GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp
Tập 6/40
Chào các vị bằng hữu!
Chúng ta đã nhắc đến hai cái trục chính của việc giáo dục là “trưởng thiện” và “cứu thất”. Làm cha mẹ người khác, làm thầy người khác, nhất định phải thật sự thấu hiểu “trưởng thiện” và “cứu thất”. Vừa mới nhắc đến “cứu thất”, trong vấn đề này, chúng ta hiểu được khi đứa trẻ còn rất nhỏ, nếu như mọi thứ chúng ta đều là suy nghĩ thay cho nó (chính là đáp ứng hết tất cả những yêu cầu của nó), thì nó chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà không biết nghĩ đến người khác, thế là tự nhiên chúng sẽ tự cho mình là trung tâm, tương đối là tự tư. Chỉ tương đối tự tư thì chúng sẽ không biết hiếu thuận, không biết suy nghĩ cho người khác. Cho nên, chúng ta phải tìm cho ra nguyên nhân căn bản thì mới có thể từ từ giải quyết được vấn đề.
Ví dụ: Đứa trẻ hiện tại đã bảy – tám tuổi rồi, có còn kịp nữa không? Thậm chí đã được mười mấy tuổi rồi thì còn kịp nữa hay không? Việc này đích thực chúng ta phải tin rằng: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Khi chúng tôi diễn giảng ở tại Hàng Châu, có một vị khoảng bảy mươi tuổi, chúng tôi lên lớp đến ngày thứ ba thì vị lão tiên sinh này đi đến trước mặt tôi nói: “Thầy Thái à, tôi bảy mươi tuổi rồi, giờ mới học bù bài học về hiếu đạo này”. Bản thân ông nghe giảng cũng rất hoan hỷ, nhưng rất làm tiếc vì bảy mươi tuổi mới được nghe.
Có một cô bé học cấp ba, sau khi nghe xong bài giảng, mỗi ngày trở về nhà đều có sự thay đổi rất lớn. Sau khi buổi học ngày thứ năm kết thúc, dì của cô bé cảm thấy cô bé thay đổi hẳn, vì thế lập tức ngồi xe đi thẳng đến nơi chúng tôi đang tổ chức lớp giảng. Nhưng chúng tôi thì đã rời khỏi đó rồi. Người dì đó cũng không cam tâm, đi tìm hỏi số điện thoại nơi chúng tôi ở. Cô gọi điện thoại đến nói: “Văn hóa truyền thống lại có thể thay đổi được một đứa học sinh cấp ba chỉ vỏn vẹn trong năm ngày”. Cô cảm thấy sức mạnh này thật sự là không thể nghĩ bàn, cho nên cô có một đứa con muốn đưa đến cho chúng tôi dạy (là con của người dì này). Chúng tôi nói: “Các giáo viên chúng tôi đều đến từ Hải Khẩu và Thẩm Quyến”. Cô nói: “Không sao, cô sẽ đưa nó đến Thẩm Quyến”. Cô làm theo cách người xưa, “muốn nghìn dặm tầm sư”. Nhưng quan trọng hơn hết, ảnh hưởng con cái lớn nhất vẫn là cha mẹ. Cho nên không phải là trẻ con phải nhanh chóng học, mà là cha mẹ phải nhanh chóng học. Cho nên dạy con cái trước phải dạy mình. “Quân tử vụ bổn”, căn bản bạn phải tìm cho được thì mới có thể “bổn lập nhi đạo sanh”. Đạo làm cha người khác của bạn, gia đạo của bạn mới có thể chống đỡ lại được, cho nên nhất định phải từ chính mình tu thân mà bắt đầu làm, cũng là làm tấm gương tốt cho con trẻ.
Chúng ta cũng vừa mới nói đến lỗi lầm của con cái, còn có lỗi lầm gì nữa không? “Ngạo”, “ngạo mạn”! Sự ngạo mạn của con cái học được từ đâu vậy? Còn có phụ huynh khi dạy dỗ con cái nói: “Trên thế giới này ba của con là thông minh nhất”. Thật sự là có người như vậy. Nói như vậy thì con cái học được những gì? Ngạo mạn!
Lúc trước, chúng tôi cũng ví dụ một trường hợp, như là cho đứa trẻ học Anh văn nhưng lại không dạy nó làm người. Đưa đến trước mặt trưởng bối thì bắt đầu nói: “Chao ôi, đứa cháu này của tôi rất giỏi, đọc tiếng Anh cho các vị nghe”. Kết quả là đứa cháu sau khi trả lời được vài câu thì đột nhiên hỏi bà của nó: “Quyển sách tiếng Anh gọi là gì?”. Bà nội nói: “Bà làm sao mà biết được?”. Bà không trả lời được thì đứa cháu gái liền nói: “Bà nội, sao mà bà ngốc thế?”. Bạn xem, đứa trẻ học tri thức, học kỹ năng mà không có học đức hạnh, tri thức càng cao thì càng xem thường cha mẹ, xem thường người lớn. Cho nên các vị xem, các em học trò lớp ba, lớp bốn, đi học trở về hỏi mẹ nó một hơi, có một số khoa học thường thức nhưng người mẹ không biết thì chúng sẽ nói với mẹ của chúng: “Mẹ à, ngay cả cái này mà mẹ cũng không biết nữa”. Cho nên đức hạnh làm người là gốc, phải trồng trước tiên trẻ mới không ngạo mạn. Vì thế, người làm cha mẹ chúng ta phải cảnh giác cao độ, không thể nuôi thành đứa trẻ ngạo mạn trong vô hình chung cho chính mình. Cho nên, có rất nhiều người đều nói con trẻ thì cần phải được khen. Có rất nhiều lời nói không thể nói sai, cũng không thể nghe sai.
Khen cũng phải có tiêu chuẩn của nó, khen cái gì vậy? Đứa trẻ có thể nói được tiếng Anh thì bạn liền nói: “Con giỏi quá”, nó vẫn cứ nghĩ rằng bản thân nó thật sự là rất giỏi. Vì vậy, sự khen ngợi này có thể thành tựu được một đứa trẻ mà cũng có thể hại một đứa trẻ. Cũng giống như một con dao, bạn dùng đúng thì nó có thể giúp bạn cắt được rất nhiều thứ, dùng sai thì sẽ làm bị thương chính mình, làm người khác bị thương. Khi một đứa trẻ có tâm ngạo mạn thì có tổn thương người khác hay không? Chỗ nào cũng khiến cho người ta không chốn dung thân. Cho nên sự ngạo mạn, điểm này thì tôi đặc biệt cẩn thận. Bởi vì tôi đã từng có thời gian cầu học tại Úc Châu, gặp được một thanh niên khoảng chừng hai mươi bốn – hai mươi lăm tuổi, còn trẻ tuổi như vậy mà đã biết học tập học vấn của Thánh Hiền. Tôi nhìn thấy người đó thì rất vui vẻ, “hậu sinh khả úy”, liền đi đến và nói: “Ồ, cậu còn trẻ vậy mà không đơn giản, đã biết đến đây học tập, rất tốt!”. Chúng tôi đã quen biết người này chưa? Chưa quen biết. Chỉ là không giấu được sự vui mừng, đã tán thán người đó một hồi. Kết quả là qua một tuần sau, bởi vì chúng tôi ở cùng với nhau, tôi nhìn thấy người đó có một số hành vi cần phải sửa đổi, vì tôi đã học qua “Đệ Tử Quy”, cho nên khi tôi khuyên cậu ấy thì cũng là “mặt ta vui lời ta dịu”, thái độ cũng rất tốt. Bởi vì tôi lớn hơn cậu rất nhiều tuổi nên tôi trao đổi với cậu về vấn đề này. Kết quả là tôi vừa mới nói thì gương mặt của cậu liền biến sắc, rất khó coi. Tôi liền lập tức thâu lời trở lại, mới khuyên được một nửa thì đã mau mau phanh trở lại, nếu không có thể mối quan hệ giữa đôi bên chưa hình thành thì đã bị tổn hại mất rồi. Bởi vì cậu này ở trong trường học thuộc về thế hệ sau, mỗi một đàn anh đàn chị gặp cậu đều nói “cậu thật là giỏi, trẻ vậy mà đã biết học tập rồi”. Khen cho đến sau cùng thì thế nào? Lời dễ nghe nghe nhiều rồi, nên khi nghe lời phê bình thì không chấp nhận nổi. Cho nên người tán thán phải căn cứ vào đức hạnh để tán thán thì mới không có tác dụng phụ. Tiêu chuẩn đức hạnh ở đâu? Tiêu chuẩn đơn giản nhất, cương lĩnh đơn giản nhất chính là “Đệ Tử Quy”.
Khi trẻ tận tâm, tận lực đối với cha mẹ của chúng, bạn có thể nói với trẻ: “Con hiếu thuận như vậy, biết báo ơn cha mẹ như vậy”, bởi vì việc này tương ưng với tánh đức, cho nên chúng sẽ càng cảm thấy bản thân phải hiếu thuận hơn. Khi bạn đi vào trong nhà của con trẻ, tất cả những đồ vật đều được sắp xếp rất tốt, đây là việc lễ kính đối với đồ vật, tâm cung kính, bạn có thể nói với nó: “Con sắp đặt như vậy, chúng tôi nhìn thấy tâm tình đều sảng khoái, tin rằng con trong cuộc sống bình thường nhất định là rất gọn gàng ngăn nắp”. Bạn căn cứ vào đức hạnh của chúng mà khen ngợi, bản thân trẻ sẽ tự yêu cầu chính mình tự đề cao. Cho nên việc khen ngợi cũng là một học vấn, phải căn cứ theo đức hạnh mà khen ngợi thì mới không có tác dụng phụ to lớn.
Vừa mới đề cập đến vấn đề lễ phép của trẻ nhỏ, có một đứa trẻ mẫu giáo không biết chào hỏi với người lớn, nhìn thấy người lớn trước giờ không có chào hỏi qua, thế nhưng Kinh sách thì em lại học rất thuộc. Bởi vì chúng tôi cũng có khóa trình làm việc thảo luận với các phụ huynh, trong đó tôi nói với các phụ huynh: “Cả đời của trẻ có thể gặp được quý nhân hay không, hiện tại tôi có thể nhìn ra được”. Tôi thường hay nói như vậy đối với các phụ huynh học sinh. Các phụ huynh học sinh vừa nghe xong thì họ như thế nào? Mở mắt rất to, chăm chú lắng nghe. Người hiện tại rất hiện thực, chỉ cần nói điều gì có lợi thì họ lập tức chăm chú ngay. Tôi nói: “Trẻ con có thể gặp được quý nhân hay không tuyệt đối không phải khi nó tốt nghiệp đại học thì bạn mới chạy đến trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát rồi nói Bồ Tát ơi, con của con nó sắp tốt nghiệp đại học rồi, xin Ngài hãy giúp nó tìm được một công việc tốt, giúp cho nó tìm được một cấp trên tốt”. Mỗi ngày đều đi cầu khẩn như vậy có tác dụng gì không? Giả sử như cầu như vậy mà được thì không phải là Quan Thế Âm Bồ Tát đã bị bạn hối lộ rồi sao? Vậy Ngài có còn là Thánh nhân nữa sao? Cho nên làm như vậy là không như pháp.
Làm thế nào mới là mấu chốt để con cái cả đời có thể gặp được quý nhân? Bạn phải tìm cho ra. Chính là sự lễ phép của con cái, lễ phép đối với người lớn, cung kính đối với người lớn. Khi chúng có thái độ như vậy, người khác khi nhìn thấy sẽ cảm thấy đứa trẻ này thật sự có khác biệt. Bởi vì chúng có sự cung kính thì sẽ có thái độ tiếp nhận chỉ dạy. Trưởng bối nói với chúng những gì chúng đều lập tức mỉm cười cúi đầu: “Cảm ơn các vị hôm nay đã nói với tôi điều này, việc này giúp ích rất lớn đối với công việc của tôi”. Chúng càng cung kính, những người có trí huệ, những người có kinh nghiệm này sẽ sẵn lòng đề bạt chúng. Cho nên việc lễ phép của đứa trẻ là một mấu chốt để cuộc đời này có thể gặp được danh sư hay không, gặp được quý nhân hay không.
Bản thân tôi cũng chính là đạt được lợi ích từ việc lễ phép này. Bởi vì cha mẹ đã dạy chỗ lợi ích của việc lễ phép thì quá nhiều. Về sau tôi lấy ra rất nhiều ví dụ đều là có mối liên hệ trực tiếp với việc lễ phép.
Sau khi tôi nói như vậy xong thì vị phụ huynh học sinh này trở về, tôi cũng không biết đã xảy ra chuyện gì. Sau đó một ngày, đứa trẻ này đã đến trường mẫu giáo, còn cách giáo viên khoảng ba mét đã nói: “Con chào cô Thiệu ạ”. Vị giáo viên này vẫn còn chưa hiểu ra chuyện gì, đứa trẻ này rõ ràng là vừa mới chào mình, vẫn còn chưa hiểu ra chuyện gì, đột nhiên trong đầu nghĩ đến, đứa trẻ này tối hôm qua chắc là không có tập đàn Piano, nhất định là cũng không có luyện Anh văn, vậy tối qua nó luyện cái gì? Luyện cúi đầu, luyện lễ phép. Cho nên rất nhiều hành vi của đứa trẻ đều không phải là vấn đề của chúng, vậy là vấn đề của ai? Là cha mẹ có coi trọng những vấn đề dạy bảo này hay không? Kỳ thực trẻ con còn nhỏ rất dễ dạy, bởi vì cha mẹ đã biết được lợi hại, biết được lễ phép rất quan trọng nên lập tức liền thay đổi. Cho nên rất nhiều phụ huynh đều nói: “Con của họ từ nhỏ thì đã không biết hỏi người lớn”, đó là bởi vì họ vẫn chưa cảnh giác đến tầm quan trọng của lễ phép đối với cuộc đời của đứa trẻ. Có khi chúng ta tiếp xúc một số người bạn có con nhỏ, chúng ta cũng có thể dùng những quan điểm này để kiến nghị chia sẻ với họ, rất có thể sẽ thay đổi được thái độ giáo dục con cái của họ.
