Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 22/40)


 

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 22/40

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta vừa nói đến, người xưa cho dù học tập nghệ thuật hay nghệ năng đều không rời mục đích nâng cao đức tu dưỡng của chính mình. Cho nên trong “Luận Ngữ” có câu: “Để tâm chí vào đạo, giữ gìn đức hạnh, nương theo điều nhân, vui với lục nghệ”. Chúng ta học tập những nghệ thuật này, những tài năng này là để nâng cao đạo đức tu dưỡng của mình. Lúc nào cũng y theo điều nhân, dùng tâm nhân từ để sống với người, sau đó làm việc. Quy củ của việc làm người, xử sự đều lấy đức hạnh làm quy củ, dần dần có thể khế nhập luân thường đại đạo, thì chúng ta sẽ có thể thực hiện được một cách viên mãn.

Chúng ta lại xem chữ “nghệ” trong “lục nghệ”. Khi một người lúc nào cũng có lễ phép thì họ cũng luôn biết suy nghĩ cho người khác, có tâm nhân hậu.

Chúng ta học âm nhạc; âm nhạc cảm động người sâu nhất, cho nên nói: “Di phong dịch tục, mạt thiện ư nhạc”. Thường chúng ta nghe được một số ca khúc có sự hài hòa âm rất hay, vốn là tâm tình rất không tốt, đột nhiên yên bình trở lại. Cho nên, học âm nhạc không chỉ nung đúc chính mình, mà việc sáng tác nghệ thuật cũng là mong muốn có thể lợi ích cho người khác. Cho nên cũng là y theo tâm nhân từ, sau đó lại căn cứ vào đức hạnh để sáng tác âm nhạc, để cho mỗi người đều có thể làm một người đạo đức. Cho nên người xưa chế lễ tác nhạc, bởi vì âm nhạc cảm động người sâu nhất.

Vậy chúng ta hãy xem hiện nay “vui với lục nghệ” mà một số nhà sáng tác hiện nay có cái tâm thái như thế nào? Có nương theo điều nhân hay không? Hiện nay nương theo cái gì? Nương theo tiền, nương theo danh, nương theo lợi. Cho nên âm nhạc vốn có thể sản sinh ra sức mạnh giáo hóa lớn nhất thì hiện tại lại trở thành một nhân tố khiến cho nếp sống xã hội đọa lạc xuống nhanh nhất. Bạn xem, người xưa học nghệ thuật, động cơ của họ là thành tựu nếp sống cho xã hội, là muốn thành tựu đức hạnh cho người khác. Hiện nay mục tiêu đã không còn đúng nữa, cho nên kết quả cũng hoàn toàn khác.

Chúng ta hãy xem, có rất nhiều ca khúc mà ngôn từ và âm điệu của nó đều khiến nhân tâm vô cùng dao động. Cho nên người hiện nay nói: “Tôi mà có người thân hoặc là con cái được đi biểu diễn nghệ thuật thì sẽ rất quang vinh”, kỳ thực việc này đều phải xem lại. Việc mà chúng ta làm ảnh hưởng về sau như thế nào, đây mới là trọng điểm cần phải tư duy của việc làm người. Âm nhạc hiện tại đại bộ phận là sôi động, đại đa số là âm nhạc của Phương Tây, cho nên không phải hễ của Phương Tây thì bạn đều học theo. Phải lý trí. Chúng ta nghe những bản nhạc xưa của Trung Quốc thì tâm rất dễ dàng tịnh trở lại, bởi vì giữ gìn đức hạnh nương theo điều nhân và để tâm chí vào đạo. Bởi vì âm nhạc xưa là ngũ âm (cung, thương, chủy, giốc, vũ), mà Phương Tây thì có đến bảy âm (đồ, rê, mi, pha, sol, la, si). Có người nói: “Bạn xem người ta có đến bảy âm tiết, người ta tốt hơn của chúng ta”, có phải so sánh kiểu như vậy hay không? Cho nên con người mà không có sức phán đoán thì trắng đen không phân biệt rõ, tốt xấu cũng không phân biệt được. Bởi vì ngũ âm cung, thương, giốc, chủy, tương ưng với ngũ tạng của bạn  là gan, tim, tì, phổi, thận, lại tương ưng với việc trời đất cùng hòa hợp lại tạo thành ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, lại tương đối tương ứng với ngũ thường nhân, lễ, nghĩa, liêm,. Đây là ngũ thường quan trọng nhất của đời người.

Chúng ta ngày trước không hiểu văn hóa truyền thống, thường hay nghe nói nó có tinh thần bát đại tinh thâm, nhưng không có cảm nhận được nó bác đại tinh thâm ở chỗ nào, về sau dần dần thâm nhập Kinh điển, bạn không thể không bội phục. Bởi vì cung, thương, giốc, chủy, vũ đều toàn âm, cho nên nốt nhạc vô cùng ổn định, đều khiến cho lòng người bình tĩnh trở lại. Trong bảy âm Phương Tây đó có Fa, Si, đây gọi là bán âm, cho nên nếu ca khúc nào mà trong đó có càng nhiều nốt Fa và Si thì sau khi nghe xong tâm trạng của bạn sẽ như sóng dâng trào. Khi con người thường xuyên xao động dâng trào thì rất dễ làm việc theo cảm tình. Cho nên hiện nay thanh niên làm việc theo tình cảm rất nhiều, bởi vì họ ngày ngày đều nghe những loại nhạc tình ái này, lý trí của họ cũng sẽ rất khó xác lập. Chúng ta từ nhỏ đã nghe những ca khúc này, loại âm nhạc rất xao động thì sẽ khiến cho tâm trạng làm sao mà lý trí được.

Chúng ta thường xem thấy có một số trẻ nhỏ chỉ mới bảy – tám tuổi hát nhạc tình ca, sau đó còn bắt chước những ngôi sao ấy, giả bộ dáng vẻ rất đau khổ. Cho nên nói lý trí con người muốn hình thành thì đã trở nên rất khó rồi, có biết bao nhiêu thứ khiến cho bạn không thể hình thành lý trí.

Hoàng đế Khang Hy là một người rất có trí tuệ. Con cháu của ông trước khi được hai mươi tuổi thì ông không cho chúng đọc thơ từ ca phú. Vì sao vậy? Bởi vì rất nhiều thơ từ ca phú đều do tình cảm của nhà văn nhà thơ viết ra. Nếu như lý trí xây dựng được thì mới có thể dùng tình cảm, lý trí chưa xây vững thì tình cảm sẽ rất phong phú, sẽ rất dễ dàng dùng tình cảm để làm việc. Âm nhạc cũng như vậy. Loại âm nhạc này nhất định có thể hun đúc được tính tình thì mới có thể sáng tác, mới đáng để học tập. Cho nên việc hoằng dương âm nhạc của người xưa Trung Quốc cũng không phải chỉ người ở đất nước chúng ta làm, mà còn những người tạo phước khắp nhân gian. Âm nhạc cũng như vậy, cũng phải: Y ư nhân, cứ ư đức, chí ư đạo. Cho nên học tất cả nghệ năng vẫn là phải lập chí hướng tu đạo, thành tựu cái luân thường đại đạo cho chính mình.

Tiếp theo là “xạ” của xạ tiễn”. Việc bắn cung thì quan trọng nhất ở huấn luyện định lực. Định lực rất là quan trọng. Một người mà tâm tánh không định thì có thể làm việc lớn hay không? Không thể nào, họ thường hay xao động, thường hay xảy ra chuyện. Cho nên trong tất cả nghệ thuật đều cần phải có sự huấn luyện định tánh, huấn luyện tính kiên nhẫn cho họ. Định được rồi, nhẫn nại được rồi thì có thể nhìn ra được rất nhiều nguyên lý nguyên tắc của nghệ thuật là ở đâu. Họ có thể nhìn thấy rõ ràng, liền có thể nắm bắt được rất nhiều nguyên lý nguyên tắc của thiên địa vạn vật. Cho nên việc bắn cung phải hết sức tập trung thì mới có thể bắn được chuẩn. Huấn luyện này quan trọng nhất là phải định. Định mới có thể khai trí huệ. Tâm quá xao động thì tuyệt đối không thể tương ưng với trí huệ được.

Thứ là “ngự”, lái xe, đánh xe.

Người xưa học đánh xe thì có thể rèn luyện cho họ thái độ gì? Họ đánh xe phải chuyên tâm chú ý, nếu không sẽ nguy hiểm. Cho nên việc này cũng là huấn luyện họ được chuyên chú.

Tiếp đến là huấn luyện có thể phục vụ người khác. Nếu như bạn luôn không thể phục vụ tốt người khác, đánh xe cứ lảo đảo không yên thì người ngồi phía sau sẽ rất hoảng sợ. Cho nên, bạn phải luôn cảm nhận được cảm giác của người ngồi sau. Đây cũng đồng thời huấn luyện tâm nhân từ, sau đó sẽ cảm nhận tâm của người khác. Mở rộng ra, chính là một người càng có tài năng thì càng có thể phục vụ người khác, nếu không chúng ta đều có năng lực, cũng không thể giúp được gì.

Thầy Lý của chúng tôi là một nhà thư pháp, để viết được chữ đẹp thì thầy đi đến đâu cũng vì người phục vụ. Khi càng biết phục vụ người khác thì thầy càng nâng cao được lòng nhân từ của mình, lòng nhân đức của mình. Cho nên điều khiển xe cũng như vậy, đều là nâng cao được đạo đức học vấn.

Sau cùng là thư pháp.

Thư pháp thì luyện định tánh của chúng ta. Vả lại, học thư pháp đích thực phải “nhất môn thâm nhập”, giống như việc cầu học vấn. Hiện tại, vì sao nhiều kỹ năng nghệ thuật của Trung Quốc đều sắp đoạn mất? Bởi vì hiện nay tìm không được những học trò có thể chuyên tâm chú ý một môn thâm nhập. Vì vậy, hiện nay rất nhiều người trong giới thư pháp dạy như thế nào? Nào, đảm bảo anh trong vòng ba tháng có thể đi thi đấu. Cho nên người hiện tại, động cơ để làm việc đã sai rồi, mà sai là sai đến cùng cực. Cho nên, sau khi đã định được thì mới có thể thật sự đem môn nghệ thuật này càng làm càng tốt.

Thư pháp gia nổi tiếng trong giới thư pháp của chúng ta là Lão tiên sinh Khải Công. Ông đã từng được công nhận trong giới thư pháp, nhưng hiện tại ông vẫn còn đang luyện tập gì? Tập luyện mô phỏng, viết phỏng theo. Cách phỏng theo là lấy chữ đặt ở phía dưới, sau đó lấy một tấm kính lót lên trên, rồi bắt đầu tập viết theo nét chữ bên dưới. Cho nên, ông đã viết được chữ đẹp như vậy. Sau khi viết xong, ông lại so sánh với chữ gốc, vẫn cảm thấy còn kém quá xa, vẫn là cảm thấy chính mình công phu chưa đủ, lại tiếp tục luyện mô phỏng. Tiếp tục việc mô phỏng này chính là định tánh, mà trong quá trình mô phỏng sẽ buông xả cái “ngã”. Người hiện tại định không được, thường hay suy nghĩ muốn tự mình sáng tác, họ sẽ rất khó có thể thật sự khế nhập vào sự tinh túy của chữ mẫu. Mà những chữ mẫu có thể lưu truyền được mấy nghìn năm đều đã bao gồm được nghệ thuật tinh túy của thư pháp trong đó, cả quy luật kết cấu của thư pháp. Cho nên, chúng ta không thể buông bỏ cái “ngã” để dung hòa vào sự mô phỏng thì rất khó có thể nắm được những cương lĩnh này. Bởi vì không thể nắm được cương lĩnh thì tâm lại bất định, bắt đầu học tạp, bên này lĩnh hội một chút, qua kia lĩnh hội một chút. Vì vậy cầu học vấn cũng vậy, học các kỹ năng nghệ thuật cũng vậy, phương pháp này nếu bạn không có y theo, hoặc giả là không có ai dạy bạn, thì bạn sẽ rất khó có thể có được thành tựu gì. Cho nên, “Kinh sư dị đắc nhân sư nan cầu”. Khi chúng ta thật sự có cơ hội thân cận với vị thầy tốt, nhất định phải ghi nhớ y giáo phụng hành. Làm theo thì chúng ta sẽ có được sự lợi ích rất lớn.

Tôi cũng là cùng một vị thầy học tập thời gian ba – năm năm, dần dần cảm nhận được có thể nắm được giáo huấn của Thánh Hiền. Khi chúng ta xử sự đối người, thường hay gặp phải cảnh giới đều có thể nâng cao mình lên, không dễ gì bị cảnh giới xoay chuyển. Vì thế, người lão thật thì sẽ có phước. Chúng ta bất luận cầu học vấn cũng vậy, hoặc dẫn dắt con trẻ học tập những kỹ năng nghệ thuật của thế gian này cũng vậy, đều phải nắm cho được những mấu chốt học tập này. Nghe lời của người thầy tốt, sau đó lại thêm việc không ngừng đem những gì đã học được để áp dụng vào cuộc sống. Sau đó, thứ lớp tầng bậc của việc học tập không thể đảo lộn. Cho nên chúng ta học tập học vấn Thánh Hiền, quyển đầu tiên là “Đệ Tử Quy”, phải nhẫn nại tâm tánh mà trồng xuống cái gốc cho tốt cho sâu, tâm không nên quá xao động.

Các vị bằng hữu, tôi hơn một năm nay chỉ học và giảng một bộ “Đệ Tử Quy”. Sau khi giảng được một năm, có vị bằng hữu đến hỏi tôi về “Luận Ngữ”. Kết quả vừa hỏi xong, chúng tôi cũng không có dốc sức để học mà cũng có thể lấy được rất nhiều ví dụ từ trong mọi mặt cuộc sống để giảng nói cho họ nghe, bởi vì hơn một năm qua đã nắm được cương lĩnh.

Tâm cung kính của một người phải được thực tiễn từ đâu? Đương nhiên phải từ “Nhập tắc hiếu”, từ hiếu thảo cha mẹ mà bắt đầu thực hiện. Sau khi áp dụng thực tiễn rồi mà mở rộng ra thì áp dụng vào đâu? Phải từ việc thực tiễn đối với người lớn phải không? Ngoài việc đối với cha mẹ, với ông bà phải cung kính, còn phải cung kính đối với ai? “Phàm là người đều yêu thương”, đối với hết thảy người cũng phải cung kính. Sau cùng, không những đối với người phải cung kính mà đối với vật có cần cung kính hay không? Cần. Đối với thời gian có cần phải cung kính hay không? Cho nên “Đệ Tử Quy” nói: “Tuổi còn trẻ quý thời gian, với ăn uống chớ kén chọn”. Đối với thức ăn cũng phải cung kính, đối với quần áo của chúng ta cũng phải cung kính, cho nên “nón quần áo, để cố định”.

Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ,

Lúc chưa già, quý thời gian.

 

Với ăn uống, chớ kén chọn,

Ăn vừa đủ, chớ quá no.

 

Nón quần áo, để cố định,

Chớ để bừa, tránh dơ bẩn.

Vả lại, mỗi một câu Kinh văn khai mở, chúng ta tuyệt đối không trôi theo không trung mà phải áp dụng vào mọi vấn đề trong cuộc sống. Cho nên, chúng tôi vừa nói với vị bằng hữu đó xong thì họ cũng lập tức biết được phải bắt đầu bắt tay từ đâu. Khi thứ tự học tập của chúng ta thật sự nghe theo sự giáo huấn của Thánh Hiền, thì việc học của bạn làm ít mà được công nhiều. Vẫn là y theo trong “Tam Tự Kinh” đã nói: “Học xong tiểu học mới tới Tứ Thư” để học tập.

“Bác học” (học rộng) là trọng điểm đầu tiên trong việc cầu học, tiếp theo là “thẩm vấn”. Vậy, trước phải có “bác học”, học rộng thì mới có thể tiến đến “thẩm vấn”. Vì sao vậy? Khi họ đã có chỗ học tập rồi thì họ mới hiểu được cương lĩnh của học vấn Thánh Hiền là ở đâu, họ mới có thể thuận theo đạo lý này mà đi dò hỏi. Cũng do họ có học rồi họ mới biết trong quá trình làm thì xuất hiện những tình trạng gì, tiếp đến mới làm việc. “Tâm có nghi, thì chép lại”, sau đó lại đi thỉnh giáo. Cho nên, phải có học thì mới đi hỏi, học hỏi, sau khi học rồi thì mới đi hỏi. Người hiện tại không như vậy, vẫn còn chưa học mà vấn đề cứ đầy cả.

Chúng tôi thường gặp một số người bạn, gặp lại họ giống như họ đến để kiểm tra vậy, hết vấn đề này lại nối tiếp vấn đề khác. Sau đó mỗi lần bạn trả lời vấn đề của họ, chỉ vừa mới nói được 30% thì họ nói: Được rồi thầy Thái, vậy tôi xin hỏi thầy một vấn đề. Sau đó tôi lại rất chăm chú mà trả lời vấn đề mới của họ, chưa trả lời xong một nửa họ lại nói: Được rồi, tôi lại hỏi thầy một vấn đề. Họ vì sao mà lại có nhiều vấn đề đến như vậy? Kỳ thực họ vẫn chưa học gì, căn bản không biết cái tâm của Thánh Hiền, học vấn của Thánh Hiền. Vả lại, từ tận đáy lòng họ đã không tin rằng học vấn của Thánh Hiền là có thể học được. Học vấn Thánh Hiền họ không tin có thể thật sự dùng cho xã hội hiện tại. Họ nghĩ, nếu như họ hỏi bí được tôi thì có nghĩa là cách nghĩ của họ đúng, thế là họ cứ liên tục nêu ra vấn đề để cho tôi đối chiếu. Cái tâm thái như vậy dù có hỏi thế nào thì cũng không thể hỏi ra được chiều sâu của học vấn vì có cái tâm nêu ra vấn đề rất là nặng. Hỏi một vấn đề gì đó nhất định phải cung kính, nhất định phải biết tiếp nhận chỉ dạy.

Hiện nay có rất nhiều người bị nêu ra vấn đề, hỏi một lúc thì bắt đầu tán thành với cách nghĩ của người hỏi, họ liền đi hỏi tâm thái của họ như vậy có được hay không? Không được. Tục ngữ nói: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Con người rất sợ nghe lời thật, hễ nghe lời thật thì không chịu được, cho nên chỉ thích đi hỏi một số người có thể sẽ tán thành ý kiến của họ. Bản thân họ thì lại tự an ủi chính mình rằng: Bạn xem người khác cũng suy nghĩ giống như vậy, cho nên tôi nghĩ như vậy là không sai.

Có một lần vào rất sớm, một người bạn nữ gọi cho tôi. Sau khi gọi đến thì bắt đầu khóc lóc, bắt đầu kể những chuyện rất sâu xa của anh chồng. Sau khi nói xong, cảm thấy tâm tư của cô tương đối lắng trở lại, tôi liền nói: Chúng ta làm người làm việc, người khác đúng hay không là chuyện thứ yếu, bản thân chúng ta có làm đúng hay không mới là trọng điểm. Giả sử chồng sai mà ta cũng sai theo, vậy thì ta và họ đều tầm thường như nhau, ta làm gì có tư cách đi nói người ta. Chồng của chị không đúng là bởi vì chưa học qua giáo dục của Thánh Hiền, bản thân chị phải làm đúng thì mới có tư cách để nói chồng mình. Cho nên việc hiện tại mà chị cần phải suy nghĩ đó là bây giờ bổn phận chị làm người mẹ phải làm những gì? Khi một con người tâm định ở trên bổn phận của mình thì họ sẽ không buồn giận, cũng không nghĩ ngợi lung tung. Lời này của tôi nói xong thì chị bạn này nói: “Thầy Thái à, lời thầy nói sovới một người bạn khác của tôi thì không giống nhau”. Bởi vì trước khi hỏi tôi thì cô đã hỏi qua hai – ba người bạn rồi. Hai – ba người bạn này đều nói với cô khoảng thời gian khác nhau thì phải dùng những thủ đoạn khác nhau. Bạn xem, những người bạn này cũng đã chỉ bày cho cô rất nhiều thủ đoạn. Chúng ta nói, người khác hỏi bạn một vấn đề gì đó thì bạn không thể trả lời tùy tiện. Trả lời mà sai thì hại người ta cả đời, cả đời người ta sẽ đi tìm bạn. Cho nên, lời nói nhiều không bằng nói ít. “Thà phá mười cây cầu chứ không phá một cuộc hôn nhân”. Hiện tại con người xem nhẹ việc chỉ dạy người khác không thể nói: “Người như vậy thì thôi đi!.

Tôi có một người bạn đã khuyên bạn của mình ly hôn. Kết quả sau khi ly hôn thì hai vợ chồng người đó thấy hối hận, bản thân anh bạn này cũng thấy rất áy náy. Rất nhiều việc có lúc cũng không thể nào cứu vãn được, cả đời cảm thấy bất an. Cho nên, giữa vợ chồng với nhau, chúng ta nhất định phải khuyên hòa hợp chứ không khuyên ly hôn. Vả lại, thật sự giúp đỡ cho bạn bè thì không thể làm việc thêm dầu vào lửa. Chân thật giúp đỡ bạn bè là khiến cho họ nhìn thấy được vấn đề của mình, nhìn thấy bản thân mình chưa làm đủ thì họ mới có thể trưởng thành hơn. Khi một con người có chỗ trưởng thành thì cả đời họ sẽ có được lợi ích. Cho nên, khi bạn được người ta hỏi, nhất định phải xoay trở về cái trục này, nghĩa là phải luôn luôn dẫn dắt họ tu thân, luôn luôn hướng họ về cái trục chính này, phản tỉnh chính mình khi cho người ta ý kiến. Cho nên, nếu như bạn đã có học rồi thì bạn sẽ biết nêu câu hỏi như thế nào. Mà trong quá trình hỏi, chúng ta nhất định phải dùng cái tâm chí thành cung kính để lĩnh hội giáo huấn của người thầy. Đương nhiên, bạn phải hỏi đúng người.

Chúng tôi vừa mới nói phải lựa chọn được người thầy tốt. Bạn phải từ việc có lấy thân làm gương hay không, lời nói có đi đôi việc làm hay không, có tâm nhân hậu và thái độ khiêm cung hay không, từ những mặt này mà xem họ có thật sự là người có đạo đức hay không? “Việc vấn hỏi” thì bạn phải xác định lời nói của người này có đáng tin hay không thì bạn mới nghe lời của họ để làm. Bạn không nên đi hỏi thật nhiều người. Có việc này hay không vậy? Có. Bạn đi hỏi rất nhiều người đến sau cùng thì loạn hết cả. Thậm chí, có rất nhiều người đem việc trong nhà đi hỏi thiên hạ ở bên ngoài, hỏi xong thì người ta đều biết trong nhà họ đang có vấn đề gì. Cách làm này không hề có lý trí, đã khiến bản thân đi vào một tình huống khó khăn hơn. Đến lúc đó thì chồng của bạn sẽ hỏi bạn là đã đem chuyện xấu của anh ấy đi kể cho bao nhiêu người nghe rồi, như vậy anh sẽ càng không thể tha thứ cho bạn. Cho nên, việc hỏi này phải tìm cho được người đáng tin tưởng, tìm người đức hạnh để mà hỏi. Sau khi hỏi rồi thì bạn phải suy nghĩ cho kỹ. Chúng ta nói: “Thận tư”, nghĩa là suy nghĩ cẩn thận.

Tôi thường thường trao đổi với các vị phụ huynh. Hiện tại, đại đa số phụ huynh đều đẩy con cái đi vào con đường chỉ biết học để lên lớp, chỉ yêu cầu chúng có thành tích học tập tốt, còn những việc khác đều không cần làm, con chỉ cần học hành cho tốt. Kết quả là những đứa trẻ bước ra từ con đường này từ đó về sau có thể có được những ngày tháng tốt đẹp hay không? Phụ huynh cứ đẩy chúng về phía con đường đó, vả lại trong quá trình đẩy chúng như vậy cũng đã tiêu tốn không ít tiền, cũng bỏ ra không ít công sức, nhưng kết quả thì thế nào? Kết quả sau cùng bước ra thì rất nhiều người đều là người thất nghiệp. Thế là chúng ta cảm thấy đáng buồn; từ đại học, nghiên cứu sinh tiến sĩ, tốt nghiệp ra trường nhiều người như vậy mà kết quả lại thất nghiệp. Cho nên rốt cuộc là nhân tài quá nhiều hay quá ít? Xem ra thì như nhân tài quá nhiều dùng không hết, nhưng kết quả doanh nghiệp lại nói họ không tìm được nhân tài cần tìm. Đây là phải cẩn thận suy nghĩ lại vấn đề này. Vấn đề ở đâu vậy? Vấn đề xảy ra ở cả hệ thống giáo dục, chưa thể dạy ra được những người mà doanh nghiệp cần. Cho nên, chúng ta phải có lý trí để đối diện với tình hình hiện tại mới có thể thật sự bồi dưỡng được một chỗ đứng có thể phát huy tốt trong tương lai.

Trong quá trình mấy mươi năm, doanh nghiệp coi trọng nhất là quản lý chất lượng toàn diện. Trong quá trình quản lý họ chú trọng nhất là gì? Chú trọng nhất là chất lượng sản phẩm? Ví dụ như cây bút này, tôi chỉ cần làm cho chất lượng của nó thật tốt, giữ cho chất lượng của nó luôn tốt, họ sẽ cảm thấy sự nghiệp của mình có thể làm được lâu dài. Cho nên, suy nghĩ của họ ở làm cho chất lượng tốt là được. Kết quả là rất nhiều doanh nghiệp lớn trong hai ba mươi năm nay bị sụp đổ, giống như Ngân hàng 霸菱của Anh Quốc. Bởi vì một nhân viên (người Singapore) của công ty đã dùng công quỹ vào việc khác mà doanh nghiệp hơn 200 năm đã bị hủy hoại trong một ngày. Công ty của họ thông qua các loại hệ thống quản lý chất lượng ISO gì đó: “Ồ, chất lượng sản phẩm của các vị thật là tốt, làm rất là tốt, kết quả cơ nghiệp hơn 200 năm không giữ được, bởi vì phẩm đức của nhân viên không được tốt. Đây là sự việc xảy ra vào năm 1995.

Năm 2001, Tập đoàn An Long là doanh nghiệp lớn thứ bảy trên thế giới, doanh thu một năm hơn 100 tỉ đô la, kết quả do hai người chủ quản đã giở trò trong vấn đề kế toán, biển thủ riêng một số tiền mà công ty đã phải tuyên bố đóng cửa vào năm 2001. Vì thế mà người ngoại quốc đã giật mình: Tôi liều sống liều chết dựng nên cơ nghiệp mấy chục năm, mấy trăm năm, nhưng bởi vì phẩm chất đạo đức của nhân viên không tốt mà phải hủy hoại trong một ngày. Thế là các doanh nghiệp lớn trên thế giới bắt đầu từ coi trọng chất lượng sản phẩm chuyển sang coi trọng phẩm chất đạo đức của nhân viên, của viên chức, cho nên trọng tâm của quản lý học từ TQM chuyển sang TEM. Chữ “E” này là Ethics, quản lý luân lý đạo đức toàn diện. Xã hội tương lai đã chuyển sang phương hướng này rồi, cho nên tương lai người càng có đức hạnh, người càng đáng tín nhiệm thì về sau phát triển càng tốt.

Chúng tôi đã tiếp xúc qua một số doanh nghiệp, đã từng đi đến các doanh nghiệp để diễn giảng, chúng tôi đều thỉnh giáo với họ: Các vị cảm thấy hiện tại muốn tuyển dụng những nhân viên như thế nào?”. Nhất định không có một ai nói với chúng tôi là họ cần người có học lực thật tốt, mà đều là gì vậy? Đều là thành tín, có trách nhiệm, biết đảm đương, đều là những đặc tính làm người xử sự như vậy. Đang thiếu thốn nhất là nhân tài. Cho nên, người làm cha mẹ như chúng ta có thể cẩn thận suy nghĩ đến việc vun bồi đức hạnh cho con cái, thành tựu sự tu dưỡng của chúng, thành tựu nền móng cơ sở quan trọng nhất cho sự nghiệp cuộc đời của chúng. Khi hiện nay chúng ta hiểu được để vun đắp đức hạnh cho con cái thì về sau chúng đối diện với xã hội mang tính toàn cầu thì chúng đã có một chỗ đứng vững vàng bất bại rồi, vậy bạn còn lo lắng gì nữa. Cho nên chúng ta lý giải được chữ “thận tư” này, biết cách phán đoán, phân biệt, vậy thì từ nhỏ chúng ta nên dạy con cái những gì? Bạn phải biết nhận biết, phải biết cách chọn lựa, phải biết việc nào cấp bách việc nào là thứ yếu. Cho nên, đức hạnh phải xếp ở vị trí đầu tiên; tri thức và kỹ năng phải xếp phía sau, như vậy thì cái “thận tư” đó của bạn mới có giá trị. Nếu không thì mỗi lần nghe đến sẽ nói: Thật sự là có đạo lý, nói rất là hay, nhưng khi trở về nhìn thấy rất nhiều người đều đang đi học thêm thì lại đưa con đi học. Cuộc đời con người chưa thật sự thấu đáo được đạo lý thì bạn sẽ rất khó mà chuyển biến nó thành hành vi. Cho nên, bạn thật sự có thể suy nghĩ đến mức thông suốt, thấu đáo rồi thì con cái bạn sẽ có đại phước báo. Cho nên, khi đối diện với rất nhiều đạo lý thì bạn phải suy nghĩ, sau đó thì chuyển biến thành hành vi, như vậy học vấn của bạn mới thật sự bén rễ.

Một đạo lý nhất định phải thông qua là “bác học”, sau đó là “thẩm vấn”, rồi “thận tư”, vậy thì bạn đã phân biệt chính xác rồi. Sau đó phải áp dụng, bắt đầu dạy đức hạnh cho con cái bạn. Nếu như bạn không có “đốc hành”, nghĩa là thiết thực thi hành, thì những điều như “bác học”, “thẩm vấn”, “thận tư”, “minh biện” ở phía trước đều là vô ích. Vì thế, đầu mối then chốt trọng yếu nhất vẫn là ở nỗ lực thực hành, “đốc hành”. Kỳ thực, cuộc đời chúng ta đối diện với rất nhiều hoàn cảnh đều cần phải “thận tư”, cẩn thận suy nghĩ.

Chúng ta lúc trước khi nói đến quan hệ ngũ luân, mối quan hệ cha con có cần phải suy nghĩ cẩn thận hay không? Cần. Vì sao vậy? Khi giáo dục luôn luôn cẩn thận khi bắt đầu, đây chính là “thận tư”. Hôm nay con trẻ không ăn cơm thì phải làm sao? Bây giờ đứa trẻ nói: Hôm nay con không muốn ăn cơm, cha mẹ sẽ làm động tác gì? Dỗ dành nó, năn nỉ nó ăn thêm hai muỗng nữa, con mà ăn xong chén này thì ngày mai sẽ dắt con đi McDonald’s. Chúng vốn là đang làm nũng làm quấy, lại lập tức bưng cơm lên ăn một hơi hết sạch. Có phụ huynh nào làm việc này hay chưa? Phụ huynh thì cảm thấy ổn rồi, mình đã giải quyết được vấn đề rồi, rốt cuộc thì cũng đã ăn xong rồi, xin hỏi đã giải quyết được vấn đề hay chưa vậy? Ngược lại vấn đề đã lớn hơn rồi. Đây gọi là trị bệnh theo triệu chứng, nhưng vấn đề căn bản thì càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các vị bằng hữu, Đông Phương và Tây Phương khác biệt nhau là ở chỗ nào? Tư tưởng người Đông Phương là giải trừ từ gốc rễ, người Tây Phương là giải trừ trên triệu chứng biểu hiện ra là được rồi. Cho nên, y học cũng là như vậy, bị ung thư thì cắt bỏ đi, không nhìn thấy thì đã khỏi rồi. Trung y có nhìn nhận như vậy hay không? Không phải. Đây chỉ là triệu chứng mà nó hiển hiện ra, vấn đề thật sự thì nằm ở đâu? Trong một thời gian dài thân tâm mất sự điều tiết. Cho nên, nếu thân tâm điều tiết trở lại thì bệnh ung thư sẽ không còn. Kết quả bạn đem nó cắt bỏ đi, thân thể của bạn đâu thể nào tự mọc ra được, vả lại sau khi bạn cắt bỏ nó đi thì bạn phải trả cái giá trầm trọng. Khi thì mổ xẻ, khi thì xạ trị, việc đó rất đau đớn. Rất nhiều người bệnh ung thư không phải do bệnh chết mà do nhảy lầu tự tử, do trong quá trình điều trị quá đau đớn chịu không nổi mà chết.

Chúng ta ví dụ như hôm nay có một bao rác nằm ở đó nên có rất nhiều ruồi bay đến. Người này nhìn thấy ruồi thì rất giận, liền giết chết hết mấy con ruồi đó, anh ta sẽ nói: Mọi việc đã được giải quyết, chúng hết sạch rồi. Qua mấy phút sau thì những con ruồi khác lại bay đến, anh ta lại tức giận, thế là lại giết chết hết tất cả ruồi. Vậy vấn đề là ở bọn ruồi hay sao? Không phải. Căn bản là ở đâu? Là ở cái bao rác đó. Cho nên vấn đề của hôn nhân tuyệt đối không phải là ở đối phương, mà là do chính mình chưa đủ khoan dung, chưa đủ yêu thương. Cho nên con người thường xử lý theo triệu chứng, nhưng mà cuộc đời của họ cứ phải luôn sống trong sự mập mờ không rõ ràng, vì thế thật sự là con người hiện nay rất khổ. Người hiện nay có thể cười thật sáng lạng thật sự là rất ít. Lý bất minh.

Khi tôi theo ngành giáo dục, đúng lúc đi đến trường học, cô kế toán đến hỏi tôi một số tài liệu cơ bản. Tôi dạy lớp sáu ở trên lầu bốn, cô ấy lên đến tận nơi. Sau khi hỏi tôi một số tài liệu cơ bản thì đi xuống, nhưng đi được hai – ba bước thì quay lại nhìn tôi. Tôi cũng cảm thấy ngại, có lẽ các vị cũng nghĩ là tôi thấy rất ngại. Cô ấy nhìn tôi nên tôi nói: Có gì đó không ổn sao?”. Cô ấy nói: Từ trước tới giờ chưa nhìn thấy qua người nào lại cười sáng lng đến như vậy. Cười cũng có thể giúp đỡ được người khác, bởi vì bạn cười rạng rỡ sáng lạng như vậy thì cô ấy rất ngưỡng mộ. Cho nên tôi liền nói: Đó là bởi vì tôi học tập Thánh Nhân, sau đó tôi đã đem một số sách tặng cho cô ấy. Cho nên, minh bạch được đạo lý rồi thì bạn mới có thể giải quyết vấn đề căn bản của cuộc sống. Vì thế, sự sai khác của Phương Đông và Phương Tây thì bạn nhất định phải nhìn cho ra, mới có thể thấy quý trọng những điều đáng trân quý trong văn hóa truyền thống, cũng sẽ không đùn đẩy trách nhiệm.

Vừa mới nói đến việc đứa trẻ mới biếng ăn thì bạn liền thỏa mãn chúng. Ngoài mặt thì chúng nghe lời bạn, nhưng thực tế thì về sau chúng nhất định sẽ đòi hỏi không ngớt. Chúng sẽ càn lấn mọi thứ, bạn sẽ liên tiếp chịu thua chúng. Cho nên, con của chú Lư lần đầu tiên không ăn cơm, vợ của chú lập tức làm động tác đi khuyên, năn nỉ một chút, chú liền dùng ánh mắt để ra hiệu với vợ mình: Em hãy tránh ra. Đương nhiên cái tiền đề này là vợ chồng đã thỏa thuận ngầm rồi, người vợ rất tôn trọng trí huệ dạy con của người chồng, cô liền lui ra. Sau đó, khi chú Lư đã ăn no liền nói: Nào, dọn cất hết đi, thế là đem dọn cất hết đi. Con chú vẫn cứ ở đó mà bịt miệng lại. Tối đêm đó, đứa con bắt đầu đói không chịu nổi, tự mình ngồi dậy kiếm đồ ăn để ăn. Lần sau con chú có còn dám quấy nữa hay không? Không dám. Cho nên, quan hệ cha con phải biết “thận tư”, quan hệ quân thần cũng phải “thận tư”. Vào lúc nào nên khuyên, nên dùng phương pháp gì để khuyên, việc này đều cần bạn phải có trí huệ mà suy nghĩ.

Vào thời xuân thu chiến quốc, có một vị vua, một ngày kia mẹ của Ngài đã xảy ra sự xung đột rất lớn với Ngài. Vị vua này đã nói: Trẫm không muốn nhìn thấy mặt mẫu thân nữa, về sau không muốn nhìn thấy mặt mẹ nữa, chưa xuống suối vàng thì không gặp nhau, nói một câu tuyệt tình như vậy. Đây là Trịnh Trang Công đã nói. Ông có một quan đại thần đức hạnh rất tốt, nhìn thấy nhà vua nói những lời như vậy nên cảm thấy nhà vua đã có lỗi rồi. Chúng ta đối nhân xử thế phải nên ghi nhớ: “Đừng vì hiềm khích nhỏ mà bỏ tình thân, đừng vì oán giận mới mà quên ơn cũ”. Câu nói này phải nhớ kỹ, nếu không thì chúng ta có thể sẽ có những tiếc nuối hối hận trong cuộc đời. “Đừng vì hiềm khích nhỏ mà bỏ tình thân, đừng vì oán giận mới mà quên ơn cũ”. Con người đừng vì hiềm khích, ác cảm nhỏ mà làm mất đi hòa khí với người thân, thậm chí là điện thoại cũng không gọi. Đây là làm việc theo tình cảm.

Lúc chúng tôi mở lớp tại Bắc Kinh, giảng về mối quan hệ ngũ luân đến đoạn: “Trưởng ấu hữu tự”, có một vị nọ sau khi nghe xong tự mình rất sám hối. Bởi vì cô và em gái của mình đã hai năm chưa gọi điện thoại qua. Cũng vì xảy ra một lần cãi vã mà hai năm không gọi điện cho nhau. Sau đó, trở về cô liền gọi điện cho em của mình, nói với em gái của mình: Sự việc lần đó chị đã sai rồi, chị xin lỗi em. Kết quả, sau khi cô nói lời đó xong thì cô em gái bên đầu dây bên kia đã khóc, khóc rất lớn tiếng. May mà hai năm đã được hóa giải, được bao dung, chứ nếu như kéo dài đến khoảng năm năm thì có thể là đã mắc ung thư luôn rồi. Mỗi ngày đều có oán khí trong người, máu huyết đều không thông, các tế bào sớm muộn gì cũng sẽ bệnh. Cho nên, ung thư trước tiên đều là do bệnh từ trong tâm khởi ra. Kết quả, sau khi thừa nhận sai lầm như vậy, mối quan hệ đã được hóa giải. Cho nên, đời người không nên đánh cược cái vận khí này, thật là không đáng, làm khổ chính mình, sau đó còn làm khổ luôn người thân. “Đừng vì oán mới mà quên ơn cũ”. Cùng với tất cả thân hữu của chúng ta không thể vì có một sự xung đột nho nhỏ lại đem sự giúp đỡ và ân tình của người ta mấy chục năm qua đối với bạn mà quên đi hết. Đây là việc làm thất đức, tổn phước nhất.

Trịnh Trang Công chỉ vì nhất thời nổi giận nói: “Không xuống suối vàng thì không gặp nhau”. Quả thực sau khi ông nói ra thì ông như thấy hối hận. Vị thần tử này là một người con có hiếu nổi tiếng, cho nên ông có thể cảm nhận được. Tôi tin rằng, vị thần tử này sẽ cảm nhận khi nghe nhà vua nói ra câu này thì người mẹ ấy sẽ đau khổ biết chừng nào. Một người con hiếu thảo nhất định sẽ cảm thông được sự cảm nhận của cha mẹ người khác. Cho nên, trên “Hiếu Kinh” nói: “Giáo dĩ hiếu, sở dĩ kính thiên hạ chi vi nhân phu giả dã”. Một người chân thật học được hiếu đạo, người đó nhất định sẽ kính trọng cha mẹ của tất cả mọi người. Cho nên người đó suy nghĩ rất cẩn thận, phải dùng phương pháp gì mới có thể khiến cho nhà vua hồi tâm chuyển ý, có thể buông bỏ được chấp trước của mình. Ông liền đem món đồ mà mình quý nhất đến tặng cho vua. Lễ nghĩa khi đó là thần dân đem đồ dâng tặng cho nhà vua thì nhà vua nhất định sẽ đáp lễ mời người đó ăn cơm. Kết quả, khi ăn ông liền để yên một số thức ăn ngon nhất không động vào. Nhà vua nhìn thấy và hỏi: “Vì sao không ăn những món ăn này vậy?”. Vị quan này mới nói với nhà vua: Nhà của hạ thần tất cả những món ăn đều để cho mẹ của hạ thần nếm trước. Bởi vì mẹ của hạ thần chưa hề được nếm qua những món mà Hoàng thượng ban cho, vì vậy, hạ thần sẽ đem về cho mẫu thân nếm thử. Vừa nói như vậy đã làm nhà vua cảm động. Vua liền nói: Khanh có mẫu thân để mà phụng dưỡng, còn ta sao lại không có, liền đã thức tỉnh được tâm hiếu ở trong lòng của vua. Sau khi thức tỉnh xong cũng không thể nào nói trực tiếp: “Hoàng thượng! Người tự mình đã nói những lời như vậy không phải sao?, không thể trực tiếp nói như vậy vì sẽ khiến vua lúng túng, mà cho vua một phương pháp. Ông nói: “Bẩm Hoàng thượng! Hiện tại có một nơi mà Hoàng thượng chỉ cần ở đó đào xuống thật sâu thành một đường dẫn nước vào, sau đó ở nơi đó viết hai chữ là “Suối Vàng”. Đặt tên nơi đó là “Suối Vàng”, như vậy thì Hoàng thượng và mẹ có thể gặp nhau ở đó rồi còn gì. Đó chính là đến “Suối Vàng” thì gặp lại nhau. Cho nên phải làm như vậy thì Hoàng thượng mới có bậc thang mà đi xuống, cũng đã khiến cho một sự việc đáng tiếc cả cuộc đời có thể hóa giải được. Vả lại, động tác này không chỉ đã hóa giải được mối quan hệ của Hoàng thượng và mẹ. Một người là vua thiên hạ, nếu như làm ra hành vi bất hiếu thì có thể gây ra việc kéo theo không chỉ một người, hai người bất hiếu mà thôi. Vì vậy, vị đại thần này không chỉ muốn thành toàn Hoàng thượng của mình, mà ông còn cứu vãn được nếp sống của cả xã hội. Nếu chúng ta đều dùng cách nghĩ của mình để nghĩ về những Thánh Hiền nhân đọc sách ngày xưa thì thật sự là chúng ta đã lấy dạ tiểu nhân mà đi đo lòng quân tử.

Vào thời của Thương Thang, chính là nhờ có Y Doãn phò trợ mà có thể lật đổ được Hạ Kiệt. Thương Thang hai lần ba lượt dùng lễ rất trọng để mời Y Doãn đến phò trợ cho ông, đều đã đem những thứ quý báu nhất đến nhưng Y Doãn không hề động tâm. Sau khi đến mời lần thứ ba thì mới mời được ông. Các vị bằng hữu, là điều gì đã mời được ông? Đương nhiên, điều đầu tiên là thái độ tôn trọng hiền tài của Thương Thang. Chúng ta nói thái độ tôn hiền đã mời được ông, nhưng đây vẫn không phải là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân căn bản là ở đâu? Là do nhân dân thiên hạ đang trong nước sôi lửa bỏng, chỉ cần có một hiền nhân nào thật sự có cái tâm nhân từ muốn giải quyết nỗi thống khổ của nhân dân thì ông nhất định sẽ bước ra, dù vào dầu sôi lửa bỏng cũng quyết không chối từ. Vả lại, Thương Thang muốn mời Y Doãn bước ra không phải muốn đánh Hạ Kiệt, mà để phò trợ cho Hạ Kiệt. Bởi vì chúng ta hiện tại cái gì cũng là lợi, cái gì cũng là danh, đều không thể hiểu được những Hiền Thánh ngày xưa chân thật có tấm lòng vì nước vì dân. Sau khi giới thiệu Y Doãn cho Hạ Kiệt được khoảng mười lần, Hạ Kiệt đều không tiếp nhận, ngược lại càng ngày càng bạo ngược vô đạo, sau đó bất đắc dĩ mới thay trời hành đạo mà lật đổ Hạ Kiệt. Vả lại, những Thánh vương này ngày xưa khi lật đổ được nhà Hạ đã lập ra một nơi để cho con cháu của nhà Hạ tiếp tục sống, không có chuyện đuổi cùng giết tận. Cho nên, chúng ta phải học tập, lĩnh hội được cái tâm này.

Sự “thận tư” của vị thần tử này lúc nào cũng đều nghĩ cho nhà vua, sau đó còn biết cách suy nghĩ chu đáo. Biết phải đem một món đồ dâng tặng, sau đó nhà vua sẽ ban lại đồ đáp lễ. Ban đồ cho ông thì ông liền để dành đồ ăn ngon lại nhằm thức tỉnh tâm hiếu của vua. Cho nên, chúng ta trong mối quan hệ cha con, quan hệ quân thần, trong mối quan hệ ngũ luân, bạn phải tự mình suy nghĩ để thể hội khi xuất hiện hoàn cảnh thế nào thì hóa giải ra làm sao.

Được rồi, tiết học này chỉ học đến đây. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 22/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh