Trân trọng kính mời Quý vị đọc cuốn sách quý:
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DẠY CON NÊN NGƯỜI
Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Dịch giả: Tống Như Cường
MỤC LỤC
- Điều quan trọng nhất không gì bằng dạy bảo con cái
- Chỉ chú trọng điểm số sẽ xảy ra nhiều tệ đoan
- Chạy theo thành tích học tập có khẳng định là có ích không?
- Xã hội cần nhân tài như thế nào?
- Chữa bệnh khi đã có bệnh có thể giải quyết được mấu chốt vấn đề không?
- Giáo dục luân lý đạo đức không chỉ dựa vào tiền bạc là được
- Trẻ em ngay từ nhỏ đã phải được ươm mầm đạo đức
- Thói quen phung phí làm cho trẻ nhỏ không biết đến hiếu đạo, không có trách nhiệm
- Tấm gương giáo dục con cái của Tiêu Hà
- Con người có bốn thói xấu là Kiêu, Xa, Dâm, Dật
- Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kỳ thất
- Sửa chữa lỗi lầm của trẻ nhỏ như cứu hỏa
- Lỗi lầm là kết quả, vậy nguyên nhân do đâu?
- Dạy con điều thiện trước tiên phải dạy con biết hiếu thảo
- Một đứa trẻ không hiếu thảo sẽ có hậu quả gì?
- Dạy con cái làm việc nhà là việc rất quan trọng
- Phối kết hợp giữa vợ chồng trong việc giáo dục con cái
- Giáo dục con làm việc thiện đó là “Dục”
- “Đệ Tử Quy” là thước đo sự lương thiện chính xác nhất
- Trách nhiệm của người mẹ đối với việc giáo dục con cái
- Gia đình có hai trụ cột chủ yếu rất quan trọng là kinh tế và nuôi dạy con cái
- “Cha mẹ đại diện” trông nom con cái
- Càng ngạo mạn càng khó thành tựu trong học tập
- Học tập quý nhất là phải nỗ lực thực hành
- Ngày sinh nhật của con là ngày chịu nạn của mẹ
- Điều quan trọng nhất không gì bằng dạy bảo con cái
Con người cần có sự chọn lựa nặng, nhẹ, nhanh, chậm, việc gì làm trước, việc gì làm sau. Chúng ta thường nói: “Điều quan trọng nhất không gì bằng dạy bảo con cái”, việc lớn thứ nhất của đời người là phải dạy bảo con cái cho tốt. Nếu như không dạy bảo con cái được tốt thì cuộc đời này của các vị có được hạnh phúc không? Một người có phước báo hay không, cuộc sống của họ có được tự tại, thoải mái không, tuổi trung niên và tuổi già của họ đều quyết định bởi việc con cái họ có hiểu chuyện hay không, có hiếu thảo không. Nếu như chúng ta nuôi đứa con không hiểu chuyện thì nửa cuộc đời về sau của chúng ta sẽ ra sao? Rất là khổ sở! Bởi vì chúng ta không biết được đứa con hôm nay sẽ lại diễn màn kịch gì để cho chúng ta phải thu dọn tàn cuộc. Muốn nuôi dưỡng tốt con cái thì phải đặt sự giáo dục lên hàng đầu, đặt ở vị trí quan trọng. Vậy thì các vị đã chọn lựa đúng sự nặng, nhẹ, nhanh, chậm rồi.
- Chỉ chú trọng điểm số sẽ xảy ra nhiều tệ đoan
Khi tôi giảng ở Malaysia, tôi có hỏi phụ huynh của bọn nhỏ rằng: “Điều gì được gọi là giáo dục?”. Có một vị phụ huynh rất thật thà, ông nói: “Được 100 điểm!”. (Ở Trung Quốc thang điểm cao nhất là 100, ở Việt Nam là thang điểm 10). Ông ấy rất đáng được khích lệ, bởi vì không có một chút giả dối nào, ông đã nói ra điều mà trong lòng mình nghĩ. Khi dạy học sinh, tôi cũng rất chú trọng đến việc giao lưu trao đổi với phụ huynh. Mỗi lần tọa đàm với các vị phụ huynh, tôi đều hỏi các vị phụ huynh rằng: “Thưa các bậc phụ huynh! Các vị cảm thấy giáo dục cả một cuộc đời bọn trẻ thì điều quan trọng nhất là dạy bảo chúng thái độ làm người, làm việc hay là dạy bảo để chúng nâng từ 90 điểm lên thành 100 điểm? Điều đầu tiên quan trọng hay điều thứ hai quan trọng?”.
Cho đến thời điểm này, chưa có một vị phụ huynh nào nói rằng điều thứ hai là quan trọng nhất. Các vị thấy phụ huynh chúng ta có phải là rất sáng suốt không? Nghe thì rất là sáng suốt! Tôi lại hỏi: “Vậy thì đại đa số các bậc phụ huynh thực hiện theo điều thứ nhất hay điều thứ hai?”. Đa số phụ huynh làm điều thứ hai: “Lần này con thi được mấy điểm? Mang lại đây cho cha xem nào!”. Trong đầu của các bậc phụ huynh chỉ toàn là điểm số.
Chúng ta phải nghĩ lại! Chúng ta khuyên bảo con cái rằng: “Làm người thì lời nói phải đi đôi với việc làm!”. Vậy tại sao rõ ràng chúng ta biết được rằng thái độ làm người, làm việc là rất quan trọng, nhưng thực tế chúng ta lại coi trọng điểm số? Thực ra thì không thể trách các bậc phụ huynh được, bởi vì họ vẫn chưa thể nghiệm được thái độ làm người, làm việc có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với cuộc sống về lâu về dài của bọn trẻ sau này, nhưng 100 điểm thì lập tức có thể nhìn thấy được. Hơn nữa họ lại có thể lấy ra mà khoe: “Con trai tôi có ba môn, bốn môn học đều được 100 điểm”. Chúng ta phải bình tâm để suy xét: Hôm nay chúng ta đẩy con cái đi theo con đường điểm số, vậy xin hỏi: Bọn trẻ sẽ đi theo cuộc đời như thế nào và chúng ta có nhìn thấy không? Chúng ta đã đẩy con cái theo hướng nào? Theo hướng danh lợi.
Tôi cũng là sản vật của chủ nghĩa theo bệnh thành tích. Các vị có thấy không? Còn nhớ hồi tôi học cấp hai, khi thi được 98 điểm, tôi đã khóc đến nửa ngày. Tại sao ư? Bởi vì hồi đó tôi muốn vào lớp chọn, vậy mà thiếu mất hai điểm. Nếu như tôi không được vào lớp chọn thì phải làm sao đây? Cuộc sống của tôi không phải là đã bị hủy hoại sao! Có nghiêm trọng đến vậy không? Tại sao tôi lại cảm thấy nghiêm trọng như vậy? Tôi mới học cấp hai, vậy mà trong lòng đã so hơn tính thiệt. Thật là quá nghiêm trọng!
Một đứa trẻ mà trong lòng cứ suy hơn tính thiệt thì cuộc sống có được hạnh phúc không? Thường thường sẽ bị phiền muộn vây quanh. Chủ nghĩa bệnh thành tích là cứ muốn điểm số của mình cao hơn, muốn trèo đạp lên trên người khác. Đáng lẽ ra tôi phải có tấm lòng như của Phạm Trọng Yêm: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, nhưng kết quả bởi chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa bệnh thành tích cho nên tôi chỉ muốn đánh bại người khác.
Tôi nhớ hồi học cấp ba, khi được trả bài kiểm tra là tôi phải ngó xem người khác được bao nhiêu điểm. Nếu như điểm của người khác cao hơn điểm của tôi thì trong lòng tôi cảm thấy rất khó chịu. Thật là nhỏ nhen! Nhân cách như vậy có hạnh phúc được không? Chúng ta hãy suy nghĩ cho sâu xa. Còn nhớ sau khi tôi tốt nghiệp đại học, có một hôm tôi gặp một người bạn học thời cấp 2 ở cửa hàng. Trong ấn tượng của tôi, anh ấy lần nào thi cũng đứng đầu lớp chọn. Sau khi anh ấy tốt nghiệp đại học, bởi vì thường xuyên vùi đầu trong đống sách vở cho nên năng lực giao tiếp với người khác của anh ấy rất kém. Khi nói đến kinh nghiệm ra xã hội làm việc thì anh ấy lại run như cầy sấy. Anh ấy nói: “Con người sao mà lại đáng sợ như vậy?”. Anh ấy rất sợ phải chung sống với người khác. Năng lực sống chung với người khác của anh ấy rất thấp, và do vậy, cũng không hình thành tấm lòng bao dung đối với người khác. Cuộc sống như vậy đương nhiên là không thể có được hạnh phúc.
- Chạy theo thành tích học tập có khẳng định là có ích không?
Chúng ta đẩy con cái theo chủ nghĩa bệnh thành tích. Hiện nay có rất nhiều người có bằng kỹ sư, tiến sĩ, bằng thạc sĩ, vậy xin hỏi: Tỷ lệ thất nghiệp nhiều nhất thuộc về loại học lực nào? Hiện nay người tốt nghiệp cấp ba đều không bị thất nghiệp. Tại sao? Lao động, rửa chén bát, quét nhà, họ đều chấp nhận làm, cho nên không bị thất nghiệp. Ngược lại, những người tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh, cảm thấy tiền lương thấp quá nên không muốn làm.
Xin hỏi: Đại học, thạc sĩ có thể khơi gợi điều gì cho bọn trẻ? Hiện nay có rất nhiều người tốt nghiệp trên đại học, bởi vì họ không thể cúi người xuống cho nên có rất nhiều người bị thất nghiệp. Chúng ta thử nghĩ xem, nhân tài được bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục hơn mười mấy năm nhưng khi ra trường lại không dùng được, thật là đáng tiếc! Đây cũng là sự lãng phí tài nguyên giáo dục. Nếu như các vị có bạn là chủ của một doanh nghiệp, hoặc cán bộ của một cơ quan nhà nước, các vị hỏi họ rằng: “Hiện nay trong giới trẻ có nhân tài nào không?” thì họ sẽ trả lời các vị rằng: “Tìm không ra nhân tài!”. Bộ máy giáo dục không ngừng sản xuất, kết quả là doanh nghiệp lại cảm thấy không dùng được.
Nếu như phụ huynh nói với con cái rằng: “Chỉ cần con học hành chăm chỉ là được, những việc khác không cần phải làm, con chỉ cần học cho giỏi, sau khi tốt nghiệp đại học đảm bảo rằng con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn”. Có vị phụ huynh nào dám đảm bảo với con cái như vậy không? Hiện nay không có, trước đây không có, và sau này khẳng định là cũng không ai có thể đảm bảo điều đó.
Hôm nay con cái tốt nghiệp đại học nhưng nếu như không biết làm người, không biết ứng xử với người khác thì dịp may tốt đến mấy, cơ hội có nhiều đến mấy cũng sẽ bỏ lỡ mà thôi. Các vị phụ huynh chân thật cần phải suy xét lại: Nếu như con cái không có đạo đức mà chỉ có cái bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thì đó cũng không đại diện là con cái có thực tài. Chúng ta hãy tìm hiểu xem, những nhà doanh nghiệp và cán bộ nhà nước thực sự thành công có phải là những người có thành tích học tập cao nhất chăng.
- Xã hội cần nhân tài như thế nào?
Các nhà doanh nghiệp cảm thấy tìm không được nhân tài. Vậy xin hỏi: Các nhà doanh nghiệp cần nhân tài như thế nào? Vấn đề này không nhất định là phải đi hỏi các nhà bác học mà trong lòng mỗi người đều có đáp án, bởi vì chúng ta đã trải qua trong cuộc sống, cũng nhìn thấy sự thành công và thất bại của không ít người. Người thành công phải có những tố chất gì? Thành thật, có trách nhiệm, khiêm tốn, giữ chữ tín, kiên nhẫn.
Đã biết là phải có những tố chất này mới là nhân tài thực sự, vậy xin hỏi: Chúng ta có dạy bảo con cái phải trung thực không? Rất nhiều phụ huynh cảm thấy rằng trung thực là quan trọng, nhưng trong lòng lại nghĩ: “Nếu như quá trung thực, con cái sau này ra xã hội bị người ta bắt nạt thì làm sao? Nếu như quá khiêm tốn, con cái sẽ bị người ta chèn ép thì phải làm sao?”. Lòng tin là căn bản, các vị nhất định phải thực sự tin rằng những người có đủ những tố chất này thì cuộc sống của họ mới thật sự thành công.
Chúng ta lại suy xét: Người có nhiều thành tựu trong gia đình, trong sự nghiệp, họ còn phải có đủ những tố chất gì? Hiếu thảo, cần kiệm, tôn sư trọng đạo, anh em hòa thuận, tôn kính người trên, lễ nhượng, khiêm tốn.
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp lớn mang tính dây chuyền, họ tuyển chọn công nhân, đầu tiên phải đào tạo một thời gian. Họ dạy công nhân những gì? Dạy thái độ làm người, làm việc. Sau khi dạy xong lại phải quan sát một thời gian, nếu được mới tuyển dụng. Cho nên điều cần thiết cho tương lai của những doanh nghiệp này là những nhân tài thực sự biết làm người, biết làm việc.
Nếu như từ nhỏ chúng ta đã dạy bảo con cái những điều cơ bản của đạo đức như vậy thì thực ra đã tạo cho cả một cuộc đời của con cái có một vị trí không thể thất bại. Chúng ta quy hoạch cuộc đời của con cái thì nên nhìn xa trông rộng, nếu như chỉ để con cái nỗ lực trong học tập mà quên học cách làm người, cách làm việc thì cuối cùng chúng cũng không thể có được một cuộc sống viên mãn, vẹn toàn. Chúng ta cần chú ý đến điều này.
Cách quản lý của người phương Tây mấy chục năm trước đều chú trọng vào quản lý chất lượng, tức là chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, được gọi là: “Quản lý chất lượng toàn diện”. Ví dụ như hôm nay làm ra chiếc micrô này, tôi chỉ cần làm cho tốt chiếc micrô, để cho nó có sức cạnh tranh cao, thế là có thể kê cao gối mà ngủ. Cho nên, điểm chú trọng đều nhằm vào việc sản xuất đồ vật cho tốt. Và kết quả là 10 năm, 20 năm gần đây đã phát sinh ra một số vấn đề. Vào năm 1995, cơ nghiệp hơn hai trăm năm của ngân hàng Baring nước Anh đã tan thành mây khói do một nhân viên giao dịch người Singapore lạm dụng tiền công khoản.
Tư duy của người phương Tây là khi xuất hiện vấn đề thì nhanh chóng giải quyết, đây gọi là “chữa khi đã có bệnh”. Khi đã có bệnh thì có dễ chữa không? Không dễ chữa. Giống như hôm nay thân thể chúng ta bị bệnh ung thư, có dễ chữa không? Không dễ chữa.
Học vấn của Trung Quốc cho rằng không nên để bị bệnh hoặc bệnh đến giai đoạn cuối mới chữa, mà khi chưa có bệnh đã phải phòng bệnh rồi. Tuy khoa học kỹ thuật phương Tây rất phát triển nhưng họ chuyên chữa trị bệnh trạng, ví dụ như bị ung thư dạ dày thì lập tức cắt dạ dày, bệnh ung thư gan thì lập tức cắt gan. Cắt xong là không có vấn đề gì nữa hay sao? Một, hai năm sau, tế bào ung thư lan rộng, cũng là đến lúc chết của con bệnh. Thực ra các vị không nên coi tế bào ung thư là kẻ thù. Trên cơ thể người nào cũng có tế bào ung thư, bởi vì các vị cưng chiều chúng thành hư nên chúng mới hung hăng càn quấy như vậy. Sao lại gọi là cưng chiều? Trạng thái cơ thể của các vị trong mười, hai mươi năm trước đã bắt đầu bị các vị chà đạp rồi. Muốn hủy hoại cái thân thể này thật không đơn giản, bởi vì nó rất là tinh tế. Cho nên, cắt ung nhọt ung thư thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề, không những không giải quyết tận gốc của vấn đề mà đồng thời còn có tác dụng phụ. Rất nhiều người bị bệnh ung thư sau khi được chữa trị như vậy, những ngày tháng về sau rất khổ sở. Muốn chữa trị tế bào ung thư, xin đưa ra một ví dụ giống như là đem một bao rác vứt trên mặt đất và có rất nhiều ruồi nhặng bay quanh. Các vị rất là bực mình: “Sao mà lại có lắm ruồi nhặng bay đến vậy?” lập tức lấy thuốc xịt côn trùng để xịt. Vấn đề đã được giải quyết và các vị đi chỗ khác. Mười phút sau, ruồi nhặng lại bay đến.
Tư duy của con người thời hiện đại là xử lý triệu chứng. Người bạn trai này không tốt, đổi bạn trai khác, người bạn gái này không tốt, đổi bạn gái khác. Có giải quyết được vấn đề không? Không phải là người bạn trai không tốt, cũng không phải là người bạn gái không tốt, mà là ai không tốt? Tự mình không học được cách bao dung, không học được cách yêu thương người khác. Gốc rễ của vấn đề này không được giải quyết thì có đổi đến mấy người cũng vô dụng. Cho nên giải quyết vấn đề phải giải quyết tận gốc, không thể đau đầu thì chữa đầu, đau chân thì chữa chân, bởi vì triệu chứng thì rất nhiều, không bao giờ hết.
- Giáo dục luân lý đạo đức không chỉ dựa vào tiền bạc là được
Hiện nay người phương Tây đã phát hiện ra, và cũng hiểu được nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp là đạo đức của nhân viên. Năm 2001, Tập đoàn An Long là doanh nghiệp đứng thứ bẩy trên toàn cầu, doanh thu hàng năm đạt mấy trăm tỷ đô la Mỹ. Kết quả, doanh nghiệp đứng thứ bẩy toàn cầu này đã bị sụp đổ do hai cán bộ cấp cao lạm dụng công quỹ. Cho nên những doanh nghiệp đa quốc gia của người phương Tây hiện nay đều phổ biến “Total Ethics Management” (Quản lý đạo đức toàn diện) để nâng cao tố chất đạo đức của nhân viên.
Người thời nay có nhận thức sai lầm là cảm thấy rằng tiền bạc là vạn năng, chỉ cần có tiền thì có thể dạy bảo tốt con cái, chỉ cần có tiền là giải quyết được mọi vấn đề. Người ngoại quốc thật là có khí thế, năm 2002 nước Mỹ chú trọng vào vấn đề giáo dục đạo đức, luân lý, số tiền đầu tư từ 250 triệu Đô la đã được tăng lên thành 750 triệu Đô la, gấp những ba lần. Đầu tư nhiều như vậy có tác dụng không?
Đồng thời họ làm một cuộc điều tra nhằm trắc nghiệm tâm lý của hơn 8 nghìn học sinh trung học, 71% học sinh đã từng gian dối, 68% học sinh đã từng đánh người, 35% học sinh đã từng ăn cắp đồ ở cửa hàng. Trong bài trắc nghiệm này có một câu hỏi rằng: “Xin hỏi: Em có cảm thấy mình có đạo đức cao thượng không?”. Học sinh trung học trả lời “có đạo đức cao thượng” lại chiếm đến 96%. Vậy xin hỏi: Bọn trẻ thời nay căn cứ theo tiêu chuẩn của ai để đưa ra câu trả lời này? Đó là tiêu chuẩn của chính nơi chúng. Thái độ này của bọn trẻ là học của ai? Nếu như người lãnh đạo của một nước động một cái là đem quân đi đánh nước khác, sau khi đánh xong về nói rằng: “Các em nhỏ! Các em không nên đánh lộn với người ta!”. Vậy thì bọn trẻ có nghe lời không? Sẽ không nghe lời! Người nước ngoài đã nắm bắt được trọng tâm của sự giáo dục chưa? Giáo dục không phải có nhiều tiền là có tác dụng. Giáo dục cũng không phải là các vị có nhiều sách lý luận thì có tác dụng.
- Trẻ em ngay từ nhỏ đã phải được ươm mầm đạo đức
Người nước ngoài phát hiện ra rằng đạo đức rất là quan trọng. Cũng là sau khi vấn đề đã phát sinh thì họ mới nhận ra, và hiện nay rất muốn giải quyết vấn đề này. Vậy xin hỏi: Họ có biết gốc rễ của đạo đức ở đâu không? Phải trị tận gốc thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Cho nên hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn của họ cũng đã đầu tư rất nhiều tiền để đào tạo, nói theo người xưa là: “Gặp nạn mới ôm chân Phật”. Xin hỏi: Hành vi lễ độ của một con người có phải chỉ trong hai tháng là có thể luyện tập thành? Nếu như họ không biết cười, bảo họ luyện tập trong hai tháng là phải cười với người khác thì tin rằng khi người khác vừa lại gần họ, nhìn thấy họ cười thì toàn thân lập tức nổi da gà, bởi vì nụ cười đó rất không tự nhiên. Đằng sau nụ cười của họ, chúng ta nhìn là biết được rằng nụ cười của họ là muốn lấy số tiền trong túi của chúng ta, chứ không phải là trong lòng họ có sự tôn trọng đối với chúng ta.
Cơ sở đức hạnh Thánh Hiền phải ươm mầm từ khi nào? Từ khi còn nhỏ, từ trong tâm linh nhỏ bé thì mới có thể ươm được mầm đạo đức. Trẻ nhỏ từ bé đã không dạy dỗ thì sẽ “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, sau này lớn lên có muốn kéo chúng về con đường chính thì cũng rất khó. Trong “Dịch Kinh” có câu quan trọng là: “Mông dĩ dưỡng chính, Thánh công dã”. Chữ “Mông” này đại biểu cho trời đất sơ khai, vạn vật đều vẫn còn yếu đuối, lúc này cần phải bảo vệ chúng, phải dưỡng dục chúng. Cho nên, quẻ Mông này nghĩa bóng là chỉ giáo dục bọn trẻ. Đó là vào lúc bọn trẻ còn nhỏ, chúng ta cần phải đào tạo tính ngay thẳng, cương trực cho chúng, và thái độ chính xác khi ứng xử với người khác. Khi bồi dưỡng cho trẻ nhỏ có được căn cơ Thánh thiện thì công đức này thật vô lượng. Nếu như các vị bồi dưỡng được một người như Phạm Trọng Yêm thì thật là công đức vô lượng. Hiện nay để bồi dưỡng được một người như Phạm Trọng Yêm có dễ không? Các vị đào tạo cho con cái rất hiếu thuận thì chúng sẽ là một chấm đỏ trong rừng cỏ xanh.
Ở Thẩm Quyến có rất nhiều trẻ nhỏ học giáo huấn của Thánh Hiền. Khi về quê, gặp tất cả những người lớn tuổi, những em nhỏ này đều cúi gập người xuống chín mươi độ (900) để chào, làm cho những người lớn tuổi này cảm thấy rất nể phục và cũng rất vui. Có một lần có một đứa bé ăn cơm cùng với mọi người. Tất cả những người lớn thấy thức ăn được mang đến là lập tức đưa tay ra gắp. Họ chợt nhìn thấy đứa bé cúi đầu, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện. Họ đáng lẽ đưa tay ra gắp thức ăn nhưng đột nhiên đều dừng cả lại, đợi đứa bé cầu nguyện xong liền hỏi nó rằng: “Vừa rồi con cầu nguyện gì vậy?”. Đứa bé nói với mọi người ngồi cùng bàn rằng: “Vừa rồi con cầu nguyện trước bữa ăn: Cảm tạ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cảm tạ công ơn dạy bảo vất vả của thầy cô, cảm tạ người nông dân vất vả cấy cầy và cảm tạ những người đã bỏ sức lao động để cho con có bữa cơm ngày hôm nay”. Những vị bề trên tay thì cầm đũa, tai thì nghe đứa bé chia sẻ, không những vui mừng mà trong lòng còn cảm thấy hổ thẹn: “Chúng ta chỉ nghĩ đến ăn, vậy mà trong lòng đứa bé luôn luôn có sự cảm ơn”.
Đứa bé này có hạnh phúc không? Cuộc sống của người trong lòng luôn có sự cảm ơn rất là hạnh phúc. Khi các vị thực sự đã dạy bảo tốt con cái thì nhất định chúng sẽ ảnh hưởng được rất nhiều người, chúng nhất định sẽ là Phạm Trọng Yêm thời nay. Cho nên các phụ huynh cần phải định vị: “Mông dĩ dưỡng chính, Thánh công dã”. Khi từ bé bọn trẻ đã được ươm mầm trí tuệ của Thánh nhân thì chúng ta có còn phải lo lắng khi chúng ra xã hội sẽ không tìm được việc làm hay không? Nếu như các vị còn lo lắng thì cũng giống như “người nước Khởi lo trời sập xuống”. Lòng dạ rộng rãi thì con đường đời càng đi sẽ càng rộng mở. Lòng dạ hẹp hòi thì cả đời sẽ sống trong sự suy tính thiệt hơn.
Gần đây tôi có nghe một người bạn kể rằng, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đều chủ động tìm đến Tổ chức đoàn thể chuyên thúc đẩy phát triển học thuyết Nho giáo để tìm kiếm nhân tài. Những nhà doanh nghiệp này nói rằng những người ngoài đời hiện nay đều không giữ chữ “tín”, không có trách nhiệm, khi họ dùng những người ngoài đời thì đều nơm nớp lo sợ, vì vậy đã chủ động đến Tổ chức đoàn thể học thuyết Thánh Hiền này để tìm kiếm nhân tài. Nếu như con cái các vị hiện nay đã ươm mầm tư tưởng Thánh Hiền, hiểu được cách làm người, làm việc thì cuộc đời này của chúng đã đứng ở vị trí không thể thất bại rồi.
Sự chọn lựa hiện nay của các vị không chỉ ảnh hưởng đến một mình các vị mà còn ảnh hưởng đến người nhà và con cháu nhiều đời của các vị. Cuộc đời giống như chơi cờ, nếu như sự suy nghĩ của chúng ta chỉ ở một nước cờ sau sẽ đi như thế nào, vậy thì mỗi một nước đi sẽ không ổn định. Nếu như chúng ta xem ba nước cờ sau sẽ đi như thế nào, mười bước sau phải quy hoạch ra làm sao, như vậy đường đời sẽ rất ung dung, cuộc sống của con cái cũng sẽ là nhìn xa, trông rộng. Con cái sẽ nghĩ được rằng: “Sự chọn lựa của ta sẽ ảnh hưởng đến hết đời này sang đời khác”. Tin rằng sự giáo dục của chúng cho đời sau này cũng sẽ rất cẩn thận, rất chăm chỉ.
Hiện nay những người có suy nghĩ như vậy không nhiều, nhưng rất nhiều người thời xưa có suy nghĩ như vậy. Gia huấn thời xưa của Tổ Tông có thể nói là nhiều nhất trên thế giới, ví dụ như: “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, “Nhan Thị Gia Huấn”, còn có cả “Giới Tử Thư” của Gia Cát Lượng vv…. Có rất nhiều Thánh nhân đều có thái độ như vậy, đều muốn truyền thừa trí tuệ nhân sinh cho đời sau.
Thói quen Kiêu – Xa – Dâm – Dật sẽ tạo hậu quả gì cho trẻ nhỏ?
- Thói quen phung phí làm cho trẻ nhỏ không biết đến hiếu đạo, không có trách nhiệm
Thời đại hiện nay, cuộc sống của trẻ nhỏ đã rất được ưu đãi, muốn gì có đó, thành ra trẻ nhỏ có thói quen phung phí, có thói quen tiêu tiền, không biết đạo hiếu. Trong cuộc sống, chúng lại không có sự rèn luyện, gánh vác, không những tiêu hết số tiền tự mình kiếm được lại còn đi tiêu tiền của cha mẹ. Có rất nhiều thanh niên thích tiêu dùng đến mức khi tiền lương của một tháng đến tay là lập tức đi mua đồ. Tiền lương cả một tháng tiêu hết trong 15 ngày đầu, 15 ngày sau thì mua mỳ ăn liền để ăn. Đến khi chịu không nổi thì họ lại về nhà gặp cha rồi nói: “Cha! Con hết tiền rồi”. Người cha rất tức giận nói: “Đã nói với con là không được tiêu lung tung rồi mà con vẫn không nghe! Thôi được rồi! Cần bao nhiêu?”. Thế là người cha lại cho con tiền. Cuộc sống được ưu đãi sẽ không cho trẻ nhỏ có thái độ chính xác về nhân sinh.
- Tấm gương giáo dục con cái của Tiêu Hà
Vào thời đầu nhà Hán, Lưu Bang phân đất phong hầu cho hơn một trăm vị khai quốc công thần, cho họ rất nhiều ruộng vườn. Một trăm năm sau, những sử gia thời nhà Hán đột nhiên nghĩ tới việc đi tìm hiểu đời sau của hơn một trăm vị công thần này trải qua một trăm năm như thế nào. Kết quả tìm hiểu đã làm cho những vị sử gia rất đỗi kinh ngạc. Về cơ bản, đời sau của họ đều sa sút, có rất nhiều người phải lưu lạc đầu đường xin ăn, chỉ có đời sau của mấy người là vẫn rất khá. Trong đó có đời sau của Tiêu Hà là rất khá. Nguyên nhân là do ngày xưa khi phân phong ruộng đất, Tiêu Hà đã lo xa, nghĩ rộng cho nên ông chỉ lấy mảnh đất cằn cỗi, bạc màu. Do bởi cằn cỗi, nếu không chăm chỉ cầy cấy thì sẽ không có cơm ăn cho nên con cháu của ông hiểu được việc cần cù, tiết kiệm. Có rất nhiều người được phân phong cho ruộng đất tốt tươi cho nên mới thành ra: “Dễ ăn thì biếng làm”. Hơn nữa, khi ruộng đất tốt tươi, mình thích thì người khác cũng muốn cho nên mới dẫn đến việc có nhiều người nhòm ngó, và họ bị rất nhiều người nghĩ mưu, tính kế để hãm hại. Bởi Tiêu Hà đã nhìn được xa, cho nên không để tiền tài lại cho con cháu mà quan trọng nhất là truyền lại trí tuệ cho con cháu, và lại còn làm gương cho con cháu xem.
- Con người có bốn thói xấu là Kiêu, Xa, Dâm, Dật
Thánh Hiền đã nêu ra bốn thói xấu của con người là “Kiêu, Xa, Dâm, Dật”.
Điều thứ nhất: Kiêu
“Kiêu” là Kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo nên con người không trưởng thành được, không những học vấn không có tiến triển, vô hình trung lại đứt hết nhân duyên với quý nhân của mình. Một người có đạo đức, có học vấn thì thích giao du với người khiêm tốn. Chỉ cần các vị kiêu ngạo thì những người này sẽ rời xa các vị.
Điều thứ hai: Xa
“Xa” là xa hoa. Khi chúng ta làm xong công việc đầu tiên trong đời và chỉ lĩnh được một ít tiền lương thì đột nhiên cảm thấy tiền rất khó kiếm, và cũng cảm nhận được rằng trước kia mình tiêu quá nhiều tiền, thật là có lỗi với cha mẹ. Con người không phải là Thánh Hiền, ai mà không có lỗi, cho nên bây giờ phải tiết kiệm.
Mẹ của tôi rất ít khi trang điểm phấn son, khi bà cần đến những nơi quan trọng thì mới trang điểm nhẹ một chút. Cho nên mới nói: “Trên làm gương, dưới noi theo”, hai người chị gái của tôi cũng ít khi trang điểm, thế mà làn da rất là đẹp. Trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Đồng bộc vật dụng tuấn mỹ, thê thiếp thiết kỵ diễm trang” (không dùng nô bộc trẻ đẹp, thê thiếp tránh không trang điểm lộng lẫy). Người làm vợ không nên ngày nào cũng đánh phấn, bôi son, trang điểm lộng lẫy, nếu không, khi đi ra ngoài sẽ dẫn theo một bầy ruồi nhặng vây quanh, tự làm khó cho mình cũng là làm khó cho người khác. Như vậy không tốt.
Có một đứa trẻ đi theo cha mẹ ra ngoài, mẹ của nó trang điểm rất là đẹp. Đứa trẻ liền nói với người mẹ rằng: “Thê thiếp thiết kỵ diễm trang” (Thê thiếp tránh không trang điểm lộng lẫy), bởi vì nó vừa mới học thuộc bài “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Hai vợ chồng nhìn nhau mà cười. Người mẹ cảm thấy đứa trẻ hiểu biết đạo lý nên bà liền lau bớt đi và chỉ để một chút phấn mỏng. Cho nên chúng ta không nên có thói quen chuộng hư vinh như vậy.
Điều thứ ba: Dâm
Đa số người thế gian cho rằng “Dâm” là chỉ nữ sắc. Kỳ thực không chỉ có nữ sắc là “Dâm”, chữ “Dâm” này còn để chỉ người chìm đắm trong những dục vọng nào đó mà không thể tự thoát ra được. Ví dụ như trẻ nhỏ hiện nay một khi đã chơi trò chơi điện tử thì lên mạng mấy tiếng đồng hồ. Trò chơi khiến người ta mất đi ý chí phấn đấu. Cho nên cha mẹ phải cố gắng để cho trẻ nhỏ có sự hạn chế đối với mọi trò chơi.
Khi một người thực sự cảm nhận được rằng cầu học vấn là một thú vui và thực sự cảm nhận được sứ mệnh của mình thì họ sẽ không hao phí thời gian vào những việc không liên quan đến cuộc sống của mình như vậy. Và khi chúng ta luôn luôn phải cố gắng nhắc nhở con cái không được làm cái này, không được làm cái kia thì thà rằng chúng ta hướng dẫn con cái biết mở rộng tấm lòng để cho chúng có chí hướng đối với cuộc sống. Sau đó chúng ta hướng dẫn con cái cùng học tập, tạo cho chúng có thói quen hiếu học. Điều này rất là quan trọng.
Điều thứ tư: Dật
“Dật” có nghĩa là du thủ, du thực. Chúng ta xem có rất nhiều gia huấn đều rất chú trọng đến việc tạo cho trẻ nhỏ có thái độ cần cù, chăm chỉ. Câu đầu tiên trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Lê minh tức khởi, sái tảo đình trừ, yếu nội ngoại chỉnh kiết; ký hôn tiện tức, quan toả môn hộ, tất thân tự kiểm điểm” (Trời sáng thức dậy, quét dọn nhà cửa, trong ngoài đều gọn gàng sạch sẽ, đến tối nghỉ ngơi, đóng cài cổng cửa, tự mình rà soát lại). Trước đây có rất nhiều việc nhà đều do bọn trẻ làm. Từ nhỏ bọn trẻ đã yêu lao động thì khi lớn lên chúng mới không trở thành người thích lười biếng và ghét lao động. Khi trẻ nhỏ biết gánh vách việc nhà thì chúng mới cảm nhận được sự vất vả của người phải làm việc, và khi biết xót thương cho người lao động thì chúng mới biết đến sự cảm ơn. Trẻ em thời nay khó có lòng biết cảm ơn. Nguyên nhân vì sao? Bởi vì chúng đều là: “Nước đến thì chìa tay, cơm đến thì há miệng”. Có một bạn nhỏ nghe xong câu này liền nói với chúng tôi rằng: “Thưa thầy! Nước đến mà không chìa tay, cơm đến mà không há miệng thì ăn làm sao?”. Đúng là không biết đến sự vất vả, khó nhọc của dân gian!
- Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kỳ thất
Cha mẹ luôn mong muốn dạy bảo con cái cho tốt, nhưng dạy bảo con cái nhất định phải có phương pháp tốt. Chúng ta có một quyển sách triết học nói về giáo dục rất quan trọng đó là “Lễ Ký, Học Ký”, trong đó có viết rằng: “giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kỳ thất”. Câu này thâu tóm hai trụ cột chính trong giáo dục. Hôm nay chúng ta muốn dạy bảo con cái cho tốt thì nhất định phải hiểu rõ rằng phải trưởng dưỡng điều thiện gì cho con cái và phải ngăn chặn, sửa chữa những lỗi lầm gì của chúng. “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, bọn trẻ có một số thói quen xấu, chúng ta phải lập tức uốn nắn ngay. Vậy lúc nào chúng ta phải uốn nắn? Ngay lập tức không được chậm trễ, bởi vì “việc học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến tất sẽ bị lùi”.
Hiện nay trẻ nhỏ có những thói quen, hành vi nào cần phải sửa gấp? Chủ yếu phải sửa gấp cho bọn trẻ sáu hành vi lỗi lầm như: Cãi lại cha mẹ, lười biếng, làm phản, ích kỷ, làm việc qua loa, sinh hoạt không có quy tắc. Sự hình thành lỗi lầm của trẻ nhỏ là do cha mẹ không dạy bảo tốt con cái. Cho nên muốn sửa lỗi lầm của con cái thì đầu tiên cha mẹ phải sửa lỗi của chính mình trước, “trên làm gương, dưới noi theo” thì mới thu được kết quả giáo dục.
- Sửa chữa lỗi lầm của trẻ nhỏ như cứu hỏa
Sau khi bọn trẻ được cưng chiều thì sẽ hình thành rất nhiều lỗi lầm và thói quen xấu. “Việc học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến tất sẽ lùi”, nhưng rất nhiều phụ huynh lại nói rằng: “Con tôi không học điều xấu mà cũng không học điều tốt”. Có việc như vậy không? Tuyệt đối không có. Học vấn của một người như chèo thuyền ngược dòng, khi các vị không làm gì cả thì nhất định sẽ bị thụt lùi.
Có một vị giáo viên đã nhận thức sâu xa rằng ngày nào mà không dạy dỗ tốt con cái thì ngày đó đã bị thụt lùi. Ông nhận thức được rằng khi con cái nghỉ hè, nghỉ đông thì tuyệt đối không thể để cho chúng được nghỉ mà ngày nào cũng phải dạy chúng. Đây là một vị phụ huynh có hiểu biết, một người thầy giáo có hiểu biết. Ông đã nhìn thấu được cái xã hội này giống như một thùng nhuộm khổng lồ. Nếu như gốc rễ của năng lực phán đoán làm người, làm việc của con cái mà không ăn sâu xuống, khi cái thùng nhuộm lớn của xã hội này tràn đến thì chúng sẽ bị nhiễm bẩn. Ông đã có sự cảnh giác như vậy và đó là sự nhạy cảm của ông trong việc giáo dục con cái. Cho nên phải trưởng dưỡng điều thiện cho con cái, bổ cứu những lỗi lầm của chúng. Đó là công việc không thể trì hoãn được.
- Lỗi lầm là kết quả, vậy nguyên nhân do đâu?
Ở Hải Khẩu, chúng tôi có một trung tâm Khải Mông Quốc Học. Ở đó có những khóa học nhằm giáo dục cho bọn trẻ, và phụ huynh sẽ đến trung tâm của chúng tôi để thảo luận về một số vấn đề của bọn trẻ. Mỗi khi những vị phụ huynh này đến trung tâm, chúng tôi đều đón họ từ ngoài cổng rồi cùng vào. Có một vị phụ huynh vừa đi vào vừa nói: “Con tôi không những vừa ích kỷ mà lại hay nóng nảy…”. Ông cứ thế nói khoảng năm phút. Tôi sợ ông khát nước liền vội rót một cốc nước mời ông: “Nào! Nào! Mời bác uống nước đi đã! Chúng ta hãy ngồi xuống rồi từ từ đàm luận”.
Sau khi ông nói xong vấn đề của con cái, tiếp đến tôi bắt đầu hỏi: “Hiện nay con của ông ích kỷ là kết quả. Vậy nguyên nhân do đâu? Tính tình con ông hay nóng nảy là kết quả. Vậy nguyên nhân do đâu?”. Vị phụ huynh đó nhìn trân trân không nói nên lời, rất là ngạc nhiên. Sau đó tôi lại hỏi ông ấy: “Con cái không lễ phép là kết quả. Nguyên nhân do đâu? Con cái không hiếu thảo, lười biếng là kết quả. Nguyên nhân do đâu? Ông phải biết được nguyên nhân thì mới có thể tùy bệnh mà hốt thuốc”
Trên thế gian có hai loại bác sĩ, một loại là chữa bệnh cho cơ thể người và một loại là chữa tư tưởng quan niệm của người. Giáo viên và người làm cha mẹ chính là bác sĩ chữa trị tư tưởng, quan niệm của con trẻ. Nếu các vị không biết căn nguyên sai lầm trong quan niệm tư tưởng của bọn trẻ thì hàng ngày sẽ chỉ biết nhìn hậu quả mà lo lắng, mà buồn phiền. Cha mẹ và giáo viên như vậy thì không đủ tư cách là bác sĩ chữa trị quan niệm, tư tưởng của bọn trẻ. Muốn sửa chữa lỗi lầm của bọn trẻ, uốn nắn thói quen xấu của bọn trẻ thì nhất định phải loại bỏ hạt giống sai lầm đi, rồi sau đó mới ươm mầm hạt giống tốt. Trải qua hai, ba năm sau, hạt giống tốt nảy mầm thì tự nhiên sẽ có kết quả tốt. Giáo dục con cái mà “dục tốc thì bất đạt”, phải dùng lý trí để tìm rõ nguyên nhân.
- Dạy con điều thiện trước tiên phải dạy con biết hiếu thảo
“Trăm điều thiện thì chữ “hiếu” đứng đầu”. Giúp con cái sửa chữa thói quen xấu, chỉ cần trưởng dưỡng cho con cái một điều thiện thì tất cả những thói quen xấu của con cái đều có thể sửa chữa được. Vậy thì phải trưởng dưỡng điều thiện nào? Lòng “hiếu thảo”. “Trăm điều thiện thì chữ hiếu đứng đầu”, câu này tùy theo các vị đi sâu vào nghiên cứu giáo lý Thánh Hiền, càng nghiên cứu thì càng thấy sâu xa. Câu này có hai ý nghĩa. Ý nghĩa đầu tiên là “hiếu” đứng đầu trong trăm điều thiện. Ý nghĩa thứ hai là một khi có hiếu tâm thì tự nhiên sẽ có trăm điều thiện khác.
Chúng ta hãy thử xem xem, một người có lòng hiếu thì có ích kỷ không? Nhất định không ích kỷ! Một người có lòng hiếu thảo thì có cãi lại không? “Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn, phụ mẫu mệnh, hành vật lãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng). Mọi người đừng có xem thường “Đệ Tử Quy”, đoạn “Nhập Tắc Hiếu” này có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề cho con cái của các vị. Khi con cái biết được rằng: “Thân hữu thương, di thân ưu” (Thân bị thương, cha mẹ lo) thì chúng có sống cuộc sống buông thả, điên đảo không. Không bao giờ! Khi con cái biết được rằng: “Đức hữu thương, di thân tu” (Đức tổn thương, cha mẹ tủi) thì chúng có sống vô trách nhiệm không? Không bao giờ! Chúng sẽ rất chăm chỉ, bởi vì “thân sở hiếu, lực vi cụ” (cha mẹ thích, dốc lòng làm) để mong cha mẹ được vui vẻ, để cha mẹ được dễ chịu, thoải mái.
Khi con cái có lòng hiếu thảo thì lúc nào cũng nghĩ cho cha mẹ. Khi con cái biết nghĩ cho cha mẹ mình thì chúng cũng sẽ biết được rằng cha mẹ của người khác cũng vất vả, khó nhọc như vậy cho nên chúng cũng sẽ nghĩ cho cha mẹ của người khác. “Hiếu” là điểm gốc lòng nhân từ của một người. Từ điểm gốc xuất phát sẽ mở rộng ra sự yêu kính đối với tất cả mọi người. “Hiếu Kinh” có nhắc đến: “Giáo dĩ hiếu, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã” (Các vị dạy bảo con cái hiếu thảo thì chúng cũng sẽ kính trọng cả cha mẹ của người khác). “Giáo dĩ đễ, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã” (Các vị dạy bảo con cái kính trọng bậc trưởng bối thì chúng cũng sẽ kính trọng tất cả những trưởng bối của người khác). “Giáo dĩ thần, kính thiên hạ chi vi nhân quân giả dã” (Các vị dạy bảo con cái có lòng kính trọng thiên hạ, thì chúng sẽ là người lãnh đạo của nhân dân).
Cho nên thái độ đối nhân, xử thế đúng đắn của một người cũng đều được bồi dưỡng từ trong gia đình mà có. Mạnh Tử có nói: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”, từ việc yêu quý cha mẹ, yêu quý người thân mở rộng ra cũng có thể biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Khi một người đã có lòng nhân từ đối với người khác thì tiến thêm bước nữa là sẽ quý trọng vạn vật trong trời đất. Đây là thứ tự đức hạnh của một người, chúng ta cần phải biết.
Con cái mà có hiếu đối với cha mẹ thì từ bé chúng đã biết được rằng làm người phải cần cù, chăm chỉ. Chúng hiểu được sự lao động vất vả của cha mẹ thì chúng sẽ không xa hoa mà rất tiết kiệm. Căn bản đạo đức của một đứa trẻ là phải hiếu thuận cha mẹ, kính thầy, trọng bạn. Cho nên người làm cha mẹ thì phải dạy bảo con cái tôn sư, trọng đạo. Và trọng trách quan trọng của thầy giáo là phải dạy bảo học sinh hiếu thảo với cha mẹ.
Bọn trẻ thời nay có biết tôn sư trọng đạo không? Vấn đề ở đâu? Vấn đề ở chỗ cha mẹ không dạy bảo con cái điều này. Hiện nay còn có tình trạng bọn trẻ ở trường bị thầy cô phê bình mấy câu, về nhà liền mách với cha mẹ. Hôm sau cha mẹ mời luật sư đến gặp thầy hiệu trưởng. Cha mẹ có thái độ như vậy thì ai là người nhận lãnh sự ảnh hưởng không tốt? Chính bọn trẻ. Cả đời này chúng sẽ không có lòng tôn kính đối với thầy cô. Khi bọn trẻ không có lòng tôn kính đối với thầy cô thì chúng sẽ không thể có thành tựu trong học tập.
Khi tôi còn nhỏ, nếu như ở trường bị thầy cô trách phạt thì về nhà không dám nói ra, nhưng cha mẹ nhìn thấy sắc mặt không bình thường thì liền truy hỏi. Sau khi biết được là con bị thầy cô trách phạt thì cha mẹ sẽ còn đánh mắng cho một trận, và hôm sau còn mang quà đi đến trường cảm ơn thầy cô: “Cảm ơn thầy đã nghiêm khắc dạy bảo con tôi”. Cha mẹ phối hợp với thầy cô như vậy thì khi bọn trẻ ở trường sẽ tuyệt đối không dám nghịch ngợm trong giờ học. Thái độ của cha mẹ đối với thầy cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Cho nên, một cử chỉ, một lời nói của cha mẹ đối với thầy cô cũng không được thiếu cẩn thận.
“Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu. Trưởng giả tiên, ấu giả hậu” (Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau), ngay khi con cái còn bé chúng ta đã phải bồi dưỡng cho con cái có thói quen chào hỏi người lớn tuổi. Khi con cái đã thành thói quen, trong quá trình thực hành những điều giáo huấn này thì chúng sẽ từ từ thấm nhuần. Mọi người đừng xem thường cái cúi đầu chào hỏi của bọn trẻ. Tuy đây là hành động bề ngoài nhưng cúi đầu chào lâu dần thì tâm cung kính sẽ thấm nhuần vào bên trong, và trong tâm bọn trẻ sẽ luôn luôn có lòng cung kính.
- Một đứa trẻ không hiếu thảo sẽ có hậu quả gì?
Nếu như một đứa trẻ không có lòng hiếu thảo thì trong cuộc đời của nó sẽ không thể hình thành tình nghĩa, ân nghĩa. “Không ân đức nào lớn lao hơn ân đức của cha mẹ”, nếu như đối với ân đức của cha mẹ mà cũng không cảm động thì làm sao có thể cảm ơn người khác! Khi chúng không nảy sinh ân nghĩa, tình nghĩa thì sẽ nảy sinh cái gì? Không học được điều đúng đắn thì nhất định là học được điều sai lầm. Một người không có tình nghĩa, ân nghĩa thì sẽ hình thành thái độ chỉ biết đến lợi và hại. Điều gì có lợi với chúng thì chúng sẽ rất tích cực, không có lợi với chúng thì chúng có thể sẽ trở mặt ngay.
Tìm bạn đời thì cũng phải tìm người có lòng hiếu thảo. Nếu như có anh chàng không có lòng hiếu thảo mà đi theo đuổi một cô gái thì anh chàng này thực sự là đang có cái tâm lợi và hại. Bởi vì cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, công việc ổn định, anh ta sẽ dốc toàn lực để đạt được mục đích. Đến khi anh ta đạt được mục đích rồi và ba năm sau, người vợ cũng đã sinh cho anh ta một đứa con vừa bụ bẫm lại vừa trắng trẻo, nhưng bởi do phải làm mẹ rất là vất vả cho nên trên gương mặt đã xuất hiện mấy nếp nhăn và không còn đẹp như ngày trước nữa. Khi đó anh ta ở bên ngoài gặp được cô gái còn đẹp hơn, trẻ hơn người vợ thì anh ta sẽ từ lợi biến thành hại, do đó mà xảy ra ly hôn. Tỷ lệ ly hôn cao ảnh hưởng liên đới đến toàn xã hội, cho nên tỷ lệ phạm tội cũng gia tăng.
Tỷ lệ ly hôn và tỷ lệ phạm tội có quan hệ liên đới với nhau. Ở Hải Khẩu chúng tôi đã từng tiếp xúc với lãnh đạo của trại giam. Chúng tôi có hỏi họ tình hình gia đình của những phạm nhân phải vào tù. Kết quả cho thấy trên 60 – 70% là do gia đình không toàn vẹn. Bởi vì con cái không được sự giáo dục tốt của gia đình, cũng không được gieo mầm đạo đức ăn sâu vào lòng, lại bị sự ô nhiễm nặng nề của xã hội bên ngoài, một khi gặp được những nguyên nhân không tốt như vậy là lập tức bị lung lay. Cho nên tỷ lệ ly hôn cao sẽ làm cho tỷ lệ phạm tội tăng cao. Khi tỷ lệ phạm tội của xã hội tăng cao thì cho dù chúng ta có nhiều tiền đến mấy, có địa vị đến mấy thì chúng ta cũng không cảm thấy an toàn. Tình trạng tỷ lệ ly hôn cao và tỷ lệ phạm tội cao đã làm cho lòng người bất an. Căn nguyên của nó nằm ở đâu? Đó là do làm người nhưng không xây dựng được tình nghĩa, ân nghĩa. Ân nghĩa, tình nghĩa của một người phải bắt tay từ đạo hiếu, mà đạo hiếu thì cũng phải bắt tay từ “Đệ Tử Quy”.
- Dạy con cái làm việc nhà là việc rất quan trọng
Dạy bảo con cái làm việc nhà từ nhỏ là một điều rất quan trọng. Điều này sẽ bồi dưỡng đạo đức làm người, làm việc cho con cái. Khi tôi giảng dạy ở Đài Nam, có một vị đưa cho tôi một phong thư. Bức thư nói đến tính quan trọng của việc con cái từ nhỏ đã phải làm việc nhà. Bởi vì bằng chứng hoàn cảnh thực tế của người bạn học của vị đó đúng với quan niệm này, cho nên vị đó đã giao bức thư cho tôi, mong rằng tôi có thể kể câu chuyện này trong buổi học. Vị đó có một người bạn học nữ. Từ bé cô ấy học hành rất giỏi, đều đứng đầu lớp, tan học cũng không ra ngoài chơi mà đều ở nhà đọc sách, sau đó cô thi đỗ đại học sư phạm khoa tiếng Anh. Sau khi học xong đại học, trong năm thực tập đầu tiên thì lấy chồng làm bác sĩ. Cuộc đời như vậy có tốt đẹp không? Tin rằng khi cô đi lấy chồng, cha mẹ cô sẽ rất vui mừng.
Sau khi cô kết hôn, do từ bé ở nhà không phải làm việc nhà, chồng của cô chỉ biết âm thầm hoàn thành những việc mà cô chưa hoàn thành. Nhưng thời gian lâu dần, sự bất mãn trong lòng người chồng bắt đầu xuất hiện. Cô không những không biết làm việc nhà mà đối nhân, xử thế với người khác cũng không biết. Do từ nhỏ chỉ biết có mỗi việc học, cho nên cô đã có sự xung đột với mẹ chồng và người thân nhà chồng. Cuối cùng chồng cô cũng ra tòa xin li hôn và đã được tòa chấp nhận. Trong giai đoạn giãy giụa với hôn nhân, cha mẹ cô không biết phải làm sao và thường gọi điện khuyên con gái nhưng cô ấy không nghe.
Mẹ cô có nhắc đến rằng hồi cô học tiểu học, hàng ngày đều là cha mẹ mang cơm đến cho cô ăn, tối đến cũng là cha cô lái xe đến đón cô về. Từ nhỏ tới lớn, cha mẹ cũng chưa bắt cô phải quét qua cái nhà một lần nào. Cha cô rơi nước mắt mà nói: “Chúng tôi chăm sóc cho nó như vậy vẫn còn chưa đủ sao? Tại sao nó lại đối xử với chúng tôi như vậy?”. Vấn đề là ở chỗ cha mẹ đã đối xử với cô tốt quá cho nên mới tạo thành cái kết quả như hiện nay. Tuy rằng cô có thành tựu trong học tập, nhưng cuộc đời tuyệt đối không phải chỉ cần nỗ lực ở một phương diện là được. Cuộc đời cần chúng ta phải học tập toàn diện, hoàn thiện về mọi mặt. Con cái không có năng lực làm người, làm việc thì trên đường đời chúng sẽ gặp rất nhiều chướng ngại. Cho nên đối với cuộc đời của con cái, chúng ta phải có kế hoạch, như vậy bọn trẻ mới có thể đi trên đường đời một cách ung dung không vấp ngã.
- Phối kết hợp giữa vợ chồng trong việc giáo dục con cái
Vợ chồng sau khi lấy nhau phải có chung nhận thức là: “Điều quan trọng nhất không gì bằng dạy bảo con cái”. Trong nhận thức chung của vợ chồng thì điều quan trọng nhất là:
- Trên: Hiếu thuận với cha mẹ;
- Giữa: Hòa thuận với mọi người (ví dụ như quan hệ giữa chị em dâu, quan hệ với người thân);
- Dưới: Giáo dục tốt đời sau.
Vợ chồng phải có chung nhận thức như vậy. Đương nhiên là phải vô tư, chồng không chỉ hiếu thảo với cha mẹ mình mà cũng phải hiếu thảo với cha mẹ vợ. Cho nên con rể còn có một tên gọi khác là “bán tử” (một nửa là con ruột). Chúng ta hãy rộng bụng một chút và cứ coi là “toàn tử” (hoàn toàn là con ruột). “Toàn” có nghĩa là toàn bộ, tận tâm, tận lực để làm tròn bổn phận của người con. Thực ra đây cũng là hiểu được tinh thần vợ chồng tuy hai nhưng là một.
Nhưng hiện nay việc dạy bảo con cái không còn được vợ chồng đặt ở vị trí quan trọng nữa, luôn luôn không xây dựng được nhận thức chung là phải dạy dỗ tốt con cái. Sau khi vợ chồng đến tuổi trung niên thì chỉ có đi lo lắng cho con cái cũng đã đủ bạc hết mái đầu rồi, bởi vì có quá nhiều việc phải lo lắng, buồn phiền. Cho nên hiện nay trong vấn đề giáo dục con cái đã xuất hiện rất nhiều tình trạng: Vợ chồng đều không chăm sóc cho con cái mà chỉ biết bận rộn với đời. Có thể sau khi con cái tan học là đã có bảo mẫu trông nom. Chính vì vậy, hiện nay đại diện cho cha mẹ lại là lớp học thêm, là bảo mẫu, ti vi, máy vi tính. Như vậy, cha mẹ đã không xây dựng được nhận thức chung quan trọng nhất là phải dạy bảo con cái.
Tình trạng hiện nay của Đài loan, bảo mẫu có thể là người Ấn Độ, người Thái Lan, hoặc người Phi Líp Pin. Chúng ta xem ra thì cứ có tiền là có thể thuê được bảo mẫu, nhưng thực tế thì những người bảo mẫu này nói tiếng Trung còn không sõi, vậy thì tiếng mẹ đẻ của bọn trẻ làm sao mà tốt cho được. Hơn nữa, khi bảo mẫu trông nom thì trông nom bọn trẻ với thái độ “phục vụ chủ nhân”, “phục vụ thượng đế”. Bọn trẻ làm gì, người lớn cũng chiều theo ý chúng. Đứa trẻ này được cưng chiều quá thành ra khó có thể dạy để trở thành người tốt.
Cho nên vợ chồng sau khi lấy nhau thì phải trao đổi, giao lưu những giá trị quan, sau đó phải có cùng chung một điểm quan trọng là: “Phu thê hữu biệt”, vợ chồng cần phân công hợp tác và không phân biệt trách nhiệm của người này hay người kia, cảm kích lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, không so bì tính toán. Tuy nhiên công việc thì vẫn phải phân công, vì chữ “biệt” là nam chủ ngoại, nữ chủ nội. Đương nhiên tình trạng vợ chồng đều đi làm hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, điều kiện lý tưởng nhất vẫn là người vợ có thể toàn tâm, toàn ý chăm lo gia đình.
Thực ra để chăm sóc tốt cho cha mẹ già, thu xếp gia đình ổn thỏa, lại phải dạy dỗ con cái cho tốt thì trên thực tế có đủ thời gian không? Tôi còn nhớ khi còn ở Hải Khẩu, chỉ mỗi việc quét nhà, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ một chút thôi tôi cũng đã cảm thấy mất rất nhiều thời gian. Cho nên sau khi tự tay mình làm rồi thì mới biết người làm mẹ không phải dễ dàng. Đây gọi là: “Có lao động thì mới có lòng biết ơn”. Tôi còn nhớ khi tôi ở Hải Khẩu, mỗi lần lau nhà, giặt quần áo, tôi thường nghĩ đến một bài hát, đó là bài: “Trên thế gian chỉ có mẹ là tốt, ai có mẹ đều giống như bảo bối”. Cho nên việc chăm sóc gia đình chỉ có phụ nữ là dẻo dai và bởi vậy có thể làm cho cả gia đình được an vui.
Cho dù người vợ có đi làm thì tuyệt đối cũng không nên bận đến nỗi không có thời gian chăm lo cho gia đình, nếu không thì làm sao đảm bảo được tinh thần an vui cho thế hệ sau của cả gia đình. Đương nhiên là như vậy rồi! Nếu như người vợ vừa phải đi làm lại vừa phải chăm lo gia đình, vậy thì người làm chồng nhất định phải thông cảm cho nỗi vất vả của vợ, có thể chia sẻ được bao nhiêu thì phải chia sẻ bấy nhiêu. Hơn nữa, người chồng có thể thông cảm cho vợ và chủ động chia sẻ những công việc trong gia đình thì trong lòng người vợ sẽ cảm thấy được an ủi, rất vui vẻ. Hơn nữa, vợ chồng cùng giúp đỡ, cùng thu dọn công việc gia đình và ủng hộ lẫn nhau thì khi làm sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Có đúng vậy không? Tôi không có kinh nghiệm về việc này nên xin các vị hãy trả lời giúp tôi nhé.
Nếu như hôm nay vợ cũng đi làm, chồng cũng đi làm và khi người chồng về nhà liền có thái độ rằng ta là Hoàng Thượng, chỉ ở đó mà nhìn ngó, không làm việc gì hết, vợ có làm, có mệt thì cũng mặc kệ. Người chồng cảm thấy việc ăn cơm, uống nước là việc đương nhiên, thậm chí khi trà bưng đến tận nơi còn có thái độ: “Được rồi! Cứ để đấy là được!”. Như vậy người vợ có làm thì nhất định cũng không được thoải mái. Chúng ta luôn luôn phải nhìn nhận đến công sức lao động của vợ, phải khẳng định công sức của vợ, phải quý trọng công sức của vợ và còn có thể hỗ trợ, giúp đỡ. Như vậy thì người vợ làm việc nhà mới cảm thấy không mệt mỏi.
Cho nên vợ chồng phải thông cảm lẫn nhau, phải luôn luôn nghĩ rằng mình có thể làm được những việc gì chứ không phải là đi so đo, tính toán. Có một người chồng sau khi nghe chúng tôi giảng về câu: “Chỉ cần khen một câu thì có làm trâu, làm ngựa cũng tình nguyện”, sau khi nghe xong về nhà anh liền nói với vợ rằng: “Vợ ơi! Em thật là vất vả!”. Đúng lúc vợ anh ấy đang nấu cơm, thấy anh ấy ở ngoài cửa nói như vậy thì liền nói: “Đã biết là vất vả sao không mau vào mà giúp?”. Kết quả người chồng ngớ người ra và nói: “Ơ! Thầy Thái không nói vậy!”.
Cho nên chúng ta mới nói trạng thái tâm lý mới là căn bản. Trạng thái tâm lý không đúng đắn thì “Đệ Tử Quy” cũng vô tác dụng. Có đúng không? Khi thầy cô đem “Đệ Tử Quy” về trường liền biến thành cảnh sát, đứng ở đó mà canh xem có học sinh nào “Bộ thung dung, lập đoan chính. Sự vật mang, mang đa thố” (Đi thong thả, đứng ngay thẳng. Chớ làm vội, vội sai nhiều) hay không thì bọn trẻ chỉ vừa nhìn thấy bóng dáng thầy cô là đã căng thẳng rồi. Cho nên thầy cô phải là người thực hiện trước tiên, phải lấy mình làm gương mới được.
“Chỉ cần khen một câu”, đó phải là sự cảm kích công sức của vợ đã bỏ ra từ nội tâm của chính mình, cho nên mới có thể nói ra những lời như vậy. Một khi đã có tâm tình như vậy thì khi người chồng nghe vợ nói: “Vậy thì đến giúp đi!” thì cũng phải vui vẻ mà đến giúp một tay. Cho nên chỉ muốn ăn ngon lười làm, cái gì cũng không làm mà chỉ nói như vậy, đó gọi là ích kỷ.
Vợ chồng cùng gánh vác trách nhiệm, kinh tế của gia đình, phân công dạy dỗ con cái. Nguyên tắc, nguyên lý “nam chủ ngoại, nữ chủ nội” này chúng ta cũng phải xem xét bởi vì gia cảnh của mỗi gia đình đều không giống nhau. Nhưng chỉ cần vợ chồng thực sự là một, không phân biệt này nọ, không so đo, tính toán và bỏ nhiều công sức hơn thì nhất định có thể quản lý tốt gia đình.
- Giáo dục con làm việc thiện đó là “Dục”
Điều gì được gọi là “Dục”? “Dạy con làm việc thiện” gọi là “Dục”, dạy bảo con cái để chúng có thể làm một người lương thiện thì đó được gọi là “Dục”. Xin hỏi phụ huynh thời nay dạy con cái mình làm điều gì? Khi tôi thi để làm thầy giáo, tôi có viết: “Người ta trước đây chí tại Thánh Hiền, còn người ngày nay chí tại kiếm tiền”. Mục tiêu sai thì tất cả đều sai. Cho nên dạy con cái thì điều quan trọng nhất là dạy chúng làm người tốt.
- “Đệ Tử Quy” là thước đo sự lương thiện chính xác nhất
Như thế nào gọi là người lương thiện? Quý vị thân mến! Mấy chục năm trong cuộc đời của chúng ta, trong lòng các vị có thước đo sự lương thiện không? Mà các vị có biết rõ rằng cái thước này không bị sai lệch không? Các vị có tin rằng cũng là một sự việc, nhưng các vị đi hỏi mười người thì có thể có mười câu trả lời khác nhau và các vị cảm thấy hình như mỗi câu đều có chỗ đúng? Cho nên người thời nay khó mà phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác, bởi vì trong lòng không có thước đo chính xác.
Có một người, nhà anh ấy chuyên sản xuất nhạc cụ. Điều quan trọng nhất khi làm nhạc cụ là đường chính giữa của nhạc cụ phải thật thẳng. Nhà anh ấy mua một cái thước thật dài và làm được một năm. Sau khi đem nhạc cụ đi bán mới phát hiện toàn bộ đều lệch hết. Toàn bộ nhạc cụ sản xuất trong một năm đều hỏng hết vì không đúng quy cách do cái thước đó của họ bị lệch. Nhưng mà họ lại nghĩ rằng: “Cái thước này không bao giờ bị lệch”. Họ tin vào cái thước.
Quý vị thân mến! Đó là chừng mực của người thời nay. Chừng mực như vậy có đúng không? Các vị có chắc rằng cái thước của mình là đúng? Nếu như cái thước này bị sai lệch thì hàng ngày chúng ta đều đo nhầm, rồi từ từ thiên lệch và cuộc đời càng ngày càng lệch lạc. Cho nên bây giờ chúng ta cần phải kiểm tra lại cái thước này. Việc này không phức tạp. Hôm nay về nhà các vị kiểm tra xem, hãy đọc một lượt “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” chính là thước đo sự lương thiện chính xác nhất.
- Trách nhiệm của người mẹ đối với việc giáo dục con cái
Có rất nhiều phụ nữ có nghề nghiệp và kinh tế thực sự là không dựa vào chồng, nhưng trong công việc lại phải đi cầu cạnh không biết bao nhiêu người, lại phải quan sát sắc mặt của người ta. Như vậy so với việc ở nhà chăm lo gia đình thì công việc này còn vất vả hơn không biết bao nhiêu lần. Thậm chí cô ấy còn phải đi tiếp rượu người ta, đi xã giao với người ta. Như vậy còn gì vất vả bằng! Thực sự cứ như vậy thì bản thân mình có được vui vẻ không? Người mẹ có một thiên chức. Thật vậy! Khi chúng ta có được thu nhập không tồi nhưng con cái của mình lên 8, lên 9, thậm chí là lên 10 tuổi rồi mà hành vi sai lệch, như vậy thì chân thật là chúng ta ngủ cũng không được ngon. Cho nên đúng là: “Trong cuộc đời điều quan trọng nhất không gì bằng dạy bảo con cái!”. Chúng ta so tài kiếm tiền với chồng để làm gì? Đến cuối cùng ai được lợi?
Có một người vợ cảm thấy chồng không tôn trọng cô ấy, nhưng đó là do cô đã hiểu nhầm. Chồng không tôn trọng chúng ta rất có thể là do chúng ta đối xử với cha mẹ chồng không được hiếu thảo, cho nên trong lòng anh ấy mới khó chịu. Khi trong lòng anh ấy khó chịu thì rất khó ăn ở hòa thuận với chúng ta. Nhưng chúng ta lại hiểu nhầm là do chúng ta kiếm tiền ít hơn chồng nên anh ấy xem thường mình. Do cứ nghĩ như vậy nên cô vợ từ Tân Cương đã đến tận Thẩm Quyến để kiếm việc làm vì thực sự là năng lực làm việc của cô ấy rất giỏi. Thu nhập hàng tháng rất cao thì người chồng sẽ tôn trọng cô ấy chăng?
Kết quả là vào một đêm, khoảng hai ba giờ sáng, cô ấy nhận được một cuộc điện thoại. Khi nhấc máy, đó là cha cô gọi đến và bên cạnh là tiếng khóc không ngừng của con trai cô. Cha cô nói với cô rằng: “Hôm nay cha không cần biết con kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, cho dù bây giờ con kiếm được mười vạn nhân dân tệ nhưng cha báo cho con biết rằng con có kiếm thêm nhiều tiền đi nữa, nếu như con của con có mệnh hệ gì thì cuộc đời của con cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.
Đúng vậy, đời người không thể có cơ hội thứ hai để làm lại. Hôm nay chúng ta hãy lấy cân ra cân xem, một bên là cả một đời các vị có thể kiếm được bao nhiêu tiền, và một bên là nhân cách kiện toàn của con cái các vị, cuộc sống hạnh phúc của con cái các vị. Hai việc này đem lên cân xem, một bên là tài sản mấy chục triệu, thậm chí là mấy trăm triệu nhân dân tệ, và một bên là cuộc đời của con cái, bên nào nặng hơn? Có nhiều tiền đến mấy thì có bằng được với hạnh phúc cả đời của con cái không? Chúng ta đều có thể cân được điều này. Nhưng khi trở về với cuộc sống thực tại của chúng ta, liệu chúng ta có biết cái gì cần phải giữ lấy và cái gì thì cần phải buông bỏ không?
Sau khi nghe lời nói của người cha như vậy, bởi vì cô vẫn còn tình yêu của người mẹ đối với đứa con, cho nên cô gác máy và sáng ngày hôm sau cô xin nghỉ việc. Sự chuyển biến cuộc đời của một người chỉ trong một ý nghĩ. Nếu như cô tiếp tục không chăm lo cho con của mình mà cứ tiếp tục kiếm tiền thì con đường cô đi sẽ là con đường như thế nào? Không ly hôn mới là lạ. Cô ấy so tài kiếm tiền với chồng, cuối cùng sẽ có kết quả là hai bên sẽ không tôn trọng lẫn nhau. Nếu có người nào chỉ bởi vì các vị kiếm được nhiều tiền mà tôn trọng các vị thì đó cũng chỉ là sự tôn trọng giả tạo, không phải là thật.
“Dĩ lợi giao giả, lợi tận tắc giao sơ” (lấy lợi để qua lại, đến khi hết lợi hết qua lại), quan hệ qua lại với người khác cũng chỉ vì tiền thì thứ tình nghĩa đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khi người này hết tiền thì người kia trở mặt coi như không quen biết.
“Dĩ sắc giao giả, hoa lạc nhi ái du” (lấy nhan sắc để qua lại, đến khi không còn nhan sắc nữa thì tình yêu cũng không thể tồn tại), cái duyên dùng nhan sắc, mỹ sắc, tài năng mới có thể quan hệ qua lại thì đến khi không còn nhan sắc, tình yêu cũng không thể tồn tại. Đó chỉ là sắc dục, đó không phải là chân thật.
Vợ chồng cũng vậy, tình cảm giữa người với người duy chỉ có “dĩ đạo giao giả, thiên hoang nhi địa lão” (lấy đạo nghĩa giao hảo với nhau thì sẽ được lâu dài như trời đất).
Tôi lại nhớ rằng sau khi Khổng Tử bị đói bảy ngày mà Ngài vẫn có thể đàn ca không ngớt. Ngài ở đó gảy đàn cổ mà bồi dưỡng tính tình, sau đó còn khẳng khái tụng đọc lời giáo huấn của Thánh Hiền. Điều này thì tôi còn kém xa. Hiện tại chỉ mới lạnh một chút là chữ viết của tôi đã có chút không thẳng hàng rồi. Cho nên vẫn phải là vô cùng bội phục Khổng Tử.
“Dĩ lợi giao giả, lợi tận tắc giao sơ” (lấy lợi để qua lại, đến khi hết lợi hết qua lại). “Dĩ thế giao giả, thế khuynh tắc giao tuyệt” (lấy vị thế để qua lại, đến khi hết vị thế liền hết qua lại), họ thấy chúng ta làm Tổng Giám đốc, làm quan, có chức có quyền nên qua lại, nhưng khi chúng ta không còn chức quyền nữa thì họ cũng chẳng còn biết chúng ta là ai. Vì vậy sau khi chúng ta về hưu thì cửa nhà cũng ít người qua lại, không còn người đến tìm mình nữa.
“Dĩ sắc giao giả, hoa lạc nhi ái du” (lấy nhan sắc để qua lại, đến khi không còn nhan sắc nữa thì tình yêu cũng không thể tồn tại), thực ra tình yêu như vậy cũng là giả dối, không chân thật, đã thay đổi. “Dĩ đạo giao giả, thiên hoang nhi địa lão”, cho nên chẳng kể là luân nào trong ngũ luân, chỉ cần chúng ta chân thật dùng đạo nghĩa để tương giao, như vậy thì quan hệ giữa vợ và chồng càng ngày sẽ càng sâu đậm hơn, càng ngày càng thắm nồng hơn. Anh em bạn bè cũng vậy.
Chúng ta thấy có rất nhiều cặp vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận. Đến năm mươi, sáu mươi tuổi mà khi họ nói chuyện với nhau, chúng ta nghe cũng cảm thấy rất hòa nhã. Khi các vị nói chuyện với người chồng, ông sẽ nói: “Cả đời tôi cũng nhờ có một người vợ tốt như vậy nên tôi không phải lo lắng đến việc trong nhà. Cha mẹ, con cái đều do một tay bà ấy thay tôi chăm lo nên sự nghiệp ngày nay của tôi mới phát triển tốt như thế này”. Khi nghe câu nói này, nhiều người cảm thấy rất ấm áp. Đây được gọi là lâu dài ngang trời đất.
Quý vị thân mến! Khi nghe xong câu chuyện chúng ta không nên gác ở đó. Đạo lý học xong không phải là để đấy, mà chúng ta phải sống cuộc sống sau này ra sao? Phải “dĩ đạo giao giả, thiên hoang nhi địa lão” (lấy đạo nghĩa giao hảo với nhau thì sẽ được lâu dài như trời đất). Nếu không, sau này chúng ta có gặp “lợi tận tắc giao sơ” (hết lợi liền hết qua lại) hoặc “thế khuynh tắc giao tuyệt” (hết vị thế liền hết qua lại) thì cũng đừng có oán trách người khác. Đó là tự chúng ta gây ra, không thể oán trách người khác được. Đó chính là: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
Cho nên người mẹ này liền nhớ đến trách nhiệm của mình đối với đứa con. Cô không muốn chỉ chạy theo đồng tiền, vì con đường cô đang đi rất là nguy hiểm. Cô lập tức quay đầu lại: “Mình phải dạy dỗ con cho tốt”. Thế là cô trở về Ô Lỗ Mộc Tề.
Các vị xem, ý nghĩ lương thiện của một người rất có thể làm thay đổi mệnh vận của nhiều người. Nguyện lực thật huyền diệu! Sau khi người mẹ này trở về, bởi vì cô muốn dạy tốt đứa con cho nên cô bắt đầu tiếp xúc với “Đệ Tử Quy”, bắt đầu tiếp xúc với Kinh điển. Bởi vì cô có lòng trách nhiệm như vậy nên cô đã bắt đầu từ chính mình để thực hành. Cô rất có lòng chia sẻ niềm vui với mọi người cho nên cô đã khuyến khích toàn thành phố Ô Lỗ Mộc Tề cùng nhau học tập Văn hóa ngàn năm của Tổ Tông.
Sức mạnh của một người cũng rất là ghê gớm. Chỉ cần bản thân cô thực sự cố gắng thực hành thì đó là tự rèn giũa bản thân mình để cải hóa người khác, có thể cảm hóa một phương. Tuổi đời của cô giáo này cũng rất trẻ, mới hơn ba mươi tuổi mà thôi. Cô bắt đầu mở rộng phát triển tiếp xúc với Kinh điển. Sau đó cô đến Trung tâm Giáo dục Văn hóa Lô Giang cùng nghiên cứu với chúng tôi. Sau khi nghe xong bài giảng, trở về cô liền thực hành theo.
- Gia đình có hai trụ cột chủ yếu rất quan trọng là kinh tế và nuôi dạy con cái
Gia đình có hai trụ cột chủ yếu rất quan trọng. Một là kinh tế, đó là cuộc sống vật chất. Hai là cuộc sống tinh thần, nuôi dạy con cái. Chúng ta đã nói đến tình trạng gia đình hiện nay đều là hai vợ chồng cùng đi làm kiếm tiền. Con cái đại đa số đều do lớp trông trẻ hoặc người làm công trông nom hoặc do ông bà trông nom. Trí tuệ của con người có thể thấy ở đâu? Ở chỗ biết lúc nào nên giữ lấy, lúc nào nên buông bỏ. Các vị muốn kiếm ít một chút tiền, dạy dỗ con cái nhiều hơn hay là muốn kiếm nhiều tiền mà không lưu ý đến việc dạy bảo con cái, kết quả nhận được nhất định sẽ khác biệt.
Chúng ta hãy xem người của thế hệ trước, hiện nay đã năm mươi, sáu mươi tuổi sống rất có trách nhiệm, rất hiếu thuận với cha mẹ. Nếu đem so với những người hiện nay hai mươi, ba mươi tuổi thì thế hệ chúng ta thời nay có bằng với người của thế hệ trước không?
Quý vị thân mến! Các vị không cần khách sáo, cứ nói thẳng ra! So ra có bằng với người của thế hệ trước không? Đó là tiến bộ hay là thụt lùi? “Thụt lùi!”. Người thời trước giàu có hơn hay thời chúng ta giàu có? “Thời chúng ta giàu có”. Đúng vậy! Tại sao có tiền mà thái độ nhân sinh ngược lại lại thụt lùi? Cho nên có tiền không nhất định là giải quyết được vấn đề.
Thời đại của cha tôi thực tế là rất nghèo, bởi vì rất nghèo cho nên rất tiết kiệm. Còn nhớ hồi bé khi ăn cơm, khi có thức ăn thừa thì đều là cha mẹ ăn, bởi vì cha mẹ đã có thói quen không thể lãng phí thức ăn. Cho nên cuộc sống túng thiếu thì thứ nhất có thể tạo thói quen cần kiệm, và thứ hai là người có cuộc sống càng khó khăn thì càng biết ơn cha mẹ, yêu thương anh chị em. Cho nên thời đại của cha tôi, khi họ học cũng không cần phải để cha mẹ nhắc nhở, tự mình rất chủ động tích cực, bởi vì hy vọng rằng dựa vào sự thành tựu trong học tập của mình có thể để cho cha mẹ sau này có cuộc sống thoải mái hơn. Các vị thấy đó, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đã làm cho con người càng có ý chí, càng có lòng hiếu thảo. Cho nên đối với nghèo khó chúng ta cũng phải cảm ơn nó.
Thời đại này, do từ bé đã sống trong cuộc sống sung túc, muốn gì được nấy nên nhiều người có thói quen lãng phí, có thói quen tiêu tiền, không biết hiếu thảo, lại không được rèn luyện, gánh vác trong cuộc sống. Cho nên thời chúng ta ngày nay không chỉ tiêu hết tiền của bản thân mình kiếm được mà còn tiêu đến tiền của ai? “Tiền của cha mẹ”. Sao các vị cũng biết vậy? Có rất nhiều thanh niên có thói quen thích tiêu tiền, thích hưởng thụ đến mức họ vừa lĩnh được tiền lương của một tháng là lập tức làm gì? “Nào! Chúng ta đi shopping đi!”. Trong 15 ngày đầu tháng, họ đã tiêu hết tiền lương của một tháng, những ngày sau phải mua mỳ ăn liền về ăn qua ngày. Sau đó chịu không nổi, thế là họ về nhà gặp cha và nói: “Cha! Con hết tiền rồi!”. Người cha rất tức giận: “Đã nói là không được tiêu lung tung mà con không nghe! Rồi! Cần bao nhiêu tiền?”. Và rồi người cha lại lấy tiền đưa cho con. Cho nên cuộc sống sung túc chưa chắc đã cho con cái các vị có thái độ nhân sinh đúng đắn.
Tư Mã Quang từng nói rằng: “Để tiền lại cho con cái chưa chắc con cái đã giữ được, để sách vở lại cho con cái con cái chưa chắc con cái đã đọc, chi bằng để lại âm đức làm kế lâu dài cho con cháu”. Trong “Dịch Kinh” có một câu giáo huấn rất quan trọng là: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Âm đức, trong quá trình chúng ta lập thân hành đạo thì đã là tấm gương tốt cho con cháu đời sau. Cho nên cha mẹ có trí tuệ sẽ lựa chọn như vậy.
Thời cha tôi, do cuộc sống thiếu thốn nên nhà có năm anh chị em đi học đều không phải để cha mẹ thúc giục, tình cảm của anh chị em rất hòa thuận. Cho nên chỉ cần cuộc sống tạm ổn thì trí tuệ của con cái, tinh thần trong cuộc sống sẽ được nâng cao, có thể quản lý tốt gia đình.
- “Cha mẹ đại diện” trông nom con cái
Trong quan hệ ngũ luân, mối quan hệ vợ chồng gọi là “Phu thê hữu biệt”. “Phu thê” là “đạo”, “hữu biệt” là “đức”. “Biệt” ở đâu? “Biệt” ở chỗ trách nhiệm không giống nhau. Thời xưa là “nam chủ ngoại, nữ chủ nội” bởi vì gia đình có hai trụ cột chính, thứ nhất là cuộc sống vật chất, thứ hai là cuộc sống tinh thần. Nam chủ ngoại thì giải quyết vấn đề kinh tế và vấn đề cuộc sống. Nữ chủ nội thì giải quyết cuộc sống tinh thần, dạy bảo con cái.
Hiện nay có rất nhiều vợ chồng cùng đi làm, việc dạy bảo con cái giao cho bảo mẫu, thầy cô, người giúp việc nước ngoài, rất nhiều. Cho nên hiện nay xuất hiện từ mới gọi là “cha mẹ đại diện”. Vừa nãy có nhắc đến thầy cô, có rất nhiều đứa trẻ vừa tan học chính khóa là lại đến lớp học thêm. Còn có “cha mẹ đại diện” nữa là gì? Đó là có rất nhiều trường hợp nuôi dạy cách thế hệ như ông bà trông nom, nuôi dạy cháu. Ngoài ra còn có một “cha mẹ đại diện” nữa mà nhiều phụ huynh sẽ nhờ đến nó: Đó là ti vi và hiện nay còn có máy vi tính.
Quý vị thân mến! Khi chúng ta kiếm được rất nhiều tiền, chúng ta có thể giữ số tiền này cả đời ở bên mình không? Chúng ta cần phải hiểu rằng, tiền tài là của chung ngũ gia. Đó là lũ lụt cũng có thể lấy đi tiền bạc của các vị, hỏa hoạn cũng có thể lấy tiền tài của các vị, tham quan ô lại có thể lấy tiền của các vị, ăn cắp, trộm cướp có thể lấy tiền của các vị. Bốn điều này vẫn chưa đủ mạnh. Điều cuối cùng mới là ghê gớm, đó là con cháu bất hiếu. Các vị vất vả kiếm tiền thì chúng tiêu tiền càng sướng tay. Cho nên nếu như các vị kiếm được ở đây thì lại bị thất thoát ở kia, vậy sẽ giữ không được. Khi chúng ta đều dùng “cha mẹ đại diện” để dạy bảo con cái, cuối cùng con cái không hiểu biết thì có thể các vị phải lo lắng cả đời, có thể sẽ bị bệnh trầm cảm. Vậy thì thật là rất nguy hiểm!
Điều thứ nhất: Lớp học thêm
Chúng ta hãy đi xem tình hình con cái được giao cho lớp học thêm. Tôi đã từng suy nghĩ về vấn đề này và cũng đi quan sát. Mười em đứng đầu lớp thì đến một nửa đều học thêm và một nửa không học thêm. Đối với bọn trẻ đi học thêm, tôi bắt đầu quan sát thấy chúng đến lớp thì không chú tâm mấy. Bởi vì nếu như bài học của ngày hôm nay thì chúng đã học ở lớp học thêm rồi, chúng sẽ nghĩ gì? Chúng sẽ vỗ vào vai bạn học ngồi bên cạnh: “Cái này tớ học rồi, cái kia tớ cũng học rồi”. Vậy chúng đi học có chú tâm không? Như vậy thật nguy hiểm! Cầu học vấn quan trọng nhất là phải chuyên tâm, chuyên chú. Khi chúng bắt đầu khinh mạn đối với sự cầu học vấn thì đã biểu lộ sự thất bại ra ngoài. Cho nên khi đã được học rồi thì chúng sẽ không chuyên tâm. Và những điều hôm nay trên lớp chúng chưa học thì chúng sẽ nghĩ rằng thầy cô ở lớp học thêm sẽ dạy chúng.
Tôi còn phát hiện thấy những học sinh này trước ngày thi chúng thường cầm mấy tờ giấy và chăm chú học. Mấy tờ giấy gì vậy? Thầy cô ở lớp học thêm giúp chúng tổng hợp những điều trọng điểm. Chúng đi học và còn có ai học hộ chúng? Đều là mấy vị thầy cô này. Cho nên tôi thấy chúng học thuộc một cách chăm chỉ, và sau khi thi xong thì liền nói: “Đã thoát rồi!”. Theo tôi nghĩ, chỉ hai ba hôm sau là chúng đã quên sạch những mớ kiến thức này.
Số còn lại không đi học thêm trong số mười em đứng đầu lớp thì không có những tổng hợp trọng điểm này. Chúng cứ từng đôi từng đôi học chung với nhau. Em này nói: “Nào! Tớ tổng hợp một số trọng điểm. Tớ hỏi cậu xem cậu có trả lời được không? Cậu cũng hỏi lại tớ để xem tớ có nhớ không?”. Chúng đều rất thật thà tự mình ôn tập. Trong quá trình tổng hợp những trọng điểm thì chúng đã tích lũy từng chút kiến thức trong học tập.
Cho nên có rất nhiều người đã nghĩ sai, cảm thấy chỉ cần bỏ tiền ra là sẽ có hiệu quả. Họ bỏ tiền ra mà cũng không xem xét cẩn thận xem có phải bọn trẻ thực sự đã học được kiến thức không. Điều thứ nhất này, hiệu quả của lớp học thêm, chúng ta phải suy xét lại.
Điều thứ hai: Người giúp việc
Rất nhiều người giúp việc nói còn không sõi tiếng phổ thông. Cho nên năng lực ngôn ngữ, ngữ văn của con cái chúng ta cứ mãi đi xuống. Quý vị thân mến! Năng lực môn ngữ văn là cơ sở cho tất cả các môn học khác. Học không tốt môn ngữ văn thì học những môn khác sẽ rất vất vả. Không chỉ có vấn đề ở môn ngữ văn mà khi người giúp việc trông nom bọn trẻ thì họ có thái độ gì? Có phải là thái độ của cha mẹ không? Không phải! Mà họ coi bọn trẻ như ông chủ, như Hoàng Đế. Có rất nhiều người giúp việc dạy dỗ bọn trẻ thành ra như thế này: Khi muốn đi ra ngoài thì trẻ nhỏ chỉ việc ngồi lên ghế, đưa hai chân ra và thế là người giúp việc phải giúp chúng đi tất, đeo giày. Chính vì thế mà năng lực tự lập trong cuộc sống của những đứa trẻ này rất kém.
Bọn trẻ như vậy, nếu như các vị mà thất bại trong kinh doanh thì có thể chúng sẽ chết đói. Phú quý không thể lâu dài, các vị phải nghĩ đến lúc gia đình không còn giàu có nữa thì liệu bọn trẻ có năng lực tự lập trong cuộc sống không. Các vị phải nhìn xa, trông rộng. Cũng có bài báo viết rằng, có đứa trẻ ở nhà đều được người giúp việc phục vụ. Khi đến lớp, thầy giáo giao cho đứa bé công việc quét dọn, đứa bé liền đàm phán với thầy giáo. Nó nói với thầy giáo rằng nó cho thầy giáo tiền để thầy giáo giúp nó quét dọn. Trong tư tưởng của nó thì tiền có thể giúp giải quyết mọi vấn đề cho nên mới có hiện tượng như vậy. Người giúp việc không thể nào có được thái độ như cha mẹ để nuôi dưỡng, dạy bảo con cái của các vị.
Điều thứ ba: Nuôi dạy cách thế hệ
Rất nhiều phụ huynh khi còn làm cha mẹ thì rất sáng suốt, nhưng khi trở thành ông bà thì lại thấy: “Sao đứa cháu này lại đáng yêu như vậy!” thế là cưng chiều hết sức. Mẹ của tôi, khi bà dạy dỗ chúng tôi thì rất có nguyên tắc, rất là có nguyên tắc. Tôi còn nhớ có một lần tôi có một điều muốn cầu xin bà. Đó là một yêu cầu không hợp lý. Lúc đó bà đã cầm quyển sách lên xem và mặc kệ tôi. Tôi bắt đầu nằm lăn ra đất ăn vạ đòi bà phải chiều theo, để đạt được mục đích của tôi. Kết quả mẹ tôi không thèm để ý đến tôi và cứ tiếp tục xem sách. Sau đó tôi cảm thấy lăn lộn trên mặt đất thật là mệt, và cũng hiểu được rằng có ăn vạ cũng không đạt được mục đích của mình vì mẹ của tôi không chấp nhận bị đe doạ. Thế là tôi đành phải đứng dậy.
Các vị xem, ký ức của tôi rất sâu sắc. Cho nên dạy bảo con cái nhất định phải có nguyên tắc đúng đắn, không thể để bọn trẻ muốn gì được nấy. Chiều như vậy sẽ làm hư bọn trẻ. Các vị xem, lúc mẹ tôi dạy bảo tôi thì tốt như vậy, nhưng khi trông nom cháu thì bà lại bắt đầu chiều chuộng cháu. Bà thường nói với tôi rằng: “Con không được quá khắt khe với cháu ngoại như vậy!”. Lúc đó tôi cũng không nói gì. Khoảng nửa năm sau thì bà lại nói với tôi: “Con khắt khe với cháu là đúng!”. Bởi vì đứa cháu ngoại này đã leo lên đầu của bà. Cho nên hiệu quả của sự giáo dục cách thế hệ cũng không tốt vì trẻ thường được nuông chiều. Cho nên tốt hơn là tự mình nuôi dạy con cái mình.
Điều thứ tư: Ti vi và máy vi tính
Điều này thì càng không phải nói! Những điều học được từ ti vi và máy vi tính chỉ toàn là những cảnh tượng tham, sân, si, mạn. Chúng ta thấy nhiều đứa trẻ nói những lời nói rất bướng bỉnh, không lương thiện, lời nói rất thô lỗ. Những lời này không phải là học của cha mẹ mà là học được từ ti vi, từ máy vi tính. Hơn nữa ti vi, máy vi tính có tác dụng thôi miên. Các vị có phát hiện ra rằng những người xem ti vi giống như là xa lìa với đời thực, người bên cạnh có gọi đến mấy cũng không để ý. Tại sao vậy? Bởi vì tia bức xạ của ti vi, sóng từ sẽ làm cho não của các vị giống như là sống trong cùng một nhà mà bị cách ly vậy, trạng thái đại não cách ly 98 tiếng đồng hồ. Cho nên càng xem nhiều ti vi thì càng mất đi sự suy nghĩ.
Các vị xem, tại sao có rất nhiều mặt hàng rất đắt đều thích quảng cáo trên ti vi và đều phải mất nhiều tiền để quảng cáo? Bởi vì người xem ti vi thì sẽ mất đi lý trí. Khi thấy quảng cáo sản phẩm SK II óng ánh, long lanh, người xem quảng cáo nhìn thấy mà muốn say và lập tức đi mua sản phẩm đó. Cho nên ti vi và máy vi tính có ảnh hưởng rất lớn đối với đại não của bọn trẻ. Điều này đã được khoa học chứng minh. Trên trang mạng Đại Phương Quảng của chúng tôi có một bài viết tên là: “Trẻ nhỏ lớn lên chung với ti vi”. Mọi người có thể vào đó xem. Khoa học đã nghiên cứu ra rằng ti vi có ảnh hưởng rất không tốt đối với trẻ nhỏ.
Cho nên chúng ta cần hiểu rằng, giáo dục trẻ nhỏ là phải dựa vào chính bản thân mình thì người làm cha mẹ mới có thể nắm bắt được tình hình của con cái. Sự trưởng thành của bọn trẻ không thể làm lại một lần nữa. Bây giờ mà bảo các vị tự trông nom nuôi dạy con cái của mình, các vị có làm được không? Hay các vị lại nói: “Thầy Thái à! Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ” (người trong xã hội có nhiều việc không thể tự làm chủ chính mình được). Những điều các vị nói tôi cũng hiểu được đôi phần.
Chúng ta hãy suy xét vấn đề thứ nhất, đó là vấn đề về kinh tế. Mọi người đa số đều cảm thấy rằng hai vợ chồng nếu không cùng kiếm tiền thì sẽ chết đói. Các vị thấy đó, chúng ta đều có rất nhiều giả thiết để mà lo lắng. Vào thời ông nội tôi, hai vợ chồng thì chỉ có người chồng đi làm kiếm tiền, hơn nữa còn sinh năm, sáu, bảy, tám người con. Họ có chết đói không? Không. Bây giờ chúng ta chỉ nuôi có một đứa con, cả hai vợ chồng đều kiếm tiền mà vẫn sợ chết đói. Vấn đề ở đâu? Vấn đề ở chỗ chúng ta không nắm bắt được trọng tâm của việc trị gia. Đó là: “Cần Kiệm”. “Kiệm vi trị gia căn” (tiết kiệm là căn bản của việc quản lý gia đình). Chỉ cần cần kiệm, không nên tiêu pha phung phí thì một người đi làm kiếm tiền cũng đủ để cho một gia đình chi dùng. Hơn nữa một người kiếm tiền thì chi dùng của gia đình sẽ rất cần kiệm. Vậy thì từ nhỏ, bọn trẻ đã được dạy phải có thái độ rất cần kiệm. Như vậy là các vị đã cho bọn trẻ có chỗ đứng không thể thất bại trong xã hội và sẽ không trở thành nô lệ cho vật chất.
- Càng ngạo mạn càng khó thành tựu trong học tập
Tôi có một bà dì. Bà dẫn đứa cháu gái đến nhà tôi. Đứa cháu gái đó gọi tôi bằng cậu. Khi đó cha mẹ tôi đều ở nhà. Sau khi ngồi xuống ghế thì bà bắt đầu nói với đứa cháu gái: “Nào! Chúng ta hãy đọc tiếng Anh cho các vị trưởng bối này nghe đi”. Đứa cháu gái đọc rất là thuần thục. Tôi tin rằng đứa cháu gái này tuyệt đối không chỉ biểu diễn cho chúng tôi xem mà nhất định là đã từng biểu diễn rất nhiều lần, cho nên nó rất tự nhiên. Sau đó bà nội đứa bé bắt đầu hỏi: “Quả táo đọc là gì?”. Đứa cháu gái trả lời: “Apple”. “Cái ô đọc là gì?” Đứa cháu gái nói: “Umbrella”. Bà hỏi rất nhiều câu và đứa bé đều trả lời trôi chảy. Đột nhiên đứa cháu gái hỏi ngược lại bà rằng: “Bà nội! Quyển sách nói như thế nào?”. Bà nội đứa bé nói: “Bà làm sao biết được!”. Đứa bé nói luôn: “Bà nội! Sao bà dốt thế!”.
Nếu như bọn trẻ không được học cách làm người, làm việc thì học càng nhiều kiến thức, xem càng nhiều sách chúng càng kiêu căng, ngạo mạn. “Ngạo mạn” là một sát thủ rất lớn trong việc học tập, vì một người khi đã có lòng kiêu căng, ngạo mạn thì khó có thể thành tựu trong học tập. Cho nên “Lễ Ký”, “Khúc Ký” có viết rằng: “Ngạo bất khả trưởng”. Đây là những nhắc nhở rất quan trọng mà những bậc Thánh Hiền thời xưa để lại cho chúng ta.
- Học tập quý nhất là phải nỗ lực thực hành
Trong học tập ngoại trừ việc phải lập chí ra, còn có một điều quan trọng khác đó là “học quý thực hành”. Chúng ta học xong một câu Kinh văn thì nhất định phải thực hành theo một câu. Cho nên mới nói là học và hành phải đi song song thì đạo đức và học vấn của chúng ta mới nâng cao lên được. Thời nhà Đường có một vị cao tăng tên là Ô Sào thiền sư. Nhà thơ Bạch Cư Dị vào thời nhà Đường khi tuổi già rất thích học Phật. Ông hy vọng có thể thân cận với vị Đại đức như vậy, có thể nâng cao học vấn của mình. Khi ông đi gặp Ô Sào thiền sư, ông liền thỉnh giáo thiền sư, ông hỏi học Phật như thế nào.
Chữ “Phật” là tiếng Ấn Độ, nghĩa gốc được gọi là “Phật Đà Gia”. Người Trung Quốc thích giản lược cho nên dịch trực tiếp thành một chữ “Phật”, bên trái chữ của “Phật” là chữ “Nhân”, tức là chữ người, bên phải là chữ “Phất”. Trong từ của Trung Quốc được gọi là chữ hình thanh, hình là “Người”, còn thanh là chữ “Phất”. Chữ “Phật” này giải thích theo ngôn ngữ Trung Quốc có nghĩa là người giác ngộ, người có trí tuệ. Nói rõ hơn một chút, đó được gọi là người hiểu biết, người hiểu biết đạo lý. Cho nên học Phật là phải học để làm một người hiểu biết.
Ô Sào thiền sư nói với Bạch Cư Dị rằng học Phật cần phải thực hiện theo tám chữ “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không được làm những việc ác mà làm theo những việc thiện). Bạch Cư Dị nghe xong cười lớn, ông nói: “Đứa bé ba tuổi cũng biết việc này!”.
Quý vị thân mến! Khi các vị ba tuổi các vị có biết điều này không? Ngày xưa dạy bảo điều thiện, ác, dạy cách làm người thì được dạy ở đâu? Không phải ở trường học mà là ở nhà, ở nhà được dạy. Cho nên đích thực Bạch Cư Dị nói không sai, là đứa trẻ ba tuổi cũng biết. Ô Sào thiền sư liền trả lời ông rằng: “Đến ông già tám mươi tuổi cũng không thực hiện nổi, không thực hiện được. Cho nên điều then chốt, điều quan trọng không phải là ông học được bao nhiêu, mà là ông thực hiện được bao nhiêu”. Thái độ này, khi chúng ta tự học và dạy bảo con cái học theo Thánh Hiền thì nhất định phải xác lập thái độ đúng đắn như vậy.
Ngày 15 tháng 3 năm ngoái tôi đến Thẩm Quyến, chia sẻ một buổi với các thầy cô và phụ huynh ở đó. Ngày hôm sau, thầy cô ở đó mời tôi đến giảng cho các cháu trong trường mẫu giáo của họ một buổi. Tôi liền dạy “Đệ Tử Quy”. Kết quả là khi tôi vào lớp, tôi nói với các em học sinh rằng hôm nay chúng ta học “Đệ Tử Quy”, các em liền đồng thanh nói: “Thưa Thầy! Chúng em đã học Đệ Tử Quy rồi ạ. Chúng em có thể đọc thuộc lòng”. Quý vị thân mến! Học “Đệ Tử Quy” đã tạo cho bọn trẻ này điều gì? Tạo cho bọn trẻ này cảm thấy được rằng: “Điều đó mình đã học thuộc lòng rồi, mình đã học rồi”, tạo cho chúng sự ngạo mạn chứ không phải là sự khiêm tốn. Cho nên sự chỉ dạy khi mới bắt đầu của thầy cô đối với bọn trẻ là điều rất quan trọng.
Tôi liền viết lên bảng đen một chữ, chữ “Đạo” trong “Đạo Đức”. Tôi cũng không trực tiếp phản bác lời của bọn trẻ mà trước tiên viết một chữ “Đạo”. Tôi nói với bọn trẻ, văn hóa ngàn năm của Tổ Tông rất tinh thâm, uyên bác. Trên thế giới, chữ Trung Quốc là loại chữ duy nhất có thể biểu lộ trí tuệ nhân sinh, triết học nhân sinh trong chữ viết. Khi các vị nhìn thấy một chữ là các vị có thể hiểu được đạo lý trong đó. Chữ “Đạo” bên trái là bộ “Xước”, bên phải là chữ “Đầu” trong chữ “Đầu Tiên”. Chữ này nói với chúng ta rằng một người chân thật có đạo đức thì đầu tiên phải thực hiện. Chữ “Xước” có nghĩa là thực hành, đầu tiên phải có thể làm được. Người có thể làm được mới là người có đạo đức. Cho nên chúng ta học “Đệ Tử Quy” là để làm người có đạo đức. “Các em học sinh! Các em đã làm được những câu nào trong Đệ Tử Quy rồi?”. Lúc đầu bọn trẻ còn ngẩng cao đầu, sau khi nghe xong thì ngồi ở đó đột nhiên nhớ lại lời dạy. “Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay), thế mà hôm qua mới cãi lời mẹ xong, cho nên chúng liền bắt đầu hối lỗi.
Tiếp theo đó tôi dạy chúng cách làm thế nào để đem từng câu, từng câu trong “Đệ Tử Quy” thực hiện trong sinh hoạt gia đình. Trong đó có một đứa trẻ khi về nhà, hôm đó viết nhật ký, câu đầu tiên nó viết rằng: “Hôm nay thầy Thái đến chỉ dạy chúng em. Thầy Thái nói cầm sách “Đệ Tử Quy” lên là để thực hiện chứ không phải để học thuộc lòng”.
Quý vị thân mến! Điều này được đứa bé viết trong nhật ký, chứng tỏ nó có ấn tượng rất sâu sắc đối với điều này. Ấn tượng này rất có thể sẽ ảnh hưởng cả đời nó. Cho nên trong giáo dục có ba chữ chân ngôn, đó là phải “thận ư thủy” (cẩn thận ngay từ lúc ban đầu). Khi trẻ nhỏ mới bắt đầu học tập thì phải chú trọng việc nỗ lực đi thực hành, như vậy thì trình độ của chúng nhất định sẽ không giống người khác.
Ngoài ra còn có một đứa bé sau khi học xong về nhà cũng rất nghiêm túc, ngày hôm sau đứng trước cửa phòng của cha mẹ đợi cha mẹ bước ra. Khi cha mẹ đi ra, nó liền gập người xuống chào: “Chào cha mẹ! Hôm qua cha mẹ ngủ có ngon không?”. Cha mẹ nó đột nhiên cảm thấy giật mình, liền lập tức gọi điện đến trường mẫu giáo hỏi: “Hôm qua đã xảy ra chuyện gì? Tại sao hôm nay con của tôi lại vấn an, hỏi thăm sức khỏe chúng tôi như vậy?”. Thầy giáo liền nói bởi vì hôm qua bọn trẻ mới học đến câu “thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng). Cho nên thực tế bọn trẻ có dễ dạy bảo không? Rất dễ, chỉ là do chúng ta không dạy.
Ở Sán Đầu có một đứa bé mới lên 7 tuổi. Lúc đó ở Sán Đầu có rất nhiều thầy cô tình nguyện lên lớp giảng “Đệ Tử Quy”. Dạy được một, hai tháng thì thầy cô của chúng tổ chức một hoạt động để giao lưu với phụ huynh. Họ sắp xếp cho từng em học sinh lên trên bục phát biểu chia sẻ cảm tưởng để xem sau khi chúng học được một, hai tháng thì chúng có thay đổi như thế nào. Kết quả là đứa bé 7 tuổi lên phát biểu. Câu đầu tiên nó nói: “Em học “Đệ Tử Quy” rồi mới biết làm người thì ra là phải hiếu thảo”.
Quý vị thân mến! Câu “thì ra là phải hiếu thảo” này rất có ý nghĩa. Người không học thì không hiểu biết, người không học thì không biết lễ nghĩa. Cho nên thời nay có nhiều phụ huynh rất bực tức: “Sao đứa bé này không hiểu biết tí gì cả! Ngay đến điều đơn giản như vậy mà cũng không biết”. Đúng là ngay đến điều đơn giản như vậy nó cũng không biết, bởi vì không ai dạy. Cho nên chúng ta hiểu được những điều gì thì nhất định cần phải dạy gấp cho chúng.
Các vị xem đứa bé này, các vị nói với nó rằng “thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng) thì ngày hôm sau nó liền thực hiện. Và vị phụ huynh này cũng biết được là phải lập tức gọi điện đến trường. Động tác này đã bộc lộ sự quan tâm của phụ huynh đối với sự trưởng thành của con cái. Anh ấy cũng hiểu được rằng muốn dạy bảo tốt con cái thì sự hợp tác giữa cha mẹ và thầy cô là rất quan trọng. Cho nên vị phụ huynh này cũng có được sự nhạy bén trong giáo dục. Nếu như anh ấy cảm thấy rất kỳ lạ, sau đó sờ lên trán đứa bé và nói rằng: “Con gái! Hôm nay có phải con bị sốt không? Sao lại lễ phép như vậy?”. Nếu như các vị làm vậy thì các vị có thể sẽ dập tắt lòng hiếu thảo và lòng ham học của con cái.
- Ngày sinh nhật của con là ngày chịu nạn của mẹ
Thẩm Quyến có một cô giáo. Cô học tập văn hóa Thánh Hiền một thời gian. Tháng 5 vào ngày của mẹ, cũng là lúc cô về thăm nhà. Những điều học được là phải đem ra thực hành, cho nên cô muốn cảm ân công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Hôm đó cũng là ngày sinh của cô.
Các vị phụ huynh! Hiện nay vào ngày sinh nhật của bọn trẻ, điều đầu tiên chúng nghĩ đến là gì? “Bánh ga tô”. Còn gì nữa? Chúng ta dạy con cái làm việc thiện, vậy xin hỏi: Ý nghĩ thứ nhất nghĩ đến bánh ga tô có phải là việc thiện không? Cho nên những phản ứng của bọn trẻ đã bộc lộ kết quả của sự giáo dục. Chúng ta hãy bình tĩnh quan sát xem hạt giống này trồng đã đúng chưa hay đã trồng sai rồi? Chúng ta phải suy xét cẩn thận. Cơ hội giáo dục tốt như vậy! Điều trước tiên mà con cái nghĩ đến phải là: “Ngày sinh của mình chính là ngày chịu nạn của mẹ”. Chúng ta phải dạy con cái ghi nhớ sự vất vả khi mẹ mang thai, khi mẹ sinh nở, để chúng sinh lòng biết ơn và báo ơn. Đây được gọi là giáo dục.
Cô giáo này về nhà, muốn cảm ơn cha mẹ cho nên đã xếp ra ba chiếc ghế tựa. Lúc đó bà ngoại của cô cũng ở đấy. Cô mời bà ngoại, cha, mẹ ngồi lên ghế. Mẹ của cô cũng rất nhạy cảm, bà nói: “Con gái! Con muốn làm gì vậy?”. Cô liền nói với mẹ, nói với ba người rằng: “Hơn ba mươi năm qua, vì con mà bà và cha mẹ đã phải bận tâm không ít. Bây giờ con đã bắt đầu học tập lời giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên từ nay về sau con phải làm người con hiếu thảo, không để bà và cha mẹ phải lo lắng nữa. Hơn nữa công ơn dưỡng dục hơn ba mươi năm qua con sẽ khắc ghi trong lòng. Hôm nay cũng đúng ngày sinh của con, con cần phải cảm ơn cha mẹ. Cho nên hôm nay con phải quỳ lạy cha mẹ chín lần”.
Khi cô giáo này vừa quỳ lạy cái lạy đầu tiên thì mẹ của cô lập tức chảy nước mắt. Quý vị thân mến! Đó là giọt nước mắt gì vậy? Giọt nước mắt cảm thấy được an ủi. Thực ra người làm mẹ không bao giờ mong con cái phải báo đáp lại, nhưng lòng hiếu thảo của con cái sẽ làm cho bà được an ủi. Dưới gầm trời này ai là người khờ nhất? Người làm mẹ rất dễ bị gạt, không cầu mong được trả ơn, các vị chỉ cần nói lời tốt đẹp với mẹ, tận chút lòng hiếu với mẹ là mẹ đã thỏa mãn lắm rồi. Cô giáo này quỳ lạy lần thứ hai thì con trai của cô là học sinh lớp ba lập tức đến bên cạnh chồng của cô và bắt đầu đấm bóp cho chồng cô. Dường như con trai cô cảm thấy trong bầu không khí như vậy mà mình không làm điều gì đó thì thật là kỳ cục.
Giáo dục không cần dùng đến lời nói! Lòng hiếu thảo của người mẹ đã khiến cho con của cô cảm nhận được rất mãnh liệt. Cho nên chú bé cảm thấy bây giờ mình phải nên quan tâm đến cha của mình. Sức mạnh của việc lấy thân mình ra làm gương để giáo dục rất là lớn. Đứa trẻ này về nhà, vừa bước vào cửa liền nói với cha mẹ rằng: “Cha, mẹ, sang năm đến ngày sinh của con thì con cũng phải quỳ lạy cha mẹ”. Đây là giáo dục “trên thực hiện, dưới noi theo”. Việc này có phải mất tiền mua không? Việc quan trọng thật sự của nhân sinh thì tiền không có tác dụng mấy.
Người xưa thường coi ngày sinh của mình là ngày chịu nạn của mẹ. Mẹ mang thai chín tháng mười ngày, thân thể chịu bao nỗi khổ đau, trong lòng rất lo lắng cho thai nhi, cho nên sự đau đớn, kinh sợ và lo lắng của ngày sinh càng thêm trầm trọng. Thế nên phụ nữ chỉ cần sinh nở một lần thì được coi là một lần đi đến quỷ môn quan của âm phủ, xem giống như việc chuyển thế đầu thai, thực sự là như vậy. Bởi vậy ân đức của mẹ rất to lớn. Trong Kinh Phật có dạy: “Người nào có mẹ còn mạnh khỏe là người giàu có nhất. Người nào mất mẹ là người nghèo nhất. Mẹ hiền còn sống cũng như là mặt trời sáng trên trời cao. Mẹ hiền mất đi như là mặt trời xuống núi”. Trong Kinh Phật còn dạy rằng: “Tất cả phúc đức nhận được khi hiếu kính cha mẹ lớn ngang bằng tất cả phúc đức nhận được khi cúng dường Phật”.
Không ít người bỏ tiền bạc đi xa hàng ngàn cây số đến những nơi nổi tiếng để cầu phúc, cầu lộc, hoặc đi Đông, đi Tây mong cầu vận phước. Nhưng họ đâu có biết nhà nào cũng có hai vị Phật là cha và mẹ, sao phải vất vả đi cầu ở bên ngoài.
Người thời nay mỗi khi đến sinh nhật là lại giết gà, mổ lợn, thịt cá đầy bàn, yến tiệc linh đình để chúc mừng. Trên căn bản, điều này là trái ngược với tôn chỉ thiên đạo là: “Báo đáp ân đức cha mẹ”. Làm như vậy không những không nhận được phước đức, tăng thêm ích lợi, mà ngược lại còn giảm bớt, tiêu hao phước báo và khí vận của họ. Bởi vậy vào ngày sinh nhật, chúng ta nên làm những việc thiện như mua động vật để phóng sinh, hoặc tưởng nhớ ơn đức trời đất, cha mẹ sinh ra và dưỡng dục, hoặc là đi bố thí cho người nghèo khổ, hoặc in tặng sách hướng thiện, hoặc tụng Kinh, niệm Phật vv… Như vậy mới là chính đạo cầu trời đất ban phúc.
************
Hết
Damascus kitchen knives are known for their beauty and functionality. With their unique patterned blades and sharp edges, they add a touch of elegance to any kitchen. However, with so many options on the market, it can be difficult to choose the best one. In this blog, we’ll take a closer look at the best Damascus kitchen knives and what makes them a top choice for chefs and home cooks alike.
What are the benefits of using a Damascus kitchen knife?
Damascus kitchen knives offer a range of benefits, including their sharp edges for precise cutting, their beautiful patterns for an elegant touch in the kitchen, and their durability and strength for long-lasting use.
What should I look for when choosing a Damascus kitchen knife?
When choosing a Damascus kitchen knife, look for a blade that is made from high-quality Damascus steel, with a good balance between the blade and handle. You should also consider the type of blade you need for the tasks you perform in the kitchen, such as a chef’s knife, paring knife, or utility knife.
Are Damascus kitchen knives more expensive than regular kitchen knives?
Yes, Damascus kitchen knives are generally more expensive than regular kitchen knives due to the process of forging the blade and the materials used to make them. However, the investment is well worth it for their durability, sharpness, and beauty.
We hope you enjoyed our blog post about the best damascus kitchen knives. Damascus knives are becoming more and more popular and the debate on which one is the best is always a hot topic. We hope that our article provided you with some helpful information to guide you in your journey of finding the best damascus knives. If you want to find out more about damascus knives, feel free to visit our website at Homecook Mom.