầy cô không phải quá lo lắng đối với thành tích của chúng. Chúng hoàn toàn chủ động học tập. Chúng ta lại thử nghĩ xem, khi đứa trẻ học đại học, nếu nó có trách nhiệm thì trong bốn năm đại học, nó sẽ nâng cao bản thân mình một cách tốt nhất. Cho nên khi bọn trẻ muốn học đại học thì những người làm cha làm mẹ, những người phụ huynh chúng ta phải nhắc nhở chúng rằng: “Gia đình, xã hội, nhà nước đã bồi dưỡng đào tạo con mười mấy năm rồi. Con phải quý trọng cơ hội tốt cho việc học này, sau này ra trường có thể cống hiến cho xã hội”. Nhắc nhở chúng để cho thái độ khi vào trường của chúng được đúng đắn.

Sau khi bọn trẻ tốt nghiệp đại học ra trường, nếu chúng không hình thành lòng có trách nhiệm thì rất có thể chúng lại phải để cho cha mẹ tìm công ăn việc làm cho chúng! Mặc dù cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học nhưng chúng không có lòng trách nhiệm. Phải thông qua rất nhiều mối quan hệ, cha mẹ cuối cùng giúp chúng tìm được việc làm. Ba, bốn lần cha mẹ thúc giục đứa trẻ này đi làm. Sau khi làm được một tuần thì nó bị ông chủ đuổi việc. Vậy xin hỏi: Đối với đứa trẻ như vậy, chúng ta phải lo lắng cho chúng bao lâu?

Tiếp nữa, đến khi chúng lập gia đình thì chúng có thể vun vén cho gia đình của chúng không khi chúng không có lòng trách nhiệm, không có lòng hiếu thảo. Chúng không có khả năng sống chung với người khác thì mối quan hệ vợ chồng của chúng có vẹn toàn không? Thậm chí hiện nay có rất nhiều thanh niên sau khi sinh con xong thì giao lại con cho ông bà nội.

Nếu chúng ta không giáo dục tốt đức hạnh cho bọn trẻ thì trong cả cuộc đời của chúng, chúng ta có lo lắng cũng không thể lo lắng hết được. Cho nên Tổ Tiên dạy chúng ta rằng: “Không gì quan trọng hơn việc dạy bảo con cái”. Việc quan trọng nhất trong cuộc đời là nhất định phải giáo dục tốt con cái đời sau, nếu không xã hội sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng rối loạn.

Vừa rồi, chúng ta giao lưu với nhau về tình trạng quan hệ cha con, giáo dục gia đình. Chúng ta phải tuân thủ theo luân thường đạo lý để dạy bảo con cái. Trong toàn bộ các mối quan hệ của Ngũ Luân, chúng ta có thể căn cứ theo cái “Đạo” này để thực hiện, để tuân thủ mà không vượt quá giới hạn. Những hành vi chúng ta để lộ ra là “Đức”. Cho nên toàn bộ Ngũ Luân Bát Đức, quan hệ Ngũ Luân cũng là sự kết hợp tự nhiên của Bát Đức. Một người tận hết lòng hiếu thảo thì chắc chắn có thể thực hiện được Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Bởi vì họ tận trung đối với cha mẹ thì khi họ ra xã hội, họ sẽ tận trung đối với xã hội. Họ thành tín với cha mẹ thì họ cũng có thể thành tín đối với người khác. Họ biết được rằng họ không thể làm tổn hại danh tiếng của cha mẹ, cho nên họ liêm khiết, họ có lòng biết hổ thẹn.

Cho nên, Bát Đức trong truyền thống văn hóa của chúng ta là Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, Nhân, Ái, Hòa, Bình. Ở đây có hai cách nói về Bát Đức, chúng ta kết hợp chúng lại biến thành mười hai mục của Đức. Mà “Hiếu” được đặt ở vị trí căn bản nhất, bởi vì nó là căn bản. Chúng ta phải tìm ra căn bản. Đầu đuôi lẫn lộn thì sẽ tổn công vô ích, tốn tâm huyết cả đời mà cuối cùng không có kết quả tốt. “Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh”, tìm được căn bản thì gia đạo sẽ được thành tựu, con đường sự nghiệp cũng mới được thành tựu, đó là “bản lập đạo sinh”.

Hiếu là gốc rễ.

Đễ, Trung, Tín là cái thân, cội của đạo làm người. Một người không mấy tốt với anh chị em thì việc làm người của người đó rất có vấn đề. Tận trung đối với gia đình, thành tín đối với cha mẹ thì đây là cái thân, cội của đạo làm người.

Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là cành, nhánh của đạo làm người.

Nhân, Ái, Hòa, Bình là thể hiện sự cống hiến của một người đối với xã hội, là hoa thơm quả ngọt.

Sự giáo dục của chúng ta không thể trực tiếp nhảy ngay đến Nhân, Ái, Hòa, Bình, mà trước tiên phải đặt nền tảng từ gốc rễ. Con cháu đời sau khi làm bài thi về vấn đề “Biết nghĩ cho người khác” thì chắc chắn chúng cũng có thể trả lời đúng. Nhưng trên thực tế, chưa chắc chúng đã làm được, bởi vì chúng không có cái gốc rễ của tình yêu thương, đó là sự hiếu thảo. Chúng ta cần xem công cuộc giáo dục này là thuận theo nhân tính để giáo dục. Có rất nhiều người thấy những em học sinh sau khi được học văn hóa truyền thống đã thay đổi rất nhanh và đã nghĩ rằng: “Có phải văn hóa truyền thống có ma lực gì đó không mà sao lại có thể tẩy não người ta?”. Thật ra không phải như vậy. Bởi vì Tổ Tiên chúng ta mấy nghìn năm qua đều là thuận theo nhân tính để giáo dục. Thuận theo nhân tính cho nên rất dễ làm cho người ta chấp nhận. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người đều có tấm lòng lương thiện.

Có rất nhiều người sẽ hỏi chúng tôi rằng: Văn hóa truyền thống cũng đã mấy nghìn năm rồi, khi đối diện với thời đại mới này thì còn dùng được không? Thực ra chúng ta thấy văn hóa truyền thống thì cũng biết là đạo lý liên tục được truyền thừa cho thế hệ sau. Toàn bộ văn hóa truyền thống là đạo đức, là Ngũ Luân. Điều then chốt nhất trong Ngũ Luân là cha con có tình thân, quan hệ cha con là đạo hiếu, mà hiếu đạo là thiên tính. Chúng ta thấy tình thân yêu của con cái đối với cha mẹ không phải là do ai dạy cho họ cả. Quý vị xem sự quyến luyến của đứa bé một, hai tuổi khi nhìn thấy cha mẹ là muốn ôm lấy thì chúng ta có thể cảm nhận được đó là thiên tính. Văn hóa truyền thống là để cho con cái duy trì cả đời tình yêu thương này đối với cha mẹ, tiếp nữa là để cho tình yêu thương đối với cha mẹ mở rộng sang anh chị em, mở rộng sang người nhà, gia tộc, thậm chí mở rộng sang hàng xóm láng giềng, cuối cùng đến xã hội, dân tộc. Nó là thuận theo nhân tính để giáo dục. Cho nên thực ra nó là sự giáo dục của tình yêu thương, nó cũng là sự giáo dục của đạo làm người.

Chúng ta thử nghĩ xem, hiếu thảo thì năm nghìn năm trước phải hiếu thảo, năm nghìn năm sau có phải hiếu thảo không? Năm nghìn năm trước phải yêu thương người khác, năm nghìn năm sau có phải yêu thương người khác không? Vì vậy hiện nay chúng ta thường nói: Trước khi học làm việc thì phải học làm người đã. Điều then chốt của văn hóa truyền thống là học làm người, cho nên không thể nói là văn hóa truyền thống không phù hợp với thời nay.

Chúng ta hãy bình tĩnh mà quan sát, những chữ viết trên bảng đều có thể giải quyết được các xung đột không vui vẻ của các gia đình trong toàn xã hội hiện nay.

Chữ “Hiếu”, “Đễ”

Trong một gia đình có Hiếu, Đễ thì gia đình sẽ hòa thuận, vui vẻ. Nhưng hiện nay chúng ta thấy, ngay như cha con, anh em cũng đều xung đột. Thậm chí, họ làm hại lẫn nhau cũng chỉ vì đồng tiền, coi trọng tiền bạc, xem nhẹ đạo nghĩa. Cho nên sự giáo dục này không thể không nắm vững. Con người không học thì không biết được cái đạo làm người!

Chữ “Tín”

Chúng ta hãy xem, một người có sự trung thành thì toàn bộ những ngành những nghề đều được hưng thịnh. Người hiện nay tham lợi quên nghĩa, động một chút là quên ân đức của lãnh đạo, thế là đổi nơi công tác. Giả sử toàn xã hội không có chữ “Tín” thì ai ai cũng cảm thấy nơm nớp lo sợ không yên! Hôm nay chúng ta muốn uống ly sữa bò mà cũng không yên tâm, ăn thứ gì cũng sợ là thực phẩm bẩn, không có sự tin tưởng. Hiện nay, thậm chí ngay như vợ chồng cũng không có sự tin tưởng. Trước khi chưa kết hôn thì vợ chồng đã phải công chứng tài sản. Điều này có nghĩa là khi chưa kết hôn thì họ đã nghĩ đến ly hôn. Vậy quý vị xem, họ có ly hôn hay không? Điều này thật sự không có sự bảo đảm, cái nền tảng này thật sự không vững chắc. Chúng ta hãy xem, chữ “Tín” này đều trực tiếp nhắm vào những vấn đề nghiêm trọng nhất của xã hội hiện nay.

Tôi còn nhớ, có một lần về quê, chúng tôi gặp một người lớn tuổi. Ông thu thập một số sách cổ, chúng tôi xem đều rất cảm động. Những quyển sách đó đều là trí tuệ của mấy nghìn năm. Chúng tôi mượn ông để xem. Những quyển sách đều được đóng bằng chỉ sợi, là những quyển sách cũng sắp được một trăm năm tuổi. Ông thấy chúng tôi vui thích như vậy thì đã nói: “Cho các anh mượn về xem vậy!”. Sau khi nói xong, ông lại dặn dò mấy câu rằng: “Mấy quyển sách này là bảo bối gia truyền mà Tổ Tiên của tôi truyền lại, tôi chẳng còn thứ nào khác. Các anh phải thật chú ý đừng làm hỏng nó”. Chúng tôi thấy ông không mấy yên tâm thì chúng tôi đã nói với ông rằng: “Như thế này vậy, chúng cháu viết một tờ biên nhận là không được làm hỏng và thời gian trả lại cho ông”. Khi chúng tôi nói là muốn viết tờ biên nhận thì vị trưởng bối bẩy mươi mấy tuổi này đã trợn mắt thật lớn mà nói rằng: “Anh nói gì vậy? Điều anh nói có phải là tiếng người không? Lại còn phải viết biên nhận!”. Trong lòng của những người thuộc thế hệ trước thì một người đã nói ra lời thì phải giữ chữ “Tín”.

Tổ Tiên sáng tạo ra chữ viết cũng dạy chúng ta rằng ngôn ngữ của con người được gọi là chữ “Tín”. Trong chữ “Tín” có chữ “nhân” là người và chữ “ngôn” là ngôn ngữ. Cho nên khi một người nói ra lời mà không giữ chữ “Tín” thì lời anh ta nói không phải lời nói của con người. Lời nói của con người được gọi là chữ “Tín”. Khi sự tin tưởng giữa người với người phải nhờ đến pháp luật thì con người đã càng ngày càng sa ngã rồi. Sự biểu lộ trợn mắt thật lớn của vị trưởng bối ấy đã đọng lại trong lòng của chúng tôi. Chúng ta vẫn cứ phải là nói lời của con người thì mới được.

Chữ “Lễ”

Có rất nhiều sự xô xát mà nguyên nhân luôn luôn là do không giữ lễ phép. Giữ lễ phép, tôn trọng lẫn nhau thì có lẽ rất nhiều xô xát, xung đột sẽ không xảy ra, càng không thể tạo ra sự tổn thương. Tôi nhớ được có một lần chúng tôi đến một nơi để thăm một trường học ở vùng nông thôn. Lúc đó, người dân sống cạnh trường học xuất hiện, chúng tôi hàn huyên với họ mấy câu. Đột nhiên, có một phụ nữ nói rằng: “Các anh không phải là người Trung Quốc nhỉ?”. Những người đồng nghiệp của chúng tôi rất kích động nói rằng: “Chúng cháu đương nhiên là người Trung Quốc!”. Khi nhìn thấy phản ứng của chúng tôi mãnh liệt như vậy, bà có chút ngại ngùng mà cúi đầu xuống và sau đó nói: “Vậy tại sao các anh lại lễ phép như vậy?”.

Câu nói này đáng để chúng ta kiểm điểm lại: Có lễ phép thì không phải là người Trung Quốc. Ở đây có hai vấn đề cần suy xét. Thứ nhất là năm nghìn năm nay, trên thế giới, chúng ta được coi là “Đất Nước của Lễ Nghĩa”. Nếu tình trạng trên toàn thế giới hiện nay là: Không có lễ phép là người Trung Quốc, vậy thì chúng ta, những người Trung Quốc của thế hệ này đã dùng hành vi của chúng ta làm nhục Tổ Tiên năm nghìn năm của chúng ta rồi! Cái tội này lớn rồi. Điều suy xét thứ hai là người phụ nữ này là người Trung Quốc. Khi bản thân người Trung Quốc chúng ta cũng không tin tưởng bản thân mình, thì đây là sự khủng hoảng về niềm tin. Khủng hoảng tài chính cũng không nghiêm trọng bằng khủng hoảng về niềm tin. Khi giữa người với người cũng không có sự quan hệ tín nhiệm thì phiền phức rồi. Cho nên lễ phép phải được khôi phục lại, tôn trọng lẫn nhau.

Chữ ‘Nghĩa”

Giữa người với người có đạo nghĩa, có tình người chứ không phải thấy lợi quên nghĩa, không quan tâm lẫn nhau. Người ngày xưa sống luôn có cảm giác rất an toàn, bởi vì họ biết rằng bất cứ trong hoàn cảnh nào thì người nhà của họ, bạn bè của họ cũng sẽ hết sức giúp đỡ họ. Họ có chỗ dựa ở phía sau. Người hiện nay không nói đến đạo nghĩa nữa, trong lòng cũng không có cảm giác an toàn. Khi xảy ra việc gì thì hình như là rối loạn hết cả người lên.

Chữ “Liêm”, “Sỉ”

Khi có liêm sỉ thì các ngành nghề không có tham ô, thực sự đã giải quyết được vấn đề.

Chữ “Nhân”, “Ái”, “Hòa”, “Bình”

Có nhân ái hoà bình giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa đảng phái này với đảng phái kia, giữa các đoàn thể thì có thể đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực vì toàn thể xã hội này.

Cho nên Ngũ Luân Bát Đức tuyệt đối có thể giải quyết toàn bộ vấn đề của xã hội và gia đình trước mắt của chúng ta, đều là chữ Đức có thể giải quyết được hết. Chúng ta coi đời người giống như một cái cây lớn. Gốc rễ vô cùng vững chắc, mà sự phát triển của họ cũng thuận theo sự trưởng thành của con người. Hiếu là để phụng dưỡng cha mẹ, hầu hạ người thân. Đễ, Trung, Tín là tôn trọng bậc bề trên, tôn trọng anh chị em, kính trọng bậc bề trên. Cành, nhánh của cây là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, họ hiểu được việc phụng sự lãnh đạo, phụng sự đơn vị, phụng sự vua, cuối cùng là yêu quý mọi người. Chúng ta xem, toàn bộ điều này đều theo tuần tự tiến dần. Cho nên Hiếu, Đễ, Trung, Tín trở thành cái căn bản “tu thân tề gia” của một người. Từ Hiếu, Đễ, Trung, Tín nâng lên. Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là phục vụ, cống hiến trong các ngành các nghề, đây là “trị quốc”.

Vào thời Xuân Thu có Quản Trọng tiên sinh là một nhân tài trị quốc. Ông có nói: “Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, quốc chi tứ duy”. Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ giống như bốn cây cột trụ của một đất nước. “Tứ duy ký chương, quốc nãi phục hưng”, đất nước cũng vậy, đoàn thể cũng vậy, khi có Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ thì cái đoàn thể này chắc chắn hưng vượng. Nhưng “Tứ duy bất chương, quốc nãi diệt vong”, không có Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ thì cái đoàn thể này, cái xã hội này sẽ sụp đổ. Đó là trị quốc, nó được xây dựng trên nền tảng của Hiếu, Đễ, Trung, Tín.

Nói đến Nhân, Ái, Hòa, Bình thì Chủ tịch nước của chúng ta đặc biệt nhấn mạnh vấn đề hài hòa xã hội, hài hòa thế giới. Trên thực tế, muốn để cho xã hội, gia đình, thế giới hài hòa thì đầu tiên tư tưởng của con người chắc chắn phải tương ứng với sự hài hòa. Cho nên có hài hòa gia đình rồi mới có hài hòa xã hội, mới có hài hòa thế giới. Mà có quan niệm, tư tưởng như vậy hiện nay chỉ còn lại văn hóa truyền thống của Tổ Tiên năm nghìn năm lưu truyền lại. Văn hóa của dân tộc khác đều không lưu truyền lại. Cho nên thập niên 70, giáo sư Arnold J. Toynbee mới nói rằng giải quyết vấn đề xã hội của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết của Khổng Mạnh, tức là văn hóa truyền thống được lưu truyền tiếp diễn.

Văn hóa truyền thống mới có thể cứu được cái thế giới này. Nếu không, quý vị xem, một thế kỷ sắp tới những xung đột chiến tranh giữa nước này với nước kia là quá nhiều. Làm sao để hóa giải? Phải bắt tay từ việc chúng ta phục hưng văn hóa truyền thống. Hơn nữa mọi người biết là người Hoa trên toàn thế giới có hơn một tỷ. Hơn một tỷ người làm đúng đắn một sự việc thì cái thế giới này đã được cứu rồi. Ngược lại, hơn một tỷ người làm sai thì rất có thể cái thế giới này không được cứu rồi.

Khi chúng ta học thì thường nói rằng: thôn địa cầu, thôn địa cầu. Địa cầu đã trở thành thôn xóm rồi. Khi chúng ta thực sự có thể thực hiện tốt Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ, tiến thêm bước nữa có thể Nhân, Ái, Hòa, Bình đối với những người không cùng chủng tộc, không cùng tôn giáo, không cùng đất nước thì sẽ có thể đạt được thiên hạ ổn định, thiên hạ thái bình. Cho nên toàn bộ việc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” không phải là lý luận mà là việc mà mọi người đều có thể làm được.

Chúng ta hãy xem cuốn “Đệ Tử Quy” này. Nó tích góp sự giáo dục trong gia đình của chúng ta trong năm nghìn năm. Mặc dù chỉ có 1080 chữ nhưng cương lĩnh, những lời giáo huấn của Thánh Hiền của chúng ta trong năm nghìn năm đã hàm chứa trong cuốn sách này. Hội nghị lần này cũng có rất nhiều đồng nghiệp trong ngành giáo dục. Chúng ta thấy là khi họ đã có những đức hạnh này thì họ có thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Hiếu là gốc rễ. “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta Đễ là: “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung, huynh đệ mục, hiếu tại trung”, (Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó). Cho nên gốc của Đễ cũng là Hiếu. Gốc của Trung ở đâu? “Thân sở hảo, lực vi cụ” (Cha mẹ thích, dốc lòng làm), họ có thể tận hết tâm sức để làm thỏa mãn nguyện vọng của cha mẹ thì đây là lòng trung thành của họ đối với cha mẹ, tiến thêm một bước nữa là tận hết lòng trung thành này đối với những người khác. Hơn nữa, “Đệ Tử Quy” nói: “Kỷ hữu năng, vật tự tư” (Mình có tài, chớ dùng riêng), bản thân mình có năng lực thì đừng nên ích kỷ, phải biết giúp đỡ người khác, đây cũng là lòng trung thành đối với người khác.

Tiếp đến là Tín, “Phàm xuất ngôn, tín vi tiên” (Phàm nói ra, Tín trước tiên), trong “Đệ Tử Quy” nói rất nhiều, nhưng cũng là từ việc giữ chữ tín đối với cha mẹ mà tiến thêm bước nữa là giữ chữ tín đối với người khác.

Tiếp đến là Lễ, giữ lễ phép đối với cha mẹ, “Trưởng giả tiên, ấu giả hậu” (Người lớn trước, người nhỏ sau). Thậm chí, khi can gián cha mẹ, chúng ta cũng phải giữ lễ phép. Hiện nay, con cái nói chuyện với cha mẹ cũng vô cùng xấc xược, như vậy là không ổn thỏa. “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Thân hữu quá, gián sử canh” (Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi), khi cha mẹ có lỗi thì chúng ta phải cung kính mà can gián cha mẹ. “Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (Mặt ta vui, lời ta dịu), như vậy đối với cha mẹ có lễ phép, đối với cha mẹ có đạo nghĩa, cũng có sự nuôi dưỡng kỳ vọng bản thân của cha mẹ thì đây là đạo nghĩa.

Liêm là liêm khiết, bởi vì: “Thân hữu thương, di thân ưu. Đức hữu thương, di thân tu” (Thân bị thương, cha mẹ lo. Đức tổn thương, cha mẹ tủi), đức hạnh của bản thân mình không tốt làm xấu hổ cha mẹ. Hơn nữa họ có lòng biết xấu hổ, bởi vì họ không dám lấy thân mình để làm cha mẹ xấu hổ. Từ điều này chúng ta thấy là tại sao văn hóa truyền thống lại đem đạo hiếu đặt ở vị trí quan trọng như vậy? Bởi nó là gốc rễ của hết thảy mọi đức hạnh. Cho nên Chu Hy có một câu thơ nói rằng: “Vấn cừ ná đắc thanh như hứa, vi hữu nguyên đầu hoạt thủy lai” (Hỏi sao cái hồ trong xanh được như vậy? Vì nó có nước đầu nguồn mạnh mẽ chảy vào).

Điều nói với mọi người ở đây là Bát Đức, mà Ngũ Luân tức là thực hiện Bát Đức. Cho nên cha hiền con hiếu, vua hiền tôi trung, chồng có nghĩa, vợ có đức, anh thân thiện, em kính cẩn. Ở đây còn có quan hệ bạn bè, bạn bè có sự tin tưởng, có tín nghĩa. Đây là toàn bộ các quan hệ Ngũ Luân. Thực ra khi người với người hài hòa thì xã hội sẽ được hài hòa, thế giới sẽ được hài hòa. Cho nên ngọn nguồn vẫn là mối quan hệ giữa người với người. Mà mối quan hệ giữa người với người không tách khỏi quan hệ Ngũ Luân này. Chúng ta hãy thật bình tĩnh mà suy xét. Thực ra, thái độ đối nhân, xử thế của một người được hình thành từ trong gia đình. Có câu châm ngôn nói rằng: Ba tuổi xem tám mươi, bảy tuổi xem trọn đời. Cho nên, giáo dục trong gia đình là nền tảng, nền móng quan trọng nhất cho sự ổn định của xã hội.

Chúng ta hãy xem tại sao mối quan hệ vợ chồng lại được sắp xếp ở giữa. Bởi vì có vợ chồng sau đó có cha con, sau đó có anh em, sau đó mới có quan hệ vua tôi, bạn bè. Vợ chồng làm tấm gương tốt thì quan hệ cha con này sẽ được vui vẻ, hài hòa. Tiếp nữa là bởi vì con cái đều nghĩ đến công ơn của cha mẹ, đều có lòng cảm kích cha mẹ, nên khi họ đi làm thì họ sẽ biết cảm ơn công ty của họ, cảm ơn lãnh đạo của họ. Cho nên bậc trung thần xuất phát từ con người có hiếu. Mối quan hệ này cứ suy diễn mở rộng ra như vậy, bao gồm việc vợ chồng làm tấm gương tốt, anh em lấy cha mẹ làm gương thì họ cũng chung sống hòa thuận với nhau. Họ có thể chung sống hòa thuận với anh em thì họ mới có thể chung sống hòa thuận với bạn học, với đồng sự, đồng nghiệp. Chúng ta xem toàn bộ hành vi này thực ra đều từ trong quan hệ gia đình mở rộng ra.

Sách “Kinh Dịch” là nền tảng vô cùng quan trọng đối với văn hóa truyền thống của chúng ta. “Kinh Dịch” có 64 quẻ, trong đó có một quẻ tên gọi là quẻ Gia Nhân. Trong quẻ Gia Nhân có nói đến trong gia đình có nghiêm quân, “Gia Nhân hữu nghiêm quân yên, phụ mẫu chi vị dã”. Lãnh đạo uy nghiêm quan trọng trong gia đình là ai? Đó là chỉ cha mẹ, “phụ mẫu chi vị dã”.

Phụ phụ tử tử, huynh huynh đệ đệ, phu phu phụ phụ, nhi gia đạo chính, chính gia tắc thiên hạ định hĩ”. Bởi vì gia đình là nền tảng của toàn đất nước xã hội. Như vậy chúng ta có thể cảm nhận được mối quan hệ vợ chồng, quan hệ cha con, anh em ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội. Trong đó, quan hệ vợ chồng là rất quan trọng. Sự kết hợp của vợ chồng là một sứ mệnh vô cùng quan trọng đối với gia đình, đối với xã hội. Sự kết hợp của vợ chồng, sự truyền thừa của gia đạo, những lương đống thế hệ sau của xã hội cũng do họ giáo dục mà ra.

Cho nên ngày xưa, kết hôn là việc rất long trọng, vợ chồng đều phải cúng bái trời đất. Hơn nữa khi chú rể sắp đi đón cô dâu thì người cha đại diện cho Tổ Tiên mời rượu chú rể mà chú rể không cần đáp lễ. Người cha đại diện cho Tổ Tiên mời rượu. Nhắc đến hôn nhân, trong chương “Lễ Ký, Hôn Nghĩa” của sách “Lễ Ký” có nói rằng: “Thượng dĩ sự tông miếu, hạ dĩ kế hậu thế” (trên là để tiếp tục hương khói thờ cúng Tổ Tiên, dưới là kế thừa huyết thống gia tộc, kế tục Tổ Tông). Kết hôn là kế thừa sự nghiệp của người đi trước mà mở đường cho người đi theo nối bước, đem đức hạnh tốt của Tổ Tiên Thánh Hiền thông qua bản thân mình mà truyền thừa cho đời sau, kế thừa sự nghiệp của người đi trước mà mở đường cho người đi theo nối bước. Việc kế thừa sự nghiệp của người đi trước mà mở đường cho người đi theo nối bước này vẫn là lấy chữ “Hiếu” làm trọng tâm. Kế thừa người đi trước là luôn luôn nghĩ đến thế hệ trước, nghĩ đến cha mẹ, Tổ Tiên. Mở đường cho người đi theo nối bước là luôn luôn nghĩ đến thế hệ sau, nghĩ đến con cái. Thế hệ trước luôn luôn có sứ mệnh phải giáo dục tốt thế hệ sau. Thế hệ sau luôn luôn nghĩ rằng: Điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mình là đầu tiên phải báo đáp ơn đức của cha mẹ. Luôn luôn nghĩ đến việc phải báo ơn. Như vậy thế hệ trước và thế hệ sau tự nhiên sẽ không có sự chia rẽ. Đây là chữ Hiếu hợp thành một khối. Ngay đến việc kết hôn cũng là thực hiện đạo hiếu.

Từ trong nghi lễ này, chúng ta cũng có thể hiểu được sự quan trọng của hôn nhân đối với xã hội, đối với gia đình. Khi chú rể đến đón cô dâu thì cha mẹ cô dâu đứng ở cửa nhà đích thân phó thác con gái cho chú rể. Cho nên, con rể không những phải xứng đáng với Tổ Tiên mà còn phải xứng đáng với sự tín nhiệm phó thác của cha mẹ vợ. Toàn bộ quá trình hôn nhân đều là việc đảm nhận trách nhiệm.

Khi con gái lên xe hoa, bước lên kiệu hoa thì có một nghi thức là ném chiếc quạt ra ngoài kiệu hoa. Ném chiếc quạt ra ngoài là thể hiện sau khi đi lấy chồng, người con dâu phải có trách nhiệm đối với một gia đình rồi, cho nên phải buông bỏ cuộc sống nhàn nhã, buông bỏ cuộc sống của một vị đại tiểu thư. Việc ném chiếc quạt đó thể hiện cho việc ném cái tính khí đại tiểu thư đi. Mọi người đã từng ném chiếc quạt đi chưa? Chưa à? Vậy phải ném bù vậy.

Các vị xem, khi cô gái đi lấy chồng thì trong cuốn “Kinh Thi” có nhắc đến: “Đào hoa yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn, chi tử vu quy, nghi kỳ gia nhân”. Đó là khi cô gái đi lấy chồng thì tâm tình của cô giống như nhìn thấy cây đào rất xanh tốt. Cô kỳ vọng bản thân là mình đi lấy chồng thì nhất định phải để cho gia đình chồng được hưng vượng. Một nguyện vọng rất đẹp! Có cô gái nào khi sắp lấy chồng mà trong lòng lại nghĩ rằng: “Tốt rồi! Cuối cùng mình cũng đợi được ngày này. Mình không làm cho nhà anh ta không ai được yên thì không được!”. Không ai đi lấy chồng lại như vậy có đúng không?

Trên thực tế, khi đời người đối mặt với rất nhiều cảnh giới, chỉ cần chúng ta có thể luôn luôn không quên tấm lòng là chúng ta sinh ra con cái, tấm lòng không ngại vất vả, nhất định phải giáo dục tốt con cái. Chúng ta phải luôn luôn duy trì được tấm lòng như vậy. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng một nửa kia của mình lúc đó hoàn toàn tin tưởng mà lấy chúng ta, phó thác cả cuộc đời cho chúng ta. Tấm lòng hiếm có như vậy, chúng ta luôn luôn không được quên. Chúng ta cũng không thể nào quên trách nhiệm của chúng ta, sự hứa hẹn của chúng ta đối với nửa kia của mình. Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy ra. Khi tấm lòng này được nhắc nhở thì những sự va chạm nhỏ sẽ qua đi. Vì vậy chúng ta không được quên cái tâm ban đầu.

Khi đến nhà chồng, cha mẹ chồng đứng tại vị trí của khách, vợ chồng mới cưới đi bước lên vị trí dành cho chủ nhà. Khi bước vào cửa thì đầu tiên vợ chồng uống rượu giao bôi. Rượu giao bôi dùng quả bầu hồ lô bổ làm đôi, ruột quả bầu hồ lô thì đắng, đựng rượu ngọt để uống. Cho nên Tổ Tiên chúng ta khi uống thứ gì đó thì cũng không phải là uổng phí. Ly rượu giao bôi này uống xong rồi là thể hiện cho việc nhắc nhở vợ chồng từ nay về sau phải đồng cam cộng khổ. Hơn nữa, quả bầu hồ lô là một khối bổ làm đôi, nó vốn là một khối. Cho nên kết hôn là việc giữa vợ với chồng không được phân biệt bên nọ với bên kia. Nào, mọi người uống đi! Trước đây mọi người đã từng uống chưa? Khi về nhà phải uống bù nhé. Khi uống trong lòng phải nghĩ là đồng cam cộng khổ, không phân biệt bên nọ với bên kia.

Có rất nhiều sự xung đột trong gia đình đều là do so đo tính toán, khi không phân biệt bên nọ với bên kia thì vấn đề gì cũng đều được giải quyết. Các vị xem, ngay đến xưng hô chúng ta cũng phải không phân biệt bên nọ với bên kia: Cha của chúng ta, mẹ của chúng ta, không phân biệt bên nọ với bên kia. Các vị nói: “Cha của anh, mẹ của anh”, như vậy là hỏng rồi! Tâm lý như vậy thì dần dần sẽ không được thoải mái.

Quan hệ của vợ chồng là điển hình cho hết thảy mọi quan hệ khác. Cho nên vợ chồng phải có thể đồng cam cộng khổ, không phân biệt bên nọ với bên kia, hơn nữa luôn luôn lấy đại cuộc làm trọng, phải kiềm chế được tâm trạng. Bởi vì tâm trạng không kiềm chế được thì không có chuyện lại trở thành có chuyện, chuyện nhỏ lại thành chuyện lớn. Lấy đại cuộc làm trọng thì chúng ta sẽ thấy cha hiền con thảo. Sự hiền từ đó thể hiện ở đâu? Sự hiền từ, yêu thương của cha mẹ thể hiện ở việc luôn luôn làm tấm gương tốt nhất cho con cái noi theo. Đây là sự hiền từ, yêu thương chân thực. Bởi vì đức hạnh đó sẽ làm cho con cái được lợi cả đời. Nhưng nếu không hiểu được điểm này thì chúng ta luôn luôn biến sự hiền từ, yêu thương thành việc để nhiều tiền lại cho con cái.

Trên thực tế, tiền để lại càng nhiều thì con cái càng không có lòng biết ơn, tiền sẽ trở thành mối họa. Hiện nay có rất nhiều anh em, cha con kiện nhau ra tòa. Thực tế là con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ vô cùng lớn. Cha mẹ có thể hiếu thảo với ông bà thì sự hiếu thảo này được truyền thừa cho đời sau. Cha mẹ có thể cần cù chăm lo chuyện gia đình thì con cái cả đời làm theo. Bởi vì cha mẹ là rất nhiều cột mốc cây số trong cuộc đời của con cái. Vợ chồng chúng ta vui vẻ, hòa thuận thì sau này trong quan hệ vợ chồng của con cái, chúng cũng luôn luôn nghĩ rằng cha mẹ mình đã làm như thế này.

Có một người con dâu tốt được mọi người tuyên dương, khen ngợi. Khi chúng tôi đến phỏng vấn bà, trên thực tế bà đã là mẹ chồng của người ta. Bà có ba người con, hai người đã kết hôn. Trong quá trình chúng tôi giao lưu với người nhà của bà, người con trai út của bà chưa kết hôn đã nói rằng: “Khi tôi còn nhỏ, có một ký ức sâu đậm nhất là khi ăn cơm thì nhà có mười người. Hôm đó chỉ có chín quả trứng gà. Mẹ nấu chín 9 quả trứng và chia cho mọi người. Chỉ có một người không có trứng, đó là mẹ. Tình yêu của mẹ đối với chúng tôi được biểu hiện từng chút, từng chút trong cuộc sống, không rầm rầm rộ rộ, nhưng thực sự là lúc nào cũng tồn tại, hơn nữa cũng rất là tinh tế, tỉ mỉ”.

Chúng ta chỉ cần chú ý thì thấy tình yêu của mẹ chỗ nào cũng có. Khi các vị ăn cơm thì ai ăn sau cùng? Mẹ. Ai ăn xong trước? Mẹ. Ai đi ngủ muộn nhất? Mẹ. Ai thức dậy sớm nhất? Cũng là mẹ. Cho nên tình yêu của mẹ thực sự là vô cùng vĩ đại.

Khi chồng của bà thấy vợ của mình gắp hết trứng cho mọi người thì người chồng rất không đang tâm, lập tức gắp trứng của mình cho người vợ và nói rằng: “Em vất vả chăm lo cho gia đình, em ăn đi”. Người vợ thấy vậy lập tức gắp lại cho chồng và nói: “Anh làm việc rất vất vả, anh ăn đi”. Kết quả là hai vợ chồng gắp trứng qua, gắp trứng lại mười mấy lần. Cuối cùng thì quả trứng bị rơi xuống đất. Khi người con út kể đến đây thì anh ấy đã rơi nước mắt. Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ của anh đã ăn sâu vào trong lòng của anh ấy. Như vậy, cha mẹ anh ấy có còn phải dùng lời nói để dạy anh ấy vợ chồng phải chung sống với nhau như thế nào không? Khi anh nghĩ đến việc cha anh đã làm như vậy và cảm thấy mình vẫn còn kém xa thì anh lập tức phải yêu cầu bản thân. Vợ chồng chung sống với nhau, cách làm người, làm việc thì cha mẹ đều là cột mốc cây số cho con cái.

Có một đứa bé lên bảy, có một hôm nó xem ti vi. Lúc đó ti vi đang chiếu cảnh chung sống của hai vợ chồng thời xưa. Xem được một lúc, đột nhiên nó nói với người mẹ ở bên cạnh rằng: “Mẹ à! Họ không phải là vợ chồng”. Người mẹ rất kinh ngạc: “Đang diễn cảnh vợ chồng mà! Họ là vợ chồng”. Đứa bé bảy tuổi nói: “Không giống!”. Bởi vì cảnh diễn đều là vợ chồng tôn trọng nhau như khách, cho nên đứa con nói không giống. Điều này thể hiện rằng đứa bé cảm thấy lúc nào mới giống vợ chồng? Như thế nào mới giống vợ chồng? Ngày nào cũng có trận tranh cãi nhỏ, còn tranh cãi lớn thì cứ ba, sáu, chín ngày một lần. Tại sao tranh cãi lớn phải là ba, sáu, chín ngày một lần? Bởi vì mỗi một lần bực tức thì phải an dưỡng hai ngày mới có thể hồi phục. Đây là nổi giận làm tổn thương đến gan. Trên thực tế, giáo dục trong gia đình luôn luôn có sự ảnh hưởng ở mọi lúc mọi nơi. Đứa bé bảy tuổi cũng cảm thấy là phải cãi nhau ba, sáu, chín ngày một lần thì mới là vợ chồng. Như vậy thì về sau, đứa bé có được hạnh phúc không?

Sau đó, lại có một ngày, vừa lúc mẹ của đứa bé nghe điện thoại. Người mẹ nghe xong gác máy xuống thì đứa bé đứng ở bên cạnh lập tức nói rằng: “Cha gọi điện thoại về”. Đứa bé nghe giọng điệu của mẹ liền biết là cha gọi về. Thể hiện rằng khi người mẹ nói chuyện với khách hàng, với bạn bè thì nhẹ nhàng, dịu dàng: “Hôm nay nói chuyện với bạn thật là vui! Hôm khác cùng đi uống cà phê nhé! Tạm biệt!”. Đây là nói chuyện với khách hàng, với bạn bè. Nhưng khi gọi điện thoại cho chồng thì người vợ nói: “Thật là phiền phức! Anh đã nói xong chưa? Em không nói với anh nữa!”, thế là cúp máy. Con cái chỉ cần nghe giọng điệu của mẹ là biết cha gọi điện về. Cho nên hiền từ yêu thương luôn luôn làm tấm gương tốt cho con cái!

Cuối cùng, người mẹ đã thận trọng hơn. Hôm đó, khi người chồng lại gọi điện thoại về, người vợ nhìn số hiện ra trên điện thoại di động biết là người chồng gọi điện thoại thì đã chuẩn bị tâm trạng một chút. Người vợ hít thở sâu hai lần rồi bắt máy: “A lô! Xin hỏi anh tìm ai?”. Chồng của cô ấy nói: “Xin lỗi! Tôi nhầm máy!”. Hai, ba mươi giây sau, chồng của cô ấy lại gọi lại. Khi bắt máy và người chồng xác định đúng là vợ mình thì câu đầu tiên anh ấy nói trong điện thoại là: “Có đúng là em không?”. Mọi người nghe thì phải nghe được tiếng nói từ đáy lòng của đối phương. Câu nói này của người chồng có ý gì? “Có đúng là em không?”. Ý của anh ấy là: “Vợ ơi! Những ngày tháng thái bình của anh thực sự đã đến rồi sao?”.

Cho nên, chúng ta vừa mới nhắc đến việc không quên cái tâm ban đầu. Kết hôn tuyệt đối không phải là để làm tổn hại lẫn nhau, mà là để tác thành cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn của nhau. “Không quên cái tâm ban đầu, không phân biệt bên nọ với bên kia, lấy đại cuộc làm trọng, có thể hiểu rõ tâm trạng, luôn luôn có lòng biết ơn”, trên thực tế, những tấm lòng như vậy không những vô cùng cần thiết đối với cuộc sống chung của vợ chồng mà còn có thể dùng cho những quan hệ khác như quan hệ cha con, anh em, vua tôi,  bạn bè. Bởi vì người cùng một lòng, lòng đồng một ý.

Chúng ta ở trong gia đình, chúng ta là phụ huynh. Chúng ta ở trong đoàn thể, chúng ta là lãnh đạo. Một gia tộc, một đoàn thể có thể duy trì lâu dài không suy thoái hoàn toàn phải nhìn vào đức hạnh của cha mẹ, của người lãnh đạo, sản sinh phong trào đạo đức ảnh hưởng đối với gia tộc, đoàn thể. Có đức hạnh muôn đời thì muôn đời không bị suy thoái. Chúng ta cũng kỳ vọng bản thân đều có thể làm những tấm gương tốt nhất đối với gia đình, đối với đoàn thể. Xin chúc cho gia đình của tất cả mọi người đều được hạnh phúc mỹ mãn, gia đạo duy trì lâu dài không suy thoái. Chúc cho công ty, xí nghiệp của mọi người đều hưng vượng dài lâu.

Tốt rồi! Xin cảm ơn mọi người!

Hết quyển