Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 16/40)

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 16/40

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta vừa nhắc đến, đời người muốn hạnh phúc phải gieo đúng hạt giống hạnh phúc, nhắc đến Mạnh Tử nói ba cái vui.

Cái vui thứ nhất là “Cha mẹ đều còn, anh em hòa thuận”. Khi hiện nay chúng ta đều còn cha mẹ và anh em, nhất định phải cố gắng quý trọng cơ hội này, nếu không thì cuộc sống sẽ có hối tiếc. Cái gọi là “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ chẳng còn”. Chúng ta luôn luôn nghĩ đến sự quan tâm của anh em đối với chúng ta, luôn nghĩ đến sự dìu dắt của trưởng bối đối với chúng ta, chúng ta đều phải nắm lấy thời cơ, cố gắng hồi báo, cố gắng quan tâm họ.

Cái vui thứ hai “Ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người. Cuộc sống từ nay về sau phải làm người thẳng thắn, trong sáng vô tư. Rất nhiều bạn nói: “Thầy Thái, tôi không kịp nữa rồi, việc trước đây của tôi đã làm sai rồi. Phu Tử nói: “Người không phải là Thánh Hiền, không ai mà không có lỗi, có lỗi mà biết sửa lỗi thì không có thiện nào bằng. Cho nên, khi chúng ta có loại dũng khí sửa lỗi này thì cái sức mạnh đó sẽ càng cảm động người hơn. Cái gọi là: “Lãng tử quay đầu vàng không đổi”. Chỉ cần có tâm sửa lỗi thì cuộc sống tương lai đều có thể sống vô cùng thẳng thắn.

Thứ ba là “Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo chi”. Chúng ta tận tâm tận lực đi giúp đỡ người khác, đi hướng dẫn người khác, cũng có thể nhận được sự yêu quý của mọi người đối với chúng ta.

Giá trị của cuộc sống ở chỗ nào vậy? Khi bạn lìa khỏi thế gian này rất nhiều người tưởng nhớ bạn, rất nhiều người cảm ơn bạn, thì giá trị của bạn ở trong đời này vô cùng cao. Khi chúng ta rời đi có rất nhiều người đứng lên vỗ tay, thế thì chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm. Tuyệt đối không nên đợi đến khi chúng ta nhắm mắt lại, cái thời khắc người ta vỗ tay đó, bạn mới cảm giác được đời này ta sống phóng đãng rồi. Khi chúng ta hiện nay nghĩ đến lúc chúng ta ra đi sẽ có rất nhiều người rất vui mừng, điều đó chứng tỏ chúng ta làm người làm sai rồi, cần nhanh chóng điều chỉnh trở lại.

Ngoài ba cái vui của Mạnh Tử ra, chúng ta vừa rồi còn nhắc đến những cái vui nào nữa vậy?

“Giúp người là vui”. Giúp người này nhất định phải đích thân cảm nhận thì mới có thể đánh thức loại tâm nhân từ của mỗi người.

Cuối cùng chúng ta nhắc đến: “Biết đủ thường vui”. Người biết đủ cuộc sống cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Người không biết đủ, cuộc sống có thể sẽ trở thành nô lệ cho vật chất, một đời bận rộn cũng không biết mình đang làm gì. Nhiều người hiện nay cảm thấy rất ngưỡng mộ loại đời sống khắp nơi đều là thiết bị điện. Chúng ta ngưỡng mộ quốc gia Âu Mỹ, giống như chúng ta ở Hồng Kông, khi chúng ta vừa bước vào cửa có thể nhìn thấy bao nhiêu đồ dùng bằng điện: lò vi ba, tủ lạnh,… cái nào cũng là điện. Thực ra, khi chúng ta bước vào trong nhà, toàn bộ nhà là một cái xưởng điện tử. Mọi lúc mọi nơi cơ thể của bạn đều đang tiếp nhận bức xạ, tiếp nhận sự nhiễu sóng của sóng điện từ này. Cho nên, mới nhìn tưởng là có phúc, trên sự thật chưa chắc là phúc thật. Người hiện nay sống ở trong loại sóng điện từ này, sống được mười năm – hai mươi năm thì rất nhiều bệnh tật liền xuất hiện. Cho nên chúng tôi nói: “Trở về tự nhiên là hạnh phúc nhất”. Tại sao nhiều người khi vào trong rừng ở vài ba ngày thì khí sắc lập tức hồng hào trở lại vậy? Thực ra những sản phẩm thiết bị điện này không phải có thể thật sự khiến bạn khỏe mạnh hạnh phúc.

Chúng ta thường nghe nói, phụ nữ mang thai không được sử dụng lò vi ba. Thế những người khác không phải phụ nữ mang thai thì có thể sử dụng lò vi ba? Có phải lò vi ba nhìn thấy phụ nữ mang thai mới làm tổn hại phải không? Thực ra mọi lúc mọi nơi bức xạ đều rất nghiêm trọng, chỉ là sợ ảnh hưởng thai nhi, đến khi sinh ra bị quái thai. Nhưng mà mỗi ngày lò vi ba vẫn đang ở đó thể hiện uy lực, chúng ta mọi lúc mọi nơi vẫn là đang bị tổn thương. Nói thành thật, những thứ đem ra từ lò vi ba ăn có ngon hay không vậy? Cái năng lượng đó ăn thức ăn không chỉ có ăn nhiệt lượng, còn có năng lượng của nó nữa. Rất nhiều thức ăn bạn ăn vào, nhất là những thức ăn dùng để ăn sống như một số rau mầm, rau cải rất tươi, cảm giác thấy sảng khoái tinh thần. Cái đó chính là thực vật đó có năng lượng, sẽ nâng cao trạng thái của bạn. Nếu như bạn đi ăn một khối lượng lớn đồ ăn đun nấu rất lâu, ăn vào quả thật rất no, nhưng lập tức cảm thấy đầu lâng lâng, buồn ngủ rất nhanh. Cho nên đồ ăn không chỉ cần ăn an tâm, mà còn phải ăn tạo ra năng lượng của nó, ăn tạo ra sức khỏe. Cho nên rất nhiều vật dụng bằng điện chưa chắc có thể khiến bạn ăn vào trở nên khỏe mạnh.

