Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 9/40)

GIẢNG TÒA NHÂN SINH HẠNH PHÚC

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp

Tập 9/40

Xin chào các vị bằng hữu!

Hôm qua nội dung chúng ta thảo luận là quan hệ thầy trò. Một vị thầy tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng, quan niệm, cuộc đời của một con người. Một con người có tuân theo giáo huấn Thánh Hiền hay không thì sự hướng dẫn của thầy là một mấu chốt rất quan trọng. Cho nên hôm qua chúng ta đã nêu ra quan hệ thầy trò của người xưa, cảm nhận được sâu sắc thái độ của người xưa đối với thầy, quả thật là: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Điều quan trọng hơn là phải đem lời giáo huấn của thầy y giáo phụng hành, suốt đời không quên. Khi chúng ta có loại thái độ này để đứng trước thầy, đứng trước lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền thì đạo nghiệp, học nghiệp của chúng ta nhất định có thể thành tựu.

Ngoài thầy tốt ra, sự thật là một người khiêm tốn, một người được giáo dục, khi đứng trước người sự vật mà họ đối diện đều có thể nhận được sự học tập rất tốt. Ví dụ đối diện người, khi họ đứng trước người thiện, họ có thể gợi nhớ đến lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”: “Thấy người thiện, nhớ học theo”. Người có đức hạnh, lương thiện mà chúng ta mỗi ngày tiếp xúc nhiều như vậy, chúng ta đều có thể sinh khởi cái tâm học tập, tâm noi theo thì người thiện cũng là thầy của chúng ta. Thế thì người ác họ có thể là thầy của chúng ta hay không vậy? “Thấy người ác, liền phản tỉnh”. Nhìn thấy người khác làm việc sai, chúng ta phải biết phản tỉnh lại chính mình có phạm sai lầm như vậy hay không? “Có thì sửa, không cảnh giác”. Có thì phải mau mau sửa, nếu không có thì tự hứa với bản thân không được phạm sai lầm giống như vậy.

Rất nhiều người sẽ nói, họ nhìn thấy người khác phạm phải lỗi lầm, trong lòng họ thấy rất khó chịu. Mỗi ngày đều cứ nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác, trong lòng đùng đùng nổi giận, cho nên trong xã hội này rất nhiều người là hận đời. Mỗi ngày lúc trà dư tửu hậu, họ thường trách mắng khuyết điểm của người khác. Trong khi chúng ta đang phê phán khuyết điểm của người khác, trên thực tế nội tâm của chúng ta có bình tĩnh hay không vậy? Không bình tĩnh. Nội tâm tức giận bất bình là đi ngược lại với học vấn rồi. Cái gọi là: “Khi học vấn thâm sâu, thì tính khí bình”. Một người học vấn càng thâm sâu thì tính tình phải bình tĩnh, điềm đạm.

Có bạn sẽ nói, tôi thật sự không có cách nào không nhìn khuyết điểm của người khác. Vậy chúng tôi sẽ cho họ một kiến nghị. Nếu như nhìn thấy khuyết điểm của người trong gia đình, bạn hãy xem như là khuyết điểm của mình. Họ vừa nghe liền cảm thấy rất khó hiểu, tại sao xem khuyết điểm của người trong gia đình chính là lỗi lầm của mình? Chúng tôi sẽ tiến thêm một bước nữa hướng dẫn họ, chính là bởi vì đức hạnh của chúng ta không đủ cho nên con cái của chúng ta không bị chúng ta cảm động, mới tiếp tục học xấu. Cho nên, do đức hạnh của chúng ta không đủ nên không có cảm hóa được chúng. Nếu như nhìn thấy đồng nghiệp của chúng ta chưa có làm tốt thì chúng ta cũng phải xem như là lỗi lầm của mình, bởi do chúng ta chưa có làm nên tấm gương thật tốt, khiến họ sinh ra tâm hổ thẹn mà noi theo, cho nên đây cũng là lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta cũng phải bắt đầu làm từ việc tu thân của chính mình. Khi chúng ta dùng tâm cảnh như vậy để đối diện với người xung quanh, chúng ta từng giây từng phút sẽ thúc giục mình không ngừng tăng trưởng học vấn, chứ không phí thời gian vào trong việc quở trách khuyết điểm của người khác. Cho nên người thiện và người ác đều là thầy.

Không chỉ là người, mà sự vật cũng có thể là thầy.

Ví dụ cây trúc.

Ví dụ khi bạn nhìn thấy cây trúc, bạn có thể học ở nó điều gì? Bậc Thánh Hiền của chúng ta rất khéo về việc học tập với trời đất vạn vật. Thế thì, chúng ta hãy cảm nhận một chút, bạn nhìn thấy cây trúc cảm thấy có thể học được những đạo lý đối nhân xử thế gì từ trên thân cây trúc hay không?

Chúng ta quán tưởng một chút về cây trúc. Từng đốt từng đốt rất có chí khí, rất có nguyên tắc của nó, rất hay! Cây trúc có thể cúi xuống, khi càng cao nó sẽ hơi cúi xuống, khiêm tốn (khiêm). Khiêm cộng thêm hư. Cây trúc là tâm rỗng, thường xuyên có thể lắng lòng tiếp nhận sự phê bình của người khác, cho nên cây trúc cũng là biểu thị cho đặc tính của người quân tử. Còn gì nữa không? Cây trúc cũng có thể khiến chúng ta thể hội được đạo lý gì của đời người? Ví dụ tâm chúng ta thường xuyên rất thanh tịnh, bạn sẽ có rất nhiều gợi ý từ trong vạn vật, tánh ngộ của bạn sẽ khai. Chúng ta thử xem, cây trúc này là từng đốt từng đốt không ngừng hướng lên trên. Thực ra đời người là phải không ngừng đột phá đi lên, từng đốt từng đốt mà đột phá. Hơn nữa, trên mỗi đốt của nó có mắt rất cứng, cho nên đời người có rất nhiều giai đoạn, bạn đều phải dũng mãnh tiến lên, đột phá qua nó để đi lên.

Chúng ta suy nghĩ tiếp còn gì nữa không? Cây trúc rất chánh trực, đứng thẳng hiên ngang bất khuất, không khuất phục, lại có thể lắng lòng tiếp nhận lời khuyên chính đáng của người khác. Cho nên, chúng ta nên học tính chính trực của cây trúc. Cái chánh trực này là đại biểu cho một khí phách bên trong. Chúng ta thường nói: “Đời người phải ngoài mềm trong cứng”. Cái cứng này là đại biểu khí phách rất chánh trực của một con người. Đối ngoại, chung sống với mọi người phải mềm dẻo, tức là phải viên dung một chút.

Hiện nay rất nhiều người nói tôi rất chánh trực, cho nên thường thường mở miệng hay nói thẳng không kiêng dè, không có xem tình hình, không xem thời cơ, khiến bạn bè nghe xong thấy rất không thoải mái nên không chỉ không cảm ơn lời khuyên của họ, mà có thể còn quay mặt lại với họ. Cho nên ngoài mềm là vẫn phải viên dung một chút, biết quan sát thời cơ, sau đó hãy khuyên ngăn.

Chúng ta nhìn cây trúc, bạn có bao giờ thấy một cây trúc tự mình ở nơi đó lớn lên không? Không có. Cây trúc đều là cả khóm, cả khóm cùng nhau lớn lên. Cho nên cây trúc cũng đại biểu cho việc nó rất biết lựa chọn bạn bè tốt, cùng nhau tạo ra môi trường ảnh hưởng.

Chúng ta nói thân giáo, ngôn giáo, còn có sự ảnh hưởng biến đổi thầm lặng của môi trường đối với một con người, gọi là cảnh giáo. Bên cạnh chúng ta đều là một nhóm bạn bè có đức hạnh, chánh trực thì chúng ta cũng có thể “đức ngày một tăng, lỗi ngày một giảm”. Ở trong bầu không khí này, đạo đức của chúng ta cũng sẽ tăng thêm. Cho nên Tuân Tử đã từng nói: “Bồng sinh ma trung”. Loại cỏ bồng này tương đối ngoằn ngoèo quanh co, nhưng bạn đem nó trồng vào trong đám mè (bởi vì mè đều đứng rất thẳng), thì tự nhiên cỏ bồng này cũng sẽ đứng thẳng lên, không đỡ mà thẳng. Cho nên môi trường đặc biệt quan trọng đối với một con người, nhất là ở trẻ con. Trước khi định tánh của trẻ nhận biết, tri kiến của trẻ con vẫn còn chưa có xác lập thì môi trường đặc biệt quan trọng.

Thời xưa, câu chuyện “Mẹ Mạnh Tử ba lần dời nhà” là để tìm cho con mình một môi trường tốt. Lần thứ nhất, dời đến đúng bên cạnh khu mồ mả. Thường xuyên thấy rất nhiều việc tang lễ nên Mạnh Tử liền học tập làm việc tang lễ. Người mẹ nhìn thấy không thích hợp nên nhanh chóng dời nhà. Lần thứ hai, dời đến vùng phụ cận chợ buôn bán. Mạnh Tử học tập việc bán đồ, bán thịt heo ở nơi đó. Mẹ Mạnh Tử lại cảm thấy không thích hợp, nhanh chóng dời đi tiếp. Cuối cùng dời đến gần trường học. Mạnh Tử mỗi ngày liền vào trong trường, cùng đi học, đến lúc này mẹ Mạnh Tử mới cảm thấy tương đối an tâm. Nếu như mẹ Mạnh Tử không có đi lựa chọn một môi trường tốt cho Mạnh Tử thì có thể Mạnh Tử của chúng ta sẽ không thể xuất hiện trên đời này. Cho nên một người học vấn đạo đức có thành tựu, quả thật có quan hệ trực tiếp với cha mẹ, với thầy của họ.

Một cây trúc có thể khiến chúng ta tiếp nhận được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế. Tôi thường hay hỏi học trò một số vấn đề, câu trả lời của họ có khi cũng có thể nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, cho nên trẻ con thật ra rất có tánh ngộ. Tôi hỏi bọn trẻ: “Con có thể học được gì từ trên thân cây trúc?”. Bọn trẻ trả lời: “Tinh thần của cây trúc chính là ở đâu cũng vì nhân dân phục vụ”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Chúng nói: “Thầy thấy măng cây trúc có thể ăn được, cây trúc có thể xây nhà, lá trúc có thể gói bánh. Cho nên toàn thân của nó không có chỗ nào không dùng được”. Chúng tôi nghe đến chỗ này đều cảm thấy rất hổ thẹn. Bạn xem, cây trúc quả thật sự là cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Nó đem toàn bộ thân mình đều hiến dâng, hơn nữa khi hiến dâng ra hoàn toàn không có đòi chúng ta một xu nào. Còn chúng ta mới làm một chút việc thì đã mặc cả với cha mẹ, liền mặc cả với bạn bè thân thích. Tôi đối với anh tốt như vậy, anh nhất định phải như thế nào đối với tôi. Cho nên, người chúng ta thật sự là cảm thấy mình còn thua so với cây trúc. Vì vậy, từ cây trúc chúng ta có thể thể hội sâu sắc, có thể học được một số đạo lý đối nhân xử thế.

Ví dụ nước.

Ở trong Kinh điển của chúng ta rất thường dùng nước để dụ cho đức hạnh. Trong sách “Lão Tử” nhắc đến: “Thượng thiện nhược thủy”. Các vị bằng hữu, bạn nhìn thấy nước có thể khiến bạn thể hội được đạo lý nhân sinh gì vậy? Nếu như trong lúc bạn đang nhìn nước mà trong đầu vẫn nghĩ: “Hôm nay cổ phiếu có xuống hay không?”, thế thì không thể ngộ ra được đạo lý; “Vẫn đang phiền não con trai của tôi sao vẫn chưa cưới vợ”, thế thì bạn không thể ngộ ra được đạo lý. Khi đứng trước vạn vật, chúng ta có thể tĩnh tâm trở lại, thì chúng ta có thể thể hội được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế từ trong đó. Bạn nghĩ đến nước, có nghĩ ra được gì hay không? Nước này có thể co, có thể duỗi. Biết co, biết duỗi mới có thể làm việc lớn. Cho nên, nước đổ vào trong bất kỳ đồ đựng nào, nó cũng đều có thể vào được, sau đó biến thành cái đồ đựng nó mà không tạo ra xung đột với nó.

Ở trong “Lễ Ký- Học Ký” nói: “Quân tử bất khí”. Một người quân tử, cái gọi là: “Đại đức bất quan”. Người có đức hạnh, bạn đem họ đặt ở bất kỳ vị trí nào, họ cũng có thể đem công việc làm rất tốt. Họ có thể hòa nhập vào trong tình cảnh mà họ gặp phải bất cứ lúc nào, dùng đức hạnh của họ để biến đổi cái đoàn thể này.

“Thượng thiện nhược thủy”. Bạn xem, nước lợi ích cho tất cả vạn vật. Bất kỳ một sinh vật nào muốn sinh tồn đều phải cần sự tưới nhuần của nước. Nước lợi ích cho vạn vật nhưng không cần thù lao với người, với vạn vật, cho nên thật sự nước rất có đức hạnh. Nó tưới nhuần vạn vật, đem lại sự sống cho muôn nơi, đây là đức hạnh của nó.

Ở trong Kinh điển rất nhiều chỗ đều có nhắc đến nước. Ví dụ ở trong “Luận Ngữ” nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”. Chính là nói dòng nước này chảy có giây phút nào dừng lại hay không? Không có, dòng nước cứ chảy mãi không ngừng. Lúc này bạn phải nghĩ đến, ngày tháng, một giây cũng không dừng lại. Cho nên đại biểu chúng ta phải biết quý trọng thời gian, một đi không trở lại.

Chúng ta đời này làm bất kỳ việc gì, có khi cũng là làm một chút rồi nghỉ, rất ít có bền chí làm từ đầu đến cuối. Chỉ có một sự việc bạn xưa nay chưa hề dừng lại bao giờ. Sự việc vì vậy? Chính là chúng ta từ lúc sinh ra đã luôn luôn vô cùng nỗ lực đi về cõi chết, một giây cũng không dừng lại. Cho nên quý trọng thời gian, đời này không thể luống qua, để không có lỗi với bản thân, để không phụ lòng công ơn dưỡng dục của cha mẹ, để không phụ lòng công ơn bồi dưỡng của thầy cô, để không phụ lòng bao nhiêu người đã từng khích lệ chúng ta, giúp đỡ chúng ta, đề bạt chúng ta trong quá trình đời sống này. Chúng ta không được để họ thất vọng, không được để họ buồn lòng.

Văn Thiên Tường có một câu nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Đời người không có người nào có thể thoát khỏi cái chết. Nhưng mà đời này làm thế nào kinh doanh, làm thế nào để đời này sống thật có giá trị, thật có ý nghĩa thì phải dùng “đan tâm” của chúng ta. Chữ “đan” này là màu đỏ, ý nghĩa là chỉ lòng thành của chúng ta, tâm chân thành. “Chiếu hãn thanh”, “Hãn thanh” là chỉ cho lịch sử, sử sách. Chúng tôi thời học lên Cao Trung, thuộc đến chỗ này. “Hãn thanh” kiểm tra thì bạn sẽ viết là sử sách. Tốt, được hai điểm.

Chúng ta đời này dùng tâm chân thành chiếu quyển lịch sử nào vậy? Các vị bằng hữu, chiếu quyển lịch sử nào? Cuộc đời của bạn nên dùng tâm chân thành của bạn, dùng chân tâm của bạn chiếu lịch sử của ai? Đời người trước tiên phải không phụ lòng chính mình, là chiếu quyển lịch sử này của chính mình, khiến cuộc đời của bạn sau khi mỗi năm qua đi, nhìn lại quãng đời đã qua cảm thấy trong lòng rất an ủi, không có phí thời gian vô ích. Có tận tâm tận lực làm trọn bổn phận của mình, làm trọn chức trách của mình, thì quyển lịch sử này của bạn khi đọc lên bạn mới không hối tiếc.

Chúng ta hồi tưởng một chút, đời người mấy chục năm đi qua, bạn có cảm thấy không hối tiếc hay không? Cảm thấy rất trọn vẹn không? Thực ra ta ở trong toàn bộ quá trình ba mươi năm cuộc đời này thường hay cảm thấy rất vô vị, không biết đang làm gì.

Ví dụ nói, chúng ta đi học đã học mười năm. Đang học Sơ Trung, Cao Trung, thậm chí khi đang học Đại học, đặc biệt cảm thấy nội tâm rất vô vị, giống như không có mục tiêu của cuộc sống. Khi học Sơ Trung chỉ có một mục tiêu, là gì vậy? Thi lên Cao Trung, bạn cứ dốc sức vào nơi đó. Kết quả vào được rồi, đó có phải là mục tiêu của đời sống hay không? Không phải. Sau khi vào được rồi, nó lại biến thành một cái mục tiêu khác, là thi vào Đại học. Sau đó vào được Đại học rồi, có một công việc tốt.

Ở trong quá trình này tại vì sao không có người nào nói cho ta biết mục tiêu lớn nhất của cả đời bạn chính là phải làm một người con hiếu thảo? Mục tiêu lớn nhất trong đời này của bạn chính là phải làm một người có thể biết luôn luôn yêu thương người khác, là giống như Phạm Trọng Yêm vậy. Nếu như Sơ Trung tiểu học của ta có người nói cho ta biết cuộc sống phải có mục tiêu như vậy, từ nhỏ làm người con hiếu thảo, thì nội tâm tuyệt đối sẽ không vô vị, tuyệt đối sẽ không cảm thấy trống rỗng. Bởi vì khi chúng ta chỉ có một mục tiêu, trên thực tế mục tiêu đó đều là vì tự tư tự lợi của bản thân, đều không có vì người trong nhà của mình, vì bạn bè của mình mà bỏ công sức ra, thậm chí là vì xã hội làm một chút việc. Đời sống chỉ cần ở trong bỏ công sức ra thì nội tâm của bạn mới thường luôn cảm thấy rất dạt dào, rất sung sướng, gọi là: “Bố thí có phước hơn thọ nhận”.

Cho nên hơn một năm nay, chúng tôi diễn giảng hơn 300 buổi, thường thường đều là đi sớm về khuya, hơn tám giờ đã ra khỏi nhà rồi, rất sớm. Bởi vì rất nhiều khóa trình là giảng cho phụ huynh, cho nên đều là trong khoảng thời gian bảy giờ rưỡi đến chín giờ rưỡi. Sau chín giờ rưỡi có thể vẫn còn một số phụ huynh sẽ hỏi một số vấn đề, cho nên thường xuyên trở về đến nhà cũng hơn mười giờ, mười một giờ vì có khi tôi đi xe đạp. Sau đó nghỉ ngơi, vui đùa một chút, lúc lên giường cũng khoảng mười hai giờ. Mỗi ngày mệt gần chết, nằm xuống là ngủ như chết vậy. Rất nhiều người nói: “Thầy Thái, thầy vất vả như vậy!”. Tôi nói: “Tôi cảm thấy tôi không có vất vả chút nào cả. Cuộc đời không sợ thân mệt, chỉ sợ tâm mệt. Chỉ sợ bản thân cảm thấy không có một chút cống hiến gì đối với gia đình, đối với xã hội này”. Cho nên hơn một năm trở lại đây, tôi đã giảng hơn 300 buổi diễn giảng, thân thể rất mệt, vừa nằm xuống hôm sau lại là một vị anh hùng. Nhưng mà trong tâm lý đời này, tôi xưa nay không có loại cảm giác an vui này.

Cho nên khi lần đầu tiên tôi trở về nhà, báo cáo với cha tôi về ba – bốn tháng nay của tôi, vào lúc đó vừa đúng vào dịp tết. Trở về nhà báo cáo với cha tôi từng ly từng tí những việc đã làm hơn ba tháng nay ở Hải Khẩu. Quá trình lắng nghe của cha tôi hơn hai giờ đồng hồ, nghe thấy đều rơi nước mắt. Tôi có thể cảm nhận được cha tôi, bởi vì nghe thấy nhiều gia đình có thể biết cách giáo dục con cái như thế nào, nhiều người con bắt đầu hiểu được trọn đạo hiếu là bổn phận của họ như vậy, cho nên cha tôi nghe xong rất cảm động. Khiến cha của tôi có thể cảm động, khiến cha của tôi cảm thấy con trai mình làm những việc này là việc làm có ý nghĩa, trong nội tâm của chúng tôi cũng cảm thấy tương đối có trách nhiệm đối với cha. Khi tôi gọi điện thoại về, cha của tôi còn nói: “Con không cần lo lắng việc trong nhà, yên tâm đi làm là tốt rồi”. Cha tôi còn an ủi tôi, bảo tôi đừng lo lắng lung tung, cho nên biến thành người trong cả gia đình đều rất ủng hộ công việc của tôi. Bởi vì quả thật mỗi một người đều hy vọng có thể làm điều gì đó nhiều hơn cho người khác, làm điều gì đó nhiều hơn cho xã hội, chỉ là có khi không biết bắt đầu làm từ đâu.

Thực ra, chỉ cần bắt đầu làm từ bản thân, bắt đầu làm từ việc tu thân của mình thì tự nhiên ảnh hưởng của chúng ta đối với xã hội cũng sẽ mở ra được, tự nhiên thành công.

Trước mắt chúng ta nhắc đến rất nhiều vị thầy, họ ở trong trường cũng là một con người, nhưng bởi vì họ tận tâm tận lực làm tốt bổn phận của mình, cho nên ở trường, học trò trong lớp của họ cũng có biểu hiện rất tốt. Biểu hiện rất tốt, người khác nhìn thấy sẽ cảm thấy rất hoan hỷ, cũng hy vọng làm giống như họ vậy. Họ chỉ làm tốt bổn phận của mình liền kéo theo toàn trường, thậm chí là lại đem kinh nghiệm của họ viết thành bài văn gởi lên trang mạng Đại Phương Quảng của chúng ta, để càng có nhiều người có thể học tập hơn. Họ cũng đi đến các tỉnh để diễn giảng, đem kinh nghiệm hiến dâng cho mọi người.

Cho nên một người muốn lợi ích xã hội hoàn toàn không phải là việc rất phức tạp, cơ sở quan trọng nhất ở chỗ nào vậy? Cơ sở trước tiên là mình làm tốt, làm tròn bổn phận của mình, cái gọi là “Đôn luân tận phận”. Trong đôn luân tận phận, năng lực của họ sẽ dần dần nâng cao, lúc này sẽ tự nhiên thành tựu.

Trong “Đại học” có một câu nhắc nhở vô cùng quan trọng đối với đời sống chúng ta, chính là “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân”. Từ thiên tử đến người dân bình thường, tầng lớp thấp hèn, đời sống của họ phải bắt đầu từ đâu vậy? “Nhất thị giai dĩ tu thân vi căn bản”. Tu dưỡng đạo đức của mình là nền tảng, cơ sở quan trọng nhất có thể tạo dựng sự nghiệp ở trong gia đình, ở ngoài xã hội của cả đời một con người là ở tu thân.

Các vị bằng hữu, khi một người không tu thân, không có đức hạnh thì sự nghiệp trong đời này của họ nhất định sớm muộn gì cũng sẽ bị sụp đổ. Cho nên rất nhiều người khi thấy người này không có đức hạnh, mỗi tháng vẫn cứ kiếm được nhiều tiền như vậy, bản thân nhìn thấy thật bất bình. Nhìn sự việc không nên chỉ nhìn bề ngoài, phải nhìn đầu đuôi ngọn ngành. Ngọn ngành là đại biểu họ sau này sẽ phát triển thành ra kiểu gì? Đầu đuôi là tại sao họ không có đức hạnh mà hiện nay có tiền? Tại vì sao không có đức hạnh mà hiện nay có sự nghiệp? Đầu đuôi, khi bạn nhìn, “ồ, hóa ra ông của họ, cha của họ có tiền”. Nhưng mà bạn nhìn thấy công nhân của họ có thể giữ lại được hay không? Có đức hạnh mới có thể lay động được tâm của công nhân. Bạn chỉ có tiền, đối xử công nhân không tôn kính, không tôn trọng, không quan tâm, công nhân có thể giữ lại được không? Là không thể. Cho nên họ không có đức hạnh thì họ sẽ không hiểu nghĩa quân thần, không thể dẫn dắt tốt công nhân của công ty, dần dần họ sẽ bị thất bại. Cho nên Lão Tử nói “Họa phúc tương y”, họa phước là đồng thời tồn tại.

Tại sao giàu không quá ba đời vậy? Bởi vì không có đức hạnh, chỉ cần có tiền nguy cơ liền xuất hiện ngay. Chúng ta thấy bậc Thánh Hiền Trung Quốc sáng tạo ra chữ rất có trí tuệ. Chữ “tiền” này viết như thế nào vậy? Bên cạnh chữ “kim” kết hợp thêm hai cây qua, chính là dao. Cho nên, tiền càng nhiều sẽ càng có xung đột. Hai cây dao này, nước xung đột với nước, thậm chí là ở trong gia đình huynh đệ đánh nhau cũng là vì tiền bạc.

Hiện nay bởi vì không có Thánh Hiền chỉ dạy, cho nên ở trong đời sống thường ngày chúng ta thường thường cũng hay nhìn thấy huynh đệ tranh tài sản. Thực ra trong khi huynh đệ đang tranh tài sản thì họ đời này đã lộ ra hình tướng thất bại, cuộc đời của họ không thể kinh doanh tốt được. Bởi vì động tác của họ hiện nay đã tạo ra tấm gương xấu xa nhất cho thế hệ sau của họ. Hình ảnh họ làm mẫu cho con cái họ là chỉ cần vì tiền huynh đệ cũng có thể trở mặt thành thù. Cho nên người không lo xa (nhìn không xa) đều thể hiện ra tính cách nhất thời, đã tạo ra một số việc khiến cuộc đời hối tiếc. Cho nên tu thân quan trọng, đức hạnh quan trọng. Chúng ta cần dùng tâm chân thành viết lịch sử của mình để không phụ lòng bản thân.

Các vị bằng hữu, còn phải viết lịch sử của ai vậy? Dùng chân tâm của bạn ở trong lịch sử viết cho ai viết lên một bài thơ bi hùng ca nào vậy? Cho tổ tiên của bạn. Nào, xin một tràng pháo tay khích lệ cho anh bạn này! Cho tổ tiên, quá hay! Bạn nói câu nói này thì tổ tiên của chúng ta sẽ cảm động đến rơi lệ. Hiện nay bạn đi hỏi sinh viên: “Điều quan trọng nhất của đời người là gì?”. Họ có nói với bạn là muốn viết lịch sử cho người Trung Quốc hay không? Có thể nói ra được không? Nếu như bạn hỏi sinh viên: “Căn bản của làm người là gì?”. Họ sẽ nói: “Sao anh lại hỏi cái vấn đề nhàm chán như vậy? Tại sao anh không hỏi tôi hiện nay ca khúc nào thịnh hành, ca khúc nào phổ biến nhất?”. Ở trong đầu là nghĩ những thứ này, suy nghĩ ở trong đầu không phải làm người cần phải tròn trách nhiệm gì.

Làm người cần phải tròn bổn phận hiếu đạo. Chữ hiếu này không chỉ là đối với cha mẹ, mà còn đối với tổ tiên nhiều đời của chúng ta, chúng ta cũng cần phải làm tròn bổn phận hiếu đạo này.

Chúng ta nhận được nhiều trí tuệ ơn trạch của tổ tiên như vậy, chúng ta lấy gì để báo đáp? Đương nhiên phải lập thân hành đạo, đem lời giáo huấn của tổ tiên thực tiễn vào trong gia đình, thực tiễn vào trong công việc, để cho gia đạo của gia đình có thể truyền thừa, để những tư tưởng của cổ Thánh tiên Hiền này có thể phổ biến truyền rộng ra trong xã hội, điều này rất quan trọng.

Xin hỏi các vị bằng hữu, bạn đã viết lên bài thơ bi hùng ca ở trong lịch sử cuộc đời của cha mẹ bạn chưa? Bạn có thể khiến cha mẹ bạn mỗi một lần nghĩ đến, tôi sinh ra đứa con này thật là không có uổng công, tôi sinh ra đứa con này thật là vô cùng an ủi. Nếu như ở trong quyển lịch sử đó của cha mẹ bạn, khi mở ra lúc nào cũng đều thỏa mãn như vậy, thế thì bạn đời này đã viết lịch sử ở trong cha mẹ vô cùng có giá trị.

Tiếp đó còn phải ở trong lịch sử của ai mà cố gắng dụng tâm để viết lên bài này? Cho con cháu đời sau. Ồ, hay quá! Xin một tràng pháo tay để khích lệ cho anh bạn này.

Chúng ta hiện nay đi hỏi một số nam nữ trẻ tuổi, người kết hôn, bạn hãy hỏi họ một vấn đề: “Gia đạo, gia phong của bạn sẽ truyền được bao nhiêu đời?”. Khi bạn hỏi họ như vậy, họ bỗng nhiên sững sờ ngay, tại sao vậy? Chưa bao giờ nghĩ đến. Cho nên thái độ làm cha mẹ người ta hiện nay của chúng ta so với người làm cha mẹ người ta thời xưa thì chúng ta thật sự kém họ quá xa rồi. Người có ăn học thời xưa cũng tốt, tổ tiên chúng ta cũng tốt, trong suy nghĩ đều là con cháu đời đời kiếp kiếp. Cho nên Tư Mã Quang đã từng nói qua đoạn văn này. Ông nói: “Di kim ư tử tôn, di thư ư tử tôn”. Bạn để lại vàng bạc cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể giữ được; bạn để lại một số sách cho con cháu, con cháu chưa chắc có thể đọc được, không bằng tích âm đức, trong chỗ âm thầm sâu kín để làm kế lâu dài cho con cháu. Cho nên bạn thấy, điều mà người làm cha mẹ người ta thời xưa nghĩ là gì vậy? Tích phước dày, tích âm đức, che chở đời sau, tuyệt đối không phải chỉ để hưởng lạc cho đời mình mà thôi. Cho nên họ có loại đức hạnh này, họ mới có thể che chở đời sau. Không chỉ che chở cho đời sau, bởi vì họ ở trong âm thầm đều đang tích âm đức, tất cả lời nói hành vi của họ đều đã tạo nên hình mẫu tốt đẹp nhất cho con cháu đời sau của họ học tập. Cho nên cha mẹ có loại nhận thức này thì gia đạo của họ đều có thể kéo dài mấy ngàn năm, mấy trăm năm không đứt.

Các vị bằng hữu, gia phong của bạn muốn truyền bao lâu? Xem chính mình. Nếu có lập chí, chúng ta nói “Học quý ở lập chí”, nếu như bạn có chí hướng muốn truyền 1.000 năm, thì bạn từ hôm nay trở đi tuyệt đối không được ở chỗ đó đánh mạt chược, phí thời gian của mình, vừa tạo hình ảnh không tốt cho đời sau. Từ nay về sau, bạn đọc sách thật chăm chỉ, làm việc thật chăm chỉ, đối xử cha mẹ rất hiếu thảo. Con cháu đời sau của Khổng Lão Phu Tử đã truyền được hơn 2.500 năm (đến hiện nay truyền được tám – chín mươi đời), con cháu đều vô cùng ưu tú, vì sao vậy? Bởi vì sự ảnh hưởng của Phu Tử đối với toàn bộ Trung Quốc, thậm chí là toàn bộ nhân loại đều mang tính lâu dài, cho nên âm đức đặc biệt dày. Và mọi người vừa ra đời đã biết họ là con cháu của Khổng Lão Phu Tử thì lập tức cảm thấy rất vinh dự, cảm thấy mình không thể làm mất mặt Khổng Phu Tử, cho nên lời nói hành vi đặc biệt cẩn thận, rất sợ mình làm nhục tổ tiên.

Khi chúng ta đã tạo nên hình ảnh như vậy cho con cháu của bạn. Khi họ biết họ chính là con cháu của người nào đó thì lập tức trạng thái của toàn thân họ cũng khác. Cho nên ngày nay nếu như có người đến nói với bạn, đã xác nhận bạn chính là con cháu đời thứ mấy của Khổng Lão Phu Tử, bạn lập tức bước đi liền khác ngay.

Con cháu của Phạm Trọng Yêm truyền đến hiện nay đã gần sắp 1.000 năm rồi. Tôi trong quá trình phổ biến học Kinh còn tiếp xúc được hai vị hậu duệ của Phạm Trọng Yêm, trong đó một vị hiện nay vẫn đang làm thầy giáo ngữ văn của một trường Cao Trung rất nổi tiếng ở Hải Khẩu, hơn nữa là một vị danh sư dạy vô cùng giỏi. Con gái của ông hiện nay vẫn đang học khoa Trung Văn tại Đại học Bắc Kinh. Cho nên bạn xem, cái gia phong đó đã liên tục kéo dài mấy ngàn năm, 1.000 năm cũng không mất đi.

Đúng một lần tôi vừa diễn giảng xong ở Chu Hải, trong nhà của một người bạn. Hàng xóm đối diện của người bạn đó có một vị thầy đang ở đó, ông cũng đi nghe giảng. Ngày hôm sau ông qua nói, hy vọng nói chuyện với tôi một chút. Sau đó vừa ngồi xuống, tôi thấy gương mặt ông rất lớn, tai – trái tai cũng rất lớn, vừa thấy thì biết là rất có phước tướng. Kết quả, ông câu đầu tiên nói: “Tôi là hậu duệ của Phạm Trọng Yêm”. Cho nên điều này quả thật chúng ta tích phước dày thì thật sự có thể khiến con cháu của chúng ta được sự che chở rất tốt, cũng khiến con cháu chúng ta có rất nhiều hình mẫu có thể noi theo. Cho nên các vị bằng hữu, cuộc sống của bạn nên ở trong quyển lịch sử này của con cháu hãy cố gắng chăm chỉ dụng tâm mà bỏ sức, mà kinh doanh.

Ngoài chuyện ở trong lịch sử của cha mẹ, tổ tiên, con cháu phải cố gắng bỏ mồ hôi nước mắt, cố gắng dốc sức ra, còn phải dụng tâm kinh doanh vào trong lịch sử của ai vậy? Sao các bạn đều không có nghĩ đến chồng của bạn, vợ của bạn vậy?

Chúng ta nói: “Tu chung mười năm mới đi cùng thuyền, tu trăm năm mới ngủ chung gối”. Trước đây người xưa chúng ta, vợ chồng là một thể. Tục ngữ nói: “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Trước đây chúng ta nói: “Phu xướng phụ tùy”. Khi chồng của bạn thường hay nghĩ đến cuộc đời của anh ta chính là vì cưới được người vợ này mới khiến sự nghiệp của anh ta, mới khiến gia đình của anh ta có thể có sự phát triển tốt như vậy. Khi ở trong quyển lịch sử cuộc đời của chồng bạn đó được ghi chép như vậy thì người vợ này của bạn cũng cảm thấy không bị hổ thẹn với người chồng này. Khi vợ của bạn thường hay nghĩ đến, chính vì tôi đã được gả cho người chồng này, cho nên cuộc đời của tôi mới có thể được hạnh phúc như vậy, mỹ mãn như vậy.

Tôi đã từng gặp được mấy cặp vợ chồng chung sống với nhau rất tốt, trong đó có một cặp, chính là chú Lư với vợ của chú. Vợ chú ấy khi gặp tôi đều luôn khen ngợi đức hạnh của chồng và cách đối nhân xử thế của chồng cô. Khi tôi nghe thấy một người vợ khen ngợi chồng, chúng tôi cũng đều cảm thấy rất ngạc nhiên, bởi vì quá ít nghe thấy. Cho nên vừa nghe liền cảm nhận đặc biệt sâu. Vợ chú ấy nói: “Cô có rất nhiều việc vất vả, chồng của cô đều biết chủ động giúp cô làm”. Tại sao vợ của chú Lư lại tôn kính chú đến như vậy? Tuyệt đối không phải ngẫu nhiên. Chúng ta nói: “Lâu ngày thấy lòng người”, nhất định đều là từng ly từng tí bỏ công sức ra. Chú Lư nói với tôi một câu: “Người chúng ta kết hôn, ta không có tư cách để yêu cầu vợ phải đối xử tốt với cha mẹ mình, không có tư cách yêu cầu”. Bạn phải đối xử tốt với vợ bạn đến mức cô ấy cảm nhận được chính là bởi vì có cha mẹ tốt như vậy mới sinh được một người con tốt như vậy để cùng ta yêu thương nhau, cho nên ta phải cố gắng yêu cha mẹ của anh ấy. Bạn thấy, làm đến mức như vậy khiến người ta cảm động. Cho nên trong quyển lịch sử cuộc đời của vợ chồng chú ấy đã vẽ lên bức tranh tình cảm chân thành.

Cho nên chúng ta đứng trước tất cả bạn bè thân thích, thậm chí là đứng trước tổ tiên chúng ta, bậc Thánh Hiền của chúng ta, chúng ta đều phải tận tâm tận lực, nghĩa là không hổ thẹn với tổ tiên, không hổ thẹn với tất cả bạn bè thân thích. Vào lúc này bạn thường xuyên sẽ cảm thấy nội tâm vô cùng dạt dào, vô cùng an vui, cảm thấy cuộc sống đời này không có uổng công. Nếu như bạn thường hay có loại cảm giác dạt dào này, nhất định sẽ nghĩ đến câu nói này của Văn Thiên Tường. Chúng ta hãy đọc nó một lần. Sau khi chúng ta nghe xong những lời chia sẻ này, đọc lên ý vị của câu nói này sẽ hoàn toàn khác nhau: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Chúng ta vừa mới nhắc đến đức hạnh của nước xong. Từ “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”. Tức là nước không có một giây dừng nghỉ, thời gian cũng không có một giây ngừng nghỉ. Bởi vì thời gian không một giây ngừng nghỉ thì chúng ta phải biết quý trọng thời gian, cố gắng tròn trách nhiệm của mình, cố gắng thành tựu cho tất cả bạn bè thân thích của mình. Cho nên: “Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Vậy nước còn có thể gợi ý cho chúng ta điều gì nữa?

Chúng ta ở trong rất nhiều giáo huấn của Thánh Hiền có một câu nói liên quan đến việc học tập: “Học như đi thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”. Bởi vì học như đi thuyền ngược nước, từng giây từng phút phải nhắc nhở mình có đang tinh tấn hay không. Bạn chỉ cần lười biếng lập tức liền bị lùi lại phía sau ngay.

Quả thật hiện nay xã hội này là một cái thùng nhuộm rất lớn, chỉ cần bạn hơi không cố gắng thì phong độ của bạn lập tức liền đi xuống. Cho nên nếu ở trong thời đại này hiện nay, muốn có thể thành tựu được học vấn của mình thì nhất định phải tinh tấn bền bỉ, không được phép ngừng nghỉ.

Vậy nước còn có thể khiến bạn nghĩ đến điều gì nữa?

“Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”. Tất cả trăm sông đều tập trung về biển lớn, nó đều có thể bao dung, có thể dung nạp. Cho nên đời người phải luôn luôn mở rộng tâm lượng của mình, dùng cái tâm khoan dung để đối xử với mọi người. Khi chúng ta cảm thấy phiền não rất nhiều, nhìn ai cũng chướng mắt, nhìn ai cũng thấy rất khó chịu, vấn đề tuyệt đối không phải ở người khác mà vấn đề là tại mình. Cho nên bạn chỉ cần tâm lượng vừa mở ra thì chướng ngại liền loại trừ.

Thực ra chúng ta nói đều là do người đó khiến tôi tức giận, đều do người đó có lỗi với tôi, cho nên thường thường sẽ hay tức giận, là không thể bao dung. Tôi sẽ hỏi các vị bằng hữu một vấn đề: “Theo logic mà nói, không có người nào có thể bước vào nội tâm của bạn được, lời nói này có đúng không?”. Theo logic mà nói, không có người nào có thể bước vào nội tâm của bạn được, vậy người thật sự làm tổn thương bạn là ai? Là chính mình. Các bạn sao thông minh như vậy chứ! Rất có tánh ngộ rồi. Bài của chúng tôi vẫn chưa giảng xong, tánh ngộ của các bạn đã khai rồi. Câu nói này rất có ý nghĩa. Ai đang làm tổn hại chúng ta vậy? Cho nên tôi cũng làm một ví dụ cho họ nghe.

Tôi nói, hôm nay bạn từ trong phòng làm việc bước ra, vừa bước ra, ngay đó gặp một người đánh bạn một bạt tai ngã xuống. Bạn vẫn chưa định thần lại được, họ đã giận dùng đùng bỏ đi rồi. Trong tâm bạn nghĩ: “Hôm nay thật xui xẻo, có thể họ nhận nhầm người rồi”. Bạn lập tức liền bỏ qua, không trách anh ta, bị một bạt tai không trách anh ta. Vừa lúc hôm nay về đến nhà, chồng bạn uống rượu, trạng thái thật không tốt, đánh bạn một bạt tai. Cùng một bạt tai giống nhau, bạn lập tức nói: “Suốt đời này tôi sẽ không thể tha thứ cho anh, tôi sẽ không bao giờ bỏ qua cho anh”. Cùng một bạt tai giống nhau mà hiệu quả khác nhau nhiều như vậy, xin hỏi ai tạo thành hiệu quả khác nhau nhiều như vậy? Chính mình. Đúng vậy! Cho nên ai khiến chúng ta giận vậy? Ai khiến chúng ta đau khổ? Đều do mình cưỡng cầu, đều do mình chấp trước. Cho nên không phải do người khác gây khó dễ cho chúng ta, mà do tự mình gây khó dễ cho chính mình. Khi chúng ta hiểu rõ cái chân tướng này, bạn mới dần dần hiểu được cái gì cần phải buông xả.

Cho nên chúng ta thường thường đều hay nói: “Họ cần phải như thế nào, họ phải biết, sao họ ngay cả điều này cũng không biết”, kiểu nói này chúng ta thường hay nghe thấy. Tôi liền nói lại với họ, họ vốn dĩ là không biết. Bởi vì thời đại này, giáo huấn Thánh Hiền đã bị mất đi hai – ba đời rồi, cho nên con người căn bản của làm người cũng không rõ ràng. Thực ra chúng ta nhìn thấy người như vậy đều cảm thấy họ rất đáng thương, đâu còn thời gian để giận dữ với họ. Cho nên chúng ta nói: “Người trước bất thiện, không biết đạo đức, do không được dạy, chớ quở trách họ”, không nên quở trách họ nữa, bạn càng nên thương họ hơn. Họ ở chỗ đó tự cam lòng sa đọa, tự đào mồ chôn mình, bạn lại không kéo họ lên thì sau này họ sẽ rất thê thảm. Cho nên vào lúc này không nên nổi giận với họ, trái lại cần phải sinh khởi lòng bao dung, sinh khởi tâm từ mẫn với họ. Phải giống như biển lớn vậy, có bao dung mới lớn.

Chúng ta hãy thử xem sông Trường Giang, sông Hoàng Hà của chúng ta, dòng nước lớn này liên tục chảy về đâu vậy? Đều chảy về phía Đông. Tuy nó có muôn trùng gập ghềnh, nhưng mục tiêu của nó có thay đổi hay không? Không có, mà lại trước sau tuôn chảy về phía Đông, đại biểu một người rất có chí hướng, chí hướng không đổi. Nhưng mà có thể chạy thẳng ngang qua được hay không? Không được. Đời người đâu có thể thuận lợi như vậy được, “đời người chuyện bất như ý thường chiếm đa số”. Vào lúc này, núi không chuyển thì đường chuyển, đường không chuyển thì người tự mình chuyển, cho nên có khi phải cong. Chúng ta nói phải biết co biết duỗi, có lúc cần phải biến thông thì phải biết biến thông, phải biến thuận theo thời thế mà làm. Nhưng mà luôn luôn biết rất rõ mục tiêu ở đâu? Ở phía Đông.

Mục tiêu ở thành tựu con trẻ, mục tiêu ở thành tựu người có duyên quanh mình này không thay đổi. Nhưng mà làm sao làm được? Tùy lúc, tùy nơi cần xem xét tình thế. Cho nên sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, rất nhiều sông lớn của chúng ta đều là rất có chí hướng, trôi chảy về phía Đông.

Khi bạn nhìn thấy một hồ nước trong suốt, có thể nhìn thấy đáy như vậy… Trong cửa Phật lúc cúng tế (chúng ta mỗi ngày lễ Phật xong đều có rót một ly nước trong), ly nước trong này có phải để Phật uống hay không? Không phải. Cái ly nước này, điều quan trọng nhất là phải nhớ kỹ lời chỉ dạy của Phật Bồ Tát với chúng ta, luôn luôn nhắc nhở tâm của chúng ta có trong suốt giống như nước không, hay là bị ô nhiễm. Khi bị ô nhiễm rồi phải làm thế nào? Phải mau mau loại bỏ ô nhiễm đi. Khi tâm còn chưa bị ô nhiễm phải phòng ngừa ô nhiễm.

Lúc chúng ta bước vào sơn môn có phải thấy có Tứ Đại Thiên Vương không? Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương tay cầm là gì vậy? Dù che mưa. Có phải Ngài thích cầm dù che mưa hay là Ngài thích thu thập dù che mưa không? Không phải. Đa Văn Thiên Vương là đại biểu phải biết phòng ngừa những tư tưởng quan niệm sai lầm khiến bạn bị ô nhiễm trong cái xã hội hiện đại bùng nổ tri thức này.

Cho nên một người không phải trước tiên cần xem thật nhiều sách, mà trước tiên cần có khả năng phán đoán của lý trí, họ mới đi hấp thu rộng rãi tri thức. Muốn xác lập lý trí và khả năng phán đoán của một con người cần dùng phương pháp gì vậy? Cần học tập Kinh điển Thánh Hiền mới có khả năng tạo ra khả năng phán đoán như vậy. Cho nên cái ly nước này nói với chúng ta không được bị ô nhiễm, cần phải phòng ngừa ô nhiễm. Sau đó phải xem xem tâm của mình có thanh tịnh hay không.

Tâm của một người chỉ cần thanh tịnh rồi thì trí tuệ của họ liền khai. Chúng ta thường hay lấy nước để rửa sạch rất nhiều đồ dơ bẩn, cho nên nước cũng đại biểu cho giáo dục, giáo hóa, đem những tư tưởng quan niệm sai lầm của chúng ta tẩy rửa sạch sẽ. Quả thật khi chúng ta có tánh ngộ thì có thể thể hội được từ trong nước rất nhiều đạo lý làm người xử thế.

Vừa mới nói đến người thiện người ác đều là thầy, thậm chí trời đất vạn vật là thầy, những sự việc mà bạn gặp phải (cảnh giới) cũng là thầy. Cảnh giới mà chúng ta gặp phải không ngoài hai loại: Thuận cảnh và nghịch cảnh. Đạo đức học vấn của một người có phải trốn vào trong núi mà thành tựu không? Tuyệt đối không phải. Đạo đức học vấn của mọi người đều là từ trong đối nhân xử thế không ngừng rèn luyện, không ngừng nâng cao, gọi là “trải sự luyện tâm”.

 “Đệ Tử Quy” nói: “Phàm là người, đều yêu thương”. Thói quen vốn dĩ nhìn thấy loại tình huống này thì lập tức nóng giận nổi lên, bỗng nhiên nghĩ đến: “Phàm là người, đều yêu thương”, thì liền nén giận xuống, đây chính là trải qua sự để luyện tâm. Cho nên, một người khi tiến bộ nhanh nhất là gặp thuận cảnh hay là nghịch cảnh vậy? Khi gặp nghịch cảnh. Cho nên phải cảm ơn nghịch cảnh, cảm ơn khó khăn, cảm ơn tôi luyện. Nếu không như thế thì tiềm năng của chúng ta, trí tuệ của chúng ta không thể rèn luyện để khai mở ra. Trong khi chúng ta có loại thái độ này thì sẽ không sợ khó khăn, biết tôi luyện bản thân, biết nâng cao cảnh giới của mình.

“Ngọc không mài giũa không thành đồ hữu dụng, người không học không biết nghĩa”. Sau này đứng trước nghịch cảnh cũng là thầy, thuận cảnh sẽ khiến người ta dễ dàng mất phương hướng nhất. Tất cả việc sai lầm có lẽ đều tạo ra ở trong lúc thuận cảnh, cho nên đứng trước thuận cảnh phải biết luôn luôn nhắc nhở mình không được phép buông thả, không được phép tự đại. Phải luôn luôn nhắc nhở mình, ta có được thuận cảnh như vậy là do bao nhiêu người vun đắp cho ta, phải thường mang lòng cảm ơn. Như vậy thuận cảnh, nghịch cảnh đều là thầy.

Tốt rồi! Hôm nay chúng ta chỉ học đến đây. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

 

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (Tập 09/40)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Thầy giáo – dịch giả Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh