Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 14/40)

 

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 14/40

 

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta đã nhắc đến việc dạy dỗ con cái thì vợ chồng phải phối hợp cho tốt, phải kết hợp cương và nhu, kết hợp rộng lượng và nghiêm khắc. Việc kết hợp cương nhu thì không những vợ chồng phối hợp tốt, mà người làm cha làm mẹ cũng cần phải vận dụng phương pháp cương nhu khéo léo.

Các vị bằng hữu, các vị hiện có ai đang có con đang học lớp một hay không? Có vị bằng hữu nào mà con các vị đang học lớp một hay không? Tôi thường hay mời một người phụ huynh phối hợp với tôi, tôi nói với cô ấy: “Hôm nay tôi giả làm con của chị, gọi điện cho chị. Cô ấy giả làm mẹ của tôi”. Tôi liền gọi điện cho cô ấy nói: “Mẹ ơi, quyển vở bài tập con quên mang đi rồi, ngày hôm qua vất vả lắm mới làm xong, mẹ giúp con đem lên trường với, nhà mình chạy lên đây chừng hai phút chứ mấy, mẹ là tốt nhất, xin mẹ đấy, mau mau đem lên giúp con!”. Các vị bằng hữu, vậy có nên đem đi cho nó hay không? Có người nói nên, người nói không nên. Rất nhiều phụ huynh khi xảy ra một sự việc như vậy thì do dự rất lâu. Tôi nói, lúc này mà còn do dự thì đảm bảo khi xảy ra chuyện như vậy sẽ như thế nào? Nhất định sẽ đem đến cho chúng. Chúng ta lại xem, nếu đem đến như vậy thì sẽ tạo thành kết quả như thế nào? Có một thì sẽ có hai, “vô tam bất thành lễ”. Cho nên có thể là bạn phải đưa đồ đến cho chúng bao lâu nữa? Các vị bằng hữu, có thể là các vị sẽ phải đem đến cho chúng suốt cả cuộc đời. Bởi vì đi theo công tác giáo dục cho nên tôi thường hay quan sát trẻ con, thậm chí quan sát rất nhiều những thanh niên trẻ tuổi, cũng cảm thấy rất rõ ràng chúng ta càng giúp con cái nhiều thì con cái lại càng không biết trân trọng. Con cái của chúng ta càng cảm thấy cha mẹ giúp mình làm những việc đó là việc nên làm thôi.

Tôi còn chính mắt thấy có rất nhiều phụ huynh còn giúp con tìm việc làm tốt, sau đó lại thương lượng với con cái: “Ba xin con đấy, hãy đi làm công việc ở đó được không?”. Đứa con đó còn tỏ ra dáng vẻ không mấy hài lòng cho lắm, nó nói: “Được rồi, nể mặt ba mẹ con sẽ đi thử xem sao”. Nếu biết sớm thì việc gì phải làm như vậy? Bởi vì sao chúng lại không có tinh thần trách nhiệm như vậy? Vì sao không có thái độ tự lo liệu đối với sự việc của chính mình như vậy? Bởi vì ngay từ nhỏ khi chúng xảy ra vấn đề thì ai là người đã giúp cho chúng giải quyết tàn cuộc? Đều là cha mẹ, là ông bà, thậm chí là anh chị em trong gia đình, hết thảy đều thay chúng giải quyết vấn đề. Thế là ngay từ nhỏ, hễ xảy ra chuyện thì chúng liền nghĩ dù gì thì mình cũng có nhiều người giúp đỡ, cho nên chúng cũng không thể nào nâng cao được tinh thần trách nhiệm và tính cảnh giác.

Vì vậy, bạn đừng có xem nhẹ bất kỳ một tác động nào của bạn đối với trẻ ngay từ khi chúng còn nhỏ, việc đó đều có thể ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời của chúng sau này. Vì vậy, việc giáo dục có ba chữ vô cùng quan trọng: “Thận ư thủy”. Thủy là bắt đầu. Khi mới bắt đầu mà bạn dùng phương pháp đối với chúng không đúng thì có thể cả đời của chúng cũng không kéo trở lại được. Cho nên chúng ta nhìn thấy hiện nay có rất nhiều người cũng đã lớn đến hai mươi mấy ba mươi tuổi mà rất nhiều việc nhà lẫn công việc vẫn phải khiến cho cha mẹ của chúng bận tâm rất nhiều, thậm chí còn phải nhờ đến cha mẹ chăm lo cho chúng về mặt kinh tế. Đây là không có nuôi dưỡng được một thái độ có trách nhiệm đối với cuộc đời của chính mình.

Chú Lư (Lư tiên sinh) rất biết cách dạy con. Chú đem ví dụ này để giải thích rõ cho tôi nghe. Chú nói con gái của chú lần đầu tiên quên mang quyển vở bài tập, gọi điện về nhà nhờ chú đem lên (ba thương con gái nhất, mẹ thì tương đối thương con trai hơn), nhưng chú rất có lý trí, liền nói với con gái của mình: “Không mang theo vở bài tập là sai sót tự con làm ra, vậy thì phải tự mình chấp nhận hậu quả”, sau đó liền dập điện thoại xuống. Tôi tin rằng sau khi tắt điện thoại thì trong lòng đứa con gái như thế nào? Sẽ chấn động một chút, sẽ để lại ký ức sâu sắc. Động tác dập điện thoại xuống đó là uy nghiêm. Đứa con gái của chú đến chiều thì tan học trở về. Các vị bằng hữu, có cần phải tiếp tục trách mắng hay không? Ông bà xưa có câu: “Phải trung dung”, quá hung sẽ tổn thương đến tình thân, quá tốt thì chúng sẽ không có trách nhiệm, đều cảm thấy đó là việc nên làm. Bởi vì đã dập điện thoại đối với nó, khi trở về lại thì phải tình nghĩa chứ không thể lại dữ dằn trách mắng. Cho nên khi nhìn thấy đứa con gái trở về mặt mày ủ rũ, vào lúc này thì người làm cha liền đi đến hỏi nó. Chú hỏi: “Hôm nay con có bị thầy phạt hay không?”. Con gái của chú gật đầu. Tiếp đến chú nói: “Ba sẽ dạy cho con một phương pháp đảm bảo sau này con sẽ không còn bị thầy giáo phạt vì những chuyện như vậy nữa”. Chú vừa nói như vậy thì đôi mắt của đứa con gái liền sáng lên: “Là phương pháp gì vậy, nói cho con nghe đi!”. Người cha liền nói: “Chỉ cần mỗi ngày trước khi đi ngủ thì lấy sổ ghi nhớ ra, rồi lấy hết sách giáo khoa ngày mai học ra, sau đó đánh dấu lại. Lại lấy hết vở bài tập ra, lấy vở bài tập đã làm xong bỏ vào trong cặp, sau đó lại đánh dấu. Đánh dấu cho hết rồi thì có nghĩa là đồ đạc của con đã chuẩn bị xong rồi, vậy thì con có thể ngủ một giấc thật là ngon”. Không chỉ khiến tâm của đứa trẻ có thể an tâm đi ngủ mà quan trọng hơn là giúp huấn luyện cho trẻ năng lực tự quản lý lấy cuộc sống của chính mình.

Các vị bằng hữu, khi nào thì một đứa trẻ mới học năng lực quản lý cuộc sống? Có phải là học lên tới học viện quản lý rồi mới học hay không? Rất nhiều năng lực đều phải tích lũy từ ngày này qua tháng nọ, đều là công phu nước chảy đá mòn, tuyệt đối không phải là năng lực hình thành chỉ trong chốc lát. Vì thế, hiện nay những học sinh bước ra từ khoa quản lý doanh nghiệp của trường đại học danh tiếng, bạn nhìn thấy cái bàn của chúng lộn xộn thì bạn có dám dùng người đó hay không? Ngay cả cuộc sống chính mình còn không sắp xếp cho ổn thỏa, bạn còn để cho người đó quản lý công ty sao. Cho nên một người mà cuộc sống được gọn gàng ngăn nắp thì cách họ suy nghĩ, cách họ đối diện với vấn đề sẽ rành mạch phân minh. Cho nên, cách quản lý đó của chúng là phải được vun trồng ngay từ nhỏ. Bởi vì sao mà con của chú khi bước ra đi xin việc thì ông chủ đã nói với con chú là anh muốn được bao nhiêu lương thì cứ việc nói. Những năng lực như vậy đều là phải hình thành từ nhỏ. Cho nên khi trẻ đã học xong “Đệ Tử Quy” thì chúng sẽ hình thành được cả một quy phạm của cuộc sống, khi làm việc gì cũng khiến người khác yên tâm, đối với người lại rất khiêm cung, đều chiếm được rất nhiều tình cảm và sự đề bạt của lãnh đạo cấp trên.

Vì vậy, làm thế nào để con trẻ cả cuộc đời có thể đạt được thật nhiều trợ lực? Việc làm quan trọng nhất của chúng ta hiện tại là giúp chúng hình thành nên thái độ làm người làm việc? Cho nên khi tôi chia sẻ với các phụ huynh, tôi nói các vị bỏ ra thời gian ba đến năm năm mà có thể khiến cho con cái của các vị cả đời được lợi ích, việc này mới chân thật là thù lao cho việc đầu tư của các vị. Cho nên nhu cương kết hợp, vừa rộng lượng vừa nghiêm khắc, chúng ta đều có thể dùng vào mọi phương diện của việc giáo dục con cái.

Ngoài việc giáo dục con cái ra thì bầu không khí trong gia đình đều cần đến hai vợ chồng cùng tạo nên. Bầu không khí mà tốt, con cái được lớn lên trong hoàn cảnh như vậy thì nhân cách của chúng sẽ kiện toàn. Nhưng bây giờ chúng ta hãy xem, hiện nay mối quan hệ vợ chồng có tốt hay không vậy? Không tốt, xung đột rất nhiều. Kỳ thực chúng tôi lúc trước có nói đến, không chỉ là con người với nhau, vợ chồng với nhau có xung đột, mà bản thân mình cũng xung đột với chính mình. Bởi vì tâm lượng của con người càng ngày càng nhỏ, tâm con người ta chỉ biết nhìn thấy khuyết điểm của người khác, đều không biết tự kiểm thảo thái độ của chính mình.

Tôi làm công tác thúc đẩy văn hóa tại Hải Khẩu, lần đầu tiên ngồi chung một bàn cùng ăn cơm với một nhóm bạn, trong lúc nói chuyện ăn cơm tôi mới biết được trong số người ngồi chung bàn có bốn người là nữ mà đã có đến ba người đã ly hôn, người còn lại thì chuẩn bị ly hôn. Làm sao đây? Gặp nhau là có duyên, bữa ăn này của chúng tôi không thể vô nghĩa được, làm sao để đừng có lỗi với những người có duyên này. Cho nên tôi liền mau chóng quan sát thời cơ, xem coi lúc nào thì có thể khuyên bảo họ, ra sức cứu gỡ tình thế rối rắm này để thay đổi cách nghĩ của họ. Trong lúc nói chuyện với nhau, tôi cứ quan sát để tìm cơ hội, đột nhiên đề tài câu chuyện vừa thay đổi, tôi liền nói: “Giữa vợ chồng với nhau chỉ cần giữ một câu chân ngôn, bảo đảm là sống đến bạc đầu. Chỉ cần giữ một câu này là được”. Vị đồng nghiệp nữ sắp ly hôn này liền mở mắt rất to, tôi cũng cảm thấy cô ấy đang rất cố gắng lắng nghe, chuẩn bị nghe tôi nói ra. Tiếp theo tôi nói: “Từ lúc kết hôn trở về sau chỉ nhìn vào ưu điểm của đối phương, không nhìn vào khuyết điểm của đối phương”. Tôi lặp lại như vậy một lần nữa: “Chỉ nhìn vào ưu điểm của đối phương, không nhìn vào khuyết điểm của đối phương”. Tôi nói những lời này xong, vị nữ bằng hữu này liền chau mày lại, trả lời với tôi một câu: “Thầy Thái ơi, khó lắm!”. Các vị bằng hữu, có khó hay không vậy?

Có lần, khi tôi diễn giảng tại Châu Hải, tôi vừa nói xong câu nói này thì phía dưới liền có một người nữ trả lời tôi: “Chẳng có ưu điểm gì cả”. Cô ấy lập tức trả lời tôi một câu: “Không có ưu điểm gì đáng để nói cả”. Tôi nhìn người phụ nữ đó, liền đáp lại cô: “Chồng của chị không có ưu điểm gì vậy tại sao chị lại dám lấy anh ta, tôi thật sự khâm phục chị!”. Con người mà tính khí nổi lên, khi nhìn người khác mà không vừa ý nữa thì có còn nhìn thấy được ưu điểm của đối phương nữa không? Không nhìn thấy. Dục khiến không còn sáng suốt nữa, con người khi tính khí nổi lên thì cái gì cũng không còn thấy nữa. Cho nên, tiếp thêm chúng tôi dẫn dắt cho cô suy nghĩ, trước khi kết hôn thì chắc đều đã trải qua một giai đoạn yêu đương nồng nhiệt.

Những cặp vợ chồng kết hôn với nhau này thử ngồi con tàu ngược thời gian trở về giai đoạn nồng nhiệt nhất xem. Chúng ta thường hay nhìn thấy những người nam nữ trong thời kỳ tình cảm cuồng nhiệt, có thể ấn chứng một câu tục ngữ: “Chỉ ước làm uyên ương không ước thành tiên”. Cho nên thường năm giờ ba mươi phút tan ca thì mới năm giờ họ đã không ngồi yên rồi. Họ sẽ nghĩ: “Sao mà thời gian chậm như vậy chứ, chút nữa tôi cùng bạn gái đi xem phim, còn đưa cô ấy đi mua đồ nữa”. Mỗi ngày chỉ nghĩ đến làm thế nào để bạn gái được vui hơn. Cho nên vào lúc đó thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đối phương, lúc nào trong tâm cũng chỉ suy nghĩ “ta làm được gì cho cô ấy đây, ta có thể vì đối phương làm được những gì?”. Cho nên, cảm giác khi yêu là ấm áp ngọt ngào. Khi có một người luôn biết suy nghĩ cho bạn, thì bạn sẽ như thế nào? Sẽ rất lấy làm hoan hỷ. Thậm chí là đến lúc nửa đêm ngủ mơ cũng còn mỉm cười, cứ tưởng là đang nằm mơ vậy.

Bởi vì trước khi kết hôn thì luôn suy nghĩ cho đối phương, cho nên cảm giác vô cùng tốt, như được ở trên thiên đường. Sau khi đã kết hôn rồi, sau khi con dấu chứng nhận kết hôn đã được đóng xuống rồi thì cách nghĩ liền thay đổi. Vốn dĩ lúc nào cũng suy nghĩ làm gì đó cho đối phương, sau khi con dấu đóng xuống rồi thì đột nhiên liền thay đổi cách nghĩ, rằng đối phương phải nên suy nghĩ cho ta như thế nào, lúc nào cũng yêu cầu đối phương, “em việc này chưa làm xong, việc kia chưa làm tốt”. Cảm giác của chúng ta như thế nào vậy? Rất có áp lực. Sống chung với nhau càng ngày càng cảm thấy không được thông cảm, không được xem trọng và bao dung, cho nên vợ chồng sống chung với nhau áp lực ngày một lớn hơn. Khi cảm thấy không còn thấu hiểu nhau mà mỗi ngày vẫn phải sống chung với nhau, lâu ngày dài tháng sẽ bằng mặt mà không bằng lòng. Cho nên trước hôn nhân thì như thiên đường, sau hôn nhân thì như địa ngục, vấn đề là ở chỗ nào? Là ở chỗ giữa một niệm. Trước đây thì mọi điều đều vì đối phương mà nghĩ, sau khi kết hôn rồi thì mọi điều đều yêu cầu người khác, cho nên từ thiên đường đã đi xuống tới địa ngục rồi. Vậy có thể nào từ địa ngục lại lên thiên đường không? Thành bại đều do con người, dựa vào cách chúng ta dụng tâm, quan tâm thông cảm để duy trì cuộc sống gia đình của chúng ta.

Có một người, đúng lúc có dịp được gặp một vị tiểu Thiên sứ, vị tiểu Thiên sứ nói với người đó: “Ta có thể dắt anh đi xem thiên đường và địa ngục”. Người này cũng rất hiếu kỳ nói: “Được thôi, vậy bây giờ Thiên sứ hãy dắt tôi đi xem địa ngục coi nó ra làm sao”. Kết quả sau khi người đó đến, nhìn thấy địa ngục là một hàng bàn dài hai bên đều ngồi kín hết người, trên bàn lại bày dọn ra các loại món ăn. Trên bàn đôi đũa của mỗi người đều dài một mét. Sau đó có tiếng hô “bắt đầu” thì người ngồi hai bên bàn đều cầm đũa lên gắp và ra sức đưa về phía miệng của mình, lo sợ mình ăn ít hơn người khác, không giành được thức ăn, thế là mọi người cùng nhau giành. Đôi đũa thì quá dài, mới nửa đường thì đũa đụng đũa làm thức ăn rơi đầy cả mặt đất. Không những thức rơi đầy đất mà mọi người còn lớn tiếng mắng chửi nhau, nổi giận hết mức, mọi người đều không ăn được. Người đó nhìn thấy như vậy cảm thấy không thể tiếp tục xem được nữa, nói: “Được rồi, tôi không xem nữa, bạn hãy đưa tôi đi xem thiên đường xem ra làm sao”.

Sau khi đi đến thiên đường, người này liền rất kinh ngạc, làm sao lại vẫn là những chiếc bàn giống như vậy, đũa cũng dài đến một mét giống như vậy, đồ ăn thức uống cũng là những món đó, anh ta liền cảm thấy rất bối rối. Sau đó cũng một tiếng hô “bắt đầu” vang lên. Tất cả mọi người đều gắp thức ăn lên và đút cho những người đối diện ăn. Có những người nhân duyên đặc biệt tốt, chỉ một chút mà có ba đến bốn người đều gắp thức ăn đút cho người đó, làm người đó sắp nghẹn mà phải nói: “Đợi chút xíu để tôi nuốt đã rồi đút”. Vì vậy, niệm niệm đều nghĩ đến người khác, “ta vì người người, người người vì ta”, “người yêu người thường được người yêu lại, người kính người thường được người kính lại”. Cho nên, hễ niệm tự tư tự lợi thì ở địa ngục, mỗi ngày còn phải tức giận bán sống bán chết. Hễ niệm mà đều nghĩ đến cho người thì đi đến đâu? Đi đến thiên đường. Bầu không khí ở đó vô cùng hòa thuận. Cho nên thiên đường và địa ngục chỉ nằm ở trong một niệm.

Khi chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác, khi chúng ta lúc nào cũng biết xem trọng ưu điểm của đối phương, thì bầu không khí của cả gia đình sẽ thay đổi. Mặc dù tôi chưa kết hôn, nhưng người chưa kết hôn cũng không có nghĩa là không hiểu được đạo lý vợ chồng. Chúng ta có thể xem nhiều, học nhiều, nghe nhiều, thì bạn có thể luôn suy nghĩ cho anh ấy. Có thể hôm nay chồng về muộn một chút, chúng ta có thể bật sẵn một bóng đèn sáng cho anh ấy. Sau đó trước khi bạn đi ngủ thì hãy nấu cái gì đó để sẵn ở bếp, lại viết một tờ giấy nhắn để ở nơi nào dễ nhìn thấy nhất, có thể viết: “Đồ ăn để dành cho anh, hãy ăn khi còn nóng”. Vì thế, giữa vợ chồng với nhau chưa chắc phải dùng lời nói, mà từng cử chỉ động tác của bạn đều có thể biểu đạt được sự quan tâm chăm sóc tới đối phương. Tình cảm vợ chồng càng tốt thì không khí gia đình và việc giáo dục con cái tự nhiên sẽ càng ngày càng tốt hơn. Vì thế mà đạo vợ chồng là một đại học vấn. Vì sao vậy? Bởi vì nó là một vòng thân thiết nhất trong các mối quan hệ giao tế của con người, gọi là: “Phu phụ đồng thất”. Ở cùng một ngôi nhà, so với quan hệ anh em hay quan hệ cha con thì còn thân thiết hơn. Cha con, anh em là cùng một gia đình, đơn vị đó tương đối lớn hơn. Cho nên, mối quan hệ nhân tế này nhất định phải làm cho được tốt thì mới có thể khiến cho con cái của bạn học tốt vấn về mối quan hệ giữa con người với con người.

Vậy chúng ta hãy xem, vợ chồng sống chung thì phải nên tương tác với nhau như thế nào? Ngoài việc nên xem trọng những ưu điểm của đối phương chúng tôi vừa mới nhắc, phải biết quan tâm đối phương, phải biết hóm hỉnh. Ngoài việc tưới nhuần cuộc sống trong gia đình thì trong giáo huấn của Thánh Hiền nêu ra “Tứ Nhiếp Pháp”, bốn phương pháp để vợ chồng hòa thuận với nhau.

Thứ nhất là “Bố Thí”. Hay nói một cách khác, mời ăn uống nhiều một chút, tặng quà nhiều một chút. Các vị bằng hữu, các vị đã bao lâu rồi chưa tặng quà cho bà xã vậy? Các vị đã bao lâu rồi chưa tặng quà cho ông xã vậy? Có thể giật mình nhận ra hình như sau khi cưới nhau tới giờ không có tặng quà. Việc bạn dụng tâm vào những điều nhỏ nhặt này đối phương đều có thể cảm nhận được. Tôi thường thường hỏi như vậy xong thì đại đa số đều nói không có thường xuyên tặng quà hay mời đi ăn uống. Tôi đều hỏi các vị, mỗi lần đi ra ngoài công tác, hoặc là đi du lịch ở đâu đó trở về thì có mua quà đem về cho vợ hay không, có mua quà cho chồng của bạn hay không? Tôi nhìn thấy một cánh tay giơ lên nhiều lần, là của một vị khoảng sáu mươi mấy tuổi. Cho nên đích thực vẫn phải dụng tâm. Người vợ mà nhận được quà của chồng thì sẽ như thế nào? Trong lòng rất ấm áp, cảm thấy rằng dù chồng có đi đến đâu thì cũng nhớ đến vợ. Phụ nữ rất dễ vừa lòng, chỉ cần bạn khiến cho họ cảm thấy bạn để ý đến họ thì họ sẽ không từ khó nhọc. Cũng có thể sau khi nhận được quà sẽ nói: “Em sẽ đi nấu cho anh một tô mì nhé!”. Cho nên phải thường mời đi ăn, thường tặng quà.

Thư hai là “Ái Ngữ”. Nói nhiều lời quan tâm. Vợ chồng với nhau lời nói không nên xung đột, không nên quá trực tiếp. Ví dụ như người chồng có thói quen ăn uống không tốt, lâu dần có thể sẽ bị bệnh, rất nhiều người vợ nhìn thấy thì không giữ được bình tĩnh, lập tức liền mắng: “Anh cứ ăn đi, mai mốt bị cao huyết áp. Anh ăn cái này đi rồi mai mốt bệnh tiểu đường”. Anh ấy sẽ nói như thế nào? “Tôi tiểu đường thì kệ tôi liên quan gì đến cô”. Những lời quá trực tiếp sẽ có tác dụng ngược lại, phải nên có ái ngữ để người nghe có thể cảm thấy thoải mái, có thể tiếp nhận. Bạn có thể nói với anh ấy: “Ông xã à”, sao tôi nói tôi cũng cảm thấy nổi cả da gà. Bạn hãy nói đại loại như: “Ông xã à, sức khỏe của anh là hạnh phúc của cả cuộc đời em, là sự đảm bảo cho cả cuộc đời con cái, cho nên sức khỏe của anh rất quan trọng. Ông xã khi ăn uống phải hết sức cẩn thận, mấy đồ ăn này không tốt cho sức khỏe của anh, ăn xong lần này mai mốt anh đừng ăn nữa nhé!”. Bạn không có ở đó giành giật với anh ấy, anh ấy đột nhiên sẽ nghĩ bạn xem trọng anh ấy đến như vậy. Vì vậy, những lời ái ngữ này phải xem sự dụng tâm của chúng ta.

Thứ ba là “Lợi Hành”. “Lợi hành” có nghĩa là lúc nào cũng phải khiến cho anh ấy làm việc được thuận lợi, giúp anh ấy đẩy thêm một tay. Kỳ thực “lợi hành” tốt nhất chính là chúng ta chăm lo cho thật tốt việc trong nhà của mình, con cái cũng rất hiểu chuyện, như vậy thì người chồng đi làm ở bên ngoài trong lòng sẽ rất yên tâm, rất an ủi. Anh ấy sẽ làm việc rất hăng say, cũng có thể toàn tâm toàn ý vào trong công việc, cũng không cần phải thường xuyên lo lắng việc trong gia đình. Cho nên đây là thành tựu sự nghiệp cho anh ấy, thành tựu hành vi cho anh ấy. Đây gọi là “lợi hành”.

Thậm chí chồng bạn cùng với một số bạn bè hoặc thân hữu nào đó nói chuyện, bạn cũng có thể giúp chồng ghi nhớ lại, để tránh lúc công việc quá bận rộn rồi quên mất. Khi sự việc sắp xảy ra thì bạn hãy nhắc nhở anh ấy. Người chồng cảm thấy chút nữa thì quên, anh sẽ cảm thấy có bạn ở bên cạnh sẽ rất yên lòng, giúp đỡ cho anh được rất nhiều. Đây cũng chính là “lợi hành”. Giả sử người vợ không chỉ không có lợi hành mà còn thường đẩy lùi người chồng của mình, vậy thì quá nguy hiểm. Cho nên chúng ta phải luôn có thể nhìn thấy được điều mà đối phương cần thì mới có thể làm lợi ích cho họ.

Thứ tư là “Đồng Sự”, cùng đồng hành với anh ấy để thành tựu một sự nghiệp. Tiền đề của việc “đồng sự” này phải được xây dựng trên sự nhận thức chung. Lúc trước khi bắt đầu chúng tôi đã nêu ra hai sự việc quan trọng nhất trong gia đình là kinh tế phải ổn định và giáo dục con cái phải tốt. Khi hai vợ chồng nắm được nhận thức chung như vậy thì sẽ cùng nhau làm cho gia đình tốt đẹp, đây chính là “đồng sự”. Mà đôi bên cũng còn có một cái tâm trách nhiệm phải làm tấm gương cho xã hội hiện nay xem. Hiện nay thiếu một tấm gương cho xã hội là gì? Là vợ chồng. Vợ chồng tốt quá ít. Chúng ta phải định vị chính mình để biểu diễn thành đôi vợ chồng mẫu mực để cho các cặp vợ chồng khác nhìn thấy chúng ta thì sẽ ngưỡng mộ. Bạn xem, ngày tháng tốt đẹp như vậy mà không sống, việc gì phải cãi vã nhau suốt ngày. Cho nên, nếu các vị có thể làm ra tấm gương cho xã hội ngày nay, vậy thì công đức thật vô lượng. Không chỉ làm tấm gương vợ chồng, mà cũng nhờ nhận thức chung như vậy mới có thể nuôi dạy nên những thế hệ tương lai. Nuôi dạy tốt cho thế hệ sau thì có thể tạo phước cho gia tộc, tạo phước cho xã hội. Sự nghiệp như vậy mới có giá trị nhất, cho nên vợ chồng phải có thể cùng nhau thành tựu cái sự nghiệp vĩ đại đến như vậy.

Tục ngữ nói: “Dụng tâm chính là chuyên nghiệp”. Con người chỉ cần chịu dụng tâm, tuyệt đối đều có thể làm bất cứ một việc gì một cách viên mãn.

Được rồi, bây giờ chúng ta nói đến: “Phu phụ hữu biệt”. Bây giờ chúng ta nói đến cái luân này trong ngũ luân.

Các vị bằng hữu, giả sử sau khi trở về lại lập tức đối xử với chồng của các vị thật là tốt thì họ nhất định sẽ cảm thấy như thế nào? Cảm thấy lạ. Có người vợ sau khi trở về thật sự rất tích cực, mỗi ngày làm việc đều làm rất vất vả, có thể làm được bao nhiêu thì đều toàn tâm toàn lực làm, nhưng mà con mắt cứ luôn nhìn vào chồng xem chồng có nhìn thấy họ đang ra sức như vậy hay không. Như vậy thì vì ai mà làm? Là vì muốn người chồng của họ khẳng định việc làm của họ thật là tốt. Kết quả sau cả một tuần bị người chồng làm ngơ không nhìn thấy, cũng không khen tặng lấy một câu, thế là họ liền nổi giận, vứt cây lau nhà xuống rồi nói: “Em làm nhiều như vậy mà sao anh lại chẳng nhìn thấy gì vậy?”. Như thế thì phải như thế nào? Tính khí nổi lên như vậy thì có thể công sức đã đổ sông đổ biển hết. Chúng ta làm những việc này không phải để cho chồng của mình xem, mà là vì cái gì? Vì thành tựu chính mình, vì bổn phận làm mẹ làm vợ của mình đối với những việc đáng phải nên làm, chứ không phải để có được sự khẳng định của người nào khác. Vì thế, động cơ và tâm thái để làm việc rất quan trọng. Tâm thái của bạn càng cảm thấy đó là bổn phận của mình thì khi bạn làm ra sẽ càng khiến cho đối phương, khiến cho người thân của bạn cảm động. Còn khi bạn làm mà có mục đích riêng thì khó mà cảm động được người khác. Cho nên, hết thảy đều phải nên từ tâm chân thật mà làm thì mới có được sự phát triển tốt.

Luân thứ tư, “trưởng ấu hữu tự”

Chúng ta xem tiếp luân thứ tư trong ngũ luân: “Trưởng ấu hữu tự”, cũng chính là anh em thương yêu lẫn nhau. Anh em ở trong ngũ luân cũng được xem là vô cùng quan trọng. Chúng ta suy nghĩ xem, người thân theo ở bên cạnh ta lâu nhất là ai? Đó là anh chị em của chúng ta. Bởi vì hầu hết cha mẹ đều lớn hơn chúng ta mấy mươi tuổi cho nên sẽ sớm rời xa chúng ta, còn anh chị em thì từ nhỏ đã bầu bạn với chúng ta cho đến tận già. Mà anh em hòa thuận được thì mới thật sự khiến cho cha mẹ yên tâm, an lòng. Vì vậy, nếu anh em mà sống tốt kỳ thực chính là một sự hiếu đạo rất tốt.

Chúng ta xem, huynh đệ của những Thánh Hiền nhân ngày xưa, những vị Tổ tông chung sống hòa thuận như thế nào? Triều nhà Chu tại vị 800 năm. Vì sao họ có thể trị vì được 800 năm? Lần trước chúng tôi cũng đã nêu ra một số ví dụ về họ. Các vị có lẽ là vẫn còn nhớ Thái Vương sanh ra Vương Quý, Vương Quý sanh ra Chu Văn Vương. Thái Vương ngoài Vương Quý còn có một người con trưởng là Thái Bá và một người con thứ là Trung Dung, tiếp sau đó mới tới Vương Quý. Mà Thái Vương nhìn thấy cháu của mình là Văn Vương thì trong lòng hoan hỷ, cảm thấy Văn Vương nhất định sẽ là một người lãnh đạo rất tốt. Cả hai người bác của Văn Vương là Thái Bá và Trung Dung nhìn thấy được ánh mắt đó của phụ vương thì hai người đó liền biết được. Cho nên vì để phụ thân truyền lại ngôi vị mà không phải khó xử, sợ xảy ra tình huống người cha sẽ bị chướng ngại khi truyền lại ngôi vị cho người cháu trưởng, cho nên Thái Bá và Trung Dung đã đưa nhau đi lên núi không bao giờ trở lại. Vậy thì Thái Vương liền trực tiếp có thể truyền ngôi vị lại cho Vương Quý, Vương Quý lại trực tiếp có thể truyền ngôi lại cho Văn Vương. Thái Bá và Trung Dung làm ra những hành vi này là thành toàn được những gì? Thành toàn cho phụ thân mà cũng tận được tâm hiếu của họ, và đối với anh em họ cũng có thể xả bỏ được tài phú, thậm chí là quyền vị cao nhất cũng có thể lễ nhường được. Việc làm này không chỉ thành toàn được 800 năm thịnh thế của triều nhà Chu, mà cũng thành toàn được nếp sống cho cả xã hội, đều hiểu được “tiền của nhẹ oán nào sanh”, đều hiểu được giữa anh chị em với nhau phải biết lễ nhường lẫn nhau, sự phân tranh cũng giảm nhẹ, sự phân tranh của xã hội tự nhiên sẽ giảm thiểu. Bởi vì Thái Bá làm ra như vậy nên đã cảm động được nghìn vạn bá tánh nhân dân. Không chỉ cảm động được nghìn vạn bá tánh người dân, mà ngay cả người làm học trò đời sau cách xa đến 2.000 năm như chúng ta đây còn cảm nhận được cái đức hạnh này của Thái Bá và Trung Dung.

Bởi vì đời trước đã làm ra tấm gương tốt, sau khi truyền lại cho đời sau thì cũng tiếp tục được giữ gìn. Chu Công có người anh là Vũ Vương, hai người họ đều là con cái của Văn Vương. Anh em cũng vô cùng yêu thương nhau, vô cùng hòa thuận. Vũ Vương khi đó sanh bệnh, rất có thể sẽ qua đời. Chu Công viết một bài văn, sau đó đứng trước thần linh, đứng trước bài vị của Thái Vương, Vương Quý và Văn Vương, cũng chính là đứng trước mặt của ông cố, ông nội và cha của mình mà khấn. Chu Công nói, ông muốn xả bỏ thọ mạng của mình để chuyển sang thành thọ mạng của người anh trưởng, để anh của mình có thể tiếp tục an định thiên hạ. Thế là sau khi đọc xong lời khấn nguyện, bài văn khấn này được để lại trên bàn thờ Tổ tổng trong Thái Miếu. Không bao lâu sau thì Vũ Vương liền khỏe lại. Trung Dung nói đó là “chí thành như thần”, đích thực cảm ứng được Vũ Vương bệnh tình được khỏe lại. Về sau, sau khi Vũ Vương qua đời, Thành Vương đăng cơ. Chu Công vẫn tiếp tục phò tá Thành Vương một khoảng thời gian, dạy bảo Thành Vương cho tốt. Sau khi dạy xong Thành Vương, bởi vì có một số người có dã tâm nên bắt đầu truyền rao những lời thị phi, chính là nói Chu Công có thể đang lấn át cướp ngôi. Chu Công vì không muốn để cho cháu mình thấy khó xử, tự mình liền đi về phía đông, khu vực Sơn Đông. Kết quả, Thành Vương (cháu của Chu Công) một ngày đúng lúc khi đang đi trên đường nhìn thấy trên trời vừa có gió vừa có sấm, liền cảm thấy nhất định là ông đã có một số việc làm không được thỏa đáng nên trên trời mới xuất hiện những hiện tượng dị thường như vậy. Cho nên Thành Vương đã đi đến Thái Miếu để cúng bái, sau đó đã phát hiện ra bài văn khấn của Chu Công, liền mở ra xem. Sau khi mở ra xem thì thấy Chu Công vì việc khấn cầu cho người anh của mình là Vũ Vương có thể kéo dài thêm tuổi thọ, mỗi câu viết ra đều rất thành khẩn. Thành Vương sau khi xem xong trong lòng vô cùng cảm động, cũng rất hối hận. Một người chú tốt đến như vậy mà ông lại để cho chú phải đi về một phương trời xa xôi. Thế là Thành Vương đã đích thân đi mời Chu Công quay trở về, để cho Chu Công có thể làm công việc chế định lễ nhạc, để cho triều Chu có thể hưng thịnh. Cho nên, sự thành tâm này của Chu Công đối với huynh trưởng của mình không những khiến cho người anh được thêm tuổi thọ, mà tinh thần anh em thương yêu nhau này đã truyền lại được cho con cháu đời sau của ông.

Vì vậy, truyền gia quan trọng nhất là gì? Là hiếu đễ. Cho nên “Luận Ngữ” nói: “Hiếu đễ dã giả kỳ vi nhân chi bổn”. Con người tu đạo chính là phải tu cho được cái tâm nhân từ. Mà tâm nhân từ của một con người thì bắt đầu từ đâu? Chính là từ hiếu đạo trong gia đình và tinh thần của đễ trong việc anh em thương yêu nhau. Vì vậy, để lại bao nhiêu tiền cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể được lợi ích. Cho nên chúng ta truyền gia thì nhất định phải ghi nhớ, trước tiên phải truyền đức hạnh hiếu đễ, đây là điều vô cùng quan trọng.

Mỗi lần tôi xem những câu chuyện này của người xưa, thường hay tự xem một mình mà hết sức cảm động. Tôi rất sợ khi tôi xem những câu chuyện giáo dục đạo đức mà bên cạnh có người khác. Xem một mình có khóc thì cũng dễ dàng hơn. Nhưng là một sự sảng khoái rất lớn, sâu sắc cảm nhận được Thánh Hiền xưa có cái tâm như thế nào để đối đãi với người. Cảm động rồi thì phải mau chóng noi theo, mau chóng nỗ lực thực hành.

Vào thời Đường, có một vị đại thần tên là Lý Tích. Lý Tích rất được Đường Thái Tông trọng dụng. Có một lần Lý Tích bị bệnh, Thái y nói phải có râu của con người để làm thuốc dẫn. Thái Tông không cần nói tiếng thứ hai, liền cắt râu của mình xuống để làm thuốc dẫn cho Lý Tích. Lý Tích sau khi nghe được lập tức liền đi đến trước mặt Hoàng thượng khấu đầu. Một người làm Quân vương hết sức nhân từ, lúc nào cũng nghĩ đến những người cấp dưới thì nhất định sẽ có được sự trung thành của thuộc cấp.

Rất nhiều sự việc vốn không hề phức tạp, bản thân con người đã đem nó làm cho thành phức tạp, lại không hề dùng đức hạnh để giải quyết vấn đề, đều làm nó thành cái gì vậy? Mưu kế ứng biến. Cho nên, tôi tin là Tăng Quốc Phiên ở trên trời có linh thiêng nhất định sẽ kháng nghị, sẽ nói ông chân thành vì nước vì dân mà mọi người lại viết cho ông thành gian trá xảo quyệt. Vì vậy, sau này chúng ta có cơ hội thì nên giúp Tăng Quốc Phiên biện bác. Bởi vì tôi đã xem qua sách để ở nhà của Tăng Quốc Phiên, thật sự có thể sâu sắc thể hội được ông là người vì nước vì dân, vì cha mẹ vì anh em, thậm chí là vì con cháu đời sau.

Ông Lý Tích ngoài việc trung thành ra, phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho anh chị em cũng vô cùng tận tâm tận lực. Ông có một người chị đã hơn 80 tuổi. Vào lúc đó, Lý Tích cũng đã bảy mươi mấy tuổi. Khi ông đi thăm chị của mình, đích thân ông đi sắc thuốc. Người lớn tuổi xưa thường hay để râu, bởi vì ngồi sắc thuốc phải thổi lửa, lúc đó ngọn lửa bắt cháy luôn cả râu của ông. Chị của ông nói: “Ở trong nhà có rất nhiều người hầu hạ, em hãy bảo họ đi làm là được rồi, không cần phải bận rộn như vậy”. Lý Tích nói: “Thưa chị, chị đã tám mấy tuổi rồi, em thì cũng đã bảy mấy tuổi, em còn được bao nhiêu cơ hội để làm việc gì đó cho chị chứ, cho nên có thể có cơ hội vì chị mà nấu cháo thì cũng không còn nhiều nữa”. Cho nên người em luôn nghĩ đến điều gì? Nghĩ đến từ nhỏ đến lớn chị đã chăm sóc từng ly từng tí đối với ông. Cái ân tình này thật không dám quên. Anh chị em có tình nghĩa như vậy, “gia hòa thì vạn sự đều hưng”.

Tôi và hai người chị của tôi tình cảm cũng rất tốt. Tôi còn nhớ khi tôi học đại học, sức khỏe không được tốt cho lắm, vào lúc đó cần phải sắc thuốc để uống. Một gói thuốc bắc lớn phải sắc hơn một tiếng đồng hồ, sau đó sắc lại còn một chén nhỏ. Vào lúc đó, tôi ở trong ký túc xá của trường. Trong ký túc xá mà bạn sắc thuốc thì sẽ có rất nhiều người đến gõ cửa để kháng nghị bạn. Chị của tôi thì ở bên ngoài ký túc xá, lúc đó chị là sinh viên năm thứ ba, tôi là sinh viên năm thứ nhất. Thế là chị tôi mỗi ngày đều sáng tối sắc thuốc cho tôi uống. Sau khi sắc thuốc xong còn phải lặn lội đường xá xa xôi, đem chén thuốc đã sắc xong vào trong trường học để cho tôi uống. Trong trường lại không được chạy xe, đành phải đi bộ, bởi vì ký túc xá trường cũng nằm ở bên cạnh trường. Các vị đã thấy việc vừa bước vào cổng đã nhìn thấy ký túc xá sinh viên nam chưa? Không thể nào. Cho nên chị cũng phải đi bộ một quãng đường rất xa mới có thể đến chỗ ký túc xá của tôi. Khi đến nơi thì lại thấy tấm biển: “Cấm phụ nữ vào”. Chị tôi lại phải đi vòng qua bên cạnh ký túc xá đến chỗ của tôi rồi gõ vào tấm cửa sổ bằng kính. Gõ xong rồi lại ngoắc tôi đến, kêu tôi hãy đến uống thuốc. Tôi liền đi đến, đón chén thuốc cầm ở trên tay. Các vị bằng hữu, thuốc còn chưa uống mà bệnh đã hết được một nửa rồi. Được sự quan tâm chăm sóc này, thuốc uống vào thì bệnh sẽ đặc biệt khỏi rất nhanh. Cho nên, một đời của con người có hai nguồn sức mạnh hoàn toàn không cần bạn phải đền đáp, luôn cho bạn sức mạnh to lớn trong suốt cuộc đời của bạn, đó chính là sự giúp đỡ của cha mẹ và anh em đối với bạn. Vì vậy, trong quá trình tôi đi thúc đẩy văn hóa truyền thống đều không có cảm giác bị cản trở, thường hay nghĩ ở sau mình có một sức mạnh vô cùng to lớn.

Chúng ta xem thấy những tình nghĩa của người xưa như vậy, tình nghĩa anh chị em, chúng ta phải noi theo người tài đức. Anh em vào thời xưa ngay cả vận mạng cũng có thể xả bỏ cho nhau. Những người Thánh Hiền như vậy vào thời xưa lúc nào cũng nghĩ đến việc có thể vì anh chị em mà làm được những việc này, vậy thì hiện nay chúng ta có thể chỉ vì một việc nhỏ nhặt như hạt cát mà lại đi cãi vã nhau với anh em hay không? Có thể đi gây hấn xung đột với anh chị em hay không? Có nên hay không? Không nên chút nào. Vì vậy, đích thực là “con cháu tuy ngu dốt nhưng Kinh sách không thể không đọc”. Con cháu đời sau không biết đọc sách thì sẽ không hiểu được đạo lý làm người, họ đều cảm thấy giành được vào tay mình là của mình. Kỳ thực, người xưa chịu xả thọ mạng của mình cho anh em thì thọ mạng của họ có bị rút ngắn đi hay không? Không có rút ngắn. Cái tâm chí thành đó của họ là có đức hạnh cho nên còn được tăng trưởng thêm thọ mạng. Rất nhiều người xả bỏ tiền tài, không tranh giành tiền bạc với anh em đều là kiểu anh trai thì nhiều một chút, hoặc là em trai thì nhiều một chút, có phải về sau này thành ra không có tiền hay không? Có phải không? Không phải. Tôi xem trên sử sách thấy nhiều vô kể. Sau khi đem quyên tặng thì không những chính mình không những không mất tiền, mà con cháu đời sau còn được có tên trên bảng vàng, phước về sau rất lớn. Cho nên khi chúng ta thật sự đang biểu diễn ra tấm gương đức hạnh để cho con cháu xem thì gia đình chúng ta mới có thể hưng vượng, đời sau của chúng ta mới có thể học được tấm gương tốt, trưởng dưỡng đức hạnh cho chúng. Sau khi có được cái đức hạnh này thì sự nghiệp một đời của chúng sẽ có được nền móng tốt, nhất định sẽ có sự phát triển rất tốt.

Được rồi, tiết học này chúng ta chỉ nói đến đây! Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 14/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh