Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 49) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 49: Gắng hộ niệm thiện căn trong tâm của chính mình, hãy làm một người sáng suốt.

Giảng ngày 15 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta thâm nhập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là cắm gốc đức hạnh của chúng ta. Tức là trồng thiện căn trong tâm của chúng ta, có thể không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi. Tu hành quan trọng nhất là sửa tâm, điều chỉnh tâm trạng sai lầm thành chân thành, từ bi, thanh tịnh, bình đẳng. Chúng ta hãy xem câu kinh: “Kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc; kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất”.

Nhìn thấy người khác có được, chúng ta thường dễ sanh ra tâm đố kị, không chịu được người khác tốt, giống như trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có nói rằng “thấy người vinh quý, mong bị vùi dập; thấy người giàu có, mong bị phá sản”, “thấy người tài đáng để khen ngợi thì lại chèn ép”, điều này đều là tùy thuận tâm trạng và tập khí sai lầm.

Chúng ta thử nghĩ xem, con người lẽ ra nên “thấy người được, như mình được, thấy người mất, như mình mất”. Trước đây chúng tôi đã nhắc qua, khoa học gia đã làm thí nghiệm, khi thấy người ta bị rớt đồ gì đó, em bé rất chủ động, “thấy người mất, như mình mất”, em vội vàng cầm lên đi trả cho họ; bạn của em bị ngã té xuống, em còn khóc trước bạn mình. Vốn dĩ nên có tâm trạng (tâm thái) xem người khác và mình là đồng một thể như vậy mới đúng, nhưng dần dần căn nguyên xuất hiện ở đâu? Ở tâm tham. Tâm tham rồi sẽ hy vọng mình có được, hy vọng mình được nhiều, nhìn thấy người khác có nhiều thì trong tâm sẽ không vui. Cho nên tham là căn nguyên của tập khí này. Dần dần tâm tham sẽ biến thành làm trở ngại điều tốt của người, làm trở ngại không cho người khác có được, vậy sẽ biến thành đố kị khi người ta có được, hoan hỷ khi người ta mất mát, là cười trên nỗi đau của người khác.

Tu đạo là sửa tâm, điều quan trọng nhất là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Nhìn thấy người ta được, tùy hỷ trợ giúp, thành tựu việc tốt của người; nhìn thấy người ta mất, mau mau giúp đỡ, mau mau hóa giải những khốn khó của người ta, như vậy là đúng rồi. Chúng ta học Phật, trên thực tế là làm một người sáng suốt. Người ta vì sao có thể có được? Là do họ tu mà có. Vậy thì không có gì đáng để đố kị. Chúng ta đố kị đạo đức, học vấn, tài hoa của người ta, thật ra đạo đức, học vấn cũng là do tu mà có, không có gì đáng để đố kị. Nhìn thấy người ta có đạo đức học vấn, phải nên càng khích lệ bản thân mình noi gương người ta.

Có một công án, tiên sinh Hoàng Đình Kiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu, ông đã từng liên tục nằm mơ thấy ông đang ăn mì rau cần. Bởi vì giấc mơ quá rõ ràng, ông dứt khoát đi tìm cái nơi trong giấc mơ đó. Ông tìm thấy một ngôi nhà, ông gõ cửa, người mở cửa là một bà cụ. Sau khi tìm hiểu xong, bà cụ này có nói rằng, mấy ngày trước là ngày giỗ của con gái quá cố của bà, và người con gái này đặc biệt rất thích ăn mì rau cần, cho nên mỗi khi đến ngày giỗ bà nấu mì rau cần cho cô ăn.

Câu chuyện kể tới đây, Hoàng Đình Kiên là ai? Là con gái của bà cụ này, cô đã qua đời và lại chuyển thế. Tiên sinh Hoàng Đình Kiên, người học trò trước đây đối với giáo huấn của Nho Đạo Thích đều có đọc qua, liền biết rõ, thì ra đây chính là người mẹ kiếp trước của mình. Sau đó bà cụ này lại nói rằng, con gái của tôi đặc biệt thích đọc sách, viết văn chương, anh xem mấy sách đó chính là sách trước đây nó xem, còn có cả văn chương nó viết, đã khóa lại rồi, tôi cũng không cách nào lấy được. Khi nghe nói tới đây, tiên sinh Hoàng Đình Kiên hình như đã khôi phục lại ký ức, liền đi tìm ra được cái chìa khóa. Mở ra rồi lấy ra mấy bài văn kiếp trước mình đã viết, rất kinh ngạc, cũng ngang với công lực trong đời này của ông.

Người đời sau đọc được công án này đã nói một câu: “Đời này mới đọc sách đã trễ rồi”. Đạo đức học vấn tài hoa của con người là do nhiều đời tích lũy, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Hiểu rõ đạo lý này rồi, người ta sẽ không đố kị người hiền tài, phải noi gương họ. Đố kị người hiền tài là ngu si, đố kị người hiền tài thì cái tâm tánh đó sẽ luôn luôn gắn liền với cảnh giới địa ngục. Biết rõ cái “đắc” của người ta đều là do người ta đã hạ công phu, phải hiểu những đạo lý này rất rõ ràng, sau đó cũng hiểu rõ rằng tâm tánh của mình sẽ chiêu cảm tới quả báo về sau của mình. Khởi lên tâm tùy hỉ để tu hạnh Phổ Hiền thì vãng sanh Cực Lạc; nếu khởi lên tâm đố kị mà làm chướng ngại hiền nhân thì đó là quả báo đọa địa ngục A-tỳ. Cho nên là Cực Lạc hay là địa ngục là do một niệm tâm tánh chúng ta tự mình quyết định. Thường hay suy ngẫm những đạo lý này thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ càng ngày càng cao.

Người vì khởi niệm tham mà có tâm được mất, cái này là căn nguyên của phiền não. Nếu như người không có được mất thì sẽ không có nhiều phiền não tập khí như vậy. Bản thân có được không tham chấp, gọi là “đắc ý dửng dưng”. Bản thân thật sự có được không phải do công lao của mình, phải cảm tạ cha mẹ, cảm tạ tất cả những thầy cô đã từng dạy mình, nhường công lao cho đại chúng, nhường danh cho bề trên, như vậy khi có được thì sẽ không tham chấp, sẽ không đọa lạc. Những lúc có được, người ta dễ đắc ý vênh váo. Vậy khi mình mất mát thì sao? Tuy không được như ý nhưng vẫn ung dung thản nhiên, đừng nên quá buồn lòng, sự việc đã xảy ra rồi, phải đối mặt với nó, phải giải quyết nó. “Việc trước không quên thì sẽ là thầy của việc sau” (Thất bại là mẹ thành công), từ trong đó nhận được giáo huấn thì việc xấu sẽ thành việc tốt. Hơn nữa, cho dù cái mất này không phải mất mát của chính mình, cho dù là bị người ta hãm hại, cũng là việc tốt. Tại sao? Tiêu nghiệp chướng, trả được rồi. Cho nên nếu như thật sự nghĩ rõ ràng về những đạo lý này rồi thì thế gian này có việc xấu gì không? Quý vị đồng nhân đã khai ngộ rồi, thế gian không có việc xấu, cuộc sống tốt đẹp tới rồi. “Mọi việc là việc tốt, mọi người là người tốt”.

Con người nếu như mỗi ngày phiền não rất nhiều, đó là tự chuốc khổ vào thân. Tự mình sống tốt đẹp không sống, cứ phải bị tập khí của chính mình dày vò, đó là hết cách. Cho nên gặp được giáo huấn của Đức Phật, hễ hiểu lý rồi thì lý đắc tâm an, tâm sẽ an trong chánh tri chánh kiến, an trong sự giác ngộ. Cho nên điều vui nhất trong cuộc đời là gì? Làm một người sáng suốt là vui nhất. Sáng suốt triệt để là như thế nào? Hiểu được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới với chính mình là một thể, dùng tâm trạng như vậy để đối nhân xử thế, đó là trạng thái giác ngộ triệt để. Trong lúc này có được kiến giải như vậy, muốn phụng hành Lục Hòa Kính, muốn thực hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên sẽ không khó. Nhất thể mà, người ta được tức là mình được, vui mừng như nhau; người ta mất cũng như chính mình mất vậy, mau mau đi giúp đỡ. Luôn luôn nhắc nhở bản thân khôi phục tánh đức, khôi phục nhất thể, “tự tánh thanh thịnh viên minh thể”.

Trong Vựng Biên đã có nhắc nhở, chúng ta có thể hoan hỷ khi người ta được, không đố kị, như vậy mới không khiến cho tâm địa của chính mình càng ngày càng trầm luân. Và trong sách có nhắc tới mấy câu chuyện, như tiên sinh Địch Nhân Kiệt của thời Đường. Ông rất nhân từ, “thấy người mất mát, như mình mất mát”. Trong lúc ông đang ở Tịnh Châu làm Pháp Tào Tham Quân (quan viên bộ Tư Pháp), vừa hay có một đồng nghiệp bị cử đến một khu vực rất xa xôi, mẹ của anh ấy đã già rồi, trong lúc này ông có thể “người đói mình đói, người chìm mình chìm”. Đồng nghiệp này nếu như bị cử đi đến vùng đó, mẹ của anh ấy đã vừa già vừa bệnh tật, lại tiếp tục lo lắng, có thể sợ bà cụ, cũng sợ người đồng nghiệp này gánh vác không nổi cảnh ngộ như vậy. Ông đã chủ động nêu ra: “Tôi thay anh đi đến vùng đó để làm việc”, Địch Nhân Kiệt lòng dạ rất hiền từ, sau cùng đã làm tới Tể tướng, lưu danh trong sử xanh. Và khi ông nêu ra việc này, vừa hay tiên sinh Lận Nhân Cơ là Trưởng sử trong vùng nghe thấy ông nói như vậy, ngoài việc khâm phục tấm lòng của ông ra, đột nhiên cảm thấy bản thân mình rất hổ thẹn. Bởi vì tiên sinh Lận Nhân Cơ trong lúc đó còn đang có việc xích mích đồng sự trong vùng là Lý Tư Mã. Nhìn thấy Địch Nhân Kiệt dùng tâm trạng như vậy để đối đãi với đồng sự của mình, ông đã sanh tâm hổ thẹn, liền mau đi xin lỗi Lý Tư Mã, đã hóa giải được sự đối lập, hiểu lầm với người đồng sự này. Thật sự là chánh kỷ sẽ cảm hóa tha nhân.

Trong thời đại Xuân Thu chiến quốc, có một vị Tể tướng của nước Yên tên là Tiết Viện, ông nhìn thấy người khác được thì rất là không vui, đố kị; nhìn thấy người ta có mất mát, thì cười trên nỗi đau người khác; hơn nữa chưa bao giờ tiến cử người hiền đức, nhìn thấy người hiền đức liền cảm thấy không thuận mắt, không để họ cống hiến cho quốc gia. Tâm địa của ông ta như vậy chiêu cảm quả báo gì vậy? Một người con trai chết trong lao ngục, những người con trai khác đều tàn phế. “Nhà tích điều bất thiện, ắt có tai ương”, nhân quả là không sai một ly. Về sau học trò của Khổng Tử là Công Minh Tử Cao có giao tình tốt với ông, khuyên ông đúng lúc, hơn nữa còn truyền thụ cho ông Trung Giới Kinh. Sau khi nghe xong, ông lập thệ muốn hối cải, muốn khởi lên tâm tùy hỉ, tâm giúp đỡ người khác. Mặc dù ông quyết chí sửa đổi, nhưng bởi vì trước đây đã tạo ra quá nhiều nghiệp nên sau cùng chỉ còn có một người con trai được sống sót. Những câu chuyện này trong lịch sử đều cho chúng ta lời nhắc nhở rất quan trọng.

Trong Vựng Biên, Đại sư Liên Trì có một đoạn giáo huấn, chúng ta đối mặt với những chuyện được mất của người sự vật trong thế gian, có thể cầm lên được và buông được hay không, cần phải có công phu. Cho nên được mất là do tham, không tham ngũ dục lục trần thì sẽ không có những sự suy tính thiệt hơn, đố kị chướng ngại, thậm chí là chán nản thất chí, những thái độ này sẽ không có. Nếu như quý vị biết “những gì có tướng, đều là hư vọng”, lúc có được thì không tham chấp, lúc mất đi thì cũng không oán trời trách người. Và Đại sư Liên Trì so sánh con người khi đối mặt với những cảnh giới danh lợi tài sắc danh thực thùy của thế gian, có công phu sâu cạn khác nhau. Công phu không tốt cũng giống như có một ngọn lửa, bên cạnh để đống cỏ khô, công phu không tốt cũng giống như cỏ khô vậy, bỗng chốc toàn bộ bị thiêu cháy hết. Gặp phải một số cảnh giới liền không chế phục được tâm trạng của mình.

Cảnh giới thứ hai, giống như cây gỗ vậy, lúc bắt đầu mới cháy thì chưa chắc đã cháy lên được, nhưng mà cứ thổi gió vào nó, nó sẽ cháy bùng lên. Tất nhiên, đừng để cho người ta thổi gió vào, nhất là ngọn gió bên gối, là không được thổi nhất. Tấm lòng con người phải rộng mở, quý vị cứ thì thầm bóng gió bên gối của một nửa kia, làm hư hại tâm trí của họ, nhiễu loạn tâm thanh tịnh của họ, khiến đại sự vãng sanh của họ cũng bị dang dở, vậy thì làm sao thương yêu đối phương được? Thậm chí là một nửa kia bởi vì một số việc mà phải tính toán, phải xung đột, ngược lại, những lúc này mình phải tìm cơ hội dẫn dắt họ mở rộng tâm lượng mới đúng.

Cái thứ ba giống như sắt vậy, đốt không cháy được, nhưng nếu như công lực của sắt không đủ thì có thể sẽ tan chảy mất.

Cái thứ tư, giống như nước vậy, nó không những đốt không cháy được, mà còn thế nào? Lại còn dập lửa. Nhưng mà nước nếu như bị bỏ vô trong nồi thì vẫn sẽ bị nấu tới nỗi toàn bộ bốc hơi. Cho nên “quân tử bất khí” (tâm lượng của quân tử phải rộng lớn, không thể như vật chứa đồ mà thôi), độ lượng rất quan trọng, trong bụng Tể tướng có thể chèo thuyền, việc gì cũng không chướng ngại được.

Sau cùng là cảnh giới của người phải giống cái gì? Giống như hư không vậy, lửa giận không khởi lên được, không khởi tham sân si được. Đây là lời khích lệ của Đại sư Liên Trì đối với chúng ta.

Chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo: “Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường” (Không phơi bày khuyết điểm của người khác, không khoe khoang ưu điểm của chính mình).

Học Phật thì phải học cách lập chí, tất cả suy nghĩ, tất cả lời nói hành vi luôn phải lợi người mà lợi mình, những suy nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm hại người và hại mình không thể khởi lên nữa, khởi nữa gọi là ngu si. Luôn luôn có tâm tĩnh lặng thì lời nói và hành vi, ý niệm sẽ cẩn thận.

Một người trước hết phải biết hộ niệm cho tốt thiện tâm, đạo tâm của chính mình. Chúng ta “chương nhân đoản” (phơi bày khuyết điểm của người khác), tâm của chính mình đã rơi vào sự ngạo mạn, đố kị, sân hận rồi, thậm chí còn là gì? Tham lam, không thấy cái tốt của người, chỉ vì danh văn lợi dưỡng của bản thân mà hủy báng người khác, hãm hại người khác. Cho nên tham sân si mạn nghi, 5 cái độc này là gốc, nên mới biểu hiện ra ở những hành vi “chương nhân đoản” như thế này. Diệt cỏ phải diệt tận gốc, vẫn phải nhìn rõ căn nguyên của vấn đề nằm ở đâu.

“Chương nhân đoản”, nêu ra khiếm khuyết của người ta, chính mình đọa lạc, sau đó còn tạo nghiệt. Nêu cái xấu của người thì kết oán thù, oan oan tương báo, không bao giờ dứt. Hơn nữa, nếu như người bị nêu ra đó là người hoằng pháp lợi sinh, họ là người có rất nhiều lợi ích với đại chúng, chúng ta lại nêu cái xấu của họ, khiến đại chúng đánh mất lòng tin với họ thì điều này sẽ kết tội rất lớn, sẽ chướng ngại pháp duyên của đại chúng. Cho nên sư phụ ngài tại sao lại giảng Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, nhắc nhở người tu đạo chúng ta, ở trong đạo tràng, đừng nên hủy báng người khác, đoạn mất pháp duyên, đoạn pháp thân huệ mạng của người ta, điều này là nghiệp báo ở địa ngục. Cho nên con người phải bình tâm, nhất định phải lợi mình lợi người, không được hại người hại mình.

Kinh Vô Lượng Thọ đã nói “khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, nhắc nhở chúng ta muốn vãng sanh Tây phương, trước hết phải giữ khẩu nghiệp. Bởi vì miệng không thanh tịnh, một ngày sẽ tạo rất nhiều nghiệp, sẽ không giữ gìn được tâm thanh tịnh này, ngoài ra cũng phải luôn luôn nhân hậu, không được hà khắc. Sư phụ nói rằng, người đời này sai lầm lớn nhất là thích phê bình người khác, công kích khiếm khuyết của người khác, đây là tổn âm đức nhất. Trong lúc tạo khẩu nghiệp đều là nhất thời nói cho sướng miệng. Thật ra, cái vui nhất thời đó có thể chiêu cảm tới quả báo hết sức thảm hại. Hủy báng người, nói cái xấu của người, trong Kinh Địa Tạng có nói tới quả báo đó, có lẽ là quả báo ở địa ngục kéo lưỡi.

Phong khí của người thời xưa khá là đôn hậu, đặc biệt nhấn mạnh khẩu đức. Trong kí ức của tôi, hình như ông bà nội tôi đều hay nói là: “Để dành khẩu đức, để dành khẩu đức”. Nhưng bây giờ cơ sở của chúng ta không tốt, ngoài việc thường hay dễ dàng tùy thuận tập khí của mình ra, phong khí xã hội lại là hay ưa thích nói cái xấu của người ta, thậm chí rất nhiều chương trình truyền hình đều xoi mói đời tư của người khác. Bên trong có ác nhân, phong khí xã hội lại là ác duyên, cho nên luôn luôn dễ dàng tạo ra cái quả báo này. Trừ phi có tính cảnh giác cao độ, nếu không muốn không tạo khẩu nghiệp rất không dễ dàng. Phải nâng cao cảnh giác, thường xuyên đọc kinh, nhắc nhở chính mình.

Hơn nữa “chương nhân chi đoản”, chúng ta nhìn thấy chữ “đoản” này là nhớ tới câu “người không phải thánh hiền, làm sao không có lỗi”, cho nên “người có lỗi, chớ vạch trần”, phải đôn hậu bao dung mới đúng. Hơn nữa, chúng ta khi nói cái xấu của người, rất có thể người ta có sai lầm nhỏ, mình nói mãi sẽ biến thành sai lầm lớn, khiến nhân duyên của người ta, thậm chí khiến tiền đồ của người ta cũng bị hủy mất, sự kết oán này sẽ lớn lắm. Cho nên người tu đạo luôn luôn phải có một tâm trạng: Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới, thân khẩu ý không tạo tiếp nghiệp mới.

Hơn nữa, chúng ta ngày nay cảm thấy là rất có thể chúng ta đã nhìn nhầm thiếu sót của người ta. Đệ Tử Quy nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”, không thể quá tin tưởng chính mình. Người ta có thể là đang giúp đỡ họ, là đang khuyến cáo họ, kết quả chúng ta nhìn vào liền không vui, hiểu lầm rồi. Tại sao? “Biết cái xấu của người mình thương, biết cái tốt của người mình ghét, thiên hạ hiếm có vậy”. Chúng ta có quan hệ rất tốt với người này, người khác đang khuyên răn họ, chúng ta có thể còn không vui, cảm thấy họ cái gì cũng tốt, quý vị không thể phê bình. Người ta đang giúp họ, chúng ta còn nhìn sai, còn mắng họ, cảm thấy họ là không đúng. Nhất là những người chưa từng làm lãnh đạo, rất khó cảm nhận được những góc độ này của một người làm lãnh đạo. “Dùng người phải lấy sở trường, dạy người phải chỉ khuyết điểm”, họ muốn giúp đỡ người đó, phải tìm hiểu vấn đề của họ, tuần tự dần dần giúp đỡ họ.

Trong “Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử” cũng có nhắc tới Cam lồ hỏa vương, nữ nhân Phạt-tô-mật-đa, và cả Bà-la-môn Thắng Nhiệt, họ đều là dùng tham sân si để độ chúng sanh, chúng ta chưa chắc gì đã nhìn hiểu được. Rất nhiều việc đừng có vừa nhìn vào liền ra phán đoán, tâm trạng này cũng là ngạo mạn, võ đoán. Luôn luôn phải giữ gìn tốt cái tâm này của mình. Cho nên người xưa nói “đợi đến lúc đậy nắp quan tài rồi mới đánh giá được”, bất luận là đối với một người hoặc là một triều đại, đều không lập tức ra phán đoán. Tại sao? Rất có thể người này khi lâm chung lại hối ngộ thì cũng có thể sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho nên con người đều có thể giác ngộ trong một niệm, chúng ta đừng nên phán đoán, đánh giá người khác tới nỗi hà khắc và chắc chắn như vậy. “Cái người này tôi nhìn thật quá rõ ràng rồi, họ chắc chắn là như thế nào như thế nào đó”, những lời này đừng có nói. Luôn phải từ đầu tới cuối mà tin tưởng rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, luôn phải “thấy người làm xấu, không phê bình, phải cố khuyên”. Bởi vì họ là Phật, khuyên bảo họ chuyển mê thành ngộ là được rồi. “Thấy người làm sai”, họ thật sự làm sai rồi, “không chỉ trích”, chỉ trích có ích gì chứ, sai thì cũng sai rồi, càng chỉ trích chỉ khiến cho không khí đoàn thể đó càng thêm nặng nề, thậm chí là biến thành tất cả đều phê bình, chỉ trích. “Không chỉ trích, phải trợ giúp”, trước hết phải thu xếp ổn thỏa sự việc là điều quan trọng. Sau khi thu xếp xong, ngoài việc không nói cái xấu của người thì hãy khuyên lỗi sai của họ trong phòng riêng, tấm lòng như vậy, sự thiện xảo như vậy, lòng chân thành như vậy, chắc chắn có thể khiến đối phương cảm nhận được, “chí thành cảm thông, đá vàng cũng mở”.

Được rồi. Hôm nay chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!