GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp
Tập 31/40
Chúng ta vừa đề cập đến khoa mục quan trọng thứ hai trong việc tu thân, đó chính là: “Hành đốc kính”. Hành vi của chúng ta phải đốc thực, phải cung kính. Chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật đều phải có tâm cung kính.
Phần trước, chúng ta đã đề cập đến việc cung kính đối với người nhất định phải bắt đầu thực hiện từ gia đình. Trong gia đình, trước tiên nhất định phải hiếu thuận cung kính cha mẹ của chính mình. Tiếp theo, mở rộng ra đến cung kính anh chị em, trưởng bối. Chúng ta cũng vừa nói đến trong cuộc sống đều là thực tiễn một thái độ cung kính. Sau cùng, chúng ta cũng đã nói đến việc cúp điện thoại thì nhất định phải để người lớn cúp trước, sau đó chúng ta mới được cúp. Mỗi chút đều là để trưởng dưỡng tâm cung kính của trẻ.
Trong “Đệ Tử Quy” lại nói: “Sắp vào cửa, hỏi có ai”. Muốn vào nhà một ai đó, chúng ta nên gọi điện trước xem họ có ở nhà hay không. Khi gọi điện cũng nên hỏi xem người ta có thuận tiện hay không, không nên nói: “Bây giờ tôi qua có được hay không vậy?”. Bạn gấp rút như vậy thì người ta cũng đành nói: “Ờ được, cũng được”. Bạn chính là “thính tư thông”, nghe người ta nói “cũng được” nghĩa là rất miễn cưỡng. Lúc này thì bạn phải chủ động hỏi xem có phải người ta chút nữa có việc gì hay không, nếu như không tiện thì ta đổi sang một thời gian khác. Như vậy thì người ta mới không cảm thấy đường đột.
Bất luận là bạn đến thăm hay gọi điện thoại thì cũng phải tôn trọng cung kính về thời gian, không nên vào thời gian ăn cơm, cũng không thể vào thời gian quá trễ. Nếu đến vào thời gian ngủ thì là bạn không biết suy nghĩ cho người khác, không tôn trọng người khác. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn từ chính mình mà bắt đầu làm. Đúng lúc vào giờ cơm, bạn lại gọi điện cho người ta, người ta mới ăn được muỗng cơm thì cũng không biết phải nói với bạn làm sao. Bất kỳ thời gian nào gọi điện thì câu đầu tiên bạn cũng nên hỏi xem có thuận tiện hay không. Khi bạn lúc nào cũng đều có thể cung kính như vậy, người khác giao thiệp với bạn mới cảm thấy dễ chịu, mới không có áp lực. Cho nên phải từ mình mà bắt đầu làm. Khi ngôn ngữ của chúng ta biểu lộ ra sự cung kính thì con cái ở bên cạnh cũng sẽ học được những lời nói cung kính. Việc này có hiệu quả một cách âm thầm.
Khi vào nhà, trước tiên chúng ta cũng phải hỏi, phải gõ cửa. Hoặc giống như chúng ta xem “Thương Đạo” trong Hàn kịch, trước tiên lên tiếng nói: “Đô Phòng đại gia! Tôi là Thượng Ốc”. Đợi người trong nhà trả lời, bảo chúng ta vào nhà thì chúng ta mới bước vào. Nếu như họ bảo chúng ta đợi một chút, thì chúng ta liền cung cung kính kính mà ở đó đợi.
Khi bạn đi vào nhà người khác, lầu một không có người, vào lúc này bạn có thể tiếp tục đi lên nữa hay không? Nhìn thấy không có người, bạn lại chạy tiếp lên lầu hai. Kết quả đúng lúc người ta trở về: “Bạn sao lại ở trên lầu nhà tôi?”. Cho nên, chúng ta phải hỏi xem có ai ở nhà không. “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”.
Rất nhiều động tác bạn không thể tùy tiện, nếu không sẽ tạo thành sự hiểu lầm cho người khác. Sự cung kính vẫn là phải cung kính đến chỗ không còn hiềm nghi, tránh được sự hoài nghi của người ta đối với bạn. Cho nên có một câu nói: “Lý hạ bất chỉnh quan, qua điền bất nạp lữ”. Có nghĩa là qua vườn dưa, bạn không nên ngồi xuống chỉnh lại giày. Bởi vì dưa mọc ở dưới đất, nếu như người ta nhìn từ xa thì nghĩ mình đang ăn trộm dưa của người ta. “Lý hạ bất chỉnh quan”, khi cây mận đang có trái, bạn chỉnh lại nón mão, người ta nhìn thấy dường như là mình đang hái mận của họ. Phải nên tránh hiềm nghi.
Khi bạn bước vào nhà của ai đó, vẫn còn chưa xác định được là có người hay không, nhất định bạn phải nói: “Có ai ở nhà không?”. Gọi mấy tiếng mà không có ai trả lời thì bạn không nên bước vào. Cho nên, những điều này đều là luôn biểu hiện sự cung kính.
“Dùng đồ người, cần mượn rõ”. Đồ vật đều có chủ. Muốn sử dụng bất kỳ một món đồ gì, bạn nhất định phải có được sự đồng ý của người khác thì mới được lấy. Bạn không thể dùng đồ của người khác xong rồi, sau đó đúng lúc người ta đi đến, bạn mới nói: “Cho tôi mượn dùng một chút”. Người ta nhìn thấy tuy gật đầu nhưng sắc mặt sẽ khó coi. Hiện tại có rất nhiều người hay mượn bút của người khác, trực tiếp cầm bút lên rồi nói: “Cho tôi mượn cây bút này được không?”. Người ta có thể nói “không” được hay không? Việc này là không đủ cung kính. Phải nên nói: “Anh có thể cho tôi mượn cây bút được không?”. Người ta muốn cho mượn cây bút nào thì để người ta lấy. Nói không chừng, cây bút đó người ta quen dùng, người ta không thích bạn lấy cây bút đó mà bạn vẫn cứ lấy cây bút đó thì sao? Cho nên phải luôn luôn suy nghĩ cho người khác, không nên làm việc tùy theo ý muốn của mình.
Ngoài việc cung kính đối với người, còn phải cung kính đối với vật. “Cẩn” trong “Đệ Tử Quy” của chúng ta chính là cung kính đối với vật.
CẨN
“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ” là cung kính đối với cái gì? Đối với thời gian có cần cung kính hay không? Thời gian là vàng bạc, vàng bạc khó mua được thời gian. Khi cuộc đời chân thật nắm được căn bản của việc lập thân xử sự, nắm được giá trị của nhân sanh, bạn sẽ đột nhiên cảm thấy được thời gian là vô cùng quý giá, thời gian thật sự là không đủ dùng. Bạn đều muốn có được nhiều thời gian để tận hiếu đạo, có nhiều thời gian để đóng góp công sức cho gia đình, cho xã hội. Bạn đều cảm thấy bản thân nếu như có thể biến thành mười người thì tốt biết bao nhiêu. Cho nên, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, phải hình thành cho trẻ thái độ quý trọng thời gian.
Có một người cha phát hiện con của mình cả ngày cứ chơi bời lêu lổng, ông cũng không ngay lập tức ngăn cản nó. Có một hôm, ông lấy một cây roi dài, khoảng chừng tám mươi phân. Ông nói với đứa con của mình: “Con trai à! Cuộc đời một con người chẳng bao nhiêu năm, cũng giống như là cây roi dài tám mươi phân này vậy. Ví dụ như con có thể sống được tám mươi năm, vậy thì hai mươi năm đầu của chúng ta không có khả năng cống hiến đối với gia đình, cống hiến đối với xã hội, đều còn phải nhờ cha mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ, cho nên hai mươi năm này là không thể tận được hết tâm sức”. Ông liền cầm chiếc búa lên chặt bỏ đi hai mươi năm, chặt bỏ hai mươi phân. Đứa con này trong lòng chấn động một chút. Tiếp đến, người cha lại nói: “Sau sáu mươi tuổi thì thân thể của chúng ta già yếu đi, phải nhờ đến người khác phụng dưỡng, cho nên hai mươi năm phía sau này cũng vô dụng”. Ông liền chặt bỏ đi hai mươi phân. Đứa con lại giật mình. Tiếp đến, người cha lại nói: “Một người thì một phần ba thời gian trong một ngày là dùng để ngủ, cho nên một phần ba của phần còn lại này cũng phải bỏ đi”. Ông lại chặt bỏ đi hai mươi phân. Đứa con này bắt đầu có một chút hoang mang luống cuống. Tiếp đến, người cha lại nói: “Con mỗi ngày còn phải ăn ba bữa, còn phải tắm rửa, và bao nhiêu việc lặt vặt”, rồi lại chặt bỏ thêm một khúc. Đứa con liền nói với cha: “Cha à! Cha đừng chặt nữa, con biết rồi!”. Người cha lại nói: “Con không biết đâu. Con xem, con cả đời còn bị bao nhiêu lần bệnh, cho nên phải bỏ bớt đi khoảng thời gian này nữa”. Ông tiếp tục chặt bỏ nó đi.
Các vị bằng hữu! Cây roi tám mươi phân này còn dư lại bao nhiêu? Còn dư lại đoạn nhỏ này mà còn phải làm bao nhiêu việc, còn dư lại đoạn nhỏ này mà còn phải nâng cao học vấn, còn phải phụng dưỡng cha mẹ, dưỡng dục con cái, phụng hiến xã hội. Thời gian ngắn như vậy mà phải làm bao nhiêu việc, còn tiêu tốn việc gì nữa không, còn tiêu pha nữa hay không? Cho nên, khi chúng ta thời thời khắc khắc diễn xuất ra thái độ vô cùng trân quý thời gian thì sẽ làm ra cho con của bạn một tấm gương tốt.
Tôi rất ít khi nhìn thấy cha tôi vui chơi chè chén. Hễ có thời gian rảnh thì cha tôi liền mở sách ra. Cho nên chân thật là hành nghi của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với con cái. Khi cha mẹ có thái độ như vậy, khi con cái đang lãng phí thời gian, chúng sẽ cảm thấy toàn thân không dễ chịu. Cho nên, đối với thời gian phải cung kính.
Tiếp theo, chúng ta xem: “Sáng rửa mặt, phải đánh răng. Tiểu tiện xong, rửa tay sạch”. Xem trở lại chữ “cẩn” này dường như là một quy củ đối với cuộc sống của chính mình, trên sự thực cũng sẽ tự nhiên ảnh hưởng người khác. Việc buổi sáng thức dậy rửa mặt, đánh răng nghĩa là lễ kính đối với thân thể của chính mình, ngoài ra cũng là lễ kính đối với cha mẹ. Thân thể này là từ cha mẹ sinh ra. Khi bạn rất sạch sẽ chỉnh tề, người khác sống chung với bạn cũng cảm thấy vui vẻ. Nếu như bạn thường hay bẩn thỉu lôi thôi, đi vệ sinh xong không biết rửa tay, người khác đều không dám tiếp cận với bạn. Bạn còn khiến người khác sanh phiền não. Bạn đưa tay ra bắt tay với người ta, người ta sẽ giật mình. Cho nên tự mình cần phải gọn gàng sạch sẽ, đồng thời cũng là ảnh hưởng người khác. Ta và người không hai. Cho nên chữ “cẩn” này xem ra là vì chính mình, trên thực tế cũng là vì suy nghĩ cho người khác, không để cho người khác khó chịu, không để cho người khác phiền não.
“Mũ phải ngay, nút phải gài”. Lễ kính đối với quần áo.
“Vớ và giày, mang chỉnh tề”. Cho nên đối với quần áo, giầy mũ của chính mình, chúng ta cũng phải cung kính. Tương tự như vậy, khi chúng ta cung kính đối với quần áo cũng là cung kính đối với người khác.
Ví dụ, hôm nay thầy Thái lúc lên lớp giảng mà mặc quần short thì các vị nhất định sẽ rất khó chịu. Vậy là tôi tạo phiền não cho người khác, đúng hay không? Giả sử cà vạt của tôi đeo lệch sang một bên thì các vị cũng sẽ không nghe giảng. Nhìn thấy những thứ lôi thôi như vậy, các vị sẽ cảm thấy không thoải mái. Cho nên, chăm nom tốt cho chính mình cũng là một sự tôn trọng đối với người khác.
“Nón quần áo, để cố định. Chớ để bừa, tránh dơ bẩn”. Tất cả những thứ của mình phải được xếp đặt gọn gàng. Xem ra giống như suy nghĩ cho chính mình nhưng bởi vì con người ta không thể sống một mình, bạn tập thành thói quen tốt như vậy, người trong nhà của bạn cũng sẽ không vì việc bạn đi đến đâu vứt đồ đạc lung tung đến đó mà bị phiền nhiễu. Đến khi đi học đại học, bạn ở chung với rất nhiều bạn bè đồng học trong phòng ký túc xá, bạn có thói quen như vậy thì cũng gây ra phiền não cho người khác. Tập thành thái độ làm việc tốt cho con cái đồng thời cũng là tôn trọng đối với người khác. Cho nên, ta và người đích thực là ảnh hưởng lẫn nhau. Ta và người không hai.
“Áo quý sạch, không quý đắt. Hợp thân phận, hợp gia đình”. Đây cũng là cung kính đối với quần áo. Không nhất định phải mua những thứ đồ quá đắt đỏ. Quần áo quan trọng nhất là phải ngay ngắn, sạch sẽ. Khi bạn cung kính đối với quần áo, thường xếp gọn gàng, giặt giũ sạch sẽ, bạn đối với nó tốt thì nó cũng tốt đối với bạn. Cho nên yêu thương người thường được người yêu lại, kính trọng người thường được người kính trọng lại. Thiên địa vạn vật cũng giống như một tấm kính vậy, phản chiếu lại thái độ của bạn. Bạn mỉm cười với nó thì nó mỉm cười lại.
Tôi đã từng đi thăm Kỷ Niệm Quán của lão sư Lý Bỉnh Nam. Quần áo của Ngài đều mặc mấy mươi năm nhưng nhìn thì vẫn còn rất sạch sẽ, bởi vì Ngài có tấm lòng yêu thương chúng. Cho nên, khi chúng ta có tấm lòng yêu thương đồ đạc thì đều có thể sử dụng được rất lâu dài. Một khi đồ đạc của bạn có thể sử dụng được lâu dài thì cuộc đời này của bạn sẽ trải qua những ngày tháng rất nhẹ nhàng. Bởi vì không xài tiền thì ngày tháng sẽ nhẹ nhàng vì không cầu người.
Một đứa trẻ có thể không cầu ở người thì nó có thể thanh liêm giữ đạo. Một đứa trẻ không biết yêu thương đồ vật, trong cuộc sống mỗi ngày cần phải dùng rất nhiều tiền bạc thì người ta sẽ lợi dụng sự hám lợi để dẫn dụ chúng. Đến lúc đó, chúng sẽ bị nguy hiểm.
Chúng ta nói: “Tiết kiệm dưỡng thanh liêm, cần cù bù thông minh”. Tiết kiệm trân quý đồ đạc mới có thể trưởng dưỡng tâm liêm khiết của chúng. Thánh Hiền nhân xưa nhìn sự việc đều từ chỗ căn bản nhất mà bắt đầu nắm bắt. Từ khi trẻ còn nhỏ, bạn đã dạy cho trẻ thái độ tôn trọng đồ vật, biết tiết kiệm thì về sau sẽ thành tựu được đức hạnh liêm khiết, biết giữ đạo cho chúng.
Tiếp đến, “Đệ Tử Quy” nói: “Với ăn uống, chớ kén chọn. Ăn vừa đủ, chớ quá no”. Đối với đồ vật, chúng ta cũng nên cho trẻ biết, có được nó không phải dễ, không nên kén cá chọn canh. Bạn mà để trẻ nhỏ kén chọn một lần thì chúng sẽ kén chọn cả đời. Cho nên nếu chúng kén ăn thì bạn phải kiên trì nguyên tắc để cho chúng phải ăn. Trong giáo dục có một điểm mấu chốt gọi là “thận ư thủy”, nghĩa là cẩn thận khi bắt đầu. Khi chúng ăn uống không chọn lựa, ăn uống cân bằng thì sức khỏe rất tốt. Nếu như chúng thường kén ăn thì cũng sẽ tổn hại đến dạ dày. Khi bạn tổn thương dạ dày, không giữ gìn dạ dày trong tình trạng tốt thì dạ dày cũng sẽ đình công đối với bạn: “Tôi không làm việc nữa”. Cho nên, bạn ăn uống lung tung là không tôn trọng đối với dạ dày, vậy thì dạ dày cũng không tôn trọng đối với bạn.
Ngoài ra, việc đi đứng nằm ngồi đều phải có tâm cung kính. “Đệ Tử Quy” nói: “Đi thong thả, đứng ngay thẳng”. Chúng ta nói, đi đứng nằm ngồi đều phải có oai nghi. Đây cũng là tâm cung kính đối với chính mình và người khác. Cho nên, đi đường chúng ta nói: “Đi như gió, ngồi như chuông, đứng như tùng”, và còn “nằm như cung”.
Tướng nằm
“Nằm như cung” rất quan trọng. Thế ngủ cát tường này giúp chúng ta ngủ dậy sẽ cảm thấy rất dễ chịu, chất lượng giấc ngủ rất tốt. Chúng tôi có một đứa cháu ngủ hay nằm sấp, chính là nằm sấp ngủ giống như hình chữ “đại”. Cháu ban đêm thường xuyên nói mớ, ngủ không được yên ổn. Các vị có biết ngủ như vậy thì tất cả cơ quan trong thân thể đều bị sức ép không? Tôi nhìn thấy mặt cháu cũng có vẻ bị lệch sang một bên luôn rồi. Vì vậy, không nên xem nhẹ những thói quen trong cuộc sống. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến trẻ nhỏ, bởi vì trẻ ngày ngày đều làm động tác như vậy.
Tướng đi đứng
Khi đi đường cũng phải “đi như gió”, cũng phải ngẩng đầu ưỡn ngực. Chúng ta hãy xem, dáng vẻ của người thế gian khi đi đường vẫn rất lạ thường. Có người thì niểng một bên vai mà đi. Lâu ngày dài tháng thì kết cấu thân thể của họ sẽ hư, sức khỏe cũng sẽ không tốt. Bởi vì tôi lúc còn nhỏ không học qua “Đệ Tử Quy”, cho nên tôi cũng là một người trong số đó. Nhưng hy vọng học trò và con cháu về sau không phải nuối tiếc giống như tôi. Giống như tôi đứng không đứng, ngồi không ngồi, thời gian lâu dài làm hỏng cả khớp xương. Khớp xương mà lệch thì sẽ chèn ép lên cơ bắp và dây thần kinh, cho nên chúng ta thường hay mệt chỗ này, mỏi chỗ kia. Tôi chỉ cần lên giảng đài đứng thì không mệt mỏi nữa, bởi vì những điều chúng ta nói đều là giáo huấn của Thánh Hiền cho nên chúng ta có thêm chính khí. Mà có chính khí thì đả thông được kinh mạch. Nhưng sau khi tôi xuống khỏi giảng đài thì không chắc, xuống giảng đài thì phải đi lại cho đàng hoàng, nếu không thì vẫn là vai mỏi lưng đau.
Chúng ta hãy xem, trẻ con hiện tại đứng có giống đứng không? Chưa đứng yên thì chúng đã dựa vào một cái gì đó rồi. Nhìn thấy bậc thềm thì chân chúng lại muốn bước lên xem thử, có phải không? Rất nhiều sự việc như vậy. Ví dụ như người lớn nói chuyện với người khác thì đứng như thế nào? Con trai thì phải đứng cho giống dáng vẻ của một đại trượng phu: Chân đứng rộng bằng vai, đầu đội trời, chân đạp đất. Bạn đứng như vậy nói chuyện với người ta thì rất có khí thế, người ta cũng rất tôn trọng bạn. Nếu như bạn không đứng cho đàng hoàng, có thể bạn đứng như thế này, tạo cho người ta cảm giác như thế nào vậy? Bạn có vẻ khinh mạn, họ cảm giác bạn rất là ngạo mạn. Bạn đứng như vậy mà bàn chuyện làm ăn với người ta, kiểu như “anh cứ nói đi, tôi nghe thử xem nào”, thì có ai muốn bàn chuyện làm ăn với bạn chứ!
Khi đứa trẻ có thói quen cứ đứng xiêu vẹo, có cái gì thì chúng liền dựa vào một chút, cột sống sẽ bị cong đi. Sau khi cột sống cong rồi thì cả đời chúng sẽ khổ. Hiện tại, số người bị cong cột sống rất nhiều, phải tốn tiền còn phải chịu khổ. Bạn đi chỉnh hình cột sống, người ta nắn xương lại cho bạn. Thật sự là tốn tiền để chịu khổ! Bởi vì sao mà con người hiện nay lại có hiện tượng như vậy? Kỳ thực căn nguyên vẫn ở việc từ nhỏ, người ta đã không tập thành tư thế đúng trong lúc đi đứng nằm ngồi.
Tướng ngồi
Tiếp đến, ngồi phải có tướng ngồi. Chúng ta xem thấy có rất nhiều trẻ nhỏ khi ngồi xuống thì tư thế như thế nào vậy? Nằm úp lên bàn, thật là nghiêm trọng đến như vậy! Có đứa thì chống cằm, dựa như thế này rồi đọc “Đệ Tử Quy”. Chúng ngồi xiêu vẹo như vậy thì trong tâm đã mất đi sự cung kính, cho dù học thế nào đi nữa thì cũng chỉ là học cho có. Chúng không cung kính đối với sách, không cung kính đối học tập. Cho nên ngồi thì phải ngồi cho vững, phải ngẩng đầu ưỡn ngực. Việc này bạn đều phải cần một khoảng thời gian để uốn nắn trở lại, chúng nhất định sẽ làm được. Khi bạn ngồi được thật ngay ngắn thì tinh khí thần đều rất tốt, hiệu quả của việc học tập nhất định sẽ tốt. Nếu đứa trẻ mà ngồi xiêu xiêu vẹo vẹo thì đảm bảo mười lăm – hai mươi phút sau là bắt đầu hôn trầm (buồn ngủ).
“Chớ đạp thềm”. Ngày trước nói, khi vào cửa không thể đạp lên ngạch cửa, đó là không cung kính. Bây giờ thì người ta không làm ngạch cửa nữa. Vậy bây giờ không có ngạch cửa thì trẻ có còn đạp lên nữa hay không vậy? Vẫn còn đạp. Chúng đạp cái gì vậy? Rất nhiều bức tường, dưới chân tường đều bị in rất nhiều dấu chân đạp lên. Đó đều là thói quen không tốt. Khi chúng tôi lên lớp giảng, có một số học sinh còn đạp lên ghế hoặc bàn của bạn học ngồi ở phía trước. Đây đều là quá tùy tiện rồi. Chúng ta phải kịp thời sửa đổi.
Còn một động tác gọi là: “Không đứng nghiêng”. Chữ “đứng nghiêng” này chính là hai chân cứ chùng lại, chùng tới chùng lui, còn không thì rung rung cái chân. Hiện nay, chúng ta quan sát, trong mười người lớn thì cũng hơn một nửa đều rung đùi. Khi chúng tôi lên giảng, có một số thầy cô ngồi ở phía trước rung đùi, phía sau thì không rung. Các thầy cô ngồi phía sau nhìn thấy nhất định nhức đầu lắm vì nhìn thấy người phía trước cứ lắc lắc, làm phiền đến người khác. Không chỉ là phiền người khác, chúng ta cùng nhau suy nghĩ, vị giáo viên này có thể chú tâm nghe giảng được không? Vì sao mà người ta hay rung chân? Bởi vì tâm họ dao động bất an. Con người hiện nay thật là vất vả, tâm đều bất an. Cho nên chúng ta hãy cùng quan sát, khi chúng ta tự mình rung lên như vậy, có phải bản thân đang rất là nóng ruột, có phải là tâm không thể định trở lại? Thói quen này không thể một sớm một chiều mà có thể sửa đổi trở lại, phải luôn luôn nhắc nhở chính mình.
Khi bạn nói chuyện với người khác, vừa nói chuyện mà lại vừa rung đùi, đối phương sẽ cảm thấy thế nào? “Bạn có phải là không kiên nhẫn khi nghe tôi nói chuyện hay không?”. Giả như bạn bàn chuyện làm ăn với người ta, vừa nói lại vừa rung đùi, thì tôi nghĩ người ta sẽ phải suy nghĩ lại. Cho nên khi trò chuyện với người ta, bàn công việc làm ăn với người ta, chúng ta tuyệt đối cũng phải có sự oai nghi của mình trong đó. Đứng có tướng của đứng, ngồi có tướng của ngồi thì người ta mới sinh khởi được tâm ý tôn kính cung kính đối với bạn từ đáy lòng. Cho nên, dù đi đứng nằm ngồi, chúng ta đều phải luôn giữ tâm cung kính.
Đối với thời gian, đối với thân thể của mình, đối với sách vở, đối với đi đứng nằm ngồi của chính mình, chúng ta phải luôn có tâm cung kính. Ngoài những việc này ra, chúng ta lại xem tiếp, đối với thiên địa vạn vật, phải cung kính; đối với động vật, phải cung kính. Chúng ta là Thiên – Địa – Nhân tam tài. Con người phải thể hiện ra cái đức của thiên địa, đối với vạn vật phải có thể trưởng dưỡng, phải có thể bảo vệ chúng. “Thiên” là bảo vệ vạn vật, “địa” là cưu mang vạn vật, phải có tấm lòng khí khái này.
Truyền hình là đại ma vương
Có một bài báo viết về kết quả trắc nghiệm của một ngôi trường mầm non nổi tiếng ở Bắc Kinh. Gọi là trường mầm non nổi tiếng bởi vì phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền. Ngôi trường mầm non này đã làm một trắc nghiệm hỏi các em nhỏ một vài câu hỏi, trong đó có một câu hỏi như thế này: “Giả sử hôm nay em đi trên đường thì đúng lúc gặp mưa, nhiệt độ lại rất lạnh, có một con mèo nhỏ đang lạnh run cầm cập, co ro một nơi. Các em nhỏ! Các em sẽ làm gì?”. Các vị bằng hữu, các vị sẽ làm gì? “Ôm con mèo đem về”. Xin hãy cho vị này một tràng pháo tay, rất có tấm lòng yêu thương. Theo kết quả điều tra, có đến 61% em trả lời là: “Giết chết nó”. Đây là bài báo đăng trong tập san giáo dục. Vả lại, không những là nói sẽ giết nó mà còn nói cụ thể cách giết chết nó. Người điều tra nghe xong mà ngẩn cả người ra, không ngờ các em hiện nay lại nghĩ đến những điều như vậy. Có em nói: “Lấy điện giật chết nó”. Có em thì nói:“Dùng chân đạp nó”. Có em thì nói: “Lấy gậy đập nó”.
“Người giác thì sợ nhân, người mê thì sợ quả”. Nguyên nhân là do đâu? Các vị bằng hữu! Chúng ta chau mày cũng vô dụng. Phải từ trên nguyên nhân mà bắt tay vào làm, nếu không thì về sau, trẻ con như vậy càng ngày càng nhiều. Chúng không có tâm yêu thương, chúng đã học bạo lực từ đâu vậy? Từ truyền hình. Đúng vậy! Cho nên truyền hình được gọi là ma vương. Thật vậy, giáo viên chúng ta có cao minh đến mấy cũng không thể dạy giỏi hơn ma vương, vì sao vậy? Chúng ta lên lớp bốn mươi phút, học trò mà chăm chú được hai mươi phút thôi thì cũng là hay lắm rồi. Nhưng khi trở về nhà, chúng xem truyền hình suốt hai tiếng. Cho nên người làm thầy cô cũng phải bó tay hết cách, dạy không lại với đại ma vương. Cho nên phải phòng ngừa sự ô nhiễm cho trẻ, để chúng xem truyền hình thì phải cẩn thận lựa chọn chương trình. Đối với sát đạo dâm vọng, bạo lực sắc tình, chúng ta đều tuyệt đối không để chúng tiếp xúc. Bởi vì một khi chúng đã bị ô nhiễm thì bạn muốn kéo chúng trở lại cũng không phải là một việc dễ dàng. Cho nên, người làm cha mẹ phải phòng ngừa sự ô nhiễm cho con cái.
Hiện tại, trẻ con thích xem nhất là phim hoạt hình gì vậy? Siêu nhân Điện Quang, hai bên vai nhọn nhọn, trên đầu cũng nhọn nhọn, khắp người đều là vũ khí. Con gái hiện nay cũng rất bạo lực vì từ nhỏ, các em đã xem những thứ như vậy. Bề ngoài, trẻ nhỏ xem thấy những nhân vật đó đều là hóa thân của chính nghĩa đi trừng phạt những thế lực xấu ác. Thực ra, xem lâu ngày thì trẻ nhỏ đã hình thành một ý niệm: “Vũ lực có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề”. Cho nên, hễ một chút là chúng động tay động chân.
Có một em gái mới học lớp bốn, đang học “Đệ Tử Quy”. Em gái của em đang học lớp hai. Có một hôm, em gái của em nói với mẹ: “Con muốn giết người”. Cô chị liền nghĩ: “Em gái của mình học “Đệ Tử Quy” mà sao lại học thành ra như vậy?”. Thế là cô chị liền bắt đầu dạy lại cho đứa em từng điều từng điều một. Thầy của cô bé đã dạy em rất tốt. Cô bé đã đem những điều học được dạy lại cho đứa em.
Chân thật, hiện tại trẻ con đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Chúng ta phải mau mau dạy lại, phải mau ngăn chặn ngay từ đầu, đem loại trừ hết những thứ không tốt. Cho nên, từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta nên loại trừ truyền hình khỏi chúng. Trẻ một khi đã được mười mấy tuổi rồi thì bạn không thể ngay lập tức ngăn cấm được. Không chừng, con cái các vị lại đến tìm tôi để đánh nhau với tôi. Chúng sẽ nói: “Mẹ em do nghe lời của thầy”. Cho nên phải trình tự mà tiến. Giả như nó xem bốn tiếng đồng hồ thì bạn nói với nó: “Bắt đầu từ tuần sau, con chỉ xem ba tiếng đồng hồ”. Qua một tháng thì bạn chỉ cho xem hai tiếng đồng hồ. Nhưng mà trong quá trình này, bạn nên đem một số đĩa giáo huấn hay để cho chúng xem, cũng thử xem chúng có muốn nghe tôi giảng bài hay không. Nếu nghe thử mà chúng cảm thấy cũng rất có thu hoạch, như vậy thì dần dần bạn chuyển dịch chúng từ việc xem bạo lực, xem tình cảm sướt mướt, những câu chuyện về việc yêu sống yêu chết, chuyển đến việc có thể huân tập những giáo huấn của Thánh Hiền. Chúng mà không xem truyền hình nữa thì sẽ không bị ô nhiễm.
Tiếp đến, chúng ta nâng cao trí huệ cho bản thân con cái, nâng cao đức hạnh của chính bản thân chúng. Một người thật sự có đức hạnh và học vấn chân thật thì niềm vui sẽ không từ bên ngoài vào, mà từ bên trong phát xuất ra.
Ngoài ra, cuộc trắc nghiệm đã hỏi các em mẫu giáo một vấn đề nữa là: “Giả sử có một bạn học bị bệnh sốt rất cao, bệnh tình rất nặng. Em có bằng lòng đem áo khoác của mình cho bạn mượn để mặc hay không?”. Câu đầu tiên, các em mẫu giáo trả lời là: “Nếu em cho bạn ấy mượn thì mẹ sẽ mắng em”. Câu thứ hai, chúng nói: “Nếu em cho bạn ấy mượn mà bạn làm mất của em thì làm sao?”. Bọn trẻ đều nghĩ đến điều này đầu tiên. Câu thứ ba, bọn trẻ nói: “Em cho bạn ấy mượn, bạn sẽ lây bệnh cho em”.
Không cần phải đợi đến khi chúng bước ra xã hội, trẻ còn nhỏ như vậy mà tâm từ bi tâm nhân từ của chúng đã bị người lớn nhổ hết gốc rễ rồi. Người tính không bằng trời tính. Trẻ nhỏ mà hoàn toàn không có tâm nhân từ thì ai là người gặp nạn đầu tiên vậy? Chính là cha mẹ. Con người không có trí huệ thì cuộc đời đúng là khổ không thể nói. Chúng ta dạy trẻ nhỏ không biết nhân từ, đến sau cùng chúng ta nhận phải là quả ác. Chúng tuyệt đối sẽ không đối xử nhân từ với bạn. Cho nên hiện nay, bạn rất khó tìm được đứa con có hiếu, tìm không ra một đứa trẻ luôn biết quan tâm chăm sóc đối với cha mẹ. Việc này là do ai tạo thành? Chúng ta phải tự mình mà phản tỉnh.
Thật không dễ để học được lên đại học! Rất nhiều cha mẹ của sinh viên đã phải thắt lưng buộc bụng, hoặc đều phải vay mượn để cho con đi học. Cha mẹ hết lòng hết dạ để cho con cái được học hành. Đó không phải là một lòng một dạ đi thành tựu nhân cách của chúng hay thành tựu đạo đức cho chúng. Cho nên, mục tiêu mà sai thì kết quả cũng không có gì đáng nói.
Có một em sinh viên viết thư cho cha mẹ của mình. Con của họ một học kỳ viết ba lá thư. Độ dài của ba lá thư đó gộp lại cũng không dài hơn một bài báo điện tử, rất ngắn gọn. Cả lá thư đều viết rất là ẩu, chỉ có một chữ thì viết rất nắn nót: “Tiền”. Các vị sao mà cũng biết vậy? Không chỉ các vị biết. Khi chúng tôi đi đến diễn giảng ở trường trung học, vừa hỏi chữ đó là gì, chúng đều cùng nói một chữ: “Tiền”. Hiện tại, cha mẹ ở trong mắt chúng chỉ là người cung cấp tiền mà thôi. Chúng tôi nghe xong đều cảm thấy rất là hoang mang. Khi mối quan hệ phụ tử mà chỉ xây dựng trên một chữ “tiền” thì nó sẽ rất lung lay, bất kỳ lúc nào cũng có thể sụp đổ. Vì thế, vị phụ huynh đó nói: “Con mỗi học kỳ viết cho cha mẹ có ba lá thư. Thế nhưng con viết thư cho cô bạn học đồng hương thì lại triền miên bất tuyệt, lá thư nào cũng dày cộm”.
Bọn trẻ hiện tại không trọng nghĩa mà trọng lợi, lợi hại. Về sau thì sự việc lại diễn biến như thế nào? Diễn biến thành việc chúng làm ra các phiếu nộp tiền giả để đem về cho cha mẹ chúng. Vốn có thể chỉ cần nộp năm ngàn đồng thì chúng lại sửa thêm vài nghìn nữa. Cho nên, chúng ta nhìn thấy hiện tượng này không thể chỉ biết đau khổ mà phải tìm cho ra nguyên nhân. Nhân vẫn là cái gì? Vẫn là ở chỗ cha mẹ đã dạy sai. Đức hạnh làm gốc, tri thức kỹ năng chỉ là thứ yếu. Thứ tự này bị dạy sai rồi thì bạn hao tổn nỗ lực cả đời để rồi nuôi dạy ra một đứa con khiến bạn phải tức ói cả máu. Lúc đó, bạn kêu trời trời không hay, kêu đất đất không biết. Con người không khai trí huệ thì sẽ phiền não không ngừng. Cho nên từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta phải nên trưởng dưỡng tâm nhân từ, nhân hậu cho trẻ.
Chúng tôi ở Hải Khẩu thông thường cứ một tháng thì dắt bọn trẻ đi phóng sanh một lần, phải thực tiễn cho bọn trẻ. Chúng tôi cứ liên tục đi phóng sanh như vậy, phóng sanh những con như rùa, rắn nước. Con người chúng ta thật sự là rất lợi hại, lợi hại đến mức khiến cho vạn vật cũng phải bó tay với chúng ta. Những con bay trên trời, những con bò dưới đất, bơi trong nước, không con nào tránh khỏi. Cho nên con người chúng ta hiện tại bệnh tật rất là phức tạp.
Người nước ngoài thì không như vậy. Bạn xem, trong công viên ở nước ngoài, động vật có sợ con người hay không? Không sợ. Ở Úc Châu, người ta đối đãi với động vật vô cùng nhân từ. Đó là lý do tại sao Úc Châu rất đáng sống. Khi đi đến Úc Châu, tôi đã nhìn thấy đất đai của họ như thế nào, họ trồng rau trái như thế nào, cây trái lớn lên như thế nào. Hơn nữa, cây quả còn cho trái vừa lớn vừa ngọt. Bởi vì nhân tâm thiện lương cho nên mưa thuận gió hòa. Khi họ muốn mở một con đường, nếu phát hiện thấy trên những ngọn cây, nhành cây cần đốn hạ đang có tổ chim thì họ sẽ ngưng lại. Họ sẽ đợi những con chim này nở xong, đủ lông đủ cánh biết bay. Chim bay đi rồi họ mới đến để chặt cây xuống. Xin hỏi, chúng ta có làm được như vậy hay không?
Cho nên, khi chúng ta tôn trọng đối với vạn vật, vạn vật tự nhiên sẽ tôn trọng chúng ta. Khi chúng ta tôn trọng đối với đại tự nhiên, đại tự nhiên mới tôn trọng chúng ta. Khi chúng ta không tôn trọng đại tự nhiên, đại tự nhiên sẽ đáp trả lại là thiên tai kéo đến triền miên. Đích thực là phải trưởng dưỡng tâm nhân từ của trẻ đối với vạn vật, đối với đại địa ngay từ lúc chúng còn nhỏ.
Mỗi lần chúng tôi phóng sanh, các học trò nhìn thấy đều rất phấn khởi. Bởi vì khi được phóng sanh, những con rùa cũng đều không bỏ đi. Chúng cứ đứng ở đó lộn nhào vài vòng như biểu diễn cho bạn xem, như ở đó bày tỏ lòng cảm ơn với bạn. Chúng còn giương cao đầu lên nữa. Những con rắn nước cũng vậy, dường như chúng cũng đang ở đó dùng ngôn ngữ cơ thể của mình để nói với bạn: “Vô cùng cảm ơn ơn cứu mạng của bạn”. Bọn trẻ cũng cảm thấy được một cách trực tiếp sự cảm kích đó của các loài động vật đối với các em. Cho nên các em vừa thấy thì cũng rất hoan hỷ. Các em từ nhỏ liền đã cảm thấy được việc phải nên yêu thương động vật cũng giống như yêu thương bạn bè vậy.
Lúc phóng sanh, chúng tôi đã từng nhìn thấy một con rùa lớn mỗi bước đều quay đầu nhìn lại, thậm chí dường như nó đã rơi nước mắt. Ngay cả động vật cũng biết tri ân báo ân. Cho nên, con người chúng ta thì không thể nào lại không sánh bằng con vật, càng không thể tàn nhẫn vô lương tâm. Sư tử dù rất hung hăng nhưng khi chúng ăn no rồi thì các con vật khác nhảy qua nhảy lại trước mặt, nó cũng mặc kệ. Nó có sự tiết chế. Chúng ta nếu không khéo tiết chế thì sẽ tạo thành tình trạng sinh linh đồ thán. Cho nên vẫn là phải trưởng dưỡng tâm nhân hậu cho trẻ. Đối với động vật phải cung kính. Đối với đại tự nhiên, đối với thực vật cũng phải cung kính.
Tôi thường nói với học trò: “Khi các em đi leo núi, xin hỏi, ai là chủ nhân?”. Bạn không sống ở trên núi, đương nhiên bạn không phải là chủ nhân. Cây cối là chủ nhân, động vật là chủ nhân. Có ai đi đến nhà người ta lại ăn nói lớn tiếng không? Chúng ta giải thích đạo lý cho trẻ thì phải làm sao khiến cho chúng thể hội được dễ dàng. Bạn đi đến nhà người ta, bạn ăn nói lớn tiếng, người ta nói: “Làm gì có những đứa học trò vô lễ như thế! Làm gì mà không có gia giáo như vậy!”. Cho nên, đi lên núi thì cũng không thể kinh động đến những chủ nhân này, bạn cũng phải đi nhẹ nói khẽ chứ không thể ăn to nói lớn. Việc này là để trưởng dưỡng tâm cung kính của trẻ. Vả lại, tôi cũng nói với bọn trẻ: “Nếu như các em nói lớn tiếng, âm thanh có sóng thanh sẽ gây chấn động. Có lúc có những hòn đá vì tiếng nói của các em có thể bị rơi xuống, có thể sẽ gây nguy hiểm cho người khác”. Cho nên khi đi lên núi thì cũng phải có tâm cung kính.
Chúng tôi cũng thường nhìn thấy bọn trẻ cầm cây roi đập lên cây cối. Chắc là chúng coi phim võ thuật Thiếu Lâm Tự nhiều quá rồi nên thường hay làm tổn thương cây cối. Các vị bằng hữu! Nếu nhìn thấy tình trạng như vậy thì chúng ta phải làm sao? Nếu chúng ta lập tức đi đến nói: “Con chưa thực hiện được “Đệ Tử Quy”, mau đi về ngay cho ta!”, vậy thì bọn trẻ sẽ nói: “Xui thiệt! Vừa làm chút việc xấu đã bị nhìn thấy, lần sau nhất định sẽ không để cho họ nhìn thấy nữa”. Có phải vậy không?
Bạn trực tiếp trách mắng chúng một cách rất phẫn nộ, chúng có tiếp nhận hay không? Chúng sẽ không nhớ là chúng sai ở đâu. Chúng chỉ nhớ được là mình rất xui xẻo, lần sau sẽ cố gắng không để cho bạn nhìn thấy nữa là được rồi. Thật vậy, rất nhiều học trò đều có tâm thái như vậy. Chúng không phản tỉnh là việc chúng làm chưa tốt. Sự thông minh của chúng không phải là để lập thân hành đạo mà sự thông minh của chúng là làm thế nào để người ta không trông thấy.
Cho nên, ngay lúc đó chúng tôi án binh bất động. Đợi đến khi lên lớp thì chúng tôi mới bắt đầu chỉ dẫn cho các em. Tôi nói: “Các em học trò! Các em có biết con người cần thiết nhất là gì hay không?”. “Em ba ngày không ăn cơm, em vẫn có thể sống”. Các vị không nên thông minh quá như vậy, tôi còn chưa diễn xong mà. Tôi nói tiếp: “Các em mấy ngày không ăn cơm thì đói cũng không chết. Các em mấy ngày không uống nước thì cũng không chết. Nhưng mà có một thứ trong năm phút mà không có thì đảm bảo chúng ta sẽ mất mạng. Đó là gì vậy? Là dưỡng khí, là không khí. Cho nên không khí là ân nhân cứu mạng của các em, các em có biết không?”. Bạn không thể nói là không nhìn thấy không khí thì không biết ân đức của nó.
Xin hỏi: Dưỡng khí, không khí từ đâu mà có? Là nhờ vào tác dụng quang hợp của cây cối. Cây cối ở đó để giúp bạn hết ngày này tới ngày khác, ngày ngày cứu mạng của bạn. Bạn đối với chúng phải mang ơn đội nghĩa. Bạn lại đi lấy roi đánh cây cối, như vậy gọi là vong ơn bội nghĩa, lấy oán mà trả ơn. Làm gì lại có người như vậy chứ! Bạn có cần nói chúng sai hay không? Nhưng bạn phải đem đạo lý nói với chúng, bản thân của chúng sẽ tự phản tỉnh. Có ai mà muốn người khác nói mình là vong ơn bội nghĩa kia chứ! Cho nên, chúng tôi cũng thường dẫn dắt như vậy để chúng đối với vật, đối với động vật, thực vật đều có thể sinh khởi được tâm cung kính, thậm chí là tâm yêu quý.
Trong “Đệ Tử Quy” thì “Nhập Tắc Hiếu” (Ở nhà phải hiếu) chính là dạy cung kính, “Xuất Tắc Đệ” (Biểu hiện người em) cũng là dạy cung kính, “Cẩn” dạy cung kính, “Tín” dạy cung kính. Đối với lời nói, chúng ta có cần cung kính hay không? Cần. “Phàm nói ra, tín trước tiên”. Nói chuyện mà có lời ác khẩu, có ỷ ngữ đều là không cung kính. Cho nên “tín” từ đầu đến cuối vẫn là dạy chúng ta trong tâm phải có thái độ cung kính.
Tiếp theo, “Phiếm Ái Chúng” có phải là dạy cung kính hay không? Phải. Chúng ta hãy xem: “Phàm là người, đều yêu thương”, “Phàm là vật, đều yêu thương”. Đối với cha mẹ thì chúng ta phải cung kính. Đối với trưởng bối, chúng ta cũng đều phải cung kính. Còn có ai mà chúng ta phải cung kính nữa? Tất cả mọi người đều có cha mẹ. Khi chúng ta không cung kính đối với họ thì cha mẹ của họ cũng sẽ đau lòng. Cho nên chúng ta cần phải cung kính đối đãi với tất cả mọi người. Khi bạn cung kính đối với tất cả mọi người thì cha mẹ họ, người thân của họ sẽ vô cùng hoan hỷ. Bạn hôm nay đi đến nhà của bạn bè. Bạn rất tôn kính đối với cha mẹ của họ, hết sức quan tâm đối với cha mẹ của họ thì bạn của bạn sẽ có tình nghĩa sâu nặng với bạn hơn. Cho nên phải cung kính đối với tất cả mọi người.
Sự cung kính tuyệt đối không phải chỉ nói ở miệng mà phải thể hiện bằng hành động. Chúng ta nhất định phải dẫn dắt cho trẻ đối diện với già trẻ gái trai đều phải cung kính, phải giúp đỡ. Trên các phương tiện công cộng, chỉ cần nhìn thấy người già, thấy phụ nữ mang thai thì phải mau chóng nhường chỗ. Đây là áp dụng thực tiễn vào trong cuộc sống.
Chúng ta cũng cần tiến thêm một bước nữa để dẫn dắt trẻ nhỏ, đó là đối với những người tàn tật, những người khốn khổ trong cuộc sống, bạn càng phải cần cung kính. Bạn đối diện với một người tàn tật, bạn có thể nào lại biểu lộ ra ánh mắt khinh thường hay không? Bạn có thể nào cứ nhìn chằm chằm vào họ hay không? Như vậy đều không được. Bạn cứ nhìn chằm chằm thì họ sẽ rất khó chịu. Cho nên bất cứ lúc nào đối diện với người bị tàn tật, đối diện với những người rất khốn khổ thì tâm chúng ta phải sanh cung kính. Tiến thêm một bước là phải giúp đỡ họ trong cuộc sống. Cho nên, các vị có thể thường xuyên đưa con cái đến thăm cô nhi viện, đến viện dưỡng lão. Con cái sẽ có thể thấy được: “Thì ra ở trong xã hội vẫn còn có nhiều người như vậy đang cần sự giúp đỡ”. Tâm nhân từ của chúng sẽ được trưởng dưỡng.
Ngoài việc nhiều người cần đến tình yêu thương như vậy, đối với người xấu, chúng ta có cần phải yêu thương hay không? Đối với người xấu thì chúng ta có cần quan tâm hay không? Cần. Tôi còn nhớ vài tháng trước có xảy ra một vụ trọng án, là sự kiện Mã Gia Tước. Sự kiện Mã Gia Tước đã dẫn đến sự xem trọng của mọi người đối với giáo dục đạo đức. Bởi vì việc học của Mã Gia Tước rất tốt. Mã Gia Tước đã tham gia một số hoạt động thi đua toàn quốc và còn được giải. Nhưng ngược lại, Mã Gia Tước đã làm ra những sự việc không có cách nào cứu vãn được. Rất nhiều người xem thấy bài báo vụ việc này đều có chung một phản ứng là “Nếu bắt được thì hãy mau đem xử bắn! Người như vậy không thể nào tha thứ”. Tôi thường nghe được cách nói như vậy. Bởi vì chúng ta là người làm sự nghiệp giáo dục, khi chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ còn chưa bước ra xã hội mà lại làm ra một sự việc không thể nào cứu vãn nổi, chúng ta không trách em mà chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân. Nguyên nhân là ở đâu? Cuộc đời đứa trẻ này vẫn chưa cất cánh bay lên thì đã bị hủy hoại rồi. Giáo dục gia đình đã dạy em cái gì? Giáo dục của nhà trường đã dạy em cái gì? Giáo dục của nhà trường có dạy dỗ các em phải khoan dung như thế nào hay không? Có dạy làm sao để khống chế tâm tư? Có dạy suy nghĩ thay cho người khác như thế nào hay không? Các em không được học cách làm người, nên đã tạo ra sai lầm không thể cứu vãn trong cuộc đời.
Đối với người xấu, chúng ta cũng phải yêu thương, bởi vì con cái các vị đều học “Đệ Tử Quy” còn chúng thì không được học cho nên chúng không hiểu. Vì thế, bạn không những không thể phê phán các em mà bạn càng phải tự mình làm cho tốt “Đệ Tử Quy”, khiến cho các em nhìn thấy mà bị cảm động. Vậy thì bạn có thể ảnh hưởng đến những người này, có thể cảm hóa những người này. Cho nên, đối diện với người xấu, chúng ta cần phải khởi lên cái tâm yêu thương. Tiếp đến, chúng ta lấy thân làm gương để mà dẫn dắt các em.
Chúng ta hãy tỉ mỉ quan sát! Mã Gia Tước giả như được học qua “Đệ Tử Quy” thì em sẽ không làm như vậy. Bởi vì “phàm là người, đều yêu thương”, “lời nhường nhịn, tức giận mất”, không có ai dạy em những điều này. Xin hỏi, những bạn học bị giết có phải toàn bộ sai trái đều nằm ở Mã Gia Tước hay không? Cũng không phải. Vì sao mà những người bạn học đó lại rước phải cái họa sát thân cho mình vậy? Bởi vì chúng cũng chưa được học: “Anh thương em, em kính anh”, “không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”, không nên đi hiếp đáp người nghèo. “Khen người ác, tức là ác. Ác cùng cực, tai họa đến”. Bạn dùng lời nói khích bác em, đến sau cùng thì em sẽ tức nước vỡ bờ. Cho nên, việc học làm người là cấp bách không thể chậm trễ bởi điều này có thể ảnh hưởng cả một đời.
Trong những người bạn học đó có một đứa trẻ vốn dĩ có thể đã bị giết nhưng sau đó đã tránh được kiếp nạn. Bởi vì em bạn học này đã từng có một lần chủ động bới cơm dùm cho Mã Gia Tước. Chính nhờ tâm nhân từ này, tâm cung kính này mà em đã hóa giải được một đại tai kiếp của cả đời em. Cho nên, thưa các vị bằng hữu! Con cái, học trò của chúng ta có thể gặp dữ hóa lành thì phải xem tâm thiện của chúng.
Tốt rồi! Tiết học này chúng ta chỉ học đến đây. Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 31/40)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh