CHƯƠNG BỐN: PHỤ HẠNH
Xin kính chào các thầy cô giáo!
Chúng ta tiếp tục học chương bốn sách “Nữ Giới” là “Phụ Hạnh” (đức hạnh phụ nữ). Chương “Phụ Hạnh” chủ yếu nói về “tứ đức” trong “tam tòng tứ đức”. “Tam tòng” có nghĩa là khi chưa kết hôn thì theo cha, kết hôn rồi thì theo chồng, chồng qua đời rồi thì theo con trai. “Tứ đức” bao gồm: phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. Khái niệm “tam tòng tứ đức” trong xã hội hiện nay có khả năng đều bị giá trị quan của xã hội hiện đại và nữ quyền vùi lấp. Mọi người đều không tán đồng, cảm thấy đây là sự áp bức đối với phụ nữ. Vậy thì hôm nay chúng ta cùng nhau xem xét lại câu “tam tòng tứ đức” thông qua việc tìm hiểu sâu về tấm lòng của người xưa. Vì sao cổ nhân lại có cách nói như vậy? Đồng thời đây còn là sự đề xuất của người có đại trí huệ. Người không có trí huệ thì sẽ không nói được lời như vậy. Chúng ta hãy xem xét “tứ đức” trước.
Cái gọi là phụ đức, phụ dung, phụ ngôn và phụ công kỳ thực chính là sự thuyết minh cụ thể hay nhất cho cái mà người hiện nay gọi là Nữ Đức. Nữ Đức là gì? Nếu như bạn không thể trả lời chính xác hoặc không giải thích được thì hãy dùng “tứ đức” này mà trả lời. Nữ Đức nói về đức, dung, ngôn, công, nói một cách đầy đủ từ trong ra ngoài. Có “tứ đức” thì người phụ nữ giống như cái bàn có đủ bốn chân có thể đứng vững chãi trong gia đình và ngoài xã hội, thiếu một cái chân thì không được, sẽ không đứng vững được. Thế nên “tứ đức” rất quan trọng. Chúng ta xem phần Tiên Chú của Vương Tương có nói: “Kính thuận chủ yếu ở nơi tâm, hành vi thì nhìn ở nơi sự, có tứ hạnh tức có tứ đức” Cũng chính là nói rằng chương thứ ba “Kính Thuận” ở phần trước chủ yếu nói về cái tâm, hạ công phu từ trên tâm. Còn biểu hiện ra trên mặt sự là như thế nào? Chính là bốn việc mà chúng ta hôm nay nói đến, đó là: đức, dung, ngôn, công.
Có người đối với chữ “đức” đầu tiên không hiểu rõ lắm, nói rằng “đức” không phải cũng chỉ cho công phu trên tâm đó sao. Có phải là trùng lặp hay không? Tôi cũng suy nghĩ hồi lâu nhưng sau khi thể hội đi thể hội lại, tôi đã phát hiện không phải như vậy. Ở đây đem “phụ đức” đặt ở vị trí đầu tiên với mục đích nhằm tạo cho mọi người một ấn tượng cảm quan mang tính tổng thể. Toàn bộ khí chất ấn tượng mà người phụ nữ tạo ra cho người khác chính là sự thể hiện của “phụ đức”. Ở phần sau, tôi sẽ giải thích một cách cụ thể thì mọi người sẽ hiểu rõ. Nếu như người phụ nữ làm được “phụ đức” thì sẽ rất có dáng vẻ của Nữ Đức, sau đó mới xét đến dáng điệu và diện mạo của cô ấy, trang điểm như thế nào, nói năng ra sao, làm việc nhà thế nào. Cô ấy vừa cử động thì thể hiện ra ba phương diện: dung, ngôn, công ở phía sau. Còn như khi cô ấy không động thì chính là biểu hiện của chữ “đức” đầu tiên.
Chúng ta hãy xem cụ thể một chút.
“Phụ đức” là chỉ khí chất. Điều đầu tiên của “tứ đức” chính là khí chất. “Trong lòng có đạo thì đạo đó mới biểu hiện ra hành vi bên ngoài” chính là “phụ đức”.
“Phụ dung” chủ yếu nói về hai phương diện dung nhan tướng mạo và cách ăn mặc trang điểm.
“Phụ ngôn” bao gồm ngữ âm, ngữ điệu của lời nói, nội dung của lời nói, thời điểm nói chuyện cho đến hiệu quả của lời nói. Ngoài những phương diện này ra thì thời nay rất nhiều phụ nữ còn biết viết văn, viết blog trên mạng. Những cái này cũng thuộc về phụ ngôn.
“Phụ công” chỉ những công việc thường ngày trong nhà như giặt áo, làm cơm. Thế nhưng ngày nay “phụ công” của phụ nữ còn vượt xa những việc này, còn bao gồm cách thức làm việc của chúng ta ở công ty như công việc của kế toán, luật sư, lãnh đạo và cả lái xe, lái xe cũng phải có đạo đức. Thế nên khái niệm về “phụ công” của thời nay đã được mở rộng hơn rất nhiều, nhưng về bản chất so với lời dạy của Tổ tiên vẫn không hai không khác. Nếu như có thể hiểu rõ về mặt “lý” lời dạy của Tổ tiên thì về mặt “sự” chúng ta sẽ làm được một cách tự nhiên thông suốt. Chúng ta xem tiếp phần cụ thể bên dưới.
NỮ HỮU TỨ HẠNH, NHẤT VIẾT PHỤ ĐỨC, NHỊ VIẾT PHỤ NGÔN, TAM VIẾT PHỤ DUNG, TỨ VIẾT PHỤ CÔNG
(Tạm dịch: Trong đời sống hằng ngày, phụ nữ có bốn quy phạm hành vi cần phải có là: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung và phụ công)
Phần Tiên Chú của Vương Tương nói bốn đức hạnh này là “thường hạnh” của phụ nữ. Thế nào gọi là “thường”? Đó chính là những đạo lý không thể nào làm trái lại và không tách rời khỏi đời sống hằng ngày. Ví dụ bạn không thể không nói chuyện, cũng không thể không mặc áo trang điểm, đều không thể rời khỏi những sự việc này. “Tâm chi sở thí, vị chi đức”, cái “đức” này chỉ cho chỉnh thể ở bên ngoài xuất phát từ cái đạo ở trong tâm. Chữ “thí” chính là từ “bố thí” trong nhà Phật, xem tâm điền (mảnh đất tâm) của bạn như thế nào, biểu hiện ra bên ngoài là cái cảm giác bạn tạo ra cho người khác nói lên đức hạnh của bạn như thế nào. “Khẩu chi sở tuyên, vị chi ngôn”, lời từ miệng thốt ra gọi là “ngôn”. “Mạo chi sở sức, vị chi dung”, tu dưỡng chăm sóc diện mạo ra sao gọi là “phụ dung”. “Thân chi sở vụ, vị chi công”, những sự việc mà thân mỗi ngày bận rộn đi làm, những việc này gọi là “phụ công”. Chúng ta xem bất luận là “thân chi sở vụ, mạo chi sở sức”, hay là “khẩu chi sở tuyên” thì chữ “chi” này là động từ, là ai đã tác động lên cái miệng, lên dung mạo, lên thân thể này vậy? Chính là tâm của chúng ta, nhưng cái tâm này không phải là trái tim máu thịt, trái tim không có tác dụng. Chúng ta hiện nay có phẫu thuật thay tim, bạn lấy trái tim này ra, thay trái tim của người khác vào thì nó cũng chỉ là trái tim máu thịt mà thôi. Nó không có tư tưởng hay ý thức gì cả. Cái “tâm” ở đây là chỉ cho tinh thần và ý thức của phụ nữ. Nói một cách khác, đó chính là linh hồn. Nếu linh hồn của bạn trong sạch thì bốn điều được thể hiện ra chính là đức hạnh trong sạch, là một phụ nữ có khí chất, có đạo đức, có học vấn, có tu dưỡng khiến người khác cung kính, ngưỡng mộ. Nếu như tâm không trong sạch thì linh hồn của chúng ta sẽ bị vấy bẩn, bị ô nhiễm. Cho dù có ăn nói khéo léo sắc sảo đến đâu, bên ngoài cho dù có trang điểm đẹp đẽ đến đâu, làm việc dù có khéo léo, tài năng đến đâu nhưng cảm giác tổng thể mà người khác cảm nhận được từ bạn vẫn là không ổn. Đó không phải là “phụ đức”. Phía sau Ban Chiêu đã giải thích rất tường tận. Chúng ta hãy tiếp tục xem.
PHÙ VÂN PHỤ ĐỨC, BẤT TẤT TÀI MINH TUYỆT DỊ DÃ; PHỤ NGÔN, BẤT TẤT BIỆN KHẨU LỢI TỪ DÃ; PHỤ DUNG, BẤT TẤT NHAN SẮC MỸ LỆ DÃ; PHỤ CÔNG, BẤT TẤT KỸ XẢO QUÁ NHÂN DÃ.
(Tạm dịch: Phụ đức không hẳn là phải tài hoa hơn người, thông minh tuyệt đỉnh. Phụ ngôn không phải là khéo nói, miệng mồm nhanh nhẩu, biện tài hơn người. Phụ dung không phải là nhan sắc mỹ lệ rung động lòng người. Phụ công không phải là kỹ xảo điêu luyện hơn người)
Đoạn này Ban Chiêu giải thích tường tận cho bốn đức hạnh kể trên. Chữ “phù” ở đầu là trợ từ ngữ khí, không có hàm nghĩa thực tế. “Vân” có nghĩa là nói. “Phụ đức” không hẳn là phải có tài hoa tuyệt nghệ phi phàm. “Phụ ngôn” nghĩa là nói chuyện không hẳn là phải khéo ăn khéo nói. “Phụ dung” không phải là có nhan sắc mỹ lệ rung động lòng người. Còn “phụ công” không phải là năng lực và kỹ xảo phải xuất sắc hơn người, không phải là những ý này. Ban Chiêu đã dùng từ “bất tất” (không hẳn là vậy) ở đây có ý nghĩa rất thâm sâu. Ở đây có hai tầng nghĩa, tầng nghĩa thứ nhất của từ “bất tất” mang ý nghĩa là điều mà phụ nữ thông thường đều có thể làm được, không phải là thứ cao siêu. Thông thường hễ nói đến phụ nữ có đức hạnh thì người ta thường cho rằng mình làm không được như “Tôi nấu ăn rất bình thường, nhan sắc cũng tầm thường, không biết cách ăn nói, rất ngốc, xem ra còn cách “tứ đức” rất xa”. Kỳ thực, không phải như vậy. Tầng nghĩa thứ hai của từ “bất tất” có nghĩa là phụ nữ không phải trên phương diện nào cũng đều cần phải kiệt xuất. Vì sao không cần vậy? Bởi vì như thế sẽ khiến tăng trưởng tâm ngạo mạn. Nếu như có tâm ngạo mạn thì sẽ cách xa sự khiêm tốn, nhã nhặn, nhu mì mà chương mở đầu đã nhắc đến. Nếu như một người phụ nữ có tài năng tuyệt vời, ăn nói khéo léo sắc sảo, nhan sắc mỹ lệ, tay nghề kỹ xảo hơn người, khoan nói bốn điều trên cô ấy đều có đủ, mà nếu chỉ có một điều thôi thì cũng đủ “vốn” để khiến cho cô ấy kiêu ngạo rồi. Cái “vốn” của sự ngạo mạn ấy có thể sẽ hại một đời của cô ấy. Có tâm ngạo mạn giống như cầm một chiếc lá che mắt của mình vậy. Lời của người khác nói không nghe vào tai, đồng thời cũng không nhìn thấy chỗ thiếu sót của chính mình, nên không có cách nào nâng cao bản thân. Đây là một sự việc rất đáng sợ.
Nói đến Ban Chiêu, bà bốn điều đều có đủ. Nếu như bà không phải là người thông minh tuyệt đỉnh thì sẽ không viết được “Hán Thư”. Tác phẩm “Hán Thư” do chính tay của bà hoàn thành. Nếu như bà không có tài ăn nói thì không thể làm Thầy dạy của Hoàng Thái Hậu. Nếu như không phải bà có nhan sắc mỹ lệ thì những cung phi trong Hoàng cung cũng sẽ không khẳng định bà. Cả nước từ trên xuống dưới sẽ không tôn sùng bà như vậy. Tôi xem trong truyện ký thấy Ban Chiêu là một phụ nữ vô cùng ôn nhu, mỹ lệ, hiền huệ. Tôi còn tải về xem tấm hình của bà Bà rất đẹp. Đó là một bức họa thời cổ. Bạn xem thấy tài văn chương của bà rất tuyệt, thế nhưng trước tiên bà lại nói “bất tất”– không cần phải như vậy. Những gì bà làm được thì mọi người đều có thể làm được. Từ điều này mà thấy nếu như thực sự muốn học Nữ Đức thì nhất định cần có tín niệm kiên định, chỉ cần mình muốn tiến đức tu nghiệp. Có cái tâm như vậy thì không cần phải hâm mộ những thứ bên ngoài, và cũng không cần phải tự ti, cứ giữ tâm bình thường mà âm thầm đi làm. Tâm bình thường đó là đạo. Thứ mà tâm bình thường làm ra chính là đức. Như vậy thì rất tốt. Chúng ta xem câu kế tiếp.
U NHÀN TRINH TĨNH, THỦ TIẾT CHỈNH TỀ, HÀNH KỶ HỮU SỈ, ĐỘNG TỊNH HỮU PHÁP, THỊ VỊ PHỤ ĐỨC
(Tạm dịch: Tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói, việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi, đây chính là phụ đức)
Điều đầu tiên nói về phụ đức. Chữ “u” có nghĩa là thanh lương tiêu sái. Trong phần Tiên Chú, chữ “nhàn” có nghĩa là nhàn hạ, nghĩa là có thời gian nhàn hạ. Một người phụ nữ có “phụ đức” thì sẽ không bận tối mặt như một trận gió. Mỗi ngày đều bận rộn, nhìn thấy tâm của cô ấy đều đang nóng vội, khẩn trương, vội vội vàng vàng, không phải là người phụ nữ như vậy. Chữ “trinh” trong “u nhàn trinh tĩnh” có nghĩa là chánh trực, vững chãi. Phần trước chúng ta đã học rất nhiều hàm nghĩa của chữ “trinh”, nên chữ “trinh” này đã giúp cho phụ nữ chúng ta có được rất nhiều thọ dụng. Chữ “tĩnh” có nghĩa là tinh tế tỉ mỉ.
Bốn chữ “u nhàn trinh tĩnh” đặt ở phần đầu tiên của phụ đức đã đem lại cho chúng ta một ấn tượng về một người phụ nữ nho nhã, thong thả, tự tại, thanh tĩnh. Dùng câu nói trong Kinh Điển để hình dung thì chính là “ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp”. Nhìn ở bên ngoài thì cô ấy rất thanh nhàn, tự tại, làm việc gì đều nắm chắc, đều rất có định lực, bất cứ sự việc gì xảy ra trong tâm đều có chủ trương. Thế nhưng, trong tâm của cô ấy phải chăng cũng hết sức an nhàn hay không? Không phải như vậy. Trong tâm cô ấy sự yêu cầu nâng cao bản thân mỗi phút giây đều không lơi lỏng. Những phụ nữ lười biếng tham hưởng lạc, an dật thì chẳng chịu làm gì cả nên không thể thể hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Ngược lại, phụ nữ có tính cách cang cường, đanh đá, chua ngoa cũng không thể hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Người phụ nữ như thế nào mới có thể biểu hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”? Trước tiên, người đó nhất định có thể buông bỏ được sự đòi hỏi, dục vọng về vật chất trong nội tâm. Sau khi buông xuống đòi hỏi về vật dục, đối với bản thân rất mực nghiêm cẩn, rất có quy củ. Người phụ nữ như vậy sẽ khiến người khác cảm nhận được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Nếu như không thể buông xuống nhu cầu đòi hỏi đối với vật dục thì sẽ trở thành người phụ nữ thích tranh đua, hiếu thắng trong mọi công việc, đều mong muốn mọi việc đều hoàn hảo. Như vậy không phải là một phụ nữ thật sự hiền thục. Bởi vì cô ấy không nghĩ cho mọi người mà vẫn nghĩ cho chính mình, vì để lấp đầy dục vọng của bản thân nên muốn tranh hơn với người.
Rất nhiều phụ nữ khi đi mua sắm đều lựa tới lựa lui, nếu như có khuyến mãi thì càng muốn tranh lên trước. Thậm chí lúc thắp hương ở chùa nhất định phải thắp cây hương đầu tiên mới chịu. Người phụ nữ như vậy thì bạn không thể nhìn thấy ở họ có được chữ “nhàn”, chữ “tĩnh”. Thế nên, phụ nữ “u nhàn trinh tĩnh” nhất định sẽ vô dục và vô cầu. Tuy nhiên, cô ấy không tiêu cực. Trong tâm của cô ấy đối với đức hạnh và học vấn của chính mình mỗi ngày đều không ngừng nâng cao và tinh tấn. Vì vậy, chúng ta dùng hai câu trong Kinh Điển để hình dung là “ngoại nhược trì hoãn”, bên ngoài có vẻ như chậm chạp, “nội độc sử cấp” bên trong mỗi ngày đều âm thầm gia tăng công phu, đều đang tiến đức tu nghiệp.
Câu tiếp theo là “Thủ tiết chỉnh tề”, “thủ” nghĩa là phòng thủ, không phải là phòng thủ người bên ngoài, không cần như vậy, vì không thể phòng được, mà quan trọng nhất là phòng thủ được nội tâm của chính mình. Trong giảng thuật của các cổ Đại Đức có nói rằng dục vọng trong nội tâm của chính mình mọi lúc mọi nơi đều tuôn trào ra như thác lũ. Bạn làm sao để phòng thủ, ngăn chặn nó đây? Bạn không thể dốc hết sức chặn đứng được. Nếu ra sức chặn đứng thì một khi nó bạo phát sẽ càng hung mãnh hơn, mà hãy nên khơi thông từ từ. Trong “Lễ Ký” có nói: “Chí bất khả mãn, ngạo bất khả trưởng, dục bất khả túng”, có chí nhưng chí không được quá tràn trề, quá tràn trề sẽ dễ sinh vấn đề. Nếu như chúng ta có thứ đáng để kiêu ngạo thì không được trưởng dưỡng tâm kiêu ngạo ấy, vừa khởi chút tâm ngạo mạn phải nhanh chóng trấn áp nó xuống. Con người nếu như có một chút dục vọng thì cũng không sao, ví dụ như có một số cô gái thích trang điểm ở nhà, như vậy cũng được nhưng không được quá lố. Không được phóng túng dục vọng mà phải có thể phòng ngừa nó, như thế mới có thể “chỉnh tề”. Chữ “chỉnh” và “tề” này là nói về mặt tâm tính, không phải nói bên ngoài thu vén rất chỉnh tề sạch sẽ. Đó không phải là “phụ đức”, mà là trong tâm rất sạch sẽ, chỉnh tề, ngăn nắp không hỗn loạn. Một người phụ nữ mà trong tâm có sự ngăn nắp chỉnh tề thì làm bất kỳ việc gì trước tiên sẽ biết cân nhắc mặt nặng nhẹ, nhanh chậm, biết việc nào nên làm, việc gì không nên làm, việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau.
Lúc tôi đọc chương “Hoài Nam Tử” trong “Quần Thư Trị Yếu” có một ấn tượng rất sâu. Sách nói rằng có một số sự việc tuy rất khó làm nhưng vẫn phải làm. Đó là việc gì vậy? Đó gọi là “thủ xả” (nên lấy hay nên bỏ). Khi trong tâm có sự “thủ xả” thì sẽ khó quyết định sự việc, “mình nên làm như thế này, hay làm như thế kia”. Bởi vì đời người có hạn, ở mỗi bước ngoặt cuộc đời đều cần phải lựa chọn. Mỗi một người trong cuộc đời đều sẽ đối mặt với việc lấy hay bỏ. Nên lựa chọn ra sao để cho tâm có được “chỉnh”, có được “tề”. Trong lúc lấy bỏ thì có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, có thể đi làm ngay lập tức. Thứ nào cần nên buông bỏ thì hãy buông bỏ. Có khi buông xuống sẽ rất khó. Nếu như có thể buông xuống thì tâm sẽ trở nên chỉnh tề, còn như không buông xuống được thì chắc chắn là tâm bị tạp loạn, đang làm việc này mà nghĩ đến việc kia.
Rất nhiều người đều biết tôi là chủ công ty, nhưng khi tôi đang giảng bài hoặc tham dự các buổi luận đàn thì điện thoại của tôi hoặc đưa cho trợ lý của tôi giữ hoặc tắt luôn chứ không reo. Lúc đó trong lòng tôi cũng không nghĩ rằng sáng nay công việc kinh doanh có tốt hay không, doanh số bán ra bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu tiền, đều không nghĩ đến những việc đó, bao nhiêu cũng không cần nghĩ đến chúng. Lúc mới bắt đầu, mỗi ngày tôi đều nghĩ sáng nay không biết có khách hàng quan trọng nào đến tìm mình hay không, Chủ tịch không biết có gọi điện thoại cho mình hay không. Sau đó vì sao tôi không suy nghĩ nữa? Vì nghĩ cũng chẳng ích gì, việc gì nên xảy ra thì sẽ xảy ra thôi. Ông Trời cũng sẽ sắp xếp ổn thỏa, không cần lo lắng làm gì. Tôi cho rằng việc gì cần làm thì hãy đi làm, không nên đang làm việc này lại muốn làm cả việc kia. Bên này muốn kinh doanh phát đạt. Bên kia lại muốn giảng bài thật viên mãn. Cả hai bên đều muốn nắm lấy cả. Việc này không thể được. Thế nên chỉ nắm được một trong hai là tốt rồi. Giữa hai thứ thì chọn cái nào quan trọng hơn. Việc giảng bài lúc này quan trọng hơn. Cái nào kém quan trọng hơn thì buông xuống, chỉ cần đời sống an ổn là được rồi, đời sống của nhân viên trong công ty ổn là tốt rồi. Đó chính là hàm nghĩa của “thủ tiết chỉnh tề”. Ở đây còn có một tầng nghĩa bên ngoài quan trọng đối với phụ nữ là nói về trinh tiết và tiết tháo của phụ nữ. Tiết tháo của phụ nữ đặc biệt cần phải “thủ tiết chỉnh tề”. Trong chương “Chuyên Tâm” phía sau tôi sẽ chia sẻ với mọi người vì sao quan niệm về trinh tiết và tiết tháo của phụ nữ lại quan trọng đến như thế.
Điều thứ ba là “hành kỷ hữu sỉ”, câu này là lời Khổng Tử nói. Câu “hành kỷ hữu sỉ” có nghĩa là khi chúng ta hành động thì biết khởi lên tâm hổ thẹn. Tâm hổ thẹn này nói một cách khác chính là sự phản tỉnh. Con người thời thời khắc khắc đều phản tỉnh chính mình. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bạn hãy nhìn chữ “sỉ” (恥), bên trái chữ “sỉ” là chữ “nhĩ” (耳) là lỗ tai, bên phải là chữ “tâm” (心). Đây là lỗ tai và trái tim của ai vậy? Không phải là của người khác mà là của chính mình. Lỗ tai của mình lúc nào cũng phải lắng nghe tiếng lòng của chính mình. Nếu như có thể nghe thấy được thì người này có “sỉ”, biết hổ thẹn thì mới có thể có dũng khí để sửa đổi những điều không đúng của bản thân, mới có thể chân thật đạt được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Đây là hàm nghĩa của chữ “sỉ”. Ví dụ khi bạn nói chuyện với người khác thì đó có phải là lời nói thật lòng hay không? Có phải là lời a dua nịnh hót hay không? Có phải là lời châm biếm hay không? Hay là nói lời hai chiều? Nói lời hai chiều là trước mặt nói một đằng, sau lưng nói một nẻo, chia rẽ ly gián, tạo chuyện thị phi. Khi bạn nói những lời như thế, làm ra việc như thế thì bạn đã không lắng nghe kỹ tiếng lòng của mình rồi, hoàn toàn đã trái ngược với tự tánh rồi, đương nhiên là bạn không biết hổ thẹn rồi. Người như vậy rất ngu si, sẽ bị nhiều thất bại về sau, đồng thời cũng mất luôn sự “u nhàn trinh tĩnh” ở phía trước. Thế nên, trong Kinh Điển cổ Đại Đức có nói: “Con người nhất định phải có hành vi an định từ tốn”, tâm có an thì có định. “Từ” có nghĩa là chậm rãi, hãy từ tốn mà làm việc, nếu như làm việc vội vàng, hấp tấp thì chắc chắn sẽ hối hận về sau. Vì sao hối hận? Bởi vì lúc đầu đã không lắng nghe bản thân cho kỹ càng.
“Động tĩnh hữu pháp”, “động” và “tĩnh” ở đây chỉ cho điều gì? “Tĩnh” chỉ cho khi chúng ta ở một mình, hoặc lúc có nhiều người, lúc chúng ta nói chuyện, lúc chúng ta không làm việc thì làm thế nào để giữ được an tĩnh. Lúc đó cần ngăn tâm của mình không nghĩ tưởng lung tung, cũng đừng “ai nói gì cũng lắng nghe”, nghe ai đó nói chuyện thì trong tâm cũng hùa theo một câu, mà tâm phải định lại. Còn “động” là khi tai đang động, mắt đang động, mũi đang động, miệng đang động, tay đang động thì làm sao để chúng có khuôn phép.
Khổng Tử nói rất hay: “Phi lễ không nghe, phi lễ không nói, phi lễ không nhìn, phi lễ không làm”, bởi vì nếu như đã phi lễ mà bạn còn làm thì bạn không có khuôn phép. Đó chính là chuẩn mực, chuẩn tắc, là giới hạn thấp nhất về mặt đạo đức mà bạn không được vi phạm. Nếu bạn vượt qua giới hạn thấp nhất của đạo đức thì bạn sẽ vi phạm pháp luật quốc gia. Đây không những là vấn đề liên quan đến đức hạnh phụ nữ mà còn bị trực tiếp xử phạt. “Phi lễ không nhìn”, khi mắt chúng ta hoạt động, nên xem thứ gì thì tâm của chính mình phải hiểu rõ, có phải mỗi ngày đều xem Kinh Điển và lời dạy của Thánh Hiền hay không, hay mỗi ngày xem tạp chí giải trí? Hiện nay có rất nhiều tạp chí thời thượng mỗi ngày đều bày cho người cách ăn mặc, trang điểm, tiêu xài. Khi lỗ tai đang hoạt động thì phải nghĩ xem có phải mình thích nghe những lời khen ngợi bản thân, nghe những ca khúc không tốt. Phía sau tôi sẽ nói với mọi người về âm nhạc vào thời xưa là một công cụ rất quan trọng để chuyển hóa phong tục xã hội. Thời xưa vừa có “lễ”, vừa có “nhạc”. Hết thảy lễ tiết đều được giảng trong sách “Chu Lễ”, “dùng lễ để điều thân, dùng nhạc để điều tâm”. “Lễ” dùng để điều thân, khiến cho động tác của thân thể có chuẩn mực, có quy tắc. “Nhạc” là để tu dưỡng điều hòa tâm hồn, khiến cho tâm thông qua những khúc nhạc thuần tịnh, lương thiện mà dần dần quay trở về tự nhiên, dần dần trở về với trạng thái bình hòa.
Khi Khổng Tử san định “Kinh Thi” ngài có một nguyên tắc duy nhất chính là “tư vô tà” (tư tưởng không tà vạy). Những bài thơ đó đều có thể khởi được tác dụng điều hòa tình cảm, giáo hóa người đời. Còn hiện nay thì sao? Hoàn toàn tương phản, gần như không còn “lễ” nữa. “Lễ” đã bị mất rồi, nên ăn cơm ra sao, ngủ như thế nào, đi đứng như thế nào, không còn người giảng về “lễ” nữa. Trong khi “nhạc” hiện nay lại khiến cho tâm của chúng ta bị xáo động, bất an. Đến tiệm thức ăn nhanh, chúng ta nhất định sẽ nghe thấy loại âm nhạc có tiết tấu rất nhanh. Nếu như đến hộp đêm và phòng karaoke thì âm nhạc ở những nơi đó đều không phải là đức âm nhã nhạc. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ nghe nhạc mp3 bằng tai phone, mỗi ngày đều khiến cho nhĩ căn của họ bị tiêm nhiễm bởi những ca khúc đó. Chúng ta thử nghĩ xem có được mấy ca khúc thực sự có thể khiến cho chúng ta quay về với tự nhiên, khởi lên tác dụng giáo hóa nhân tâm. Trong xã hội hiện nay, bất kể là nam hay nữ, có thể khiến cho thân tâm của mình thanh tịnh quả thật là việc rất khó. Lòng người không thanh tịnh, tâm tính lúc nào cũng nóng nảy, bộp chộp thì học thứ gì cũng không học vào được, không có tâm lâu bền.
Thế nên, tôi cảm thấy chúng ta nếu muốn học tập Nữ Đức thì quan trọng nhất phải có sự kiên trì, không được “một ngày nóng, mười ngày lạnh”. Đó không phải là đạo lý học tập. Đạo học vấn là mỗi ngày đều như thế, mỗi tháng đều như thế, mỗi năm đều như thế, lâu dài cũng vẫn như thế. Không phải hôm nay rất hăng hái đọc tụng Kinh Điển một ngày mười lần. Quả thật, tôi đã gặp một người như thế, ba tháng sau gặp lại anh ấy thì mười ngày cũng không đọc một lần nào cả. Đây là việc không tốt. Khi anh ấy hỏi tôi, tôi nói mỗi ngày anh kiên trì đọc một biến là tốt rồi, chí ít có thể làm được không thối chuyển, nếu như có thể kiên trì đến già thì rất tốt. Cái đáng quý là ở sự kiên trì bền bỉ.
“Động tĩnh hữu pháp” là phần quy kết của cả bốn câu. Chúng ta học Nữ Đức hãy thường niệm bốn câu này, ví như khi nói chuyện với người khác thì trong tâm hãy niệm thầm bốn câu “u nhàn trinh tĩnh, thủ tiết chỉnh tề, hành kỷ hữu sỉ, động tĩnh hữu pháp”, hãy thường niệm 16 chữ này thì chắc chắn miệng sẽ không nói linh tinh, hành vi sẽ không phóng túng, mọi người sẽ nhìn thấy khí chất của bạn ngày một khác đi, càng ngày càng giống dáng vẻ của người có Nữ Đức.
Các bạn nữ trong công ty chúng tôi đều như vậy. Tôi đã hướng dẫn các cô ấy làm thế nào để có định lực, để chính mình không nghĩ ngợi lung tung, hãy chọn ra một câu nói mà mình thích nhất trong sách “Nữ Giới” sau đó niệm tới niệm lui nhiều lần là được. Nếu như bạn niệm thường xuyên thì bỗng nhiên sẽ có chỗ ngộ, đột nhiên sẽ có được cảm giác “học mà thường xuyên thực hành chẳng phải là vui sao”. Bởi vì khi con người có chỗ cảm ngộ sẽ rất vui sướng. Đó gọi là: “Không thầy mà tự hiểu ra”, không có người dạy nhưng ngộ ra được một ít. Cảm giác đó rất vui. Niềm vui đó không phải do sự thỏa mãn về vật chất mang đến, ví dụ như hôm nay bạn mua một cái túi LV cảm thấy rất vui sướng, nhưng niềm vui đó không lâu dài, lâu nhất là ba ngày, không thể kéo dài ba năm. Bởi vì ba năm sau có một kiểu dáng khác xuất hiện, bạn nhìn lại cái túi này sẽ không còn vui nữa, khi nhìn thấy cái túi mới ra thì rất vui, muốn đi mua nó. Thế nên, cái mà khiến chúng ta vui sướng thật sự thì cái đó phải trường cửu, lâu dài. Những thứ không mang lại niềm vui lâu dài thì là giả, không phải thật. Bạn nói cơm rất ngon, nếu như cho bạn ăn mười bát một lúc thì sẽ không còn ngon nữa, sẽ bị đau bụng. Vì vậy, cần phải nắm chắc cái chân thật, còn đồ giả thì không cần quá lưu tâm. Ăn ngon cũng được, ăn không ngon cũng được, đừng quá bận lòng.
Bốn câu trên đây chỉ ra rằng làm phụ nữ cần có nguyên tắc, nói chuyện cần có nguyên tắc, mặc áo trang điểm cũng cần có nguyên tắc, trước khi làm một việc gì cũng đều xét bản thân một chút, hỏi nội tâm của chính mình vì sao cần làm như thế, làm như thế có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng đến đức hạnh hay không. Nếu như ảnh hưởng đến đức hạnh tức đã tổn giảm phước báo, bởi vì đức chính là phước. Người không có đức thì sao có phước được! Nếu như không muốn phước báo bị tổn giảm thì không được làm việc đó.
Thế nên, trong sách “Đại Học” có câu: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”. Phần đầu của câu nói này chúng ta có thể hiểu, chỉ xin giải thích về chữ “lự” với mọi người một chút. Chữ “lự” này chỉ cho trí huệ, khi tâm của bạn có thể định, có thể tĩnh, có thể an thì mới có thể có được trí huệ. Người mà có trí huệ thì cái gì cũng đều có được, không cần đi cầu xin. Thế nên, “lự nhi hậu năng đắc”, chính là nghĩa như thế. Chúng ta nói: “Tâm phải hòa, ý phải bình” là nghĩa làm sao? “Người có học vấn uyên thâm thì tâm khí sẽ bình”, khi sự học đạt đến rốt ráo, càng học càng cảm thấy mình giống như ếch ngồi đáy giếng. Đạo của học vấn giống như biển lớn, cái mà mình biết không bằng giọt nước trong biển cả thì tâm này của bạn sẽ rất hòa. Nếu như có người có kiến thức cao hơn mình, mình cũng không cần đi tranh với họ, chỉ có không ngừng nâng cao bản thân thì sẽ làm được “tâm bình khí hòa”.
TRẠCH TỪ NHI THUYẾT, BẤT ĐẠO ÁC NGỮ, THỜI NHIÊN HẬU NGÔN, BẤT YẾM Ư NHÂN, THỊ VI PHỤ NGÔN
(Tạm dịch: Suy nghĩ ba lần rồi mới nói, lựa lời hay mà nói, không nói lời khó nghe. Cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây chính là phụ ngôn)
Chúng ta thấy tiếp ngay sau đức hạnh là “phụ ngôn”. Ban Chiêu sắp xếp thứ tự rất có ý nghĩa, không phải sắp xếp một cách tùy tiện như đem “phụ công” để lên trước tiên, không phải như vậy. Việc này cùng với thứ tự dạy học của Khổng Tử “không hẹn mà giống nhau”. Chúng ta thấy Khổng Phu Tử dạy học cũng đặt đức hạnh ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là ngôn ngữ, rồi đến chính sự, sau cùng là văn học, không phải mới mở đầu là học văn học ngay, không phải như vậy. Vì vậy, điều thứ hai mà phụ nữ cần học đó là nói chuyện như thế nào. “Trạch từ nhi thuyết” chính là lựa chọn nội dung nói chuyện, chọn xong rồi mới nói. “Bất đạo ác ngữ” là khi nói chuyện nhất định không được nói lời ác. Lát nữa tôi sẽ giải thích kỹ hơn thế nào là ác. “Thời nhiên hậu ngôn” là nhắc nhở chúng ta nghĩ cho kỹ rồi mới nói, không được muốn gì nói đó. Sau khi nói chuyện thì “bất yếm ư nhân”, tức không để người khác sinh tâm chán ghét, chán chường. Người mà nơi nơi đều có thể khiến người khác sinh tâm hoan hỷ thì trong nhà Phật gọi họ là Bồ Tát. Bồ Tát ở nơi nào thì sẽ khiến cho hết thảy chúng sanh sinh tâm hoan hỷ.
Giáo học của nhà Nho cũng dạy rằng phải lựa lời mà nói. Thế nào là lựa lời? Trước khi lựa lời thì cần phải “giam khẩu nội tu”, câu này xuất phát từ chương thứ ba “Thận Ngôn” của sách “Nội Huấn”, tác giả là Nhân Hiếu Hoàng Hậu. Làm thế nào để làm được “giam khẩu nội tu”? Đó là phải “ninh kỳ tâm, định kỳ chí, hòa kỳ khí, thủ chi dĩ nhân hậu, trì chi dĩ trang kính, chất chi dĩ tín nghĩa” (tâm an tĩnh, chí kiên định, khí hài hòa, giữ lòng nhân hậu, giữ gìn sự trang nghiêm cung kính, khí chất tín nghĩa), đó chính là “giam khẩu nội tu”. Nếu không thì sẽ không biết lựa lời mà nói, lựa cả buổi cảm thấy mình lựa đã tốt rồi, đến khi nói ra thì lại khiến người nghe tức muốn chết. Như vậy đã không biết lựa lời rồi. Thế nên, việc lựa lời mà nói có hàm nghĩa rất sâu. Hàm nghĩa của việc lựa chọn chính là muốn chúng ta hiểu được trước tiên phải ngậm miệng lại, phải nội tu trước đã. Về việc nội tu, người xưa nói rất rõ ràng “ninh kỳ tâm, định kỳ chí, hòa kỳ khí”, an định tâm thần lại, điều hòa khí, cần có chí hướng xa rộng. “Định kỳ chí” nghĩa là phải có chí đồng thời phải kiên định với chí hướng đó. Nếu như chúng ta không có chí lớn thì có chí hướng nhỏ cũng được, ví dụ như “gia hòa vạn sự hưng” là chí hướng nhỏ của chúng ta; vợ chồng có thể “bách niên giai lão” là chí hướng nhỏ. Có chí hướng như thế cũng rất tốt, vì cái chí hướng này chúng ta khi làm điều gì cũng đều có sự cân nhắc, suy xét. Như khi nói đến “hòa kỳ khí” (khí phải hòa), phụ nữ hay nam giới nếu như lúc nói chuyện mà có sự tức giận thì cho dù lời nói có hay có tốt đến đâu chăng nữa thì đối phương cũng không thể tiếp nhận, vì từ trường toát ra không tốt. Bởi vì sóng ý niệm phát ra từ tâm của bạn, khi mọi người tiếp nhận liền cảm thấy chói tai, nghe xong cảm thấy khó chịu. Bạn nghĩ bạn có tâm tốt nhưng lời bạn nói ra đối phương không tiếp nhận thì bạn nói cũng uổng công, nói không tác dụng thì chi bằng đừng nói, nói ra còn tổn thương hòa khí. Xét đến nguyên nhân tận cùng thì chính là câu nói: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”, hết thảy mọi việc đều xét lại chính mình. Nội dung lời nói không sai, xuất phát điểm của lời nói cũng rất tốt, thế nhưng do tâm của bạn có sự bực dọc mà chính mình không phát giác được. Ví dụ như: “Sao mẹ chồng của mình lại nói chuyện như vậy chứ! Mình vốn là muốn tốt cho mẹ, muốn chữa bệnh cho mẹ mà mẹ vẫn không tiếp nhận, mẹ lại sợ tốn tiền”. Nếu như bạn đứng ở một góc độ khác, hóa giải toàn bộ sự bực dọc, khi không còn chút bực dọc nào nữa, bạn lại dùng ngữ khí ôn hòa mà nói chuyện với mẹ lần nữa: “Mẹ ơi! Sức khỏe của mẹ hiện giờ cần uống một ít thuốc, có thể không cần tốn nhiều tiền đâu, đi bệnh viện công hoặc dùng bảo hiểm y tế cũng được”, dùng lời nói đầy thiện ý thì mẹ có thể sẽ vui vẻ mà tiếp nhận ý tốt của bạn. Sau đó, bạn hãy khuyên mẹ hãy xem nhẹ chuyện tiền bạc mà cần giữ gìn sức khỏe cho tốt, người lớn tuổi có sức khỏe tốt chính là phước báo của con cháu, có thể mẹ của bạn nghe câu nói này sẽ vừa tai. Bản thân chúng ta thường nói chuyện với ngữ khí bực dọc mà chúng ta không hay biết: “Người này vì sao lại như thế! Mình phải nói chuyện với anh ấy mới được”. Bạn trước tiên đã có sự đối lập thì nói sẽ không có ích gì cả. Trước hết bạn hãy buông sự đối lập trong lòng xuống, đây chính là câu nói “hòa kỳ khí”. Sau khi đã buông xuống hoàn toàn thì bạn hãy hỏi chính mình có phải đã buông xuống hết chưa, sau đó mới đi nói chuyện với anh ấy.
Ba câu phía sau, “thủ chi dĩ nhân hậu” chính là giữ tâm nhân hậu, “trì chi dĩ trang kính”, “trang” là đoan trang, “kính” là kính trọng, nghĩa là chí hướng phải đoan chánh, khiến người sinh tâm kính trọng. Tiểu nhân cũng có chí hướng: “Mình nhất định phải làm quan lớn, nhất định phải kiếm ngàn vạn tiền”, chí hướng đó không phải chí hướng khiến người kính trọng. Để “hòa kỳ khí” thì “chất chi dĩ tín nghĩa”, làm người phải có tín, có nghĩa. Tôi cảm thấy đoạn này Nhân Hiếu Hoàng Hậu nói rất hay. Trong phần sau Nhân Hiếu Hoàng Hậu còn nói rằng: “Nhất ngữ nhất mặc, tòng dung trung đạo, dĩ hợp ư càn tĩnh chi thể”, bất luận nói chuyện hay yên lặng thì cũng đều điềm tĩnh mà giữ trung đạo, giữ gìn được bản thể của Nữ Đức.
“Càn tĩnh chi thể”, chữ “càn” biểu thị cho người nữ, chúng ta hay nói là đạo Càn Khôn, “càn” đại biểu cho nữ tính, biểu thị cho tính cách “u nhàn trinh tĩnh” của người nữ. Tóm lại, “lựa lời mà nói” là trong những hoàn cảnh khác nhau chúng ta cần phải biết lựa chọn cách nói chuyện như thế nào cho thích hợp, cần lựa chọn cho thấu đáo. Trước khi mở miệng nói cần phải cân nhắc kỹ càng, có sự tu dưỡng bên trong thì lời nói ra mới không mất lễ nghĩa. Phía sau lại nói: “Không nói lời ác”, nếu như bạn không biết “ác” là gì thì bạn lựa chọn lời nói cả buổi cũng sẽ không chọn ra được. Trước tiên chúng ta cần xem thế nào gọi là lời nói thiện. Lời nói thiện nhất định phải từ trong tâm nhân hậu phát ra.
Cổ đại đức dạy rằng:
- Trước tiên, không được nói càn nói xằng.
- Thứ hai, không xoi mói việc đúng sai của nhà người, việc này phụ nữ dễ phạm phải.
- Thứ ba, không hoa ngôn xảo ngữ. Có những lúc nói chuyện dường như rất dễ nghe, rất bùi tai nhưng tâm không hề chân thành. Những lời nói hư tình giả ý thì không nên nói.
- Thứ tư, đừng nói lời làm tổn thương người khác, như lời nói mỉa mai châm chọc, lời oán trách. Những lời này không nên nói, lời thô lỗ cũng không được nói.
Chúng ta hãy phân tích từng thứ một.
Thế nào là không được nói càn? Ngày nay phụ nữ đi bán hàng rất nhiều. Có người cái gì cũng dám nói chỉ cần bán được hàng là được, lời hứa nào với khách hàng cũng đều dám hứa, làm như thế là không xét đến hậu quả nghiêm trọng về sau. Tôi đã từng gặp phải nhân viên bán hàng như thế. Vì để bán được hàng, họ đã hứa hẹn với khách đủ thứ, đáp ứng điều kiện này kia, cứ ăn nói càn, kỳ thực không có quyền lợi như thế, đến khi khách hàng sau này đòi hỏi thì người chủ sẽ gặp rắc rối.
Năm ngoái, tôi đã thay đổi toàn bộ nhân viên bán hàng ở lầu một. Những người nào giỏi ăn nói thì chuyển lên lầu hai làm công việc giấy tờ. Những người không nói giỏi thì xuống lầu một bán hàng. Lúc đó giám đốc phụ trách bán hàng đã kiến nghị với tôi rằng: “Giám đốc Trần à! Như thế không được! Người này cả ngày không nói chuyện như vậy thì việc kinh doanh chết mất”. Tôi cũng không nói năng gì. Lúc mới bắt đầu, tôi còn giải thích cho ông ấy, nói cả buổi mà ông ấy không chịu tiếp thu nên sau đó tôi không nói nữa. Tôi cứ làm như vậy. Sau khi làm rồi thì kết quả bán hàng lại rất tốt, hơn nữa còn tăng trưởng một cách bình ổn. Lúc mới đầu thì dao động lên xuống, ví dụ như tháng này bán được 180 vạn, tháng sau bán được 30 vạn. Nhưng từ năm ngoái trở đi thì mỗi tháng đều rất bình ổn, vào mùa cao điểm thì doanh số còn cao hơn mùa cao điểm của các năm trước. Tôi đã nói với nhân viên rằng lời nói không cốt ở nói nhiều. “Đệ Tử Quy” có câu: “Nói nhiều lời, không bằng ít”, nhất định là có đạo lý rất sâu. Thế nên chúng ta làm buôn bán cần phải hiểu rõ cái gì là “đức”, có “đức” thì mới có “tài”. Sự biểu hiện của “đức” là “thận ngôn” (ăn nói thận trọng), biết cách ăn nói. Nếu như không có đức thì lời nói ra đều là lời nói càn, hoàn toàn bị lợi ích sai xử, hoàn toàn để thể hiện chính mình. Việc này rất nguy. Trong số các nhân viên bán hàng có thể nhìn thấy rõ rằng những người nào không khéo nói thì làm việc rất ưu tú, lúc bình thường không nói tiếng nào, không khoe công cũng không khoe khoang tài năng, không buôn dưa lê cũng không mỉa mai cạnh khóe, nhưng làm việc lại rất tốt. Còn những người khéo ăn, khéo nói, hay nói những chuyện trong nhà ngoài cửa thì những người đó thường làm không bền, làm hai năm là đi mất. Thế nên bạn không cần chú trọng bồi dưỡng những người như thế. Làm ông chủ cần phải biết nhìn người, “người trí biết nhìn người, người nhân biết yêu người”, hai điều này không thể thiếu.
Điều thứ hai là không được bới móc chuyện thị phi. Trước tiên, ở nhà không được ở trước mặt chồng nói lỗi của mẹ chồng, vĩnh viễn không được nói. Đó là hành vi ngu xuẩn. Bạn hãy nghĩ xem nếu như anh ấy là kẻ bất hiếu, ngay cả mẹ mình mà không có hiếu, đi nghe lời bạn thì bạn có thể chung sống với anh ấy được hay không? Không thể được! Nếu như anh ấy là một đại hiếu tử, bạn nói ra những lời này đã làm tổn thương anh ấy. Bất luận như thế nào cũng không được nói. Nếu có thể cảm hóa thì cảm hóa, nếu như không thể cảm hóa thì hãy xem như không nhìn thấy. Trước tiên hãy tu tốt đức hạnh của chính mình, khi đức hạnh đã nâng cao thì có thể bao dung mẹ chồng, yêu thương mẹ chồng. Thứ hai, vĩnh viễn không được nói đến lỗi lầm của anh chị em, chỉ nhìn ưu điểm của họ là được rồi, đừng nhìn khuyết điểm, đối với người nhà đặc biệt phải như thế. Nếu như ở trong nhà dưỡng thành thói quen rồi thì đến công ty sẽ nhất định làm được như thế. Đừng ở trước mặt ông chủ nói người này không đúng, người kia không đúng. Nếu như bạn thực lòng muốn đưa ra ý kiến để cải thiện tình hình công ty thì trước tiên hãy chân thành đi trao đổi với nhân viên đó trước. Nếu như không thể trao đổi được mà sự việc này có lợi ích rất lớn đối với công ty thì bạn hãy chân thành mà đi nói với ông chủ. Nếu như tạo chuyện thị phi, biến chuyện nhỏ thành chuyện to để gây rối loạn, trong lòng thích thú thì đó là hành vi cực ác. Phước báo của bản thân sẽ bị tổn giảm rất lớn.Điều thứ ba là không được hoa ngôn, xảo ngữ. Ở đây cũng bao gồm luôn lời nói đùa, nói giỡn. Có phụ nữ thích nói đùa, hoặc nói năng tùy tiện, thậm chí còn nói những lời dâm ô, tục tĩu. Phải biết, nếu nói những lời như thế thì nhất định sẽ nhận hậu quả, vĩnh viễn không được nói lời như thế. Có một lần tôi gặp một nhân viên nam đã tùy tiện nói với một nữ nhân viên rằng: “Nếu sau này anh tìm không được bạn gái thì anh sẽ tìm em”. Nữ nhân viên này cũng tùy tiện trả lời rằng: “Được thôi! Không thành vấn đề”. Việc này tôi vô tình biết được nên đã nghiêm khắc phê bình riêng từng người một. Tôi nói với nhân viên nam đó rằng không được nói như vậy vì hôn nhân là việc lớn của đời người, sao có thể xem như trò đùa được. Tôi nói: “Nếu như cậu thực sự thích cô ấy thì cứ đường đường chính chính mà nói với cô ấy. Chứ đừng nói những lời như vậy!”. Còn đối với nhân viên nữ thì tôi phê bình còn nghiêm khắc hơn, khiến cô ấy khóc, tôi nói: “Sao em có thể đem cuộc đời của mình ra nhận lời dễ dàng với người khác như vậy! Nếu như em thực sự muốn lấy anh ấy thì được, nếu như không muốn lấy thì sao lại nói lời như vậy?”. Sau đó, cô ấy cũng rất xấu hổ. Đối với các em nhân viên nữ vừa mới tốt nghiệp đến làm ở công ty tôi, tôi thực sự xem họ như con gái của mình, rất nghiêm khắc với họ. Lúc mới vào làm, các em còn sơn móng tay, đều bị tôi bắt tẩy đi hết, có em xót tiền mà nói rằng đã bỏ ra hơn một trăm tệ để sơn móng tay. Tôi nói: “Dù là một ngàn tệ cũng phải tẩy sạch! Chìa tay ra một cái nhìn như móng tay quỷ vậy! Ghê quá!”, để móng tay sạch sẽ có phải tốt hơn không, đừng để móng tay dài quá.
Thế nên, tuyệt đối không được nói đùa, những lời tục tĩu càng không nên nói. Chúng ta nói lời “hoa ngôn xảo ngữ” là do chúng ta có tâm nịnh bợ từ lâu mà chúng ta không phát hiện ra, thậm chí trước mặt cha mẹ cũng có cái tâm nịnh hót này. Trước mặt những khách hàng có quyền thế, có địa vị hoặc đem lợi ích đến cho mình thì mình đều dùng cái tâm này mà nói chuyện. Dùng cái tâm này nói chuyện trong một thời gian lâu thì sẽ có ngày bạn vừa buột miệng là thốt ra mà không hay không biết. Lúc ban đầu, người khác sẽ cảm thấy người này nói chuyện rất ngọt ngào, nhưng nếu tiếp xúc lâu thì cảm thấy người như vậy không thể kết giao bạn bè chân thật được, bởi vì người khác đều cảm thấy con người này miệng lưỡi ngọt lịm, chỉ có nói chứ không làm được, không có tâm chân thành, không thể khiến bất kỳ người nào cảm động. Thế nên không nên nói những lời nịnh bợ.
Loại sau cùng là lời nói khiến người khác tổn thương, lời nói thô lỗ. Thông thường chúng ta cũng ít khi gặp phải loại phụ nữ chanh chua đanh đá, nói lời thô lỗ rất khó nghe. Nhưng chúng ta có khả năng nói ra những lời oán trách, nói lời hơn thua, lời thị phi. Cái xấu của những lời nói này là gì? Sẽ khiến cho người khác nghe rồi trong tâm không vui, trong tâm không thoải mái, không tự tại. Phàm những lời nói khiến người khác không thoải mái thì chúng ta đừng nên nói. Cần phải dưỡng khí chất nhu hòa, đồng thời giữ gìn tốt mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và người ngoài. Theo lời của chồng tôi, tôi trước đây vốn là không nói thì thôi, nhưng hễ nói ra thì khiến người khác tức giận bật ngửa. Tuy tôi không biết nói những lời mắng người, nhưng lại nói những lời của một phụ nữ có học thức khiến người khác tổn thương, trong chốc lát có thể đâm người một nhát, khiến họ tức nghẹn, nói không nên lời. Tôi không nổi giận nhưng họ thì tức không chịu được. Hiện nay tôi đã hiểu rõ lời này thuộc về ác khẩu. Sau khi tôi học văn hóa truyền thống đã nỗ lực sửa đổi tật xấu này, không nói những lời khiến người khác tức giận, mà biết nén lại. Nếu như nói chuyện với người có oán thù với bạn thì oán sẽ chồng thêm oán. Bạn đã kết thành mối họa rồi, đến ngày nào đó không biết chừng bạn sẽ gặp rủi ro với họ. Cho nên cái miệng quả thật là cái cửa của họa phước.
Thế nào là lời nói thiện lành? Đó là lời khi được nói ra khiến cho tất cả mọi người đều được lợi ích. Điều này có nghĩa là lời nói ra là lời trí huệ. Lời nói trí huệ nhất định hàm chứa tấm lòng nhân từ, nếu có lời nói như vậy thì hãy nói ra, còn nếu không thì đừng nói. Chúng ta cần phải luyện tập, cần phải phản tỉnh, ít nói chuyện thì trước tiên sẽ bớt được lỗi lầm, ví dụ như hôm nay nói mười câu, trong đó có một câu là trí huệ, tỉ lệ như vậy là rất cao. Nếu như hôm nay nói một trăm câu mà chỉ có một câu có trí huệ thì tỉ lệ như vậy rất thấp.
Thế nên, năm ngoái chồng của tôi đã từng nói rằng anh ấy không mong muốn tôi ra giảng. Anh ấy nói: “Nói nhiều sai nhiều, trình độ của em còn thấp như thế mà ra ngoài giảng cho người khác cái gì”. Lúc đó tôi không biết ý của câu nói “trình độ thấp” nghĩa là thế nào nên tôi còn tranh biện với anh ấy. Năm nay, anh ấy đã nêu ra ví dụ và tôi đã hiểu. Mấy tháng trước nhân viên của anh ấy hỏi anh ấy rằng nguyên nhân để sự nghiệp thành công là gì. Anh ấy trả lời: “Chẳng có gì khác ngoài việc đừng oán trách, phải khiêm tốn”. Sau đó, anh ấy đã giải thích con người vì sao cần khiêm tốn, thế nào là khiêm tốn. Anh ấy đã nêu ra hai ví dụ mà tôi cảm thấy rất hay. Anh ấy cầm một ấm trà lên nói: “Bạn xem khi nước trà trong ấm đầy thì bạn rót ra tách trà sẽ rất dễ dàng. Ngược lại nếu như trong ấm không đầy nước thì bạn phải đưa ấm lên cao, dùng lực để rót nước ra. Người khiêm tốn thì bụng dạ đã đầy đủ, đầy đến mức tràn ra ngoài. Một câu nói tình cờ thốt ra cũng khiến người được thọ dụng. Người không khiêm tốn thì nôn nóng muốn biểu đạt, rất phí sức lực, nói cả buổi mới nói ra một câu khiến người thọ dụng”. Anh ấy lại nêu ra một ví dụ khác: “Ví dụ như con muỗi mỗi ngày kêu vo vo nhưng lại rất dễ bị người đập chết. Còn hổ, sư tử và voi bình thường không nghe thấy tiếng chúng kêu. Chúng an nhàn, thong dong tự tại mà đi. Thế nhưng hổ và sư tử là vua của bầy thú. Một khi chúng phát ra âm thanh giận dữ thì sẽ cắn người, không phải người cắn chúng. Người khiêm tốn thì có tướng vương giả, không dễ nói lời tùy tiện, nhưng khi nói chuyện thì nhất định khiến người được thọ dụng”. Tôi cảm thấy ví dụ này rất hay. Thế nên người ta hay gọi chồng minh là “tiên sinh” (thầy giáo) thật có đạo lý. Anh ấy quả thực là thầy của tôi.
Phụ nữ chúng ta khi nói chuyện cần hết sức chú ý đến âm điệu. Tôi đã từng nghe một số cô gái nói chuyện với giọng điệu quá mật ngọt, lẳng lơ. Có một lần tôi đi cùng xe với một cô gái, âm điệu lời nói của cô ấy qua điện thoại rất nhẹ nhàng, ngọt lịm, khiến người nghe cảm thấy như rót mật vào tai. Đồng thời, những cuộc nói chuyện của cô ấy qua điện thoại đều gọi cho nam giới. Tôi ở bên cạnh nghe xong cảm thấy âm điệu lời nói này không được, không trang trọng. Thế nên, phụ nữ nói chuyện thanh âm cần phải nhu hòa, là chữ “nhu” của tâm địa “ôn nhu thiện lương”, và chữ “hòa” của “tâm bình khí hòa”, tuyệt đối không phải là lời mật ngọt, lẳng lơ. Những lời mật ngọt chết ruồi đó, loại âm thâm đó là tà âm, không phải chánh âm. Chúng ta cần phân biệt “tà”, “chánh” rõ ràng thì mới không uổng công học tập Nữ Đức, làm phụ nữ phải có trí huệ.
Tổng kết lại, phụ nữ không quý ở chỗ nói nhiều mà quý ở chỗ nói lời phù hợp thích đáng. Nếu bạn biết nói chuyện thì bạn mới có thể biết làm thế nào để giúp chồng, làm thế nào để dạy con, làm thế nào để trị quốc, bình thiên hạ.
THỜI NHIÊN HẬU NGÔN, BẤT YẾM Ư NHÂN
Chữ “thời” có nghĩa là thời cơ. Thời cơ là gì? Nghĩa là khi chúng ta nói chuyện nhất định cần phải xét đến bối cảnh. Chúng ta thường nói rằng: “Khen ngợi phải công khai, phê bình cần kín đáo”. Tuy nhiên, nếu như trong một công ty mà các thành viên không chung sống hòa thuận với nhau, nếu bạn công khai khen ngợi một người nào đó thì có thể sẽ khiến anh ấy càng bị tập thể cô lập, càng tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể. Vậy thà rằng đừng khen ngợi công khai còn tốt hơn. Nhưng khi phê bình thì nhất định phải kín đáo, chỉ một người nói chuyện với một người thôi. Đối với người lớn tuổi cũng như vậy, khi người lớn tuổi nổi giận hoặc không vui thì lời nói của bạn liệu có thể giúp họ điều giải được hay không, nếu như không điều giải được thì đừng nói. Khi họ đang tức giận thì chớ thêm dầu vào lửa.
Còn trên gấm có cần thêu thêm hoa nữa hay không? Khi bản thân tôi học tập Kinh điển thì thấy không cần như vậy, nếu như người này nhận được quá nhiều lời tán thán mà bạn còn tặng thêm lời khen cho anh ấy thì đức năng và phước báo của anh ấy sẽ không giữ được, ngược lại còn đẩy anh ấy đi về hướng ngược lại, sẽ xuất hiện một số hiện tượng khiến người khác thất vọng. Tôi có khi cảm thấy dường như những người bên cạnh đang hùa theo phụ họa, mọi người tán thán thì mình cũng tán thán, nếu như mình không tán thán thì bị hiểu lầm là đố kỵ. Tôi không cho là như vậy.Khi tôi cảm thấy người đó không trụ nổi với vô số lời khen thì tôi không thể hùa theo họ. Mọi người khen người này tốt. Tôi không nói anh ấy không tốt, nhưng tôi sẽ không nói gì cả. Nếu như họ khăng khăng muốn tôi có nhận xét đối với anh ấy thì tôi có thể nói rằng trên một phương diện nào đó anh ấy đáng để tôi học tập, còn những phương diện khác thì tôi một lời cũng chẳng nói ra.
Làm người thực sự cần phải có trí huệ, khi đi hỏi người khác cũng cần có trí huệ. Ví dụ có một trường hợp, có một ông chủ công ty, khi chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, trên bàn ăn còn có những người khác. Ông ấy đã hỏi tôi nên làm thế nào để dẫn dắt nhân viên trong công ty học tập văn hóa truyền thống: “Nếu như tôi dẫn nhân viên ra ngoài tham gia luận đàn học tập văn hóa truyền thống, như thế có tốt không?”. Tôi đã trực tiếp trả lời với ông ấy là: “Không tốt”. Ông ấy hỏi tôi: “Tại vì sao?”. Tôi nói: “Việc này tôi đã trải qua rồi, bắt đầu từ năm ngoái tôi dẫn nhân viên của mình tham gia đủ loại luận đàn, thậm chí họ còn dắt vợ và mẹ theo. Tất cả chi phí đều do tôi lo, vẫn trả lương đầy đủ. Kết quả thế nào? Kết quả chỉ là sự thể hiện của cái tâm tự tư tự lợi của tôi, chính là thể hiện ra tôi rất nhân từ, hình như đối xử với nhân viên rất tốt. Họ có thay đổi hay không? Không hề thay đổi, mà đa số còn từ chức bỏ đi. Vì sao lại như thế? Sau cùng tôi đã “phản cầu chư kỷ” (xét lại chính mình) rằng nhân viên hiện nay không cần đi ra ngoài học, mà bản thân tôi ở nhà cần nội tu trước. Tôi học hiểu một điều thì dạy họ một điều. Thế giới phù hoa bên ngoài rất loạn. Mười người thầy thì sẽ có mười kiểu giảng khác nhau. Tôi là người vừa mới học tập. Nhân viên còn học sau tôi. Họ ở bên ngoài nghe không hiểu, nhìn không hiểu về hỏi tôi. Kỳ thực tôi cũng không hiểu rõ. Hơn nữa, sau khi ra ngoài, họ tiếp xúc với nhiều người như thế thì tâm sẽ tán loạn. Bạn xem từ xưa đến nay cổ đại đức dạy học nhất định là đóng cửa tự tu, trước tiên không phải dẫn học trò đi du sơn ngoạn thủy. Trước tiên phải làm cho tâm của họ định lại đã. Giám đốc có thể ra ngoài tham học vì định lực của giám đốc dù sao cũng cao hơn nhân viên một chút, sau đó để các nhân viên ở nhà tu định trước tiên, chọn ra một hoặc hai bộ sách để họ học tập nhiều lần, nghe đi nghe lại, thể ngộ nhiều lần trong công việc. Không cần đem tiền đi tiêu một cách vô ích như thế, không cần thiết”. Sau khi nghe tôi nói xong, ông ấy lại hỏi một nhân viên kế bên, cũng là một nhân viên quản lý cấp cao ở một công ty khác, anh ấy đã nói với ông rằng: “Ông nên dẫn nhân viên đi ra ngoài học tập, có thể thông qua học tập mà nâng cao chính mình”. Lúc đó, ông giám đốc ấy bắt đầu cảm thấy rất bối rối, rốt cuộc có nên dẫn nhân viên ra ngoài học hay không. Ông ấy đã hỏi tôi. Lúc đó, tôi không nói gì cả. Bởi vì địa vị của ông chủ và nhân viên vốn dĩ không như nhau. Bạn hỏi ông chủ thì sẽ có đáp án này. Bạn hỏi nhân viên thì nhất định có một đáp án khác. Như vậy, bạn phải biết cần nên hỏi ai. Đây cũng thuộc về nói chuyện cần phải quán thời cơ.
Không chỉ bao gồm việc phải quán sát thời cơ mà còn phải biết quán sát đối tượng. Trước mặt mẹ chồng bạn đừng nên kể tội chồng của mình, vì không có ích gì cả, hoàn toàn là kể tội vô ích, phát ngôn vô ích, hoàn toàn không có tác dụng. Bạn có thời gian mà lại làm những việc vô ích chi bằng hãy làm những việc có ích đi, đừng lãng phí thời gian của chính mình. Bạn không cần đi kể tội bất kỳ người nào cả. Nếu như bạn đi kể lể với bạn bè của mình về ông xã, nhưng bạn bè của bạn không thể giải quyết được. Nếu bạn đi kể lể với cha mẹ ruột của mình về anh ấy thì cha mẹ bạn tuy có lo lắng bực bội nhưng liệu họ có khuyên bạn ly hôn anh ấy hay không? Không bao giờ. Nếu như bạn đi kể lể với cha mẹ chồng về chồng của mình thì họ cũng không thể đi chỉ trích con trai của họ được. Cho nên, tôi cảm thấy phương thức tốt nhất đó chính là bản thân tự nội hóa để giải quyết vấn đề, sau này cũng không cần đi kể lể về ai nữa.
“Thời nhiên hậu ngôn” chúng ta cần phải biết với mỗi một lời nói thì từ việc lựa chọn lời cho đến việc quán sát thời cơ nhằm để chúng ta định lại. Trong quá trình định đó có thể sinh ra trí huệ chân thật. Sau cùng sẽ đạt được hiệu quả là khiến người không chán ghét. Từ xưa đến nay đều hết sức xem trọng “phụ ngôn”, trong tất cả các giáo học của chư vị cổ đức, giáo học về Nữ Đức đặc biệt nhấn mạnh đến “phụ ngôn”. Trong Kinh Thi phần “Đại Nhã” có câu nói rằng: “Bạch khuê chi điếm, thượng khả ma dã. Tư ngôn chi điếm, bất khả vi dã”. Câu này có nghĩa là gì? “Bạch khuê” chỉ cho bạch ngọc, dùng bạch ngọc làm con dấu, nếu như ở phía trên có chút tì vết thì có thể mài nhẵn đi một chút là được. Tuy nhiên, nếu như lời nói có vết nhơ, như nói lời ác, lời không nên nói ra thì bạn có thể nuốt vào được hay không? Không thể được, không có cơ hội để hối hận. Có một đoạn câu như thế này, tôi xin chia sẻ với mọi người phần tôi đã sao chép lại:
“Bớt nói những lời oán trách, hãy nói nhiều lời khoan dung. Oán trách mang lại hận thù, khoan dung mới là trí huệ.
Bớt nói những lời mỉa mai, hãy nói nhiều lời tôn trọng. Mỉa mai thể hiện sự xem thường, tôn trọng tăng thêm lòng thấu hiểu.
Bớt nói những lời tổn thương, hãy nói nhiều lời quan tâm. Tổn thương tạo nên đối lập, quan tâm thắt chặt tình thân.
Bớt nói những lời ra lệnh, hãy cùng bàn bạc thêm với nhau. Mệnh lệnh chỉ có thể tiếp thu, còn bàn bạc mới chính là lãnh đạo.
Bớt nói những lời phê bình, hãy nói nhiều lời cổ vũ. Phê bình tạo ra ngăn cách, cổ vũ khơi mở tiềm năng”.
Tôi rất thích năm câu nói trên, dán nó lên trên bàn đọc sách, khi không có việc gì thì có thể đọc lại nó. Bạn có đang nói những lời oán trách, mỉa mai, tổn thương, ra lệnh và phê bình hay không? Nếu như có nói thì hãy mau chóng chuyển đổi trở lại, hãy đem chúng chuyển thành những lời tốt đẹp. Giống như cánh cửa sổ vậy, bên trong cửa sổ là màn đêm u ám, tối tăm. Nếu mở cửa sổ ra thì sẽ nhìn thấy rực rỡ sáng chói, chỉ là cách nhau một bức tường, một khi thay đổi thì sẽ có thể chuyển đổi trở lại. Chúng ta cũng thường xuyên phản tỉnh chính mình. Như vậy mới tốt.
Tiếp theo, tôi xin chia sẻ với mọi người một chút về ngôn từ trong lời văn của phụ nữ thời nay trên các trang mạng và podcast nhất định cần chú ý là đừng viết những điều không tốt, không phải là lời nói thiện lương hoặc lời nói khiến tâm người đọc trở nên xấu ác thì đừng viết ra. Nếu như bạn viết ra một cuốn sách lưu truyền hậu thế có rất nhiều người đọc mà nội dung đi ngược lại với luân lý đạo đức, bạn có cần gánh trách nhiệm này hay không, có gánh lấy hậu quả hay không? Chúng ta thấy tác giả Thi Nại Am của tiểu thuyết “Thủy Hử Truyện”, trong tác phẩm của ông có một số cảnh liên quan đến sắc tình, là những thứ không tốt, nên con cháu 3 đời của ông đều bị câm. Còn tác giả Tiếu Tiếu Sinh của “Kim Bình Mai” thì con cháu năm đời bị tuyệt tự. Tác giả của cuốn sách “Nhân tình của quý cô Chatterley” là D.H.Lawrence, cuốn sách này có thể rất nhiều người đã xem qua, ông ấy viết xong hơn một năm thì qua đời ở tuổi 44. Bao gồm cả tác giả của truyện tranh “Shin-cậu bé bút chì” đã qua đời ở tuổi 51. Cuốn truyện tranh “Shin-cậu bé bút chì” chưa viết xong thì ông ấy đã chết do ngã từ trên vách núi xuống đất. Vì sao vậy? Bởi vì viết ra những câu chuyện tà ám như vậy sẽ dẫn dắt lòng người đi về hướng trái nghịch với luân thường đại đạo. Bạn phải gánh lấy nhân quả, giống như bạn xúi giục người khác giết người thì việc này sao có thể không liên quan với bạn được chứ? Có quan hệ rất lớn. Đặc biệt là những nữ tác giả có tài văn chương hãy nên suy nghĩ, hãy dùng ngòi bút của mình mà viết về những văn chương của Thánh Hiền, khuyên người hướng thiện, chớ nên xem thường mà phê bình người xưa. Khi tôi lên mạng thâu thập những tư liệu về Ban Chiêu, tôi cũng nhìn thấy rất nhiều bài viết phê bình Ban Chiêu. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì họ chưa đọc kỹ tác phẩm của bà, vẫn chưa nghiên cứu ý nghĩa sâu bên trong, không hiểu được ý nghĩa thực sự của nó mà đã tự ý phê bình, khiến cho huệ căn, huệ mạng của nhiều người bị đoạn mất. Những người khác xem thấy lời bình như vậy sẽ không đọc tác phẩm này nữa, có thể sẽ vĩnh viễn không thể nào có được sự giáo hóa về đức hạnh phụ nữ. Đây là một sự việc rất nghiêm trọng.
Thế nên, không có tài đôi khi cũng là một điều hay. Tài năng kém thì chí ít cũng sẽ không gây ra những lỗi lầm lớn. Ngược lại, đối với những người rất có tài hoa thì đó lại là một việc nguy hiểm. Nếu như phụ nữ có đức mà vô tài thì vẫn còn được, vẫn là một món hàng an toàn. Nếu vô đức vô tài thì là món hàng kém chất lượng, nhưng cũng không gây ra ảnh hưởng xấu lớn, còn như vô đức mà có tài thì tuyệt đối sẽ là món hàng nguy hiểm. Đó là một gói thuốc nổ. Trong công ty của tôi, nếu như tôi phát hiện người này không có đức thì sẽ không bao giờ trọng dụng, bất kể người đó có tài năng đến đâu, cho dù anh ấy có đem tiền về cho công ty nhưng tôi cũng xem như không. Bởi vì liệu số tiền ấy sẽ mang lại hậu quả không tốt hay không, khách hàng có than phiền hay không, có mối họa ngầm nào bên trong hay không tôi cũng không biết rõ. Cho nên, tôi thà rằng dùng người có đức vô tài, đây là tiêu chuẩn thấp nhất, rồi giúp cho người có đức vô tài nâng cao lên thành có đức có tài, bồi dưỡng cho họ, nâng cao tư chất của họ, tăng trưởng phước báo cho họ, sau này họ sẽ có đức lẫn tài. Rất nhiều người đến cửa hàng chúng tôi đều cảm thấy kinh ngạc khi các nhân viên nữ đều rất bình thường, rất phổ thông, không có cô nào mồm mép, lanh lợi cả mà đều là những cô gái ăn nói rất bình thường, mộc mạc nhưng tâm địa thiện lương.
QUÁN HOÁN TRẦN UẾ, PHỤC SỨC TIÊN KHIẾT, MỘC DỤC DĨ THỜI, THÂN BẤT CẤU NHỤC, THỊ VỊ PHỤ DUNG
(Tạm dịch: Y phục dù cũ hay mới cũng phải giặt cho sạch sẽ, tắm gội đúng lúc, giữ thân thể thanh khiết sạch sẽ, phục sức tươi tắn chỉnh tề, đây chính là phụ dung)
“Quán hoán” có nghĩa là giặt, ý chỉ thường xuyên giặt giũ quần áo sạch sẽ, đừng để dơ bẩn. “Phục sức tiên khiết” có nghĩa là mặc y phục thanh khiết, sạch sẽ. “Mộc dục dĩ thời, thân bất cấu nhục” nghĩa là thường xuyên tắm gội, thân thể đừng để cáu bẩn, đó là phụ dung. Trên thực tế mỗi một câu mà Ban Chiêu viết đều có hàm nghĩa rất sâu. Chẳng nhẽ chỉ có nghĩa là phải mặc quần áo sạch sẽ và giữ gìn thân thể sạch sẽ thôi sao? Kỳ thực không chỉ là như vậy mà thông qua hành vi như thế để luôn luôn nhắc nhở bản thân về mặt đức hạnh, về mặt tâm hạnh của chúng ta xem coi có bị cấu uế hay không? Nếu như cũng bị ô nhiễm, cũng bị vấy bẩn thì như thế không gọi là phụ dung. Trong “Chu Dịch” có câu nói rằng: “Mạn tàng hối đạo, trị dung hối dâm”. “Hối” có nghĩa là dẫn dắt, dẫn dụ, có nghĩa là nếu như bạn thu thập, cất giữ những châu báu đẹp đẽ tức là đang dụ kẻ trộm vào nhà của bạn ăn trộm. Người thời nay không những cất giữ châu báu trong nhà mà còn phô bày ra ngoài, đi xe siêu sang, mặc quần áo hàng hiệu. Như thế chẳng khác nào dẫn dụ người khác đến cướp! Như vậy chẳng khác nào dạy người đi cướp bóc hay sao! “Trị dung hối dâm” nghĩa là phụ nữ ăn mặc rất hở hang khêu gợi, chẳng khác nào nói rằng: “Tôi là cô gái không đàng hoàng. Anh hãy đến đùa bỡn với tôi, tà dâm với tôi”, tức đang dạy cho người khác những sự việc như thế, chỉ chiêu cảm những hành vi phi lễ đến với mình. Thế nên, lời nói, hành vi của phụ nữ lúc bình thời rất quan trọng. Nếu như bạn có chánh tâm, chánh nghĩa, ăn mặc, trang điểm nghiêm chỉnh, đoan trang thì bất kỳ người nào cũng không dám thất lễ với bạn, sẽ không có những hành vi phi lễ. Nếu như chúng ta hời hợt không chú ý đến hành vi và lời nói của chính mình nhưng lại không biết rằng chúng là một loại ám thị đối với người khác, có thể trong tâm của bạn không nghĩ như thế, nhưng người khác lại nghĩ đến điều phi lễ. Chúng ta cần thường xuyên phản tỉnh xem những hành vi cử chỉ của chúng ta có khiến cho người khác khởi lên những suy nghĩ như vậy không, có dựa trên những lời dạy của cổ Thánh, tiên Hiền hay không?
Trên phương diện y phục và trang điểm, chúng ta cần chú ý nên làm thế nào thì mới có thể gọi là “tắm rửa sạch sẽ, phục sức tươi tắn”? Về mặt ngôn từ thì chúng ta cảm thấy phụ nữ thời nay đều có thể làm được. Có ai mà cả ngày không tắm đâu? Có ai ăn mặc lôi thôi, lếch thếch đâu? Không có phụ nữ như vậy mà các cô gái đều trang điểm rất tươi tắn, sáng sủa, tóc mỗi ngày đều chải chuốt, tắm rửa mỗi ngày mấy lần. Nhưng điều then chốt đó là y phục có phù hợp với bản thân hay không? “Đệ Tử Quy” đã dạy cho chúng ta về điều này, trước tiên phải ăn mặc đoan trang, không được hở hang, khêu gợi, đặc biệt là vào mùa hè. Đầu năm nay khi bắt đầu học tập Nữ Đức, có một ký giả đến phỏng vấn tôi và doanh nghiệp của tôi. Sau đó, tôi đã gợi ý với cô ấy nên tuyên truyền về văn hóa truyền thống. Cô ấy nói: “Thứ này lỗi thời rồi. Tôi không cần viết bài về đề tài này”. Sau đó tôi nói rằng: “Cô hãy ngồi xuống, để tôi rót cho cô tách trà và trò chuyện cùng cô. Tôi không nói gì khác ngoài bốn chữ”. Cô nói: “Cái đó càng cổ lỗ sĩ hơn. Ai còn học “Tam tòng tứ đức” nữa chứ!”. Tôi nói: “Tôi xin nói với cô về đề tài phụ dung”. Bởi vì lúc đó không có nhiều thời gian, sau khi tôi nói xong cô ấy có hơi kinh ngạc rồi nói: “Chị nói những điều này có vẻ như là điều cần thiết trong thời buổi hiện nay, không phải là thứ lỗi thời”. Tôi nói: “Quả đúng như vậy”. Cô ấy kể cho tôi nghe về lời nói của một cảnh sát trưởng là: “Vào mùa đông thì những vụ án cưỡng dâm rất ít, nhưng khi mùa hè đến thì các vụ án đột nhiên tăng vọt, đặc biệt là vào tháng 8 và 9 khi các cô gái ăn mặc thiếu kín đáo thì các vụ án tăng lên rất nhanh. Các cô gái cần chú ý đến việc ăn mặc trang điểm, nếu không thì sẽ rước họa vào thân”.
Thế nên, chúng ta hãy nghĩ xem nếu như tất cả phụ nữ đều học về “phụ đức”, biết cách ăn mặc phù hợp thì các vụ án hình sự sẽ không nhiều như thế, cha mẹ cũng không phải lo lắng nhiều về con cái. Việc ăn mặc của con gái từ nhỏ phải được mẹ dạy dỗ. Việc này phải xem xem người làm mẹ ăn mặc như thế nào. Nếu như người mẹ cũng ăn mặc hở hang, khêu gợi thì cũng sẽ cho con ăn mặc như thế. Việc này là điều rất bình thường. Bạn thích như vậy thì cũng thích con cái của mình ăn mặc như vậy. Có một lần tôi xem thấy tin tức nói về một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của HongKong dẫn theo con gái du lịch Châu Âu, trên mạng đăng rất nhiều tấm hình. Con gái của cô ấy là một phiên bản y hệt như cô ấy. Nó chỉ mới 5 tuổi mà mặc áo khoác da báo, tay mang một túi xách hàng hiệu nhỏ, đội một chiếc mũ lệch, tóc uốn, mang đôi ủng cao, ngón tay đều sơn đỏ, sau đó cầm chiếc điện thoại nhỏ đi dạo phố. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là gì? Lúc đó là thời gian đi học, nhưng cô ấy đã xin thầy giáo cho con của cô nghỉ học để đi du lịch Châu Âu. Thầy giáo không đồng ý nhưng đó là trường học quý tộc nên dường như cũng không có cách nào không cho nghỉ. Chúng ta nghĩ xem đứa bé gái đó lớn lên sẽ như thế nào? Đương nhiên trường hợp của bé là một trường hợp cực đoan. Chúng ta hãy xem những gia đình phổ thông khác xem có giống như vậy hay không? Ngoài ra, chúng ta thấy những phụ nữ bán những y phục khêu gợi giống như những người bán sách báo và băng đĩa đồi trụy vậy. Liệu con cái của họ có ăn mặc giống như vậy không? Người nhà của họ có ăn mặc giống như thế không? Nếu như người nhà bạn không mặc những quần áo như thế này thì bạn cũng đừng bán chúng, hãy bán những y phục truyền thống, y phục đoan trang hoặc trang phục công sở cho phụ nữ.
Có một nữ doanh nhân của một chủ tiệm nhỏ nói với tôi rằng khách đến mua đều là những cô tiểu thư, chi tiền rất thoáng nên kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nói rằng bên này chị kiếm được. Còn bên kia thì sao? Có thể sẽ để lại di hại vô cùng. Bao gồm những người bán những băng đĩa đồi trụy, liệu con cháu đời sau của họ có xem hay không? Nếu như chúng xem thì hại người đời sau cũng là hại chính mình. Điều thứ hai, chúng ta mặc y phục nhất định không được xa xỉ lãng phí, phải phù hợp với thân phận và điều kiện kinh tế của chính mình. Thậm chí, khi điều kiện của gia đình rất tốt có thể mua những quần áo hàng hiệu nhưng vẫn có thể giảm bớt nhu cầu và tiêu chuẩn của chính mình mà không mua chúng. Tiết kiệm những phước báo này dành cho con cháu đời sau của mình, để dành phước cho lúc tuổi già, khi còn trẻ chớ phung phí phước, chớ mê muội truy cầu hưởng thụ. Nếu như không có điều kiện để mua thì càng tốt, bởi vì tâm ái mộ hư vinh sẽ hại cả đời của chính mình, chỉ vì đống quần áo hàng hiệu đắt tiền hay chỉ vì một cái túi xách mà không tiếc sự hy sinh, thậm chí còn bán luôn cả chính mình. Thực tế cái được sẽ không bù nổi cái mất, được hạt mè mà mất cả quả dưa. Các bạn gái nên hiểu rõ điều này.
Việc ăn mặc không phù hợp còn bao gồm cả việc phục sức giống như nam giới. Tôi xin nêu ra một ví dụ trong sách “Liệt Nữ Truyện”. Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ. Ông có một phi tử là nàng Muội Hỷ, nhan sắc rất xinh đẹp nhưng thiếu đức hạnh. Việc phụ nữ phục sức với trang phục của nam giới, đeo kiếm, đội mũ cao của nam giới, nhìn rất oai phong là bắt đầu từ nàng ta. Hạ Kiệt cũng không màng đến việc tu dưỡng lễ nghĩa, vô cùng hiếu sắc tham dâm, tìm kiếm mỹ nữ để đưa vào hậu cung. Ông còn tuyển vào cung những tên hề và những kẻ biểu diễn mua vui cho ở cạnh bên, chế tác và biểu diễn loại âm nhạc dâm dật, ngày đêm không ngừng. Ông cho cung nữ uống rượu, nghe theo lời của nàng Muội Hỷ nên mê loạn u tối, không giữ gìn quy củ, phóng túng xa xỉ, dâm dật vô độ. Ông còn xây một cái ao chứa rượu rộng đến nỗi có thể đi lại bằng thuyền. Một tiếng trống vang lên thì có 3000 người khom người như con trâu đi đến thủ phục xuống uống rượu. Họ bị bức đẩy xuống ao uống rượu, uống say rồi thì chết chìm luôn trong ao. Muội Hỷ xem thấy cảnh đó rất thích thú. Có một vị đại thần rất chính nghĩa tên Long Bàng đã khuyên can rằng: “Làm vua mà vô đạo thì sẽ mất nước”, nhưng vua không nghe, nên sau đó đất nước này đã bị diệt vong. Hạ Kiệt đã nói rằng: “Mặt trời có thể mất được sao? Nếu như mặt trời mất thì ta mới mất”. Vua không những không nghe lời khuyên mà còn cho rằng đây là lời yêu ngôn hoặc chúng nên đã giết chết Long Bàng. Tiếp theo, ông ta đã cho xây đền đài, cung điện bằng ngọc, vét sạch tiền tài của đất nước. Kết quả vua Thang khởi nghĩa. Lúc đó Thang là một chư hầu, khi đánh nhau với quân của Hạ Kiệt thì quân lính của Hạ Kiệt đều quy giáo đầu hàng vua Thang, sau cùng giúp Thang bắt Hạ Kiệt và Muội Hỷ lưu đày, đưa đến bờ biển, sau cùng thì chết ở trên núi Nam Sào.
Cho nên, những phụ nữ có nhan sắc nhưng vô đức thì nhất định sẽ hại người, hại gia đình, hại đất nước. Đây là một ví dụ cực đoan trong lịch sử đáng để chúng ta phản tỉnh. Chúng ta đọc lịch sử như chính mình soi gương. Vì vậy phụ nữ không nên phục sức như nam giới. Hiện nay, chúng ta nhìn thấy một số ngôi sao ca nhạc nữ nhưng thích mặc đồ như nam giới, rất nhiều fan nữ cũng theo đó mà sùng bái. Việc này có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người. Vì sao rất nhiều ca sĩ, diễn viên đoản mạng, thậm chí qua 40 tuổi thì bắt đầu đi xuống, vận mạng đen đủi? Bởi vì họ có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhưng không dẫn dắt mọi người đi trên chánh đạo, nên vận mạng của họ nhất định sẽ suy.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý không được sửa sắc đẹp, bởi vì thân thể của chúng ta “thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám để tổn thương”. Đây là câu nói trong “Hiếu Kinh”. Vì sao thời xưa người ta giữ gìn thân thể rất tốt? Đó là vì sợ cha mẹ nhìn thấy sẽ đau lòng. Hiện nay thậm chí có cha mẹ không hiểu biết còn chủ động đưa tiền cho con gái đi sửa sắc đẹp. Nếu làm như thế thì thân và tâm đều bị tổn hại rất lớn, thời gian lâu sau thì thân thể có thể sẽ không được bình thường. Thân thể mà Trời ban cho này là tốt nhất rồi, nếu có tiền tài thì hãy đi làm từ thiện, nếu có thời gian và tinh lực thì hãy tích lũy đức hạnh cho chính mình. Sắc đẹp rồi cũng sẽ có ngày nhạt phai, cho dù sửa sắc đẹp có tuyệt đến đâu thì qua 40 tuổi cũng sẽ già nua. Đó là quy luật của tự nhiên. Bất kỳ người nào cũng không thể chống lại quy luật tự nhiên, chi bằng chúng ta hãy thuận theo. Ông Trời cho sao thì hãy để như vậy, cho khuôn mặt tròn thì cứ để mặt tròn, cho mắt một mí thì cứ để mắt một mí, sống mũi có hơi thấp thì cứ để như vậy. Đừng đi nâng chỗ này, cắt chỗ kia! Như vậy là trái ngược với quy luật tự nhiên. Con người nếu như quá để ý đến nhan sắc ngoại hình của chính mình, đặc biệt là phụ nữ thì cô ấy nhất định chẳng để tâm vào việc học tập và nâng cao đức hạnh của mình. Quả thật là “tâm vô nhị dụng” (một tâm không thể dùng vào hai việc một lúc)!
Phụ nữ khi mang thai cũng phải chú ý đến sự đoan trang. Rất nhiều phụ nữ sau khi kết hôn thời gian lâu rồi ở nhà thì ăn mặc khá cẩu thả. Mặc quần áo ở nhà cũng cần phải chú ý giữ gìn sạch sẽ, tươm tất, chỉnh tề để chồng và con nhìn vào cảm thấy tinh thần phấn chấn. Sau khi mang thai cũng cần phải như thế, bởi vì bạn sạch sẽ thì đứa trẻ con bạn cũng sạch sẽ. Bản thân tôi có cảm nhận rất rõ ràng, đặc biệt là đối với đứa con thứ hai của mình. Khi mang thai, tôi rất chú ý giữ gìn sạch sẽ, lúc bình thường đã sạch sẽ, lúc mang thai còn sạch sẽ hơn. Đứa con trai thứ hai của tôi sau này cũng rất sạch sẽ. Nó chơi đồ chơi xong đều chủ động xếp ngăn nắp, bình thường cũng thích rửa đồ chơi của mình. Cái chén nhựa của nó đều do chính nó rửa. Quần áo nếu như bị dơ nó đều chủ động thay ra. Nó mới lên 3 tuổi nhưng hồi 2 tuổi cũng đã như vậy rồi. Đôi tất nhỏ của nó là do nó tự giặt, giặt rất sạch. Chúng ta sinh con ra bất luận là con trai hay con gái cũng đều nên siêng năng và sạch sẽ, khi chúng còn ở trong bụng mẹ là có thể bắt đầu giáo dục được rồi. Người phụ nữ trong lúc mang thai cần giữ cho mình đoan trang, thanh tịnh, sạch sẽ, tinh khiết. Đừng để một khi mang thai thì đầu tóc rối bù, quần áo thì bạ cái gì mặc cái đấy, không được để bộ dạng như vậy.
Tiếp theo, khi trong nhà xảy ra biến cố lớn, ví dụ như sự nghiệp của chồng đột nhiên gặp biến cố hoặc người thân xảy ra biến cố thì người làm vợ, bà chủ của gia đình nhất định cần giữ được điềm tĩnh, sắc mặt và dung mạo lúc đó phải an định không được rối loạn. Đừng để xảy ra bất kỳ việc gì tay chân đều cuống quýt lên, hấp tấp, nóng nảy vội vàng: “Không xong rồi! Làm sao bây giờ?”. Thực sự, khi gia đình xảy ra chuyện thì người chủ gia đình không phải là nam giới mà nhất định là phụ nữ, bởi vì tình yêu của người mẹ sâu dầy khôn sánh. Bạn sẽ khiến cho lòng của chồng lúc nào cũng vững dạ. Bất kỳ việc gì xảy ra bạn cũng đều có thể điềm tĩnh thì sẽ không có việc lớn xảy ra. Bất cứ lúc nào bạn cũng đều mang đến cho gia đình sức định tĩnh như vậy. Bạn cần có năng lực này. Tôi đã từng nói rằng phụ nữ giống như cây “định hải thần châm” (gậy thần trấn biển) trong gia đình, đừng để cây gậy thần này bị lấy đi, cho dù là biển động đến cấp độ nào thì gậy thần trấn biển này không được dao động. Anh ấy động là việc của anh ấy, còn bạn nên giải quyết thế nào thì giải quyết như thế đó. Việc lớn trong gia đình cũng không nhiều. Một năm thậm chí mấy năm mới xảy ra một lần. Nhưng bình thường chúng ta phải tu luyện định lực trong những việc nhỏ trong cuộc sống, khi việc lớn xảy ra thì chúng ta có thể làm được “lâm nguy bất loạn”.
“Mộc dục dĩ thời, thân bất cấu nhục” tức là không để cho bản thân bị bất kỳ nỗi nhục nào. Nỗi nhục này không phải do người khác mang đến cho mình, như bị người khác hủy báng, nhục mạ chúng ta, không phải vậy. Bất kỳ người nào cũng đều không thể gây ra cho bạn, chỉ có bản thân mới có thể mang nhục đến cho chính mình. Bạn đã nắm vững lời ăn tiếng nói, hành vi, cách ăn mặc trang điểm của chính mình, sau cùng là nắm vững nội tâm của chính mình thì “nước dơ” ở bên ngoài không thể bắn vào thân được, người khác hắt vào cũng không hắt được, chỉ có mình vấy bẩn chính mình mà thôi. Trong lúc học tập, chúng ta cần biết rõ sự việc nào có thể khiến chúng ta rước lấy nhục nhã, sự việc nào thì không. Chúng ta học tập lời dạy của cổ đức nhiều lần thì thấy rằng việc quan trọng hàng đầu của phụ nữ đó là trinh tiết. Đặc biệt hiện nay rất nhiều người không chú ý đến lời nói và hành vi trên phương diện này, xem đó là việc không sao cả. Cách đây 20 năm khi nói đến việc ngoại tình thì cảm thấy đỏ mặt, còn hiện nay thì nói chi đến việc ngoại tình mà việc có bao nhiêu mối tình mọi người đều không cảm thấy đó là việc hổ thẹn, ngược lại còn cảm thấy tự hào. Chúng ta gọi sự việc này là “tích phi thành thị”, có nghĩa là sự việc sai trái tích lũy quá nhiều rồi, mọi người đều cảm thấy việc này trở thành đúng. Chúng ta hiện nay cần loại bỏ cái sai, quay về nẻo chánh, đem sự việc sai trái này nói rõ với mọi người rằng làm như thế là không tốt, đem việc tốt nói với mọi người rằng hãy nên làm như vậy. Bởi vì trên thế gian này chỉ có đi trên con đường chánh đạo thì mới có được hạnh phúc thực sự. Những phụ nữ ngoại tình đều không hạnh phúc. Họ đã làm trái với thường đạo của thế gian thì làm sao hạnh phúc cho được. Thế nên mọi người cần phải hiểu rõ cái gì là thật, cái gì là giả, cái gì là vĩnh cửu, cái gì là tạm thời.
Còn một điểm nữa tôi xin nói với mọi người, cũng là nhắc nhở mọi người rằng phụ nữ không nên tích chứa nữ trang. Đây cũng là lời dạy của cổ Đại Đức. Hiện nay phụ nữ vì tích chứa trang sức vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà không ngần ngại tiêu hao cạn kiệt gia tài. Việc này không hề có chút ích lợi gì cả. Nếu như có tiền tài như thế chi bằng hãy nên đem ra tích đức, hành thiện. Nếu đeo quá nhiều đồ trang sức sẽ dễ dàng khiến người khác khởi tư tưởng bất thiện. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không mua bộ trang sức nào cả, có một hai bộ nữ trang là đủ rồi. Ví dụ như quà tặng hoặc tín vật mà chồng tặng cho bạn thì bạn hãy giữ lấy. Những thứ dư thừa không dùng đến thì đừng đi mua. Đây cũng là nội dung rất quan trọng trong việc “cách vật tu thân”, hãy từ đây mà bắt đầu tu, bắt đầu “cách vật”. Bởi vì phụ nữ nói chung đều thích nữ trang, nhưng trong sách “Đại Học” có câu: “Tâm còn có thứ yêu ghét tức đã không thuần chánh”.
CHUYÊN TÂM PHƯỞNG TÍCH, BẤT HIẾU HÍ TIẾU, KHIẾT TỀ TỬU THỰC, DĨ CÚNG TÂN KHÁCH, THỊ VỊ PHỤ CÔNG HỸ
(Tạm dịch: Chuyên tâm may vá, dệt vải, không nói đùa cười cợt với người khác, chuẩn bị rượu và thức ăn ngon, tiếp đãi khách chu đáo, đây chính là phụ công)
Sau cùng, chúng ta cần học về phụ công. Dệt vải là công việc thường ngày của phụ nữ, cần chuyên tâm làm mà không mỏi, còn sự cười đùa cợt nhả thì phụ nữ không nên có. Phụ nữ cần giữ đoan chánh, an tĩnh. Khi khách đến thì phải chuẩn bị rượu và thức ăn đầy đủ để thết đãi. Vào thời xưa, nam giới làm nông ở bên ngoài, phụ nữ ở nhà dệt vải, may vá, sau đó làm cơm, thết đãi khách khứa. Như thế gọi là phụ công. Ý nghĩa rất đơn giản. Thế nhưng trên thực tế, ý nghĩa của nó rất sâu, khi thực hiện phụ công cần phải chuyên tâm, không được tam tâm nhị ý, không tạp, không loạn. Nhất tâm dệt vải cũng chính là nói phụ nữ đem tâm định lại trong công việc nhà. Nói một cách khác là định tâm trong sứ mạng của mình ở trong gia đình. “Dệt vải” phải chăng chỉ có nghĩa là dệt ra y phục để mặc cho ấm không? Nó là một danh từ thay thế, là danh từ để Ban Chiêu dùng để biểu pháp. Nó biểu thị pháp môn gì vậy? Biểu thị cho pháp môn về đức hạnh phụ nữ mà Ban Chiêu muốn tuyên truyền, phần quan trọng nhất của Nữ Đức đã được nói đến ngay ở phần mở đầu. Đó là cần phải hiểu bổn phận của chính mình. Bổn phận đó là gì? Đó là bạn có sứ mạng khác với sứ mạng của nam giới. Bạn ở nhà cần thực hành tốt đạo làm vợ và giáo dục con cái. Làm thế nào để dạy tốt con cái? Bắt đầu từ việc làm tốt “phụ công”. Nếu như bạn chẳng làm một việc gì, một người phụ nữ lười biếng sao có thể dạy ra con cái tốt được chứ? Nếu như có thể nhất tâm thì người đó có thể thông. “Bất hiếu hí tiếu” nghĩa là phụ nữ cần phải liêm khiết, trinh khiết, thanh tịnh, không đùa cợt, không sân nộ, không mắng chửi. Nếu như ưa thích đùa cợt thì nhất định không thể chuyên tâm được.
Sau cùng là nói về việc chuẩn bị rượu và thức ăn ngon để mời khách. “Khiết tề” ngoài nghĩa làm cơm canh thanh khiết, chỉnh tề ra còn chỉ cho tâm của chúng ta cần phải thanh khiết và chỉnh tề. Bất luận khách khứa và bạn bè của chồng đến nhiều hay ít người thì phụ nữ không để tâm tư vào việc đó. Nếu như nhìn thấy bạn bè của chồng đến chơi mà vui mừng phấn chấn, muốn trổ một chút tài nữ công của mình, muốn khoe tướng mạo ngoại hình của mình, trước mặt bạn của chồng nói vài câu thể hiện sự khoe khoang về tài năng thì người chồng nhìn thấy sẽ không vui, vì vợ mình nói chuyện với bạn bè của mình không ra làm sao cả, cử chỉ rất khinh suất tùy tiện, cho dù thức ăn làm có ngon đến đâu thì trong tâm của chồng cũng cảm thấy phiền muộn. Thế nên, hai chữ “khiết tề” này chỉ cho lúc làm cơm, nấu ăn cần phải giữ tâm một cách ngay ngắn, chỉnh tề, thanh khiết, chỉ tập trung vào việc làm cơm cho tốt để thết đãi khách là được, không nên có một tư tưởng bất chánh nào khác.
Trên phương diện “phụ công” như trong phần mở đầu tôi đã nói rằng “phụ công” của phụ nữ thời hiện nay không chỉ đơn thuần là ở nhà làm tốt các công việc nhà, vì hiện nay làm công việc nhà đã tương đối đơn giản hơn nhiều so với thời xưa. Hiện nay, giặt đồ đã có máy giặt, nấu cơm không cần chụm củi nhóm lửa mà dùng bếp gas nấu rất tiện lợi, chúng ta đã không còn phí sức làm việc nhà nữa. Thời nay, “phụ công” của phụ nữ được thể hiện trên cương vị công tác, làm thế nào có thể nhất tâm làm tốt công tác nghề nghiệp của mình. Ví dụ như bạn làm kế toán, một kế toán giỏi cần có đức hạnh tốt. Chẳng lẽ lãnh đạo làm sai bạn cũng làm sai theo ông ấy hay sao? Ông ta muốn trốn thuế, bạn lại giúp cho ông ta lập danh mục để trốn thuế, lậu thuế hay sao? Bạn có thể không làm việc này, nếu như bạn làm thì bạn và ông ấy là cùng một giuộc. Ví dụ bạn là luật sư, hiện nay rất nhiều luật sư khi không có vụ kiện thì kiếm vụ kiện để thụ lý, khi phụ trách công tác ghi tài liệu văn kiện, có lúc do không tự chủ mà làm ra những việc trái với luân thường đạo đức. Khi bạn đang làm một công việc gì thì phải xét xem nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi đó nó như thế nào. Có một bác sĩ đã từng nghe qua bài giảng của tôi. Cô ấy làm việc tại bệnh viện phụ sản chuyên môn làm phẫu thuật phá thai, đã từng thực hiện vô số ca. Cô ấy hỏi tôi có nên làm hay không. Tôi lập tức nói không được làm. Cô ấy hỏi tại vì sao. Tôi kể với cô ấy về những tư liệu có liên quan mà tôi đã tra cứu chứng minh rằng sinh mạng của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Hiện nay, khoa học hiện đại dùng sóng siêu âm để quan sát bên trong tử cung của người mẹ đã ủng hộ cho quan điểm này. Tiến sĩ Bemard Nathanson cho biết sự phát triển của khoa học hiện đại đã khiến cho ông thay đổi quan điểm ủng hộ việc phá thai của mình một trăm tám mươi độ. Ông từng được mệnh danh là “ông vua phá thai” bởi vì ở trên phương diện này ông rất nổi tiếng. Ông đã từng chủ trì hơn 60.000 ca phá thai. Tuy nhiên, hiện nay ông lại lớn tiếng kêu gọi phản đối việc phá thai, bởi vì những phát hiện của ngành Thai Nhi Học cận đại đã không thể không thừa nhận rằng thai nhi là một con người sống động. Vậy thì công việc mỗi ngày của bạn đang làm là gì vậy? Tốt nhất là đừng làm công việc này. Vị bác sĩ này nói với tôi rằng những người đến phá thai đều là những cô gái vị thành niên 17-18 tuổi, thậm chí 14-15 tuổi. Có người đi cùng với bạn học. Có người đi một mình. Có em không chỉ phá thai một lần mà đến mấy lần. Vì vậy, nếu như việc giáo dục đạo đức cho phụ nữ có thể được triển khai trên toàn quốc, thậm chí là trên toàn thế giới thì ý thức bảo vệ chính mình của phụ nữ trước tiên sẽ được nâng cao. Các cô gái sẽ không tùy tiện làm những việc như thế. Đó chẳng khác nào việc chà đạp bản thân mình.
“Phụ công” còn thể hiện ở việc biết cách lái xe. Ngày nọ khi tôi đang lái xe đã nghĩ rằng việc này có thể cũng là “phụ công”. Khi chính mình lái xe, tôi đã có thể hội rằng nếu như chúng ta lái xe một cách ngạo mạn thì sẽ lạng lách lấn đường, lái xe với tốc độ nhanh. Lái xe không giỏi thì trong tâm sẽ so sánh mình với người không có xe. Đó cũng là sự ngạo mạn khi không tuân thủ quy tắc giao thông. Có một lần tài xế của tôi đã phải dừng xe lại đợi vì phía trước có kẹt xe (tắc đường). Chiếc xe bên cạnh tôi là do một phụ nữ lái. Cô ấy ra sức nhấn còi, sau đó đã vô cùng bất mãn hạ cửa kính của xe xuống bắt đầu chửi mắng. Tài xế lái xe của tôi là một thanh niên. Lúc đầu, anh còn nhẫn nhịn, sau đó thực quá tức giận nên anh cũng muốn cãi nhau với cô ấy. Nhưng tôi đã bảo anh ấy rằng: “Cậu không cần cãi với cô ấy. Chúng ta biết là cô ấy chưa từng học qua Nữ Đức nên mới la mắng như thế. Cậu không cần để ý đến cô ấy làm gì. Chúng ta đi thôi”. Hiện nay còn có rất nhiều công việc thuộc về “phụ công” khác nữa, nhưng trọng điểm là ở chỗ chuyên tâm, không cười đùa, la mắng, làm việc sạch sẽ, ngay ngắn, chỉnh tề.
Ý nghĩa chân thật của “phụ công” mà Ban Chiêu muốn dạy cho chúng ta là gì? Đó là chân thật làm ra được công đức, làm ra được công lao. Thời xưa định nghĩa chữ “công” như thế nào? “Dĩ lao định quốc dã”, nghĩa là công việc lao tác của bạn có thể an định được một quốc gia. Bạn nghĩ xem bạn có thể làm được hay không? Nếu như không thể làm được thì đã mất đi ý nghĩa rồi.
Trong phần “phụ công”, chúng ta thường nhắc đến hai chữ là “cần” và “kiệm”. Hai chữ này xuyên suốt phần “phụ công”. Trong chương “Ti nhược” có nói về việc “chấp cần”, không những tay chân cần mẫn mà mắt cũng phải chuyên cần, phải linh hoạt. Nếu như mắt không linh hoạt thì bạn không thể nào “cần” nổi, cảm thấy mọi thứ đều ổn rồi, không cần đi làm. Chỉ cần cái miệng không cần mẫn là được rồi, còn tay và mắt thì phải cần mẫn linh hoạt.
Bàn về chữ “kiệm”, tôi xin trích một câu trong sách “Thái Căn Đàm” để chia sẻ với mọi người. “Cần kiệm là mỹ đức, tuy nhiên nếu như thái quá sẽ trở thành nhỏ mọn, bủn xỉn”. Có câu “vi phú bất nhân”, có tiền mà không nỡ dùng, ngược lại tính toán từng chút một, như vậy tuyệt đối sẽ làm hại đến chánh đạo làm người. “Khiêm nhượng cũng là một hành vi đẹp, nhưng nếu thái quá sẽ thể hiện ra sự nịnh bợ. Có ý lấy lòng người khác thể hiện ra ở việc quá cẩn thận với những điều nhỏ nhặt. Khiêm cung giả tạo thì trong lòng đang có ý mưu mô”. Bàn về cần kiệm, chúng ta cần phải hiểu rằng kiệm là đối với bản thân, không phải đối với người khác. Bản thân cần tiết kiệm đối với tất cả vật dụng. Đối với người khác thì phải khuyên bảo, dùng thân giáo mà cảm hóa. Đối với bạn bè thì rộng rãi, nhưng rộng rãi phải có nguyên tắc, không phải mình có tiền thì nói đưa là đưa, nếu như làm việc không nguyên tắc thì không những làm hại chính mình mà còn hại luôn bạn mình. Người đó có thể dùng tiền của bạn đi làm những việc không nên làm. Tôi từng nghe một ông chủ công ty kể cho tôi về một người nhân viên của ông ấy. Người nhân viên ấy thiếu tiền của các nhân viên khác lên đến mấy ngàn tệ. Sau khi ông chủ biết được đã nghĩ đến gia cảnh của anh ta quá khó khăn nên rộng lượng mang mấy ngàn tệ thay anh ta trả nợ. Anh ta cũng cảm động khóc lóc. Ông chủ này không hề hỏi kỹ là anh ta dùng số tiền đó làm những gì. Sau này anh ta cảm thấy tiền của ông chủ thật dễ lấy nên lại đến than khóc với ông chủ rằng chưa có tiền để trả một số thẻ ngân hàng. Ông chủ nhất thời xúc động suýt chút nữa lại thay anh ta thanh toán tiền thẻ, nhưng anh quản lý tài vụ đã ngăn chặn việc này và bảo với ông chủ cần phải hỏi rõ anh ta bị vấn đề gì. Kết quả, ông chủ phát hiện ra nhân viên này trên thực tế phẩm chất đạo đức có vấn đề, đã gây ra rất nhiều việc, sau cùng thì từ chức, gây ra sự việc tổn hại nghiêm trọng đến đức hạnh và lợi ích của tông ty.
Vì vậy, tiền có thể đưa ra giúp đỡ nhưng làm thế nào có thể mang lại lợi ích thật sự cho đối phương thì chúng ta cần phải hiểu rõ. Không được chứng tỏ bản thân mình rất tiết kiệm nên không cho tiền, cũng đừng vì chứng tỏ mình rất rộng rãi mà tùy tiện vung tiền ra. Tóm lại, nếu như xuất phát từ mục đích vì bản thân thì là ác, chỉ có thực sự vì người mà suy nghĩ thì đó là thiện. Cho dù người khác không hiểu cho còn nói rằng: “Con người này sao lại rắc rối thế, xin hắn một ít tiền thật là khó” thì bạn vẫn phải làm như thế vì muốn tốt cho anh ta. Thế nên, làm việc tốt thật không dễ, thường sẽ bị người khác hiểu lầm hoặc đả kích. Tuy nhiên, nếu như chúng ta giữ tâm vô tư bình thản, tôi nghĩ trời đất vốn có chánh đạo, vốn có chánh khí. Đừng nên quá câu nệ lời nói của người khác! Họ muốn nói sao cứ để họ nói. Bản thân nên làm như thế nào thì cứ y theo lời dạy của Tổ tiên, lời dạy của Thánh Hiền mà làm là được rồi.
THỬ TỨ GIẢ, NỮ NHÂN CHI ĐẠI TIẾT, NHI BẤT KHẢ PHIẾM VÔ GIẢ DÃ. NHIÊN VI CHI THẬM DỊ, DUY TẠI TỒN TÂM NHĨ. CỔ NHÂN HỮU NGÔN: NHÂN VIỄN HỒ TAI? NGÃ DỤC NHÂN, NHI NHÂN TƯ CHÍ HĨ. THỬ CHI VỊ DÃ
(Tạm dịch: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công là bốn đức hạnh quan trọng của phụ nữ. Một điều cũng không thể thiếu. Làm được bốn điều này không hề khó, chỉ cần chân thật dụng tâm là có thể làm được. Người xưa nói: “Đức nhân có xa ta không? Chỉ cần khởi tâm muốn làm điều nhân thì sẽ có nhân thôi”. Đạo lý chính là như thế)
Kỳ thực, bốn thứ: đức, ngôn, dung, công là thường đạo của phụ nữ, không thể thiếu một cái, thế nhưng làm không khó, chỉ cần có tâm muốn làm hay không mà thôi. Nếu như không có tâm thì chúng ta sẽ không làm được. Khổng Phu Tử có nói: “Đức nhân có xa ta không? Chỉ cần khởi tâm muốn làm điều nhân thì sẽ có nhân thôi”. Vậy còn lo gì “tứ đức” không vẹn toàn chứ? Câu nói này là lời kết của chương “Phụ Hạnh”. Tôi cảm thấy rất quan trọng. Nó chỉ ra làm thế nào để thực hành “tứ đức”, là do ở cái tâm, từ trong tâm mà cầu, không phải cầu ở bên ngoài. Rất nhiều bạn học văn hóa truyền thống cầu trên mặt sự mà không biết cầu đức nhân ở ngay trong tâm của chính mình. Ví dụ như họ cần kiệm đến nỗi khiến người khác cảm thấy muốn xa rời văn hóa truyền thống. Tôi nhớ có một lần một người bạn nói với tôi rằng: “Anh ấy kéo tôi đi nghe bài giảng về văn hóa truyền thống, bắt tôi phải ngồi tàu hỏa bằng ghế cứng, không cho chọn toa giường nằm, ăn hộp cơm chỉ có 5 đồng. Quả thực khó mà chịu nổi!”. Chúng ta tin rằng người bạn học văn hóa truyền thống đó phát ra cái tâm ban đầu rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta không nên ép người khác phải làm giống như mình. Chính mình làm là tốt rồi. Người khác đồng ý làm theo thì rất tốt, không làm theo cũng được. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy có khi chúng ta cũng cần tùy thuận đại chúng một chút, nhất là khi bạn vẫn chưa được mọi người công nhận. Ví dụ như có một lần tôi giảng văn hóa truyền thống cho các khách hàng cao cấp của một ngân hàng tư nhân. Ba trăm vị khách đó đều có tài khoản trị giá trên 5 triệu tệ trong ngân hàng. Nếu như tôi mặc trang phục đơn giản chỉ trị giá mười mấy tệ thôi thì họ nhìn thấy sẽ cảm thấy quá xuề xòa. Vì thế, tôi đã mặc bộ y phục khác, đơn giản, thanh khiết mà sang trọng, không đánh mất lễ nghi chính là sự tôn trọng đối với họ. Chủ tịch của họ rất hoan hỷ đã xin tôi rất nhiều sách, từ chủ tịch tập đoàn cho đến giám đốc ngân hàng đều xin một số sách để đọc. Họ nói văn hóa truyền thống rất tốt, cần phải học.
Thế nên, đối với một số lễ tiết trong xã hội hiện đại này, chúng ta không được làm trái ngược. Đừng để học văn hóa truyền thống rồi chúng ta lại sống tách biệt theo kiểu của riêng mình. Như vậy sẽ làm tổn thương đến những người xung quanh. Họ sẽ nhìn bạn với ánh mắt quái dị, cảm thấy bạn dường như chẳng giống ai. Chúng ta đừng để mọi người có cảm giác kỳ quặc đối với chúng ta, cần phải tùy thuận hoàn cảnh. Mọi người như thế thì chúng ta cũng như thế, tuy chúng ta ăn mặc giống như họ nhưng cách nói chuyện và chủ tâm của chúng ta không như họ. Chúng ta hãy dùng tấm lòng và cách nói chuyện của mình mà cảm hóa họ. Chỉ cần họ từ từ bị cảm hóa thì ăn mặc như thế nào cũng không quan trọng, dần dần sẽ thay đổi cách ăn mặc, ăn cái gì cũng không quan trọng, từ từ sẽ thay đổi, tâm thay đổi được thì sẽ rất tốt, nên từ đây mà sửa đổi.
Vì vậy, tấm lòng nhân này không hề khó cầu, chỉ cần nghĩ đến mình và nghĩ đến người, từ mình suy ra người, luôn luôn phản tỉnh bản thân thì tấm lòng nhân ái sẽ đến với chúng ta thôi. Vì sao đến vậy? Vì nó là thứ mà tự tánh vốn sẵn có, không phải từ bên ngoài đến. Nếu như hướng ngoại mà cầu thì sẽ rất phiền phức, nếu như cầu xin ai đó cho chúng ta chút lòng nhân thì sẽ rất khó. Nó là cái mà bản thân chúng ta vốn có. Cho nên, Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín là báu vật sẵn có trong tự tánh của chúng ta mà chúng ta chưa khai thác. Nếu hiện giờ được khai thác thì nó là món đồ của chính mình. Sao có thể là thứ xa vời được chứ?
“Tứ đức” của phụ nữ cũng là như thế. “Tứ đức” của phụ nữ không phải là thứ ở bên ngoài, mà là thứ vốn sẵn có trong tự tánh. Chúng ta đang học tập thứ mà chính mình vốn có, giống như một thứ đã ngủ quên trong tâm của chúng ta từ rất lâu. Chúng ta bây giờ cần dùng một cây búa nhỏ để gõ cho nó tỉnh lại, từ trạng thái ngủ mê đến khi tỉnh lại gọi là hốt nhiên tỉnh ngộ, hóa ra chính mình vốn là như thế. Như thế mới giống giáng vẻ của một phụ nữ chân chính. Phụ nữ hóa ra nên nói chuyện như thế, xử sự như thế, trang điểm như thế, tất cả đều được khôi phục trở về trạng thái tự nhiên. Thật là dễ chịu! Nếu như bạn làm trái với tự nhiên, nhất định phải làm cho hai mắt to ra như gấu trúc, xăm môi đỏ như máu, mặc y phục giống như không mặc thì đã hoàn toàn trái ngược với con người vốn có của bạn rồi.
Con người mặc quần áo ngoài mục đích che thân và chống lạnh ra, còn có công năng che đậy chỗ hổ thẹn, không để người khác nhìn thấy khởi tà niệm. Chúng ta cần có tâm hổ thẹn.
Nói chuyện cũng như vậy, người biết nói chuyện thì nói ra đều là lời nói thiện, nếu như nói ác ngôn ác ngữ thì chính là tiếng nói của cầm thú, không được nói những lời như vậy.
Làm việc cũng như thế, phải làm việc của con người, phụ nữ thì nhất định làm việc của phụ nữ. Sứ mạng của phụ nữ chúng ta rất quan trọng. Sứ mạng đó là vì tương lai của gia tộc, vì tương lai của dân tộc mà dụng tâm bồi dưỡng ra thế hệ tiếp theo, bồi dưỡng ra một thế hệ có đức hạnh, có năng lực và có trách nhiệm. Chứ đừng làm hỏng cả một thế hệ! Vì vậy, “tứ đức” của phụ nữ là lễ tiết lớn. Vì sao vậy? Vì có bốn điều này thì chúng ta mới có thể thành tựu sứ mạng, mới có năng lực dạy dỗ con cái, thành tựu sự nghiệp của chồng, truyền thừa gia nghiệp, nếu không thì không thể bồi dưỡng tốt thế hệ tiếp theo được. Tục ngữ nói: “Giàu không quá ba đời”. Vì sao vậy? Là vì không có người mẹ tốt dạy ra thế hệ tốt tiếp theo.
“Tứ đức” rất quan trọng, thế nhưng xã hội hiện nay giải thích “tứ đức” khiến cho nhiều người cảm thấy rất khó khăn hoặc không hiểu được, hoàn toàn tương phản với khi chúng tôi giảng về “tứ đức” đã khiến rất nhiều người hoan nghênh đón nhận. Có một lần trong một luận đàn, tôi đã giảng về hai điều trong “tứ đức” của phụ nữ vì phần mở đầu đã mất một khoảng thời gian để giảng về tầm quan trọng của Nữ Đức. Kết quả rất nhiều vị lãnh đạo đã nói sao không cho tôi hai giờ đồng hồ để giảng do họ chưa nghe đủ vì còn thiếu hai điều sau của “tứ đức”. Thế nên, chỉ cần là thứ phù hợp với tự tánh của chính mình thì mọi người sẽ vui vẻ lắng nghe. Vị lãnh đạo đó là một vị đã về hưu. Lúc trò chuyện riêng với tôi, ông nói rằng vì sao mọi người nghe giảng đến đề tài này thì ngay cả việc đi vệ sinh cũng không chịu rời khỏi để đi vậy. Bởi vì nó phù hợp với tự tánh, là bản tánh của con người. Chỉ cần là bản tánh của con người thì mỗi một người đều có, mỗi một người đều muốn như vậy, mỗi một người nghe xong đều cảm thấy hoan hỷ. Làm được rồi thì sẽ rất vui. Vậy thì sao chúng ta không chịu làm đi?
Thế nên, sau khi nghe xong đĩa giảng này, tất cả các thầy cô giáo đặc biệt là nữ giới đều muốn chính mình bắt đầu đi làm, biểu diễn “tứ đức” ra cho mọi người. Cái “lễ” trong sách “Nữ Giới” chính là nằm bên trong “tứ đức” này. Đây là một chương rất quan trọng. Điều tốt nhất là chân thật làm được điều trong chương này đã nói. Nếu như bạn cho rằng khó thực hành chương “Ti Nhược”, vậy bạn hãy thực hành “tứ đức” là được. Nếu như nam giới nghe được bài này thì hãy dẫn dắt vợ mình, bạn gái mình, những phụ nữ chung quanh mình, thậm chí là mẹ của mình học tập. Nam giới có nghĩa vụ dẫn dắt họ. Nam giới rất quan trọng, kỳ thực quan niệm thẩm mỹ của họ quyết định phương hướng giá trị của phụ nữ. Nếu như họ là chánh thì phụ nữ nhất định sẽ chánh. Đương nhiên, ngược lại mà nói nếu như phụ nữ chúng ta là chánh thì cũng có thể dẫn dắt nam giới về nẻo chánh. Đây là sự tác động qua lại lẫn nhau.
Phần “tứ đức” chúng ta hôm nay học tập đến đây. Sau này có thời gian chúng ta cần cố gắng tiếp tục học tập và thảo luận lại nhiều lần. Cảm ơn mọi người!
Hết chương 4
(Kính mời Quý vị tải về bản PDF dưới đây để cùng học tập)
NỮ ĐỨC VI YẾU – CHƯƠNG 4 – PHỤ HẠNH