Kính mời Quý vị tải về bản PDF dưới đây để cùng học tập
NỮ ĐỨC VI YẾU – CHƯƠNG 1 – TI NHƯỢC
Kính mời Quý vị nghe giảng bằng bản mp3 theo đường link dưới đây:
Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Chương 1 Ti Nhược (1)
Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Chương 1 Ti Nhược (2)
Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu – Chương 1 Ti Nhược (3)
CHƯƠNG THỨ NHẤT: TI NHƯỢC
Phía sau là phần chánh văn của sách “Nữ Giới”.
Chúng ta trước tiên xem qua hàm nghĩa của từ “Nữ Giới” (女誡). “Nữ Giới” là thiên văn chương để khuyên dạy phụ nữ. Thế nào là “giới” (誡)? Tôi còn nhớ một lần tham gia một luận đàn, có một vị lớn tuổi không cho tôi lên luận đàn giảng “Nữ Giới”. Vị trưởng bối này nói cái “giới” (誡) này không tốt, phụ nữ đã bị trói buộc rồi mà cô còn muốn “giới” (戒: ngăn cấm) họ nữa, không thể giảng thứ này được. Sau khi trao đổi với vị trưởng bối này, đồng thời tặng cho vị đó những băng đĩa bài giảng ở những nơi khác của tôi để ông về nhà nghe, ông nghe xong rất vui thích. Sau đó ông quay lại nói với ban tổ chức rằng: “Tốt lắm! Không giống với những gì tôi đã hiểu, nhưng cần phải giảng chữ “giới” (誡) này cho thật rõ”. Sau buổi luận đàn lần đó, tôi mỗi lần giảng đều giải thích chữ “giới” (誡) trong “Nữ Giới” một lần cho mọi người, cho nên tôi rất cảm ơn vị trưởng bối đó.
Chữ “giới” (誡) này tôi tra trong từ điển Cổ Hán Ngữ thấy có bốn ý nghĩa: Nghĩa thứ nhất là nhắc nhở và khuyên răn. Nghĩa thứ hai là cảnh giác và cẩn thận. Nghĩa thứ ba là một loại châm ngôn, một tiêu chuẩn khuyên răn người cần tuân thủ. Nghĩa cuối cùng chính là cái nghĩa được dùng ở đây, chính là tên của một thể văn chương mang tính chất giáo dục khuyên răn, giống như tên gọi của các thể hành văn thời xưa. Ví dụ như chữ “minh” (銘) trong “Lậu Thất Minh” là tên của một thể văn chương (bài minh thường được khắc chữ vào đồ vật, hoặc để tự răn mình, hoặc ghi chép công đức). Vào thời xưa, “giới” (誡) cũng là một thể văn chương, có nghĩa tương đồng với từ “giới” (戒: ngăn cấm), ví dụ như Gia Cát Lượng có viết bài “Giới Tử Thiên” (戒子篇), chữ “giới” (戒) đó với chữ “giới” (誡) này là cùng một nghĩa, cũng là tên một thể văn chương. Thể văn chương này biểu thị đây là văn chương mang tính chất giáo dục răn nhắc, là lời dạy dỗ của tiền nhân dành cho hậu nhân, chỉ dạy, nhắc nhở người đời sau cần chú ý để có thể có được lợi ích.
Chương đầu tiên trong “Nữ Giới” tên là “Ti Nhược”. Trong những tác phẩm văn chương thì chương đầu tiên luôn luôn là chương quan trọng nhất. Vì sao vậy? Bởi vì nó là phần cương lĩnh, toàn bộ phần phía sau là phần triển khai của nó. Phần tinh hoa được đúc kết lại ở chương đầu tiên mang tính tổng kết. Ví dụ, chúng ta thấy chương đầu tiên của sách “Lễ Ký” là “Khúc Lễ”, câu đầu tiên nói rằng: “Lễ tức là không được bất kính”, câu nói này đã hàm nhiếp hết thảy phần tinh túy của “lễ”. Ví dụ như câu đầu tiên trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Phần kinh văn phía sau giảng cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì là họa, cái gì là phước. Trong các sách “Đại Học”, “Trung Dung”, “Hiếu Kinh”, chương mở đầu rất quan trọng và cũng là chương được nói đến nhiều nhất. Lúc tôi mới học “Nữ Giới”, vì mới học nên rất to gan, bất cứ ai mời tôi, tôi đều đi giảng Nữ Đức. Mỗi lần đều giảng đi giảng lại chương đầu tiên, đại khái là đã giảng hơn mười lần, càng giảng thì chính mình càng hiểu rõ, lúc mới bắt đầu không hiểu rõ lắm, lại còn cảm thấy khá phản cảm. Vì sao phụ nữ cần phải “ti nhược”? Vừa nhìn hai từ này thì cảm thấy một sự xem thường đối với phụ nữ, một sự phân biệt, phụ nữ không cần “ti nhược”. Phụ nữ là nửa bầu trời, nhất định phải mạnh mẽ, nếu không sẽ bị người ức hiếp, “người hiền bị bắt nạt, ngựa giỏi sẽ bị người cưỡi”. Sau này tôi phát hiện quan niệm của mình hoàn toàn điên đảo, sai lầm, không phù hợp luân lý đạo đức.
“Ti nhược” mở rộng ra là bốn chữ, “ti” nghĩa là khiêm hạ, “nhược” nghĩa là dịu dàng. Khiêm hạ và dịu dàng đại biểu cho hai đức hạnh quan trọng nhất của phụ nữ. Khiêm hạ chính là chỉ đức hạnh “hậu đức tải vật” (đức dầy chứa chở vạn vật). Chúng ta luôn dùng đại địa để hình dung cho bốn chữ này, đại địa có đức dày mới có thể chuyên chở, dung chứa vạn vật. Dịu dàng là chỉ cho đức hạnh “thượng thiện nhược thủy” (thiện lành như nước), nước là thứ mềm yếu nhất trên thế giới, thế nhưng nó có đức thiện. Vì vậy, dùng đại địa và nước để ví với hai loại đức hạnh đáng quý nhất vốn có trong bản tính của phụ nữ. Sau khi được cô đọng hàm súc lại thì dùng hai chữ “ti nhược” để thể hiện ra. Thế nên, nó không chỉ là phần mở đầu của chương mà còn là phần đầu tiên trong hết thảy giáo dục đức hạnh phụ nữ. Bạn học hết thảy đức hạnh của phụ nữ, nếu như rời khỏi hai từ “ti nhược” này thì không thể làm được khiêm hạ với người, không làm được tâm tính dịu dàng. Như vậy, toàn thể đức hạnh của phụ nữ sẽ mất đi ý nghĩa, chỉ là “khẩu nhĩ chi học, mộng trung ngật phạn”, tức là trên miệng thì nói, tai thì nghe nhưng bản thân không được thọ dụng, giống như ăn cơm trong mộng vậy. Thế nên, trong quá trình chúng ta học tập, lúc nào chúng ta cũng không được quên khiêm hạ và dịu dàng. Thế nhưng, làm thế nào thể hiện được sự khiêm hạ và dịu dàng chân thật, nhất định chúng ta sẽ gặp rất nhiều bài thi thử thách, đây là một quá trình gian nan để quay trở về với tự tánh. Chúng ta bị hoàn cảnh ô nhiễm, từ nhỏ lại không nhận được giáo dục gia đình tốt, tâm đều tự tư tự lợi, tâm vô cùng cang cường khó cảm hóa, chỉ có giáo dục mới có thể khiến cho chúng ta quay về tự tánh.
“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện; tánh tương cận, tập tương viễn; cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”. Tự tánh của chúng ta thuần tịnh thuần thiện, nhưng tập tánh lại bất thiện. Hiện nay chúng ta muốn thông qua học tập, quay trở về tự tánh, tuy rất khó để một bước mà đến nơi, nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì không giải đãi thì sẽ gặt hái được hạnh phúc và niềm vui đích thực.
Khi chúng ta học tập chương “Ti Nhược”, đây không phải là sự “ti nhược” của hình thức bên ngoài, mà cần có một cái tâm nhu hòa chất trực. Ví dụ, có một bạn nữ học chương “Ti Nhược”, bị đánh không đánh lại, bị mắng không mắng lại, ở nhà một mực phục tùng, phục tùng đến cùng, yếu đuối đến cùng, sau cùng khổ không lời nào để nói, oán kết trong tâm không thể hóa giải, sinh ra một thân bệnh tật, lại còn oán trách lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền không tốt. Việc này là do không thực sự khéo học. Thế nên, mỗi lần tôi đều nói, sự dịu dàng, mềm mỏng này là chỉ cho sự dịu dàng, mềm mỏng của tâm tánh. Tâm dịu dàng, nhu nhuyến thì biểu hiện ra bên ngoài là cách nói chuyện an định, bình hòa. Giở sách “Liệt Nữ Truyện” ra, những phụ nữ trong sách đều là: “Bên trong cung kính, bên ngoài có nghĩa, kính nghĩa đều đủ thì người có đức sẽ không cô đơn”. Khi họ đối mặt với đủ loại cảnh giới trong cuộc sống đều không trái ngược với nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, họ đều có một tâm yêu thương chân thành, nhân từ, nhân ái. Tôi xin nêu ra một ví dụ, nếu bạn vứt bỏ chuẩn mực làm người cơ bản, rồi cứ một mực nhu thuận, thì sẽ có kết quả như thế nào? Bạn nuông chiều một người thân nào đó trong gia đình, khiến họ sinh hư, về sau đến một lúc nào đó khi năng lực của bạn không thể nào duy trì được nữa, bạn hy vọng họ đưa tay ra giúp đỡ bạn, nhưng họ loại oán trách bạn rằng sao bạn không thể làm tốt như trước đây. Thế nên, sự nhu thuận của chúng ta đã dung túng cho thói quen, sự ỷ lại của họ, trưởng dưỡng tâm tham lam của họ. Vì vậy, “ti nhược” kỳ thật cần có đầy đủ đại trí huệ.
Trong quá trình học tập, chúng ta cần phải không ngừng thể ngộ. Khổng Tử có năm đức hạnh là ôn, lương, cung, kiệm, nhượng. Tuy nhiên, Ngài làm việc có nguyên tắc và phương pháp, vô cùng phương thiện xảo, không phải sự việc nào Ngài cũng một mực thuận theo, nhưng cũng không phải là bảo thủ. Khi học tập văn hóa truyền thống, chồng của tôi đã tổng kết ra ba nguyên tắc: Có trí nhưng không giảo hoạt; nhân hậu nhưng không bảo thủ; đi cùng thời đại chứ không nước chảy bèo trôi. Tôi thường nghĩ đến câu nói này của chồng tôi. Vì sao gọi là đi cùng thời đại chứ không nước chảy bèo trôi? Ví dụ như một số cổ lễ của thời xưa không còn thích hợp ở thời nay nữa. Việc hành lễ chào cúi đầu vẫn có thể sử dụng phổ biến bởi vì Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn dùng. Tuy nhiên, có một số cổ lễ của thời xưa như chúng ta xem trong sách “Lễ Ký” không còn phù hợp nữa. Có phải là chúng ta hiện nay kiên trì học tập văn hóa truyền thống thì nhất định phải dùng hay không? Không đúng! Bạn phải đi cùng thời đại, phải học tập những phần tinh hoa nhất của người xưa. Đó chính là dụng tâm cung kính mà học tập, sau đó tùy thời mà vận dụng vào những hoàn cảnh, nơi chốn khác nhau, cần phải tùy thuận theo tình hình và tình thế hiện nay. Nếu như không biết tùy thuận thì sau cùng sẽ trở nên như thế nào? Những người học tập văn hóa truyền thống sẽ trở thành một nhóm người cực kỳ lập dị. Trước tiên là người trong nhà không tiếp nhận, sau đó công ty không tiếp nhận, sau cùng bị đại đa số các đoàn thể trong xã hội bài trừ, trở thành một nhóm người ít ỏi cao siêu không ai hiểu nổi, tự sống riêng lẻ tách biệt. Điều này không phù hợp với tinh thần của văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống có thể hòa cùng thiên hạ, dùng sự tu dưỡng của bản thân để bao dung người trong thiên hạ, dùng đức hạnh của chính mình mà cảm hóa người trong thiên hạ. Nếu như bạn không làm được thì cần phải hỏi lại chính mình rằng sao mình càng làm thì càng xa rời quần chúng, mọi người vậy. Nếu không thể dung hợp với mọi người đây là một việc rất phiền phức.
Trong phần tiên chú của Vương Tương có viết: “Thiên tôn địa ti, dương cương âm thuận, ti nhược nữ tử chánh nghĩa dã, cẩu bất cam ư ti nhi dục tự tôn, bất phục ư nhược nhi dục tự cường, tắc phạm nghĩa nhi phi chánh hĩ, tuy hữu tha năng, hà túc thượng hồ?” (Trời tôn quý, đất thấp kém; dương cứng mạnh, âm nhu thuận; phụ nữ ti nhược phù hợp chánh nghĩa, nếu không chịu ti nhược mà muốn tự tôn, không chịu giữ phận yếu mà muốn tự cường tức bất nghĩa, bất chánh vậy, cho dù có tài năng thế nào vẫn không đáng được tôn sùng). Tôi nhớ một lần có bạn học đạo ở nơi khác nói với tôi muốn học Nữ Đức. Tôi liền gửi sách đến. Cô ấy nói xem không hiểu. Tôi nói không sao cả, có phần tiên chú. Cô ấy nói tiên chú cũng xem không hiểu. Hiện nay, tôi xin đem phần tiên chú giảng một lượt cho mọi người. Lẽ quý tiện của trời đất hoàn toàn dẫn lời từ trong “Chu Dịch”, bởi vì toàn bộ sách “Nữ Giới” chỉ có hơn 1600 chữ, không nhiều, nhưng đều dẫn dụng lời nói từ trong điển tịch xưa như “Luận Ngữ”, “Chu Dịch”, “Lễ Ký”, “Thượng Thư”, tổng cộng có hơn 17 chỗ. Điều này có thể thấy rằng “Nữ Giới” là một tác phẩm tinh hoa được Tào Thái Cô viết sau khi tinh thông kinh điển của cổ Thánh, tiên Hiền, cộng với sự tu dưỡng đức hạnh của bản thân trong mấy mươi năm, chứ không phải là lời nói của riêng một nhà. Giống như Khổng Tử chỉ truyền thuật lại những lời dạy của cổ Thánh, tiên Hiền, bản thân Ngài không hề sáng tác điều gì mới, như Ngài đã nói: “Tín nhi hiếu cổ, thuật nhi bất tác”.
“Thiên tôn địa ti, dương cương âm thuận”. “Dương cương âm thuận” chính là đạo, một âm một dương gọi là đạo. Chúng ta từng xem qua bát quái đồ của Thái Cực. Nó đại biểu cho dương và âm, cương và nhu, thiên và địa, trắng và đen, đều là một cặp. Nếu như toàn bộ đều như nhau, ví dụ trong 24 giờ đều là ban ngày hoặc ban đêm thì con người không thể nào sống được. Trong nhà nếu toàn là con gái, không có con trai cũng có vấn đề, nhưng nếu toàn là nam mà không có nữ thì cũng không được, mà phải phối hợp với nhau. Mà tiền đề của việc phối hợp với nhau là mỗi người giữ phận nấy, nếu như không giữ đạo của riêng mình, ví như phụ nữ đòi đứng ở vị trí dương, còn nam thì đứng ở vị trí âm thì sẽ loạn hết. Thế nên, trong “Kinh Thi” tôi nhớ có đọc qua một đoạn thế này “tẫn kê chi thần” (gà mái gáy sáng). Đây là điềm báo chẳng lành, ý nói gà mái không đẻ trứng mà đi gáy báo trời sáng, đây là điềm thiên hạ chẳng lành. Từ xưa đến nay nam nữ ai giữ phận nấy. Chúng ta ngày nay nếu như không ý thức đến điều này sẽ sinh ra loạn. Chúng ta dẹp loạn tức đem điều sai trái sửa lại cho ngay.
Có một lần, một giáo viên chia sẻ tại luận đàn văn hóa truyền thống rằng: “Nhà của tôi đều là gà mái gáy, gà trống đẻ trứng. Chồng của tôi ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, còn tôi ra ngoài làm người phụ nữ mạnh mẽ. Về đến nhà tôi vào thư phòng, đứng sau bàn sách, còn anh ấy thì ngoan ngoãn đứng trước mặt nghe tôi ra chỉ thị. Tôi nói xong rồi ra lệnh: “Anh đi làm việc đi”. Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Luân thường đảo lộn sẽ có tiêu vong”. Cho nên cô giáo này gặp rất nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống.
“Ti nhược nữ tử chánh nghĩa dã”, “ti nhược” chính là chánh nghĩa của phụ nữ, cái nghĩa này chính là từ “nghĩa” trong “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Người có nghĩa thì sẽ tuân thủ đạo lý, tức làm việc hợp với đạo lý. Nếu như phụ nữ dựa vào thiên tính ti nhược mà tu dưỡng đức hạnh của mình thì đây là việc hợp với đạo lý. Đây là chánh đạo. Nếu như bản thân không yên phận với vị trí của mình, ở vị trí bên dưới nhưng trong lòng không có tâm cung kính thì sẽ luôn muốn làm chủ cả việc trong nhà lẫn ngoài nhà.
“Cẩu bất cam ư ti nhi dục tự tôn, bất phục ư nhược nhi dục tự cường, tắc phạm nghĩa nhi phi chánh dã”. Không cho rằng bản thân nhỏ bé, yếu thế mà từ ngoài vào trong đều tỏ ra hung hãn, muốn thể hiện sự mạnh mẽ trong nhà thì điều này trái với nghĩa, “tắc phạm nghĩa phi chánh giã”, việc này không phù hợp nghĩa lý, không hợp với đạo, trái lệch đạo làm vợ.
“Tuy hữu tha năng, hà túc thượng hồ?” (Cho dù rất có năng lực, tài cán thì có gì đáng để tôn sùng đâu?), việc này không đáng được tôn sùng, nếu như phụ nữ quản lý hết tất cả sự việc ở bên ngoài thì sẽ làm loạn thiên đạo. Trong xã hội hiện nay nói đến điều này, có thể rất nhiều người, bao gồm cả phụ nữ trước tiên sẽ phản đối, rất nhiều nam giới cũng không tán đồng. Bản thân tôi trong quá trình học tập Kinh điển cảm thấy không phải nói phụ nữ “nhược” thì như vậy nhất định là không tốt. Từ “nhược” này không phải là “nọa nhược” (yếu hèn), mà chỉ đức hạnh “thượng thiện nhược thủy” của nước.
Nước có những đặc tính:
Đặc tính thứ nhất là khi nó gặp chướng ngại vật thì nhất định sẽ chuyển hướng để vượt qua, chứ không cứng nhắc một mực đâm vào một chỗ, ví dụ như có một tảng đá lớn chắn phía trước thì nó sẽ chảy vòng mà đi qua. Ý nói khi gặp việc thì phải xét hoàn cảnh mà biến hóa, đối với hoàn cảnh bên ngoài bản thân phải biết cách biến hóa để xử lý, không được đối chọi cứng rắn với người. Đặc biệt là trong gia đình, “thanh quan thì khó xử việc nhà”, nhà không phải là nơi để nói lý lẽ. Nếu như bạn cứng rắn đối chọi với mọi người thì không thể giải quyết được việc gì, dù có ngàn lý do để nói với người nhà thì họ cũng không hiểu rõ. Họ cho rằng họ đúng, bạn cho rằng bạn đúng, dù sao đôi bên cũng cần phải sống, chúng ta hãy nhường bước mà rời khỏi, cho dù có dây dưa đối chọi tạm thời thì cũng không phải là phương pháp giải quyết, nên học tánh nhường bước mà rời khỏi của nước.
Đặc tính thứ hai của nước là giọt nước có thể xuyên đá, giọt nước nhỏ tí tách, nhìn có vẻ chẳng có sức mạnh gì, nhưng thời gian lâu dài có thể xuyên thấm vào đá. Trong nhà cũng như vậy, cho dù chồng có ngoan cố không chịu thay đổi ra sao, cho dù anh ấy thích lên mạng chơi game thế nào thì cũng không nên quản, bạn cần kiên trì bền vững, dùng tính cách nhu hòa, ấm áp, dịu dàng của mình mà cảm hóa anh ấy. Mỗi ngày bạn đều nói với anh ấy lên mạng không tốt cho sức khỏe, thế nhưng nên chăm sóc cho anh ấy thế nào bạn vẫn chăm lo cho anh ấy như thế đó, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… rồi sẽ có ngày anh ấy quay đầu. Tâm thường hằng (bền lâu) đó dễ dàng thể hiện được trong gia đình, đây là đặc tính thứ hai của nước.
Đặc tính thứ ba là “thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh” (nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh). Nước có thể tưới tiêu ruộng đồng, có thể tưới tẩm vạn vật, có thể giúp cho khách bộ hành qua cơn khát, nhưng không hề tranh lợi với bất kỳ ai. Làm phụ nữ cũng như vậy, chỉ cần bạn tranh thì nhất định sẽ loạn. Phụ nữ trong gia đình giống như quả tim vậy. Nếu như quả tim tranh với những bộ phận khác thì cảm giác của toàn thân sẽ lập tức tê liệt. Quả tim không tranh với bộ phận nào cả, mà không ngừng phụng hiến, không ngừng vận chuyển máu, không ngừng cống hiến. Tôi cũng thường nghĩ rằng phụ nữ nên làm cái lưỡi, chứ đừng làm răng, vì răng rất cứng, đến khi ta già thì nó là thứ ra đi đầu tiên, còn cái lưỡi thì khi già răng rụng hết nó vẫn còn ở lại. Cho nên, có câu nói “nhu thắng cương” là bởi đạo lý này. Tôi lúc đầu cũng đặc biệt ưa thích nói lý lẽ, nói lý với chồng và mẹ chồng, nói tới nói lui cũng chẳng nói được rõ ràng. Sau đó, tôi mới hiểu gia đình không phải là nơi nói lý lẽ, do không nói lý lẽ nữa nên tôi cảm thấy rất tốt. Họ nói thế nào thì cứ để họ nói, cho dù họ nói vô lý đi chăng nữa, tôi cũng không lên tiếng, phiền não dần dần cũng không còn nữa. Làm phụ nữ nhất định cần phải nhìn cho rõ, rất nhiều người, rất nhiều việc bạn không thể thay đổi được. Điều này không có nghĩa là bạn không tốt, chỉ là bạn không có duyên phận này nên bạn cũng không cần tiêu hao quá nhiều tinh thần sức lực. Làm bất kỳ việc gì cũng không nên chấp trước, nếu không nhìn thấu được thì nhìn tan nhạt đi một chút, không buông xuống được thì cũng thoải mái một tí. Đời người chớp mắt là qua mau nên chúng ta cần phải làm một phụ nữ có trí tuệ.
Trọng điểm của chương “Ti nhược” nói về ba việc. Thứ nhất là “minh kỳ ti nhược, chủ hạ nhân”; thứ hai là “minh kỳ tập lao, chủ chấp cần”; thứ ba là “trai cáo tiên quân, chủ kế tế tự”. Chúng ta cùng xem câu thứ nhất.
CỔ GIẢ SINH NỮ TAM NHẬT, NGỌA CHI SÀNG HẠ. LỘNG CHI NGÕA CHUYÊN, NHI TRAI CÁO YÊN
(Tạm dịch: Người xưa sau khi sinh hạ con gái ba ngày, đặt con ngủ ở dưới giường, lấy con thoi dệt vải bằng đất nung cho con làm đồ chơi. Sau đó, tắm gội trai giới, đến từ đường tác bạch với tổ tiên về việc hạ sinh con gái)
Ý nghĩa của câu này là vào thời xưa nếu sinh ra con gái, ba ngày đầu sau khi sinh thì đem đặt ở dưới giường, cho nó một con thoi dệt vải làm đồ chơi, đồng thời cần tế cáo Tổ tiên. Lời dạy này lúc tôi mới bắt đầu học cảm thấy không hiểu vì sao lại đặt con ở dưới giường rồi đưa cho con thoi. Sau này tôi xem tiên chú thì hiểu ra rằng điều này biểu thị người nữ khi đến thế gian này cần phải biết sự khác biệt giữa nữ và nam, biết đại đạo luân thường “nam chủ ngoại, nữ chủ nội”. Đồng thời, việc tế cáo Tổ tiên có hàm nghĩa rất sâu xa, thể hiện phụ nữ cần hàm dưỡng đức hạnh và nuôi dưỡng cho tốt thế hệ sau để an lòng Tổ tiên. Câu này xuất phát từ “Kinh Thi”. Trong “Kinh Thi” có nói: “Nãi sinh nam tử, tải tẩm chi sàng, tải y chi thường, tải lộng chi chương”. Nếu như sinh con trai thì để con nằm trên giường cao rộng lớn, mặc quần áo đẹp, cho cái mề đay bằng ngọc thạch làm đồ chơi, vào thời xưa người nam có chức quan đều chơi đá quý. “Nãi sinh nữ tử, tải tẩm chi địa, tải y chi thị, tải lộng chi ngõa”, nếu như sinh con gái thì để nó ngủ dưới đất, mặc quần áo rất đơn giản, quần áo chính là cái tã của trẻ con, chơi với con thoi là được rồi. “Tẩm chi sàng, tôn chi dã”, để con trai ngủ trên giường biểu thị ý nghĩa tôn quý; “tẩm chi địa, ngọa chi sàng hạ, ti chi dã”, để con gái ngủ dưới đất, ở dưới giường biểu thị muốn cho con gái có thể giữ được đức hạnh khiêm nhường. Ở điểm này thì tôi tin rằng đối với trẻ là con một hiện nay sẽ không có tình hình như vậy. Tôi nhớ lúc mới vừa học thì một nhân viên nữ của công ty nói: “Sao lại để nằm dưới giường vậy? Sau này tôi sinh con chẳng lẽ cũng làm như vậy hay sao?”. Chúng ta không thể bắt chước một cách máy móc như vậy, mà cần phải hiểu đạo lý bên trong, như vậy mới chân thật học được tinh hoa của văn hóa truyền thống.
Chúng ta học cổ văn nhất định phải dựa trên văn tự mà nhìn ra được đạo lý thực sự ở bên trong mà người xưa muốn truyền lại cho hậu thế. Ví dụ như Hoàng đế thời xưa, vương miện họ đội đều có những dây hạt châu rũ xuống, những hạt châu đó sẽ che mắt họ. Tại sao họ lại làm như thế? Trên thực tế là muốn ngụ ý với Hoàng đế rằng, cho dù trí tuệ của ngài cao hơn một bậc so với tất cả người trong thiên hạ nhưng không nên vừa trực tiếp nhìn một cái là việc gì cũng xuyên thấu. Họ cần dùng dây hạt châu rũ xuống để che lại. Che lại nhằm biểu thị rằng bản thân mình vẫn có thể nghe và tiếp nhận lời tâu của các đại thần. Trong sách xưa có ghi chép rằng lỗ tai của Hoàng đế đều bị bít lại bằng bông tơ màu vàng, tất nhiên là không phải bịt chặt cứngbởi vì đó là bông tơ. Ý nói do thính lực của Hoàng đế rất nhạy bén nên có thể phân biệt các loại âm thanh, thế nhưng không nên hiển lộ ra như vậy, biểu thị rằng bản thân vẫn có thể nghe lọt tai kiến giải của người khác. Ngay cả phụ nữ thời xưa, y phục của họ đều có đính những cái chuông nhỏ. Vì sao lại đeo chuông? Trên thực tế là để nhắc nhở bản thân rằng khi đi đường, chuông vừa rung lên là nhắc nhở bản thân hành động cần có cử chỉ đoan trang, không được để phát ra âm thanh hỗn tạp, động tác không được hấp tấp vội vàng, mà uy nghi có phép tắc. Đồng thời âm thanh ấy cũng nhắc nhở mọi người là có một phụ nữ sắp đến, nếu như không tiện thì mọi người có thể tránh đi. Thế nên, rất nhiều đồ vật của thời xưa đều có ngụ ý rất sâu, không phải đơn giản như chúng ta hiện nay nghĩ.
Trong giáo học thời xưa, “Kinh Dịch” có một câu nói rất quan trọng là “đồng mông dưỡng chánh, thánh công dã”. “Đồng” là chỉ cho nhi đồng, “mông” nghĩa là vỡ lòng, “dưỡng” nghĩa là trưởng dưỡng, “chánh” là hạo nhiên chánh khí. Đó là những thứ mà chúng nghe, chúng nhìn, chúng nghĩ toàn bộ đều phải là chánh. Đây mới là công lao thần thánh trong việc nuôi dạy con trẻ. Đối với trẻ gái thì nên dưỡng chánh thế nào? Trước tiên cần dạy chúng học đức hạnh khiêm tốn, khiêm nhường. Vào thời xưa, phụ nữ không giống như nam giới ở bên ngoài có thể có trải nghiệm rộng, có thể học được rất nhiều học vấn, có thể kết giao với nhiều bạn tốt mà họ bị khép kín trong gia đình. Vậy làm thế nào để họ có đức hạnh tốt? Thế nên giáo dục vào thời xưa là một việc hao tốn rất nhiều công phu sức lực. Chúng ta ngày nay so với phụ nữ thời xưa may mắn hơn rất nhiều. Chúng ta có thể có sự trải nghiệm rộng, có thể học được rất nhiều tri thức nhưng cái học đó có chân thật nằm ở đạo hay không thì chúng ta lại không thể phân biệt được. Cái học đó có thể cắm vững nền tảng làm phụ nữ hay không, chúng ta có thể cũng không ý thức đến. Thế nên, chúng ta học Nữ Đức đầu tiên quan trọng ở nền tảng, cái học căn bản chính là đức tính khiêm tốn của phụ nữ.
NGỌA CHI SÀNG HẠ, MINH KÌ TI NHƯỢC, CHỦ HẠ NHÂN DÃ; LỘNG CHI NGÕA CHUYÊN, MINH KÌ TẬP LAO, CHỦ CHẤP CẦN DÃ. TRAI CÁO TIÊN QUÂN, MINH ĐƯƠNG CHỦ KẾ TẾ TỰ DÃ
(Tạm dịch: Để bé gái ngủ ở dưới giường thể hiện rằng phụ nữ phải biết khiêm hạ, đối xử với người khiêm hòa, nhẫn nhường. Để cho bé gái dùng con thoi dệt vải làm đồ chơi vì bé gái đó sau này sẽ là người giữ việc canh cửi, làm những việc lao tác trong gia đình, giữ đạo cần kiệm. Vì sao phải cáo trình với tổ tiên? Vào thời xưa, chức phận của phụ nữ là bếp núc, phải chuẩn bị rượu và thức ăn tươm tất sạch sẽ, giúp chồng lo việc tế tự tổ tiên)
Ý nghĩa của đoạn này là gì? Chính là đặt trẻ gái ở dưới giường nhằm thể hiện cần phải giữ đức khiêm tốn, nhu thuận. Còn “lộng chi ngõa chuyên” là gì? Để cho trẻ chơi con thoi, thứ nhất là nói về bổn phận chủ nội của phụ nữ, thứ hai là nói với họ rằng làm phụ nữ thì phải biết rằng lao động và cần kiệm thì mới có thể trì gia, “phụ nữ siêng năng cả nhà hưng thịnh, phụ nữ lười nhác cả nhà suy”, thế nên phụ nữ siêng năng thì gia nghiệp dễ dàng hưng vượng, nếu như phụ nữ tham ăn, nhác làm thì gia tộc này sẽ nhanh chóng bại hoại. “Trai cáo tiên quân”, “tiên quân” chỉ cho Tổ tiên, tế tự Tổ tiên, “minh đương chủ kế tế tự dã” tức là việc quan trọng nhất là cúng tế Tổ tiên trong nhà đều do phụ nữ lo liệu. Chúng ta không hiểu vì sao công việc quan trọng như thế mà thời xưa lại giao cho phụ nữ làm? Từ đây có thể thấy rằng thời xưa không hề xem thường phụ nữ, bởi vì người phụ nữ đến với một gia đình là để giúp cho gia tộc đó nuôi dưỡng thế hệ sau, làm hiển vinh gia tộc, nhưng quan trọng nhất là có thể giúp gia tộc này bồi dưỡng ra thế hệ sau. “Kế tế tự”, “kế” có nghĩa là kế thừa, làm thế nào có thể giúp đỡ người người trong nhà, giúp gia tộc này bồi dưỡng ra thế hệ tiếp theo, then chốt là người phụ nữ này có đức hạnh, có học vấn hay không? Việc lớn như thế này từ nhỏ phải bảo cho cô ấy, phải nhắc nhở cô ấy chú ý, sau này khi được gả vào nhà chồng, toàn bộ sứ mạng chính là đến làm sự việc này. Lời xưa có câu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Từ “hậu” không phải là nói con cái, chúng ta sinh con xong là có “hậu” rồi, nên làm thế nào để vui chơi hưởng thụ thì người làm mẹ cứ mặc sức, việc này chẳng khác gì với việc nuôi con mèo, con chó trong nhà. Chữ “hậu” này then chốt là có thể kế thừa gia nghiệp của Tổ tiên, gia đức và gia phong của Tổ tiên, có thể khiến cho gia tộc hưng vượng, đời này truyền cho đời sau. Có được cái “hậu” này thì mới thật sự xứng đáng với Ttổ tiên. Không có cái “hậu” này thì dù cho nuôi ra cả bầy cũng không ích gì, mỗi đứa đều là con phá của, đối với Tổ tiên vẫn là bất hiếu.
Trong sách “Liệt Nữ Truyện”, tôi thấy Mạnh Mẫu nói như thế này: “Phụ nhân chi lễ, tinh chủ phạn, mịch tửu tương, dưỡng cữu cô, phùng y thường nhi dĩ. Cố dã khuê môn chi tu, nhi vô cảnh ngoại chi chí, thử chi vị dã”. Câu này có ý nghĩa thế nào? Lễ tiết của phụ nữ là ở chỗ có thể tinh thông việc làm cơm, có thể nấu rượu, có thể hiếu dưỡng cha mẹ chồng, may vá quần áo, chỉ những việc này thôi. Chính là ở chốn khuê môn, đóng cửa lại, những việc cần phải tu hành ở nhà của người phụ nữ chính là tu ở trong những sự việc này. Không có “cảnh ngoại chi chí”, “cảnh ngoại” tức là ra ngoài xông xáo trong thiên hạ, giống như người nam kiến công lập nghiệp, không có chí hướng này. “Nữ tử thủy sanh, tức dĩ thị kỳ chi, thị chi, kì thực phụ nhân chi đạo, diệc tức thử nhi vô gia dã”. Khi sinh hạ con gái rồi thì dùng điều này mà kỳ vọng nó, dạy dỗ nó, không cần gì thêm nữa, như vậy sẽ dạy dỗ tốt được con gái.
Mạnh Mẫu chỉ đơn thuần biết nấu cơm, vá áo thôi sao? Chúng ta chỉ cần nhắc đến Mạnh Tử thì không có người nào không nghĩ tới Mạnh Mẫu. Một vị Thánh Hiền nhân là do ai dạy ra vậy? Do người mẹ tốt dạy ra. Cho nên, tuy Mạnh Mẫu không ở bên ngoài gây dựng sự nghiệp lẫy lừng nhưng bà đã nuôi dưỡng ra một người con là Thánh Hiền một đời, có thể khiến cho văn hóa truyền thống được truyền thừa đến mấy ngàn năm sau. Chí hướng của bà, sức ảnh hưởng này của bà quá sâu rộng. Há chỉ dừng lại ở việc bà biết nấu cơm, may quần áo thôi sao? Từ đây chúng ta có thể nhìn thấy đức khiêm hạ của phụ nữ là gì. Đó chính là chân thật có đạo đức, có học vấn nhưng trước giờ không thể hiện bản thân mà an phận giữ mình. Trước tiên làm tốt gia đạo, quan trọng nhất là nuôi con cho tốt, những thứ khác như là kiếm tiền nhiều ít, ở bên ngoài có tiếng tăm bao lớn đều là thứ yếu.
Tôi nhớ có một nhà giáo dục học đã nói rằng kiếm được rất nhiều tiền nhưng khi quay đầu nhìn lại thấy con của mình chẳng ra thứ gì, lúc lìa đời thì hai bàn tay trắng, một phân tiền cũng không mang theo được, danh vọng, địa vị gì cũng không mang đi được, mà con cái thì không được nuôi dưỡng nên người, gia đạo lại thêm một lần suy bại. Đây là sự việc hối hận cả đời. Tôi cũng đã từng gặp một cặp vợ chồng rất nhiều tiền, nhưng con cái của họ khiến họ rất tức giận. Con cái đã hơn 20 tuổi rồi, căn bản là không nghe lời cha mẹ dạy. Hai vợ chồng họ nói với tôi, sớm biết như thế này thì chúng tôi chỉ để một người kiếm tiền thôi, ví dụ như cô ấy không cùng tôi làm kinh doanh mà ở nhà giáo dục con cho tốt. Thế nhưng thời gian không thể quay ngược trở lại. Con cái đã lớn cả rồi, cũng không nghe lời cha mẹ nữa, đã là việc không thể làm được rồi. Thế nên, chúng ta hiện nay nếu như có cơ hội nghe thấy hoặc hiểu được đạo lý này thì nhất định nên từ bây giờ mà bắt đầu làm ngay.
TAM GIẢ, CÁI NỮ NHÂN CHI THƯỜNG ĐẠO, LỄ PHÁP CHI ĐIỂN GIÁO HĨ, KHIÊM NHƯỢNG CUNG KÍNH, TIÊN NHÂN HẬU KỈ, HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ, NHẪN NHỤC HÀM CẤU, THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ, TI NHƯỢC HẠ NHÂN
(Tạm dịch: Ba điều trên là thường đạo của phụ nữ, là cái gốc để lập thân của người nữ, cũng là lời dạy Kinh điển từ xưa đến nay về mặt lễ nghi phép tắc. Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành không mỏi những việc trên thì đã tận đạo nghĩa ti nhược, khiêm nhường rồi vậy)
Ba điều này là “thường đạo” của phụ nữ. Chữ “thường” này có hàm nghĩa rất sâu. “Thường” nghĩa là gì? Có thể siêu vượt thời gian, không gian, vào thời xưa và thời nay không hề thay đổi, vẫn như vậy nên mới gọi là “thường”. Nếu thời xưa là một kiểu, thời nay là một kiểu thì không gọi là “thường”. Phụ nữ thời xưa có thể sinh con, nam giới không sanh được, hiện nay cũng là như vậy, không thay đổi. Còn bản tánh thì sao? Phụ nữ thời xưa giữ bổn phận, thời nay cũng nên như vậy, cũng không nên thay đổi. Nếu như thay đổi thì nói lên điều gì? Giáo hóa đã mất rồi, phong tục thế gian đã xuống cấp rồi, mọi người đã bắt đầu quên mất rồi. Giống như là khắp cả mọi người trên đường đều đi ăn trộm mà không cảm thấy ăn trộm là một việc xấu hổ vì mọi người đều làm như thế cả. Hiện nay nếu như có công ty nào mà không trốn thuế, gian lận thuế thì cảm thấy đó là một việc bất khả tư nghị vì mọi người đều làm như thế cả. Nếu như mọi người trên đường đều nhai kẹo cao su mà bạn không nhai thì mọi người cảm thấy bạn rất kỳ lạ, vấn đề là ở chỗ này. Thế nên, chúng ta hiện nay nên đem “thường đạo” nói ra để mọi người đều biết cái gì là “thường đạo” của phụ nữ. “Lễ pháp chư điển giáo hĩ”, điển giáo là chỉ lời dạy trong Kinh điển, sự giáo hóa của Kinh điển, Kinh điển vĩnh cửu bất biến với thời gian, chỉ vì người thời nay chúng ta hiểu sai, không hiểu được hàm nghĩa chân thật của Tổ tiên, rồi đem ý của chính mình thêm vào ý của Tổ tiên mà nói thì sai mất rồi. Ba điều này, điều thứ nhất là ti nhược, trong hết thảy giáo dục Nữ Đức thì khiêm hạ là căn bản của căn bản.
KHIÊM NHƯỢNG, CUNG KÍNH
Chữ “khiêm” có nghĩa “nhường” và “kính” ở trong, đồng thời còn có nghĩa không tự mãn. Chân thật khiêm nhường, cung kính là chỉ cho điều gì? Làm thế nào làm được khiêm nhường, cung kính? Từ đâu mà bắt đầu làm? Tôi xin chia sẻ với mọi người là từ hiếu đạo mà bắt đầu làm. Chúng ta nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, hạt nhân của văn hóa truyền thống là bốn chữ này: “Hiếu thân tôn sư”. Đối với cha mẹ trước tiên phải hiếu kính, hiếu thuận, sau đó đối với tất cả trưởng bối, thầy giáo đều tôn trọng, cung kính có lễ phép. Nhưng trong cuộc sống thực tế, chúng ta rất khó thực hiện. Giảng đạo lý thì rất dễ, lúc giảng bài thì đều giảng rất quy củ nhưng đến khi thực hành sẽ phát hiện có rất nhiều việc không dễ làm. Nguyên nhân không làm tốt được là do đâu? Không phải chúng ta xung đột với cha mẹ, với xã hội, hoặc xung đột với bất kỳ người nào, mà suy cho cùng là do tập tánh của chúng ta có xung đột và mâu thuẫn với tự tánh của chính mình. Học tập Thánh Hiền chính là làm cho tập tánh của chúng ta quay trở về tự tánh, không còn có xung đột, mâu thuẫn. Chúng ta trước tiên cần hỏi chính mình có thực sự muốn học tập giáo huấn của Thánh Hiền hay không. Nếu như thực sự muốn nâng cao bản thân thì đối với hết thảy pháp đều dùng tâm cung kính mà cầu, gọi là: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Nếu không có tâm chân thành, cung kính sẽ không học được thứ gì, đều là cái học nông cạn, học cái văn chương ở bề mặt. Thế nào là chân thành? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên có một câu chú giải rất hay: “Chân tức là không vọng”. Vọng chính là tâm hư giả, “thành tức là một niệm không sanh”, không có cái tâm tạp niệm, không nghĩ cái này, cái kia. Chúng ta muốn tận hiếu với cha mẹ thì đừng nghĩ đến điều gì khác, chỉ một mực làm là được. Nếu như lại nghĩ thế này thế kia, nghĩ em trai mình thế này, chị gái mình thế kia thì chính mình sẽ không làm được. Rồi lại nghĩ tiếp xã hội này như thế nào? Tổ tiên có một câu giáo huấn rất hay: “Không thấy lỗi của người”. “Nếu chân thật là người tu đạo, không thấy lỗi của người. Nếu nhìn thấy lỗi người thì chính mình cũng sai”. Đây là câu nói của Lục Tổ Huệ Năng. Bạn đã nhìn thấy lỗi lầm của người khác chưa? Nói thật ra nếu như không thấy trừ phi là mù mắt, hoặc là người vô tri. Người đó rõ ràng đã phạm lỗi mà bạn nói là không nhìn thấy. Mắt đã nhìn thấy nhưng trong tâm không hề động chút ý niệm. Bất luận là cha mẹ hay là người bên cạnh, đối với những lỗi lầm mà họ đã phạm, đừng để tâm của mình bị tác động, hễ động tâm thì phiền phức rồi. Chính mình cũng không cần đi phan duyên, cứ muốn đi giúp đỡ người, kỳ thực người cần giúp nhất là chính mình. Thử hỏi chính mình xem đã thành Thánh, thành Hiền chưa? Nếu chưa thì bạn rất “nghèo” đấy. “Lúc nghèo cùng thì hãy lo hoàn thiện bản thân” là tốt rồi. Nếu người khác chạy đến trước mặt nói: “Anh nhất định phải giúp tôi!”. Vậy được! Chúng ta tận hết bổn phận của chính mình, cũng chẳng có gì gọi là giúp, chỉ chia sẻ với họ một chút tâm đắc của chính mình. Ngay cả tôi đây cũng không phải là cô giáo của các bạn. Tôi chỉ chia sẻ tâm đắc của tôi với mọi người. Chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ. Không dám xưng hô là “lão sư”, không xưng nổi từ “lão”, cũng không dám gọi là “sư”, hai chữ này đều không dám làm. Tự mình học tập làm sao có thể đặt lỗi lầm của người khác qua một bên, học tập cư sĩ Hứa Triết 113 tuổi của Singapore. Mọi người hỏi bà khi nhìn thấy lỗi của người khác thì làm thế nào? Bà trả lời rằng: “Thì giống như đang đi trên đường vậy, xung quanh có rất nhiều người qua lại, bạn nói tôi đã nhìn thấy, ừ thì có nhìn thấy, bạn hỏi có lưu lại ấn tượng gì không, người ấy như thế nào, đều không lưu lại thứ gì cả, không biết gì hết”. Toàn tâm, toàn lực đặt vào chính mình, đặt vào việc trưởng dưỡng đức hạnh của chính mình. Nếu như cả ngày nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì “chính mình đã sai rồi”, bản thân mình đã bắt đầu đọa lạc rồi. Vì vậy, tâm chân thật, cung kính, khiêm nhượng chính là từ “không thấy lỗi người” mà bắt đầu, từ “hiếu thuận cha mẹ” mà bắt đầu, từ việc không nhìn thấy lỗi của cha mẹ. Sau đó mở rộng ra, không thấy lỗi của chồng, rồi lại dần dần mở rộng ra một chút nữa, không thấy lỗi của cha mẹ chồng, mở rộng ra nữa không nhìn thấy lỗi của anh chị em chồng, rồi lại mở rộng ra đến sau cùng bạn không còn nhìn thấy lỗi của bất kỳ người nào nữa thì bạn đã thành Thánh Hiền rồi đó. Cho nên, có thành Thánh Hiền hay không thì chính mình biết rõ nhất, nếu như vẫn nhìn thấy lỗi của người thì vẫn là phàm phu tục tử, vẫn cần phải tiếp tục tu học.
TIÊN NHÂN HẬU KỶ
Thứ tự trước sau được nói ở đây chính là quá trình cầu đạo. Trong sách “Đại Học” có nói: “Sự có gốc ngọn, vật có trước sau, hiểu thứ tự trước sau tức gần với Đạo vậy”. Thế nào là gốc ngọn của sự, trước sau của vật? Làm người tận hiếu, giữ vẹn nhân nghĩa, đây là cái gốc, đây là điểm khởi đầu. Cái gốc của làm việc chính là “hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ” (làm việc không thành thì xét lại chính mình), đây là gốc, là điểm khởi đầu của làm việc. Bất luận là làm người hay làm việc đều biết nghĩ cho người khác, đứng ở góc độ của đối phương mà cân nhắc thì mới không bị tình trạng gốc ngọn điên đảo.
Giáo dục của Thánh Hiền là gì? Chính là buông xuống bản thân, toàn tâm, toàn ý suy nghĩ cho người khác. Nhìn lại thì cũng được hết thảy những người xung quanh lo nghĩ cho mình. Họ lo nghĩ còn chu đáo hơn chính mình lo cho bản thân. Có thể lúc mới bắt đầu làm sẽ gặp một chút chướng ngại, nhưng tôi tin rằng nếu như mọi người kiên định tín niệm, kiên trì không mỏi mà làm thì nhất định có được thu hoạch. Mỗi ngày phản tỉnh, phản tỉnh xem mình làm việc có phải là vì chính mình hay không, có khi nếu không vì cái danh của mình thì cũng vì cái lợi của bản thân. Rất nhiều giáo viên văn hóa truyền thống không vì danh, cũng chẳng vì lợi, thế nhưng cũng phải nghĩ thử xem phải chăng cũng đang vì dục vọng nào đó của mình và tập tánh nào đó của chính mình, nếu như còn có như vậy thì cũng là vì chính mình. Cho nên, chữ “buông” này càng về sau càng khó làm được, lúc mới đầu rất dễ buông, rất dễ dàng buông những thứ thô, càng về sau những thứ càng vi tế, càng ẩn kín thì càng khó buông. Thế nên, mọi người trong lúc học tập cần phải không ngừng đề khởi chí hướng.
HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ
Ở đây nói về thiện ác, đối với thiện ác cần có lý niệm rõ ràng. Phía trước đã nói với mọi người thiện là gì rồi. “Khiêm nhường, cung kính, người trước mình sau” là thiện, ngược lại chính là ác. Thế nên, định nghĩa về thiện ác trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng giống với chúng ta ở đây nói. Đó chính là gì vậy? Vì người khác chính là thiện, vì chính mình chính là ác. Đây chính là định nghĩa căn bản về thiện ác. “Hữu thiện mạc danh” ý nói làm thiện mà muốn người khác biết thì không phải chân thiện, làm ác mà sợ người biết đến là ác thật sự. Làm một chút việc tốt, rất muốn được người biết đến, điều này không thuộc về điều thiện thực sự. Bạn tạo ra một chút việc ác, sợ người khác biết đến thì thực là cái ác thật sự. Chúng ta ở nhà làm việc cũng như vậy, ví dụ chúng ta làm nội trợ, khi chồng đi làm về thì kể cho chồng biết hôm nay chúng ta đã làm bao nhiêu việc, nấu cơm ra sao. Nếu như làm cơm mà chồng không khen ngợi, không có người biểu dương thì không còn tinh thần nấu cơm nữa, không muốn làm tiếp nữa. Phòng ốc dọn dẹp sạch sẽ mà không có người khen thì không muốn dọn dẹp nữa. Trên thực tế, điều này vẫn là tự lợi, làm vì chính mình, kỳ vọng được tán thán. Đây chính là tâm danh văn lợi dưỡng. Thiện chân thật là như thế nào? Không nghĩ đến bất kỳ điều gì, cũng không hy vọng đạt được bất kỳ hồi báo nào, làm là làm thôi, làm xong thì quên hết, quên hết những việc đã làm, quên hết đã làm cho ai, và cũng quên luôn mình là người đã làm việc này. Từ trong ra ngoài đều buông xuống sạch sẽ, khiến trong tâm mỗi ngày đều trong suốt, giống như một hồ nước trong có thể phản chiếu rõ ràng cảnh vật bên ngoài. Đây chính là trí tuệ. Trong lòng nếu suy nghĩ quá nhiều thì giống như mặt nước hồ bẩn, rất khó phản chiếu cảnh vật bên ngoài. Lúc hành thiện cần phải biết tri ân báo ân. Lời dạy xưa có nói: “Ân đức dù là giọt nước, cũng xin báo đáp cả suối nguồn”. Thế nhưng người hiện nay đối với sự việc đã qua thì quên ân trời biển, còn điều lỗi như giọt nước lại ghi nhớ rất rõ ràng. Việc này cũng không có gì kỳ lạ, đó là do tập tánh của con người, vừa khởi ý niệm thì nghĩ ngay đến cái tốt của mình và cái xấu của người. Thế nên, khi xảy ra vấn đề thì: “Tôi đối với anh ta tốt như vậy, anh ấy lại đối với tôi không tốt”, những việc này nên quên đi. Thế nên, con người cần học cảm ân, thời thời khắc khắc giữ tâm cảm ân, đặc biệt là cảm ân những người đã mang lại nghịch cảnh cho bạn. Bạn cần hiểu rằng có thể có được phước báo của ngày hôm nay, địa vị của ngày hôm nay, những phước này đều từ nghịch cảnh mang đến. Phước báo do thuận cảnh mang đến không lớn, từ nghịch cảnh mang đến mới lớn, càng cho bạn nghịch cảnh thì càng cho bạn sự khảo nghiệm, bạn càng âm thầm tiếp tục làm và nhận chịu thì càng tích lũy được phước báo. Vì vậy, bản thân vừa học vừa phản tỉnh lại chính mình. Phước báo của mình là do những người xung quanh mang nghịch cảnh đến, đặc biệt là người thân mang đến. Bạn âm thầm làm trong mười mấy năm, hai mươi mấy năm thì con đường nhân sinh của bạn sẽ ngày càng xán lạn.
Nếu muốn hiểu rõ thiện và ác, tốt nhất nên nghiêm túc học tập “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Đây chính là giáo dục cắm rễ quan trọng. Thiện ác nằm trong mỗi một việc nhỏ trong cuộc sống chứ không nhất định là những việc lớn. Tất cả thiện đều cần phải phụng hành, hết thảy điều ác cần phải tránh xa. Đây chính là Nữ Đức. Đối với các sự việc trong gia đình, cần nghiêm túc thực hiện tứ đức của phụ nữ là: phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. Ví dụ như bạn trang điểm rất đoan trang, chỉnh tề, không phản cảm, không hở hang, không khêu gợi tà tư tà niệm của người khác phái thì đây chính là thiện. Nếu như bạn nói chuyện khéo léo đúng mực, không nói lỗi người, không nói chuyện hay dở của người, khiến miệng của mình xa lìa thị phi, thì đây cũng là thiện. Thậm chí việc bạn dạy con cái của mình không được lãng phí một chút nước, một chút điện, việc nhỏ như vậy cũng là thiện. Thế nên, làm việc thiện không phải là quyên bao nhiêu tiền mà thiện và ác là ở trong từng việc nhỏ mỗi ngày, gọi là “thiện không tích thì không đủ thành danh, ác không tích thì không đủ diệt thân”, phải hiểu đạo lý này.
NHẪN NHỤC HÀM CẤU
Cái nhẫn này gồm có ba thứ lớp:
Trước tiên phải nhẫn cái miệng, việc này quan trọng nhất. Chúng ta thường hễ không cẩn thận là không nhẫn được cái miệng. Tôi cũng thường nhẫn được hồi lâu rồi cũng buột miệng nói ra, vừa hay lại có người đến dẫn dụ tôi nói ra một tràng rất sướng miệng, nhưng nói xong rồi thì thực sự cảm thấy rất hối hận. Đây là do thiện căn của chính mình không sâu dày, lực tu dưỡng không lớn, sức định không đủ, nếu đủ định lực thì dù cho có ai dụ hoặc cũng không nói. Đây là sự tu dưỡng tối căn bản trong việc làm người.
Thứ hai là nhẫn được sắc, về việc này tôi tu cũng rất kém, hễ gặp phải người tôi không muốn nhìn thấy, nghe thấy những điều tôi không muốn nghe thì mặt sẽ không nén được giận, do trong lòng còn có phân biệt tốt xấu nên trên mặt mới bị cảnh giới xoay chuyển, mặc dù miệng không nói ra nhưng trong lòng thì có. Cái nhẫn này là nhẫn nhưng không chuyển hóa được, nội tâm vẫn không chuyển hóa được nên trong thân thể thường xảy ra đau bệnh.
Sau cùng là nhẫn trong tâm, không những nhẫn trên miệng, nhẫn trên dung mạo sắc mặt mà tâm niệm cũng không động, thậm chí không có cảm giác nhẫn chịu. Căn bản đều không xem việc này là nghiêm trọng thì đây mới chân thật là cảnh giới cần tu học của chúng ta. Làm phụ nữ thì cần có công phu như thế nào? Việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không, trong lòng chuyển hóa thành không. Hiện nay thì ngược lại, không có việc gì thì làm thành việc nhỏ, việc nhỏ làm thành việc lớn, việc lớn làm cho nó càng lớn hơn, sau cùng trời long đất lở dẫn đến li hôn. Thật là đáng sợ!
Hết thảy nhẫn nại là gì? Là trong tâm có độ lượng, có ba tầng độ lượng:
Thứ nhất phải biết khoan dung người khác. Thế nào là khoan dung người khác? Ít nhất cần có thể nhẫn nhịn người khác, cho dù họ hoàn toàn sai lầm, không đúng chỗ nào, không có lý gì cả, nhưng mình nhẫn nhịn được, không cần tranh luận lôi thôi với họ. Ở nhà và ở công ty bạn gặp phải rất nhiều sự việc như thế, đều cần phải có thể nhẫn nhịn. Nếu chỉ là nhẫn nhịn không thì tuyệt đối không được. Bạn muốn nâng cao chính mình mà chỉ đơn thuần nhẫn nhịn không thôi thì sẽ khiến bản thân nhẫn nhịn thành bệnh, học Nữ Đức học thành bệnh, nén vào trong thì không được.
Thứ hai là bao dung. Bao dung là thế nào? Đó là có thể đứng ở vị trí của đối phương mà nghĩ. Bao dung chính là đổi vị trí suy nghĩ. Bạn có thể đứng ở góc độ tuổi tác của họ, kinh nghiệm làm việc của họ, đặc điểm tính cách của họ thì có thể hiểu được vì sao họ làm như thế. Bạn sẽ cảm thấy họ ăn nói và làm việc như vậy là bình thường, không cần tức giận với họ.
Tầng thứ ba cao nhất chính là không còn có gì gọi là đúng sai cả. Chính là đứng ở góc độ nhìn nhận vấn đề của họ, không cần quá xét nét người khác. Giống như một chậu nước, nhìn thấy trong nước mặt của mình là tròn. Nếu như lấy một cái ly hình bầu dục, bạn nhìn mặt của mình lần nữa thì ảnh bên trong sẽ là hình bầu dục. Vật chứa bên ngoài không như nhau, là chậu, là ly, nhưng mặt của chúng ta không thay đổi. Cho nên, trong lúc học khiêm nhường chỉ cần chú ý đến việc tu dưỡng đức hạnh trong nội tâm của chính mình là được, không cần xét nét đến người khác.
Trong quá trình hoằng dương văn hóa truyền thống, tôi đã bị rất nhiều chê trách. Lúc ban đầu tôi không hiểu nổi, tôi rõ ràng là nghĩ như thế này, làm việc với tâm nguyện như thế này vì sao người khác lại nói tôi như vậy. Rất tủi thân, tôi đã khóc, cũng đã đau lòng. Sau đó hai lỗ tai tôi không còn nghe chuyện bên ngoài cửa sổ nữa, người khác muốn nói gì thì nói. Bản thân mỗi ngày xét lại chính mình, âm thầm gột rửa bụi bặm trần cấu của tâm linh, thanh tịnh thân khẩu ý của chính mình. Mỗi ngày làm bạn với Thánh Hiền, đọc sách thiện, nghe thiện tri thức giảng, có duyên thì đi làm việc lợi ích cho đại chúng, lúc làm thì không nên quá để ý đến cách nhìn của người khác, nếu quá để ý đến thì có lúc sẽ không nhẫn được phiền não trong nội tâm của mình, như vậy thì không phải là làm thiện với tâm thanh tịnh. Nếu như có người nói bạn, bạn cảm thấy vẫn có thể nhẫn được. Mười người nói, bạn vẫn chịu được. Nếu như một ngàn người chỉ trích việc làm của bạn thì có thể bạn không chịu nổi. Bởi vì bạn vẫn chưa tu luyện đến cảnh giới của Thánh Hiền nên bị ngã đổ thôi. Phương pháp tốt nhất là không nghe, không cần nhẫn, bản thân vẫn cam tâm tình nguyện làm tiếp tục. Làm thế nào để có được hạt ngọc trai, hạt cát chui vào bên trong con trai, vốn dĩ nó là hạt cát, con trai nghĩ mình có đuổi cũng không đuổi nó đi được, chi bằng hãy bao dung nó, sau đó con trai không ngừng bao dung, cuối cùng bên trong người nó đã hình thành nên hạt ngọc trai. Bản thân chúng ta cũng vậy, nếu như có duyên gặp phải những sự việc, hoặc những người mà cả đời không thể nào tránh né được, ví như không thể trốn tránh được cha mẹ, con cái, bạn bè người thân, vậy thì những ký ức mà họ đã mang đến cho bạn, bạn hãy nuôi dưỡng chúng trở thành những hạt ngọc trai bên trong tâm mình là được rồi.
Ở đây có câu chuyện tôi xin chia sẻ với mọi người, nói về Quý Tử, là Quý Tử trong bách gia chư Tử thời cổ đại. Có một lần môn khách của Quý Tử tiến cử cho ông một vị khách, sau khi vị khách đó rời khỏi, Quý Tử nói với môn khách rằng: “Người mà anh dẫn đến có ba điều lỗi: Nhìn thấy ta là cười biểu hiện của sự ngạo mạn. Nói chuyện với ta không xưng là “lão sư” biểu hiện của vi phạm lễ tiết. Giao hảo giữa ta và người đó chưa thân mà cách nói chuyện lại thân thiết biểu hiện của việc nói chuyện thiếu chừng mực”. Kết quả, môn khách của ông cũng rất có tầm nhìn, đã phản bác lại rằng: “Người đó nhìn ngài mỉm cười vì đây là thói quen chung của mọi người. Nói chuyện với ngài mà không xưng ngài là “lão sư” là biểu hiện của học thức uyên bác. Mới quen mà nói chuyện thân mật là biểu hiện của người trung thành”. Bạn thấy hai người khác nhau cùng nhìn nhận một sự việc thì sẽ có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Ở đây tôi muốn nói lên điều gì? Chúng ta muốn tu đức khiêm tốn, muốn tu Nữ Đức thì bản thân mình làm là được rồi, người khác có nói thế nào cũng không cần để ý. Chúng ta dùng tâm chân thành, chân thật cắm gốc từ trên đạo lý học vấn, mỗi ngày cảm nhận thể hội từ trong Kinh điển, rồi thực hành trong cuộc sống. Sự nâng cao này người khác không thể nào hiểu được, nhưng bản thân có thể đạt được học vấn chân thật.
THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ
Ở đây có nghĩa là bản thân thường có tâm hổ thẹn và tâm nơm nớp lo sợ thì mới có thể chân thật gìn giữ được phước báo và phước phần của chính mình. Cổ ngữ có câu: “Người không lo xa, ắt có buồn gần”. Người xưa thường cho rằng nguy hiểm nhất là điều gì? Người ở địa vị cao mà không có đức hạnh, điều này rất nguy hiểm. Người có lộc lớn mà không có đức hạnh thì điều này cũng rất nguy hiểm. Nếu có gia nghiệp rất lớn mà trong nhà không có đức hạnh cũng rất nguy hiểm. Dù biến đổi thế nào nhưng bản chất vẫn luôn không đổi, nên khi có danh tiếng lẫy lừng thì phải phản tỉnh trở lại đức hạnh của chính mình, mỗi ngày đều xét lại bản thân. Nếu như không có đức hạnh thì chúng ta sẽ không gánh nổi phước báo lớn, rất nhiều thứ sẽ dễ dàng bị thất thoát. Tôi xin kiến nghị mọi người hãy chân thật học tập “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Trong chương thứ tư của sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói đến lợi ích của đức khiêm tốn. Nói một cách khác là bạn biết được phương pháp để lập mệnh, biết làm thế nào thay đổi vận mạng, sau đó cũng biết làm thế nào để sửa lỗi tích thiện. Tuy nhiên, nếu như bạn không biết hàm dưỡng đức khiêm tốn thì tất cả nước trong sông hồ cũng không thể đổ đầy cái ly bị thủng được, sẽ bị chảy ra hết. Thế nên, chỉ có không ngừng hàm dưỡng đức hạnh khiêm tốn của chính mình thì mới có thể giữ được công đức của việc sửa lỗi và tích thiện. Trong sách “Thượng Thư” lại nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, làm người nhất định không được kiêu ngạo, trái nghĩa của khiêm tốn là ngạo mạn. Thái độ ngạo mạn có nhiều cách biểu hiện, không hẳn là cách nói chuyện kiêu ngạo, ăn nói không kiêng nể, trong mắt không có ai, loại ngạo mạn đó là ngạo mạn dạng thô thiển bề ngoài. Loại ngạo mạn đáng sợ nhất trong xã hội hiện nay là gì? Đó là biểu hiện vẻ ngoài rất nho nhã, người khác nhìn không thấy sự ngạo mạn, nhưng trong lòng không coi hết thảy mọi người, mọi vật ra gì, nhất là khi người đó có địa vị, học thức, phước báo nhất định nào đó. Người khác quả thật không nhìn ra còn cảm thấy người đó thật khiêm tốn, văn nhân nho nhã. Người đó trước giờ chưa từng xét lại bản thân, tự hỏi bản thân rằng mình có phải là người ngạo mạn hay không? Loại ngạo mạn này rất dễ hại người. Thế nên ngạo mạn là tật xấu căn bản nhất của con người, rất khó trừ bỏ.
Trong quá trình học tập của mỗi người hiện nay, chúng ta mỗi ngày nên tự hỏi chính mình có ngạo mạn hay không, cách nói chuyện thế này có ngạo mạn hay không, suy nghĩ kiểu này có ngạo mạn hay không, làm việc thế này có ngạo mạn hay không. Có thể buông xuống học lực, danh vọng, địa vị gia đình, tài phú, dung mạo của bản thân mà thời thời khắc khắc dùng tâm khiêm tốn để đối người, tiếp vật hay không. Nếu như không thể buông xuống thì dù khởi một ý niệm ngạo mạn rất nhỏ bé cũng giống như nhỏ một giọt mực vào chậu nước trong veo của cuộc đời bạn, cho dù chỉ nhỏ một giọt thôi nhưng trong chốc lát nước trong sẽ chuyển thành đen. Thế nên, sự ngạo mạn của con người giống như thức ăn trên khay, bản thân luôn cố sức làm đầy nó. Hôm nay ta cảm thấy học vấn của chính mình rất tốt, đã làm rất nhiều việc cho nhân viên, đã làm rất nhiều việc cho xã hội, địa vị của mình, danh vọng của mình đều đang góp phần làm đầy khay thức ăn đó. Đập vào mắt là một khay thức ăn cao chót vót, đến nỗi không nhìn thấy con đường trước mắt, lời nói của người khác hoàn toàn không nghe lọt tai, đến lúc đó thì quả thực là hết thuốc chữa. Có câu: “Nghe người khuyên thì mới ăn no”, người hiện nay không nghe khuyên, khuyên càng hăng thì họ sẽ bỏ chạy. Vì vậy, đối với người ngạo mạn không cần nói với họ, làm như vậy có trí tuệ.
Ti nhược là một chương rất quan trọng, ngược lại với ti nhược chính là ngạo mạn. Chương ti nhược này nếu như bây giờ học cũng được, sau này học cũng được, chỉ cần có thể học thấu suốt thì sẽ được lợi ích. Đây là chủ đề mà có nói mỗi ngày cũng không có gì là quá đáng. Tôi có một giai đoạn không học tập, không phản tỉnh chính mình, tâm ngạo mạn liền dấy khởi. Thế nên, chúng ta thời thời khắc khắc phải giữ gìn cảnh giác, ngạo mạn vừa chớm khởi lên thì phải dập tắt nó, nếu không ngăn chặn, nó sẽ phát triển rất nhanh.
TI NHƯỢC HẠ NHÂN DÃ
Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có một câu nói: “Không dám đứng trước thiên hạ”. Thế nào là “không dám đứng trước thiên hạ”? Ví dụ khi chúng ta đi đường thì nhường cho người đi trước, bạn đi sau cùng, không nên chen lấn. Khi người khác muốn chụp chung ảnh với một vị thầy, một vị đại đức nào đó thì bạn nên tạm lui ra sau. Hãy thường nhắc nhở trong tâm có thể đặt mình vào vị trí thấp nhất được hay không, hễ nghĩ đến câu “không dám đứng trước thiên hạ” này thì bạn liền hiểu rõ. Nếu bạn nghĩ mình không có đức hạnh gì, không có học vấn gì, không có điều gì đáng được khen ngợi, quả thực là nhỏ bé không đáng nhắc đến thì dần dần bạn sẽ buông xuống được toàn bộ.
Chúng ta trong lúc học tập “Nữ Giới” cần chú ý bảy chương trong sách “Nữ Giới” đều giảng về lý, thế nhưng chúng ta nhất định không được chấp vào lý mà phế bỏ sự. Nếu như chúng ta chấp lý bỏ sự, xem thường những việc nhỏ không làm thì sẽ rất phiền phức. Nhất định phải đem lý áp dụng vào mặt sự, khiến lý sự viên dung, không có chướng ngại. Nếu không thể thực hiện được đạo lý này vào trong thực tế cuộc sống thì lý và sự có chướng ngại rồi, bạn đã học không đúng rồi. Trước tiên, giữa đạo lý và đạo lý với nhau không có chướng ngại, như “Nữ Giới” và “Nữ Luận Ngữ” cùng tất cả Kinh điển về Nữ Đức đều tương thông về mặt lý, là cùng một đạo lý. Chúng ta làm việc cũng như vậy, việc nhà, việc công ty, thậm chí là việc lớn trong thiên hạ, những việc này đều tương thông, cũng là một sự việc. Bạn xử lý việc nhà như thế nào thì cũng xử lý việc trong công ty như vậy. Lão Tử nói: “Trị đại quốc như nấu nồi cá nhỏ”. Ở nhà làm thế nào xào rau thì cũng như thế ấy mà trị quốc, đây là cùng một đạo lý. Về mặt lý và sự phải làm cho thông. Nếu lý và sự không thông thì làm sao? Trong “Đệ Tử Quy”, chúng ta cũng có học rằng: “Không gắng làm, chỉ học văn. Chỉ bề ngoài, thành người nào. Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”. Nếu chỉ đơn thuần học văn hoặc đơn thuần thực hành thì đều sẽ có vấn đề. Những điều nói trong “Đệ Tử Quy” vô cùng tốt, bao gồm cả lý lẫn sự, chúng ta không nên chấp sự mà không rõ lý. Tôi cứ một mực làm trên sự, đã làm rất tốt. Người trong ngoài nhà đều khen tôi là một người con dâu tốt, người vợ tốt, người mẹ tốt, nhưng về mặt lý thì sao? Tôi xem thường không học. Nên đã thế nào? “Mù lẽ phải”. Nếu bạn mơ hồ về mặt lý thì trên mặt sự ắt sẽ có chướng ngại. Thế nhưng khi so sánh hai mặt với nhau thì chẳng thà chấp sự bỏ lý, chứ đừng chấp lý bỏ sự. Tức là về mặt sự không chịu đi làm nhưng đạo lý thì hiểu rất thông, như thế không được. Chúng ta hiểu đạo lý rồi thì cần phải làm trên mặt sự.
VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ, CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ, SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ, SỰ VỊ CHẤP CẦN DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ nên thức khuya dậy sớm, không vì sự vất vả ngày đêm mà có tâm sợ khó, tự tay chăm sóc lo liệu việc nhà. Dù là việc hệ trọng hay giản đơn cũng đều kiên nhẫn xử lý từ đầu đến cuối. Cẩn thận thâu vén sắp xếp mọi việc cho được chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ. Nếu có thể thực hành không mỏi, tức đã tận được đạo chuyên cần rồi vậy)
Đoạn này có nghĩa là tối ngủ trễ, sáng dậy sớm, không sợ vất vả, từ sáng đến tối đều lo liệu việc nhà, mỗi ngày dù là làm những việc vặt nhỏ nhưng đều xử lý chúng thật ngăn nắp chỉnh tề, đây chính là hàm nghĩa của chữ cần lao. “Túc” có nghĩa là buổi sáng, “tư sự” là chỉ cho những công việc vặt, “kịch” chỉ cho những việc rất hệ trọng, “dị” chỉ những công việc đơn giản, những công việc trong nhà bao gồm những việc đơn giản như nấu cơm, quét nhà cho đến những công việc hệ trọng. Tôi nhớ khi vừa mới kết hôn, nhà tôi ở tầng sáu, khi đổi bình gas, vác lên lầu rất khó khăn. Chúng tôi dọn nhà ba lần, lần đầu dọn nhà cho hết đồ vào hai mươi mấy cái rương. Đến lần thứ hai, tôi suy nghĩ làm cách nào để giảm bớt số rương xuống, nhưng mỗi lần đều không thể bớt số sách được, bởi vì sách chiếm một phần rất lớn. Tôi cảm thấy dọn nhà là một việc thuộc về “kịch”, có nghĩa là nghiêm trọng. “Dị” là những việc rất đơn giản, ví dụ như chúng ta mỗi ngày đều nấu cơm, giặt đồ. Mỗi ngày bất luận là việc đơn giản hay hệ trọng trong nhà, chúng ta đều không được thoái thác, đều kiên trì làm. Những công việc như thế này đều nên hoàn thành trong ngày, việc trong ngày thì xong trong ngày. Sau khi làm xong đều phải dọn dẹp cho sạch sẽ, ngăn nắp, như vậy gọi là “chấp cần chi đạo”, cần là cần kiệm. Đoạn này chính là sự tiến thêm bước nữa trong việc thực hành sự khiêm hạ trong gia đình.
Ba phương diện này, một cái nói về thể, khiêm hạ chính là tánh thể, tâm tánh của chúng ta. Cái thứ hai nói về tướng, về mặt sự tướng cần phải làm những việc này. Cái sau cùng là dụng, là có thể kế thừa việc tế tự, cũng chính là có thể truyền thừa lại cho đời sau, không hổ thẹn với Tổ tiên. Đây là điểm quan trọng nhất. Bạn làm ra một đống việc nhưng không thể nuôi dạy ra một đứa con tốt, bận rộn làm việc nhà, cho dù bạn làm cơm có ngon đến đâu nhưng con của bạn lại là đứa chẳng chịu làm việc gì, là kẻ ham ăn nhác làm thì cũng vô dụng. Thế nên ba phương diện này đều có thứ lớp từ trong ra ngoài là: thể, tướng, dụng.
Còn chữ “cần” thì giải thích ra sao? Chúng ta có rất nhiều ví dụ về việc này, trong sách “Tiến Học Giải” của Hàn Dũ có câu: “Sự nghiệp tinh thông bởi do cần, hoang phế bởi do đùa bỡn, thành tựu do biết suy nghĩ, hủy hoại do tùy tiện”. Lại còn có câu: “Thiên đạo thù cần” (đạo trời vun bồi cho người cần kiệm).
VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ
Trong phần “Tảo tác” của sách “Nữ Luận Ngữ” có nói phụ nữ nhất định phải thức dậy sớm, không được ngủ đến lúc mặt trời lên cao ba ngọn tre mới thức dậy. Chúng ta thấy phụ nữ hiện nay dường như không có mấy người thức dậy sớm, đặc biệt là các cô thiếu nữ, lười biếng ngủ cho đẫy giấc, vì ban đêm thức khuya lên mạng chơi game, xem phim truyền hình, đi quán bar với bạn bè, hoàn toàn trái ngược với thiên thời, trái ngược thiên đạo. Sự vận hành của cơ thể của con người trong hai mươi bốn giờ tương ưng với bốn mùa trong năm. Bốn mùa của một năm là xuân, hạ, thu, đông, thì hai mươi bốn giờ trong một ngày cũng có giờ mùa xuân, giờ mùa hè, giờ mùa thu và giờ mùa đông:
- Giờ mùa xuân là từ ba giờ sáng cho đến chín giờ sáng. Mùa xuân vạn vật bắt đầu sinh trưởng, nếu bạn không cho chúng sinh trưởng mà nằm đó ngủ thì sẽ luống qua mùa sinh trưởng. Bạn cứ để lỡ hết lần này đến lần khác, toàn bộ đều sẽ luống uổng.
- Từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều là mùa hạ, mùa hạ là mùa phát triển trưởng thành, bạn cần phải làm việc.
- Từ ba giờ chiều cho đến chín giờ tối là mùa thu, bắt đầu thu hoạch.
- Từ chín giờ tối đến ba giờ sáng là mùa đông, bạn cần ngủ nghỉ vì mỗi một bộ phận trong cơ thể đều tiến vào giai đoạn miễn dịch trao đổi chất, gan, phổi, thận đều theo thứ tự tiến hành thải độc. Nếu bạn không để cho chúng thải độc, không cho chúng nghỉ ngơi mà lại bắt chúng làm việc thì chúng sẽ bị rối loạn.
Ngoài ra, việc thức dậy sớm còn giúp cho phụ nữ buông xuống tâm dâm dục. “Ấm no nghĩ đến dâm dục”, ăn no rồi, mặc ấm rồi, cộng thêm ngủ dậy muộn, nuôi dưỡng mấy thứ này thì tâm dâm dục sẽ khá nặng. Phụ nữ nếu như tâm dâm dục nặng thì nhất định sẽ không nghĩ đến cần, đến kiệm. Tâm ái mộ hư vinh, kiêu ngạo, xa xỉ, dâm dục nặng thì gia đạo sẽ bại hoại. Ông Tăng Quốc Phiên đã từng nói rằng gia đạo suy bại là do xa xỉ, phóng dật, người thất bại do bởi kiêu ngạo mà ra. Mỗi câu giáo huấn của Tổ tiên đều chỉ ngay trọng điểm, đều đang nhắc nhở chúng ta, chứ không chỉ đơn giản mang ý nghĩa trên bề mặt là bảo bạn đừng ngủ dậy muộn, dậy sớm mới tốt, mà nó còn có đạo lý rất sâu xa ở bên trong. “Bất đạn túc dạ” có nghĩa là phải có tâm chuyên cần dài lâu, từ sáng đến tối cứ vậy mà làm, làm cả một đời. Chẳng phải nói lúc mới kết hôn làm rất nghiêm túc, làm được ba ngày, càng về sau càng phóng túng, không phải như vậy, mà từ đầu đến cuối đều gìn giữ được bản tính cần lao, từ sáng đến tối tâm phải niệm niệm ghi nhớ điều này. Đó chính là “hằng tâm” (tâm bền lâu). “Hằng tâm” rất quan trọng, nếu không có “hằng tâm” tức không có “thường đạo”.
CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ
(Tạm dịch: không vì sự vất vả ngày đêm mà có tâm sợ khó, tự tay chăm sóc lo liệu việc nhà)
Câu này nói về tâm nhẫn nại, chịu khó. Phụ nữ nếu có tâm nhẫn nại, chịu khó thì từ việc may vá, thêu thùa cho đến những việc nặng trong gia đình, khi không có nam giới bên cạnh, bạn vẫn gánh vác được, cần có tâm nhẫn nại chịu khó này, không nên oán trách, than thở. Chúng ta xem trong “Liệt Nữ Truyện” có câu chuyện về vợ của Hoàng đế thời cổ là Đại Vũ. Đại Vũ mới kết hôn đã rời khỏi nhà, bắt đầu đi trị nạn nước lụt. Chúng ta đều biết Đại Vũ ba lần đi ngang nhà mà không vào. Con của ông là Khải hoàn toàn do vợ ông bồi dưỡng, dạy dỗ khôn lớn thành người. Câu chuyện này tôi xem đi xem lại mười mấy lần. Vợ của ông tên là Đồ Sơn Thị, không hề oán than. Những việc ăn, uống, ngủ nghỉ, việc trong ngoài nhà toàn bộ đều do chính tay Đồ Sơn Thị gánh vác. Bất kể là việc lớn, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ bà đều giáo dục Khải rất tốt. Thế nên, sau khi Khải khôn lớn thành người, dân chúng đề cử Khải kế thừa sự nghiệp của Đại Vũ, bởi vì họ không tìm ra được người hiền đức hơn Khải. Từ đó về sau mới bắt đầu hình thành truyền thống cha truyền con nối trong lịch sử Trung Quốc. Càng truyền về sau thì càng không ra thể thống gì bởi vì không có người mẹ tốt bồi dưỡng ra người con Thánh Hiền như Khải.
Thế nên, người làm mẹ, làm vợ cần có cái tâm mong muốn thành tựu sự nghiệp lớn bên ngoài của chồng, cần có năng lực lo liệu hết thảy mọi việc trong ngoài gia đình. Nếu như bạn để cho chồng phải tiêu hao một phần tinh lực vào việc gia đình thì sự nghiệp của anh ấy sẽ tụt hậu một phần. Bạn càng lôi kéo anh ấy vào việc gia đình một phần thì anh ấy sẽ thụt lùi một phần. Nếu như bạn lôi kéo một nửa đôi chân của anh ấy về giúp bạn làm việc trong nhà thì sự nghiệp của anh ấy sẽ suy giảm một nửa. Nếu như bạn hoàn toàn kéo anh ấy về nhà giúp bạn thâu vén thì anh ấy sẽ chẳng có sự nghiệp gì cả. Bản lĩnh nhỏ thì chỉ có thể duy trì sinh kế, kiếm tiền nuôi đủ miệng ăn mà thôi, không thể có sự nghiệp lớn. Sự nghiệp của người nam lớn hay nhỏ đều do tâm lượng của phụ nữ định đoạt.
SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ
(Tạm dịch: . Dù là việc hệ trọng hay giản đơn cũng đều kiên nhẫn xử lý từ đầu đến cuối. Cẩn thận thâu vén sắp xếp mọi việc cho được chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ)
Câu này có nghĩa là làm việc cần có tâm cẩn thận, tinh tế, phải có tâm kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, chịu khó, dụng tâm tinh tế mà làm việc. Ý nói tâm của phụ nữ vẫn có thể an định trong đời sống đơn điệu, không hâm mộ sự hào hoa, không ưa chuộng sự náo nhiệt, có thể định tâm ở nhà. Tâm không được bất định, hai ngày rồi chưa đi dạo phố thì trong tâm cảm thấy bồn chồn, ba ngày chưa cùng bạn bè đi ăn uống, trò chuyện thì cảm thấy khó chịu, mười ngày nếu như không đi ra ngoài vui chơi một chút, đi hát karaoke một chút thì sẽ cảm thấy khổ sở. Như vậy thì bạn vĩnh viễn không đạt được đạo.
Thế nên vào thời xưa rất nhiều phụ nữ mặc dầu không có học vấn tốt và kiến thức rộng như phụ nữ hiện nay nhưng đều rất đáng để chúng ta noi gương học tập. Họ đều có đức hạnh sâu rộng, được tuyên dương mãi cho đến ngàn năm sau. Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn còn có thể nghe thấy sự tích của các vị ấy, bởi vì họ có thể an phận nơi chốn khuê môn tu dưỡng đức hạnh của chính mình. Họ có hậu đức (đức dầy). Chúng ta nhìn khắp các phụ nữ trong thiên hạ thời nay xem có được mấy người dám nói rằng 3000 năm sau vẫn còn có người đọc câu chuyện về tôi. Đối với ca sĩ, diễn viên hiện nay thì mới thoáng chốc người ta đã quên họ rồi, không có người nghe bài họ hát nữa, toàn là kiểu thức ăn nhanh cả. Vì sao vậy? Vì không có cái gốc của đức hạnh làm nền tảng, không có chỗ nâng đỡ.
THỊ VỊ CHẤP CẦN DÃ
(Tạm dịch: Nếu có thể thực hành không mỏi, tức đã tận được đạo chuyên cần rồi vậy)
Câu này nói về đạo lý rất sâu. Nếu như có thể làm được chữ “cần” thì chính là câu mà Lão Tử nói: “Đài cao chín tầng bắt đầu từ đống đất nhỏ, hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”, bắt đầu từ từng chút việc nhỏ trong gia đình mà làm. Trước đây, chúng ta không hiểu Nữ Đức, không học Nữ Đức. Nhưng hiện nay gặp được cơ duyên này, biết đến sách “Nữ Giới”, còn có “Nữ Tứ Thư”, còn có những bài học về Nữ Đức, chúng ta cần phải tin tưởng vào lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền, hãy từ ngay đây mà làm, bắt đầu làm từ những việc nhỏ, “chớ chê việc thiện nhỏ mà không làm, chớ khinh điều ác nhỏ mà làm” thì nhất định có thể thành tựu. Thành tựu không phải ở thời gian dài hay ngắn, mà ở ngộ tính cao, quyết tâm lớn, nghị lực làm việc lớn. Có khi sự giác ngộ trong ba ngày của bạn còn lớn hơn việc học của tôi trong ba năm. Chương “Cẩn” trong “Đệ Tử Quy” cũng có nói về chữ “cần” này. Sách “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” cũng có viết: “Sáng sớm thức dậy, quét dọn sân vườn, để trong ngoài đều sạch sẽ”. Đây là câu đầu tiên trong phần mở đầu, cũng là nói việc trị gia bắt đầu từ việc sáng sớm thức dậy, quét dọn sân vườn, để trong ngoài đều sạch sẽ mà làm. Quét đất cũng giống như quét dọn mảnh đất tâm của mình vậy, dọn dẹp hết những cỏ rác bẩn thỉu trên mặt đất. Đây chính là ý nghĩa của chữ “cần”, mang hàm nghĩa “ngay ngắn, sạch sẽ”. Ở đây, tôi hy vọng mọi người học rồi thì hãy đi làm, lập tức thực hành, chứ đừng học rồi lại để qua một bên. Chúng ta học ra sao thì làm thế đó. Như vậy mới không uổng phí thời gian, mới không hổ thẹn đối với Tổ tiên. Tôi phát hiện rất nhiều người nghe giảng đều là như vậy, lúc nghe thì rất hăm hở, rất thích thú nhưng hai ngày sau thì ném sang một bên, vẫn sống những ngày ca múa vui vẻ. Làm như thế chẳng có ý nghĩa gì cả, học uổng công mà thôi.
CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ, THANH TĨNH TỰ THỦ, VÔ HÁO HÍ TIẾU, KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG, THỊ VỊ KẾ TẾ TỰ DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ phải có cử chỉ đoan trang, phẩm hạnh đoan chính, phụng sự chồng mình. U nhàn trinh tịnh, giữ cho bản thân được thanh tịnh, biết tự trọng, không ăn nói lung tung, cười đùa cợt nhả. Sắm sửa rượu và thức ăn thanh khiết, cùng chồng cúng tế tổ tiên. Nếu có thể thực hành không mỏi điều trên tức đã tận đạo nghĩa kế thừa việc tế tự rồi vậy)
Đoạn này giảng về nên làm thế nào kế thừa Tổ tiên. Là phụ nữ thì dung mạo và sắc diện của chúng ta phải đoan chánh, tiết tháo và phẩm hạnh của chúng ta phải đoan chánh, dùng điều này mà phụng sự chồng, phụng sự người nhà của chúng ta. Đồng thời, tâm địa cần thanh tịnh, có thể giữ tâm không bị ngoại cảnh bên ngoài dụ hoặc, đặc biệt là không nói những lời bỡn cợt, đùa giỡn. Chuẩn bị rượu và thức ăn sạch sẽ, tươm tất chỉnh tề để dâng cúng Tổ tiên. Dùng điều này để tế tự Tổ tiên, kế thừa việc lớn tế tự.
CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ
Trong phần Tiên Chú có ghi: “Chánh” là “chánh kỳ nhan sắc” (nhan sắc đoan chánh), “đoan” là “đoan kỳ tháo hạnh” (phẩm hạnh đoan chánh). Phụ nữ chúng ta thời nay vì sao không đủ đoan trang? Vì tính tình rất xốc nổi, không an tĩnh, vững chãi, sở thích không bền lâu. Vì sao ngôi sao điện ảnh cứ thay đổi người mới liên tục? Bởi vì [người xem] không có sự yêu thích bền lâu, nên sau hai ba năm lại có người mới xuất hiện. Do không có sự hàm dưỡng của đức hạnh sâu dầy, nên trong khí chất lẫn việc tu thân không có cái nhìn thông suốt đối với sự việc, không hiểu rõ nghĩa lý. Hai phương diện, thứ nhất là không có đạo đức, thứ hai là không có học vấn, thì sẽ rất khó làm được chánh sắc. Bình thường dùng nét mặt và toàn bộ cử chỉ, hành vi đoan chánh để phụng sự chồng.
THANH TĨNH TỰ THỦ
“Thanh tĩnh” là chỉ u nhàn trinh tĩnh, nói cười không tùy tiện. Phụ nữ làm thế nào để làm được u nhàn trinh tĩnh? Khi dục vọng trong tâm càng ngày càng ít thì sẽ dễ được thanh tịnh. Dục vọng nhiều thì khó mà thanh tĩnh. Hôm nay muốn mua một cái túi hàng hiệu, ngày mai họ ra một cái túi khác cũng lại muốn mua. Hôm nay nhìn thấy bạn bè dọn đến ở ngôi nhà to, nhà của mình không đủ to, lại muốn tiếp tục đổi nhà. Như thế không thể nào thanh tĩnh được. Người xưa nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, làm được vô dục vô cầu thì phẩm hạnh tự nhiên sẽ cao. Cái “cao” này không phải là sự thanh cao giả tạo mà người thế gian nói đến. Thực sự là nội tâm của người phụ nữ đó không có mong cầu, thanh tĩnh vô vi, còn biểu hiện ra bên ngoài thì khoan hậu, nhân ái, nhu hòa, có thể chung sống hòa hợp với đại chúng trong xã hội, có thể làm được cái gọi là “hòa quang đồng trần”. Chúng ta không được xem thường bất kỳ người nào, không phải vì họ có nhiều dục vọng mà chúng ta khinh thường họ: “Bạn xem tôi đây chẳng có dục vọng, còn bạn thì cả ngày truy cầu tài, truy cầu danh. Tầm thường quá!”. Người không có một chút nào kiểu suy nghĩ như vậy thì chân thật là người phụ nữ tốt. Họ sẽ không nói: “Chồng tôi cả ngày chỉ kiếm tiền, còn tôi học văn hóa truyền thống nên không cảm thấy hứng thú với việc đó”. Bạn xem thường chồng mình là hoàn toàn đã học sai rồi. Bạn đã đem cái gọi là thanh tĩnh của chính mình trở thành thứ để mình ngạo mạn. Về sau sự ngạo mạn này sẽ trở thành viên thuốc độc khiến bạn không được thanh tĩnh. Bạn vẫn chưa nhìn ra được điều này mà còn so sánh mình với người khác. Giống như tiên sinh Liễu Phàm nói: “Đừng đem cái giỏi của mình mà so sánh với người!”. [Bạn] hãy nên bao dung hết thảy những người xung quanh, đồng thời cần khen ngợi tất cả thiện hạnh của người khác, cái bất thiện thì không nhìn đến, vậy thì người phụ nữ đó sẽ thực sự được thanh tĩnh, chứ không phải là chính mình được thanh tĩnh rồi nên xem thường người khác. Thứ thanh tĩnh đó là giả.
Vì sao phía sau dùng từ “tự thủ”? Nghĩa là chính mình cần giữ vững, nói một cách đơn giản đó là cần phải định ra quy củ cho bản thân. Là phụ nữ nhất định cần có quy củ, không có quy củ thì không ra chuẩn mực, nếu có thể giữ được quy củ do chính mình đặt ra thì sẽ có định lực, có thể chế ngự được những dụ hoặc ở bên ngoài, cùng những thứ xấu xa khác. Tâm của bạn dần dần đạt được thanh tĩnh thật sự. Thế nên, chữ “thanh tĩnh” phía trước là chỉ kết quả, còn chữ “tự thủ” phía sau là phương pháp để đạt được.
VÔ HÁO HÍ TIẾU
Chính là không thích nói đùa. Đây là nói về mặt ngôn ngữ. Chúng ta hãy xem ba phương diện phía trước. “Chánh sắc đoan tháo” chính là ấn tượng tổng thể mà người phụ nữ tạo ra đối với người khác khi cô ấy không nói chuyện. “Thanh tĩnh tự thủ” là nói về trạng thái nội tâm của họ. “Vô háo hí tiếu” là ấn tượng bên ngoài đối với người khác. Hiện nay rất nhiều phụ nữ đặc biệt thích nói đùa. Những lời bông đùa, tục tĩu, dâm ô càng không nên nói. Sự bỡn cợt đối với đồng nghiệp, bạn bè và người khác, không có tôn ti lớn nhỏ mà tùy tiện nói đùa với ông chủ là những việc làm rất tổn phước báo của chính mình. Bạn phải biết ông chủ có thể làm chủ của bạn, có thể quản lý bạn. Bạn hiện nay cần làm tròn bổn phận của vị trí và chức phận của mình, không được ở sau lưng công kích, bàn tán về ông chủ. Rất nhiều nhân viên rất thích ở sau lưng cười cợt ông chủ. Đây là việc làm vô cùng tổn phước báo. Có người thích ở sau lưng chế nhạo chồng mình hoặc cười cợt người nhà của mình, giống như nói chuyện đùa vậy, cảm thấy mình không có mắng họ, cũng không than trách họ, nhưng không biết rằng kiểu nói đùa như vậy gây phản cảm đối với Tổ tiên nhất. Thế nên trong lúc cúng tế, bạn không được cười đùa, cợt nhả. Nếu thích đùa giỡn như vậy lâu ngày thì thói quen trở thành tự nhiên, không cảm thấy đây là lời nói đùa mà sẽ tự nhiên mở miệng nói ra. Đối với người trước giờ không nói đùa với người, bạn kêu họ nói họ cũng sẽ không nói. Thế nên, thói quen là thứ rất đáng sợ, cần phải chiến đấu với thói quen xấu của chính mình.
KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG
Làm cơm, rượu ngon để cúng tổ tiên. Mạnh Tử nói: “Đạo của Nghiêu, Thuấn, chỉ hiếu đễ mà thôi”, đối với cha mẹ thì tận hiếu, đối với anh em thì tận đễ. Việc tế tự ở đây kỳ thực mà nói cũng là đạo hiếu đễ. Vì sao vậy? Đối với Tổ tiên đã khuất mà chúng ta còn tôn trọng như vậy thì đối với cha mẹ hiện đời làm sao không hiếu kính được chứ? Chúng ta xem chữ “hiếu” này, phía trên là chữ “lão”, bên dưới là chữ “tử”. Chúng ta ở giữa, đối với bề trên thì thời thời khắc khắc không quên Tổ tiên, đối với kẻ dưới thì không quên con cháu. Người phụ nữ cần phải gánh vác trách nhiệm kết nối thế hệ lớn tuổi bên trên với thế hệ nhỏ tuổi bên dưới. Làm thế nào để kết nối? Gia đạo trước đây không hưng vượng, chúng ta kế thừa làm cho hưng vượng. Chúng ta nếu muốn kế thừa hương hỏa thì hương hỏa sẽ hưng vượng. Trước đây gia đạo hưng vượng, gia nghiệp rất tốt, chúng ta cần phải tiếp tục kế thừa, đừng để bị đứt đoạn trong tay của chúng ta. Hiện nay rất ít gia đình tế tự Tổ tiên vào dịp Tết, hoặc dẫn con cái đi bái tế Tổ tiên vào tiết Thanh Minh. Ngày thường chúng ta nên thường xuyên kể cho con cái nghe những câu chuyện về Tổ tiên thì đây mới là sự giáo dục tốt nhất, luôn luôn nhắc nhở con cái không quên Tổ tiên.
Từ sau khi học văn hóa truyền thống, tôi mới bắt đầu hỏi cha mẹ tôi cùng với tất cả những người lớn tuổi là ông bà như thế nào. Sau khi hỏi xong tôi cảm thấy rất xấu hổ và nhận được sự giáo dục rất lớn từ họ. Thế nên, tôi cũng kiến nghị với mọi người có cơ hội hãy về nhà hỏi thăm cha mẹ về Tổ tiên của mình, xem các vị đó là người như thế nào. Cổ đức có nói: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. “Thận” nghĩa là cẩn thận, “chung” là chỉ cho thế hệ con cháu của chúng ta trong tương lai. Đối với những lời nói và hành vi hiện nay, chúng ta cần thận trọng suy nghĩ xem thế hệ sau của chúng ta sẽ học tập và truyền thừa như thế nào. “Truy viễn” chính là thường xuyên nhắc đến những lời dạy bảo của Tổ tiên, gia giáo của người xưa. Chữ “dân” trong “dân đức” là chỉ người dân thông thường, “đức” chính là đức hạnh. Có nghĩ nhớ về Tổ tiên thì đức hạnh mới càng trở nên sâu dày, bởi vì có tính trách nhiệm và tinh thần gánh vác sứ mạng. Chúng ta hiện nay không nghĩ đến người xưa, không nghĩ đến thế hệ mai sau, mà chỉ nghĩ đến thế hệ của chúng ta, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ cho thỏa thích. Điều này thật là đáng sợ. Một người nghĩ như vậy, nếu như cả dân tộc, cả đất nước, mỗi một gia đình đều nghĩ như thế thì thế hệ sau của đất nước, dân tộc đó sẽ đi về đâu?
TAM GIẢ CẨU BỊ, NHI HOẠN DANH XƯNG CHI BẤT VĂN, TRUẤT NHỤC CHI TẠI THÂN, VỊ CHI KIẾN DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ nếu như có thể làm chu toàn ba điều trên: Khiêm nhường với người, chịu thương chịu khó, kế thừa tế tự thì tiếng thơm sẽ lan tỏa khắp trong ngoài, tiếng xấu không thể đến được nơi thân)
Câu này nói nếu như phụ nữ luôn giữ được sự khiêm hạ, quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình, một đời chăm chỉ, quan trọng nhất là giáo dục tốt thế hệ sau của gia tộc, nếu làm đủ ba điều này thì sao còn lo rằng tiếng thơm không thể truyền xa, và bị chồng ruồng bỏ cơ chứ? Trước giờ chưa từng có việc như vậy. Phụ nữ cần có tầm nhìn xa, tâm lượng rộng lớn. Nhưng khi có tầm nhìn xa và tâm lượng lớn rồi vẫn có thể an với bổn phận trong gia đình, âm thầm thâu vén việc nhà, trưởng dưỡng đạo đức, không ngừng nỗ lực tu học, giáo dục tốt con cái thì thanh danh nhất định sẽ lan xa. Giống như danh tiếng của Mạnh Mẫu đã truyền đến mấy ngàn năm sau. Hiện nay, mọi người vẫn xem bà như một tấm gương.
TAM GIẢ CẨU THẤT CHI, HÀ DANH XƯNG CHI KHẢ VĂN, TRUẤT NHỤC CHI KHẢ MIỄN TAI
(Tạm dịch: Nếu không làm được vẹn toàn ba việc trên thì còn gì là tiếng thơm, tránh sao khỏi sự hổ thẹn bị người chê bỏ)
Nếu như cả ba điều trên đều không làm được mà còn mong danh tiếng của mình được lan xa thì đây là việc không thể. Nếu không làm được cả ba điều thì nhất định sẽ chuốc lấy nỗi nhục bị chồng bỏ. Đây là việc khó tránh khỏi. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu một người phụ nữ kiêu mạn, không xem ai ra gì, lại còn lười nhác không làm việc nhà, không dạy con cái, ở trong nhà chỉ ham ăn, nhác làm thì có người chồng nào thích người vợ như vậy chứ? Lúc tôi đang học Nữ Đức có đưa cho nhân viên nam trong công ty giáo trình này, hy vọng vợ của họ ở nhà đều tu học tốt, nếu như có điều kiện thì hãy cố gắng ở nhà mà dạy con, đặc biệt là khi con còn nhỏ. Trong xã hội có rất nhiều người đàn ông thúc vợ mình mau chóng đi làm kiếm tiền. Không lâu sau khi vợ sinh con, con cái thì giao cho cha mẹ trông hoặc thuê người giúp việc. Tôi đã hỏi một vị thiện tri thức về vấn đề này. Vị ấy nói rằng người chồng này nếu như không phải là đại ngu thì là đại trí, đại trí nghĩa là rất có trí tuệ. Vợ của anh ta rất xuất sắc, nhất định có sự cống hiến cho xã hội, nên anh ta đã hy sinh gia đình nhỏ để thành tựu cho đại chúng, có bồi dưỡng con cái hay không không quan trọng, không cần lo. Đại ngu là quả thực ngu xuẩn đến cực điểm, chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt, giống như liếm mật trên lưỡi dao vậy, mặc dù nếm được chút mật ngon trên đầu lưỡi, nào ngờ lưỡi sẽ bị cắt đứt. Vậy thì chút ít tiền đó cũng giống như một chút mật ong vậy, kiếm về được một ít tiền, mười hai năm sau thử xem con của bạn là người như thế nào. Mọi thứ đều không thể quay trở lại như trước được. Vị thiện tri thức này sau cùng lại nói rằng ông ước đoán 99,9% người như vậy thuộc về đại ngu, rất ít khả năng là đại trí. Hiện nay, rất nhiều nam giới trong xã hội đều là như vậy. Vợ phải đi kiếm tiền, con cái giao cho cha mẹ trông. Nếu không được thì tìm người giúp việc, họ có tiền, có thể thuê bảo mẫu đến làm việc nhà, chăm con cái. Vậy bạn có muốn thuê người giúp việc làm luôn cái chức phận của người vợ không? Một người vợ thực sự thì nhất định có thể đảm đương được trách nhiệm quan trọng trong gia đình. Nô bộc trong nhà của tiên sinh Tăng Quốc Phiên rất nhiều. Nhưng tất cả mọi việc trong nhà toàn bộ đều do người nhà của ông đích thân làm, không có sai người làm. Người làm chỉ làm những việc không thuộc về việc bên trong gia đình, ví dụ như làm nông trồng trọt, hoặc là làm một số việc không thể không làm. Còn người nhà của ông thì phải tự mình may vá quần áo, tự xới cơm ăn, tự dọn dẹp.
Tôi trước đây cũng có người giúp việc phục vụ. Tôi không làm việc nhà nên con cái cũng học theo không chịu làm việc nhà. Khi tôi lập chí học Nữ Đức thì rất may hai cô giúp việc có việc đều nghỉ cả. Quả thực là “người có ước nguyện lành thì ông Trời cũng phù hộ cho”. Một năm sau đó, tôi càng ngày càng hoan hỷ, phát hiện rằng công việc nhà không đáng sợ như trong trí tưởng tượng, là bạn đã tưởng tượng chúng thành đáng sợ, thực ra chúng rất đơn giản. Chỉ cần tâm của bạn không mệt thì bạn càng làm việc nhà càng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng nếu như tâm của bạn mệt thì làm một chút việc thôi cũng cảm thấy mệt không chịu được. Đứa con trai lớn chín tuổi của tôi hiện giờ cùng tôi đun nước, dọn bát đũa, lau nhà. Đứa con trai nhỏ ba tuổi rưỡi của tôi cũng học theo, giành làm việc với anh. Thậm chí, sau khi ăn cơm tối xong, tôi phải phân công cho đứa lớn đi dọn đĩa lớn, đứa nhỏ đi dọn đĩa nhỏ. Mọi người đều tranh nhau làm. Thế nên công việc nhà đã có hai đứa con này giúp tôi được một phần, mà có lao động thì mới biết cảm ân. Chúng nó thường nói rằng: “Mẹ ơi! Mẹ vất vả rồi!”. Cuộc sống chính là sự giáo dục tốt nhất. Sau khi học xong, tôi mới phát hiện hóa ra Kinh Điển toàn nằm trong cuộc sống. Thế nên không có người giúp việc cũng tốt, đỡ tốn tiền mà còn có thể bồi dưỡng phước báo của chính mình, lại còn có thể dạy con cái biết cần lao. Vì vậy, phụ nữ không được lười biếng, bản thân cần cố gắng làm việc nhà.
Hôm nay, chúng ta đã học xong chương “Ti Nhược”, lần sau sẽ học tiếp đến chương “Phu Phụ”.
Cảm ơn các thầy cô giáo! Cảm ơn mọi người!
Hết chương 1