Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 26/40)

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 26/40

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người buổi chiều tốt lành!

Chúng ta vừa nói đến trong xã hội hiện nay đầy những tư tưởng quan niệm tưởng đúng nhưng lại sai, cho nên bản thân chúng ta đối diện với những tư tưởng ngôn luận này phải có khả năng phán đoán, suy nghĩ cẩn thận, phân biệt rõ ràng. Cũng đã nói đến câu: “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Câu nói này sai rồi! Bà Hứa Triết không hề vì bản thân mà được rất nhiều đại chúng tôn trọng, nhận được sự yêu mến của đại chúng đối với bà. Bà là người vì mọi người, cho nên mọi người cũng vì bà. Vì vậy, chúng ta hiểu được lợi người nhất định sẽ lợi mình, tổn người thì nhất định sẽ không lợi mình, vả lại tổn người thì nhất định sẽ tổn mình.

Chúng ta hãy xem trong xã hội hiện nay, rất nhiều người thích chiếm lấy tiện nghi của người khác. Kỳ thực chiếm tiện nghi của người khác thì cũng không chiếm được bao nhiêu lâu; lừa gạt người ta được một lần, lừa được hai lần nhưng không thể lừa được lần thứ ba. Cho nên khi chúng ta chiếm tiện nghi của người khác, khi tổn hại người khác, trên thực tế đó là liếm mật trên đầu dao. Nghĩa là giống như trên lưỡi con dao có dính đầy mật ong, bạn vừa nhìn thấy thì vội vàng muốn ăn cho hết chỗ mật đó, kết quả sau khi ăn mật như vậy thì chân thật là nếm được vị ngọt của nó nhưng lưỡi thì cũng đã bị đứt rồi. Chiếm tiện nghi của người khác đến sau cùng đã hủy hoại hết sự tin dùng trong xã hội, đã tự đoạn mất con đường lui của chính mình. Cho nên người thế gian “tâm vô viễn lự”, không nhìn xa trông rộng, “các dục khoái ý”, chỉ thuận theo dục vọng của mình để mà đi tham cầu, ngược lại là hại chính mình.

Tôi ở Hải Khẩu một khoảng thời gian. Hải Khẩu là khu vực khai thác kinh tế cá thể từ rất sớm, nổi tiếng nhất là tham quan các làng nghề. Những người làm du lịch bên ngành tham quan làng nghề vì để thu hút khách đến Hải Nam nên họ đã thu phí vô cùng rẻ. Lúc ban đầu, rất nhiều người đã đến Hải Nam để tham quan. Kết quả những người làm ngành tham quan này lại cảm thấy mọi người đều đã đến rồi, họ thật sự có thể kiếm một món tiền lớn, cho nên trong hành trình ba ngày đi tham quan thì cơ bản đã có đến hai ngày đi trung tâm mua sắm. Để làm gì vậy? Để tiêu xài. Mua một món mười đồng thì họ có thể kiếm được năm đồng, thế là đưa khách du lịch đi theo phương hướng đó. Dần dần khách du lịch cảm thấy mình đi đến đây để du lịch, kết quả lại đưa mình đi mua sắm. Dù lúc ban đầu họ đã kiếm được một số tiền, nhưng sau một đến hai năm thì tất cả những cách nghĩ, cách nhìn của khách du lịch đã truyền đi cả nước. Cuối cùng, ngành du lịch tham quan làng nghề của Hải Khẩu đã để lại ấn tượng rất xấu trong lòng mọi người. Cho nên, họ đã nếm được một chút mật ngọt nhưng sau đó thì đã trả giá như thế nào? Là sự quay lưng của cả nước đối với ngành du lịch làng nghề, là sự không tín nhiệm. Sự ảnh hưởng này có thể phải mất rất nhiều năm, mấy mươi năm mới có thể có được lại sự tin dùng của mọi người đối với họ, cho nên chỉ nếm được một chút mật ngọt nhưng lại phải trả cái giá quá lớn như vậy. Tổn người thì tuyệt đối sẽ không lợi mình, vả lại việc tổn người còn hại chính mình rất thê thảm. Không chỉ sẽ hại chính mình, Trung Quốc có một câu trong “Kinh Dịch” là: “Tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Chúng ta có thể làm ra rất nhiều việc tổn người thì không chỉ đem tai ương cho chính mình mà còn đem tai ương cho con cháu về sau.

Chúng ta có một quyển sách rất nổi tiếng gọi là “Thái Căn Đàm”. Câu đầu tiên trong quyển sách này làm tôi rất ấn tượng. Câu đầu tiên viết: “Lộng quyền nhất thời thê lương vạn cổ”. Họ chỉ vì để có danh, để có quyền lực, tự đánh giá mình quá cao, dùng quyền lực để đi ức hiếp nhân dân, chỉ được trong nhất thời nhưng ngược lại thê lương muôn đời, bị con cháu đời sau phê phán, khinh bỉ. Cho nên, việc này thật sự là nếm được một chút mật ngọt nhưng lại phải trả một cái giá đắt đến như vậy, họ không những bị người thế gian coi thường, bị người ta phê phán, mà con cháu họ cũng sẽ vì việc ác của họ mà không dám ngẩng cao đầu. Bạn có dám nói mình là con cháu hiền đức hay không? Bạn thật sự là con cháu hiền đức thì sẽ không dám nói, vì sao vậy? Vì sẽ xấu hổ, mấy nghìn năm mà vẫn còn phải trả giá. Cho nên chúng ta là trưởng bối của người khác thì không thể để họa lại cho con cháu được, nhất định phải tạo phước cho đời sau. Phải làm ra những việc lợi người, sau đó thì lợi cho con cháu của chính mình, gọi là “tích thiện chi gia tất hữu dư khánh”. Khi bạn có thái độ như vậy, về sau con cháu của bạn nhất định sẽ làm cho bạn được vinh hiển.

Chúng ta hãy xem, rất nhiều người đọc sách đều không phải vì mình nhưng họ lại lưu danh thiên cổ, con cháu của họ cũng tiếp tục khí phách đó của họ khiến cho gia đạo không bị suy. Cho nên, những Thánh triết này đều là những người chân thật thấu hiểu chân lý, là người có thể nhìn xa trông rộng. Chúng ta hãy xem hành nghi của Phạm Trọng Yêm đến nay cũng gần 1.000 năm, thế nhưng con cháu của ông vẫn giữ được tinh thần của ông trong gia phong của họ. Vì vậy các vị bằng hữu, các vị muốn con cháu của mình có thể giữ gìn gia phong bao nhiêu đời? Con người quý ở lập chí, bạn có chí hướng lớn bao nhiêu thì mới có thể làm được sự việc lớn bấy nhiêu. Cho nên chúng ta nhất định phải làm cái khí phách tốt, làm được cái khí phách lợi người – yêu thương người – kính trọng người để làm tấm gương tốt cho con cháu đời sau.

Kỳ thực, việc lợi ích cho người tuyệt đối không phải nói phải đợi ba năm, năm năm, thậm chí có người còn nói đợi đến đời sau chúng ta mới có thể thật sự được kết quả tốt, nhận được quả báo tốt, thật sự không cần phải đợi lâu đến như vậy. Một người niệm thiện tâm thì người đó đã được lợi ích rồi. Tục ngữ nói: “Người gặp chuyện vui tinh thần phấn chấn”. Giúp người chính là hỷ sự, giúp người làm niềm vui. Cho nên khi chúng ta giúp đỡ người khác, trước khi còn chưa được báo đáp thì thân tâm cũng đã rất hoan hỷ rồi, rất là sảng khoái. Ngược lại, khi chúng ta hại người, mắng người, đối phương tuy còn chưa đến báo thù nhưng khi tâm chúng ta khởi lên việc hại người mắng người, kỳ thực thân tâm của chúng ta đã bị tổn hại rồi, thân thể liền không thể tốt được, lương tri của chúng ta bị mai một từng chút từng chút một, chính khí của chúng ta không thể nâng lên được. Mỗi ngày sợ bản thân làm việc sai bị bại lộ, ngay lúc đó nhất định đã có chỗ hại đối với chính thân tâm của mình rồi.

Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã lấy nước để làm thực nghiệm. Khi chúng ta nói lời cảm ơn đối với nước, nói lời chúc phúc, bất luận là dùng bất kỳ loại ngôn ngữ nào, mẫu nước này đặt dưới kính hiển vi mà xem thì những kết tinh đó sẽ rất đẹp. Cho nên, nước có thể cảm nhận được năng lượng mà ý niệm của con người truyền ra ngoài, nước có thể tiếp nhận được. Đương nhiên khi nước tiếp nhận được thì cũng có nghĩa là vạn vật đều có thể tiếp nhận được. Có nhiều người rất giỏi việc trồng hoa, mỗi ngày đều nói chuyện với chúng: “Bạn ra hoa thật sự là rất đẹp, bạn nở hoa thật là rất đẹp”, thường hay bày tỏ với hoa như vậy, thế là những cây hoa đó càng lớn càng tươi tốt. Cho nên, vạn vật đều có tác động qua lại với chúng ta. Vì vậy, một niệm thiện, một niệm chúc phúc thì nước đều kết tinh rất đẹp, bất luận là bạn nói bằng ngôn ngữ gì cũng được. Ngược lại, nếu như chúng ta dùng ác ý đối với nước, bạn mắng chửi nó, bạn trách móc nó, thì sự kết tinh của nó liền không thể nào đẹp được nữa, thậm chí không có cách nào kết tinh cả. Vả lại, dưới kính hiển vi hình dáng của chúng hiện ra trông giống như đứa trẻ lúc bị mắng. Quyển sách này hiện tại có thể mua được ở bên ngoài, tên sách là “Nước biết câu trả lời của cuộc sống”, hoặc là “Thông điệp của nước”, đều cùng một nội dung. Cho nên, khi chúng ta có một niệm thiện thì sẽ ảnh hưởng đến nước, có một niệm ác thì phá hoại đi cả một trạng thái tốt đẹp của nước.

Vì sao lại nói: “Nước biết câu trả lời của cuộc sống?”. Bởi vì cơ thể chúng ta có từ 68% đến 70% là nước. Cho nên, khi ý niệm của bạn có thể ảnh hưởng đến nước, ý niệm của bạn nhất định sẽ ảnh hưởng đến ai trước tiên? Ảnh hưởng đến sự kết tinh trên toàn cơ thể của bạn trước tiên. Khi bạn niệm là thiện thì trạng thái của 70% cơ thể bạn là tốt, vậy thì sức khỏe của bạn nhất định sẽ tốt. Ý niệm của bạn là một sự chúc phúc, là sự cảm ơn, thì cả thân tâm của bạn sẽ ở trong tình trạng vô cùng tốt, đương nhiên thân tâm bạn sẽ khỏe mạnh. Giả như bạn khởi cái ý niệm đó là không tốt, thì 70% nước trong cơ thể bạn đều là không tốt, lâu ngày dài tháng các tế bào trong cơ thể bạn sẽ biến đổi. Mà bệnh ung thư chính là sự biến đổi của tế bào. Trong thực nghiệm của Tiến sĩ Lôi Cửu Nam, bà nói đại bộ phận của các chứng bệnh ung thư đó là do họ trong suốt mười đến mười lăm năm cuộc đời thường hay xảy ra một số việc ức chế mà bản thân không thể nào chấp nhận được. Những việc mang tính khảo nghiệm tâm trạng của họ bỗng chốc rơi xuống tận đáy, mãi như vậy không có lúc vực trở dậy. Tâm trạng không tốt như vậy kéo dài suốt mười đến mười lăm năm thì trạng thái của cả thân thể sẽ nhanh chóng chuyển biến thành bệnh, chính là sản sinh ra loại bệnh ung thư. Vì thế, tâm niệm của con người mới là cái gốc của việc khỏe mạnh. Khi chúng ta khởi ý niệm lợi ích cho người thì bạn đã được lợi ích lớn rồi, không cần đợi người nào đó đền đáp. Khi bạn khởi ác niệm, không cần đợi đến khi có ác báo, ngay lúc đó thân tâm bạn cũng đã bị tổn hại bởi ý niệm xấu ác đó rồi.

Khi chúng tôi bàn luận đến đây, có một số trẻ nhỏ nghe xong cũng rất nhập tâm; bọn trẻ học cái gì cũng rất là chăm chú. Có một em sau khi nghe xong quyển sách “Nước biết câu trả lời của cuộc sống”, khi trở về nhà, nghe bảo mẫu của em nói: “Ây da, nhìn con thật là đáng ghét quá đi!”. Người bảo mẫu nói đùa với em như vậy thì em liền ôm chặt lấy thân thể của em nói: “Dì không nên nói với con như vậy, 80% cơ thể của con là nước đã bị dì hại rồi”. Hàm lượng nước trong cơ thể trẻ nhỏ thì có đến gần 80%, cho nên chúng ta nhìn thấy trẻ nhỏ thường hồng hào mũm mỉm, có phải không? Bởi vì hàm lượng nước trong cơ thể chúng cao hơn nhiều. Bạn xem khi đứa trẻ nghe thấy, chúng liền học được lời xấu sẽ gây hại đến mình, bản thân nói lời xấu ác thì ảnh hưởng chính mình lớn nhất. Khi đứa trẻ có ý niệm như vậy thì bạn nói chuyện cũng sẽ có cảnh giác hơn. Bạn vừa xây dựng quan niệm chính xác cho chúng thì chúng sẽ không dễ dàng học sai.

Các vị bằng hữu, không những là chứng thực với nước, ở Hải Khẩu chúng tôi có vị giáo viên đã lấy hai quả táo để làm thực nghiệm. Trái thứ nhất để ở cửa trước, bảo bọn trẻ khi đi ngang thì nói với trái táo một câu tốt lành. Cửa sau thì để trái còn lại, khi đi ngang thì mắng trái táo một câu. Kết quả sau khi làm được một tuần, vị giáo viên ấy đem hai trái táo đến cho tôi xem. Sau khi đem đến thì tặng cho tôi ăn. Tôi rất sợ ăn phải trái táo bị mắng đó, ăn nó vào thì rất nhiều lời mắng của người ta sẽ bám lên người của tôi hết. Quả táo được nghe những lời tốt đẹp vẫn cứng chắc chứ không bị mềm. Trái táo bị mắng thì cầm vào thấy nó mềm, mà da cũng bị nhăn lại. Cho nên, chân thật là vạn vật đều có thể cảm nhận được ý niệm của con người, đều phân biệt được năng lượng tốt hay không tốt của con người.

Ngoài ra cũng có lấy cơm trắng để làm thực nghiệm, vô cùng có ý nghĩa. Vị này không những lấy hai chén mà lấy đến ba chén. Chén thứ nhất là cảm ơn nó vì đã nuôi dưỡng thân thể ta, cảm thấy nó rất thơm, rất ngon, tán thán nó. Chén thứ hai thì mắng nó: “Thật là khó ăn chết đi được”. Chén thứ ba thì mặc kệ nó, không nói câu nào cả. Sau một tuần thì kết quả thấy rất rõ ràng. Chén thứ nhất đã lên men, còn có thể ngửi được mùi vị lên men nữa. Chén thứ hai thì chuyển màu đen, ôi thiu bốc mùi. Chén thứ ba thì mọi người nghĩ xem nó như thế nào? Chén thứ ba thì cũng ôi thiu bốc mùi, đã vậy còn bị hỏng nặng hơn cả chén thứ hai. Một câu cũng không nói với nó, vậy mà còn thiu hơn cả chén bị mắng, vì sao vậy? Chúng ta nói, giữa con người với nhau, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng, đôi lúc bực tức buồn giận thì mắng một chút; chúng ta nói gây nhau ở đầu giường hòa nhau ở cuối giường. Nhưng nếu như là chiến tranh lạnh thì hai người sống không bằng chết, mỗi ngày đều căng thẳng chịu đựng đến khi sắp đứt hơi. Cho nên chiến tranh lạnh đáng sợ hơn chiến tranh nóng. Sự lạnh nhạt có tính sát thương đối với con người mạnh hơn. Có rất nhiều người chồng, người vợ đều nói đối phương gây sự nhưng họ đều mặc kệ, đều không quan tâm, kỳ thực như vậy càng làm cho đối phương thấy khó chịu. Thái độ đó của chúng ta là xem thường người khác. Cho nên, thực nghiệm này cũng đồng thời nói với chúng ta không nên có lời ác với người, thậm chí là không thể bỏ mặc không quan tâm.

Kết quả khi tôi kể câu chuyện này, đang lấy ví dụ nói chuyện với bọn trẻ, đúng lúc có một cặp vợ chồng đưa theo đứa con đến nghe giảng. Đứa con ngồi ở chính giữa, người chồng và vợ thì ngồi ở hai bên. Khi ví dụ của tôi vừa nói xong, người chồng liền ngả người về phía sau, dùng tay phải của mình đưa qua vỗ vỗ người vợ của anh. Tôi đứng phía trước nhìn thấy rất rõ ràng. Anh không nói một lời nào nhưng mà tôi hoàn toàn hiểu được ý của anh, vả lại tôi còn lo lắng dùm anh. Bởi vì, anh vỗ vai người vợ ánh mắt như muốn nói: “Em xem, thầy Thái đang nói em đó. Em lúc nào cũng muốn chiến tranh lạnh”. Kết quả tôi nhìn thấy ánh mắt cô vợ trừng mắt nhìn anh một cái. Tôi nhìn thấy sự việc đó thì đành lắc đầu. Tôi nói: “Người đàn ông thật sự là không nắm bắt tình huống”. Vì sao vậy? Vì anh không hiểu được nguyên nhân tại sao vợ anh cứ hay làm chiến tranh lạnh, vậy mà cứ ở đó thêm dầu vào lửa, có giúp ích gì được cho vấn đề hay không? Không có ích gì. Không có phản tỉnh chính mình, đã vậy ý còn nói với vợ của mình: “Em xem, em đã phạm phải lỗi mà thầy Thái đang nói đến”. Kỳ thực chúng ta phải hiểu, phụ nữ bỏ ra rất nhiều công sức, họ vì sao lại bực tức như vậy? Bởi vì người ta làm trâu làm ngựa mà bạn một câu khích lệ cũng không có, đã vậy còn ý kiến này nọ. Người vợ chưa vỗ bàn đập ghế là quá nhân từ rồi, bạn còn ở đó mà trách móc họ. Cho nên người chồng phải hiểu được, phải nhìn thấy sự vất vả của vợ, tiếp đến là phải cảm ơn, cảm tạ, tán thán, như vậy người vợ mới vui vẻ mà chăm sóc gia đình. Cho nên, một câu nói tốt đẹp thì làm trâu làm ngựa cũng cam lòng. Đây chân thật là việc phải nên cảm nhận tâm cảnh của người khác nhiều một chút, cảm nhận sự cần thiết của người khác. Đặc biệt là những người thân yêu nhất của bạn thì càng phải nên cảm nhận, không phải chỉ biết yêu cầu người khác mà không biết kiểm điểm lại mình.

Chúng ta từ trong thực nghiệm về nước thì cũng rất rõ ràng thấu hiểu được: Lợi người thì nhất định lợi mình, hại người nhất định sẽ hại mình. Chúng ta hiểu được đạo lý này rồi thì phải làm cho cuộc đời luôn đi trên con đường lợi người lợi mình, vậy thì bạn mới lựa chọn chính xác được thái độ đúng đắn cho cuộc đời của mình.

Trên đây là thuộc về phần chúng ta phải “thận tư”.

Hai ngày nay chúng ta nói về việc “thận tư”, đã hiểu được thì việc khởi tâm động niệm phải “thận tư”. Cái ý niệm này không đúng phải lập tức chuyển trở lại, nếu không thì thân thể của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Các mối quan hệ trong ngũ luân muốn được tốt thì cũng phải “thận tư”.

Tiếp đến là phán đoán, là phân biệt. Nuôi dưỡng con cái thì cái gì là quan trọng nhất? Giáo dục con cái đức hạnh, trồng cho tốt cái gốc đức hạnh thì mới khiến cho chúng trong tương lai có thể đứng vững bất bại. Cho nên đức hạnh phải “thận tư”. Nghệ năng của trẻ nhất định phải chuyên chú, không thể học tạp, phải nhất môn thâm nhập. Việc này cần bạn phải “thận tư”. Khi chúng ta khuyên bảo những thân hữu bên cạnh mình, chúng ta cũng phải xem xét thời thế, vào lúc nào thì nên nói, nên dùng thái độ gì để nói, bạn cũng phải luôn luôn “thận tư”. Bạn không “thận tư”, lúc nào cũng hấp tấp vội vàng thì có thể sẽ làm cho việc tốt thành việc xấu, đến lúc đó bản thân bạn sẽ rất buồn phiền áo não.

Cho nên, chúng tôi có nói đến giáo dục một người, khuyên bảo một người nhất định phải có một cái tiền đề là gì? Sự tín nhiệm nhất định phải đủ. Vậy làm thế nào để có được sự tín nhiệm của người khác? Phải xây dựng mối quan hệ tốt, phải biết bỏ công sức, thường mời khách, tặng quà, và còn thường xuyên dùng những lời nói quan tâm. Thường thường làm một số việc lợi ích cho người tự nhiên sẽ nâng cao được sự tín nhiệm. Chúng ta phải có năng lực để quan sát nhận biết nhu cầu của người khác để có thể ra sức giúp đỡ họ cho tốt, như vậy mới có thể xây dựng được sự tín nhiệm tốt, cũng như sẽ dễ dàng hơn đối với việc chỉ bảo họ hoặc khuyên ngăn họ sau này. Cho nên, muốn làm tốt một việc cũng không phải là một điều đơn giản, việc này phải thông qua việc bạn phải “thận tư”, thông qua việc bạn có công phu luôn hiểu được tình đời.

Cuộc đời một con người phải học đến khi nào vậy? Sống đến già học đến già, học đến già rồi cũng chưa học xong.

Chúng ta nói sức khỏe chính là nền tảng quan trọng nhất của đời người. Cho nên làm thế nào để cuộc sống chính mình được khỏe mạnh, ăn uống thế nào để khỏe mạnh cũng phải “thận tư” cho tốt, học tập cho tốt, bài giảng trong hai ngày qua đều nói rõ tường tận. Cho nên lúc nào cũng phải có thái độ cẩn thận để đối diện với cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, để suy nghĩ phán đoán một cách chính xác nhất.

Các vị bằng hữu, chúng ta học xong trình tự học tập là “bác học, thẩm vấn, thận tư”. Sau khi học xong rồi thì khi nào dùng vậy? Ngay từ lúc đó đã bắt đầu dùng rồi. Ngay lúc đó phải phân biệt được thầy Thái nói có đúng hay không. Bạn không thể chấp nhận tất cả, phải đối chiếu xem thầy Thái nói có đúng với “Đệ Tử Quy” hay không. Phải y theo Kinh điển, không thể y theo người, “y pháp bất y nhân”. Bạn không thể vì rất có duyên với tôi mà cái gì cũng nghe tôi hết, vẫn phải đối chiếu Kinh điển, đối chiếu giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử, như vậy mới là có lý trí phán đoán. Cho nên, lúc nào cũng phải dùng những giáo huấn của Thánh Hiền dành cho chúng ta để mà sống, để xử sự. Giáo huấn của Thánh Hiền trên thực tế cũng không phải là do một ai đó nói ra, tất cả giáo huấn của Thánh Hiền đều tương ưng với bản tánh thiện lương của mỗi một người chúng ta, gọi là “nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Khi bạn tùy thuận giáo huấn của Thánh Hiền nhân, đến một mức độ nào đó trí huệ bản tánh của bạn khai mở rồi, đến cuối cùng bạn chính là thuận theo tánh đức của chính mình, bổn tánh thiện lương của chính mình để mà xử sự làm người thì niềm vui ấy sẽ vô cùng.

Thứ tư là “minh biện”.

Chúng ta hãy xem bước thứ tư trong việc cầu học vấn, đó là phải “minh biện”. Kỳ thực trong việc “thận tư” thì đã bao gồm việc ngay lúc đó đang suy nghĩ, phán đoán, biện biệt. Biện biệt nghĩa là gì? Thế nào gọi là minh biện? Chúng ta học tập giáo huấn của Thánh Hiền quan trọng nhất là phải khiến cho bản thân trở thành một người thiện lương, trở thành một người có thể lợi ích cho người khác. Các vị bằng hữu, thế nào là thiện? Việc này cần chúng ta phải phân biệt được, nếu không thì có thể sẽ thiện ác bất phân. Khi chúng ta thiện ác không phân rõ, rất nhiều cảnh giới vừa đến thì bạn có thể sẽ lầm đường lạc lối.

Hiện tại rất nhiều phụ huynh đều sợ con cái về sau đi theo con đường xấu, ngày ngày phiền não thì các tế bào bị ảnh hưởng, tế bào bị thay đổi, sức khỏe sẽ kém đi. Cho nên, xây dựng nền tảng năng lực phán đoán thiện ác cho trẻ thì mới đảm bảo chúng cả đời có thể được thông thuận, không đến nỗi bị người khác dẫn lầm đường. Phải nhanh chóng xây dựng trở lại năng lực phán đoán phân biệt thiện ác.

Các vị bằng hữu, con cái các vị đã được xây dựng hay chưa? Bản thân các vị đã xây dựng hay chưa? Mọi người thật là khiêm tốn, đều lắc đầu. Chúng ta hãy xem thế nào là thiện. Các vị bằng hữu, đánh người mắng người là thiện có phải không? Không phải. Vậy đối với người cúi đầu 90 độ, có lúc còn chào đến 120 độ nữa thì có phải là thiện hay không? Mọi người đều rất sợ trả lời vấn đề của tôi.

Thiện có tiêu chuẩn, “Đệ Tử Quy” là một tiêu chuẩn vô cùng tốt.

Và còn có một phán đoán khác cũng rất căn bản, phán đoán từ việc gì vậy? Từ việc họ làm việc này với cái tâm như thế nào. Đây là phán đoán căn bản nhất về thiện. Cho nên thiện là phán đoán từ chỗ nào? Từ cái tâm, từ đó có thể phán đoán được là chân thiện hay giả thiện. Con người này đối với người khác rất cung kính, nhìn thấy ai cũng hết mực cung kính, nhưng người đó chỉ hết mực cung kính đối với cấp trên, còn đối với cấp dưới thì người đó thật không khách sáo. Cho nên bạn nhìn người thì không thể chỉ nhìn một điểm, mà phải xem một đoạn dài. Xem mặt xem họ có thật sự là có chân tâm đối với bất kỳ ai hay không. Giả như người đó chỉ đối với cấp trên thì cái cúi đầu đó là có mục đích, là dựa dẫm người có quyền thế vì sự thăng chức của bản thân. Cho nên, nếu có cái tâm muốn lợi ích chính mình là tự tư tự lợi, từ đó mặc dù là cúi đầu 90 độ nhưng cũng là giả, cũng là ác. Giả như người này đánh người mắng người, hầu hết mọi người đều nghĩ họ là người không tốt, nhưng mà chúng ta hãy tỉ mỉ suy nghĩ họ có thể dùng một cái tát đó mà làm thức tỉnh người khác, lúc này mà bạn không đánh thì cũng không đúng.

Đệ Tử Quy nói: “Cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Khi bạn bè người thân phạm sai lầm, bạn không khuyên nhủ họ thì họ sai mà bạn cũng sai luôn, chúng ta không có tận hết bổn phận. Cho nên luân bạn bè trong ngũ luân tôi đã từng nêu ví dụ một người bạn của tôi. Anh ba mươi mấy tuổi, lần đầu tiên ngày sinh nhật bị mắng nửa tiếng đồng hồ. Sau khi bị mắng một ngày thì anh đã gọi điện cho tôi. Anh nói, anh ba mươi mấy năm nay nhận được món quà tốt nhất chính là việc tôi hôm qua đã mắng anh ấy. Cũng từ trong ví dụ này mà thể hội được phúc phần của một con người là ở đâu? Phúc ở việc chịu nhận lời can gián, ở chỗ có thể tiếp nhận sự khuyên can của người khác. Người này có đại phước, tâm lượng lớn, có thể khoan dung. Người đó có thể tránh khỏi biết bao nguy hiểm của cuộc đời, bởi vì người đó có thể tiếp nhận nhiều lời khuyên can. Bởi vì chúng ta biết người bạn này rất tín nhiệm đối với ta, cho nên vào lúc này giống như bạn phải dùng một roi đánh tỉnh người đó lại. Khi bạn biết suy nghĩ cho đối phương, cái tâm này là thiện. Chúng ta xem sự việc nào cũng phải nhìn từ gốc rễ, mà căn bản nằm ở đâu? Nằm ở chỗ chủ tâm của bạn. Tất cả hành vi đều từ đâu ra? Hành vi là sự phản ánh của tâm. Lời nói, hành động của chúng ta đều từ tâm mà ra. Tâm và hành không thể phân chia. Khi tâm của chúng ta vì người khác mà suy nghĩ thì lời nói, hành vi biểu hiện ra đều là lợi ích người khác, cho nên tâm hành nhất như. Muốn nâng cao đạo đức học vấn cho một đứa trẻ thì phải bắt đầu từ đâu? Từ chủ tâm của nó mà bắt đầu, gọn gàng dứt khoát. Cho nên, “nhất chân thì nhất thiết chân”.

Xin hỏi các vị bằng hữu, “nhất” có nghĩa là gì? Trình độ của các vị quá cao rồi! Tôi giảng thường cho đoán câu đố, mọi người đều đoán không ra, còn các vị thì một câu đã đoán ra được. “Nhất” ở đây là gì? Tâm chân. Vậy “nhất thiết” là gì? Là hành vi. Xin cho vị này một tràng pháo tay đi ạ! Tâm chân thì tất cả hành vi đều là chân, tâm không chân thì tất cả hành vi đều là giả.

Bạn đừng tưởng đứa trẻ đó một cung hai kính cúi đầu chào bạn, có thể khi bạn quay đi thì nó lại bĩu môi hất hàm với bạn. Con người phải nắm được cái gốc, phải nắm được thứ chân thật, đó là tại tâm. Khi một đứa trẻ có tâm hiếu thì hành vi của nó đều là hiếu thuận, là chân tâm. Khi một đứa trẻ có tâm cung kính thì tất cả hành vi của nó đều cung kính. Cho nên các vị bằng hữu không nên xem thường những lễ nghi đó, không nên xem thường những hành động lễ phép dù nhỏ nhặt, đều là từ ngoài nội hóa vào trong thành thái độ nội tâm của chúng. Cho nên sau khi chúng nội hóa rồi, lời nói hành vi đều không tách rời tâm cung kính.

Chúng ta hãy xem: “Nhất chân nhất thiết chân”. Khi tâm của bạn là chân chánh, chân thành, kỳ thực tất cả bạn bè đối với bạn đều là chân thành. Cuộc đời bạn đối diện với bất kỳ một người nào, bất kỳ một sự việc nào, kỳ thực đều là một tấm gương phản chiếu bạn. Khi bạn tốt với họ thì phản chiếu lại là họ tốt với bạn, khi bạn không tốt với họ thì phản chiếu lại là họ không tốt với bạn. Cuộc đời cũng giống như một tấm gương soi, khi chúng ta soi gương lúc nào cũng tươi cười, có nghĩa là tâm của bạn luôn luôn quan tâm người khác, cung kính đối với người khác. Chúng ta là người học tập học vấn Thánh Hiền sẽ không thể nghĩ được một ai mà cảm thấy không vừa mắt, không nghĩ ra một ai có sự trở ngại với ta, mỗi ngày suy nghĩ đều là mọi người quan tâm chăm sóc ta. Chúng ta phải mau mau nâng cao chính mình để xứng đáng với sự công nhận của mọi người. Cho nên, khi tấm gương soi cuộc đời chúng ta nhìn thấy bên này có năm mươi người cười với ta, bên kia thì phản chiếu ra năm mươi người khóc với ta, rất hung hăng với ta, vậy xin hỏi năm mươi người tươi cười này là thật hay giả? Nhất chân nhất thiết chân. Một người thật sự có thể khoan dung người khác tuyệt đối không phải 50% khoan dung, còn 50% kia không khoan dung, đó là tự gạt mình gạt người, học vấn của chúng ta vẫn chưa thật sự hướng về giáo huấn của Thánh Hiền. Tại vì sao 50% là tươi cười? Bởi vì họ nghe lời của bạn, bởi vì bạn nói thế nào thì họ làm như thế ấy, bởi vì họ thuận theo bạn nên bạn liền tươi cười với họ, không thuận theo ý bạn cho nên bạn không tươi cười với họ, vẫn là dùng yêu ghét. Dùng tâm yêu ghét đối với người là giả, không phải là chân. Dùng tâm yêu ghét, cho dù những người này đối với chúng ta là tươi cười, vào một ngày khác trong quá trình sống xảy ra một số việc đụng chạm, vẻ mặt tươi cười lập tức biến thành gì? Vì vậy, đạo đức học vấn của một người là luôn luôn đề khởi được tâm cung kính, đề khởi được sự khoan dung, đó mới gọi là học vấn chân thật. Cho nên người cầu học vấn quý ở chỗ tự biết mình, không thể lừa mình dối người. Chúng ta tuy có cơ hội nhân duyên nghe được giáo huấn Thánh Hiền, ngay trong đời này phải nên thành tựu đạo nghiệp của chính mình, nếu không thì quá đáng tiếc. Khi bạn có phần quyết tâm này để cầu học vấn thì người nhà của bạn, người thân của bạn tuyệt đối sẽ bị bạn làm cảm động chân thành. Những người ở xung quanh chúng ta, sự biến hóa thay đổi nhanh hay chậm là do ai quyết định? Do tự mình quyết định. Cho nên thiện phải xem từ gốc rễ, chính là cái tâm dùng để phân biệt chân giả.

Mà thiện chúng ta cũng phải xem đến việc họ sau khi làm những động tác này có ảnh hưởng lâu dài về sau hay không, cho nên người xưa phán đoán sự việc nhìn rất sâu xa. Giả như hiện tại ta làm dường như có chỗ tốt cho người lúc này, nhưng có thể sẽ có hại cho con người mấy trăm năm sau thì họ có làm hay không? Họ không làm. Cho nên bạn xem, người xưa chúng ta phúc hậu đến chừng nào. Người xưa nghĩ đến là những hành vi này về sau xảy ra vấn đề xấu gì. Vấn đề xấu ở đây chính là sự ảnh hưởng, sự việc này có ảnh hưởng đối với đời sau bao lâu. Họ có thể nhìn được mấy trăm năm, nhìn được mấy nghìn năm.

Khổng Lão Phu Tử nhìn được mấy trăm năm. Y theo đạo đức học vấn của Khổng Lão Phu Tử và cả tình trạng học trò của Ngài khi đó, Phu Tử lấy lại chính quyền của một nước loạn lạc nhất thì có vấn đề gì hay không? Có lẽ tuyệt đối không có vấn đề gì. Vả lại, sau khi nắm được chính quyền rồi thì việc cai trị có tốt hay không? Có thể. Nhưng việc này chỉ có thể ảnh hưởng đối với đất nước hiện tại lúc đó, không thể nào kéo dài đời đời kiếp kiếp được. Bởi vì nếu như Phu Tử ổn định chính biến trở lại, con người về sau sẽ đều nói Phu Tử muốn lật đổ chính quyền thì lật đổ chính quyền, đến lúc đó hành vi này ảnh hưởng đời sau tốt hay không tốt? Chỗ hại quá lớn. Cho nên Phu Tử nhìn thấy đủ xa, tuyệt đối không vì tài nghệ nhất thời, đây chỉ là một chút tốt đẹp trước mắt mà thôi. Chúng ta nói người đọc sách nhìn thiện không chỉ nhìn cái tâm mà còn phải nhìn được cái xấu cho đời sau lớn bao nhiêu. Vì vậy, chúng ta dạy dỗ con cái, trước mắt thì chúng có thể tiếp nhận, bạn nói đều thuận theo, nhưng dường như xem ra cũng có chút gì đó trở ngại. Nhưng hành vi sai lầm bạn vẫn thuận theo họ, đến sau cùng sẽ như thế nào? Sẽ hại họ đến mấy mươi năm. Cho nên tục ngữ nói: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Vì sao từ bi và phương tiện lại có vấn đề? Bởi vì không có trí huệ để phán đoán, cho nên người ta nhân cơ hội bạn khoan dung để làm xằng bậy một số việc, vì thế người khoan dung cần phải có trí huệ. Dù là người khoan dung thì ánh mắt của bạn cũng phải nói với họ: “Bạn làm cái gì tôi đều biết rõ ràng hết cả, bạn không nên làm xằng bậy”. Cho nên điều này chính là ngoài việc biểu lộ sự khoan dung bạn cũng phải truyền đạt để cho họ biết là bạn làm tốt thì tôi ủng hộ bạn, bạn làm không tốt thì tôi không nói bạn, nhưng nếu như bạn vẫn không biết sửa đổi thì tôi nhất định sẽ đưa ra biện pháp cứng rắn. Vì sao vậy? Biện pháp cứng rắn là từ bi. Ngoài mặt thì biện pháp cứng rắn là khiến cho một người phải thôi việc, nhưng trên thực tế đó là suy nghĩ vì đại cục. Cả công ty có thể vì một người hay làm việc thị phi mà từ bỏ người đó hay không? Bạn tha thứ cho người đó thì chính là hủy hoại cả đoàn thể, đó không phải hành vi lí trí. Cho nên tục ngữ nói: “Không thể để một con sâu làm rầu nồi canh”. Cho nên lúc này bạn phải vì đại cục mà nghĩ, đành phải loại trừ họ. Đương nhiên khi chúng ta từ bỏ họ thì nhất định phải cho họ cơ hội để sửa đổi. Khi họ không biết sửa đổi trở lại thì lúc đó chúng ta mới đưa ra chính sách cứng rắn. Nhưng mà biện pháp này đưa ra có phải là hại họ hay không? Không phải, đối với họ vẫn là từ bi. Thế gian cứ hay nghĩ: “Đối với tôi tốt thì đối với anh là không tốt”, kỳ thực phải xem bạn. Chủ tâm của bạn là chánh thì đối với ai cũng đều là tốt, đây gọi là “sự sự vô ngại”. Đây là chúng ta không có viên dung đối với đạo lý cho nên thường hay làm việc này thì phiền não chuyện này, phiền não chuyện kia. Bạn loại trừ họ ra là để cho họ không tạo sai lầm thêm nữa, đó là cho họ sự từ bi. Bạn không từ bỏ họ thì sẽ hại đến cả công ty, về sau họ tổn phước thì thật là quá lớn, cuộc đời của họ có thể đến đây đã bị hủy hoại. Cho nên sau khi bạn từ bỏ họ, bạn khiến cho họ không thể tiếp tục phá hoại cả đại cục, nhưng mà sau cùng chúng ta vẫn xem họ là bạn, thỉnh thoảng mua ít trái cây đi thăm họ. Bởi vì người mắc sai lầm có biết mình mắc sai lầm hay không? Họ vẫn biết chính mình đã sai, chỉ cần bạn hành sự chân thật đại công vô tư, đợi đến khi tâm tư của họ bình trở lại thì họ sẽ biết được ai mới là người thật sự vì họ.

Chú Lư vẫn rất kính trọng đối với những viên chức mà chú đã từ bỏ. Đương nhiên trước khi đưa ra quyết định từ bỏ thì cũng đã cho họ rất nhiều sự khoan dung, rất nhiều sự quan tâm. Bạn không thể lúc bình thường nhìn họ không vừa ý, sau đó thì đuổi họ, đó nhất định là do sự thù hận của bạn. Cho nên: “Thông hiểu được tình người thì đều là văn chương”, chúng ta phải nên suy nghĩ đến vấn đề ảnh hưởng xấu.

Phu Tử vô cùng có trí huệ, Ngài đều có thể quan sát thấy được những sự ảnh hưởng này. Có một lần Tử Cống đi đến một đất nước khác làm ăn. Nước Lỗ có một quy định, chỉ cần bạn ở đất nước khác nhìn thấy có người nước Lỗ bị bán làm nô tỳ, bị bán đi làm lao dịch, bạn đem tiền chuộc họ thì quốc gia sẽ trả lại tiền đó cho bạn. Đây là khích lệ đại chúng yêu thương người trong nước của mình, chủ động giải cứu người nước mình. Các vị bằng hữu, hoạt động này có tốt hay không? Vô cùng tốt, khiến cho người ta lúc nào cũng có thể nghĩ đến người của đất nước mình. Kết quả Tử Cống sau khi đi qua và chuộc người về, bởi vì ông là thương nhân lớn không thiếu gì tiền, ông nói với đơn vị chính phủ thời đó là: “Không cần đâu, tôi không lấy tiền”. Những người bên cạnh vừa nghe thì nghĩ người này thật thanh cao, ngay cả tiền chuộc cũng không lấy, mọi người đều cổ vũ tán thán “thật là không đơn giản”. Kết quả sau khi Tử Cống đến cạnh Phu Tử, Phu Tử đã mắng ông: “Con đã làm sai rồi!”. Bạn xem, cách nhìn của Phu Tử không giống với mọi người. Cho nên cách nhìn chung của nhiều người có phải là đã chính xác hay chưa? Hiện tại nói thời đại dân chủ giơ tay biểu quyết, nhiều người biểu quyết thì chính là đúng, kỳ thực điều đó rất nguy hiểm. Bởi vì khi con người không có lý trí, lại bị một số chính khách dùng một số hình thái ý thức bắt đầu khiến cho bạn làm việc theo cảm tính, vậy thì xong rồi. Nhân dân sẽ bị những chính khách này trù tính, khơi gợi ra rất nhiều tư tưởng sai lầm, kết quả rất nhiều quyền lực của đất nước đều bị những người có mục đích này nắm giữ. Cho nên muốn nhân dân làm dân chủ có một cái căn cơ rất quan trọng, chính là trình độ của người dân phải đạt đến một mức độ nào đó. Năng lực phán đoán, năng lực phân biệt đúng sai của họ nhất định phải có trình độ nhất định, mà người có trình độ này phải nhiều hơn một nửa thì mới có thể dùng đến dân chủ được. Cho nên chế độ không có tốt xấu, phải xem đến tố chất của cả nhân dân thì mới được. Nếu không thì dù bạn có ý tốt nhưng lại khiến cho xã hội bị hủy hoại mất. Cho nên việc này phải có trí huệ phán đoán mới được.

Phu Tử có trí huệ, cho nên Ngài đã nói với Tử Cống: “Con chuộc người về mà không lấy tiền dường như là rất thanh cao, con đối với tiền đều có thể buông bỏ được, nhưng mà con có nghĩ đến việc người dân nước Lỗ đại đa số đều là người nghèo, khi họ đi ra nơi khác đúng lúc gặp được người nước mình bị làm nô lệ, trong tâm họ suy nghĩ ta nên cứu người này, nhưng đột nhiên nghĩ đến Tử Cống người ta chuộc người về không lấy tiền, mình mà lấy thì dường như không thanh liêm bằng người ta. Nhưng nếu mình trở về lại không lấy tiền chuộc vậy thì tháng sau chắc không có cơm để ăn rồi. Chỉ cần do dự như vậy thì tâm muốn cứu người đó của họ sẽ bị ảnh hưởng. Không cần nói gì nhiều, trong số 100 người chỉ cần có một người bị lung lay như vậy không đi cứu người thì có thể có một người không thể được cứu về”. Các vị bằng hữu, nếu một người dân trong nước không được cứu về, có thể là một người cha trong một gia đình không trở về, thì có thể sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh của một gia đình. Cho nên Phu Tử nhìn cao trông rộng. Hành động này của Tử Cống trước mắt thấy là việc tốt, nhưng mà lâu xa mà nhìn thì thật sự bất lợi cho đất nước. Cho nên làm việc thì không phải bạn muốn làm sao thì làm, bạn phải có thể quan sát được cả một phạm vi rồi mới làm.

Một ví dụ khác là Tử Lộ. Tử Lộ đi ngang qua nơi nọ đúng lúc nhìn thấy có một người sắp bị chết đuối. Tử Lộ không nói lời nào liền nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối đó lên. Các vị bằng hữu, muốn cứu người chết đuối không thể lập tức cứu mà phải đợi họ uống nước sắp đuối rồi mới cứu. Bạn nói như vậy thì quá tàn nhẫn phải không? Không tàn nhẫn. Bởi vì người sắp chết đuối thì sức lực của họ ngoài tầm kiểm soát, họ nắm được cái gì thì sẽ nhấn chìm cái đó, lúc đó bạn cứu họ sẽ bị họ nhấn xuống. Cho nên cứu người vẫn phải dùng lý trí mà phán đoán, đợi họ uống nước và sắp ngất rồi thì thân thể của họ sẽ buông lỏng hơn, lúc này bạn lập tức đến cứu họ lên. Cho nên cứu người cần phải xem tình hình. Sau khi ông cứu người lên bờ, khi người này hồi tỉnh trở lại thì rất cảm ơn ông đã cứu mạng. Người này có thể nghĩ rằng: “Mình mà chết đuối thì cha mẹ mình phải làm thế nào, vợ con mình phải làm sao?”, cho nên rất vui mừng, liền đem con trâu tặng cho Tử Lộ. Tử Lộ nhìn thấy người đó chân thành như vậy nên liền nhận lấy con trâu và dắt về nhà. Người thế gian nhìn thấy thì nói Tử Lộ giúp người ta mà còn lấy đồ trả ơn, hình như không được thanh liêm như Tử Cống. Nhưng sau khi Tử Lộ dắt trâu về thì tin tức này truyền đến tai Phu Tử. Phu Tử đã khen ngợi Tử Lộ. Ngài nói: “Từ nay về sau, những việc mà người dân nước Lỗ dũng cảm cứu người sẽ càng ngày càng nhiều, gọi là “ác có ác báo, thiện có thiện báo””. Tiếp nhận một sự cảm ơn chí thành của người khác như vậy có thể khơi dậy nếp sống giúp người, cứu người trong xã hội. Cho nên Thánh Hiền nhân suy nghĩ đến là những hành động có sự ảnh hưởng lâu dài, họ đều có thể quan sát được. Cho nên, hiện tại chúng ta cũng phải quan sát cho được, chúng ta sau khi làm ra thì có ảnh hưởng gì đối với chính mình, có ảnh hưởng gì đến người trong gia đình, thậm chí là có ảnh hưởng gì đến xã hội?

Các vị bằng hữu, các vị không nên nói xã hội thì làm gì đến mức nghiêm trọng như vậy. Xã hội là do mỗi con người chúng ta hợp lại mà thành. Khi một người vứt rác thì tất cả người khác đều nghĩ vứt rác là chuyện bình thường. Khi một người lượm rác thì thức tỉnh mỗi một người đều không thể phá hoại môi trường. Cho nên quốc gia hưng vong người người đều có trách nhiệm. Chúng ta phải quan sát cho được sự ảnh hưởng này, mỗi một người đều có thể bị ảnh hưởng.

Được rồi! Tiết học hôm nay chỉ đến đây. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 26/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh