TẠI SAO KHÔNG THỂ GIÀU QUÁ BA ĐỜI

Trân trọng kính mời Quý vị đọc cuốn sách quý:

 

TẠI SAO KHÔNG THỂ GIÀU QUÁ BA ĐỜI

 Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Nơi giảng: Unesco, Liên Hiệp Quốc

Dịch giả: Tống Như Cường

Kính chào các quý vị! Chúc mọi người buổi sáng tốt lành!

Trong một lần cầu mưa, một mục sư làm chủ lễ trong nghi thức cầu mưa. Bởi vì rất lâu rồi trời không cho cam lộ rơi xuống nên có rất nhiều thôn dân, cư dân đến tham gia. Trong khi tiến hành nghi thức cầu mưa, vị mục sư đột nhiên nhìn thẳng vào một bé gái ở bên dưới. Ông nói với mọi người rằng ông vô cùng cảm động đối với một cử chỉ của bé gái này, bởi vì trong tất cả những người tham gia cầu mưa chỉ có bé gái này cầm một chiếc ô đến. Điều này khiến vị mục sư vô cùng cảm động. Bé gái này tin chắc rằng chỉ cần dùng lòng chí thành của chúng ta thì có thể làm cho trời cho cam lộ rơi xuống, bởi vì lòng chí thành có thể làm cảm động trời đất. Hơn nữa, lòng chí thành của chúng ta cũng có thể cảm động chư Phật, Bồ Tát, cổ Thánh, tiên Hiền, có thể cảm động hết thảy Thần Linh đến bảo vệ chúng ta, đến gia trì cho chúng ta. Quan trọng hơn là lòng tín tâm, lòng tin kiên định đối với đạo lý mà tất cả Thần Thánh, tất cả Thánh Hiền đã chỉ bảo chúng ta, bởi vì lòng tin là cơ bản chủ yếu để hoàn thành hết thảy sự nghiệp, hoàn thành hết thảy mọi sự việc.

Có được lòng tin kiên định, chúng ta tuân theo lời giáo huấn của cổ Thánh, tiên Hiền thì có thể đạt được một cuộc sống nhân sinh hài hòa, hạnh phúc. Bởi vì lời giáo huấn của hết thảy Thần Linh, hết thảy Thánh Hiền đều là chân lý, mà chân lý thì vĩnh viễn không thay đổi. Chỉ cần chúng ta thực hành theo giáo huấn thì nhất định có thể cảm được quả báo thù thắng. Phật đã dạy rằng đau khổ của chúng ta đều là do cầu mà không đạt được, đều là do ích kỷ, tự tư tự lợi. Chỉ cần chúng ta buông bỏ sự ích kỷ, buông bỏ lòng ham cầu cho bản thân mình mà luôn luôn có thể nghĩ cho người thân, nghĩ cho nhân dân, thậm chí có thể nghĩ cho hết thảy chúng sinh thì chúng ta có thể xa lìa đau khổ mà được an lạc.

Chúng ta hãy quan sát tình trạng hiện nay của xã hội, của thế giới. Căn nguyên thực sự của những hậu quả này đều là do ích kỷ, tự tư tự lợi mà tạo thành. Chính tư tưởng ích kỷ kéo theo hành vi, tính cách và thói quen ích kỷ, cuối cùng tạo thành số phận không tốt. Cho nên, tư tưởng sai lầm của một người sẽ quyết định số phận của người đó. Tư tưởng, nền nếp của một gia đình cũng sẽ quyết định số phận gia đình đó. Suy rộng ra thì số phận của một dân tộc, một quốc gia cũng đều được quyết định ở tư tưởng đúng đắn hay tư tưởng sai lầm. Cho nên, sự việc phức tạp cũng có căn nguyên của nó, mà căn nguyên chính là tư tưởng.

Người xưa có câu châm ngôn rằng: “Không chịu nghe lời khuyên của người lớn tuổi lập tức sẽ bị thiệt thòi”. Chúng ta thấy, gia đình thời xưa y theo lời giáo huấn của Thánh Hiền thì nền nếp của một gia đình, một gia tộc có thể kéo dài một ngàn năm, hai ngàn năm, thậm chí rất lâu mà không suy thoái. Vào đời Tống, có một vị danh thần tên là Phạm Trọng Yêm. Gia đạo của ông đến nay đã hơn một nghìn năm, ước tính con cháu đời sau của ông cũng đã hơn một triệu người. Cuộc đời của họ đều làm theo lời giáo huấn của Thánh Hiền, đã ấn chứng được chân lý: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh”. Ông không ngừng làm việc thiện. Đức hạnh và phúc phận của ông đã che chở cho con cháu đời sau của ông.

Lấy lòng nhân từ đối đãi với người khác, đó là chân lý đúng đắn nhất. Khi ông gieo trồng hạt giống lấy lòng nhân từ đối đãi với người khác thì ông đã gặt hái được kết quả là: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi” (Người yêu thương người khác thì sẽ được người khác mãi mãi yêu quý).  Mọi người cũng đều mang ơn, đội nghĩa đối với ông. “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Người kính trọng người khác thì sẽ được người khác mãi mãi kính trọng). Ông kính trọng đối với hết thảy mọi người và cũng được mọi người kính trọng lại. Tấm lòng nhân ái của Phạm Trọng Yêm tiên sinh khiến cho nhân dân cả nước đều vô cùng yêu mến ông. Khi ông còn sống thì nhân dân đã xây dựng miếu thờ để cảm ơn ông, để học tập ông. “Yêu thương người khác”, “kính trọng người khác” không chỉ khiến cho nhân dân thời đó yêu mến ông, kính trọng ông, mà thậm chí nhân dân của nghìn năm sau cũng đều cảm ơn ân đức, khí phách của ông. Con cháu của ông cũng nhờ đức hạnh của ông mà tạo dựng được gia đạo tốt. Con cháu của ông đi đến nơi nào cũng đều được người khác yêu mến.

Vào dịp tết năm nay, chúng tôi có tổ chức chương trình tọa đàm về “Hạnh phúc nhân sinh”. Con cháu đời sau của Phạm Trọng Yêm tiên sinh cũng đến tham gia. Một vị đứng trên bục phát biểu nói rằng: “Tôi vô cùng hổ thẹn, tôi là cháu đời thứ 27 của Phạm Trọng Yêm”. Sau khi ông thốt ra câu đó thì bên dưới không hẹn mà cùng nhau vỗ tay, thậm chí có rất nhiều người không kìm nén được lòng biết ơn sâu sắc nên đều đã đứng dậy mà cúi đầu vái chào người đứng trên bục phát biểu.

Khí phách của Tổ tiên giúp cho chúng ta nhận được sự yêu mến của người đời. Cho nên tấm lòng nhân ái này có thể siêu việt mọi thời đại, có thể khiến cho con người với con người đều biết cảm ơn, biết kính trọng lẫn nhau. Trên thực tế, việc chúng ta đang ở đây cùng nhau học tập lời chỉ dạy của Phật, lời giáo huấn của Thánh Hiền cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu đời sau của chúng ta, bởi vì con cháu đời sau với chúng ta là một khối nhất thể. Chúng ta cũng hy vọng một trăm năm sau, hai trăm năm sau, thậm chí là lâu hơn nữa, khi  con cháu đời sau của chúng ta đứng trên bục phát biểu nói rằng tôi là con cháu của vị này, vị kia thì bên dưới vẫn đồng thanh vỗ tay. Thậm chí khi họ nói: “Chúng tôi là đệ tử của Phật bởi vì hiện nay chúng tôi có thể thực hành theo lời chỉ dạy của Phật, làm lợi ích cho nhân dân thế gian” thì mấy trăm năm sau, mấy nghìn năm sau, người trên thế giới nghe thấy “là đệ tử của Phật” thì cũng có thể đồng thanh vỗ tay. Điều này là một phần không thể tách rời với sự cố gắng hiện nay của chúng ta.

Chúng ta cũng hãy bình tĩnh suy ngẫm một chút: Trên thế giới nói chung và đất nước chúng ta nói riêng, những kẻ dùng thủ đoạn, mánh khóe làm hại người khác để có lợi cho bản thân thì con cháu đời sau của họ hiện nay đang ở đâu? Đây là một vấn đề đáng để mọi người suy ngẫm. Vào đời Tống, ở Trung Quốc có một gian thần tên là Tần Cối. Thưa quý vị! Quý vị có được nghe nói ai là con cháu đời sau của Tần Cối không? Nếu có thì họ cũng không dám nhận. Bởi vì giả sử khi họ đứng trên bục phát biểu và nói rằng tôi là con cháu đời sau của Tần Cối thì bên dưới có thể có rất nhiều người ném mọi thứ vào người đó.

Thực sự là không có con cháu đời sau của Tần Cối, bởi vì “Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. Ông ta làm việc bất thiện sẽ họa lây đến con cháu đời sau của ông ta. Cũng giống vậy, hiện nay mỗi một dân tộc cho dù chọn lựa việc phải ích kỷ, tự tư tự lợi hay là chọn lựa việc phải đối xử nhân từ với người khác thì đều ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con cháu đời sau của họ. Nếu một dân tộc không sẵn lòng đối xử nhân từ với người khác thì rất có khả năng khi con cháu của họ đến các nơi khác trên thế giới đều bị người ta coi như kẻ thù, bị người ta bài xích. Cho nên, chúng ta thấy những sự thực này đều nằm ở ngay trước mắt. Lịch sử giống như một tấm gương để cho chúng ta lĩnh hội được chân lý cuộc sống.

Chúng ta đã nói rằng, vấn đề dù phức tạp mấy thì thực ra căn nguyên của nó đều là do tư tưởng sai lầm. Nếp nhà của Phạm Trọng Yêm có thể lưu truyền hơn một nghìn năm. Bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh mà suy ngẫm xem, nếp nhà của gia đình thời nay có thể lưu truyền bao lâu? Người xưa có một câu nói: “Giàu không quá ba đời”. Tại sao không thể giàu quá ba đời? Bởi vì sau khi giàu có thì họ không biết yêu thương người khác, khi có tiền thì họ xem thường người khác, như vậy là họ làm tổn thương đến đạo đức của mình, làm tổn mất cái phúc của mình.

Thời nay không còn là “giàu không quá ba đời”, mà thời nay ngay cả một đời cũng không quá. Tại sao ngay cả một đời cũng không quá? Tại sao những vị Thánh nhân có thể kéo dài nghìn năm không suy thoái? Căn nguyên này là do tư tưởng lưu truyền cho thế hệ sau đã không giống nhau. Tư tưởng hiện nay chúng ta lưu truyền cho đời sau là lòng ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Có rất nhiều phụ huynh đều nói rằng họ cũng rất tận tâm, tận sức để dạy dỗ con cái, nhưng cũng không biết tại sao mà dạy bảo ra nông nỗi này.

Có một người tài xế lái xe taxi một hôm chở một người khách đến bờ sông Hoàng Hà. Bởi vì vị khách này lần đầu tiên đến bên bờ sông Hoàng Hà, cho nên bèn bảo tài xế dừng xe lại để được ngắm phong cảnh tráng lệ của sông Hoàng Hà. Khi dừng ở bên cạnh bờ đê không bao lâu, người tài xế xe taxi đột nhiên khóc nức nở. Vị khách cảm thấy rất khó hiểu và bối rối bèn hỏi anh ấy rằng: “Anh làm sao vậy?”. Người tài xế xe taxi nói: “Tôi cố gắng làm việc như thế này cũng là mong con cháu đời sau của tôi có được nhân cách tốt, biết hiếu kính với tôi, như vậy sự cố gắng của tôi mới có giá trị. Nhưng mấy ngày trước xảy ra một việc. Đó là bởi vì chúng tôi cố gắng làm việc để mua đùi gà cho con ăn. Trong nhà chỉ mỗi đứa con có cái đùi gà để ăn, còn chúng tôi thì không có. Hôm đó vừa lúc tôi bị ốm, vợ tôi muốn tôi được ăn no hơn một chút bèn đem cái đùi gà đưa cho tôi ăn. Khi vợ tôi đem chiếc đùi gà đưa cho tôi, con của tôi đã tát cho vợ tôi một cái. Lúc đó hai vợ chồng tôi vô cùng kinh ngạc, không biết phải làm sao nữa. Tiếp đó đứa con bèn nói: “Cái đùi gà là của con, sao mẹ lại để cho bố ăn?”. Cho nên cố gắng sẽ có kết quả, tất cả đều vì điều tốt đẹp cho con cái, nhưng nếu không tuân theo đạo lý thì kết quả đó sẽ không phải là kết quả tốt.

Trong một quyển sách quan trọng về lịch sử cổ xưa là “Tư Trị Thông Giám” có nhắc đến “Ái chi bất dĩ đạo”. Chúng ta yêu thương con cháu nhưng nếu như không tuân theo đạo lý thì sẽ là “thích sở dĩ hại chi dã”, như vậy cũng bằng với việc hại con cháu của chúng ta vậy. Nếu con cái mà không biết yêu quý cha mẹ của mình thì khi ra ngoài xã hội làm việc, nhất định chúng cũng sẽ tự coi mình là trung tâm. Như vậy thì chúng càng không thể nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người. Khi con cái không biết cách hiếu thảo thì chúng cũng không biết cách yêu mến, kính trọng người khác.

Trong cuộc sống của một con người, muốn đạt được thành quả thì phải có một điều cơ bản rất quan trọng là “nhân hòa”, được sự giúp đỡ của mọi người. Bởi vì trong thế giới này, muốn hoàn thành một việc thì không chỉ dựa vào sức lực của một người mà có thể làm được. Hiện nay, vấn đề con cháu đời sau đã trở thành vấn đề có tính phổ biến trên toàn thế giới. Tính khí của con cháu đời sau đã trở nên vô cùng nóng nảy, con cháu đời sau đã trở nên vô cùng lười biếng. Tâm sinh lý của con cháu đời sau của chúng ta đã không chỉ bị rất nhiều mầm độc mới xâm chiếm, mà càng nguy hiểm hơn là mầm độc ở trong tâm hồn và tư tưởng sai lầm đang ảnh hưởng đến chúng.

Khi chúng ta không dạy bảo con cái biết hiếu thảo, thì chúng luôn luôn chỉ tự cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ và không có cách nào để nghĩ cho người khác. Thậm chí có một thầy giáo tiểu học nói rằng, anh ta không biết đến khi nào thì cha mẹ của anh ta sẽ mất. Bởi vì sau khi cha mẹ mất thì tiền của cha mẹ sẽ là của anh ta.

Chúng ta hãy bình tĩnh mà suy ngẫm xem người được giáo dục bởi lời giáo huấn của Thánh Hiền thể hiện tình cảnh của cuộc đời như thế nào. Thời xưa có một đứa bé năm tuổi tên là Phạm Kiều. Khi Phạm Kiều lên hai tuổi, ông nội của Phạm Kiều qua đời. Trước khi qua đời, người ông đã cầm lấy cái nghiên mực của mình đưa cho Phạm Kiều rồi nói với đứa cháu rằng: “Điều ân hận nhất trong đời ta là không thể thấy cháu khôn lớn thành người, không thể thấy cháu có thể cống hiến cho gia đình, xã hội”. Trải qua ba năm sau đó, bà nội của Phạm Kiều lại cầm cái nghiên mực và nói với Phạm Kiều những lời mà ông nội đã nói trước khi lâm chung. Sau khi nghe xong, Phạm Kiều lập tức cầm lấy cái nghiên mực mà nước mắt lưng tròng, dòng lệ tuôn rơi. Đứa bé đã cảm động và nhớ đến sự mong chờ của ông nội đối với nó. Cho nên học vấn và đạo đức của đứa bé được nâng cao rất nhanh. Sau đó, tinh thần của cha đứa bé bị thất thường. Trong thời gian liên tục 36 năm, đứa bé đã không đi tìm kiếm công danh lợi lộc mà đã tận tâm, tận sức chăm sóc cho người cha trong khoảng thời gian 36 năm trời.

Nếu từ nhỏ đã được tiếp nhận giáo dục về lòng hiếu thảo thì cả cuộc đời của họ sẽ có được tấm lòng vô cùng đạo đức, vô cùng nhân ái. Ngay sau khi ra làm quan, họ cũng đều có thể làm lợi cho nhân dân một vùng, cũng sẽ tận tâm, tận sức chăm sóc cho nhân dân. Bởi vì khi họ có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của mình thì họ cũng sẽ lĩnh hội được rằng cha mẹ của hết thảy mọi người khác cũng đáng được kính trọng. Tất cả mọi người đều là báu vật của cha mẹ. Họ cũng sẽ không đi ức hiếp bất cứ người nào, bởi vì họ sợ trong lòng cha mẹ của những người đó sẽ buồn rầu, đau lòng.

Người xưa có câu châm ngôn: “Trăm điều thiện thì chữ “hiếu” đứng đầu”. Bởi vì khi lòng “hiếu” mở ra thì trăm điều “hiếu” cũng đều mở ra. Đồng thời tấm lòng ‘suy bụng ta ra bụng người’, tấm lòng biết nghĩ cho người khác của họ cũng sẽ mở ra.

Có một đứa bé học tiểu học. Đứa bé học theo Kinh điển quan trọng của chúng ta là “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” là một quyển sách hay, đã tổng hợp toàn bộ những giáo huấn tinh túy của Thánh Hiền trong 5.000 năm. Sau khi đứa bé học xong, bởi vì cha mẹ của đứa bé cũng học cùng cho nên trong gia đình tràn ngập không khí hiếu thảo. Bà nội của đứa bé cũng sống chung với họ. Có một hôm, cha mẹ của đứa bé đưa đứa bé ra ngoài thì gặp ngay một bà lão ăn xin bên đường. Sau khi nhìn thấy bà lão, cha mẹ đứa bé bèn dừng xe và bảo đứa bé mang tiền ra để giúp đỡ bà lão. Đứa bé đưa tiền cho bà lão xong rồi quay lại, khi ngồi vào trong xe thì đứa bé đột nhiên khóc lớn. Cha mẹ đứa bé đều rất kinh ngạc, không biết tại sao mà nó lại khóc. Sau khi bình tĩnh trở lại, đứa bé đã nói với cha mẹ rằng: “Cha! Mẹ! Tại sao bà lão này lại không được như bà nội, không được ở nhà để con cháu chăm sóc? Rốt cuộc con cái của bà lão này đang làm gì? Tại sao họ lại không tận hết bổn phận mà họ phải làm?”.

Cho nên, một đứa bé từ nhỏ đã được giáo dục về lòng hiếu thảo thì đứa bé cũng có thể đồng cảm mà yêu thương, thương xót hết thảy những người già cả. Sau đó, khi thầy giáo của đứa bé này hỏi: “Chí hướng của con là gì?” thì đứa bé nói rằng sau này sẽ xây dựng trường học chuyên dạy những lời giáo huấn của Thánh Hiền để càng có thêm nhiều người biết cách hiếu thuận cha mẹ, biết cách yêu thương người khác. Đây là chí nguyện đầu tiên của đứa bé. Chí nguyện thứ hai là xây dựng viện dưỡng lão để cho nhiều người già cả không có con cái chăm sóc có thể nhận được sự chăm sóc, có thể có được cuộc sống vui vẻ khi tuổi già.

Cho nên chúng ta thấy: “Thân thân nhi nhân dân”. Đứa bé có tấm lòng hiếu thảo, tấm lòng yêu thương đối với cha mẹ, đối với người thân của mình thì nó có thể mở rộng tấm lòng ra mà yêu thương đối với hết thảy mọi người. Khi tuổi còn rất nhỏ như vậy, họ tiếp nhận lời giáo huấn của Thánh Hiền, của những vị Thánh nhân mà biết cách hiếu thảo thì tấm lòng hiếu thảo này cũng có thể theo họ đến cuối cuộc đời. Điều này được gọi là: “Thiểu thành nhược thiên tính, tập quán thành tự nhiên”.

Vào đời nhà Hán, có một học trò tên là Hoàng Hương. Khi lên 9 tuổi thì Hoàng Hương đã biết làm ấm chăn đệm cho cha vào trời đông giá lạnh. Mùa đông trời rất lạnh, ông sợ cha ông bị lạnh. Bởi vì có tấm lòng hiếu thảo nên ông có thể luôn luôn hiểu được điều người khác cần. Đến mùa hè, thời tiết oi bức thì ông biết giúp cha ông quạt giường chiếu cho mát. Lòng hiếu thảo của ông đã khiến ông nhận được sự kính trọng của mọi người. Khi đó, nhà vua cũng đã biểu dương hành động hiếu thảo này để cho thiên hạ đều noi theo học tập và còn phong cho ông danh hiệu: “Giang Hạ Hoàng Hương, Cử Thế Vô Song”. (Hoàng Hương đất Giang Hạ có một không hai).

Tuổi nhỏ như vậy mà họ đã biết luôn luôn nghĩ cho cha mẹ. Tấm lòng luôn luôn biết nghĩ đến người khác lâu dần sẽ hóa thành thái độ trong cuộc sống của họ. Cho nên họ đến trường học cũng luôn luôn nghĩ cho thầy giáo, cũng có thể luôn luôn nghĩ cho bạn học. Thậm chí sau này, cho dù họ có làm nghề gì thì họ cũng có thể tận tâm, tận sức nghĩ cho đồng nghiệp của họ, nghĩ cho khách hàng của họ. Cho nên, tấm lòng luôn luôn biết nghĩ cho người khác, luôn luôn phục vụ người khác trong xã hội, luôn luôn cảm nhận được điều người khác cần thực ra cũng có liên quan với lòng hiếu thảo của họ, có liên quan với sự ảnh hưởng của gia đình đối với họ.

Trên thực tế, có được hạnh phúc cũng là từ việc biết nghĩ cho người khác. Có một đứa bé năm tuổi, sau khi nghe xong câu chuyện về Hoàng Hương, nó cũng noi theo. Cho nên thực sự là: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người ai cũng có tâm thích cái thiện, thích cái đức. Chỉ cần có thể nghe được những lời giáo huấn này thì họ có thể khai mở sự lương thiện trong lòng mình. Cho nên khi về nhà, đứa bé cũng giúp mẹ của mình làm ấm chăn đệm trong mùa đông giá lạnh. Người mẹ thấy con làm như vậy, đầu tiên thì thấy xót con, sợ nó bị lạnh. Nhưng để cho lòng hiếu thảo của con được trọn vẹn, người mẹ đành phải nhẫn nại. Bởi vì lòng hiếu thảo của đứa con sẽ giúp ích cho cả đời của nó. Kết quả là trong quá trình làm ấm chăn đệm, người mẹ hỏi đứa con rằng: “Con có lạnh không?”. Đứa bé nói rằng: “Thưa mẹ! Con không lạnh, bởi vì con chỉ nghĩ lát nữa khi mẹ vào nằm trong chăn cảm thấy rất ấm áp thì con đã cảm thấy có một luồng khí nóng từ trong người con tuôn ra”. Sau khi làm nóng chăn đệm xong, đứa bé trở về giường của mình. Sau đó, nó nói với mẹ rằng không chỉ là trong lúc làm ấm chăn đệm của mẹ, nghĩ đến việc mẹ vào nằm trong chăn sẽ cảm thấy rất ấm áp thì trong lòng của nó cảm thấy có một luồng khí nóng, mà khi đã ra khỏi chăn đệm của mẹ về nằm trong chăn đệm của mình thì luồng khí nóng đó vẫn không ngừng tuôn ra từ trong người của nó. Cho nên, đứa bé năm tuổi này nói rằng nó lĩnh hội được rằng lòng hiếu tâm nóng như lửa, làm thành một luồng khí ấm. Khi đứa bé thể hiện trọn vẹn tấm lòng hiếu thảo thì trên thực tế, nó đã có được hạnh phúc.

Tôi cũng nhớ lại lúc tôi còn nhỏ, chúng tôi sống chung với ông bà nội. Gia đình thời nay đại đa số là gia đình nhỏ (gia đình chỉ có cha mẹ và con cái, ông bà sống riêng). Gia đình nhỏ thì cha mẹ có muốn dạy con cái hiếu thảo cũng là điều không dễ. Bởi vì nếu sống chung với ông bà, thì cha mẹ có thể lấy mình làm tấm gương cho con cái học tập về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hàng ngày con cái đều được nhìn thấy, nghe thấy thì sự học tập của chúng sẽ rất mau chóng và tự nhiên mà học được.

Cũng giống vậy, bởi vì từ nhỏ đã thấy cha mẹ lấy đồ ăn ngon trong tủ lạnh ra cũng đều mời ông bà nội ăn trước, cho nên chúng tôi cũng thành thói quen, khi lấy đồ ăn thì đầu tiên cũng mời ông bà nội trước. Khi tôi đi du lịch đến một nơi xa nhà hay đi dạy học xa nhà, thấy những đồ mà bà nội thích ăn thì tôi cũng chủ động mua về cho bà ăn. Khi tôi mua những đồ ăn này và cất chúng trong túi, tuy rằng vẫn chưa đưa cho bà ăn nhưng thật ra tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi. Cho nên, người bỏ công sức ra cho người khác thì lập tức cảm thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ lúc bà nội nhận được những đồ ăn này thì chắc chắn sẽ nở nụ cười thật tươi, mà sự vui vẻ này tuyệt đối là không phải chỉ trong một lúc đó, có khả năng cả đời bà nội cũng đều nhớ đến cảnh này. Cho nên, thực sự là khi bỏ công sức cho người khác thì chắc chắn chúng ta sẽ được vui vẻ. Thói quen thành tự nhiên. Tất cả những hành vi mà chúng ta làm cũng đều lưu truyền cho con cái đời sau của chúng ta. Thói quen này tương đương với nếp nhà của chúng ta vậy.

Có một cô giáo hồi tưởng lại khi cô còn nhỏ, lúc đang học tiểu học. Một hôm khi cô về đến nhà, vừa bước chân vào nhà bèn ngửi được mùi thơm của thức ăn do mẹ nấu. Cô không kìm được liền thốt ra một câu: “Mẹ à! Mẹ đã mang thức ăn sang mời bà nội chưa?”. Khi cô nói ra câu này thì cả nhà cô đều cười. Cô cũng không hiểu tại sao mọi người lại cười. Cô có một anh trai và một chị gái, tổng cộng nhà có ba anh chị em. Anh trai và chị gái của cô về nhà trước cô. Mẹ của cô nói với cô rằng anh trai của cô khi về đến nhà thì câu đầu tiên là nói: “Thưa mẹ! Mẹ đã mang thức ăn sang nhà bà nội chưa?”. Không lâu sau, chị gái cô về nhà, vẫn cũng là câu như vậy: “Thưa mẹ! Mẹ đã mang thức ăn sang nhà bà nội chưa?”. Cuối cùng cô là người thứ ba về nhà và cũng nói: “Mẹ à! Mẹ đã mang thức ăn sang mời bà nội chưa?”. Cho nên, cả nhà đều cười. Đây là gia phong, là gia đạo.

Có một hôm, mẹ của cô nấu món ăn ngon thì cô đứng bên cạnh đợi để mang cho bà nội. Mẹ của cô bèn đùa với cô mà nói rằng: “Hôm nay nấu ít, lần sau hãy mang cho bà nội”. Vì còn nhỏ nên cô không phân biệt được lời nói của người mẹ là câu nói đùa, cô còn cho rằng thực sự là mẹ không muốn mang món ngon cho bà nội. Cho nên buổi trưa hôm đó cô đã không ngủ được, ở đó mà lăn đi, lộn lại. Đợi cả nhà đều ngủ hết, cô nhẹ nhàng ngồi dậy và xuống bếp để đem món ngon này mang sang mời bà nội ăn. Nhưng bởi vì kệ bếp cao quá, cô không đủ cao nên đã kiễng chân lên để gắp thức ăn ra. Món ăn đó phải ninh mấy tiếng mới chín, cô cũng không biết là đã chín hay chưa mà đã vội vàng gắp thức ăn ra và sau đó bưng sang để trước mặt bà nội. Khi cô mang sang cho bà nội thì cô đã nói với bà nội rằng: “Mẹ con bảo con mang sang mời bà”.

Từ lời nói và thái độ của cô bé này, chúng ta có thể cảm nhận được rằng dạy bảo con cái tuyệt đối không được trêu đùa bừa bãi. Nếu không, bọn trẻ sẽ tin rằng đó là sự thật. Cho nên, giáo dục con cái phải dùng thái độ đúng đắn, nghiêm chỉnh. Khi nói câu nào, cha mẹ cũng phải tuân theo đạo lý để dạy bảo con cái. Mà tại sao đứa bé này lại nói là do mẹ sai cô mang sang? Thưa quý vị! Quý vị thấy đó, đứa bé nhỏ như vậy cũng đã biết người trong nhà thì nhất định phải sống với nhau hòa thuận, phải đoàn kết thì mới hạnh phúc. Cô sợ mẹ và bà nội bất hòa, khoảng cách càng ngày càng xa dần, cho nên cô ở giữa làm cầu nối và đã nói là mẹ sai cô mang sang.

Trong quá trình dạy học sinh ở trên lớp, chúng tôi cũng từng hỏi bọn trẻ rằng: “Một người mẹ cần phải có những đức hạnh gì?”. Bọn trẻ suy nghĩ một cách vô cùng nghiêm túc. Kết quả có rất nhiều đứa trẻ suy nghĩ rằng, yêu cầu đầu tiên của chúng đối với một người mẹ tốt là mẹ phải đối xử tốt với bà nội. Yêu cầu này làm cho những người làm giáo viên như chúng tôi cũng phải suy ngẫm. Những đứa trẻ này nói rằng đức hạnh tốt thứ nhất của một người mẹ là mẹ phải đối xử tốt với bà nội. Từ điều này chúng ta có thể cảm nhận được nội tâm của bọn trẻ vô cùng nhạy bén. Nếu trong nhà bất hòa thì cho dù là cha mẹ bất hòa hay là ông bà nội và cha mẹ bất hòa thì nội tâm của chúng cũng bị dày vò rất nhiều, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với phẩm chất, nhân cách của chúng. Nếu trong nhà đều hòa thuận, đều đoàn kết thì con cái sẽ cảm thấy rằng quan hệ giữa người với người đều “dĩ hòa vi quý”. Nếu con cái từ bé đã thấy cảnh mọi người trong nhà trách móc lẫn nhau, xung đột lẫn nhau thì nội tâm của chúng sẽ đánh một dấu hỏi rất lớn, hoài nghi rất lớn đối với sự hòa thuận chung sống giữa người với người. Cho nên nhân cách của bọn trẻ đều bị ảnh hưởng sâu xa bởi từng lời nói, từng hành động của chúng ta.

Sau khi mang thức ăn cho bà nội thì cô bé trở về nhà. Đến lúc đó cô bé mới ngủ được ngon. Đến buổi chiều khi món ăn thực sự đã nấu chín thì mẹ của cô lại mang sang mời bà nội. Bà nội của cô bé cảm thấy rất kinh ngạc nói rằng: “Chẳng phải cháu gái nhỏ đã mang rồi sao! Sao con lại mang sang lần nữa?”. Lúc đó người mẹ mới hiểu được rằng không nên nói đùa với con cái.

Chúng ta thấy đó, người thời xưa từ nhỏ đã biết hiếu thảo với cha mẹ. Những đứa trẻ được giáo dục bằng những lời giáo huấn của Thánh Hiền thì chúng cũng biết hiếu thảo với cha mẹ. Cho nên thời nay, nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến một số tình trạng của con cháu đời sau thực sự là do chúng không được giáo dục bởi những lời giáo huấn của Thánh Hiền. Điều này được gọi là: “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Nhân bất học, bất tri đạo”. Chỉ cần con cái được học thì những hành vi không tốt dần dần sẽ được sửa đổi.

Khi có lòng “hiếu” thì trăm điều thiện khác cũng được mở ra. Nhưng nếu không có lòng “hiếu” thì rất có khả năng tai nạn xảy ra ngay trước mặt chúng ta. Cho nên ích kỷ, tự tư tự lợi sẽ dẫn đến xung đột giữa nước này với nước kia. Ích kỷ, tự tư tự lợi cũng khiến cho những người thân nhất xảy ra xung đột nghiêm trọng.

Chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện thực tế về việc này. Đứa bé mười mấy tuổi chỉ vì mấy nghìn đồng mà đã giết chết cha mẹ của mình. Lại còn có một đứa bé học cấp hai, bởi vì nó mê lên mạng, ngày nào cũng lên mạng cho nên những cảnh bạo lực, khiêu dâm trên mạng đã tiêm nhiễm vào đầu nó. Nhưng do ham muốn đã khai mở, cho nên mới có câu nói: “Dục thị thâm uyên”, dục vọng giống như cái vực sâu không thấy đáy. Sự ham muốn làm đứa bé mất đi lý trí. Nó nhìn thấy cha của mình mang tiền cho bà nội, nó nhân cơ hội không có ai ở nhà bèn vào trong phòng của bà nội để ăn cắp tiền. Vừa lúc đó bà nội đi vào. Lúc đó nó đã mất hết lý trí, cho nên nó đã ra tay giết chết bà nội. Sau đó ông nội của nó cũng đi vào. Nó cũng không phân biệt phải trái, trắng đen nên đã làm cho ông nội bị thương. May mà ông nội của nó chạy thoát được. Kết quả, nó chỉ tìm thấy hai đồng trong túi áo của bà nội. Hai đồng này là tiền mà bà nội hàng ngày cho nó để mua quà ăn sáng.

Cho nên, khi lòng ham muốn của bọn trẻ không ngừng tăng lên thì khó tránh khỏi những bi kịch trong cuộc đời. Sau này khi đứa bé bị bắt giam trong tù, cảnh sát hỏi nó: “Nếu bây giờ cho cháu lựa chọn là được lên mạng chơi trò chơi điện tử hay là được gặp bà nội thì cháu chọn điều nào?”. Đứa bé này lập tức trả lời: “Nhất định là cháu chọn bà nội”. Nhưng đời người có rất nhiều việc không thể quay trở lại được.

Sự phát triển của lòng ham muốn thực sự làm cho con cháu đời sau của chúng ta trở thành nô lệ của lòng ham muốn. Sao chúng ta có thể nhẫn tâm để cho con cháu đời sau trở thành nô lệ của lòng ham muốn!

Khi dạy học ở trường, tôi từng gặp một học sinh. Học sinh đó mới học tiểu học mà đã phải chuyển trường bốn lần. Có một lần nó phạm lỗi, thầy giáo trách phạt nó, nó rất cô đơn ngồi trước cửa lối vào cầu thang. Khi đó vừa lúc tôi không có tiết dạy. Thấy nó đau lòng và ủ rũ như vậy, tôi bèn lại gần và ngồi cùng với nó một lúc. Đứa bé đột nhiên nói: “Thầy giáo à! Em rất muốn chết”.

Hiện nay tỉ lệ tự sát càng ngày càng cao. Quý vị xem! Ngay đến như một học sinh tiểu học cũng có ý nghĩ tự sát. Bởi vì cuộc đời của họ không có được cảm giác hạnh phúc, cuộc đời của họ trở thành nô lệ của lòng ham muốn, cuộc sống của họ vô cùng trống rỗng. Nếu từ nhỏ, bọn trẻ đã được giáo dục về lòng hiếu thảo thì chúng sẽ biết được “thân sở hiếu, lực vi cụ” (cha mẹ thích, dốc lòng làm), phận làm con phải biểu hiện thật tốt để cha mẹ vui vẻ, để cha mẹ cảm thấy vinh dự thì cuộc sống của bọn trẻ sẽ không cảm thấy trống rỗng như vậy.

Việc gì cũng vậy, có kết quả thì cũng đều có nguyên nhân. Cho nên khi chúng ta hướng dẫn bọn trẻ thì cũng mong rằng tự bản thân bọn trẻ có thể tìm ra được nguyên nhân cuộc đời của chúng, chứ không phải ở đó mà than thở. Mỗi người đều phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với cuộc đời của mình. Cho nên tôi đã hỏi đứa bé rằng: “Tại sao em lại muốn chết?”. Đứa bé nói rằng: “Bởi vì không có ai yêu thích em”. Không ai yêu thích là kết quả, vậy nguyên nhân ở đâu? Cho nên tôi lại hỏi nó: “Mọi người đều không thích em, vậy nguyên nhân do đâu?”. Tự bản thân đứa bé cũng hiểu rất rõ, nó nói: “Bởi vì em hay đánh người khác, em hay mắng người khác”. Tiếp đó tôi hướng dẫn nó tìm ra nguyên nhân: “Em chỉ cần không đánh người khác, không mắng người khác thì người khác sẽ không ghét em”. Đứa bé chau mày mà trả lời tôi rằng: “Thầy giáo à! Em rất muốn sửa đổi, nhưng em sửa không được!”.

Câu nói “em rất muốn sửa đổi”“nhân chi sơ, tính bản thiện”, người nào cũng có. Câu nói “nhưng em sửa không được”“cẩu bất giáo, tính nãi thiên”. Bởi vì hành vi đã trở thành thói quen cho nên đứa bé cần phải bỏ nhiều thời gian, công sức để khắc phục thói quen xấu của mình. Nhưng chỉ cần có lòng thì nhất định có thể khắc phục được thói quen xấu. Hai câu nói này của đứa bé đã ăn sâu vào trong lòng của những người làm thầy cô giáo như chúng tôi. Câu “em rất muốn sửa đổi” khiến chúng ta tin chắc rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Câu “nhưng em sửa không được” làm cho chúng ta hiểu được rằng chúng ta không thể để cho con cháu đời sau của chúng ta, thậm chí là để cho học sinh của chúng ta trở thành nô lệ của lòng ham muốn. Cho nên tất cả những người làm cha, làm mẹ, thầy cô giáo, người làm Tổ tiên cũng đều phải có trách nhiệm đối với con cháu đời sau của mình.

Qua việc quan sát hiện tượng của xã hội, chúng ta hiểu được rằng vấn đề chỉ do tư tưởng ích kỷ, tự tư tự lợi. Nếu đem sự ích kỷ chuyển thành lòng hiếu thảo và khi có được lòng hiếu thảo thì chúng ta cũng sẽ có được lòng nhân ái, biết cách yêu thương người khác. Khi có tấm lòng nhân ái, chúng ta sẽ biết được rằng chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, phải yêu thương lẫn nhau, vậy là chúng ta có thể xây dựng được thế giới đại đồng (xã hội yên vui, hòa bình).

Từ năm ngoái, chúng tôi đã đem những lời giáo huấn này giảng dạy tại Thang Trì ở Lư Giang. Mục đích của chúng tôi là xây dựng một thị trấn hòa thuận kiểu mẫu. Thông qua chúng tôi, những người dân ở địa phương đã tiếp nhận những giáo huấn của Thánh Hiền và họ cũng có được sự thay đổi rất lớn.

Giống như đạo hiếu, chúng ta hướng dẫn bọn trẻ phải biết ơn và báo ơn. Từ khi cha mẹ biết rằng chúng ta sắp đến thế giới này thì cha mẹ đã tận tâm, tận sức thương yêu, bảo vệ chúng ta. Khi mang thai chín tháng mười ngày, mẹ luôn chú ý cẩn thận, chỉ sợ chúng ta bị thương tổn. Sự đau đớn khi người mẹ sinh nở còn đau hơn cả khi bị bệnh ung thư. Cho nên trong quá trình con cái trưởng thành, chúng ta phải dạy bảo con cái biết được tấm lòng của cha mẹ, công ơn của cha mẹ.

Chúng tôi hỏi bọn trẻ rằng: “Mẹ của các em có nói cho các em nghe rằng khi sinh các em thì mẹ vô cùng đau đớn không?”. Hầu như không có người mẹ nào nói với con như vậy. Tại sao đau đớn nhiều như vậy mà người mẹ lại hoàn toàn không ghi nhớ ở trong lòng? Quý vị xem, người mẹ sau khi sinh xong thì điều đầu tiên nghĩ đến là đứa con có được khỏe mạnh không. Và ý nghĩ này theo mãi đến cuối cuộc đời của người mẹ. Tục ngữ có câu: “Mẹ già 100 tuổi luôn lo cho con 80 tuổi”. Mẹ già 100 tuổi cũng vẫn yêu thương, quan tâm đến người con 80 tuổi của bà. Do yêu thương, chăm sóc chúng ta nên mẹ không nghĩ đến cơn đau đớn nhất trong đời. Chỉ cần hiểu được tình yêu đó của mẹ đối với chúng ta thì cả đời này chúng ta phải tận tâm, tận sức để báo đáp. Chỉ riêng một ý nghĩa này, cả đời chúng ta cũng báo đáp không hết!

Hơn nữa, trong cả quá trình trưởng thành, khi chúng ta bị bệnh, bệnh ở nơi chúng ta nhưng nỗi đau lại ở trong lòng cha mẹ. Chúng ta hồi tưởng lại quá trình khôn lớn của mình. Đặc biệt khi chúng ta bị bệnh, có bao nhiêu đêm nửa ngủ, nửa thức, chúng ta đều lờ mờ thấy cha mẹ thức dậy kéo chăn đắp cho chúng ta, thấy cha mẹ thức dậy sờ trán chúng ta xem đã hết sốt chưa. Trong quá trình chúng ta đi học, những khoản tiền phải chi trả cho học phí, những khoản tiền phải bỏ ra thì cha mẹ cũng cho chúng ta mà không chút do dự, không oán, không hận. Cho nên khi tháng đầu tiên tôi có được tiền lương, khi cầm được tháng lương ít ỏi thì cảm giác biết ơn lại trào dâng. Trong quá trình chúng ta đi học, cha mẹ phải chi biết bao nhiêu tiền, phải tiêu tốn bao nhiêu tiền! Vậy mà chúng ta cũng không tìm thấy một chút khó chịu nào trên gương mặt của cha mẹ.

Cha mẹ luôn tận tâm, tận sức bồi dưỡng, vun trồng cho chúng ta cho đến khi chúng ta kết hôn. Hôm chị gái tôi lấy chồng, tôi có một cảm nhận vô cùng sâu sắc. Bởi vì trước khi anh rể đón chị gái tôi đi thì anh rể và chị gái tôi phải hành lễ quỳ xuống ba lần và vái cha mẹ tôi chín lần. Khi hai vợ chồng chị gái tôi đang quỳ trước mặt cha mẹ của tôi thì đột nhiên cha tôi rơi nước mắt. Trong giây phút đó, tôi gần như hoàn toàn cảm nhận được tấm lòng của cha. Đó là vì ông thấy con gái hơn hai mươi tuổi đầu, có thành tích học tập tốt lại tìm được nơi gửi gắm tốt nên trong lòng cha cảm thấy được an ủi. Lòng nhớ nhung đối với con cái tuyệt đối sẽ không bởi vì con gái đã đi lấy chồng mà có sự giảm bớt. Thậm chí sau khi con cái đã kết hôn, cha mẹ còn quan tâm đến gia đình của con gái, quan tâm đến con cái đời sau của con gái.

Có một ông già 60 tuổi. Ông nói, mẹ ông đã hơn 80 tuổi, trước khi qua đời bà đã nói với ông rằng: “Mẹ mong rằng sau khi qua đời, mẹ sẽ mang theo bệnh tật của con”. Quý vị thấy đó! Một bà mẹ khi đang đối diện với cái chết không những không nghĩ đến bản thân mình mà còn luôn luôn nghĩ cho con cái của mình. Tình yêu tha thiết này thực sự đã sản sinh ra sức mạnh vô song. Ông già 60 tuổi ấy vốn bị bệnh ung thư. Sau khi mẹ ông qua đời thì bệnh tình của ông thuyên giảm. Quý vị xem! Lòng yêu thương của người mẹ có sức mạnh vô song. Khi chúng tôi giảng đạo hiếu với những người dân trong thôn và bọn trẻ, họ nghe xong thì trong lòng cũng đều rất cảm động. Sau khi học xong, họ biết là phải thực hành, phải cố gắng làm theo cho tốt. Cho nên khi về nhà, họ cũng biết giúp cha mẹ rửa chân. Mấy đứa nhỏ, mấy em học sinh tiểu học về nhà đã giúp mẹ rửa chân.

Có một bé gái giúp mẹ rửa chân. Trong lúc mẹ của bé gái rất cảm động thì trong lòng bé gái nghĩ rằng: “Trong quá trình mình lớn lên, đặc biệt là thời gian trước 3 tuổi, mình thực tế đã không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Không biết cha mẹ đã giúp mình rửa chân bao nhiêu lần mà đến bây giờ mình mới biết được phải báo đáp cho cha mẹ!”.

Lại có một bé gái khác, đúng hôm mẹ của bé bị ốm nằm trên giường, bé gái học xong về nhà bèn nói với mẹ rằng: “Mẹ à! Hôm nay con giúp mẹ rửa chân”. Trong lúc bé gái đang rửa chân cho mẹ thì mẹ của bé gái đó nói: “Con giúp mẹ rửa chân, mẹ rất vui, mẹ cảm thấy bệnh của mẹ đã khỏi rồi, khỏi hẳn rồi”. Quý vị xem, tấm lòng hiếu thảo này, niềm vui này có thể khiến tật bệnh tiêu tan.

Có một học sinh trung học, quan hệ của cô bé với cha mẹ vốn không được tốt bởi vì cô bé không có cách nào cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ mà chỉ cảm thấy cha mẹ không quan tâm tới mình. Do một cơ hội ngẫu nhiên, cô bé đi ngang qua phòng học của chúng tôi. Sau khi cô bé nghe xong bài giảng về đạo hiếu, ý nghĩ của cô liền thay đổi. Cô bé học xong liền thực hành ngay. Về đến nhà, cô bé bèn chủ động đi chợ mua thức ăn rồi tự mình vào bếp nấu mấy món ăn ngon để cho mẹ ăn. Khi mẹ của cô bé bước vào nhà, đầu tiên bà rất kinh ngạc, sau đó thì rất vui mừng. Sau khi ăn cơm xong, cô bèn bưng một chậu nước ấm lên để giúp mẹ rửa chân. Trong lúc rửa chân thì mẹ của cô bé đã cảm động đến rơi nước mắt, nói với cô bé rằng: “Trước đây bởi vì cha mẹ bận rộn quá cho nên ít chăm sóc con”. Cô bé học sinh trung học này sau khi nghe xong thì ôm mẹ rồi nói: “Mẹ à! Đó là bởi vì con không được hiếu thảo. Sau này con phải hiếu thảo với mẹ nhiều hơn nữa. Trong nhà có rất nhiều việc nhà, con cũng phải tận hết sức lực để làm giúp mẹ”.

Quý vị thấy đó! Ban đầu cô bé học sinh trung học ấy vốn còn đang oán hận, sau đó lòng hiếu của cô được mở ra. Ở nhà có oán hận, đến trường cũng oán hận thì cuộc sống cũng sẽ không được hạnh phúc. Khi lòng hiếu mở ra thì lòng yêu thương cũng rộng mở. Cho nên khi đến trường, cô chơi với các bạn cùng học cũng càng ngày càng thân thiết hơn. Cô bé nói, ngay cả đến người không được cả lớp hoan nghênh nhất thì cô cũng chơi rất thân. Đây là sự thay đổi của cô bé học sinh trung học sau khi được học giáo huấn của Thánh Hiền. Tự cô bé còn viết một bài văn ca ngợi “Đệ Tử Quy”. Cô bé nói “Đệ Tử Quy” đã mở cánh cửa tâm hồn của cô, để cho cuộc đời cô có sự thay đổi, để cho cuộc đời của cô được hạnh phúc. Cho nên “Đệ Tử Quy” giống như người thầy tốt trong cuộc sống của cô vậy.

Có một hôm, chúng tôi đi xe taxi thì gặp một người tài xế lái xe taxi. Ông khoảng hơn 40 tuổi. Trong lúc ngồi trên xe, chúng tôi thấy bên cạnh chỗ ngồi của ông có một chậu nước nóng. Ở thị trấn Thang Trì của Lư Giang có suối nước nóng. Chúng tôi rất hiếu kỳ bèn hỏi người tài xế taxi: “Chậu nước nóng này ông dùng để làm gì vậy?”. Ông ấy bèn nói với chúng tôi rằng chậu nước nóng này là ông ấy lấy đem về để rửa chân cho mẹ. Người lái xe taxi này chưa từng nghe chúng tôi giảng bài, nhưng tại sao ông ấy lại biết được rằng phận làm con thì phải hiếu thảo và phải kịp thời làm trọn đạo hiếu? Công việc của ông ấy rất bận rộn, cả ngày đều ở trên xe. Nhưng bởi vì người dân trong thị trấn học tập văn hóa truyền thống dân tộc cũng rất tích cực nên khi ông chở khách là những người dân trong thị trấn này thì những người khách cũng đều chia sẻ với ông những bài giảng về đạo hiếu, những bài giảng về cuộc sống hòa thuận giữa con người với con người của trung tâm chúng tôi. Cho nên người khác chỉ nghe một lần, nghe hai lần, nhưng có thể ông ấy được nghe mười lần, hai mươi lần.

Cho nên, ở thị trấn Thang Trì có rất nhiều tài xế lái xe taxi cũng trở thành thầy dạy học. Mỗi khi có cơ hội, họ lại giảng cho người khác nghe. Họ cũng biết được rằng thực hành đạo hiếu cũng phải kịp thời. Lúc xuống xe, khi những thầy giáo của chúng tôi lấy tiền trả cho người tài xế taxi này thì ông ấy kiên quyết không nhận tiền. Ông nói: “Không cần! Không cần! Các anh đã giúp chúng tôi làm rất nhiều việc. Cha mẹ của tôi thường xuyên đến trung tâm nghe giảng. Được các anh tiếp đãi như vậy, tôi phục vụ lại thì cũng phải tận hết tâm sức của mình”. Chúng ta lấy tấm lòng yêu thương người khác để đối xử với họ thì họ cũng vậy, họ cũng lấy tấm lòng yêu thương người khác để hồi đáp chúng ta.

Có một ông chủ cửa hàng chuyên trang trí nội thất. Trước đây, khi chưa học “Đệ Tử Quy”, chưa nghe những bài giảng về văn hóa truyền thống thì ông ấy sống với người nhà không được tốt, anh em thường hay cãi vã lẫn nhau.

Chúng ta phải hiểu rằng, khi anh em bất hòa thì thực sự cha mẹ chúng ta là người đau khổ nhất. Cho nên “Đệ Tử Quy” có nói: “Huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung” (Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó). Anh em hòa thuận là đã tận một phần hiếu thảo rồi, là việc mà cha mẹ được an ủi nhất.

Ông ấy chưa học “Đệ Tử Quy” cho nên không biết rằng anh em thường hay cãi nhau thì cha mẹ buồn lòng vô cùng. Thậm chí cha mẹ ông ấy còn có ý nghĩ tìm đến cái chết, không biết phải làm sao đối với cuộc sống. Quan hệ của ông ấy với người vợ cũng không được tốt. Người vợ tức quá phải bỏ nhà ra đi. Từ điều này chúng ta hiểu được rằng khi gia đình không được hòa thuận thì mình phải quay đầu mà tự xét lại mình. Cho nên mới nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”, nhất định là do mình làm không được tốt.

Lúc giảng những bài giảng về mối quan hệ của vợ chồng, chúng tôi có nói rằng khi một người con gái đem hạnh phúc cả đời gửi gắm cho chồng của mình thì cô ấy phải tin tưởng chồng mình nhường nào! Trong cuộc đời của chúng ta, có được một người con gái tin tưởng chúng ta như vậy thì chúng ta phải ghi nhớ suốt đời sự tin tưởng này. Đây được gọi là đạo nghĩa. Sau khi nghe giảng xong, ông ấy bắt đầu suy xét lại và hiểu được rằng lòng hiếu thảo của mình chưa được đầy đủ, hiểu được rằng trong quan hệ giữa vợ chồng thì ông không biết cảm ơn người vợ của mình.

Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng đem những tấm gương Thánh Hiền xưa nay kể cho người dân trong thị trấn nghe. Vào thời Xuân Thu đời nhà Chu có một người hiền tên là Án Tử (Án Anh). Ông làm quan Tể Tướng nước Tề. Có một hôm, vua Tề Cảnh Công đến nhà của ông. Tề Cảnh Công có một người con gái vừa trẻ tuổi lại rất xinh đẹp và có ý muốn gả cho Án Anh. Sau khi đến nhà của ông, vừa lúc vua Tề Cảnh Công gặp vợ của Án Anh bước ra tiếp đón. Khi vợ của ông lùi ra nhà sau thì Tề Cảnh Công nói với Án Anh rằng: “Trẫm có một người con gái vừa trẻ, vừa xinh đẹp. Vợ của khanh lại vừa già vừa xấu, cho nên trẫm gả con gái cho khanh được không?”. Nếu lấy con gái vua thì sẽ trở thành Hoàng thân, quốc thích. Án Anh lập tức nói với Tề Cảnh Công rằng: “Tâu bệ hạ! Thần cảm ơn ý tốt của bệ hạ. Khi vợ thần lấy thần thì cô ấy cũng vừa trẻ vừa đẹp. Không những vừa trẻ vừa đẹp mà vợ thần còn gửi gắm cả đời cho thần và hoàn toàn tin tưởng đối với thần. Cho nên thần không nên phụ sự tin tưởng này của vợ thần mới phải”. Quý vị xem! Danh lợi, nữ sắc bày ra trước mặt, duy chỉ có đạo nghĩa, đạo đức thì mới không mảy may động lòng, mới không bị ảnh hưởng bởi những quyến rũ này.

Hạnh phúc lớn nhất trong đời người là gì? Hạnh phúc lớn nhất là không hổ thẹn với trời đất, không hổ thẹn với những người ở bên cạnh mình. Nếu  chúng ta có lỗi với rất nhiều người, hàng ngày sống mà cứ phải trốn trốn tránh tránh thì sống như vậy cũng chẳng sung sướng gì. Cho nên, câu chuyện này tác động đến tâm lương thiện mà người nào cũng có. Cả đời chúng ta không thể quên sự tin tưởng mà người vợ đã trao cho chúng ta cũng như công sức mà người vợ đã vô tư cống hiến cho gia đình. Hơn nữa, người vợ còn giúp chúng ta duy trì nòi giống cho gia tộc của chúng ta. Những người nam giới như chúng ta không thể tự mình sinh con mà đều phải nhờ vào người vợ làm công việc quan trọng trong gia đình này. Ân đức này chúng ta cũng phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng.

Ông chủ cửa hàng trang trí nội thất sau khi nghe xong bài giảng thì ông ấy cũng “kiến nhân thiện, tức tư tề” (thấy người tốt, nên sửa mình), ông ấy cũng biết phục thiện. Sau khi nghe xong, ông bắt đầu thay đổi tư tưởng, thay đổi tâm trạng. Tâm trạng thay đổi thì tình trạng gia đình cũng theo đó mà thay đổi. Khi gặp những thầy giáo của trung tâm chúng tôi, cha mẹ ông đều không kìm nén được sự xúc động. Họ bắt tay những thầy giáo của chúng tôi rồi nói rằng chính những lời giáo huấn của văn hóa truyền thống mà những thầy giáo chúng tôi giảng dạy đã cứu con trai của họ.

Ông làm nghề trang trí nội thất nên có một lần chúng tôi nhờ ông đến sửa giúp chúng tôi một, hai cánh cửa bị hỏng. Khi nhận được điện thoại, ông rất xúc động và vội vàng đi đến để bắt tay vào sửa một, hai cái cánh cửa bị hỏng này. Tiếp đó, ông nói: “Chỉ sửa có một, hai cánh cửa thì tôi vẫn chưa đã tay, vẫn chưa yên tâm. Như vậy đi, tôi sẽ kiểm tra hết một lượt cửa chính và cửa sổ trong trung tâm”. Cho nên ông lại sửa thêm tám, chín cánh cửa nữa. Sau khi sửa xong, lúc chúng tôi trả tiền cho ông thì ông kiên quyết không chịu nhận. Ông ấy còn nói nếu lần sau có cơ hội làm việc từ thiện như thế này thì chúng tôi nhất định phải thông báo cho ông ấy.

Ông ấy thực sự đã thay đổi từ chỗ không biết hiếu thảo, không biết sống hòa thuận với gia đình trở thành biết được phải hiếu thảo, biết được phải cống hiến cho người khác. Sự thay đổi như vậy thực sự là chỉ nhờ vào việc ông ấy có cơ hội tiếp thu những lời giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên, lòng hiếu thảo đã được mở rộng khắp cả thị trấn Thang Trì.

Giữa tháng mười hai năm ngoái, thời tiết đặc biệt lạnh giá, gió lạnh thổi vù vù. Khi chúng tôi mới về nông thôn để giảng dạy thì lãnh đạo của thôn nói với chúng tôi rằng: “Các anh đến giảng những luân lý đạo đức như thế này rất có khả năng không có người muốn nghe đâu. Các anh đến để giảng cách làm thế nào để kiếm tiền thì họ sẽ có hứng thú hơn”. Những người thầy giáo chúng tôi cũng đều dùng nụ cười để trả lời. Thời đại này muốn làm việc tốt thì đầu tiên chúng ta phải chịu đựng được sự nghi ngờ của người khác, phải kiên quyết làm việc đúng đắn bất luận có người ủng hộ chúng ta hay không.

Lúc mới đầu, rất ít người đến nghe giảng. Những người thầy giáo chúng tôi cũng hiểu được rằng người dân trong thôn không biết được sự quan trọng của điều này. Cho nên chúng tôi đứng ở một số con đường, đứng ở đầu cầu. Khi có người dân đi qua thì thầy giáo chúng tôi gập người xuống cúi chào họ và nói: “Chào anh! Chúng ta cùng nhau đến tham gia nghe giảng có được không?”. Cái gập người xuống cúi chào này rất có hiệu quả. Bởi vì người dân trong thôn rất chất phác, khi chúng tôi gập người xuống cúi chào mà họ không đến thì họ cảm thấy rất áy náy.

Cho nên, chúng tôi đều ở ngoài đường kiếm người đến nghe giảng. Không chỉ ở ngoài đường mà chúng tôi còn đến nhà của từng người một. Chúng tôi tiến vào, cúi gập người xuống chào họ và sau đó đem bánh kẹo ra biếu họ. Khi được biếu bánh kẹo thì những người dân trong thôn cũng cảm thấy áy náy nếu họ không đến nghe giảng. Kết quả là sau khi nghe xong bài giảng đầu tiên, họ thực sự nhận được nhiều điều bổ ích, thế là họ đã đến nghe trong thời gian dài.

Trong thôn có một người mà hầu như người dân nào trong thôn cũng đã từng cãi nhau với anh ta. Anh ta là người phiền toái nhất trong thôn. Cán bộ thôn cũng hết cách với anh ta. Nhưng rất kỳ diệu là sau khi anh ta nghe xong buổi giảng đầu tiên, mỗi khi có buổi giảng tiếp theo, anh ta đều gọi điện thoại cho cán bộ thôn để hỏi về thời gian buổi giảng. Bởi vì chúng tôi về nông thôn giảng dạy thì phải khoảng một, hai tháng mới luân chuyển quay về địa điểm giảng dạy trước đó. Trong một thôn có nhiều tổ sản xuất, có nhiều địa điểm nên chúng tôi phải luân phiên mỗi nơi giảng một lần. Anh ta sợ bị lỡ cơ hội nghe giảng nên tuần nào cũng chủ động gọi điện thoại đến hỏi. Khi hỏi xong, anh ta lại vui vui vẻ vẻ đi một đoạn đường dài để đến nơi nghe giảng. Từ đó về sau, anh ta không cãi nhau với người khác nữa. Hơn nữa, công việc làm ăn của anh ta càng ngày càng tốt hơn. Đó là bởi vì hòa khí sinh tài. Nếu cãi nhau với người ta thì làm sao có thể làm ăn buôn bán được?

Cho nên thực sự là: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Chân lý này tuyệt đối phải nhờ vào việc chúng ta bỏ sức ra cống hiến. Chúng ta phải đi thực hành thì mới lĩnh ngộ được một cách sâu sắc. Cán bộ thôn vốn nghĩ rằng giảng dạy những điều này thì không có ai muốn nghe. Nhưng sau khi trải qua hơn một tháng thì người cán bộ thôn này nói với thầy giáo chúng tôi rằng: “Các anh đến giảng dạy những điều này thật rất tốt!”. Tại sao rất tốt? Bởi vì trong thôn có những tranh chấp phải đưa đến chỗ của cán bộ thôn để giải quyết. Hiện tại những tranh chấp giảm đi rất nhiều, không còn xung đột nữa. Thỉnh thoảng có xung đột, người dân phải tìm đến cán bộ thôn để giải quyết. Ví dụ khi hai người đang ở đó mà cãi nhau thì cán bộ thôn bèn hỏi hai người họ rằng: “Hai anh đã học “Đệ Tử Quy” chưa?”. Hai người kia nghe vậy đều nói: “Chúng tôi cũng đã được nghe giảng rồi”. Họ lập tức cúi gầm đầu xuống mà trở về nhà bởi vì cán bộ thôn nói: “Các anh đã học “Đệ Tử Quy” rồi sao mà vẫn cãi nhau vậy?”. Từ điều này chúng ta có thể thấy được mặt lương thiện của con người là đều có lòng biết xấu hổ, biết hổ thẹn.

Cho nên, sự xung đột của người dân trong thôn cũng giảm đi rất nhiều. Đây cũng là mục tiêu hướng về một xã hội hài hòa, văn minh. Thực sự là: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Có được sự giáo dục tốt thì cũng đánh thức được phần lương thiện của con người. Còn có người dân trong thôn nói: “Trước đây, khi thấy có người đang xách đồ rất nặng ngay bên cạnh mình thì tôi cũng không chủ động giúp đỡ. Bây giờ khi thấy có người xách đồ rất khó nhọc mà không giúp đỡ thì toàn thân tôi cảm thấy bứt rứt không thoải mái”. Quý vị xem! Có lòng hiếu thảo thì tự nhiên sẽ sinh ra lòng nhân ái. Cho nên hiện nay người dân địa phương không ngừng hình thành và phát triển nếp sống làng xóm láng giềng hòa thuận, giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau.

Về phương diện kinh doanh thì mọi người làm ăn kinh doanh cũng biết đối xử với người khác một cách thành thật. Ban đầu, thấy những người ở nơi khác đến mua hàng thì người bán hàng có lúc cũng tăng giá hàng lên. Nhưng sau khi được nghe giảng, họ đã hiểu được rằng làm ăn buôn bán thì phải thành thật, nếu không trái lại sẽ làm giảm phúc phần của mình và việc làm ăn buôn bán cũng sẽ càng ngày càng sa sút. Cho nên, họ đối với khách hàng ở nơi khác đến cũng vô cùng thành thật.

Thậm chí người bán hàng cũng rất tin tưởng người đến mua hàng. Ví dụ khi những người dân từ những nơi khác đến đây học tập và đến cửa hàng mua quần áo, họ muốn mặc thử quần áo nhưng ở cửa hàng có rất nhiều người nên khách hàng cảm thấy không thuận tiện lắm. Người bán hàng cũng đều nói: “Các bạn cứ mang về thử, thử xong rồi mang lại đây là được”. Cho nên những người khách mua quần áo này cũng rất kinh ngạc mà nói rằng: “Sao người bán hàng này lại tin tưởng chúng tôi như vậy? Chúng tôi đi mua quần áo, khi chưa nghe giảng thì mua rất đắt, khi đã nghe giảng rồi thì mua rất rẻ”. Thầy giáo chúng tôi cũng cảm thấy rất kinh ngạc mà nói: “Tại sao bây giờ càng mua lại càng rẻ?”. Những người bán hàng trả lời rằng: “Bán hàng lấy lãi cũng phải coi trọng đạo nghĩa, không thể ăn lãi quá nhiều mà phải lãi ít nhưng bán được nhiều. Như vậy thì mới có thể làm ăn buôn bán lâu dài được”.

Có lúc thầy giáo chúng tôi đi mua đồ nhưng lại quên không mang tiền thì họ nói: “Lần sau các anh trả tiền cũng được”. Mấy người thầy giáo chúng tôi liền hỏi: “Lần sau nếu như chúng tôi không trả tiền cho anh thì không phải là anh bị thiệt thòi hay sao?”. Người bán hàng nói: “Các anh đã cống hiến rất nhiều cho xã hội thì tôi có tặng cho các anh cũng không vấn đề gì. Hơn nữa, tôi rất tin tưởng các anh. Các anh cũng đều lấy thân mình làm gương để mở rộng phát triển những lời giáo huấn của Thánh Hiền”. Cho nên, những người làm công tác giáo dục ở trung tâm cũng đã xây dựng được lòng tin đối với người dân trong thôn.

Sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau có lúc cũng làm cho chúng tôi rất cảm động. Ở địa phương có một số người dân làm nghề đạp xe ba bánh. Một ngày họ cũng không kiếm được bao nhiêu tiền. Trung tâm chúng tôi có mấy chục người cùng chung sống và làm việc với nhau cho nên mỗi lần mua thức ăn, chúng tôi cũng mua rất nhiều. Khi người làm nghề đạp xe ba bánh này chở thức ăn về cho chúng tôi, chúng tôi trả tiền thù lao cho anh ấy. Nhưng người dân chất phác này lại móc tiền trong túi ra và trả lại cho chúng tôi. Sau đó hai bên cứ ở đó mà đùn qua, đẩy lại. Anh ấy vô cùng kiên quyết. Anh ấy thấy mấy người thầy giáo chúng tôi không chịu nhận thì bèn để tiền trên bàn rồi đi mất. Tuy rằng cuộc sống của anh ấy không hề dễ dàng, nhưng anh ấy thấy người khác bỏ công sức ra để phục vụ xã hội thì anh ấy cảm thấy mình cũng cần phải bỏ nhiều công sức ra để phục vụ cho xã hội.

Sự thành thật cũng đã trở thành nét đẹp văn hóa của những người lái xe taxi nơi đây. Có một vị Tổng Giám đốc của Công ty Xe Hơi Đại Chúng ở Thượng Hải đến thị trấn Thang Trì họp. Hôm đó ông ấy để quên máy tính xách tay và mấy chục nghìn đồng ở trên xe taxi. Ông ấy vô cùng lo lắng vì nghĩ rằng rất có thể mình đã bị mất đồ. Trong khi đó, người lái xe taxi nhìn thấy những đồ này thì trong lòng nghĩ rằng người mất của nhất định sẽ rất lo lắng.

Đệ Tử Quy” dạy chúng ta rằng: “Phàm thị nhân, giai tu ái” (Phàm là người, đều yêu thương), lại dạy chúng ta rằng: “Tương gia nhân, tiên vấn kỷ” (Sắp cho người, trước hỏi mình). Khi bản thân chúng ta mất đồ, chúng ta có hy vọng rằng người ta sẽ thành thật mà đem trả lại cho mình không? Nếu chúng ta hy vọng như vậy thì chúng ta cũng nên dùng thái độ như vậy để đối xử với người khác. Hơn nữa, người lái xe taxi này cũng hiểu được rằng anh ấy không chỉ đại diện cho một cá nhân mà anh ấy đại diện cho cả thị trấn Thang Trì, thậm chí đối với những người bạn nước ngoài thì anh ấy đại diện cho đất nước chúng ta, cho nên anh ấy có lòng biết hổ thẹn. Một người có thể chỉ vì một hành vi không thành thật của mình mà làm nhục quê hương, thậm chí làm nhục đạo đức của cả một dân tộc. Vì vậy anh ấy bắt buộc phải có thái độ và ý thức trách nhiệm như vậy.

Anh ấy chủ động đi tìm vị Tổng Giám đốc để trả lại đồ. Khi nhận được đồ của mình, vị Tổng Giám đốc rất xúc động và vô cùng cảm ơn anh ấy. Kết quả người lái xe taxi nói với ông ta rằng: “Không chỉ đồ của ông để quên trên xe của tôi thì tôi đem trả lại cho ông, mà nếu ông để quên đồ trên xe của những người khác thì họ cũng sẽ đem trả lại cho ông. Không phải là do chúng tôi tốt bụng mà bởi vì chúng tôi đều đã được học những lời giáo huấn về văn hóa truyền thống dân tộc ở trung tâm văn hóa. Cho nên chúng tôi biết mình phải đối xử thành thật với mọi người”.

Quý vị xem! Người lái xe taxi này không chỉ nói về sự thành thật mà anh ấy còn biết cảm ơn, biết mình không được kể công mà phải đem công lao nhường cho người khác. Cho nên, dưới sự chỉ dạy của Thánh Hiền, các ngành, các nghề đều đang không ngừng chuyển biến. Trên thực tế, tư tưởng đúng đắn mới là mấu chốt của căn nguyên. Chỉ cần không ngừng tiếp thu những lời giáo huấn của Thánh Hiền thì thiện căn sẽ không ngừng phát triển.

Hơn nữa, những lời giáo huấn của Thánh Hiền phải thông qua giáo dục trong gia đình, thông qua giáo dục ở trường học, thông qua giáo dục ngoài xã hội và thông qua giáo dục tôn giáo. Bốn loại giáo dục này giống như bốn cái bánh của một chiếc xe. Bốn cái bánh đều tốt thì chiếc xe mới chạy ổn định được. Như vậy số phận của gia đình, xã hội và dân tộc của chúng ta mới càng ngày càng suôn sẻ, càng ngày càng ổn định, vững chắc.

Về phương diện giáo dục trong gia đình, chúng ta chú trọng việc cha mẹ phải học trước. Cho nên mới nói: “Muốn dạy con thì đầu tiên cha mẹ phải dạy bản thân mình trước”. Nếu người làm cha, làm mẹ không yêu cầu chính bản thân mình mà chỉ đòi hỏi con cái thì con cái sẽ không phục.

Thời đại này có rất nhiều người làm cha mẹ chỉ ở đó mà lo lắng, mà sợ hãi. Bởi vì khi họ đến trường nói chuyện về việc giáo dục con cái với rất nhiều giáo viên chủ nhiệm, những vị giáo viên đều nói với họ rằng bọn trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh là chuyện bình thường. Cho nên cha mẹ chúng ngày nào cũng theo dõi con cái xem khi nào thì chúng bắt đầu nghịch ngợm, khi nào chúng bắt đầu bướng bỉnh. Đột nhiên có một hôm, chúng đã nghịch ngợm và cha mẹ chúng sẽ nói: “Lời của thầy giáo thật là đúng!”. Đây đúng là: “Cầu được ước thấy”.

Chúng ta hãy bình tĩnh mà suy ngẫm. Hiện nay có rất nhiều kiến giải cần phải nghiên cứu xem xét lại vì những kiến giải đó đều không chính xác lắm. Trong thời đại bùng nổ tri thức này, chúng ta cần phải có một thái độ rất quan trọng là phải phán đoán xem họ nói có đúng hay không. Chúng ta không thể “họ đưa gì, mình nhận đấy”, bởi vì tiếp nhận tư tưởng sai lầm sẽ làm ô nhiễm toàn bộ tâm hồn của chúng ta.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, giáo dục con cháu từ xưa đến nay đều chưa xuất hiện tính cách nghịch ngợm, bướng bỉnh. Vậy mà trong một thời gian ngắn khoảng 30 năm trở lại đây, chúng ta lại sinh ra kiến giải giáo dục mà trước đây chưa từng có: “Bọn trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm là việc bình thường”. Nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân là do chúng ta không kế thừa trí tuệ của những vị Thánh nhân. Chúng ta dùng cái gì để dạy bảo bọn trẻ? Chúng ta dùng sự ích kỷ, tự tư tự lợi để dạy bảo bọn trẻ. Chúng ta dùng sự cạnh tranh, dùng chiến tranh để dạy bảo bọn trẻ. Cho nên trong mắt bọn trẻ, chúng chỉ có biết mỗi bản thân thì làm sao biết đến cha mẹ! Chúng ta phải phán đoán xem những tư tưởng mà chúng ta học có hợp với chân lý hay không. Cho nên người làm cha mẹ, người làm thầy cô giáo cần phải có thái độ bình tĩnh để phán đoán.

Tôi theo nghề dạy học và cũng từng xem qua những tài liệu về giáo dục tâm lý học. Chúng ta hãy bình tĩnh để phân tích xem họ lấy cái gì để thí nghiệm mà cho ra kết quả. Họ lấy chuột để làm thí nghiệm, lấy mèo, lấy chó để làm thí nghiệm. Khi được kết quả thí nghiệm thì họ dạy con người. Cho nên họ dạy thành kết quả như thế nào? Họ sẽ dạy ra con người có những hành vi không bằng súc vật. Bởi vì được dạy trình độ của súc vật thì trình độ cao nhất mà chúng ta đạt được là súc vật. Như vậy, nếu học kém hơn một chút thì chúng ta so với súc vật cũng không bằng.

Súc vật cũng không làm hại đồng loại. Nhưng chúng ta mấy chục năm nay đào tạo ra những người có thể làm hại đồng loại của mình, thậm chí còn làm hại ngay cả cha mẹ của chính mình. Cho nên chúng ta không thể không cẩn thận mà suy xét. Lời dạy của Phật, lời dạy của hết thảy các vị Thánh Hiền tuyệt đối không phải dạy để chúng ta trở thành súc vật, mà dạy để chúng ta trở thành Thánh, thành Hiền, dạy bảo chúng ta rằng chúng ta đều có trí tuệ, có đức năng giống như Phật, giống như những vị Thánh nhân này.

Trong “Tam Tự Kinh” – một quyển kinh quan trọng có dạy chúng ta rằng: “Tam tài giả, thiên địa nhân”. Người cũng giống như trời đất, ngang hàng với trời đất. Trời – đất – người được liệt kê là ba báu vật, đó là “tam tài”. Cho nên con người phải thể hiện được đức tính của trời đất thì mới thể hiện được nhân cách của con người. Cho nên, nếu chúng ta  dạy bảo con cái phải học theo Thánh Hiền từ khi con cái còn nhỏ thì chúng sẽ lập chí hướng cao xa. Được như vậy thì bố cục cuộc đời của chúng, thành quả trong cuộc sống của chúng cũng sẽ khác xa.

Ở thị trấn Thang Trì của chúng ta có một đứa bé học thư pháp. Đúng lúc vào kỳ nghỉ được nghỉ 7 ngày, nó không muốn nghỉ. Thầy giáo rất tò mò bèn hỏi nó: “Tại sao em không muốn nghỉ?”. Nó nói với thầy giáo rằng: “Bởi vì em muốn trở thành một nhà thư pháp có tài, trở thành nhà điêu khắc có ích cho xã hội”. Mọi người ở hội trường của chúng ta đều thấy đó, những tác phẩm điêu khắc này đều do những em bé khoảng 10 đến 13 tuổi điêu khắc. Đó là những tác phẩm điêu khắc mà bọn trẻ chỉ mất có 6 ngày học tập mà điêu khắc thành. Bản lĩnh, năng lực chỉ trong sáu ngày mà khắc được là trình độ mà người lớn thông thường phải học một, hai năm mới đạt được. Tại sao những em bé này lại có động lực sâu xa như vậy? Bởi vì chúng có chí hướng. Chí hướng của chúng là phải trở thành nhà thư pháp, phải trở thành nhà điêu khắc. Chí hướng của chúng là phải làm thầy dạy “Đệ Tử Quy”. Tiếp đó thầy giáo lại hỏi: “Tại sao em lại có ý muốn như vậy?”. Đứa bé nói bởi vì văn hóa truyền thống 5.000 năm rất tốt mà người thời nay hiểu được rất ít, cho nên nó phải có trách nhiệm kế thừa và truyền lại cho đời sau.

Khi chúng ta làm cho chí hướng, tấm lòng của những đứa trẻ đời sau không ngừng phát triển mở rộng thì những giá trị, những cống hiến trong cả đời những đứa trẻ này là vô lượng. Cho nên khi giáo viên chúng ta trao đổi với phụ huynh học sinh thì điều quan trọng nhất là phải làm cho kiến thức giáo dục đối với con cái của phụ huynh học sinh được nâng cao. Như vậy gia đình và nhà trường mới có thể kết hợp giáo dục. Thầy cô giáo ở trường cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi về văn hóa truyền thống dân tộc với thầy cô giáo ở trung tâm chúng tôi. Sau khi bọn trẻ được dạy ở trường, chúng cũng biết được rằng lúc ở nhà cũng phải thực hành “Đệ Tử Quy”. Sự nghiệp giáo dục xã hội cần hun đúc lâu dài, học tập lâu dài. Vì vậy ngày nào chúng tôi cũng giảng dạy và mọi người dân trong thôn cũng trường kỳ đến nghe giảng.

Có rất nhiều người làm nghề kinh doanh trong thôn nói rằng những nhân viên phục vụ trong cửa hàng của họ vốn thường phải để mắt đến hàng hóa, nếu không sẽ bị mất trộm. Sau đó, trong quá trình người dân trong thôn không ngừng học tập văn hóa truyền thống thì họ phát hiện ra rằng không cần để mắt đến hàng hóa thì cũng không bị mất. Giáo dục xã hội không ngừng kéo theo nếp sống của xã hội ngày một cải thiện. Cho nên nhận thức sâu sắc nhất của những thầy cô giáo, những vị đồng nghiệp của chúng tôi khi tham gia giảng dạy trong gần một năm nay là: Nhân chi sơ, tính bản thiện.

Chúng ta có được lòng tin tưởng kiên định như vậy thì hãy bắt tay vào làm từ bản thân chúng ta. Khi bản thân chúng ta đã làm tốt, bản thân chúng ta nghiêm chỉnh, đứng đắn thì tự nhiên sẽ có thể cảm hóa được người khác. Cảm hóa này là cảm hóa tự nhiên, từ lấy thân mình làm gương để dạy bảo, đánh thức tâm lương thiện vốn có của hết thảy mọi người. Cho nên hiện nay đường phố trong thôn cũng rất sạch sẽ. Sự sạch sẽ này cũng là nhờ những thầy giáo, những đồng nghiệp của chúng tôi hàng ngày kiên trì đi nhặt rác, nhặt được rất nhiều và cũng đã cảm hóa được rất nhiều người làm nghề kinh doanh buôn bán. Hiện nay có rất nhiều chủ cửa hàng tự động đặt thùng rác ở trước cửa tiệm để cho mọi người có nơi vứt rác mà không vứt bừa bãi. Cho nên, chỉ cần có lòng tin kiên định thì chúng ta không sợ người dân khó dạy.

Tôi từng được nghe một câu chuyện về một thanh niên cứu hải sâm trên bãi biển. Anh ấy nhìn thấy trên bãi biển mênh mông bát ngát đầy rẫy những con hải sâm bị sóng đánh dạt vào bờ. Lúc đó nước thủy triều đã rút xuống, cho nên hải sâm nằm đầy trên bãi cát. Nếu như chúng không trở xuống biển thì ngày hôm sau chúng sẽ chết vì mất nước. Người thanh niên này không ngại phiền phức đã ngồi xuống mà nhặt hải sâm lên sau đó đưa xuống biển để cứu tính mạng của chúng. Lúc đó, bên đường có một người khách. Người khách càng xem thì càng cảm thấy tò mò bèn đến bên cạnh người thanh niên này và nói: “Cơ man nào là hải sâm ở trên bãi biển mênh mông, bát ngát như thế này, một mình anh nhặt cũng không xuể. Tốt nhất anh không nên nhặt nữa”. Người thanh niên này sau khi nghe xong chỉ cười với người khách đó mà không trả lời gì hết. Tiếp đó, anh ấy lại tiếp tục cúi xuống nhặt hải sâm rồi đem thả xuống biển. Rồi miệng của người thanh niên này có nói một câu: “Tôi lại cứu được tính mạng của một con hải sâm”.

Khi chúng ta dùng lòng chí thành để giúp đỡ mỗi một sinh linh thì tấm lòng chí thành đó sẽ đánh thức lòng thiện của hết thảy mọi người. Chúng tôi đã từng đi qua rất nhiều nơi trên đất nước và thấy hiện nay có rất nhiều người có lý tưởng và lòng nhân đức. Họ đều tập trung vào việc phát triển và hoằng dương văn hóa, hoằng dương những lời giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên khi đã chạm đến lòng chí thành thì một cánh tay khởi động sẽ có hàng nghìn cánh tay cũng khởi động. Chúng ta hy vọng con cháu đời sau của chúng ta, con cháu đời sau của nhân loại trên toàn thế giới cũng đều có thể quay về với biển lớn trí tuệ của Phật, quay về với biển lớn trí tuệ của Thánh Hiền để cuộc đời của họ, cuộc sống của họ có thể đi trên con đường hạnh phúc mỹ mãn.

 

Xin cảm ơn quý vị!

**************