GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp
Tập 27/40
Xin chào các vị bằng hữu, chúc mọi người một buổi chiều tốt lành!
Chúng ta vừa giảng đến then chốt thứ tư của cầu học vấn là phải “minh biện”. Những chỗ nào phải biết “minh biện”, phân biệt rõ đúng sai vậy? Trước tiên chúng ta vừa mới nói đến cần “minh biện” thế nào là thiện. Trong khóa trình của chúng ta vừa mới nói đến, từ lúc khởi đầu phải từ căn bản của thiện mà phân biệt thiện. Căn bản ở đâu vậy? Ở chủ tâm. Từ động cơ của họ, chủ tâm của họ, bạn có thể biết được họ là thiện thật hay là thiện giả. Từ chủ tâm và động cơ của họ có thể biết được chân thiện hay giả thiện thì chúng ta mới không bị phán đoán sai lầm. Bởi vì nhìn sai một người có ảnh hưởng đối với cuộc đời không vậy? Ảnh hưởng rất lớn. Cho nên rất nhiều người, bởi vì trong đời nhìn lầm một người mà mấy mươi năm nỗ lực đều bị hủy hoại trong chốc lát. Mà những người bị hủy hoại trong chốc lát này họ sẽ như thế nào vậy? Sẽ oán trời trách người, ăn năn hối hận. Như vậy có giúp ích gì không? Không có ích gì. Nhìn lầm người, không sao! Hiểu rõ được nguyên nhân của nhìn lầm, đứng lên làm lại từ đầu. Đời người chỉ cần có khởi đầu thì sẽ không sợ quá muộn, chỉ sợ cả đời đi trong mơ hồ, không rõ ràng minh bạch. Cho nên, năng lực nhìn người nhất định phải học cho tốt. Cái gọi là “nam sợ chọn sai nghề”. Không chỉ phải phân biệt ngành nghề đúng mà bạn còn phải theo đúng người lãnh đạo, như vậy bạn cả đời mới không đi sai đường, bạn cả đời mới có thể có được dìu dắt nhiều, đề bạt nhiều. Cho nên phải theo đúng người. “Nữ sợ gả lầm chồng”. Nếu như bạn phán đoán sai lầm rồi, có thể cả đời bạn cũng sẽ cảm thấy rất bất lực, nhưng mà bất lực không phải là thái độ chính xác của đời người. Rất nhiều người nói: “Thế tôi cũng đã kết hôn rồi, không kịp rồi!”. Học vấn của Thánh nhân từng giây từng phút đều có thể khiến cuộc đời của bạn từ trạng thái không tốt đạt đến trạng thái viên mãn, đây gọi là học vấn. Cho nên, khi cuộc sống chúng ta đã rơi vào thế nghịch, rơi vào trạng thái không tốt, vào lúc này bạn phải bảo với chính mình “lòng dạ chí thành đá cũng tan chảy”.
Các vị bằng hữu, tình cảnh của bạn có thê thảm giống như Đại Thuấn hay chưa? Đại Thuấn ngay cả cha mẹ cũng muốn hại chết ông, xin hỏi cái tình cảnh này của bạn có thê thảm hơn Đại Thuấn hay không? Cuối cùng, Đại Thuấn có thể sống cuộc sống đầy ý nghĩa, sống hạnh phúc mỹ mãn. Không chỉ gia đình của mình hạnh phúc mà còn khiến mọi người trong nước đều cảm động và khâm phục đức hạnh của ông, tiến tới nâng cao đức hạnh, hiếu thuận cha mẹ. Bởi vì đạo hiếu của Đại Thuấn là xếp hàng đầu, cho nên “thân tắng ngã, hiếu phương hiền”. Đại Thuấn dùng tâm chân thành của ông đã cảm động cha mẹ, đã cảm động tất cả thần dân của ông. Cho nên chúng ta đừng sợ tình cảnh cuộc đời này khó vượt qua, chỉ sợ chúng ta không có chân thành, chỉ sợ học vấn đạo đức của chúng ta không có nền tảng. Chỉ cần có học vấn, có trí tuệ, thì cuộc đời bạn đều có thể sống rất có ý nghĩa. Nhìn người cũng phải từ căn bản thiện ác mà nhìn.
Tôi thường nêu một ví dụ, cần cù có tốt hay không? Tốt à? Có rất nhiều người một ngày làm việc mười mấy giờ, nhưng mà bạn phải biết động cơ gì khiến họ làm đến mười mấy giờ vậy? Cho nên vẫn phải xem chủ tâm và động cơ. Bạn xem rất nhiều người nam dốc hết sức vì cái gì? Vì danh, vì lợi, vì cờ bạc rượu chè trai gái đều có. Cho nên, bạn thấy họ rất siêng năng làm việc bạn liền nói họ là tốt, vậy chúng ta không có trí tuệ phán đoán, không có nhìn từ căn bản, chủ tâm. Bạn không nên nhìn thấy một người nam liều mạng làm việc thì nói “quá tốt rồi, ta phải gả cho anh ấy”. Cuối cùng sau khi bạn gả cho anh ta rồi cũng liều mạng giúp anh ta kiếm tiền, nhưng sự nỗ lực của anh ta không phải vì hiếu thuận cha mẹ, sự nỗ lực của anh ta không phải vì muốn khiến cho vợ con có cuộc sống tốt đẹp, mà anh ta chỉ hy vọng đứng trước mặt người khác vỗ ngực: “Tôi có xe hơi xịn, tôi có biệt thự sang trọng”, sợ người ta coi thường anh. Cho nên, nhất định phải xem chủ tâm khi làm bất cứ việc gì thì bạn nhìn người sẽ không đến nỗi nhìn lầm.
Chúng ta thử hỏi, động cơ mỗi ngày nỗ lực học bài của con cái chúng ta là gì? Nếu như động cơ nỗ lực mỗi ngày của con cái là “cha mẹ tôi vất vả như vậy, tôi nhất định làm cho họ yên tâm”. Nếu như con cái bạn có loại chủ tâm này, thế bạn đời này yên tâm khỏi lo. Nhưng mà chủ tâm của con cái là “Tôi thi tốt thì cha tôi sẽ cho tôi năm chục đồng, sẽ cho tôi một trăm đồng”, thế thì bạn lo lắng rồi. Bạn thật không nên thấy: “Con của tôi rất nỗ lực, tôi rất vui mừng”. Chủ tâm sai là sai đến cùng. Được mấy người hiểu chứ?
Có một quyển sách bán chạy nhất tên là “Cha Nghèo, Cha Giàu”. Rất nhiều cha mẹ đổ xô vào xem, vì sao vậy? Bởi vì nó là sách thịnh hành. Người hiện nay sách cũng tốt, ca hát cũng tốt, đều không biết cái sách và ca này có tốt hay không, chỉ cần mỗi người đều hát, đều xem, chỉ sợ người ta cảm thấy họ không biết cho nên nhanh chóng mua về xem. Thật ra, sách bán chạy nhất hiện nay có khả năng là ô nhiễm nghiêm trọng nhất, bởi vì sách bán chạy nhất hiện nay phần lớn đều là bàn chuyện thị phi ân oán, bới móc chuyện riêng tư của người ta. Bạn xem cũng bị nó làm ô nhiễm. Cho nên, bạn thấy hiện nay tại sao tiết mục tin tức thời sự ti vi đều đưa lên cái gì vậy? Hoàn toàn không thấy đưa người thiện làm việc thiện năm mươi năm như một ngày bao giờ. Có đưa lên hay không vậy? Rất ít. Trái lại thì người giết người phóng hỏa, họ chạy đến để phỏng vấn người ta, khiến cho những đứa trẻ này cũng xem họ là anh hùng. Cho nên bạn xem, người không biết “minh biện”.
Tôi đã từng xem một bài báo, trong lòng tôi vô cùng lo lắng. Một tờ lớn, 70% là đăng trọng tội tử hình, còn đem quá trình giết người như thế nào viết lại rất rõ ràng. Cuối cùng, bên góc nhỏ của nó có đúng một ô viết như thế này: “Có một ông lão năm sáu chục năm xây cầu đắp đường mà không để người khác biết”. Người thiện lớn cỡ này, bao nhiêu? Chừng này. Người ác lớn như thế này, bao nhiêu? 70% đều là viết về họ. Điên đảo rồi! Rốt cuộc ai là anh hùng? Người bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa là anh hùng. Người trung, hiếu, nhân, nghĩa còn bị người ta cười. Hiện nay vẫn có người làm việc này, hiện nay vẫn không nhặt của rơi, “thật ngốc, không biết chiếm làm của mình”. Cái thời đại này đáng buồn, không thể duy trì được nữa rồi. Chúng ta phải ra sức cứu vãn, phải có sứ mệnh kéo trở lại. Cho nên lựa chọn sách vở quan trọng, ta phải biết phán đoán. Người cầu học vấn không nên dùng tâm hư vinh để cầu học vấn, không nên sợ người khác không biết mình chưa xem cuốn sách này. Không nên so với sách bán chạy, mà nên so với Kinh điển mấy ngàn năm không hoại bạn có đọc qua chưa. Hai ba câu trong Kinh điển bạn có thể áp dụng, thực tiễn, bảo đảm bạn thọ dụng suốt đời. Mà những sách bán chạy này sau khi xem xong chỉ có thể khiến cho tâm của bạn hưng phấn nhất thời, thậm chí là lo lắng chồng mình thế nào rồi, lo lắng cả một lô gì đó, lo lắng con cái lại gây chuyện gì. Người hiện nay có ai xem rất nhiều sách cảm thấy tinh thần sảng khoái hay không?
Tôi còn nhớ tôi lần đầu tiên đến Hồng Kông, đúng lúc tháng mười. Ở trong thang máy từ từ ngồi dậy, nhìn thấy một cuốn sách tên là “Cái Đồ Đàn Ông Này”. Nội dung vẫn chưa xem, nhìn thấy tên sách này cảm giác thế nào vậy? Đối với đàn ông mà nói, cảm thấy mình bị coi thành đồ vật, là đã không tôn trọng người rồi. Tiếp đến, người nữ thấy cuốn sách này đảm bảo sẽ như thế nào? Mỗi ngày nơm nớp lo sợ. Cho nên sách hiện nay chỉ sợ thiên hạ không loạn, đánh vào cảm xúc của con người chứ không phải xây dựng lý trí cho bạn. Cho nên các vị bằng hữu, phải biết chọn sách, phải có sức phán đoán, phải biết phân biệt tốt xấu.
Quyển sách “Cha Nghèo Cha Giàu” này dạy người ta điều gì vậy? Dạy phải khiến trẻ em biết quản lý tiền bạc từ nhỏ. Phương pháp này không sai, nhưng mà quản lý tiền bạc như thế nào đó là điều quan trọng. Cuối cùng trong sách hướng dẫn bảo: “Trẻ nhỏ làm việc nhà bạn mới cho nó tiền để nó quản lý tiền bạc”. Nghe ra thấy không sai, nhưng mà bạn phải nhìn thấy được sự việc này sau khi làm rồi chủ tâm của trẻ là gì? Vẫn cứ làm tiếp động tác này thì di hại về sau sẽ là gì, bạn phải thấy được. Cuối cùng, có bà mẹ sau khi mua xong trong tâm bà nghĩ con gái ta là lười biếng nhất, phương pháp này cần phải làm cho nó lập tức trở nên rất siêng năng. Sau khi trở về, cô liền trịnh trọng tuyên bố: “Con gái, con giúp mẹ rửa một lần chén mẹ cho hai đồng, giúp mẹ giặt quần áo mẹ cho ba đồng”. Con gái vừa nghe xong mắt bỗng bừng sáng, trong tâm nghĩ không phải giúp mẹ, trong tâm nghĩ ta có thể đi mua những món gì, bắt đầu dốc sức làm việc. Mẹ của em nghĩ: “Quá tốt rồi! Con gái tôi lập tức trở nên siêng năng”. Có phải thật sự trở nên siêng năng không vậy? Người hiện nay đều không nhìn thấy chân tướng, chỉ nhìn thấy những thứ rất bên ngoài, đều là giải quyết vấn đề triệu chứng chứ không phải giải quyết vấn đề căn bản. Cho nên, người không khai trí tuệ, bề ngoài thấy là giải quyết vấn đề nhưng trên thực tế tạo ra càng nhiều vấn đề hơn.
Người mẹ này sau đó chạy đến tìm tôi. Cô nói: “Phiền phức rồi!. Tôi bảo con gái tôi làm, nó trong một tuần lễ lập tức trở nên rất siêng năng, tôi còn trả cho nó không ít tiền. Cuối cùng sau một tuần lễ, có một hôm tôi thật sự rất mệt mỏi, tôi liền nói với con gái tôi: “Mẹ mệt như vậy rồi, con hãy giúp mẹ đem quần áo giặt rồi phơi lên đi, mẹ sẽ cho con hai đồng”. Con gái cô nhìn cô: “Con hôm nay cũng rất mệt, con không kiếm tiền nữa””. Mẹ của em mới bỗng nhiên tỉnh ra, thấy phương pháp này sai rồi.
Gia đình có phải là chỗ bàn chuyện lợi hại không, là chỗ bàn chuyện lợi ích sao? Sai rồi! Ở trong gia đình là bàn chuyện cho đi, là bàn chuyện bổn phận, là chỗ bàn chuyện dụng tâm, chỗ bàn chuyện quan tâm. Ngay cả gia đình – nơi ấm cúng như vậy mà bàn chuyện lợi hại thì xã hội này thật sự là không biết sẽ biến thành cái gì nữa? Ngay cả con cái giúp đỡ cho cha còn phải nói với cha: “Nào, hai đồng”, thế thì không thể tưởng tượng rồi.
Chúng tôi đã từng làm một hoạt động trong dạy học, tức là diễn một vở kịch. Đứa bé này đã làm một số công việc liền xin tiền mẹ. Cậu đã cầm một tờ hóa đơn xin tiền mẹ cậu, đã rửa mấy lần chén được mấy đồng, đã giặt mấy lần đồ được mấy đồng, liền đem đưa cho mẹ cậu. Sau đó mẹ cậu cũng đem cho cậu một tờ hóa đơn, bà nói: “Mẹ mang thai mười tháng không cần tiền. Lúc mẹ sinh bị mổ một dao không thu tiền, không cần tiền. Mẹ đã nấu mấy trăm bữa, mấy ngàn bữa cơm, không cần tiền. Mẹ đã lo lắng bao nhiêu, giặt bao nhiêu quần áo cho con, đều không cần tiền. Đã giúp con mua bao nhiêu bộ quần áo, tất cả đều không cần tiền”. Đứa bé này sau khi nghe xong tự mình thấy rất hổ thẹn. Cho nên gia đình là nơi cần mỗi người dùng tâm để cho đi, là nơi hình thành một con người biết làm tròn trách nhiệm, biết cảm ơn, biết nhớ ơn.
Các vị bằng hữu, thật không nên học lung tung. Rất nhiều sách bạn không được cầm lên liền làm theo ngay, vẫn là phải tuân theo giáo huấn Thánh Hiền, nếu không bạn sẽ bị thiệt thòi to! Đợi đến khi bạn phát hiện sai, sau đó kéo trở lại là đã bị trễ rồi. Cho nên có một câu nói hơi khó nghe, nhưng rất thực tế là: “Không nghe lời lão nhân thiệt thòi ngay trước mắt”. Ai là lão nhân vậy? Có thể xưng là “lão” đều không phải người bình thường. “Lão” là tiếng tôn xưng. Chúng ta chỉ có một vị Lão Tử là bậc Thánh triết rất có trí tuệ. Cho nên, lão nhân là chỉ bậc Thánh Hiền có trí tuệ chân thật, chúng ta cần tiếp nhận lời giáo huấn của họ.
Đến một nơi nào, tôi thường liền đi viếng thăm bậc Thánh triết lưu danh sử sách của nơi đó. Họ luôn luôn đều để lại một số giáo huấn cho đời vô cùng sâu sắc. Chúng ta phải biết đứng trên vai của người khổng lồ thì bạn mới có thể nhìn được xa hơn. Cho nên, sau này ra ngoài đi du lịch bạn không nên lên xe liền ngủ, xuống xe đi tiểu, mua thuốc khắp nơi, hỏi chúng ta cái gì cũng không biết. Người xưa dạy: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mỗi khi đến một nơi nào, nhân văn cũng tốt, tự nhiên cũng tốt, đều có thể khiến bạn được nhắc nhở vô cùng nhiều, được gợi mở cuộc sống vô cùng nhiều. Việc này cần bạn có cái tâm ham học. Chúng tôi xin nói lại: “Người là thầy, trời đất vạn vật cũng là thầy”.
Tôi lần đầu tiên khi lên núi Thái Sơn rốt cuộc hiểu ra câu: “Vững như núi Thái Sơn”. Cái này thật không thể dùng để vác. Tôi vừa bước xuống, nhìn thấy Thái Sơn không phải rất cao, nhưng mà cái chân núi Thái Sơn đó (chân đế), bạn nhìn cảm thấy không thể nào di chuyển nó được, rất vững, vừa nhìn thấy tâm liền tĩnh lại ngay. Núi Thái Sơn vững như vậy, cuộc đời chúng ta có vững hay không? Đời người vững ở chỗ nào? Vững ở chỗ bạn có đức hạnh, vững ở chỗ bạn có trí tuệ, thì bạn đời này đã đứng trên đất bất bại rồi. Bạn có đứng hay không vậy? Con cái của chúng ta có đứng hay không? Làm thế nào khiến cuộc đời của con cái vững như núi Thái Sơn? Đây là điều quan trọng. Cho nên, dạy con cái điều quan trọng nhất chính là đức hạnh, để có thể đặt nền tảng cuộc đời của chúng vững vàng.
Các vị bằng hữu, hôm nay lúc trở về hãy vào công viên Cửu Long bách bộ. Thật sự phong thủy trong công viên Cửu Long quá tốt, cây cổ thụ chọc trời quá nhiều. Xin hỏi những cây cổ thụ chọc trời này vì sao có thể đứng cao như vậy? Bạn thấy cái rễ của chúng liền cung kính nể phục. Cái rễ đó ngoằn ngoèo đan xen bám thật vững chắc. Muốn khiến cuộc đời các em phát triển cao cỡ nào, gốc rễ ở chỗ nào vậy? Ở gốc rễ bám sâu được bao nhiêu. Chúng ta từ chỗ này hiểu được tất cả đều có thể học tập, nhất định phải nghe lời lão nhân, nhất định phải nghe ngôn ngữ của trí tuệ, bạn mới có thể biết phân biệt thật giả, biết phân biệt sự việc này sau khi làm rồi có để lại vấn đề di hại nghiêm trọng hay không? Cho nên rất nhiều sách bạn phải biết “minh biện”, không nên cầm lấy liền dùng ngay.
Trẻ nhỏ hiện nay là sản phẩm thực nghiệm lấy của Italia, của Liên Xô, của Đức đem ra để dạy học. Xin hỏi lịch sử của quốc gia nào đã từng vượt qua mấy ngàn năm? Cho nên chúng tôi nói, người Trung Quốc thật sự cần tĩnh tâm lại, không nên làm chuyện ngu ngốc, chuyện hoang đường như vậy. Tất cả họ hiện nay đều đang hướng về Phương Đông để tìm phương pháp giải quyết vấn đề xã hội, gia đình.
Bất kỳ một ngôn ngữ động tác nào của bạn, cho dù bạn là tâm thiện muốn làm, bạn cũng phải cẩn thận cân nhắc nó có ảnh hưởng không tốt về sau hay không? Cho nên, chúng tôi nói tán thán người khác cũng phải xem tình hình, phải xác định họ đích thực là người tốt bạn mới được tán thán họ. Bạn đã xác định người này lời nói đi đôi với việc làm rồi bạn mới được tán thán họ. Vì sao vậy? Nếu như bạn vẫn chưa nhận biết rõ ràng mà liền tán thán họ, thế thì những bạn khác cho rằng họ là người tốt vì họ nghĩ người bạn này nói là người này tốt thì đây chính là người tốt, cuối cùng bị anh ta lừa rồi, thế thì làm thế nào? Cho nên, trong quá trình phổ biến văn hóa Trung Quốc, rất nhiều đoàn thể tìm chúng tôi mời tham gia, tôi từ trước đến giờ đều không tham gia. Vì sao vậy? Bởi vì chúng tôi chưa xác định họ có phải chân thật là vì hoằng dương văn hóa Trung Quốc hay không. Tôi còn phát hiện rất nhiều người phổ biến, họ trên danh nghĩa nói văn hóa Trung Quốc hay, văn hóa Trung Quốc rất hay, nhưng lời họ nói không có một câu nào là văn hóa Trung Quốc, rất nhiều câu đều là của tâm lý học Phương Tây, là “treo đầu dê bán thịt chó”. Nếu như chúng tôi lại đi chụp hình với họ, chụp rồi họ đem cái hình này, “bạn xem, ngay cả thầy Thái cũng rất quen với chúng tôi”, cho nên thầy ấy cũng rất giúp đỡ tôi, thế cái di hại này của tôi là lớn rồi. Cho nên, rất nhiều việc quả thật sự cần nhìn xa một chút, nếu không thì có khi bạn là có thiện ý, mọi người đều là bạn tốt chụp hình một chút, nhưng mà không phải nói chúng ta không muốn tiếp nhận họ, mà suy nghĩ đến đối với quần chúng về sau tạo thành một số ảnh hưởng không tốt, như vậy chúng ta sẽ có lỗi với những người này.
Rất nhiều bạn sau khi tiếp xúc chúng tôi rồi lập tức liền nói: “Thầy Thái! Tôi muốn từ bỏ công việc, tôi sẽ đi theo thầy”. Có nên tiếp nhận hay không? Bạn nói họ chân thành như vậy liền tiếp nhận, vậy là quá kích động rồi. Tình trạng gia đình của họ có cho phép hay không, bạn phải suy xét. Tiếp đến, họ là hưng phấn nhất thời hay là thật tình? Bạn vẫn phải quan sát. Cho nên không phải không nhân từ. Bạn một khi nhân từ có thể đến cuối cùng sẽ càng phiền phức lớn, là phiền phức đối với họ, đối với bạn cũng có chướng ngại rất lớn. Cho nên, phàm việc gì phải bình tĩnh ứng đối. Trước tiên duy trì cái gì vậy? Duy trì khoảng cách. Không phải cự tuyệt người ở ngoài ngàn dặm, mà duy trì khoảng cách là tiện bề để họ bình tĩnh, tiện để cho bạn quan sát. Nếu như duy trì giữ khoảng cách như vậy, sau ba tháng họ sẽ không làm nữa, đó đại biểu cái gì? Cái tâm đó là gì? Là giả rồi. Chân tâm tuyệt đối thời gian, không gian không thể nào thử thách được, họ vẫn duy trì cái tâm đó của họ. Cho nên, người thật sự muốn làm việc tuyệt đối không cần cổ vũ, “quá tốt rồi, xin hãy làm thêm chút nữa đi”. Cần tìm là người thật sự có tâm. Người thật sự có tâm nhất định có thể chịu được sự thử thách cản trở của không gian và thời gian.
Trong ba nhà Nho, Thích, Đạo của chúng ta, nhà Nho có một câu chuyện, vẻ bề ngoài xem ra giống như thuận tiện cho người, cuối cùng khiến cho nhãn hiệu của cửa Phật cũng chịu ảnh hưởng rất không tốt. Cho nên, đây chính là phải phân biệt được di hại.
Thời Triều Thanh, Hoàng đế Thuận Trị cảm thấy học Phật rất tốt, cho nên ông liền mở cửa, bất kỳ người nào cũng có thể xuất gia. Dụng tâm của ông cảm thấy tốt, “học Phật tốt, mọi người đều có thể xuất gia”. Tâm thiện mà đi làm chuyện đại ác, tại sao vậy? Trước khi ông còn chưa ra lệnh thì tất cả người xuất gia trình độ rất cao, mỗi người phải thi một số Kinh điển, không chỉ là Kinh điển nhà Phật mà Kinh điển Thánh Hiền Trung Quốc đều phải khảo thí. Cho nên thời của ông trình độ của người xuất gia so với những cử nhân thi đỗ này, những người có học làm quan này học vấn ngang tài ngang sức. Thậm chí, rất nhiều người xuất gia học vấn hơn hẳn người trí thức. Cho nên, trước đây người làm Huyện lệnh, người làm Thái thú thường hay gặp phải vấn đề không thể giải quyết thì đến Thiếu Lâm Tự. Đây không phải đi luyện võ, mà đi đâu vậy? Vào Chùa Phật thỉnh giáo những người xuất gia này, bởi vì họ cũng là học đủ thứ Thi Thư. Cho nên tục ngữ nói: “Vô sự bất đăng tam bảo điện”. Bởi vì khi đi phải vài ngày, trở về phải vài ngày, nhất định bạn có việc cần thỉnh giáo người xuất gia. Trước kia tố chất rất cao, cho nên mỗi người đối với giáo huấn của nhà Phật đều sinh khởi tâm cung kính. Khi có tâm cung kính thì tất cả lời chỉ dạy của Phật Đà, của những Hòa thượng xuất gia này họ liền tín thọ phụng hành. Cho nên vào thời đó ba nhà Nho, Thích, Đạo đem nhân tâm Trung Quốc giáo hóa vô cùng tốt. Cuối cùng hiện nay, bởi vì Hoàng đế Thuận Trị sau khi mở cửa, mọi người đều có thể xuất gia; lẽ ra phải chăm sóc vợ con, nay bản thân họ trốn tránh trách nhiệm, cũng chạy đi xuất gia. Tất cả vốn dĩ không có học thức, sau đó mỗi ngày lại siêng ăn nhác làm, họ nói: “Ta đi xuất gia là có đồ ăn”. Cho nên toàn bộ tố chất cao thấp không đều. Quả thật sự là có rất nhiều người có tâm muốn đi hoằng dương giáo huấn nhà Phật, rất nhiều người xuất gia dụng tâm ở trong đó, nhưng mà chúng ta phải biết tâm lý của con người là “việc tốt che, việc xấu khoe”, chỉ cần ở trong mười người có một người không tốt thì toàn bộ hình tượng liền bị ảnh hưởng. Cái di hại này Hoàng đế Thuận Trị ngay lúc ra quyết định không nhìn thấy, nhưng mà cao tăng trong một – hai trăm năm này đối với sự việc này đều cảm thấy vô cùng thương tiếc. Cho nên, con người trong lúc làm bất kỳ việc gì nhất định phải nhìn trước nhìn sau, cân nhắc di hại.
Thiện, ngoài suy xét thật giả, suy xét di hại ra, đương nhiên còn phải suy xét rất nhiều phương diện. Bàn cái chữ thiện này bàn rất hoàn chỉnh, trong gia huấn rất nổi tiếng của Trung Quốc có một quyển bàn rất rõ ràng gọi là “Liễu Phàm Tứ Huấn” do tiên sinh Viên Liễu Phàm triều Minh viết. Quyển gia huấn này không chỉ lợi ích cho gia đình của ông mà còn lợi ích cho hàng ngàn hàng vạn gia đình. Cho nên, quyển sách này mọi người có thể để tâm xem. Bởi vì chúng ta mới học mười ngày tôi lại tiếp tục giảng tiếp, có thể chúng tôi liên tục 4.500 năm cũng giảng không xong. Cho nên, một người học vấn có thể thành tựu hay không tuyệt đối không phải nói do thầy giảng bài hay, mà điều quan trọng hơn là gì? Tự mình phải chủ động học tập, “lợi sinh hành đạo, hạnh giải tương ưng”, thì học vấn của bạn mới có thể nâng cao được. Cái gọi là: “Thầy chỉ dẫn vào cửa, tu hành phải dựa vào cá nhân”, không thể cố ép được. Cho nên, bậc Thánh Hiền đã vào cửa rồi dẫn dắt chúng ta vào cửa; giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền chúng ta đã cầm được trên tay, việc tiếp sau đó tu hành phải dựa vào chính mình chủ động.
Chúng ta trở lại bàn chữ “thiện”. Người bình thường xem trọng nhất là lớn hay nhỏ? Cái gì là thiện lớn, cái gì là thiện nhỏ? Một nhà doanh nghiệp tài sản hàng chục tỉ, họ hôm nay đã hiến một trăm ngàn. Cặp vợ chồng nông dân vất vả canh tác cả đời, tích góp được một trăm ngàn. Họ bởi vì nhìn thấy quê hương họ xây một cái bệnh viện, cảm thấy cái bệnh viện này có thể cứu được rất nhiều người, cho nên họ đem một trăm ngàn mua một chiếc xe cứu thương, dùng tích góp cả đời của họ để mua. Cùng là một trăm ngàn giống nhau mà thiện lớn nhỏ có giống nhau hay không? Khác nhau rất lớn. Phước tích được cũng khác nhau rất lớn. Chủ tâm của nhà doanh nghiệp này rất có khả năng là ta quyên góp một trăm ngàn này còn có thể báo cáo nói tôi tên họ gì đó đã quyên góp một trăm ngàn. Chủ tâm của họ có thể vẫn là vì danh lợi của mình. Còn vợ chồng cụ già này đem tài sản tích góp cả đời của họ quyên góp, niệm niệm là gì vậy? Cứu người. Cho nên cái phần phước này không có cách gì đo lường được.
Vệ Trọng Đạt triều Tống có một lần có nhân duyên, lúc nằm mộng đã đi đến âm phủ. Vua Diêm La muốn thử xem thiện ác trong đời này của ông được bao nhiêu, cho nên trước tiên nói: “Nào đem ác của ông ta ra đây xem!”. Cuối cùng sổ sách ác đem ra nhiều gần giống như một căn nhà vậy. Có nhiều hay không? Ông là người có học còn nhiều như vậy, cho nên ông giật cả mình. Ông nói: “Vua Diêm La ơi, tôi còn chưa đến bốn mươi tuổi sao lại có nhiều ác như vậy?”. Diêm La nói: “Ác không đợi ông làm, khởi tâm động niệm chúng tôi ở dưới đây liền ghi chép rồi”, còn lợi hại hơn so với máy tính siêu cấp của thế gian, đều ghi chép lại. Bởi vì bạn khởi tâm động niệm khi nhìn thấy một nữ sinh xinh đẹp liền khởi ý nghĩ không tốt, nhìn thấy người khác có tài hoa liền đố kỵ; tuy bạn vẫn chưa có hại họ nhưng mà đã tạo ác rồi, cho nên là nhiều giống như một căn nhà vậy. Tiếp đó, vua Diêm La nói: “Xong rồi, thử xem thiện được bao nhiêu?”. Cuối cùng thiện chỉ bằng chừng này, giống như một đôi đũa vậy. Vệ Trọng Đạt xem xong tự mình cũng rất hổ thẹn. “Nào, đem cân ra để cân xem”. Cuối cùng khi cân lên, hình dạng ác bằng căn nhà kia trái lại nhẹ, hồ sơ thiện bằng đôi đũa này thì lại nặng. Vệ Trọng Đạt nhìn thấy rất hiếu kỳ, hãy cho tôi xem thử, hồ sơ này rốt cuộc viết gì vậy? Hồ sơ này ghi việc ông kiến nghị lên với vua không nên xây cầu đá Tam Sơn. Công trình này lớn vô cùng, nhất định hao tiền lại nhọc sức dân, nhất định phải khiến rất nhiều đàn ông trong hàng ngàn hàng vạn gia đình đều phải vào làm việc; cả gia đình bị ảnh hưởng, nhân tâm sẽ bất an, cho nên ông khuyên Hoàng đế không nên làm việc này. Việc này chỉ là để cho những Hoàng tử, Hoàng tôn này sống sung sướng một chút lại tạo thành đau khổ cho nhân dân. Vệ Trọng Đạt trình tấu sự việc này nhưng Hoàng đế lại không nghe theo. “Tôi kiến nghị với nhà vua nhưng nhà vua không tiếp nhận, sao lại có tác dụng thiện lớn như vậy?”. Tiếp đó vua Diêm La nói với ông, bởi vì cái niệm này của ông là vì muôn dân, cho nên cái sức mạnh thiện này của ông rất lớn. Cho nên các vị bằng hữu, khi chúng ta niệm niệm nghĩ đến là vì gia đình, vì xã hội, chúng ta niệm niệm đều đang bồi đắp ruộng phước của mình. Ruộng phước là dựa vào cày cấy đất tâm. Tất cả ruộng phước không lìa lòng người, không lìa cái tâm này của bạn. “Từ trong tâm mà tìm”, từ trong tâm của mình mà dụng tâm, mà quan tâm người khác, mà giúp đỡ người khác. “Tìm từ trong tâm thì không có gì mà chẳng thông”. Bạn có cái thiện tâm này, có cái tâm yêu thương rộng lớn như vậy, thì phần phước của bạn nhất định có thể cảm ứng được. Cho nên, chúng ta thiện lớn hay nhỏ phải bắt tay làm từ tâm lượng của bản thân. Thiện còn có thẳng – có cong, có vơi – có đầy, có khó – có dễ, có ngay – có lệch. Cho nên, các vị có thể cố gắng đọc kỹ cuốn sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” này.
Chúng ta “minh biện” về thiện đã báo cáo qua một chặng rồi.
Minh biện về thế nào là thành công
Tiếp theo, chúng ta ở trong cuộc đời còn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải “minh biện”? Phần trước chúng tôi có nhắc đến thành công là gì, có cần “minh biện” hay không? Kinh doanh cuộc đời như thế nào mới là thành công mỹ mãn vậy, cái này bạn phải biết rõ. Chúng ta phần trước đã nói rồi, nhà doanh nghiệp có bốn loại vận mệnh. Tuy nói nhà doanh nghiệp, đời người không ngoài bốn loại vận mệnh này. Kinh doanh cuộc đời rốt cuộc bạn phải kinh doanh như thế nào? Rốt cuộc bạn định nghĩa về thành công là như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh, hạnh phúc cả đời của bạn và gia đình bạn. Bởi vì phần trước đã nhắc qua rồi, chúng ta ở đây không nhắc lại nữa.
Minh biện về thế nào là đẹp xấu
Người hiện đại đối với đẹp xấu có biết phân biệt hay không vậy? Sao gọi là đẹp? Có một câu nói là: “Đẹp chính là trong tâm có yêu”. Câu nói này có được hay không? Đây là nắm được gốc rễ của đẹp. Chúng ta chia đẹp thành hai loại. Một loại là gì vậy? Cái đẹp bên ngoài cũng phải có một tiêu chuẩn. Người hiện nay tiêu chuẩn đối với cái đẹp bên ngoài là gì? Gầy. Tôi thật sự nhìn rồi cảm thấy một chút cũng không thoải mái. Bạn thấy mặt của người nếu gần giống như trăng tròn thì rất dễ chịu. Tướng mặt của Trung Quốc là rất có đạo lý. Tướng mặt của Trung Quốc là mặt của chúng ta nếu như rất gầy gò là đại biểu điều gì? Không có phước. Người tại sao không có phước vậy? Ruộng phước do cày cấy đất tâm, cho nên “tướng do tâm sanh”. Một người rất khắc nghiệt thì gương mặt của họ cũng sẽ càng ngày càng gầy, không có phước. Cho nên cách ngôn trị gia của Chu Tử nói: “Khắc bạc thành gia, lý vô cửu hưởng”. Một người khắc nghiệt lúc nào cũng so đo với chú bác của họ, người này lý không thể hưởng lâu được. Mặc dù họ tranh giành được một số tiền, con cái của họ học được điều gì vậy? Học được khắc nghiệt. Họ khai đao khắc nghiệt, người đầu tiên hướng vào ai vậy? Sao các bạn biết vậy? Cho nên người tính thật sự không bằng trời tính. Cho nên tướng mặt của người Hoa đều rất có đạo lý. Một người thật sự đẹp không phải ánh mắt đầu tiên nhìn thấy bạn nói: “Sao có thể mũi ra mũi, mắt ra mắt”, loại đẹp này không thể duy trì lâu dài được.
Chúng ta hãy xem, rất nhiều người con gái bạn nhìn họ ánh mắt đầu tiên thấy rất bình thường, sau đó nhìn lần thứ hai, nhìn lần thứ ba, càng nhìn càng đẹp. Đó gọi là gì vậy? Cái đó tiếng Đài Loan gọi là: “Sanh duyên, sanh duyên”. Càng nhìn cảm thấy họ càng có nhân duyên, càng nhìn càng dễ chịu. Cái dễ chịu đó không phải biểu hiện ra từ trên mặt, mà từ đâu vậy? Từ lương thiện trong tâm của họ. Bạn sẽ cảm thấy nói chuyện với họ, làm việc với họ có cảm giác dễ chịu không tả được. Có một số người con gái bạn nhìn lần thứ nhất thấy rất đẹp, nhìn lần thứ hai, nhìn lần thứ ba, càng nhìn càng xấu, vì sao vậy? Bạn thấy mắt của cô ta thường thường rất ngạo mạn, ánh mắt thường hay khinh người, bạn nhìn cô ta lần thứ hai liền cảm thấy cô ta rất xấu, vì sao vậy? Nội tâm không lương thiện. Cho nên một người con gái ngũ quan tiêu chuẩn đi nữa, cho bạn nhìn cũng không thể vượt qua một tháng. Sau một tháng nhìn vào đâu vậy? Nhìn vào bên trong rồi. Cưới một cô vợ đẹp đi nữa có thể duy trì được bao lâu vậy? Đẹp đi nữa nếu như cô ta không lương thiện, bảo đảm ba tháng bạn sẽ nổi điên ngay, vẫn cho phép bạn ở đó thưởng thức. Cho nên, con người thật sự phải biết cái đẹp chân thật ở chỗ nào. Bạn ngay cả điểm này cũng không biết thưởng thức thì sẽ phán đoán sai lầm.
Đàn ông hiện nay có thể phán đoán chính xác hay không? Tiêu chuẩn cưới vợ của đàn ông hiện nay chính là xem có đẹp hay không, cuối cùng sau khi cưới về rồi họ hối hận không kịp. Tôi có một anh bạn rất thú vị. Anh ấy nói: “Xem người con gái ăn cơm, cảm thấy nuôi một người vợ rất đơn giản”. Bởi vì ăn cơm có một chút xíu, ăn thức ăn cũng có một chút xíu, cho nên anh ta cảm thấy nuôi một người vợ có lẽ không khó. Cuối cùng sau khi cưới về rồi cảm thấy rất khó khăn, bởi vì ở trong tủ quần áo của vợ anh mãi mãi thiếu một bộ. Cho nên anh ấy biết cơm thì rất rẻ, nhưng quần áo thì rất đắt. Khi người con gái không xem trọng bên trong mà xem trọng bên ngoài, người chồng như vậy bảo đảm sẽ mệt bở hơi tai, nhất định lúc dắt vợ đi dạo áp lực sẽ rất lớn, nhất định sẽ nói với cô ta: “không cần, không cần”. Tiếng Đài Loan “không cần, không cần” tức là không nên mua nữa, không nên mua nữa. Cho nên, người con gái xem trọng bề ngoài hay là xem trọng bên trong rất quan trọng? Nếu như người con gái xem trọng bề ngoài của mình là làm khổ chính mình. Người nữ xem trọng bề ngoài của mình sẽ làm khổ chồng, làm khổ cha, làm khổ mẹ.
Hiện nay, rất nhiều cô gái trẻ tuổi quẹt thẻ, quẹt xong rồi, lương hết rồi xin tiền ai vậy? “Ba à, hết tiền rồi, con muốn ăn mì ăn liền”. Ba cô rất giận dữ nói: “Mỗi lần bảo con không nên xài phí tiền con cứ xài phí, giận chết đi được”. Tiếp tục móc tiền từ trong túi ra. Có cách gì hay không? Cho nên người không có lý trí một khi sai là sai đến cùng. Ngay cả mắt phải nhắm lại nói: “Con cái của tôi vì sao bất hiếu như vậy?”. Ngay cả nhắm mắt vẫn là hồ đà hồ đồ. Cho nên, nhất định phải có lý trí giáo dục con cái. Khi bạn từ nhỏ chỉ xem trọng vẻ đẹp bên ngoài của trẻ là bạn đã hại cả đời các em rồi.
Chúng tôi nhìn thấy hiện nay rất nhiều cha mẹ sinh con gái cưng chìu hết mực, mặc cho nó đồ rất đẹp. Cái rất đẹp này là tiêu chuẩn của ai vậy? Rất đáng lo! Cái đẹp này là tiêu chuẩn của xã hội. Xã hội hiện nay y phục thế nào là đẹp nhất vậy? Thời thượng, phía trước phía sau đều xẻ hết, như vậy gọi là đẹp. Trẻ con từ nhỏ đã mặc loại y phục này đã quen rồi, bạn đem cả đời các em chôn vào nhân ác vô cùng nguy hiểm. Nếu như các em cảm thấy mặc thiếu vải là đẹp, nó đã khiến người khác có tôn trọng nó hay không vậy? Không tôn trọng nó rồi, hơn nữa lại khiến nó chỉ chú trọng bên ngoài. Cuộc đời nó phần lớn thời gian không phải bồi dưỡng cho cái đẹp bên trong, không phải nâng cao trí huệ, mà là thường xuyên cầm gương để soi. Không chỉ soi chỗ này mà còn soi rất nhiều chỗ, thế là phiền phức rồi! Nó có thể bởi vì ăn mặc mà khiến cho cuộc đời nó rơi vào rất nhiều tình trạng nguy hiểm, tập trung rất nhiều cái nhìn của người khác giới. Chúng ta đều không nhìn thấy vấn đề di hại ở phía sau.
Cái đẹp của một người con gái bên ngoài có thể duy trì được bao lâu? Có thể duy trì được mười năm đã là không đơn giản rồi. Duy trì trong mười năm này, tôi tin rằng kem dưỡng da không biết đã thoa mấy lọ rồi. Mỗi ngày ở đó lo lắng mặt của tôi sẽ già đi. Tôi lo sợ ánh sáng chiếu vào thì đã làm mất đi hiệu quả của kem dưỡng da này. Cho nên tôi thường hay nói, người phụ nữ nào khi cười lên đẹp nhất vậy? Là Nữ sĩ Hứa Triết 106 tuổi. Cái nụ cười đó đẹp thật, khiến bạn vừa nhìn thấy liền sinh ưa thích từ trong tâm. Bạn thấy cụ 106 tuổi nếp nhăn cũng không nhiều, khi cười lên giống như trẻ sơ sinh vậy, đó chân thật là vẻ đẹp tỏa từ trong ra ngoài. Cho nên, quan điểm về cái đẹp của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Và hiện nay trẻ nhỏ cảm thấy cái gì là đẹp nhất? Nhãn hiệu nổi tiếng là đẹp nhất. Khi chúng cảm thấy nhãn hiệu nổi tiếng là đẹp thì đời này rất có khả năng chúng biến thành nô lệ cho vật chất. Mỗi ngày chỉ vì muốn kiếm tiền mua đồ thì cuộc đời vô cùng nghèo nàn. Nếu như chúng cảm thấy phải có nhãn hiệu nổi tiếng mới có thể hiển hiện cái đẹp của tôi, phải có thân hình đẹp mới có thể hiển hiện vẻ đẹp của tôi, thì chúng sẽ đi chỉnh sửa sắc đẹp có phải không? Chưa chỉnh còn được, chúng ta nói tuân theo đạo tự nhiên. Vừa chỉnh như vậy, tuy xem ra cũng giống như hợp cái tiêu chuẩn đó, mũi ra mũi, miệng ra miệng, cuối cùng khi cười lên chẳng thấy tự nhiên chút nào. Khi cười lên sẽ khiến người ta cảm thấy cái da đó của họ là bị kéo lại. Chúng tôi thấy qua rất nhiều dạng nhân vật công chúng này, vừa nhìn không chỉ không cảm thấy họ đẹp mà còn cảm thấy toàn thân không tự nhiên. Cho nên, người hiện nay càng sống càng điên đảo.
Vì dùng quần áo, vì dùng phấn son mà giành được sự xem trọng của người khác đối với họ, sự tôn trọng của người khác đối với họ, có được không? Không thể được. Bởi vì họ đã đem thời gian lãng phí vào trong những thứ hư vọng, phù phiếm, xa hoa, hư vinh này, cho nên nội tâm của họ càng ngày càng trống rỗng.
Chúng ta hãy xem, hiện nay rất nhiều người ánh mắt có thần hay không vậy? Không có thần. Lúc họ ở đây mà giống như mất hồn vậy, nhìn thấy người khác đến có thể sẽ tán thưởng họ một chút lập tức sức chú ý mới quay trở lại. Bởi vì tâm trạng vui vẻ của họ đều xây dựng ở người khác có nhìn vào ta nhiều hay không. Đời người như vậy chắc chắn không có vui vẻ gì, mỗi ngày đau khổ, mỗi ngày luôn nghĩ họ tại sao không có nhìn ta, phiền phức chết người đi được. Cho nên, nhìn thấy giá trị quan hiện nay càng ngày càng lệch lạc, trong lòng chúng tôi rất lo lắng cho họ.
Trong “Đệ Tử Quy” có một câu nói là: “Duy đức học, duy tài nghệ, bất như nhân, đương tự lệ. Nhược y phục, nhược ẩm thực, bất như nhân, vật sanh thích”.
“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ,
Không bằng người, phải tự gắng.
Nếu quần áo, nếu thức ăn,
Không bằng người, không nên buồn.
Điều chúng ta cần lo lắng là gì vậy? Đức hạnh có tốt hay không, học vấn có tốt hay không, cái này chúng ta cần nhanh chóng nỗ lực. Quần áo không phải nhãn hiệu nổi tiếng, thức ăn không có sơn hào hải vị không sao cả, đây không phải thứ quan trọng nhất của đời người. Cho nên không nên so sánh tiền, không nên so sánh thức ăn, không nên so sánh quần áo. So sánh cái gì vậy? So sánh vẻ đẹp của nội tâm, so sánh đức hạnh.
Chúng tôi nói với các em, có một bộ đồ không cần tiền, không bị hư, không bị cũ, vả lại tuổi tác của bạn càng tăng thì bộ quần áo này càng ngày càng đẹp, càng ngày càng xinh xắn. Khi bạn mặc nó vào, người khác đối với bạn đều vô cùng cung kính, vô cùng tôn kính. Bộ quần áo này gọi là gì vậy? Bộ quần áo này gọi là thói quen tốt, đức hạnh tốt. Có bị hư hay không vậy? Không hư. Vả lại càng ngày tuổi tác càng cao thì càng xinh đẹp, khi nhìn thấy càng xinh đẹp. Cho nên chúng tôi nói với các em nhỏ: “Khi bạn làm được một điều của “Đệ Tử Quy” là bạn đã đan một đường kim cho bộ y phục này rồi. Mỗi khi làm được một điều là đan một đường kim. Bạn thảy đều làm được nó rồi thì bộ y phục này đan vô cùng hoàn chỉnh”. Khi một người thật sự có đức hạnh thì không cần yêu cầu người khác tôn trọng họ, không cần người khác tán thưởng, đến thân cận họ. Tất cả bạn bè sẽ đến gần gũi bạn, bởi vì họ muốn thân cận người nhân từ, bởi vì họ cũng muốn nâng cao cái đẹp bên trong. Thật sự có thể khiến cuộc đời cảm thấy yên vui, đầy đủ chính là đức hạnh. Vào lúc này bạn chính là nhân vật trung tâm, bạn chính là một vầng trăng sáng, tất cả vì sao một cách tự nhiên sẽ chạy đến bên cạnh bạn. Cho nên, thật sự có thể kết giao được bạn bè tốt, thật sự có thể khiến người khác tôn kính bạn từ trong tận đáy lòng, không phải nhãn hiệu nổi tiếng bên ngoài, cũng không phải chỉnh sắc đẹp bên ngoài, cũng không phải những hình thức bên ngoài này. Người nên sống chân thật, sống có chiều sâu căn bản làm người. Cái bộ y phục này chính là đức hạnh của chúng ta. Cho nên, đời người nên theo đuổi chân thật, không nên theo đuổi hư huyễn.
Tốt rồi! Bài học này chỉ giảng đến chỗ này. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 27/40)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh