NỮ ĐỨC VI YẾU – PHẦN MỞ ĐẦU

TỀ GIA TRỊ QUỐC, NỮ ĐỨC VI YẾU

 

Kính mời Quý vị tải về bản PDF dưới đây để cùng học tập

 

NỮ ĐỨC VI YẾU – PHẦN MỞ ĐẦU

Kính mời Quý vị nghe giảng bằng bản mp3 theo đường link dưới đây:

 

Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Phần Mở Đầu (1)

 

Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Phần Mở Đầu (2)

 

Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Phần Mở Đầu (3)

 

Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Phần Mở Đầu (4)

 

Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Phần Mở Đầu (5)

 

Chư vị thầy cô thân mến!

Xin chào mọi người!

 

Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng như thế này, mọi người cùng nhau học tập sách “Nữ Giới”, thật sự vô cùng cảm ân. Nữ Đức, đối với phụ nữ chúng ta trong xã hội hiện nay là một từ khá xa lạ. Tôi còn nhớ cách đây hai ngày có một giáo viên vẫn hỏi tôi thế nào là Nữ Đức.

 

Nữ Đức là gì vậy? Nữ Đức chính là phẩm hạnh đạo đức của phụ nữ. Trong xã hội hiện nay, rất ít người quan tâm đến chủ đề này. Ngược lại, rất nhiều người quan tâm đến làm thế nào để kiếm tiền, làm thế nào để nâng cao danh vọng và địa vị của mình trong xã hội. Phụ nữ thì quan tâm nhiều đến việc gia đình của mình có ngày càng trở nên hạnh phúc hay không, chỉ số cuộc sống có cao hơn hay không, tuy nhiên nguyên nhân ngọn nguồn của hạnh phúc lại không có người nào chú ý đến. Trong văn hóa truyền thống 5000 năm của dân tộc, Tổ tiên đã để lại cho chúng ta sự giáo dục đạo đức về đức hạnh của phụ nữ thuần hậu, thiện lương. Đó chính là phụ nữ làm thế nào để đạt được suối nguồn hạnh phúc trong đời sống.

 

Trong mấy năm học tập văn hóa truyền thống vừa qua, bản thân tôi có rất nhiều tâm đắc và cũng đã nhiều lần chia sẻ với mọi người tại các buổi luận đàn và giảng tọa. Nhận lời mời của rất nhiều bạn bè, tôi đến đây cùng với mọi người học tập sách “Nữ Giới”. “Nữ Giới” là cuốn sách nhỏ, chỉ có hơn 1800 chữ, là cuốn sách giáo dục đạo đức chuyên dành cho phụ nữ do Ban Chiêu thời Đông Hán viết. Đây chính là giáo trình giáo dục đức hạnh phụ nữ sớm nhất của nước ta. Thế nên, chúng ta có thể thấy rằng vào thời xưa thực sự rất xem trọng việc giáo dục tố chất cho phụ nữ. Vì sao vậy? Bởi vì có câu nói rằng: “Vương hóa xuất tự khuê môn”. “Vương” trong từ “quốc vương”, “hóa” trong từ “giáo hóa”. Việc giáo hóa của một đất nước bắt nguồn từ chốn khuê môn. Khuê môn chính là cửa ngõ nơi khuê phòng mà phụ nữ thường ra vào. “Gia lợi thủy ư nữ trinh”, trong gia đình nếu như muốn được lợi ích thì cũng bắt nguồn từ sự trinh đức của phụ nữ. Thế nên, từ xưa đến nay, muốn có hiền tài thì trước hết phải có người con hiền. Muốn có con hiền thì trước hết phải có mẹ hiền. Để có hiền mẫu thì trước tiên phải có hiền nữ. Truy đến ngọn nguồn thì vẫn là ở nơi người mẹ, người mẹ rất quan trọng. Vậy người mẹ tốt từ đâu mà đến? Từ dạy mà ra. Trong xã hội hiện nay, vì sao lại xem nhẹ vấn đề này? Là do chúng ta đã xem nhẹ sự giáo dục của văn hóa truyền thống.

Trong buổi giảng đầu tiên này, chúng ta hãy cùng nhau tham thảo và học tập ý nghĩa quan trọng của Nữ Đức. Tôi xin chia sẻ với mọi người dựa trên ba phương diện.

 

Vấn đề thứ nhất chính là phụ nữ trong xã hội hiện nay không hiểu rõ bổn phận của chính mình là gì. Cái gọi là “đôn luân tận phận” chính là nói phụ nữ trong xã hội, trong gia đình rốt cuộc có địa vị như thế nào, sứ mạng của bản thân là gì, có trách nhiệm gì, có ý nghĩa quan trọng ra sao. Nếu bản thân phụ nữ không biết những điều này, thì đây là một vấn đề phiền phức [vì] họ sẽ băn khoăn không hiểu, không biết nên bắt tay làm từ đâu, làm như thế nào. Thế nên, trong “Kinh Dịch” có câu nói: “Người nữ làm tròn bổn phận bên trong, người nam làm tròn bổn phận bên ngoài. Đây là nghĩa lớn của trời đất”. Câu nói này hiện nay rất ít người nhắc đến, thế nhưng nó đã chỉ ra chỗ khác biệt giữa nam và nữ. Đây chính là một trong năm mối quan hệ Ngũ Luân của văn hóa truyền thống. Đó là “phu phụ hữu biệt”. Điểm khác biệt này là ở chỗ nào? Chính là chỗ mà “Kinh Dịch” đã chỉ ra, một người lo việc bên ngoài, người kia lo việc bên trong. Những việc bên ngoài gia đình do người nam đảm trách, có nghĩa là người nam ở bên ngoài gánh vác trọng trách kinh tế của gia đình. Việc trong nhà thì do phụ nữ đảm đương, phụ nữ lo bồi dưỡng thế hệ kế thừa tiếp theo của gia tộc. Sự nghiệp bên trong quan trọng hơn bên ngoài. Vì sao vậy? Bởi vì sứ mạng của phụ nữ chính là “giúp chồng dạy con” (tướng phu giáo tử). “Tướng” nghĩa là giúp đỡ, chính là giúp chồng thành tựu đức hạnh, giúp cho đức hạnh của chồng được tăng thêm. Chúng ta hãy nghĩ xem nếu như bản thân không có đức hạnh thì làm sao có thể thành tựu đức hạnh cho người khác được. Không thể có sự việc này. Bản thân mình không hiểu biết, còn mơ mơ hồ hồ thì sao có thể biết được vấn đề của người khác nằm ở đâu? Càng không cần nói đến việc hướng dẫn cho người khác. Dạy con chính là khéo dạy dỗ con cái. So sánh hai bổn phận giúp chồng và dạy con với nhau thì dạy con còn quan trọng hơn giúp chồng. Thế nào gọi là giúp chồng? Thế nào gọi là khéo dạy dỗ con cái? Chúng ta hiện nay cũng đang dạy đấy thôi, nhưng đã dạy con trở nên người như thế nào vậy? Khi chúng lớn lên thì cha mẹ sẽ rất đau đầu, đến trường sẽ khiến thầy cô giáo đau đầu. Đây là một vấn đề rất phiền phức. Làm thế nào để dạy con cho tốt? Trước tiên chúng ta phải có năng lực giáo dục, bản thân phải có đạo đức, phải có học vấn.

Thế nên, bàn về sứ mạng của người phụ nữ, chúng ta từ đây có thể nhìn thấy sự khác biệt về vai trò giữa nam và nữ vô cùng quan trọng, vai trò bên trong quan trọng hơn bên ngoài. Giống như một đất nước có thể không có sự giao lưu đối ngoại bên ngoài nhưng tuyệt đối không thể không có việc quản lý đối nội bên trong. Gia đình là như vậy. Xã hội thì sao? Quốc gia thì sao? Cũng đều như vậy cả.

Phần tiếp theo trong “Kinh Dịch” có nói: “Trong gia đình có vị nghiêm quân, đó chính là bậc cha mẹ, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ, đó chính là gia đạo đúng đắn. Gia đạo chánh rồi thì thiên hạ mới an định”. Câu này có ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là trong gia đình cần có người đứng đầu uy nghiêm, đó chính là cha và mẹ. Trong một gia đình, các mối quan hệ giữa cha con, anh em, vợ chồng cần phải dựa vào luân thường mà làm, chỉ có như vậy thì gia phong mới đoan chánh. Gia phong một khi đoan chánh thì thiên hạ sẽ an định. Câu nói này có ý nghĩa rất sâu sắc, đồng thời còn bao hàm sự tinh túy của văn hóa truyền thống xưa. Thế nên, chúng ta học tập văn hóa truyền thống thực sự là việc rất đơn giản. Đó chính là bốn chữ mà tôi thường nói với mọi người. Hai chữ thứ nhất là “Ngũ Luân”, hai chữ sau là “Ngũ Thường”. “Ngũ Luân” giúp chúng ta hiểu rõ năm mối quan hệ qua lại giữa con người với con người, hết thảy các mối quan hệ đều không lìa khỏi năm loại này. “Ngũ Luân” bao gồm: phụ tử hữu thân, trưởng ấu hữu tự, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, bằng hữu hữu tín. Ngũ Thường” là năm cái gốc căn bản tu hành của chúng ta là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chúng ta hãy xem từng điều một.

Trước tiên, chúng ta hãy xem thế nào là “phụ tử hữu thân”. Hàm nghĩa của từ “thân” là không có phân biệt. Sự “không có phân biệt” này đã nói lên điều gì? Đó là cảm tình giữa cha và con không hề có bất kỳ điều kiện nào. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là tình cảm giữa cha và con cũng cần đến lý trí, phải có trí tuệ. Chúng ta hiện nay gọi là “không điều kiện”, ví dụ như người cha có rất nhiều tiền, nhưng lại mua cho đứa con rất nhiều thức ăn ngon và đồ chơi một cách không điều kiện. Người làm cha như vậy là không có trí tuệ, không dựa vào lý trí mà hoàn toàn dựa vào cảm tình. Việc nuông chiều con như vậy đã hoàn toàn phóng túng sự giáo dục con cái. Cho nên, câu “phụ tử hữu thân” trong văn hóa truyền thống thời xưa có hàm nghĩa vô cùng thâm sâu. Học thấu suốt điều này rồi thì sẽ hiểu được thế nào gọi là “phụ từ tử hiếu”. Người làm cha phải nhân từ thế nào, người làm mẹ phải nhân từ ra sao, chúng tôi sẽ giảng đến điều này ở chương “Dạy Con” ở phần sau. “Từ ái không thể đến mức nuông chiều” chính là không được phóng túng. “Nghiêm khắc không được đến mức tổn thương tình cảm” nghĩa là đối với con cái nghiêm khắc nhưng không được khiến ân tình bị tổn thương. Người hiện nay không học tập, không có trí tuệ, không hiểu rõ thế nào là đúng chừng mực, việc này khá là phiền phức.

 

Điều thứ hai“trưởng ấu hữu tự” (anh em có thứ tự). “Trưởng ấu hữu tự” nghĩa là giữa các anh chị em trong một gia đình phải có thứ tự về mặt luân lý ra sao. Như trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Anh thương em, em kính anh”, phải giữ vững bổn phận của chính mình.

 

Điều thứ ba là quan trọng nhất, chính là “phu phụ hữu biệt”. Thực tế sự khác biệt về vai trò giữa vợ và chồng là “phu nghĩa phụ thính” (chồng nghĩa vợ thuận). Khi chúng ta học tập giáo dục Nữ Đức trong văn hóa truyền thống, đã từng có một câu nói để hình dung ý nghĩa quan trọng của giáo dục Nữ Đức đó là: “Trị thiên hạ thủ chánh nhân luân”, có nghĩa là muốn quản lý tốt thiên hạ thì trước tiên phải làm cho mối quan hệ giữa người và người chánh trước đã. “Luân” chính là quan hệ giữa người với người. Để “chánh nhân luân” thì trước tiên phải “chánh phu phụ”, chính là trong năm mối quan hệ thì mối quan hệ giữa vợ và chồng là quan hệ quan trọng nhất. Cần phải hiểu rõ mối quan hệ này và phải giữ cho được chánh thì các mối quan hệ khác đều sẽ tốt đẹp vì đây là mối quan hệ then chốt. Muốn làm được “chánh phu phụ” thì trước tiên phải “chánh nữ đức”. Cũng chính là nói trong mối quan hệ vợ chồng thì người phụ nữ có tác dụng then chốt.

Trong xã hội hiện nay, chúng ta cũng thường phát hiện cảnh gia đình không an định, đảo lộn, oán trách, gây ra chuyện thị phi, chủ động đòi ly hôn, trong đó có không ít là phụ nữ. Phụ nữ nếu như tâm rất định thì gia đình sẽ thái bình, giống như “định hải thần châm” (gậy thần trấn biển) vậy, việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. “Phu nghĩa phụ thính” là điều quan trọng nhất trong mối quan hệ vợ chồng. “Thính” có nghĩa là thuận theo. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, khi một số người vừa nhắc đến từ “Nữ Đức” thời xưa thì khái niệm đầu tiên chính là phụ nữ cần phải “nam tôn nữ ti, tam tòng tứ đức” là điều không tốt, đàn áp nữ quyền, không bình đẳng với phụ nữ, một gậy là đã đập chết [khái niệm] này rồi. Trên thực tế, chúng ta đã không thực sự hiểu hàm nghĩa chân thật bên trong của nó mà hoàn toàn dựa vào cách nghĩ của chính mình, ngang nhiên cho điều này là sai lầm. Trong việc giáo dục phụ nữ thời xưa, chữ “thính” đứng ở phía sau chữ “nghĩa”, điều đó có nghĩa là “chồng có nghĩa thì vợ mới nghe theo”. Cái nghĩa của người chồng thể hiện ở chỗ nào? Đối với vợ có tình nghĩa, đối với bạn bè có đạo nghĩa, đối với cha mẹ có ân nghĩa. Về mặt tình nghĩa, đạo nghĩa và ân nghĩa đều có thể tuân theo lời dạy của Tổ tiên mà xử sự thì sẽ có thể làm người có nhân có nghĩa. Cái gọi là “nhân ái, nhân nghĩa” chính là “điều mình không muốn thì đừng đem cho người khác”, nghĩ đến bản thân thì có thể suy ra người khác. “Nghĩa giả, tuân lễ dã” (người có nghĩa tức là người biết tuân theo lễ vậy). “Tuân” có nghĩa là “chấp hành”, “phù hợp với”, tức là làm việc, xử sự phải phù hợp với đạo lý, chứ không phải dựa trên cảm tình cá nhân mà làm việc. Trong tình huống này, người làm vợ phải hoàn toàn nghe theo lời chồng, trợ giúp anh ấy thành tựu sự nghiệp ở bên ngoài, ở trong nhà thì giúp chồng giáo dục tốt thế hệ sau để kế thừa sự nghiệp của anh ấy. Nếu không như vậy thì người chồng bận rộn suốt cả một đời, đến đời kế tiếp thì không có người tiếp nối. Việc bạn giúp gia đình chồng bồi dưỡng ra thế hệ kế thừa tiếp nối là việc rất quan trọng. Với trọng trách này thì người làm vợ sao có thể nói là không có địa vị chứ? Sao không thể được chồng mình tôn trọng? Việc này là không thể nào. Người chồng đối với người quản lý và dạy dỗ thế hệ kế thừa sự nghiệp của anh ấy nhất định sẽ vô cùng xem trọng, hết lòng tôn trọng. Lời của bạn nói ra chồng của bạn sẽ phải cân nhắc, bởi vì nó có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của anh ấy. Thế nên, trong một gia đình nếu như có thể xác định rõ mối quan hệ giữa vợ và chồng thì cuốn Kinh trong mỗi gia đình sẽ tương đối dễ tụng. Thường có câu nói rằng: “Mỗi gia đình đều có một quyển kinh khó tụng”, việc khó tụng này là vì người phụ nữ “không hiểu lý, không rõ sự”, khi làm việc thì mơ mơ hồ hồ, thế nên dễ bị rối tung bởi những việc trong nhà, khiến cho gia nghiệp không thể phát huy.

Vợ chồng, đặc biệt là người vợ, nếu như hiểu rõ mối quan hệ này rồi thì nhà sẽ ra nhà thôi. Làm thế nào để nhà ra nhà vậy? Gia đình phải có bốn yếu tố, giống như một căn phòng, để xây phòng thì ít nhất phải có bốn bức tường, bốn cây cột trụ. Đó là bốn bức tường nào? Thứ nhất phải có gia đạo, thứ hai phải có gia quy, thứ ba phải có gia học, thứ tư phải có gia nghiệp. Sau khi bốn bức tường được xây lên thì gia đình này nhất định sẽ có gia phong. Gia phong tốt đẹp thì cái nhà này sẽ tồn tại được lâu, sẽ là cơ nghiệp trăm năm, còn có thể kéo dài về sau. Nếu như gia phong bất thiện thì có câu rằng: “Giàu không quá ba đời”, sớm muộn gì cũng bị đứt đoạn.

         

Thế nào gọi là Gia Đạo? Chữ “đạo” này có nghĩa là người trong nhà phải có đạo đức. Tôi xin nói đơn giản, rõ ràng hơn, đó là người trong gia đình phải tích đức, phải hành thiện. Gọi là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành). Trong việc học tập văn hóa truyền thống, có một bộ Kinh điển rất quan trọng là “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, phần mở đầu Kinh đã nói: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình” (họa phước không có cửa, do người chiêu cảm lấy, quả báo thiện và ác, như bóng theo sát hình). Vợ chồng kết hợp thành một gia đình, làm thế nào làm cho gia đình này không ngừng tích phước, không ngừng tránh họa, biết cách đón kiết tránh hung, người phụ nữ trong gia đình cần phải biết điều này, bản thân phải làm được, rồi dẫn dắt con cái, dẫn dắt chồng hành thiện, phải không ngừng làm những việc như thế này. Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, chúng ta thấy vợ của Viên Liễu Phàm mỗi ngày đều giúp chồng mình tích đức hành thiện. Có một lần Viên Liễu Phàm thấy vợ may áo bông cho con, bà đã dùng những sợi bông không tốt, ông hỏi bà tại sao làm vậy. Vợ ông trả lời rằng: “Như vậy có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn, có thể làm thêm nhiều chiếc áo bông tặng cho các gia đình nghèo khổ”. Số mạng của Viên Liễu Phàm có thể chuyển biến, từ đoản mạng trở nên trường thọ, từ không con trở thành có con, việc này đều không rời khỏi sự giúp đỡ của vợ hiền trong nhà. Thế nên, từ xưa đến nay, vợ hiền là bảo bối ở trong gia đình, người vợ tốt có thể “chánh kỷ hóa phu” (sửa mình cho tốt mà ảnh hưởng đến chồng), dạy con thành tài, có thể thay đổi một gia đình, thậm chí là vận mạng của một gia tộc, một dân tộc. Một người phụ nữ có đức hạnh, có học vấn có thể dẫn dắt gia đình đi trên con đường chánh đạo, lương thiện. Đây chính là Gia Đạo đơn giản nhất. Nói cụ thể hơn, thế nào gọi là Đạo? Trong sách “Đại Học” có rất nhiều cách phân tích rằng, nếu dựa trên những điều phù hợp với nhân tánh, phù hợp với tự tánh, phù hợp với quy luật tự nhiên trong vũ trụ mà làm thì chính là đang ở trong Đạo. Nếu không dựa vào những điều này mà làm thì không ở trong Đạo vậy. Thế nên, vào thời xưa, chữ “đức” () trong từ “đạo đức” (道德) tương thông với chữ “đắc” () trong từ “đắc đáo” (得到) (đạt được). Cũng chính là nói, bạn làm theo quy luật tự nhiên, dựa vào tự tánh, bản tánh của con người mà làm thì sẽ có thể đạt được hết thảy thứ mà bạn muốn. Nếu bạn không làm như vậy thì sẽ không đạt được. Đây chính là Gia Đạo.

Thế nào gọi là Gia Quy? Đó chính là “Đệ Tử Quy” mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta. Ai là đệ tử? Chúng ta đều là đệ tử. Chúng ta đều là học trò của lão Tổ tiên, là học trò của Thánh Hiền. Tôi có lần nghe thầy Thái Lễ Húc giảng bài nói rằng những người họ Trần như tôi là hậu duệ của ai vậy? Là hậu duệ của vua Thuấn, là từ “Thuấn” trong “Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang (Thương)”. Lúc đó tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì bản thân tôi không có đức hạnh của vua Thuấn, cũng chẳng có bất kỳ học vấn gì. Vậy sau vài trăm năm nữa, vài ngàn năm nữa, phải chăng đức phong của Tổ tiên, học vấn của Tổ tiên sẽ bị mai một hết rồi không? Chúng ta là thế hệ con cháu thật không có mặt mũi nào đi gặp Tổ tiên nơi chín suối. Đây là một việc đáng hổ thẹn. Thế nên, từ xưa đến nay có câu nói rằng: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Ai là người xưa vậy? Tổ tiên chúng ta chính là người xưa. Người hiện nay chúng ta tự cho là mình rất thông minh, nói rằng hiện nay không cần đến những lời dạy đó của lão Tổ tiên, những lời dạy đó không còn hợp thời đại nữa. Có phải như vậy không? Trí tuệ của Tổ tiên chúng ta, kho báu trí tuệ của các ngài hoàn toàn siêu vượt thời gian và không gian. Thực sự là như vậy! Bởi vì nó phù hợp với nhân tánh. Chỉ cần là người thì những thứ ở bên trong bổn tánh vĩnh viễn đều như nhau thông qua sự truyền tải của Văn Ngôn Văn. Văn Ngôn Văn không giống như ngôn ngữ thông thường tùy theo sự biến hóa của thời đại mà biến hóa, nó hoàn toàn gìn giữ được ý nghĩa của Tổ tiên. Chúng ta chỉ cần chịu học là có thể biết, có thể hiểu rõ, sau đó vận dụng vào trong đời sống của chúng ta.  Rất đơn giản!

Hai ngày trước tôi đã cảm khái mà nhận ra rằng, phương pháp mà chúng ta hiện nay dùng để dạy dỗ con cái là như thế nào vậy? Là phương pháp “thức ăn nhanh”, dạy hai câu thì muốn con cái lập tức phải đọc thuộc, nếu chúng không đọc thuộc thì chúng ta sẽ rất lo lắng [vì] đã dạy chúng bốn, năm lần rồi, sao mà câu “cha mẹ gọi” cũng không thuộc làu được chứ? Sau đó, tôi quay đầu nhìn lại chương Dạy Con trong sách “Dưỡng Chánh Di Quy” thì mới hiểu rõ là cách dạy của chúng ta đã sai. Bởi vì cách giáo dục vỡ lòng mà Tổ tiên chúng ta dạy cho trẻ nhỏ không phải như vậy, không giống với cách dạy của chúng ta, đọc qua một lần thì lập tức bắt chúng đọc thuộc, mà phải đọc tới đọc lui, đọc tới khi tự nhiên chúng có thể thuộc nằm lòng thì bản thân chúng sẽ hoàn toàn ghi nhớ. Điều này phù hợp với tự tánh của chúng, không cần ép buộc. Lúc mới đầu, tôi dạy cho đứa con út ba tuổi của tôi, ví dụ như dạy nó một đoạn thì tôi rất muốn nó đọc thuộc, nó liền cảm thấy rất bực, thuộc cũng không thuộc nổi, lại nóng lòng muốn đi chơi. Thứ bảy, chủ nhật vừa rồi, tôi cầm cuốn sách nhỏ ngồi đối diện với nó đọc từng lần từng lần một. Vào thời xưa, nếu như đọc liên tục mười lần thì cơ bản có thể đọc thuộc được, đó là đứa trẻ có ngộ tính rất cao, có khả năng thiên phú tốt. Có đứa thì phải đọc một trăm lần mới có thể đọc thuộc, việc này cũng không sao cả. Kết quả là đọc khoảng độ mười mấy lần thì bản thân nó hoàn toàn có thể đọc thuộc, rất tự nhiên. Sáng nay lúc ngồi trên xe thì tự mình bắt đầu đọc “Nhập tắc hiếu…”, đọc từ đầu đến cuối, tiếng đọc cứ sang sảng. Thế nên, có lúc tôi cảm thấy thật sự rất xấu hổ vì tôi tốt nghiệp thạc sĩ, cho dù có tốt nghiệp tiến sĩ đi chăng nữa, cũng đều đem những tinh hoa trí tuệ và kinh nghiệm mà Tổ tiên đã đúc kết lại vứt bỏ hết. Chính mình thì dùng phương pháp hiện đại thời nay mà dạy con. Điều này không phù hợp với quy luật tự nhiên, cho nên mới cảm thấy ưu phiền, khổ não.

 

Điều thứ ba chính là Gia Học. Một gia đình nếu như có không khí học tập, đọc sách Thánh Hiền thì tuyệt đối sẽ không xem việc ăn uống, hưởng thụ làm chính như đến kỳ nghỉ hè thì dẫn con cái đi du lịch nước ngoài, du lịch trong nước, còn bình thường thì suy nghĩ nên cho con cái ăn cái gì để có nhiều dinh dưỡng. Những quan niệm này của chúng ta hiện nay thực sự cần phải xem xét lại. Dinh dưỡng thật sự không phải đến từ thịt cá ê hề, tuyệt đối không phải như vậy. Trà thô, cơm đạm mà tâm thái bình hòa, thanh tịnh, an vui mới là dinh dưỡng tốt nhất. Mỗi ngày ăn bào ngư, hải sâm mà mỗi ngày đều tức giận, phiền não thì cũng rất phiền phức, sức khỏe không thể tốt được. Rất nhiều người đều là như thế. Người giàu sở dĩ mắc bệnh nhà giàu, bệnh tiểu đường chính là bệnh nhà giàu, đến sau cùng cái gì cũng không ăn được, chính là bắt bạn phải quay về với trà thô cơm đạm. Thế nên, dinh dưỡng tốt nhất của một gia đình chính là học vấn, trong nhà có không khí học tập. Việc này phải bắt đầu từ người mẹ, người mẹ nếu như bớt chút thời gian đi dạo phố, bớt chút thời gian trang điểm làm đẹp, bớt chút thời gian ra ngoài đi chơi, bớt chút thời gian đánh mạt-chược thì sẽ có thể dẫn dắt con trẻ, cho dù mỗi ngày chỉ đọc một ít, nhưng công phu sẽ được tích lũy qua từng ngày từng tháng. Hôm qua, trong lúc tôi đang học Cổ Văn, một chương trong sách “Hoài Nam Tử” có nói: “Mặc dù người ta ai cũng biết học tập có ích cho bản thân, nhưng vì sao không thể đạt được lợi ích chân thật? Đó là do hai chữ “đùa bỡn” mà ra”. Một khi có sự “đùa bỡn” trong việc học thì việc học bị dang dở, gọi là “sự nghiệp tinh thông bởi cần cù, dở dang do đùa bỡn”. Bạn mỗi ngày không cảm thấy điều này, mỗi ngày lãng phí một chút, bất tri bất giác đến lúc con cái trưởng thành mà muốn dẫn dắt chúng học thì đã không còn cơ hội nữa vì có thể chúng sẽ hoàn toàn không nghe lời bạn nữa. Đây là vấn đề rất lớn mà chúng ta hiện nay phải đối mặt. Thế nên trong xã hội hiện nay, phụ nữ chúng ta nên tiên phong làm trước, hãy bắt đầu từ mỗi một người mẹ, chân thật giữ tâm của mình bình lặng, chân thật học tập, không được chán ghét việc học. Làm mẹ mà không thích học tập là một việc rất nguy! Bạn xem những người có thành tựu lớn, mẹ của họ về cơ bản đều khá yêu thích học tập, hiểu biết một số đạo lý. Đây là Gia Học.

 

Sau cùng là Gia Nghiệp. Trong gia đình có đạo đức, có quy củ, có học vấn thì mới có thể thành tựu sự nghiệp của gia đình. Gia nghiệp của mỗi gia đình tuy là không như nhau, thế nhưng cái gốc được cắm xuống là giống nhau. Sự nghiệp mà thời nay chúng ta nói đến cũng là kiểu “thức ăn nhanh”, phải nhanh chóng phát tài, kiếm tiền. Thế nhưng, không có người nghĩ đến sau khi kiếm tiền rồi thì làm thế nào? Hôm qua, con trai của tôi đã nói một câu rằng: “Mẹ xem chiếc xe này rất tốt, sau này con lớn lên sẽ mua một chiếc cho mẹ ngồi có được không ạ?”. Như vậy có phải là rất hiếu thuận hay không? Theo tôi là không phải. Chúng ta học văn hóa truyền thống có bốn từ, đó là “đức bất phối vị”, chính là đức hạnh của bạn không tương xứng với địa vị. “Chiếc xe đó rất tốt, nó đại biểu cho một địa vị. Vậy mẹ hỏi ngược lại con, đức hạnh của con đã tương xứng với địa vị đó chưa”. Tôi nói xong câu này, con trai lớn của tôi cả buổi không nói lời nào, sau cùng mới nói với tôi rằng: “Thưa mẹ! Con phải từ việc học tập tốt, hiếu thuận với cha mẹ mà bắt đầu ạ”. Tôi nói: “Đúng vậy!”. Một người không có đức hạnh, được địa vị rồi thì sẽ ra sao? Phúc lộc của bạn, chúng ta thường nói có tiền là phước và có quyền, có thế là lộc. Bạn có quyền rồi, có tiền rồi nhưng đức hạnh của bạn không tương xứng thì bạn dễ dàng gặp chuyện. Bạn xem rất nhiều người trúng vé số giàu to thì đột nhiên lại mắc trọng bệnh. Có người vừa mới thăng quan, thăng chức rất lớn thì đột nhiên lại bị tai nạn giao thông.

 

Tôi còn nhớ nhiều năm về trước nghe người ta kể có một người còn rất trẻ, chưa đến bốn mươi tuổi, mới được thăng chức làm Chánh Án Tòa án, đã tiếp nhận thông báo nhưng vẫn chưa nhậm chức thì phải đi công tác. Nào ngờ ông ngồi xe Audi trên đường cao tốc gặp phải tai nạn, xe tông vào gầm của một chiếc xe lớn khác, lúc đó ông trở thành người thực vật, còn người tài xế thì bị chết. Chúng ta để tâm quan sát thì thấy xung quanh chúng ta những sự việc xảy ra như thế này rất nhiều. Nghĩ đến chính mình, nếu như chúng ta hiện nay có danh vọng, có địa vị, có tài sản, có quyền thế thì càng phải nên có tâm nơm nớp lo sợ như đi trên băng mỏng vậy. Vì sao thế? Bạn có phước báo lớn như vậy thì thời thời khắc khắc phải nghĩ xem đức hạnh của chính mình có đủ hay không. Nếu như không đủ thì tai họa phía sau lúc nào cũng có thể xảy ra. Chúng ta nói họa phúc đi đôi với nhau, đạo lý này bản thân chúng ta phải biết. Thế nên, hiểu rõ đạo lý này rồi thì gia nghiệp của bạn mới có thể kéo dài tốt đẹp!

 

Gia nghiệp càng dầy thì càng phải chú trọng đến việc bồi dưỡng đức hạnh của bản thân và đức hạnh của con cháu, như vậy thì nền tảng của gia đình sẽ rất vững chắc. Chúng ta xem ông Tăng Quốc Phiên thời nhà Thanh, Tổng Đốc của hai tỉnh. Ông không những đối với con cái chính mình mà đối với gia tộc và con cháu của mình và họ hàng đều giáo dục nghiêm khắc. Trong thư, ông đã không ngại nhắc đến những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt trong cuộc sống. Thế nên bàn về Nữ Đức, không phải là vấn đề viển vông mà là những điều rất đơn giản, là những sự việc nhỏ trong gia đình. Ví dụ có một lần, ông nhìn thấy cháu trai (con của em trai) đi đường rất nhanh. Ông về nhà liền viết một cuốn Gia Thư, trong đó có phần dặn dò riêng đứa cháu này: “Cháu đi đường tốc độ phải chậm rãi. Ta đã quan sát kỹ cháu, phát hiện cháu nói chuyện cũng rất nhanh, nên nói chậm lại. Cháu ăn cơm cũng hơi nhanh, nên ăn chậm lại”. Vì sao vậy? Ông đã đem đạo lý nói ra cho cháu rằng: “Cái nhanh này của cháu cho thấy tâm của cháu bắt đầu bao chao, xốc nổi. Tâm một khi xốc nổi thì khí sẽ bất bình, không thể bước vào con đường học vấn chân chánh, sẽ không học được thứ gì. Con người như thế thì không có định lực. Không có định lực thì cháu làm việc gì cũng không thể dài lâu”. Ông đã giảng giải đạo lý một cách sâu sắc và thấu triệt cho cháu. Khi tôi xem Gia Thư của Tăng Quốc Phiên đã vô cùng cảm khái. cảm khái về việc gì? Chúng ta hiện nay đối với việc giáo dục con cái và giáo dục tố chất của chính mình không có được độ sâu như vậy, chỉ có bề ngoài mà thôi, chuộng hình thức, chỉ là cái trống rỗng bên ngoài. Trong nhà mới thật sự là nơi có thể nhìn thấy Đạo, nhìn thấy Đức. Phía sau cánh cửa, chúng ta ăn cơm như thế nào, ngủ nghỉ ra sao, nói chuyện như thế nào, từng lời nói và hành vi của con cái, từng lời nói và hành vi của chính mình phải thể hiện ra sao mới là đạo đức chân thật.

 

Khổng Tử đã từng nói rằng: “Từ việc nhỏ mà biết việc lớn, từ việc gần mà biết được việc xa”. Từ việc nhỏ chúng ta có thể suy đoán sự phát sinh của việc lớn trong tương lai. Từ việc xảy ra trước mắt có thể dự đoán sự việc về sau. Trong việc dạy học của Khổng Tử có hai ví dụ rất quan trọng là: “Từ việc nhỏ mà biết việc lớn, từ việc gần mà biết được việc xa”. Một ví dụ về học trò của Ngài là Tử Lộ khi nhìn thấy người rơi xuống nước thì ông nhảy xuống cứu người lên. Người đó vì để cảm ơn ông đã tặng ông một con trâu, Tử Lộ không chút khách khí đã nhận lấy. Khổng Tử rất khen ngợi ông, nói rằng: “Sau này ở nước Lỗ khi thấy người khác gặp nguy thì sẽ có người ra tay cứu giúp, phong khí này sẽ được lan tỏa rộng ra”. Bởi vì họ thấy người cứu giúp người khác nhận được con trâu, việc này rất tốt, vậy thì họ cũng sẽ đi cứu người. Còn một người học trò khác của Ngài là Tử Cống đã dùng tiền chuộc người dân bị bán ở nước khác đem vềnhưng ông không nhận lời khen và tiền thưởng của quốc gia. Khổng Tử không tán thành việc làm của ông và nói rằng sau này ở trong nước sẽ không có người làm việc này nữa. Vì sao vậy? Họ thấy Tử Cống chuộc người đều không lấy tiền, nếu mình lấy tiền thì có vẻ như không được hay lắm, vậy mình cũng không nhận tiền, nhưng không nhận tiền thì trong lòng lại không cam tâm,  sau này nhất quyết không làm việc này. Gia đạo của Tử Cống rất tốt, rất khá giả, gia đình của người khác chưa chắc được như vậy. Thế nên, hai sự việc này đều được nhắc đến rất nhiều trong các điển tích cổ nhằm nói lên điều gì? Chúng ta nhìn thấy những thứ là thiện, là tốt, nhưng chưa chắc là chân thiện, là thật sự tốt, phải nhìn xa mới được. Cái nhìn của Thánh Nhân không giống với chúng ta, chính là ở chỗ các ngài có thể suy đoán những sự việc sẽ phát sinh trong tương lai, tầm nhìn của các ngài siêu vượt thời gian, không gian, nhìn thấy được sự việc ở tương lai mười năm, trăm năm, cho đến ngàn năm sau. Bởi vì Thánh nhân đã hoàn toàn buông xuống bản thân, nên hiển lộ đại trí tuệ của chân tâm bổn tánh, có thể nhìn thấy hết thảy chân tướng của vũ trụ vạn hữu.

 

Tôi ở HongKong nghe một vị trưởng bối rất có đức hạnh kể rằng, mười năm về trước tại các tàu điện ngầm ở HongKong, trẻ em không tùy tiện uống nước giải khát, đều rất quy củ. Thế nhưng lần này bà ngồi tàu điện đến HongKong, bà thấy trẻ em rất bướng bỉnh, còn uống nước giải khát một cách không có quy củ. Bà đã dùng tiếng Quảng Đông nói với chúng: “Con không nhìn thấy tờ cảnh báo trên toa tàu điện sao! Không cho phép ăn uống ở trong toa tàu!”. Đứa trẻ đó gật đầu nói nó có nhìn thấy. Bà chỉ vào lon Cô-ca trên tay của nó hỏi: “Cái này là cái gì?”. Đứa bé nói là Cô-ca. Bà lại chỉ vào tờ cảnh báo thì đứa trẻ đó đã nói một câu rằng: “Không sao đâu!”. Bà nghe xong rất đau lòng và đã nói một câu là: “Nhất diệp tri thu”, nghĩa là nhìn thấy một chiếc lá rơi thì biết mùa thu đã không còn xa nữa, tương lai những chiếc lá trên cái cây này sẽ đều rụng xuống hết. Bà nói: “Nhìn những đứa trẻ hiện nay đã như thế này thì mười năm sau khi chúng lớn lên rồi, con của chúng sinh ra sẽ như thế nào đây?”. Thế nên bà đã lớn tiếng than rằng: “Giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục luân lý đạo đức sắp đến bờ vực rồi”. Mỗi một người chúng ta là thế hệ sau của dân tộc, đều có trách nhiệm và nghĩa vụ gánh vác, có câu rằng: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Không phải quốc gia hùng mạnh thì đó là sự hùng mạnh thật sự, chỉ khi nào người người tin tưởng luân lý đạo đức, có tinh thần dân tộc thực sự thì dân tộc đó mới có hồn, mới có phương hướng, mới không suy bại trong bất kỳ nghịch cảnh nào. Nếu như không có nền tảng đạo đức chân thật thì quốc gia có hùng mạnh đến đâu cũng sẽ ngã quỵ trước biến cố. Chúng ta có thể từ trong rất nhiều ví dụ mà có được sự cảnh tỉnh. Tuy nhiên,  chân thật thực hành vào trong gia đình của chính mình thì không có mấy người chịu làm đến nơi đến chốn. Nữ Đức chân thật là công việc vĩ đại nhất mà mỗi một người phụ nữ thông thường có thể làm được tại gia đình mình, thế nên xin đừng xem nhẹ trách nhiệm, nghĩa vụ và sứ mạng này của bản thân. Đây chính là gia nghiệp của một gia đình. Nếu như mỗi một gia đình đều có gia nghiệp dựa trên nền tảng đạo đức thì tương lai của đất nước sẽ vô cùng xán lạn. Đây là một đạo lý rất rõ ràng!

 

Hai mối quan hệ luân lý phía sau là “quân thần hữu nghĩa”“bằng hữu hữu tín”. “Quân thần hữu nghĩa”“làm vua phải nhân từ, làm thần phải trung thành”. “Quân” là chỉ cho người lãnh đạo, “thần” là chỉ cho người bị lãnh đạo. Ví dụ như, trong công ty thì tôi là chủ, là “quân”, những nhân viên là “thần”. Làm thế nào yêu thương nhân viên giống như yêu thương con cái của chính mình? Bạn biết dạy tốt con cái của chính mình thì bạn mới có năng lực dạy tốt nhân viên của mình. Nếu như không biết cách dạy con thì cũng sẽ không biết dạy nhân viên của mình. Trong quá trình sáu năm tôi học tập Kinh điển văn hóa truyền thống đã không ngừng sửa lỗi, không ngừng nâng cao, đã từng đi qua những con đường vòng vèo. Trước đây tôi đối với nhân viên không hề quan tâm, cho rằng tôi là người thành lập công ty, họ làm việc của họ, tôi làm việc của tôi. Sau đó, tôi lại hiểu sai lầm, một mực đối tốt với họ, đều cố gắng đáp ứng yêu cầu của họ về mặt ăn, uống, tiền lương đãi ngộ,  thế nhưng họ vẫn không vừa lòng. Sau đó tôi mới phát hiện vấn đề thật sự là ở tôi. Chính là ở chữ “nhân” (). Nó có hàm nghĩa rất sâu, không phải là sự lý giải của phàm phu chúng ta là cho họ những đãi ngộ về mặt vật chất bên ngoài, mà chính là sự dẫn dắt về mặt tinh thần. Sự dẫn dắt về mặt tinh thần tuyệt đối không phải dùng ý của chính mình mà cưỡng ép họ làm. Bạn cảm thấy văn hóa truyền thống tốt thì họ phải học, không phải như vậy, mà bạn phải đứng ở góc độ của họ để suy xét đến kinh nghiệm, năng lực, trình độ và cách nghĩ hiện thời của họ. Sau đó, bạn phải dựa vào tình hình và thời điểm thích hợp mà dẫn dắt họ mới đúng, nếu không thì sẽ gây nên sự đối lập rất lớn. Giữa người và người một khi có sự đối lập thì chữ “nhân” đó của bạn không phải là “nhân từ” thực sự, mà là nhân từ cá nhân. Cái mà bạn cho là nhân từ không phải là sự nhân từ mà mọi người đều công nhận. Cấp dưới của bạn sẽ cảm thấy bạn rất bảo thủ, cố chấp, cho mình là đúng. Bạn cảm thấy văn hóa truyền thống tốt, bạn muốn giới thiệu cho họ. Tuy nhiên, bạn là cấp trên nên bản thân bạn không phải lo cái ăn cái mặc. Còn họ hiện nay phải lo kế sinh nhai, còn phải vay tiền mua nhà, điều kiện kinh tế vẫn chưa tốt, trong khi áp lực của xã hội hiện nay lại rất lớn. Cho nên trong quá trình học tập tôi quả thật là đã đi sai đường vài lần. Hiện nay có thể từ từ điều chỉnh trở lại. Sự điều chỉnh này dựa vào những sự việc đã trải nghiệm trong đời sống thực tế, đem những đạo lý của Tổ tiên mổ xẻ ra từng lớp, không ngừng thâm nhập, quán sát một cách thấu triệt. Sau đó nghiền ngẫm sự việc nhiều lần, không ngừng buông xuống ngã chấp, buông xuống tự tư tự lợi thì sẽ có thể đến gần với Đạo. Cảm giác đến gần với Đạo là phiền não của bạn sẽ giảm đi rất nhiều, càng ngày càng ít, không ngừng đột phá bản thân, sau đó hiểu rõ ý mà Tổ tiên dạy bảo rốt cục là ý gì, không phải là cái ý mà chúng ta tưởng tượng ra.

 

“Bằng hữu hữu tín” cũng chính là sự thành tín mà xã hội thường nói đến. Thành tín là thứ mà xã hội hiện nay rất thiếu sót. Phải làm sao đây? Trước tiên phải tự mình làm trước. Tự mình làm trước thì điều quan trọng là nhất định không được yêu cầu người khác. Ví dụ nói bạn cho người khác mượn tiền, người đó không trả, bạn bị gạt một lần thì sẽ khôn ra. Lần sau sẽ biết nên làm như thế nào cho tốt, không được trách móc, mắng chửi vô ích. Tôi cũng đã từng gặp phải sự việc như vậy, tự mình đã khôn ra. Lần sau khi gặp phải chuyện như thế này sẽ biết nên làm thế nào để tốt cho người và cho mình, chỉ yêu cầu chính mình như vậy mới tốt. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong văn hóa truyền thống, khi làm hết thảy mọi việc chỉ yêu cầu mỗi bản thân mình. Kể cả trong quá trình tôi giảng Nữ Đức, có một lần tôi giảng cho mọi người về chữ “kiệm” trong từ “cần kiệm”, sau khi chúng ta học tập rồi, xin đừng về nhà nói với chồng rằng: “Nữ Đức dạy cần phải siêng năng, mà anh mỗi ngày đều ngủ đến 10 giờ. Như vậy là không được! Anh phải cùng làm việc với em, phải tiết kiệm. Cái áo này anh mua đắt quá, mua đến những 200 tệ, phải mua cỡ 50 tệ thôi”. Cần kiệm là đối với bản thân chúng ta, còn đối với người khác phải lấy rộng lượng làm chính. Đối với người khác mà bạn cũng yêu cầu tiết kiệm kiểu thế này, nếu người khác không hiểu sẽ cho bạn hơi thái quá một tí thì sẽ trở nên hà khắc. Người khác sẽ rất oán ghét văn hóa truyền thống, nói rằng ngày tháng của họ trước đây rất tốt, từ sau khi bạn học văn hóa truyền thống thì cuộc sống của họ trở nên rất đau khổ. Thế nên, mọi thứ đều cần phải “phản cầu chư kỷ” (xét lại chính mình), sau đó bản thân cần tích lũy đức hạnh để cảm hóa người khác. Nếu như không thể cảm hóa cũng không thành vấn đề, chúng ta phải nhớ câu nói này, cũng là câu nói mà tôi hay động viên và an ủi bản thân: “Lúc nghèo khó thì lo hoàn thiện chính mình, khi thành đạt rồi thì giúp cho thiên hạ”. Chúng ta là phụ nữ mặc dù không thể giúp cho cả thiên hạ, nhưng cũng phải giúp được cho gia đình mình. Tôi chính là người nghèo, nghèo đạo đức, nghèo học vấn, nói chuyện không rõ ràng, người khác không tiếp nhận, tích lũy đức hạnh mỏng, nên người khác xem không hiểu. Chúng ta trước tiên cần phải giữ cho tất cả hành vi, lời nói và tâm niệm của mình được tốt lành, sau đó không được yêu cầu người khác. Khi đức hạnh của chúng ta dần dần sâu dày rồi thì sẽ được lòng người, được lòng của người thân bạn bè, được cả thiên hạ. Việc này chúng ta cần phải hiểu rõ. Thế nên, gia phong đoan chánh thì thiên hạ sẽ an định.

 

Trong xã hội, nếu như phụ nữ hiểu rõ bổn phận của chính mình, nói một cách đơn giản đó là: “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành”. “Đôn” có nghĩa là thực hành. “Luân” chính là vai trò của chúng ta trong các mối quan hệ. Ví dụ như trong mối quan hệ vợ chồng thì chúng ta là vợ, trong mối quan hệ mẹ con thì chúng ta là mẹ, trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì chúng ta là con dâu, chúng ta cần thực hiện bổn phận của mình, làm tròn bổn phận của chính mình, không được yêu cầu người khác. “Nhàn” nghĩa là ngăn ngừa, “tà” là tất cả những cách nghĩ và ý niệm bất chính, bao gồm những thứ nhìn thấy, nghe thấy đều phải cự tuyệt đem chúng để ra ngoài, giữ vững một niệm thành tâm của chính mình. Việc này trong xã hội hiện nay không dễ dàng. Vì sao vậy? Vì trong xã hội hiện nay, hoàn cảnh bên ngoài, những thứ khiến chúng ta tìm về với giáo huấn của văn hóa truyền thống rất ít, những thứ dụ hoặc lại rất nhiều. Chúng ta thử mở một cuốn tạp chí, hoặc lên mạng, xem phim, xem phim truyền hình, cho dù trước đó bạn đã nghe ba giờ đồng hồ lời dạy của Thánh Hiền, nhưng chỉ cần xem những thứ này trong ba phút thì những thứ bạn nghe sẽ bị xóa sạch, bạn sẽ bị cuốn theo dòng nước. Sức dụ hoặc này rất lớn. Thế nên, để cho chính mình chân thật có thể giữ được định tâm lâu dài, kiên trì không mỏi đối với giáo dục đức hạnh, cần phải có nghị lực và chí hướng kiên định, phải có tâm hướng thượng, biết cái mình làm là gì, vì sao phải làm. Nếu nghĩ đến con cái của chúng ta, thường nghĩ đến lời dạy của Tổ tiên, thì mỗi ngày đều nghe, bạn sẽ không quên mất. Có một vị thầy đã từng nói rằng chúng ta học tập Kinh điển không kỳ vọng có thể xuất hiện những người như Mạnh Tử, mà chỉ cầu mong có thể bồi dưỡng ra vài vị như Mạnh Mẫu. Bởi vì những người làm mẹ nếu như có thể lấy Mạnh Mẫu làm tấm gương thì có thể lấy việc bồi dưỡng con cái của mình trở thành Thánh Hiền làm chí hướng. Tôi tin rằng không cần thật nhiều, có một người thì có thể ảnh hưởng đến mười người, có mười người thì có thể ảnh hưởng đến trăm người, từ một làng cho đến một thành phố, từ một thành phố cho đến một tỉnh, rất nhanh, phong hóa này sẽ lan khắp thiên hạ, then chốt là có người kiên định làm hay không mà thôi.

 

Bàn về “đôn luân tận phận”, tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người. Tôi năm nay 38 tuổi, năm 1993 tôi tốt nghiệp Đại Học Nhân Dân Trung Quốc, sau đó tôi đã học nghiên cứu sinh chuyên ngành pháp luật thương mại quốc tế của Đại Học Hàng Hải ở Đại Liên. Trước khi học văn hóa truyền thống, tôi là một phụ nữ công chức khá hiện đại, theo đuổi một sự nghiệp khá tốt. Tôi làm chuyên gia phân tích chứng khoán tại một công ty chứng khoán. Sau đó, tôi làm việc tại công ty của chồng tôi. Năm năm trước tôi thành lập một công ty kinh doanh tiền tệ và đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Công ty của chúng tôi là công ty con duy nhất ở Đại Liên trực thuộc tổng công ty kinh doanh tiền tệ Trung Quốc. Thành tích kinh doanh rất tốt, xếp hàng đầu cả nước. Nếu như mười năm trước tôi tiếp xúc với văn hóa truyền thống thì có lẽ so với bây giờ đã khác xa. Trước đây, đối với văn hóa phương Tây tôi khá tán đồng, không hề có sự thâm nhập thật sự vào Kinh điển của văn hóa truyền thống để học tập và nâng cao chính mình. Sau khi tôi học tập Nữ Đức, tôi đã có duyên gặp một vị giáo sư người Mỹ của học viện quân sự West Point, là một trưởng bối người Mỹ, 69 tuổi. Ông dạy học tại học viện quân sự West Point gần 40 năm, là một người phương Tây chính gốc. Khi tôi tiếp xúc gần gũi với ông, tôi phát hiện rằng ông rất tôn trọng Khổng Tử. Việc đầu tiên ông đến Bắc Kinh là thăm Miếu Khổng Tử. Tôi đã tặng cho ông một tượng Khổng Tử bằng thủy tinh. Ông rất thích và nói với người phiên dịch rằng đây là món quà ý nghĩa nhất mà đời này ông được nhận. Sau đó tôi hỏi ông  có cái nhìn như thế nào về Nữ Đức. Người phương Tây đối với Nữ Đức có thái độ ra sao? Người phương Tây phải chăng rất xem trọng nữ quyền? Ông nghe xong rất vui mừng và nói với tôi rằng ông nhận thấy Nữ Đức vô cùng quan trọng, cần phải được đề xướng mạnh mẽ. Ông nói với tôi rằng vợ chồng ông đã cùng nhau đồng cam cộng khổ hơn 40 năm, sinh được hai người con, sau đó còn nhận nuôi ba người con gái ở Việt Nam. Cả gia đình hòa thuận, vui vẻ. Ông nói rằng vợ ông, nếu theo truyền thống mà nói là một hiền thê từ mẫu điển hình, tức là chỉ ở nhà phụ trách nhiệm vụ dạy dỗ con cái, làm việc nhà, nấu ăn. Hiện nay các con đều trưởng thành. Vợ ông mỗi tuần đến bệnh viện làm nghĩa công, đến giúp chăm sóc các bé sơ sinh. Ông đã từng trao đổi với vợ mình về vị trí của người phụ nữ trong gia đình. Sau đó ông đã trích một câu nói trong ngôn ngữ Kinh Thánh Hebrew: “Một người phụ nữ giống như một ngọn đèn ấm áp dịu dàng, vĩnh viễn có thể chiếu sáng những người đàn ông từ ngoài trở về. Người phụ nữ tốt ở nhà nấu cơm ngon, may vá quần áo, lo toan chăm sóc tốt mọi thứ trong gia đình. Đây chính là hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ tốt giống như ngọn hải đăng trên biển lớn, vĩnh viễn có thể soi đường cho những chiếc thuyền nhỏ trong gia đình đi về nơi xa, tránh được phong ba bão táp”. Sau đó ông đã động viên tôi, ông nói rằng việc này (Nữ Đức) nếu như được đề xướng tốt thì toàn thế giới sẽ nhận được lợi ích. Đây là lời nói của một người lớn tuổi phương Tây.

Tôi học văn hóa truyền thống cũng quen biết với tổng giám đốc Lý Mộ của tập đoàn Phoenix ở Nam Kinh. Mỗi lần gặp mặt, ông đều nói chuyện với tôi, thế nên ấn tượng rất sâu sắc. Ông mong rằng khi tôi giảng bài có thể nhắc đến câu chuyện của ông. Ông nói năm xưa khi được đào tạo tại tập đoàn Phoenix ở Đức, chỉ có một mình ông là giám đốc người Trung Quốc. Có một hôm thảo luận về đề tài: “Phụ nữ có nên ở nhà hay không?”. Nhóm của ông và tất cả các nhóm khác đều có câu trả lời nhất trí rằng nên ở nhà, chỉ có mỗi mình ông cho rằng không cần ở nhà. Sau đó thầy giáo hỏi ông vì sao cho rằng phụ nữ không cần ở nhà. Ông trả lời rằng có những phụ nữ rất ưu tú, nếu như ở nhà thì thật lãng phí mà nên ra ngoài cống hiến cho xã hội. Sau đó vị thầy hướng dẫn cũng không đưa ra kết luận cuối cùng cho ông, mà thầy chỉ nói rằng: “Kỳ thực người phương Tây chúng tôi vẫn cho rằng phụ nữ nên ở nhà, bởi vì nếu cô ấy ở nhà làm một người mẹ tốt thì tương lai con trai, con gái của cô ấy sẽ cống hiến càng lớn hơn cho xã hội. Ngược lại, nếu như giao con cái cho trường mẫu giáo, rồi mình ra ngoài làm việc, có thể sẽ kiếm được tiền, hoặc là có một ít cống hiến, nhưng thế hệ sau của cô ấy có thể sẽ bị hủy hoại. Vì sao thế? Bởi vì một người mẹ ở nhà đều dồn hết tinh thần sức lực cho một đứa con, hai đứa con, thế nhưng ở trường mẫu giáo, các giáo viên mầm non phải chăm sóc tới 30-40 em học sinh, tinh thần và sức lực của các cô không thể như người mẹ kia dốc toàn lực, toàn tâm mà chăm sóc”. Giám đốc Lý mỗi lần gặp tôi đều rất cảm khái mà nói rằng: “Nếu như tôi biết được sự khác biệt vai trò giữa nam và nữ, hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc phụ nữ ở nhà dạy con thì năm xưa tôi đã không có quan điểm như vậy”.

Cho nên, nếu như chúng ta chân thật hiểu rõ địa vị chân thật của người phụ nữ thì chúng ta hãy tự mình nghĩ xem làm thế nào có thể đem tinh thần, sức chú ý đặt ở gia đình, đem việc giáo dục con cái đặt vào việc bồi dưỡng đức hạnh của người làm mẹ. Như vậy thì gia đình sẽ rất an ổn, những vấn đề trong quan hệ  vợ chồng chắc chắn sẽ được giải quyết. Tôi còn nhớ một lần để chuẩn bị cho bài giảng, tôi đã tra thông tin về tỉ lệ ly hôn, không ngờ rằng tỉ lệ ly hôn hiện nay lại cao như vậy. Đại Liên đứng thứ 10, các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến đều đứng hàng trên cùng. Thành phố càng nhỏ thì có vẻ như phong hóa người dân ở nơi đó càng đôn hậu hơn, tốt hơn một chút, thành phố càng lớn thì càng thoáng, càng tự do, nên có sự phóng túng về phương diện này. Chúng ta nghĩ nếu như mỗi đất nước giống như một cơ thể con người thì mỗi gia đình giống như tế bào bên trong cơ thể, tế bào đều hư hỏng thì cơ thể nhất định có vấn đề. Chúng ta hiện nay đề xướng hài hòa xã hội. Vậy hài hòa xã hội nên làm từ đâu? Phải làm từ việc hài hòa gia đình. Vậy hài hòa gia đình bắt đầu từ đâu? Phải bắt đầu từ người phụ nữ hài hòa thân tâm của chính họ.

Vấn đề thứ hai tôi muốn chia sẻ với mọi người là làm thế nào tận bổn phận của chính mình? Cần phải “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đây chính là con đường để thành tựu mà Tổ tiên đã để lại cho chúng ta. Con đường này có thứ lớp của nó. Tôi cũng đã viết một câu rằng: “Hài hòa xã hội bắt đầu làm từ Nữ Đức”. Tôi cảm thấy rằng nếu như mỗi người phụ nữ đều rất lương thiện thì phong khí xấu của xã hội sẽ dễ dàng được chuyển đổi. Thời gian trước Bắc Kinh đã chấn chỉnh lại những chốn ăn chơi đồi trụy, rất nhiều người thảo luận ở trên mạng, có người gọi họ là những phụ nữ sa ngã, có rất nhiều cách gọi. Tôi cảm thấy bài thảo luận này chỉ nói đến cái tên gọi bên ngoài, danh xưng không quan trọng, quan trọng là họ vì sao lại làm như thế, điều gì đã thúc đẩy họ làm như vậy, phải nắm vấn đề từ căn bản. Người phụ nữ làm ra việc này là do hai nguyên nhân: Thứ nhất là vì tiền, vì lợi; Thứ hai có thể là do tâm dâm dục thúc đẩy. Đại đa số đều vì lợi. Nếu như vì lợi mà làm thì phải giáo dục họ, nếu như không giáo dục thì họ sẽ gây chuyện không chỉ ở trên vấn đề này mà ở các vấn đề khác cũng có chuyện. Nếu không thì sẽ không có những sự việc như làm sữa bột giả, thuốc giả, đều là bị cái lợi sai khiến. Thế nên, sau khi đã tìm ra được căn nguyên thì phải bắt tay làm từ giáo dục. Tôi thường nói nhiều lần với nhân viên của tôi rằng: “Mọi người muốn phát tài là điều rất tốt. Tôi không khuyên mọi người đừng phát tài, nhưng các bạn phải biết làm thế nào phát tài một cách an toàn nhất. Cái gì là gốc rễ căn bản của tài, cái thuộc về bản chất là gì? Nếu không biết thì bạn cầm tiền trong tay cũng sẽ không vui”. Tôi nói với nhân viên rằng khi làm ra sản phẩm nên in bốn chữ “Đức vi tài thổ” (đức hạnh là mảnh ruộng sinh ra tài) vào phần đáy bằng thủy tinh của sản phẩm. Làm như vậy để khiến cho nhân viên và khách hàng niệm niệm đề khởi việc tu dưỡng đức hạnh của mình. Bốn chữ này bắt nguồn từ câu nói: “Đức là gốc, tài là ngọn” của sách “Đại Học”. “Đức vi tài thổ”, lấy một cây đại thụ làm ví dụ, cái cây này đại biểu cho tài phú, bạn rất muốn phát tài, mong cho cây lớn lên tươi tốt. Vậy thì cây này phải có rễ, không thể hạ công phu ở trên cành lá. Bạn mỗi ngày tỉa cành, tỉa lá, tưới nước, bón phân thì cái cây này cũng không thể tốt lên được, quan trọng là phải từ rễ mà chăm bón. Rễ là gì? Rễ chính là đức hạnh của chúng ta. Gốc rễ của đức hạnh là gì? Là hiếu đạo. Vì vậy, người xưa có nói: “Người trung thành, liêm khiết từ hiếu thảo mà ra”. Bạn muốn tìm thanh quan, liêm tướng, tìm kiếm hiền tài thì phải tìm từ gia đình có người con hiếu thảo. Đạo hiếu của chúng ta đã thiếu sót từ rất lâu rồi, một người đối với cha mẹ không ra gì thì sao có thể mong người đó đối xử tốt với khách hàng, với bạn bè, với ông chủ. Không thể nào! Tôi xem rất nhiều báo cáo ở trên mạng, rất là cảm khái. Cái gốc rễ này là giáo dục, gọi là: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Nếu như mỗi ngày đều cho họ sự giáo dục lương thiện, và khi họ đã hiểu đạo lý này, hiểu rõ căn nguyên thì họ sẽ tự nguyện buông xuống, và sau đó sẽ đi làm những việc thật sự có lợi cho bản thân và xã hội. Tôi đã gặp những phụ nữ như vậy, họ đã sám hối trong nhóm văn hóa truyền thống của chúng tôi, phản tỉnh lại mình đã vì tiền mà đi làm gái bán hoa. Khi họ hiểu rõ đạo lý này thì tự động bỏ nghề, đồng thời còn đồng ý đem tài sản của chính mình dùng vào những việc tốt trong luận đàn công ích văn hóa truyền thống. Bạn thấy khi họ đã hiểu rõ đạo lý này thì không cần phải bức ép họ, họ vẫn làm một cách rất tự nguyện, vui sướng. Thế nên, cái mà chúng ta hiện nay thiếu là cái gì? Là giáo dục, chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi lòng người, mới có thể khiến cho mọi người tự nguyện đi làm việc thiện. Như vậy, phong khí xã hội mới chuyển biến.

Thời đại Minh Thanh có một thiên văn chương là: “Khuê Huấn Thiên Tự Văn” chuyên về giáo dục con cái. Phần mở đầu có một câu:Không tu thân sao có thể tề gia, không tề gia sao có thể trị quốc, không trị quốc sao có thể bình thiên hạ. Lòng người ngày càng bạc bẽo, phong tục ngày một suy vi là do cớ đó mà ra. Người làm cha mẹ thời nay, dù cho giàu nghèo khác biệt nhưng vẫn còn biết giáo dục con em của mình. Thế nhưng việc dạy dỗ người nữ, ít có người nói đến, nên về sau trong thiên hạ mới có người nữ ương bướng, đố kỵ, cũng do từ đầu không có phụ nữ hiền đức, không hiểu lễ nghi, chẳng trách ngày càng xa rời thiên tánh”. Dạy ra người phụ nữ hiền đức nên bắt đầu dạy từ đâu? Quan trọng chính là tu thân. Phụ nữ nên tu thân như thế nào? Trước tiên phải xem tu thân là gì. Tu thân phải cần “cách vật”, cách vật mới có thể trí tri. Hai từ cách vật” này có hàm nghĩa gì? “Cách” có nghĩa là chiến đấu, “vật” chính là dục vọng, phải chiến đấu với dục vọng của chúng ta. Đây là việc rất khó.

Trong một lần giảng bài, tôi gặp phải một thính giả. Sau khi tôi giảng xong, cô ấy bước lên nói tôi giảng rất hay: “Tôi cũng rất muốn được như cô, nhưng hiện giờ tôi cảm thấy mình không có thời gian”. Tôi hỏi cô ấy: “Chị chắc làm việc bận lắm phải không?”. Cô ấy nói: “Tôi không đi làm, điều kiện gia đình của tôi rất tốt, trong nhà còn có người giúp việc nhà”. Tôi hỏi: “Vậy chị bận việc gì?”. “Tôi mỗi tuần có hẹn gặp gỡ bạn bè, định kỳ còn hẹn đi tắm hơi, mỗi ngày còn tập yoga, còn đi thẩm mỹ viện, dạo phố, mỗi tháng còn đi du lịch nước ngoài, thời gian rất eo hẹp. Một mình tôi dạy con cái học kinh điển thật không có thời gian”. Cô ấy hỏi: có thể giới thiệu cho tôi một cô giáo được không? Tôi gửi tiền cho cô ấy, tìm cô giáo về nhà dạy”. Sau đó tôi đã nói với cô: “Một người làm mẹ nếu như không học, chỉ mong thông qua tiền tìm người dạy con mình học, thì cái học được chỉ là cách học ghi chép, chỉ là tri thức sách vở mà thôi. Con trẻ có nhận được lợi ích hay không? Không có lợi gì cả. Bởi vì chúng mỗi ngày ở nhà đều nhìn thấy một cuốn sách giáo khoa sống động, giáo trình Nữ đức, giáo trình Đệ Tử Quy chính là cha mẹ chúng. Đặc biệt, khi người mẹ mỗi ngày ở nhà, cha thì rất bận nên còn tốt một chút, nó nhìn thấy mẹ diễn Đệ Tử Quy như thế nào, biễu diễn Nữ đức ra sao, biểu diễn văn hóa truyền thống như thế nào. Rồi nó nói với cô giáo rằng: “Lời trong sách không giống với những gì đang diễn ra, những thứ trong sách là tri thức chết, không có tác dụng gì, bỏ qua một bên, thứ thọ dụng từ cuộc sống mới quan trọng. Sau đó cô ấy nói: “Tôi thật sự không có thời gian, thật đó, tôi làm không được”. Tôi nói: Vậy thì thật là tiếc, giống như một ly nước vậy, bên trong ly nước hiện giờ là nước bẩn mà chị không nỡ đổ nó đi thì làm sao mong có thể chứa thêm nước trong được, không thể chứa được”. Sau đó cô ấy bỏ đi, không nói lời nào. Trong lòng tôi cảm thấy người trong xã hội hiện nay không đành lòng buông xuống dục vọng và sự hưởng thụ của chính mình. Con đường học vấn rất gian khổ, bản thân mỗi ngày ở nhà, nhất là lúc mới bắt đầu không cảm nhận được niềm vui học tập, thế nên cần phải có sự kiên trì. Hơn nữa, khi học đến một trình độ nhất định, lúc học lên cao vẫn có thể có phiền não, vẫn cần phải có sự khắc phục và đột phá, giống như vượt qua nút thắt cổ chai vậy. Tôi cảm thấy then chốt là ở người làm mẹ có tâm hướng thượng và ý chí xa rộng hay không. Nếu như muốn bồi dưỡng con cái thành Thánh Hiền thì người làm mẹ nhất định có thể khắc phục được trăm ngàn gian khó. Người làm mẹ có tâm yêu thương con cái một cách nhân từ thực sự hay không? Nếu như thật sự có tâm yêu thương thì nhất định có thể chịu đựng cái khổ này, nguyện vì con cái mà buông xuống một số hưởng thụ cá nhân. Vì vậy, sự vĩ đại của người mẹ là ở chỗ có thể buông xuống tự tư tự lợi, thành tựu chính mình đồng thời cũng thành tựu cho con cái. Cái cửa ải tự tư tự lợi này bản thân tôi đã từng thể hội qua. Trước đây, tôi cũng giống như cô ấy, thích đi dạo phố mua sắm, có những hưởng thụ như thế, đồng thời cũng có điều kiện để làm. Thế nhưng, tôi phát hiện thấy con cái ngày càng khó dạy, xuất hiện rất nhiều vấn đề. Lúc đầu, tôi rất tức giận, cảm thấy việc này không có liên quan gì đến tôi. Sao con cái lại trở nên như thế chứ? Lúc nhỏ tôi đâu có như vậy. Tôi thật sự học “Đệ Tử Quy”, văn hóa truyền thống từ tháng tư năm ngoái khi bắt đầu dạy con. Tôi nhớ rất rõ, ngày hôm đó tôi còn chia sẻ với con. Hai mẹ con chúng tôi ngồi trên giường. Mỗi người cầm một cuốn “Đệ Tử Quy”. Tôi nói từ hôm nay trở đi mẹ sẽ cùng học tập với con. Sau đó, trong nhà đã xảy ra rất nhiều thay đổi, sau khi hai cô bảo mẫu nghỉ việc vào năm nay, tôi bắt đầu tự mình làm việc nhà, bắt đầu nấu ăn, bắt đầu buông xuống rất nhiều thời gian giải trí của riêng mình, đến sau cùng hoàn toàn không có nữa, cùng với con mà trưởng thành. Mỗi ngày tôi để tâm đến từng li từng tí thay đổi của con. Con trai lớn của tôi lúc đầu viết chữ rất ẩu, rất tệ, chữ viết bay nhảy lung tung, thầy cô của nó cũng rất mệt mỏi. Bắt đầu từ năm ngoái tôi kèm con luyện chữ, hiện giờ nó viết chữ rất đẹp. Ngày nọ, nó nói với tôi: “Mẹ ơi! Kiểm tra cuối kỳ tiếng Anh đối với con không thành vấn đề, được một trăm điểm toán không thành vấn đề. Nhưng ngữ văn thì còn kém một tí, hai ngày trước con được 99 điểm”. Cái “một tí” này của nó chính là riêng về việc viết chữ vẫn còn phạm quy một chút. Nó nói: “Con nhất định sẽ nỗ lực”. Năm ngoái vừa mới đi học, điểm vở sạch chữ đẹp của nó, cả lớp chỉ có 3 cuốn tập bị trừ điểm vở sạch chữ đẹp, trong đó có con trai tôi. Năm nay, nó đã nói với tôi rằng: “Mẹ ơi! Con không còn bị vấn đề này nữa rồi”. Đây là kết quả của việc người làm mẹ đã buông xuống chính mình, để cùng con trưởng thành. Thế nên, việc đầu tiên của tu thân là phải buông xuống dục vọng của chính mình.

Thế nhưng, buông xuống dục vọng, chúng ta gọi là “cách vật”, phía trước cần phải có điều gì? Nhất định phải có lòng tin kiên định, sức mạnh của niềm tin này phải rất lớn. Hai ngày trước tôi đọc một thiên văn chương, lúc đọc xong đã khóc, quả thực rất xúc động. Đó là bài viết của Tổng Thống Hàn Quốc tiền nhiệm với tiêu đề: “Hãy suy nghĩ giống mẹ, hành động giống mẹ”. Ông kể về cuộc đời ông đã chịu sự ảnh hưởng của mẫu thân như thế nào, niềm tin của mẹ ông cực kỳ kiên định, không hề lay động. Ví dụ lúc ông còn đi học bị người khác đả kích, khi về nhà tâm trạng rất sa sút, bởi vì có người đã phỉ báng mẹ của ông, đồng thời còn đánh ông. Ông về nhà kể cho mẹ nghe, kết quả mẹ của ông sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện xong đã nói với ông câu nói thế này: “Con à! Con cần phải học nhẫn nại. Sau này trên thế gian còn có những việc oan ức hơn, con cũng phải biết nhẫn nại, có thể nhẫn đến sau cùng thì con sẽ chiến thắng”. Câu nói này đã ảnh hưởng cả đời của ông. Cho nên, từ đó về sau bất kỳ sự việc nào kích động ông, ông đều nhẫn nhịn, lời nói của mẹ không ngừng vang vọng bên tai. Bà chỉ là một người mẹ rất đỗi bình thường. Mẹ của ông là một phụ nữ nông thôn, thế nhưng đã thành tựu cả cuộc đời ông ấy. Mẹ của ông có niềm tin vào Cơ Đốc giáo, bà đọc “Thánh Kinh”. Vì vậy, tôi cảm thấy lòng tin của người mẹ, tấm lòng rộng lượng của người mẹ có thể thành tựu rất nhiều sự việc. Có thể bạn cảm thấy đó chỉ là một câu nói thoáng qua nhưng thật sự đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời của người con. Ví dụ, một người mẹ khác buột miệng nói: “Chiếc xe hơi đó của người ấy thật là đẹp, bộ quần áo hàng hiệu đó đẹp quá!”. Con cái của họ nghe thấy rồi bất giác sẽ đặt dục vọng vật chất ở vị trí số một. Đứa con đó sẽ nghĩ: “Mẹ của mình khen nức nở như vậy nghĩa là món đồ đó rất tốt”. Trong tâm con trẻ sẽ khởi lên sự truy cầu đối với những vật chất này. Ngược lại, nếu như bạn không màng đến những thứ như vậy, không cảm thấy hưởng thụ vật chất là hay, là tốt, mà vô cùng khen ngợi đức hạnh của người khác thì một cách âm thầm bạn đã dạy con làm thế nào để góp nhặt tích lũy phước báo của chính mình. Cuộc đời của chúng sẽ có thể gặp kiết tránh hung. Đây là sự đảm bảo bình an cho cả đời con cái. Vô hình trung, con của bạn sẽ xem trọng phẩm đức của chính mình, giữ mình trong sạch. Cho nên, một người mẹ tốt quả thật giống như kim chỉ nam trong gia đình. “Cách vật trí tri” rồi mới có thể “thành ý chánh tâm”. Đây chính là căn bản của việc tu thân. Khi tôi xem lá thư của ngài Tổng Thống viết cho người mẹ quá cố của ông, có một đoạn đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Ông nói có một lần ông vì một số việc mà bị bắt giam. Mẹ của ông đi thăm ông. Ông nghĩ rằng mẹ ông sẽ tức giận, sẽ phê bình ông. Thế nhưng, khi mẹ đến thăm không hề nói với ông một câu. Sau khi yên lặng một hồi lâu, mẹ của ông đã rất bình tĩnh mà nói ba câu, thực ra là hỏi ông ba câu hỏi. Câu thứ nhất là: “Con đã học tập chưa?”. Câu thứ hai là: “Con đã cầu nguyện chưa?”. Câu thứ ba là: “Con đã đọc Kinh Thánh chưa?”. Hỏi xong ba câu đó bà nói: “Mẹ tin tưởng con. Con cứ kiên trì làm những điều con cho là đúng”. Vậy là xong, bà đã không nghe câu trả lời mà đứng lên đi. Ông im lặng nhìn mẹ. Ba câu hỏi của mẹ ông là câu nói dài nhất thẫm đẫm nước mắt. Tôi tin rằng đây là ba câu nói có thể ảnh hưởng đến cả đời của ông. Ý nghĩa của ba câu này rất sâu xa: Phải học làm người, người không học thì không biết đạo lý; làm người cần có tâm niệm tốt, tâm tốt thì mạng mới tốt; làm người cần có tín ngưỡng, có tín ngưỡng thì mới có yêu thương.

Hơn nửa năm nay, tôi vẫn đang học tập “Liệt Nữ Truyện”. Bộ sách này kể về những tấm gương điển hình của các vị nữ nhân thời xưa. Đối với bộ sách “Liệt Nữ Truyện”, chúng ta cũng cần có cái nhìn chính xác. Chúng ta thường hiểu lầm chữ “liệt” () trong “Liệt Nữ Truyện” là chữ “liệt” (烈) “cương liệt”. Trên thực tế, từ lâu nó chỉ cho chữ “liệt” trong từ “bài liệt” (排列: sắp xếp theo thứ tự). Nếu như thêm bốn dấu chấm ở cuối thì sẽ có người cho rằng những người nữ được nói đến trong bộ sách này có tính cách rất nóng nảy, là cuốn truyện ký về những phụ nữ rất mạnh mẽ cứng rắn. Như vậy là sai rồi! Chữ “liệt” () trong “Liệt Nữ Truyện” được giải thích trong cổ ngữ thế nào? Có nghĩa là “những người như thế đó rất nhiều”, là cuốn truyện ký về những phụ nữ đã được liệt kê ra, có người tốt lẫn người xấu, người tốt nhiều, người xấu ít, để cho mọi người xem đó làm tấm gương để học tập, hoặc là một bài học để phản tỉnh.

Sách này có nhiều chương, chương mở đầu là “Mẫu Nghi”, sau đó là “Trinh Thuận”, “Biến Thông”, “Nhân Trí”. “Nghi” trong “mẫu nghi” chính là phép tắc, chính là phép tắc làm mẹ như thế nào. Chương mở đầu liền nêu ra Tam Thái khai quốc triều Chu là: Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự. Nhà Chu có cơ nghiệp 800 năm. Làm thế nào có thể thành tựu 800 năm cơ nghiệp? Là do lúc dựng nước có ba phụ nữ này đã nuôi dạy nên những Thánh Hiền như Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương và Chu Công, thành tựu nên 800 năm cơ nghiệp triều Chu. Tôi quan sát thấy tất cả những chương về làm mẹ, bao gồm những chương về làm vợ, làm phụ nữ, trong quá trình tu thân của họ, trước tiên họ đều yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân, sau đó kiên trì với nguyên tắc, tiếp theo dẫn dắt con cái của họ, chồng của họ. Ví dụ như một chương trong “Liệt Nữ Truyện” kể về câu chuyện như sau, một vị đại tướng quân đánh trận được nửa chừng thì lương thảo cạn kiệt nên phái sứ giả trở về nước cầu cứu, nhân tiện ghé thăm mẫu thân giùm. Mẹ của ông đã hỏi: “Các binh sĩ đều khỏe chứ?”. Sứ giả nói: “Dạ thưa binh sĩ không khỏe vì họ không có cái ăn, mỗi ngày chỉ phát cho họ vài hạt đậu ăn”. Mẹ của ông hỏi tiếp: “Tướng quân có khỏe không?”, tức là con trai bà có khỏe không. Sứ giả nói: “Tướng quân rất khỏe, mỗi ngày đều uống rượu ăn thịt, ăn khỏe lắm”. Mẹ của ông không nói không rằng. Mấy ngày sau, viện binh đã vận chuyển lương thực đến nên đã đánh thắng trận. Sau khi đánh thắng, việc đầu tiên ông làm là trở về nhà thăm mẹ. Kết quả đến cửa nhà, mẹ ông đã không cho ông vào mà phạt ông quỳ ở bên ngoài để phản tỉnh. Ông cảm thấy không hiểu được tại sao đánh thắng trận rồi mà mẹ lại bắt ông ở bên ngoài phản tỉnh. Sau đó, ông nhờ A hoàn hỏi mẹ ông là việc gì. Mẹ ông đã kêu ông vào phòng hỏi: “Năm xưa Việt Vương Câu Tiễn khi đánh giặc đã đánh như thế nào? Có người tặng cho ông một bình rượu ngon, ông đem rượu đổ xuống đầu nguồn con sông, rượu sẽ theo dòng nước mà chảy xuống hạ nguồn, mỗi một binh sĩ ở ven triền sông đều có thể uống được một ngụm. Mặc dù mùi vị đã khác xa vị rượu ngon ban đầu nhưng sức mạnh chiến đấu lại tăng gấp năm lần. Khi người khác tặng cho một thạch lương thực ngon, ông đem lương thực ngon hòa vào trong lương thực không ngon của binh sĩ. Mặc dù lúc ăn các binh sĩ không cảm nhận được mùi vị của thức ăn ngon nhưng tinh thần chiến đấu lại tăng lên gấp mười. Còn con thì ngược lại, đồ ăn thức uống ngon riêng mình con hưởng thụ, binh sĩ ngậm đắng nuốt cay. Vậy thì thắng lợi này có đạo nghĩa gì đâu cơ chứ? Con không có đạo nghĩa. Con đối với binh sĩ là thần tử của con đã không nhân từ, thì con làm thần tử đối với Hoàng thượng sao có thể trung thành được chứ? Đối với cả hai bên, con đều không có đạo nghĩa. Mẹ thấy con cần phải phản tỉnh, không có gì để khen ngợi cả”. Mẹ của ông rất tức giận. Tướng quân sau cùng phải quỳ dưới đất khóc mà phản tỉnh, nhận lỗi với mẹ. Những câu chuyện này vào thời xưa rất nhiều.

Bạn xem nếu như con cái ngày nay đánh thắng trận, người làm mẹ nhất định sẽ khen ngợi. Giống như hiện nay người mẹ nhìn thấy con cái có thể kiếm được nhiều tiền cũng cảm thấy rất kiêu ngạo, không có một người mẹ nào hỏi rằng: “Con à! Con kiếm tiền bằng cách nào vậy? Con có xoay xở lừa gạt hay không? Có trốn thuế hay không?”. Nếu như có thì phải mau dạy con đoạn ác, tu thiện. Người làm mẹ hiện nay không biết hỏi như thế mà chỉ tiếp nhận sự cúng dường của con cái. Con cái mang đồ đến, cho nhà ở, cho đồ ăn đồ uống ngon lành nhưng không quan tâm đến tiền từ đâu mà có. Vào thời xưa, người làm mẹ không như thế, đối với con cái sẽ hỏi: “Con làm quan như thế nào? Tiền tài này từ đâu mà có?”. Người làm mẹ nhất định sẽ hỏi cho đến cùng, đồng thời còn lấy mình làm gương. Phụ nữ thời xưa không những biết dạy con như thế nào mà còn biết giúp chồng ra sao.

Tôi thường chia sẻ với mọi người câu chuyện “Vợ của Nhạc Dương Tử”. Nhạc Dương Tử có một lần nhặt được một nén vàng trên đường, về nhà đưa cho vợ. Vợ nói: “Thiếp nghe nói bậc chí sĩ không uống nước Đạo Tuyền (suối Trộm), người liêm khiết không nhận thức ăn được dâng một cách coi thường, huống hồ là nhặt của rơi để cầu lợi chẳng phải đã làm hoen ố đức hạnh rồi hay sao?”. Dương Tử nghe xong mười phần hổ thẹn, quăng luôn nén vàng, đi tầm sư học đạo ở nơi xa. Lời nhắc nhở của người vợ đối với chồng như thế, phụ nữ chúng ta ngày nay quá thiếu sót. Chúng ta chỉ cần chồng đem tiền về nhà, mặc đẹp, ăn ngon, những điều còn lại không màng hỏi đến. Câu được hỏi nhiều nhất là chồng ở bên ngoài có ngoại tình hay không. Mục đích câu hỏi vẫn không phải là để giữ gìn tiết tháo và sự lương thiện của chồng mà mục đích là không muốn người khác xâm phạm đến tình cảm và lợi ích của bản thân. Họ không hề đứng trên chánh đạo, đứng trên đạo nghĩa mà suy xét vấn đề. Thế nên, tu thân là vấn đề lớn của phụ nữ.

Phần mở đầu của sách “Nữ Luận Ngữ”“Lập Thân”, nói đến chính là tu thân. Tu thân là điều mà người thời nay lơ là. Cho nên thế nào là phụ nữ tốt, hiền thê tốt đều không có tiêu chuẩn. Một khi thiếu đi tiêu chuẩn thì mỗi một cá nhân đều có cách nhìn của riêng mình, đồng thời cũng thuận theo tiêu chuẩn của đại chúng trong xã hội. Hiện nay tiêu chuẩn của đại chúng trong xã hội là gì? Chúng ta xem thấy trên mạng tiêu chuẩn lấy vợ của các đại gia nhà giàu, trong đó dung mạo xinh đẹp là tiêu chuẩn duy nhất. Phụ nữ vì muốn xinh đẹp mà đổ xô đi phẫu thuật chỉnh sửa, nâng ngực, gây ra vấn đề sức khỏe. Tiêu chuẩn này sẽ dẫn mọi người đến sai lầm, kiểu như phụ nữ chỉ cần xinh đẹp là sẽ có tất cả. Tuy nhiên, thực tế không phải như thế, phụ nữ xinh đẹp chưa chắc sẽ có hạnh phúc thật sự, cũng chưa chắc có được tâm thái khỏe mạnh. Điều quan trọng nhất là sự xinh đẹp đó có lâu dài không? Đến một ngày cô ấy không còn xinh đẹp nữa thì ái tình cũng chẳng còn, hôn nhân phải chăng cũng chẳng còn ư? Tiêu chuẩn này không thể tồn tại dài lâu vì sắc đẹp không phải vĩnh hằng bất biến. Đến khi lớn tuổi nhan sắc nhạt phai thì sẽ có kết cục như thế nào? Thế nên, chúng ta phải hiểu “đẹp người không bằng đẹp nết”. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn tìm chồng duy nhất của phụ nữ [hiện nay] là tiền tài và địa vị. Ví dụ như, anh lái xe của chồng tôi hiện nay đã hơn 30 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn, rất rầu rĩ. Anh ấy nói với tôi: “Chị Trần ạ! Tôi không thể nào tìm được đối tượng. Vừa gặp mặt thì họ đã hỏi có nhà chưa, câu thứ hai là có xe chưa, câu thứ ba là có tài khoản tiết kiệm không”. Phần còn lại thì không hề hỏi đến, anh ấy trả lời: “Đều không có”. “Nếu không có thì miễn bàn”. Tôi muốn hỏi rằng có thể giữ được tiền tài từ đầu đến cuối không. Nếu như tiền tài không thể vĩnh hằng thì cuộc hôn nhân này sẽ kéo dài được bao lâu. Đây cũng là vấn đề rắc rối. Cho nên, thế nào là thiên trường địa cửu? Đó chính là cả hai người có thể thống nhất với nhau trên phương diện đạo và đức, có chí hướng tương đồng, có truy cầu như nhau thì hôn nhân mới có thể dài lâu. Thế nào là người phụ nữ tốt chân thật? Trong phần sau chúng ta sẽ học đến, đó là đoan trang, u nhàn, trinh tịnh, có những đức hạnh tốt, hiếu thuận cha mẹ. Những việc này đều là tu thân.

Bàn về tu thân, điều đầu tiên chính là phải không ngừng buông xuống chính mình, có thể đặt người khác ở trong tâm. Trong xã hội ngày nay, đây là việc rất khó. Trong quá trình chúng ta học tập Nữ Đức sẽ nhìn thấy một hiện tượng rất nghiêm trọng, đó chính là quan niệm về đạo đức và giữ gìn tiết tháo của phụ nữ trong xã hội hiện nay đều bị mất. Nếu phụ nữ học tập Nữ Đức thì sẽ không xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng như vậy. Chúng ta không xem trọng tiết tháolà nói lên điều gì? Đối với bản thân không tôn trọng thì sao có thể tôn trọng người khác. Bất kể là trên mạng hay trên báo, tạp chí chúng ta hiện nay đều nhìn thấy hết thảy đều là sự xuất hiện và dẫn dắt của rất nhiều ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, thật khó nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ đoan trang, hiền lương, trinh thiện. Trên mạng, báo chí và tạp chí sắc tình và bạo lực là đề tài chính. Vì sao hiện nay xuất hiện rất nhiều vấn đề xã hội, vấn đề gia đình đều là vì nguyên nhân phụ nữ không biết tự trọng tự ái, không biết làm thế nào tu thân, không biết làm thế nào để bồi dưỡng đức hạnh của chính mình.

Cách đây không lâu, tôi nghe được một câu chuyện này và cảm thấy rất sợ. Các cô thiếu nữ thường hâm mộ những người có tiền. Có một tên nhà giàu chuyên môn kết giao với những cô thiếu nữ hai mươi mấy tuổi trẻ trung, xinh đẹp. Sau khi làm quen một thời gian, hắn sẽ dụ dỗ cô gái này đi nâng ngực. Hắn bỏ tiền cho đi nâng ngực, giới thiệu cho một vài phòng khám. Cô thiếu nữ vì gã nhà giàu này nên đi làm. Sau khi làm chưa được bao lâu, phần ngực của cô ấy bắt đầu bị viêm nhiễm. Gã nhà giàu liền nói: “Ái chà! Em bị nhiễm trùng rồi, không ngờ lại như vậy. Em đừng điều trị trong nước, anh sẽ đưa em đi Mỹ điều trị, toàn bộ chi phí để anh lo”. Cô gái cảm thấy rất tốt, cứ thế mà xuất ngoại, được đưa đến nước Mỹ, cũng là phòng khám do hắn ta liên hệ, phẫu thuật lần nữa, sau đó hết bị nhiễm trùng. Kết quả, những thiếu nữ đã từng qua tay của hắn đại khái có mười mấy người, đều là nâng ngực xong là bị viêm nhiễm, sau đó đưa ra nước ngoài. Sau đó bị bộ công an phát hiện, kết quả là thế nào? Hắn lợi dụng các cô thiếu nữ vận chuyển ma túy cho hắn. Các bạn thấy, các thiếu nữ vì lợi mà ngay cả thân thể của mình cũng không cần, trinh tiết cũng chẳng cần, nên mới xuất hiện hành vi vi phạm pháp luật, bị những người đàn ông có mục đích, có tiền lợi dụng. Thế nên, phụ nữ nếu như chân thật tự trọng, tự ái thì phước báo bạn không cầu mà tự đến. Bạn phải hiểu rằng phước báo chân thật là do bản thân mình tích lũy. Bản thân có đức thì sẽ có tiền tài, bạn sẽ không bị thiếu, cũng không cần lo lắng việc này, bạn không cần hâm mộ. Nếu như phụ nữ ái mộ hư vinh thì dễ dàng sa đọa. Nếu như từ nhỏ các em gái được tiếp nhận giáo dục này, tương lai khi gặp phải những vấn đề này trong xã hội sẽ có thể ngăn ngừa được.

Vấn đề thứ ba gần đây tôi mới tổng kết là phụ nữ tốt do dạy mà ra. Thế nên, Nữ Đức cần phải học mới biết, chứ không phải bản thân tự ngộ ra. Không phải tôi ở nhà, tự mình học tập thì sẽ ngộ ra, như thế thì cần phải có thiên phú rất tốt, có gia phong tốt và bản tánh thiện lương. Vì thế, chúng ta cần chủ động học tập. Khổng Tử nói: “Cái học từ nhỏ thành thiên tánh, thói quen lâu ngày thành tự nhiên”. Trong quá trình tôi học tập Nữ Đức khi nhìn thấy rất nhiều bé gái của các phụ huynh, tôi đều đặc biệt chú ý đến. Tôi nói với họ con gái rất quan trọng, còn quan trọng hơn con trai. Các vị nhất định phải học cho tốt, sau đó còn dạy con gái của mình. Bởi vì muốn cho các cháu khi bước vào xã hội có thể có năng lực kiểm soát bản thân tốt thì phải có căn gốc sâu, nền tảng vững chắc thì mới có năng lực chống chọi với phong ba bão táp ở bên ngoài. Giống như một cây non vậy, bạn thấy rễ của nó không sâu, mới trồng xuống mấy ngày, một trận cuồng phong thổi đến, ngay cả gốc cũng bị trốc lên. Nếu như bạn cắm rễ cho sâu, cho dù bên ngoài có thổi đến đâu thì cũng không lay động. Muốn cắm gốc cho con gái của bạn được sâu, bạn phải làm như thế nào? Bắt đầu từ bạn trước, từng li từng tí của bản thân, mỗi một hành vi, mỗi một khởi tâm động niệm bạn đều có thể làm được thì con gái của bạn nhất định sẽ dạy được tốt. Trải qua mười năm cắm rễ, rồi lại mười năm tiếp theo nữa, nó sẽ bước vào xã hội rất dễ dàng.

Bản thân tôi cũng rất cảm xúc. Sau khi tôi kết hôn cũng gặp phải một vài thử thách. Nhưng vì sao tôi có thể rất kiên trì? Tôi đã kết hôn cùng chồng 17 năm. Chúng tôi có hai đứa con. Sự nghiệp của chồng tôi rất tốt. Bởi vì tôi từ nhỏ lớn lên trong một gia đình rất truyền thống. Ông bà nội, cha mẹ tôi đều kế thừa mẫu gia đình nam chủ ngoại, nữ chủ nội. Được truyền thừa gia huấn như vậy nên cả cuộc đời tôi chịu ảnh hưởng rất sâu sắc. Cho đến hôm nay gia đình tôi được hòa thuận như thế này, tôi phải cảm ân Tổ tiên đã tích đức.

Gần đây tôi có duyên phận rất tốt là công tác chú thích và phiên dịch bộ “Quần Thư Trị Yếu”. Bộ “Quần Thư Trị Yếu” là do đại thần Ngụy Trưng của Đường Thái Tông triệu tập những phần tử trí thức, hội tập những kinh điển xưa, chọn lọc ra những đoạn tinh hoa trong ba bộ phận Kinh, Sử, Tử mà biên tập lại để dâng lên cho Đường Thái Tông. Đường Thái Tông thông qua việc đọc đi đọc lại bộ sách này, sau đó chế định phương hướng và kế sách chính trị của quốc gia, dẫn dắt thần dân làm theo lời dạy của bộ sách này, mở ra thời đại “Trinh Quán Chi Trị”. Trong quá trình tôi học tập bộ sách này phải tra cứu rất nhiều văn hiến, và gọi điện thoại cho ông nội vì kho sách của ông nội rất phong phú, trong nhà có hơn ngàn cuốn sách. Sau đó ông nội đã gửi cho tôi rất nhiều điển tịch như “Chư Tử Trị Yếu”, “Nhị Thập Ngũ Sử”, “Thập Tam Kinh Chú Sớ”, đáng tiếc là cho đến bây giờ tôi mới đọc đến, tôi đã gần 40 tuổi rồi mới bắt đầu học tập. Lúc nhỏ có sách, ông nội bảo tôi xem nhưng tôi không xem, nhưng sự dạy dỗ thường ngày của ông bà nội thật sự đã tạo nên ảnh hưởng đến một đời này của tôi, ví dụ như đã kết hôn thì không được ly hôn, phụ nữ thì phải an với bổn phận, việc nhà toàn bộ phải tự mình làm, thiệt thòi là phước, v.v. Tôi từ nhỏ huân tu gần hai mươi năm, thế nhưng sau khi bước vào xã hội vẫn còn bị một vài ảnh hưởng, đã làm ra một số việc không như lý như pháp, do đó có thể thấy giáo dục nền tảng văn hóa truyền thống quan trọng đến mức nào! Không những phải làm được trên mặt sự mà then chốt là phải rõ lý.

 

Thời gian trước tôi đã nói với chồng rằng: “Mặc dầu 20 năm qua em đã làm trên mặt sự, nhưng về đạo lý thì mấy năm nay em mới học hiểu rõ”. Bởi vì đã hiểu rõ về lý rồi thì khi làm trên mặt sự mới không có sự oán trách. Tôi trước đây làm trên mặt sự, nhưng trong tâm vẫn có oán trách và có chỗ không hiểu là căn cứ vào đâu lại bắt tôi làm như vậy. Học lực của tôi không thấp. Vậy tại sao việc nhà lại để tôi làm? Trong tâm tôi cảm thấy không công bằng. Thế nhưng thông qua việc mình tự học tập, dần dần tôi cảm thấy tâm đã bình lặng rồi, cảm thấy không chỉ bởi vì tôi là phụ nữ nên phải thực sự gánh vác trọng trách của gia đình, mà sau khi bạn gánh vác phải không oán, không hối. Làm không phải làm vì chính mình mà còn vì tích phước báo cho con cháu, vì người nhà mà làm ra một tấm gương. Bạn mong muốn con dâu của bạn như thế nào? Hy vọng sau này [con trai bạn] lấy một phụ nữ như thế nào về nhà? Nếu như hiện giờ bạn tham ăn, nhác làm, không làm việc nhà thì khả năng các cô ấy cũng đều như thế cả. Ngược lại, nếu như bạn có thể làm được những việc này thì những phụ nữ trong gia đình bạn đều sẽ như thế, bạn phải làm, nhưng không phải làm vì chính mình. Thế nên, phụ nữ tốt nhất định do dạy mà ra. Dạy như thế nào? Người mẹ mỗi ngày dạy dỗ trong đời sống thường ngày.

Trong “Nhan Thị Gia Huấn” có nói: “Nhân sanh tiểu ấu, tinh thần chuyên nhất lợi”, nghĩa là em bé vừa mới được sinh ra còn rất nhỏ, nên tinh thần khá dễ dàng chuyên nhất. Sau khi trưởng thành “do lo nghĩ nên tinh thần phân tán, thế nên phải sớm được dạy dỗ, đừng để lỡ thời cơ”, không được bỏ mất thời cơ. Thời cơ tốt nhất không phải là sau khi sinh ra mà là lúc mang thai, gọi là thai giáo. Vào thời xưa, trước khi thời Tam Thái khai quốc của triều nhà Chu thì Tổ tiên của chúng ta đã dùng thai giáo để dạy dỗ. Trong điển tịch cổ thư, khi tôi tra cứu tài liệu đã phát hiện ra trong cuốn “Chu Tử Tập Yếu”. Vào thời thượng cổ, Tổ tiên của chúng ta đã giáo dục phụ nữ như thế nào? “Thực bất chánh bất thực”, bởi vì vào thời xưa thịt phải được cắt ra, cơm cũng phải chia ra từng nắm, “thực” là chỉ cho thức ăn, cắt mà không ngay thì không ăn. “Tịch bất chánh bất tọa”, người xưa thường ngồi trên chiếu, nếu chiếu trải không thẳng thì họ sẽ không ngồi. “Nhĩ bất thính dâm thanh”, “dâm” không phải là “dâm” trong “dâm dục” mà chỉ những ngôn từ thái quá, chữ “dâm” này chỉ cho sự quá độ. Chúng ta nói: “Cấm dâm!”, trên thực tế dâm dục chỉ cho điều gì? Con người khi truy cầu một cách quá mức sẽ làm trái với câu: “Dục bất khả túng”, tự mình sẽ chuốc lấy diệt vong. Vì thế, dục vọng nhất định phải được giới hạn trong một phạm vi nhất định. Ví dụ như lỗ tai, thế nào là “tai không nghe dâm thanh”? Quá nhiều những lời khen ngợi là dâm thanh, bạn đừng nghe, bản thân phải biết tránh xa, đừng để càng nghe càng thích thú, càng nghe càng muốn nghe. Những loại âm nhạc quá xuất sắc, mang tính hưởng thụ thái quá cũng không được nghe quá nhiều. Những lời than trách người khác quá nhiều cũng phải tránh xa. Đây là “nhĩ bất thính dâm thanh”.

“Mục bất thị ác sắc”. Ác sắc, có nghĩa là hết thảy những hiện tượng không tốt thì không nhìn đến. Ngày nay những hiện tượng như thế rất nhiều. Có một hôm, tôi đi cắt tóc và đã nói với ông chủ làm tóc rằng: “Anh có thể thu hết những cuốn tạp chí và tiểu thuyết linh tinh lại được không, cố gắng đừng để khách hàng xem đến, nên để những thứ có ích hơn, ví dụ như sách và băng đĩa về văn hóa truyền thống”. Sau đó, tôi lấy từ trong túi một cuốn “Đệ Tử Quy” đưa cho anh ấy và tôi nói: “Anh đọc cái này rất tốt. Anh có thể để những cuốn này cho khách xem, để cho những người đến tiệm vừa làm tóc vừa đọc, nếu thích lấy về cũng được. Hãy làm một chút việc có ích!”. Hiện nay các tiệm như thẩm mỹ viện, tiệm làm tóc đều rất hiện đại hóa, mở những nhạc có tiết tấu rất nhanh, bày những tạp chí linh tinh về ngôi sao điện ảnh. Sao có thể không làm ô nhiễm tâm người khác cho được! Bởi vì những sách vở và băng đĩa như thế này để người xem thấy sẽ gây nên những suy nghĩ hỗn loạn, tư tưởng tán loạn. Từ trường của chúng không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến từ trường của bạn, sẽ làm hao tổn phước báo của bạn, cũng ảnh hưởng đến tài vận của bạn. Nếu như bạn không dẫn dắt những người đó đi theo đường tốt thì cũng giống như phạm tội, họ là chủ mưu, bạn là tòng phạm, thậm chí bạn có khả năng là chủ mưu, họ là tòng phạm, dù sao cũng cùng một giuộc. Truyền hình cũng như vậy, ngày nay khi con trẻ vừa mở truyền hình thì  rất ít thấy những tiết mục tốt cho thân tâm của các em. Ví dụ như phim hoạt hình của trẻ nhỏ, gọi là thiếu niên ma thuật gì đó, đều là đánh đánh giết giết. Cho nên, tôi không để cho hai đứa con của tôi xem. Những bộ phim hoạt hình như thế không hề dạy cho trẻ nhỏ làm thế nào để thực hành hiếu đạo, làm điều nhân, thực hành bát đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”.

Thời gian trước, khi con tôi muốn đặt mua tạp chí, tôi liền đi kiểm tra một lần, bởi vì năm ngoái lúc nó đặt mua tôi không biết, sau khi đặt mua rồi mới phát hiện có một tạp chí dạy trẻ nhỏ làm thế nào chống đối thầy giáo, đùa giỡn với thầy cô, đùa giỡn với cha mẹ, đều là những câu chuyện và tranh vẽ như vậy. Mỗi lần nó đem về một cuốn là tôi đều tịch thu không cho nó đọc vì cuốn tạp chí này rất tồi. Học kỳ này khi nó đặt tạp chí, nó nài xin thế nào tôi cũng không cho nó đặt mua. Tôi nói: “Những thứ này rất không tốt. Mẹ nhất định không cho con đặt, không phải là vì vấn đề tốn tiền nhiều hay ít”. Cho nên, sau khi tan học, hai ngày đó nó không vui. Nó nói tất cả bạn bè trong lớp đều đặt cả. Bạn cùng lớp còn gọi nó là “tên ngoan cố”, nhưng tôi vẫn không cho nó đặt. Kết quả, hai ngày trước con trai lớn của tôi đã về nói với tôi: “Mẹ ơi, may mà mẹ không cho con đặt. Trong trường của con có một bạn học sinh lớp trên sau khi xem tạp chí đó một thời gian dài đã xảy ra việc, bị rối loạn thần kinh. Người nhà đã đi kiện tờ tạp chí đó. Hiện nay, trường học đã đình chỉ việc đặt tạp chí đó rồi ạ”. Mạng Internet hiện nay càng không cần phải nói, vừa lên mạng xem thì những thứ hỗn tạp bát nháo gì cũng đều có.

Phần sau cùng của thai giáo là “khẩu bất xuất ngạo ngôn”, ngạo chính là ngạo mạn. Kiêu ngạo, ngạo mạn là bản tính của con người, ai sinh ra cũng đều có. Không đơn thuần chỉ cho sự ngạo mạn này, ngạo mạn còn có hàm nghĩa rất sâu, là hết thảy những lời nói không tốt cũng đều được gọi là ngạo ngôn, cũng bao gồm cả những chuyện thị phi, chuyện tốt xấu của người này người kia mà chị em phụ nữ thường nói đến. Tất cả những lời như thế này cần nên dứt tuyệt. Lúc mới bắt đầu học tập Nữ Đức thì tương đối khó khăn, phải chiến đấu. Lúc mới bắt đầu thế lực của đối phương rất lớn mạnh, thế lực chính diện rất yếu ớt, bởi vì chúng ta vẫn còn trong quá trình tu dưỡng rèn luyện nên khi nhẫn không nổi thì sẽ thốt ra lời nói. Lúc tôi mới bắt đầu cũng như thế, rất hối hận về những lời không nên nói. Không thành vấn đề, chính mình biết đã sai rồi là được, tự khích lệ bản thân lần sau phải cố gắng  nhẫn, tranh thủ trong khoảng thời gian này bồi dưỡng thiện căn của chính mình, không ngừng trưởng dưỡng phúc báo của mình, nên nghe nhiều những điều tốt đẹp. Sau khi huân tập một thời gian dài, lực lượng thiện đã lớn mạnh rồi, hai bên đã có sức lực chống chọi ngang nhau. Ví dụ như khi cảnh giới hiện tiền, chính mình có thể lập tức giác ngộ, có thể suy xét kỹ rồi mới nói, có thể đối kháng được. Đến sau cùng khi lực lượng của thiện lớn mạnh, vượt hơn lực lượng xấu ác, có thể trong chốc lát đánh bại bên kia, thì “cách vật” đã thành công rồi! Vì vậy, mọi người không nên gấp gáp, “cách vật” là một quá trình lâu dài từ từ, chỉ cần chúng ta không ngừng trưởng dưỡng thiện căn của chính mình là được.

Cổ huấn có nói: “Biểu chánh tắc ảnh trực, phạm đoan tắc khí lương”. Đây là ý nghĩa gì? Tức là nói quan hệ giữa mẹ và con giống như thân hình và cái bóng của bạn vậy, thân ngay thì bóng sẽ không lệch, thân lệch thì bóng sẽ cong, không thể thẳng được. “Phạm”“khí” chỉ cho khuôn đúc và đồ vật. Nếu như khuôn đúc tốt, ngay ngắn, ví dụ như làm khối vàng, khuôn đúc thẳng thì vàng được đúc ra sẽ thẳng. Nếu như khuôn đúc có tạp chất, khuôn đúc sẽ không thẳng thì vàng được đúc ra sẽ có tạp chất, sẽ không thẳng, khối vàng sẽ có những vết hằn. Nếu như nhận thức được mối quan hệ của chúng ta và con cái là như vậy thì sẽ cảm thấy việc giáo dục con cái không phải là việc khó khăn, chỉ cần chính mình có thể làm được, gọi là “tự hóa hóa tha”, nghĩa là trước tiên chính mình thay đổi thì cảm hóa người khác sẽ dễ dàng.

Trước đây tôi học tập có nghe đến một đoạn giáo huấn như thế này: Thế gian có hai việc khó khăn nhất, một là lên trời khó, hai là cầu người khó. Việc dễ nhất trên thế gian chính là cầu chính mình, mọi việc chẳng cầu người, chỉ cầu chính mình là được. Bản thân chỉ cần dựa vào lời dạy của cổ Thánh tiên hiền mà làm thì việc giáo dục con trẻ sẽ như nước chảy thành sông, tự nhiên mọi việc sẽ thay đổi. Vì vậy, trong quá trình giáo dục, điều quan trọng nhất là giáo dục bản thân. Giáo dục như thế nào? Đây là một vấn đề rất then chốt. Giáo dục phải cắm rễ. Chúng ta học tập Nữ Đức kỳ thực cũng là cắm cái rễ của văn hóa truyền thống.

Cái rễ quan trọng nhất của văn hóa truyền thống là quy củ, gọi là “không có quy củ thì không có chuẩn mực”, từ “Đệ Tử Quy” mà bắt đầu học. Nếu mở hết thảy giáo trình dạy Nữ Đức của thời xưa ra xem, kỳ thực chúng chính là “Đệ Tử Quy”, có điều chúng phù hợp với phụ nữ hơn “Đệ Tử Quy”, gọi là “Đệ Tử Quy” dành cho phụ nữ. Thế nên, chúng ta phải học thuộc “Đệ Tử Quy”, học cho tốt. Tôi mỗi ngày đều dành thời gian cùng nhau đọc thuộc với con, cùng nhau đọc tụng. Nếu bạn đã học thuộc rồi thì khi bạn làm sẽ khá tiện lợi, bởi vì khi bạn làm thì câu nói này chợt hiện ra: “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”, cha mẹ lúc nãy bảo mình làm việc gì, động tác của mình chậm chạp trì hoãn, có hơi lười một tí là không ổn rồi. “Cha mẹ dạy phải kính nghe”, lúc nãy hình như mình chưa cung kính lắng nghe. Đọc thuộc là bước quan trọng đầu tiên, trước tiên phải cắm cái rễ quy củ này xuống. Người hiện nay không có quy củ, tự làm theo ý mình. Hôm qua tôi đưa con ra ngoài ăn cơm, nhìn thấy rất nhiều cô gái khoảng 17-18 tuổi, nếu dùng lời của người xưa mà nói thì như thế nào? “Đứng không có tướng đứng, ngồi không có tướng ngồi, nói chuyện không có cách nói chuyện”, rất phóng túng, buông tuồng, đứng thì nghiêng bên này ngả bên kia, nói chuyện thì bất kể nơi chốn, cười hi hi ha ha, nói chuyện rất lớn tiếng.

Việc cần phải cắm rễ thứ hai là gì? Chúng ta có thể gọi là cái rễ của giáo dục nhân quả. Thế nhưng thế nào là giáo dục nhân quả? Có thể rất nhiều người vừa nghe thấy liền nghĩ rằng đó có phải là của nhà Phật hay không, họ rất nhạy cảm. Kỳ thực không phải như vậy. Thật ra, nhân quả chính là sự giáo dục tinh thần trách nhiệm, đó là bạn làm sự việc này rồi thì biết rõ về sau sẽ gây ra hậu quả gì, hậu quả này là trách nhiệm mà bạn phải gánh vác. Không thể nói việc này đã làm xong rồi, không có liên quan gì đến tôi. Tôi nói xong rồi, tôi muốn nói gì thì nói, không liên quan gì đến tôi cả, rồi bỏ đi. Những việc bạn làm chính là cái nhân bạn đã trồng, tương lai bạn sẽ nhận được kết quả như thế nào đều do bạn tự mình đối mặt và gánh vác. Nếu như mỗi một người đều có tinh thần trách nhiệm, đều có thể đề khởi sứ mệnh gánh vác của chính mình thì sẽ rất cẩn thận khi làm việc, cẩn thận mà làm người, chăm chỉ nỗ lực cầu học vấn, cầu đạo đức, đều muốn trồng nhân tốt, kết thành quả tốt, sẽ không phóng túng, tự tung tự tác như hiện nay. Trong quá trình giáo dục cắm rễ, nền tảng của giáo dục nhân quả cần phải được cắm sâu hơn cái gốc của “Đệ Tử Quy”, vì đây là nền tảng của nền tảng.

Tổ tiên của chúng ta có lời dạy như sau: Trong hết thảy các loại hình giáo dục nhất định phải đưa giáo dục nhân quả vào. Tôi xin chia sẻ với mọi người vài lời dạy của Tổ tiên: “Khéo dạy con cái, đây là cái gốc của việc bình trị thiên hạ, mà trong đó dạy con gái còn quan trọng hơn”. Lại nói, “Đại quyền trị quốc bình thiên hạ hàng nữ nhân nắm hơn quá nửa”. Đây là lời dạy của Tổ tiên, nói về ý nghĩa quan trọng của giáo dục Nữ Đức. Câu nói này nói lên điều gì? Trong việc giáo dục con cái, việc giáo dục con gái đặc biệt quan trọng. Phía trước đã nói rất nhiều, phía sau lại nói: “Ngày nay thiếu hiền nhân là vì thế gian thiếu hiền nữ. Có hiền nữ sẽ có hiền thê, hiền mẫu. Có hiền thê, hiền mẫu mà chồng và con cái của họ không phải là người hiền, việc này hiếm có vậy”. Đoạn văn này nói đến cái gốc thái bình của quốc gia là nằm ở hiền thê, hiền mẫu trong gia đình. Hiền thê, hiền mẫu thật sự càng ngày càng ít. Vì sao lại ít? Bởi vì nếu như khắp mặt đất đều là người như thế thì chúng ta đã không cần học. Nếu như nói trên mặt đất đều là vàng thì chúng ta sẽ không xem vàng là vật quý hiếm, ai còn muốn cất vào tủ két chứ, không cần nữa. Mọi người nếu như phát hiện ra một người rất hiếu thuận, phát hiện ra một người vợ rất hiền lương thì giống như tìm thấy bảo vật vậy, đều muốn xem đó là hình mẫu, cố gắng tuyên dương. Chúng ta nên cảm thấy đây là việc khiến chúng ta hổ thẹn bởi vì hiếu thuận cha mẹ vốn là việc nên làm. Nếu như người hiếu thuận cha mẹ hiện nay được nhắc đi nhắc lại, được xem là tấm gương thì việc này nói lên điều gì? Nói lên người trong thiên hạ đã không xem trọng hiếu nên khi có một người hiếu thuận cha mẹ như vậy thì mọi người cảm thấy đây là tấm gương, muốn học tập theo anh ấy. Phụ nữ tận bổn phận làm phụ nữ, làm vợ, làm mẹ là điều đương nhiên, nếu như không tận bổn phận, kiêu ngạo xa hoa thì phải nên phản tỉnh. Nếu như đột nhiên phát hiện có người phụ nữ rất dịu dàng, hiền lương, có quan hệ hôn nhân vợ chồng rất tốt, con cái rất hiếu thuận, gia đình hài hòa và mọi người đều muốn học tập cô ấy, điều này cho thấy trong xã hội hiện nay thế đạo đã suy vi rồi. Điều này cho thấy chức năng của giáo dục đã mất. Giáo dục thực sự không chỉ ở trong sách vở nhà trường và giáo hóa tri thức mà còn ở việc giáo hóa lòng người. Quốc gia nếu như có pháp luật tốt, ví dụ như nước Mỹ có pháp luật rất tốt, nhưng pháp luật chỉ có thể nghiêm trị những đứa con đại bất hiếu, giết cha giết mẹ đều bị trừng trị nghiêm khắc. Thế nhưng, pháp luật không thể bồi dưỡng ra những người con hiếu như Khổng Tử, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiên. Chúng ta xem trong 3000 môn đồ của Khổng Tử, thì Hiền nhân là 72 người. Họ làm thế nào có thể làm được “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Mỗi người họ vì sao có thể tốt được như thế? Đây là kết quả do Khổng Tử giáo dục. Thế nên, loại giáo dục này nếu như được bắt đầu từ gia đình, từ mỗi một người mẹ mà bắt đầu thì có thể thay đổi thời thế, hài hòa thiên hạ.

Lại nói, “Dạy con gái là cái gốc của tề gia trị quốc, có thể xem là hiểu đạo lý thấu triệt. Nhà Chu từ khi khai quốc nhờ vào nền tảng Tam Thái. Thánh nhân Văn Vương là do thai giáo mà ra. Thế nên biết rằng thời thế không có Thánh Hiền là do ít có người mẹ Thánh Hiền. Nếu mỗi một bà mẹ đều như Tam Thái, mà các con của họ không được như Vương Quý, Văn Vương, Chu Công, làm việc sai trái gian xảo, ắt là hiếm có vậy. Người đời chỉ biết yêu thương con gái, mặc cho chúng quen thói được nuông chiều mà không biết dùng mẫu nghi để dạy chúng thì đây là một đại bất hạnh cho nước ta”. Vừa rồi đã nêu ra ví dụ về ba vị Tam Thái nhà Chu, chúng tôi đều đã giảng qua. Trong quá trình mọi người học tập, thường xem thấy phần mở đầu của “Liệt Nữ Truyện”, chương đầu tiên nói về Tam Thái, nói rất hay, mọi người nên thường xuyên đọc đi đọc lại. Mỗi lần tôi ngồi máy bay đều để trong túi cuốn “Liệt Nữ Truyện” để xem đi xem lại, lúc mới bắt đầu mở ra đọc thì cảm thấy rất khó hiểu, xem không hiểu, nhưng càng xem càng thích không rời tay, có thể ngộ ra rất nhiều điều. Bạn xem những tấm gương về phụ nữ thời xưa, sự “thuận”“tòng” của phụ nữ tuyệt đối không phải theo kiểu mà chúng ta hiện nay lý giải là một mực vâng lời làm theo, vâng vâng dạ dạ, không phải như vậy. Các phụ nữ ấy vô cùng có tính cách, họ có thể nói ra những lời có đạo lý, có căn cứ, đồng thời bản thân không lơi lỏng nguyên tắc, được chồng rất mực tôn trọng, không có một người chồng nào không tôn kính vợ của mình. Trong những câu chuyện đó, trước khi người chồng muốn làm quan đều về nhà hỏi vợ: “Tôi có nên đi làm chức quan đó không?”. Nếu người vợ dùng đạo lý giảng giải là không nên làm, hai vợ chồng đều dọn nhà đi ẩn cư.

Thế nào là sự tôn trọng chân thực? Thế nào là thấp kém thật sự? Quan niệm “Nam tôn nữ ti” vào thời xưa không phải như chúng ta hiện nay tưởng tượng. Chữ “ti” có nghĩa là khiêm hạ. Nó thành tựu đức hạnh gì của người phụ nữ? Là đức hạnh của đại địa. Trong “Kinh Dịch” có nói về “càn khôn lưỡng quái”, chương mở đầu nói về quẻ Càn. Quẻ Càn đại biểu cho người nam, người nam nên noi theo đạo trời, “thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Sự vận chuyển của trời đất rất mạnh, người quân tử cũng theo trời mà tự cường không nghỉ), người nam ở địa vị cao nên xưng là “tôn vị”. Quẻ Khôn đại biểu cho người nữ, người nữ nên noi theo đạo của đất, “địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật” (Khôn mang trọng trách của đất, người quân tử nhờ đức dầy mà dung chở được vạn vật). Làm thế nào có thể “hậu đức tải vật”? Người đó cần khiêm hạ, ở vị trí thấp, đại địa nếu như không an ổn vững chãi, mà lại muốn hướng lên trên thì sẽ loạn, chắc chắn sẽ trở thành địa chấn. Đại địa bằng phẳng, vững chãi có đức dầy, mặt đất có thể sản sinh ngũ cốc, cho chúng ta có đủ thức ăn, áo quần. Dưới mặt đất có chứa khoáng sản, chúng ta mới có thể được kim ngân, tài bảo. Đây chính là đức hạnh của đại địa. Đại địa nhẫn nhục chứa đựng. Khi chúng ta nhổ nước bọt xuống đất, đất vẫn không tức giận. Bạn rưới lên đất nước thơm, đất cũng không vui mừng. Đây cũng là đức hạnh của đại địa. Bạn nhìn thấy những chỗ có địa thế trũng có thể chứa được nước, nơi có địa thế cao thì không thể. Điều này cho thấy chúng ta cần phải giữ đức khiêm hạ thì mới có thể chứa được phước báo. Chúng ta đều biết bồn địa Tứ Xuyên là đất quý, “thiên phủ chi quốc” (nước của nhà Trời), bồn địa chính là nơi đất trũng, điều này nói lên đức khiêm hạ của phụ nữ. Nếu không có “ti” (khiêm hạ) thì chắc chắn thiên hạ đại loạn, không có đức hạnh thì không dung chở được vạn vật. Bao gồm việc chúng ta lý giải câu nói của thời xưa: “Người nữ vô tài thì có đức”, rất nhiều người cảm thấy câu nói này đàn áp phụ nữ. Trên thực tế là chỉ điều gì? Những phụ nữ từ xưa đến nay, bao gồm tác giả của sách “Nữ Giới” là Ban Chiêu, tác giả sách “Nữ Luận Ngữ” là Tống Nhược Tân, Tống Nhược Chiêu, tác giả sách “Nội Huấn” là Từ Hoàng Hậu, những phụ nữ như thế có người nào mà không có tài chứ? Vậy cái gọi là “vô tài” này là gì? Bản thân có tài nhưng không cho rằng mình có tài. Đức hạnh khiêm hạ chính là “có đức”. Họ không cho rằng bản thân mình có tài hoa, thế nên từ đầu đến cuối họ đều dùng sự khiêm tốn làm nguyên tắc chỉ đạo tối cao, đồng thời cũng là phương châm làm người của mình, trưởng dưỡng hậu đức (đức dầy) của chính mình.

Chúng ta phải thể hội cho sâu lời dạy của cổ đức, học tập đi học tập lại thì mới có thể hiểu rõ. Bạn không học, không xem, cũng chưa từng thể hội thì người khác nói sao bạn cũng nói như thế thì hại luôn chính mình. Bạn không học nên khi người khác nói không tốt, bạn nghe cảm thấy điều này có đạo lý, nên không học, đó chính là hại chính mình. Nếu bạn chân thật buông xuống tự ngã, nghiêm túc học tập thì sẽ nhận được lợi ích suốt đời, mới hiểu ra những lời dạy của Tổ tiên hóa ra hoàn toàn không như chúng ta tưởng tượng. Bạn sẽ sinh khởi tâm cảm ân khôn xiết.

Người hiện nay yêu thương con gái, con trai, ở đây đặc biệt nói về con gái, để chúng quen thói kiêu ngạo là một việc rất phiền phức. “Người lúc tuổi còn nhỏ thường thân cận mẫu thân nên chịu ảnh hưởng sâu nhất từ mẹ, ngày nay trở thành vợ người, rồi trở thành mẹ người, muốn bồi đắp nước nhà thì phải lấy việc dạy con gái làm việc cấp thiết”. Giáo dục con gái là nhiệm vụ tối quan trọng. “Nên biết vì trời đất bồi dưỡng ra một công dân lương thiện, biết giữ bổn phận là công đức vô cùng to lớn”. “Muốn chấn hưng nước nhà, nếu không có hiền mẫu thì sẽ không có người hiền giúp sức. Thời thế không có mẹ hiền thì không những nước không có lương dân, mà nhà cũng không có lương tử (người con ngoan)”. Đoạn giáo huấn này của Tổ tiên tôi mỗi lần học tập đều để tâm thể hội nhiều lần.

Trong việc học tập giáo dục Nữ Đức, ai là người nên học Nữ Đức? Tôi cũng đã tổng kết là nam nữ, già trẻ đều nên học Nữ Đức. Vì vậy, khi tôi giảng Nữ Đức, mặc dù hầu như là phụ nữ đến nghe, thỉnh thoảng cũng có một hai người nam, nhưng bởi vì số nam ít nên họ cảm thấy ái ngại không đến mà xin đĩa giảng của tôi về học ở nhà. Vì sao người nam nên học? Nếu như bạn là chồng, đã kết hôn rồi, bạn không biết tiêu chuẩn của một người vợ tốt là như thế nào thì bạn sẽ không thể nào dẫn dắt vợ mình. Trong tâm bạn không có tiêu chuẩn, không có nguyên tắc thì sẽ không thể dạy được vợ. “Phu bất hiền, vô dĩ ngự phụ”, chồng không phải là người hiền đức thì không thể dẫn dắt được vợ mình. Sự hiền đức của anh ấy là gì? Trong tâm của anh ấy phải biết phán xét, nếu như không biết phán xét thì khi bạn muốn tiêu tiền, anh ấy sẽ kiếm tiền về cho bạn, kiếm không được thì đi ăn trộm, ăn cướp, đi gạt người đem về cho bạn. Như vậy thì rắc rối to rồi! Đẹp là điều tốt, bạn muốn phẫu thuật thẩm mỹ, anh ấy cho bạn tiền đi phẫu thuật. Như vậy phiền phức rồi! Những người chưa kết hôn nếu biết dựa vào tiêu chuẩn của một người vợ tốt để lựa chọn bạn đời thì sẽ chọn được bạn đời tốt. Vì vậy, người nam nên học để khi chưa kết hôn thì biết chọn bạn đời, kết hôn rồi thì dùng chánh phápđể tề gia. Đây là bổn phận của nam giới. Từ xưa đến nay những người đề xướng Nữ Đức toàn là nam giới. Chúng ta thấy thời nhà Minh có Vương Tương, nhà Thanh có Trần Hoằng Mưu biên soạn cuốn “Giáo Nữ Di Quy”. Và ở trong Phật môn cũng có những Tổ sư đại đức đều xem trọng “nữ giáo”. Tầm nhìn của nam giới rất sâu xa.

Thứ hai là người làm cha mẹ nên học để giáo dục con cái của mình, đặc biệt là dạy con gái.

Thứ ba là phụ nữ nên học, chưa kết hôn có thể tu thân, kết hôn rồi có thể phản tỉnh tâm mình nhằm nâng cao đức hạnh của bản thân.

Sau cùng, người lớn tuổi cũng cần học. Việc học tập của người lớn rất quan trọng. Chúng ta đối với cha mẹ không những phải chú ý đến việc dưỡng thân mà gần đây tôi thể hội rất sâu rằng nhất định cần phải dưỡng trí tuệ của cha mẹ. Vì sao vậy? Dưỡng trí tuệ của cha mẹ thì sẽ dưỡng tâm của cha mẹ được tốt. Nếu không dưỡng trí tuệ của cha mẹ thì bạn sẽ rất khó dưỡng tâm của cha mẹ. Nếu như tâm của họ tham lam, vô tri, thích chiếm lợi, rất tầm thường theo thế tục thì phải dưỡng thế nào? Cái tâm đó rất khó dưỡng cho tốt. Vì cha mẹ, bạn cũng đi xu nịnh, bợ đỡ sao? Nếu cha mẹ bạn học rồi, họ đã khai trí tuệ, họ biết cái gì là đúng, cái gì là sai, họ sẽ không ỷ vào tuổi tác lớn của mình, bạn dưỡng tâm của họ sẽ tương đối dễ. Nếu như họ có chí hướng lớn thì càng tốt hơn. Người lớn tuổi học tập là việc rất tốt, họ có thể thay đổi phong tục. Bởi vì lời nói của người già có trọng lượng, họ lớn nhất trong nhà, phương châm chính sách do họ chế định ra thì sẽ thuận lợi cho con cái chấp hành. Nếu như con cái học văn hóa truyền thống mà người lớn trong nhà lại phang cho một gậy: “Những thứ này không cần học, lãng phí thời gian, công sức, nhất là học Nữ Đức”, thế thì sẽ việc vô cùng phiền phức.

 

LỜI MỞ ĐẦU

Kính chào các thầy cô giáo!

Chúng ta tiếp tục học tập Nữ Đức. Chúng ta hiện nay có được phúc báo và chí hướng muốn nâng cao đức hạnh của chính mình, muốn học tập phương pháp tu thân dưỡng tánh. Vậy chúng ta từ đâu mà bắt đầu? Cổ Thánh tiên Hiền đã để lại một lượng lớn tài liệu dạy học Nữ Đức, chúng ta có thể y theo giáo trình thời xưa mà học tập. Bốn bộ sách chủ yếu của giáo dục Nữ Đức được gọi là “Nữ Tứ Thư”, đó là “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, “Nội Huấn” “Nữ Phạm Tiệp Lục”, cũng có người gọi bốn bộ này là “Nữ Hiếu Kinh”. Bốn bộ Kinh điển này kỳ thực đều được lưu truyền ra nước ngoài, truyền đến Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng được nước ngoài xem trọng. Nước ta từ sau cuộc vận động Ngũ Tứ, những cuốn sách như thế này về cơ bản đều tuyệt tích. Năm ngoái tôi gặp được một cơ hội rất ngẫu nhiên là lần đầu tiên gặp được cuốn sách nhỏ “Nữ Giới”, bìa sách màu hồng, không phải là bản chính quy do nhà sách xuất bản. Tôi nhìn thấy thì rất vui thích. Lúc đó, tôi chỉ xem qua một ít nội dung của sách, tổng cộng có bảy chương, gồm ti nhược, phu phụ, kính thuận, phụ hạnh, khúc tòng, hòa thúc muội và chuyên tâm.

Bảy chương này giảng về tâm pháp tu hành của người nữ, là pháp môn dựa trên tâm niệm. Bản thân tôi cũng rất vui mừng, thế nhưng thành thực mà nói, tôi xem không hiểu lắm. Sau đó, tôi lấy đem về nhà đưa cho toàn thể các nữ nhân viên của công ty chúng tôi đọc “Nữ Giới”, bởi vì nhân viên nữ của công ty tôi rất nhiều. Sau đó, nhân viên đều lại nói với tôi là đọc không hiểu, kỳ thực bản thân tôi cũng không hiểu rõ lắm, thế nhưng tôi đã nói với mọi người: “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Đây cũng là một cơ duyên rất ngẫu nhiên khiến tôi phát tâm giảng cuốn sách này, nghiêm túc nỗ lực bắt đầu từ từng con chữ, nghĩa lý cho đến thực tế mà bắt đầu từ từ thâm nhập liễu giải, sau đó càng ngày càng hoan hỷ. Khi đã hiểu thông bộ sách “Nữ Giới”, sau này khi tôi giảng sách “Nữ Luận Ngữ”, “Nữ Nhi Kinh”, bao gồm việc làm “Quần Thư Trị Yếu”, xem chương “Hoài Nam Tử” đều cảm thấy giống như đang giảng Nữ Đức. Lời dạy xưa có câu: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”, mặc dù chính mình vẫn chưa hoàn toàn thông, nhưng sau khi giảng đi giảng lại sáu, bảy lần “Nữ Giới” thì thật sự có cảm giác “Học tập rồi thực hành chẳng vui lắm sao”.

Tiếp theo đây, chúng ta chính thức học tập “Nữ Giới”, trước tiên xin xem lời mở đầu sách. Tôi xin đọc cho mọi người:

“TÀO THÁI CÔ, TÍNH BAN THỊ, DANH CHIÊU, HẬU HÁN BÌNH DƯƠNG TÀO THẾ THÚC THÊ, ,  BAN BƯU CHI NỮ DÔ

(Tạm dịch: Tác giả là Tào Đại Gia (âm là Thái Cô), họ Ban, tên Chiêu, là hiền thê của Tào Thế Thúc thời nhà Hán, là con gái của Ban Bưu)

Tào Đại Gia, tên gọi Ban Chiêu, là vợ của Tào Thế Thúc nhà Hậu Hán, cũng là tác giả của bộ sách “Nữ Giới”. Vì sao gọi bà là Tào Đại Gia? Bởi vì bà lấy Tào Thế Thúc, nên lấy họ của chồng. Còn chữ “Đại Gia” thì sao? Hai chữ “Đại Gia” này không đọc là “Đại Gia”, trước đây tôi cũng thường đọc là “Tào Đại Gia”. Tôi nói tại sao lại đặt tên này. Sau khi nghiên cứu kỹ thì mới phát hiện chữ “đại” này đọc là “thái”, giống chữ “thái” trong “thái thái”. Còn chữ “gia”“cô”, là chữ “cô” trong từ “cô thúc”, nên phải đọc “Tào Đại Gia” thành “Tào Thái Cô”. Đây là cách xưng hô tôn trọng đối với người có học thức vô cùng uyên bác vào thời xưa, là cách xưng hô cổ điển. Thế nên, rất nhiều văn tự thời cổ so với thời nay khác biệt rất lớn. Nếu như chúng ta dùng cách nhìn của hiện nay mà xem thì đôi  khi sẽ không hiểu nó có ý nghĩa gì. Vì vậy, mọi người xin chớ để mắc cái lỗi này. Bà là “Phù Phong Ban Bưu chi nữ dã”, Phù Phong là địa danh, hiện nay là nơi thuộc miền đông bắc Hàm Dương-Thiểm Tây. Ngày nay vẫn có cách nói thế này, sau khi một người nào đó trở nên nổi tiếng thì quê hương của họ cũng theo đó mà bắt đầu được biết đến, thế nên đã đem địa danh quê hương đọc ra theo. Bà là con gái của Ban Bưu.

THẾ THÚC TẢO TUẤT, CHIÊU THỦ CHÍ, GIÁO TỬ TÀO CỐC THÀNH NHÂN. TRƯỞNG HUYNH BAN CỐ, TÁC TIỀN “HÁN THƯ”, VỊ TẤT NHI TUẤT, CHIÊU TỤC THÀNH CHI. THỨ HUYNH BAN SIÊU, CỬU TRẤN TÂY VỰC, VỊ MÔNG CHIÊU HOÀN. CHIÊU PHỤC KHUYẾT THƯỢNG THƯ, KHẤT THỨ HUYNH QUY LÃO

(Tạm dịch: Thế Thúc qua đời sớm, Tào Đại Gia ở vậy thủ tiết, dạy con là Tào Cốc thành người. Anh trai lớn của bà là Ban Cố viết tác phẩm Tiền Hán Thư, chưa hoàn thành xong thì đã qua đời. Vua Hán Hòa Đế biết bà là người có tài nghệ, học vấn nên đã bảo bà hoàn thành tiếp bộ sách này. Người anh thứ hai của bà là Ban Siêu, từng trấn thủ nhiều năm ở Tây Vực, muốn cáo lão về nhà, nhưng Hán Đế không cho phép. Ban Chiêu đã viết một bản tấu chương, khẩn cầu Hán Đế cho anh của bà được trở về nhà)

 

Chồng của bà là Tào Thế Thúc qua đời từ rất sớm. Ban Chiêu giữ chí hướng của mình, không lấy người khác, đức hạnh của bà vô cùng tốt, đồng thời dạy dỗ con trai là Tào Cốc (danh là Tào Thành, tự Trực Cốc) khôn lớn thành người. Ban Chiêu có một người anh trai tên Ban Cố rất nổi tiếng, là tác giả của bộ “Hán Thư”. “Hán Thư” là bộ sách viết về lịch sử theo thể Kỷ Truyện (lịch sử được trình bày theo tiểu sử nhân vật) đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Trong lịch sử, nó cùng với sách “Sử Ký” nổi tiếng như nhau, viết rất hay. Thế nhưng, Ban Cố chưa viết xong thì qua đời, phần tiếp theo là do em gái của ông là Ban Chiêu giúp ông hoàn thành. Từ đây có thể thấy, tài văn chương của Ban Chiêu không phải tầm thường.

Tương truyền năm xưa khi bà ở trong cung viết phần tiếp theo của bộ “Hán Thư” thì đại học giả đương thời là Mã Dung đã quỳ ở bên ngoài Tàng Thư Các mà cung kính lắng nghe lời giáo huấn của bà. Bà vừa viết vừa giảng bài cho mọi người, vị đại Nho một thời là Mã Dung cũng đến quỳ nghe bài giảng. Bà còn có một người anh là Ban Siêu, thường xuyên ở Tây Vực trấn thủ biên cương. Hoàng Đế không cho phép trở về. Ông trước giờ cũng chưa về nhà, nhưng tuổi tác của ông đã cao, rất nhớ quê nhà, luôn mong được về nhà. Vì vậy, Ban Chiêu đã tự mình dâng lên Hoàng Đế một bức thư, khẩn cầu ân chuẩn cho anh của mình được cáo lão hồi hương. Ở đây cũng có một đoạn bối cảnh lịch sử. Tôi đã lên mạng tra cứu. Lúc đó, Hoàng Đế và anh của bà cùng một số đảng phái bất đồng, giữa họ phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, Hoàng Đế đối với anh của bà có chỗ không hài lòng, không muốn cho ông trở về. Ban Chiêu nghĩ đến tình cốt nhục và lòng nhớ mong quê hương của anh trai. Bà không sợ cơn thịnh nộ của Hoàng Đế có thể giáng tội cho mình mà đã đem hết tài viết văn để viết một bài văn vô cùng cảm động khiến người rơi lệ. Sau khi viết xong, Ban Chiêu vô cùng mềm mỏng uyển chuyển khuyên can Hoàng Đế. Hoàng Đế xem xong thì hồi tâm chuyển ý, đồng ý cho anh của bà trở về quê. Nhưng vì anh trai tuổi tác đã cao nên sau khi về đến nhà được hai tháng thì qua đời, cũng may là mất tại quê nhà.

 

HÒA HI ĐẶNG THÁI HẬU, GIA KỲ CHÍ TIẾT, TRIỆU NHẬP CUNG, DĨ VI NỮ SƯ, THÍCH HIỆU ĐẠI GIA. HOÀNG HẬU CẬP CHƯ QUÝ NHÂN, GIAI SƯ SỰ CHI, TRƯỚC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN

(Tạm dịch: Đặng Thái Hậu của triều Hán rất coi trọng bà, ra ý chỉ mời bà vào cung làm vị Nữ Sư, ban tặng cho bà danh xưng là Đại Gia. Hoàng hậu và các quý nhân của triều Hán đều xem bà là thầy mà phụng sự. Tác phẩm “Nữ Giới” gồm có 7 chương là do bà viết)

Lúc đó Đặng Thái Hậu vô cùng khen ngợi đức hạnh và chí hướng cao xa, rộng lớn của Ban Chiêu, đồng thời ngưỡng mộ học thức uyên thâm của bà nên đã triệu bà vào cung làm thầy, làm vị nữ sư. Thái hậu học tập với bà, sau đó ban cho bà hiệu là “Đại Gia” (đọc là Thái Cô). Sau đó, Hoàng Hậu và tất cả tì thiếp cùng quý nhân trong hậu cung đều dùng lễ đối với thầy mà đối đãi với Ban Chiêu, học tập theo bà. Chúng ta từ đây xem thấy Ban Chiêu chắc chắn không phải là một phụ nữ tầm thường, mà xác thực có thể làm được “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, đồng thời xác thực làm được tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bà tu tốt tâm hạnh của chính mình, dạy dỗ con cái thành người, giúp đỡ Hoàng Thái Hậu và các tì thiếp trong hậu cung, dẫn dắt họ, trưởng dưỡng học thức và đức hạnh của họ, làm ra tấm gương “bình thiên hạ”. Thế nên, Ban Chiêu thực sự là tấm gương và niềm tự hào của phụ nữ chúng ta. Đây là phần giới thiệu mở đầu đơn giản, do người đời sau viết.

 

Chúng ta tiếp tục học phần tiếp theo của “Nữ Giới”.

 

“BỈ NHÂN NGU ÁM, THỤ TÁNH BẤT MẪN. MÔNG TIÊN QUÂN CHI DƯ SỦNG, LẠI MẪU SƯ CHI ĐIỂN HUẤN, NIÊN THẬP HỮU TỨ, CHẤP KI QUY Ư TÀO THỊ, Ư KIM TỨ THẬP DƯ TẢI HĨ. CHIẾN CHIẾN CĂNG CĂNG, THƯỜNG CỤ TRUẤT NHỤC, DĨ TĂNG PHỤ MẪU CHI TU, DĨ ÍCH TRUNG NGOẠI CHI LỤY. THỊ DĨ TÚC DẠ CÙ TÂM, CẦN BẤT CÁO LAO, NHI KIM NHI HẬU, NÃI CHÍ MIỄN NHĨ. NGÔ TÍNH SƠ NGU, GIÁO ĐẠO VÔ TỐ, HẰNG KHỦNG TỬ CỐC, PHỤ NHỤC THANH TRIỀU, THÁNH ÂN HOÀNH GIA, ỔI TỨ KIM TỬ, THỰC PHI BỈ NHÂN THỨ KỈ SỞ VỌNG DÃ. NAM NĂNG TỰ MƯU HĨ, NGÔ BẤT PHỤC DĨ VI ƯU, ĐÃN THƯƠNG CHƯ NỮ, CỤ THẤT DUNG THA MÔN, THỦ NHỤC TÔNG TỘC. NGÔ KIM TẬT TẠI TRẦM TRỆ, TÍNH MỆNH VÔ THƯỜNG, NIỆM NHỮ TÀO NHƯ THỬ, MỖI DỤNG TRÙ TRƯỚNG. NHÂN TÁC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN, NGUYỆN CHƯ NỮ CÁC TẢ NHẤT THÔNG, THỨ HỮU BỔ NGHI, TỈ TRỢ NHỮ THÂN. KHỨ HĨ, KÌ ÚC MIỄN CHI”

 

(Tạm dịch: Tại hạ Ban Chiêu kém hèn, chẳng tường sự lý, bẩm sinh lại không thông minh cũng chẳng có tài cán. Nhờ ân đức của tiên phụ che chở, được nhậm chức Nữ Sư dạy học. Năm 14 tuổi được gả vào nhà họ Tào, đến nay đã hơn 40 năm. Trong 40 năm qua, tôi thường nơm nớp lo lâu, hết lòng cẩn thận, sợ mình đức hạnh kém khuyết, bị đuổi ra khỏi Tào gia, làm mất thể diện của cha mẹ, liên lụy tới cả họ hàng. Thế nên tôi từ sáng đến tối, không giờ khắc nào mà không cần mẫn, lao tâm lao lực, tuy làm việc vất vả nhưng không dám oán than. Hiện giờ, tôi tuổi tác đã cao, con cái cũng đã trưởng thành, nỗi vất vả lo toan đã vơi đi bớt.

Tính tôi xao nhãng, đối với việc bảo ban con cái chẳng giữ được hằng tâm, thường sợ Tào Cốc (con trai của Ban Chiêu) không biết đạo lý làm quan, cô phụ sự thanh minh thịnh trị của triều đình. Nào ngờ được Thánh đế gia ân, phong cho chức quan, vinh dự được thắt dây đai màu tía. Ân sủng này tôi quả thật không dám nghĩ tới. Giờ đây con trai đã trưởng thành, có thể tận trung trong chức vụ với triều đình, tâm tôi không còn lo lắng vì nó nữa. Nhưng đối với các nữ nhân nhà họ Tào tôi không thể không lo âu. Các cô đều đã đến tuổi gả chồng, nếu như không từ từ mà bảo ban, các cô sẽ không biết lễ nghi bổn phận của người làm vợ, sợ rằng khi gả qua nhà chồng sẽ bị mất thể diện, lại còn liên lụy đến tông tộc họ hàng, phải mang tiếng xấu. Bệnh của tôi hiện nay đã nặng, việc sống chết chưa biết khi nào. Nghĩ đến những nữ nhân họ Tào chưa hiểu rành về lễ, tôi thật sự chưa thể yên tâm. Những lúc nhàn rỗi, tôi có viết bộ sách “Nữ Giới” gồm 7 chương, mỗi người nữ nhà họ Tào hãy sao chép ra một lần, sẽ có ích cho việc bồi dưỡng đức hạnh của các cô vậy. Khi các cô được gả đi rồi, hãy nhớ luôn khích lệ lẫn nhau, y theo sách “Nữ Giới” này mà làm)

Chương này là lời mở đầu của phần kinh văn do Ban Chiêu viết cho người đời sau biết lý do vì sao bà viết cuốn “Nữ Giới”. Chúng ta từ lời mở đầu đơn giản này mà cảm thấy được Ban Chiêu thân là thầy của Thái hậu mà có thể khiêm tốn như thế, thực khiến chúng ta lấy làm hổ thẹn. Lần đầu tiên khi tôi đọc lời mở đầu cảm thấy không thể hiểu được tại sao lại viết một cách khiêm hạ như vậy. Chúng ta cho dù muốn tỏ ra khiêm tốn cũng không viết được như vậy, bởi vì tâm chúng ta chưa đạt được như thế. Chúng tôi y cứ và chú giải của Vương Tương thời nhà Minh, chia ra từng phần, từng đoạn mà học tập. Mẹ của Vương Tương cũng rất nổi tiếng,  là Lưu Thị, chính là tác giả của cuốn sách thứ tư “Nữ Phạm Tiệp Lục” trong bộ “Nữ Tứ Thư”.

 

“BỈ NHÂN NGU ÁM, THỤ TÁNH BẤT MẪN. MÔNG TIÊN QUÂN CHI DƯ SỦNG”

Đoạn này Ban Chiêu nói về bản thân mình ngu độn, bẩm sinh không thông minh mẫn tiệp, đều nhờ vào âm đức của phụ thân che chở. “Bỉ nhân” là Ban Chiêu dùng chỉ cho chính mình, “ngu ám” nghĩa là ngu xuẩn, ngu độn. Trên thực tế, đều là những lời khiêm tốn của Ban Chiêu. Giống như các đồng học chúng ta học tập văn hóa truyền thống đều nói: “Mạt học bất tài”, “mạt học” nghĩa là trong số các đồng học mình xếp ở vị trí sau cùng, không có tài hoa, không có tài năng, trên thực tế thì không hẳn là như vậy, chỉ là lời nói khiêm hạ. “Thụ tính bất mẫn”  chỉ cho thiên tánh không thông tuệ. “Mông tiên quân chi dư sủng”, “tiên quân” chỉ cho Ban Bưu, phụ thân của Ban Chiêu. Bởi vì Ban Bưu làm quan thời Quang Vũ Đế, làm trưởng huyện Vọng Đô (nay là thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc), vào lúc đó cũng nổi tiếng một thời, rất có danh vọng. Ở đây có nghĩa là Ban Chiêu chỉ thừa hưởng danh tiếng này của cha chứ bản thân không có đức hạnh.

 

“LẠI MẪU SƯ CHI ĐIỂN HUẤN, NIÊN THẬP HỮU TỨ, CHẤP KI QUY Ư TÀO THỊ”

Đoạn này có nghĩa là nhờ vào sự dạy dỗ của mẫu thân, năm mười bốn tuổi Ban Chiêu được gả vào nhà họ Tào. “Lại mẫu sư chi điển huấn” ở đây chỉ cho việc bà không quên lời dạy của mẫu thân, không quên ơn của mẹ. “Ki quy” là cái mà chúng ta hay gọi là cái chổi quét nhà, là công cụ dùng để quét trừ những thứ ô uế. Ở đây Ban Chiêu tỉ dụ cho bản thân thời thời quét sạch sự ô nhiễm trong tâm, hoàn thiện đức hạnh của chính mình. Đây cũng là cách nói khiêm hạ của bà, thường cảm thấy đức hạnh và học vấn của mình không đủ, khi được gả vào nhà họ Tào để phụng sự chồng, bà sợ không đảm đương được.

 

“Ư KIM TỨ THẬP DƯ TẢI HĨ. CHIẾN CHIẾN CĂNG CĂNG, THƯỜNG CỤ TRUẤT NHỤC”

Đoạn này nói bà được gả vào nhà họ Tào hơn bốn mươi năm, bản thân trước giờ đều sống với tâm thái nơm nớp lo sợ, đều là sợ hổ thẹn nếu bị đuổi khỏi Tào gia, cũng chính là nói bà sợ đức hạnh của mình không đủ, khiến cho cha mẹ chồng và người nhà xấu hổ. “Chiến căng” chỉ cho diện mạo sợ sệt bất an, “truất” có nghĩa là bị chồng đuổi, bởi vì vào thời xưa chưa có tòa án, không có kiện cáo, người chồng nếu như phát hiện vợ mình có sự không phù hợp với gia quy, gia đạo thì có quyền đuổi cô ấy trở về nhà.

“DĨ TĂNG PHỤ MẪU CHI TU, DĨ ÍCH TRUNG NGOẠI CHI LỤY”

Đoạn này nói bà lo lắng đạo làm vợ của mình tu không được tốt, khiến cha mẹ hổ thẹn, họ hàng thân quyến bên gia đình chồng và nhà cha mẹ ruột cũng bị liên lụy. “Trung” là chỉ cho quyến thuộc thân thích bên nhà mẹ đẻ.

 

“THỊ DĨ TÚC DẠ CÙ TÂM, CẦN BẤT CÁO LAO, NHI KIM NHI HẬU, NÃI CHÍ MIỄN NHĨ”

Đoạn này nói bà cả ngày lẫn đêm đều rất vất vả, lao tâm lao lực, thế nhưng trước giờ không dám khen ngợi chính mình, luôn khiêm tốn. Hiện nay tuổi tác đã cao, con cháu đều thành gia lập nghiệp, có thể tạm thời buông xuống cái tâm ưu lo ấy. “Túc” có nghĩa là buổi sớm, “cù” có nghĩa là vô cùng vất vả, lao nhọc, “cáo” có nghĩa là khoa trương khen ngợi, tự khen chính mình. “Miễn” trong câu “nãi chí miễn nhĩ” nghĩa là buông xuống.

 

“NGÔ TÍNH SƠ NGU, GIÁO ĐẠO VÔ TỐ, HẰNG KHỦNG TỬ CỐC, PHỤ NHỤC THANH TRIỀU”

Đoạn này nói tài học của bản thân còn thấp kém, ngu độn không thông minh, dạy dỗ con cái không có hằng tâm (tâm bền lâu), cho nên vô cùng lo sợ con trai là Tào Cốc cô phụ trách nhiệm quan trọng, ảnh hưởng xấu đến sự thanh minh thịnh trị của triều đình đương thời. “Sơ” nghĩa là sơ sài, ý nói bà đều rất hậu đậu, sơ sài ở rất nhiều phương diện. Trong việc dạy dỗ, “vô tố” có nghĩa là không có tâm dài lâu, “tố” nghĩa là thường hằng, nghĩa là lúc thì dạy dỗ, lúc thì lơ là. “Thanh” không phải chỉ cho triều nhà Thanh, “thanh” có nghĩa là triều đại thanh minh thịnh trị, nhằm khen ngợi việc trị nước trong sáng của đất nước thời đó, bà sợ mình dạy dỗ con không tốt, có lỗi đối với trọng trách mà triều đình đã giao cho con.

Từ phần mở đầu đến lúc này có thể thấy rằng, ở ngoài thì bà khen ngợi cha mẹ của mình, gia đình chồng của mình, bao gồm luôn cả triều đình. Bên trong thì ba đặt mình ở vị trí thấp nhất. Đây là lý do chương đầu tiên khai tông minh nghĩa của sách “Nữ Giới” gọi là “Ti nhược”. Từ chỗ này có thể thấy Ban Chiêu thực sự đã làm được hai chữ này, nên mới có thể viết ra được thiên văn chương này.

 

“THÁNH ÂN HOÀNH GIA, ỔI TỨ KIM TỬ, THỰC PHI BỈ NHÂN THỨ KỈ SỞ VỌNG DÔ

Nói về việc con trai của bà đột nhiên được sự ân sủng của Hoàng thượng. Với đức hạnh thấp kém mà tiếp nhận địa vị cao mà Thánh thượng ban cho, thực sự đây là điều mà chính bà không dám kỳ vọng. Từ đây, chúng ta thấy Ban Chiêu là người phụ nữ như thế nào? Bà là thầy của Thái hậu, con của bà cũng có địa vị cao như thế, có được phước báo to như thế, bà đã “khiêm tốn mà nhận phước”. Từ toàn bộ chương mở đầu chúng ta có thể nhìn thấy bà là người khiêm tốn, chí thành. “Hoành gia” có nghĩa là vô duyên, vô cớ mà có được. “Kim tử” là chỉ cho chức quan, y phục của thời xưa biểu thị cho các chức vị khác nhau, đai lưng của y phục có màu sắc khác nhau biểu thị cho đẳng cấp khác nhau. Được đeo đai lưng màu vàng tía tức địa vị này khá cao.

 

“NAM NĂNG TỰ MƯU HĨ, NGÔ BẤT PHỤC DĨ VI ƯU, ĐÃN THƯƠNG CHƯ NỮ, CỤ THẤT DUNG THA MÔN, THỦ NHỤC TÔNG TỘC”

Ý nói con trai của bà ở triều đình làm quan, có thể “tự thiện kỳ thân” (làm tròn chức vụ). Những người con gái thì sao? “Thời đương xuất giá” có nghĩa là đến tuổi xuất giá, gả vào nhà người nhưng vẫn chưa được dạy dỗ tốt, không được giáo huấn dần dần, sợ khi gả vào nhà người không biết hổ thẹn, khiến cho gia đình mẹ ruột mất mặt.

 

“NGÔ KIM TẬT TẠI TRẦM TRỆ, TÍNH MỆNH VÔ THƯỜNG, NIỆM NHỮ TÀO NHƯ THỬ, MỖI DỤNG TRÙ TRƯỚNG”

Đoạn này nói bản thân bà hiện giờ mắc bệnh đã lâu, sợ rằng có thế ra đi vào bất kỳ lúc nào, nghĩ đến các thiếu nữ trong nhà như thế, bà đều lo lắng, ưu tư cho từng người.

Lúc Ban Chiêu viết sách “Nữ Giới” đã là bà lão mấy chục tuổi rồi, sức khỏe cũng không được tốt lắm, thực sự là mang bệnh nặng. Trong tình cảnh như vậy bà vẫn một lòng một dạ lo nước lo dân nên mới viết ra sách “Nữ Giới” này. Với tuổi tác của Ban Chiêu, chúng ta nghĩ đến tuổi con gái của bà không thể là 17-18 tuổi sắp gả về nhà người được. Trên thực tế con gái của bà đã đi lấy chồng rồi. Vậy sao bà lại nói: “Đến tuổi cập kê mà không được dạy dỗ”? Ở đây có hàm nghĩa rất sâu. Trên thực tế, bà thông qua thiên văn chương viết cho các cô gái trong gia đình mình là để dẫn dắt người trong thiên hạ xem trọng Nữ Đức. Đối với tình hình phụ nữ chuyên quyền, Nữ Đức suy vi bà vô cùng lo lắng, bà có lòng muốn đề xướng Nữ Đức, nhưng không tiện nói ra. Vì vậy, bà thông qua việc dạy dỗ các nữ nhân trong nhà mà viết ra bảy chương sách “Nữ Giới”. Viết xong không bao lâu thì sách được truyền đến các gia tộc Hoàng thất. Lúc đầu, mọi người dùng phương thức chép tay để sao chép lại. Mỗi một gia tộc đều lấy đây làm tài liệu dạy đạo đức cho phụ nữ. Vì vậy, chúng ta có thể thấy được sự dụng tâm này của Ban Chiêu. Với địa vị này của bà, bà có thể viết một bài kiến nghị gửi lên triều đình nói phải xem trọng Nữ Đức, phải từ Trịnh Thái hậu mà làm. Thế nhưng, bà đã cân nhắc đến rất nhiều phương diện nên không tiện viết như thế. Vì vậy, bà đã viết ra sách dành riêng cho gia đình mình. Việc này cho thấy bà đã khéo nghĩ cho người, có trí tuệ, nghĩ sâu xa, cân nhắc kỹ. Cho nên, bà có thể ở triều đình hầu hạ bốn vị Hoàng hậu kế nhiệm không suy, có thể ở tại triều đình mấy chục năm an nhiên vô sự. Sau khi bà qua đời, Hoàng thái hậu mặc áo tang, dùng nghi lễ quốc tang, dùng nghi thức lễ tang đối với thầy đề tiễn đưa bà. Từ đây có thể thấy, Ban Chiêu đã làm người rất chuẩn mực.

 

“NHÂN TÁC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN, NGUYỆN CHƯ NỮ CÁC TẢ NHẤT THÔNG, THỨ HỮU BỔ NGHI, TỈ TRỢ NHỮ THÂN. KHỨ HĨ, KÌ ÚC MIỄN CHI”

Cuối cùng bà nói, tôi viết sách “Nữ Giới” này với hy vọng có thể cảnh tỉnh chị em phụ nữ trong nhà, mong rằng mọi người có thể theo đây mà phụng hành để không đánh mất cái gốc của người phụ nữ. Thông qua học tập cũng có thể giúp cho mọi người nâng cao đức hạnh của bản thân. Tôi dù có ra đi (ý nói sau khi bà qua đời), thì gia tộc của chúng ta cũng có thể duy trì được về sau, không ngừng đốc thúc khuyên răn nhau. Đây là lời mở đầu sách. Chúng ta mỗi lần đọc đi đọc lại đều có thể thể hội sâu sắc hơn. Ban Chiêu là một người phụ nữ xác thực là quân tử trong giới quần thoa, là mô phạm trong bậc nữ lưu. Chúng ta vô cùng cảm ân vị Tổ tiên này.

Trong sách “Hậu Hán Thư” có truyện ký của Ban Chiêu, tôi đọc truyện ký của bà. Bà và phu quân Tào Thế Thúc thật là phu thê hòa mục. Tính cách của Tào Thế Thúc rất hướng ngoại, Ban Chiêu rất hướng nội, là người phụ nữ hiền hậu, nhu hòa. Việc bà lấy Tào Thế Thúc cũng có một bối cảnh lịch sử, không phải là bà thích Tào Thế Thúc mà lấy làm chồng, không phải như vậy. Anh trai của bà, lúc đó vì để viết bộ “Hán Thư” do triều đình ra lệnh cho ông viết bộ “Hán Thư”, ông đảm nhận việc quốc gia đại sự nên đã triệu tập một lớp học. Lớp học này bao gồm những đệ tử rất có học thức để  cùng giúp ông hoàn thành bộ sách “Hán Thư”. Anh của bà nói với bà là muốn bà lấy một trong những vị đệ tử viết bộ “Hán Thư” ưu tú nhất, đó chính là Tào Thế Thúc. Anh của bà cũng nghĩ đến việc chẳng may ông không còn nữa thì vị đệ tử này có thể giúp ông hoàn thành sự nghiệp. Không ngờ rằng Tào Thế Thúc cũng sớm qua đời, chính em gái của ông đã giúp ông hoàn thành vậy.

 

Hết phần mở đầu