Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 39/40)

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 39/40

Các vị bằng hữu! Xin chào mọi người!

Chúng ta vừa mới nói đến việc xử sự cần phải có những nguyên tắc nào. Chính là phải lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc. Trong việc xử sự thì cần phải dùng những thái độ gì để đối diện? Chúng ta cũng đã nói qua việc “không cầu có công, chỉ mong không có tội”, nhất định thời thời khắc khắc phải tận lực làm việc của mình cho tốt, không nên tranh công, không thể tự cho mình là đúng. Cũng đã nhắc đến “chỉ hỏi việc cày cấy, không lo việc thu hoạch”. Chỉ cần phương hướng nỗ lực của chúng ta đúng, trồng cái nhân đúng, thì tự nhiên sẽ như nước chảy thành sông, không cần phải đi lo được lo mất nữa. Và cũng đã nói đến “há có thể theo hết ý của người, nhưng cầu không hổ thẹn với mình”. Cho nên, có được bao nhiêu duyên phận thì chúng ta cứ tận lực mà đi làm. Nhưng mà nắm được duyên phận cũng là tùy thuộc vào sự tích lũy kinh nghiệm của chúng ta, dùng trí huệ để phán đoán, không phan duyên nhưng phải tùy duyên. Tùy duyên thì phải tận hết bổn phận, tận được ba phần duyên thì chúng ta làm được ba phần. Cũng đã nói đến ông Lâm Tắc Từ trong quá trình lập thân hành đạo đã thể nghiệm được mười sự việc trong cuộc đời. Bạn phải nắm cho được căn bản của nó để mà làm. Giả như bạn từ trên cành nhánh mà bắt đầu, có thể sẽ phải uổng công một phen. Trong lời giáo huấn của ông có đưa ra “thập vô ích”. Mười sự việc này chúng ta đều phải từ trên căn bản mà thực hiện. Trong khóa trình cũng đã nêu ra điểm thứ nhất, “bất hiếu cha mẹ thờ cúng vô ích”. Giáo huấn Thánh Hiền, sự dạy bảo của thần thánh đối với chúng ta thì việc quan trọng nhất chính là phải hành đạo hiếu.

Khổng Phu Tử cũng nói: “Hiếu là căn bản của đức hạnh, giáo dục phải bắt đầu từ chỗ này. Cho nên nỗ lực thực hành hiếu đạo mới thật sự là học trò tốt của Thánh Hiền, cũng mới có thể bởi vì hành thiện tích đức mà “trăm phúc hội tụ, nghìn mây vân tập”. Đây là điều giáo huấn đầu tiên. Cho nên, giả như ngay cả cha mẹ mà cũng bất hiếu, cho dù mỗi ngày thắp nhang ba lần cũng không có tác dụng, thần linh cũng sẽ không có phù hộ cho bạn.

Điều thứ hai, “anh em bất hòa, bạn bè vô ích”. Ở trong gia đình mà các anh chị em cứ tranh cãi lẫn nhau, vậy thì sẽ không biết cách hiệp trợ cho tốt với người khác, không biết quan tâm người khác cho tốt, cho nên vừa ra ngoài kết giao với bạn bè thì cũng rất khó chung sống hòa thuận với người khác. Vì thế, năng lực làm người xử sự của con cái mấu chốt vẫn là ở việc giáo dục gia đình. Khi chúng ta có thể nỗ lực thực hiện đạo Hiếu – Đễ, đó cũng là thành tựu được nền tảng “Nhân Đạo” của một con người, là căn bản hành nhân đạo của một con người.

Thứ ba, “tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”.

Chúng ta nói thời đại này, giả như thiên tai nhân họa rất nhiều, con người liền thích việc đoán mạng, tính xem số mạng năm nay như thế nào, tính xem mấy năm này vận thế có tốt hay không. Bói toán như vậy, sau khi đi bói thì số mạng có trở nên tốt hay không? Rất nhiều người không đi xem bói thì không sao, vừa xem bói nghe người ta bảo “năm nay bạn có vận xui đấy”, thế là mỗi ngày họ đều suy nghĩ, “có lẽ ngày mai mình sẽ gặp vận xui”. Sau khi bói xong thì mỗi ngày đều nơm nớp lo sợ. Cho nên người thật sự có đức hạnh thì khi kiến nghị với bạn sẽ không làm cho bạn phải lo âu sợ hãi, họ nhất định sẽ nói với bạn cách làm sao để chuyển hóa số mạng, làm sao để tự mình có thể tiêu tai giải nạn, họ nhất định sẽ đem đạo lý nói rõ cho bạn nghe. Đây mới chân thật là quan tâm. Vận thế của một con người chân thật đều nằm trong tay của chính người đó.

Trong “Kinh Thư” có một câu nói là: “Hòa hợp phối mạng, tự cầu nhiều phước”. Tâm địa của bạn là thiện lương thì gia đình của bạn là một bầu không khí hòa thuận, vì vậy phong thủy của gia đình bạn nhất định sẽ tốt. Bạn đi đến đoàn thể nào cũng luôn biết cách quan tâm đến người khác, không khí làm việc của mọi người cũng sẽ vui vẻ, vì vậy mà bầu không khí của công ty bạn cũng sẽ rất tốt. Cho nên Lâm Tắc Từ tiên sinh đã nêu ra căn bản của phong thủy là ở đâu? Là ở chủ tâm bạn đang có. Nếu như bạn có tâm bất thiện, cho dù nhà của bạn là long mạch tốt thì sau ba năm sẽ thành long mạch xấu. Các vị có tin hay không? Bởi vì tất cả vật chất bên ngoài là tùy vào nhân tâm mà biến hóa. Khi một người đối với tự nhiên mà rất có lòng quan tâm, hoa mà họ trồng ra cũng sẽ nở rất đẹp. Khi họ luôn có thể lập thân hành đạo, có thể đi quan tâm làng xóm thì phong khí ở làng xóm đó cũng sẽ mỗi ngày một cải thiện, mỗi ngày một thay đổi. Cho nên, phong thủy là sống chứ không phải là chết. Mà nguồn căn của phong thủy là ở sự khởi tâm động niệm của mỗi người, không nên trước tướng. Đừng cho rằng tôi đem hai con sư tử đặt ở đó thì phong thủy sẽ liền tốt lên được, đây gọi là bỏ gốc lấy ngọn. Gốc vẫn là ở chủ tâm, gốc vẫn là ở tự mình tích lũy công đức.

Thứ tư, “làm việc bất chánh, đọc sách vô ích”.

Một đứa trẻ mà vô lễ với người lớn, làm việc không có quy tắc, phòng ốc bừa bộn, cho dù Kinh điển có đọc cho nhiều đi nữa thì có tác dụng gì hay không? Không có, không tương ưng. Cho nên tuy rằng đã đọc “xuất tắc đệ”, nhưng khi gặp trưởng bối cũng không biết hành lễ, nhìn thấy trưởng bối mà cũng không biết chủ động nhường cho trưởng bối ngồi trước. Việc này chứng tỏ tâm của chúng không cung kính. Hễ không cung kính thì việc đọc sách đó là vô ích. Vả lại, không những là vô ích mà còn có hại. Hại gì vậy? “Đệ Tử Quy” có nói: “Không gắng làm, chỉ học văn”, không cố gắng nỗ lực làm dù chúng có học Kinh điển thì cũng “chỉ bề ngoài, thành người nào”.

Chúng tôi có một học trò, em không bắt đầu từ “Đệ Tử Quy”. “Luận Ngữ” em đọc rất thuộc. Có một lần, mẹ của em quở mắng răn dạy đối với việc làm của em, em nói với mẹ của em rằng: “Mẹ dựa vào đâu để mà nói con chứ, mẹ có ôn – lương – cung – kiệm – nhượng mà Khổng Tử đã nói hay không?”. Các vị xem, em có thể đem câu Kinh ra để đối chất với người lớn, không phải đem câu Kinh ra để phản tỉnh chính mình. Cho nên, chúng ta dạy dỗ con cái thì nhất định phải để cho chúng hiểu được Kinh điển của Thánh Hiền không phải là để đọc thuộc, mà là đem từng điều, từng điều ra để thực tiễn. Khi chúng thật sự làm được, khi chúng chân thật hình thành tâm cung kính, vậy thì tâm của chúng cùng với Kinh điển liền tương ưng, đọc một câu liền lợi ích được một câu. Đọc sách như vậy thì mới có thể có được lợi ích.

Thứ năm, “tâm cao khí ngạo”.

Một người trưởng dưỡng tâm ngạo mạn thì học vấn càng cao sẽ càng khinh rẻ người khác. Vì vậy mà hiện nay người có học lực cao thì có tỉ lệ ly hôn cao nhất, bởi vì không biết đồng tình với người khác để mà cảm nhận sự cần thiết của họ, chỉ cảm thấy tôi đã đọc được nhiều sách như vậy, tôi lợi hại hơn bạn. Cho nên đích thực là “ngạo bất khả trưởng”. Ngạo mạn tăng trưởng rồi thì sẽ đi ngược lại với học vấn. Vì thế, văn hóa truyền thống trong những năm đầu dân quốc đã bị hủy ở trong tay của ai? Đều bị hủy trong tay những người đọc Kinh điển này. Vì sao vậy? Vì họ cảm thấy những Kinh điển này ta đã đọc thuộc rồi, những thứ của đất nước ta đã học được rồi. Sau đó họ lại được đi du học ở nước ngoài, lại cảm thấy Phương Tây có rất nhiều thứ tốt hơn của nước mình. Bởi vì cái mà họ học là “ký vấn chi học” chứ không phải “Thánh Hiền chi đạo” của chúng ta. Đạo Thánh Hiền duy chỉ có người chân thật tự mình nỗ lực thực hiện thì mới có thể không ngừng tăng thêm chiều sâu học vấn, tăng thêm chiều rộng của học vấn. Cho nên chỉ cần họ không lập thân hành đạo thì tất nhiên sẽ tăng trưởng tính khí ngạo mạn. Vì vậy, chúng ta đừng nên vội mừng vì con cái đọc thuộc được rất nhiều thứ, nhất định phải tỉ mỉ quan sát xem có thực hành hay không, tỉ mỉ quan sát xem càng học có càng khiêm tốn hay không. Đây mới là học vấn chân thật. Cho nên hai câu này là Lâm Tắc Từ tiên sinh đã đưa ra sự nhắc nhở quan trọng đối với học vấn.

Thứ sáu, “Làm trái lòng người, thông minh vô ích”.

Chúng ta làm việc giả như không tuân theo đạo nghĩa, nếu như không tuân theo pháp luật, chỉ dựa vào sự khôn lỏi của mình mà làm bừa thì nhất định sẽ làm hỏng việc, gọi là “không theo phép tắc sẽ không thành quy tắc”. Hiện tại là thích dựa theo ý mình để mà làm, cảm thấy cách nghĩ quan niệm của mình có thể vượt hơn cả người xưa. Vĩnh viễn thiệt thòi vẫn là chính mình. Bởi vì cương lĩnh làm người xử sự ở giữa trời đất này sẽ không vì không gian thời gian thay đổi mà thay đổi, vì vậy chúng ta trước tiên phải nên khiêm tốn mà lĩnh hội những giáo huấn của Thánh Hiền, trước tiên phải buông bỏ cách nghĩ cách nhìn của chính mình, thì bạn mới có thể nhanh chóng nắm được cương lĩnh làm người xử sự. Cho nên điểm này cũng rất là quan trọng. Trước tiên phải buông bỏ tri kiến của chính mình, không nên làm những việc khôn vặt.

Thứ bảy, “Thời vận không tốt, mưu cầu vô ích”.

Khi thời vận còn chưa đến, bạn cứ cố đi làm thì chính mình sẽ mệt , cũng mệt luôn người khác. Chúng ta nói là phải xem xét thời thế, thuận theo thời thế. Vì vậy, khi thời vận vẫn chưa đến thì bạn trước tiên hãy trau dồi chính mình cho tốt để đợi thời cơ. Điểm này rất quan trọng. Giả như mỗi ngày bạn đều suy nghĩ sự việc này rất quan trọng, nhất định phải mau chóng làm, mỗi ngày đều để tâm lo lắng, kết quả khi cơ hội thật sự đã đến, bạn lại nói năng lực của tôi vẫn chưa đủ, vậy thì thật là đáng tiếc! Vì thế, khi thời thế còn chưa đến thì hãy mau trau dồi chính mình. Chúng ta nói: “Giàu tất làm lợi cho thiên hạ, nghèo tất làm lợi cho bản thân”. “Làm lợi cho bản thân” ở đây không phải nói không có tâm lo cho thiên hạ, mà thời vận chưa đến thì lúc này hãy mau mau lo cho bản thân được tốt, đợi thời tiết nhân duyên vừa đến thì lập tức làm lợi cho thiên hạ.

Thứ tám, “Trộm cắp của người, bố thí vô ích”.

Chúng ta giả như dùng những thủ đoạn bất hợp pháp để có được tiền tài, cho dù bạn có đem tiền này đi giúp đỡ người khác, đi cứu người khác thì có tác dụng hay không? Không có tác dụng. Bởi vì bạn đã làm ra tấm gương sai lệch, bạn đã dùng thủ đoạn bất hợp pháp để chiếm được những đồng tiền này, đã làm ra tấm gương xấu xa cho xã hội. Cho nên, thật sự là con người phải thấu hiểu đạo lý của tiền tài, phải biết tiền tài đều là nhờ chính mình đã trồng nhân bố thí tài vật mà ra, như vậy thì mới có thể làm được “quân tử thích tiền tài, lấy dùng theo đạo lý”. Cho nên, về phương diện tiền tài cũng phải chú ý trồng cái nhân bố thí tài vật.

Đoạn phía sau này là nói đến xử sự, quan sát thời cơ, thời tiết nhân duyên, và cũng nói đến việc vận dụng của tiền tài. Sau cùng là khuyên bảo chúng ta phải giữ gìn sức khỏe, bởi vì sức khỏe là nền tảng sự nghiệp một đời của con người.

Thứ chín, “Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích”.

Dù uống có nhiều thuốc hơn đi nữa thì có tác dụng hay không? Không có. Cho nên cuộc sống con người nên có tiết chế, không nên thường hay thức khuya, cũng không nên có lúc thì ăn rất nhiều, có lúc lại không ăn, như vậy thì sự hao tổn đối với sức khỏe của bạn sẽ rất nghiêm trọng, đến lúc đó cho dù bạn mua loại thuốc đắt đỏ như thế nào thì cũng đã muộn rồi.

Thứ mười, “Dâm tà loạn phép, âm đức vô ích”.

Âm đức trong Kinh văn là “âm trắc”. Một người nếu như háo sắc, hành vi lại rất xấu xa, phóng túng theo dục vọng của mình, cho dù Tổ tiên tích lũy âm đức có sâu dày hơn đi nữa thì cũng vô ích, sớm muộn gì đại họa cũng giáng xuống. Cho nên, nhìn thấy những lời này thì chúng ta phải quan sát. Con cái phải có đức hạnh thì chúng mới không bị tiêm nhiễm những tập khí xấu. Vì vậy, ngoài việc bạn phải tích âm đức ra, còn phải làm tấm gương tốt nhất cho chúng.

Đây là Lâm Tắc Từ tiên sinh đã nêu ra cho chúng ta mười điều nhắc nhở, gọi là “thập vô ích”. Phương pháp trong việc xử sự thì rất nhiều. Kỳ thực những phương pháp thái độ xử sự này tin rằng sự thể nghiệm cuộc đời của mỗi một người đều có thể nói ra được vài điều. Chúng ta không có một đáp án thật tiêu chuẩn, đều có thể tùy vào thể nghiệm cuộc sống của mỗi người mà đem nó ghi chép lại. Giả như mọi người có được thể hội tốt, cũng xin hoan nghênh mọi người đến trao đổi với tôi, đem kinh nghiệm hay của các vị nói cho tôi biết. Tôi có thể đem những kinh nghiệm hay đó của bạn nói ra cho mọi người để được lợi ích. Trong việc xử sự thì chúng ta cũng phải chuyên chú, chuyên nhất. Bởi vì “tâm bất nhị dụng”, trong phút chốc làm rất nhiều việc xen tạp thì sẽ làm đảo lộn tâm tư của bạn. Bạn mà chuyên chú làm một việc gì đó thì kinh nghiệm và năng lực của bạn sẽ có thể nhanh chóng được nâng cao. Trong khi làm việc cũng phải suy xét đến việc lượng sức mà làm. Bạn không thể nói việc tốt thì cứ cắm cúi mà làm. Phải suy nghĩ đến sức lực của mình như thế nào, sau đó còn phải suy nghĩ đến tình trạng gia đình của chính mình, trước mắt có thể làm được việc này hay không. Bạn không thể tự mình thì sẵn lòng, khi lao vào làm thì lại ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình. Giả như gia đình đều bất hòa, thì việc đó bạn có làm tốt được hay không? Sẽ rất khó làm tốt. Cho nên phải nhìn trước ngó sau, liệu sức mà làm. Làm việc muốn có thể thành công đương nhiên cũng phải có sự bền lòng, gọi là “kiên nhẫn là gốc của thành công”. Cho nên nhận lời làm việc gì cho người ta hoặc quyết định muốn làm một việc gì, nhất định phải có sự kiên trì đến cùng, quyết tâm từ đầu đến cuối. Đây cũng là thái độ xử sự.

Tiếp theo, chúng ta xem đến khoa mục quan trọng thứ ba trong “đốc hành” là “tiếp vật”.

“TIẾP VẬT”

“Tiếp vật” chính là con người tương tác lẫn nhau. Suy rộng ra, con người chung sống với thiên địa vạn vật đều có thể nằm trong phạm trù của “tiếp vật”. Trong sự “tiếp vật” thì có hai giáo huấn vô cùng quan trọng.

Thứ nhất là “Kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân”. Câu nói này có ý nghĩa là chính mình không muốn những lời nói, thái độ, hành vi mà người khác làm đối với mình, thì mình cũng không nên làm điều đó đối với người khác. Chúng ta không muốn người khác đố kỵ mình, chúng ta không muốn người khác tổn hại mình, thì chúng ta cũng không nên đố kỵ, tổn hại người ta.

Tương phản lại là “kỷ sở dục”. Điều mà bản thân mình muốn thì cũng nên chủ động đối đãi với mọi người như vậy. Vì vậy, điều mình muốn thì cũng phải làm cho người khác. Bạn rất hy vọng người tôn trọng bạn, thì trước tiên bạn phải tôn trọng người khác. Bạn hy vọng người khác quan tâm bạn, thì trước tiên bạn phải quan tâm người khác. Cho nên việc tôn trọng quan tâm lẫn nhau là kết quả, trước tiên phải trồng cái nhân gì? Trước tiên phải trồng cái nhân quan tâm người khác, gọi là “muốn biết thu hoạch ra sao thì trước phải xem trồng trọt như thế nào”. Trước tiên phải xem trồng đúng hạt giống hay chưa. Việc này tương đối quan trọng.

Rất nhiều bằng hữu sẽ nói: “Vậy tại sao người ta không tốt với tôi trước?, tại sao người ta không tôn trọng tôi trước?”. Con người ta thường hay ở đó mà so đo tính toán, điều đó sẽ khiến bạn mệt chết, cũng khiến bạn tức chết, tội gì phải như vậy chứ? Thường nói câu “Cho có phước hơn là nhận”, chúng ta việc gì lại không chủ động đưa đôi tay hữu nghị ra trước chứ? Đích thực là giữa con người với nhau giống như có một tấm gương soi.

Có một con chó nhỏ chạy vào trong một căn phòng. Trong căn phòng này bốn phía đều là kính. Khi nó vừa chạy vào, nhìn thấy trước mặt mình là một con chó thì nó liền sủa con chó trong tấm kính đó. Kết quả là khi nó sủa thì thấy bốn con chó xung quanh đều sủa lại nó. Nó nhìn thấy chúng sao mà hung hăng đến như vậy, nó lại càng hung hơn, sủa càng lớn hơn nữa. Kết quả thấy đối phương cũng sủa lại không thua kém, sủa đến cuối cùng con chó này chết vì mệt. Bởi vì nó dùng ánh mắt hung hăng đối với đối phương, cho nên tất cả chó ở trong các tấm gương cũng hung hăng lại đối với nó.

Các vị bằng hữu! Giả như chúng ta cảm thấy người ở bên cạnh mình đều trừng mắt mà nhìn đối với mình, vậy thì bạn hãy hồi quang phản chiếu, bản thân chúng ta làm thế nào để đối đãi với người khác. Khi chúng ta có loại thái độ như vậy, thì tất cả mọi người đều là thầy của chúng ta. Khi chúng ta có loại thái độ như vậy, chúng ta có thể từ chỗ này mà phản tỉnh chính mình, nâng cao chính mình. Cho nên hãy xem mọi người đều là thầy, duy chỉ có một mình ta là học trò. Bạn mà có được thái độ như vậy, thì nền tảng công phu tu dưỡng đạo đức của bạn rất vững chắc.

Sáng nay khi chúng tôi đi ăn sáng, thật sự thì những nhân viên làm việc này mỗi ngày họ phải tiếp đãi bao nhiêu người? Có thể là mấy trăm người, cho nên họ cũng rất là mệt mỏi. Khi chúng tôi nhìn thấy họ liền mỉm cười với họ, sau đó mỗi lần họ tiếp nhận chúng tôi gọi món và đưa thức ăn đến thì chúng tôi đều rất cảm ơn họ, cho nên những nhân viên phục vụ khi nhìn thấy chúng tôi thì họ cũng cười tươi rạng rỡ. Đây đều là lợi người, lợi mình. Bạn kính họ một phần, họ liền kính lại bạn một phần. Xã hội này xác thực là cùng một thể hỗ trợ lẫn nhau. Cuộc sống của chúng ta có thể luôn được thuận lợi trôi chảy, đều có thể được thuận tiện là do ai giúp đỡ? Đều là nhờ các ngành các nghề cùng ra sức mới thành tựu được sự dễ chịu thuận lợi cho cuộc sống chúng ta.

Tôi ở tại Hải Khẩu, túi đồ của tôi đứt đến ba lần, bởi vì vác quá nặng. Rất nhiều bạn bè nói: “Thầy Thái à! Thầy vác nặng như vậy để làm gì?”. Tôi nói với họ là tôi đang học Đào Khản dời gạch. Bởi vì thời đại đó của ông Đào Khản là thuộc thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, lãnh thổ của triều Tấn đang dần dần dạt về phương Nam, cho nên ông niệm niệm đều muốn phục hưng lại lãnh thổ. Vì vậy ông không dám quá an nhàn, mỗi ngày đều đem đống gạch bên phải dời qua bên trái, hôm sau lại đem gạch từ bên trái dời qua bên phải. Bởi vì một người chỉ cần an nhàn thì sẽ giải đãi, gọi là siêng ăn thì nhác làm. Mỗi ngày đều có thể làm thì tính cảnh giác của họ, ý chí chiến đấu của họ mới mạnh. Cho nên tôi nói mỗi ngày vác nặng như vậy nhắc nhở tôi đang gánh nặng đường xa. Kết quả là vì quá nặng nên cái túi cũng bị đứt. Túi mà đứt rồi thì cái túi này không thể dùng được nữa. Đúng lúc phía trước trung tâm của chúng tôi có mấy vị làm nghề đánh giày, tôi liền đem qua đó nhờ họ. Kết quả là chừng ba phút thì họ đã sửa xong, đưa lại cho tôi. Họ nói hết một đồng. Tôi nói chỉ tốn một đồng mà làm cho cái túi của tôi dùng lại được, cho nên tôi rất là cảm ơn đối với họ. Vì vậy, chúng ta chính là nhờ có các ngành các nghề trợ giúp, cuộc sống chúng ta mới được hạnh phúc như vậy.

Khi đối diện với người ở các ngành nghề, chúng ta nên tôn trọng họ.

Có một lần, tôi lái xe. Lúc đó mới khoảng sáu giờ sáng. Tôi phát hiện lá cây ở trên đường đều không thấy, được quét dọn rất sạch sẽ. Tôi liền suy nghĩ, những lá cây này đã đi đâu? Đường xá làm sao lại có thể sạch sẽ đến như vậy? Chúng ta gọi là công nhân vệ sinh, gọi là nhân viên bảo vệ môi trường, họ đã quét dọn sạch sẽ. Xin hỏi, họ bắt đầu quét dọn từ khi nào? Chắc chắn là khi chúng ta đang say ngủ thì họ lại thức dậy làm việc vất vả. Các vị bằng hữu! Các vị không tin à? Chừng bốn giờ sáng các vị thức dậy thì nghe thấy tiếng quét rác. Cho nên, cuộc sống tốt đẹp của chúng ta đều là sự ra sức từng chút một của mọi người.

Và vào buổi sáng hôm đó, tôi đã hỏi các học trò một vấn đề: “Khi các em thức dậy thì nhìn thấy đường xá có sạch sẽ hay không? Là ai đã giúp đỡ?”. Là do rất nhiều các chú, bác, cô, dì đã quét dọn. Vì thế khi các em gặp những cô chú này thì các em phải có tâm tôn kính, cảm ân. Khi trẻ nhỏ đối diện với người các ngành các nghề mà có được tâm cảm ân như vậy thì chúng sẽ không ngạo mạn, chúng sẽ biết luôn luôn cảm tạ người khác. Thái độ này có quan trọng hay không? Quan trọng. Vậy khi nào thì dạy chúng? Bạn phải dạy chúng ngay từ nhỏ.

“Đệ Tử Quy” nói: “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. Cho nên đối với các ngành các nghề, bao gồm cả những người nghèo, chỉ cần họ có đóng góp đối với xã hội thì chúng ta đều phải tôn trọng. Nhưng hiện tại giá trị quan của xã hội đã có sự lệch lạc, đều dùng cái gì để đo lường giá trị của con người? Dùng tiền. Đúng vậy! Bạn dùng tiền bạc để đo lường giá trị của con người thì sẽ làm méo mó đi nhân tính, vì thế mà người có tiền thì lại xem thường người khác. Họ một khi xem thường người khác thì con cái của họ cũng sẽ học theo một cách triệt để. Bởi vì cả giá trị quan đã bị méo mó rồi, nó sẽ ảnh hưởng và làm méo mó đến từng chút một những điều mà chúng ta dạy cho con cái, học trò. Vậy thì tất cả mọi người trong xã hội đều sẽ theo đuổi tiền tài, sẽ không thể tưởng tượng được. Chúng ta phải luyện công phu về sự tôn trọng và quan tâm người khác ngay trong thường ngày. Cho nên khi đến bên cạnh những người thân hữu của chúng ta, chúng ta phải đề khởi tâm tôn trọng và yêu thương họ, như vậy thì thái độ đối nhân của bạn mới có thể vững vàng.

Có một vị giáo viên, lúc bình thường mắng học trò rất dữ, học trò cũng rất sợ. Có một hôm, cô giáo này phải dạy dự giờ, nghĩa là dạy học làm mẫu để cho các giáo viên khác xem. Kết quả sau khi các thầy cô giáo đến lớp của cô, bởi vì bình thường cô hay mắng học trò, nhưng ngày hôm đó cô lại đặc biệt ân cần với học trò. Khi cô cười, các thầy cô ở phía sau nhìn thấy mà cảm thấy toàn thân đều khó chịu, đều thấy nổi cả gai ốc. Vì sao vậy? Vì bình thường rất dữ, nay nhất thời muốn cười cũng không thể cười được một cách tự nhiên. Kết quả học trò của cô cứ ngẩn người ra, không biết phải phản ứng như thế nào, cảm thấy cô giáo trở nên xa lạ quá. Thế là tiết học hôm đó đã diễn ra một cách rất lúng túng. Cho nên sự quan tâm người khác, tôn trọng người khác, lễ phép với người khác thì không cần phải giả vờ, chính là trong lúc thường ngày cái tâm đã như thế rồi.

Tôi nghe bạn bè kể cho nghe về một trường hợp như vậy. Tiếp theo tôi hỏi: “Cô giáo này có phải là chung sống không được tốt với người chồng hay không, có phải là sống không được tốt với người trong nhà?”. Người bạn hỏi: “Sao anh biết vậy?”. Hành vi của con người đều là từ trong tâm lưu lộ ra. Tâm của cô nhất định là vô cùng bất an, rất là sốt ruột nên mới biểu hiện ra hành vi như vậy. Cho nên chúng ta không ngừng ở tại kết quả, không phê phán người khác ở kết quả, càng quan trọng hơn nếu như chúng ta là đồng nghiệp của họ thì phải mau dẫn dắt họ. “Yêu người thường được người yêu lại, kính người thường được người kính lại”. Đương nhiên đây là một mục tiêu. Bạn không nên vừa mới mở đầu mà đã nói với cô ấy: “Yêu người thường được người yêu lại”. Trước tiên phải nói như thế nào? Nói chuyện là một nghệ thuật. Bạn trực tiếp mở đầu đã nói ra câu Kinh văn này thì cô ấy nhất định sẽ nghĩ là bạn đang giáo huấn cô ấy. Bạn phải nên nói: ! Đừng nổi nóng, đừng nổi nóng. Nổi nóng thì sẽ làm tổn hại đến sức khỏe đấy!”. Bạn xem, cô ấy có thể còn vui vẻ với tôi, cô nghe thấy có thể cũng rất dễ chịu. Vì vậy, trước phải nên quan tâm cô, sau đó lại từ từ xây dựng sự tín nhiệm, về sau lại khéo dẫn từng bước một. Sau đó bạn lại biểu diễn ra một dáng vẻ tốt cho cô xem. Nếu không, cứ nổi nóng vô cớ như vậy thì làm sao có thể dẫn dắt học trò cho tốt. Cô ấy sẽ chủ động đến thỉnh giáo bạn, đến học tập bạn.

Cho nên, chúng ta trong việc xử sự nhìn thấy được người tốt, gọi là thấy người tốt chúng ta không nên đố kỵ, phải tùy hỷ, phải tán thán, gọi là thấy người hiền tài là muốn được như họ. Thấy người xấu, nhìn thấy người khác có xấu ác thì như thế nào? Là “tự kiểm điểm” à? Các vị học “Đệ Tử Quy” càng học càng nhuần nhuyễn, hãy cho một tràng pháo tay khích lệ. Khi thấy người có thiện hành thì không nên đố kỵ họ, mà phải nên hoan hỷ tán thán điều tốt của họ, dẫn dắt người khác học tập họ. Thấy người xấu ác thì không nên phê bình, phải khuyên bảo hoặc im lặng. Im lặng nghĩa là trước tiên khoan hãy nói. Khuyên bảo và im lặng là phải quan sát thời cơ để mà quyết định. Nếu như sự tín nhiệm đã đủ rồi thì nên bắt đầu khuyên. Giả như tín nhiệm vẫn chưa đủ thì trước tiên khoan hãy nói. Những việc này đều phải xem xét thời cơ rồi làm, bởi vì bạn phê bình thì có thể sẽ khiến cho mối quan hệ xấu đi.

Thứ ba là “thấy người làm sai”. Nhìn thấy người khác làm sai, rất nhiều người phản ứng trực tiếp chính là bắt đầu mắng người ta. Một người vừa mới phạm phải sai lầm, trong tâm của họ như thế nào? Rất lo âu, rất bất an. Vào lúc này mà bạn thêm dầu vào lửa thì không tốt chút nào. Cho nên thấy người làm sai thì không nên chỉ trích, phải mau giúp đỡ, phải mau mau cứu vãn tình trạng, sau đó lại nói với họ đã phạm sai ở chỗ nào. Cho nên rất nhiều trẻ hễ phạm phải sai xót thì phụ huỵnh liền nổi nóng và mắng chúng một trận té tát. Con cái thường hay bị bạn mắng thì lòng tin đều không còn. Cho nên khi chúng phạm sai lầm, bạn phải bình tâm lại, trước tiên phải giúp chúng xử lý tình hình cho tốt, sau đó lại nói cho chúng nghe hôm nay chúng đã phạm phải sai lầm này. Bạn phải hiểu rõ, thì con cái sẽ cảm thấy bạn luôn thông cảm cho chúng, luôn luôn chỉ dạy chúng. Tiếp đến chúng đối với giáo viên cũng vậy, đối với cha mẹ cũng vậy, sẽ hết sức tôn kính. Đây đều là những trọng điểm cần phải chú ý trong việc tiếp xúc giữa con người với nhau.

Trong việc chung sống với mọi người vẫn còn một thái độ rất quan trọng, gọi là “nhượng”. Các vị bằng hữu! Khi nào thì phải nhượng, khi nào thì phải nhường vậy? Khi tranh chấp thì phải lùi lại một bước, phải nhẫn nhượng. Còn cái gì phải nhượng nữa? Lễ nhượng. Phải lễ nhượng ở chỗ nào? Nhìn thấy người lớn phải lễ nhượng. Rất tốt! Xin hãy vỗ tay khích lệ. Vị đồng học này vừa tan học đã đến đây nghe giảng, thật là không đơn giản! Bạn đã làm được điều mà Khổng Tử nói: “Hiếu học cận hồ tri”. Hễ hiếu học thì từng bước từng bước một đến gần với trí tuệ.

Lễ nhượng, trong lúc ăn cơm phải lễ nhượng, lúc đi đường cũng phải lễ nhượng. “Đệ Tử Quy” nói: “Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng. Người lớn trước, người nhỏ sau”, cho nên phải lễ nhượng. Nhường đường cũng là nhượng, nhường thức ăn cũng là nhượng. Cho nên con người chung sống với nhau có rất nhiều chỗ đều phải lễ nhượng. Khi người người đều biết lễ nhượng thì con người sống chung với nhau sẽ vô cùng dễ chịu. Lễ nhượng là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa con người với nhau. Giữa con người với nhau nên giữ gìn khoảng cách tốt đẹp này.

Giả như con người vô lễ, không lễ nhượng thì sẽ phát sinh rất nhiều xung đột, thậm chí là ngay cả vợ chồng cũng có xung đột. Người càng thân thiết thì càng phải giữ lễ. Điểm này rất là quan trọng. Người càng thân thiết mà bạn không biết giữ lễ thì những người trong gia đình đến sau cùng không thể nhịn được nữa sẽ bộc phát. Cho nên, ngay cả đối mặt con cái của bạn cũng phải giữ lễ. Bước vào phòng của con cái bạn phải như thế nào? Vẫn là phải tôn trọng chúng, vẫn phải gõ cửa. Bởi vì chúng ta yêu cầu trẻ phải làm, bản thân mình trước phải làm được. Cho nên lễ nhượng quan trọng. Khi con cái biết được lễ nhượng, chúng sẽ trở thành một con người đúng mực, người biết chừng mực.

Vừa rồi có vị bằng hữu nhắc đến, khi lời nói bị xung đột thì cần phải nhẫn nhượng. Người sống chung với nhau khó tránh khỏi việc phát sinh ra một số tình huống tranh chấp và ý kiến bất hòa. Vào lúc này thì bạn phải nhẫn được. Nhẫn có thể biến hóa can qua phẫn nộ trở nên vô hình. Nếu như bạn nhẫn không được, có thể phát sinh một trận khẩu chiến, thậm chí là phát sinh tình trạng động tay động chân. Cho nên con người nếu như nhẫn không được lời nói nhất thời, nhẫn không được tức giận nhất thời, có thể sự giao hảo trong mấy năm cũng bị hủy đi trong một ngày. Có câu: “Một lời vô tình làm mất ba năm giao hảo”. Chúng ta bởi vì phẫn nộ mà đã lỡ nói một câu nói nghe cay nghiệt, có thể người bạn này từ đây về sau không còn qua lại nữa. Cho nên công phu nhẫn rất là quan trọng. Nhẫn cũng là tiết chế tâm tình của chính mình, không nên để cho tính khí mặc sức nổi lên.

Có một đứa trẻ khoảng mười mấy tuổi, tính tình rất nóng nảy. Các vị bằng hữu! Trẻ con vì sao tính khí lại nóng nảy vậy? Nguyên nhân là ở đâu? Vì từ nhỏ đã để chúng đòi hỏi không ngớt, cái gì cũng chiều theo ý chúng, đến một ngày bạn không thuận ý chúng thì chúng đương nhiên sẽ nổi nóng với bạn. Cho nên tính nóng nảy đều là nuông chiều mà ra. Đứa trẻ này tính tình rất nóng nảy, cha của nó liền nói với nó: “Con mỗi lần nổi tính nóng thì hãy ra phía sau nhà rồi đóng một cây đinh lên cột cửa phía sau”. Kết quả là mỗi lần nó nổi giận xong thì liền đi đóng một cây đinh. Một – hai tuần sau, nó nhìn thấy đinh đã đóng gần đầy cây cột, nó lúc này mới biết thì ra tính khí của mình lớn như vậy nên bắt đầu biết tiết chế, biết thường hay nhẫn nhịn để điều chế tính khí của mình. Dần dần mấy tháng sau đó thì công phu cũng tương đối tốt một chút. Sau đó cha của đứa trẻ nói: “Hôm nay nếu như con không nổi nóng nữa thì hãy ra cây cột cửa phía sau nhổ ra một cây đinh”. Sau đó mỗi ngày nó đều đi nhổ đinh ra. Sau khi nhổ xong, cha nó liền dắt nó đi xem cây cột, cha nó nói: “Con nổi giận xong thì cũng giống những cái lỗ này vậy, có cách nào hồi phục nó lại nguyên trạng hay không?”. Mỗi ngày con nói lời xấu ác thì cũng như đã đóng một cây đinh vào trong tim của những người thân bạn bè, cho dù đem nó nhổ ra hết thì dấu vết của cây đinh vẫn còn đó. Phẫn nộ không thể phát, bởi vì sau khi đã nổi nóng lại nói câu “xin lỗi” thì đã hết chuyện hay chưa? Rất khó để hồi phục lại nguyên trạng. Cho nên người có thể nhẫn thì có thể hóa giải cơn can qua, có thể giữ gìn được mối quan hệ giữa con người. Vì thế công phu nhẫn, công phu nhẫn nhượng này cũng phải có.

Tiếp đến, còn có một thái độ nữa. Khi người bạn bên cạnh chúng ta rất tự cao tự đại, bạn ở bên cạnh sẽ cảm thấy như thế nào? Rất là khó chịu, rất là áp lực. Cùng thi cử với người đó, người đó thi tốt hơn bạn, nhìn vào bài thi của bạn liền nói: “Sao bài thi như vậy mà bạn cũng không biết làm nữa?”. Nghe xong thật sự là rất khó chịu. Cho nên người tự kiêu tự ngạo sẽ khiến cho người khác không còn chỗ dung thân. Mà người khiêm bi thì lúc nào cũng chừa con đường cho người khác, lúc nào cũng suy nghĩ cho người khác. Cho nên trong “Kinh Dịch” có sáu mươi bốn quẻ, mỗi quẻ có sáu hào. Mà trong sáu mươi bốn quẻ thì chỉ có một quẻ mà sáu hào đều là cát, tất cả đều là cát, là quẻ nào vậy? Đó chính là quẻ “khiêm” của “khiêm hư”. Chỉ cần dùng “khiêm” thì không có một tình trạng nào mà không cát. Bởi vậy mà quẻ khiêm có sáu hào đều là cát.

Trên “Kinh Thư” cũng nói: “Mãn chiêu tổn”, nghĩa là tự kiêu tự mãn thì nhất định sẽ khiến cho người khác đố kỵ chướng ngại. “Khiêm thụ ích”, là người khiêm hư đi đến đâu cũng đều khiến cho người khác yêu mến, đều sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Cho nên chúng ta làm thầy cô cũng vậy, hoặc giả là người có trí tuệ, có kinh nghiệm cũng vậy, đều thích dạy người khiêm hư, chịu nghe lời dạy của người khác. Nếu một người không có thái độ khiêm hư, họ cũng không thể dùng hư tâm để đi cầu học vấn. Cho nên từ nhỏ đã xây dựng thái độ khiêm hư, khiêm tốn như vậy.

Chúng ta cũng phải nên xem xét chỉ đường, đương nhiên chúng ta cũng nên xem chúng ta trước là chúng ta đã làm được công phu “nhẫn nhượng”, “lễ nhượng” và “khiêm nhượng” hay chưa. Đây chính là chỗ mà chúng ta cần phải đề cao trước tiên.

Con người giao hảo với nhau là một môn học rất quan trọng, mà môn học này có thể bạn học cả đời cũng cảm thấy chưa đủ. Có câu: “Hiểu được nhân tình thế thái thì đều là văn chương cả”. Nhưng cũng có một nòng cốt chủ yếu, đó là bạn có thể luôn suy nghĩ cho người khác, tin rằng bạn sẽ làm được như câu nói: “Điều mình không muốn đừng làm cho người”, liền có thể làm được “mình nhận được điều tốt cũng muốn cho người khác nhận được điều tốt”, cũng có thể làm được công phu “lễ nhượng”, “nhẫn nhượng”, “khiêm nhượng” trong việc tiếp vật.

Thánh Hiền cũng còn có sự nhắc nhở rất quan trọng thứ hai, gọi là “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Chúng ta đối diện với người, đối diện với sự, giả như có chỗ nào không vừa ý thì không thể trách người khác, cũng không nên trách sự tình này. Phải trách ai? Trước tiên phải quay đầu lại tự mình phản tỉnh. Câu giáo huấn này là một câu tâm pháp quan trọng nhất trong nhà Nho của chúng ta. Một người chỉ cần mỗi lần phát sinh sự tình gì, ý niệm đầu tiên là “mình đã sai ở chỗ nào?”, thì người này học vấn nhất định sẽ nâng lên rất nhanh.

Hiện tại chúng ta trong lúc nói chuyện với người khác, bạn có nhìn thấy người nào hễ có vấn đề gì phát sinh thì họ liền nói “là tôi sai, là tôi đã làm không tốt ở chỗ nào đó” hay không? Chúng ta trà dư tửu hậu, mọi người ở đó nói chuyện đều là nói do người nào đó hại, đều là vấn đề do ai đó, xưa nay chưa nghe qua ai nói “vấn đề đều là do tôi”. Khi chúng ta hiện nay mà nghe được câu nói “vấn đề đều là do tôi cả” thì người này cũng không hề đơn giản. Các vị có thể thông báo cho tôi biết, chúng tôi sẽ đi tìm họ để cùng hoằng dương văn hóa truyền thống.

Phu Tử đã làm một tỷ dụ ở trong “Trung Dung” để cho chúng ta cảm nhận một chút về đạo lý “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Ngài dùng việc bắn cung để tỷ dụ đạo lý làm người của chúng ta. Phu Tử nói: “Xạ hữu tự hồ quân tử”. Việc bắn cung giống như đạo quân tử, giống như đạo lý làm người. “Thất chư chánh cốc”, chữ “thất” này nghĩa là bắn tên bắn không trúng, “chánh cốc” nghĩa là mục tiêu. “Bắn trượt mục tiêu” thì trách ai đây? “Phản cầu chư kỷ”, là phản tỉnh chính mình. Người hiện tại thì không như vậy, khi giương cung bắn mà không trúng mục tiêu liền nói: “Hãy kiểm tra giúp tôi xem mũi tên đó là công ty nào sản xuất vậy?, sao mà khó bắn quá vậy?”. Có khi còn nói: “Cái cung này tệ quá, vứt bỏ đi, mau mau đổi cái mới cho tôi”. Đều là đem trách nhiệm đùn đẩy cho người khác, không hề nghĩ đến rõ ràng là kỹ thuật bắn của mình còn chưa tốt. Vì vậy Phu Tử rất giỏi dạy học, thường dùng một số tỷ dụ cụ thể để cho chúng ta lĩnh hội được những đạo lý này.

Tôi trong quá trình tiếp xúc với rất nhiều bằng hữu cũng thường hay cùng trao đổi với họ về việc này. Có một người mẹ nói: “Con của tôi tính khí rất tệ”. Tôi liền nói: “Con của chị tính tình không tốt chỉ là kết quả, nguyên nhân là ở đâu, nó học từ ai vậy?”. Các vị bằng hữu, có một số lời cũng không nên nói cho trắng ra hết, nói chuyện cũng phải có nghệ thuật, gọi là “điểm đáo vi chỉ”. Các vị sao đều biết vậy. “Điểm đáo vi chỉ” nghĩa là bạn đừng nói trắng ra hết, nghe hiểu được thì đã hiểu được, nghe không hiểu thì bạn cũng không có kết oán với người ta. Kết quả, sau đó cô trở về thì có thay đổi một chút. Hai tuần sau đó, tôi giảng thì cô có đến nghe. Cô đến nói với tôi: “Thầy Thái à! Con tôi trong hai tuần qua tính khí đã tốt hơn nhiều rồi, chắc bởi vì tính khí của tôi cũng tốt hơn một chút, cho nên lập tức tính tình của nó cũng tốt hơn”. Bởi vì trong một gia đình thì sẽ cảm nhiễm lẫn nhau, tính tình của bạn cảm nhiễm đến nó, tính khí của nó liền không tốt; tính tình bạn mà tốt, có tu dưỡng thì bầu không khí trong gia đình liền có sự tu dưỡng. Cho nên khi người khác không tốt chính là một tấm gương soi chiếu để cho chúng ta quay đầu lại từ chính mình bắt đầu chỉnh sửa.

Có một vị hiệu trưởng trường mầm non, vị đó nói các thầy cô trẻ tuổi hiện nay không hiểu chuyện, cũng không biết cảm ơn người khác. Oán thán vậy có tác dụng gì không? Vị hiệu trưởng này cũng rất tốt, sau khi tiếp xúc với chúng tôi xong, vị ấy cảm thấy những giáo huấn Thánh Hiền này sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đối với công nhân viên chức của mình. Phòng học của chúng tôi cũng không lớn lắm, vậy mà mỗi lần như vậy vị ấy đều đưa hai mươi mấy người đến dự, khiến cho phòng của chúng tôi chật ních cả người. Nhưng chúng tôi thì rất hoan hỷ. Suy cho cùng, những giáo viên này về sau đều là thầy của người khác, đại đa số ngay lúc đó đã là thầy của người khác rồi, cho nên họ có thể có được tư tưởng chính xác rồi thì có thể ảnh hưởng đến rất nhiều học trò. Kết quả là sau khi những thầy cô này đến học được vài tháng, vào dịp lễ ngày nhà giáo, vị hiệu trưởng trường mầm non này vốn trước đây vào ngày nhà giáo không có hoa, thế nhưng hôm đó thì văn phòng của cô đều ngập tràn hoa. Các thầy cô học tập xong thì họ đã biết cảm tạ đối với sự bồi dưỡng của lãnh đạo. Cho nên, người lãnh đạo cũng vậy, cha mẹ cũng vậy, hãy thay đổi trước thì trẻ cũng sẽ thay đổi theo.

Được rồi, tiết học này tạm thời giảng đến đây! Xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 39/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh