NỮ ĐỨC VI YẾU – CHƯƠNG 7: HÒA THÚC MUỘI

CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI

 

Các thầy cô giáo tôn kính! Xin chào mọi người.

Chúng ta cùng nhau học tập tiếp chương thứ bảy của sách “Nữ Giới”“Hòa Thúc Muội”. Đây cũng là chương cuối cùng của sách. Trong chương cuối này, chúng ta có thể nhìn thấy được dụng ý của Ban Chiêu là “gia hòa thiên hạ hưng”. Những điều phần trước chúng ta đã học như kính thuận, phụ hạnh, chuyên tâm, hay khúc tòng thì chung quy lại là làm được chữ “hòa” trong gia đình. “Hòa” là tiêu điểm chính của toàn bộ Kinh văn. Trong chương “Hòa Thúc Muội” này, Ban Chiêu đã tốn rất nhiều giấy mực giảng giải làm thế nào để thực hiện được chữ “hòa”. Chúng ta hãy xem phần “Tiên Chú” của Vương Tương. “Thúc muội là em trai và em gái của chồng, anh trai và chị gái của chồng đã thành gia lập thất. Các em trai và em gái nhỏ tuổi vẫn còn ở bên cha mẹ chồng, làm chị dâu nên làm thế nào chung sống hòa thuận với các em, khiến cho cha mẹ chồng vui lòng” .Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng Ban Chiêu không chỉ khuyên phụ nữ chúng ta chung sống hòa thuận với người thân trên dưới trong gia đình nhỏ của mình mà từ “gia hòa” có thể làm được “thiên hạ hưng”, từ gia đình an định mà làm được “thiên hạ bình”. Vậy thế nào gọi là “hòa”? Chúng ta hãy xem chữ “hòa” (), bên phải có chữ “khẩu” (), có nghĩa là muốn làm được “hòa” thì phải bắt đầu từ cái miệng, trong nhà không được bàn chuyện thị phi, hay dở của nhau. Có câu “tâm bình ắt khí hòa”, nếu miệng không nói nhều lời tranh chấp hơn thua thì tâm của chính mình sẽ dễ an định, tính tình sẽ dần nhu thuận. Bắt đầu từ tâm hòa, khẩu hòa rồi đến thân hòa. Khi làm được “tâm bình khí hòa” rồi thì mọi người trong gia đình sẽ dễ dàng chung sống hòa bình với nhau.

 

Trong xã hội hiện nay, gia đình có hòa được hay không then chốt ở chỗ có thể xem nhẹ được đồng tiền hay không. Mỗi một người có giá trị quan khác nhau, một khi không đạt được thống nhất về mặt kiến giải thì bước đầu tiên để “hòa” đã không có. Tuy nhiên, chúng ta không được yêu cầu người khác “hòa” với chúng ta, chỉ yêu cầu bản thân “hòa” với người khác. Tiến thêm bước nữa đó chính là yêu cầu tập tánh của mình “hòa” được với tự tánh của chính mình. Nếu như tập tánh của mình không tốt thì phải chỉnh sửa lại cho tương ưng với tự tánh. Tự tánh là thuần thiện thuần tịnh, tự tánh là nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Tự tánh là giữ tốt đạo làm dâu, đạo làm vợ, đạo làm mẹ, đạo làm con, còn đối phương có giữ được đạo làm mẹ chồng, đạo làm chồng hay không chúng ta không quan tâm, nhất là đối với bậc trưởng bối. Có một nhân viên đã nói với tôi rằng: “Người kia thu một ngàn tệ tiền hoa hồng. Tôi chỉ thu có năm trăm tệ, nếu không thu trong lòng rất khó chịu”. Tôi nói: “Chẳng lẽ người kia muốn nhảy lầu, bạn cũng muốn nhảy lầu theo sao? Anh ta nhảy từ tầng thứ mười xuống, chẳng lẽ bạn nói tôi nhảy từ tầng thứ tám xuống, kém anh ấy hai tầng, nếu không nhảy thì cảm thấy rất khó chịu sao?”. Sau đó, anh ấy nói với tôi: “Hai việc này không như nhau, đây là tiền mà”. Tôi nói: “Đồng tiền này cầm bỏng tay đấy. Đồng tiền này không những sẽ khiến bạn tổn phước, tổn đức hạnh mà tương lai lẽ ra bạn có thể kiểm được năm mươi ngàn tệ, nhưng bởi vì năm trăm tệ này mà không có được nữa. Từ xưa đến nay không phải đều có những việc như thế này hay sao? Tham chút tiện nghi sau cùng bị thiệt thòi lớn”. Bất luận cậu nhân viên đó có nghe hiểu lời tôi nói hay không không quan trọng nhưng tôi cảm thấy mình làm chủ thì cần phải làm trọn đạo “Quân – Thân – Sư”, không những quản lý cậu ấy mà còn phải làm thầy của cậu ấy. Có lẽ tư cách làm thầy của tôi còn chưa đủ nhưng tôi đã hết lòng với cậu ấy rồi, đã giải thích rõ cho cậu ấy, như vậy là được rồi. Ở trong gia đình cũng như thế, không nên so sánh hơn thua, đừng nên có suy nghĩ rằng “Các em trai, em gái của anh ấy còn trẻ khỏe mà không bỏ sức cũng không bỏ tiền ra. Vậy vì sao tôi phải làm việc đó cơ chứ?”. Nếu như bạn có cái tâm này thì tất cả thiện niệm, thiện hạnh của bạn đã bị hủy hoại mất rồi, không phải do người khác đoạn mất mà do chính mình hủy mất.

 

Đối với tiền bạc, chúng ta cần phải nhìn thấu. Đây chính là cửa ải thứ nhất mà chúng ta cần vượt qua khi học văn hóa truyền thống. Cửa ải này rất thực tế. Cho dù chúng ta có giảng thấu đại kinh, đại luận đến đâu nhưng khi đối mặt với hiện thực cuộc sống thì cái nào cũng dính đến tiền, trong phút chốc nhìn không thấu thì liền rơi vào đó. Vậy đây là cửa ải thứ nhất cần phải vượt qua. Cửa ải thứ hai là danh, thứ ba là sắc. Mỗi một cửa ải đều là sự khảo nghiệm trong thực tế cuộc sống, không phải là bàn việc quân trên giấy. Triệu Quát bởi vì bàn việc quân trên giấy mà bị chết. Mẹ của ông không muốn ông ra chiến trường đánh nhau, quốc vương không đồng ý. Mẹ của ông nói: “Nếu Ngài muốn nó đi cũng được, nhưng phải miễn tội cho tôi, sau này đừng truy cứu tôi”. Nhà vua nói: “Được! Không truy cứu!”. Kết quả Triệu Quát bại trận, thế nên không ai hiểu con bằng mẹ.

 

Chúng ta không được bàn việc quân trên giấy, học văn hóa truyền thống cần phải xông pha thực tế, vào hiện thực. Bên trái chữ  “tiền” () là bộ “kim” (), bên phải là hai chữ “qua” () nghĩa là cái mác, một loại vũ khí giết người. Thế nên, nếu vấn đề tiền bạc không thông thì không giết người cũng làm mình bị thương. Đối với tiền tài phải nhìn cho thấu. Người xưa xem tiền tài là thứ cần phải được lưu thông. Nếu bạn không lưu thông mà giữ chặt tiền, xem tiền còn nặng hơn tính mạng thì giống như vũng nước tù đọng cáu bẩn vậy. Người xưa có câu: “Tàng giả, đa tàng tất hậu vong” (Kẻ tích trữ nhiều về sau ắt mất mát lớn). Tiền mà bạn tích trữ nhất định sẽ có một ngày đội nón ra đi, có thể nó sẽ được dùng vào một trận bệnh nặng nào đó, chi bằng hãy đem số tiền đó ra cứu tế những người cùng khổ. Sao phải dùng nó để nộp cho bệnh viện làm gì? Trong cuộc sống hiện nay, rất ít người xem nhẹ tiền tài. Tôi đã gặp rất nhiều người có tiền, càng có nhiều tiền thì càng không buông xuống được. Nhưng có một số người khác trong quá trình buông xả tiền tài của họ lại sinh ra vấn đề. Có một vài người học văn hóa truyền thống muốn xem nhẹ tiền tài, bán hết nhà cửa rồi đem số tiền đó đi quyên tặng hết, nói rằng: “Tôi thứ gì cũng đều xả hết rồi!”. Sau đó họ đến hỏi tôi: “Cô Tịnh Du à! Cô cảm thấy tôi làm như thế có đúng không?”. Tôi cười và nói rằng: “Thật ra cái gọi là buông xả thực sự không phải là bán hết sạch đồ, trên người không có đồng nào thì có vẻ như không màng đến tiền bạc. Không phải như vậy. Bạn phải xả ở trong tâm. Đương nhiên trên mặt sự cũng phải làm, nhưng không phải làm một cách mù quáng, phải làm một cách có trí tuệ. Không phải đem tiền cho người khác muốn làm gì thì làm. Nếu như họ dùng tiền này để tạo ác nghiệp thì không tốt rồi. Vì vậy, khi chúng ta làm việc gì không được làm đến mức cực đoan, mà phải hợp thời, hợp nơi chốn, hợp hoàn cảnh mà làm.

Việc chung sống hài hòa với anh chị em chồng trong cuộc sống hiện thực đó chính là phải nhìn thấu vấn đề tiền tài, mặc dầu còn nhiều vấn đề khác cần phải nhìn thấu, nhưng đồng tiền luôn là thứ gây ra những tranh chấp trong gia đình. Thế nên, bản thân không nên tính toán, không so đo so sánh với người trong nhà, chỉ cần mình làm được là tốt rồi.

 

Chúng ta hãy xem phần Kinh văn cụ thể:

 

PHỤ NHÂN CHI ĐẮC Ý Ư PHU CHỦ, DO CỮU CÔ CHI ÁI KỶ DÃ. CỮU CÔ CHI ÁI KỶ, DO THÚC MUỘI CHI DỰ KỶ DÃ. DO THỬ NGÔN CHI, NGÃ CHI TÀNG PHỦ HỦY DỰ, NHẤT DO THÚC MUỘI. THÚC MUỘI CHI TÂM, BẤT KHẢ THẤT DÃ

(Tạm dịch: Phụ nữ có được tình yêu của chồng là do được cha mẹ chồng yêu thương. Cha mẹ chồng yêu thương là do được em trai, em gái của chồng yêu mến. Từ đó suy ra, sự vinh hay nhục của chính mình là do em trai, em gái của chồng mà nên, vì vậy không được để mất lòng em trai, em gái của chồng)

 

Phần “Tiên Chú” ghi rằng: “Người làm dâu không dám thất lễ đối với em trai, em gái của chồng, về sau sẽ khiến cha mẹ chồng hoan hỷ, được sự yêu thương của cha mẹ chồng, sau cùng sẽ khiến chồng hài lòng. Người làm vợ có phải là bậc hiền huệ hay không, bị hủy báng hay tán thán đều do em trai và em gái của chồng mà ra. Thế nên, không được để mất lòng họ, nếu không sẽ thất kính”. Từ đây chúng ta nhìn thấy chữ “giới” trong từ “Nữ Giới” của Ban Chiêu chính là lời dạy bảo, cũng là sự thể hội cả một đời của bà. Giống như róc vỏ măng tre từng lớp từng lớp một đến sau cùng nhìn thấy được thực chất. Lớp vỏ thứ nhất là việc kết hôn, nên đối xử với chồng như thế nào? Nếu chỉ là phu thê ân ái không thôi thì vẫn chưa gọi là rốt ráo, mà còn phải đối xử tốt với cha mẹ của chồng, phải biết làm thế nào hiếu kính, hiếu thuận cha mẹ chồng, không chỉ dừng lại ở đó mà đối với em trai và em gái của chồng cũng cần phải quan tâm. Trong xã hội hiện nay, có thể những người là con một không phải đối diện với trường hợp như vậy, nhưng bên nhà chồng vẫn còn có bà con bạn bè thân thích, không thể chỉ có một người. Đối với bà con thân thích và bạn bè tốt của chồng thì người làm vợ phải biết đừng chỉ xem bản thân là trọng. Đại ý của đoạn này là phụ nữ cần phải mở rộng tâm lượng, lòng nhân ái từng tầng từng lớp mà mở rộng ra, giống như gió thổi trên sóng nước vậy, từng đợt sóng nước lớp lớp mở rộng ra, càng mở càng rộng. Khi tâm đã rộng mở thì có thể dung nạp được nhiều việc hơn, nền tảng gia nghiệp sẽ được vững chắc.

 

NHÂN GIAI MẠC TRI, THÚC MUỘI CHI BẤT KHẢ THẤT, NHI BẤT NĂNG HÒA CHI DĨ CẦU THÂN, KỲ TẾ DĨ TAI

(Tạm dịch: Người thông thường không biết rằng không được để mất lòng em trai em gái của chồng, không chung sống hòa thuận với các em của chồng mà vẫn mong được lòng cha mẹ chồng. Đây là việc hồ đồ lắm vậy)

 

Người ta đều không biết chung sống hòa thuận với các em trai em gái của chồng nên mới đắc tội với cha mẹ chồng. Đây là một vấn đề lớn. Chữ “tế” có nghĩa là chướng ngại, che lấp. Che lấp gì vậy? Che lấp cái tâm thấu hiểu đạo lý của người làm vợ, chỉ là một đạo lý nhỏ thôi nhưng người làm vợ đã không nhìn thấu. Bạn đừng xem chồng chỉ là một cá nhân đơn lẻ. Bạn nên xem anh ấy là người đại diện cho cả một gia tộc, phía sau lưng anh ấy còn có thiên quân vạn mã theo sau. Nếu như bạn hồi đầu rõ lý thì đối với những người trong gia đình anh ấy cần phải mở lượng bao dung, nếu không thì rất nhiều vấn đề sẽ xuất hiện. Vậy tại vì sao không thể chung sống hòa thuận với các em của chồng? Câu Kinh văn phía sau sẽ giải thích rõ.

 

TỰ PHI THÁNH NHÂN, TIỂN NĂNG VÔ QUÁ. CỐ NHAN TỬ QUÝ Ư NĂNG CẢI, TRỌNG NI GIA KỲ BẤT NHỊ, NHI HUỐNG Ư PHỤ NHÂN GIẢ DÃ

(Tạm dịch: Người ta nào phải Thánh Hiền, khó mà không mắc lỗi phạm sai. Nhan Hồi hay ở chỗ biết lỗi liền sửa. Thế nên Khổng Tử khen ông là người không mắc lỗi hai lần. Nhan Hồi còn có lỗi thì người làm vợ sao tránh khỏi không có lỗi lầm?)

 

Câu này nói rằng con người không thể không mắc lỗi. Nhan Hồi là bậc đại Hiền, có lỗi lập tức liền sửa, nên Khổng Tử khen ông là “không phạm lỗi hai lần”. Huống gì là người làm vợ, vẫn có lỗi là không thể chung sống hòa thuận được với các em của chồng. Đó là do bạn không nhìn thấy lỗi của mình, không xét lại mình, mà trách móc các em trai em gái của chồng. Khi bạn có tâm trách móc thì sẽ rất khó hòa thuận thân ái được. Đây chính là điểm then chốt.

 

Tôi xin chia sẻ với mọi người một trường hợp trong sách “Ôn Thị Mẫu Huấn”, trong sách có nói rằng từ xưa đến nay khi cho mượn tiền bạc hay đồ vật thì thà cho người ngoài mượn chứ không muốn đưa cho người trong nhà, đặc biệt là những người bên nhà chồng. Nguyên nhân thứ nhất là do cảm thấy nếu cho người trong nhà mượn thì họ không biết cảm ân chúng ta, không biết đón nhận tình cảm, “dù sao anh có điều kiện thì anh nên cho tôi mượn”. Thứ hai, khi bạn cho họ mượn một lần thì họ sẽ mượn lần thứ hai và không biết dừng lại, sau cùng quyết định thà gia ân cho người ngoài chứ không cho người trong nhà vay mượn. Đây là một hiện tượng rất kỳ lạ. Hiện thực cuộc này nói rõ cho chúng ta điều gì? Con người chung sống với nhau, nếu khoảng cách giữa đôi bên là xa thì họ sẽ chung sống với nhau tốt đẹp. Người trong cùng một nhà thì không như vậy. Bạn mỗi ngày gặp mặt nhau, không thể tránh việc tiếp xúc với nhau được. Bạn phải nói chuyện với họ, chào hỏi nhau, cho dù bạn không muốn gặp họ nhưng cũng phải ngồi ăn chung một bàn. Vậy nên làm thế nào đây? Điều này đối với chúng ta là một sự rèn luyện. Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí” (Ngọc không được mài thì không thể trở thành vật có giá trị). Vậy ai sẽ là người “mài dũa” bạn đây? Đó chính là những cảnh duyên ở bên ngoài, bao gồm hoàn cảnh, con người, sự việc mài dũa bạn trở thành người có giá trị. Ba ngày trước bạn rõ ràng cãi nhau với họ, nếu như là bạn bè thì cả đời có thể sẽ không qua lại với nhau, nhưng đối với người thân của mình thì vẫn phải chung sống với họ và rồi trút giận sang người khác.

 

Ví dụ như có một lần người thân trong nhà của tôi cãi nhau với chồng của cô ấy, đúng vào lúc mừng lễ đại thọ tám mươi tuổi của mẹ chồng. Cô ấy cự tuyệt không tham gia lễ mừng thọ đó mà chuẩn bị đi du lịch cùng công ty. Lúc đó, chúng tôi cùng ăn cơm với nhau. Cô ấy rất tức giận kể cho tôi nghe việc đó. Tôi đã khuyên cô ấy rằng: “Lễ mừng thọ tám mươi tuổi của mẹ chồng chị là chuyện lớn. Em nghĩ chị hãy nên tham dự”. Phụ nữ chúng ta một khi nổi giận thì mất đi lý trí. Cô ấy đã nói với tôi rằng: “Chị không muốn đi. Anh rể của em đã làm cho chị đau lòng. Chị không đi đâu”. Tôi phải khuyên chị ấy mấy lượt mới được, tôi nói: “Hôm đó em cũng đi mà”. Tôi đi và cũng nhân dịp đó tặng cho bà cụ một bao đỏ. Chị ấy lại tức giận hơn, nói: “Em đến là được rồi, không cần tặng tiền làm gì”. Sau này, tôi phát hiện ra rằng những tình huống tương tự như vậy là do họ mất đi lý trí. Lúc đó, tôi nói với chị ấy: “Chị không nên bức xúc như vậy. Em làm thế thì bà cụ sẽ rất vui. Thật ra, chúng ta tận tâm hiếu kính là việc tốt, đừng vì sự tức giận với chồng mà trút hết lên người mẹ anh ấy. Cơn giận này của chị nếu cứ tiếp tục thì sẽ lan sang những người khác như anh chị em của anh ấy. Kết cục này sẽ không thu dọn nổi đâu”. Tôi lại khuyên tiếp rằng: “Nếu chị đang tức giận thì tốt nhất hãy đóng cửa lại, tìm một nơi để giải tỏa cơn giận, đợi sau khi tâm bình khí hòa thì dựa vào đạo lý đối nhân xử thế nên làm như thế nào thì hãy nên làm như thế đó, không nên cực đoan”.

 

Nếu như làm ra những việc trái với đạo lý thường tình thì nhất định sẽ bị chỉ trích, không chỉ người khác trách móc bạn mà ông Trời cũng sẽ trừng phạt bạn. Trời đại biểu cho quy luật tự nhiên. Bạn sẽ gặp phải nhiều việc không thuận lợi. Hà cớ gì lại chuốc lấy phiền phức như thế cho chính mình? Bản thân hãy suy nghĩ cho kỹ, nên quay đầu dựa theo lẽ thường tình mà xử sự, sửa lỗi thì mới tốt.

 

Câu này ở đây còn nói rằng chúng ta không phải là Thánh nhân: “Người ta nào phải Thánh hiền, ai mà không có lỗi”, quan trọng là bản thân không nhìn ra được lỗi của chính mình, đó là một vấn đề lớn. Làm thế nào để nhìn ra lỗi của chính mình? Chúng ta cần thường xuyên đọc sách Thánh Hiền, luôn luôn phản tỉnh bản thân. Bởi vì thông qua đọc sách Thánh Hiền, xem thấy những lời dạy của Thánh Hiền, dựa vào những đạo lý và ví dụ nêu trong sách mà đối chiếu với bản thân thì sẽ tìm ra chỗ thiếu sót của chính mình. Thế nên, con người không học thì sẽ không hiểu Đạo. Đạo chính là pháp tắc tự nhiên, quy luật tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Nếu không học mà có thể hiểu Đạo, rõ lý thì không có người như thế, rất ít, cực kỳ ít.

 

Đặc biệt trong xã hội hiện nay có rất nhiều thứ khiến bạn không hiểu Đạo. Bạn cho rằng xem sách, đọc tạp chí thì sẽ hiểu Đạo. Bạn có biết rằng chúng là thứ rác rưởi hay không, xem những tạp chí “lá cải”, tạp chí thời trang đó không có ích lợi gì cả. Không đọc sách Thánh Hiền cũng giống như không hiểu Đạo, không được đi học. Thế nên, chúng ta nhờ vào học tập mà biết nghe lời người khác khuyên, có câu rằng: “Chịu nghe người khuyên thì ăn cơm no”. Bất kể là người nào đi chăng nữa khi phát hiện thấy bạn có lỗi đến khuyên nhủ bạn, điều này cho thấy bạn là người rất có phước báo. Chúng ta hiện nay có cảm thấy rằng người có phước càng ngày càng ít đi không? Nhìn xung quanh bốn phía có được mấy người đến khuyên bạn, nói bạn làm như thế không đúng. Họ chân thành khuyên nhủ và hy vọng bạn có thể sửa đổi, có được bao nhiêu người như vậy? Đa số đều là những người đến nịnh bợ bạn vài câu, hoặc quay mình bỏ đi, ai lo chuyện nhà nấy, không đến khuyên ngăn bạn. Chúng ta nếu như gặp phải hoàn cảnh như vậy thì trong tâm nên cảm thấy buồn. Điều này cho thấy phước báo của chính mình rất ít, xung quanh ta không có quý nhân, không có bạn tốt.

 

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói nên làm thế nào để sửa đổi. “Ở dương thế thì có bạn bè tốt đến nhắc nhở, ở cõi âm thì có quỷ thần chứng minh”. Cõi âm thì chúng ta không biết, còn ở dương thế thì chúng ta tìm không ra người bạn tốt nào như thế. Đây là một việc đau lòng. Vì vậy, muốn có bạn bè tốt thì bản thân cần có phước báo, phải biết hành thiện, biết khoan dung, bao dung người khác. Người khác vừa nói bạn không đúng một lần bạn đã nổi nóng, lập tức phản bác: “Thật ra tôi như thế này, thế nọ” thì lần sau sẽ không có người đến khuyên bạn nữa. Tôi nói với các nhân viên trong công ty nên làm việc như thế nào. Khi tôi vừa nói với một nhân viên nữ cô ấy nên làm như thế nào đó, tôi chỉ nói một việc mà cô ấy có đến một trăm lý do để phản kháng, chứng minh rằng cô ấy đúng. Sau đó, tôi đã chân thành mà nói với họ rằng: “Ngày nào mà tôi còn nói chuyện, khuyên bảo các bạn là các bạn còn có phước báo, năng lực làm việc của các bạn còn có cơ hội để phát triển. Nếu như tôi hoàn toàn không nói gì cả thì các bạn sẽ không thể nâng cao được bản thân, thế thì thôi vậy. Các bạn cứ sống kiểu “nước chảy bèo trôi” thì đi làm ở chỗ nào cũng như vậy, kiếm được tiền cũng không có gì tài giỏi. Các bạn vĩnh viễn vẫn ở tầng bậc này. Mười năm nữa các bạn hơn ba mươi tuổi cũng như vậy thôi, thêm mười năm nữa các bạn bốn mươi tuổi vẫn là y như vậy. Cả đời làm một người tầm thường, xoàng xĩnh”. Sau khi tôi nói chuyện với họ rất chân thành như vậy, họ không còn cãi lại nữa. Mỗi lần tôi nói với họ nên làm việc như thế nào họ đã nghiêm túc lắng nghe. Sau đó tôi nói với họ: “Nếu như các bạn có suy nghĩ gì thì có thể chia sẻ với tôi, khi trưởng bối đang nói chuyện thì nên khiêm tốn lắng nghe, không được nói xen vào. Cho dù trưởng bối nói xong rồi, họ nêu ra vấn đề của bạn một điều cũng không đúng, bạn cũng không cần phản kháng. Sau này hãy tìm cơ hội ngồi lại với nhau mà chia sẻ giãi bày: “Sự việc thật ra là như thế này”. Sự cung kính như vậy đối với trưởng bối cũng chính là sự thể hiện đức hạnh khiêm tốn của bản thân.

 

Chúng ta có thể không ngừng phản tỉnh chính mình, nhìn thấy sai lầm của bản thân thì nhất định phải sửa, không phải sửa trên mặt sự mà từ sự chân thật hiểu được lý để thay đổi tâm của chính mình. Người khác sửa đổi thế nào chúng ta không nhất định bắt chước một cách cứng nhắc như họ. Ví dụ như lúc giảng bài tôi đã chia sẻ với các bạn rằng tôi từng dắt con trai của mình đi cọ nhà vệ sinh, có một vị giám đốc rất hổ thẹn nói rằng: “Ái chà! Tôi không có dắt con mình đi cọ nhà vệ sinh”. Sau đó, tôi cũng cảm thấy hổ thẹn bởi vì thứ nhất tôi đã không suy nghĩ thấu đáo, thứ hai tôi không phải kêu gọi mọi người đi cọ nhà vệ sinh mà lúc đó tôi chỉ vắt óc suy nghĩ cách nào để trừ tập khí ngạo mạn của chính mình mà thôi. Khi nghĩ ra cách làm thô thiển này, tôi liền dắt con của tôi đi làm. Thế nhưng, tôi phát hiện ra rằng nếu như cứ tiếp tục làm thì có thể rất nhiều người sẽ cảm thấy làm như vậy có phải là rốt ráo hay không. Sau khi tôi cùng con trai đi làm mấy lần như vậy, con của tôi đã nói với tôi rằng: “Mẹ ơi! Chúng ta hiện giờ rất bận, có thể làm việc khác được hay không. Chúng ta hãy đi cọ tất cả nhà vệ sinh trong nhà mình đi”. Tất cả nhà vệ sinh trong nhà tôi đều do con trai tôi cọ. Tôi nói: “Tốt! Được con ạ!”. Thế nên, chúng ta không cần phải chấp trước như vậy, thấy người khác thay đổi như thế nào thì chúng ta cũng làm như thế đó, có khi lại thành ra câu chuyện “Đông Thi nhăn mặt”[1], người khác cười rất đẹp, còn chúng ta cười thì hình như không đẹp được như thế. Thế nên, từ sự mà chúng ta nhìn ra lý, chân thật sửa đổi tâm mình, không phải trên mặt sự phải thay đổi ra sao. Thay đổi trên mặt sự rất tốt nhưng quan trọng hơn là tâm niệm của mình phải thay đổi.

 

Thông qua sự phản tỉnh, Khổng Tử khen Nhan Hồi có thể làm được “không phạm lỗi hai lần”. Nhan Hồi là môn sinh đắc ý nhất của Khổng Tử. Khổng Tử khen ông cả một đời “không phạm lỗi hai lần, không giận lây người khác”. Trong quá trình chúng ta học tập, người khác có khen chúng ta là hiền đức, tốt đẹp thế nào thì bản thân mình phải thức tỉnh rõ ràng rằng chúng ta không có đức hạnh như thế. Chúng ta chưa phải là Thánh Hiền, chưa nói đến Khổng Tử mà so với Nhan Hồi chúng ta vẫn còn kém rất xa. Bản thân cần phải hết sức cẩn thận, cần học cách sửa lỗi như ông Cừ Bá Ngọc. Cừ Bá Ngọc mỗi năm đều phản tỉnh lỗi lầm của chính mình, mỗi năm đều thay đổi, mỗi ngày đều nhận ra lỗi của mình, mỗi ngày đều sửa đổi. Người khác có nói như thế nào chúng ta không cần để ý đến, hôm nay chúng ta có phạm lỗi hay không, có thể dùng một số Kinh điển để đối chiếu, như dùng “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” mà đối chiếu. Khi chúng ta học 113 điều trong “Đệ Tử Quy” thì từ trong 113 sự việc chúng ta phải hiểu được cái lý ở bên trong mới đúng. Nếu như chỉ đơn thuần chấp trước vào sự để làm mà không rõ lý, mơ hồ về lý thì sẽ dễ trở thành một “ngụy quân tử”. Mọi người nhìn vào sẽ cảm thấy giả tạo, bản thân cũng cảm thấy như vậy, khi làm ra rất gượng gạo, hoặc rất câu nệ hình thức. Phong thái của một người quân tử chân chính là không câu nệ chấp chặt vào những điều nhỏ nhặt, then chốt là từ sự mà có thể nhìn ra lý. Xin nêu một ví dụ trong phần “Nhập tắc hiếu”. Phần này dạy cho chúng ta đạo lý gì vậy? Đó chính là dạy một chữ “kính” và một chữ “thuận”, đó chính là chương thứ ba của sách “Nữ Giới”. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta về đức hạnh khiêm hạ giống như trong chương “Ti Nhược”: “Cha mẹ gọi trả lời ngay, cha mẹ bảo chớ làm biếng, cha mẹ dạy phải kính nghe, cha mẹ trách phải thừa nhận”, đó chính là “khiêm hạ”“kính thuận”. Chương “Xuất tắc đễ” dạy cho chúng ta điều gì? Chính là chương “Hòa Thúc Muội” của sách “Nữ Giới”: “Anh thương em, em kính anh”, trong nhà lớn nhỏ cần phải có tôn ti trật tự. Chương “Cẩn” dạy cho chúng ta “thận độc”, khi ở một mình không được phóng túng bản thân, “vào phòng trống như có người”. “Thận độc” là công phu quan trọng nhất của người quân tử, không chỉ là quân tử mà hàng nữ nhân cũng phải như vậy. Lúc ở một mình, chúng ta có phóng túng hay không, không phải nói ở trên hành vi biểu hiện mà trong tâm có ý niệm phóng túng hay không. Đó chính là suy nghĩ lung tung, loạn xạ. Nếu vậy, chúng ta vẫn chưa làm được chương “Cẩn”. Thế nên, mỗi một chương Kinh văn chúng ta cần phải nhìn cho ra được đạo lý thì học tập “Đệ Tử Quy” mới có thể nâng cao bản thân.

 

Bạn muốn thấy được lý, nếu chỉ có đọc “Đệ Tử Quy” không thôi thì đôi khi cũng chưa có được công phu nhìn ra được đạo lý, cần phải đọc thêm một số Kinh điển xưa. Tôi xin đề cử với mọi người chương “Dưỡng Chánh Di Quy” trong bộ sách “Ngũ Chủng Di Quy”. Chương “Dưỡng Chánh Di Quy” là giáo trình giáo dục dưỡng chánh nhi đồng, so với “Đệ Tử Quy” không hai không khác, nhưng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn “Đệ Tử Quy”, từ đó mà thực hành tốt hơn.

 

“Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” dạy về nhân quả, khởi tâm động niệm của chính mình rơi vào cái nhân gì thì sẽ chịu cái quả gì. Có rất nhiều việc mà sách “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” không đề cập đến, như lên mạng, hút thuốc, thủ dâm. Tuy nhiên, chúng ta phải đem khái niệm về đạo lý nhân quả này cắm sâu vào trong đầu, khi làm ra những việc như thế phải biết rõ rằng chúng ta đang tạo cái nhân gì, sẽ nhận quả báo gì. Nếu như không biết thì phải học, nếu ngộ nhận rằng việc đó là tốt thì rắc rối rồi.

 

Sau cùng chính là “Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, nằm trong ba nền tảng học tập Nho-Thích-Đạo của chúng ta. Bộ Kinh điển này nói cho chúng ta một cách rõ ràng cái nhân của mười loại ác nghiệp lớn, của mười loại thiện nghiệp lớn, tương ứng với nó chúng ta sẽ có quả báo tốt, quả báo lành, quả báo xấu, quả báo không tốt. Làm thế nào niệm niệm tăng trưởng điều thiện, niệm niệm khống chế điều ác? Phải thường tư duy thiện pháp, thường quán sát thiện pháp, mỗi ngày suy nghĩ làm như thế nào là thiện, quán sát người và việc cái nào là thiện, cái nào là ác, nếu là ác thì đừng nhìn đến. Bất kể tuổi tác của chúng ta là lớn hay nhỏ thì cũng cần đến “đồng mông dưỡng chánh Thánh công dã” (việc dưỡng chánh trẻ thơ là công lao thần thánh”). Hiện nay việc giáo dục vỡ lòng không liên quan đến tuổi tác lớn hay nhỏ. Phàm là người tâm trí chưa chín chắn, còn đang đi trên đường tà thì đều thuộc về giai đoạn cần phải được giáo dục vỡ lòng, cần phải bắt đầu được “dưỡng chánh”. Trong quá trình này, phải cắm vững ba căn gốc rồi thì mới thực hành một cách vững chãi chắc chắn được. Đó không phải là công phu về mặt hình thức bề ngoài mà là công phu đích thực. Giống như chúng ta hiện nay mỗi ngày mở sổ “Công Quá Cách” ra rồi điền vào bảng ghi Công-Tội, làm đến sau cùng vẫn quen thói cũ. Như vậy thì không cần làm, thứ nhất lãng phí giấy, thứ hai lãng phí thời gian, thứ ba hoàn toàn là công phu bề ngoài. Bạn hãy nghĩ đến phần trọng điểm, vấn đề nào là nghiêm trọng nhất, như là không buông bỏ được tiền bạc, xem trọng danh tiếng, dễ nổi nóng, hấp tấp, háo thắng, ngạo mạn, hoài nghi. Vấn đề nào là nghiêm trọng nhất? Sau khi tìm ra bệnh căn rồi thì nhắm vào bệnh đó mà điều trị. Bệnh nhân vào bệnh viện thì trước tiên phải điều trị loại bệnh nặng trước, ví dụ như hiện nay bệnh tim phát tác, chân thì hơi bị gãy nhẹ một chút. Vậy nên trị cái nào trước? Đương nhiên là điều trị bệnh tim trước rồi sẽ khám cái chân sau. Cũng như vậy, bạn phải đối trị vấn đề nghiêm trọng nhất của chính mình. Sau khi tìm ra căn nguyên gây bệnh rồi thì mỗi ngày phải điều trị. Ví dụ như người tham tài thì phải nghĩ cách xả tài, mỗi ngày làm một ít việc từ thiện như cứu cấp người lâm nguy, hoặc trợ giúp cho bạn bè bà con thân thích. Nếu là người ngạo mạn thì mỗi ngày suy nghĩ xem lời nói nào, hành động nào của mình khiến người khác cảm thấy mình ngạo mạn? Nguyên nhân nào dẫn đến tâm ngạo mạn? Là do học lực, địa vị, tiền tài, dung mạo, gia đình, con cái thì hãy phủ định hết tất cả những điều kiện này đi, nhất định cần phải dùng thứ thuốc này mà đối trị, nếu không thì cả đời sẽ không có thành tựu. Nếu bạn mỗi ngày tái phạm lỗi thì mỗi ngày viết công quá cách vẫn là vô dụng.

 

Có một người bạn hỏi tôi đã làm như thế nào? Tôi nói tôi không làm công quá cách, mặc dầu đây là cách mà thầy tôi đã chỉ cho tôi nhưng tôi cảm thấy một trăm mười ba điều đó vẫn chưa đối trị đúng bệnh của tôi. Tôi phải tự mình trị lấy. Thứ nhất tôi có tính nỏng nảy, thứ hai có một số việc tôi không nhìn thấu được. Tôi đã liệt kê ra những sự việc đó, nhất định bắt chính mình nhìn cho thấu. Ví dụ như khi tôi đang học tập tôi rất không thích người khác đến quấy rầy, nhưng bạn càng bực thì càng có người đến quấy, một chốc thì điện thoại reo, một chốc thì mẹ gọi tôi xuống lầu ăn cơm. Tôi nói chưa đến giờ, mới mười một giờ sao ăn cơm nổi. Một chốc nữa thì ba tôi bảo tôi xuống lầu để nói chuyện. Những việc bạn không thể buông thì càng phải buông, đến sau cùng thì bạn sẽ cảm thấy không việc gì cả, như thế nào cũng được, khi nào điện thoại reo thì nghe, khi nào cha mẹ gọi thì đi xuống, phối hợp với họ, đến sau cùng sẽ không còn cảm giác bực bội nữa. Bạn nhất định phải liệt kê những vấn đề của mình ra, nếu không nêu ra để sửa thì đó là giả, đều là biểu hiện hư dối ở bề ngoài.

 

Chúng ta xem đoạn kế tiếp:

 

TUY DĨ HIỀN NỮ CHI HẠNH, THÔNG TRIẾT CHI TÍNH, KỲ NĂNG BỊ HỒ?

(Tạm dịch: Dẫu là người phẩm hạnh hiền huệ, thông minh mẫn tiệp. Há có thể không mắc lỗi ư?)

 

Câu này có nghĩa là cho dù là người phụ nữ hiền minh, thông tuệ đi chăng nữa thì bản thân cũng không thể có tất cả các điều thiện được. Cho dù người trong ngoài nhà đều xưng bạn là vợ hiền mẹ tốt, nếu bản thân bạn vẫn còn có một chút cảm giác về điều này thì bạn vẫn còn một chút lỗi thuộc về ngạo mạn. Còn như bạn nói “Mọi người đều làm tốt, chỉ có tôi chưa tốt”, mỗi ngày nghĩ điều này thì bạn đã sai ở chỗ nào? Chỉ cần bạn còn một chữ “tôi” thì ý niệm này đã sai rồi vì bạn vẫn còn cái “ngã” này ở trong lòng. Con người hễ còn cái “ngã” thì sẽ rất khó loại bỏ được sự đối lập, loại bỏ được sự khống chế và thao túng của dục vọng từ trên căn bản. Chân thật buông bỏ được cái “ngã” thì có thể siêu thoát, có thể siêu vượt. Thế nên, có lúc tôi đã nói với mọi người xung quanh đừng xem trọng cái “ngã” này như vậy. Thân thể này của chúng ta giống như một quán trọ. Chúng ta tạm thời ở trọ nơi đây, khi ra đi thì không mang theo được thứ gì. Lúc đến thì hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay không, nếu cứ chấp trước nó thì sẽ phát sinh ra vấn đề. Nếu xem nhạt nó đi một chút thì đời sống của chính mình sẽ rất tự tại. Từ xưa đến nay đều là như vậy, chỉ cần buông xuống được cái “ngã”, cho dù cái “ngã” đó là nhân, là nghĩa, là lễ, chỉ cần còn mang một cái “ngã” thì hoàn toàn không có nhân, có nghĩa gì cả. Ngũ Thường thật sự không có “ngã”, Ngũ Luân thập nghĩa đích thực cũng không có “ngã”. Đời người là một sân khấu lớn. Cái “ngã” chỉ đến để diễn kịch mà thôi, khi diễn thì đừng chấp vào nó quá. Hôm nay tôi đã viết cho nhân viên trong công ty một lá thư rằng: “Lúc trước tôi cùng với mọi người diễn kịch trên sân khấu cuộc đời, diễn quá nhập tâm nên thường bực dọc nổi nóng với mọi người. Hiện nay tôi càng ngày càng cảm thấy mình giống như đứng ở dưới sân khấu xem kịch, không còn bực giận nữa. Các bạn diễn rất hay. Tôi ở bên dưới bình luận một chút, đôi khi lên sân khấu chỉ đạo một chút rồi mau chóng xuống liền. Cuộc đời chính là như thế, giống như một vở kịch, đừng giống như mọi người nhập vào trong vở kịch mà diễn, hãy thường xuyên ngồi ở dưới sân khấu xem kịch thì sẽ điềm tĩnh hơn, không bị kích động hoặc mất đi lý trí để xử lý một số sự việc”.

 

Chúng ta tiếp tục học câu kế tiếp:

 

CỐ THẤT NHÂN HÒA TẮC BÁNG YỂM, NỘI NGOẠI LY TẮC QUÁ DƯƠNG, THỬ TẤT NHIÊN CHI THẾ DÃ. DỊCH VIẾT: NHỊ NHÂN ĐỒNG TÂM, KỲ LỢI ĐOẠN KIM. ĐỒNG TÂM CHI NGÔN, KỲ KHỨU NHƯ LAN. THỬ CHI VỊ DÃ

(Tạm dịch: Thế nên, nếu như có thể chung sống hòa thuận với cả nhà, cho dù mình phạm lỗi vẫn có thể được che giấu, tiếng xấu không đến nỗi lan truyền ra ngoài khiến người cười chê. Nếu không thể chung sống hòa thuận với người trong nhà, một khi mắc phải lỗi lầm, tiếng xấu sẽ nhanh chóng lan truyền đi xa. Trong “Kinh Dịch” có câu: “Hai người đồng tâm thì sức mạnh có thể cắt được vàng. Lời nói đồng lòng thì sẽ như hoa lan tỏa hương thơm vậy”)

 

Đoạn này nói về sự hòa thuận trong lời ăn tiếng nói. Một gia đình muốn chung sống hòa thuận thì trước tiên phải biết che giấu điều xấu của người trong nhà, “việc xấu trong gia đình không rêu rao bên ngoài”. Chữ “báng” nghĩa là hủy báng, “yểm” nghĩa là che đậy, những thói xấu và sự chỉ trích qua lại của người trong nhà không được nói cho người ngoài biết. “Nội ngoại ly” tức người trong và ngoài nhà ly gián lẫn nhau, còn “quá dương” là rêu rao điều lỗi của người trong nhà đi khắp nơi. “Thử tất nhiên chi thế dã” nghĩa là nhất định sẽ xuất hiện kết quả bất hòa. Thế nên, “Kinh Dịch” có nói: “Nếu như hai người đồng tâm thì sức mạnh đó có thể cắt đứt được vàng, lời nói đồng lòng sẽ như hoa lan tỏa hương thơm”.

 

Cả đoạn này nói lên điều gì? Phần mở đầu chương, tôi đã nói rồi, gia đình hòa thuận phải bắt đầu từ sự hòa thuận trong lời ăn tiếng nói, đặc biệt là người làm vợ phải biết làm thế nào để che giấu điều xấu, không rêu rao lỗi lầm. Tôi xin kể về ví dụ của một người bạn. Cô ấy rất quan tâm và yêu thương em trai, thường xuyên giúp đỡ em. Điều kiện kinh tế của cô rất tốt, còn điều kiện kinh tế của người em trai không tốt. Cô đã mua nhà cho em trai, làm hộ khẩu, tất cả công việc nhà đều giúp em trai xử lý. Kết quả cô phát hiện ra em trai và em dâu của cô ngược lại không hề cảm ân cô mà còn cảm thấy cô làm chưa đủ. Người chị gái này rất đau khổ, rất khổ não. Có một lần cô đã đem việc bên nhà mẹ ruột mình kể cho mẹ chồng nghe. Mẹ chồng cô nói người em trai của cô rất quá đáng. Cô càng cảm thấy có lý, tâm càng tức giận hơn. Sau này khi cô chia sẻ với tôi câu chuyện này, tôi đã nói: “Bạn vĩnh viễn không nên đem chuyện không hay của gia đình mình hoặc gia đình chồng kể cho bên ngoài nghe. Đây là điều đại kỵ. Bởi vì người khác nếu như có thế đứng trên góc độ đạo nghĩa mà phê bình, nhận xét đi chăng nữa thì vị trí của bạn trong mắt của mẹ chồng đã bị hạ xuống thấp rồi. Mẹ chồng sẽ nghĩ bạn thế nào? Đứa con dâu này thật là không hiểu chuyện. Nếu như mẹ chồng còn thuận theo sự tức giận của bạn mà nói thì bạn không những sẽ không hiểu rõ vấn đề, không nhìn ra được cái lý, mà ngược lại càng bị lún sâu, giống như bà ở bên trên lăn xuống thêm cho bạn một tảng đá vậy. Cách tốt nhất là bạn đừng nói cho ai nghe cả”. Bởi vì, quan sát kỹ những người xung quanh hình như không có người nào có thể giúp bạn nâng cao chính mình. Đại đa số họ là lăn thêm đá từ trên cao xuống. Bạn vốn đã rơi xuống một thước rồi, bạn kể thêm với một người nữa thì sẽ xuống thêm mười thước nữa, nói với hai người thì rơi xuống càng thê thảm hơn, càng nhanh hơn. Càng nói càng cảm thấy mình rất có lý, họ không có lý chút nào. Sự tức giận đó căn bản không mất đi được. Tôi nói với cô ấy rằng: “Chị nên cám ơn em trai của chị đã cho chị cơ hội tăng thêm phước báo, bởi vì điều kiện của cậu ấy không tốt, chị là chị gái của cậu ấy đến giúp cho cậu ấy chính là tăng thêm phước báo của chính mình, không phải tăng phước báo của cậu ấy đâu. Cậu ấy chỉ nhận được sự cung cấp về mặt vật chất. Phước báo thực sự chính là đức hạnh của chị được nâng cao. Việc chị quan tâm em trai đã khiến chị tăng phước báo. Thứ hai, mẹ của chị đã qua đời, nếu như bà ấy trên trời có linh thiêng sẽ hết lời tán thán sự hiếu hạnh này của chị. Sự tận hiếu của chị đã khiến cho tâm nguyện của mẹ chị được viên mãn. Nếu tôi là mẹ của chị tôi sẽ không đành lòng nhìn con trai của mình sa sút, còn chị là chị gái khá giả hơn cậu ấy lại không đoái hoài đến. Nếu chị có thể giúp đỡ cậu ấy, nâng cao cậu ấy thì mẹ của chị sẽ rất vui. Cậu ấy đã giúp chị viên mãn hiếu hạnh. Cậu ấy chính là ân nhân của chị. Thứ ba, thông qua việc giúp đỡ em trai chị đã có thể nhìn thấu một số sự việc không đúng của mình, nhiều lúc đã cho quá nhiều mà không hiểu rõ đạo lý, lỗi không phải do cậu ấy mà là do chị. Mỗi lần cho tiền chị nên giảng rõ lý thì em trai có thể cảm ân. Chị chỉ đơn thuần thỏa mãn dục vọng của chính mình mà đem tiền đưa cho cậu ấy: “Dù sao mình có tiền thì nên cho em nó”. Sau cùng cậu ấy không biết cảm ân là việc bình thường. Bởi vì tật xấu của cậu ấy là do chị tập cho cậu ấy thành quen. Cậu ấy có thể suy nghĩ rằng: “Bây giờ chị có thể cho em một trăm ngàn tệ. Sao chị chỉ đưa có mười ngàn tệ thôi? Trước đây chị chỉ có một ngàn tệ mà còn cho em hai ngàn tệ kia mà?”. Đó là do chị đã khiến cậu ấy có thói quen xấu này. Bây giờ chị còn đi trách người khác. Tôi cảm thấy việc này không có đạo lý”. Ngày nọ chị ấy lại đến gặp tôi và nói rằng: “Tôi mỗi ngày suy nghĩ. Hai ngày nay tôi đã vui vẻ được rồi, bởi vì càng ngẫm nghĩ càng hiểu ra đạo lý. Tôi đã buông xuống được rồi. Sau đó, cậu em trai của tôi bỗng nhiên cũng giác ngộ ra nói cảm ân tôi: “Mẹ không còn nữa. Bao nhiêu năm qua toàn nhờ vào chị giúp đỡ cho em. Em thật may mắn có được một người chị tốt. Chị yên tâm, em sẽ không phụ lòng chị. Em nhất định sẽ phụng dưỡng chị”. Sau đó, chị ấy đã cảm động mà khóc.

 

Lại có một câu chuyện khác về một người bạn của tôi Con gái của người thân chị ấy sắp lên đại học. Gia đình họ rất khó khăn vì cha mẹ của cô bé ấy ly dị. Người cha không chu cấp tiền bạc cho hai mẹ con nên việc cô bé muốn học lên đại học là điều không dễ. Mẹ của cô bé đã nói với người bạn của tôi, mong bạn của tôi có thể giúp cho mấy chục ngàn tệ làm học phí. Bạn của tôi nói: “Được! Không thành vấn đề để em đưa cho, nhưng em muốn tự tay mình đưa cho con gái chị, đồng thời muốn nói chuyện riêng với nó”. Bạn của tôi đã nói chuyện với cô bé đó hơn hai tiếng đồng hồ: “Con có biết thi lên đại học lần này cần bao nhiêu tiền học phí hay không?”. Cô bé mười tám tuổi ấy trả lời một cách không hề có chút cảm xúc: “Con không biết ạ”. Bạn của tôi hỏi tiếp: “Vậy con có từng nghĩ đến con số đó sẽ là bao nhiêu không?”. Nó nói: “Con không nghĩ, con không biết ạ”. Bạn của tôi nói: “Vậy con đem hồ sơ nhập học ra, tự mình tính toán xong rồi báo lại cho dì”. Cô bé đó tính ra được hai mươi chín ngàn tệ. Sau đó, bạn của tôi lấy ba mươi ngàn tệ ra đặt ở đó. Thật ra cô ấy đã biết con số này, cô nói: “Dì muốn nói rõ với con một vài điều. Thứ nhất, số tiền này không phải từ trên trời rơi xuống, mà do dì đã vất vả kiếm ra. Thứ hai, con không cần cảm ân dì mà trước hết hãy cảm ân cha mẹ của con, không có cha mẹ thì con không thể có mặt trên thế gian này. Con cần thể hội được tấm lòng của mẹ đã vất vả vì con. Thứ ba, con nhất định phải trân quý số tiền này, trân quý thời gian bốn năm học đại học của mình. Học xong rồi, con phải dùng năng lực của mình mà báo đáp cho xã hội, và báo đáp cha mẹ của con. Lúc nào con cũng phải có tâm cảm ân, không phải cảm ân dì, trước tiên là cảm ân cha mẹ con. Nếu con không cảm ân cha mẹ con mà cảm ân dì thì đó không phải là con cảm ân dì mà là con cảm ân đồng tiền này, không liên quan đến dì. Nếu như có người khác cho con số tiền lớn hơn thì con nhất định sẽ gạt dì sang một bên mà cảm ân họ. Thứ nhất là cảm ân cha mẹ, thứ hai cảm ân xã hội, cảm ân những bạn bè người thân chung quanh con, thời thời khắc khắc con hãy giữ được tâm cảm ân này”. Sau đó, cô bé ấy đã có thay đổi rất lớn. Có một lần bạn của tôi đi công tác đến một thành phố khác. Cô bé biết được liền nửa đêm mua một bó hoa to đến khách sạn thăm bạn của tôi. Nó biết bạn tôi rất thích hoa tươi. Bạn tôi rất cảm động nói rằng: “Con không cần mua đâu”. Cô bé nói: “Con biết dì thích nên đặc biệt mua tặng dì. Hoa còn tươi lắm!”. Nó còn mua cho bạn của tôi một cái lọ để cắm hoa nữa làm bạn tôi hết sức cảm động. Thế nên, cho tiền không phải nhắm mắt mà cho, nếu như nghĩ một cách mù quáng rằng: “Mình có tiền mà, được thôi, cho nó một ít”, vậy thì bạn đang phạm tội sát nhân mà không biết. Bạn đã giết huệ mạng của người khác. Bạn không giết cái thân xác thịt của họ mà bạn đoạn đi trí huệ của họ. Họ cầm lấy tiền như mở cờ trong bụng, chỉ nhìn thấy tiền mà không thấy một số thứ đằng sau đó. Như vậy phiền phức lớn rồi. Cho nên, nếu như chưa rõ lý thì thà rằng đừng cho, đợi đến khi nào rõ lý rồi thì hãy đem đi cho một cách rõ ràng minh bạch.

 

Khi chúng ta giao tiếp qua lại với những người thân của mình luôn luôn sẽ xuất hiện vấn đề, nên cần phải hết sức chú ý không được nói đến lỗi lầm của bất kỳ người nào trong gia đình, phải biết quản cho tốt cái miệng của mình. “Kinh Dịch” có nói: “Hai người đồng tâm sức ấy có thể cắt được vàng. Lời nói đồng lòng tỏa hương như hoa lan”. Hai người ở đây là chỉ cho chữ “nhân” (: nhân từ) bao gồm một chữ “nhân” () nghĩa là người và chữ “nhị” () nghĩa là nghĩ đến mình thì cũng nghĩ đến người khác, từ mình mà suy ra người. “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Bất luận là người nào bạn đều nghĩ đến sự suy nghĩ của họ, đổi vị trí mà suy nghĩ thì như vậy sẽ dễ dàng đồng tâm với họ, sau khi có được sức mạnh, hãy chân thành cùng nhau đi làm những việc lợi ích. Nếu không thì bạn cứ cho rằng mình với em trai, em gái của chồng rất tốt, nhưng sự đồng tâm đó là giả. Khi sự việc lớn xảy ra, hoặc khi có sự khảo nghiệm lớn thì vấn đề sẽ xuất hiện. Còn “lời nói đồng lòng” có nghĩa là mình chân thật thể hội được lòng của người khác thì lời nói ra sẽ giống như hoa lan tỏa mùi hương. Các bạn nghĩ xem có phải đạo lý như vậy không? Bằng ngược lại, nếu như không cầu ở nơi chính mình mà đi cầu người khác thì dễ cầu sai lầm. Trong nhà có các em của chồng, tương tự như vậy, ở bên ngoài thì có các đồng nghiệp, chúng ta đều có thể xử lý tốt đẹp các mối quan hệ này, dùng chân tâm mà đối xử, không được dùng tâm hư giả, hư vọng mà làm. Lời nói phát ra từ chân tâm nhất định mỗi một niệm đều là thuần tịnh thuần thiện, khiến cho người khác chân thật nhận được lợi ích. Đó là lời nói có trí tuệ. Chúng ta cần phải từng bước phản tỉnh bản thân, thông qua học tập mà nâng cao chính mình.

 

PHU THÚC MUỘI GIẢ, THỂ ĐỊCH NHI PHÂN TÔN, ÂN SƠ NHI NGHĨA THÂN. NHƯỢC THỤC VIÊN KHIÊM THUẬN CHI NHÂN, TẮC NĂNG Y NGHĨA DĨ ĐỐC HẢO, SÙNG ÂN DĨ KẾT THỤ. SỬ HUY MỸ HIỂN CHƯƠNG, NHI HẠ QUÁ ẨN TẮC. CỮU CÔ CĂNG THIỆN, NHI PHU CHỦ GIA MỸ, THANH DỰ DIỆU Ư ẤP LÂN, HƯU QUANG DIÊN DỮ PHỤ MẪU

(Tạm dịch: Chị dâu và em chồng vốn không cùng quan hệ huyết thống, nhưng tôn ti địa vị hơn kém nhau. Từ hai gia đình khác nhau trở thành người chung một nhà, lúc ban đầu ân tình chưa thể sâu đậm, nhưng vì đạo nghĩa mà chung sống thân ái với nhau. Nếu là người phụ nữ hiền thục, khiêm tốn thì có thể y theo đạo nghĩa mà xây dựng quan hệ tốt với các em của chồng, bố thí ân huệ, khiến họ trở thành sự trợ giúp cho chính mình về sau, khiến đức hạnh của chính mình mỗi ngày được nêu ra, còn lỗi lầm của chính mình đều được che giấu, được cha mẹ chồng khen ngợi, chồng cũng sẽ ngợi khen, tiếng tốt lan xa khắp xóm làng, cha mẹ ruột cũng vì đó mà nở mày nở mặt).

 

Câu này nói về các em trai và em gái của chồng, mặc dù không cùng huyết thống với chúng ta, so với chúng ta nhỏ tuổi hơn, nhưng xét về địa vị tôn ti thì tôn quý hơn chúng ta, thế nên được xưng là “thúc” và “cô”. “Ân sơ nhi nghĩa thân” nghĩa là xét về mặt ân nghĩa, tình cảm tuy không phải là mối quan hệ gần gũi nhưng về mặt đạo nghĩa thì cần phải thân cận họ. Nếu như chúng ta là người “thục viên khiêm thuận”, có nghĩa là phụ nữ khiêm nhu, hiền thục thì sẽ làm được “y nghĩa dĩ đốc hảo”, tức dựa trên lễ nghĩa, đạo nghĩa mà xây dựng mối quan hệ tốt với các em chồng. “Sùng ân dĩ kết thụ”, nghĩa là dựa vào ân tình của chồng đối với mình mà nhân rộng tâm yêu thương đó ra, “yêu ai yêu cả tông ti họ hàng”, kết giao mối quan hệ tốt với các em trai và em gái của chồng. “Sử huy mỹ hiển chương” nghĩa là khiến cho tiếng tăm càng ngày càng rạng ngời, các em của chồng sẽ nói rằng: “Chị dâu thật là một người tốt!”. “Nhi hạ quá ẩn tắc”, “hạ”“quá” chỉ cho chỗ thiếu sót của chị dâu, những chỗ thiếu sót ấy sẽ bị che lấp lại. Người và người chung sống với nhau quả thật là như vậy. Nếu như họ cảm thấy bạn tốt, cái gì cũng tốt thì những chỗ không tốt của bạn họ sẽ không nhìn thấy. Còn như họ cảm thấy bạn không tốt thì chỗ tốt của bạn họ cũng nhìn không thấy, đều đã bị tình cảm che lấp mất rồi. “Cữu cô căng thiện”, cha mẹ chồng thấy các con trai, con gái của mình thường ở trước mặt cha mẹ khen chị dâu tốt như thế này, thế nọ thì cũng sẽ khen ngợi bạn là một thục nữ tốt đẹp. Kết quả của sự khen ngợi này là gì? “Thanh dự diệu ư ấp lân, tu quang diên ư phụ mẫu”, tiếng thơm của bạn sẽ lan xa khắp xóm làng khiến cho cha mẹ của bạn sẽ được thơm lây vì đức hạnh của bạn.

 

Thế nào là hiếu đạo chân thật? Hiếu bắt nguồn từ việc phụng sự cha mẹ, rồi đến phụng sự vua hay người lãnh đạo trong xã hội, sau cùng là ở lập thân. Đó là ba cấp bậc của hiếu. Tận trung với vua, với người lãnh đạo, với ông chủ cũng chính là đang tận hiếu. Trong “Đệ Tử Quy” có câu “Ở ổn định, nghề không đổi”, có nghĩa là không có sự thường xuyên thay đổi. Ở trong công ty thì trung thành với chủ, về nhà thì trung thành với vua. Ai là vua vậy? Đó là chồng của bạn, cha mẹ chồng của bạn. Họ đều là người quản lý, là lãnh đạo của chúng ta. Ở phía trên đã nói các em trai và em gái của chồng thân phận còn cao hơn chúng ta, huống hồ là các anh trai, chị gái của chồng. Vậy thì người trong gia đình đều là lãnh đạo của chúng ta, chỉ có chúng ta là binh sĩ. Quan niệm này sẽ giúp chúng ta rèn luyện bản thân, trưởng dưỡng tâm khiêm hạ của mình.

 

Rất nhiều người nói rằng học Nữ Đức phải chăng rất bị thiệt thòi, bị rất nhiều người sai khiến. Thật ra không phải vậy. Đứng ở một góc độ khác mà suy nghĩ thì chúng ta có cơ hội được phục vụ nhiều người, trên thực tế chính là tăng phước báo của chính mình. Cho dù càng ngày càng có nhiều người khác không làm việc, chỉ có một mình bạn làm thôi, nếu bạn vẫn không một lời than trách thì phước báo của bạn sẽ bất khả tư nghị. Những người đại phú, đại quý trên thế gian không phải vô duyên, vô cớ mà họ được giàu sang như vậy. Tôi còn nhớ đã từng nghe chủ tịch Trương Tuyển, một đại gia giàu có phát biểu tại diễn đàn văn hóa truyền thống với đề tài: “Vì sao tôi trở thành đại gia?”. Ông ấy đã nếm trải rất nhiều nỗi khổ sở. Lúc nhỏ ông đi nhặt than, vô duyên vô cớ bị người vu oan bắt giam vào ngục, vô duyên vô cớ được thả ra mà không biết tại vì sao. Nếm trải qua rất nhiều nỗi vất vả, sau cùng mới có thể trở nên giàu có. Rất nhiều người giàu đều là như vậy. Họ không phải là thế hệ thứ hai được thừa hưởng sự giàu có của cha mẹ. Giàu hai đời không có được mấy người, giàu ba đời thì chưa từng nghe đến, đến đời thứ hai thì hết rồi, tiền tài cạn kiệt, chưa kể là nhà tan người mất, nói chung là sa sút. Nên nếu không có gia quy, không có gia đạo thì không được.

 

Muốn chấn hưng gia tộc thì cần phải có người làm vợ như bạn gánh vác? Gánh vác thế nào? Phục vụ những người trong gia đình bạn, cho họ ăn, cho họ uống, chạy tới chạy lui là bạn đang âm thầm tích lũy phước báo, vì sự chấn hưng gia tộc mà cống hiến. Khi bạn làm đến một trình độ nhất định, khi cha mẹ chồng bạn già đi, các em trai và em gái của chồng đều thành gia lập nghiệp, đến lúc đó bạn đã bốn mươi tuổi, đối với sự việc không còn mê hoặc nữa, đến sáu mươi tuổi thì tai nghe mọi việc đều thuận, bạn quay đầu nhìn lại thấy gia tộc của mình đã được chấn hưng, hưng vượng trở lại. Thế nên, khi suy nghĩ vấn đề thì nên đổi góc độ mà quan sát, nếu quan sát ở góc độ sai thì dễ sinh ra phiền phức, góc độ quan sát vấn đề đúng rồi thì tâm lượng sẽ khoáng đạt hoan hỷ, cảm thấy rất dễ hiểu, rất dễ làm.

 

Có một đồng học học tập Nữ Đức, lúc ban đầu không biết làm việc gì, kết hôn lâu rồi mà không biết nấu cơm. Sau khi học tập Nữ Đức mới bắt đầu học nấu ăn, lúc đó cô đã hơn bốn mươi tuổi rồi. Lần đầu tiên khi cô đích thân làm bánh bao nhân rau củ tặng cho người thân trong gia đình như em trai chồng, bác trai của chồng và mẹ chồng được thành công tốt đẹp. Làm mấy lần như vậy thì mẹ chồng của cô đã khen ngợi cô. Sau cùng cả nhà đều cảm thấy cô đã thay đổi, họ nói rằng: “Học bao nhiêu năm qua không thấy hiệu quả gì, vậy mà học Nữ Đức lại thấy sự thay đổi”, nên khi cô đi nghe giảng thì chồng của cô hết lòng ủng hộ. Cho nên, nếu như chúng ta chuyển đổi tâm niệm của chính mình sẽ phát hiện ra rằng người làm vợ, người làm nội trợ chính trong gia đình chính là người có thể tu phước, tích phước dễ dàng nhất. Người cho có phước hơn người nhận, quả thật là: “Tặng hoa hồng cho người, tay còn lưu lại mùi thơm”. Càng cho ra nhiều thì càng hoan hỷ, nếu như cho ra nhiều mà không vui thì phải hỏi lại lòng mình phải chăng đang làm công phu giả tạo bề ngoài, hay vẫn chưa hiểu thấu đạo lý. Hãy định tâm lại để nhìn cho thấu rồi vui vẻ mà làm, không có việc gì phải than trách. Như vậy rất tốt.

 

Tuy em trai và em gái chồng tuổi tác nhỏ hơn chúng ta nhưng địa vị tôn quý hơn chúng ta. Chúng ta nhất định cần phải giữ quan hệ tốt với họ. Đặc biệt, người ta hay gọi là: “Dâu cả như mẹ”, cần phải như người mẹ tâm lượng rộng lớn, bao dung các em, đừng để bụng những lỗi lầm nhỏ của họ. Làm người phụ nữ trong gia đình cần có tâm nhân ái, phải bao dung tất cả những người lớn, nhỏ, thân, sơ, trong, ngoài tông tộc. Hãy dùng tình yêu thương rộng lớn mà bao dung họ.

 

Có một cô học tập Nữ Đức đã kể với tôi rằng chồng của cô là người nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Trên anh còn hai chị gái lớn hơn anh mười mấy tuổi, nhưng hết thảy những sự việc phát sinh trong gia đình thì người đầu tiên họ tìm là cô. Có một lần mẹ chồng của cô bị bệnh, nhưng người trong nhà đều không gọi điện hỏi những người thân khác mà đến hỏi cô nên phải làm thế nào. Cô nói: “Sao các chị lại hỏi em ạ? Em nhỏ nhất nhà mà!”. Hai người chị chồng của cô nói rằng: “Hỏi em các chị cảm thấy vững dạ hơn”. Một lần khác khi cô đang đi công tác thì ở nhà cha mẹ chồng cần tìm một người giúp việc. Hai người chị chồng gọi điện thoại bảo cô nhanh về nhà tìm người giúp việc cho ba mẹ. Cô nói: “Các chị ở nhà có thể tự mình tìm được mà”. Hai người chị nói: “Bọn chị không rành bằng em. Em về tìm sẽ tốt hơn”. Cô liền vội vàng đáp máy bay từ Sơn Đông trở về nhà. Cô đến công ty giới thiệu người giúp việc tìm được một người về nhà. Mẹ chồng của cô khá ưng ý. Thế nên, khi chúng ta làm những việc như vậy tâm lượng nhất định phải lớn, không nên nghĩ rằng tuổi tác của chúng ta nhỏ nhất, những người khác tuổi tác lớn hơn chúng ta. Đừng nghĩ như thế vì rất nhiều việc không liên quan đến tuổi tác. Có thể bạn là người sáng trí, nhìn sự việc thấu suốt hơn, có thể bao dung nhiều người hơn thì công việc bạn gánh vác sẽ nhiều hơn một chút, “người tài thì vất vả”. Bạn cũng đừng thoái thác cho người khác, nên gánh vác thì hãy gánh vác, bản thân “thấy điều nhân nghĩa sẽ không chịu nhường”.

 

Con người ta thứ nhất phải có lòng nhân. Thứ hai cần có lòng khoan thứ người khác, đó chính là đạo khoan dung, nhân hậu. Thứ ba, đừng quên điều tốt nhỏ của người khác, cũng đừng ghi nhớ lỗi lầm nhỏ của người. Không quên điều tốt nhỏ của người thì sẽ hiểu rõ được đạo lý lớn. Không tính toán lỗi nhỏ của người thì những lời nói gièm pha sẽ dần dần tiêu tan, không còn xuất hiện ở trong gia đình nữa.

 

Chúng ta xem phần Kinh văn tiếp theo.

 

NHƯỢC PHÙ NGU XUẨN CHI NHÂN, DỮ THÚC TẮC THÁC DANH DĨ TỰ CAO, DỮ MUỘI TẮC NHÂN SỦNG DĨ KIÊU DOANH. KIÊU DOANH KÝ THÍ, HÀ HÒA CHI HỮU? ÂN NGHĨA KÝ QUAI, HÀ DỰ CHI TRĂN?

(Tạm dịch: Còn như những phụ nữ ngu si, cậy mình làm chị dâu, kiêu căng tự đại với em trai chồng, ỷ vào sự sủng ái của chồng mà lên mặt với em gái chồng. Đôi bên hễ có tâm ngạo mạn thì sao còn có thể hòa thuận được chứ? Người cùng một nhà đã không còn ân nghĩa thì sao còn có tiếng tốt để được ngợi khen?)

 

Đoạn này có nghĩa là những phụ nữ ngu si lấy danh nghĩa làm chị dâu mà thể hiện ra mình cao quý hơn em trai của chồng. Dựa vào sự sủng ái của chồng hoặc  sự sủng ái của cha mẹ chồng mà kiêu ngạo tự mãn. Người xưa nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích” (Tự mãn chuốc lấy tổn thất, khiêm tốn thì được lợi ích), vừa khởi tâm kiêu ngạo thì liền đọa lạc mà tự mình không hay biết. Có lời nói, hành vi và thái độ kiêu ngạo đối với em gái của chồng thì sao có thể hòa thuận được chứ? Làm như thế sẽ trái ngược với ân nghĩa. Sao có thể nhận được lời tán thán và vinh dự được? Chúng ta học đoạn Kinh văn này rất có cảm xúc, từ chương mở đầu là “Ti Nhược” xuyên suốt đến chương sau cùng là “Hòa Thúc Muội” đều dạy cho phụ nữ sự khiêm hạ, tâm nhu thuận. Bởi vì sau khi phụ nữ lập gia đình ở trước mặt các em của chồng dễ tỏ thái độ kiêu ngạo, tự cho mình là đúng. Từ một mà suy ra ba, không những trước mặt các em của chồng không được thể hiện thái độ như vậy mà đối với những trưởng bối và vãn bối khác trong gia đình cũng không được tỏ vẻ ngạo mạn. Ở nơi làm việc cũng vậy, những nhân viên làm việc lâu năm cho đến ông chủ đều thường nói những lời ngạo mạn, cảm thấy bản thân có tư cách, có kinh nghiệm. Phàm những người có thâm niên đều như vậy. Thế nên, chúng ta cần phải luôn luôn phản tỉnh lúc ở nhà hay ở chỗ làm sự ngạo mạn của chúng ta có xuất hiện hay không. Nếu như có thì phải nhanh chóng suy nghĩ rằng thái độ này trái ngược với “ân”“nghĩa”, về mặt tình và lý chúng ta không được làm như vậy. Ngạo mạn là một loại độc tố. Trong xã hội hiện nay rất khó cảnh giác, rất nhiều người ẩn chứa sự ngạo mạn vi tế mà không nhận diện ra, nhưng người khác vẫn cảm nhận được cho dù điều đó không thể hiện rõ. Đặc biệt người có sự ngạo mạn vi tế nhưng biểu hiện ra bên ngoài lại rất nho nhã. Điều này là đáng sợ nhất. Vì vậy, việc này chỉ có bản thân mình tự cảnh giác lấy. Phương pháp tốt nhất để đối trị tâm ngạo mạn là gì? Đó là tâm chân thành và chí thành, làm bất kỳ việc gì cũng đều dùng tâm chân thành của mình mà làm thì tập khí kiêu ngạo sẽ dần dần được tiêu trừ. Đồng thời đối với bất kỳ việc gì cũng đều phải nhớ rằng: “Không dám đứng trước người khác, không dám đứng trước thiên hạ”, việc gì cũng đặt mình ở vị trí phía sau.

 

Trước đây, khi chúng ta có suy nghĩ nào đó đối với một sự việc thì đều cho rằng mình phải nói ra để lợi ích đại chúng, lợi ích mọi người. Bây giờ, chúng ta cần phải suy nghĩ rằng chúng ta có tư cách nói ra hay không, hoặc nói ra rồi mọi người có hiểu hay không, liệu điều này có thể hiện là chúng ta hơi ngạo mạn chăng, mình đã suy nghĩ chu toàn thấu đáo chưa, hay im lặng là tốt hơn, hãy quay về suy nghĩ cho cẩn thận đã. Tập khí kiêu ngạo rất khó trừ nên trong quá trình học tập chúng ta cần phải không ngừng phản tỉnh bản thân. Tiên sinh Tăng Quốc Phiên đã từng dạy rằng: “Người bị người khác ghét không gì ngoài chữ kiêu”. Nên kiêu ngạo là thói xấu bị người khác chán ghét nhất nhưng bản thân lại không hay biết.

 

THỊ DĨ MỸ ẨN NHI QUÁ TUYÊN, CÔ PHẪN NHI PHU UẤN, HỦY TÍ BỐ DỮ TRUNG NGOẠI, SỈ NHỤC TẬP Ư QUYẾT THÂN; TIẾN TĂNG PHỤ MẪU CHI TU, THOÁI ÍCH QUÂN TỬ CHI LỤY. TƯ NÃI VINH NHỤC CHI THỂ, NHI HIỂN PHỦ CHI CƠ DÃ, KHẢ BẤT THẬN DƯ

(Tạm dịch: Như thế nết tốt của mình sẽ ngày ngày bị vùi lấp, còn lỗi lầm sẽ dần dần bị nêu ra, cha mẹ chồng tức giận, chồng cũng phẫn nộ. Lời chê bai hủy báng sẽ lan khắp trong ngoài, chính mình chuốc lấy sự hổ thẹn. Ở lại nhà của chồng thì khiến cho cha mẹ mình xấu hổ, mà trở về nhà mẹ ruột thì sẽ làm lụy cho chồng.  Mối quan hệ với các em của chồng là cái gốc của sự vinh nhục, là căn bản của danh thơm, tiếng xấu, há không thể không cẩn thận được ư?)

 

Câu này có nghĩa là vì thói ngạo mạn của chính mình mà lời khen ngợi sẽ bị ẩn mất, bị vùi lấp, không còn nữa, còn lỗi lầm thì bị người rêu rao khắp nơi. Mẹ chồng sẽ phẫn nộ còn chồng thì phiền muộn. Những lời công kích, chê bai sẽ lan truyền từ trong ra ngoài. Bản thân sẽ chuốc lấy sự hổ thẹn, nhục nhã. Cha mẹ ruột sẽ bị xấu hổ mà đức hạnh của chính mình cũng bị liên lụy. Đây quả thật là căn bản của sự vinh nhục. Được người tán thán hay bị người phê bình, chỉ trích căn nguyên nằm tại nơi đây, cho nên phải xử sự hết sức cẩn thận. Từ đoạn Kinh văn này chúng ta xét xem Ban Chiêu muốn truyền đạt cho chúng ta khái niệm gì? Đó chính là phụ nữ khi đã kết hôn thì làm thế nào để có được tiếng tốt. Nguyên nhân căn bản để có được tiếng thơm chính là làm được chương “Ti Nhược”. “Ti nhược” được thể hiện ra ở sự cung kính, nhu thuận, bốn đức hạnh của phụ nữ, quan trọng nhất là phải nhất tâm, giữ gìn được tiết tháo của chính mình.

 

Thật đáng tiếc là hiện nay chúng ta thiếu mất quan niệm về vinh nhục. Rất nhiều bậc cha mẹ không cho rằng con cái của họ không giữ trinh tiết, tiết hạnh là điều hổ thẹn, là sự kém khuyết của đức hạnh mà lại cảm thấy con gái của họ không chọn thanh niên nghèo mà chọn đại gia là điều rất tốt. Lúc này chúng ta cần phải bắt đầu phản tỉnh, cần phải học tập.

 

Trong cuộc sống thực tế có rất nhiều phụ nữ thực sự là ngu si như vậy, không biết cách giữ gìn tiếng tốt của mình. Vì sao họ lại khởi tâm kiêu mạn đối với những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống? Nếu như vừa mới bước vào nhà chồng đã có tâm kiêu mạn như vậy chứng tỏ khi ở nhà mẹ ruột, gia đình mẹ ruột thuộc hàng có tiền, có thế lực, học lực của bản thân cao, tướng mạo cũng không tệ, nên khi bước vào nhà chồng mới có thứ để cậy vào mà thể hiện sự ngạo mạn. Vào thời xưa cũng có những trường hợp như vậy. Nàng dâu đem theo tiền tài về nhà chồng. Người chồng là người hiền đức vừa nhìn thấy liền bảo vợ mau thay đổi những quần áo và trang sức đắt tiền, mặc áo vải về nhà chồng gánh nước, làm việc, bước vào nhà quỳ trước mặt mẹ chồng, phụng sự cha mẹ chồng. Có câu: “Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”, người làm chồng cần phải chỉnh sửa thói kiêu mạn của vợ ngay từ ban đầu. Nếu như không kịp uốn nắn thì về sau không còn cách nào để sửa. Khi vừa mới về nhà chồng thì vẫn còn rất tốt, nhưng dần dần trở nên kiêu mạn, tập khí cũ nổi lên, cảm thấy ở trong gia đình chồng mình đã làm việc không tệ, cũng ở lâu năm rồi, đã sinh con cho chồng rồi, tiếng nói cũng có trọng lượng, bắt đầu không đặt cha mẹ chồng vào trong mắt, đồng thời cũng không đặt các em chồng, người thân bạn bè của chồng ở trong mắt nữa, không bao lâu bản thân đọa lạc, chồng cảm thấy bất mãn. Đây là điều có thể tiên đoán được.

 

Thế nên, chúng ta xử sự phải biết tích lũy thiện hạnh, càng làm nhiều càng phải biết phản tỉnh, đề phòng tâm kiêu ngạo, tự cao tự đại. Nếu như không ngăn ngừa cái tâm này thì sau cùng tất cả những gì mình đã vất vả làm ra “đắp một núi đất, chỉ thiếu một sọt đất mà không thể hoàn thành”, giống như vất vả gánh từng thùng nước đổ vào một lu nước lớn, tiếc là dưới đáy lu có một lỗ rò, trong thoáng chốc nước đều cạn sạch. Bạn thấy tích lũy đức hạnh không hề dễ, làm từng chút từng chút một, ở trong gia đình mười mấy năm làm việc rất vất vả, đạt được  trình độ nhất định rồi thì tâm ngạo mạn nổi lên chính mình không hay biết, một khi nó bùng phát thì giống như lỗ rò dưới đáy lu. Mọi người có thể chỉ vì hành vi ngạo mạn một hai lần của bạn mà tuyên truyền rêu rao khắp trong ngoài.

 

Thế nên, chúng ta rất cảm kích Ban Chiêu, bà có thể nhìn ra được ngọn nguồn của vấn đề. Chúng ta trong gia đình suốt ngày bận lòng vì những việc vặt vãnh nên không thể nhìn thấy được căn nguyên. Sau khi được Ban Chiêu chỉ ra, chúng ta mới hiểu. Thông qua sách “Nữ Giới”, Ban Chiêu đã giảng cho chúng ta thật thấu đáo đạo lý làm phụ nữ. Khi chúng ta học đi học lại sách “Nữ Giới”, hiểu thấu được vấn đề thì xem các sách khác dạy về Nữ Đức khác như “Nữ Nhi Kinh”, “Ôn Thị Mẫu Huấn” “Lã Tân Ngô Khuê Phạm” “Lã Tân Ngô Nữ Tiểu Nhi Ngữ”, “Nữ Phạm Tiệp Lục” đều có thể hiểu được rốt ráo. Những sách đó đều dạy cho bạn làm thế nào để mài nhẵn tập khí kiêu ngạo, ngạo mạn của phụ nữ. Mài đến mức nào? Đến lúc bạn trở thành một người đôn hậu, nhân từ, hòa ái, rộng lượng, tâm lượng bạn có thể bao dung tất cả mọi người. Khi bước vào gia đình chồng mới có thể trở thành người gánh vác được phú quý và phước báo của gia tộc. Bằng ngược lại, tâm lượng của bạn nhỏ bé, không dung chứa được thì không thể tiếp nối được phước đức của gia đình. Hoặc khi còn ở nhà mẹ ruột bạn cương quyết không chịu rèn luyện mình trở thành người có tâm lượng, có khả năng dung chứa và gánh vác phước báo thì bạn sẽ được gả vào một gia đình nghèo mà chịu khổ. Tâm lượng rộng lớn này rất quan trọng, vì vậy làm tất cả mọi việc là giúp bạn rèn luyện, hun đúc bạn thành một “pháp khí” có thể dung chứa phước báo.

 

Chúng ta tiếp tục học phần Kinh văn sau cùng, và cũng là đoạn kết của chương cuối.

 

NHIÊN TẮC CẨU THÚC MUỘI CHI TÂM. CỐ MẠC THƯỢNG DỮ KHIÊM THUẬN HĨ. KHIÊM TẮC ĐỨC CHI BÍNH, THUẬN TẮC PHỤ CHI HÀNH. TRI TƯ NHỊ GIẢ, TÚC DĨ HÒA HĨ. THI VIẾT: TẠI BỈ VÔ Ố, TẠI THỬ VÔ XẠ. THỬ CHI VỊ DÃ

(Tạm dịch: Muốn được lòng các em của chồng, chỉ cần làm được khiêm hạ, nhu thuận. Khiêm hạ là cái gốc của đức hạnh, thuận là hành vi chuẩn tắc của phụ nữ. Nếu có thể làm được hai điều này, đủ để tạo nên mối quan hệ tốt với các em chồng rồi vậy. Kinh Thi có câu: “Bên mình không có tâm ghen ghét thì bên kia cũng không có lòng đố kỵ”, đạo lý chính là như vậy)

 

Đoạn này có nghĩa là muốn được lòng các em của chồng thì phải kiên trì bền vững làm được hai chữ “khiêm”“thuận”. “Khiêm” chính là cái cán của đức hạnh, giống như cán của một con dao. Đức “khiêm” của bạn hiển lộ ra bên ngoài như cái cán dao thì người cầm nó sẽ dùng rất đắc lực. Nếu như bạn là người cần mẫn, kiệm ước, thiện lương nhưng không đủ khiêm hạ thì đức hạnh của bạn vẫn chưa bồi dưỡng ra được, vẫn chưa thể cầm để rút dao ra được. “Thuận tắc phụ chi hành” ý nói phụ nữ dùng tâm nhu thuận để mà hành trì. Làm được “khiêm”“thuận” rồi thì đủ để có thể chung sống hòa mục với thiên hạ. Thế nên, “Kinh Thi” có nói: “Ở bên đó không có người ghen ghét. Ở bên này cũng không có người đố kỵ. Cả gia đình trong ngoài đều là một đoàn thể tường hòa. Đạo lý là như vậy”.

 

Câu kết bài của toàn chương này rất quan trọng. Chúng ta nên đọc thuộc nó, trong tâm thường ghi nhớ hai chữ “khiêm” “thuận” này thì sẽ dễ dàng làm được trên mặt sự. Tôi tin rằng học tập đến đây thì rất nhiều bạn học sách “Nữ Giới” đều có cảm nhận sâu sắc rằng sách “Nữ Giới” xem ra rất đơn giản ngắn gọn, chưa đến hai ngàn chữ nhưng ý nghĩa vô cùng thâm sâu, nhưng khi thực hiện thì không hề dễ dàng.

 

Mỗi lần tôi giảng “Nữ Giới” đều có cảm xúc rất sâu sắc. Mỗi lần giảng đều không như nhau, đương nhiên lần giảng sau đều có sự nâng cao hơn lần trước. Sự nâng cao này chính là yêu cầu đối với sự tu học của bản thân. Tôi tin tưởng rằng mọi người thông qua việc học tập “Nữ Giới” sẽ hiểu rõ làm thế nào để trở thành người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc sống. Hạnh phúc này tuyệt đối không phải do người khác mang đến, không phải do chồng bạn mang đến, cũng không phải do cha mẹ chồng hay bất kỳ người nào mang đến, mà do chính bạn mang đến cho bạn. Thế nào là hạnh phúc thật sự? Hạnh phúc thật sự từ tâm của chính mình mà cầu. Cổ đại đức có nói: “Hết thảy phước điền không rời phương thốn”. “Phương thốn” chính là chỉ cho tâm của chính mình, mảnh ruộng phước này nên gieo trồng như thế nào đây? “Khiêm”“thuận” chính là hạt giống tốt nhất để gieo trồng ruộng phước. Hãy trồng hai hạt giống này trên mảnh đất tâm của chính mình! Mỗi ngày dùng tất cả ngôn ngữ và hành vi của chính mình mà tưới tẩm cho nó, trưởng dưỡng nó, khiến nó càng lớn rễ cắm càng sâu, càng lớn càng dầy. Khi rễ sâu thì lá tốt, đến lúc ra hoa kết quả bạn sẽ trở thành người phụ nữ rất hạnh phúc, có thể vượt qua được tất cả sự thử thách, đồng thời tâm cũng không bị vướng mắc vào những chông gai này. Rất nhiều người cho rằng tôi rất hạnh phúc. Tôi sinh ra chắc vốn là như thế. Tôi có thể thành thật mà nói với mọi người rằng tuyệt không phải như vậy. Tôi là người đã trải qua rất nhiều chông gai thử thách, nhưng hiện nay quay đầu nhìn lại chúng thì quả thật giống như mây khói phù vân, không có liên hệ gì với tôi cả. Chúng đều là những khảo nghiệm mà thôi. Khi hồi tưởng lại chúng thì giống như nghe kể chuyện của người khác vậy, cười một cái rồi xong.

 

Chúng ta hãy nhìn về phía trước, đừng nên truy cứu những chuyện trước đây, mỗi ngày đều nắm chắc phút giây hiện tại. Trong lúc nắm chắc phút giây hiện tại này mong mọi người hãy nhớ rằng đối với bất kỳ việc gì đều không được tham luyến, không được chấp trước, không được oán trách. Phụ nữ khi có món đồ tốt thường dễ tham luyến, chấp trước, không buông xuống được. Tôi xin nói với mọi người rằng con cái ngoan ngoãn cũng phải buông chúng xuống. Chúng ta không những phải buống xuống vàng bạc, tiền tài mà sau cùng con cái cũng phải buông xuống. Trên thế gian này không có thứ gì có thể mang đi được, chỉ khi trong tâm người phụ nữ đã chân thật buông được sạch sẽ thì mới chân thật có được hạnh phúc.

 

Chúng ta thường nói: “Con cháu có phước của con cháu”. Con người tôi khá là vô tâm, khi tôi đi ra ngoài công tác thì việc trong nhà tôi không hề nghĩ đến. Khi đứa con thứ hai của tôi còn nhỏ, tôi ra nước ngoài công tác khoảng một tháng, khi quay trở về hình như cũng không có cảm giác gì, tôi không có sự ủy mỵ tình cảm của phụ nữ. Tôi cảm thấy phụ nữ tốt thật sự nên như vậy, không bi lụy tình cảm, nếu không sẽ rất dễ khiến mình mê mất đi bản tánh, không thể nhìn thấy được trí huệ thật sự. Cũng không nên suy nghĩ rằng làm phụ nữ là thiệt thòi, nên hưởng phước như nam giới hoặc là nên sao đó. Chúng ta không nên tưởng tượng ra nhiều điều như thế. Khi phụ nữ chúng ta phải đối diện với bất kỳ hoàn cảnh cuộc sống nào, tôi xin nói với mọi người rằng tất cả điều kiện hoàn cảnh đó là tốt cả. Những gì đến với bạn thì nhất định là phù hợp với bạn nhất. Khi có việc gì xuất hiện với bạn thì đó chính là môn học mà bạn cần phải thi đậu, bạn đừng nói: “Dựa vào đâu mà bảo tôi đi làm? Vì sao tôi phải làm?”. Đừng có hỏi: “Vì sao?” nhiều như vậy. Tôi thường nói với các nhân viên nữ rằng: “Nếu như trong cuộc sống các bạn thường hỏi rằng vì sao có nhiều việc như vậy, chi bằng các bạn hãy hỏi vì sao tôi không có năng lực, không có đức hạnh để gánh vác công việc này. Nếu như có thể gánh vác thì công việc này không nhằm nhò gì cả”. Tôi còn nhớ một lần đi công tác với một vị thầy đại đức. Hoàn cảnh lúc đó rất gian khổ nên vị thầy đó cứ luôn xin lỗi tôi, cứ như tôi là tiểu thư cành vàng lá ngọc phải chịu thiệt thòi vậy. Thầy nói với tôi rằng: “Hãy lấy khổ làm thầy! Việc này thế nào rồi?”. Khi thầy ấy nói với tôi bốn lần như vậy, tôi đã nói rằng: “Có nhiều việc thầy vẫn chưa hiểu hết con ạ. Con đối với khổ và vui không có cảm giác gì cả ạ. Thầy bảo con hưởng phước, con không có cảm giác là hưởng phước. Thầy bảo con chịu khổ, con cũng không có cảm giác là chịu khổ. Con cảm thấy những điều này đối với con không quan trọng. Con càng ngày càng cảm nhận được rằng sự nâng cao linh tánh, sự nâng cao cảnh giới tinh thần của chính mình mới là niềm vui thật sự. Những sự khổ-vui đều là giả, không phải thật. Thầy không cần quá lo cho con ạ”. Sau đó thầy nói: “Được! Được!”. Thầy mới cảm thấy yên tâm.

 

Chúng ta muốn truy cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc có nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng bình an, sung túc là hạnh phúc. Có người cho rằng cuộc đời này của họ phải sống như thế nào đó mới là hạnh phúc. Nhưng tôi hy vọng rằng thông qua học tập giáo trình “Nữ Giới”, thông qua việc học tập Nữ Đức có thể khiến chúng ta có được hạnh phúc viên mãn. Các bạn gái sẽ sống một cuộc đời đáng sống. Các bạn hãy chân thật vì xã hội sinh ra một thế hệ công dân lương thiện, hiền đức, tài năng. Hãy giáo dục con cái nên người là việc làm thực tế. Con cái tốt chính là thành quả mỹ mãn của khóa học nhân sinh của bạn. Trên thế giới này mọi người đều muốn nhìn thấy kết quả, xem chứng minh thực tế, vậy nên bạn phải đưa chứng cứ ra cho họ xem.

 

Trong việc giáo dục con cái, chúng ta phải thực hiện được hai đức tính “khiêm”“thuận”, thuận theo tự tánh của chúng, đồng thời cũng chuyển tập tánh của chúng quay trở về thuận theo tự tánh. Trước tiên, chúng ta cần tùy thuận theo chúng, ví dụ như con trai lớn của tôi có sở thích chơi cờ Tỉ Phú. Đôi khi tôi cũng chơi cùng con, đương nhiên là lần chơi nào tôi cũng thua nó, tiền nó kiếm được bao giờ cũng nhiều hơn tôi. Sau khi kiếm được tiền, nó nói với tôi: “Mẹ xem, mẹ không nên chọn như vậy, chọn như vậy không kiếm được tiền đâu”. Tôi cười mà nói với nó rằng: “Đây chỉ là trò chơi. Con đừng cho là thật”. Sau đó nó hỏi: “Vậy cuộc sống thực sự trong tương lai như thế nào ạ?”. Tôi nói: “Tiền trong cuộc sống hiện thực không phải kiếm bằng cách này mà hoàn toàn đến từ đức hạnh của con, từ việc con làm thế nào hiếu thuận cha mẹ, hữu ái với anh em, từ cách đối xử với bạn học, cung kính với thầy cô, nếu con có đức hạnh thì không lo không có tiền tài”. Sau đó, nó đã hiểu ra, nhưng cũng không để tâm lắm, vẫn nói với tôi rằng: “Mẹ xem tiền của mẹ không đủ đây này, để con chi cho mẹ ít tiền nhé”. Tôi nói: “Được! Được!”. Rồi tôi chơi tiếp với con một cách lơ đãng, sau đó nó nói: “Mẹ ơi! Mẹ mệt rồi. Thôi không chơi nữa ạ!”. Hiện nay nếu như chúng ta đóng cửa để con cái ở trong nhà, tách biệt với thế giới ở bên ngoài, hoàn toàn làm theo cách làm của người xưa thì cũng không thể được. Chúng ta nên tùy thuận chúng, trong quá trình tùy thuận mà dạy bảo chúng, rồi cảm hóa chúng. Quá trình dạy con là quá trình chuyển hóa con, từng bước từng bước mà chuyển hóa, rồi nó sẽ hiểu ra. Đạo lý chính là như vậy.

 

Bởi vì tôi không có em trai và em gái bên chồng nên sự thể hội của tôi trong chương này không được sâu. Nhưng tôi có em trai, đối với em trai tôi rất cung kính bởi vì nó là nam giới. Gia đình tôi trước giờ trọng nam khinh nữ nên em trai của tôi giống như anh trai của tôi vậy, đối với tôi rất tốt. Chúng tôi qua lại đối xử với nhau rất tốt, chung sống với nhau không có bất kỳ sự ngăn cách nào. Đối với hai người chị chồng lớn tuổi hơn tôi, tôi cũng rất mực cung kính. Trong nhà đôi khi cũng có một vài chuyện xích mích nhưng tôi đều không để trong lòng, bởi vì như tôi đã nói lúc nãy: “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi”. Chúng ta cần phải âm thầm phản tỉnh, sau đó không ngừng sửa đổi, đem những lỗi lầm lớn, vấn đề lớn chuyển thành nhỏ, sau cùng không còn nữa, rồi sẽ có một ngày thành công.

 

Sách “Nữ Giới” chúng ta học đến đây là viên mãn, nhưng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều chỗ thiếu sót. Tôi hy vọng các bạn đồng học và các thầy cô giáo sẽ cùng nhau học tập, cùng nhau nâng cao, thông qua học tập Nữ Đức có được một cuộc đời hạnh phúc. Đức hạnh của Nữ Đức phải dựa vào thực hành, đức không phải ẩn chứa bên trong mà ở thực hành ra bên ngoài. Nếu như mỗi người chúng ta có thể thực hành đức ấy trong gia đình, trong thiên hạ thì tôi tin rằng thời thế sẽ không phải mỗi ngày mỗi đi xuống mà mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Chúng ta nhất định sẽ thấy được sự hài hòa trong thiên hạ. Như vậy, mỗi người phụ nữ chúng ta trong xã hội đều sẽ cảm thấy tự hào, vinh dự. Tôi hy vọng Nữ Đức sẽ được hoằng dương rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Chị em phụ nữ đều lấy đức hạnh làm cái đẹp, dùng đức hạnh tôn vinh bản thân, làm niềm tự hào của gia đình, quang tông diệu tổ, hiển vinh cha mẹ.

 

Tôi xin trao đổi với mọi người đến đây. Cảm ơn các thầy cô giáo, hy vọng mọi người góp ý phê bình để học tập tốt hơn! Cảm ơn mọi người!

 

Chú thích:

[1] Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng. Khi nào đau ôm bụng nhăn mặt thì nàng lại càng đẹp. Có người đàn bà tên Đông Thi ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước liền về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy tưởng là ma quỷ.Nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn (Cổ Học Tinh Hoa).

 

Hết quyển

(Kính mời Quý vị tải về bản PDF dưới đây để cùng học tập)

 

NỮ ĐỨC VI YẾU – CHƯƠNG 7 – HÒA THÚC MUỘI