Người thật sự biết nấu nướng họ sẽ không dùng tủ lạnh, họ đều dùng rau vừa mới mua về lập tức nấu, lập tức ăn hết. Đó là thức ăn có thành phần dinh dưỡng cao nhất. Khi ăn xong, để vào tủ lạnh chất dinh dưỡng sẽ như thế nào vậy? Mỗi ngày một xuống thấp. Thậm chí là xuống đến cuối cùng ngay cả dinh dưỡng cũng không còn mà còn có hại. Cho nên, người hiện nay tại sao đều không khỏe mạnh? Chúng ta cần tìm ra cho được nguyên nhân của nó.

Người hiện nay cảm thấy đời sống nâng cao phẩm chất. Ví dụ mua điện thoại cầm tay. Điện thoại cầm tay đem lại cho chúng ta lợi ích gì vậy? Tiện liên lạc, tiện giao tiếp. Có đạo lý hay không vậy? Nghe ra rất có đạo lý. Tiện giao tiếp, tức là khoảng cách giữa người với người có thể càng ngày càng gần nhau hơn. Đây là mục tiêu, mục đích quan trọng nhất ban đầu thiết kế điện thoại. Có đúng không? Có thể kéo gần khoảng cách giữa người với người, đôi bên có thể thường xuyên quan tâm, thường xuyên liên hệ qua lại với nhau. Hiện nay, điện thoại cầm tay ngày càng thuận tiện, ngay cả trong thang máy cũng có thể thu nhận được, xin hỏi khoảng cách giữa người với người đã kéo gần lại với nhau chưa vậy? Càng ngày càng xa, đã đi ngược lại với mục đích ban đầu rồi. Cho nên sản phẩm khoa học kỹ thuật cao rốt cuộc có thể khiến cho đời sống của bạn hạnh phúc, đầy đủ hay không? Bạn cần phải thâm nhập suy nghĩ.

Hơn nữa, hiện nay đã xác định sóng từ của điện thoại di động sẽ gây nên ung thư, cho nên các vị bằng hữu nên bớt gọi. Rất nhiều người một ngày gọi đến mấy giờ đồng hồ, cái lỗ tai đều bị tổn thương. Tôi bình thường hầu như không dùng điện thoại di động, thỉnh thoảng dùng một chút. Mỗi một lần cầm điện thoại di động lên rất không thoải mái, cảm thấy nửa mặt bên này giống như bị chích thuốc tê vậy, thấy rất khó chịu. Bởi vì bạn không thường gọi, bạn lập tức có thể cảm nhận được sức mạnh của nó. Nếu như bạn gọi mỗi ngày thì bạn sẽ bị tê dại ngay. Cái này gọi là: “Vào trong quán cá mắm lâu ngày sẽ không còn thấy nó hôi thối nữa, bạn đã quen với cái mùi đó rồi, đã quen với cái cảm giác đó, không biết nó luôn luôn đều đang tổn hại bạn. Cho nên, vì sức khỏe của mình cố gắng dùng điện thoại bàn, đó là loại không có bức xạ nhất. Hơn nữa, sức khỏe của bạn không chỉ có ảnh hưởng đến bạn, mà còn khiến cho cha mẹ bạn yên tâm, cho vợ con bạn yên tâm. Nếu như bạn thật sự bất đắc dĩ vẫn phải thỉnh thoảng dùng nó thì có thể dùng tai nghe, vậy tổn hại sẽ tương đối ít hơn. Thậm chí thường xuyên vào công viên Cửu Long đi bộ một chút, đem những sóng từ này bỏ hết. Cùng với những cỏ cây hoa lá tự nhiên này hấp thụ vào một số năng lượng tốt, thường giữ thân thể khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh thì con người mới có thể hạnh phúc.

Một người cơ thể không khỏe mạnh thì có thể vui được không? Nhất định không thể vui. Không chỉ bạn không thể vui mà người thân bạn bè của bạn cũng không thể vui. Cho nên trong “Luận Ngữ” nói: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu”. Nỗi lo lắng nhất của cha mẹ chính là sức khỏe của con cái. Khi sức khỏe của chúng ta không tốt, không chỉ bản thân không vui mà cha mẹ cũng không vui, cho nên cần chăm sóc sức khỏe tốt.

Đời người còn có thú vui gì nữa không vậy? Nếu như các bạn đều không thể trả lời được, tức là đời người cũng chẳng có gì vui! Thế thì cần điều chỉnh. Tôi thấy các bạn mấy hôm nay vẻ mặt tươi cười rất nhiều, các bạn mấy hôm nay không vui vẻ sao? Đọc sách Thánh Hiền. Đúng rồi! Đọc sách Thánh Hiền vui. Cho nên: “Vui nhất không gì bằng đọc sách”. Trước đây, người có học đọc sách vui đến mức có một bài thơ: “Độc thư chi lạc lạc hà như, lục mãn song tiền thảo bất trừ. Đọc đến quên ngã, cỏ trong sân nhà đều đã mọc lên rất cao rồi mà vẫn không biết. Cho nên, thật sự đọc được sách Thánh Hiền là hạnh phúc. Tiếp nhận được lời giáo huấn Thánh Hiền chúng ta mới có thể hiểu đạo lý. Con người một khi hiểu đạo lý, “lý đắc thì tâm an. Nếu không thì cả đời rất khờ dại, không hiểu rõ đúng sai, thế là rất đau khổ.

Khóa trình lần này chúng tôi giảng năm ngày ở Hàng Châu. Trong khóa trình năm ngày này, đơn vị tổ chức đã sắp xếp một anh bạn đi cạnh bảo vệ an toàn nhóm thầy giáo này của chúng tôi. Đương nhiên không có lo lắng gì cho tính mạng, chủ yếu nhất chính là bởi vì 500 người đang nghe giảng, sợ quá nhiều học viên đến thầy giáo chúng tôi không cách gì ngăn cản được, cho nên đã phái một vị nam sĩ khoảng chừng bốn mươi tuổi. Anh ấy đã làm cảnh sát quân sự mười hai năm, nhìn thấy rất mạnh mẽ, võ nghệ cao cường, không giống như tôi thế này. Anh bạn này lúc sắp bắt đầu liền nói với tôi: “Thầy Thái à, tôi không có văn hóa, chữ cũng viết không được. Thầy lên lớp nhất định không nên gọi tôi”. Anh rất sợ tôi lên lớp gọi anh lên trả lời vấn đề. Tôi liền nói với anh: Anh không nói với tôi thì tôi cũng không gọi anh đâu, vì anh nói với tôi nên tôi sẽ chú ý đến anh. Thấy anh căng thẳng như vậy, đương nhiên tôi không có gọi anh. Anh ấy ngay lúc lên lớp liền ngồi ở ngay chính giữa, hàng thứ tư, học vô cùng chuyên chú. Cho nên con người thực ra không phải không ham học, mà là do họ không có gặp được cơ hội học tập tốt. Tôi thấy mấy ngày đó anh ấy tập trung tinh thần nghe giảng, hoàn toàn không có buồn ngủ.

Khi nghe đến ngày thứ ba, anh dắt chúng tôi đi ăn cơm, vừa đi vừa nói: “Quá tốt rồi, quá tốt rồi, thật sự là quá tốt. Chúng tôi nghe xong chẳng hiểu gì cả, chỉ cảm thấy anh rất vui sướng. Anh nói: “Quá tốt, quá tốt rồi. Sau đó anh liền nói với tôi: “Thầy Thái, tôi bây giờ chỉ có thể dùng ngôn ngữ của đứa trẻ ba tuổi để bày tỏ tâm trạng của tôi, không tìm được lời nói khác nữa. Anh nói tiếp: “Cuộc đời tôi đã sống bốn mươi năm, cuối cùng tôi biết tôi sai ở chỗ nào”. Một người cả đời không biết mình sai ở chỗ nào, rất thất vọng. Anh nói: “Tôi hiện nay cuối cùng biết vợ của tôi tại sao ly hôn tôi. Cuối cùng tôi biết tại sao con tôi không giao tiếp với tôi, tại sao đồng nghiệp sợ tôi như vậy. Hóa ra vấn đề đều ở chính mình”.

Tôi tiếp đó nói với anh: “Anh là quá vội, rất hay giận dữ. Anh vừa nghe xong lập tức rất kinh ngạc. Sau đó lại nói: “Thầy Thái, sao thầy biết vậy? Tôi đúng là rất hay giận dữ, tôi bị nó hại chết rồi. Bởi vì ở trong bài giảng của chúng tôi nói: “Phải trừng phẫn”, cần tiết chế cho được đối với phẫn nộ, cần nén cho được giận dữ xuống. Điều này quá quan trọng. Anh nói: “Sao thầy biết? Tôi đời này bị thua ở chỗ này quá nhiều rồi. Tôi tiếp đó nói với anh ấy: Một người nâng cao học vấn thì phải bắt tay làm từ chỗ khó nhất. Cho nên anh ấy nói, anh hôm đó nghĩ đến câu nói này của tôi, đã suy nghĩ đúng mấy giờ đồng hồ. Cứ ở đó suy nghĩ tính nóng giận của ta quá lớn.

Sáng ngày thứ tư, anh bạn này dắt chúng tôi đi ăn sáng. Sau khi đi rồi, anh ta liền nói: “Thầy Thái, thầy trước tiên ngồi ở bên này một chút”. Anh liền đem lại một cái ghế bảo tôi ngồi. Sau đó anh ấy nói: “Tôi muốn nói chuyện với thầy một chút”. Tôi cảm thấy bầu không khí rất kỳ lạ. Hai người đàn ông có gì để nói chuyện? Tôi cảm thấy có khả năng anh ấy không phải thật sự muốn nói chuyện với tôi. Anh thấy tôi vừa ngồi xuống, liền bước lên phía trước, là đứng ở trước mặt tôi. Anh nói: “Tôi chỉ lạy cha mẹ, chỉ lạy thầy. Tôi vừa nghe xong, không dám đón nhận, lập tức nhảy lên, nhanh chân chạy. Anh ấy quá khỏe, đã làm cảnh sát quân sự mười hai năm, liền nắm tôi đè xuống. Anh ấy nói: “Thầy Thái, thầy nhất định phải để tôi lạy. Ngay lúc đó, bạn có thể cảm nhận được một người bốn mươi tuổi hoàn toàn chân thành, không có tạo tác, giống như một đứa trẻ vậy, rất tự nhiên đem tình cảm của anh biểu hiện ra. Tôi ngồi xuống chỗ đó, trong tâm tôi nghĩ: “Ba lạy này của anh là lạy cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta”. Không có giáo huấn tốt như vậy của cổ Thánh tiên Hiền thì chúng ta không có cách gì có được sự giáo hóa tốt như thế này. Cho nên có thể cảm nhận được, cuộc đời anh ấy cuối cùng đã tìm ra phương pháp, cuộc sống tương lai không còn ngu dốt nữa, cho nên nội tâm của anh rất phấn khởi.

Sau đó, khi sắp chia tay, anh ấy liền nói với tôi: “Sau khi tôi đem công việc của tôi bàn giao xong, tôi sẽ đến học tập với thầy. Vị thầy bên cạnh chúng tôi nói: “Tốt, tốt, để anh ấy đến, anh ấy có thể bảo vệ chúng ta”. Cho nên, đời người hiểu rõ mình sai ở chỗ nào cũng là rất sung sướng, rất hạnh phúc.

Chúng ta tiếp đến: “Tri sĩ cận hồ dũng”, lấy dũng khí, đem đời người cố gắng kinh doanh tốt, xoay chuyển trở lại, thế thì càng đi sẽ càng vững chắc, càng đi càng hạnh phúc. Cho nên đọc được sách Thánh Hiền là hạnh phúc, có thể tự mình trưởng thành là hạnh phúc. Cho nên các vị bằng hữu, vẻ mặt tươi cười mấy hôm nay chính là phát triển niềm vui.

Chúng tôi đã làm chín khóa giảng trên toàn quốc, mỗi khóa đều năm ngày. Sau năm ngày, tổng hợp lại số thời gian lên lớp gần bốn mươi giờ. Không có người nào than mệt, rất chăm chỉ ghi chép. Có khi giảng bài đến mười giờ, nói: “Thôi, hôm nay chỉ học đến đây.”, cúi xuống chào. Biểu cảm bên dưới là: “Hả! Hết giờ rồi à?”. Sau đó chúng tôi nói: “Giảng thêm một giờ nữa có được không?” Họ nói: “Vâng”. Tôi nói: “Không được, không được, sáng sớm ngày mai lại lên lớp tiếp rồi. Cho nên con người thật sự có cái tâm ham học, thích thiện, mến đức. Khi chúng ta thật sự nắm được loại cơ hội học tập trí tuệ Thánh Hiền này, bạn tuyệt đối không được buông lỏng nữa, nên cố gắng quý trọng cái duyên phận này, cố gắng thành tựu cuộc đời của mình, cũng thành tựu cho thế hệ sau và cuộc đời của người có duyên xung quanh bạn. Như vậy bạn sẽ biết giúp người là vui, sẽ ngước lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người, cũng sẽ “đắc thiên hạ anh tài nhi giáo chi”, cũng sẽ thể hội được câu nói của Văn Thiên Tường: Đời người xưa nay ai không chết, hãy để lòng son chiếu sử xanh”.

Chúng ta nghiên cứu thảo luận về hạnh phúc nhân sinh, đến đây đã báo cáo xong một giai đoạn. Cũng hoan nghênh các vị bằng hữu, nếu như bạn phát hiện còn có gì là niềm vui thật của cuộc sống, rất hy vọng bạn có thể đến cung cấp ý kiến cho chúng tôi. Bởi vì cái vũ đài này là thuộc về mọi người, bạn đem nó dâng hiến ra sẽ khiến cho càng nhiều người đạt được lợi ích. Cái luân: “Lớn nhỏ có thứ lớp” này chúng ta chỉ giảng đến chỗ này. Tiếp sau đây, luân thứ năm.

Luân Thứ Năm, Bằng Hữu Hữu Tín”.

Cái luân bạn bè này cũng vô cùng quan trọng. Trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ có rất nhiều người đang ảnh hưởng đến chúng. Trẻ nhỏ trước sáu tuổi người nào ảnh hưởng đến chúng lớn nhất vậy? Là cha mẹ. Cho nên bạn thấy trẻ nhỏ đều biết nói: “Cha tôi nói, mẹ tôi nói”. Đến sau khi chúng vào tiểu học thì bắt đầu nói khác rồi: “Thầy tôi nói”. Sau khi vào Trung học cơ sở, chúng sẽ nói gì vậy? Bạn tôi nói, người bạn học nào đó của tôi nói”. Cho nên, tầm ảnh hưởng của cái luân bạn bè này sẽ theo tuổi tác mà ngày càng quan trọng. Cho nên, chúng ta thấy người đã ra xã hội, trên cơ bản tác động lại với cha mẹ sẽ không còn nhiều như trước, thường thường đều là do bạn bè ảnh hưởng họ. Bạn bè tốt, bạn bè xấu có ảnh hưởng rất lớn đối với một con người. Có một câu nói như thế này: “Sinh ta ra là cha mẹ, khiến ta trưởng thành là bạn bè”. Một người sự nghiệp nếu có thành tựu thường thường là do bạn bè giúp đỡ nhiều mặt. Cái gọi là: “Đi ra ngoài nhờ bạn bè”, “sinh ta ra là cha mẹ, khiến ta trưởng thành là bạn bè”. “Thân phụ thiện hữu là gần gũi bạn lành. “Như vụ lộ trung hành” là giống như một người đi dưới mây, đi trong rừng rậm, còn có sương mù lờ mờ. Tuy những giọt sương mù này không có lập tức làm ướt quần áo của bạn: “Tuy bất thấp y”, nhưng mà “thời thời hữu nhuận. Tuy quần áo bạn không có lập tức ướt hết, nhưng thực ra những giọt sương này từng giây từng phút đều đang làm ướt quần áo của bạn. Điều này thí dụ cho ngôn ngữ hành vi của bạn bè có hiệu quả biến đổi ngầm đối với cả đời chúng ta, cho nên chọn bạn là vô cùng quan trọng.

Các vị bằng hữu, các bạn có tin con cái của bạn sau này sẽ kết giao được bạn tốt hay không? Có thể. Con người nếu có niềm tin thì mới có thể làm tốt việc được. Nào, cho anh bạn này một tràng pháo tay! Niềm tin là vấn đề căn bản của bất kỳ sự việc, có niềm tin mới có sức mạnh. Không có niềm tin thì việc gì cũng làm không tốt. Nhưng mà không thể chỉ có niềm tin không thôi, còn cần phải có trí tuệ. Chúng ta thử nghĩ, kết giao được với bạn tốt hay bạn xấu có phải là do bốc thăm mà có không? Có phải bạn mỗi ngày lạy Bồ Tát Quan Thế Âm thì con của bạn sẽ kết giao được với bạn tốt không? Bạn tự mình sẽ kết giao được bạn tốt à? Không phải. Điều quan trọng là cần phát triển năng lực phán đoán người thiện, người ác, bạn tốt, bạn xấu cho con cái. Chúng có cái năng lực phán đoán này rồi, bạn mới có thể không còn lo lắng. Nếu không, con trẻ mấy chục năm sống ngoài xã hội bạn phải lo lắng đến khi nào. Không chỉ lựa chọn bạn bè phải lo lắng, mà chọn bạn đời bạn cũng phải lo lắng thay cho chúng, lựa chọn bạn bè làm ăn bạn cũng phải lo lắng thay cho chúng, thế cuộc sống như vậy thì số phận có tốt không? Số phận rất không tốt.

Chúng ta hãy suy nghĩ, làm thế nào khiến một người có thể phân biệt được đúng sai, thiện ác? Điều này cũng không phải đột nhiên có thể trở thành biết phân biệt đúng sai thiện ác, mà cái này cũng phải thông qua giáo dục. Chúng ta cũng dùng Kinh điển Thánh Hiền để hướng dẫn con cái.

Rất nhiều thầy giáo và phụ huynh sẽ phản ánh một vấn đề. Họ nói: “Thầy Thái, quý thầy dạy các em lương thiện như vậy, chúng đi ra sẽ bị người ta ức hiếp. Các vị bằng hữu, các vị có vấn đề này hay không vậy? Không có à? Có thì cứ nói ra, không sao cả. Rất nhiều người đều phản ánh như vậy, rất sợ dạy con cái họ quá lương thiện. Tôi hỏi họ: Thế bạn dạy con cái bạn không lương thiện là tốt hay sao?”. Thế họ dạy không lương thiện thì cái không lương thiện của chúng sẽ đối với ai đầu tiên vậy? Và tôi liền nói tiếp với họ: “Tôi đã tốt nghiệp cũng đã mười năm rồi, miễn cưỡng mà nói cũng xem như là người thiện nhỏ. Tôi mười năm nay cũng chưa từng bị người ta ức hiếp bao giờ. Cho nên, rất nhiều người khéo lo trời sập, trong đầu chứa đầy phiền não. Cái phiền não này của họ không chỉ ảnh hưởng đến mình, còn ảnh hưởng đến ai vậy? Còn ảnh hưởng đến con cái của họ. Cho nên rất nhiều người phận làm con cái đều cảm thấy cha mẹ của họ vô cùng căng thẳng, dường như họ làm cái gì cha mẹ họ cũng rất lo lắng. Cái này cũng là thái quá rồi. Chúng ta suy nghĩ không được thuận theo phiền não của mình, suy nghĩ theo quán tính. Con người suy nghĩ nên thuận theo lẽ tự nhiên mà suy nghĩ, nên thuận theo chân lý mà suy nghĩ sự việc.

“Kinh Dịch” của Trung Quốc có nhắc đến một câu giáo huấn rất quan trọng: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Cái này là nói với chúng ta, người thiện sẽ ở chung cùng với người thiện, người ác sẽ ở cùng với người ác. Cho nên con cái của bạn có bản tánh thiện mới có thể hấp dẫn người thiện đến. Giống như nam châm vậy, nó sẽ hấp dẫn những đồ sắt này. Nếu con cái bạn lại không phải nam châm thì không thể hấp dẫn đến được. Vậy chúng gặp phải bạn ác, chúng lại không biết phán đoán, sẽ không biết xa lìa. Bạn thấy trái cây kia bị thối vài ba quả thì những quả khác qua vài ngày sau cũng cùng bị thối luôn. Bởi vì cái nước bị thối này sẽ chảy ra, những quả khác sẽ bị ô nhiễm. Cho nên, nếu như chúng không có cách gì xa lìa bạn xấu thì chúng sẽ dần dần bị ảnh hưởng không tốt. Nếu chúng có trí tuệ phân biệt tốt xấu, chúng mới biết lấy bỏ, biết phải kính nhi viễn chi, giữ khoảng cách đối với người ác. Cho nên, chúng ta dùng cuộc sống của mình để cảm nhận, thiện sẽ không bị ức hiếp.

Hơn nữa, Kinh điển cũng chỉ dạy chúng ta: “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân”. Cho nên đánh bóng chính mình sáng lên thì có thể chiêu cảm đến rất nhiều hào quang. Chúng ta nói giống như ánh trăng, nhiều ngôi sao vây quanh cái ánh trăng này. Bạn đánh bóng mình rồi thì rất nhiều ngôi sao đều nương tựa vào. Cho nên, người thật sự biết kết giao bạn bè không phải mỗi ngày đi a dua nịnh hót, tặng quà cho người ta, lấy lòng người ta, như vậy có thể kết giao được bạn tốt hay không? Như vậy chỉ hoài công cho bạn. Bạn chỉ cần đánh bóng đức hạnh của mình, mọi lúc mọi nơi khiến người chung sống với bạn đều giống như tắm gió xuân, thì bạn bè sẽ đông ngay.

Tôi phát hiện ra một việc rất quan trọng, một đạo lý rất quan trọng từ trên người cháu của tôi. Mẹ của cháu gần như trước ba tuổi là bắt đầu dạy cháu “Đệ Tử Quy”, hơn nữa từng câu từng câu yêu cầu cháu thực hiện vào trong đời sống. Có thời gian, khi cháu đi ra bên ngoài nhìn thấy các em nhỏ đang đánh người ta. Nó liền kéo mẹ nó, sau đó nói với mẹ nó: Anh bạn nhỏ này không được đánh người lung tung, anh bạn nhỏ này không được chửi bới lung tung. Có người nào dạy nó đánh người là sai, mắng người là sai không vậy? Không có. Tại sao nó biết vậy? Cho nên khi bạn dạy con trẻ thiện thì chúng đồng thời cũng biết ác. Bạn nói với chúng hiếu là thiện, thế chúng có biết cái gì là ác hay không? Vâng, chính là bất hiếu. Bạn dạy chúng “anh nhường em kính” là thiện, thì chúng có biết cái gì là ác hay không? Ở đâu xung đột với bạn bè là ác. Bạn dạy nó: “Phàm là người, đều yêu thương”, phải yêu thương người khác, thế nó có biết cái gì là ác hay không? Tổn thương người khác là ác, không nghĩ thay cho người khác là ác. Bởi vì bạn dạy chúng thiện, nên chúng đồng thời cũng biết ác, có thể phân biệt rõ thiện ác. Chúng một khi phân biệt rõ sẽ biết lấy bỏ. Người như thế nào cần phải nên tiếp cận, người như thế nào không nên tiếp cận, việc như thế nào cần nên làm, việc như thế nào không nên làm, chúng bắt đầu có năng lực phán đoán.

Tại sao hiện nay nhiều người trẻ tuổi thường hay sa chân vào con đường sai lầm như vậy? Thường thường một số bạn chỉ biết gào thét, chúng không phân biệt được đúng sai phải trái, liền đi làm những việc hoang đường, vấn đề xảy ra ở chỗ nào vậy? Xảy ra chỗ từ nhỏ không có người dạy chúng biết thiện ác, cho nên khiến chúng không phân biệt được thiện ác. Một khi không phân biệt được thiện ác, chỉ cần gặp phải môi trường không tốt, bạn bè không tốt, thì lập tức sa chân vào con đường sai lầm.

Tôi đã từng thấy qua một gia đình có đứa con đã phạm lỗi lầm lớn. Cảnh sát gọi điện thoại đến nhà của họ, người mẹ nghe điện thoại. Cảnh sát nói: “Con của cô giết người rồi”. Người mẹ nói: “Tuyệt đối không thể là con của tôi được, chắc là cùng tên cùng h. Sau đó chạy đến cục cảnh sát, kết quả vừa mở cửa ra, con của họ đang ở đó viết tường trình. Bà vốn dĩ là đang khóc than nói: “Tuyệt đối không phải con tôi”, bỗng nhiên chuyển giọng: “Đều là bị những bạn xấu đó lôi kéo làm hư”. Đem trách nhiệm thật sự đùn đẩy sạch sẽ. Bạn không tốt chỉ là duyên, không phải là nhân đích thực khiến trẻ sa chân vào con đường sai lầm. Nhân đích thực ở chỗ nào vậy? Ở trẻ từ nhỏ không phân biệt được thiện ác, đây là nhân. Cái nhân này gặp được duyên ác lập tức liền đi lệch ngay. Khi một người thiện ác phân minh, mặc dù gặp phải bạn xấu thì có bị sa chân vào con đường sai lầm hay không? Không thể. Cho nên, bây giờ đặt nền móng vững chắc cho con trẻ khiến chúng biết phân biệt rõ thiện ác, bạn mới có thể không còn lo nghĩ chúng sau này có bị gặp phải bạn xấu hay không. Làm người phải biết lo nghĩ sâu xa, nếu không bạn cả đời sẽ bận rối bời. Vả lại, bận mà chưa chắc là có hiệu quả. Lo lắng vẫn cứ phải lo lắng, nhưng chưa chắc giúp ích được gì. Cho nên các vị bằng hữu, hiện nay tôi rời xa quê hương đi đến nhiều nơi như thế này, nếu như tôi không rõ thiện ác thì mẹ tôi sẽ lo lắng đến dường nào.

Khi tôi đi đến Hải Khẩu, có một câu vè thuận miệng nói là: “Không đến Thượng Hải không biết tiền ít, không đến Bắc Kinh không biết quan nhỏ, không đến Hải Nam không biết sức khỏe không tốt”. Vì sao vậy? Bởi vì Hải Nam ngành nghề đặc chủng quá nhiều, cho nên người nam đi đến nơi đó đều không ngăn nổi cám dỗ. Nếu như tôi thiện ác cũng không phân biệt được thì mẹ tôi chẳng phải mỗi ngày ở đó lo lắng sao? Cho nên chúng ta phải thật sự có đức hạnh, có học vấn mới có thể an tâm cha mẹ.

Bạn hy vọng cuộc đời sau này của con trẻ có thể đi chính xác, đi bình yên, không bị sa chân vào con đường sai lầm, ngay bây giờ bạn cần phải nhanh chóng dạy đức hạnh cho chúng, dạy chúng năng lực phân biệt đúng sai, thiện ác, tốt xấu, đây mới là kế lâu dài.

Vậy chúng ta hiện nay đã biết làm thế nào chọn bạn? Từ thiện ác của chúng mà phân biệt.

Tiếp theo, chúng ta hãy xem: Bằng hữu hữu tín”. Chữ “tín” này là chỉ tin tưởng, cũng chỉ tín nghĩa. “Nghĩa” chính là việc chánh đáng, cũng chính là nói bạn bè giao tiếp qua lại với nhau cần có đạo nghĩa, cũng cần phải có trọn bổn phận. Cho nên “tín” ngoài nghĩa tin tưởng ra còn hàm nghĩa có bổn phận ở trong đó. Chúng ta hãy nhìn chữ “Tín” này, thực ra chúng ta vừa mới nói ở trong bốn cái luân thường có cần có tín hay không vậy? Đều cần. Bạn thấy cha con có cần tín hay không? Cần. Bạn là cha mẹ mà không có tín thì trong nhà con cái đều không tin bạn. Cho nên Khổng Phu Tử nói: “Nhân vô tín bất lập”. Một người không có chữ tín thì ngay cả trong gia đình cũng không có chỗ đứng, ở ngoài xã hội cũng rất khó có chỗ đứng. Cho nên, phận làm cha mẹ khi nhận lời con trẻ thì bản thân bạn cần phải giữ lời hứa. Và trước khi nhận lời thì tốt nhất cần phải suy nghĩ cẩn thận, nhận lời rồi có giúp đỡ cho trẻ con hay không? Bạn không được thường xuyên mở chi phiếu, đến khi thỏa mãn cho chúng rồi, điều đó chưa chắc có ích cho chúng. Cho nên không nên dễ dàng nhận lời, cái này phải rất cẩn thận.

Quan hệ vua tôi có cần tín hay không? Cần. Nếu không, bạn lãnh đạo một đoàn thể, một xí nghiệp sẽ rất khó khiến người ta bội phục. Bởi vì bạn nói mà không giữ lời thì người ta sẽ không tin bạn.

Thậm chí là Chính phủ có cần giữ chữ tín với nhân dân không? Cần có chữ tín, như vậy nhân dân mới có thể tuân thủ luật lệ quy định của Chính phủ.

Vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tần có một vị “Thương Ưởng biến pháp”, quý vị có nghe bao giờ chưa? Có nghe rồi à. Vào lúc đó, tại vì sao Thương Ưởng phải cầm một cây gỗ rất dài, sau đó yêu cầu ai đem cây gỗ này từ cửa Nam đến cửa Bắc sẽ cho mười lạng bạc vậy? Tại sao ông lại dùng cách làm này? Chúng ta cũng từ chỗ này nhìn thấy, vào thời đó nhân dân nước Tần đối với Chính phủ có tin hay không? Vâng, đã không tin, cho nên phải xây dựng lại niềm tin. Nhưng khi khởi đầu thì không có người đem đi, cho nên mười lạng bạc đến cuối cùng tăng lên đến năm mươi lạng. Sau đó, có một người công nhân nói: “Thôi thì hãy thử xem sao, ông liền đem nó cầm đi qua. Chính phủ liền ban thưởng năm mươi lạng cho ông. Bởi vì sự việc này, cho nên nhân dân biết được Chính phủ hiện nay nói ra thì làm. Đương nhiên từ sau sự kiện này, Chính phủ cũng phải tiếp tục giữ chữ tín mới được. Bạn không được làm điều này một lần, ba ngày sau lại thay đổi, thế nhân dân có thể tin hay không? Là không thể tin. Cho nên vua tôi phải có chữ tín.

Vợ chồng có cần có chữ tín hay không? Cần. Vợ chồng không giữ chữ tín thì gia đình này có ổn định hay không? Thế thì rất nguy hiểm. Nhưng mà hiện nay giữa vợ chồng với nhau rất nhiều chuyện cũng không dám nói rõ, rất nhiều người còn tự giữ tiền riêng cho mình. Không có cách gì thành tâm thì không có cách gì đoàn kết được. Cho nên con người giao tiếp qua lại với nhau vẫn phải xây dựng trên nền tảng thành tín mới có thể ngày càng hòa thuận vui vẻ.

Rất nhiều người nói: “Thành tín là mỹ đức, nhưng mà hiện nay dường như không còn thích hợp nữa. Có hay không? Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đức hạnh rất quan trọng, nhưng mà cái “cảm thấy” đó của họ thường thường vẫn còn dao động. Dạy thành tín rồi, đến khi người ta gạt con của tôi thì làm thế nào? Khi người khác đều không thành tín, con cái bạn thành tín thì sẽ xảy ra tình trạng gì vậy? Sẽ xảy ra mọi người đều muốn tìm ai để phụ trách cái việc này? Tìm con bạn à? Con bạn liền trở thành quan tổng ngay. Bạn đem việc giao cho ai? Giao cho người nói ra là làm thì việc của bạn mới được bảo đảm. Khi người khác không thành tín, chỉ có con bạn thành tín thì chúng sẽ có cơ hội lớn. Cho nên chúng ta nhìn sự việc phải biết phân tích, phải biết tư duy.

Hiện nay trong thương nghiệp thật sự có tương đối nhiều hiện tượng lừa gạt lẫn nhau, nhưng mà chỉ có thể lừa được một lần, lừa được hai lần, có thể tiếp tục lừa được nữa không? Là không thể. Hơn nữa, rất nhiều thương nhân còn cảm thấy phải trốn thuế. Thực ra những động tác này có thể giành được sự tôn kính của cán bộ cấp dưới đối với họ không? Không dễ. Vả lại, trốn thuế là ngốc nhất. Tại sao vậy? Bạn trốn một đồng tiền thuế là thiếu bao nhiêu người một đồng vậy? Hàng triệu người, bạn thiếu hàng triệu người một đồng. Đời sau còn phải làm trâu làm ngựa, thế thì quá ngu si rồi. Cho nên bạn có thể quyên một đồng, bạn có thể nộp một đồng, thế thì bạn quá thông minh rồi. Một đồng này của bạn có thể giúp được bao nhiêu người vậy? Hàng triệu người. Cho nên người không rõ lý cũng có thể tạo ra những việc làm tổn hại chính mình, còn tự cho rằng thông minh, điều này quá oan uổng.

Ở trong thương nghiệp tôi đã từng gặp một người bạn rất thành tín. Anh ấy đã mang một trăm ngàn đến Thẩm Quyến, nhận hợp đồng làm ăn đầu tiên là lót gạch sàn cho ông chủ ở Sán Đầu. Sau khi ký hợp đồng xong, ông chủ Sán Đầu này nhìn thấy hợp đồng này nhất định thua lỗ, không thể có lời, cho nên ông chủ Sán Đầu này liền dặn dò những thuộc hạ giám đốc công trình này của ông, nhất định phải chú ý giám sát anh: “Anh ấy nhất định có khả năng ăn bớt ăn xén nhân công và nguyên vật liệu, nếu không thì căn cứ theo bản hợp đồng này nhất định sẽ thua lỗ. Cuối cùng, sau khi giám sát một thời gian, công trình làm xong, không có bất kỳ sự ăn bớt xén nhân công và nguyên vật liệu nào.

Sau đó, ông chủ Sán Đầu đã trả tiền cho anh bạn này. Sau khi trả xong, anh bạn này liền đi ngay. Ông chủ Sán Đầu trong tâm nghĩ: “Người này làm ăn sao mà tài giỏi đến như vậy, tôi không thể tìm ra chỗ có lời nào cả. Rõ ràng là lỗ, mà anh ấy vẫn có thể làm có lời được. Ông ta cảm thấy không sao hiểu được, liền nhanh chóng phái người gọi anh ấy lại. Sau đó ngồi xuống liền hỏi anh ấy: “Công trình này anh làm có lời hay không?”. Anh bạn này trả lời: Không có lời. Ông chủ này hỏi tiếp: Anh bây giờ mới biết là không có lời, hay là vừa ký hợp đồng là đã biết không có lời rồi?”. Anh nói: “Ký xong hợp đồng tôi đã biết không có lời rồi. Ông chủ đó rất kinh ngạc: Anh biết không có lời mà anh vẫn làm xong à?”. Anh ấy nói tiếp: Bởi vì đã ký hợp đồng rồi cho nên tôi phải giữ đúng lời hứa, tôi phải làm xong nó”. Ông nói: “Anh đã lỗ bao nhiêu tiền vậy?”. Anh nói: “Một trăm ngàn đồng vốn của tôi đều bị lỗ hết rồi. Ông chủ Sán Đầu này liền nói với anh: Tối hôm nay tôi mời anh đi dùng cơm nhé”. Cuối cùng buổi tối đã gọi hết tất cả người chủ quản những công ty con này của ông (người chuyên quản lý công trình) cùng ngồi chung lại với nhau, liền dặn dò những người chủ quản này của ông: “Sau này việc làm lót gạch sàn của chúng ta đều giao hết cho anh làm là được, không cần tìm người khác”. Cho nên anh bạn này bởi vì thành tín, nên sự nghiệp của anh được đi lên, hiện nay phát triển rất tốt.

Chúng tôi có một lần đến một tòa cao ốc Giang Tô, bên dưới lót gạch sàn rất đẹp, chính là do anh làm. Chúng tôi đi trên cái nền gạch này trong tâm cảm thấy rất yên ổn. Đây là công trình do người có chữ tín làm nên. Cho nên ở trong thương nghiệp, chúng ta chỉ cần kiên trì giữ chữ tín, khi chữ tín này ngày càng kiên cố thì sự nghiệp nhất định sẽ thành công.

Con người thường thường đều là rất vội, mong cho nhanh, đều mong muốn nhanh chóng thu được lợi nhuận, cho nên ở trong cái dục vọng vội mong cho nhanh, muốn thu được lợi nhuận này thường thường đều sẽ tạo nên những việc làm phạm pháp. Cho nên rất nhiều nhà doanh nghiệp kết cục là gì vậy? Là bị đi ngồi tù. Đến cuối cùng âm mưu bị bại lộ, vẫn bị đi tù.

Cho nên chúng ta nói, đời người vẫn phải đi đường chánh đạo, vẫn phải theo nề nếp cũ là tốt. Bạn có thể kiên trì đức hạnh càng lâu thì phước về sau của bạn là vô cùng.

Tôi xin nêu một ví dụ. Trong những công ty mà chú Lư chỉ đạo, có một công ty làm khu vui chơi Sâm Lâm. Khu vui chơi đó vô cùng xinh đẹp, cây Mây ở đó cũng đến 1.000 năm rồi, cho nên hàm lượng Phytoncid ở trong khu vui chơi Sâm Lâm này xếp vị trí hàng đầu trên toàn cầu. Ông chủ này bởi vì yêu quý cái mảng rừng này nên không chịu đốn cây, ông đã phụ trách rất nghiêm ngặt. Người ta đều khuyên ông: “Anh đốn một cây là có mấy chục ngàn, có thể giảm bớt nợ nần của anh. Ông ấy vẫn không đồng ý, ông cảm thấy cần bảo vệ. Chúng ta nói: “Quý trọng sự sống của muôn vật, những thực vật này đều có mạng sống. Tôi thấy kiến trúc của nó rất có ý nghĩa. Có một cây lớn phát triển ở chỗ này, ông vì muốn giữ cái cây lớn này lại, còn dời nhà của ông đến xây gần đó. Cho nên, khắp nơi nhìn thấy có loại tâm nhân từ này, không chỉ đối với người, mà còn đối với vạn vật nữa. Bởi vì có cái tâm như vậy nên chú Lư này tuy đã gác kiếm rồi (đã không còn xuất hiện nữa, không còn giúp xí nghiệp giải quyết vấn đề nữa), nhưng mà bởi vì người này có cái tâm quá tốt như vậy, chú tái xuất giang hồ giúp đỡ ông ấy. Ông chủ này đã bị thua lỗ mười hai năm rồi. Nếu như ông ấy không có cái tâm nhân từ này thì ông không thể cảm chú Lư đến giúp đỡ ông được. Cuối cùng, vừa đúng năm thứ mười hai, chú Lư đến giúp đỡ khu vui chơi của ông đào được suối nước nóng. Vốn dĩ khu vui chơi đã rất xinh đẹp, lại đào được suối nước nóng, năm thứ mười ba là có lời. Phần lãi có thể bù vào khoảng lỗ của mười hai năm trước đây. Cho nên, con người chỉ cần có cái tâm nhân từ này, thật sự phước về sau vô cùng. Chú Lư lại nói tiếp với ông ấy: Khi một người trèo càng cao chính là lúc càng nguy hiểm, liền tiếp đó nhắc nhở cho ông rất nhiều điều. Cho nên, nếu ông không có cái tâm yêu thương như vậy, không có thành tín như vậy thì sẽ không thể cảm được nhiều trợ lực như vậy. Con người chúng ta cần có niềm tin với đạo đức, cần cố gắng tuân theo giáo huấn Thánh Hiền để làm người, mới có thể khiến cả đời có sự thành tín rất tốt.

Bạn bè có chữ tín, bạn bè chung sống với nhau cần có tín nghĩa. Chúng ta thử xem người có học thời Cổ đại đối đãi bạn bè là dùng thái độ gì?

Trong “Hiếu Kinh” có một câu: “Sĩ hữu tranh hữu, tắc thân bất ly ư lệnh danh”. Một người có học chỉ cần chịu nhận lời khuyên răn bạn bè của họ thì cả đời họ sẽ không đến nỗi thân bại danh liệt. Khi một người dễ phạm lỗi lầm nhất, tuyệt đối không phải lúc đi xuống, mà là lúc cuộc sống rất phát đạt, thường thường sẽ đắc ý quên mình. Vào lúc này chỉ cần có bạn bè tốt, họ nhất định sẽ làm tròn bổn phận của họ để khuyên răn chúng ta. Cuộc sống của bạn có rất nhiều nguy cơ có thể gặp dữ hóa lành còn phải dựa vào bạn bè tốt của bạn. Cho nên khuyên răn bạn bè là bổn phận của người làm bạn chúng ta.

Xin hỏi, trước khi muốn khuyên răn bạn bè cần có nền tảng gì mới được vậy? Bạn hôm nay mới quen biết họ có ba ngày, sau đó có thể nói thẳng thắn với họ không? Có được không? Không được. Nhất định phải xây dựng ở trên mức độ tín nhiệm mới được.

Trong “Luận Ngữ” có một câu: “Quân tử tín nhi hậu gián”. Khi bạn bè tin tưởng bạn, sau đó bạn mới có thể khuyên răn họ. Không tin, còn chưa tin tưởng bạn, bạn đã khuyên răn họ, “tắc dĩ vi báng kỷ dã”, họ sẽ cảm thấy có phải anh kiếm chuyện với tôi không, có phải anh đang phỉ báng tôi không? Cho nên, khuyên người khác trước tiên phải xây dựng trên cơ sở của tin tưởng. Rất nhiều người đều nói họ rất chính trực, họ rất biết khuyên răn người khác, nhưng mà bạn bè đều không tiếp nhận. Họ sẽ cảm thấy những người này đều rất không có thiện căn, đều rất không biết nghe lời. Vấn đề ở ai vậy? Ở chính mình. Chúng ta không có xem xét thời thế, không có đặt nền móng từ trên tin tưởng trước.

Vả lại, khuyên răn người khác vẫn phải xem thời cơ tình huống, cái gọi là: “Dương thiện nơi công đường, khuyên lỗi nơi phòng riêng”. Bạn tán dương một người có thể tán dương tại nơi đông người, nhưng mà bạn muốn khuyên một người phải ở nơi phòng riêng. Bởi vì cái thứ gì của họ vẫn chưa có bị bán đi vậy? Thể diện của họ vẫn chưa có bị bán đi, cho nên bạn phải giữ thể diện cho họ, nếu không thì họ sẽ thẹn quá hóa giận. Rất nhiều người không có cái năng lực quan sát này, bên cạnh vẫn còn rất nhiều bạn đang ở đó, lập tức liền chỉ ra khuyết điểm của họ. Nội tâm của họ ở trong đó nghĩ: “Anh hãy nhớ tôi đó nghen”. Cho nên nhất định phải tin tưởng mới được.

Và tin tưởng có phải một sớm một chiều hay không? Tôi rất tin tưởng anh, anh cũng phải tin tưởng tôi, họ liền tin tưởng bạn ngay hay sao? Cũng không phải. Cần phải trên cơ sở gì? Cơ sở bỏ công giúp đỡ. Và bỏ công giúp đỡ cần quan sát thấy rõ được nhu cầu của người khác. Bạn phải thường xuyên quan sát nhu cầu của người khác mới có thể làm tốt việc bỏ công giúp đỡ, mới có thể nhận được sự tin tưởng.

Hôm nay bài học của chúng ta trước tiên học đến chỗ này, ngày mai chúng ta tiếp tục. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 16/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh