CHƯƠNG SÁU: KHÚC TÒNG
Kính chào các thầy cô giáo!
Chúng ta tiếp tục học chương thứ sáu của sách “Nữ Giới” là Khúc Tòng. Chương này chủ yếu nói về cách chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu, đặc biệt là nàng dâu nên cư xử như thế nào đối với mẹ chồng. Nếu như ở các chương trước chúng ta học tập có được sự thể ngộ thì học sang chương này sẽ cảm thấy dễ dàng hơn một chút. Nếu như chúng ta đột nhiên học tập chương này đầu tiên thì sẽ rất khó tiếp nhận. Tên của chương này là “Khúc Tòng”. Lúc đầu chắc có người sẽ hiểu lầm rằng phải chăng mình phải chịu thiệt, chịu khuất mình để thuận theo một cách mù quáng hay không. Hình như đây là sự trói buộc của lễ giáo phong kiến xưa đối với phụ nữ, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chữ “khúc” này có đại trí tuệ ở bên trong. Chúng ta thường gọi là phương tiện thiện xảo. “Phương” là phương pháp, “tiện” là tiện lợi. Vậy “phương tiện” là phương pháp tiện lợi nhất. Còn “thiện xảo” thì sao? “Thiện” nghĩa là khéo, “xảo” nghĩa là trí huệ, tức là khéo dùng trí huệ để tìm ra phương pháp tiện lợi nhất để đạt được mục tiêu là hiếu thuận với cha mẹ chồng.
Ban Chiêu đã dùng một chữ quá đơn giản và thẳng tắt đó là chữ “khúc” này. Bởi vì nếu như chúng ta đi thẳng vào vấn đề mà không dùng phương tiện thì sẽ dẫn đến một số hiểu lầm, hoặc sẽ khiến cho cha mẹ chồng phật ý. Chúng ta cần phải uyển chuyển, ví dụ như cha mẹ chồng của chúng ta đã 70-80 tuổi rồi, sống rất tiết kiệm. Họ rất ít đi ra ngoài mua sắm nên sẽ không chấp nhận được giá cả của một số món đồ. Ví dụ như mẹ chồng của tôi thích cắn hạt dưa. Tôi mua hạt dưa cho mẹ chồng. Cha chồng tôi khen rằng: “Hai đồng nửa cân, hạt dưa này ngon đấy”, nhưng trên thực tế là mười đồng nửa cân hạt dưa. Khi tôi đi siêu thị mua đồ trước khi về nhà đều xé bỏ hết mác niêm yết giá, bởi vì nếu như để cha mẹ chồng nhìn thấy họ sẽ không hoan hỷ: “Sao món đồ này lại đắt như thế!”. Bạn lại phải giải thích với họ rằng giá cả của siêu thị là như vậy. Đi siêu thị thì mua đồ yên tâm hơn nhưng cha mẹ rất khó hiểu được vấn đề này nên tôi phải xé bỏ mác giá đi. Nếu như cha mẹ hỏi thì sẽ nói một giá mà họ có thể chấp nhận được nên chữ “khúc” này là sự uyển chuyển phù hợp để cha mẹ được yên lòng.
Còn chữ “tòng” không phải là sự nhắm mắt tuân theo. Từ “thính” trong câu “phu nghĩa phụ thính”, cùng với chữ “thuận” và chữ “tòng” này đều có sự diệu dụng như nhau. Bạn xem chữ “tòng” (从) là chỉ cho hai người (人), trước sau đều có chữ “nhân” (人). Chữ “nhân” phía sau chỉ cho chính mình, còn chữ “nhân” phía trước chỉ cho mẹ chồng. Tuy nhiên đây không phải là sự “thuận theo” mang nghĩa đen mà là sự thuận theo bản tánh và tự tánh của mẹ chồng, không phải thuận theo tập tánh của mẹ. Nếu như mẹ chồng là người lười biếng, bạn cũng thuận theo bà lười biếng dọn dẹp. Nếu mẹ chồng là người tham lam bạn cũng thuận theo sự tham lam của bà thì phiền phức rồi. Bạn cần phải thuận theo tự tánh của bà. Khi tự tánh và tập tánh của bà có sự xung đột, bạn cần phải biết xử lý một cách có trí tuệ. Việc này cần một quá trình, thông qua việc rèn luyện, trải nghiệm không ngừng trong các sự việc và cảnh giới mà bạn không ngừng nâng cao, gọi là “cái khó nó ló cái khôn”, dần dần bạn sẽ nắm được cái đạo “khúc tòng” mà cùng chung sống tốt với cha mẹ chồng.
Phần Tiên Chú của Vương Tương trong chương này nói rằng: “Nếu lời nói của cha mẹ chồng có đạo lý, chúng ta thuận theo là điều dĩ nhiên hợp với chánh đạo. Nếu như lời cha mẹ chồng nói không có đạo lý, là lời phi nghĩa, là việc phi lễ mà người con dâu vẫn thuận theo một cách có trí tuệ thì gọi là “khúc tòng”. Sự “khúc tòng” này là hiếu thuận thực sự”. Ở đây Vương Tương nêu lên hai ví dụ về Đại Thuấn và Mẫn Tử Khiên. Các Ngài tuy không được cha mẹ thương yêu nhưng vẫn thuận theo cha mẹ, bất cứ sự việc gì cũng đều không làm trái tâm ý của cha mẹ, bất kỳ việc gì cũng đều có thể xét lại chính mình, không chút oán trách cha mẹ. Đây đích thực là hiếu thuận. Hai Ngài đã được xếp vào trong hai mươi bốn gương hiếu.
Nói về vua Thuấn, Ngài là một vị thánh Vương của dân tộc. Theo lịch sử ghi chép thì cha của Ngài là một ông lão mù lòa. Mẹ của Ngài sinh hạ Ngài chưa được bao lâu thì qua đời. Kế mẫu đối xử với Ngài hết sức tệ bạc. Mẹ kế sinh cho cha Ngài một đứa con trai tên là Tượng. Em trai Ngài cũng thườngxuyên bắt nạt Ngài. Có một lần cha và em của Ngài bảo Ngài chui xuống giếng rồi lập kế chôn Ngài ở dưới giếng sâu. Nhờ vợ mà Ngài biết được tin này nhưng Ngài biết rồi không đi chất vấn mà chỉ đào trước một lối đi ở dưới giếng để thoát thân. Quả nhiên có một ngày cha ruột và em trai Ngài bảo ngài chui xuống giếng. Ngài vẫn an nhiên chui xuống. Cha và em trai ở trên lăn đá xuống. Ngài xuyên qua địa đạo mà thoát nạn. Đây là một ví dụ của sự “khúc tòng”. Nếu như Ngài chất vấn phụ thân Ngài, nhìn bề ngoài thì là việc có đạo lý vì phụ thân Ngài đã làm việc bất nghĩa, nhưng trên thực tế thì đó không phải là phương pháp xử lý có trí tuệ, nếu như có thể giữ được mạng sống của mình mà không cần chất vấn phụ thân thì rất tốt. Còn có một lần khác, cha của Ngài bảo ngài trèo lên nóc nhà kho để phơi ngũ cốc. Sau đó, ông ở bên dưới nổi lửa đốt cháy kho thóc. Ngài sớm đã dự liệu trước nên đã chuẩn bị hai cái nón rơm thật lớn. Ngài vẫy hai cái nón như hai cánh của con chim từ trên cao nhảy xuống thoát thân. Sau khi xuống đất an toàn, Ngài điềm nhiên như không có việc gì xảy ra. Quả thật là “người tu đạo chân thật không thấy lỗi người khác”! Không phải Ngài nhìn không thấy! Ngài thấy, nếu như Ngài không thấy thì Ngài đâu có chuẩn bị trước hai cái nón, hay đào địa đạo trước được. Thế nhưng trong tâm của Ngài quả thật không hề nhìn thấy, có nghĩa là trong tâm của Ngài không lưu lại một mảy may việc xấu nào của cha, mẹ kế và em trai. Ngài tuyệt đối không để nó ở trong tâm. Việc gì mình nên làm thì Ngài đi làm. Trước khi vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, vua quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong gia đình như thế nào, hiếu đạo của Thuấn ra sao. Vua Nghiêu không những gả hai người con gái cho Thuấn mà còn bảo mấy người con trai của mình đến phò tá Thuấn, xem xem Thuấn xử lý công việc bên ngoài như thế nào. Sau khi quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong ngoài, vua Nghiêu mới an tâm đem ngôi Vua trao lại cho Thuấn.
Mẫn Tử Khiên là đệ tử của Khổng Tử. Lần đầu tiên khi tôi xem hoạt hình “câu chuyện đức dục” về Mẫn Tử Khiên đã rất cảm động, không kìm được nước mắt. Khi ông đối mặt với việc nghĩa và tình riêng thì có thể bỏ tình mà giữ nghĩa, tôi cảm thấy việc này thật không dễ. Mẹ kế đối xử với ông bạc bẽo như thế, bắt ông làm việc nhà, không cho ăn thức ăn ngon, để ông mặc áo làm bằng bông lau không thể giữ ấm vào mùa đông. Khi phụ thân ông chưa hiểu rõ chân tướng sự việc đã trách mắng và dùng roi đánh ông, ông không hề biện bạch một lời. Khi cha phát hiện ra chân tướng muốn đuổi mẹ kế đi, ông đã quỳ xuống đất mà thỉnh cầu, nói ra câu nói khiến đất trời cảm động: “Mẹ còn chịu một thân đơn, mẹ đi luống để cơ hàn cả ba”. Ông đã khẩn cầu cha để mẹ kế được ở lại. Câu nói của ông có nghĩa là nếu như mẹ kế ở lại thì chỉ một mình ông chịu cảnh đói rét, nhưng nếu như mẹ kế đi rồi thì hai đứa con trai của mẹ kế và cả ông cũng đều lạnh lẽo. Câu nói này của ông khiến mẹ kế nghe rồi cảm động sâu sắc. Bà hốt nhiên tỉnh ngộ, quỳ xuống nhận lỗi của mình, xin được cha của ông tha thứ. Sau đó cả gia đình ông đã có được ngày đoàn viên.
Chúng ta thử nghĩ trong xã hội hiện nay, đừng nói đến con trẻ mà ngay cả người lớn mấy ai có thể dùng lý trí chiến thắng được tình cảm của bản thân, có thể dùng đạo nghĩa mà đối diện với những lựa chọn lấy bỏ trong cuộc đời. Khi sự việc xuất hiện thì rất nhiều người đều đem tình cảm riêng tư của bản thân, sự được mất của bản thân, và ân oán của bản thân đặt lên hàng đầu, không nghĩ đến nghĩa, nghĩ đến lễ, nghĩ đến đạo. Khi con người tự tư tự lợi thì sẽ không có được hạnh phúc thực sự, sẽ không làm được việc chân thật lợi ích người khác, lợi ích xã hội, đương nhiên sẽ không thể trở thành tấm gương được mọi người xưng tụng lưu truyền thiên cổ.
Toàn bộ chương này liên kết chặt chẽ với sự khiêm hạ của chương thứ nhất. Tác dụng của sự khiêm hạ được thể hiện ra ở sự hiếu kính đối với cha mẹ chồng, trở thành hai chữ “khúc tòng”, kỳ thực nó cùng với chữ “khiêm hạ” đồng một nghĩa. Nếu có thể thực sự “khiêm hạ” thì sẽ biết cách “khúc tòng” đối với cha mẹ chồng. Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Cha mẹ thương hiếu đâu khó, cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”. Trong cuộc sống hiện thực đối với cha mẹ ruột chúng ta rất dễ làm được chữ “hiếu” này. Vì sao vậy? Vì cha mẹ yêu thương chúng ta thực sự, thế nhưng đối với cha mẹ chồng rất khó tận được chữ “hiếu”. Vì sao vậy? Không phải do “cha mẹ ghét”, mà thứ nhất chúng ta không có được cái cảm giác với họ “là một thể”, thứ hai do cảm thấy hình như cha mẹ chồng đối với mình có chút gì không tốt, lập tức liền nghĩ ngay rằng vì mình là con dâu nên họ mới đối xử với mình như vậy, nếu như mình là con ruột thì họ sẽ không như vậy. Một khi đã nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ rất khó khởi phát được tâm hiếu.
Thế nên, trong toàn bộ quá trình học tập, không phải sách này dùng để dạy cho người khác, mà để dạy cho chính mình làm thế nào có thể từng chút một mài nhẵn tập khí của chính mình, khiến cho tánh bổn thiện của chính mình được hiển lộ. Việc học tập là một quá trình rất gian nan, không phải một bước là đến nơi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người duyên phận tốt, thiên tính của mẹ chồng họ khá ôn hòa, lương thiện, nhưng có người thì mẹ chồng tập khí hơi nặng một chút, nên sự khảo nghiệm đối với các cô con dâu là không như nhau. Nếu như gặp phải mẹ chồng có tập khí hơi nghiêm trọng, khá cộc cằn cứng nhắc, có nhiều thói xấu thì người làm dâu nên cảm thấy rất may mắn. Vì sao vậy? Điều này cho thấy mình không phải đang học lớp tiểu học mà trực tiếp vào học lớp của nghiên cứu sinh, trình độ của mình tương đối cao, nhất định phải tiếp thêm cho chính mình đầy đủ dũng khí để có thể đương đầu với tất cả nghịch cảnh. Tôi cảm thấy việc này cần phải có trí tuệ chứ không chỉ đơn thuần dựa vào phước báo. Bạn nói bạn có tiền, có thể dùng tiền để giải quyết mọi thứ. Tiền có thể thuê người giúp việc, có thể mua thức ăn đồ mặc cho cha mẹ chồng nhưng tiền không thể mua được sự thân tình và hài hòa trong gia đình. Vì vậy, chúng ta cần phải tự mình đi làm, dùng trí tuệ mà xử lý sự việc. Quá trình này tương đối gian khó. Thế nên chương “Khúc Tòng” là khóa trình dành cho nghiên cứu sinh.
Tôi có một người bạn rất thông minh. Khi cô ấy kết hôn chủ yếu quan sát xem mẹ chồng là người như thế nào. Mẹ chồng của cô ấy rất tốt. Hiện giờ mẹ chồng của cô giúp cô trông em bé. Mỗi ngày đi làm về, cô đến nhà mẹ chồng ăn cơm. Mẹ chồng còn làm dưa muối cho cô, thậm chí còn giúp cô giặt đồ, không hề phàn nàn một câu. Tôi thật ngưỡng mộ nói rằng: “Chị thật có mắt nhìn người”. Nếu như chúng ta không có được hoàn cảnh tốt như vậy thì làm thế nào? Chúng ta cần có tín tâm. Nếu như chúng ta đối mặt với một khóa trình tương đối cao và khó thì phải học cho thông chương “Khúc Tòng”, gặp phải người mẹ chồng như vậy, chúng ta nên làm thế nào khởi phát được tâm hiếu, làm trọn hiếu đạo.
Trong lúc chúng ta học tập văn hóa truyền thống, tôi tin rằng mọi người đều đang xem các đĩa giảng của các giáo viên văn hóa truyền thống. Khi xem đĩa, tôi xin lưu ý với mọi người một điều là chúng ta không được bắt chước làm theo một cách cứng nhắc. Ví dụ như cô giáo này bắt con dọn nhà vệ sinh, bạn cũng bắt con của mình dọn nhà vệ sinh. Vị thầy này khi ăn cơm chỉ ăn phần cơm thừa còn lại của người khác, chúng ta cũng bắt chước theo không ăn cơm ngon mà chỉ ăn cơm thừa. Xin đừng bắt chước học theo trên mặt sự như vậy mà phải dựa trên vấn đề của chính mình. Mỗi người có “bệnh” khác nhau. Gia đình hạnh phúc đều có chung mẫu số, nhưng gia đình không hạnh phúc thì mỗi nhà mỗi hoàn cảnh khác nhau. “Bệnh” của gia đình mình là ở đâu? “Bệnh” có nặng hay không? Nặng đến mức nào? Bạn phải tùy bệnh mà cho thuốc. Đừng lấy “thuốc” của người khác mà uống! Uống xong phát hiện ra không đúng bệnh mà còn sinh thêm chuyện là do vấn đề ở bạn mà ra.
Khi bạn nghe đĩa giảng thì phải xem sự việc họ nói đã thể hiện ra đạo lý gì. Sau khi nghe hiểu rõ đạo lý, bạn nên xét lại hoàn cảnh của bản thân gia đình mình như thế nào để cân nhắc xử lý. Ví dụ như bạn thấy người khác hầu hạ cha mẹ của họ mấy mươi năm. Mẹ của bạn sức khỏe còn rất tốt nhưng bạn lại mong tình huống xấu đi để được hầu hạ mẹ của mình như họ là không đúng. Bạn nên cảm thấy mình rất may mắn vì mẹ của mình vẫn còn khỏe. Đó là phước báo của bạn. Bạn hãy dành sức lực làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội, đồng thời cầu mong cha mẹ mình và các bậc cha mẹ trong thiên hạ được khỏe mạnh. Đó là việc tốt, như vậy mới đúng. Nếu không thì chúng ta dễ học tập một cách sai lệch, dễ đi sai đường.
Chúng ta cùng xem phần Kinh văn cụ thể bên dưới.
PHÙ ĐẮC Ý NHẤT NHÂN, THỊ VỊ VĨNH TẤT; THẤT Ý NHẤT NHÂN THỊ VỊ VĨNH CẬT. DỤC NHÂN ĐỊNH CHÍ CHUYÊN TÂM CHI NGÔN DÃ. CỮU CÔ CHI TÂM, KHỞI ĐƯƠNG KHẢ THẤT TAI
(Tạm dịch: Phía trên đã nói: “Người phụ nữ chỉ cần được lòng của chồng thì có nơi nương tựa cả đời, hạnh phúc mỹ mãn. Nếu như không được lòng chồng thì một đời này hạnh phúc không được vẹn toàn”. Đây chính là câu khuyên nhủ hàng nữ nhân định chí chuyên tâm để được lòng của chồng. Lòng của chồng còn không được để mất. Vậy đối với cha mẹ chồng há có thể để mất lòng được sao?)
Phần đầu của chương này nhắc lại đoạn đầu tiên của chương “Chuyên Tâm” phía trước. Trong đó nói rằng người làm vợ nếu như đạt được tâm ý của chồng thì xem như có thể tốt nghiệp khóa học nhân sinh một cách viên mãn. Bằng không thì sẽ gặp sự đổ vỡ, không thể chung sống được bền lâu. Phần phía sau lại nói rằng nếu như người phụ nữ này có thể an định chí hướng của mình, có thể chuyên tâm trong bổn phận làm vợ thì sao có thể làm mất lòng cha mẹ chồng được chứ? Bởi vì chồng là do cha mẹ chồng sinh ra, đều là một thể. Nếu như bạn có thể thấu hiểu được tâm của chồng thì sao không giúp anh ấy hoàn thành hiếu đạo? Bạn nhất định sẽ giúp anh ấy làm tốt hơn nữa việc hiếu thuận đối với cha mẹ. Nếu như bản thân anh ấy chưa đủ hiếu thuận, bạn cần làm cho tâm hiếu của anh ấy trở nên mạnh hơn. Nếu như anh ấy là người rất hiếu thuận thì bạn thật may mắn được chung sống cả đời với một người con hiếu thảo. Bạn nên tiếp tục giúp anh ấy thành tựu tâm hiếu của mình.
Tiên sinh Trần Hoằng Mưu thời nhà Thanh có biên soạn bộ sách “Ngũ Chủng Di Quy”, trong đó có một chương tên là “Giáo Nữ Di Quy”. Đối với những ai muốn tu học Nữ Đức, bất luận là muốn tu học Nữ Đức ở nhà hoặc là muốn làm giáo viên hoằng dương Nữ Đức thì tốt nhất trong tay cần phải có bộ sách này, có thể tùy lúc mà mở ra xem. Sau đây tôi xin chia sẻ với mọi người một chương trong sách “Giáo Nữ Di Quy” tên là “Đường Nhất Tu Nhân Sanh Tất Độc Thư”. Phần mở đầu có nói rằng: “Phụ nữ xem chồng là trời. Cha mẹ chồng là thân sinh của chồng thì cái nghĩa đối với cha mẹ chồng há chẳng nặng hơn sao? Nếu như không phụng thờ trọn đạo thì phần hiếu kính đã bị khiếm khuyết, tức do tài hoa và trí tuệ của bản thân không đủ. Bản thân có gì đáng để kiêu ngạo chứ! Lễ tiết hiếu kính đối với cha mẹ chồng nhất định phải xuất phát từ tâm chân thành, xuất phát từ bản tánh của chính mình”.
Toàn bộ chương này dạy cụ thể cách làm thế nào hiếu kính cha mẹ chồng. Đầu tiên nói rằng: “Người ta chẳng phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi”, huống chi là người làm dâu con, nhất định có lỗi lầm. Nếu như thỉnh thoảng mắc lỗi, nếu như bị cha mẹ chồng quở trách thì tâm của chúng ta nhất định cần phải lớn. Lớn đến mức độ nào? Thứ gì cũng có thể bỏ qua được, đừng chất chứa trong lòng vì chất chứa trong lòng sẽ rất phiền phức. Phần phía sau có một đọan cũng rất hay: “Tuy mẹ chồng và nàng dâu giống như mẹ ruột và con gái nhưng tình cảm mẹ con còn thù thắng hơn vì còn có cái lễ ở bên trong”. Phía sau nêu lên một số ví dụ, phàm là quần áo, đồ vật thuộc sở hữu của mẹ chồng thì chúng ta không được tùy tiện động đến. Nếu như mẹ chồng đang ở trong phòng mở rương ra xem quần áo, nữ trang, hay đang trao đổi riêng tư với con trai và con gái của bà thì chúng ta không được làm phiền, hãy lui ra một bên. Nếu như chúng ta có món gì ngon hoặc quần áo đẹp thì cần phải xem mẹ chồng, em trai, em gái chồng có muốn hay không, nếu như họ muốn thì đừng ngần ngại mà đưa cho họ. Đó chính là dùng lễ mà chung sống với nhau.
Tiếp theo, tôi sẽ vừa giảng vừa phối hợp với Kinh văn trong chương này để học tập. Tâm của cha mẹ chồng như thế nào? Tôi đã làm dâu 16 năm nên cảm nhận sâu sắc rằng.
Thứ nhất mẹ chồng nhất định sẽ hy vọng con dâu chăm sóc sức khỏe của con trai mình được tốt đẹp, sự nghiệp được phát đạt. Bởi vì mỗi lần tôi gặp mẹ chồng thì câu đầu tiên bà sẽ hỏi tôi là: “Con trai của mẹ dạo này ra sao? Sức khỏe và sự nghiệp như thế nào?”. Bà hỏi han mấy lần như vậy. Nếu như có việc gì không tốt như là cảm mạo hay bị sốt đi chăng nữa thì bạn nhất định đừng nói, nói ra thì lòng của bà sẽ nóng như lửa đốt.
Thứ hai, mẹ chồng bao giờ cũng mong các con của bà chung sống hòa thuận với nhau. Nếu như ở trước mặt mẹ chồng mà nàng dâu kể lể con gái của bà như thế này, con trai của bà như thế nọ thì đó là thứ cha mẹ chồng không muốn nghe nhất, trong lòng cảm thấy rất phản cảm. Các bạn thử tưởng tượng một ngày nào đó mình làm mẹ chồng. Bạn có muốn nghe người khác kể tội con cái của mình hay không? Như vậy không khác nào vả vào mặt bạn vậy. Thế nên, bạn đừng nói cho dù bạn biết họ có vấn đề. Bạn muốn tốt cho họ, hy vọng mẹ của họ có thể giáo dục họ thì vẫn không được nói. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đã được gả vào gia đình của anh ấy rồi. Anh chị em chồng của bạn không phải là những đứa trẻ mà đều là người đã trưởng thành, đều có chủ kiến của riêng mình. Cha mẹ chồng có nghe lời mình nói hay không hãy để qua một bên. Bạn hãy nghĩ xem lời nói của chúng ta có cần thiết hay không? Nếu không có ích lợi gì thì đừng nói, cứ biết vậy là được rồi, có khi nói ra còn phản tác dụng, chi bằng bất kỳ việc gì chính mình làm tốt đi đã, từ từ sẽ sinh ra sức mạnh cảm hóa sau.
Điều thứ ba là cha mẹ chồng thường lấy hoàn cảnh cuộc sống, kinh nghiệm sống của họ làm tiêu chuẩn mà yêu cầu con dâu. Ví dụ cha mẹ chồng sống rất tiết kiệm, nếu như bạn tiêu xài thoải mái thì họ sẽ sinh phản cảm. Cho dù bạn tiêu xài đồng tiền của chính bạn, thậm chí không dùng đến tiền của chồng nhưng họ vẫn cảm thấy bạn đang tiêu tiền của gia đình họ. Tiền của bạn cũng là tiền của gia đình họ, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi họ có quan điểm rất nặng nề về việc này. Bạn cần phải tùy thuận họ. Họ tiết kiệm thì bạn tiết kiệm hơn họ là được rồi. Tôi còn nhớ lúc ban đầu tôi không chung sống với cha mẹ chồng như thế này được, thường có những mâu thuẫn rất lớn, trong tâm cảm thấy rất khó chịu, luôn cảm thấy uất ức. Kỳ thực, đó đều là vấn đề của chính mình, nếu như suy nghĩ từ một góc độ khác thì tâm chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Sau khi tôi học văn hóa truyền thống, tôi đều đứng trên góc độ của mẹ chồng mà xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn. Một người bạn đã kể cho tôi nghe một sự việc thế này. Cô ấy đến nhà cha mẹ chồng ăn cơm, món cải mặn vốn đã bị hư rồi nhưng cô nhận thấy cha mẹ chồng không muốn bỏ. Khi người làm sắp đem đi đổ thì cô ấy nói: “Đừng đổ! Cứ để tôi ăn cho!”. Mẹ chồng của cô không thể tin được hỏi cô: “Con ăn được sao?”. Cô ấy nói: “Không sao! Con ăn được ạ. Đừng lãng phí thức ăn!”. Cô đã lấy ăn. Người bạn này của tôi ăn chay. Lúc đó cô nghĩ thức ăn của cha mẹ chồng đều là đồ mặn, mình ăn cũng không vô. Thế nên cô chọn món cải mặn, chan cơm không với nước mà ăn. Sau khi cô ăn thì mẹ chồng của cô rất vui. Hai ngày sau đó, cô ấy đến thăm mẹ chồng, vẫn muốn ăn thức ăn thừa nhưng mẹ chồng đã không để cho con dâu ăn nữa mà nói rằng: “Con đừng ăn! Nếu như không tốt thì không cần ăn đâu”. Lần đầu tiên cô nghe mẹ chồng nói như thế thì cô cảm thấy rất kỳ lạ. Sau này, cô nghĩ rằng có lẽ là mình đã qua được một kỳ thi nên mẹ chồng chỉ là một vị giám khảo của cuộc đời. Nếu như đã qua được kỳ sát hạch của bà thì sẽ không còn gặp chướng ngại nữa. Phương pháp duy nhất để thi đậu chính là “khúc tòng”, là “nhu thuận”.
Chúng ta hãy nói đến chữ “thuận”, bên trong chữ “thuận” chân thật có đại đạo lý, làm người nhất là làm con dâu không thể bất kỳ việc gì cũng dùng thái độ “đem đá chọi với đá” được. Gặp phải người càng cứng thì bạn càng cần nhu, càng cần thuận. Dao sắt rất khó cắt đứt được sợi tóc. Vì sao vậy? Sợi tóc vừa mềm, vừa nhuyễn, vừa mảnh mai nên lưỡi dao rất khó có thể cắt đứt được. Nếu như đó là một miếng sắt thì lưỡi dao cứng có thể cắt đứt được. Đối với người mẹ chồng cứng nhắc, càng quật cường, chủ ý càng kiên định thì bạn càng phải nhu thuận, nhu thuận đến cùng cực. Đây là tâm đắc trong nhiều năm của tôi. Lúc ban đầu tính cách của tôi cũng rất cứng, sau cùng tự mình làm tổn thương chính mình nghiêm trọng. Việc cũng làm rất nhiều, tiền cũng chi không ít, mà người khác vẫn không đón nhận ý tốt của bạn, sau cùng chính mình cảm thấy rất oan ức. Vì sao vậy? Đừng trách người khác, do bản thân quá cang cường, chỉ một câu cãi lại thì cho dù bạn đã làm xong việc rồi mẹ chồng cũng không ghi nhớ cái tốt của bạn đâu. Thế nên, làm con dâu thì nên nói ít mà làm nhiều, đó chính là bí quyết dành cho bạn. Khi mẹ chồng đang không vui thì bạn đừng nói năng gì cả, cố hết sức giữ nét mặt nhu hòa là tốt rồi. Chỉ có giữ được tâm bình, tâm nhu thuận thì mới có thể chân thật thể hội được thói quen sinh hoạt của mẹ chồng, thể hội được cái tinh tế trong việc làm người, trong việc xử sự. Có lúc chúng ta cảm thấy không thể hoàn toàn làm được sự thuận tòng, vậy thì hãy làm từng chút một, có thể làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Bởi vì khi quá cưỡng ép bản thân thì thứ nhất sẽ thành ra giả tạo, thứ hai sau khi làm xong thì sẽ càu nhàu, bực dọc, sẽ không thể duy trì được. Hiểu được một chút thì làm một chút, hiểu được một chút nữa thì làm thêm một chút nữa. Theo thời gian bản thân sẽ từng bước mà tùy thuận được tâm của cha mẹ chồng. Tóm lại mà nói, cha mẹ chồng là trưởng bối của chúng ta. Người có mức tu dưỡng thấp nhất cũng không được cãi lại trưởng bối, chống đối trưởng bối. Bất luận cha mẹ chồng có làm sai đến mức nào thì tuổi tác của họ vẫn lớn hơn chúng ta. Những việc mà mẹ chồng nàng dâu hằng ngày chung đụng đều là những việc rất nhỏ nhặt trong gia đình. Bạn đừng nên quá xét nét để bụng. Mẹ chồng có nguyên tắc xử sự của mẹ chồng, có phương pháp xử sự, có phương thức làm người riêng của bà. Bạn cần nhìn cho quen, nhìn cho thoáng, giữ tâm cho rộng lượng. Đó cũng là tích phước cho bản thân mình.
Có một lần khi tôi giảng bài ở nơi khác, một ngày sau buổi giảng chưa đến bảy giờ sáng có hai người đàn ông, trong đó có một người là giám đốc đến tìm tôi. Ông giám đốc đó kể lể với tôi hết gần cả buổi sáng về sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thực ra người làm chồng ở giữa thế kẹt rất khó xử, một bên là người vợ yêu nuôi nấng ra các con của chính mình, một bên là người mẹ già đã sinh ra và dưỡng dục mình mấy mươi năm qua. Mẹ của ông là người ở nông thôn. Ông ở thành phố lập nghiệp, gây dựng công ty. Hiện tại việc kinh doanh rất phát đạt, điều kiện kinh tế rất tốt nên đã đón mẹ từ quê lên cùng ở, mong mẹ tận hưởng cuộc sống thoải mái ở thành thị. Nhưng vợ của ông là người từ nhỏ đã lớn lên ở thành phố, điều kiện gia đình lại rất tốt, có thể nói là được nuông chiều từ nhỏ nên không thể nhìn vừa mắt một số thói quen sinh hoạt nông thôn của mẹ chồng. Sau cùng giữa mẹ chồng và nàng dâu xảy ra mâu thuẫn kịch liệt đến mức vợ chồng ông suýt chút nữa phải ly hôn. Ông rất đau khổ mà nói rằng: “Tôi không ngờ sự tình lại kịch liệt như thế. Trước khi mẹ tôi đến ở thì tình cảm vợ chồng chúng tôi rất tốt. Sau khi mẹ tôi đến rồi mới phát hiện ra rằng những gì tốt đẹp trước đây chỉ là lớp vỏ bề ngoài, hễ động đến vấn đề hiếu đạo thì phát sinh ra xung đột nghiêm trọng”. Ông ấy hỏi tôi phải làm sao? Ông nói đó đều là những vấn đề rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, ví dụ như mẹ của ông có thói quen ăn lương khô, ăn bánh khô, còn vợ của ông thì quen ăn cơm. Lúc làm cơm thì hai người xảy ra xung đột. Mẹ của ông có thói quen không giặt giẻ lau bếp ngay sau khi dùng xong mà cứ để ở đó, lần sau dùng mới xả. Còn vợ của ông thì lau xong phải xả giặt liền. Thế nên hai người lại cãi nhau. Đều là những việc như thế nên một người đàn ông như ông cảm thấy rất mệt mỏi. Nghe xong câu chuyện của ông tôi cũng dở khóc dở cười. Tôi nói: “Hay là anh nói vợ mình học Nữ Đức đi, bách thiện hiếu vi tiên, người làm con dâu nên học tập bài hát ‘Mẹ chồng cũng là mẹ’. Hãy xem mẹ chồng như mẹ ruột thì rất nhiều vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa. Dù sao mẹ chồng cũng đã hơn 70 tuổi rồi mà vợ anh bắt mẹ phải làm theo quy tắc của mình: “Trong nhà này nếu lau giẻ xong thì phải giặt liền”. Việc này tôi cảm thấy có gì đó hơi quá đáng. Đối với người lớn tuổi mà nói thì thói quen sinh hoạt của họ đã có 60-70 năm nay rồi. Chúng ta là hậu bối nếu có thể tùy thuận thì hãy nên tùy thuận, thực sự nếu như không thể tùy thuận thì bề ngoài cũng phải cố gắng tỏ vẻ tùy thuận, không được đánh mất tâm cung kính đối với trưởng bối, không được trở thành người không có giáo dưỡng. Bất luận là con trai hay con dâu cũng đều không được nghĩ đến việc chỉnh sửa thói quen của người lớn tuổi. Anh hãy nghĩ xem một cái cây đã sinh trưởng 60 năm rồi, nếu như nó có hơi nghiêng một chút mà anh muốn chỉnh nó lại cho thẳng thì sẽ là việc rất khó khăn. Dù sao đi chăng nữa thì vợ anh cũng là hàng hậu bối, cần phải “chánh kỷ” trước. Thêm vào đó giữa vợ chồng còn có tình nghĩa với nhau, nếu như cô ấy thật sự rất yêu anh thì cô ấy sẽ có thể vì anh mà hy sinh một số việc. Nếu như cô ấy còn có thể hiểu rõ một số đạo lý thì sẽ cam tâm tình nguyện mà làm”. Tôi còn có một câu mà vẫn chưa nói hết với ông ấy. Đó chính là câu nói “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Người làm chồng trước khi kết hôn cần phải đánh giá xem người vợ của mình có tâm hiếu kính, hiếu thuận với mẹ của mình hay không. Nếu như không có thì tốt hơn đừng lấy người phụ nữ như vậy về nhà. Nam giới nếu như vì tham luyến nhan sắc mà kết hôn thì sau cùng sẽ không có kết cục tốt đẹp. Câu bên dưới chính là nói về cái ý này.
VẬT HỮU DĨ ÂN TỰ LY GIẢ, DIỆC HỮU DĨ NGHĨA TỰ PHÁ GIẢ DÃ
(Tạm dịch: Trong đời sống có lúc xảy ra cớ sự là: Vì ân tình chưa đủ mà chia ly, cũng vì chưa trọn đạo nghĩa mà ly tán)
Chữ “vật” ở đây là từ ngữ khí. Câu này có nghĩa là có vợ chồng vì chưa đủ yêu thương nhau mà phân ly, còn có vợ chồng về mặt hiếu kính với cha mẹ có vấn đề đạo nghĩa nên chia ly. Hoặc mẹ chồng không thích cô con dâu này, hoặc con dâu không thể bao dung mẹ chồng, rốt cuộc hai người chia tay nhau, tuyệt không phải vì tình cảm vợ chồng có vấn đề. Trong phần Tiên Chú của Vương Tương có nói: “Trong quá trình vợ chồng chung sống, nếu như người vợ có cái nhìn quá thiển cận hạn hẹp, cho rằng chỉ cần hai vợ chồng sống với nhau tốt đẹp là được rồi”. Vậy thì trừ phi cô ấy không có cha mẹ, không có bạn bè người thân, nhưng trên thực tế thì con người phải đối mặt với rất nhiều quan hệ xã hội. Mối quan hệ gần gũi nhất chính là mối quan hệ nan giải nhất. Mối quan hệ mà mỗi ngày chúng ta cần phải xử lý đó chính là mối quan hệ với cha mẹ chồng, với anh chị em của chồng, với bạn bè người thân của anh ấy. Đối với cha mẹ chồng thì ngay từ khi bước chân vào gia đình chồng, người con dâu cần phải hóa giải được sự bất mãn và đối lập của mẹ chồng đối với mình. Bởi vì thiên tánh của mẹ chồng có hơi nghiêng về mặt tình cảm, cảm thấy dường như người phụ nữ mà con trai mình lấy về làm vợ sẽ cướp mất đi đứa con trai mà mình đã vất vả nuôi nấng bao nhiêu năm qua. Thế nên, giữa mẹ chồng và nàng dâu vốn sẵn có sự đối lập với nhau. Người làm con dâu vì thế càng phải hết sức cung kính, hiếu thuận mẹ chồng khiến mẹ chồng sinh thiện cảm. Nếu có cơ hội thì nàng dâu nên trò chuyện với mẹ chồng nhiều hơn, chủ yếu là nghe mẹ chồng nói nhiều hơn. Sự trao đổi này rất tốt, có thể nhanh chóng xóa bỏ sự ngăn cách giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Tôi còn nhớ lúc mới kết hôn, mẹ chồng tôi rất thích nói chuyện với tôi. Bản thân tôi cũng thường trò chuyện câu thông với mẹ chồng. Sự giao lưu này cần tâm nhẫn nại bởi vì có lúc cùng một sự việc mà mẹ chồng kể đi kể lại rất nhiều lần. Chúng ta cũng phải có tâm kiên nhẫn mà lắng nghe. Có một lần chồng của tôi kể với tôi một số chuyện năm xưa của mẹ anh ấy. Lúc đó tôi nói với anh ấy không cần kể vì “mẹ của anh đã kể cho em nghe việc này nhiều lần lắm rồi”, đều là những câu chuyện thời mẹ còn trẻ, có niềm vui, có nỗi buồn, có những kỷ niệm nào đó. Trong trường hợp như vậy, chúng ta cần phải nhẫn nại và bao dung. Phụ nữ thời nay rất có cá tính, không thể kiên nhẫn với người lớn tuổi, không những không giao lưu câu thông với họ mà còn không biết nấu cơm, làm việc nhà, không để người lớn tuổi chăm lo cho là tốt lắm rồi. Đây là việc tổn hao phước báo của chính mình. Người trẻ tuổi cần phải biết rằng người lớn tuổi là ruộng phước của chúng ta. Chúng ta cần tích phước từ những người lớn tuổi, làm việc nhiều mà không than trách là đang tích phước. Tôn trọng người lớn tuổi, thường có tâm cung kính chính là đang tích phước.
Trên thực tế, khi quay đầu nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi cảm thấy mình rất may mắn. Việc này phải cảm ân sự dạy dỗ của ông bà nội. Nếu như không có sự dạy dỗ nghiêm khắc của ông bà nội thì bản thân tôi sẽ không thể dựa vào văn hóa truyền thống mà thực hành được. Chồng của tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Khi sinh anh ra thì cha mẹ đã lớn tuổi nên mẹ anh rất thương yêu anh. Sau khi tôi kết hôn với anh thì cha mẹ anh cùng sống chung với chúng tôi. Mẹ chồng tôi là một phụ nữ lớn tuổi rất nghiêm khắc, rất truyền thống. Tôi rất biết ơn về điều này. Từ khi kết hôn đến nay đã 17 năm, nhờ vào những thử thách nghiêm khắc đó mà ngày nay tôi may mắn gặp được sự giáo dục của văn hóa truyền thống, khiến cho bản thân tôi càng hiểu rõ đạo lý. Hiện nay cha mẹ chồng tôi tuổi tác đã cao. Mẹ chồng tôi đã ngoài 70, ba chồng tôi đã 80 tuổi. Tôi phát hiện ra trước giờ trong tâm có một số việc chưa buông xuống được. Hiện nay, tôi cũng dần dần buông xuống được, bớt đi tính toán, so đo thì sẽ tăng thêm một phần cảm ân, cảm ân họ đã ban cho chúng tôi một vài nghịch cảnh để tôi có thể hiểu được thêm những đạo lý làm người. Bởi vì môn học về hiếu đạo này quả thật xuyên suốt cả một đời, đặc biệt là nàng dâu cần phải tận hiếu với cha mẹ chồng, cũng chính là tận hiếu với cha mẹ ruột. Nếu như bất hiếu với cha mẹ chồng thì người bị trách không phải là bạn mà họ sẽ cười cha mẹ bạn đã dạy ra một cô gái như bạn. Đây là một việc rất mất mặt. Thế nên, mỗi người con dâu cần có tâm hiếu đối với cha mẹ chồng.
Có người từng nói rằng: “Chồng là Trời của vợ”. Vậy thì ngoài Trời này ra còn có một Trời khác nữa chính là cha mẹ chồng của bạn. Bởi vì mẹ chồng đã từng nuôi nấng con trai của bà, tức bầu trời của bạn trong ba năm, thế nên khi bạn hầu hạ ba người này thì cần phải “mặt ta vui lời ta dịu”, làm được chữ “hiền” lẫn chữ “hiếu”, không được mảy may xúc phạm khiến cho cha mẹ chồng không vui, chồng cũng không vui, lâu ngày sẽ mang lấy tiếng xấu vào thân. Để bản thân không bị mang tiếng xấu, tránh xa tiếng xấu thì tuyệt không phải vì có sự nghiệp lớn ở bên ngoài, được làm quan lớn, có danh tiếng lớn, có bao nhiêu tiền tài thì mới có thể tránh được sự sỉ nhục, không phải như vậy. Bất luận ở bên ngoài bạn như thế nào đi chăng nữa thì khi về nhà đều phải buông xuống tất cả mọi thứ ở bên ngoài, không được đem học vấn cao, tiền tài, nhan sắc dung mạo và tiếng tăm của bạn ra diễu võ dương oai ở trong nhà. Những việc như thế không có tác dụng gì cả. Khi đóng cửa lại thì bạn vẫn chỉ là một nàng dâu bé nhỏ. Nàng dâu bé nhỏ đó sau này cũng trở thành một người mẹ chồng nên trước mặt chồng và cha mẹ chồng chúng ta nên ít nói, làm việc nhiều, cúi đầu mà làm việc. Tự mình phải biết rằng người làm con dâu nhất định không được xúc phạm cha mẹ chồng, trước tiên về mặt lời ăn tiếng nói không được cãi lại, về mặt công việc thì phải biết “khúc tòng” (uyển chuyển mà tùy thuận). Đây chính là phụ nữ có trí tuệ.
Trong thực tế cuộc sống, nàng dâu và cha mẹ chồng chung sống với nhau đôi khi lâm vào những tình huống vô cùng khó xử. Ví dụ như khi bạn phát hiện thấy mẹ chồng có chỗ không đúng, khuyên cũng khuyên không được.Vậy phải làm sao đây? Nhất định phải nhìn cho thoáng. Ví dụ như cha mẹ chồng có tình cảm không tốt với nhau, mẹ chồng hay than trách, hoặc làm một số việc quá đáng. Vậy thì người làm con dâu phải nhìn thoáng, không được đứng về phía bên nào. Nếu như đứng về phía cha chồng thì nhất định phải tranh lý lẽ cho cha, nói mẹ chồng sao có thể xử sự như thế. Tuy nhiên có lúc cha mẹ chồng có thể không cho rằng bạn như vậy là tốt. Kỳ thực, gia đình không phải là nơi để nói lý lẽ, tốt nhất nên giữ đạo trung dung, không can dự vào bên nào. Mỗi người đều có duyên phận và nhân duyên của mỗi người. Bạn nhất định phải thấu rõ điều này thì bản thân mới có thể điềm nhiên mà cư xử. Việc giữa cha mẹ chồng không phải là việc mà nàng dâu có thể giải quyết được. Có câu: “Thanh quan khó xét xử việc nhà”. Bất luận là về mặt tôn ti lớn nhỏ hay từ những góc độ khác nhau đi chăng nữa thì cũng không đến phiên người con dâu mở miệng. Nếu như họ đến hỏi bạn thì bạn cứ thẳng thắn nói ra suy nghĩ và đề nghị của mình. Nếu như họ không đến hỏi bạn thì ngàn vạn lần bạn đừng xen miệng vào.
Có một cô đã kể cho tôi nghe rằng, một năm nọ cha chồng của cô phải nhập viện. Mọi người trong nhà bàn bạc với nhau là buổi tối cần có một người nhà và một hộ lý ở bên cạnh chăm sóc. Lúc chồng của cô và hai người chị chồng đang bàn bạc. Chồng của cô đề nghị vợ mình đưa ra ý kiến làm thế nào để tìm người chăm sóc, làm thế nào để chăm sóc cha cho tiện. Thế nhưng, lúc đó hai người chị gái của chồng đã nói rằng: “Việc này không cần bàn với cô ấy”. Chồng của cô lúc đó khá tức giận nói rằng: “Cha trước giờ ở nhà của em, bao năm qua đều do vợ em chăm sóc. Vì sao các chị lại không muốn bàn với cô ấy chứ?”. Lúc đó cô bạn của tôi cũng khá thông minh, lập tức nói rằng: “Chị hai nói rất đúng. Các chị là con gái của cha hãy bàn bạc cho tốt việc này. Con dâu không cần xen vào. Thôi để em ra ngoài”. Cô ấy không những không hề tức giận mà trong lòng vô cùng cảm kích người chị hai đã khiến cô được an thân vô sự. Thật là quá tốt!
Vì vậy, các bạn thấy đó biết cách sống thì tâm cần phải rộng mở. Việc gì cũng không nên tính toán, so đo. Quả thực là việc việc đều là việc tốt, người người đều là người tốt. Sống như vậy thì mới tự tại, mới như ý. Cô ấy cũng thường xuyên giảng bài trong các buổi luận đàn văn hóa truyền thống. Nếu như người chị cả của chồng không nói như vậy thì mỗi ngày cô ấy phải làm hộ lý, cũng sẽ không có cơ hội ra ngoài học tập văn hóa Thánh Hiền. Cho nên, đôi khi họa thường tiềm ẩn ở trong phước, phước cũng thường tiềm ẩn ở trong họa. Lúc bạn hưởng phước là lúc đáng sợ nhất, có thể là họa hoạn sắp đến nơi rồi. Vì vậy, nếu như chúng ta nghe lời nói chói tai, gặp phải việc không tốt thì đừng suy nghĩ đến mặt xấu, nên nghĩ đến mặt tốt, vừa nghĩ thì họa đã chuyển thành phước rồi. Trong gia đình nhất định nên nghĩ như thế này: Bất cứ việc gì cứ để họ làm theo ý của họ, chúng ta không tham dự càng tốt. Nếu như họ bảo chúng ta làm thì cũng tốt, chúng ta có cơ hội tích phước báo, hãy vui vẻ mà làm. Nếu như họ không cho ta làm cũng rất tốt, ta không phải lo lắng việc gì, trong ngoài đều tốt cả. Tóm lại mà nói, không có cách nghĩ của riêng mình. Thể hội sâu sắc nhất của tôi là trong một gia đình có tính cách áp đặt thì tuyệt chiêu xử sự của người con dâu là không có suy nghĩ riêng, không có ý kiến riêng. Hãy buông xuống “cái tôi”! Khi không còn “cái tôi” thì tâm lượng sẽ rộng lớn. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” chính là không có “cái tôi”. Tôi và vạn vật trong vũ trụ là cảnh giới nhất thể. Nếu như chúng ta thích nói: “Tôi cảm thấy việc này nên làm như thế này, tôi cảm thấy chồng nên làm như thế này, tôi cảm thấy cha mẹ chồng nên như thế nào đó” thì nguy rồi. Gia đình sẽ mất đi sự hài hòa, khắp nơi đều đối lập. Cuộc sống sẽ đầy ắp phiền não. Hãy buông xuống ý kiến của riêng mình, không cần có chủ kiến là tốt nhất. Là con dâu trước mặt mẹ chồng có thể tùy thuận thì hãy nên tùy thuận. Trên phương diện cuộc sống, ăn uống, sinh hoạt hãy làm tốt những việc đơn giản nhất là được rồi. Nói thật lòng, trong gia đình không có việc gì lớn lao để cho bạn phải bận tâm, gia đình vốn dĩ là nơi không nói lý lẽ, không cần nói lý. Gia đình luôn có những điều tưởng chừng rất phi lý. Bạn nhìn thấy sự việc tưởng như không đối nghịch nhưng lại là nghịch, bạn thấy nó vô lý nhưng lại có lý. Vì vậy, nếu như giữa cha mẹ chồng có mâu thuẫn thì đừng nhúng tay vào vì bạn chưa chắc đủ đức hạnh nên nói ra thì ai nghe bạn đây? Bạn cũng không cần nói, cứ để họ từ từ giải quyết là được. Rất nhiều trường hợp người con dâu tự mình chuốc lụy, tự mình rước họa vào thân, gặp phải sự việc như thế nên tránh xa là tốt hơn. Những việc nên làm bạn đã làm xong rồi, việc bạn không thể làm, không có năng lực để làm thì nên rút lui để tránh xung đột là hơn.
Phần tiếp theo nói, người con dâu không những cần phải tận hiếu mà còn phải khuyên chồng tận hiếu. Khuyên chồng hành hiếu không phải là khuyên trước mặt cha mẹ chồng. Như vậy sẽ làm mất thể diện của anh ấy, đồng thời sẽ khiến cho mẹ chồng rất khó chịu. Lẽ nào đứa con ta dạy dỗ ra không hiếu thuận hay sao. Còn phải cần đến con dâu dạy bảo nó? Đừng làm như thế mà hãy từ từ nói chuyện riêng với chồng. Cũng đừng ngay lập tức đem việc ra xét mà sau khi sự việc xảy ra rồi thì tìm cơ hội thích hợp rồi từ từ mà nói. Trí nhớ của con người không xuống cấp nhanh như thế mà thường đều có ấn tượng sâu sắc. Ví dụ như anh ấy cãi nhau với mẹ thì anh ấy sẽ nhớ rất rõ điều này. Bạn không cần nhắc đến việc này đã xảy ra vào thời gian nào của tháng trước. Bạn không cần nhắc anh ấy việc này. Đợi một thời gian sau, ví dụ bạn mời chồng đi ăn cơm, lúc ăn cơm có thể nói một chút về đạo hiếu trong “Đệ Tử Quy” như chúng ta làm con cái nên học tập không được tranh chấp với cha mẹ. Bạn cũng có thể nhắn tin cho chồng, không cần nêu thẳng ra vấn đề mà hãy nói chuyện uyển chuyển một chút, nhắc sơ qua rồi dừng lại là được. Nếu như chồng bạn không hiểu ra vấn đề thì đừng nên nhắc tới nhắc lui, nói tới nói lui chính là chấp trước. Con người hễ chấp trước thì dễ sinh phiền não, có lẽ cơ duyên vẫn chưa đến, nên để anh ấy từ từ ngộ ra. Bởi vì khi duyên chưa chín muồi mà bạn đi khuyên họ thì thường sẽ phản tác dụng, càng nói càng sai. Đàn ông đều có tính bướng bỉnh, có lúc họ rất xem trọng thể diện. Nếu bạn nói thẳng thắn với họ mà họ không tiếp nhận, nói vòng vo với họ lần nữa mà họ nghe không hiểu tức là cơ duyên chưa đến, nói một hai lần là được rồi.
Quan trọng là chúng ta nên tạo điều kiện cho chồng thường xuyên gặp gỡ với cha mẹ của anh ấy nhiều hơn, đừng luôn giữ anh ấy ở bên mình. Người như vậy mới thực sự là vợ hiền. Hiện nay chúng ta nhìn thấy ngược lại. Vợ thường kéo chồng đi xem phim, đi mua sắm, đi du lịch. Nếu như thỉnh thoảng chồng nói muốn về nhà thăm cha mẹ thì mình không vui. Làm con dâu như vậy là không hiểu đạo lý. Phước báo dần dần sẽ bị tổn giảm. Nàng dâu cũng nên nhớ nhắc nhở chồng mình rằng Ngày Lễ Của Cha đã đến rồi, hãy mời cha đi dùng một bữa cơm, ngày Lễ Của Mẹ đến rồi hãy gọi điện thoại về cho mẹ. Cả một tuần rồi chồng mình vẫn chưa đi thăm cha mẹ, nên nhắc anh ấy về thăm. Nếu như chồng bận bịu sự nghiệp không có thời gian thì bạn nên đưa con cái đi thăm ông bà nội. Đương nhiên nếu như mỗi lần chỉ có một mình bạn đi, còn chồng bạn biệt tăm biệt tích thì mẹ chồng trong lòng sẽ không vui. Người làm mẹ luôn nghĩ đến con trai của mình nên bạn nên đi với chồng mình thì tốt hơn.
Hoàn cảnh của mỗi một gia đình không giống nhau. Vì vậy, bạn không nên hành xử cứng nhắc. Mặc dù đại đạo lý là như nhau nhưng cụ thể thì phải xem hoàn cảnh gia đình của mình ra sao, mẹ chồng của mình như thế nào, dựa vào hoàn cảnh gia đình mà xử lý, như vậy mới tốt. Nếu như chồng của mình có lời lẽ không phải với cha mẹ thì hãy thay chồng nhận tội. Lúc đó bạn hãy nói: “Đều do con đã làm không tốt” để cha mẹ chồng nguôi tức giận. Trong quá trình học tập, tôi mong rằng mọi người phải biết áp dụng một cách có hiểu biết, không nên áp dụng câu nói này cho mọi tình huống. Đương lúc mẹ chồng nổi cơn thịnh nộ mà bạn cứ luôn nói: “Con không tốt thế này thế nọ” thì bà sẽ không vui. Bạn hãy im lặng lắng nghe, trong cơn thịnh nộ thì đừng lên tiếng, khi bạn bưng nước đến cho bà thì hãy đợi bà dịu cơn nóng rồi hãy khuyên bà.
Trong xã hội hiện nay, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là mối quan hệ rất quan trọng. Hiện nay quan hệ mẹ chồng nàng dâu, quan hệ vợ chồng, việc giáo dục con cái đều xuất hiện rất nhiều vấn đề. Nếu như chúng ta không làm được đến cảnh giới thuần tịnh, thuần thiện của Tổ tiên thì chí ít cũng phải “dĩ hòa vi quý”, không nên bới móc chuyện thị phi. Con dâu chung sống với cha chồng thì khá tốt, nhưng sống chung với mẹ chồng thì hay xảy ra vấn đề. Ở trước mặt họ hàng thân thích bên nhà mẹ đẻ, hay họ hàng bên chồng, hoặc lúc tụ tập bạn bè, nàng dâu dễ trút ra những lời nói bất mãn về mẹ chồng. Làm như vậy là không có trí tuệ. Khi mở miệng nói nhất định phải tán thán đức hạnh của cha mẹ chồng, khen ngợi điểm tốt của mẹ chồng, nói những lời cảm ân mẹ chồng. Nếu như không nói những lời này mà thường nói những điều không tốt của mẹ chồng, nếu điều này được truyền qua người này người kia thì quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ càng ngày càng xấu. Vì vậy, nếu như không mở miệng khen ngợi được thì hãy ngậm miệng lại, giữ được cái miệng là việc làm then chốt nhất. Đồng thời phải biết rằng giữa người và người với nhau đều có cảm ứng, thiện có cảm ứng với thiện, ác với ác giao cảm với nhau. Nếu như bạn thường có tâm niệm và lời nói oán trách mẹ chồng thì mẹ chồng nhất định sẽ cảm nhận được nên khi mẹ chồng và con dâu gặp nhau sẽ cảm thấy không vừa mắt nhau. Việc này lại nhắc đến “phụ ngôn” trong tứ đức của phụ nữ chúng ta. Miệng là cửa của họa phước. Chúng ta thường xuyên nhắc nhở chính mình phải chú ý. Lúc ở sau lưng người khác hoặc khi ở một mình cần phải lắng nghe nội tâm của chính mình có sự bất mãn hay tính toán gì đối với mẹ chồng hay không. Nếu như có thì phải lập tức buông xuống, phải đổ sạch những thứ rác rưởi ở trong tâm. Thế nên, tâm hiếu thuận là ở chỗ có sự kiểm soát trong lời nói hay không.
Con dâu đối với cha chồng dù sao cũng là “nam nữ hữu biệt” nên không thể quá thân mật. Nếu có những cử chỉ thân mật với cha chồng nhằm thể hiện mình rất hiếu thuận thì tuyệt đối là điều không tốt. Nếu thân thể của cha chồng không được tốt nên để mẹ chồng lo liệu thì tốt hơn. Con dâu dù sao cũng nên giữ sự cách biệt một chút nhằm tránh làm ra những việc trái với luân lý đạo đức, hoặc cử chỉ, lời nói của mình có thể dẫn khởi những tư tưởng không tốt của cha chồng. Năm ngoái khi tôi đến đài truyền hình thu hình tiết mục ngắn làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, lúc đó người dẫn chương trình đã chuyển đến cho tôi một số lượng lớn các lá thư từ bạn xem đài, trong số đó có mấy lá thư nàng dâu viết về vấn đề phát sinh tình cảm với cha chồng. Điều này rất không tốt. Thế nên, trong xã hội hiện nay nàng dâu đặc biệt cần phải đoan trang, đoan chánh, lúc tận hiếu phải dựa vào chánh đạo, phải hiểu lễ tiết, phải có trí tuệ, không được mù quáng làm một số việc khiến người khác khởi suy nghĩ không tốt. Đó chính là lỗi của mình.
Một vị tiền bối rất có trí huệ đã dạy cho tôi thế này: “Trên thế gian có hai việc khó nhất, việc thứ nhất là lên trời, việc thứ hai là cầu người. Việc dễ nhất là cầu chính mình”. Thế nên vì sao Tổ tiên lại nói rằng: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ” (làm việc không xong, xét lại chính mình), bởi vì cầu bản thân là dễ nhất. Chỉ cần xét lại bản thân, cầu chính mình thì sẽ dễ dàng làm được, thông qua việc thay đổi bản thân mà thay đổi tất cả mọi thứ xung quanh.
CỮU CÔ VÂN PHI, THỬ SỞ VỊ DĨ NGHĨA TỰ PHÁ GIẢ DÃ
(Tạm dịch: Chồng bạn đối với bạn có lòng ân ái nhưng cha mẹ chồng chưa chắc đã thích bạn. Có khi vì chữ nghĩa mà phải ly tan)
Câu này có nghĩa là mặc dù chồng rất yêu thương bạn, nhưng cha mẹ chồng đối với bạn không có cảm tình. Vì vậy, quan hệ vợ chồng vì chữ “nghĩa” này mà xuất hiện vấn đề, thậm chí dẫn đến chia tay. Việc này nói lên điều gì? Chúng ta cần hiểu rõ mối quan hệ tay ba giữa bản thân, chồng và cha mẹ chồng, nên nếu chỉ có quan hệ yêu thương tốt đẹp với chồng thôi vẫn chưa đủ. Bên cạnh quan hệ giữa vợ chồng còn có một tầng rất quan trọng là làm thế nào xử lý tốt những việc liên quan đến luân lý đạo nghĩa với cha mẹ chồng. Khi chung sống với nhau phải tuân thủ lễ nghĩa và đạo nghĩa, trong “ngũ luân thập nghĩa” nói “mẹ hiền con hiếu”, “cha từ con hiếu” chính là “phụ tử hữu thân”. Đây chính là căn bản. Đồng thời còn xét đến những quan hệ như “quân thần hữu nghĩa, quân nhân thần trung, trưởng ấu hữu tự”, phải xét đến đạo nghĩa của những thứ bậc này.
Trong quan hệ Ngũ Luân tuy không có quy định về quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, quan hệ thầy trò, nhưng đây lại là hai mối quan hệ rất quan trọng trong giao tế giữa người với người nên đối đãi với nhau như thế nào. Từ xưa đến nay, hai mối quan hệ này đều được quy về quan hệ đầu tiên là “phụ tử hữu thân”, thầy trò như cha con, mẹ chồng và nàng dâu cũng như mẹ ruột và con gái. Vì sao trong đời sống hiện thực rất khó làm được điều này? Kỳ thực, nguyên nhân căn bản là đối với cha mẹ đẻ chúng ta chưa làm được hiếu kính, hiếu thuận chân thật, cái rễ của hiếu đạo vẫn chưa được cắm sâu, nên rất khó đề khởi được tâm cung kính đối với thầy và mẹ chồng. Ngoài ra, mối quan hệ này so với mối quan hệ ruột thịt giữa cha con, mẹ và con gái vẫn có chỗ không giống nhau. Tôi cảm thấy cần phải thêm vào đó quan hệ giữa “quân thần” và “trưởng ấu”. Khi chung sống với nhau thì nặng nhiều về phần lễ và nhạt hơn về phần tình. Đối với thầy chúng ta không thể cười nói ồn ào như đối với cha mẹ. Đôi khi chúng ta làm nũng với cha mẹ, nhưng đối với thầy thì không được như vậy, luôn phải cung kính giữ lễ. Đối với mẹ ruột chúng ta có thể nói những chuyện riêng tư chốn khuê phòng, nhưng đối với mẹ chồng thì không nói như vậy được. Vì vậy trong quá trình chung sống với nhau cần hiểu rõ điểm này.
Vì sao chồng rất yêu thương chúng ta mà cha mẹ chồng lại không thích chúng ta? Đây là vấn đề thuộc về duyên phận, giữa người và người có thiện duyên, có ác duyên. Nếu như bạn và mẹ chồng không phải là thiện duyên thì bản thân phải biết chuyển đổi ác duyên thành thiện duyên, thiện duyên thành pháp duyên. Cái pháp duyên này lấy trí tuệ làm chủ, khiến mẹ hiểu rõ đạo lý. Chuyển thành pháp duyên là tốt nhất, pháp là đạo lý, thông đạo lý rồi thì trên mặt sự sẽ không có quá nhiều vướng mắc. Vì vậy, trước tiên cần có niềm tin rằng bản thân có năng lực làm được, làm từng chút một trên mặt sự. Tôi tin rằng “tinh thành sở chí, kim thạch vi khai” (có lòng thành thì đá vàng cũng tan). Chỉ cần có thể kiên định trong cuộc sống thường ngày, bất kể việc lớn nhỏ chúng ta có thể kiên trì không gián đoạn quan tâm chân thành và cung kính cha mẹ chồng thì có một ngày họ sẽ bị cảm động. Một khi đã cảm động thì hết thảy đều sẽ chuyển biến.
Người làm vợ nên làm thế nào để báo đáp sự yêu thương của chồng? Hiếu thuận đối với cha mẹ của anh ấy chính là sự báo đáp tình yêu của anh ấy. Có thể lúc đầu bạn sẽ cảm thấy bị động, nhưng thời gian lâu dần bạn sẽ quen, sẽ làm như một thói quen mà không cảm thấy có nên hay không nên làm. Vì vậy, tôi tin rằng chỉ cần chúng ta cứ làm thì sẽ có một ngày thành tựu. Chúng ta đừng thiếu tâm nhẫn nại là được, khi đã hiếu thấu rồi thì tâm thái sẽ vui tươi, cởi mở. Dù sao đi nữa, chính mình là người nhận được lợi ích nhất. Đây không phải là việc thế gian vô ích. Bạn hiếu thuận cha mẹ chồng là trồng nhân thiện cho chính mình và con cái của mình, tương lai nhất định sẽ có thiện quả. Ngược lại, nếu như bạn luôn có lòng chán nản thiếu kiên nhẫn thì tư tưởng này đã chướng ngại bạn rồi.
Tôi hy vọng các nàng dâu đều biết điều chỉnh sự mâu thuẫn đối với mẹ chồng, sau cùng hãy lấy đạo nghĩa làm trọng. Bất cứ việc gì cũng đều đem chữ “nghĩa” đặt lên hàng đầu thì sẽ không bị một số cảnh tượng hư dối trước mặt dụ hoặc. Mẹ chồng đối với chúng ta tốt cũng được, không tốt cũng được, bới móc khuyết điểm của chúng ta hoặc khen ngợi chúng ta cũng được, không cần quá để tâm vào việc đó. Khen ngợi ta, ta cũng không vui mừng. Đối với lời khen, chúng ta nên có tâm nơm nớp lo sợ, cảm thấy hổ thẹn không xứng, cảm thấy bất an, phải xét xem bản thân có đức hạnh để nhận những lời khen ngợi đó hay không. Lần sau chúng ta liệu có thể làm tốt hơn như thế, có làm được một trăm phần trăm như lần này không? Chưa chắc, trên gấm thêu hoa là việc không dễ làm. Khi nghe những lời chê bai cũng không nên cảm thấy rằng mình việc gì cũng chẳng nên thân, thực giống như lời mẹ chồng đã nói, cũng không cần quá để ý việc này, vẫn tiếp tục làm những việc mà chúng ta nên làm, chỉ cần làm việc nên làm là tốt rồi.
Đối mặt với thuận cảnh, thiện duyên trong tâm không saih tham luyến và vui mừng, đối mặt với nghịch cảnh, ác duyên tâm cũng không sinh phiền não, phẫn nộ, tâm vĩnh viễn thanh tịnh như nước, tâm đặt ở trung đạo. Cái gọi là “trung đạo” chính là không động. “Trung” tức không động, hễ động thì không còn gọi là “trung” nữa. Làm thế nào có thể làm được bất động? Thể hội của tôi chính là mỗi ngày đều học tập Kinh điển, mỗi ngày thẩm thấu lời dạy trong Kinh điển. Đem tâm lượng của mình mở rộng ra, từ “tiểu ngã” tiến dần lên “đại ngã”, sau cùng từ “đại ngã” trở thành “vô ngã”. Khi không còn “cái tôi” thì bất luận người khác có nói thế nào cũng không quan trọng. Tùy duyên mà làm, nhưng tùy duyên mà bất biến, chân tâm của chính mình vĩnh viễn bất biến. Chân tâm đó là gì? Chính là buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống danh văn lợi dưỡng, buông xuống ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, nhất tâm nhất ý vì người khác, vì tất cả những người xung quanh, bất kể đó là người tốt hay người xấu chúng ta cũng đều nghĩ cho họ. Chỉ cần có tâm niệm này, tín nguyện này thì một đời này nhất định được hạnh phúc viên mãn, cuộc sống sẽ không quá sầu lo.
Hiện nay rất nhiều người trẻ tuổi bị chứng trầm cảm, mất ngủ. Kỳ thực chính là vì quá xem trọng “cái tôi”, cả ngày suy tư những chuyện xoay quanh “cái tôi” ấy, nghĩ không thông, sau cùng ngủ không được, tâm trạng ưu tư sầu muộn muốn tự sát. Ngược lại, nếu như bạn mỗi ngày lo nghĩ cho người khác, mỗi ngày nghĩ làm thế nào có thể làm nhiều việc hơn cho mọi người thì làm gì có việc mất ngủ cơ chứ? Lúc đó mệt nhừ nên sẽ ngủ rất ngon. Sao có thể sầu lo cho được! Bạn vì mọi người, mọi người sẽ vì bạn. Khi nghĩ đến nhiều người quan tâm yêu thương bạn như vậy thì sẽ không có gì để sầu lo cả. Kể từ khi tôi có nghĩa vụ giảng Nữ Đức cho mọi người thì những bạn bè quan tâm đến tôi ở xung quanh càng ngày càng nhiều. Tôi còn nhớ có một lần giảng bài cổ họng bị khản mất tiếng. Vừa mới dạy xong, tôi nhận được đủ loại thuốc đau cổ họng, từ kẹo ngậm cho đến thuốc xịt. Ngày hôm sau lên giảng bài, trên bàn còn có một hộp kẹo ngậm cổ họng khiến tôi rất cảm động. Thế nên, hiện nay bản thân tôi cuối cùng đã hiểu ra rằng lợi người mới thực sự là lợi mình. Một người nếu như muốn có được hạnh phúc thực sự thì phải buông xuống “cái tôi”, niệm niệm suy nghĩ cho người khác, như thế tâm lượng sẽ mở rộng, chí hướng cũng mở rộng.
Có một lần sau khi tôi giảng bài xong thì có một ông chủ công ty đến tìm tôi, ảo não kể về người vợ của ông. Vợ của ông đều đặt hết tâm tư vào chồng, mỗi phút mỗi giây đều theo dõi, nếu không nghi ngờ người này thì cũng nghi ngờ việc kia khiến cho chồng của bà khổ không nói nên lời. Tôi đã nói với ông ấy rằng: “Chắc là do bà ấy hưởng phước nhiều quá. Một người khi hưởng phước, không làm việc thì tâm tư dễ sinh khởi niệm xấu. Nếu như bà ấy có thể để tâm vào những việc công ích xã hội, đi giúp đỡ làm việc cho nhiều người thì có lẽ bà ấy sẽ không mỗi ngày chỉ nghĩ đến ông”. Thế nên, rất nhiều bà vợ của các đại gia có điều kiện kinh tế, có phước báo thì phải biết dùng, hãy nên làm nhiều hơn những việc ích lợi cho đại chúng, hãy nghĩ cho người khác. Đừng cho rằng chồng mình có tiền rồi luôn luôn lo sợ sẽ bị người phụ nữ khác đoạt mất, phải biết rằng những việc trên thế gian này không có gì là ngẫu nhiên. Nếu như bạn đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì sẽ hiểu rõ rằng hết thảy sự việc đều có tiền nhân hậu quả, có nghĩ đến cũng không ích gì, bản thân một lòng tích đức hành thiện thì có thể thay đổi được vận mạng. Hãy nghĩ nhiều đến những việc tốt, nghĩ đến việc thiện, suy nghĩ làm thế nào để làm việc thiện. Bản thân có tiền của, năng lực và sức lực thì hãy làm nhiều hơn những việc như thế. Càng làm nhiều thì tâm tình sẽ càng tốt hơn, tâm lượng của bạn sẽ càng ngày càng trở nên lớn hơn. Đến sau cùng sẽ hoàn toàn không còn chính mình nữa. Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới tốt. Đến lúc đó thì như thế nào vậy? Ngày ngày là ngày tốt, thời thời là thời tốt, người người là người tốt. Nhìn thấy ai cũng đều rất tốt, sự việc gì xảy đến cũng đều có thể nhất tâm nghĩ rằng đó là việc tốt, không có gì không phải là việc tốt.
NHIÊN TẮC CỮU CÔ CHI TÂM NẠI HÀ, CỐ MẠC THƯỢNG DỮ KHÚC TÒNG HĨ. CÔ VÂN PHỦ, NHĨ NHI THỊ, CỐ NGHI TÙNG LỆNH. CÔ VÂN THỊ, NHĨ NHI PHI, DO NGHI THUẬN MỆNH. VẬT ĐẮC VI LỆ THỊ PHI, TRANH PHÂN KHÚC TRỰC, THỬ TẮC SỞ VỊ KHÚC TÒNG HĨ
(Tạm dịch: Dẫu cho cha mẹ chồng đã có lòng như vậy thì bạn cũng không còn có cách nào khác, tốt nhất nên khuất mình mà thuận theo cha mẹ chồng. Mẹ chồng cho điều này là không tốt, bạn cảm thấy điều này tốt, bạn vẫn nên nghe theo mẹ chồng. Mẹ chồng cho là tốt, bạn cảm thấy không tốt, bạn càng phải thuận theo mẹ chồng mà đi làm, nhất định không được xung đột, tranh biện đúng sai. Đây chính là khúc tòng vậy)
Đoạn này giải thích một cách cụ thể và tường tận làm thế nào mới có thể được lòng của cha mẹ chồng. Phương pháp duy nhất chính là thuận theo một cách có trí tuệ. Nếu như lời mẹ chồng nói, việc mẹ chồng làm không có đạo lý, cho dù nàng dâu có đúng đi chăng nữa thì vẫn phải nghĩ cách có thể thuận theo. Nếu như lời mẹ chồng nói vốn dĩ có đạo lý, còn nàng dâu thì vô lý thì càng phải nghe theo mẹ chồng. Ngàn vạn lần không được ở đó tranh xem ai đúng ai sai, xem cái nào cong, cái nào thẳng. Làm được như vậy thì gọi là “khúc tòng”. Đoạn này hàm nghĩa rất sâu, cũng là ý tại ngôn ngoại. Tôi nghĩ Ban Chiêu không chỉ đơn thuần nói về tâm của mẹ chồng mà mẹ chồng ở đây đại biểu cho nghịch cảnh, một thử thách khó khăn. Chúng ta dụng tâm như thế nào để biểu đạt và thể hiện ra được tự tánh của phụ nữ chúng ta vậy? Trên thực tế, đó chính là làm được “ti nhược” gồm “khiêm hạ” và “nhu thuận” mà tôi đã giảng trước đó. Chữ “khiêm hạ” ở đây thể hiện cho đức hạnh gì? Chính là đức hạnh “hậu đức tải vật” (đức dày chứa chở vạn vật), nếu như có thể hạ thấp mình như mặt đất thì có thể làm được câu “hậu đức tải vật”. Đức hạnh của “nhược” là gì? Ở tánh đức của nước, nước là thứ yếu đuối nhất, bất luận bạn đánh nó thế nào, nó cũng không lên tiếng, cũng không phản kháng. Đức hạnh của nước là “thượng thiện nhược thủy”, là cái thiện tối thượng.
Ở đây chúng ta cần thể hội rằng nếu như chúng ta dựa vào lời dạy về việc chung sống với mẹ chồng của Ban Chiêu khiến cho tánh đức của phụ nữ chúng ta thể hiện ra bên ngoài thì sẽ dễ dàng nhìn được thấu suốt. Không chỉ đối với mẹ chồng thì nên như vậy mà có một câu nói rằng: “Hết thảy pháp thành tựu ở nhẫn”, đối mặt với nhiều nghịch cảnh nếu như không thể nhận chịu sự oan ức, sỉ nhục thì thực sự không có được thành tựu. Xét lại mà nói, nếu như cuộc sống không cho bạn bất kỳ sự uất ức, thiệt thòi nào để bạn chịu đựng thì bạn sẽ không có thành tựu gì, bởi vì bạn không trải qua sự khảo nghiệm của thử thách. Hồi học trung học chúng ta đã học qua một câu nói rằng: “Khi trời muốn giao phó một trọng trách cho người nào thì trước tiên sẽ làm cho người đó phải lao tâm khổ chí, nhọc cái gân cốt, đói cái thể xác”. Những thứ này là để cho người đó nhận chịu, sau khi đã chịu hết tất cả rồi thì người đó mới có thể gánh vác trọng trách, mới có thể dẫn dắt và lãnh đạo đại chúng. Thế nên, khi đối mặt với khảo nghiệm càng lớn thì càng nên cúi đầu âm thầm nhận lấy. Khi tất cả các nghịch cảnh đến, chúng ta đều thuận theo mà tiếp nhận, không oán trách điều gì, cũng không có gì để tranh cãi. “Dựa vào đâu mà bắt tôi phải chịu thiệt thòi? Luận về học lực, tôi cũng không tệ. Xét về gia đình, tướng mạo, tôi cũng không kém ai. Vì sao lại phải chịu sự thua thiệt này, phải chấp nhận số phận như thế chứ?”. Không cần hỏi như vậy! Ông Trời nhất định đối với mỗi người đều công bằng, dìm bạn xuống càng thấp thì tương lai bạn sẽ bật lên càng cao, nếu như không có áp lực nào thì bạn sẽ không có sức bật lên cao được. Giống như quả bóng vậy, bạn càng ra sức vỗ nó xuống thì nó sẽ nảy bật lên rất cao, nếu bạn không ném mạnh nó xuống thì nó cũng không tưng lên cao. Vì vậy, tôi nghĩ mỗi một phụ nữ đều nên an vui với hoàn cảnh hiện có của chúng ta. Nếu như ông Trời không cho chúng ta nỗi khổ sở thì hãy nên cảm ân tất cả những thiện duyên xung quanh mình. Nếu không có gì khiến bạn khổ sở thì hãy trân quý phước báo của chính mình, đồng thời hãy học tập tốt đạo Thánh Hiền, dạy dỗ cho tốt con cái của mình, bản thân hãy làm tốt hơn mẹ chồng mình đã làm. Ngược lại, nếu như bạn có một hoàn cảnh hoàn toàn ngang trái thì cũng phải cảm ân vì có thể bạn có một sứ mạng nào đó, hoặc sau khi bạn đã chịu đựng được rồi sẽ nhận được càng nhiều sự hồi báo hơn. Không nhất định hồi báo đến với bạn mà có thể đến với con của bạn, cháu của bạn. Giống như “Kinh Dịch” có câu: “Nhà tích điều thiện ắt thừa niềm vui”, điều thiện bạn tích không nhất định là chính mình nhận được hồi báo, mà có thể là con cháu của bạn sẽ nhận được.
Ở đây, tôi xin chia sẻ với mọi người một vài ví dụ. Chúng ta từng nghe qua bài hát “Mẹ chồng cũng là mẹ”. Mỗi lần nghe bài hát này, hoặc đọc lời bài hát này tôi đều rơi nước mắt. Vì sao vậy? Bởi vì có những nỗi niềm rất khó nói ra, cảm thấy chính mình có rất nhiều chỗ làm không tốt. Tôi đã sám hối với mẹ chồng, cha mẹ ruột và chồng của mình rồi. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng lớn tiếng với mẹ chồng. Vậy mà cách đây hai ngày, tôi đã nói một câu lớn tiếng với mẹ chồng. Tôi cảm thấy bản thân làm không được tốt, có thể là do tôi cảm thấy hiện giờ hình như mình có được một chút thành tích, hoặc đã làm được một số việc cho gia đình này nên có tư cách và điều kiện để nói. Kỳ thực, chính mình đã sai hoàn toàn vì bất kể mẹ chồng có như thế nào, mẹ chồng giữ đạo làm mẹ chồng, chúng ta phải giữ đạo làm dâu. Nếu như người làm dâu làm trái với đạo làm dâu thì phải dần dần học cách thay đổi tâm niệm đó. Lời bài hát “Mẹ chồng cũng là mẹ” không phải được viết bởi một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp mà bởi một nàng dâu rất hiếu thuận. Vì để kỷ niệm người mẹ chồng đã qua đời của cô, cô đã viết ra lời bài hát với tấm chân tình và cảm xúc thật sự của mình. Thế nên bài hát mới cảm động như vậy. Người phụ nữ đó ở Cát Lâm. Năm xưa khi cô chịu gả vào gia đình này là vì cô đã nhìn thấy đức hạnh của gia đình họ. Chồng của cô là một người có đức hạnh rất tốt, nhưng ở nông thôn, gia cảnh rất khó khăn. Cô vì nghĩa nên không do dự về làm dâu gia đình này. Mặc dù điều kiện cuộc sống ở nhà mẹ ruột rất tốt nhưng khi về nhà chồng, cô rất tiết kiệm, dè sẻn trong việc ăn mặc ở dùng, đem những đồng tiền dành dụm được mua quần áo, dầu gạo mang về nông thôn trợ giúp cho gia đình chồng. Cô nói, kể từ sau khi kết hôn, cô không tiêu hơn mười tệ để mua kem thoa mặt, không mua quần áo đắt hơn một trăm tệ. Từ lúc được gả vào nhà chồng, do mẹ chồng của cô bị liệt nằm ở trên giường, mỗi lần cô về quê đều rửa mặt, gội đầu, lau mình, xoa bóp cho mẹ chồng. Sau đó, cô còn chăm sóc cho người cha chồng rất nhiều bệnh tật mà không một lời oán than cho đến ngày cha mẹ chồng qua đời. Sau khi mẹ chồng qua đời, cô không nguôi nỗi nhớ về mẹ chồng nên đã viết ra lời bài hát như vậy. Sau đó, cô lại tìm kiếm khắp nơi người có thể phổ nhạc để làm ra bài hát. Cô nói nhất định phải tìm một người con dâu hiếu thuận với mẹ chồng như mình làm ra ca khúc thì mới có ý nghĩa. Quả nhiên, bài hát này sau khi làm ra đã phổ biến khắp mọi miền nam bắc. Mỗi lần nghe đến bài hát, tôi đều bị chấn động rất lớn. Vì vậy, người làm con dâu không được nói chỗ không phải của mẹ chồng. Thực tế, do bản thân không thể khống chế được nên đã bộc phát ra. Sau khi bộc phát ra thì phải lập tức sám hối, lần sau không được tái phạm, phải hiểu rằng sự phát tiết đó đã khiến phước báo của chính mình bị tổn giảm. Để có thể giúp cho chính mình lần sau không tái phạm thì phương pháp duy nhất chính là không ngừng học tập lời dạy của Thánh Hiền. Mỗi ngày học, mỗi ngày phản tỉnh, thời gian lâu rồi bản thân sẽ trở thành một con người mới. Bởi vì con người chỉ cần mỗi ngày học tập thì sẽ thức tỉnh chính mình, nếu như không học, buông lơi, dải đãi thì vấn đề dễ dàng xuất hiện.
Chúng ta tiếp theo sẽ học tập một vài câu chuyện hay về đức hạnh “hiếu thân tôn trưởng” của thời xưa. Câu chuyện đầu tiên tên là “nàng dâu hiếu” kể về một nàng dâu hiếu thuận chăm sóc cho mẹ chồng bị bệnh mà thoát được nạn hỏa tai. Câu chuyện xảy ra vào năm Canh Tý, niên hiệu Càn Long thời nhà Thanh, ở Bắc Kinh, hẻm nhà họ Chu xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, số nhà cửa bị thiêu rụi lên đến hàng trăm, số người thương vong lên đến hàng ngàn, tiếng kêu la náo loạn, tình cảnh vô cùng thê thảm. Những tài sản bị mất mát không thể nào tính kể. Thế nhưng, trong trận hỏa hoạn lớn đó đã xảy ra một sự việc chẳng thể nghĩ bàn. Trong cảnh hoang tàn đổ nát của trận hỏa hoạn có một ngôi nhà nát vẫn điềm nhiên đứng vững, không hề bị ngọn lửa thiêu hủy một chút nào. Người may mắn ở trong căn nhà đổ nát đó là ai vậy? Vì sao có thể một mình thoát khỏi cơn hỏa hoạn này? Nghe nói ở trong ngôi nhà nát đó là một bà mẹ chồng hơn sáu mươi tuổi và một quả phụ còn trẻ, mới ngoài hai mươi. Mẹ chồng nàng dâu hai người nương tựa vào nhau mà sống. Con trai của bà lão đó qua đời từ những năm trước. Rất nhiều người trong thôn đã đến làm mai cho người quả phụ, khuyên nàng hãy tái giá. Thế nhưng nàng dâu trẻ đó vì người mẹ chồng bệnh nằm trên giường từ lâu, cần phải có nàng ngày đêm chăm sóc, phụng sự thuốc thang nên nàng đã tình nguyện hy sinh tuổi thanh xuân của mình mà kiên quyết cự tuyệt những lời mai mối của mọi người, quyết tâm không tái giá. Một năm rồi lại một năm trôi qua, nàng tận tình chăm sóc cho mẹ chồng, miệng không nửa lời than thở, mặt không hề có chút oán trách. Trong trận hỏa hoạn đó, khi ngọn lửa xăm xăm xông tới thiêu đốt những ngôi nhà trong khu xóm, thế gió đột nhiên đổi hướng, ngọn lửa không thể lan đến nhà của nàng được. Lúc đó, mọi người đều cho rằng tâm hiếu hạnh chăm sóc mẹ chồng bệnh tật của nàng dâu này đã khiến ông trời cảm động, bảo hộ cho mẹ con nhà họ thoát khỏi nạn lửa. Vì vậy, người làm việc thiện thì thực sự là “phúc lộc theo sau, trời tất che chở”, hết thảy phước báo đều từ cội rễ thiện hạnh mà sanh ra, cho nên con người phải biết là “bách thiện hiếu vi tiên”.
Còn có một câu chuyện nữa tên là “Nàng dâu hiếu nhà họ Tiền cứu cả nhà miễn nạn ôn dịch”. Nàng được gả vào nhà họ Tiền, nên được gọi là Tiền Thị. Câu chuyện xảy ra vào tháng ba năm Giáp Ngọ thời Thuận Trị nhà Thanh, tại tỉnh Giang Tô. Một lần nọ, Tiền Thị về nhà mẹ ruột thăm cha mẹ, đột nhiên ở quê chồng nàng xảy ra một trận dịch bệnh cấp tính, khả năng truyền nhiễm rất rộng, rất nhiều người chết vì bệnh. Có gia đình toàn bộ người đều chết vì dịch bệnh. Tại một con hẻm nọ hầu hết mọi người đều chết chỉ còn lại vài người sống sót. Cơn dịch bệnh hung hãn khiến lòng người kinh sợ lo lắng, nếu như mắc phải bệnh dịch cấp tính này thì ngay cả người thân cũng không dám đến thăm hỏi, mọi người đều sợ bị lây bệnh. Tiền Thị ở nhà mẹ ruột nghe tin tám người trong nhà cha mẹ chồng của mình mắc phải ôn dịch, nàng lập tức quay trở về nhà chồng thăm nom. Cha mẹ của nàng thương con gái, sợ nàng quay về sẽ bị lây bệnh nên đã khuyên nàng đừng trở về nhà chồng. Thế nhưng, Tiền Thị là người hiểu đại nghĩa nên đã nói rằng: “Chồng con lấy con về làm vợ vốn là mong con có thể hầu hạ cha mẹ chồng. Hiện nay cha mẹ chồng bị bệnh mà con nhẫn tâm không quay trở về vậy thì có khác gì cầm thú đâu?”. Sau cùng, nàng bất chấp sự phản đối của cha mẹ, không sợ bệnh tật hoành hành mà trở về nhà chồng. Sau khi nàng trở về nhà chồng thì cha mẹ chồng cùng với tất cả tám người trong gia đình bỗng nhiên khỏi bệnh. Lúc đó, mọi người cho rằng gia đình của chồng nàng có thể thoát nạn ôn dịch là do tâm chí hiếu của Tiền Thị sinh ra cảm ứng. Thế nên, từ sự hiếu thuận của nàng dâu thể hiện ra gia đạo của một gia tộc. Gia đạo có thể được truyền thừa hay không thì phải xem người con dâu trong gia đình đó. Nếu như người con dâu không có đức, không thể giữ đức hạnh thì gia đình đó có khả năng sẽ bị diệt vong. Nếu như người con dâu có đức thì gia đình này sẽ bình yên vô sự. Ở đây có một đoạn lời bình rất hay rằng: “Từ thời Dân Quốc đến nay, luân lý đạo đức ngày càng trượt dốc. Ngày nay những đứa con có thể hiếu thuận với cha mẹ quả thật như lông phụng sừng thỏ. Mong được người con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng thì càng không thể có được. Vốn dĩ khó tìm được người hiếu thuận với cha mẹ của chính mình, kỳ vọng nàng dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng thì càng hiếm có. Như nàng Tiền Thị đây có thể không sợ dịch bệnh truyền nhiễm, vẫn hiếu huệ đối cha mẹ chồng đang bị bệnh nguy thật là tấm gương cho hàng nữ nhân thời nay. Nguyên nhân gây ra bệnh là do vi khuẩn, nhưng khoa học gia cũng cho rằng sức đề kháng của con người có thể đề kháng được vi khuẩn mà không bị lây bệnh. Thế nên cả gia đình chồng của nàng miễn dịch được bệnh tật là do chánh khí từ tấm lòng chí hiếu của Tiền Thị giúp tăng cường hệ miễn dịch cho mọi người trong gia đình, nhờ đó mà thoát được tử vong. Việc này phù hợp với khoa học, không thể xem đây là mê tín được”. Vì vậy, chúng ta nhất định phải biết rằng thế nào là đạo đức chân thật. Đạo đức chân thật không phải là sự việc to tát, không phải là đạo lý to tát. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người có tiếng là đạo đức, nhưng khi đụng chuyện rồi thì không hề tốt. Vậy chúng ta nghĩ xem đó phải chăng là đạo đức giả. Đạo đức thật sự được thể hiện ra ở những sự việc rất nhỏ trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là trong hoàn cảnh nguy nan, dựa trên sự lấy bỏ của bạn, sự lựa chọn của bạn mà có thể nhìn thấy công phu chân thật của bạn, công phu đó được trưởng dưỡng trong những lúc bình thường. Nếu trong lúc bình thường không có công phu thì trong những tình huống như thế này sẽ tương đối khó khăn.
Tiếp theo, tôi xin kể tiếp một câu chuyện về một nàng dâu không hiếu thuận. Ở huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc có một gia đình thương nhân, cả nhà gồm bốn người. Ngoài hai vợ chồng ra còn có một bà lão 60 tuổi tóc bạc trắng phơ, già cả lụm cụm (lụ khụ), và một đứa trẻ sáu tuổi vẫn chưa đi học. Người thương nhân đó mỗi ngày đến chợ mua bán, sớm đi tối về, cả ngày chỉ có mẹ chồng, nàng dâu và đứa cháu nhỏ ở nhà. Nhìn bề ngoài có vẻ như nàng dâu không hề ngược đãi mẹ chồng. Bà lão ăn no, mặc ấm, không hề thiếu thốn vật chất. Thế nhưng trong đời sống con người, tinh thần và vật chất đều quan trọng như nhau. Người mẹ chồng về mặt vật chất tuy không lo đói khát, nhưng về mặt tinh thần phải gánh chịu một nỗi khổ khó kham. Hóa ra người vợ của thương nhân đó mỗi ngày ngoài làm việc nhà ra chỉ biết chơi với đứa con trai của mình, trước giờ chưa từng đoái hoài đến sự cô đơn của mẹ chồng. Luôn nhìn mẹ chồng với một vẻ mặt lạnh lùng sắt đá, rất ít khi nói với bà một câu tốt lành, giống như mẹ chồng thiếu nợ cô ta vậy. Ngay cả việc mời mẹ chồng ăn cơm, cô ta cũng không có một chút thái độ thành kính nào cả, lời ăn tiếng nói không chút ôn hòa, mềm mỏng, thường quát mắng lớn tiếng: “Đến giờ cơm rồi đó! Sao bà vẫn chưa biết vậy?”. Lúc ban đầu bà lão nhẫn chịu nuốt giận vào lòng, có lúc chịu không nổi bà chỉ đành quay lưng đi âm thầm khóc, không bao giờ trách mắng con dâu trước mặt. Thế nhưng nỗi thống khổ ẩn chứa trong lòng nếu như không được hóa giải sẽ vô cùng khó chịu. Bà lão vì để giải tỏa sự ngược đãi về mặt tinh thần, mỗi ngày đều ngồi ở phòng khách than thở, giậm chân đấm ngực mà than rằng: “Số tôi thật là khổ, sống ở thế gian này chịu tội chi bằng sớm chết quách đi cho xong. Đứa con dâu lòng lang, dạ sói đã đoạt lấy đứa con trai của tôi. Bà già này trở thành cái gai trong mắt nó. Tôi chết đi mới thanh thản được mà thôi. Đứa con dâu lòng dạ lang sói đó sẽ có một ngày chịu khổ mà”. Người con dâu trong lòng có linh tính, biết rõ bà lão lẩm bẩm mắng cô ta, nhưng bởi vì bà lão không hề mắng cô ta trước mặt nên không thể công khai cãi nhau với mẹ chồng. Thế nhưng mỗi tối khi chồng của cô về nhà, cô đều kể xấu mẹ chồng cho chồng nghe, thậm chí trước mặt chồng cô còn khóc lóc kể lể. Người thương nhân trong hoàn cảnh đó, một bên là người mẹ hiền ân tình như biển, một bên là cô vợ nhan sắc diễm lệ như hoa, anh không dám đắc tội với người nào, nên nghe lời than khóc của vợ anh vẫn im lặng không lên tiếng. Thế nhưng, người vợ của anh hết lần này đến lần khác, tiếp tục không ngừng kể xấu mẹ chồng trước mặt chồng, khiến cho người chồng không thể nào im lặng được nữa. Một buổi tối nọ, người thương nhân đột nhiên cầm một con dao sắc giả vờ nói với vợ rằng: “Nàng nói mẹ của ta quá hung ác, vậy để ta giết chết bà ấy cho rồi”. Người vợ nghĩ thầm: “Hay quá! Như vậy có thể loại bỏ được cái ung nhọt trong nhà rồi”. Tiếp theo người thương nhân nói: “Nhưng trước hết nàng hãy nhẫn nhịn trong vòng một tháng, mỗi ngày nàng hãy vui vẻ hầu hạ mẹ, như vậy để cho hàng xóm láng giềng đều biết nàng là một nàng dâu hiếu thảo hiền huệ, đến lúc đó ta giết mẹ cũng không muộn mà”. Người vợ làm theo lời dặn dò của chồng, từ đó trở đi thái độ đối với mẹ chồng đã hoàn toàn thay đổi. Mỗi ngày sớm tối đều đến phòng vấn an mẹ chồng một cách hòa nhã, vui vẻ, lúc rảnh rỗi thì trò chuyện với mẹ chồng, lời nói hết sức nhu hòa, thái độ mười phần thân thiết. Việc làm này đã hóa giải được nỗi cô đơn của mẹ chồng, sưởi ấm tâm hồn của bà, khiến cho bà cảm thấy hài lòng mãn nguyện. Cũng vì vậy mà trong một tháng bà không hề nổi giận một cách vô duyên vô cớ, cũng không chỉ tay, giậm chân mắng người, đối với nàng dâu vô cùng tốt đẹp và yêu thương. Một tháng trôi qua, người thương nhân hỏi vợ mình: “Gần đây mẹ đối với nàng thế nào?”. Người vợ trả lời: “Mẹ đối với em gần đây tốt hơn lúc trước rất nhiều”. Người thương nhân lại nói: “Vậy nàng hãy vui vẻ hầu hạ mẹ thêm một tháng nữa xem sao”. Một tháng nữa lại trôi qua, người thương nhân cầm một con dao sắc đến hỏi vợ lần nữa: “Mẹ đối xử với nàng như thế nào rồi?”. Người vợ của thương nhân nói: “Ồ! Mẹ dạo này đối với em rất tốt. Đó là vì em nghe theo lời dặn dò của chàng hầu hạ mẹ một cách hòa nhã, vui vẻ nên mẹ mới đối xử tốt với em. Thế nhưng em làm điều này một cách miễn cưỡng, e rằng không duy trì được lâu”. Người thương nhân nghe xong tức giận thét lớn: “Đời người lấy chữ “hiếu” làm gốc. Ân đức của cha mẹ xả thân cũng khó đáp đền. Nàng đã gả cho ta, cùng ta chung sống, lẽ ra phải xem mẹ của ta như mẹ ruột của mình mà tận hiếu đạo. Thế nhưng sau khi nàng gả vào gia đình này, đối với mẹ ta ngỗ nghịch, bất hiếu, không những không đem đến sự ấm áp về mặt tinh thần cho mẹ mà còn đối xử rất lạnh nhạt với bà. Nàng lại không hề biết phản tỉnh mà mỗi đêm đều kể xấu mẹ với ta. Sau đó, ta giả vờ muốn giết mẹ, nàng lại còn tán thành. Ta mới dạy nàng thử hầu hạ mẹ một cách ôn hòa, vui vẻ, nàng miễn cưỡng làm trong hai tháng qua chứng minh rằng mẹ của ta rất từ ái. Trước đây, mẹ thỉnh thoảng tức giận hoàn toàn do sự lạnh nhạt của nàng, do sự kích động về mặt tinh thần của nàng gây nên. Nàng là một người con dâu ngang ngược bất hiếu như vậy, ta cần nàng để làm chi nữa!”. Nói đoạn vung dao muốn chém vợ. Vợ của anh bị lưỡi dao cảnh cáo của chồng làm cho khiếp sợ xanh mặt, toàn thân run lẩy bẩy, quỳ xuống đất xin tha tội. Người thương nhân nhìn thấy vợ đã biết hối cải, quăng con dao xuống, lấy từ trong tay áo ra một quyển “Kinh Phật nói ơn nặng của cha mẹ khó báo đáp” do một vị Hòa Thượng đã tặng bảo vợ sớm tối kiền thành đọc tụng, y giáo phụng hành. Từ đó trở đi, người vợ đã trở thành một nàng dâu hiếu thuận.
Câu chuyện này mỗi lần giảng bài tôi đều thích kể, là một câu chuyện rất chân thật. Một mặt, câu chuyện cho thấy người chồng này vô cùng trí tuệ, biết làm thế nào dẫn dắt, dạy bảo vợ mình, không xử sự cứng nhắc, nếu không thì sẽ thêm dầu vào lửa. Mặt khác, câu chuyện còn cho thấy người vợ này đóng giả mà có thể phát sinh ra tình cảm thật. Tuy nhiên, chúng ta biết không thể cứ giả vờ mãi như vậy được nên người vợ cũng nói thật lòng rằng nếu cứ đóng giả như vậy thì cô ta không thể làm được dài lâu, cần phải hiểu rõ đạo lý. Thế nên, sau cùng người chồng đã đưa cho cô một cuốn sách để cô đọc tụng nhằm hiểu rõ đạo lý. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng mỗi một nàng dâu cần phải thông qua học tập để nâng cao bản thân, khi đã thấu tỏ đạo lý rồi thì trên mặt sự mới có thể làm được bền lâu, mới có tâm nhẫn nại, có chí hướng xa rộng, như vậy làm sẽ tương đối dễ dàng hơn.
Còn có một câu chuyện khác xảy ra vào năm thứ 23 thời Gia Khánh, triều Thanh, tại tỉnh Giang Tô, huyện Vô Tích, thôn Tào Khê có một nàng dâu họ Tào là một phụ nữ chua ngoa, đanh đá. Bình thường nàng ta rất lười làm việc nhà. Tất cả những việc như nấu cơm, giặt đồ cho đến quét dọn đều do một tay người mẹ chồng già yếu, lọm khọm làm. Mẹ chồng nàng tuổi tác cao, thể lực suy yếu đương nhiên công việc nhà không thể làm tươm tất, hoặc phòng ốc quét dọn không sạch sẽ, hoặc nấu nướng nêm nếm nhạt nhẽo. Thế nên bà thường bị nàng dâu hỗn hào, la mắng. Con trai của bà lại là một kẻ bạc nhược, bất tài, ngồi nhìn vợ ngỗ nghịch với mẹ ruột mà không dám khuyên can thì nói gì đến việc bảo ban, dạy dỗ. Hàng xóm láng giềng có khi nhìn không vừa mắt nên thỉnh thoảng qua khuyên giải, nhưng không thể nào giảm được tính xấu của nàng dâu. Còn người mẹ chồng, vì quá yêu thương cháu trai của mình mà cam chịu bị con dâu lăng nhục, ngậm bồ hòn làm ngọt, lâu dần cô con dâu càng được nước làm tới, hỗn xược chẳng kiêng dè. Có một ngày người mẹ chồng chơi đùa cùng đứa cháu, không ngờ đứa cháu trượt chân ngã, va đầu xuống đất. Người con dâu cho rằng mẹ chồng quá bất cẩn làm đứa con của mình bị thương nên đã lớn tiếng mắng mẹ chồng thậm tệ. Đương lúc nàng ta hung hăng mắng chửi khiến mẹ chồng lòng đau vô hạn thì bỗng nhiên mây đen bốn bề kéo đến, mưa như trút nước, không mấy chốc trong và ngoài nhà đều đầy cả nước. Nàng dâu ngỗ nghịch hai chân dẫm trên lớp đất bùn, bởi vì cơn mưa lớn làm đất biến thành bùn, người con dâu bị lún trong lớp bùn đó, càng lún càng sâu. Nàng ta kinh hãi, hốt hoảng la lớn: “Mẹ ơi cứu con! Mẹ ơi cứu con!”. Người mẹ chồng nhìn thấy nàng dâu trong tình cảnh nguy nan đó đã quên hết nỗi oán hận thường ngày, muốn cứu lấy cô ấy, nhưng vì mưa to gió lớn bà đành bó tay hết cách. Hơn một nửa người của nàng dâu bị lún sâu dưới lớp đất bùn, nàng ta đau khổ kêu khóc, nhưng khóc cũng không ích gì và chưa đến một giờ sau cả người nàng ta chìm sâu dưới đất. Sau cơn mưa to gió lớn, những người hàng xóm đào nàng ta ở dưới đất lên. Nàng ta đã chết vì ngạt thở. Cái chết thảm này có khác gì cảnh tượng bị chôn sống. Mọi người gần xa nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ đó đều nói đây là sự cảm ứng của việc ngỗ nghịch mà bị vùi thân.
Những câu chuyện như thế này rất nhiều, mặc dù mọi người lúc bình thường không nghe, cũng không nghĩ đến nhưng đừng cho rằng những việc mình làm ra không có quả báo. Những gì chúng ta đã làm, gieo nhân gì nhất định sẽ gặt quả đó, không có chuyện gieo nhân không gặt quả. Một khi bạn đã gieo nhân xuống thì sẽ cho ra quả. Vấn đề là thời cơ đã chín muồi hay chưa mà thôi. Giống như trong nhân gian có câu nói rằng: “Thiện ác sau cùng đều có báo ứng, không phải chẳng báo mà thời gian chưa đến đó thôi”.
Còn có một câu chuyện khác kể về mãng xà ăn thịt nàng dâu hỗn. Câu chuyện xảy ra cách đây rất lâu. Ở vùng Cao Xuyên, có một người ăn xin. Người này vốn có một căn nhà tồi tàn ở quê nhưng từ khi vùng Cao Xuyên gặp nạn thủy tai thì túp lều tranh để che mưa, chắn gió của anh ta đã bị nước lớn cuốn đi rồi. Từ đó về sau, anh trở thành người ăn xin vô gia cư. Anh còn một người mẹ già hơn bảy mươi tuổi và một người vợ chưa đến ba mươi tuổi cùng nhau chung sống tại một ngôi miếu đổ nát qua ngày. Đó là ngôi miếu thờ thần thổ địa, rất nhỏ hẹp. Do thiên tai liên miên năm này sang năm khác, người dân trong vùng khó kiếm đủ cái ăn cái mặc nên không có tiền quyên góp sửa sang lại ngôi miếu. Người trong vùng vì không cách gì sinh sống đành phải bỏ xứ mà đi. Trước khi gia đình người ăn xin dọn đến ngôi miếu thì nơi này từ lâu không có một bóng người. Trong miếu mạng nhện giăng đầy khắp nơi, trên nóc miếu lỗ chỗ những ô mưa dột. Nhưng đối với gia đình người ăn xin này mà nói, sau thiên tai có thể tìm được một chốn dung thân như thế này không phải là chuyện dễ. Người ăn xin tuy nghèo khổ ba bữa không đủ ăn nhưng đối với mẹ vô cùng hiếu thuận. Ngoài nghề hành khất, anh còn đi nhặt hạt lúa mì rơi. Đến vụ thu hoạch, trong lúc những người nông dân gánh từng bó lúa mì được gặt từ ruộng trở về nhà thì có rất nhiều hạt lúa rơi vãi ở trên đường. Người ăn xin đó ngày ngày nhặt những hạt lúa mì rơi trên đường. Lần nào anh cũng thu hoạch được kha khá. Đến một ngày nọ anh ta từ bỏ nghề hành khất. Mỗi ngày chỉ ở trên đường nhặt lúa mì, vất vả cả một ngày nhặt được một đấu lớn mang về nhà. Mẹ và vợ nhìn thấy anh đem về nhà một đấu lớn thì như nắng hạn gặp mưa, vui mừng khôn tả, mong được ăn một bữa no nê. Anh bảo vợ nghiền hạt lúa mì thành bột, dặn dò dùng bột mì ngon làm thành bánh để mẹ ăn. Anh hành khất hiếu thảo với mẹ như thế, nào ngờ vợ của anh là kẻ lòng lang dạ sói, nghe chồng dặn dò thì vâng vâng dạ dạ nhưng sau lưng thì âm thầm làm trái, đem phần bột mì ngon giấu riêng làm bánh cho mình ăn, lấy bột mì xấu hòa với nước dơ làm thành bánh cho mẹ chồng ăn. Người mẹ ăn bánh cảm thấy mùi vị rất khó nuốt nên đã nhổ ra, bụng cũng bắt đầu lâm râm đau. Đêm hôm đó, gió mưa vần vũ, trong ngôi miếu hoang tối đen như mực, đột nhiên nghe tiếng thét của người vợ chàng ăn xin. Anh thắp đèn tự mình đến xem, phát hiện thấy một con rắn lớn chui vào ngực của vợ mình, khoét một lỗ to ở tim, máu tươi tuôn chảy, chỉ trong phút chốc nàng dâu xấu xa đó đã hồn lìa khỏi xác. Những người dân ở gần ngôi miếu biết câu chuyện kỳ lạ này, một đồn mười, mười đồn trăm, đổ xô đến xem cái đuôi dài hơn hai thước của con rắn lớn còn đang nghoe ngẩy trong ngực của vợ chàng ăn xin.
Những câu chuyện như thế này trong cuộc sống rất nhiều. Chúng ta hằng ngày đọc nhiều rồi sẽ khởi lên tâm kính sợ. Không hẳn là kẻ ác sẽ bị rắn cắn hay bị chôn sống như hai câu chuyện kể trên mà hiện nay quả báo lại là tai nạn giao thông đột ngột, hoặc là một ngày nọ kiểm tra sức khỏe phát hiện ra rằng mình mắc chứng bệnh nào đó, chẳng phải do vấn đề dinh dưỡng hoặc do bản thân xui xẻo mà do những hành vi việc làm mỗi ngày của chính mình gây nên. Sự tích cóp từng chút một không phải là điều vô ích, chút việc thiện nhỏ tích lâu ngày trở thành thiện lớn, ác nhỏ tích dần thành đại ác, sau cùng sẽ giáng lên đầu của chính ta.
Chúng ta hãy xem câu kết của chương này.
CỐ NỮ HIẾN VIẾT: PHỤ NHƯ ẢNH HƯỞNG, YÊN BẤT KHẢ THƯỞNG
(Tạm dịch: Cho nên sách “Nữ Hiến” có câu: “Con dâu vâng theo mệnh lệnh của cha mẹ chồng như bóng đi sát theo hình, như tiếng vọng gắn liền với âm thanh thì đâu có lý nào không có được sự yêu thương của cha mẹ chồng cơ chứ?”)
Hai chữ “ảnh” và “hưởng” ở đây nói về sự hiếu thuận của nàng dâu đối với mẹ chồng, giống như cái bóng luôn luôn đi theo thân hình, giống như tiếng vang khi gõ vào ly, nhất định luôn đi đôi với nhau. Nếu như nàng dâu có thể làm được như vậy thì sẽ nhận được sự khen ngợi của mẹ chồng.
Cụ thể trong việc phụng sự cha mẹ chồng, chúng ta hãy cùng nhau học qua sách “Nữ Luận Ngữ” một chút. “Nữ Luận Ngữ” giảng về mặt sự, nghĩa lý không sâu xa như “Nữ Giới”. Đa số lời văn trong “Nữ Giới” đều là ý tại ngôn ngoại. Nếu không hiểu thấu suốt mà làm thì sẽ rất phí sức, không dễ làm. “Nữ Luận Ngữ” có tên gọi đầy đủ là “Tống Thượng Cung Thị Nữ Luận Ngữ”. Tống là họ của hai chị em Tống Nhược Chiêu và Tống Nhược Hoa thời nhà Đường. Hai bà cùng nhau viết nên tác phẩm giáo dục về Nữ Đức này. Năm chị em gái của nhà họ Tống đều rất ưu tú, ở trong cung cũng là thầy của Hoàng đế và Hoàng hậu. Chúng ta cùng nhau xem chương thứ sáu của sách “Nữ Luận Ngữ” giảng về việc phụng sự cha mẹ chồng.
Trước khi xem chương này chúng ta hãy xem năm chương phía trước nói về điều gì để có thể hiểu rõ hơn. Chương đầu tiên là “Lập Thân”, chương thứ hai là “Học Tác”, chương thứ ba là “Học Lễ”, chương thứ tư là “Tảo Khởi” (dậy sớm), chương thứ năm là “Thị Phụ Mẫu” (phụng sự cha mẹ). Chúng ta xem qua như vậy thì hiểu được rằng một người con gái nếu như muốn có một đời sống hôn nhân như ý, hạnh phúc thì trên thực tế bắt đầu từ lúc cô ấy chào đời cho đến lúc được gả vào nhà người, giai đoạn này người phụ nữ cần phải hoàn thành năm môn học này. Ai là người giúp bạn hoàn thành năm môn học này vậy? Chính là cha mẹ của bạn, nếu như người làm mẹ không giúp con gái mình lập thân tốt, không dạy con học cách làm việc, không dạy con học lễ, không dạy con thức dậy sớm và nên phụng sự cha mẹ như thế nào thì đến khi con gái được gả vào nhà chồng rồi sẽ không biết làm việc gì cả. Đến lúc đó phải đợi mẹ chồng dạy dỗ thì sẽ rất khó khăn. Bạn chắc chắn sẽ không nhận được vẻ mặt và lời nói dễ chịu của mẹ chồng. Nếu như sau ba ngày bạn chịu không nổi, hoặc sau ba tháng bạn chịu không nổi thì thật sự sẽ là đường ai nấy đi.
Thế nên, mỗi một người mẹ, nếu có con gái, mong rằng con của mình tương lai sẽ có cuộc sống như ý thì không phải dùng tiền đầu tư nhan sắc cho con, đưa con đi phẫu thuật thẩm mỹ, cũng không phải để con học bao nhiêu kiến thức, dành bao nhiêu món đồ hiệu, ăn uống chơi bời thoải mái. Cô gái như thế nếu như được gả vào nhà người khác thì sẽ thành một nàng dâu ham ăn nhác làm, ái mộ hư vinh. Có người mẹ chồng nào thích con dâu như vậy chứ? Vì vậy, trước khi học cách phụng sự cha mẹ chồng thì cần phải học hiểu và làm được những điều được dạy ở các chương trước đó. Trong chương “phụng sự cha mẹ chồng” này có nói rằng: “Cha mẹ chồng là chủ nhân của gia đình chồng. Hãy đối đãi với cha mẹ chồng giống như cha mẹ ruột! Đối với cha chồng phải hết sức hiếu thuận, không được tùy tiện cãi lại cha chồng, cũng không được quá thân cận cha chồng. Nếu như cha chồng có điều gì sai bảo thì phải lập tức đến nghe dặn dò. Khi mẹ chồng ngồi thì nàng dâu đứng, nếu mẹ chồng có yêu cầu gì phải mau chóng đi làm. Sáng sớm mở cửa thật nhẹ tay, đừng kinh động đến mẹ chồng. Phải dậy sớm quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ, giúp mẹ chồng rửa mặt, xúc miệng”. Những chi tiết nhỏ này thể hiện tâm cung kính và hiếu đạo đối với mẹ chồng. Nhưng các nàng dâu hiện nay của chúng ta rất ít người suy nghĩ đến những chi tiết nhỏ này trong cuộc sống, ví dụ như làm cơm, chúng ta thường nấu theo khẩu vị của chính mình. Tôi thích ăn cứng, nấu cơm cũng nấu cứng một chút để nhai nhưng lại không nghĩ đến răng của cha mẹ chồng vốn không còn cứng chắc nữa, cần phải ăn cơm mềm. Bản thân tôi rất thích ăn nhạt, nhưng cha mẹ chồng lại thích mùi vị đậm đà, tôi cũng không nghĩ đến khẩu vị của cha mẹ chồng. Tôi trước đây là như thế, không có tâm tinh tế, lo liệu mọi việc không được chu đáo. Thế nên, chúng ta cần phải quan sát và thể hội được tâm của người khác.
Phần phía sau lại nói: “Mùa đông nấu nước nóng, mùa hạ dùng nước lạnh cho cha mẹ chồng rửa mặt, xúc miệng. Lúc bưng nước đến phòng của cha mẹ thì đứng lui sang một bên, chờ cha mẹ rửa mặt, xúc miệng xong rồi mới đem nước đi đổ, chào cha mẹ buổi sáng xong rồi lui ra sau bếp chuẩn bị bữa sáng”. Phải luôn luôn thấu hiểu lòng của người lớn tuổi. Ví dụ như người lớn tuổi tiết kiệm trong việc mua sắm quần áo, không thích mua quần áo mới thì chúng ta cũng đừng tùy ý mua quần áo mới để hiếu thuận cha mẹ. Họ thấy chúng ta tiêu tiền sẽ khó chịu không vui. Chúng ta cần phải nghĩ cách, ví dụ như những quần áo mà chồng của tôi vừa mới mua về tôi cầm lấy đưa cho cha mẹ chồng nói rằng: “Quần áo này anh ấy không còn mặc nữa. Ba hãy lấy mặc đi ạ”. Khi ăn cơm cũng như vậy, càng đơn giản càng tốt, nhưng đơn giản cũng cần phải có dinh dưỡng, cần phải biết cách phối hợp món ăn. Tôi cảm thấy sức khỏe của người cao tuổi không phải do ăn, ăn chỉ là thứ yếu, mà thứ quan trọng đó chính là tâm của họ. Nếu như tâm của người già được an ủi thoải mái thì sẽ không sinh bệnh. Nếu như mỗi ngày lòng của họ vướng mắc một số chuyện, có sự rầu lo thì cho dù có cho họ thức ăn ngon đến đâu, thậm chí là mỗi ngày ăn hải sâm, bào ngư đi chăng nữa thì họ vẫn sinh bệnh. Cho nên thể hội được lòng của người lớn tuổi không phải là việc dễ. Sẽ có những việc vượt quá khả năng của chúng ta nhưng chúng ta cứ tận hết sức lực của mình mà làm.
Phần sau lại nói: “Việc hầu hạ cha mẹ chồng cần phải làm được bền lâu, không phải là việc ngày một ngày hai. Việc này nếu truyền ra bên ngoài sẽ được mọi người xưng là hiền phụ. Chớ học người điều xấu, quát mắng cha mẹ chồng, than van kể khổ, gọi không dạ thưa, đói no không quản. Người như thế bị gọi là “ác phụ”, trời đất không dung, thiên lôi nổi trận lôi đình, trách phạt đến thân, không còn đường hối”. Chương “Phụng sự cha mẹ chồng” trong sách “Nữ Luận Ngữ” rất ngắn gọn, đơn giản, nhưng sự giải thích chi tiết, tường tận trên mặt sự cùng với chương “Khúc Tòng” là không hai không khác. Chương “Khúc Tòng” giảng về mặt lý, còn chương này của “Nữ Luận Ngữ” đem lý khai triển trên mặt sự, phù hợp với thời điểm. Những việc này thời xưa làm như vậy, cách thức làm của thời nay so với thời xưa có sự khác biệt và tương đồng, không phải hoàn toàn y theo đó mà làm. Ví dụ như kinh văn thời xưa nói: “Theo sát từng bước đi của cha chồng, sáng sớm nấu trà xong quỳ ở dưới đất dâng lên cho cha”, đó là cái lễ thời xưa. Còn hiện nay chúng ta cần xét đến điều kiện gia đình của mình, hoàn cảnh sống của chúng ta, tính cách và sở thích của cha mẹ chồng, làm thế nào có thể khiến cho người lớn tuổi hoan hỷ. Cho nên, chương “Khúc Tòng” từ trước đến sau đều giảng về một chữ “tâm”. Cái tâm này khó đạt được nhất. Nếu như muốn chân thật có được lòng của mẹ chồng thì người làm con dâu cần phải trải qua rất nhiều nỗi vất vả để cống hiến, không phải chỉ một số việc chúng ta làm ra trên bề mặt mà thôi.
Chúng ta học chương “Khúc Tòng” đến đây. Sau khi học xong, tôi hy vọng mọi người khi thực hành vào trong cuộc sống thực tế cần phải biết quán thông, thứ nhất đừng thực hiện sai lệch, thứ hai đừng quá chấp trước. Nếu thực hiện sai sẽ trở nên quá đáng, nếu như vẫn không biết quay đầu thì sẽ rất phiền phức, việc gì cũng cố gắng làm vừa phải, đúng mực là được. Không phải hôm nay xem xong đĩa này hoặc học xong bài giảng này về nhà đối với mẹ chồng vô cùng tốt, qua hai ngày sau thì quên mất. Chúng ta hãy làm từng chút một.
Tất cả những nàng dâu khi chung sống với mẹ chồng đều có rất nhiều chuyện “đắng cay chua ngọt”. Khi gặp phải những thử thách trong quan hệ với mẹ chồng như thế, chúng ta cần thể hội điều gì? Đừng nghĩ đến cái sai của mẹ chồng, chỉ ghi nhớ ý tốt của mẹ chồng, chỉ cần thầm lặng làm tốt vai trò của mình là được. Bạn đối với cha mẹ ruột như thế nào thì đối với cha mẹ chồng cần phải thận trọng dè dặt hơn thế, không được có hai lòng là được. Có một người bạn nói với tôi rằng cô ấy muốn rèn luyện chính mình. Mỗi lần mua cho cha mẹ ruột thức ăn ngon thì nhất định cũng mua cho cha mẹ chồng một phần, thậm chí còn ngon hơn thế nữa. Cha mẹ chồng đều rất vui. Một lần cô ấy đi Bắc Kinh, nghĩ đến cha mình thích ăn món vịt quay Bắc Kinh, cô mua cho cha một túi được gói đơn giản, còn mua cho mẹ chồng một túi được gói rất sang trọng, gồm có đầy đủ bánh và nước tương ở bên trong. Khi mang về nhà, mẹ của cô nhìn thấy có hơi không hài lòng. Cô ấy đã giải thích với mẹ rằng: “Mẹ con với nhau không cần khách khí, nhưng cần phải chú trọng cái lễ đối với mẹ chồng của con bên đó”. Người mẹ của cô nghe xong cảm thấy có thể chấp nhận được. Cô ấy rất có trí tuệ, không thiên vị mẹ ruột, mẹ chồng. Điều này cho thấy tâm không thiên lệch, khi tâm ngay thẳng thì bạn không cần lo thế hệ sau của bạn sẽ có những hành vi không tốt đối với bạn.
Một lần khác, có một cô sau khi nghe tôi giảng xong đã chia sẻ với tôi rằng con gái của cô đối xử với cô không tốt, đặc biệt con gái của cô hiện nay đã trưởng thành và nói rõ với cô rằng: “Mẹ đối xử với bà nội của con không tốt, không công bằng. Mẹ đối xử với bà ngoại rất tốt, nhưng đối với bà nội không được tốt”. Sau đó, cô ấy đã sám hối với tôi rằng quả thật là như vậy. Mỗi lần lễ Tết cô đều mang bao nhỏ bao lớn đến hiếu thuận mẹ ruột của mình. Đây có phải là thực sự hiếu hay không? Không phải là hiếu thật sự! Trong sách “Giáo Nữ Di Quy” có một đoạn như thế này: “Nếu như có nàng dâu nào không hiếu thuận với mẹ chồng mà chỉ hiếu riêng với mẹ ruột thì đó không được xem là hiếu vậy. Đối với mẹ chồng không có hiếu thì hiếu với mẹ ruột chỉ là tiếng xấu. Sao gọi là hiếu với mẹ được!”. Kết quả, con gái của cô sau khi lớn lên đã không đồng ý với cách làm của mẹ mình. Thế nên, phụ nữ cần hiểu rõ điều này, con gái cùng với bà nội đều có quan hệ huyết thống. Đây là việc không thể phủ định, có cắt đứt cũng không thể nào cắt đứt được. Nếu như bản thân không hiểu đạo lý, làm ra một số việc trái ngược với quy luật tự nhiên, trái với hiếu đạo thì nhất định sẽ gặp phải những tình huống xấu, có khi tai ương còn giáng xuống con cái của mình. Việc này rất bình thường. Nếu như gặp phải mẹ chồng khắc nghiệt, nói lời rất hà khắc, làm ra một số việc không thể nào hiểu nỗi, khiến người khác cảm thấy quái lạ thì chúng ta nên tự an ủi chính mình rằng: “Trong lòng của mẹ có một số việc mà mình vẫn chưa hiểu thấu. Tóm lại, nhất định không được nổi giận, nếu như nổi giận thì cho dù mình làm việc tốt đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa”.
Khi bạn không nổi nóng thì mẹ chồng có nói thế nào cũng được, làm thế nào cũng được, cứ nghe rồi để sang một bên, bạn sẽ cảm thấy mẹ chồng làm rất tốt, không có vấn đề gì cả. Cho dù bà đem đồ đạc của bạn ở phòng này để sang phòng khác thì cứ để bà làm, tự mình để lại chỗ cũ sau, đừng quá để ý đến. Bà tuổi tác đã cao như vậy, bạn thử nghĩ nếu như đó là mẹ ruột của bạn thì bạn sẽ không nổi nóng, nhưng nếu đó là mẹ chồng thì bạn lại cảm thấy bà phải nên như thế này thế nọ. Thế gian không có việc gì phải nên làm như thế này, thế nọ cả mà phàm những gì bà đối xử với bạn đều có nhân quả ở bên trong, có thể là bạn không nhìn thấy được mà thôi. Có câu nói rằng: “Nghịch cảnh đến hãy cứ tiếp nhận”. Cái sau này bạn nhận được sẽ là phước báo, tương lai quả báo sẽ đến với bạn. Hiện giờ bạn hãy nên cảm ân mẹ chồng hoặc cha chồng, người đã ban cho bạn phước báo đó. Đối với hết thảy người và việc mang nghịch cảnh đến cho bạn, bạn đều cảm ân.
Chương “Khúc Tòng” chúng ta hôm nay học đến đây. Đây cũng là một môn học quan trọng trong cuộc đời. Bản thân tôi tu học vẫn còn kém, nên vẫn đang học tập nhiều lần. Hy vọng tất cả mọi người đều cùng nhau nâng cao chính mình, thông qua việc học tập những lời giáo huấn tốt đẹp của cổ Thánh, tiên Hiền có thể chân thật tìm về với bản tánh của chính mình, có thể có được niềm vui chân thật, không còn phiền não nữa. Cảm ơn chư vị thầy cô giáo!
PHỤ LỤC BÀI HÁT “MẸ CHỒNG CŨNG LÀ MẸ”
Mẹ chồng cũng là mẹ, mẹ cả đời vất vả, nuôi con trai trưởng thành. Nay con dâu về báo đáp, nhẹ nhàng gọi tiếng mẹ.
Mẹ chồng cũng là mẹ, mẹ thắt lưng buộc bụng, mồ hôi chảy ướt má, nuôi con trai trưởng thành. Chân thành gọi tiếng mẹ, hôm nay con dâu về nhà mình, con dâu chải mái tóc trắng cho mẹ, lau mồ hôi cho mẹ.
Mẹ chồng cũng là mẹ, mẹ cả đời vất vả, nuôi con trai trưởng thành, nay con dâu về báo đáp, khiến mẹ hết muộn phiền, khiến mẹ hết bận lòng, cuộc sống hạnh phúc như mật ngọt, để mẹ có ngôi nhà ấm áp.
Thân thiết gọi tiếng mẹ, hôm nay con dâu đã về nhà mình, con dâu khiến cuộc sống của mẹ hạnh phúc vui vẻ qua tuổi già! Con dâu sẽ khiến cuộc sống của mẹ hạnh phúc vui vẻ qua tuổi già! Con dâu sẽ khiến cuộc sống của mẹ hạnh phúc vui vẻ qua tuổi già!
Hết chương 6
(Kính mời Quý vị tải về bản PDF dưới đây để cùng học tập)
NỮ ĐỨC VI YẾU – CHƯƠNG 6 – KHÚC TÒNG