BÁO CÁO TÂM ĐẮC HỌC TẬP NỮ ĐỨC – Tập 7/7
Chủ giảng: Cô Trần Tịnh Du
Giảng ngày 8/7/2010 tại HongKong
Các vị thầy cô giáo tôn kính, các vị đồng học! Xin chúc mọi người buổi chiều tốt lành!
CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI
(HÒA THUẬN VỚI ANH CHỊ EM CHỒNG)
Chiều nay, chúng ta tiếp tục học tập chương cuối cùng của “Nữ Giới” là “Hòa Thúc Muội”. “Nữ Giới” tổng cộng có bảy chương, toàn văn không dài lắm, nhưng đây thực sự là cái gốc giúp người phụ nữ tu dưỡng nữ đức, tề gia, trị quốc.
Chương đầu tiên của “Nữ Giới” là “Ti Nhược”, chương cuối cùng là “Hòa Thúc Muội”, nghĩa là phụ nữ bắt đầu tu từ “Ti Nhược”, dùng “Ti Nhược” để tu đức, sau đó mới có thể khiến gia đình mình sống hòa thuận với người thân và hàng xóm. “Gia hòa vạn sự hưng”. Chữ “thúc” này là chỉ chú em (tức là em trai của chồng), “muội” là chỉ em gái của chồng (chúng ta thường gọi là cô em chồng). Tôi sẽ dùng một buổi chiều để chia sẻ với mọi người chương cuối cùng này.
Mở đầu chương này, trước tiên tôi xin vài phút để chia sẻ với mọi người, bởi vì sau giờ học, có một cô giáo đã nói với tôi: “Cô nên nói qua một chút là cô đã chuyển đổi ý niệm oán hận mẹ chồng như thế nào? Người thông thường đều không chuyển được, cô đã chuyển như thế nào vậy?”. Tôi nói: “Do sám hối chưa đủ. Bước thứ nhất, chúng ta có thể sám hối những việc mình đã làm sai, thực sự làm không đúng. Hiểu rõ đạo lý này rồi, tiếp theo chúng ta phải sống như thế nào. Khi mới bắt đầu, tôi một lòng chỉ nghĩ đến những điểm tốt của mẹ chồng”. Tôi xin chia sẻ qua với mọi người về quá trình này, nghĩa là luôn nghĩ về điểm tốt của mẹ chồng. Đầu óc tôi chỉ cố gắng nghĩ đến việc mẹ chồng từng tặng tôi một bộ y phục, mặc dù không nhiều tiền lắm, nhưng đó là do mẹ tự tay may tặng tôi. Bà đối xử tốt với bạn như vậy thì bạn phải hồi báo. Xin nói với mọi người, nghĩ hoài nghĩ mãi, đến cuối cùng trạng thái hiện nay của tôi không còn ý niệm đó nữa. Không phải vì mẹ chồng đối xử với tôi tốt thì tôi mới đối với bà tốt, mà đó là việc tôi nên làm. Tôi chỉ hy vọng mẹ chồng có thể mạnh khỏe sống lâu, có thể vui vẻ. Bà vui vẻ chính là tôi vui vẻ, bởi vì bà vui thì cả gia đình đều vui. Chính là cảm giác như vậy.
Kỳ thực, câu cuối cùng trong chương “Khúc Tòng” chúng tôi hiện tại vẫn chưa giảng đến, ý nói người làm con dâu là: “Phụ như ảnh hưởng, yên bất khả thưởng”. Chữ “ảnh” và “hưởng” này là gì? “Ảnh” có nghĩa nếu như mẹ chồng là cái thân thì bạn giống như cái bóng phía sau mẹ chồng vậy, mọi lúc mọi nơi đi theo không rời một bước. Nếu mẹ chồng gõ một âm thanh thì bạn mọi lúc phải đáp lại âm thanh đó. Ảnh hưởng của mẹ chồng chính là như vậy.
Trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, nếu mọi người có chút khó chung sống, không thể hòa hợp, thì nhất định cũng đừng nói lỗi của mẹ chồng. Bởi vì nói một lần thì sẽ tăng thêm ấn tượng không tốt một lần, cho nên không nên nói gì. Trước tiên miệng không nói gì hết, nếu người khác nhắc đến chuyện này thì không phản ứng, không đáp lại. Sau đó, bản thân chỉ quan tâm xem mình đã làm được hay chưa. Bạn phải học đi học lại “Nữ Giới”, học “Nữ Luận Ngữ”, xem bản thân mình có thật sự khiêm tốn hay chưa, đã thật sự có thể kính thuận hay chưa, đã thật sự chuyên tâm hay chưa? Quan tâm đến hiện tại, quan tâm bản thân mình, sau đó nghĩ mọi cách làm tất cả những việc mà mẹ chồng thích. “Cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Mẹ chồng thích gì thì chúng ta làm cái đó, đơn giản như vậy thôi. Những thứ khác sẽ làm bạn đi sai đường lạc lối, bởi vì bạn càng nghĩ càng không tốt.
Cho nên bạn nói “hòa” hay chúng ta học “lục hòa kính” cũng vậy, chúng ta nghe tất cả thiện tri thức nói với chúng ta là hòa đều làm từ chính mình, không thể yêu cầu người khác hòa với chúng ta. Thật sự, bạn không thể đem tâm mình đặt lên thân người khác được, như thế là không đúng, là không có định, mà bạn phải quản lý tốt bản thân mình trước. Tôi chỉ cần hòa với người khác là được rồi. Mình làm thế nào mới có thể hòa được? Thực sự thì tâm phải bình, tâm phải định, tâm phải giữ giới. Bạn nói bạn không giữ giới, tâm không có định lực, bạn không bình mà rất phân biệt thì bạn rất khó để “hòa”. Đây là chướng ngại vô cùng lớn của phụ nữ.
Phụ nữ hiện nay không câu nệ tiểu tiết, không có quy củ, không nói quy củ. Bạn lên mạng tìm xem, có trang web nào nói về nữ đức không? Cả nước, bạn xem được mấy thầy cô giáo giảng nữ đức, giảng “Nữ Giới”? Không có, hoặc rất ít. Không có người giảng, cũng chính là nói trong đầu mọi người không có ý thức này, không có khái niệm này. Sau đó thì tâm bất bình rất nghiêm trọng, không bình đẳng, đối với mẹ chồng và mẹ đẻ không bình đẳng, đối với người thân trong nhà mình đều không bình đẳng, không phải cao thì là thấp, cho nên bạn rất khó để hòa.
Bản thân tôi nghĩ, chúng ta nói “lục hòa”, trước tiên chúng ta phải làm được hai điều. Thứ nhất, tâm mình phải đặt trên chữ hòa, tâm phải hòa. Trong tâm tôi lúc nào cũng có ý niệm này, tôi hòa với tất cả mọi người. Thứ hai, trên miệng phải hòa. Cho dù tâm bạn vẫn chưa làm được thì trên miệng bạn cũng phải hòa. Bạn không thể thấy người khác vừa nói mấy câu thị phi, phải quấy, mấy câu phá hoại sự hòa hợp thì bạn liền tùy thuận nói theo họ, vậy thì tâm bạn rất khó có định lực. Tiền đề của chúng ta là tâm có thể hòa, miệng có thể hòa, tất cả hành vi, việc làm của chúng ta đều phù hợp với chữ hòa, vậy thì đúng rồi.
“Hòa” bắt đầu làm từ đâu? Trước tiên bắt đầu làm từ trong gia đình. Bạn xem “Nữ Giới”, chúng ta trước tiên làm sao để hòa với chồng mình, sau đó làm sao để hòa mục chung sống với ba mẹ chồng, cuối cùng là hòa với em trai chồng, em gái chồng, chị gái chồng, người thân bạn bè. Đây chẳng phải là viên mãn hiếu đạo trong “Hiếu Kinh” rồi sao?
Bạn xem, bạn hiếu thuận bắt đầu từ phụng dưỡng ba mẹ. Bạn không hiếu thuận với ba mẹ đẻ thì bạn có thể hiếu kính ba mẹ chồng của bạn được không, có thể hiếu thân hay không? Tiếp theo là “phụng sự quân vương” và cuối cùng là “lập thân”.
Chữ “quân” này, ai là quân vương của bạn vậy? Chồng chính là quân vương của bạn, ba mẹ chồng là quân vương của bạn. Không phải ông chủ bên ngoài của bạn mới là quân vương của bạn. Trong gia đình, trước tiên phải tìm được vị trí của quân vương. Trước tiên bạn phải hiếu thảo với họ, đem hiếu đạo và cái tâm hiếu khi bạn làm con gái đối với ba mẹ mình mở rộng ra. Khi bạn được gả về nhà mẹ chồng, bạn phải tận hết hiếu đạo với ba mẹ chồng và với chồng. Cuối cùng lại mở rộng ra, có thể tận hiếu đạo đối với tất cả người thân, bạn bè trong gia tộc. Như vậy là đủ rồi. Phụ nữ nếu có thể làm được như vậy, bạn nghĩ xem, bạn đến công ty hay ra bên ngoài, bạn chung sống với bạn bè nhất định có thể làm được hòa. Tâm bình khí hòa, không hấp tấp nóng nảy, rất vững vàng trang nhã, trong tâm tất cả mọi thứ đều hiểu rõ. Không phải tôi nói suông, mà tôi có ví dụ hiện thực. Đó là cô giáo Lưu Phương – Giám đốc Công ty Phương Tử ở Thanh Đảo Sơn Đông. Cô ấy làm tốt hơn tôi.
Bạn xem, cô ấy đối với ba mẹ mình, đối với ba mẹ chồng, đối với chồng, đối với người thân bạn bè, cuối cùng đối với tất cả nhân viên công ty, đối với bạn bè bên cạnh như thế nào? Gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thành công, cuộc sống mỹ mãn, con cái hiếu thuận, thực sự cho mọi người một cảm giác như được tắm trong gió xuân vậy. Cho nên, nó có một trật tự từ đầu đến cuối như vậy. Trật tự này chính là cái mà nhà Nho nói với chúng ta là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Bạn nói, bạn là phụ nữ nên không cần tu thân, vậy thì khi bạn kết hôn, lập gia đình, làm sao bạn tề gia đình của bạn? Nhà đã không tề, mà bạn nói bạn trong công việc bạn làm rất tốt, tài đức hơn người, trên dưới hòa thuận thì hình như có chút vấn đề. Đương nhiên cũng không ngoại trừ có những phụ nữ như vậy.
Trong xã hội hiện nay, phụ nữ cang cường rất nhiều. Mọi người cảm thấy họ rất lanh lợi, mạnh mẽ, đàn ông cũng không để trong mắt, rất phù hợp với giá trị quan hiện nay là phụ nữ phải độc lập, phải tự cường, nhưng bạn xem cuộc sống gia đình, cuộc sống hôn nhân của họ có được hạnh phúc, mỹ mãn hay không? Vẫn là phải dựa vào những đạo lý mà văn hóa truyền thống dạy chúng ta để cân nhắc.
Ý nghĩa trọng điểm của Chương “Hòa Thúc Muội” là gì? Nghĩa là bạn muốn được lòng ba mẹ chồng, thì bạn còn phải có được sự chấp thuận của những người con khác trong gia đình nhà chồng. Câu đầu tiên đã nói qua, văn tự của chương này rất dài, chúng tôi hy vọng cố gắng tranh thủ để giảng xong chương này.
“Phụ nữ có thể được chồng thương yêu là do được ba mẹ chồng thương yêu. Ba mẹ chồng thương yêu bạn là do bạn được em trai, em gái chồng yêu quý. Từ đó suy ra, mình được yêu thương hay bị ghét bỏ đều do em trai, em gái chồng, nên không được để mất tâm yêu quý của họ” (Phụ nhân chi đắc ý vu phu chủ, do cữu cô chi ái kỉ dã, cữu cô chi ái kỉ do thúc muội chi dự kỉ dã, do thử ngôn chi, ngã chi tàng phủ hủy dự nhất do thúc muội, thúc muội chi tâm bất khả thất dã).
Có nghĩa là người vợ muốn có được sự thừa nhận của người chồng là do ba mẹ chồng rất thương yêu người con dâu này. Nhưng bạn muốn nhận được sự thương yêu của ba mẹ chồng, thì bạn còn phải nhận được sự yêu quý của em trai, em gái chồng. Tâm yêu quý của em trai, em gái chồng không được để mất.
Làm sao để có được tâm yêu kính của em trai, em gái chồng? Câu tiếp theo đã nói ra rồi.
“Mọi người đều biết, không thể đánh mất tâm yêu kính của em trai, em gái chồng, phải chung sống hòa thuận như chị em ruột vậy. Nếu không hòa được thì bạn sẽ có chướng ngại” (nhân giai mạc tri thúc muội chi bất khả thất, nhi bất năng hòa chi dĩ cầu thân, kỳ tế dã tai).
Nghĩa là, bạn không hòa thuận được với em trai, em gái chồng, thì giữa bạn và ba mẹ chồng sẽ có chướng ngại. Từ “tế” đó chính là chướng ngại, luôn gặp khó khăn, không thuận lợi. Tại vì sao ở đây đặc biệt nhấn mạnh em trai, em gái chồng? Phía sau có giải thích. Bởi vì “thúc muội” là em trai, em gái chồng nên người làm chị dâu có lúc sẽ dễ khởi lên tâm ngạo mạn vì nghĩ là “vai vế nhỏ hơn tôi mà”.
Phía sau, “Nữ Giới” giảng rất rõ ràng. Bạn nên xử lý mối quan hệ này như thế nào? Không phải nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ chia sẻ từng điểm một.
Tiếp theo Ban Chiêu đã nói như thế này: “Bản thân không phải Thánh nhân, làm sao không có lỗi. Trước đây Nhan Tử quý ở chỗ biết sai liền sửa, cho nên Khổng Tử khen ngài là người một lỗi không phạm hai lần, huống hồ là phụ nữ” (Tự phi thánh nhân, tiên năng vô quá, cố Nhan Tử quý ư năng cải, Trọng Ni gia kỳ bất nhị, nhi huống ư phụ nhân giả dã).
Ý nói, con người không phải Thánh Hiền, không ai mà không có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa, thì không gì thiện hơn.
Bài giảng của thầy Hà hôm qua vô cùng quan trọng. Một đoạn trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” có bốn chữ là: “Bao dung lỗi người” (dung nhân chi quá), nhưng thầy Hà giảng hai giờ đồng hồ mà vẫn chưa giảng xong. Khổng Lão Phu Tử giảng rất nhiều về việc bao dung lỗi của người khác. Người phụ nữ nhất định phải rộng lượng, không thể học sự hẹp hòi, nhỏ nhen, không được có tâm lượng nhỏ hẹp. Tâm bạn nhỏ hẹp, thì bạn sống càng ngày càng chật vật, bạn đã đem tiền đồ tốt đẹp của mình vứt bỏ đi rồi. Bạn mở rộng tâm ra, thì bạn sẽ thấy cuộc đời mình càng sống càng thấy trời đất rộng thênh thang, càng hạnh phúc, càng tự tại.
Làm sao để mở rộng tâm lượng?
Tôi xin chia sẻ với mọi người một số thể hội của bản thân tôi.
Đầu tiên, chính là cho đi. Ban đầu khi chúng ta cho đi, đặc biệt là phụ nữ, ý niệm đầu tiên chính là không muốn xả tiền tài, phân chia rất rõ ràng, rạch ròi, nhà mình bao nhiêu tiền, điều kiện của họ không tốt bằng mình. Ví dụ, bạn không chịu cho anh em của bạn, anh em của chồng. Bạn không cho đi thì bạn sẽ không nhận được sự yêu thương của ba mẹ chồng đối với bạn.
Chúng ta nghe đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, trong bài giảng về vấn đề hôn nhân và cuộc sống gia đình, cô đã nói rất nhiều về việc này. Cô lấy toàn bộ tiền của mình ra để giúp người thân của chồng cô, bà con của chồng cô. Cho dù là cho lầm hoặc cho không đúng, thì cô ấy cũng không để ý, không nhìn lỗi lầm của người khác. Chúng ta nên học với những vị thiện tri thức này, càng học thì tâm lượng càng lớn, bạn sẽ giống như họ vậy. Bạn cũng không phải người hoàn mỹ, hà tất mình là người đi sai năm mươi bước lại đi chê cười người đi sai một trăm bước. Mình cũng đi sai mấy bước nên bạn không cần thiết phải đi chê bai người khác. Đặc biệt là về tiền tài, chúng ta bố thí càng nhiều thì càng có lợi ích vô cùng lớn. Đó là nếu bạn học văn hóa Thánh Hiền, bạn nói chuyện thì người ta sẽ muốn nghe, muốn học cùng bạn. Học nhiều hơn, huân tập nhiều hơn văn hóa truyền thống, bạn sẽ thấy lỗi của mỗi người dần dần ít đi, dần dần giảm đi, khi ở cùng nhau bạn đều có thể bao dung lỗi lầm của người khác.
Tôi xin kể một ví dụ với mọi người. Năm ngoái, con gái của chị cả chồng tôi lên đại học. Tiền học phí của con gái chị từ tiểu học lên cấp hai, cấp ba đều do tôi cúng dường. Tiền cũng không nhiều lắm, nhưng lên đại học thì nó cần rất nhiều tiền. Chị cả của chồng tôi ngại nói với tôi mà chỉ nói lấp lửng với mẹ chồng tôi. Mẹ chồng tôi cũng tương đối khó xử. Tôi đã nhìn ra, vì kỳ nghỉ hè cháu đến nhà tôi, cháu luôn có điều gì muốn nói nhưng không nói. Tôi đã chủ động hỏi chị cả tôi: “Dương Dương của chị có phải cần tiền đóng học phí không?”. Chị ấy nói: “Đúng vậy! Chị rất lo”. Bởi vì chị cả tôi đã ly hôn nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Sau đó tôi nói: “Vậy chị cần bao nhiêu tiền ạ?”. Chị nói với tôi một số tiền. Tôi nói: “Vậy được! Dương Dương cũng lớn rồi, sắp hai mươi tuổi rồi, việc này em sẽ nói riêng với cháu có được không?”. Chị cả tôi nói: “Được!”. Bởi vì cháu gọi tôi là mợ, nên tôi cũng xem như là người mẹ một nửa của cháu. Tối hôm đó, tôi đã chuẩn bị sẵn mấy vạn tệ, rồi gọi cháu lên lầu. Tôi nói với con bé: “Con có biết lần này con lên đại học cần đóng bao nhiêu tiền học phí hay không?”. Con bé không quan tâm lắm nên nói: “Con không biết!”. Tôi nói: “Vậy con lấy tờ thông báo nhập học ra thử tính xem, tính xong thì nói cho mợ biết”. Nó liền lấy giấy bút ra rồi bắt đầu ngồi tính. Tính xong, ra một con số, nó còn tự nói: “Tại sao lại nhiều như vậy? Cần đến mấy vạn, mấy ngàn, còn có số lẻ nữa”. Sau đó tôi lấy tiền ra, tôi nói: “Mợ đã chuẩn bị sẵn số tiền này rồi. Số tiền này đặt ở đây, trước khi con lấy tiền thì mợ muốn nói với con mấy câu”.
Tôi nói: “Bởi vì con đã khôn lớn trưởng thành rồi, thứ nhất mợ hy vọng con có thể không phải vì mợ cho con số tiền này mà con cảm kích mợ. Không cần cảm kích mợ, mà trước tiên con phải cảm ơn ba mẹ của con. Bởi vì không có ba mẹ con, thì ngày hôm nay con sẽ không có cơ hội để lên đại học đâu. Trong tâm phải mãi mãi cảm ơn ba mẹ”. Tôi đã nói với cháu một số chuyện như vậy. Con bé luôn lắng nghe, cũng tương đối nghe lời. Sau đó, tôi nói tiếp: “Thứ hai, con phải biết, bất cứ người nào kiếm tiền cũng không phải dễ dàng, số tiền này không phải từ trên trời rơi xuống. Số tiền này cũng là cậu con và mợ vất vả mới kiếm ra, nên con phải biết trân quý, con phải biết tri ơn, báo ơn. Không phải báo ơn cho mợ mà là dùng học thức của con để báo ơn cho quốc gia, báo đáp cho xã hội. Cậu mợ không cầu sự báo đáp của con. Thứ ba, mợ hy vọng con có thể cố gắng học tập, cố gắng làm một đứa con gái tốt, lên đại học con không được phép có bạn trai”. Tôi nói tiếp: “Bởi vì mợ bỏ tiền ra nên mợ có quyền nói con không được có bạn trai, mà phải đặt hết tâm tư lên việc học. Nên ít nói chuyện, xem nhiều sách, lắng nghe nhiều hơn bài giảng của thầy cô giáo”. Tôi nói chỉ mấy điều đó thôi. Con bé cũng không nói gì, chỉ nói: “Vâng ạ! Con nhớ rồi!”, rồi cầm tiền đi.
Cứ cách khoảng hai tháng tôi lại gửi tiền vào thẻ cho con bé một lần. Mỗi tháng tiền phí sinh hoạt là một ngàn Nhân dân tệ. Lúc đầu chị cả tôi còn dịu dàng nói: “Một ngàn Nhân dân tệ có lẽ nó sinh hoạt sẽ có chút khó khăn”. Sau đó, tôi nói với chị cả là: “Con gái khó khăn một chút thì tốt, không nên tiêu xài phung phí. Chị à! Chị không cần lo đâu, một ngàn Nhân dân tệ nó tiêu đủ rồi”. Mỗi lần, trước khi gửi tiền tôi đều gửi một vài tin nhắn để nói với Dương Dương. Tôi nói, con phải trân quý số tiền này, nên dùng như thế nào. Kết quả, đứa bé này không chỉ bản thân đủ tiêu mà còn tiết kiệm được tiền. Khi đến sinh nhật bà ngoại, tức là khi đến sinh nhật mẹ chồng tôi, nó còn mua một chiếc quần làm quà sinh nhật bà ngoại, nên bà ngoại rất vui. Năm nay, đến ngày Lễ Phụ Thân, vừa may sắp đến ngày tôi lại gửi tiền cho nó. Khi gửi tiền, đột nhiên tôi nhớ ra ngày mai là ngày Lễ Phụ Thân, nên tôi lại gửi thêm cho nó một ngàn Nhân dân tệ nữa, là ba ngàn Nhân dân tệ. Mỗi lần gửi tiền tôi gửi hai tháng. Bởi vì con bé đối với người cha dượng của mình (người chồng sau của mẹ) có thái độ không tốt lắm, nên tôi nói: “Dương Dương à, con hãy nghe lời mợ. Nếu như con thật sự muốn hiếu thuận mẹ con thì con cũng nên đối xử tốt với người cha này, con hãy tốt với ông ấy từ tận đáy lòng mình. Đều là cha mà! Có thể đời trước hai người cũng là cha con đấy, con không nên cứ mãi có thành kiến với ông ấy, như vậy thì mẹ con sẽ rất khó xử. Mợ đã gởi thêm cho con một ngàn Nhân dân tệ rồi, năm trăm con hãy gởi cho cha con”. Cha đẻ của nó không ở chỗ cũ nữa mà chuyển đi nơi khác sống. Tôi nói: “Con hãy gửi cho cha ruột năm trăm, còn năm trăm con hãy gửi cho người cha hiện tại của con, hoặc là mua cho ông ấy một món quà”. Tôi đã nói rất nhiều.
Đứa trẻ này thật sự đã thay đổi. Trước đây nó khá ngang bướng, bởi vì từ nhỏ ba mẹ ly hôn nên nó khá hướng nội, không nghe lời, rất mạnh mẽ. Nó đã thay đổi rất nhiều. Hai ngày trước tôi về Trường Xuân, vốn dĩ tôi không muốn nói với nó, bởi vì tôi bận tổ chức sinh nhật cho bà nội. Tổ chức xong tôi muốn đi ngay vì rất vội. Kết quả, con bé nghe nói tôi đến, biết tôi học Phật nên đã mua một bó hoa sen lớn tự mình chạy đến nhà hàng thăm tôi, còn mua rất nhiều trái cây rồi nói với tôi là: “Mợ à! Đây là con mua tặng mợ”. Tôi liền cười, rồi nói: “Mợ cầm về cũng không tiện, mợ có thể làm phiền con một việc không? Mợ sẽ đưa con tiền, con đón xe rồi đem số trái cây và bó hoa sen này đến chùa Bách Quốc Hưng Long của Trường Xuân giúp mợ cúng Phật nhé”. Nó ngây người ra một chút rồi nói: “Mợ à! Nếu mợ thấy vui khi làm như vậy thì con sẽ đi làm giúp mợ”. Tôi nói: “Mợ rất vui, con giúp mợ cúng dường nhé”. Nó liền rất vui vẻ đi. Trở về nó còn nói với tôi: “Mợ à! Con còn vào đó niệm Phật một lúc”. Tôi nói: “Tốt quá!”. Sau đó, đứa bé này đối với tôi thật sự giống như con gái tôi vậy. Cho nên, sau này chồng tôi luôn nói: “Có cần sinh thêm một đứa nữa không?”, thì tôi nói: “Không cần đâu!”, bởi vì tôi xem hai đứa con gái của chị cả tôi như con gái của tôi vậy.
Tiếp theo, tôi muốn chia sẻ với mọi người là sau khi cô bé này thay đổi, đặc biệt là thay đổi thái độ đối với mẹ và cha của nó thì mẹ nó cũng thay đổi. Trước đây, tình cảm giữa chị cả chồng và tôi có chút không thân thiện, không phải là tình cảm xuất phát từ nội tâm. Bởi vì chị ấy lớn hơn tôi mười mấy tuổi, nên cũng có thể chị xem tôi như một cô em út vậy, nhưng sau những sự việc này thì chị đối với tôi rất chân thành. Tôi không nói rõ được, tức là chị không xem tôi như một cô em gái nữa mà đối với tôi vô cùng…. Tôi cảm giác chị rất kính trọng tôi, gọi điện thoại cũng vậy. Có chuyện gì gấp chị đều tìm tôi và nói: “Tịnh Du à! Làm thế nào đây, em giúp chị nhé!”. Kỳ thực, tính cách của chị rất mạnh mẽ. Tôi đã nói với chị nên làm như thế nào. Sau đó, thuận tiện tôi liền đem sách và đĩa giảng văn hóa truyền thống gửi cho chị ấy. Chị ấy sống ở nơi khác, nhưng chị cũng bắt đầu cùng tôi đọc và học văn hóa truyền thống. Sau đó, chị ấy đã có sự thay đổi rất lớn.
Trước đây, có lúc chị ấy còn xảy ra xung đột với mẹ chồng tôi, vì cả hai người đều rất mạnh mẽ. Khi chị thay đổi thì mẹ nói gì chị ấy cũng không cãi lại. Có một lần, chị ấy không chịu nổi mẹ chồng tôi phê bình nên đã gọi điện thoại cho tôi rồi khóc, nói: “Đây có phải là mẹ đẻ của chị không?”. Chị ấy khóc rất tủi thân nên tôi đã dùng đạo lý trong văn hóa truyền thống nói cho chị nghe. Tôi nói: “Mẹ mãi mãi là người thân nhất của chị. Mẹ đánh chị, mắng chị đều vì muốn tốt cho chị”. Tôi nói tiếp: “Chuyện này chị đừng oán giận nữa. Con người hễ oán giận thì phước báo mà chị tích lũy được từ sự hiếu thuận trước đây đều bị mất hết rồi”. Sau đó, tâm trạng của chị cũng tương đối ổn định, tâm tình liền rất tốt, chị không oán giận nữa. Ngày thứ hai, đúng lúc ấy chị ở Đại Liên thăm mẹ chồng tôi, mẹ chồng tôi cảm thấy lần này sau khi phê bình mà thái độ của chị vẫn rất tốt. Khi tôi đến thăm thì mẹ chồng tôi nói: “Hiện tại nó đã thay đổi rồi, có thể khiêm tốn tiếp thu ý kiến rồi đó”. Trong lòng tôi nghĩ, kỳ thực, tối hôm qua chị còn khóc nức nở một trận, nhưng tôi nói: “Đúng vậy! Mẹ à! Mọi người đều thay đổi, bởi vì đều học tập văn hóa truyền thống mà”.
Nhưng điều mà tôi muốn chia sẻ cùng mọi người là, con người không ai không có sai lầm cả, đừng nhìn lỗi lầm của người khác. Đừng nói là không nhìn, mà cũng không được nghĩ, cũng không có khái niệm về bao dung vì không có gì đáng gọi là bao dung. Bởi vì bản thân bạn cũng có một số những sai lầm và nhiều vấn đề, nhưng nếu bạn một mực đối xử tốt với mọi người, đối xử tốt với người nhà, thì cuối cùng quả báo bạn đạt được có thể chính là chữ “hòa” này. Bạn sống trong từ trường hòa mục thì tâm tình của bạn đương nhiên rất thoải mái, trong nhà sẽ không có chuyện tranh giành, tranh chấp, cãi nhau. Bởi vì trước đây tôi luôn suy nghĩ về chữ “dung”, chữ “nhẫn”, chữ “thuận”, sau đó tôi phát hiện ra là không nên suy nghĩ nữa. Bạn càng suy nghĩ thì tâm bạn vẫn còn sự trở ngại. Chỉ nên nhất tâm nghĩ thiện, không nghĩ về nó nữa. Bạn nên một lòng nghĩ làm sao để giúp người khác vui vẻ, hạnh phúc. Họ vui vẻ thì chính là bạn vui vẻ, họ không vui thì bạn phải nghĩ cách để họ vui, vậy thì mọi người đều vui vẻ rồi.
Tôi có hai người chị chồng. Tôi không có chị gái, chỉ có hai người em trai. Hai người chị chồng của tôi đều lớn hơn tôi mười mấy tuổi. Mười mấy năm ở nhà họ, mấy năm đầu tôi giống như một cô em gái vậy, nhưng hai năm nay tôi lại giống như một người chị vậy, có chuyện gì họ cũng tìm đến chỗ tôi. Tôi như một liều thuốc an thần của họ vậy. “Việc này không thành vấn đề, để em lo. Việc đó chị yên tâm, em sẽ làm”. Chị lớn của chồng tôi điều kiện kinh tế không tốt nên tôi giúp đỡ chị nhiều hơn về vấn đề tiền bạc. Nhưng mọi người tuyệt đối đừng cho rằng, mình bỏ tiền ra thì họ phải như thế này như thế kia, hoặc là tôi bỏ tiền ra rồi thì hình như tôi cao hơn mọi người một bậc. Đừng nên có ý niệm này, nhắc lại cũng không được nhắc. Tôi cho chị cả tiền, nhưng chồng và mẹ chồng tôi đều không biết, bởi vì tôi cảm thấy ai cũng có thể diện. Chị cả tôi lại là người rất mạnh mẽ, nếu đi đâu bạn cũng kể thì chị ấy sẽ cảm thấy rất mất mặt. Chị lại lớn tuổi như vậy, nên cũng không cần nhắc lại. Còn một điều nữa, đừng nói với chị ấy là em cho chị tiền thì chị phải như thế nào đó, không cần nhắc.
Có lúc tôi đã nói với chị cả là: “Kỳ thực, em rất cảm ơn chị. Số tiền này cũng xem như không phải của em, tiền tập trung về chỗ em cũng đúng lúc em chưa biết dùng như thế nào, vừa đúng lúc chị cho em cơ hội này, em có thể sử dụng vào đúng chỗ. Ai tiêu cũng vậy, người nhà dùng đều như nhau mà”. Bạn nói xem, giúp người lúc nguy cấp, cứu người lúc nguy nan, ngay đến người nhà bạn gặp nguy cấp và khốn khó mà bạn cũng không giúp, mà bạn đi cứu giúp người bên ngoài, đi cứu trợ thiên tai, nói vậy hình như không thông. Cho nên cứu người lúc nguy cấp, giúp người khốn khó cũng được nhưng phải bắt đầu từ gia đình mình. Có lẽ nhiều năm tôi đều làm như vậy nên sau đó chị cả tôi rất cảm ơn tôi. Chúng tôi sống với nhau rất hòa thuận.
Tôi còn một người chị nữa là chị hai của chồng tôi. Điều kiện của chị khá tốt, con cái của chị có điều kiện, cuộc sống khá tốt, nên vấn đề tôi chia sẻ với chị không phải là tiền tài, mà là chia sẻ nhiều với chị về việc làm sao để dẫn dắt con cái đối diện với phước báo của mình.
Bởi vì năm ngoái, có một lần tôi nói với con chị là: “Con tốt nhất nên học Đệ Tử Quy đi!”. Đứa bé này rất ngạo mạn nói: “Con học thuộc rồi, cái này rất đơn giản mà! Con học thuộc từ lâu rồi”. Tôi nói: “Thuộc rồi nhưng con chưa làm được”. Nó nói: “Dựa vào điều gì mà mợ nói con chưa làm được?”. Tôi nói: “Bây giờ mợ đang đứng, còn con thì đang ngồi. “Người lớn đứng, nhỏ chớ ngồi”, con chưa làm được”. Nó liền nghĩ, đó đúng là câu trong “Đệ Tử Quy” rồi, nên liền đứng lên nhìn tôi. Sau đó tôi nghĩ, lời nói này không có sức mạnh, hình như mình bố thí vẫn chưa đủ. Cho nên có một lần, tôi liền tìm rất nhiều quần áo đẹp thời còn trẻ cho nó (đứa bé này cũng mười sáu – mười bảy tuổi rồi). Tôi nói: “Con xem, con thích cái nào thì lấy cái đó nhé!”. Con bé rất vui. Đến Tết thì con bé đến chơi cùng con trai tôi, tôi đã mời gia đình nó ra ngoài ăn cơm vài lần. Sau đó tôi nói chuyện thì nó có chút nghe lời, nên tôi đã đề xuất một chút ý kiến với nó: “Khi cả nhà mình cùng đi ăn cơm, con không nên thích ăn món nào thì nhất định phải chuyển món đó đến trước mặt mình, thậm chí lấy món đó xuống đặt trước mặt mình để ăn”. Tôi nói rằng: “Đây là lễ phép tối thiểu của phụ nữ, khi ăn cơm nên để người khác ăn trước, không nên chỉ nghĩ đến bản thân mình. Phụ nữ mà tham ăn sẽ có kết cục không tốt”. Con bé ngẩn người ra và nói: “Tại sao lại không tốt ạ?”. Tôi nói: “Thứ nhất, con lớn lên sẽ rất mập. Thứ hai, khuôn mặt sẽ càng ngày càng xấu”. Tôi dọa nó như vậy. Lần này đến sinh nhật mẹ chồng tôi, cả nhà đều nhìn thấy sự thay đổi này của nó. Nó tên là Đình Đình. Chồng tôi còn nói: “Đình Đình thay đổi nhiều quá! Món mà mình thích ăn cũng không chọn lựa nữa rồi”. Vừa đúng lúc nó lại ngồi bên cạnh tôi, tôi cũng khen nó: “Đúng vậy! Đình Đình cũng đã học văn hóa truyền thống rồi”.
Còn một chuyện là tặng tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Đến Tết, chúng tôi đều tặng tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Trước đây, tôi cho tiền mừng tuổi tương đối nhiều, nhưng bắt đầu từ năm nay chồng tôi nói với tôi, con người ta (tức là con của chị cả và chị hai của chồng tôi) thì có thể cho nhiều một chút, nhưng con nhà mình mỗi đứa chỉ cho hai mươi tệ là được rồi. Tôi vừa nghe thì rất tán thành. Sau đó, tôi đã đặc biệt nói chuyện với con trai tôi: “Con trai à! Về chuyện tiền mừng tuổi mẹ có một vài ý kiến. Thứ nhất, tiền mừng tuổi chỉ là tượng trưng cho một sự chúc phúc, mà đã là chúc phúc thì không quan trọng ở việc bao nhiêu tiền mà chỉ cần có cái tâm ý này là đủ rồi. Cho nên, ba mẹ quyết định năm nay chỉ tặng con hai mươi tệ. Ba mẹ mỗi người mười tệ, cộng lại là hai mươi tệ”. Bởi vì mỗi năm đến Tết, chồng tôi có rất nhiều bạn bè đến nhà, họ đều mừng tiền cho chúng. Họ mừng tuổi cũng rất nhiều tiền nhưng chúng lại không được giữ. Tôi nói: “Thứ hai, khi các cô chú đến mừng tuổi thì tất cả tiền con phải giao lại cho ba mẹ”. Con trai tôi lập tức phản đối: “Dựa vào điều gì ạ? Họ cho con mà?”. Tôi liền nói với con: “Đức hạnh không tương xứng với địa vị. Đức hạnh của con không tương xứng với số tiền đó”. Nó nói: “Vậy làm sao con mới có thể tương xứng?”. Tôi nói: “Mẹ lấy số tiền đó của con đi làm việc tốt”, rồi tôi kể ví dụ một vài chuyện tốt cho nó nghe. Tôi nói: “Phước báo này con càng xả thì sẽ càng nhiều”. Nhiều lần giảng cho nó nghe về xả đắc, nên đứa bé cũng hiểu được. Sau khi hiểu thì nó nói với tôi là: “Mẹ à! Số tiền mừng tuổi này con quyết định xử lý như thế này, con cảm thấy cũng phù hợp với việc xả đắc. Thứ nhất, mẹ đi phóng sinh cho con. Thứ hai, lấy một số tiền để tặng ông bà nội. Con muốn hiếu kính ông bà bởi vì tuổi tác của ông bà cũng lớn rồi. Thứ ba, tiền học phí của con sẽ lấy ra từ số tiền mừng tuổi này, tức là tiền mừng tuổi mà các cô chú tặng con”. Nó tự đề xuất như vậy. Tôi nói: “Rất tốt!”. Tôi đã cùng con trai quyết định như vậy. Cho nên, Tết năm nay rất thú vị. Những cô chú đến tặng tiền mừng tuổi thì nó nhận lấy rồi đưa cho tôi và nói: “Mẹ à! Ba việc đó mẹ đừng quên nhé. Đồng thời tiền mừng tuổi của Nhị Bảo cũng phải thu lại”. Nó nói: “Mẹ à! Em trai cũng phải làm ba việc như vậy. Tiền học phí em đi học ở trường mầm non cũng lấy từ đây ra để nộp”. Tôi cảm thấy trẻ nhỏ nhất định phải hướng dẫn chúng như vậy. Điều này rất quan trọng. Tôi đã đem kinh nghiệm này chia sẻ cho hai người chị chồng của tôi. Chị cả và chị hai tôi cũng làm theo như vậy, rất tốt. Nếu không làm như vậy thì như trước đây bọn trẻ đều sẽ tính toán xem mình thu được bao nhiêu tiền, thế này thế nọ, sau đó là cần phải mua thứ gì.
Thời gian trước, khi chồng tôi đang ăn cơm cùng hai người khách hàng thì đúng lúc tôi cũng dẫn con trai đến đó. Nó bảo tôi qua bên bàn ấy. Sau đó, hai vị khách hàng (hai người bạn đó) nhìn thấy con trai tôi thì một người kiên quyết tặng cho nó một bao tiền mừng tuổi. Sau khi trở về nhà, con trai tôi ngoan ngoãn giao nộp số tiền đó cho tôi và nói: “Mẹ à! Mẹ giúp con”. Nó gọi là trồng phước điền. Nó nói: “Mẹ à! Mẹ xem in Kinh tốt hay là phóng sinh tốt ạ? Tiền đây ạ!”. Dù sao từ nhỏ tôi đã truyền tư tưởng này cho nó rồi. Tôi xem bên trong bao mừng tuổi có một ngàn tệ, nên không do dự lấy đi in Kinh. Cho nên, rất tự nhiên đã nuôi dưỡng thành thói quen này, bản thân nó cũng không muốn chiếm hữu và ham muốn cá nhân. Bởi vì hiện nay có thể trong nước đều như vậy, đến Tết nhất định sẽ cho tiền, nhưng trẻ nhỏ đối diện với tiền mừng tuổi phải xử lý như thế nào?
Con trai lớn của tôi vận dụng việc xả đắc rất tốt. Một lần, con út của tôi nghịch một chiếc ô tô nhỏ, không cho anh chơi cùng. Nó liền như trước đây giảng giải với em trai việc xả đắc. Kỳ thực, con trai út tôi vẫn chưa đến ba tuổi. Con trai lớn tôi nói: “Em đem cái này cho đi thì em sẽ đạt được cái lớn hơn. Em không cho đi thì em sẽ không đạt được cái lớn hơn đâu!”. Đứa út cũng không hiểu lắm, mơ mơ hồ hồ đưa cái ô tô nhỏ cho anh trai. Con trai lớn của tôi đi vào phòng lấy một chiếc ô tô lớn ra và nói: “Em xem, em đã đạt được cái lớn hơn rồi! Đây chính là xả đắc”. Nó nói với em trai như vậy. Sau đó, em trai nhìn cái xe lớn đó rồi nói với anh trai là: “Em vẫn thích chơi cái xe nhỏ đó mà!”. Anh trai nó liền nói: “Cái xe to này tốt hơn, em chơi cái xe to này đi”. Nó nói với em trai như vậy. Kỳ thực, có lúc trẻ nhỏ có thể không hiểu lắm, nhưng bậc làm ba mẹ như chúng ta ít nhất phải đem những đạo lý làm người nói với chúng, không nên để chúng có tư tâm và dục vọng, không để chúng rơi vào vòng xoáy tiền bạc. Nếu rơi vào trong hố sâu tiền bạc thì nó sẽ không nhìn thấy người khác, không nhìn thấy thế giới rộng lớn ở bên ngoài nữa.
Bao dung lỗi lầm của người khác để lại ấn tượng sâu nhất cho tôi chính là không nhìn lỗi của người khác. Đó là gì? Vì bắt đầu từ năm nay, mỗi ngày tôi đều đọc một lần “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Đây chẳng phải là tinh tấn sao? Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có một đoạn mà tôi ấn tượng rất sâu, đó là “không nên lấy sở trường của mình đi chèn ép người khác, không nên lấy chỗ hay giỏi của mình đi so sánh với người, không nên lấy năng lực của mình để cản trở người khác”. Ba điều này rất quan trọng, nhưng chúng ta lại thường xuyên làm như vậy. Lấy năng lực, tài hoa của mình đi so sánh với người. “Bạn xem, bạn làm cách nào cũng không được, bạn làm thế nào cũng không được”. Bạn nói hoài nói mãi, sự ngạo mạn của bạn, sự khinh mạn của bạn đều sẽ khởi lên. Sau đó, những lỗi nhỏ của người khác khi qua mắt của bạn thì đều biến thành lỗi lớn, bạn sẽ càng ngày càng thấy họ không có năng lực, càng ngày càng không thể chung sống với họ, cho rằng người này không được. Đặc biệt là người học Phật chúng ta khá thích làm chuyện tốt, làm việc thiện, nhưng lại thường nói rằng: “Bạn xem, tôi đều có thể làm nhưng họ không làm được”.
Trước đây, tôi nhớ rất rõ, một người bạn của tôi cũng học Phật. Ví dụ khi nhìn thấy người khác ăn cơm mà chọn món, lựa món hay chỉ ăn ở giữa thì cô ấy liền cười nhạo và nói: “Người này kén cá chọn canh thế này thế kia…. Bạn xem, tôi đâu có kén ăn. Tôi ăn cơm rất tiết kiệm, không bỏ hạt cơm nào”. Thiện đó là giả. Tôi luôn nghĩ, liệu cái phước báo đó có tích lại được hay không? Công đức thì nhất định không có rồi. Hình như những việc mà họ làm đều là vốn liếng giúp bản thân họ kiêu ngạo. “Tôi có thể làm được như vậy, bạn xem bạn đâu có làm được”. Thậm chí cả việc sám hối cũng như vậy: “Bạn xem, tôi có thể sám hối, bạn không thể sám hối, bạn không nói ra được”. Khi nó làm vốn liếng để bạn sinh ra ngạo mạn, thì người này một bước cũng không tiến bộ, toàn bộ những việc thiện đó đều là thiện giả.
Trước đây, tôi cũng như vậy. Tôi đã từng nghĩ: “Người này tại sao không làm việc tốt này, nó rất dễ làm, không khó, lại cũng không cần nhiều tiền. Tôi bỏ ra mười ngàn Nhân dân tệ, anh bỏ ra mười Nhân dân tệ cũng được”. Sau này, một chút ý niệm như vậy tôi cũng không còn nữa. Nguyên nhân không còn ý niệm này chính là đọc nhiều sách Thánh Hiền. Đọc một lần bạn không hiểu thì bạn đọc một trăm lần. Đọc một trăm lần mà vẫn không hiểu thì bạn hãy cố gắng tịnh tâm lại ngẫm nghĩ, suy nghĩ từng câu, từng chữ, sau đó đối chiếu với hành vi thực tế của mình. Sau khi bạn đối chiếu từng sự việc một thì bạn sẽ không muốn đi nhìn lỗi của người khác nữa. Thấy lỗi lầm của mình khắp người thì làm gì còn thời gian mà đi quản người khác. Thời gian quãng đời còn lại của mình rất có hạn, nên trước tiên phải rèn giũa bản thân cho tốt, cho thấu đáo.
“Không nên lấy năng lực của mình để cản trở người khác”. Hơn nữa, cần nên làm như thế nào? “Có tài năng không nên khoe khoang, phải rất mực khiêm tốn. Thấy lỗi của người khác thì phải bao dung và che giấu đi, một mặt khiến họ có thể từ từ sửa đổi, một mặt khiến họ thấy xấu hổ mà không dám phóng túng nữa”.
Đối với người khác nhất định phải ẩn ác dương thiện, đối với chính mình thì phải ẩn thiện dương ác. Làm như vậy là đúng, nhưng chúng ta thường làm ngược lại. Bạn làm không đúng như vậy thì sẽ rất dễ khiến chính bản thân mình rơi vào cái hố mê hoặc mà không biết. Phạm lỗi, nhưng cái quan trọng là lần sau không tái phạm nữa. Chúng ta có thể không nhất định bảo đảm chúng ta có căn tánh cao, lần sau lập tức không tái phạm như vậy nữa.
Tôi xin kể với mọi người, tôi đã sửa sai và tu hành như thế nào. Có thể người trẻ tuổi sẽ dễ hiểu hơn. Ở nhà, tôi có một bảng biểu trên file excel, gọi là “công quá cách” của tôi. Nhiệm vụ và định công khóa của mỗi ngày là những việc làm được thì tôi đều viết ra, còn lỗi lầm thì tôi viết ra những lỗi trọng điểm. Ví dụ như hay nổi giận hoặc làm ai nổi giận; tôi thích nhìn lỗi của người khác, thích nhìn lỗi của ai; dễ khởi tâm ngạo mạn, hôm nay vì chuyện gì mà khởi tâm ngạo mạn với ai đó; còn tham luyến cái gì … Dù sao tôi cũng dựa theo những điểm này. Chỉ cần hôm nay xuất hiện một lỗi thì những việc mà tôi làm (tức là những công khóa mà tôi làm phía trước), tôi đều xóa chúng đi, làm uổng công rồi, bởi vì không có tác dụng. Bạn nói xem, cái cần niệm thì bạn cũng đã niệm, cái cần đọc thì bạn cũng đã đọc, nhưng những điều này bạn vẫn còn phạm, nên bản thân cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Mới đầu, mở bảng excel đó ra, lỗi lầm tương đối nhiều. Hiện nay không cần đợi đến tối, thông thường buổi sáng khoảng mười hai giờ trưa trước khi ăn cơm thì tôi tổng kết một chút. Nửa năm nay tôi ở nhà tu hành, khoảng bốn giờ chiều trước khi ăn cơm thì tôi tổng kết một chút. Buổi tối, khoảng mười giờ trước khi đi ngủ, tôi lại tổng kết một chút.
Mới bắt đầu thì rất nhiều những lỗi lầm nghiêm trọng, rất dễ nhìn thấy. Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự không còn thời gian mà để ý người khác nữa. Tại sao tôi có thể phạm nhiều lỗi như vậy? Rốt cuộc nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Tôi nhất định phải sửa. Ví dụ, tôi nhìn họ không thuận mắt thì tôi sẽ tìm những điểm tốt của họ. Trước đây, trong công ty tôi luôn thấy một người không vừa mắt, luôn cảm thấy nhân viên này tại sao nhìn lại khó ưa như vậy? Sau đó, tôi ở nhà tìm những điểm tốt của cậu ấy, tôi tìm từng điểm một. Sau khi tìm được khoảng mười điều thì tôi nghĩ: “Người này nhiều điểm tốt như vậy đủ để làm thầy của mình rồi. Những điểm tốt này mình dường như đều không có, đây có phải là Phật Bồ Tát phái xuống để dạy riêng cho mình không? Mình còn ở đó bới móc lỗi của thầy, hình như hiếu thân tôn sư vẫn chưa làm được, mình vẫn chưa tôn trọng vị thầy này. Ba người cùng đi nhất định có người là thầy ta. Vị thầy này mình vẫn chưa tôn trọng. Cái gốc căn bản nhất để làm người, phước thứ nhất trong tam phước mình chưa có, một chút phước cũng chưa có. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, mình chưa phụng cũng chưa sự”.
Căn cứ vào những điều đúng đó tôi đã viết những điều tâm đắc của mình. Có lúc, bảng excel không đủ để tôi viết tâm đắc thì tôi viết sang bản word. Ngày hôm nay, tôi viết tâm đắc trong việc sám hối, vấn đề là gì, nguyên nhân là gì, tôi nên chuyển ý niệm như thế nào? Nếu có thể chuyển lại được thì phương pháp chuyển đó của tôi là đúng. Tức là như chúng tôi đã nói, làm sao đem phiền não chuyển thành bồ đề, chuyển thành trí huệ. Tôi đã suy nghĩ, nếu không chuyển lại được thì khả năng chuyển hóa đó của tôi chưa đủ. “Xét lại chính mình”, chữ “xét” này vẫn chưa xét lại được. Sau đó, ngày thứ hai tiếp tục chuyển, ngày thứ ba tiếp tục chuyển. Đến khi hoàn toàn chuyển được rồi thì cảm giác như thế nào? Vô cùng vui vẻ. Bạn sẽ cảm thấy thầy giáo tốt như vậy, chẳng phải họ đến để thành tựu cho mình hay sao?
Trưa nay, lúc ăn cơm tôi còn nói, hiện giờ tôi rất hiểu mấy câu nói đó. Tại vì sao phải cảm ơn người hủy báng bạn, cảm ơn người làm tổn thương bạn? Bởi vì họ đều đến để tặng phước báo cho bạn, nhưng bạn không tiếp nhận, bạn còn xem họ là người xấu, còn đối lập với họ, thì phước của bạn một chút cũng không giữ được.
Trước đây, một người bạn đã nói với tôi là: “Tịnh Du à! Cô phải nhớ, người giúp cô thành tựu lớn nhất trong đời này chính là Bồ Tát nghịch duyên. Bồ Tát đối nghịch với cô chính là người giúp cô thành tựu nhanh nhất, nên khi họ đến thì cô phải vô cùng vui mừng, cô phải tiếp nhận, không một lời oán trách mà cô còn phải cảm ơn họ. Nếu cô làm được như vậy là đúng, cô sẽ không có phiền não”.
Hơn nửa năm nay, bảng “Công Quá Cách” đó đối với tôi rất quan trọng. Dù sao cái bảng đó của tôi đã rất dài, sau này tôi cảm thấy mỗi ngày ác niệm của mình đều giảm bớt. Ban đầu thì rất nhiều, nhiều đến nỗi không viết hết được mà chỉ đem những điều quan trọng viết ra trước. Sau đó, những lỗi lớn tương đối giảm rồi thì ghi những lỗi vi tế. Tôi phát hiện ra rằng, nếu muốn những ý niệm vi tế không khởi lên thì phải thường niệm “A Di Đà Phật”. Hiện tại, về cơ bản tôi luôn thường niệm nhưng khi đi bộ có lúc tôi cũng quên, sau đó lập tức lại nhắc nhở mình.
Cũng giống như cô Lưu Tố Vân, chân phải bước lên thì niệm “A Di”, chân trái bước theo thì niệm “Đà Phật”. Trong đầu không nghĩ chuyện khác nữa, cái này cái kia, chuyện này chuyện kia đều không nghĩ nữa, sau đó tâm bạn sẽ cảm thấy thanh tịnh rất nhiều. Tôi vẫn chưa đạt được một trăm phần trăm, nhưng có thể một ngày đạt được mười đến hai mươi phần trăm, cố gắng hết sức để kéo ý niệm của mình lại. Sau đó bạn sẽ cảm thấy những vọng niệm này, hoặc là những ý niệm vô ích, nghĩ chuyện này thế nào, chuyện kia ra làm sao, anh ta tại sao lại như vậy, anh ta tại sao lại không tốt,… đều không còn nữa. Kỳ thực, cuối cùng chính là khống chế ý niệm của chính mình. Bạn nghĩ xem, ý niệm mà có thể khống chế được thì đương nhiên trên hành vi cũng sẽ không xảy ra thiên lệch quá nhiều.
Có lúc tôi cũng gặp phải một số chuyện. Ví dụ, chị lớn của chồng tôi vừa nhắc đến mẹ của chị thế này, thế kia thì tôi liền ngắt lời rằng: “Mẹ rất tốt mà! Mẹ là một vị đại Bồ Tát đến để thành tựu cho chúng ta đấy!”. Tôi vừa nói như vậy thì câu chuyện đó liền bị cắt ngang. Có lúc tôi đến thẩm mỹ viện, có một người nói: “Mẹ chồng tôi không tốt thế này, thế kia…”, tôi liền lập tức ngắt lời. Tôi nói: “Mẹ chồng chính là mẹ”. Họ không học Phật, nên bạn không thể nói lung tung. “Mẹ chồng chính là mẹ. Mẹ chồng và mẹ đẻ không có gì khác biệt. Phụ nữ đến thế gian này đã được sắp sẵn hai người mẹ và hai người cha rồi. Bạn bình đẳng với hai người mẹ, bạn làm tâm họ vui vẻ là bạn rất tốt rồi”. Khi tôi nói như vậy xong thì họ không nói gì nữa. Lời không hợp ý, nửa câu cũng nhiều, nên họ không nói nữa. Dù sao thì tôi cũng không nghe thấy những điều không tốt đó. Không giống như thái độ của tôi trước đây, người ta vừa nhắc đến thì tôi cũng như vậy: “Mẹ chồng tôi thế này thế kia”, cuối cùng thì rất tức giận. Mặc dù khuôn mặt được làm đẹp rồi, nhưng trong tâm thì tôi rất khó chịu. Bởi vì tôi đến thẩm mỹ viện thì có một cô gái liền kể lỗi của mẹ chồng cô với tôi. Có thể tôi và cô ấy cũng có cái duyên này, cảm thấy rất hợp nhau vì tôi cũng thế, tại sao đều gặp phải mẹ chồng như vậy. Sau này, khi tôi đến thì cô ấy lại tiếp tục nói với tôi, tôi liền ngắt lời. Sau khi ngắt lời thì cô ấy không nói nữa. Hơn nữa, sau này tôi không thấy cô ấy nữa, hỏi chuyện thì họ nói cô ấy đã nghỉ việc, chuyển nghề rồi. Tôi còn nghĩ thật tốt, cô ấy sẽ không đến nói với tôi những chủ đề này nữa.
Có lúc, mẹ tôi cũng nói là cảm thấy mẹ chồng tôi như thế nào đó, thì tôi liền ngắt lời. Tôi nói: “Mẹ à! Mẹ đừng quên mẹ cũng là mẹ chồng. Mẹ khen mẹ chồng người ta thì mẹ làm mẹ chồng cũng sẽ được người ta khen lại. Mẹ thường khen mẹ chồng con, thì con dâu của mẹ sẽ khen mẹ”. Mẹ tôi là một người rất đơn thuần. Bà nói: “Ừ, mẹ hiểu rồi, việc này dễ thôi mà. Vậy thì nên khen ngợi bà ấy, đơn giản mà!”. Sau đó bà nói với tôi là: “Mẹ chồng con rất tốt, bà lão này rất hiểu chuyện. Mẹ chồng con rất tốt, lớn tuổi như vậy rồi, thật không dễ dàng gì”. Dù sao thì tôi cũng hướng dẫn bà đi theo hướng chủ đề như vậy, không để những chủ đề xấu xuất hiện, chỉ cần vừa nói là tôi liền cắt ngang câu chuyện. Sau này, dần dần thì không ai nói nữa.
Cho nên, trước tiên chính mình phải có định lực, phải có quyết tâm vô cùng kiên định đấu tranh với những tập khí phiền não của chính mình. Tôi về đến nhà là phải chỉnh đốn cái bảng excel đó. Ban đầu, mỗi ngày nhìn cái bảng đó thì tôi rất tức giận.
Năm nay tu học nữ đức, có lần khi tôi về nhà, vừa bị nôn vừa tiêu chảy, sau đó lại bị sốt. Mẹ tôi nói lưng tôi không cạo gió mà đều nổi đỏ lên, tôi bị sốt rồi. Tôi nói: “Tại sao lại nhiều vấn đề như vậy? Làm sao đây? Có thể khỏi hay không?”. Tôi vô cùng kiên định, sau đó nhất định phải cải sửa, không còn gì phải nói nữa. Nữ đức không phải để người khác học, mà trước tiên chính mình phải học, cũng không phải dự định giảng cho người khác, mà trước tiên phải giảng cho chính mình thông suốt, thấu đáo. Tôi chính là như vậy. Cho nên, tôi xin cúng dường một số thể hội của bản thân tôi trong quá trình tu học để mọi người xem đó như lời khuyên.
Phía sau có một câu là: “Cho dù đầy đủ phẩm hạnh hiền đức, thiên chất nhạy bén, người như vậy có thể không phạm được chăng” (tuy dĩ hiền nữ chi hạnh, thông triết chi tánh, kỳ năng bị hồ).
Nghĩa là nói, kể cả bạn có đức hạnh hiền đức của một người phụ nữ, thì bạn cũng không thể hoàn mỹ, vẫn cách cảnh giới của Thánh Hiền rất xa. Thông qua học tập “Đệ Tử Quy” thì chúng ta mới biết phải làm như thế nào.
Chương thứ nhất của “Đệ Tử Quy” là “Nhập Tắc Hiếu” vẫn làm chưa được viên mãn, huống hồ những chương tiếp theo chứ? Chúng ta bắt đầu làm từ câu thứ nhất. Cái gì gọi là “cha mẹ gọi, trả lời ngay”? Không phải giống như trên hình thức, mẹ gọi một câu, mẹ chồng gọi một câu, thì lập tức trả lời ngay. Mà nghĩa là những mong muốn trong nội tâm của ba mẹ bạn có thể luôn luôn đáp ứng hay không? Phải thấu hiểu ý của ba mẹ giống như thầy Vương Hy Hải vậy. Ba thầy có bất cứ ý muốn gì, thầy đều có thể hiểu được, có thể mọi lúc mọi nơi chăm sóc chu đáo. Dường như chúng ta vẫn nghĩ về mình nhiều hơn, còn nghĩ về ba mẹ lại ít hơn.
Cho nên bốn câu đầu tiên: “Cha mẹ bảo, chớ làm biếng. Cha mẹ dạy, phải kính nghe. Cha mẹ trách, phải thừa nhận”, chúng ta phải học đi học lại, học cả đời cũng không học xong. Bốn câu này chúng ta không học cho sáng tỏ thì bạn làm sao có thể là một người phụ nữ hiền đức được? Bản thân bạn cũng không hoàn mỹ, vậy hà tất bạn phải đi yêu cầu người khác chứ? Cho nên, con người thực sự phải thông qua việc không ngừng học tập, không ngừng sửa lỗi, thì họ mới có thể hiểu rõ chính mình được.
Tiếp theo, Ban Chiêu khuyên bảo thông qua mặt tốt và khuyên can mặt trái để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa thuận trên dưới trong gia đình.
Mặt tốt phải khuyên bảo như thế nào?
Ban Chiêu nói: “Cố thất nhân”. “Thất” là phòng ốc. “Hòa tắc báng yểm”. “Báng” là hủy báng. Điều xấu phải che đậy, che giấu đi. “Có hòa khí mới có thể che giấu những điều xấu đi”. “Nội ngoại li tắc quá dương”. Nghĩa là trong tâm bạn phân ra có trong, có ngoài, thì bạn sẽ mang cái lỗi này đi khắp nơi tuyên truyền. Ý nghĩa bên ngoài chính là như vậy. “Điều này nhất định sẽ xảy ra vấn đề”.
“Dịch viết”, nghĩa là chỉ “Kinh Dịch”.
“Kinh Dịch” nói: “Hai người đồng tâm thì có đủ sức phá vỡ kim loại, hai người đồng tâm nhất ý thì mùi hôi thối cũng biến thành mùi thơm như hoa lan, chính là đạo lý như vậy”.
Chúng ta nghĩ xem, trong một gia đình chung sống có phải như vậy hay không? Những việc xấu trong nhà cũng không được nói ra bên ngoài. Phụ nữ chúng ta thường làm như vậy. Trước đây tôi từng có tập khí và tật xấu này. Tôi quan sát thấy, hình như có rất nhiều phụ nữ đều như vậy. Khi ba đến năm người tập trung lại là giải tỏa một chút, bắt đầu nói mẹ chồng tôi thế nào, chị chồng tôi thế nào, em gái chồng tôi thế nào,… Hình như nói những điều tốt lành thì ít mà trút giận, oán trách thì nhiều. Rất nhiều người đều cảm thấy, trút giận một chút dường như không sao cả, vì đều nói với bạn bè mà. Nhưng khi chúng ta hiểu được đạo lý thâm sâu trong đó thì bạn sẽ không nói một chữ nào cả.
Hai hôm nay, chúng ta nghe Sư phụ giảng Kinh, Sư phụ nhắc đi nhắc lại là đừng nói chuyện. Bạn động một ý niệm sẽ thì tận hư không, khắp pháp giới, cả thảy vũ trụ đều biết. Thật mất mặt! Nếu bạn nói: “Tôi không hiểu Phật Pháp nên đừng nói với tôi điều này, vũ trụ cũng đừng nhắc đến với tôi”, vậy thì chúng ta nghĩ thử xem, người mà luôn nói những lời như vậy thì từ trường có tốt hay không? Chúng ta xem, khuôn mặt của rất nhiều phụ nữ hiện nay thật sự rất nhọn, càng ngày càng nhọn; khóe mắt thì càng ngày càng rủ xuống, khóe miệng cũng càng ngày càng rủ xuống, dường như đều không có dáng vẻ hiền lành, phúc hậu, ôn hòa, nhã nhặn nữa. Mà họ đều có dáng vẻ như muốn đánh nhau, muốn oán giận, giống như thiếu tiền họ hoặc thiếu nợ họ vậy.
Trước đây, có một thầy giáo hỏi tôi là: “Trước đây cô cũng như thế này sao?”. Tôi nói: “Không phải! Trước đây tôi rất nghiêm túc, không thích cười, bên cạnh cũng không có bạn bè, cô độc lẻ loi một mình, tan ca là về nhà. Về nhà thì xem sách, hai tai không nghe chuyện bên ngoài, chuyện gì cũng không quản. Bạn bảo tôi làm thì tôi làm, không bảo tôi làm thì tôi thích thanh nhàn”. Tôi lấy một tấm ảnh của năm trước ra xem, bởi vì tôi nghĩ “tướng tùy tâm chuyển”. Tôi nhìn gương, dường như không rõ ràng lắm, nên tôi lấy một bức ảnh chụp năm trước ra. Tôi lấy bức ảnh chụp năm trước và bức ảnh chụp năm nay sau khi học nữ đức (không phải bức ảnh hiện nay, mà tôi lấy bức ảnh khoảng ba tháng trước) ra so sánh, tôi thấy khuôn mặt tôi thay đổi rất nhiều. Tôi cảm thấy, trước đây cái tướng đó không đẹp, người khác nhìn thấy nhất định không sinh tâm hoan hỷ được.
Hôm qua, thầy Hà Mỹ Huệ giảng bài có nhắc đến thầy Lưu Thiện Nhân. Có một cô gái tìm thầy Lưu Thiện Nhân nói: “Chồng tôi thường đánh tôi”. Thầy Lưu Thiện Nhân nói: “Tôi cũng muốn đánh cô”. Cô ấy nói: “Tại sao vậy?”. Thầy ấy nói: “Tướng mạo của cô khiến người khác rất muốn đánh. Khuôn mặt cô cứ xị ra, nét mặt không chút biểu cảm gì”. Cô ấy nói: “Vậy phải làm sao?”. Thầy ấy nói: “Cô không cần trị bệnh, về nhà cô cứ cười là được. Hễ cô cười thì chồng cô sẽ không đánh cô nữa”. Cô ấy liền làm như vậy, về nhà là cô cười. Ngày đầu tiên cô cười đã làm cho chồng cô giật mình, cho rằng tinh thần cô có vấn đề nên không đánh cô nữa. Cô ấy lại liên tục cười mấy ngày, chồng cô cũng không đánh cô nữa.
Tôi bắt đầu sửa đổi từ khi nào? Tôi sửa không phải từ khi học nữ đức mà từ năm 2006, khi tôi bắt đầu làm trong ngành phục vụ. Lúc đó tôi không thích cười, những người bên cạnh tôi cũng không ai thích cười. Những nhân viên phục vụ trong công ty chúng tôi nét mặt đều không chút biểu cảm, vô cùng nghiêm túc, cho nên khách hàng của chúng tôi đã phản ánh: “Tại vì sao công ty cô lúc bán hàng đều nghiêm túc như vậy?”. Sau đó tôi đã mua một chiếc gương nhỏ để cho họ luyện cười. Tôi luyện trước, nhưng đó chỉ là nụ cười nghề nghiệp mà thôi, không phải từ tâm chân thành. Tôi đoán, nụ cười đó cũng không thể làm người khác cảm động, nhưng cũng phải luyện. Tôi cảm thấy, nụ cười được lưu xuất từ trong tự tánh, trong tánh đức của bạn, chân thật phát ra từ nội tâm, thì bạn sẽ vô cùng vui vẻ, hoan hỷ.
Sau này giảng nữ đức, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại thích cười như vậy, tôi giảng rất vui vẻ. Có lẽ giảng rất kém, cũng không hay, nhưng tôi rất vui. Những thầy cô giáo ngồi nghe phía dưới còn kể về một cô bé mười ba tuổi cùng đi nghe với mẹ của mình. Em nói với mẹ là: “Con rất thích nghe cô Tịnh Du giảng bài. Con rất thích nghe giọng cô ấy và nhìn nụ cười của cô ấy”. Cô bé đó nghe cũng không hiểu lắm, vì em còn rất nhỏ.
Cho nên, chúng ta học nữ đức bởi vì nữ đức và tự tánh của chúng ta bổ trợ cho nhau, bạn càng học thì càng gần tự tánh hơn, vậy thì tâm hoan hỷ của bạn, dáng vẻ tự tại của bạn sẽ tự nhiên lưu lộ ra. Tôi cũng không hiểu vì sao lại vui như vậy, dù sao thì càng giảng càng vui, ở nhà càng làm càng vui, cũng không có nguyên nhân gì cả. Nếu bạn muốn tôi nói thì tôi chỉ có thể dẫn ra một câu mà Sư phụ thường nói là: “Như người uống nước, nóng lạnh tự biết”. Bạn làm như vậy thì bạn sẽ vui vẻ. Nếu bạn nói: “Tôi hoài nghi, vì sao tôi phải làm như vậy? Nữ doanh nhân chúng ta vì sao phải về nhà giúp chồng, dạy con chứ, thật lỗi thời. Mẹ hiền, vợ ngoan thật là lạc hậu!”, thì bạn sẽ không nói như vậy nữa. Có rất nhiều người đã hỏi tôi vấn đề này: “Điều này quá lạc hậu rồi”. Thậm chí lúc tôi mới học “Đệ Tử Quy”, có người nói: “Cô là người có học thức cao như vậy tại sao lại đi học thứ của con nít vậy?”. Tôi nói: “Vấn đề chính là kém ở chỗ này. Những thứ của con nít nhưng tôi vẫn chưa học thấu suốt, vậy bạn nói xem thứ của người lớn liệu tôi có thể làm tốt được hay không?”.
Cho nên, hành vi chân thật, tất cả hành động của bạn đều bắt nguồn từ nguyện lực của bạn. Nguyện lực của bạn thực sự bắt đầu từ tín tâm của bạn. Bạn có tín tâm, bạn phát nguyện, thì bạn sẽ có hành động, có động lực để hành động. Bạn nói xem, trong công việc, chúng ta cũng cần phải có động lực để làm việc. Nếu bạn rất muốn làm quan, làm tổng giám đốc, kiếm được nhiều tiền, thì bạn liền có động lực làm việc, dốc sức để kiếm tiền. Bạn muốn thành tựu đức hạnh của chính mình, bạn có động lực này cũng là xuất phát từ nguyện lực của bạn. Bạn nói tôi muốn học nữ đức, tôi phát tâm làm một người vợ tốt, người mẹ tốt, thì đây là việc nhỏ nhất trong gia đình. Hơn nữa, sau này tôi cũng nghe tường tận rồi. Trong tự tánh của chúng ta có vô lượng bảo tạng, vô lượng đức năng và tướng hảo, cái gì cũng đều là vô lượng. Vậy cái giúp thân tâm của chúng ta hài hòa một chút, giúp gia đình chúng ta hạnh phúc mỹ mãn một chút, giúp mối quan hệ nhân sự và nhân duyên xung quanh chúng ta tốt hơn một chút, nếu nói từ góc độ tự tánh của chúng ta thì đó chẳng phải chỉ là việc cỏn con hay sao? Tôi cảm thấy rất dễ dàng làm được. Tôi có thể đạt được một chút xíu lợi ích không đáng kể gì, nhưng nó có lợi ích cho gia đình của tôi, cho nên mọi người tin tưởng nó là được rồi.
Tâm bạn hòa rồi thì tự nhiên bạn sẽ không chú ý đến những lời nói không tốt, những lời hủy báng nữa. Hủy báng là những lời không tốt, nhưng bạn cũng sẽ không mang nó đi tuyên truyền, sẽ không có chuyện đi đâu, gặp ai cũng nói người này thế này, người kia thế kia. Nói nhiều rồi thì đem cả bản thân mình ra nói. “Hai người đồng tâm thì có đủ sức phá vỡ kim loại. Hai người đồng tâm nhất ý thì mùi thối cũng biến thành mùi thơm như hoa lan”. Con người trên thế gian này thực sự không có ai là sống đơn độc một mình cả.
Phụ nữ chúng ta vì sao phải nhấn mạnh mối quan hệ vợ chồng như vậy? Cả đời này, người bạn nhìn thấy nhiều nhất chính là người chồng bên cạnh bạn. Bạn không thể không nhìn, về đến nhà là phải chạm mặt với anh ấy rồi. Anh ấy thường xuyên nhìn thấy tất cả những chuyện nhỏ nhặt của bạn. Cho nên đồng tâm, đồng đức, trước tiên phải bắt đầu làm với chồng mình. Có thể làm cùng với chồng thì bạn có thể làm cùng ba mẹ chồng. Tiếp theo, có thể làm cùng anh chị em của chồng. Điều này không khó.
Câu tiếp theo:
“Em của chồng mặc dù không cùng huyết thống, nhưng có duyên phận và tình nghĩa sâu dày với mình, nên phải tôn trọng họ. Nếu là một phụ nữ khiêm nhường, hiền thục thì nhất định có thể nương theo đạo nghĩa mà chung sống hòa thuận với gia đình nhà chồng, kính trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Chuyện tốt thì tuyên dương, chuyện xấu thì che giấu đi. Cha mẹ chồng đều sẽ tán thán bạn, người chồng càng tán thán, ngợi khen bạn. Tiếng thơm truyền khắp nơi, Cha mẹ sẽ cảm thấy tự hào” (Phu thúc muội giả, thể địch nhi phân tôn, ân sơ nhi nghĩa thân, nhược thục viện khiêm thuận chi nhân, tắc năng y nghĩa dĩ đốc hảo, sùng ân dĩ kết viện, sử huy mỹ hiển chương, nhi hà quá ẩn tắc, cữu cô căng thiện nhi phu chủ gia mỹ thanh dự diệu vu ấp lân, hưu quang diên vu phụ mẫu).
Mọi người không có bản chữ viết nên nghe có thể tương đối khó hiểu. Nghĩa là nói, bạn dùng tâm thái như thế nào để chung sống với em trai, em gái của chồng. Nếu bạn ỷ thế để nâng vị trí của mình lên tương đối cao, bạn không hiểu được phải tuân thủ chương thứ nhất “Ti Nhược” của “Nữ Giới”, thì bạn sẽ gặp phiền phức. Ở đây nói: “Thể địch nhi phân”. Chỗ này nên đọc là “phần tôn”. Nếu vai vế là tôn quý thì họ tôn quý hơn bạn. Cho nên bạn gọi em trai của chồng là “tiểu thúc tử”, gọi em gái của chồng là “tiểu cô tử”, chị gái của chồng càng không cần nói đến, gọi là “đại cô thư” (chị cả), “nhị cô thư” (chị hai). Người phương Bắc chúng ta đều xưng hô như vậy, đều có thêm một chữ “cô” và chữ “thúc”. Anh của chồng chúng ta gọi là “đại bá ca” (anh lớn). Có thêm chữ “bá” nên vai vế của họ đều cao hơn bạn. Giữa những chữ này có ẩn ý gì vậy? Ý nói, làm con dâu nhà người ta thì phải đặt mình ở vị trí thấp nhất.
Tại vì sao phải đặt mình ở vị trí thấp nhất? Vì sao phải có tâm thái như vậy? Gia tộc này có thể hưng vượng hay không, nền móng của gia đình này có thể giữ vững được dài lâu hay không, muốn tạo phước cho gia đình, xây dựng cơ sở cho gia đình thì người con dâu khi mới bước vào nhà chồng phải đặt mình ở vị trí thấp nhất. Đặt đại địa của mình ở chỗ bằng nhất, ổn định nhất để có thể tiếp nhận mọi thứ lên bề mặt. Bạn phải làm đại địa để có thể dung chứa họ. Nếu bạn không làm đất thì tâm bạn sẽ không bình ổn được, luôn thấy cái này không thuận mắt, thấy cái kia tức giận, vậy thì gia đình này sẽ lộn xộn không yên. Khi bạn chưa được gả về, mọi người vốn dĩ rất tốt, từ khi bạn bước vào nhà thì gia đình này xảy ra đủ thứ chuyện, bạn nghĩ xem, gia đình này liệu có thể hưng vượng được không? Vận mệnh của gia tộc này đều nằm trong tay của người con dâu như bạn, bạn có cần làm rõ cái đạo lý này hay không, có cần tu nữ đức hay không?
Cho nên chương cuối cùng là “Hòa Thúc Muội”, đạo lý trước tiên là phải bắt đầu từ khiêm tốn. Từ “Ti Nhược”, “Kính Thuận”, “Phụ Hạnh” đến “Chuyên Tâm”, nếu tất cả bạn đều hiểu tường tận thì đến đây tự nhiên bạn sẽ muốn đi làm đất. Người đạo đức sẽ biết gánh vác, sẽ nhẫn nhục, nhẫn nhịn, bởi vì đại địa không có phân biệt. Đại địa không nói chỗ này bạn không được dẫm lên, chỗ kia bạn không được khạc nhổ nước miếng, chỗ này bạn không được trồng cái này. Nếu mà như vậy thì đất sẽ trở thành cái gì? Nước trong. Nước trong thì sẽ không có cá, cái gì cũng không thể mọc được, không thể sanh ra vạn vật được. Do đó, hiểu tường tận đạo lý này thì đối với em trai, em gái chồng chúng ta đều có thể giữ được sự khiêm nhường; đối với anh trai, chị gái của chồng càng không cần nói, bạn chắc chắn là người khiêm tốn nhất, và những việc mà người khác không thích làm thì bạn sẽ là người muốn đi làm trước nhất.
Chúng ta xem hai từ “tức phụ” (con dâu). Bởi vì văn tự Trung Hoa là ký tự rất có trí huệ, đều là chữ tượng hình, cho nên tôi tự nghĩ ra là chữ “tức” là phụ nữ, bên cạnh chữ “nữ” thêm một chữ “tức”, ý là dừng lại. Ý nói, bạn gả vào nhà người ta rồi thì những ngày tháng an nhàn khi làm con gái đều phải ngừng lại, dừng lại. Sau đó thì người phụ nữ này phải là “phụ”. Phía sau chữ “phụ” là chữ giản thể của từ cái chổi, tức là bạn phải cầm cái chổi lên lặng lẽ làm việc, làm nhiều nói ít. Mọi người đều không làm, bạn phải làm.
Tôi vừa mới lấy chồng thì đã nhận được đề thi này. Năm đầu tiên tôi kết hôn, cái Tết đầu tiên lúc đó tôi còn trẻ, khoảng hai mươi ba tuổi. Lúc còn ở nhà, vì gia tộc chúng tôi tương đối lớn, bình thường tôi cũng có làm việc, nhưng đến Tết thì đều do trưởng bối của tôi như là cô, thím… làm cơm, làm việc nhà. Nhưng khi lấy chồng rồi, lần đầu tiên khi đến Tết không ngờ tôi phải gánh vác trọng trách này. Mẹ chồng tôi chỉ nói với tôi một câu: “Hôm nay ăn tất niên, nhà mình trước nay đều làm tám món ăn và một món canh, con nấu nhé!”. Tôi không dám nói tôi không biết làm, cũng không dám từ chối, bởi vì từ nhỏ tôi đã được dạy rồi, từng có thầy giáo nói với tôi như vậy, ông bà nội của tôi khá nghiêm khắc, họ dạy tôi tuyệt đối không được cãi lời người lớn. Dù sao thì nhẫn và thuận vẫn có thể làm được, tôi liền vào bếp. Bởi vì là học sinh nên tôi lấy một quyển sổ và viết ra tám món ăn do mình tự nghĩ ra. Món canh cũng không biết nấu, tôi chọn canh gà nấu với cà chua. Sau khi viết xong, tôi ra ngoài và hỏi mẹ chồng tôi: “Mẹ à! Tám món ăn và một món canh này có được không ạ?”. Mẹ chồng tôi không có ý kiến gì, bà nói: “Được! Con nấu đi”.
Tôi nhớ năm đó, hai người chị chồng tôi và chồng của họ, chồng tôi và ba mẹ chồng tôi đều ở trong phòng xem truyền hình, một mình tôi tuổi tác lại còn trẻ, ở nhà lại chưa từng làm qua, cũng không dám nói gì. Tay chân lóng ngóng nên khi làm cá đã làm đứt tay chảy máu phải đi ra ngoài len lén tìm một miếng vải buộc lại, cũng không dám nói với ai. Sau đó, khi thái ớt xanh tôi còn không biết thái thành sợi nhỏ hay cắt thành miếng. Tôi nghĩ hồi lâu rồi quyết định, dù sao cũng không phải là món ăn có công thức nhất định. Thật không dễ dàng gì xào, nấu, hấp. Cuối cùng tôi cũng nấu xong. Sau khi nấu xong thì tôi bày lên bàn ăn, rồi mời ba mẹ chồng lên bàn ăn cơm, nhưng kỳ thực trong lòng cảm thấy rất tủi thân. Sau đó, tôi chạy vào trong nhà vệ sinh khóc. Khóc vì cái gì? Kỳ thực tôi rất nhớ nhà. Tôi nghĩ, nếu tôi ở nhà thì cũng không phải làm những việc này. Sau đó, chồng tôi chạy vào nhà vệ sinh gõ cửa. Tôi vẫn không dám để anh ấy nhìn thấy nên nhanh chóng lau nước mắt. Anh ấy nói: “Tại sao em lại đứng mãi trong này vậy?”. Tôi nói tôi rửa tay gì đó. Anh ấy nhìn ra tôi đã khóc, nên hỏi: “Em làm sao vậy?”. Tôi không dám nói. Tôi nói: “Em có chút nhớ nhà, bởi vì em chưa từng ăn Tết ở bên ngoài”.
Anh ấy khá là hiểu tôi. Cho nên, đến khi nấu ăn tối (tức là đến mười hai giờ trưa còn phải chuẩn bị nấu bữa tối), anh ấy đã gọi hai người chị của anh đến nói là: “Hai chị làm cùng Tịnh Du nhé, cô ấy làm một mình không hiểu rõ lắm”. Lần này lại làm bánh chẻo và vài món khác. Tôi cũng không nói gì. Hai người chị chồng tôi liền xuống giúp tôi làm. Nhưng cái lệ này đã được đặt ra như vậy, cho nên đến hiện tại, các món ăn trong gia đình nhà chồng đều do tôi làm. Nhưng hiện nay tôi rất thành thạo, quen việc rồi, đừng nói tám món ăn, một món canh, mà mười món cũng không thành vấn đề. Tôi nấu rất nhanh là xong.
Bởi vì tôi suy nghĩ, bản thân mình lúc nhỏ đã nhận được nền giáo dục gia đình. Căn bản nhất bắt đầu từ mẹ của mình, từ những phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, họ cho bạn sự hun đúc vô cùng quan trọng. Nếu chính bạn tự mình hun đúc, thì người khác nói một câu bạn sẽ cãi một câu, bạn phải thế này, tôi phải thế kia. Nếu bạn rất được cưng chiều, rất được chiều chuộng, thì sau khi bạn được gả đi làm vợ người ta, bạn sẽ không cách gì thích ứng được với những hoàn cảnh này, đương nhiên cũng không có phước báo, không tích được phước.
Rất nhiều người nói tôi có phước báo lớn, kỳ thực tôi phải cảm ơn mẹ chồng tôi và những người trong gia đình chồng. Tôi cảm thấy, chính họ đã giúp tôi tích phước báo để tôi có cơ hội được bố thí. Chỉ cần mọi người tụ tập lại thì nhất định là tôi nấu cơm, chỉ cần ra ngoài ăn cơm thì nhất định là tôi thanh toán tiền. Luôn như thế nên đã thành thói quen rồi, tôi cũng rất tự nhiên.
Vì vậy, hôm trước giảng bài tôi đã nói qua rồi, hôm nay có lẽ tôi cần nhắc lại một chút về quan niệm phụ nữ cần phải giàu sang là không đúng, mà hoàn toàn sai lầm. Phụ nữ nếu như sống trong giàu sang thì bạn đã làm hại cả đời của họ rồi. Đương nhiên không phải nói nhất định phải để họ chịu khổ, mà phải để từ nhỏ họ có thể nhận được một số quan điểm chính xác. Có thể chịu đựng được một số thất bại, hiểu được cần cù chăm lo việc gia đình, hiểu được đức hạnh sâu dày có thể gánh vác chuyện lớn, hiểu được nhẫn nhục chịu đựng thì đức hạnh của người phụ nữ này sẽ tốt. Cái quan trọng nhất là phụ nữ phải trinh tiết, phải giữ trinh tiết. Điều này có lẽ trong khi giảng bài tôi đã đề cập đến rất nhiều lần rồi. Bởi vì trong xã hội hiện nay giá trị quan về việc này bị lệch lạc, hoàn toàn bị hiểu sai, họ rất xem thường điều này. Đàn ông ở bên ngoài ngoại tình thì đàn bà cũng như vậy. Cho nên khi giảng chương “chuyên tâm”, tôi còn để sót một vấn đề.
Có một cô giáo, khi tôi giảng bài xong liền hỏi tôi: “Anh ta không chuyên thì việc gì tôi phải chuyên chứ?”. Tôi nói: “Vậy anh ta nhảy lầu thì cô có cần nhảy theo hay không? Cô và anh ấy cùng nhảy là được rồi”. Cô ấy liền sững người ra. Tôi nói: “Sự logic này của các bạn bị sai lầm rồi. Anh ấy rõ ràng sai, bạn còn sai giống anh ấy, đó chẳng phải là bạn tự nhảy xuống hầm lửa hay sao?”. Cô ấy nói: “Trong tâm tôi bất bình, trong lòng tôi rất oán hận, không có cách gì hóa giải cơn phẫn nộ này. Tôi muốn báo thù”. Tôi nói: “Cô không phải đang báo thù, mà cô đang lấy lỗi lầm của người khác để trừng phạt mình. Hạnh phúc của cô không nằm ở chỗ chồng cô có ngoại tình hay không”. Cô ấy liền hỏi tôi: “Vậy nó nằm ở đâu?”. Tôi nói: “Tôi nghĩ là cảm giác hạnh phúc của một người không nằm ở chỗ bạn đạt được bao nhiêu, mà ở chỗ bạn so đo bao nhiêu. Nếu bạn so đo càng ít thì bạn càng hạnh phúc, bạn so đo càng nhiều thì bạn càng không hạnh phúc. Cái gì bạn cũng so đo, dựa vào cái gì mà nhà tôi không được như vậy, không được ở trong ngôi nhà lớn?”.
Có một người chính là như vậy. Chúng tôi nghe báo cáo của cô giáo này, cô ấy rất hay so đo tính toán: “Dựa vào cái gì mà tôi không thể sống trong ngôi nhà lớn? Tôi nhất định phải sống trong một ngôi nhà 100m2”. Bởi vì hàng xóm nhà cô ấy đều sống trong ngôi nhà trên 100m2, nên cô phải vay tiền để chuyển đến sống trong ngôi nhà 100m2. Không ngờ sống trong ngôi nhà 100m2 rồi thì không bao lâu người hàng xóm mới của cô ấy lại kiếm được tiền và chuyển sang ngôi nhà 200m2. Trong tâm cô ấy lại bất bình: “Tôi nhất định cũng phải chuyển sang ngôi nhà 200m2. Dựa vào cái gì mà anh ta có thể sống trong ngôi nhà 200m2 chứ?”. Đợi khi chuyển được sang ngôi nhà 200m2 rồi thì họ còn mua nhà để xe, còn có ô tô. “Điều này không được, dựa vào cái gì mà anh ta có thể lái xe còn tôi thì không thể lái xe chứ?”. Cô liền vay tiền để mua xe. Cuối cùng thì toàn thân cô đều là nợ, rất đau khổ không trả nổi tiền, đi đâu cũng bị người ta đòi nợ. Người phụ nữ này do cái tâm bất bình, đố kỵ, tâm hư vinh mà đã hại bản thân mình rất thê thảm. Tôi đã nói chuyện với cô ấy: “Nhà nhỏ chẳng phải cũng rất tốt sao? Chí ít cô có thể ít phải quét dọn, cô có thể không cần dùng nhiều thời gian như vậy để dọn dẹp”. Cô ấy nói: “Lúc đó tôi không nghĩ nhiều như vậy, tôi chỉ muốn so sánh với người khác, tranh với người ta, so đo với người ta”.
Cho nên, con người đừng nên so đo với bất cứ ai, đặc biệt là chồng mình, đừng so đo với anh ấy. Bạn quản tốt chính mình, bạn tin chắc điểm này thì bạn sẽ tốt, mọi thứ bên cạnh đều sẽ tốt. Bạn nói bạn không giữ trinh tiết, vậy đàn ông làm sao có thể giữ trinh tiết chứ? Tâm dâm của bạn còn vọng động, vậy mà bạn lại hy vọng chồng mình là một người đoan chánh thì không thể được. Cho nên, bạn phải quyết tâm quản lý tốt bản thân mình thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ dần dần chuyển đổi. Bạn phải tin chắc điểm này. Câu nói này không sai, đây là chân lý không hề thay đổi. Bản thân chỉ cần tốt thì bên ngoài nhất định sẽ tốt.
Năm nay đến sinh nhật của mẹ tôi, chị hai của chồng tôi vì muốn cảm ơn mẹ tôi nên đã đặc biệt gọi điện thoại cho mẹ tôi nói là: “Dì à! Cả nhà con đều vô cùng cảm ơn người con dâu như Tịnh Du. Đến sinh nhật của dì con sẽ mua bánh sinh nhật tặng dì”. Mẹ tôi rất vui. Lần đầu tiên ăn bánh sinh nhật không phải do con cái của mình mua nên khi ăn bánh sinh nhật mẹ tôi rất vui, rất hạnh phúc. Tết năm nay, bởi vì tôi viết thư cho nhân viên, tôi cũng không ngờ rằng sau khi ăn Tết xong trở lại là ngày mười lăm, tất cả nhân viên trong công ty đã giấu tôi lấy tiền mua cho mẹ tôi một bộ quần áo, còn viết một bức thư. Tôi không biết chuyện này. Khi mẹ tôi nhận được quà và thư, bà cũng rất vui và bật khóc. Mẹ tôi liền gọi điện thoại cho tôi nói: “Nhân viên của các con thật tốt!”. Mẹ đã đọc cho tôi nghe bức thư đó. Tôi nói, kỳ thực con người đều là như vậy. Suy mình ra người, đặt mình vào hoàn cảnh người khác để suy nghĩ, bạn không cần cầu mà tự nhiên sẽ có được. Bạn làm như vậy, bạn nói xem có phải là “tiếng thơm truyền khắp nơi, ba mẹ sẽ cảm thấy tự hào” không? Bạn nhất định sẽ làm ba mẹ cảm thấy tự hào, cảm thấy vui mừng, cảm thấy hạnh phúc. Bạn không cần phải tự khoe khoang, mà bắt đầu từ thiện tâm, thiện niệm, thiện hạnh của bạn phổ rộng khắp tất cả mọi người bên cạnh mình. Tâm càng lớn, thiện niệm càng rộng, thì sự hồi báo càng ngày càng nhiều. Đạo lý này không phải chỉ thích hợp với tôi, mà nó thích hợp với mọi người. Chúng ta tỉ mỉ mà thể hội, khi con trai, con gái của họ có thể “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, thì người cảm thấy vinh dự nhất chính là cha mẹ của họ. Sự vinh dự đó không phải ở chỗ bạn cho họ bao nhiêu tiền. Bạn nói: “Tôi có thể mua một số thứ về làm cha mẹ vui vẻ một chút”. Đó gọi là dùng vật chất để kích thích, nó sẽ không thể lâu dài được.
Thông qua mặt trái để khuyên can, chúng ta sẽ nhìn thấy Tào Thái Cô đã viết như thế này: “Nếu là một người phụ nữ ngu si, sẽ ỷ thế mình là chị dâu nên cao ngạo với em trai chồng, ỷ thế mình được chồng yêu chiều nên kiêu ngạo với em gái chồng. Bạn có cái tâm ngạo mạn, tự đại này thì không cách gì chung sống hòa thuận được, ân nghĩa cũng không, làm gì còn danh thơm chứ” (Nhược phu ngu xuẩn chi nhân, vu thúc tắc thác danh dĩ tự cao, vu muội tắc nhân sủng dĩ kiêu doanh, kiêu doanh kí thí, hà hòa chi hữu, ân nghĩa ký quai, hà dự chi trăn).
Ở đây nói, người phụ nữ ngu xuẩn là như thế nào? Đặt mình ở vị trí rất cao so với em trai chồng, không để em trai chồng trong mắt; đối với em gái chồng thì rất kiêu ngạo, ngạo mạn kiêu căng. Cuối cùng thì ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa của người phụ nữ này đều mất hết. Chúng ta đều biết là không được phạm chữ “kiêu” này. “Kiêu” chính là ngạo mạn. Nhà Nho nói: “Ngạo bất khả trưởng”. Làm sao để có thể không trưởng dưỡng tâm ngạo mạn? Tôi xin chia sẻ với mọi người một vài thể hội của chính tôi.
Ví dụ, trước đây tôi không biết tôi là người ngạo mạn. Người ngạo mạn thì bản thân họ không hề hay biết, họ không cảm thấy mình ngạo mạn. May mà tôi tương đối may mắn, bản thân phước báo hiện tiền, có thiện tri thức đến nhắc nhở: “Cô rất ngạo mạn mà cô vẫn không hay biết. Cô đã đi đến vách núi cao, sắp rơi xuống rồi mà cô vẫn cảm thấy chính mình tất cả đều rất tốt”. Lúc đó, khi vị thiện tri thức này nói với tôi thì tôi rất kinh ngạc, phản ứng đầu tiên của tôi là họ nói không đúng. Phản ứng thứ hai là người này rất được đại chúng tán thán, vậy mình nên suy xét lại một chút, xem rốt cuộc vấn đề của mình nằm ở đâu? Tôi bắt đầu phản tỉnh lại chính mình. Thật may là tôi có một chút thiện căn như vậy nên sớm có cơ hội phản tỉnh lại chính mình. Cuối cùng tôi hiểu rõ, trong những tập khí xấu của con người như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thì bạn luôn có một tập khí khá nặng. Nếu không tin thì bạn hãy tự mình tỉ mỉ mà suy ngẫm xem. Bạn nói tôi chưa bao giờ nổi giận, nhưng bạn nghĩ xem tâm tham của bạn có nặng hay không? Bạn nói con người tôi không tham, cũng không nổi giận, bạn nghĩ xem tâm ngạo mạn của bạn có nặng không? Luôn có một tập khí rất nặng. Bạn hãy lấy tập khí nặng nhất ra mà xem bệnh để cho thuốc. Làm sao để cho thuốc? Hãy đem ý niệm này của bạn phá bỏ đi. Phá mê mới có thể khai ngộ.
Lúc đó, tôi đã thỉnh giáo một vị thiện tri thức khác. Tôi hỏi thầy: “Con người tại sao lại ngạo mạn?”. Thầy nói là do học vấn nông cạn, học vấn thâm sâu thì khí chất tự nhiên tao nhã, bình hòa; học vấn nông cạn thì giống như ếch ngồi đáy giếng vậy, họ tự cho rằng mình học được rất nhiều, rất cao. Đây là vấn đề của tôi. Bởi vì sau khi tôi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, vốn dĩ có thể học lên tiến sĩ nhưng tôi không học nữa, tôi nghĩ mình đã học khá nhiều rồi, tôi lại có thể đọc sách nên tri thức rất phong phú.
Tri thức không có quan hệ gì với đức hạnh, với sự tu dưỡng, sự giáo dưỡng của con người cả. Cha tôi từng nói: “Ba mươi năm trước ba đã biết đến “Đệ Tử Quy” rồi, nhưng ba chỉ đơn giản xem đây như một quyển sách tri thức để xem, ba không ngờ lại là một lời răn dạy để tu thân như vậy. Ba đã sớm biết “Đệ Tử Quy”, nhưng hiện tại quay đầu nhìn lại mới biết thì ra quyển sách này dùng để làm chứ không phải dùng để đọc”.
Sau này, tôi đã đối trị tâm ngạo mạn như thế nào? Học vấn có phần ưu tú thì thường nghĩ vẫn còn nông cạn. Bạn làm sao có thể chân thật làm được việc nghĩ mình học vấn còn nông cạn? Bạn phải thường xem, thường nghe đĩa giảng của các vị thiện tri thức. Bạn nhìn cảnh giới của họ, trình độ tri thức của họ, những việc mà họ làm cao sâu hơn bạn rất nhiều, vậy thì tâm ngạo mạn của bạn sẽ từng chút giảm xuống, bạn không ngạo mạn nữa, trước mặt luôn có một tấm gương tốt, còn chính mình luôn là rất kém.
Còn một điều nữa, tôi xin lấy ví dụ như là bố thí. Tôi thường xuyên gặp một số cơ hội như thế này. Ví dụ như lấy một khoản tiền làm hoạt động này, làm hoạt động kia. Tôi đã khuyên giải bản thân như thế nào? Tôi đã nghĩ, sau này trong những hoạt động này tôi đã nói rõ số tiền này thực sự không phải của tôi mà chỉ là họ chuyển đến và tôi dùng thay họ mà thôi. Trên số tiền đó cũng không viết tên của tôi, mà là tiền của đại chúng tập hợp lại ở chỗ tôi. Tôi lấy số tiền này dùng như thế nào? Nếu dùng cho chính bản thân tôi thì đều là tạo nghiệp, nên lấy số tiền này để tích công lũy đức. Thay ai sử dụng vậy? Thay chủ nhân trước đây của số tiền này. Tôi dùng giúp họ. Họ có lẽ không có cơ duyên này, không có cơ hội này nên tôi giúp họ làm, vì bản thân tôi làm rất dễ dàng, chứ không có liên quan gì với tôi cả. Mỗi lần tôi đều dùng cách nghĩ này để suy nghĩ. Nghĩ nhiều rồi thì bạn sẽ nghĩ, khoản tiền này thực sự không có liên quan gì với mình cả, chúng ta chỉ dùng thay cho họ một chút thôi. Sinh không mang đến, chết cũng không mang đi. Khi tôi sinh ra không mang theo tiền; lúc đến trần trụi, khi chết cũng không mang đi được, vì vậy đừng khăng khăng cho rằng số tiền này có quan hệ gì với mình. Số tiền này không có quan hệ gì với mình hết.
Tôi xin lấy một ví dụ khác như phóng sinh. Tôi phóng sinh tương đối nhiều, vì trước đây sát nghiệp rất nặng, nên đặc biệt tôi thường xuyên phóng sinh ở bờ biển Đại Liên. Bạn phóng sinh nhiều, việc thiện bạn làm lâu rồi thì sẽ dễ dàng khởi lên tâm ngạo mạn. Tôi đã đối trị tâm ngạo mạn này. Đối với những việc này, tôi ở nhà lấy một quyển sổ viết từng điều để khắc phục mình. Tôi đã nghĩ, đừng nói đời này tôi đã sát hại những chúng sinh này, tôi giơ tay hay bước chân đều có thể dẫm chết những con trùng, kiến và hại những sinh mạng không nhìn thấy cũng rất nhiều. Tôi làm những việc này vẫn còn nợ chưa trả hết thì làm gì còn công đức chứ, làm gì còn chỗ mà kiêu ngạo chứ? Tôi nghĩ mình phải trả nợ. Mỗi lần thả xong tôi đều rất hổ thẹn, trong lòng rất khó chịu vì cảm thấy trước đây đã ăn chúng, giết chúng.
Sống cùng mọi người cũng vậy, bạn làm những việc này thì đừng để bất cứ việc nào vào trong tâm. Tôi không để ở trong tâm, dù chia sẻ với mọi người thì khi chia sẻ xong rồi liền quên đi, một việc tôi cũng không nhớ. Thật đó! Bước xuống bục giảng là tôi quên ngay, không nhớ nữa. Nếu bạn niệm niệm đều nghĩ tôi đối xử tốt với ai đó như thế nào, thì sự ngạo mạn đó của bạn càng tích càng nhiều, tâm ngạo mạn càng ngày càng mạnh mẽ hơn, cỏ dại mọc lan tràn. Những điều này cần phải luyện tập, không ngừng phải luyện tập, đặc biệt là người có tập khí phiền não tương đối nặng như tôi. Phiền não tập khí tương đối nặng phải thường nghĩ đi nghĩ lại, luyện tập đi luyện tập lại. Hiện tại có cơ hội giảng bài cũng đừng để nó trở thành cái mình ngạo mạn. Thật sự là như vậy. Mỗi lần từ giảng đài xuống, bất luận ở đây hay ở nhà, thứ nhất trong tâm tôi luôn vô cùng cảm ân Phật, Bồ Tát, Tam Bảo đã gia trì. Không phải tôi giảng hay, tôi giảng không tốt là do đức hạnh mình chưa đủ, còn giảng tốt là do Tam Bảo gia trì. Thứ hai, tôi vô cùng cảm ơn các thầy cô giáo ở dưới đến nghe giảng, họ đều là Phật, Bồ Tát đến để làm ảnh hưởng chúng, đức hạnh của họ đều tốt hơn tôi. Họ đến để đốc thúc tôi, giúp tôi không giải đãi, giúp tôi tinh tấn trên con đường Bồ Đề. Thật sự, họ không phải đến để nghe tôi giảng, mà là đến để tôi học tập.
Ở Đại Liên có một cô giáo đã nói với tôi là: “Cô Tịnh Du à! Cho dù cô giảng bài chỉ còn lại một người cuối cùng, thì người đó chính là tôi. Bởi vì tôi tin chắc nữ đức có thể cứu dân, cứu thế, cứu nước, tôi sẽ đồng hành cùng cô”. Tôi vô cùng cảm động. Tôi cảm thấy rằng lời nói này không phải của người phàm nói, bởi vì chỉ có Phật, Bồ Tát mới có thể nói được như vậy mà thôi. Cho nên tôi nghĩ, ngồi phía dưới nghe đều là Phật, Bồ Tát, chỉ có mình tôi là phàm phu, vậy thì tôi làm sao có thể ngạo mạn được chứ? Chẳng có gì đáng ngạo mạn cả. Trước đây, tôi đã có cách nghĩ như vầy: “Dù sao thì lúc lên giảng bài là do Tam Bảo gia trì, nên tôi không cần chuẩn bị bài nữa”. Sau khi khởi lên ý niệm này thì tôi không dám nữa, mà tôi rất cung kính ở nhà xem đi xem lại đĩa “Nữ Luận Ngữ” của thầy Chung. Như đĩa thứ nhất là “Tầm quan trọng của nữ đức”, tôi xem rất nhiều lần. Xem thêm một lần thì cảm thấy thể hội lần này lại khác lần trước. Xem thêm một lần nữa, rồi lại xem thêm một lần nữa, tại sao nam nữ lại khác biệt, tại sao “phu nghĩa phụ thính”? Xem một lần thì tôi viết bút ký một lần. Giảng bài cũng như vậy, rất cung kính chuẩn bị bài giảng để xứng đáng với những thầy cô giáo ngồi nghe phía dưới. Có lúc, nội dung bài giảng không phải do tôi chuẩn bị, mà đó chân thật là do Tam Bảo gia trì. Nhưng nếu tâm cung kính chỉ có một phần thì bạn sẽ nhận được một phần lợi ích. Nếu không có tâm cung kính thì ai cũng không gia trì nổi. Cho nên, tâm thành kính và tâm cung kính vô cùng quan trọng. Tôi đã nhắm vào tập khí dễ kiêu ngạo, ngạo mạn của mình để nghĩ cách đối trị, nhưng mỗi người không như nhau.
Chúng ta về nhà nghĩ xem, nếu bạn thật sự muốn sửa thì nhất định sẽ có cách, trừ khi bạn không chân thành. Nếu bạn nói “sửa đổi hay không cũng không quan trọng, đều được cả. Đời này vẫn còn rất dài, tôi vẫn còn rất trẻ, vẫn còn sống rất tốt” thì hết cách.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Ghét một người, đều do không rời được một chữ kiêu”. Người này chỉ cần kiêu ngạo thì hết cứu. Ghét người khác thì không có nhân duyên, bạn giảng bài cũng không có pháp duyên. Cho nên, chúng ta nhất định đừng kiêu ngạo. Bắt đầu luyện tập từ trong gia đình. Đối với người trong nhà không được ngạo mạn, mà phải cung kính.
Năm ngoái, có một lần tôi đã mời chị lớn của chồng tôi đến Thẩm Dương nghe giảng luận đàn văn hóa truyền thống. Lúc đó tôi là người lên giảng bài trên giảng đài. Mặc dù chị cả của chồng tôi học lực không cao bằng tôi, nhưng lúc đó tôi bắt đầu chuyển từ chị ấy, bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến một thầy giáo đã thị hiện cho tôi xem. Thầy rất ngạo mạn với người nhà, nên người nhà không nghe giảng bài, có kéo họ đi cũng không có tác dụng gì, nghe một ngày là họ về rồi. Lúc đó, tôi vì muốn chị cả có thể nghe giảng nên đóng kịch cũng phải đóng. Lúc đầu cũng là diễn kịch, vô cùng cung kính, đi đến đâu cũng chủ động giới thiệu với mọi người: “Đây là chị cả của chồng tôi, chị tu tốt hơn tôi rất nhiều, làm tốt hơn tôi rất nhiều, là cô giáo của tôi”. Chị cả tôi vô cùng vui nên đã nghiêm túc chăm chỉ nghe giảng hết bốn ngày, còn cầm một túi lớn tài liệu đem về. Sau đó, chị chân thật nói với tôi là: “Tịnh Du à! Chị nói thật với em, lần này chị đến đây là có nhiệm vụ. Thật sự mọi người trong nhà mình không an tâm khi em ra ngoài nên chị đến giám sát xem khóa học của em có vấn đề gì không. Nếu như không tốt thì không cần học gì, lập tức về nhà”. Chị nói: “Chị thấy ở đây thật rất tốt!”. Lúc đó, chị đã gọi điện thoại cho chồng tôi để báo cáo tình hình là: “Em cứ an tâm, khóa học này rất tốt! Không chỉ chị cần nghe mà các em cũng cần phải đến nghe”. Sau đó chị lại gọi điện thoại cho mẹ chồng tôi nói: “Mẹ an tâm, việc mà con dâu mẹ làm vô cùng tốt. Họ giảng làm sao để có thể hiếu thuận hơn với cha mẹ đấy, nhất định phải học nhiều. Con nghe mà cứ khóc mãi, trở về con nhất định sẽ cố gắng hiếu thuận cha mẹ”.
Lúc đó, tôi cảm thấy sự cung kính này thật hữu dụng. Thật đấy! Bởi vì tôi chưa bao giờ cung kính như vậy với chị, tôi chỉ muốn chị có thể nghe giảng bài. Tôi cũng không biết chị được phái đến để giám sát tôi, tôi vô cùng cung kính, món ngon đều để dành cho chị. Sau đó, người ta mời tôi lên trên ngồi, bởi vì thông thường thầy cô giáo đều ngồi ở ghế trên nhưng tôi không ngồi mà mời chị lên ngồi ghế trên, còn tôi ngồi phía sau xách túi cho chị. Có lẽ chị chưa bao giờ nhận được sự đối đãi như vậy. Sau đó, chị còn nói nhỏ với các thầy cô giáo khác là: “Cô ấy trước đây không phải như vậy đâu, bây giờ đã thay đổi rồi”. Cho nên, tôi cảm thấy tâm cung kính vô cùng tốt. Lần đó thực sự là diễn kịch, lúc đó tôi rất muốn chị nghe giảng bài, tôi hy vọng như vậy. Tôi nói: “Chị nghe xong bài giảng của cô giáo Cận Nhã Giai, nếu chị không muốn nghe nữa thì chị về cũng được”. Bởi vì lúc đầu chị nói rất rõ ràng: “Chị chỉ đến nghe hai ngày thôi, sau hai ngày chị phải về do không có thời gian. Tài liệu rất nặng nên chị cũng không mang về đâu, chị sẽ về thẳng Trường Xuân”. Tôi nghe rất tức giận. Kết quả, chị đã nghe hết bốn ngày, khóc thút thít, mang về không chỉ một túi tài liệu mà là hai túi, cũng không thấy nặng. Chị nói: “Túi này mang về cho bạn bè của chị, còn túi này thế này, thế kia”. Cho nên, tôi cảm thấy con người thực sự là như vậy, bạn muốn hòa thì bạn sẽ cung kính, bạn không muốn hòa thì bạn sẽ không cung kính. Không phải làm từ người khác, mà làm từ chính mình, bắt đầu từ làm giả bộ. Dù sao thì tôi cũng bắt đầu từ giả bộ, giả mãi sẽ biến thành thật. Giống như lời nói dối vậy, chúng ta có thể nói dối 10.000 lần thì người ta sẽ xem đó là thật. Hiện nay, điều này thật sự là những thứ tốt, nhưng chúng ta giả bộ làm thì dần dần cũng sẽ biến thành làm thật. Đây chính là thể nghiệm của tôi.
Câu tiếp theo là: “Như vậy sẽ ẩn thiện dương ác, cha mẹ chồng sẽ tức giận mà chồng cũng phẫn nộ, lời gièm chê sẽ truyền từ trong nhà ra bên ngoài, bản thân sẽ bị sỉ nhục. Trước thì làm cho cha mẹ đẻ thêm hổ thẹn, sau thì sẽ làm cho người chồng thêm phiền lụy. Đây là gốc của vinh nhục, là gốc của danh thơm hay tiếng xấu, nên làm sao có thể không cẩn thận được chứ?” (thị dĩ mỹ ẩn nhi quá tuyên, cô phẫn nhi phu uấn, hủy tử bố vu trong ngoại, sỉ nhục tập vu quyết thân, tấn tăng phụ mẫu chi tu, thoái ích quân tử chi lụy, tư nãi vinh nhục chi bổn, nhi hiển phủ chi cơ dã, khả bất thận dư).
Hai đoạn này là sự khuyên can trên mặt phản diện. Ý nói, bạn đem những cái tốt đẹp, cái chân thiện mỹ của đối phương ẩn giấu đi, còn cái xấu của họ đi đâu bạn cũng rao truyền thì sẽ như thế nào? “Cô phẫn nhi phu uấn”, nghĩa là mẹ chồng sẽ tức giận, mà chồng cũng phẫn nộ. Tại sao lại cưới về một ngôi sao chổi như vậy, con dâu phá của như vậy?
Tôi nhớ lúc tôi mới về nhà chồng, lần đầu tiên bước vào cửa nhà mẹ chồng, bà rất nghiêm nghị, rất nghiêm túc, không để ý đến tôi mà cứ ngồi ở trên giường chơi tú lơ khơ. Tôi cũng không hiểu. Bà cứ ở đó chơi, chơi xong thì mặt mày tươi cười rạng rỡ. Tôi nói: “Mẹ à! Mẹ đang chơi cái gì vậy ạ? Cái này rất hay ạ”. Bà nói: “Mẹ đang bói xem con là người như thế nào khi bước về nhà này”. Tôi nói: “Cái này có thể bói được ạ?”. Bà nói: “Mẹ sợ sao chổi. Mẹ bói rồi. Quân thứ nhất bói là thần tài, con có tài. Quân thứ hai lật lên là thần hỷ, tức là con có thể làm mọi người vui vẻ. Quân thứ ba là thần quý, dự đoán con trai tôi tương lai có thể làm quan”. Trong lòng tôi nghĩ: “Mẹ thật là mê tín”, nhưng lúc đó tôi rất cảm ơn quân tú lơ khơ đó. Tôi nói: “May là lật phải ba quân tú đó, nếu cuối cùng lật phải thần xui xẻo thì xong rồi”. Cho nên, lúc đầu ấn tượng của mẹ chồng đối với tôi cũng không tệ. Mặc dù rất nghiêm khắc, nhưng bà luôn tin là đứa con dâu này không thể thay đổi. Cho nên, rất nhiều lần mẹ dặn dò chồng tôi là: “Con có tìm bảy cô tiên nữ về mẹ cũng không cần, một cô con dâu này là được rồi”. Đương nhiên, bản thân tôi cũng phải làm tốt. Bản thân không làm tốt, khiến mẹ chồng luôn không vui thì bà sẽ đến phàn nàn với con trai.
Cho nên, chúng ta nên phải làm thần tài trong nhà. Làm sao để có tiền tài? Có đức thì sẽ có tiền tài, đức là gốc của tài. Cho nên, tu nữ đức thì việc đầu tiên là tài vận trong gia đình bạn sẽ bắt đầu chuyển đổi. Đây là sự thật, không phải giả, không phải mê tín. Chồng tôi rất xúc động nói: “Chỉ cần em tâm bình khí hòa, em không tức giận, không nóng giận, thì anh ra ngoài đàm phán vô cùng thuận lợi, làm chuyện gì thành công chuyện đó. Nếu em ở nhà tức giận, không vui, nói chuyện cáu gắt với anh, thì anh đi bàn chuyện sẽ không được, ra ngoài bàn chuyện gì là thất bại chuyện đó, anh không dám nói nữa, dứt khoát không bàn chuyện nữa, mà đi nghỉ ngơi”. Tôi nói: “Chuyện này linh như vậy sao?”. Thật sự chính là như vậy.
Hôm đó tôi nói, phụ nữ là “định hải thần châm”, là báu vật trấn biển ở trong nhà. Nếu như bạn bị Tôn Ngộ Không lấy mất báu vật trấn biển thì bạn xong rồi. Tôn Ngộ Không là ai? Chúng ta biết Trư Bát Giới đại biểu cho tham, Sa hòa thượng đại biểu cho si, Tôn Ngộ Không đại biểu cho sân, hay nổi giận. Hễ nổi giận là xong rồi, báu vật trấn biển sẽ mất, bạn động thì biển sẽ bắt đầu nổi sóng. Bạn phải làm thần tài, thần hỷ trong nhà, cho nên phải cười thật nhiều.
Ví dụ mà cô giáo đó thị hiện rất hay, không cười nên thường bị chồng đánh. Phương thuốc đối trị của thầy Lưu Thiện Nhân cũng rất hay, cười là được rồi. Không cần những thứ khác mà chỉ cần cười nhiều. Đó là nụ cười phát ra từ nội tâm chân thành, bạn chân thành yêu gia đình từ tận đáy lòng, yêu thương những người già trong gia đình này. Chẳng phải nói: “Nhà có một người già thì hơn có của báu hay sao?”. Người già còn tốt hơn của báu. Bạn nghĩ xem, gia đình nếu có bốn người già là ba mẹ chồng và ba mẹ của mình thì chính là đã định sẵn bốn bảo bối cho bạn rồi. Vậy thì bạn phải cầu bốn vị trưởng bối này nhất định phải sống lâu, phải sống mạnh khỏe, sống an vui. Đó là phước báo và phước khí của bạn, cho nên bạn phải đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình, không được nổi nóng.
Trước đây tôi rất hay nổi giận, đặc biệt là sau khi kết hôn. Trước khi kết hôn thì không dám nổi giận. Sau khi kết hôn, bởi vì chồng tôi vẫn còn khá nuông chiều, nếu anh ấy nghiêm khắc một chút thì tốt rồi. Có lúc cũng nổi giận một chút, nhưng chồng tôi không bao giờ nổi giận, cho nên có một lần tôi đã tổng kết về chồng tôi là: “Vì sao anh có thể kinh doanh lớn như vậy? Chính là nhờ một chữ nhẫn, một chữ khiêm. Chỉ có khiêm tốn mới được phước”. Đến đoạn kết chúng ta sẽ nói đến điều này.
Bạn phải làm quý thần trong nhà. Làm thế nào để có thể quý? Không phải nói địa vị của bạn cao bao nhiêu hay bạn là vợ của quan chức, mà là bạn được mọi người yêu kính, tôn trọng, đó mới là quý. Phú nghĩa là bạn biết đủ. Bạn không biết đủ, thì dù nhà có bạc triệu bạn cũng không phải phú, mà là nghèo. So sánh với người có mười tỷ, tôi mới có một tỷ, cho nên biết đủ là phú. Được người tôn kính, yêu kính là quý. Đây là phú quý, nên cần phải làm như vậy. Hơn nữa, nó cũng chính là cái gốc của vinh nhục. Phải hiểu được cần làm như thế nào, nếu không thì bạn sẽ làm cho cha mẹ hổ thẹn, cũng không làm tròn được hiếu đạo, chính mình cũng không thể lập thân mà bản thân còn có phiền lụy. Đây là việc cần hết sức cẩn thận, là việc đại sự.
Đoạn cuối cùng chúng ta giảng là phần tổng kết.
“Nếu muốn có được tâm yêu kính của em trai, em gái chồng thì chỉ cần làm được khiêm thuận. Khiêm là cội gốc của đức hạnh, thuận là nguyên tắc làm việc của phụ nữ. Có thể làm được hai điều này thì đã đủ để gia đình hòa thuận rồi. Kinh Thi nói: Bên này không có tâm chán ghét, bên kia không có tâm đố kỵ, chính là đạo lý như vậy” (Nhiên tắc cầu thúc muội chi tâm, cố mạc thượng vu khiêm thuận hỹ, khiêm tắc đức chi bính, thuận tắc phụ chi hành, tri tư nhị giả túc dĩ hòa hỹ. “Thi” vân: Tại bỉ vô ác, tại thử vô xạ, thử chi vị dã).
Chúng ta học đến cuối cùng, Tào Thái Cô đã đem lời nói quan trọng nhất, lời chính yếu nhất nói với chúng ta. Rời khỏi nơi đây mà chúng ta nhớ được một câu này thì chúng ta được thọ dụng cả đời. Đó là câu: Khiêm là gốc của đức, khiêm là gốc của nữ đức.
Chúng ta nói phải nắm chắc chỗ trọng yếu, đây chính là gốc. Thuận là hành vi chuẩn tắc của phụ nữ, hiểu được thuận chính là bạn hiểu được tất cả hành vi của mình cần phải làm như thế nào. Trong đây có đạo lý rất sâu.
“Chỉ có khiêm mới được phước”. Đây là lời nói trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Bạn xem, “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng dạy như vậy, bạn hiểu được lập mệnh, bạn hiểu được sửa lỗi, bạn hiểu được tích thiện, hiểu được làm sao có thể đem phước báo này tích lũy lại. Chương cuối cùng trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” là: “Hiệu quả của khiêm đức”. Hiểu được khiêm tốn, hiểu được khiêm nhường, thì những phước báo này của bạn mới có thể tích lũy lại, mới có thể tiếp nhận, mới có thể hưởng được, nếu không thì toàn bộ đều mất hết. Giống như đáy ly bị rò rỉ vậy, dù bạn sửa lỗi chỗ này, chỗ kia cũng là đang tích thiện, nhưng phía dưới vẫn bị rò rỉ hết.
“Tự mãn thì bị tổn hại, khiêm tốn thì được lợi ích”. Chúng ta học nữ đức phải bắt đầu học từ khiêm. Khiêm tốn học như thế nào? Nói thẳng ra là không đối lập với tất cả người, với tất cả việc, với tất cả vật, nhìn cái gì cũng thuận mắt. Chỉ cần người này, việc này đến trước mắt tôi thì nhất định đều là chuyện tốt, nhất định là người tốt. Bạn phải luôn giữ ý niệm này. Vì sao vậy? Người có duyên mới đến, cho nên bạn phải quý tiếc duyên, tùy duyên, trân quý duyên phận này. Duyên phận có hai loại, đó là ác duyên và thiện duyên. Thiện duyên của chúng ta đến rồi thì nhìn tất cả đều thuận mắt. Đó là tăng thượng duyên của chúng ta, chúng ta nên cảm ơn. Chúng ta phải cố gắng chuyển nó thành pháp duyên. Làm sao để chuyển? Không tham luyến vào việc bạn tốt tôi tốt, mà niệm niệm đều sống trong Phật Pháp, trong giáo huấn của Thánh Hiền. Nếu là ác duyên, đây là nghịch tăng thượng duyên, cũng phải trân quý nó, cảm ơn nó đã đến giúp bạn thành tựu, đức hạnh của bạn cũng nhờ đó mà thành tựu. Nói tóm lại, tôi cảm thấy càng là nghịch duyên thì bạn càng có phước, nó giúp bạn tiêu nghiệp. Nghiệp không tiêu thì phước báo làm sao có thể hiện tiền được? Cho nên người hủy báng bạn, người chửi bạn, người chọc phá bạn đằng sau lưng, người giày vò bạn đều là người tốt, không có ai là không tốt.
Từ năm ngoái đến năm nay, tôi đã trải qua rất nhiều việc, có lẽ mười năm trước tôi đều chưa trải qua nhiều như vậy. Bởi vì mọi việc ở trong nhà đều rất tốt, không phức tạp như vậy, làm nhiều một chút hay làm ít một chút cũng không vấn đề gì, nhưng từ năm ngoái, đột nhiên bước vào một thế giới to lớn, nhiều việc quan trọng khiến tôi có chút hoa mắt. Trải qua rất nhiều việc, lúc thế này, lúc thế kia, vô duyên vô cớ bị người ta chửi mắng một trận; rõ ràng người này vừa mới khen ngợi tôi, nhưng tôi vừa đi ra thì đã mắng tôi với một người khác, sau đó thì họ kể lại cho tôi nghe. Sau này, tôi thật sự thể hội được tất cả đều là giả, không thể là sự thật. Nếu là sự thật thì dù ở trước mặt hay sau lưng người ta đều khen ngợi. Nếu là thật thì họ sẽ không ở trước mặt thì tán thán bạn là cô Trần giảng rất hay, giảng đại pháp thế này thế nọ, nhưng ra ngoài thì một chút cũng không tốt: “Trần Tịnh Du giảng quá kém”. Sau này tôi hiểu rõ chuyện này, tâm tôi từng chút một thuận theo. Vì sao vậy? Không oán, không hận, vì đều là giả thì bạn oán hận họ làm gì? Thoảng như mây khói mà thôi, nhân sinh như diễn kịch mà. Bạn hát, tôi diễn, trên sân khấu lên lên, xuống xuống, nói tốt cũng là họ, chê dở cũng là họ, chẳng câu nào là thật thì bạn hà cớ gì phải xem đó là thật chứ? Nói lời hay cũng không phải là thật, do vậy bạn không cần động tâm, nghe khen thì hả hê trong lòng.
Sau này, vì sao tôi có thể như như bất động? Bởi vì tôi nghĩ, có lẽ vừa ra khỏi cửa bạn liền mắng tôi, tôi nghe rồi cũng chẳng có gì đáng vui mừng, cho nên trong tâm không có gì để động. Người ta khen tôi, tôi nói cũng tốt, nhưng tự biết bản thân làm vẫn chưa tốt lắm, vẫn phải tu học, thực sự không có gì vui vẻ cả. Tôi vô cùng cảm ơn những thầy cô giáo này, vì họ đều đến giúp chúng ta rèn luyện. Tôi chính là được rèn luyện như vậy, trong cảnh lay động bất định, cuối cùng bản thân không bị lay động lên lên, xuống xuống nữa mà dừng lại ở đây. Dù sao thì bạn lên là việc của bạn, bạn xuống là việc của bạn, tôi vẫn ở đây. Thật sự đằng này thì họ ca ngợi tôi, tất cả mọi người đều khen ngợi tôi, đằng kia thì họ gửi một bức thư điện tử đến mắng tôi tới tấp. Cầm bức thư đó tôi còn nghĩ: “Bức thư này họ viết cho tôi sao? Có lẽ không phải tôi”. Tôi cảm thấy có lẽ không phải tôi, người này rõ ràng đối với tôi rất tốt. Chồng tôi không hiểu Phật Pháp nhưng anh ấy rất có lý trí, có đại trí huệ, anh ấy nói với tôi: “Tâm của em phải có thể định lại, tai cũng phải định lại, miệng cũng phải định lại. Tai không định tức là nhẹ dạ, một chút nghe cái này thì vui vẻ, một lát nghe cái kia lại không vui. Nên nghe cái gì cũng như nhau cả, không cần để ý. Miệng cũng phải định lại, đừng thấy cái này tốt thì khen tốt không gì bằng, còn cái kia không tốt thì không mở miệng nói một câu”. Khi bạn thấy điều tốt cũng không cần quá kích động, khi gặp điều không tốt cũng không cần quá đau buồn. Rốt cuộc thì xã hội này cũng không có nhiều đại Thánh Hiền đến như vậy, cho dù một trăm phần trăm là tối đa nhưng vẫn luôn có chỗ không viên mãn, chúng ta nên như như bất động cùng nhau học tập. Cho nên, đây là chỗ tôi làm chưa được hoàn thiện. Điều này cần phải rèn luyện từ trên sự, bắt đầu luyện từ người trong nhà.
Tôi kiến nghị mọi người có cơ hội thì nên xem bốn bộ sách của Bác sĩ Weiss. Nước ta công khai phát hành bộ sách “Kiếp Trước Kiếp Này”. Tôi không chỉ đọc mà còn mua 100 cuốn tặng cho bạn bè. Ba quyển còn lại tôi đã đặt mua ở Đài Loan, tôi cũng xem hết rồi. Xem xong nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bạn buông xả. Tôi đã nghĩ, có lẽ đời trước cháu gái của tôi chính là con gái tôi, đời này không phải tôi giúp nó mà chính là giúp đỡ con gái mình; đời trước họ có thể là cha tôi, nên tôi phải cung kính họ. Xem xong quyển sách đó, thật sự đời trước đời này biến đổi vô thường. Cái thân này cũng không cần quá xem trọng nó, vì nó luôn luân hồi, quan trọng là làm sao để thoát khỏi luân hồi. Cho nên, có một vị thầy giáo cũng là một đại thiện tri thức đã nói với tôi vô cùng hay: “Chúng ta nhìn không thấu thì chúng ta nhìn lợt lạt đi một chút. Thoáng chốc không nhìn thấu được. Căn tánh hạ liệt thì chúng ta nhìn lợt lạt một chút, đừng chấp trước như vậy thì bản thân sẽ nhẹ nhàng một chút, an ủi mình một chút. Không buông xuống được thì thả lỏng một chút, bản thân cũng không cần căng thẳng như thế: Ây da! Tại sao anh ta lại nói tôi như vậy, anh ta thế nào đó…. Hãy thả lỏng một chút”. Hai câu này tôi nghe được khoảng nửa năm trước, tôi đã nói với rất nhiều người. Tôi càng nói nhiều lần thì tâm tôi càng phai nhạt đi một chút, càng nhẹ nhàng hơn một chút, nhìn lợt lạt một chút. Danh lợi đều như hoa phù dung sớm nở tối tàn mà thôi. Cái gì cũng là phù dung, sớm nở tối tàn, quan trọng nhất chính là đức hạnh của chính mình, linh tánh của chính mình đã được được nâng cao hay chưa? Cái này bạn không có thì đều là giả.
Cho nên chúng ta phải khiêm thuận, đặc biệt là thuận. Chúng ta phải học tùy duyên diệu dụng. Tùy duyên diệu dụng, bạn thuận theo thì rất tự tại, cũng không cảm thấy mình đang thuận theo. Thuận theo thì tự tánh của bạn sẽ hồi phục lại. Cho nên, chúng ta trân quý duyên phận còn phải tùy duyên, đừng phan duyên, phải hiểu được duyên phận. Diệu là trí huệ. Trí huệ và thông minh có khác biệt. Trong trí huệ không có phiền não, không có mảy may oán hận nào cả. Trong thông minh có rất nhiều phiền não. Học thấu suốt đạo lý này, học hiểu một điều chúng ta làm một điều. Không phải nói, những đạo lý này chúng ta đều phải học thông hết, tôi đều phải làm được. Không nhất thiết như vậy. Có lẽ con người tôi khá ngốc, tôi học được một điều thì nghiêm túc làm một điều. Tôi khá là giáo điều.
Ví dụ, tôi nhớ có một lần khoảng năm ngoái, tôi gặp được một quyển sách nhỏ và học được phải kính trọng giấy, quý tiếc giấy có chữ. Sau khi trở về tôi bắt đầu làm. Nhà tôi ở tầng một, tầng hai, tầng ba tôi đều đặt một cái hộp “quý tiếc giấy” và nghiêm túc dặn dò mọi người. Bởi vì một số thứ người ta không giữ lại, ví dụ như tem mác nhỏ, giấy vỏ kẹo có chữ viết, còn có rất nhiều tờ giấy nhỏ có chữ viết tôi đều bóc nó ra. Cả lúc tôi đi công tác, nhìn thấy trên hộp kem đánh răng có chữ viết thông thường tôi đều bỏ vào túi mang về, sau đó bỏ vào thùng giấy, rồi định kỳ mang ra bên ngoài bỏ vào thùng sắt để đốt. Có một lần, hàng xóm đã hỏi tôi: “Tịnh Du à! Nhà cô có văn kiện bí mật gì à?”. Tôi nói: “Chẳng có bí mật nào hết, chỉ là những giấy có chữ này phải quý trọng, không được vứt lung tung, không tùy ý dẫm đạp lên”. Tôi nói: “Đây là quý tiếc giấy có chữ viết”. Cô ấy hỏi tôi vì sao phải trân quý? Bởi vì cô ấy làm kinh doanh, nên tôi thuận miệng nói: “Vì nó có thể giúp nhà cô phát tài. Cô chỉ cần không chà đạp giấy có chữ viết thì con cái cô sẽ rất thông minh, sau đó thì thần minh sẽ bảo vệ cô, tài vận rất tốt”. Cô ấy nói: “Vậy phải làm như thế nào, cô nói qua cho tôi nghe một chút?”. Tôi liền lấy cuốn sách nhỏ đó đưa cho cô ấy và nói: “Cô cứ y theo trong sách mà làm”. Tôi nói: “Thùng sắt tôi có thể tặng cô một cái”. Cho nên, có lẽ bản thân tôi thuộc kiểu người khá là nghiêm túc. Thông thường, tôi học được một điều thì sẽ làm một điều, chưa học được thì thực sự bản thân cũng không làm được. Nhất định còn có rất nhiều thứ tôi vẫn chưa làm được.
Hiện nay học nữ đức cũng vậy, tức là học từng biến theo “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, học một điều tôi rập khuôn bắt chước làm theo một điều. Lúc đầu làm sẽ không giống lắm, làm dần dần, làm nhiều rồi sẽ giống.
Hôm nay thời gian đến rồi, chúng tôi giảng “Nữ Giới” đến đây đã viên mãn. Hy vọng mọi người trở về sẽ cùng nhau hoằng dương nữ đức, lấy mình làm gương, làm một người vợ tốt, một người vợ hiền. Tôi nguyện đem tất cả công đức giảng bài hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho tất cả những phụ nữ khổ nạn, hồi hướng cho tất cả anh linh bị phá thai, hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Cuối cùng, tôi vô cùng cảm ơn các vị đại đức, thầy cô giáo, các vị đại Bồ Tát đã ở đây mấy ngày này để thành tựu cho khóa học nữ đức này. Vô cùng cảm ơn mọi người! Cũng xin đem tất cả công đức hồi hướng cho các thầy cô giáo ngồi tại nơi đây! A Di Đà Phật!
Trân trọng kính mời Quý vị nghe giảng bằng bản mp3