Chúng ta vừa mới nói đến vấn đề của trẻ nhỏ hiện nay là những gì? Lười biếng. Có trẻ một – hai tuổi nào mà chúng ta cảm thấy là nó lười biếng hay không? Có hay không vậy? Nó cứ chạy nhảy tung tăng. Tôi còn nhớ đứa cháu của tôi khi chỉ hơn hai tuổi, đúng lúc có một ngày mẹ nó đang lau bàn nhưng chỉ mới lau được một nửa thì mẹ của nó đã đi làm việc khác, lúc đó đứa trẻ đi đến và nó bắt đầu lau. Bởi vì năng lực mạnh nhất của trẻ là bắt chước, bạn mà cần cù, trẻ sẽ bắt chước bạn. Nhưng mà cha mẹ cần cù không chắc sẽ có thể dạy ra được con cái cần cù, vẫn là phải có phương pháp dạy đúng. Thế là khi đứa trẻ này chạy đến, kỳ thực nó có biết lau hay không vậy? Nó không biết lau, làm gì mà giỏi vậy chứ? Nó ở đó bắt chước chơi một hồi như vậy, sau đó chị của tôi quay trở lại, chị nói: “Tiểu Vĩ à, còn nhỏ như vậy mà đã biết giúp mẹ rồi, thật là hiếu thảo quá, con thật là ngoan”. Nó vừa nghe hiếu thảo, thật tốt quá! Tiếp đến lại nói với đứa trẻ: “Tiểu Vĩ à, con lần sau có lau bàn thì phải nhớ là bốn góc bàn con phải lau cho sạch. Nếu như bốn góc bàn mà cũng lau cho được sạch vậy thì việc con lau bàn đã làm rất tốt, được 100 điểm”. Đứa trẻ này nhớ được những gì? Ghi nhớ được phương pháp làm việc, đồng thời cũng khẳng định được tâm hiếu của nó. Cho nên cùng lúc đứa trẻ học được hiếu mà cũng học được cách làm việc. Vì vậy trong bất kỳ tình huống nào cũng đều có thể là cơ hội để cho bạn dạy dỗ trẻ nhỏ.
Giả sử lúc đó người mẹ chạy đến nói: “Ôi trời, con còn nhỏ đừng có quậy nữa, tránh ra để cho mẹ lau”. Bạn cứ dùng tay rồi đẩy nó như vậy hai lần rồi ba lần, sau này nó có còn như vậy nữa không? Sẽ không đến giúp đỡ nữa. Thậm chí còn có phụ huynh nói: “Con chỉ cần học hành cho tốt là được rồi, tất cả những việc khác không cần phải lo”. Câu nói “việc khác không cần phải lo” này đã đẩy đứa trẻ đi đến đâu vậy?
Cho nên các vị xem, hiện tại có rất nhiều người vợ không hài lòng đối với chồng của mình, thường hay nói: “Thói quen cuộc sống của người chồng rất tệ”. Tôi thường nói về chuyện này với các cô vợ, tôi nói: “Các vị đừng trách chồng, bởi vì những thói quen này từ nhỏ họ đã không tự mình xử lý. Một số công việc gia đình họ đều không tự mình xử lý qua bao giờ, bởi vậy mới có việc họ cởi cái quần ra là vứt lung tung, các vị cũng đừng nên trách họ. Cũng như việc giúp chồng dạy con, phải từ từ mà dạy”. Cho nên chúng ta là bậc làm cha làm mẹ thì nhất định phải dạy con cái cần cù, nếu không sẽ truyền thói quen lười biếng của bạn cho con bạn. Về sau, thói quen lười biếng này của nó sẽ hại đến người khác, cho nên việc đó thì không thể nào làm được.
Có rất nhiều người phụ nữ đặc biệt chăm sóc con cái, không để cho con cái làm một việc gì cả, người đó lại thường hay trách móc: “Chồng của mình rất lười”, nhưng bản thân người vợ này lại đang tạo ra một người con mà sau này sẽ làm cho vợ của nó cũng đau khổ giống như cô. Vì thế con người chúng ta phải biết nghĩ sâu, phải biết nghĩ xa, việc này vô cùng quan trọng. Vì thế, để cho con cái từ nhỏ biết lao động, làm việc nhà thì chúng mới không lười biếng.
Chúng ta vừa mới nêu ra một số tình trạng của trẻ nhỏ hiện nay. Từ trên nguyên do sai lầm mà nhanh chóng đoạn trừ nó đi thì hành vi của con trẻ sẽ càng ngày càng tốt hơn. Ngoài việc “cứu thất” ra vẫn còn một thứ rất quan trọng, nhất định phải trưởng dưỡng bản tính thiện lương cho chúng, là “trưởng thiện”.
TRƯỞNG THIỆN
Việc thiện quan trọng nhất là “Hiếu”.
Các vị bằng hữu, các vị cảm thấy con trẻ việc thiện nào là quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng, nhất định phải nhanh chóng dẫn dắt cho chúng ngay từ nhỏ? Vị bằng hữu này nói là “Hiếu”. Người xưa có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm thiện hiếu đứng đầu. Câu nói này có hai tầng ý nghĩa. Tầng ý nghĩa thứ nhất nghĩa là hiếu đứng đầu trong trăm điều thiện, ý nghĩa thứ hai là hiếu đã khai mở rồi thì trăm thiện cũng khai mở. “Hiếu” là căn bản của đức, cho nên Khổng Phu Tử mới nói là “Phu hiếu đức chi bổn dã”, căn bản của đạo đức, “Giáo chi sở do sanh dã”, giáo dục nhất định phải từ hiếu mà bắt đầu dạy. Cho nên tìm được căn bản rồi thì đức hạnh mới tăng trưởng lên. Vậy thì chúng ta hãy suy nghĩ một chút, khi một đứa trẻ có tâm hiếu thuận thì rất nhiều hành vi của chúng đều có sự thay đổi rất lớn. Ví dụ như “Đệ Tử Quy” của chúng ta nói: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, đứa trẻ mà có lòng hiếu thảo thì nói chuyện có thể nào có sự xung đột với cha mẹ chúng hay không? Không thể nào, nói chuyện với cha mẹ đều phải biết cung kính. Thái độ này của chúng thay đổi được thì sau này chúng đối với những người lớn khác cũng sẽ nói chuyện cung kính. “Đệ Tử Quy” nói: “Đông phải ấm, hạ phải mát”, đứa trẻ mà biết hiếu thảo thì chúng sẽ biết quan tâm chăm sóc cha mẹ. Vào lúc này tấm lòng biết quan tâm chăm sóc cha mẹ của chúng dần dần chuyển đổi, về sau lại có thể đối đãi như vậy đối với những người lớn khác, thậm chí là đối với tất cả người thân của chúng. Vì thế, tấm lòng quan tâm của trẻ, sự cẩn thận chu đáo của trẻ là bắt đầu từ đâu? Là từ lòng hiếu thảo với cha mẹ mà bắt đầu. Sau đó chúng sẽ biết yêu thương đối với bản thân của mình. Bởi vì chúng hiếu thảo nên sợ cha mẹ lo lắng, “thân bị thương, cha mẹ lo”.
Chúng tôi có một đứa trẻ bị cảm, nó bèn viết ở trên nhật ký: “Hôm nay tôi bị cảm, tôi rất buồn, không phải bởi vì tôi bị bệnh mà khó chịu, mà vì tôi bị cảm là bất hiếu. Bởi vì: Thân bị thương, cha mẹ lo”. Vì thế, khi đứa trẻ có tâm hiếu thì có thể nào tập thành những thói quen làm tổn hại chính bản thân mình hay không? Không thể nào. Nó sẽ biết yêu thương bản thân, biết quý trọng bản thân.
Tiếp theo: “Đức tổn thương, cha mẹ xấu”. Bởi vì chúng có tấm lòng hiếu thuận này nên mọi lúc mọi nơi chúng đều chú ý đến ngôn hành cử chỉ của mình, tuyệt đối sẽ không để cha mẹ phải xấu hổ. Các vị bằng hữu, ngày còn nhỏ thì chúng ta sợ nhất là câu nói gì vậy? Sợ nhất là nghe người khác mắng chúng ta: “Thật là không có gia giáo”. Dường như đột nhiên nghe thấy câu nói này thì việc xấu gì cũng không dám làm, vì sợ làm mất mặt cha mẹ. Vì thế, tâm mà hiếu thảo thì thiện hạnh cũng sẽ bắt đầu. Cho nên dạy hiếu đặc biệt quan trọng, hiếu không thể không dạy. Tôi thường nói hiếu thảo có rất nhiều tác dụng, không chỉ là căn bản của đức hạnh, mà sự hiếu thảo này đồng thời có thể giúp bạn phán đoán một con người có tốt hay không.
Trong cuộc sống của chúng ta, khi nào thì cần phải phán đoán người khác? Bạn phải phán đoán bạn bè, bạn phải phán đoán những người cùng hợp tác với mình, thậm chí là quan trọng hơn hết bạn phải phán đoán người bạn đời. Người phối ngẫu rất quan trọng, cho nên người xưa có câu: “Trai sợ làm nhầm nghề, gái sợ lấy nhầm chồng”. Kỳ thực đàn ông sợ làm sai nghề, cũng là phải xem cho đúng người, bạn đi theo đúng người thì sự nghiệp mới có phát triển tốt. Người phụ nữ phải tìm cho đúng đối tượng thì mới có thể đảm bảo được cuộc đời, nếu không cả đời sẽ rất vất vả. Vậy phải dùng tiêu chuẩn như thế nào để tìm cho đúng đối tượng? Kỳ thực hiếu đạo có thể giúp đỡ bạn tìm được đối tượng tốt.
Xin hỏi ở đây có vị nữ đồng học nào chưa kết hôn hay không ạ? Ồ, đã kết hôn hết cả rồi! Tôi cũng thường gặp mặt rất nhiều giáo viên nữ, họ đều là người chưa kết hôn, thế là tôi liền thỉnh giáo với họ, tôi nói: “Giả sử hiện tại có một người nam, người đó theo đuổi bạn được ba năm (ba năm như một ngày), bạn có yêu cầu gì người đó đều đáp ứng, trước giờ chưa hề nói tiếng không với bạn. Ví dụ như nửa đêm bạn rất đói bụng, đói bụng thức dậy bạn chỉ cần gọi một cuộc điện thoại cho người đó, chỉ cần nghe thấy bạn đang đói, chưa kịp nói tiếng thứ hai thì đã nhanh chóng chạy xe đến trước cửa nhà bạn rồi, đem một ly trà hạnh nhân còn nóng hổi hay một phần chè mè đen đến trước mặt bạn. Vả lại, bạn thử đến bao nhiêu lần cũng như vậy, như vậy đối với bạn có tốt hay không vậy?”. Rất tốt đúng không! Đúng lúc người đó cầu hôn bạn thì người lớn trong gia đình bạn biết được tình hình ở trong nhà của người đó, liền nói với bạn: “Người đó bất hiếu với cha mẹ, cho nên con hãy tự suy nghĩ kỹ đi”. Tôi thường hỏi các vị giáo viên này, có muốn lấy người đó hay không? Rất nhiều cô đã bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ một hồi lâu. Tôi nói bây giờ phải suy nghĩ một chút, đến lúc đó thành người trong cuộc không rõ biết được gì, đến lúc đó bạn không thể tự mình rút lui, hiện giờ bạn phải xác lập cho tốt cái lý trí chính xác thì mới được.
Hôm đó cũng có một vị nữ giáo viên, cô rất thích xem những loại sách xưa, đặc biệt là xem nhiều lần quyển “Nhị thập ngũ sử”, cho nên sau khi tôi hỏi thì cô liền nói: “Sẽ không lấy”. Tôi nói: “Tại vì sao mà bạn lại nói quả quyết như thế?”. Cô nói: “Người với cha mẹ mà cũng không đối xử tốt thì đối tốt với người khác làm gì tốt được chứ”. Đây là có lý trí, có sức phán đoán. Bởi vì người mà không có tâm hiếu hạnh thì cả đời họ có một thái độ nhân sinh quan không thể tăng trưởng, nghĩa là có một thái độ thiếu tình nghĩa, thiếu ân nghĩa. Thiếu tình nghĩa, thiếu ân nghĩa thì điều tốt không thể tăng trưởng mà sẽ tăng trưởng điều gì? Có ai nói là không tăng tốt mà cũng không tăng xấu hay không? Làm gì mà có chuyện đó chứ. Điều tốt mà không học được thì nhất định là đã học điều xấu rồi, vì thế cuộc đời người đó mà có thái độ không biết tình nghĩa hay ân nghĩa thì sanh khởi ra điều gì? Lợi và hại.
Các vị bằng hữu, bây giờ chúng ta suy nghĩ một chút, hiện tại thế hệ sau, giá trị quan là cái gì? “Lợi hại”. Khi xuất hiện một người nào đó cản trở điều lợi cho họ thì họ sẽ như thế nào? Bất luận đó là vợ hay là cha mẹ thì cũng rất đáng sợ. Vậy vì sao lại có thể bền gan vững chí ba năm vẫn như một ngày để theo đuổi bạn? Bởi vì người đó nhìn thấy bạn trẻ tuổi xinh đẹp, vả lại công việc cũng rất ổn định. Sau khi xem xét tất cả điều kiện, ồ cũng không tệ, có cái lợi để giành lấy, người đó liền ra sức toàn lực. Cho nên tôi nói nhìn người phải biết nhìn cho sâu một chút. Bạn xem thấy một người nam rất cần cù, bạn liền nói: “Ồ thật tốt!”. Cần cù nhất định là tốt hay không? Bạn phải xét rõ họ cần cù vì cái phương hướng nào? Rất nhiều người phương hướng cần cù không phải là vì phụng dưỡng cha mẹ mà là vì danh của họ, vì lợi của họ.
Một vị bằng hữu, chồng của cô phải sống ở một nơi khác để làm việc, vừa trở về nhà không phải đi thăm cha mẹ trước tiên, mà đi đâu trước tiên vậy? Vẫn là đi thăm đối tác làm ăn trước tiên, đều là vì lợi vì danh. Người trọng danh lợi thì sẽ xem thường đạo nghĩa. Vì thế, cô là người làm vợ thì cô cũng thấy rất rõ, cô cũng rất hiểu rõ chồng của mình, điều đầu tiên không phải là vì cha mẹ, cũng không phải là vì vợ con, mà là vì việc làm ăn. Như thế thì người vợ có cảm thấy vui lòng hay không? Cho nên còn phải xem động cơ của họ, phải xem cho rõ ràng. Động cơ của họ giả sử chỉ là vì lợi thì cái lợi đó không đáng tin. Khi bạn đã thật sự lấy người đó rồi, sau ba năm bạn sinh cho người đó một đứa con, thế là mang thai cũng vậy, nuôi con thì cũng thế, người vất vả nhất vẫn là người nữ. Vì vất vả mà mặt mày cũng nhăn nheo hơn, thế là trong công việc lại họ gặp được một cô nào đó xinh đẹp hơn bạn, bạn từ lợi lại biến thành hại, mà hại thì phải làm sao? Hại thì trừ tận gốc, phải diệt trừ. Việc này thật sự là quá tàn nhẫn.
Các vị bằng hữu, chúng ta từ lúc bắt đầu đến bây giờ có người nào đã làm việc thương thiên hại lý đến như vậy không? Có! Mỗi ngày số người ly hôn không biết bao nhiêu mà kể, danh lợi làm mờ mắt. Khi một người nam dục vọng đã dấy khởi thì trí huệ không còn nữa, liền quên đi tình nghĩa ân tình của người vợ đối với họ, họ sẽ làm ra những việc mà cả cuộc đời không có cách nào cứu vãn nổi. Nhưng mà chúng ta phải tỉ mỉ mà suy nghĩ, họ vì sao mà đối diện với những sự việc này đều không có sức phán đoán nào, đều làm ra những việc đi ngược lại với lương tâm của con người vậy? Bởi vì không có ai dạy họ hiếu đạo, cả đời họ không có tình nghĩa. Cho nên nguồn gốc là ở chỗ nào? Là dạy hiếu đạo.
Nếu như bạn muốn cho con của mình cả đời hiểu được căn bản của việc làm người thì nhất định phải dạy hiếu đạo. Bạn không dạy chúng hiếu thảo thì không chỉ hại chính bản thân đứa trẻ sau này, mà chúng làm cha làm mẹ người ta thì lại hại đến người khác nữa, thậm chí còn hại đến tư tưởng quan niệm của đời sau nữa. Vì vậy, tư tưởng quan niệm của chúng ta có thể ảnh hưởng đến đời sau, sẽ kéo dài trở đi. Cho nên việc làm cha mẹ của người khác thì không thể không học, không thể không biết.
Một xã hội khi có tỷ lệ ly hôn càng ngày càng cao thì sẽ kéo theo một hiện tượng xã hội khác, chính là tỉ lệ phạm tội. Bởi vì mối quan hệ vợ chồng là mấu chốt quan trọng nhất trong một gia đình, là căn bản của một gia đình. Một khi tỉ lệ ly hôn gia đình càng ngày càng cao sẽ kéo theo một hiện tượng xã hội khác, đó chính là tỉ lệ phạm tội. Việc này tôi đã đi làm một chứng thực. Chúng tôi có đi thỉnh giáo với vị trưởng giám ngục là những thanh niên bị nhốt vào trong lao ngục đều là có hoàn cảnh gia đình như thế nào? Ông nói tám – chín phần mười đều là từ những gia đình không đầm ấm. Bởi vì trong gia đình đã xảy ra vấn đề thì càng không thể nào cho chúng được sự giáo dục tốt, vì thế căn bản làm người và làm việc của đứa trẻ đều rất kém cỏi. Xã hội này lại rất dễ nhiễm bẩn, vừa bước ra thì rất có thể bị môi trường này dẫn dắt đi vào con đường lầm lạc, cho nên tỉ lệ ly hôn sẽ kéo theo tỉ lệ phạm tội. Tỷ lệ phạm tội càng cao thì cả xã hội này con người sẽ không có cảm giác an toàn. Vì vậy, hiện tại những người có tiền có quyền có cảm giác an toàn hay không vậy? Không có.
Khi tôi ở Hải Khẩu, đeo túi xách phải đeo như thế nào? Nhất định phải đeo quai qua đầu rồi giữ chặt lấy, vả lại túi xách cũng phải luôn để ở trước bụng. Sau đó đi đường phải đi như thế nào? Đi đường thì phải đi như thế này, nếu không sẽ có lúc một chiếc xe lao đến giật mất cái túi của bạn. Cho nên hiện tại người hay bị giật túi xách nhất là các cô thư ký, hay là phu nhân của thị trưởng, đều có khả năng bị cướp giật cả. Cho nên tỉ lệ phạm tội sẽ khiến cho cả xã hội đều cảm thấy không an định.
Muốn tỷ lệ phạm tội thấp thì cần phải dạy những gì? Dạy đức hạnh cho trẻ, dạy trẻ biết hiếu đạo, có thể khiến cho tỉ lệ ly hôn giảm thấp, có thể giảm bớt tỉ lệ ly hôn. Cũng cần phải dạy trẻ cái gì? Hiếu đạo và đức hạnh. Đây mới là căn bản để giải quyết vấn đề.
Vì vậy, hiện tại rất nhiều đất nước Phương Tây nhìn thấy tỉ lệ ly hôn càng ngày càng cao như vậy liền bỏ ra những khoản tiền rất lớn để cho những người sắp kết hôn này được trải qua một khóa trình học tập. Sau khi trải qua khóa trình mấy ngày như vậy thì có thể được đi kết hôn. Chỉ mấy ngày như vậy có thể có được hiệu quả to lớn hay không? Không dễ! Tuy rằng họ thật sự có tâm, nhưng nếu một người mà có ân nghĩa, có đạo nghĩa thì họ có tìm được căn bản hay không? Căn bản của đức hạnh ở đâu? Ở hiếu. Vì thế, tôi cũng thường hay nói với các đồng nghiệp của chúng tôi: “Việc thúc đẩy văn hóa truyền thống tuyệt đối không phải chỉ vì người của đất nước chúng ta, mà phải vì người ở trên toàn thế giới mà cống hiến những trí tuệ và văn hóa tốt đẹp này, như vậy mới có thể thật sự hóa giải những vấn đề giáo dục cho thế hệ sau, mới có thể chân thật hóa giải được sự xung đột giữa con người với nhau”. Cho nên chúng ta phải có cái sứ mạng này. Đương nhiên nếu muốn dạy người khác thì trước tiên phải như thế nào? Trước tiên bản thân phải học cho tốt. Bạn học tốt rồi thì mọi người sẽ tự nhiên tìm đến chỗ của bạn để học tập.
Chúng ta xem thấy thời nhà Hán và thời nhà Đường, biết bao nhiêu quốc gia đến học tập, có phải là chúng ta đem bảng hiệu đi đến Hàn Quốc để chiêu sinh hay không? Có hay không? Đương nhiên không có làm cái việc như vậy, đều là vì gia đình và xã hội rất tốt đẹp, người nước ngoài tự tìm đến học tập. Cho nên chúng ta có trách nhiệm, trước tiên từ chính mình mà bắt đầu làm, tiến thêm bước nữa có thể ảnh hưởng đến nhân tâm và đức hạnh của con người trên toàn thế giới. Vì vậy, dạy hiếu là một công việc quan trọng nhất trong tất cả những điều thiện.
Vậy chúng ta bây giờ hãy suy nghĩ một chút, phải dạy hiếu như thế nào? Biết được hiếu là tốt, phải bắt đầu áp dụng mà dạy cho con cái.
“Hiếu” phải dạy như thế nào?
Thứ nhất, “Thân giáo”.
Các vị bằng hữu, các vị thấy như thế nào? Trong việc giáo dục, phương pháp đơn giản nhất là gì? Là thân giáo. Đúng! Lấy mình làm gương. Có một vị giáo viên, sau khi cô học xong “Đệ Tử Quy”, sâu sắc thể hội được đã học rồi thì phải nên làm cho được. Sau khi học phần “Nhập Tắc Hiếu” xong, cũng cảm thấy hiếu đạo của bản thân vẫn còn có một sự chênh lệch rất lớn, thế là cô tự nhủ bản thân nhất định phải bắt đầu nỗ lực thực hiện. Đúng lúc dịp nghỉ lễ ngày 01/05, cô trở về lại gia đình của mình, cũng là dịp sinh nhật của cô. Sinh nhật thì chúng ta thường lợi dụng cơ hội này để dạy cho con cái tận lực một phần tâm hiếu đạo, cô cũng dùng cái tâm như vậy. Sau khi trở về liền bày ra ba cái ghế, bởi vì lúc đó có thêm bà ngoại của cô nữa. Cô liền mời bà ngoại ngồi xuống, mời ba ngồi xuống, mời mẹ ngồi xuống, sau đó cô liền nói với cha mẹ của cô: “Con đã ba mươi lăm tuổi rồi. Ba mươi lăm năm nay đã khiến cho cha mẹ lo lắng bận tâm bao nhiêu là chuyện, cũng đã làm sai một số việc. Hiện tại con đã học được giáo huấn của Thánh Hiền, về sau con nhất định sẽ tận tâm tận lực để mà làm một đứa con gái hiếu thảo. Hôm nay là sinh nhật của con, cũng chính là ngày mà mẹ gặp nạn năm đó, cho nên con muốn hành lễ ba quỳ chín lạy đối với mẹ”. Sau khi nói xong cô liền lạy xuống. Khi vừa lạy một lạy đầu tiên xuống thì mẹ của cô đã rơi nước mắt, đến khi lạy xuống lần thứ hai, con của cô đứng bên cạnh nhìn thấy, bất giác không tự chủ cũng đi đến bên cạnh cha của mình và bắt đầu đấm bóp cho cha. Các vị xem, chúng ta có nói một câu nào đối với đứa trẻ này hay không? Đều không nói gì cả, đứa trẻ chỉ nhìn thấy mẹ của mình lạy mẹ của mẹ, đang hành hiếu đạo, sức mạnh của loại đức hạnh đó trong vô hình chung đã tạo ra xúc cảm rất lớn. Vì thế nó không thể tự chủ, liền cảm thấy tự mình giống như nếu không làm gì đó thì có vẻ không được bình thường cho lắm, cho nên liền đi giúp cha đấm bóp. Kết quả sau đó trở về nhà của mình, vừa vào nhà, đứa trẻ này liền nói với cha mẹ của nó: “Ngày mai sinh nhật của con, con cũng sẽ lạy ba và mẹ”. Cho nên, việc đắc lực nhất là gì? “Lấy thân làm gương”.
Chúng ta ở trong gia đình thì phải tận tâm tận lực mà phụng dưỡng cha mẹ của chính mình, làm một tấm gương tốt cho con cái xem. Trái cây lấy trong tủ ra đưa cho ai trước? Nhất định là phải đưa cho cha mẹ ăn trước, thứ tự này không thể nào để cho sai lệch được. Hễ sai thì lại sai, việc này thì khó rồi. Hiện tại có rất nhiều người cha người mẹ mua những loại trái cây rất đắt, mua về nhà mà còn len lén đem giấu đi, đợi cha chồng mẹ chồng đi ngủ hết rồi mới lấy đem ra nói: “Con à, lại đây nhanh nào, đây là mẹ đặc biệt mua về cho con đó, ăn nhanh đi, coi chừng nghẹn đó”. Con của bạn sẽ ăn rất thích thú, đều là để dành cho mình, như vậy có được hay không? Đảm bảo đứa trẻ này sẽ học được rất triệt để, sau này nó mua trái cây để cho ai ăn? Cũng sẽ đem cho con cái của chúng ăn. Cho nên tục ngữ nói: “Người tính không bằng trời tính”. Cái người tính này nghĩa là con người cho rằng mình thông minh, tùy thuận theo sự yêu ghét mà làm việc, không có thuận theo thiên lý thiên đạo, không thuận theo hiếu đạo mà làm việc, vì thế con cái của họ sẽ học sai. Cho nên sau khi chúng ta chân thật lấy thân làm gương thì con cái sẽ hiểu được phải hiếu thuận cha mẹ như thế nào. Mấu chốt đầu tiên nhất định phải lấy thân làm gương.
Thứ hai, “Thân sư hợp tác”.
Phương pháp dạy hiếu thứ hai nhất định phải: “Thân sư hợp tác”, nghĩa là cha mẹ và thầy cô phải phối hợp mật thiết. Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Sáng phải thăm, tối phải viếng”. Vì thế, trẻ con ở mẫu giáo sau khi học xong, hôm sau liền nói với cha mẹ: “Chào ba mẹ buổi sáng, hôm qua ba mẹ ngủ có ngon không ạ?”. Giả sử người cha người mẹ này sau khi nghe xong rồi sờ đầu đứa con mà nói: “Hôm nay con bị làm sao vậy?”. Vậy thì sẽ như thế nào? Hiện nay có rất nhiều cha mẹ rất thích nói đùa, việc nói đùa này cũng không thể nào tùy tiện được. Khi một đứa trẻ ra vẻ trang nghiêm như vậy, cung kính như vậy để vấn an bạn thì bạn phải như thế nào? Bạn phải thành toàn tâm hiếu cho nó: “Con thật là ngoan, ngoan quá”. Một đứa trẻ ngoan, bạn không thể nào lại đi sờ trán của nó rồi hỏi: “Con có bị bệnh không vậy?”. Cho nên nhất định phải phối hợp với thầy cô để mà dạy, như vậy đứa trẻ sẽ tiếp tục làm mà rất hoan hỷ, từ từ rồi trở thành thói quen một cách tự nhiên.
Rất nhiều đứa trẻ đến lớp học của chúng tôi, những đứa trẻ thường xuyên đến lớp thì chúng tôi sẽ hỏi chúng trong tuần này các em đã làm được những việc tốt gì, làm được hiếu hạnh gì? Các em sẽ nói: “Con giúp mẹ rửa chén”, “con biết mang nước cho mẹ rửa chân”,… nêu ra rất nhiều những ví dụ mà các em đã nỗ lực thực hành hiếu đạo. Lúc đó có một bé chừng hai – ba tuổi, sau khi đi học ở lớp xong trở về, chạy vào nhà tắm. Mẹ của đứa bé có thể cảm nhận được con mình muốn tìm gì, biết nó nhất định là đi tìm một cái thau để đựng nước rửa chân, thế là đi đến trước mặt đứa trẻ đem những thứ đó giấu đi. Bạn đoán xem trong lòng người mẹ này suy nghĩ điều gì? Trong lòng cô nhất định nghĩ là đợi chút nữa thì sẽ bị con làm hỏng mất, như vậy thì mệt lắm, cho nên đem cất trước. Sau đó tôi mới nói với cô: “Cô làm như vậy là không đúng, bởi vì cô không có thành toàn tâm hiếu cho con của mình”. Nếu nó đi lấy nước để rửa chân, khi bạn rửa chân thì bạn thấy rất hoan hỷ. Sau đó bạn ghi nhận và khích lệ nó, như vậy tâm hiếu của nó có thể tăng trưởng. Bây giờ bạn lại không cho nó đi lấy nước cho bạn rửa, vậy thì tâm hiếu của nó sẽ không tăng trưởng.
Tâm thiện của con người cũng giống như một cọng cỏ nhỏ, bạn mỗi ngày đều tưới tắm thì nó sẽ từ từ mà đâm chồi. Người mẹ lại nói: “Cứ để như vậy nếu nó làm hỏng đồ thì làm sao?”. Tôi nói: “Nếu hỏng thì càng tốt”. Cô ngẩn người ra: “Làm sao lại hư hỏng đồ đạc mà lại càng tốt?”. Tôi nói sau khi nó làm hư hỏng đồ đạc thì cô hãy nói với nó: “Tiểu Minh à, mẹ cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của con, nhưng mà việc lấy nước cũng phải có phương pháp. Con có biết hôm nay vì sao mà con lại làm đổ nước hay không? Đó là hai tay của con khi bưng nước không có thăng bằng, cho nên lần sau khi bưng nước thì phải chú ý những việc nào”, bạn liền có thể dạy cho nó đồng thời học cách làm người, đồng thời cũng học được cách làm việc. Rất nhiều người mẹ sợ con làm hỏng việc, kỳ thực khi chúng làm hỏng việc rồi thì phải luôn luôn nắm lấy cơ hội này để dạy chúng phương pháp làm việc, hướng dẫn chúng làm người làm việc cho chính xác. Vì vậy thái độ giáo dục và độ nhạy cảm của người mẹ rất là quan trọng.
Có một người mẹ rất có trí tuệ. Con của cô mang nước cho cô rửa chân, cô đều rất hoan hỷ. Cô nói, cô đã điều chỉnh máy nước nóng xuống nhiệt độ thấp nhất, sau đó để cho đứa trẻ mang nước trong một tuần, sau đó lại từ từ điều chỉnh nhiệt độ trở lại. Vì thế cô nói cô đã phải ngâm chân trong nước lạnh suốt một tuần. Người mẹ này rất có trí tuệ. Đợi được một tuần, đứa con của cô đã hình thành được khả năng đi lấy nước rồi thì cô mới dần dần điều chỉnh cho trở lại bình thường. Nhất định phải phối hợp với giáo viên mà dạy dỗ để thành tựu thành toàn hiếu hạnh cho con trẻ. Cho nên chúng tôi yêu cầu khi đến lớp học, phụ huynh nên cùng đến ngồi học với con. Các em ngồi phía trước, còn phụ huynh thì ngồi ở phía sau, để xem hôm nay con mình học được những việc hiếu hạnh gì, khi trở về chúng có thực tiễn hay không? Cứ phối hợp như vậy thì hành vi của các em sẽ hình thành rất nhanh.
Có một vị giáo viên, anh nói có một vị phụ huynh gọi điện thoại cho anh đúng vào lúc đang nghỉ hè. Mở đầu liền nói với vị giáo viên này: “Thầy Trương à, cảm ơn thầy”. Vì sao lại cảm ơn thầy vậy? Bởi vì: “Con gái của tôi trong thời gian nghỉ hè có tiến bộ rất lớn”. Câu nói này có huyền cơ trong đó. Thông thường các em bị thối lui nhiều nhất là vào lúc nào vậy? Nghỉ hè vừa được hơn một tháng. Chúng tôi những người làm giáo viên đều cảm thấy sau khi nghỉ hè xong thì cũng giống như việc kéo một con ngựa hoang không có dây cương trở lại, thật sự là rất vất vả, vẫn là phải mất một khoảng thời gian để chỉnh đốn lại. Thế mà vị phụ huynh này lại nói là tiến bộ rất nhiều.
Vị phụ huynh sau đó đã nêu ra ví dụ. Cô nói có một hôm cô đang ngủ, bởi vì quá mệt nên nằm lên giường, chưa đắp mền thì đã ngủ mất, sau khi tỉnh lại thì mền đã được đắp trên người rồi. Ai đã đắp cho cô vậy? Đứa con đã đắp lên cho cô. Sau đó vừa đi ra khỏi phòng thì lại ngửi được mùi thơm của mì, người mẹ liền phản ứng mà nói: “Ba của con đã về rồi à?”, nghĩ rằng chắc là do ba của nó mang về. Thế nhưng đứa trẻ nói: “Dạ ba vẫn chưa về”. Người mẹ lại hỏi tiếp: “Vậy làm sao lại có mì vậy?”. Đứa con liền nói: “Là con nấu mà”. Người mẹ rất kinh ngạc nói: “Con xưa nay chưa nấu mì lần nào, sao hôm nay con lại biết nấu chứ?”. Đứa con nói: “Con thường hay xem mẹ nấu, bên này lấy một chút, bên kia lấy một chút, cho nên hôm nay con cũng nấu thử xem sao”. Đứa trẻ tận một phần tâm hiếu.
Các vị bằng hữu, tô mì đó ăn có ngon hay không vậy? Rất ngon! Các vị làm sao mà ăn được vậy? Tô mì này là từ tâm hiếu thảo mà làm ra, nhất định là ngon một cách đặc biệt rồi, nhưng người mẹ nói thật sự là nấu rất ngon, bởi vì con người chỉ cần có tâm thì việc gì cũng nhất định sẽ làm tốt.
Các vị bằng hữu, cô con gái này đã hình thành một thái độ làm người, làm việc quan trọng nào vậy? Chúng ta hãy suy nghĩ thử xem nào? Là tâm hiếu. Một khi có hiếu thì tất cả mọi hành vi sẽ đều có sự thay đổi. Tiếp đến còn có gì nữa? Chăm lo tỉ mỉ, đều có thể chăm lo đến tình trạng và sự cần thiết của cha mẹ, vì thế mà biết đắp mền, còn lo mẹ thức dậy không có cơm ăn. Biết đi nấu đồ ăn là quan tâm, và còn thái độ làm việc thường thức. Khi cô bé thường xuyên làm những việc này giúp đỡ cho cha mẹ thì năng lực làm việc của cô bé sẽ không ngừng nâng lên cao. Vì thế, tâm hiếu của đứa trẻ vừa mở ra thì rất nhiều hành vi liền có thể phát triển rất tốt. Cho nên thầy cô dạy hiếu thì phụ huynh nhất định phải phối hợp mật thiết. Mà tất cả những giáo viên đang thúc đẩy việc đọc “Hiếu Kinh” chúng tôi đều có một sự thể hội rất sâu sắc. Trước khi họ chưa làm việc thúc đẩy này thì không có thể hội gì, họ đều nói những đứa trẻ có phẩm đức thì việc học tập của chúng nhất định tốt, vả lại việc học tập này tuyệt đối không phải là cha mẹ cầm cây roi đứng ở bên cạnh mà đánh, mà đều rất chủ động. Các vị bằng hữu, các vị có tin vào câu nói này không?
Có một vị giáo viên, lớp học của vị ấy vốn là xếp cuối cùng. Dạy được một khoảng thời gian nửa năm đến một năm thì đều là xếp đầu danh sách, thế là hiệu trưởng cảm thấy rất kinh ngạc, liền mời đi đến các lớp trong toàn trường diễn giảng. Cho nên chúng ta phải có lòng tin. Căn bản của phẩm đức chính là ở hiếu đạo, nhất định phải phối hợp tốt với giáo viên để dạy con cái có hiếu.
Thứ ba, vợ chồng phải phối hợp để dạy.
Bởi vì có rất nhiều phụ huynh nói: “Vậy thầy cô của các em không dạy thì phải làm sao?”. Không cần phải đợi đâu, đều là từ đâu mà bắt đầu? Phải từ gia đình, từ chính mình mà bắt đầu. Đương nhiên có rất nhiều phụ huynh nếu như có nhận thức được chính xác, biết được đức hạnh rất quan trọng đối với cuộc đời của con cái, phụ huynh chỉ cần phản ánh với hiệu trưởng nhà trường, rất nhiều trường học sẽ bắt đầu xem trọng. Vợ chồng lại có thể phối hợp với nhau thì con cái sẽ rất dễ tăng trưởng tâm hiếu. Ví dụ như người chồng nói với đứa con: “Con à! Con có thể không cần phải hiếu thuận với ta, nhưng mà con không thể không hiếu thuận với mẹ của con”. Khi nói những câu này thì phải thật đúng điểm yếu. Giả sử người làm cha mà nói chuyện lại còn rơi nước mắt nữa, vậy thì con cái của bạn cũng sẽ thấy cảm động. Bạn phải nói với con cái: “Mẹ của con khi mang thai con đã ói rất nhiều, cơm cũng không thể nào ăn được. Khi có thai phải mang cái bụng nặng nề như vậy, con xem con nặng bao nhiêu ký, mẹ của con ngày ngày không oán không hờn ai, vẫn cứ đi làm. Sau đó việc sinh con ra cũng vất vả biết bao nhiêu, chăm sóc cho con từng ly từng tí. Lần nào mà con bị bệnh thì dường như mẹ con cũng hai – ba ngày không ngủ”, đem những tình trạng thật sự để kể lại cho chúng nghe. Bởi vì con người đều hay mau quên, bạn nhắc nhở lại với chúng thì cái tâm biết ơn đó liền khởi lên. Biết ân thì có thể báo ân, vì thế con cái mới có thể lãnh hội được cái ân đức của người mẹ.
Ngoài ra, giả sử người vợ cũng nói với con cái: “Con có thể không cần phải có hiếu với mẹ cũng được, nhưng mà con không thể không có hiếu với cha của con”, liền bắt đầu đem hết những việc mà người cha đã làm đối với đứa con này từ nhỏ đến giờ kể cho nó nghe thì đứa trẻ mới có thể lãnh hội được cái ân đức của người cha. Vì vậy vợ chồng phối hợp nhau cũng rất quan trọng.
Hiện tại có rất nhiều người mẹ, không những không đem những ân đức của cha để kể cho con nghe mà lại còn ở trước mặt con chê bai trách móc cha của nó: “Con xem, ba của con như thế này như thế kia”. Nói như vậy xong thì đứa trẻ đối với cha của mình sẽ rất khó lòng sinh khởi được cái tâm cung kính. Một người chồng, là một người làm cha mà ngay cả con cái cũng xem thường thì người đó sẽ dễ dàng tự mình sa ngã, “ngay cả con cái cũng không coi tôi ra gì, được rồi, tôi sẽ không ra gì cho các người xem”. Cho nên người làm vợ, làm mẹ thì phải nên thận trọng, lời nói phải thật sự hết sức cẩn trọng. Vì vậy, một khi chúng ta có thể không đem những lỗi lầm tật xấu của người chồng vạch trần ra, ngược lại khen ngợi những ưu điểm của người chồng, khen ngợi sự chăm sóc đối với con cái của người chồng, người chồng sẽ thấy rất cảm động, vả lại họ còn cảm thấy con cái sẽ tin tưởng họ, họ sẽ còn tốt hơn nữa, vậy thì họ sẽ tận tâm tận lực mà đi theo cái hướng này. Họ có được sự tôn nghiêm khi ở trước mắt con cái, mà sự tôn nghiêm này sẽ thúc đẩy sự trưởng thành cho họ trong cả cuộc đời, không thể nào làm đoạn mất đi sự tôn nghiêm sau cùng của họ. Cho nên vợ chồng cũng phải phối hợp cho tốt để giáo dục con cái nỗ lực thực hành hiếu đạo.
Tiết học hôm nay chỉ đến đây thôi, xin cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 6/40)
Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm
Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh