GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp
Tập 29/40
Chào các vị bằng hữu, chào mọi người!
Hôm qua, chúng ta nói đến then chốt thứ tư của cầu học là “minh biện”. “Minh biện” thì chúng ta cần phân biệt rõ về thiện, cũng cần phân biệt rõ về giá trị quan của đời người, phân biệt rõ thành công là gì, phân biệt rõ cái đẹp đích thực là gì, phân biệt rõ sách chúng ta cần phải xem. Tiếp đó, trong đời sống rất nhiều chỗ cũng cần phải phân biệt rõ. Nâng cao lý trí của mình phải luôn luôn phân biệt rõ nhân gì tạo thành kết quả gì, từ trên quả lại tìm ra được nguyên nhân. Khi chúng ta lúc nào cũng có thể từ những phương diện này mà phân biệt, biện biệt thì chúng ta có thể nâng cao năng lực phán đoán của mình, nâng cao lý trí của mình.
Cuối cùng, điều chúng ta nhắc đến là phân biệt rõ ngôn ngữ, chính là khi nghe nói chuyện không nên nghe lời gièm pha, gọi là “người đến nói chuyện thị phi chính là người thị phi”. Cho nên có một câu viết thế này: “Thân đường đường sáu thước, chớ nghe ba tấc lưỡi”. Chúng ta một đấng nam tử hán đại trượng phu thân cao sáu thước, không nên nghe lời “đâm bị thóc, thọc bị gạo” của ba tấc lưỡi. “Thân đường đường sáu thước, chớ nghe ba tấc lưỡi”, trên lưỡi có suối rồng giết người không thấy máu. Nếu như chúng ta nghe theo lời gièm pha, có thể rất nhiều quan hệ ngũ luân cũng sẽ bị phá hoại, sẽ bị tổn thương. Cho nên, chúng ta cần biết phân biệt rõ ngôn ngữ, rốt cuộc động cơ của người nói chuyện là gì? Nếu như động cơ không tốt thì chúng ta phải nhanh chóng biết tiến thoái. Lúc cần xa lìa phải nhanh chóng xa lìa, lúc cần ngăn chặn cũng có thể ngăn chặn họ.
Khi chúng ta có thể phân biệt rõ thiện ác, biện biệt rõ phương hướng của đời người, thì việc quan trọng nhất tiếp theo là phải thực tiễn, phải nỗ lực thực hiện. Chúng ta học tốt “bác học” rồi, cũng hỏi rõ ràng rồi, cũng có thể “thận tư”, có thể tư duy phán đoán rồi, tiếp theo đó phải đem kiến thức học được từng cái thực tiễn vào trong từng li từng tí của đời sống (chính là ở trong công việc, ở trong đời sống, ở trong đối nhân xử thế).
Hôm qua, chúng ta cũng nói đến “đạo” là gì. “Đạo” chính là tâm hiếu, chính là tâm nhân từ, tâm cung kính của bạn khi từng giây, từng phút chung sống với người. Trong học vấn của chúng ta, bốn chữ được nhấn mạnh nhất là công phu “chủ – kính – tồn – thành”.
“Kính” là tâm cung kính. Lúc nào cung kính vậy? Thái độ, ngôn ngữ, khởi tâm động niệm đều phải cung kính, đều phải chân thành. Đây gọi là học vấn chân thật. Cho nên tâm hiếu của con người, tâm cung kính của con người, tâm chân thành của con người đều là chân tâm vốn có của một người, gọi là “nhân chi sơ tánh bổn thiện”.
Mạnh Tử nói: “Học vấn chi đạo vô tha”. Mục đích đích thực của cầu học vấn là ở chỗ nào vậy? “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ”. Chữ “phóng” này chính là nhanh chóng tìm trở lại chân tâm bị quên mất của chúng ta, tìm trở lại tâm hiếu của chúng ta, tìm trở lại tâm cung kính của chúng ta, nhanh chóng tìm trở lại tâm nhân từ quan tâm người khác của chúng ta. Khi chúng ta tìm trở lại được thì bạn sẽ cảm thấy cuộc sống đó rất dễ chịu, rất an vui. Nếu tâm này không thể tìm lại được, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời càng sống càng khó khăn, càng sống càng vô vị. Sau khi tìm lại được rồi thì tự bên trong chúng ta tràn đầy hạnh phúc, chứ không phải theo đuổi vật chất rất hư huyễn, giá trị hư huyễn ở bên ngoài. Cho nên, công phu chân thực là ở “chủ – kính – tồn – thành”. Mà “chủ – kính – tồn – thành” là biểu hiện ở trong toàn bộ ngôn ngữ, hành vi của bạn.
Làm sao thực hiện “chủ – kính – tồn – thành”?
Nâng cao ở ba phương diện.
- Phương diện thứ nhất, bắt đầu làm từ việc tu thân của chính chúng ta. Chúng ta thường nói là công phu tu thân tu dưỡng của một người.
- Phương diện thứ hai là từ năng lực xử lý sự việc của chúng ta mà nâng cao lên.
- Phương diện thứ ba là tiếp vật, chính là giao tiếp với người, thậm chí là thái độ cần phải có khi tương tác với tất cả vạn vật.
Cho nên, chúng ta thực hiện toàn bộ giáo huấn Thánh Hiền là ở tu thân, ở xử sự, ở trong tiếp vật.
Tu Thân
Ở trong bút ký, ở trong sổ tay của chúng ta có gợi ý. Chúng ta trước tiên hãy xem một chút, tu thân cần phải biểu hiện ra những hành vi xử thế nào vậy?
“Ngôn trung tín, hành đốc kính”, “trừng phẫn thất dục”, “thiên thiện cải quá”. Đây chính là tu thân. Chúng ta trước tiên bắt đầu từ tu thân mà nghiên cứu thảo luận. Vừa mở đầu nói: “Ngôn trung tín”. Chúng ta đều biết, chung sống giữa người với người, tần suất cao nhất chính là dùng ngôn ngữ. Cho nên ngôn ngữ có “trung” hay không, có “tín” hay không, điều đó ảnh hưởng đến chủ tâm của mỗi người chúng ta. Rốt cuộc ngôn ngữ của chúng ta là dùng tâm thái như thế nào, loại động cơ như thế nào, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc tu thân của toàn bộ con người chúng ta. Chúng ta hãy xem, sao gọi là “trung”? “Trung” là chữ hội ý: Chữ trung ở trên, chữ tâm ở dưới, đại biểu tâm không được thiên lệch, tâm không được thiên vị, tâm không được tự tư tự lợi. Bởi vì chúng ta hôm qua đã nói đến: “Tổn người nhất định sẽ không lợi mình, lợi người nhất định là lợi mình”. Tâm khi thiên lệch liền tổn mình lại tổn người, tâm một khi không thiên lệch lại có thể chí công vô tư liền có thể nghĩ thay cho người mọi mặt. Cho nên, làm thế nào để ngôn ngữ có thể “trung” trước tiên cũng phải bắt đầu xem từ chỗ chủ tâm của họ. Làm sao để ngôn ngữ có “tín” cũng phải bắt đầu bàn từ thái độ ngôn ngữ của một con người. Chúng ta hiện nay từ mấy phương diện để nghiên cứu thảo luận loại tu dưỡng ngôn ngữ của chúng ta.
Thứ nhất, chủ tâm của ngôn ngữ
Vì sao phải nói chuyện? Đó là để biểu đạt nội tâm của mình, hy vọng người khác hiểu. Vậy mục đích của hiểu nhau là ở chỗ nào vậy? Hiểu biết lẫn nhau để tiến tới giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu cho nhau. Cho nên chúng ta nói chuyện vẫn là phải lợi ích cho đối phương mới nói, nghĩa là phải nói lời có ích, không nên nói quá nhiều lời vô ích. Nếu một người nói rất nhiều lời vô ích sẽ cho bạn cảm giác gì? Tại sao một người nói năng rất nhiều? Đó là do tâm thái của họ có vấn đề. Trong “Kinh Dịch” có nói: “Kiết nhân chi từ quả, táo nhân chi từ chúng”. Xin thưa các bạn, khóa trình mấy ngày nay của chúng ta, bạn có cảm thấy từng câu trong Kinh điển đều rất có trọng lượng không? Đều là lời nhắc nhở rất quan trọng đối với lập thân, xử thế cả đời của bạn. Khóa trình mấy ngày nay của chúng ta đã nêu ra rất nhiều câu ở trong “Kinh Dịch”: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữ dư ương”. Không chỉ tổn mình mà còn tổn cho con cháu đời sau. Cho nên những đạo lý này sau khi bạn hiểu rõ rồi thì thái độ lập thân, xử thế của toàn bộ con người bạn nhất định sẽ có sự biến đổi rất lớn, bởi vì bạn có thể nhìn sâu hơn, nhìn xa hơn.
Ở trong “Kinh Dịch” nhắc đến ngôn ngữ có nói người tốt ngôn ngữ rất ít, bởi vì tâm của họ tĩnh lặng xuống. Tâm một khi tĩnh lặng xuống liền biết nhận định thời thế, biết quan sát đoán được người. Cho nên tuy lời nói không nhiều nhưng lời họ nói ra sẽ khiến người ta cảm thấy rất có tín nhiệm. Cho nên, họ đều ở thời cơ thích hợp mới mở miệng.
“Táo nhân chi từ chúng”. Ngôn ngữ rất nhiều đại biểu nội tâm rất nôn nóng. Giống như không nói chuyện thì mình cảm thấy không an toàn, dường như rất không thoải mái. Rất nhiều người vừa trở về nhà, chỉ có mỗi một mình mình, đang ngồi hoảng sợ, phải nhanh chóng gọi điện thoại cho bạn bè một chút thì tâm mới không hoảng sợ. Có loại khuynh hướng này không vậy? Người hiện nay có loại khuynh hướng này, bởi vì căn bản chính là cuộc sống của họ hoàn toàn không có mục tiêu, sống ngày nào hay ngày đó. Khi không có mục tiêu, họ thường sẽ cảm thấy rất nôn nóng, tìm không ra phương hướng, nhất định phải tìm người khác để cùng họ một chút thì họ mới tương đối có cảm giác an toàn.
Cho nên, nếu như bạn kết giao với bạn bè như vậy, bạn sẽ cảm thấy rất mệt. Thường xuyên phải nghe họ nói rất nhiều, sau đó mất hết thời gian. Nếu như nghe họ nói mà có giúp ích đối với họ thì chúng ta vẫn nghe, đằng này một chút giúp ích cũng không có. Cho nên, chúng ta nói chuyện còn phải luyện công phu là khi họ ở bên đó khởi oán trách thì ta dùng một câu nói cắt đứt ngay ý đó của họ. Nhưng khi cắt đứt phải từ trong sự hỗn độn của họ dẫn ra một số tư duy chích xác, phải hướng dẫn họ. Cho nên, cái này cũng cần chúng ta có công phu, cần nâng cao học vấn của mình là có thể đạt được như vậy. Dần dần bạn cắt đứt lời của họ, sau đó dẫn họ ra. Họ sẽ nói: “Tại sao bạn đều có thể nghĩ như vậy?”. Vào lúc này bạn sẽ nói cho họ biết: “Bởi vì tôi đã học “Đệ Tử Quy”, cho nên đối diện vấn đề không còn khởi vọng tưởng, không còn nghĩ phiền não nhiều nữa, cần đem lý trí ra để đối diện”.
Người tâm nôn nóng mới nói nhiều. “Nói nhiều lời, không bằng ít”. Bởi vì bạn nôn nóng lại nói nhiều thì suy nghĩ sẽ không rõ ràng, cho nên khi nói nhiều ắt có sai. Cho nên, nói năng quá nhiều thì sẽ hình thành rất nhiều chướng ngại vô hình, mình cũng không biết rõ ràng.
Đến một môi trường mới, tiếp xúc nhóm người mới thì nhất định không được nói nhiều mà trước tiên phải quan sát nhiều, nghe nhiều. Một người có thể quan sát nhiều, nghe nhiều, tâm còn phải tĩnh lặng xuống. Cho nên, công phu tĩnh tâm cũng phải luyện thường xuyên. Khi chúng ta rất nôn nóng thì mau mau đem “Đệ Tử Quy” ra đọc, mau mau đem Kinh điển ra đọc để điều phục tâm nôn nóng của mình. Thực ra, khi một người thường xuyên có thể nhìn thấy bổn phận đối với gia đình, bổn phận đối với bạn bè, bổn phận đối với công việc, thì họ sẽ không nghĩ nhiều việc. Họ sẽ nhanh chóng đi học, nhanh chóng đi làm. Cho nên, người có thể nhìn thấy bổn phận của mình thì sẽ không lãng phí thời gian để tâm của mình bay lên chín tầng mây, có kéo cũng không thể kéo về được.
Cho nên, động cơ ngôn ngữ của chúng ta tuyệt đối phải có thể lợi ích người khác thì chúng ta mới nói. Khi bạn luôn luôn nghĩ đến ngôn ngữ của ta là phải lợi ích người khác thì bạn sẽ tương đối cẩn thận, sẽ cân nhắc đến việc sau khi mình nói xong rồi, người nghe sẽ có cảm nhận thế nào, thật sự có lợi đối với họ hay không. Bạn bắt đầu nói năng biết thận trọng, biết cẩn thận.
Xin thưa các bạn, ngôn ngữ của tôi không nhiều. Các bạn không nên vì thấy tôi giảng dài mà cảm thấy tôi nhất định sẽ nói rất nhiều. Tôi còn nhớ, tôi đã nán lại thời gian một học kỳ ở trong một ngôi trường. Khi đó, tôi với đồng nghiệp của tôi không nói chuyện gì. Vì sao vậy? Bởi vì khi tôi tiếp nhận lớp, đó là lớp khó dạy nhất của toàn trường. Tôi hầu như không đến ngồi trong văn phòng bao giờ, cho nên rất nhiều đồng nghiệp đều cho rằng tôi rất ít nói, đều cho rằng tôi không nói chuyện. Bởi vì chúng tôi mới có thời gian một học kỳ, có mấy mươi học sinh, tôi phải từ không hiểu đến hiểu về chúng, đến xây dựng niềm tin, đến hướng dẫn chúng từng li, từng tí một số tư tưởng quan niệm. Thế nên thời gian hầu như không kịp. Cho nên, chúng tôi đều nán lại ở trong phòng học. Tuy ở đó sửa vở bài tập nhưng tai của tôi thì đi thu thập tình báo mới có nhiều thông tin hơn nữa để có thể giúp đỡ các em trưởng thành, giúp đỡ các em học tập.
Cho nên, đồng nghiệp đều cảm thấy tôi rất ít nói chuyện. Sau đó, đến cuối năm học, tôi đều đưa học sinh tốt nghiệp hết. Một số đồng nghiệp ngồi lại ăn cơm, họ nói: “Thầy Thái! Thầy thật ít nói!”. Tôi hướng dẫn lớp mười một. Lớp mười kế bên là một giáo viên nữ nhỏ hơn tôi mấy tuổi. Hai lớp chúng tôi đều rất khó hướng dẫn, cho nên hai chúng tôi thường hay thảo luận làm sao dẫn dắt học sinh. Đồng nghiệp khác của tôi nói tôi rất ít nói thì cô giáo hướng dẫn lớp kế bên này lập tức nói: “Không có, thầy ấy nói rất nhiều”. Câu “nói rất nhiều” này là ý gì vậy? Không phải tôi nói nhiều lời không quan trọng mà bởi vì chúng tôi muốn nghiên cứu, thảo luận một số tình huống của học trò, bởi vì cô tuổi tác tương đối nhỏ cho nên hướng dẫn lớp mười rất tốn sức, nên tôi thường phải nói những lời khích lệ cô ấy, lời an ủi cô ấy (nghĩa là phải nói lời an ủi nhẹ nhàng khiến cô cảm thấy tương đối an ủi, tương đối nhẹ lòng). Động cơ ngôn ngữ của chúng ta tuyệt đối phải lợi ích người khác thì chúng ta mới nói. Lời nói không có lợi ích đối với người khác thì thà chúng ta xem nhiều sách Thánh Hiền, tiết kiệm được một số thời gian.
Lấy “Đệ Tử Quy” làm hạt nhân của ngôn ngữ
Quả thật đời người thời gian rất quý báu, không nên hoang phí mất. Chúng ta sẽ bàn về ngôn ngữ là lấy “Đệ Tử Quy” làm hạt nhân. Những lời giáo huấn nào của “Đệ Tử Quy” có thể “trung”, có thể “tín” đối với ngôn ngữ của chúng ta, chúng ta chọn ra để nói rõ.
Ví dụ nói, lấy chủ tâm để xem, “Đệ Tử Quy” nói: “Đạo nhân thiện, tức thị thiện. Nhân tri chi, dũ tư miễn” (Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn).
Cho nên, khi họ nói thiện về người khác, chủ tâm của họ là gì vậy? Nói người thiện chính là thiện, hy vọng sau khi người ta biết rồi có thể học tập theo những người thiện này. Cho nên, “nhân tri chi, dũ tư miễn” (người biết được, càng tốt hơn). Họ là vì khiến càng nhiều người có thể học tập theo những người tốt này, có thể học tập theo Thánh Hiền nhân, cho nên cái chủ tâm này là tốt.
“Kiến nhân thiện” (thấy người tốt). Chúng ta nói đến: “Thiện tương khuyến, đức giai kiến, quá bất quy, đạo lưỡng khuy” (cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai).
Ngôn ngữ của chúng ta là muốn khuyên nhủ người khác, khiến họ có thể điều chỉnh lỗi lầm. Cho nên khuyên nhau thiện như vậy, đạo đức học vấn của bạn bè và của chính chúng ta đều được trưởng dưỡng. “Đức giai kiến” (cùng lập đức), khi bạn khuyên họ, không chỉ bạn bè có thể điều chỉnh lỗi lầm, mà đối với bản thân bạn cũng từng giây, từng phút đề khởi được cái chủ tâm thành tựu bạn bè thì học vấn của bạn cũng đang được nâng cao. Giúp đỡ người khác càng nhiều, bạn có thể thể hội được nhu cầu của người khác càng nhiều, bạn càng có thể hiểu được tình người hơn để làm vẹn toàn, viên mãn mọi sự việc. Cho nên “thiện tương khuyến, đức giai kiến” (cùng khuyên thiện, cùng lập đức), đây chính là người nói chuyện vì suy nghĩ cho người khác.
“Quá bất quy, đạo lưỡng khuy” (lỗi không ngăn, đôi bên sai). Bạn bè có lỗi lầm, làm việc sai mà chúng ta không khuyên can thì chúng ta cũng sai rồi, bởi vì chúng ta chưa làm tròn đạo nghĩa của người làm bạn để khuyên can. Chủ tâm là thiện thì một cách tự nhiên có thể thành tựu người khác. Nếu như chủ tâm không tốt thì chúng ta liền phải lập tức cảnh giác loại thái độ ngôn ngữ này.
Chủ tâm ngôn ngữ không được phạm. Những chủ tâm ngôn ngữ nào là không tốt, không được phạm vậy?
Ở trong “Tín”, chúng ta có nhắc đến: “Kiến vị chân, vật khinh ngôn. Tri vị đích, vật khinh truyền”. (Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền).
Khi bạn vẫn chưa nhìn thấy chân tướng mà chỉ nghe người ta nói qua, thì bạn nên lập tức nói ra hay không? Không được. “Tri vị đích”, hiểu đạo lý vẫn còn chưa rõ ràng có nên đi phát biểu cách nhìn của bạn hay không? Không được, bởi vì bạn có thể hướng dẫn người khác đi sai đường, thậm chí là giảng sai học vấn Thánh Hiền, thế thì bạn có thể làm lỡ lầm trí tuệ một đời của người ta.
Tại sao thấy chưa đúng liền nói? Tại sao biết chưa rõ liền giảng? Chủ tâm của người này là gì? Khoe tài. Cái chủ tâm này có “trung” hay không vậy? Không “trung”, là lệch. Họ hy vọng người khác nhìn thấy họ sẽ nói: “Ồ! Sao anh lợi hại như vậy!”. Họ liền tự mình cảm thấy dương dương tự đắc. Thực ra, cái chủ tâm này là bất thiện.
“Nhân hữu đoản, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết”. (Người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền).
Chúng ta đi bới móc chuyện riêng tư của người khác, đối với người khác một chút lợi ích cũng không có. Thực ra, việc đó đối với mình cũng không có lợi ích gì. Việc tu dưỡng nhân cách của mình cũng sẽ từng li, từng tí bị đi xuống. Bới móc chuyện riêng tư của người ta có thể sẽ tạo ra bất hòa trong gia đình của người, thậm chí sẽ tạo ra bất hòa trong đoàn thể. Cho nên, bạn muốn dùng người, ngoài đức hạnh ra bạn còn phải xem họ nói năng có đủ chừng mực hay không. Ở trong một đoàn thể thường hay xảy ra xung đột, xảy ra va chạm, thường đều là do nói năng không thận trọng, thường đều là quá nhiều người đang nói chuyện thị phi về người khác, tạo ra đoàn thể bất hòa. Một khi bất hòa thì sự việc sẽ rất khó xử lý thành công. Một khi bất hòa thì đoàn thể không đoàn kết, liền bắt đầu bên đây một phe, chỗ kia lại một phe. “Gia hòa vạn sự hưng”, đoàn thể hòa thì vạn sự cũng hưng. Chúng ta quan sát một người bạn, quan sát cấp dưới cũng phải từ chủ tâm của ngôn ngữ mà nhìn. Như thế, độ sâu nhìn người của chúng ta cũng sẽ càng ngày càng sâu, bạn sẽ không dễ dàng nhìn sai. Cho nên, nhìn người sai không nên trách đối phương, phải trách mình học vấn không đủ.
Thời cơ của ngôn ngữ
Tiếp theo, thời cơ của ngôn ngữ bạn cũng phải biết phán đoán. Lúc không nên nói mà bạn nói, tâm của bạn là bất trung, bởi vì bạn quá nôn nóng rồi. Và đằng sau cái nôn nóng này, bạn lại để ý sâu một chút nữa, đó là dục vọng khống chế của bạn quá mạnh, bạn cho rằng: “Anh phải mau mau nghe tôi!”. Chủ tâm của người, bạn phải nhìn cho rốt ráo, bạn mới có thể từ chủ tâm của bạn mà điều chỉnh sai lầm. Bởi vì nôn nóng, bởi vì dục vọng khống chế quá mạnh, cho nên thời cơ chưa nắm tốt. Vậy thì trái lại, làm nhiều mà công ít, không đạt được hiệu quả, thậm chí không những không có hiệu quả mà còn làm hỏng chuyện nữa.
Chúng ta hãy từ “Đệ Tử Quy” để xem thời cơ của ngôn ngữ, những thời cơ nào nên nói, những thời cơ nào không nên nói.
Ví dụ nói: “Thân hữu quá, gián sử canh” (Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi). Cha mẹ có lỗi lầm, người thân có lỗi lầm, lúc này chính là thời cơ nói chuyện. Nhưng mà thời cơ lúc nào tốt vậy? “Duyệt phục gián” (vui can tiếp). Chữ “duyệt” này là “vui” trong “vui vẻ”, đại biểu lúc tâm trạng của họ tương đối tốt thì hãy nói. Cho nên, bạn thấy, câu Kinh ngay cả một chữ bạn cũng không nên xem thường. “Duyệt phục gián” (vui can tiếp). Dùng chữ “duyệt” là đại biểu phải nắm bắt tốt thời cơ. Họ đã nổi giận đùng đùng bạn lại đi khuyên họ thì có tác dụng hay không? Phải xét tình hình.
“Thần tắc tỉnh, hôn tắc định” (Sáng phải thăm, tối phải viếng).
Sáng tối định tỉnh khiến cha mẹ bạn vui vẻ, khiến cha mẹ bạn yên tâm. Cho nên, lúc cần nói phải nói. Rất nhiều người nói: “Tôi nói chuyện không ngọt”. Thực ra, chướng ngại không ở bên ngoài mà chướng ngại ở trong tâm niệm của mình. Nếu như lời chúng ta nói ra có thể khiến cha mẹ vui vẻ, bạn có cái tâm lợi ích cha mẹ, tâm hiếu thuận cha mẹ thì làm gì có chuyện “thói quen của tôi là nói chuyện không ngọt” chứ. Việc do người làm, không nên biện hộ: “Cá tính của tôi vốn dĩ là như vậy”. Cá tính có thể chỉnh sửa bất cứ lúc nào. Chỉ cần bạn thật sự có thể đề khởi lên được cái tâm “hiếu” đó, cái tâm lợi ích người khác đó thì toàn bộ hành vi, ngôn ngữ của bạn sẽ biến đổi.
“Xuất tất cáo, phản tất diện”(Đi phải thưa, về phải trình). Bạn mọi lúc, mọi nơi, lúc cần bẩm báo nhất định phải bẩm báo rõ ràng để cha mẹ bạn không lo lắng. “Xuất tất cáo, phản tất diện” (Đi phải thưa, về phải trình), trong “Nhập tắc hiếu” chúng ta không nên nói “đi phải thưa, về phải trình” chỉ là đối với cha mẹ, như vậy học vấn của chúng ta là học cứng nhắc rồi. Chỉ cần chúng ta phải nhắn nhủ rõ ràng là có thể giảm bớt sự lo lắng cho người khác thì bạn cần phải nhắn nhủ. Đối với vợ có cần “đi phải thưa, về phải trình” hay không? Cần. Thậm chí đối với con cái của bạn cũng cần như vậy. Bởi vì người thân của bạn biết rõ bạn ở chỗ nào thì họ sẽ yên tâm. Giống như chúng tôi sắp đi chào hỏi với người lớn, chúng tôi đi đâu sẽ nhanh chóng quay về. Họ cũng biết rõ, họ cũng không hoang mang. Thậm chí ở trong công ty, lúc chúng ta muốn đi ra ngoài chúng ta cũng phải đem hành trình của mình báo cáo với cấp trên, hoặc báo với đồng nghiệp để khi gặp tình hình khẩn cấp họ còn có thể báo cho chúng ta biết. Đây chính là lúc nào cũng phải suy nghĩ thay cho người khác. Chủ tâm ngôn ngữ này là như vậy, đây cũng là cái tâm cung kính đối với người. Cung kính đối với người, phải thường xuyên nghĩ làm thế nào mới có thể khiến họ yên tâm, khiến họ giảm bớt lo lắng.
“Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quan kỷ, mạc nhàn quản”(Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền).
Khi người khác ở nơi đó nói hay nói dở, vào lúc này có phải thời cơ để bạn nói chuyện hay không? Không phải. Bạn cần nhanh chóng rời khỏi đó. Ở chỗ thị phi, bạn chỉ cần ở nơi đó có thể cũng sẽ rước họa vào thân. Cho nên, chúng ta cần có cái thái độ mẫn cảm này.
Thường thường, người ta sẽ phân định bạn là của phe bên này hay là của phe bên kia. Tôi còn nhớ trong quá trình trưởng thành của tôi, rất kỳ lạ, hành vi xử sự của tôi là giống như đứng ở giữa vậy. Tôi cũng không được tính vào phe bên này, tôi cũng không được tính vào phe bên kia, vả lại hai phe đều đối xử với tôi không tệ. Cho nên, trong lúc họ bàn chuyện thị phi, chúng ta bỏ đi là thượng sách, không nên bị cuốn vào. Đến khi người ta nói: “Lúc họ ở chỗ đó phê bình chúng ta, thầy Thái cũng có ở đó”, vậy chúng ta sẽ giải thích không rõ ràng.
Nhưng mà chúng ta đứng ở giữa, hoàn toàn không phải là chúng ta không quan tâm, không phải ý nghĩa này. Khi chúng ta đứng ở giữa, đối với hai bên cũng là một loại nhắc nhở. Bởi vì con người thường hay phạm thái quá và bất cập, cho nên thường lúc chia phe cũng đã quá thiên lệch đối với những quan điểm nào đó. Vào lúc này, bạn đứng ở giữa bất động. Đối với họ, đây cũng là một loại sức mạnh kiềm chế. Đợi đến khi họ phát hiện được mình làm thật quá mức, muốn đến hỏi thăm bạn, vào lúc này bạn mở miệng thì liền có thể đem chỗ lệch lạc của họ hòa hoãn trở lại. Việc này phải có qua lại trước, chính là bạn bình thường phải quan tâm đối với họ, bình thường bạn phải làm tốt bổn phận của mình, người ta nhìn thấy bạn sẽ rất kính trọng đối với bạn. Như vậy bạn mới có tư cách đi khuyên người khác.
Cho nên, tôi thường một là làm tốt công việc thầy giáo của tôi, hai là thường hay mua một ít đồ ăn tặng cho họ. Có khi tôi mua bánh bích quy cũng không phải mua một gói, mà tôi mua rất nhiều gói. Lớp một mở hội nghị, chúng tôi liền đem một gói đi tặng. Lớp hai mở hội nghị, chúng tôi cũng lấy một gói đi tặng. Những sự tín nhiệm này đều có thể có phát huy tác dụng rất lớn về sau này. Cho nên, tôi và đồng nghiệp đều chung sống rất tốt, cũng biết đãi khách, biếu quà nhiều.
Tôi còn nhớ, khi từ bỏ công việc của mình, tôi vẫn không dám nói với đồng nghiệp của tôi. Sau đó, khi không có cách gì tuyên bố, ngay lúc đó có một đồng nghiệp đã rơi lệ. May mà cảnh tượng này tôi đã thấy nhiều rồi. Nhưng mà tôi khuyên anh ấy: “Chúng ta vẫn là ở trên cùng một con thuyền. Chúng ta vẫn đều đang làm giáo dục, đều đang hoằng dương văn hóa”. Duyên của người với người vô cùng hiếm có, có được cũng không dễ. Cho nên mỗi lần tôi về nhà, tôi thường hay mang đặc sản của Hải Khẩu, có khi còn mua được đặc sản của Thượng Hải, chúng tôi đem về nhà, đi viếng thăm những đồng nghiệp cũ này. Những thầy giáo này cũng đang ở trong giáo dục, đang ở trong tu dưỡng. Chúng tôi gặp gỡ họ để tiến thêm một bước nữa, học hỏi thêm với họ. Và khi tôi cùng những vị thầy này thảo luận về dạy học, thảo luận giáo dục, trong lòng tôi cũng thấy rất vui thích. Bởi vì, đằng sau những vị thầy này là chỗ tựa của mấy trăm học trò. Cho nên, chúng ta phải nhìn tương đối sâu xa một chút. Khi bạn đang giúp đỡ một người bạn, bạn cũng phải nhìn thấy con cháu đằng sau họ, thân hữu đằng sau họ có thể chịu ảnh hưởng bởi họ rất nhiều. Khi bạn có thái độ như vậy, bạn đối diện mỗi người đều sẽ rất cung kính, không dám thất lễ.
Thái độ của ngôn ngữ
Chúng ta xem lại thái độ của ngôn ngữ cần phải làm như thế nào? Thái độ của ngôn ngữ, “Đệ Tử Quy” cũng dạy vô cùng kỹ càng. Chúng ta hãy xem:
“Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn. Phụ mẫu mệnh, hành vật lãng. Phụ mẫu giáo, tu kính thính. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa”
(Cha mẹ gọi, trả lời ngay
Cha mẹ bảo, chớ làm biếng
Cha mẹ dạy, phải kính nghe
Cha mẹ trách, phải thừa nhận)
Điều này đại biểu thái độ nói chuyện với cha mẹ phải vô cùng cung kính. Người hiện nay tại sao không có cách gì đề khởi cái tâm cung kính này vậy? Bởi vì người hiện nay quá khó chịu, nghe vài câu nói là không chịu được. Xem ti vi, nghe âm nhạc đều khiến tâm họ rất phấp phỏng. Hiện nay, người trẻ tuổi rất khó chịu khi nghe dạy dỗ. Nghe chưa hết mấy câu nói, họ liền đốp chát trở lại rồi. Cho nên, chúng ta không nên trước tiên yêu cầu những người trẻ tuổi này. Chúng ta trước tiên nên soi lại chính mình. Chúng ta là người đã có tuổi rồi, bản thân đối với cha mẹ có làm được câu“phụ mẫu hô, ứng vật hoãn; phụ mẫu mệnh, hành vật lãng” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng) hay không?
Xin thưa các bạn! Hiện nay, bạn có nhìn thấy cha mẹ gọi con cái của họ thì con cái của họ lập tức chạy đến nói: “Mẹ ơi! Có việc gì không ạ?” hay không?. Âm thanh như vậy, thái độ như vậy hầu như bạn không nhìn thấy. Bạn bỗng nhiên nhìn thấy có thể sẽ cảm động đến rơi lệ. Cho nên, bắt đầu làm từ bản thân, chúng ta phải có thái độ khiêm cung này. Đương nhiên không phải chỉ đối với cha mẹ như thế, mà đối với tất cả người lớn, chúng ta cũng cần phải như vậy. Nhưng đối với con của bạn thì bạn không được như vậy. Học vấn là phải linh hoạt, không phải chết cứng. Con của bạn nói: “Mẹ! Đến đây mau!”. Bạn lập tức chạy đến: “Con! Có chuyện gì vậy?”, thế là điên đảo rồi. Như thế con cái bạn sẽ ngạo mạn, vô lễ. Cho nên đối với người lớn, đối với người ngang hàng, chúng ta cần phải “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, nhưng đối với thế hệ sau, chúng ta cần trưởng dưỡng tâm hiếu và tâm cung kính của họ. Thế hệ sau cần phải cung kính đến trước mặt người lớn thì mới là đúng đắn.
“Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay).
Có khi trong lúc trả lời, vẻ bề ngoài bạn xem ra là có trả lời nhưng trong lòng vẫn là khó chịu. Khi người ta mọi mặt đều khó chịu thì học vấn của họ tuyệt đối không thể tăng lên được. Cho nên, từ nay về sau, khi trả lời cha mẹ, chúng ta còn phải quán xét tâm của mình có chân thành cung kính hay không, chứ không phải đối phó. Trả lời đối phó thì bạn sẽ không có “chủ – kính – tồn – thành”. Khi bạn có thể từ trong tâm hạ công phu sâu như vậy thì đạo đức học vấn của bạn không quá ba tháng tuyệt đối sẽ khiến người bên cạnh cảm thấy bạn đã biến thành con người khác rồi. Cho nên, một người cầu học vấn có hiệu quả hay không, nhìn từ thái độ của người khác đối với bạn là có thể phán đoán ra được.
“Phụ mẫu mệnh, hành vật lãng” (Cha mẹ bảo, chớ làm biếng).
Việc chúng ta nhận lời với cha mẹ, nhận lời rồi, hứa rồi thì nhất định phải giữ chữ “tín”, không được bê trễ. Bạn đã nói: “Mẹ ơi! Con phải đi tắm”, thì phải mau mau đi tắm, không được bê trễ. Thậm chí, cha mẹ dặn dò chúng ta mua đồ, chúng ta cũng phải mua về đúng kỳ hạn. Nhưng bạn xem, đồ mà bạn bè khác dặn mua, chúng ta còn không thể quên mua. Nhưng đồ ai dặn mà chúng ta lại hẹn lần nữa vậy? Có thể về đến nhà, mẹ hỏi: “Nước tương đâu con?” .“Ồ! Con lại quên rồi, lần sau, ngày mai con nhất định mua”.
Đối với bạn bè, chúng ta còn không dám thất tín, tại sao đối với cha mẹ lại thất tín chứ? Tâm chúng ta có vấn đề, không phải cung kính, không phải chân thành. Đối với bạn bè, bởi vì sợ làm hỏng mối quan hệ, bởi vì sợ làm ăn buôn bán không thành, cho nên lời nói của họ, chúng ta đều không dám thất lễ. Bởi vì cha mẹ không tính toán với bạn cho nên tâm của bạn là không cung kính. Thậm chí, chúng ta không chỉ không giữ chữ “tín” đối với người chí thân, không nổi giận đối với bạn bè, mà còn chuyên đem cơn giận trút lên người thân nhất. Cho nên bạn nói xem, con người có điên đảo hay không?
Người từng li, từng tí hy sinh cho bạn, quan tâm nhất đối với bạn, bạn lại đối xử không tốt đối với họ. Con người thường lúc ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi sẽ cảm thấy nội tâm ngày càng bất an, bởi vì việc cần làm đều không làm. Nếu như vào lúc này, đúng lúc cha mẹ lại ra đi thì bạn sẽ cảm thấy tim đau âm ỉ, bởi vì cái ân cần báo bạn đều chưa báo.
Báo ân cha mẹ thì phải bắt tay từ chỗ nào vậy? Trước tiên phải bắt đầu làm từ thái độ ngôn ngữ cung kính, không nên mơ ước viển vông. Cho nên: “Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn. Phụ mẫu mệnh, hành vật lãng. Phụ mẫu giáo, tu kính thính. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe. Cha mẹ trách, phải thừa nhận). Cha mẹ la mắng, chúng ta không được nóng nảy đốp chát trở lại. Cha mẹ trách phạt, chúng ta trước tiên phải khiêm tốn tiếp nhận, dùng cái tâm phản tỉnh để tiếp nhận. Rất nhiều người liền nói: “Thế nếu như cha mẹ hiểu lầm chúng ta, vậy chúng ta vẫn không nói lại sao?”. Thực ra, chúng ta phải quan sát thời cơ. Trong lúc cha mẹ la mắng chúng ta thì tâm trạng của cha mẹ tương đối kích động. Vào lúc này bạn còn cãi lại nữa thì rất dễ xảy ra xung đột; đối với bạn, đối với cha mẹ đều không tốt. Khi cha mẹ nói với chúng ta mười câu, chỉ cần trong đó có một câu thật sự là chúng ta làm sai rồi, chín câu còn lại là không sai thì bạn nên nghĩ đến một câu này thôi. Nghĩ câu này quả thật là chúng ta đã làm sai. Chín câu còn lại ta vốn dĩ là không làm sai, mặc dù cha mẹ hiểu lầm, ta cũng không hổ thẹn với lòng mình.
Người hiện nay rất thích tranh cãi, rất ưa giải thích, thường đều không nhìn thẳng vào chỗ làm sai của mình. Khi đang tiếp nhận khuyên răn, người ta nói năm câu, trong đó có bốn câu là đúng thì bạn không chú ý, lập tức giải thích: “Câu này anh hiểu lầm tôi rồi”. Vậy thì người ta sau này còn dám khuyên răn, kiến nghị với bạn nữa hay không vậy?
Cha mẹ quả thật là trách sai bạn, bạn vẫn có thể nhẫn chịu được. Đợi đến khi cha mẹ tâm trạng tương đối ổn định trở lại, bản thân cha mẹ sẽ cảm thấy: “Ta đã quá mức rồi”. Sau khi cha mẹ hiểu tình hình rõ ràng là họ đã quá mức rồi, có thể cha mẹ còn chủ động đi gọt trái cây cho bạn ăn, chủ động ngồi lại nói chuyện vài câu với bạn. Ý nghĩa của nói chuyện vài câu này chính là chuyện đã qua rồi, chẳng có gì. Cho nên, khi bạn lúc nào cũng có thể nhẫn chịu được thì cha mẹ bạn sẽ ngày càng tôn kính bạn, ngày càng khâm phục bạn. Khi bạn được cha mẹ tôn trọng và khâm phục thì sau này lời bạn nói với cha mẹ, cha mẹ có thể nghe được. Thưa các bạn! Phải lắng được khí xuống.
Tiết học mấy ngày trước, tôi nói với các vị, tôi là người nhiệt huyết ba phút. Cho nên cha mẹ cảm thấy lời nói của tôi có thể nghe được không vậy? Nhưng mà sau này, trong thời gian năm – sáu năm này, vì tôi rất may mắn tiếp nhận được giáo huấn Thánh Hiền, cho nên đã biết ứng đối tiến thoái như thế nào. Dần dần từ trong xử lý rất nhiều sự việc thì sự tín nhiệm của cha mẹ đối với chúng ta từng li, từng tí sẽ được nâng lên. Vào lúc này, thường thường chính là lúc xuất hiện thời cơ để chúng ta có thể đi giúp đỡ cha mẹ, có thể đi hướng dẫn cha mẹ.
Khi cha mẹ trách phạt, chúng ta không nên phản ứng cảm xúc. Đương nhiên, nếu như cha mẹ bạn mắng bạn rất dữ mà họ lại bị bệnh tim mạch, vào lúc này bạn không nên nói: “Lời thầy Thái nói là ngoan ngoãn ở chỗ đó”. Vào lúc này, xem tình hình không xong thì bạn nhanh chóng tránh đi. Không nhìn thấy bạn thì họ tương đối bớt giận, bạn mau mau đi chỗ khác. Học phải học linh hoạt một chút, không nên học cứng nhắc.
Thời cổ đại, học trò của Khổng Tử có một vị hiếu tử tên là Tăng Tử, Tăng Sâm vô cùng hiếu thuận. Có một lần, cha ông trách phạt ông. Trong lúc giận dữ, người cha liền cầm cây gậy bên cạnh lên để đánh ông. Kết quả, ông bị cha đánh hôn mê. Sau đó, Tăng Tử đi gặp Khổng Lão Phu Tử. Ngài liền mắng ông, nói ông bất hiếu. Tăng Tử rất ngạc nhiên nói: “Thầy thấy con ngoan ngoãn như vậy, ngay cả chạy cũng không chạy, sao thầy nói con bất hiếu vậy?”. Phu Tử nói tiếp: “Nếu như cha ông lỡ tay đánh chết ông thì ông khiến cha mình mang tội bất nghĩa. Vả lại, chính tay ông ấy đánh chết ông thì ai là người đau khổ nhất? Cha mẹ đau khổ nhất”. Hơn nữa, nỗi đau của họ là vừa đánh chết một vị hảo hán của hai mươi năm sau. Cha mẹ đánh chết bạn, cuộc sống mấy chục năm sau đó của họ đều rất khó chịu. Cho nên Phu Tử nói với Tăng Tử: “Tiểu trượng tắc thọ”, cầm cây roi nhỏ thì bạn tiếp nhận; “Đại trượng tắc tẩu”, cầm cây gậy lớn phải mau mau chạy. Bạn xem, chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ thay cho cha mẹ, học như vậy là học linh hoạt. Nếu không, chúng ta liền biến thành con mọt sách, vậy thì không tốt. Cho nên, thái độ của chúng ta đối với ngôn ngữ là bắt đầu từ “phụ mẫu hô, phụ mẫu mệnh” (Cha mẹ gọi, trả lời ngay), bắt đầu làm từ những thái độ này.
Thái độ của ngôn ngữ phải: “Di ngô sắc, nhu ngô thanh” (Mặt ta vui, lời ta dịu). Khi khuyên can người khác, thái độ ngôn ngữ của bạn phải tốt mới đạt được hiệu quả. Đương nhiên, không chỉ là khi khuyên người khác thì“mặt ta vui, lời ta dịu”, bình thường thái độ nói chuyện với người cũng phải khiêm cung. Rất nhiều người thường hay nói: “Tôi nói chuyện với người bạn này cảm thấy rất thoải mái”, đó chính là thái độ ngôn ngữ của họ.
Có một số bạn lại nói: “Tôi nói chuyện với người này, tim của tôi đập nhanh kinh khủng. Tôi không thể tĩnh lại được, càng nghe càng căng thẳng”. Điều này có thể do tốc độ nói chuyện quá nhanh. “Đệ Tử Quy” nói: “Vật cấp tật, vật mô hồ”(Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ). Bạn nói năng quá hấp tấp, tốc độ quá nhanh, người nghe nghe không kịp, họ sẽ luống cuống. Hoặc nếu bạn đọc chữ lên bổng xuống trầm không rõ ràng, rất mơ hồ, họ ở chỗ đó rất cố gắng nghe, sợ nghe sai lời nói của bạn, hoặc nếu nghe không rõ ràng, nói chuyện không khớp với bạn lại sợ mình thất lễ. Thái độ nói chuyện của chúng ta cũng rất quan trọng, phải “mặt ta vui, lời ta dịu”. Sau đó, tốc độ nói chuyện phải vừa phải, không nên quá nhanh, cũng không nên quá chậm. Bạn nói chuyện quá chậm, người nghe cảm thấy tim mình cũng sắp ngừng đập rồi, như vậy cũng không được. Cho nên, phàm việc gì cũng phải giữ ở mức trung dung, thái quá hay bất cập đều không tốt. Chúng ta bình thường cần phải quan sát tốc độ ngôn ngữ của mình, chọn từ, dùng câu của ngôn ngữ có được rõ ràng hay không. Điều này bản thân bạn cần hạ công phu nhiều.
Ở trong thái độ ngôn ngữ: “Nhân vấn thùy, đối dĩ danh. Ngô dữ ngã, bất phân minh”(Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng)
Giống như khi chúng ta nhấn chuông vậy. “Xin hỏi anh là ai?”. Chúng ta nói: “Tôi”. “Tôi là tôi, anh không biết tôi là ai sao?”. Chúng ta còn phải khiến người ta đoán cả buổi, việc này rất thất lễ.
Giống như chúng ta bình thường tiếp xúc với nhiều người , có người gọi điện thoại đến, chúng ta hỏi: “Xin hỏi anh là ai?”. Họ nói: “Anh không nhớ tôi à? Chúng ta đã từng gặp nhau hai tháng trước”. Chúng ta ở chỗ đó sẽ cảm thấy căng cả đầu. Gặp người nhiều như vậy, chúng ta làm sao có thể nhớ ra được chứ?
Cho nên chúng ta nói chuyện thì nhất định phải giới thiệu rõ ràng: “A lô! Chào anh! Tôi là […người nào đó…]”, để người ta lập tức liền biết bạn là ai. Tâm của người ta liền an ngay. Đây chính là sự chừng mực và thái độ của nói chuyện. Cho nên, chúng ta dạy trẻ nhỏ tiếp điện thoại, điều này cũng phải dạy. “A lô! Chào anh! Tôi là […người nào đó…]”, người ta vừa nghe liền biết bạn là ai. Đây chính là một loại chừng mực.
Thái độ của nói chuyện: “Phàm xuất ngôn, tín vi tiên”( Phàm nói ra, tín trước tiên). Ở trong thái độ, chúng ta phải tự nhắc nhở mình: Nói ra phải làm, nói đi đôi với làm. Trong lịch sử, người có thể lưu danh sử sách tuyệt đối đều là làm được “lời nói đi đôi với việc làm”. Phu Tử ở trong cuốn “Luận Ngữ” có nhắc đến rất nhiều câu về thái độ của nói và làm. Phu Tử nói: “Quân tử ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi”. Người quân tử rất sợ lời mình nói ra mà mình làm không được. Cái gọi là: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chúng ta không nên dễ dàng mở miệng, không nên dễ dàng hứa hẹn với người khác. Bạn nhất định phải biết rõ mình có thể làm được thì mới nhận lời, không được phô trương. Cho nên người hiện nay rất dễ hứa, rất tùy tiện nhận lời người khác, thậm chí là nhận lời trẻ nhỏ, đến lúc bạn hối hận cũng không kịp. Cho nên: “Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thố” (Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai). Bạn nhận lời rồi mà làm không được, bạn tiến lui đều sai rồi.
Tín trong ngôn ngữ
Người xưa đối với chữ “tín” trong ngôn ngữ khiến chúng ta vô cùng cảm động. Có một vị đại thần nước Ngô tên là Quý Trát phải đi sứ nước Lỗ. Đúng lúc đi qua nước Từ, vua nước Từ liền mở tiệc mời ông ăn một bữa cơm. Trong lúc ăn cơm, vị vua nước Từ cũng không nói chuyện gì với ông, nhưng mà ánh mắt cứ nhìn chằm chằm vào thanh bảo kiếm ở trên người Quý Trát. Quý Trát cũng rất biết quan sát. Ông “thức chi minh”, vừa nhìn liền biết vua nước Từ rất thích cái thanh kiếm mà ông đang đeo. Nhưng mà bởi vì đeo kiếm là đại biểu cho thân phận, ông phải đi sứ nước Lỗ, nhất định phải đeo thanh kiếm này. Cho nên ngay đó ông đã khởi lên ý nghĩ: “Ta trên đường về sẽ không còn cần đến cái thanh kiếm này nữa, lúc đó ta sẽ tặng thanh kiếm này cho vua nước Từ”. Ông đã khởi lên ý nghĩ như vậy. Sau đó về nước, lúc đi ngang qua nước Từ, ông liền muốn tặng thanh kiếm cho nhà vua. Cuối cùng, vừa đến nước Từ, ông phát hiện vua nước Từ đã qua đời rồi. Bởi vì mộ của vua đều rất lớn, đều có người giữ mộ, cho nên ông liền đem thanh kiếm đó treo trên một cái cây ở trước mộ. Tùy tùng của ông rất kinh ngạc, họ nói: “Đại nhân, Ngài treo kiếm lên cho ông ấy như vậy, tôi cảm thấy rất kỳ lạ. Điều thứ nhất, Ngài không nhận lời phải tặng cho ông ấy, cho nên Ngài không cần giữ chữ “tín”. Điều thứ hai, cho dù Ngài đã nhận lời ông ấy rồi, ông ấy cũng đã chết rồi, như thế Ngài càng có thể không nên tặng cho ông ấy”. Quý Trát lập tức nói: “Tử ngô dĩ tâm hứa chi. Khởi dĩ tử bội ngô tâm tai?”. Cái tâm này của ta đã khởi lên ý nghĩ muốn tặng kiếm cho ông ấy rồi, cho nên ta phải giữ chữ “tín” này. Sao có thể bởi vì ông ấy chết mà làm trái chữ “tín” trong tâm ta chứ?
Người xưa không những lời nói ra phải giữ lời mà ngay cả ý nghĩ của mình, họ cũng có thể giữ chữ “tín” đến cùng. Cho nên, chúng ta từ thái độ đối với chữ “tín” của người xưa mà cảm thấy rất hổ thẹn. Chúng ta nếu thấy người hiền phải theo cho kịp. Sau này, khi chúng ta nhận lời người khác việc gì thì phải thận trọng, tỉ mỉ, từng giây, từng phút phải làm tròn chữ “tín” này.
Tốt rồi! Tiết học này chúng ta trước tiên chỉ học đến chỗ này. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 29/40)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh