GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp
Tập 38/40
Các vị bằng hữu! Xin chào mọi người!
Buổi sáng hôm nay, chúng ta đã nói đến việc xử sự của người phải có nguyên tắc, chính là phải tuân theo đạo nghĩa chứ không phải tuân theo công danh lợi lộc. Người tuân theo đạo nghĩa thì tất nhiên sẽ được sự giúp đỡ của người khác, gọi là “đắc đạo giả đa trợ”. Những người làm việc chỉ biết lợi ích trước mắt, tuy là có thể khi bắt đầu dường như có được một chút lợi nhỏ nhoi, nhưng cuối cùng sẽ mất lòng người, gọi là “thất đạo giả quả trợ”. Cho nên khi chúng ta có thể nắm được nguyên lý nguyên tắc của làm việc, y theo phương hướng đạo nghĩa mà làm, tin rằng nhất định có việc thì tất sẽ thành, có nguyện tất có thể viên mãn. Đương nhiên ngoài việc nắm lấy phương hướng đạo nghĩa ra, xử lý sự việc vẫn là phải coi trọng thái độ chính xác, phương pháp chính xác thì mới có thể đem sự việc làm thành công. Có câu: “Đường đi trăm dặm, chín mươi cũng chỉ là một nửa”. Nguyên nhân của “chín mươi như một nửa” là ở đâu? Ở thái độ và phương pháp không chính xác của chính mình, cho nên đã làm không tốt sự việc.
Có câu nói: “Ba quân có thể đoạt soái của họ, trượng phu thì không thể đoạt được chí”. Hôm nay bạn có thể vào trong ba quân tướng sĩ giết chết vị nguyên soái của họ, việc đó không xem như là việc khó nhất, có lẽ cũng có thể làm được, nhưng nếu bạn muốn làm một người nào đó đánh mất đi chí hướng thì không dễ dàng rồi, trừ phi bản thân họ phải tự từ bỏ. Cho nên “trượng phu thì không thể đoạt được chí”. Cho dù họ là một người buôn bán nhỏ ngoài chợ rau, chỉ cần họ có chí hướng muốn làm một việc gì đó thì bạn cũng không thể xem nhẹ mà thay đổi họ. Ngược lại, nếu như chí hướng của chúng ta dễ dàng thay đổi, sự kiên trì làm việc của chúng ta không thể tiếp tục thêm nữa, thì sự tình sẽ thất bại ngay trong tay ta một cách tự nhiên. Cho nên, chúng ta đối diện với sự tình phải nên có những thái độ và phương pháp chính xác nào, tiếp theo chúng ta hãy cùng nghiên cứu thảo luận.
Tục ngữ có câu: “Há có thể tận hết ý của người, nhưng cầu không hổ thẹn với tâm của mình”. Vì vậy, trong quá trình làm việc không thể lúc nào tình hình cũng có thể đúng như dự liệu của bạn, không thể lúc nào thế cuộc cũng đều giống như sự tưởng tượng của bạn. Nói cho cùng, chúng ta hiện tại muốn thành tựu một sự việc thì phải cần có rất nhiều người phối hợp. Cho nên thành tựu một sự việc thì khó nhất là ở chỗ nào? Khó ở “kiến hòa đồng giải”. Vấn đề khó nhất của một gia đình chính là có thể thống nhất được tư tưởng quan niệm. Sự thống nhất này cũng không phải là y theo cách làm của một ai đó, mà sự thống nhất này là y theo đạo nghĩa, là y theo trí huệ chân thật, gia đình này tuyệt đối sẽ hưng vượng, con cái nhất định sẽ dạy dỗ rất tốt. Vấn đề khó chính là khó ở tư tưởng thống nhất. Tư tưởng có thể tùy thuận giáo huấn của Thánh Hiền. Gia đình là như vậy, đoàn thể cũng là như vậy, các ngành nghề xí nghiệp cũng như vậy, thậm chí là đơn vị chính phủ cũng đều là dựa vào “kiến hòa đồng giải”. Tư tưởng quan niệm có thể thống nhất thì mới có thể đem sự tình làm tốt.
Khi tư tưởng quan niệm vẫn còn chưa có cách nào để thống nhất được, có một số việc bạn vẫn phải trì hoãn một chút. Việc trì hoãn này cũng không phải là việc gì mình cũng không làm. Hòa hoãn một chút là nên tự mình làm tốt bổn phận của mình trước, tự nâng cao đức hạnh của chính mình, tiếp đến mới từng bước từng bước cảm hóa người nhà của mình, cảm hóa đồng nghiệp của mình. Cho nên, người có thể cong thì mới có thể thẳng.
Nhưng khi bạn cong thì cũng không nên khiến cho người ta thấy có vẻ oan ức, như vậy thì người ta sẽ nói người học học vấn Thánh Hiền đều học một cách khổ sở như vậy, vậy thì không nên học. Cho nên bạn phải làm một cách thật hoan hỷ, thật vững vàng, vẻ mặt tươi cười là từ trong nội tâm mà phát ra ngoài. Một người mà tận hết bổn phận thì sẽ sống rất vui sướng. Vậy chúng ta ngoài việc bày tỏ sự hoan hỷ ra thì những việc nên làm cũng phải nhanh chóng làm một cách thản nhiên, phải nên thường mời khách, thường tặng quà, thường hay thăm hỏi, quan tâm. Cho nên chúng ta phải học tập giống như con vịt bơi dưới nước vậy, nhìn trên bề mặt thì thấy rất ung dung, nhưng ở dưới mặt nước thì hai chân bơi rất nhanh. Những việc nên làm thì chúng ta hãy thay người khác mà suy nghĩ, suy nghĩ thay cho những đồng nghiệp khác khi làm việc. Cho nên những việc cấp bách thì phải nhanh chóng làm. “Há có thể như ý hết mọi người nhưng cầu không hổ thẹn với lòng mình”. Vì thế, mọi lúc mọi nơi phải từ bổn phận chính mình tu thân mà bắt đầu.
Câu nói này không phải là tiêu cực. Rất nhiều người nghe mà hiểu sai. “Há có thể như ý hết mọi người” không phải bảo bạn mặc kệ họ, mà bảo bạn phải quan sát tình trạng nhân duyên khi đó. Giả như duyên phận hiện tại có năm phần duyên, bạn lại miễn cưỡng muốn làm đến tám phần thì sẽ như thế nào? Bạn sẽ rất mệt, người ta cũng rất vất vả, không chịu phối hợp. Cái này gọi là phan duyên. Cho nên con người phải biết xem xét thời thế, theo tình hình mà làm. Bạn mà quá cưỡng cầu thì đối phương ngược lại không thể lãnh hội được thành ý của bạn, có khi lại còn biến khéo thành vụng, cho nên cũng không vội được. Cũng giống như người bạn này mới biết bạn được ba ngày, bạn liền đem một đống sách đẩy cho người ta. Người ta vẫn còn chưa biết gì về bạn, bạn bỗng chốc lại đem bao nhiêu sách đưa người ta, trong lòng người ta sẽ có rất nhiều áp lực, thậm chí là người ta đem về cũng không biết phải để ở đâu, cảm thấy cũng không nên xem thường những quyển sách này, nhưng mà bản thân vẫn là không hiểu cho lắm. Khi bạn tạo áp lực cho đối phương, thì sẽ có một số vấn nạn xuất hiện. Cho nên chúng ta cứ có một phần duyên thì làm một phần, có ba phần duyên thì làm ba phần. Phải nên luôn biết quan sát tình trạng đầy đủ của nhân duyên, không nên phan duyên. Nhưng nếu như hôm nay duyên phận đã đủ rồi, đã đạt được mười mươi rồi, vậy thì bạn phải làm bao nhiêu phần? Rõ ràng là bạn có thể làm được một cách dễ dàng như trở bàn tay. Cũng giống như việc đấm bóp cho người lớn, tất nhiên là có thể làm, nhất định không phải là không thể làm. Rõ ràng duyên phận đã bày ra trước mặt, bạn còn nói câu giả dối là “tùy duyên thôi, để xem cái đã”, vậy thì thành tựu việc cho đại chúng đã bị ngăn lại ngay trước mặt của ai? Chặn lại ngay trước mặt của chúng ta. Cái đó không gọi là tùy duyên mà nên gọi là tùy tiện, xử lý sự tình một cách tùy tiện qua loa không thể chấp nhận được. Đặc biệt là chúng ta xử lý việc cho đại chúng, những việc đã làm ra ảnh hưởng không chỉ chính mình, cũng không phải chỉ có vài gia đình, mà ảnh hưởng có thể là nghìn nghìn vạn vạn người khác. Vào lúc này chúng ta càng phải nên tận tâm tận lực. Cho nên tùy duyên gọi là được ba phần thì làm ba phần, được mười phần thì làm mười phần, đây mới chân thật là tùy duyên. Mà tùy duyên là tích cực, không phải tiêu cực. Tùy duyên còn mang theo cả trí tuệ phán đoán. Cho nên người tu hành chúng ta đối với những đạo lý này phải thâm nhập thể hội, không thể chỉ thể hội ở bên ngoài, còn đem những lời này để thoái thác trách nhiệm, vậy thì không thể chấp nhận được. Khi chúng ta có được năng lực như vậy thì bạn có thể nắm giữ được đạo lý ứng đối. Chúng ta cũng không nên nói “ta hiện tại phải mọi lúc mọi nơi đều có thể phán đoán được duyên phần được bao nhiêu”, không có ngặt nghèo đến như vậy. Chúng ta nói là phải trải sự luyện tâm, trải qua sự việc nhiều rồi, năng lực sẽ càng ngày càng tốt.
Ví dụ, nói chuyện với người khác cũng phải tùy duyên, gọi là “không dùng lời thân thiết với người xa lạ”. Quen biết người ta chưa được mấy ngày, bạn không thể nào thật lòng thật dạ đem hết mọi việc trong nhà cái gì cũng nói người ta nghe. Trên phương diện ngôn ngữ đã không biết cách quan sát duyên phận. Các vị cũng không nên hiểu sai những lời này. Sau khi bạn nghe xong rồi lại nói: “Ồ! Nhất định là phải quen nhau ba năm mới có thể nói lời thật lòng”, đây là nghe mà chấp trước quá. Cho nên nói chuyện cũng không phải là dễ. Đối phương thì nói người bạn này rõ ràng là chỉ gặp được ba lần, nhưng mà khi họ nghe bạn kể về chuyện của vua đại Thuấn, nghe bạn đang nói chuyện về Phạm Trọng Yêm thì đôi mắt của họ liền sáng rỡ, nghe rất nhập tâm, bạn không thể vào lúc họ đang chuyên chú lắng nghe thì nói: “Được rồi, hôm nay chúng ta chỉ nói đến đây là được rồi, để sau hãy nói”. Duyên phận là một động thái. Khi bạn quan sát được tuy người bạn này mới gặp nhau có vài lần, nhưng mà thiện căn của người đó rất sâu dày, vào lúc này thì bạn liền có thể tùy theo thời thế mà làm. Cho nên sự giao thiệp với người khác không thể đơn thuần chỉ biết dùng phương pháp giao thiệp bao nhiêu năm để đem ra xem xét. Khi tâm của người ta vẫn chưa mở ra, cho dù bạn là ba năm hay năm năm thì cảm giác duyên phận này vẫn là chưa đủ. Khi gặp được bạn bè vô cùng chân thành, có thể thật lòng thật dạ, có thể giao thiệp được một tháng thôi mà bạn cũng cảm thấy như thân thiết nhau biết bao nhiêu năm, thân thuộc nhau đến như vậy. Việc này cũng là nói với chúng ta duyên phận là động thái, chúng ta phải biết quan sát. Trí huệ phán đoán này cũng đều là được tích lũy lại, đều là trải qua sự việc bạn không ngừng luyện tập, không ngừng rèn luyện thì mới được. Cho nên, khi chúng ta xử lý sự tình thì nhất định phải có một thái độ gọi là “vật úy nan”, nghĩa là không sợ khó khăn. Con người không sợ khó khăn thì mới có thể càng tôi luyện càng có năng lực, gọi là “ngọc bất trác bất thành khí”.
Tôi còn nhớ rất sâu sắc một câu nói khi học tiểu học: “Không trải qua một phen giá lạnh, hoa mai đâu dễ ngát hương thơm”, cho nên nhất định phải có thái độ chịu tôi luyện, không sợ khó khăn, gắng một chút thì sẽ qua đi, gắng một chút thì năng lực tiến bước lên một bậc. Chúng ta có thể từ trên lịch sử mà cảm nhận được, rất nhiều Thánh Hiền nhân lưu danh sử xanh đều là từng trải qua rất nhiều thử thách trở ngại.
Ví dụ như đại Thuấn. Ngài bị cha mẹ hiểu lầm, vào lúc đó Ngài vẫn tiếp tục tự mình ra sức cày cấy, rất vất vả, tâm thành này của Ngài mà đã cảm động được con voi đi ra giúp Ngài cày đất, cảm động chim chóc đến nhổ cỏ giúp Ngài. Chúng ta có loại đức hạnh này hay không? Các vị bằng hữu! Không nên cứ lắc đầu như vậy. Đệ Tử Quy nói “Thánh và Hiền, dần làm được”. Tâm chân thành thì ai ai cũng có, vấn đề là chỉ cần bạn mỗi chút đều nâng cao, nhất định có thể làm được.
Cũng như lúc trước chúng ta đã nói đến Tôn Thúc Ngạo nhìn thấy con rắn hai đầu, sợ người khác nhìn thấy sẽ sợ hãi, cho nên tự mình đem chôn nó đi. Cho nên, mọi lúc mọi nơi đều nên suy nghĩ thay cho người khác. Nhưng ông cũng không phải là được thuận buồm xuôi gió lắm, ông bị kẻ thù truy sát, sau cùng đến trốn ở một bờ biển rất xa xôi giống như bờ biển xa xôi của chúng ta ở Quảng Đông, sau đó đã bị Sở Trang Vương tìm thấy. Ông đã trải qua rất nhiều khốn đốn.
Và còn câu chuyện mua ông Bách Lý Tề ở chợ. Bách Lý Tề là Tể tướng của Tần Mục Công, ông là một trợ thủ đắc lực nhất. Bách Lý Tề đã từng bị người ta đem bán làm nô lệ, có khổ hay không? Có thể cong thì mới có thể thẳng. Mà những Thánh Hiền nhân này chính là nhờ vào những việc lớn nhỏ như vậy mới tôi luyện cho họ được một cái nghị lực kiên cường bất khuất.
Mạnh Phu Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng đối với chúng ta. Ngài nói: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người ấy, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi, như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”. Những sự tôi luyện này là vì cái gì? Vì thành tựu những chỗ chưa được của chúng ta. Những chỗ chưa được của chúng ta nhờ vào tôi luyện mà bù đắp lại được thì mới có thể đem sự việc làm thành công.
Khi học cấp ba, tôi đọc xong đoạn này thì cũng quên luôn, bởi vì sau khi đọc xong thì tôi lại nghĩ rằng, mình không nên học làm Thánh Hiền, nhất định là rất vất vả, lại không thể được uống cà phê, lại phải chịu đựng rất nhiều sự rèn luyện. Thật sự khi đó cảm thấy không nên học chút nào. Sau đó, hình như là vào mùng 5 tháng 09 năm ngoái, chúng tôi đi đến Hải Khẩu. Ở đó được một tuần thì chúng tôi đi đến viếng Khổng Tử miếu. Bởi vì là người đi thúc đẩy văn hóa truyền thống, chúng ta nhất định phải đi lễ kính Khổng Phu Tử. Sau khi đi viếng “Tam Khổng” xong thì trong lòng cũng rất là xót xa, bởi vì các bia văn trong miếu của Tam Khổng toàn bộ đều bị hư hỏng, chỉ còn lại hai tấm bia chưa hỏng. Vì sao hai tấm đó không bị hỏng vậy? Bởi vì hai tấm đó quá lớn. Có một tấm là Khang Hy Hoàng đế dựng, rất lớn, cho nên người ta làm hỏng không được, những cái khác đều bị vỡ rồi. Miếu “Tam Khổng” lúc nào cũng đông như trẩy hội. Sau đó, chúng tôi đi đến miếu của Chu Công, một người cũng không có, không những là không có một người nào mà có vẻ như bị bỏ cho hoang phế rồi, cho nên trong lòng rất xót xa. Chúng ta có thể suy đoán ra được cảnh người xe dập dìu ở Miếu Khổng Tử là vì cái gì, có phải là đi thâm nhập văn hóa truyền thống hay không? Không phải, vì sao vậy? Vì sợ người ta hỏi anh đã đi đến miếu tam Khổng lần nào hay chưa. Họ cảm thấy giả như nói chưa đi thì thật là mất mặt. Đó là đi xem náo nhiệt. Người thật sự đến để thâm nhập văn hóa, đến để thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền thì tuyệt đối sẽ phải đi đến miếu của Chu Công. Khi bạn có phần quyết tâm này nhất định sẽ cảm được rất nhiều người đến giúp đỡ bạn. Cho nên, tuy là chỉ có một mình tôi tại Hải Khẩu mà trong thời gian ngắn đã quen biết với rất nhiều người bạn tốt, vả lại trong ba – bốn tháng công tác ở đó thường thường đều là đi sớm về muộn, thật sự cảm nhận được thế nào gọi là một nắng hai sương. Buổi sáng có lúc người ta mời ra ngoài đi diễn giảng, mà khóa trình thì cố định buổi tối, bởi vì hầu hết mọi người sau khi tan ca thì mới có thời gian, cho nên lớp học dành cho phụ huynh đều mở vào buổi tối. Buổi tối sau khi giảng xong thì cũng khoảng chín giờ rưỡi, sau chín giờ rưỡi còn phải ở lại để thảo luận thêm một số vấn đề họ đưa ra. Có thể trở về đều là hơn mười giờ đến mười một giờ, cho nên sau khi trở về nhiều lúc đều nhìn thấy mặt trăng đã lên rồi, thân thể rất mệt. Rất nhiều bạn bè nói: “Thầy Thái à! Thầy nghỉ ngơi một chút đi”. Họ sợ tôi mệt quá. Tôi nói: “Người ta không sợ thân mệt, chỉ sợ tâm mệt thôi”. Thân mà mệt, nằm xuống ngủ bảy tiếng đồng hồ thức dậy thì khỏe khoắn trở lại, nhưng tâm đã mệt thì có ngủ như thế nào cũng không khỏe.
Khi chúng ta cảm thấy rất nhiều việc nên làm mà ngược lại làm không được, đó mới là mệt. Rõ ràng xem thấy con cái cần phải được giáo dục, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, đó mới là vất vả. Vì thế, trong mấy tháng công tác này của tôi, bình quân mỗi ngày đều có một đến hai buổi diễn giảng. Trong quá trình rèn luyện như vậy lại nhận được rất nhiều bạn bè, thầy cô giáo chăm sóc, thì đột nhiên đối với đoạn giáo huấn này của Mạnh Phu Tử có sự thể hội mới.
Mạnh Tử nói: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho những người ấy”, điểm quan trọng nhất là “như thế là để lay động tâm trí người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn, để tăng thêm tài năng cho người ấy”. Đột nhiên dưới đoạn này tôi đã ghi bốn chữ, đó là “cam tâm chấp nhận”. Sự rèn luyện đó đã đem lại cảm giác gì cho bạn? Ngọt ngào. Vì sao lại ngọt ngào? Bởi vì khi chúng ta thể hội được những việc chúng ta cần làm đó rất quan trọng. Chúng ta chỉ sợ việc quan trọng đến như vậy thì chúng ta làm không nổi, lúc đó mới là lúc người ta tiếc nuối nhất trong cuộc đời. Cho nên rõ ràng biết giáo dục con cái là quan trọng nhất, rõ ràng biết truyền thừa văn hóa là quan trọng nhất thì phải mau mau đề khởi năng lực lên để có thể làm những việc như vậy. Đừng sợ năng lực của mình nâng lên không được. Trong quá trình rèn luyện, bản thân vô cùng hoan hỷ, cũng vô cùng vui sướng. Mà con người hoàn toàn quyết định bởi vấn đề tâm thái của bạn. Chúng ta đối diện với con cái cũng phải dẫn dắt chúng có thái độ không sợ khó khăn. Năng lực suy nghĩ của con cái, những suy nghĩ trừu tượng chưa đủ mạnh, chúng ta có thể dùng câu chuyện để kể cho chúng nghe.
Có hai hòn đá lớn rất có linh tánh, đúng lúc được tìm thấy đem về một ngôi chùa nọ sắp khánh thành. Nhà chùa muốn điêu khắc thành một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Hai hòn đá này chất lượng cũng như nhau, nhưng trong đó có một hòn đá tương đối tốt hơn một chút, cho nên liền đem hòn đá này đi tạc tượng trước. Trong quá trình điêu khắc tượng, hòn đá này thường hay oán than nói: “Đau chết tôi mất, ông hãy mau ngừng tay lại, tôi không muốn khắc tượng nữa đâu!”. Người thợ điêu khắc này khéo dùng lời khuyên bảo: “Hãy ráng chịu đựng một chút, chỉ hai tuần là xong thôi, chỉ tầm mười ngày nữa là xong rồi. Bạn có thể nhẫn được thì tương lai bạn sẽ thành bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có đến vạn người bái lạy”. Hòn đá nghe xong liền nói: “Được rồi! Vậy tôi sẽ cố chịu thêm hai ngày nữa”. Kết quả trong hai ngày này nó vẫn hết sức kêu la, tiếng kêu la của nó cũng khiến cho người thợ này không chịu nổi, sau cùng đành nói: “Được rồi! Vậy thì bạn hãy tạm nghỉ một chút đi”, thế là đặt nó sang một bên.
Sau đó ông lại nói với hòn đá còn lại: “Bây giờ tôi sẽ đem bạn ra tạc tượng, bạn không được rên la nhé!”. Hòn đá thứ hai nói: “Tôi tuyệt đối sẽ không kêu la, ông hãy cứ tự nhiên điêu khắc, hãy rèn luyện cho tôi!”. Bởi vì vị điêu khắc gia bị hòn đá đầu tiên làm ảnh hưởng, nên vừa đục vừa hỏi nó có đau không. Hòn đá thứ hai này đều không có một lời than oán nào. Sau hai tuần trôi qua đã tạc ra được một bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng trang nghiêm, và nghìn vạn người ở mọi nơi đều đến để chiêm bái. Kết quả, vì có quá nhiều người đến, đi lại nhiều, nên đường đi cũng bay bụi nhiều, sau cùng phải tìm cách gì đó. Nhìn thấy bên cạnh vẫn còn một một hòn đá lớn, chính là hòn đá đầu tiên, thế là đem nó đập nát vụn ra trải lên đường cho mọi người đi. Cho nên hòn đá thứ hai thì thành tượng Phật có hàng vạn người bái lạy, hòn đá thứ nhất thì lại thành đá vụn lót đường cho người ta đi.
Một con người nếu như không bằng lòng chấp nhận tự lập tự cường thì người đó sẽ khiến cho mình bị người khác xem thường. Một người chân thật có chí khí thì sẽ không ngừng tôi luyện chính mình, họ sẽ chiếm được sự cung kính của những người bên cạnh.
Các vị bằng hữu! Các vị sau này muốn người ta lúc nào cũng xem thường mình giống như hòn đá bị chà đạp dưới chân, hay là mong muốn người ta nhìn thấy bạn thì liền cung kính, liền thán phục bạn? Việc này tự bản thân bạn lựa chọn đấy. Bạn không thể nào đợi đến khi người ta chà đạp mình dưới chân rồi cứ ở đó oán trách người ta, vậy thì đã quá trễ rồi. Bạn muốn về sau có thể có được sự tôn trọng của người khác, tuyệt đối cũng không phải đến khi đó thì mới bắt đầu nâng cao chính mình, mà nhất định phải kể từ bây giờ bắt đầu dụng công học tập, dụng công đọc sách. Có học vấn chân thật mới có thể khiến con người ta trở nên cao quý, mới có thể khiến người ta tôn trọng mình.
Chúng ta thông qua những câu chuyện như vậy để cho trẻ sinh khởi được “vật úy nan”, sinh khởi một loại tâm luôn luôn rèn luyện chính mình, chúng sẽ không sợ vất vả. Chúng không sợ vất vả, lại có thể thâm nhập học tập. Chỉ cần đột phá được tâm lý sợ vất vả, chúng chân thật thâm nhập học vấn, không cần thời gian lâu thì chúng sẽ nếm được niềm vui của học vấn, lúc này thì bạn cũng không cần phải thúc ép gì chúng nữa. Chúng ta hiện nay đọc sách có cần ai thúc ép hay không? Không chỉ học vấn thế gian như vậy, giống như việc học tập lục nghệ của người Trung Quốc, chúng chỉ cần thật sự không sợ khó khăn đột phá vào trong, chúng nếm được niềm vui của việc học tập, bạn cũng không cần phải thúc ép gì chúng.
Thầy Lý dạy thư pháp của chúng ta, rất nhiều học trò của thầy học tập rất tốt đều không phải do cha mẹ ép buộc. Cho nên, bất kỳ thái độ đối sự nào chúng ta cũng phải nên khéo léo, từng bước một dẫn dắt để dạy bảo con cái.
Thái độ xử lý công việc vẫn còn có một câu giáo huấn nói rất hay: “Chỉ nên lo việc cày cấy, đừng nên hỏi việc thu hoạch”. Các vị bằng hữu có cảm thấy câu nói này thú vị hay không? Rất nhiều người đối với câu nói này có thể cảm thấy có một chút tiêu cực. Kỳ thực trong tiếng Trung Quốc đều là tuân theo trung đạo, sẽ không thái quá mà cũng không bất cập. Những giáo huấn của Thánh Hiền thì thật sự là không phải bạn dùng suy nghĩ mà được. Bạn càng nỗ lực thực hiện thì bạn càng thể hội được pháp vị của nó rất nồng nàn, vả lại mỗi một câu nói, có thể lúc bạn hai mươi tuổi có một cảm nhận khác, lúc ba mươi tuổi thì lại cảm nhận khác, bảy mươi tuổi lại có một cảm nhận khác. Tùy theo sự nâng cao của tâm cảnh của bạn, bạn cảm nhận đối với những lời giáo huấn này sẽ không như nhau.
Vì sao mà chỉ hỏi việc cày cấy, không hỏi việc thu hoạch? Khi chúng ta mỗi ngày hỏi đến việc muốn thu hoạch thì bạn đã tiêu tốn thời gian vào trong việc lo được lo mất. Năng lực của bạn đã hao phí thì bạn không thể toàn tâm toàn ý để làm tốt công việc.
Chúng ta xem, như giáo dục con cái. Giáo dục là tính chuyện trăm năm. Chúng ta học được vài ngày, dạy chúng làm “Đệ Tử Quy”, ba ngày thì đã yêu cầu chúng phải làm được bao nhiêu, bạn mỗi ngày liền nhìn chúng mà nói “sao con lại không làm được”, trong lòng liền khởi phiền não. Mà khởi phiền não thì bạn làm việc gì cũng sẽ rất khó đạt được mười phần hiệu quả. Cho nên, chỉ cần hỏi nông phu việc cày cấy thì họ hiểu được đạo pháp tự nhiên. Ta chỉ cần tận tâm tận lực đem đúng hạt giống mà trồng xuống đất, thời tiết nhân duyên thành thục tự nhiên nước chảy sẽ thành sông. Có được tâm thái như vậy thì mới có thể khiến cho tâm của bạn thật sự bình ổn. Khi bình ổn mà làm việc thì mới không dễ bị sai. Cho nên, những thái độ, những tâm cảnh như vậy mới có thể khiến cho tâm của bạn luôn ở trong tình trạng có thể ứng đối với trạng thái của sự việc, gọi là “tâm bình khí hòa”. Khí hòa mới không sinh ra xung đột với người khác trong lời nói cũng như hành vi.
Vì sao lại đề ra nhiều thái độ làm việc như vậy? Bởi vì con người mãi mãi không phải bị người khác đánh bại mà đều là bị chính mình đánh bại. Nếu như những tâm thái này không được xây dựng tốt, mãi mãi sẽ là đi được nửa đường thì liền bị chính mình mượn cớ mà quay trở lại.
Khi đi đến công viên Cửu Long, nhìn thấy người ta trồng một đám cây, trên đó viết hai chữ là “mê cung”. Ai khiến cho chúng ta bị mê vậy? “Sắc không mê hoặc người, là người tự mê hoặc”. Cũng như vậy, sự tình vốn dĩ không có chướng ngại bạn, mà chính cách nghĩ sai lầm của chính chúng ta chướng ngại. Bởi vì con người hiện tại làm việc đều rất hấp tấp, đều rất muốn nhanh chóng được thành, vội vàng cầu thành nên đã hoàn toàn đi ngược lại với đạo lý làm việc, thì họ sẽ không làm được câu “chỉ nên hỏi việc cày cấy, không nên hỏi việc thu hoạch”. “Dục tốc thì bất đạt”. Vì vậy, rõ ràng rất nhiều việc vốn là việc tốt, nhưng lúc nào cũng không làm được, như vậy thì phải hồi quang phản chiếu, tự mình xem lại có những tư tưởng quan niệm nào quá chấp trước thì phải mau buông bỏ, đề khởi thái độ ứng đối chính xác. Việc này rất quan trọng.
Rất nhiều bằng hữu đều nói: “Thầy Thái à! Thầy giảng bài sao lại không thấy cầm giáo án vậy?”. Tục ngữ nói: “Trên đài giảng ba phút, dưới đài dụng công ba năm”. Trong “Trung Dung” nói với chúng ta “phàm sự dự tắc lập”, làm bất kỳ việc gì cũng nhất định phải chuẩn bị cho tốt. Cũng như chúng ta cầu học vấn, trước tiên phải ôn tập. Làm bất kỳ việc gì cũng giống như xây nhà vậy, trước tiên đem gốc rễ trồng cho tốt, cho nên động tác chuẩn bị rất là quan trọng. Bạn bất kỳ sự việc gì cũng không có chuẩn bị tốt mà lại cầu cho nó thành, thì sẽ không dễ dàng gì làm tốt sự việc. Cho nên, bất kỳ sự việc gì bạn cũng nên nhìn xa trông rộng.
Giống như việc chúng tôi đến đây để thúc đẩy văn hóa truyền thống, kỳ thực vào hai – ba năm trước thì đã có dự cảm rồi. Bởi vì bản thân trong quá trình dạy học đã sâu sắc thể hội được lợi ích của giáo huấn Thánh Hiền đối với cuộc đời. Đương nhiên bản thân mình phải có lợi ích trước tiên, cũng từ trên học trò mà ấn chứng được, cho nên cũng cảm thấy có một sứ mệnh đặc biệt như vậy để đi làm.
Các vị bằng hữu! Tôi lại là con một, là cháu trưởng, lại là cháu đích tôn, cho nên nếu như tôi toàn tâm toàn ý bước vào thì đối với gia đình của mình cũng là một sự chấn động rất mạnh, nên chúng tôi có thể cảm nhận được. Đặc biệt là mẹ thì rất thương con trai. Tôi có dự cảm là về sau sẽ phải đi xa nhà, thế là vào hai – ba năm trước tôi đã nói với mẹ của tôi: “Mẹ à! Mẹ xem cuộc đời này của chúng con may mắn biết bao, có thể nghe được giáo huấn của Thánh Hiền, cho nên cuộc đời của chúng con đã thay đổi rất lớn. Những người khác chưa chắc có cơ hội được nghe đến giáo huấn của Thánh Hiền, cho nên chúng con phải có trách nhiệm đem những giáo huấn này truyền trao ra rộng khắp”. Mẹ tôi nghe đến chỗ này thì cũng gật gật đầu, cũng có đạo lý. Tiếp đến tôi lại nói: “Mẹ à! Mẹ hãy hiến tặng con trai của mẹ đi nhé!”. Mẹ tôi nghe xong thì ngồi ở đó cười cười. Hai – ba năm trước thì đã bắt đầu nói rồi. Thường thường những lúc nhìn thấy mẹ tâm tình không được tốt liền ngồi cùng với bà một chút, sau đó lại thì thầm thủ thỉ với bà. Đột nhiên sau hai – ba năm thì thật sự cơ hội đã đến, vừa nói thì bà đã có thể chấp nhận được ngay. Cho nên cái này gọi là: “Dự tắc lập”. Chữ “dự” này không phải là bạn chuẩn bị xong mà còn phải để cho người nhà của bạn chuẩn bị xong tâm lý. Năng lực diễn giảng của chúng tôi cũng không phải là tập luyện một cách áp chế, đích thực là trong tâm vốn thật sự đã cảm nhận được sự tốt đẹp của giáo huấn Thánh Hiền, hy vọng có thể thông qua cách nói của chúng ta khiến cho nhiều người được lợi ích. Vì vậy, từ năm ngoái đến nay diễn giảng cũng đã được hơn 350 buổi rồi, nhưng đây là 350 buổi đứng trên giảng đài, còn đứng dưới đài thì nhất định là đã hơn 700 buổi rồi. Vì sao vậy? Bởi vì không phải cứ đứng ở trên giảng đài thì bạn mới rèn luyện, mà mọi lúc mọi nơi khi nói chuyện với người khác đều đề khởi chánh tư duy, đề khởi giáo huấn Thánh Hiền, nói chuyện điện thoại cũng tuyệt đối không bỏ lỡ thời gian. Trong lúc thường ngày bạn đều đang luyện công phu, thì khi bạn lên giảng đài đứng cũng sẽ cảm thấy thân thiết, bởi vì thời thời chúng ta nói chuyện với người khác chúng ta đều là đề khởi sự chân thành. Nếu bình thường đã có thái độ như vậy thì khi đứng lên bục cũng sẽ tự nhiên có được thái độ như vậy.
Tôi còn nhớ vào hai – ba năm trước, lúc ở cùng với mẹ, tôi nói chuyện điện thoại, mẹ của tôi liền nói: “Con làm gì mà mỗi lần gọi điện thoại lại gọi lâu đến như vậy? Con làm gì mà ba hoa nhiều như vậy?”. Mẹ tôi nói đùa như vậy. Thế là có một hôm tôi nói với mẹ của tôi: “Mẹ à! Mẹ vừa nghe thấy con nói chuyện với người bạn này thì thấy có câu nào là lời thừa hay không, có câu nào là ba hoa khoác lác hay không ạ?”. Mẹ tôi ngừng lại một chút, suy nghĩ một chút nói: “Không có”. Tôi nói: “Mẹ à! Mai mốt mẹ đừng có nói con ba hoa khoác lác nữa nhé!”. Tiếp theo tôi cũng nói với mẹ của mình: “Người ta gọi điện thoại đến thì cũng là một loại duyên. Duyên khởi, duyên diệt. Lần tới duyên này lại khởi thì vẫn phải còn giải quyết vấn đề lần trước mới xong. Hôm nay, nếu như mình nói chuyện với họ đạt đến một cái lý nào đó, mình không nói cho thông suốt với người ta, lần tới có lẽ phải vận động lại như vậy nữa”. Một cái lý lẽ muốn nói cho thông thì ít là mười phút, nhiều thì cũng một – hai giờ đồng hồ. Cho nên chúng ta hôm nay không phải là thật sự thích nói, mà là khi nói mà bạn không nói rõ ràng với người ta là có lỗi với họ, có lỗi với cái duyên phận này. Chúng tôi có được thái độ như vậy, cho nên mỗi chút đều tích lũy lại được năng lực của việc diễn nói, sau đó nếu đúng lúc có được cơ hội đưa đến thì cũng không cảm thấy đường đột. Cho nên, bất kỳ lúc nào cũng nhất định phải có sự chuẩn bị. Chuẩn bị từ trong tâm thái, từ trong năng lực phải mau làm công tác chuẩn bị, gọi là “tích sâu mới có thể phát rộng”. Vì vậy, tôi nói với rất nhiều các vị giáo viên: “Các vị may mắn hơn tôi, tôi thuộc dạng không có trâu nên bắt chó đi cày, là bị đẩy đi. Hiện tại, tôi muốn đọc thêm một ít sách nữa nhưng có lúc thời gian cũng không kịp. Các vị may mắn hơn tôi, bây giờ vẫn còn có thể đọc thêm một ít sách. Tích sâu thì mới phát rộng”. Cũng là nhờ những quan niệm như vậy, cùng nhau cố gắng với những vị giáo viên này. Khi bạn hiện tại vẫn còn chưa bận rộn lắm thì phải mau mau bổ sung thêm, mau chóng nâng cao. Thật sự khi cơ hội đã đến rồi, chúng ta có thể ung dung hoan hỷ mà đi làm. Cho nên: “Phàm sự dự tắc lập, bất dự tắc phế”.
Khổng Tử rất tán thán một người học trò của Ngài tên là Nhan Uyên. Nhan Uyên có rất nhiều đức hạnh. Trong luận ngữ, Khổng Tử nói Nhan Uyên là người “không giận lây, không phạm lỗi hai lần”, vì vậy năng lực sửa lỗi của Nhan Uyên rất mạnh. Vả lại, Ngài không giận cá chém thớt, cho nên công phu trừng phẫn cũng rất tốt. Nhan Uyên lại chỉ “một giỏ thức ăn, một gàu nước uống”, nên năng lực đè nén dục vọng cũng rất mạnh. Nhan Uyên đích thực đã làm được công phu tu thân. Trong luận ngữ cũng đồng thời nói đến Nhan Uyên là người “không khoe tài, không kể công”, xưa nay chưa từng khoe khoang công lao của mình, không khoe khoang ưu điểm của mình, là người rất khiêm bi, cũng rất biết cách đem công lao nhường cho người khác, thậm chí cảm thấy những việc này đều là việc mình nên làm. Cho nên tục ngữ có nói: “Không cầu có công, chỉ cầu không có lỗi”. Câu nói này rất sâu.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi đến Thẩm Quyến được hai ngày thì chúng tôi đi đến thăm một thư viện tế tự Tam Hoàng Ngũ Đế. Ngoài việc tế tự Tam Hoàng Ngũ Đế ra, trong đó còn có Vạn Tánh Tông Từ, nghĩa là có thờ một vạn họ tộc tổ tiên, bài vị được lập thành từng tấm đặt trên bức tường. Tôi vừa bước vào thì đã bị choáng ngợp ngay lập tức. Khi tôi lấy lại được tinh thần, tôi liền cúi đầu ba cái với mỗi một bức tường. Khi tôi bắt đầu cúi đầu đối với mỗi một bức tường có các bài vị tổ tiên, trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn. Vạn tánh tổ tiên này, trong mấy nghìn năm nay đã từng li từng tí tích lũy lại cho chúng ta biết bao nhiêu trí huệ, vậy mà con cháu chúng ta hiện tại đã lấy cái gì để báo đáp? Ngược lại còn chà đạp giáo huấn của họ, cho nên trong lòng cảm thấy giống như việc cứu giá đã quá trễ. Chúng ta đã quá trễ khi làm những việc nên làm, cho nên vừa lễ bái vừa sám hối. Trong quá trình một năm đi làm công việc này cũng đã gặp phải không ít thử thách, đích thực là rất sợ việc truyền thừa văn hóa truyền thống này. Nếu như chúng ta làm không tốt, thì sẽ đoạn mất đi rất nhiều cơ hội để cho con cháu chúng ta nghe được học vấn của Thánh Hiền. Đích thực là trong tâm của chúng tôi cũng cảm thấy thấp thỏm lo âu, “như bên bờ vực, như trên băng mỏng”, sợ rằng nếu làm không tốt thì lỡ mất cơ hội của người khác. Lúc nào cũng tự nhủ với chính mình: “Không cầu có công, chỉ cầu không có lỗi”, cho nên làm những công việc này đều là bổn phận con cháu chúng ta ngày nay nên tận hết sức mà làm. Khi chúng ta có được thái độ như vậy, thì trong quá trình làm sẽ không bị tiêm nhiễm danh văn lợi dưỡng, cũng không bị danh lợi làm cho đọa lạc. Thái độ này của bạn cũng phải luôn luôn đề khởi lên.
Khi tôi đến tham quan kỷ niệm quán của Lâm Tắc Từ cũng nhận được rất nhiều sự dẫn dắt từ ông, được rất nhiều sự giáo huấn. Khi bước vào cửa thì nhìn thấy có hai câu: “Cẩu lợi quốc gia sanh tử dĩ, khỉ nhân họa phúc tị xu chi”. Nghĩa là giả sử việc này thật sự có lợi đối với quốc gia, cho dù xả bỏ thân mạng, cho dù gặp phải tai họa, thì ông cũng sẽ dũng mãnh tiến lên mà làm. Bởi vì Lâm Tắc Từ có được thái độ xử sự như vậy, cho nên những việc mà ông làm dường như đều là những việc mọi người đều làm không được.
Chúng ta hãy xem việc quyết tâm đốt bỏ thuốc phiện của Lâm Tắc Từ tiên sinh. Số thuốc phiện này mà ông không đốt bỏ hết thì người Trung Hoa cũng không biết sẽ ra sao rồi. Thời kỳ cuối triều Thanh chính là vì hút thuốc phiện mà dân cả nước đã biến thành “Đông Á bệnh phu”. Lâm Tắc Từ gạt bỏ mọi khó khăn chỉ vì muốn lợi ích cho giang sơn xã tắc. Phương pháp mà Lâm Tắc Từ đem thuốc phiện đi đốt cũng không để ảnh hưởng đến môi trường, cho nên việc bảo vệ môi trường thì mấy trăm năm trước Lâm Tắc Từ đã làm được rồi. Phương pháp là từ đâu mà ra? Từ chân tâm. Thật sự muốn làm tốt công việc thì nhất định sẽ tìm được phương pháp tốt, bởi vì Lâm Tắc Từ cũng không phải là người học những thứ này. Sau đó Lâm Tắc Từ tiên sinh đã rơi vào nghịch cảnh, bị lưu đày đến vùng Tân Cương xa xôi, nhưng ông dù ở đó cũng không vì hoạn nạn mà mất đi cái tâm vì người phục vụ của mình. Dù ở một nơi xa xôi như vậy vẫn có thể phục hưng việc thủy lợi, tạo phước cho cuộc sống của nhân dân ở nơi xa xôi, đào tạo kỹ thuật trồng trọt cho nông dân. Kỹ thuật thủy lợi mà Lâm Tắc Từ đã chỉ dạy cho họ, hiện nay người dân ở Tân Cương Cam Túc vẫn còn đang sử dụng phương pháp đó của ông. Sự quyết tâm và ý chí kiên cường của ông Lâm Tắc Từ cũng là một thái độ xử sự hết sức quan trọng.
Trong giáo huấn của Lâm Tắc Từ tiên sinh có một đoạn rất ngắn, nhưng rất tinh túy. Ông tổng kết ra cuộc đời có mười sự việc, nếu bạn làm thì đối với cuộc đời của bạn không có một lợi ích gì, nếu bạn làm ngược lại thì cuộc đời của bạn sẽ rất có ích. Ông quy nạp thành “thập vô ích”. Mười lời giáo huấn này, theo tôi nghĩ là đã bao gồm hết căn bản của việc làm người xử sự. Chúng ta hãy xem hai câu đầu tiên.
Mười điều vô ích của Lâm Tắc Từ
Thứ nhất, “Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích”.
Hôm nay chúng ta đi phụng sự thần linh, đi tiếp nhận sự giáo huấn của ba nhà Nho – Thích – Đạo, trọng điểm là ở đâu? Phải y giáo phụng hành. Không phải là mỗi ngày bạn thắp hương cho họ, vậy thì không có tác dụng gì. Trong sự giáo huấn của tam giáo thì giáo huấn quan trọng nhất là gì? “Trăm thiện hiếu làm đầu”. Khi bạn chân thật hành hiếu, hành thiện, thì bạn mới có được phước phần, bạn mới có nhiều may mắn. Cho nên, người chân thật y giáo phụng hành thì tự nhiên sẽ có rất nhiều phước phần. Mà bạn ngay cả lời giáo huấn quan trọng nhất cũng không làm thì cho dù mỗi ngày thắp ba cây nhang cũng không có ích gì.
Thứ hai, “Anh em bất hòa, bạn bè vô ích”.
Ngay cả anh em thân thiết nhất cũng đều không hòa được, vậy đi ra đường thì có thể chiếu cố cho bạn bè được hay không? Đâu có đạo lý như vậy đâu chứ. Cho nên ở trong nhà mà anh em có thể hòa thuận, có thể dìu dắt giúp đỡ lẫn nhau, chính là hiểu được đạo nghĩa anh em, thì tự nhiên khi bước ra bên ngoài cũng sẽ dùng thái độ như vậy để đối xử với bạn bè. Hai câu đầu tiên này của Lâm Tắc Từ tiên sinh cũng là căn bản của tu thân.
“Tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân”. Tu thân phải tuân theo chánh đạo mà tu. Hạt nhân của tu đạo là ở đâu? Ở nhân từ, lúc nào cũng biết suy nghĩ thay cho người khác. Việc này gọi là học vấn hạng nhất. Nhân thì phải bắt đầu từ đâu vậy? Trong “Luận Ngữ” nói với chúng ta: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn”, cho nên căn bản của việc tu đạo là ở hiếu, ở đễ. Thái độ lập thân xử sự của một người phải xây dựng từ trong gia đình. Vì vậy, nơi xây dựng nhân cách tốt nhất của một con người chính là ở tại giáo dục gia đình của người đó. Cho nên vì sao mà ngày xưa lại coi trọng sự giáo dục của người nữ như vậy? Bởi vì ở trong nhà thì con cái bị ảnh hưởng lớn nhất từ người mẹ. Ngay từ khi hoài thai thì đã tiếp thu khí tiết của người mẹ, khi sinh ra thì thường xuyên nhìn thấy hành nghi của người mẹ, nhìn thấy mỗi mỗi hành động của người mẹ, sau đó lại tiếp nhận sự dạy dỗ của mẹ. Cho nên một xã hội muốn an định thì phải an định từ trong gia đình, vợ chồng hòa ái, từ hiếu đễ mà bắt đầu.
Tốt rồi! Tiết học hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 38/40)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh