Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 36/40)

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 36/40

Xin chào các vị bằng hữu, chào mọi người!

Chúng ta vừa mới nói đến hành thiện. Hành thiện đầu tiên là “giữ tâm ái kính”. Có tâm kính yêu này thì hành vi của bạn đều ở trong thiện, đều ở trong đức. Thứ hai, chúng ta phải “kính trọng tôn trưởng”. Đối với người lớn, đối với người có đức hạnh, chúng ta phải cung kính, phải khiêm cung đối xử với họ. Thứ ba là “làm thiện cùng người”. Chúng ta có cái tâm này, luôn luôn đi giúp đỡ người khác làm việc thiện, có thể từ trên thái độ, từ trên ngôn ngữ, thậm chí là họ bỏ sức, bạn bỏ tiền, có tiền bỏ tiền, có sức bỏ sức, đây cũng là “làm thiện cùng người”. Thứ tư, “khuyên người làm thiện”. Cũng vừa mới nói đến, có thể dùng ngôn ngữ khuyên người, có thể dùng sách khuyên người. Thời đại hiện nay, điều quan trọng nhất là phải dùng hành vi, đức hạnh để cảm hóa người mới có thể khuyên bảo người khác.

Vào thời cổ đại, rất nhiều bậc Thánh Hiền rất biết cách khuyên người. Ngày xưa có một vị hiền giả tên là Quản Ninh, các vị có nghe qua “Quản Ninh Cắt Chiếu” chưa? Quản Ninh và một người bạn học của ông tên là Hoa Hâm cùng nhau đọc sách. Bên ngoài nhà lúc đó có người cưới vợ, rất náo nhiệt. Tiếng âm nhạc, gõ chiêng, đánh trống náo nhiệt truyền đến. Quản Ninh tiếp tục đọc sách của mình, còn bạn của ông Hoa Hâm lập tức đứng lên, bước đến bên cửa sổ, nhìn đông nhìn tây. Hiện tại trẻ nhỏ như vậy có nhiều không? Vừa có tiếng động nhỏ lập tức liền không chuyên tâm. Sau khi thấy người bạn này trở lại rồi thì Quản Ninh cầm một con dao, rạch từ ngay giữa, nói: “Bắt đầu từ hôm nay, tôi không làm bạn với anh nữa”. Quản Ninh rất biết nhìn ra tình trạng sau này của một người từ chỗ vi tế. Bởi vì một chút xíu âm thanh như vậy mà tâm của bạn đã không thể tĩnh được, thế thì bạn đọc sách Thánh Hiền chắc chắn rất khó khế nhập được.

Ngoài ra, có một lần, hai người trong lúc đang làm ruộng, dưới đất có một miếng vàng rất nhỏ. Quản Ninh tiếp tục cuốc đất, còn Hoa Hâm vừa nhìn thấy thì lập tức nhặt nó lên. Đây chính là nói, người có ăn học đối với những thứ vàng bạc này cho dù bày ngay trước mắt cũng bất động như núi. Nhưng Hoa Hâm vừa nhìn thấy, lập tức toàn bộ tâm cảnh liền cảm thấy rất thỏa lòng.

Tiên sinh Phạm Trọng Yêm lúc đi học ở trong một ngôi chùa, ngẫu nhiên phát hiện một đống vàng. Vào lúc đó, ông rất nghèo, chúng ta nói cơm cháo cầm hơi. Nấu một nồi cháo, sau khi nấu xong để cho nó tự khô, vò lại với nhau thành một cục lớn, sau đó lấy dao cắt ra, mỗi bữa ăn một phần. Trong tình trạng nghèo khó như vậy, phát hiện một đống vàng thì như thế nào vậy? Có phải mau mau đi mua chocolate để ăn không? Ông hoàn toàn không bị nó làm dao động. Ông đem nó lấp lại. Sau đó ông thi đỗ công danh, vì nhân dân phục vụ, hết lòng hết sức. Lúc đó có một nhân duyên, ngôi chùa này biết ông đã công thành danh toại liền đi tìm ông để hóa duyên. Phạm Trong Yêm nói: “Được rồi! Tôi quyên chừng đó tiền vậy”. Người nghe rất kinh ngạc: “Ông hiện nay cũng không có tiền nhiều như vậy mà!”. Ông nói: “Anh về cái góc nọ ở trong chùa mà đào, chỗ đó có một túi vàng”. Đi đào thì quả thật chính là cái túi vàng đó. Cho nên, một người khi còn chưa có danh, chưa có lợi, họ vẫn có thể không bị dao động bởi danh lợi, đây là công phu chân thật của người có học, gọi là “bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm”. Ông có công phu như vậy mới có thể ở trong quan trường phức tạp (hiện nay là thương trường), không dễ dàng, có thể “đi qua một rừng hoa mà thân không dính lá”. Không có đức hạnh chân thật, tôi thấy không thể qua cửa nổi rồi. Quả thật, những người có học này đã có nền móng rồi.

Quản Ninh nhìn thấy cái tâm ý này, những tập khí này của bạn mình, ông có thể suy ra kết luận người đó về sau nếu như bước vào quan trường sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta nói, bày một triệu ở trước mắt thì bất động, bày mười triệu ở trước mắt mà vẫn bất động, bày 100 triệu liền suy nghĩ lại xem. Cho nên con người đối với tài, nếu không thật sự hiểu rõ đạo lý thì rất có khả năng sẽ không ngăn nổi cám dỗ. Cho nên, học vấn vẫn phải đặt nền tảng thật sâu. Quản Ninh sau đó làm quan vô cùng nghiêm túc và rất thanh liêm. Ông cũng luôn luôn quan sát tình hình của nhân dân có những chỗ nào cần phải giáo hóa.

Có lần ông phát hiện người dân khu vực ông quản lý chỉ vì múc nước mà tranh tới tranh lui, thậm chí còn ra tay đánh nhau, bởi vì giếng rất ít cho nên mọi người xếp hàng, đến cuối cùng thì tranh chấp. Ông không có trực tiếp đến ngăn chặn, mà ông đi mua rất nhiều thùng nước mới. Lúc trời còn chưa sáng, ông tự mình cùng với một số người thuộc hạ múc nước này đổ vào thùng để ở bên cạnh giếng. Rất nhiều người dân vốn dĩ dự định hôm nay 4 giờ rưỡi phải đi, nếu không lại bị người ta chiếm mất vị trí. Khi mỗi người đi đều chỉ nghĩ mình phải nhanh chóng xông lên, nhưng khi đến bên giếng thì thấy người ta đều giúp họ múc nước xong rồi, bỗng nhiên nghĩ lại cái tình cảnh tranh tới tranh lui mỗi ngày, mỗi người đều bắt đầu sinh khởi tâm hổ thẹn. Bởi do Quản Ninh là quan phụ mẫu như vậy, ông biết dùng phương pháp thiện xảo đánh thức tâm hổ thẹn của nhân dân, do đó phong khí giúp đỡ lẫn nhau của toàn bộ làng quê liền dần dần hình thành. Cho nên khuyên người quả thật là phải có trí huệ cao độ.

Ở trong khoảng thời gian chung sống với chú Lư, tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều trí huệ khuyên người của chú. Tôi còn nhớ lúc ở Úc Châu, chúng tôi là tám – chín người ở cùng với nhau. Tám – chín người đàn ông ở chung với nhau sẽ rất lộn xộn. Không phải do tôi làm! Mỗi lần mọi người nói chuyện, cắn hạt dưa, ăn rất nhiều thức ăn, cuối cùng trên bàn là một bãi chiến trường, dưới đất cũng một đống, bồn rửa tay cũng một đống. Phải làm thế nào? Vào lúc này không cần đi tìm Khổng Minh, phải làm thế nào? Tôi nhìn thấy chú Lư chẳng nói một câu nào, bắt đầu ra tay lau chùi, bất kỳ chỗ nào cũng rất sạch sẽ, ngay cả bồn rửa tay sau khi chú dọn dẹp xong, một giọt nước cũng không có, một giọt nước cũng được chú dùng khăn lau rất sạch sẽ. Ngày thứ hai vẫn y như vậy, đến mấy bãi chiến trường. Chú Lư lại ung dung thản nhiên làm toàn bộ từ đầu đến cuối. Cứ như vậy đến ngày thứ năm, lúc mọi người đến chỗ đó ăn thức ăn, có một người liền mở miệng la lớn: “Người ta mỗi ngày làm rất sạch sẽ như vậy. Thái độ các anh là gì, vẫn xả ra như vậy à?”. Đầu mọi người đều cúi xuống. Từ đó về sau, không còn trường hợp chỗ này một bãi, chỗ kia một bãi nữa.

Chú Lư có nói gì không? Không nói. Chú lấy mình làm gương. Chú dùng thái độ trước tiên bắt đầu làm từ mình trước, đã đánh thức cái tâm xấu hổ của người khác, sau đó còn mượn lời của người khác đạt được hiệu quả khuyên mọi người. Cho nên, chúng ta vẫn phải dùng đức hạnh để cảm hóa người khác.

Tôi cũng nhìn thấy chú Lư đối với mỗi người quả thật đều rất quan tâm. Chúng tôi đi rồi, chú cũng rất đề bạt một số người trẻ tuổi. Tôi nhận được lợi ích lớn nhất. Vì sao vậy? Người khác muốn giúp đỡ bạn, bạn phải chịu tiếp nhận. Nếu không, cho dù Khổng Tử đứng ở trước mặt bạn cũng vô ích. Phải chịu tiếp nhận sự chỉ dạy thì mới được. Cho nên tôi rất cảm niệm lời chỉ dạy của chú. Mỗi ngày, chú kèm cặp chỉ dạy tôi. Lúc dắt tôi đi tản bộ, vừa đi tản bộ vừa chỉ dạy tôi từng li từng tí, rất nhiều trí huệ của cuộc đời chú. Những người trẻ tuổi khác, chú cũng có quan tâm, khuyên bảo họ, nhưng mà người tuổi trẻ hiện nay có một cái lỗi lầm là ngạo mạn, vẫn chưa có khả năng mà đã ngạo mạn. Điều này đối với người tuổi trẻ chúng ta là lỗi lầm chết người, cho nên đã bỏ lỡ rất nhiều cơ duyên trước mắt. Tôi cảm thấy rất tiếc thay cho họ. Cho nên phải dùng phương pháp thiện xảo, phải dùng trí huệ đi khuyên người làm thiện.

Không biết các bạn có còn nhớ hay không, có một vị vua tên là Trịnh Trang Công. Vua với mẹ của vua có xảy ra xung đột rất lớn. Cuối cùng vua đã nói với mẹ của ông rằng: “Không đến suối vàng thề không gặp mặt”. Lời tàn nhẫn này vừa nói ra, có thể vua sẽ hối hận cả cuộc đời. Lúc ấy, có một vị đại thần tên Dĩnh Khảo Thúc, ông là người con nổi tiếng có hiếu. Dĩnh Khảo Thúc thấy vua nói ra lời như vậy, trên thực tế vua đã hối hận rồi, nhưng mà bởi vì ông là vua, cái gì quý nhất? Thể diện quý nhất, cho nên bản thân thà chết cũng không nhận sai. Vào lúc này, Dĩnh Khảo Thúc vô cùng khéo léo đi khuyên vua. Nếu như không có trí huệ cao độ thì có thể sẽ bị vua mắng thậm tệ hoặc bị giết, đó là vua tàn bạo rồi. Dĩnh Khảo Thúc rất có trí huệ, ông đã đem một số đồ vật quý hiếm tặng cho Trịnh Trang Công. Bởi vì lễ nghi của cổ đại, đại thần tặng lễ vật cho vua, vua phải đáp lễ trở lại. Vua đương nhiên phải trả lễ. Dĩnh Khảo Thúc đã đoán được nhất định vua sẽ mời mình ăn cơm. Vua mời ông ăn cơm. Lúc ông ăn cơm, Dĩnh Khảo Thúc liền gắp những thức ăn ngon để qua một bên, không ăn. Việc này chính là tạo ra cơ hội cho Trịnh Trang Công. Các vị bằng hữu! Có khi chúng ta phải biết tạo ra cơ hội cho người thân, bạn bè xung quanh. Giống như chú Lư, chú tự mình chạy đến nói: “Tôi cũng muốn làm chú”. Khi chú chạy đến như vậy là tạo cơ hội cho tôi, cho nên việc này cũng là phương tiện rất thiện xảo. Chúng ta nói người trong nghề thấy lối ra, cho nên ông có thể suy đoán ra được vua sẽ mời ông ăn cơm. Lúc ăn cơm, ông lại làm động tác này. Trịnh Trang Công hiếu kỳ hỏi: “Tại vì sao ông không ăn những thức ăn này?”. Ông dùng tâm rất chân thành nói với Trịnh Trang Công: “Nhà chúng tôi khi có thức ăn ngon, nhất định là mẹ tôi ăn trước, sau đó tôi mới ăn. Và mẹ tôi từ xưa đến giờ chưa từng ăn thức ăn do vua ban tặng, cho nên tôi nhất định phải mời mẹ tôi ăn trước. tôi mới được ăn”. Khi ông nói với tâm chân thành như vậy, Trịnh Trang Công nghe xong rất cảm động, bỗng nhiên hồi quang phản chiếu: “Ông còn có mẹ để phụng dưỡng, ta như thế nào?”. Bây giờ thể diện quá nặng, không có cơ hội rồi.

Khi vua có tâm hối cải như vậy, vào lúc này là cơ hội, thời gian kiến nghị của thần dân đã đến rồi. Vì vậy, Dĩnh Khảo Thúc liền nghĩ ra một phương pháp, tìm một cái sơn động, đào một đường hầm xuống dưới đất, sau đó ở cửa viết hai chữ “Suối Vàng”. Đó chẳng phải là gặp nhau ở suối vàng rồi sao?

Tôi tin động tác này của Dĩnh Khảo Thúc nhất định không phải chỉ vì để mẹ con họ gặp nhau. Tầm nhìn của người có học vô cùng rộng lớn. Ông hiểu được, một vị vua làm việc sai sẽ ảnh hưởng đến phong khí của một quốc gia, cho nên sự việc này ông không thể thoái thác trách nhiệm, nhất định phải khuyên cho được vua của mình. Nếu không, đến khi những người dân này của nước Trịnh nói: “Ngay cả vua cũng bất hiếu, ta việc gì phải hiếu chứ” thì quá nguy hiểm. Cho nên nhanh chóng khuyên vua, mau mau khiến vua đón tiếp mẹ của vua trở về nước của mình, hầu hạ đàng hoàng mẹ của vua thì phong khí của toàn bộ quốc gia sẽ thay đổi rất lớn.

Cho nên, quả thật là khuyên người làm thiện phải có phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo này tuyệt đối không phải nói bạn nhất định phải dồn hết tâm trí để học. Phương tiện thiện xảo này còn phải xem bạn có phải thật tâm muốn giúp người hay không? Chỉ cần bạn có cái thật tâm này thì nhất định có thể tìm ra phương pháp. Cái gọi là kẻ sĩ có thật tâm kiên trì bền chí thì sẽ có diệu dụng biến hóa không cùng. Bạn có tâm kiên trì bền chí, muốn giúp đỡ người khác thì bạn sẽ có rất nhiều linh cảm tốt nảy sinh. Người dạy học chúng tôi rất có loại kinh nghiệm này. Chúng tôi rất muốn giúp học trò, nhưng trải nghiệm dạy học còn rất cạn, thường thường có khi lúc đang đánh răng bỗng nhiên liền nghĩ ra một phương pháp, bởi vì chúng tôi đem sự việc này để ở trong tâm, muốn thành tựu học trò. Cho nên, căn bản vẫn ở chân tâm của chúng ta.

  • Thứ năm, “thành tựu việc tốt của người”.

Thành tựu việc tốt của người không chỉ giúp đỡ người khác, mà còn phải thành tựu đức hạnh của mình. Chúng ta biết, luôn luôn tán thưởng người khác là đã đem tập khí rất không tốt trong tâm chúng ta từng chút từng chút diệt trừ nó. Tập khí nào vậy? Tập khí đố kỵ, trong tâm khó chịu khi nhìn người khác tốt. Sự đố kỵ này rất phức tạp. Ở trong đố kỵ có thể còn hàm chứa tâm ngạo mạn của chúng ta, cái gọi là “văn nhân thường coi thường nhau”. Học vấn phải là càng ngày càng rộng lớn, tâm lượng càng ngày càng rộng lớn, tuyệt đối không phải càng ngày càng tự cho mình là đúng. Khi chúng ta lúc nào cũng thấy người làm thiện là đang thành tựu học vấn, là đang khiến tâm của mình càng ngày càng rộng, cái gọi là tâm lượng lớn thì phước sẽ lớn. Phước của bạn được bao lớn là xem tâm lượng của bạn mà quyết định. Cho nên, khi nhìn thấy người khác có thiện nhỏ, chúng ta dốc hết toàn bộ sức lực giúp đỡ, thành tựu họ. Bạn cũng có thể mượn sự việc này để rộng kết thiện duyên với tất cả người được giúp đỡ.

Tôi đối diện với đồng nghiệp của tôi, đối diện học trò của tôi, tôi đều vô cùng cung kính. Bởi vì họ đều làm thầy giáo, sau này họ phải dạy mấy trăm học trò, cho nên tôi cúng dường họ, tặng cho họ một cuốn sách hay, tôi cũng rất vui mừngvì đến mấy trăm người nhờ cuốn sách này mà được giúp đỡ. Khi bạn thật sự có cái tâm tốt đối với họ, họ có nhận được hay không? Các vị bằng hữu, tương tác giữa người với người tuyệt đối không phải cần ngôn ngữ hay gặp nhau mới có thể hiểu nhau. Chúng ta thường thấy, người này sao mới gặp nhau lần đầu mà thân thiết như vậy. Có một nguyên nhân rất quan trọng, là khi ý nghĩ ở trong tâm chúng ta hy vọng mọi người đều tốt thì nhân duyên của bạn sẽ đặc biệt tốt, bởi vì tâm niệm của bạn, sóng não của bạn đã phát ra rồi.

Mẹ và con cùng tâm. Nếu như bạn rất quan tâm đến mẹ của bạn, bạn có thể thu nhận được sóng não của mẹ bạn.

Hơn một năm nay, tâm của tôi vô cùng bình lặng. Lần đầu tiên về nhà sau hơn bốn tháng, vừa bước vào cửa, câu đầu tiên tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ à! Mẹ tu hành rất tốt”. Mẹ tôi ngẩn người: “Câu đầu tiên con của ta đã nói với ta như vậy”, mẹ không thể tìm ra manh mối. Tôi nói: “Mẹ à! Hơn bốn tháng gần đây, con của mẹ toàn tâm toàn ý làm việc, trong tâm cũng không bị tạp loạn, không bị phiền não. Con nghĩ, hơn bốn tháng nay mẹ cũng không có lo lắng lung tung về con, cho nên tâm con mới có thể yên ổn như vậy”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười, không nói lời nào. Mẹ tôi chỉ cần có phiền não là tôi khó chịu ngay.

Khoảng ba tháng trước, có một hôm tôi ngủ, trong tim khó chịu (tôi không có bệnh tim mạch), nhưng mà đã nửa đêm 12 giờ rồi, tôi nghĩ để ngày mai hãy xử lý. Hôm sau tôi liền gọi điện thoại về nhà, mẹ tôi nói: “Nửa đêm hôm qua uống nhầm thuốc”. Đây là chân lý, mẹ con liền tâm.

Khi bạn thật sự quan tâm người khác từ trong chân tâm thì nhu cầu của người khác bạn cũng có thể cảm nhận được. Chúng ta thường hay xảy ra một việc, bạn bè rất thân với bạn, bạn bỗng nhiên nghĩ đến họ, họ sẽ gọi điện thoại đến ngay. Có hay không? Nhận được rồi, giống như tần số truyền hình vậy. Tại sao rất nhiều người đều không thể nhận được? Phiền não bộc phát, toàn bộ chướng kín rồi, mọi thứ không thể vào được, cho nên cũng không biết rõ người khác cần cái gì. Khi tâm lượng của người càng lớn thì càng có thể cảm nhận được nhu cầu của người khác, người ta cũng càng có thể nhận được sự quan tâm của bạn đối với họ. Việc này bạn cũng có thể làm thí nghiệm. Đời người cần phải ấn chứng chân lý.

Tôi rất thích đi học chung với mười mấy người bạn học. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp, tôi đã đến rất sớm, vẫn chưa quen biết mọi người. Tôi vừa bước vào, bởi vì kỳ nghỉ hè vừa xong, bàn ghế ở trong toàn bộ lớp học hai tháng rồi bụi bám rất bẩn. Vì trường Sư Phạm bạn nữ đông, trong đầu tôi bỗng nhiên nghĩ đến, mấy bạn nữ này bước vào  họ còn phải chau mặt nhíu mày: “Sao mà dơ như vậy chứ!” lấy khăn giấy từ trong cặp ra, vừa lau chùi vừa ở đó sinh phiền não. Chúng tôi nghĩ đến điểm này, liền nhanh chóng vào trong nhà vệ sinh tìm một tấm khăn lau. Tôi bắt đầu lau chùi sạch sẽ hết toàn bộ bàn ghế. Sau khi lau xong vẫn chưa có bạn nào đến. Nơi tôi học cách nhà chúng tôi tương đối xa, cho nên tôi đã đón chuyến tàu lửa sớm nhất để đi. Sau khi lau xong, mỗi một bạn học đến liền ngồi xuống một cách rất thoải mái. Kết quả, mỗi một bạn học của chúng tôi đều chung sống với tôi rất tốt, ngay cả bạn học nam chung sống với tôi cũng rất tốt. Chúng ta nói, người nam với người nam muốn chung sống tốt cũng là môn học vấn. Trong vô hình, bởi vì bạn niệm niệm quả thật sự đều rất tôn kính họ, đều rất quan tâm họ, cho nên một cách tự nhiên sự giao lưu vô hình đó đang được tiến hành.

“Thành tựu việc tốt của người”, khi bạn nhìn thấy họ sau này cũng muốn đi giảng dạy, vào lúc này bạn hãy từng li từng tí giúp đỡ họ, thành tựu cho họ, thành tựu cuộc đời dạy học của họ. Con cái của họ được lợi ích, bạn cũng cảm thấy rất vui sướng, rất hạnh phúc. Đây là “thành tựu việc tốt của người”.

  • Thứ sáu, “cứu người lúc nguy cấp”.

Đời người có lúc lên, lúc xuống. Khi người khác ở trong nguy nan, nội tâm của họ sợ hãi nhất. Vào lúc này, bạn có thể ra tay cứu giúp, họ sẽ vô cùng cảm ân. Lúc nào là nguy cấp vậy? Lúc bị thương, lúc bị bệnh. Vào lúc này nội tâm tương đối yếu đuối, cho nên chúng ta cần phải kịp thời quan tâm. Họ có thể có khó khăn trong kinh tế, chúng ta cũng cần dành cho họ sự giúp đỡ kịp thời. Cho nên, trong bạn bè có nghĩa, chúng tôi cũng đã nói đến rồi, bạn bè ngoài quan tâm ra còn phải có cái nghĩa thông tài. Ngay lúc họ tạm thời không thể chạy tiền được, cha mẹ của họ hoặc giả người trong nhà lại cần số tiền này, chúng ta vào lúc này nên dành cho họ sự giúp đỡ. Và khi cuộc đời bạn rơi vào trong nguy cấp thì tự nhiên sẽ có rất nhiều người đến trợ giúp bạn.

Tôi còn nhớ, lúc tôi tốt nghiệp đại học vài ba năm, đúng lúc có một lần cần một số tiền. Tôi đi mượn tiền của một người bạn học lúc cấp hai của tôi. Tôi đã mượn cậu ấy, có lẽ cũng là một khoản tương đối. Cậu dắt tôi đi lãnh tiền, sau khi lãnh tiền xong thì lại đi về cùng với tôi. Tôi liền hỏi cậu ấy: “Tại vì sao cậu không hỏi tôi vì sao mượn tiền cậu vậy?”. Cậu ấy nói: “Cho bạn mượn thì cho mượn, hỏi nhiều như vậy làm gì”. Đây là sự tín nhiệm của bạn bè đã đạt đến loại trình độ nào rồi. Cho nên, trong lúc chúng ta có nguy nan sẽ có rất nhiều bạn bè đến giúp đỡ bạn, thậm chí là không cần hỏi bạn rõ ràng, hoặc giả sẽ không nói với bạn là lúc nào cần trả lại. Đó là bạn làm người rất có đạo nghĩa. Làm người ở mọi lúc mọi nơi cũng phải hết sức có tinh thần giúp đỡ bạn bè, thì bạn mới có thể nhận được sự giúp đỡ của nhiều bạn bè dành cho bạn.

Đời người cần phải biết đề phòng cẩn thận thật tốt. Nếu như đời người thường hay có rất nhiều cái gọi là nguy cấp, nguy nan, thì mệt lả người. Cho nên cứu người, phương pháp tốt nhất chính là đem giáo huấn Thánh Hiền giới thiệu cho họ. Một người bắt đầu thay đổi từ trên tư tưởng thì mới không làm cho cuộc đời họ đến nỗi tứ bề nguy khốn. Bạn có thể hóa giải nguy nan nhất thời cho bạn bè, vậy bạn có thể hóa giải nguy nan thường xuyên cho họ được hay không? Không thể nào. Cái gọi là giúp ngặt chứ không giúp nghèo. Nghèo nhất định là nghèo ở trong quan niệm tư tưởng. Cho nên bạn nhất định phải đem đạo lý làm người, làm việc của Thánh Hiền nói cho họ biết, phải nói với họ “không sợ khó”, nói với họ “phải biết nâng cao năng lực của mình, phải biết thách thức bản thân”. Khi bản thân họ có năng lực làm việc, có trí huệ ứng đối sự việc, thì cả đời họ mới có thể giảm bớt nguy nan xảy ra. Cho nên, căn bản cứu người nguy nan vẫn ở chỗ dành tặng cho họ đạo lý làm người, làm việc chính xác.

Sáu điểm vừa rồi chủ yếu nhất là nói đến phương diện đối nhân. Chúng ta tiếp theo xem về phương diện sự việc. Có những việc nào cũng là cần chúng ta đi hành thiện, đi dâng hiến vậy?

  • Thứ bảy, “hưng kiến đại lợi”.

Vào thời xưa, có viên ngoại rất nhân từ, thường xuyên hay xây cầu đắp đường. Đắp một con đường có thể khiến bao nhiêu người được lợi ích? Giống như nước chúng ta vẫn còn cầu mấy ngàn năm, cái đó lợi ích bao nhiêu người? Không thể đếm hết. Đây là “hưng kiến đại lợi”, để thuận tiện cho người. Còn có một số viên ngoại tìm ra thầy rất giỏi để giáo dục trẻ nhỏ trong làng xóm này của họ. Cái lợi lớn này rất là lâu dài. Bởi vì những em nhỏ này hiểu rõ đạo lý Thánh Hiền, chúng về sau có thể tạo phúc cho xã hội, chúng về sau còn có thể truyền thừa những giáo huấn Thánh Hiền này cho con cháu của họ. Cho nên, làm giáo dục là lợi lớn lâu dài.

Gia đình của Tiên sinh Phạm Trọng Yêm có một mảnh đất trù phú vô cùng tốt, có thể nói là long huyệt. Nếu là bạn, bạn sẽ lấy để làm gì? Mau mau đem phần mộ tổ tiên an táng ở chỗ này, xem sau này có xuất hiện một số quan lớn hay không? Tiên sinh Phạm Trọng Yêm không có nghĩ như vậy, ông lập tức đem mảnh đất này quyên góp để xây trường học. Việc này ở Tô Châu, mảnh đất này hiện nay là một địa chỉ trường học cấp ba, gần 1.000 năm nay đã đào tạo ra gần 400 vị tiến sĩ, tám mươi mấy vị trạng nguyên. Bạn xem, “hưng kiến đại lợi” không phải vì mình, để cho càng nhiều người hơn ở trong cái phong thủy như vậy. Chúng ta nói dựa núi nhìn sông như vậy thì hiệu quả học của họ là đặc biệt tốt. Tâm lượng càng lớn, phước càng lớn. Con cháu của ông cũng đã 1.000 năm rồi mà hiện nay gia đạo vẫn rất hưng vượng.

Năm 2002, người Hoa toàn cầu tụ hội đến Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông đọc tụng Kinh điển Trung Quốc, đã mời hậu duệ đích truyền của Phạm Trọng Yêm. Ông là khách mời đặc biệt, lên bục đã hát một bài hát nhan đề là “Nhạc Dương Lầu Ký”. Con cháu đời sau cảm niệm lời giáo huấn của tổ tiên, đem phổ thành một bản nhạc. Khi ông hát đến câu: “Lo lắng trước cho nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, tôi tin là linh hồn Phạm Trọng Yêm ở trên trời nhất định sẽ cảm thấy cách làm của mình là chính xác. Ông có tâm cảnh như vậy mới có thể làm nên lợi ích lớn như vậy cho quê hương, thậm chí là lợi ích cho người Trung Quốc nhiều đời như vậy. Cho dù lợi ích cho người khác dễ như trở bàn tay, chúng ta cũng phải tận lực mà làm. Chúng ta không được nói là phải lợi lớn. Chúng ta chỉ chuyên tìm việc mà phải có ảnh hưởng thật lớn, thế việc bên cạnh bạn là không cần làm rồi. Nhất định phải luôn luôn nghĩ thay cho người thì bạn sau này mới có thể lúc nào cũng suy nghĩ cho mọi người, đều là quan sát từ chỗ nhỏ. Cho nên, “chớ thấy thiện nhỏ mà không làm”.

Chúng ta thường hay đi trên đường… Chúng tôi trên đường tại Hải Khẩu, phát hiện rất nhiều viên đá lớn bày ngay trên lối người đi bộ, do một số dân công tụ tập lại với nhau nói chuyện, sau khi nói chuyện xong thì họ không chuyển mấy viên đá này về chỗ cũ. Mặt trời xuống núi, toàn bộ đường thấy không rõ ràng, nếu như lúc đó có một người đang bận nghe điện thoại, đang nói đến nửa chừng bỗng nhiên vấp phải, có thể sẽ bị té ngã. Cho nên chúng tôi cùng với rất nhiều thầy giáo gặp phải tình trạng này, nhất định bê những viên đá này vào bên đường. Đây cũng là lợi ích cho việc đi lại của người khác. Có khi công trường đó, cây tre đó quá bất cẩn, toàn bộ cây tre rất nhọn cũng đã cản ngang vào đường người đi bộ rồi. Nếu như có người không cẩn thận, không chú ý, có thể sẽ bị đụng vào, chúng tôi liền nhanh chóng tìm một mảnh vải đỏ ở dưới đất quấn nó lại cho thật bắt mắt. Chúng ta niệm niệm có thể suy nghĩ đến người khác chính là đang làm lợi ích cho người khác.

Hôm nay đúng lúc bạn đạp xe đạp hoặc giả đi xe máy, nhìn thấy một cục đá ở trên đường, bạn nhanh chóng lách một cái rồi kéo trở lại, bỗng nhiên cảm thấy rất nguy hiểm, may mà không bị đụng. Thế tiếp theo đó làm như thế nào? Rất nhiều người còn mắng cái cục đá đó: “Ai vứt không biết”, sau đó liền đi ngay. Chúng ta phải giữ tâm nhân hậu, bạn có thể lách qua được, người phía sau nếu như hôm nay tâm trạng rất nôn nóng, chạy đặc biệt nhanh, họ sẽ lách không kịp. Khi lách không kịp, có thể sẽ có tai nạn vào người. Nếu như họ là người làm cha, cơ thể bị xảy ra chuyện rồi thì cái gia đình đó xảy ra chuyện. Nếu như là một người con xảy ra chuyện thì cha mẹ họ sẽ rất khó chịu. Cho nên bản thân chúng ta có thể tránh được tai nạn này, bạn cũng phải nghĩ đến người khác cũng không nên gặp tai nạn này, phải biết dọn dẹp nó đi.

Vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, Sở Trang Vương có một vị bề tôi rất nổi tiếng tên là Tôn Thúc Ngao. Tôn Thúc Ngao rất nhân từ. Có một hôm, ông nhìn thấy một con rắn có hai đầu, ông lập tức đánh chết nó. Sau khi đánh chết, đem chôn cất xong, ông khóc sướt mướt trở về nhà. Bởi vì nơi đó của ông có một câu đồn đại là chỉ cần người gặp phải rắn hai đầu thì nhất định không thể sống được. Cho nên khi ông nhìn thấy, ông không muốn người khác lại nhìn thấy, vì vậy sau khi đánh chết nó xong, đem chôn cẩn thận. Nhưng mà ông muốn nói mình không sống được, không thể tận hiếu đối với cha mẹ (vào lúc đó tuổi tác của ông vẫn còn nhỏ), cho nên ông khóc suốt trên đường trở về. Cuối cùng, mẹ của ông nghe xong rất vui mừng (tôi tin rằng mẹ của ông cũng là người hiểu đạo lý), bà nói: “Con niệm niệm là vì người khác thì sẽ không có nạn đâu, đừng lo lắng!”. Sau đó Tôn Thúc Ngao đã làm đại thần của nước Sở, cũng rất được Sở Trang Vương tín nhiệm. Từ chỗ này chúng ta nhìn thấy, chỉ cần bạn niệm niệm nghĩ đến muốn lợi ích người khác, như vậy là đang hành thiện, chính là đang tích phước. Đây là “Hưng Kiến Đại Lợi”.

  • Thứ tám, “xả tài làm phước”.

Tài chia thành hai loại: Một loại là tài vật, tiền tài; một loại khác là sức lao động của bạn, kinh nghiệm của bạn (đây là thuộc về nội tài). Tài vật và tiền tài là thuộc về ngoại tài. Dùng nội tài, ngoại tài đều có thể tích phước cho chúng ta. Thực ra nội tài khó hơn với ngoại tài. Hôm nay chúng ta ở Hồng Kông, nếu bảo người ta quyên năm mươi đồng thì rất dễ dàng, nếu bảo người ta làm công quả một ngày thì rất khó khăn. Cho nên, khó làm mà làm được thì phước báo sẽ lớn. Khi chúng ta mọi lúc mọi nơi biết không keo kiệt, biết quan sát nhu cầu của người khác, đó là bạn luôn luôn đang xả tài làm phước. Khi chúng ta đến nơi đây nhìn thấy người khác đang bận rộn, chúng ta chủ động đến giúp họ, cái này cũng là dùng sức lao động của chúng ta để cho đi. Thái độ cho đi của một người tuyệt đối không nên đợi đến người ta mở miệng, bởi vì người hiện nay rất ngại làm phiền người khác, nhất là lúc mọi người đều ở trong trạng thái làm công quả, người ta cũng ngại tìm bạn. Vào lúc này, bạn lại có thể biết luôn luôn nhìn thấy nhu cầu của người khác ở chỗ nào, thế thì chúng ta ở trong cái đoàn thể này sẽ giành được sự tôn trọng của người khác, cũng sẽ hòa thuận vui vẻ. Cho nên phải biết luôn luôn nhìn thấy nhu cầu của người khác mà xả tài làm phước.

Các vị bằng hữu! Nếu như chúng ta có rất nhiều giáo huấn Thánh Hiền, bản thân bạn được lợi ích rồi thì đem những lời giáo huấn Thánh Hiền này đi tặng cho bạn bè, bạn cũng có thể dùng sức lao động của bạn để phục vụ họ. Bởi vì người hiện nay bận rộn vô cùng, ngay cả thời gian bước ra khỏi nhà cũng không có, chúng ta cũng phải vì mọi người mà làm “người không mời mà đến”. Người hiện nay quả thật là muốn nghe được giáo huấn Thánh Hiền là quá khó rồi! Các vị bằng hữu đều là người có đại phước. Đời người, phước đứng đầu không có gì bằng có thể nghe được giáo huấn Thánh Hiền. Cho nên, trong cuộc đời tôi thường thường khi nghĩ đến điểm này liền cảm thấy mọi thứ đều có ý nghĩa.

Lão sư Bỉnh Nam nói với học trò của Ngài: “Thế hệ này của tôi là quỳ xuống để tiếp nhận học vấn Thánh Hiền, thế hệ các anh sau này phải quỳ xuống đem học vấn Thánh Hiền tặng đi”. Lời nói đó thật là sâu sắc. Chúng ta hiện nay còn muốn học trò chủ động đến xin Kinh điển với chúng ta, còn có thể yêu cầu nghiêm khắc người chủ động đến học tập giáo huấn Thánh Hiền là không dễ dàng. Chúng ta vào lúc này phải chủ động xuất kích. Đương nhiên bạn diễn tốt thì hiệu quả chủ động xuất kích của bạn mới tốt. Chúng ta lúc nào cũng có thể chủ động đi phục vụ người khác.

  • Thứ chín, “hộ trì chánh pháp”.

Chánh pháp là giống như con mắt của mỗi người vậy. Họ nghe được chánh pháp mới có thể biết đúng sai, thiện ác, tà chánh, tốt xấu, mới có năng lực phán đoán chính xác trong cuộc sống, cho nên chánh pháp là con mắt của mọi người. Chúng ta cũng thường hay nghe câu: “Trời không sinh Trọng Ni thì muôn đời như đêm tối”. Nếu như ông trời không khiến cho Phu Tử đến giáo hóa chúng ta, chúng ta chưa có khai trí huệ, thì cuộc đời là giống như một vùng đen tối vậy. Cho nên nghe được chánh pháp thì chúng ta phải có trách nhiệm, có sứ mệnh đem nó truyền đi tiếp. Bạn hộ trì chánh pháp, ngồi ở nơi đây nghe giảng chính là hộ trì chánh pháp. Sau này Hồng Kông chúng ta có một số thầy trẻ tuổi, có một số thầy có tâm, họ có thể sẽ phát nguyện ra dạy học, họ có thể đi đến một số phường xã để dạy học các em nhỏ, họ có thể sẽ tìm một số nơi bàn luận với phụ huynh về những chuyện giáo dục gia đình, thảo luận “Đệ Tử Quy”. Vào lúc này, khi chúng ta có thời gian hãy đi nghe họ giảng, dùng ánh mắt khát vọng của chúng ta theo dõi họ, họ sẽ tương đối có niềm tin. Nếu không có người nghe, họ giảng đến cuối cùng đều không có tín tâm. Một người nếu có thể có năng lực diễn giảng rất tốt, nhưng “nhà cao muôn trượng cũng phải bắt đầu từ đất bằng”. Nếu như tôi không phải đã giảng hơn 300 buổi, nếu như đây buổi đầu tiên tôi đến nơi này, có thể các vị nghe một giờ đồng hồ là đi hết rồi, có thể là tôi cũng bỏ giảng mà về. Cho nên, chúng ta nhìn người không phải nhìn năng lực hiện tại của họ được bao nhiêu, mà là xem họ làm cái sự việc này có thật tâm hay không. Người thật tâm thì bạn phải giúp đỡ họ. Người thật tâm thì tiến bộ sẽ rất nhanh. Cái phần giúp đỡ này của bạn chính là hộ trì chánh pháp. Hơn nữa, công đức hộ trì chánh pháp của bạn với người diễn giảng là không hai không khác. Hồng Kông chúng ta sau này nhất định sẽ là chánh pháp trụ lâu. Mọi người phải hộ trì chánh pháp.

  • Thứ mười, “yêu quý vật mạng”.

Đối với đồ vật, đối với mạng sống đều phải yêu quý tôn trọng, không được làm tổn hại. Ở trong Kinh điển của Đạo gia có nói đến: “Cất bước thường quan sát côn trùng”. Đây quả thật là rất nhân từ. Lúc leo lên núi, nhấc chân lên xem thử xem phía dưới có ổ kiến lửa hay không, đến khi bạn giẫm xuống có thể mấy chục mạng đều không còn nữa. Cất bước cũng phải thường quan sát côn trùng. Có rất nhiều người ưa thích leo núi, việc leo núi cũng đang trưởng dưỡng sự tu dưỡng của họ, bởi vì họ cảm thấy “ta lên trên núi, ta là khách, tất cả động vật trên núi là chủ nhân”, cho nên khi họ nhìn thấy mạng nhện, họ cũng biết đi vòng, không được phá hỏng nhà của người ta. Chúng ta có mong nhà của chúng ta bị phá hỏng hay không? Nhà của động vật đó bạn cũng cần phải tôn trọng. Hiện nay, rất nhiều em nhỏ nhìn thấy bên đường bán gà, chim vừa mới nở ra chưa được mấy ngày, có nên mua hay không vậy? Có người mua thì họ sẽ dốc sức bắt, thì rất nhiều động vật cốt nhục phân ly. Cốt nhục phân ly, đối với những động vật này mà nói là rất đau khổ.

Trong lịch sử đã từng có một người có học thức đã giết chết một chú hươu con, mẹ của chú hươu con chạy đến cũng nằm ở chỗ đó chết. Vị có học thức này rất kinh ngạc, ông đem chú hươu mẹ này mổ ra để xem thì thấy ruột của chú hươu mẹ này đã bị đứt rồi. Hươu mẹ nhìn thấy con chết rồi, ruột gan đứt đoạn. Vị có học thức này từ đó về sau không sát sanh nữa. Cho nên chúng ta, người cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy là như nhau, vật cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy phải biết quý trọng mạng sống.

Tôi đã từng dạy qua các em nhỏ lớp một (vào lúc đó mới dạy bảy em), các em đứng lên vẫn chưa đến thắt lưng tôi. Trẻ nhỏ rất đơn giản. Có một lần, tôi phát hiện một số con kiến bị chết rồi, tôi liền đem nó chôn, bị học trò nhìn thấy. Có một hôm, tôi thấy các em rất vô cùng bận rộn vây quanh chỗ đó không biết làm cái gì. Tôi liền hỏi: “Các em đang làm gì vậy?”. Chúng liền nói: “Thưa thầy, chúng con đang chôn kiến ạ!”. Ngay cả kiến nhỏ như vậy chúng cũng biết quan tâm, chúng sau này có làm tổn thương người khác hay không? Chúng trưởng dưỡng tâm từ bi.

Tôi rất có duyên với núi. Có một năm dạy học ở bên một ngọn núi. Bởi vì thủy tinh là trong suốt, con chim đó bay quá nhanh, không có nhìn thấy rõ, trực tiếp tông thẳng vào, rất nhiều con chết ngay tại chỗ. Sau khi chết rồi học trò của tôi nhất định là đem đến cho tôi, bảo tôi xử lý. Tôi liền dắt các em đi chôn cất nó đàng hoàng. Các em có thể biết quý trọng mạng sống thì tuyệt đối không làm tổn thương mạng người, cho nên đối với mạng sống phải tôn trọng.

Đối với vật phải tôn trọng, cái gọi là “chén cơm chén cháo, phải nghĩ khó khăn lắm mới có được”, không nên chà đạp thức ăn. “Sợi tơ cọng chỉ luôn nghĩ sức khó nhọc của con tằm”, bất kỳ một bộ quần áo nào có được đều không dễ, đều là do từng sợi tơ cọng chỉ dệt lại mà có, cho nên đối với đồ vật phải biết quý trọng, yêu quý giữ gìn, không nên chà đạp. Câu nói này ở trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”. Chúng ta xem, người làm cha mẹ của chúng ta niệm niệm đều nghĩ muốn thành tựu cho đời sau mới có nhiều lời gia huấn quý báu như vậy truyền lại. Chúng ta phải biết dùng mới có thể đứng trên vai của người khổng lồ. Chúng ta dạy con cái không phải bắt đầu từ con số không, nhiều bậc Thánh triết như vậy cũng đang giúp chúng ta một tay, chúng ta cần phải biết khéo dùng. Cho nên đối với vật cũng phải có tâm yêu quý.

Có một em nhỏ nhìn thấy một vị thầy đang cầm ly giấy uống nước. Em nhỏ này rất muốn có cái ly giấy đó. Vị thầy giáo này liền đem nước đưa qua nói: “Ly này cho con này!”. Cha của em lập tức chạy đến nói: “Thưa thầy! Chúng tôi có mang theo bình trà, thầy cứ tự mình uống đi”. Vị thầy này vẫn chưa hiểu rõ ràng: “Không sao cả, chỉ một cái ly giấy, hãy để cho cháu uống”. Cuối cùng người cha này rất kiên trì, dùng ánh mắt của ông nói với vị thầy giáo đó: “Chúng tôi thật sự có mang theo ly, không cần đâu thầy!”. Vị thầy này lập tức cảm nhận được là cha của người em muốn giáo dục con mình. Sau đó thầy liền rời đi.

Thầy vừa rời đi thì đứa bé này hơi có chút ưu buồn, đang bất mãn. Cha của em liền nói với em: “Cái ly này đều là làm ra từ chặt đốn cây gỗ, con dùng thêm một cái ly có thể chính là chặt nhiều thêm một cái cây, cho nên chúng ta phải hết sức tiết kiệm ly giấy. Có thể tiết kiệm giấy thì phải tiết kiệm”. Em nhỏ này vẫn còn chút bực dọc, người cha lập tức nói: “Nếu như con càn quấy, lần sau cha không dắt con đi nữa”. Cậu lập tức liền giật bình nước lại uống. Cho nên, khiến các em quý trọng bất kỳ một đồ vật gì bạn cũng phải giữ vững “cẩn thận từ đầu”. Vừa mở đầu, bạn phải kiên trì dạy cho đúng. Bạn không nên để nó hình thành thói quen lãng phí rồi sau đó lại phải đem nó kéo trở lại, đến khi đó bạn đau khổ, nó cũng đau khổ.

Cho nên, hành thiện chính là chúng ta cần áp dụng, nỗ lực thực hiện mười phương diện này.

Các vị bằng hữu! Chúng ta bàn luận ở trong tu thân, “ngôn trung tín”, “hành đốc kính”, “trừng phẫn”, “trất dục”, “cải quá”, “thiên thiện”. Các bạn lật giảng nghĩa ra, bên dưới hàng chữ này có mấy dấu ngoặc. “Ngôn trung tín” là thành thật. “Hành đốc kính” là lễ kính. “Trừng phẫn” là không sân. “Trất dục” là không tham. Phân biệt thiện ác, cải quá, thiên thiện là không si. Không tham, không sân, không si, lễ kính và thành thật. Những điều này chính là giáo huấn quan trọng nhất của nhà Phật. Giáo huấn này hai ngàn năm trước mới truyền đến Trung Quốc, nhưng tổ tiên Trung Quốc vào 4.500 năm trước đã có giáo huấn như vậy rồi. Cho nên, các vị bằng hữu phải biết quý trọng cơ hội của người Trung Quốc, bởi vì trí huệ của tổ tiên Trung Quốc là có một không hai trên toàn thế giới.

Tốt rồi! Buổi giảng hôm nay chúng ta chỉ học đến chỗ này. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!­­

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 36/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh